CHƯƠNG TRÌNH CHUYẾN VIẾNG THĂM ALBANIA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

CHƯƠNG TRÌNH CHUYẾN VIẾNG THĂM ALBANIA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VATICAN: Sáng 31-7-2014 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21-9-2014.

Sáng Chúa Nhật 21-9-2014 lúc 7 giớ rưỡi Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fiumicino để bay sang Tirana, và sẽ tới phi trường ”Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ. Lúc 9 giờ 30 lễ nghi chào đón sẽ diễn ra tại Dinh tổng thổng trong thủ đô Tirana. Sau khi chào thăm và hội kiến với tổng thống tại Thư phòng Xanh, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo Albania. Sau đó lúc 11 giớ Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ và đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại quảng trường Mẹ Têrexa. Lúc 13 giờ 30 ngài dùng bữa trưa với các Giám Mục Albania và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Ban chiều lúc 16 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trong đại học công giáo ”Đức Bà Cố vấn”. Lúc 17 giờ ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào giáo dân trong nhà thờ chính tòa Tirana.

Lúc 18 giờ 30 Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và phái đoàn đại diện các thành viên của các trung tâm bác ái khác trong nhà nguyện trung tâm Betania.

Lúc 19 giờ 45 lễ nghi tiễn biệt sẽ diễn ra tại phi trường quốc tế Mẹ Têrêxa. Máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường lúc 20 giờ và về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 21:30 (SD 31-7-2014)

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

THÀNH PHỐ CAPE: Trong các ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đã viết thư cho Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal, để bầy tỏ tình liên đới với các Kitô hữu Gaza.

Thư mang chữ ký của Đức Cha Stephen Brislin, Tổng Giám Mục giáo phận thành phố Cape, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi. Đức Cha đã nhắc tới chuyến viếng thăm Tòa Thượng Phụ Giêrusalem và giáo xứ công giáo tại Gaza hồi tháng giêng năm nay nhân cuộc họp của Ủy ban phối hợp Thánh Địa.

Đức Cha Brislin viết: ”Chúng tôi đã nhớ tới các câu chuyện kể lại nổi khổ đau, sự nhục nhã và áp bức gia tăng mà anh chị em phải gánh chịu, trong khi các đường lối chính trị toàn vùng khiến cho cuộc sống của anh chị em ngày càng không thể chịu đựng nổi. Hằng ngày chứng kiến tình hình bạo lực gia tăng, chúng tôi muốn bầy tỏ tình liên đới sâu xa, các lời cầu nguyện và dấn thân hợp tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực trên các giới hữu trách để giúp đạt tới một nền hòa bình công bằng và lâu bền.

Với kinh nghiệm chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi chúng tôi biết rằng tình liên đới quốc tế và các cuộc biểu tình lớn là sức mạnh có khả năng thay đổi các tình trạng bất công. Chúng tôi hy vọng rằng sự ủng hộ của chúng tôi trao ban cho anh chị em và toàn Giáo Hội tại Thánh Địa sức mạnh tìm ra niềm hy vọng của sự Phục Sinh trong những lúc khó khăn này. Chúng tôi xin Đức Thượng Phụ chuyển thư này tới tín hữu giáo xứ Thánh Gia tại Gaza, đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu trong chuyến viếng thăm hồi tháng giêng năm nay. Chúng tôi xin bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của toàn dân Nam Phi, cách riêng của toàn tổng giáo phận thành phố Cape (SD 30-7-2014)

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

LUGANO: Ngày 28-7-2014 các Giám Mục Thụy sĩ yêu cầu chính quyền liên bang giải thích và áp dụng các giá trị Kitô vào cuộc sống cụ thể của xã hội.

Thông cáo mang chữ ký của Đức Cha Giacomo Grampa, nguyên Giám Mục Lugano, đại diện các Giám Mục Thụy sĩ, được công bố 5 tháng sau khi chính quyền Liên bang chấp nhận sáng kiến ”chống nạn di cư ồ ạt” do vài đảng phái chính trị đề ra yêu cầu chính quyền hạn chế số người di cư vào Thụy Sĩ ở mức 0.2%, và dành 10% trợ giúp phát triển cho việc kiểm soát sinh sản tại các nước nghèo. Đức Cha Grampa đặc biệt nêu bật sự kiện Thụy Sĩ đã luôn luôn là quốc gia đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, đa văn hóa và có nhiều truyền thống khác nhau. Tại Thụy Sĩ các nền văn hóa tự do và duy xã hội, cải cách và công giáo, thành thị và nông thôn chung sống với nhau. Các giá tri Kitô cho tới nay đã được tháp nhập vào cuộc sống của dân chúng. Nhưng ngày nay chúng bị lèo lái để chống lại kẻ thù, là người khác, người ngoại quốc, người hồi. Nếu từ phía các Giáo Hội, từ phía cộng đoàn Kitô các giá trị này bị hạn hẹp, lập lại và không được giải thích, thì có nguy cơ tạo ra việc đồng hòa tín hữu và nơi những người sử dụng các giá trị đó dể ”bảo vệ các truyền thống kitô” mà không hiểu và không sống chúng. Với hậu qủa là cuối cùng có nhiều Kitô hữu xác tín rằng để bảo vệ Kitô giáo cần phải hạn chế số người nước ngoài vào Thụy Sĩ, hạn chế một số quyền của họ và xây tường ngăn cách… Nạn bài người nước ngoài đã đi tới chỗ lấy việc của các công nhân Thụy sĩ cho người nước ngoài làm với đồng lương rẻ mạt. Sự sợ hãi là một thực tại, nhưng cách thức thắng vượt nó là sự găp gỡ. Nguyên tắc nhìn vào mắt người ăn xin khi bố thí cho họ, cũng có giá trị đối với việc gặp gỡ người nước ngoài, vì như thế là mở rộng cho một viễn tượng khác.

Đức Cha Grampa mời gọi mọi ngưởi chú ý tới ”các người nước ngoài vô hình” không có gương mặt, không thể gặp được, nhưng họ điều kiện hóa cuộc sống chúng ta: đó là các tổ chức tài chánh quốc tế làm sụp đổ các hệ thống kinh tế, bằng cách chuyển vận đi nơi khắc các của cải không do họ làm ra. Đó là các băng đảng tội phạm mua các hàng quán, rửa tiền bẩn thỉu, qua các hiệp hội quốc tế hay điều hành các trung tâm sức khỏe nhưng che dấu dịch vụ mại dâm. ”Loại người nước ngoài đó” chinh phục chúng ta một cách lấn lướt ngấm ngầm: bằng cách ăn trộm lương tâm và văn hóa của chúng ta” (SD 28-7-2014).

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

KHỦNG BỐ VÀ BẤT KHOAN NHƯỢNG LÀ HAI TỆ NẠN TẠI PAKISTAN

KHỦNG BỐ VÀ BẤT KHOAN NHƯỢNG LÀ HAI TỆ NẠN TẠI PAKISTAN

LAHORE: Khủng bố và bất khoan nhượng tôn giáo là các tệ nạn trầm trọng nhất đang gây đau buồn cho dân nước Pakistan. Linh Mục Ynayat Bernard, giám đốc đại chủng viện Thánh Maria tại Lahore đã khẳng định như trên.

Cha cho biết Giáo Hội tại Pakistan đang trả lời cho các thách đố này qua Caritas Isalamabad-Rawalpindi tại miền Bắc trong việc trợ giúp làn sóng người ty nạn trong vùng Bắc Waziristan, nơi xảy ra các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng khủng bố. Chúng tôi muốn hòa bình và Hồi giáo cũng là một tôn giáo hòa bình. Toàn dân Pakistan ủng hộ cố gắng của quân đội nhằm nhổ tận gốc rễ nạn khủng bố. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có một tâm thức hồi taleban, bất khoan nhượng và đầy thành kiến, cần phải thay đổi. Cha Ynayat cũng cho biết trong nhiều trường học Coran và trong các hội đường hồi giáo người ta dậy tín hữu rằng những người không theo hồi giáo là các kẻ bất trung, và người ta nuôi dưỡng sự bất khoan nhượng và bạo lực.

Theo cha, để có thể thay đổi não trạng này cần phải cố gắng củng cố cuộc đối thoại liên tôn. Nhờ sự yểm trợ của nhiều vị lãnh đạo tôn giáo cuộc đối thoại cuộc sống với tín hữu hồi đã được bắt đầu. Cha nói chúng tôi tổ chức các cuộc găp gỡ và các biến cố để cho thấy những gì là chung cho mọi người. Các lời nói và cử chỉ này có ảnh hưởng trên xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây cầu và gieo vãi hạt giống để chúng có thể nẫy mầm giúp thay đổi não trạng. Trong các trường học, sách giáo khoa và chương trình học người ta cũng thường có thành kiến đối với các nhóm thiểu số. Nhưng điều quan trọng là phải luôn luôn đối thoại với các giới lãnh đạo dân sự và tôn giáo (FIDES 28-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Thánh Inhaxiô, Tổ Phụ Dòng Tên

 Thánh Inhaxiô, Tổ Phụ Dòng Tên

Từ Lộ Đức (Pháp) đến Burgos (Tây Ban Nha) hơn 400km. Tại Burgos có Đền Thánh Loyola nổi tiếng. Từ xa, nhìn Nhà thờ với dáng vẻ cổ kính và khuôn viên rộng lớn. Bên trong Nhà thờ có nhiều Nhà nguyện ở chung quanh với những cột đá cẩm thạch nhiều màu sắc khác nhau thật lộng lẫy, có nhiều tác phẩm nghệ thuật trên cung thánh, trên trần và trên các bức tường.

 

dongten1
 

Chúng tôi viếng thăm những nơi liên hệ đến cuộc hoán cải của Thánh Inhaxiô. Hướng dẫn chương trình tham quan đã được thu âm bằng nhiều ngôn ngữ. Chọn phần tiếng Việt, chúng tôi lắng nghe về hành trình hoán cải và nên thánh của Inhaxiô, đi đến những căn phòng giới thiệu về cuộc đời của thánh nhân và đến Nhà nguyện “hoán cải” dâng thánh lễ.

1. Đôi dòng tiểu sử Thánh Inhaxiô

Thánh Inhaxiô sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha. Inhaxiô là người em út trong số 13 người con. Thời niên thiếu, Ignatiô được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.
 

http://www.righteousnessislove.org/wp-content/uploads/2013/06/Ignatius_von_Loyola-IHS.jpg
 

Năm 1509, Inhatiô tòng quân Antonio Manrique de Lara, Duke thành Najera và Viceroy thành Navarre với mục đích là được thăng tiến thành một công tước. Dưới sự lãnh đạo của Duke, Inhaxiô đã tham gia nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì.

Ý Chúa thật nhiệm mầu. Sức mạnh lại bày tỏ qua sự yếu đuối như lời thánh Phaolô: “…vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Ngày 20 tháng 5 năm 1521, cột mốc ghi dấu đặc biệt. Quân Pháp đánh chiếm thành Pamplona. Inhaxiô bị một viên đạn đại bác bắn gảy chân và bị thương nặng. Bức tượng bằng đồng phía ngoài hành lang kể lại sự kiện này.Trở về sống dưỡng bệnh trong lâu đài của gia đình, Inhaxiô giết thời giờ bằng cách đọc những sách kể lại những hành động phi thường và lãng mạng của các hiệp sĩ. Các Nữ tu đã đem đến cho ngài cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô” và cuốn “Hạnh các thánh”. Dần dần, những quyển sách này đã thu hút ngài. Khi đọc về cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi, thánh Đaminh và nhiều tu sĩ nổi tiếng khác, Inhaxio quyết tâm noi gương các bậc thánh nhân hiến mình để đi chinh phục Đất Thánh cho Giáo Hội.

Sau khi phục hồi, Inhaxio đến thăm tu viện Santa Maria de Montserrat của dòng Biển Đức. Tại đây, ngài treo bộ quân phục của mình trước một bức hình Đức Mẹ Maria. Sau đó, ngài đến thị trấn Manresa, Catalonia và đã dành nhiều tháng sống trong một hang động để thực hành khổ hạnh khắt khe. Tại Manresa, Inhaxio bắt đầu thay đổi lối sống và cảm nghiệm sự thay đổi trong tâm hồn xen lẫn niềm vui và nỗi khổ đau.Lương tâm bị đánh động, từ đó ngài khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô. Có một lời cầu nguyện cho các hối nhân mà Inhaxiô rất tâm đắc: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa".

dongten2
 

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này, Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn “Những Thao Luyện Tâm Linh”.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài, các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng, kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Paris.

Sau khi đi hành hương ở Đất Thánh về, Inhaxiô quyết định trở thành một linh mục. Việc này đòi hỏi ngài phải bắt đầu lại việc học hành. Inhaxiô đã cố gắng học tiếng La tinh và ghi tên vào học ở Đại học Paris.Trong lúc theo học ở Paris, ngài đã thu phục được một nhóm nhỏ sinh viên thành lập một hội đoàn trong đó có Phanxicô Xaviê và Pierre Fabre.

2. Sáng lập Dòng Tên

https://news4themasses.files.wordpress.com/2012/02/ignatios-loyola.jpg
 

Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh Inhaxiô ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Khi viếng thăm nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng tôi đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh Inhaxiô, Mẹ: Paris”.

Sau thời gian sống ở Paris, Inhaxiô và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh và Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục.

Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian, Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này Inhaxiô đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, Inhaxiô nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. Inhaxiô không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con” (Hồi ký I-nhã số 96). Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp Inhaxiô và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Trong thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?”. Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.

Sau đó, vào mùa Chay năm 1539 tại Rôma, Inhaxiô và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”. Thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên đầu tiên. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?“ Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, Inhaxiô và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn Dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn. Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của Inhaxiô, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Mattheo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó. (Lm Nguyễn Ngọc Thế, SJ).

3. Inhaxiô một vị thánh lớn của Giáo hội

Trong khi các bạn đồng hành được Đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Inhaxiô vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Rôma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.
 

dongten3
 

Trong thị kiến ở La Storta, Inhaxiô xin và đã được “Chúa Cha xin Đức Giêsu vác thập giá nhận Inhaxiô làm người phục vụ”, và Đức Giêsu vác thập giá đã nói với Inhaxiô: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Thánh Inhaxiô qua đời ngày 31-7-1556, hưởng thọ 90 tuổi. Đức giáo hoàng Phaolô V tuyên Chân phước cho ngài vào ngày 27-7-1609. Đức giáo hoàng Grêgôriô XV tuyên hiển thánh ngày 13-3-1622. Lễ kính thánh Inhaxiô vào ngày 31-7 hàng năm.

Thánh Inhaxiô đích thực là một nhà thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên “ad majorem Dei gloriam” nghĩa là "để Thiên Chúa được vinh danh hơn". Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện. Vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà Đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục Dòng Tên gồm những nhà bác học, thần học, giáo dục, khoa học cho đến những nhà truyền giáo danh tiếng và nhiều đấng tử đạo. Những thần học gia vĩ đại, con cái của thánh Inhaxiô như: Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Canađa và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ, Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ… Đức giáo hoàng Phanxicô cũng là tu sĩ Dòng Tên.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, tổng số tu sĩ Dòng Tên là 17.637 tu sĩ, trong đó có 12.526 linh mục, 1.470 tu huynh, 2.896 học viên và 745 tập sinh, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 84 tỉnh dòng, 5 miền độc lập và 10 miền phụ thuộc. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…(x. dongten.net).

Khi dâng lễ ở Nhà nguyện “hoán cải”, tôi suy gẫm về ơn trở lại của thánh nhân. Nhờ đọc sách thiêng liêng mà Inhaxiô được biến đổi.Thiên Chúa đã dùng sách thiêng liêng như một khí cụ để hoán cải Inhaxiô. Việc đọc sách thiêng liêng đã tạo nên nhiều vị thánh. Nhờ việc đọc sách thiêng liêng, con người trau dồi tri thức về giáo lý Kitô Giáo, đồng thời tìm được những kiến thức cho cuộc thưa chuyện mỗi ngày với Thiên Chúa. Một cuốn sách thiêng liêng hay có thể được coi như một người bạn tốt.

Thời đại kỹ thuật số hôm nay, các phương tiện truyền thông hằng ngày luôn tấn công con người bằng những âm thanh và hình ảnh thế tục, nó muốn tách lìa từng người ra khỏi Thiên Chúa. Một quyển sách tốt có thể trở thành một người bạn tuyệt vời, một nhà tư vấn khôn ngoan. Một quyển sách tốt là một kho tàng tâm linh. Một vài phút suy niệm về một bài đọc thiêng liêng sẽ giúp chúng ta gần Chúa hơn.

Inhaxiô là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội. Ngài là một thiên tài trong lịch sử loài người. Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh lớn để bước theo Chúa Kitô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người.Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô: hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương. Một con người của những khát vọng lớn lao. Cả những tham vọng, đam mê thế tục. Trước khi hoán cải, phục vụ vua chúa trần gian, tìm kiếm danh vọng cho bản thân. Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bão lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm chính mình mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Mừng lễ kính thánh Inhaxiô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta được noi gương ngài luôn sống và làm việc "Để Thiên Chúa được vinh hiển hơn".

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

VATICAN: Trong hai ngày 28-29 tháng 7 năm 2014 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi văn thư cho các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, yêu cầu chú ý tới thảm cảnh của các kitô hữu vùng Trung Đông và tích cực dấn thân tìm giải pháp hóa bình cho các dân tộc vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ hôm 29-7-2014 Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã cho biết như trên.

Văn bản của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bao gồm các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình tại vùng Trung Đông. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh rất lo âu theo dõi tình hình của các cộng đoàn kitô Trung Đông. Họ đang đau khổ một cách bất công, lo sợ và bị bắt buộc phải di cư. Chỉ trong thành phố Mosul đã có 30 nhà thờ và đan viện bị các lực lượng hồi cuồng tín chiếm đóng, phá hoại và tháo gỡ thánh giá. Trong biết bao năm nay đây là lần đầu tiên đã không có thánh lễ Chúa Nhật. Cần phải nhớ rằng tại Irak cũng như trong các nước vùng Trung Đông, các kitô hữu đã hiện diện ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, và đã có một vai trò ý nghĩa trong sự phát triển xã hội; và họ muốn tiếp tục hiện diện như các tác nhân hòa bình và hòa giải.

Tòa Thánh đã hoạt động trên nhiều bình diện khác nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bầy tỏ sự gần gũi với các cộng đoàn kitô, đặc biệt với các gia đình kitô tại Mosul, bằng cách mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài qua Đức Thượng Phụ Can đê Babilonia và Đức Thượng Phụ Siri Antiokia, khích lệ tín hữu mạnh mẽ trong hy vọng. Ngài cũng đã gửi trợ giúp kinh tế cho các gia đình qua Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm.

Về phía mình Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã hoạt động qua các ngã ngoại giao, khích lệ các chính quyền quốc gia và hàng lãnh đạo quốc tế chú ý tới số phận của các kitô hữu vùng Trung Đông, trong thông tư gửi cho mọi tòa đại sứ cạnh Tòa Thánh. Phủ Quốc Vụ Khanh hy vọng cộng đoàn quốc tế lưu tâm tới vấn đề này, vì nó liên quan tới nhân phẩm và các quyền căn bản của con người, sự sống chung hòa bình và hòa hợp giữa các cá nhân và các dân tộc. Irak và các quốc gia khác của vùng Trung Đông được mời gọi là một mô thức sống chung giữa các cộng đoàn khác nhau, nếu không sẽ là một mất mát rất lớn và là một dấu hiệu rất xấu cho toàn thế giới.

Liên quan tới thảm cảnh của người Palestine sống trong dải Gaza thật là đáng tiếc sự kiện người ta coi nó như điều không thể tránh được, nhưng không đúng như vậy. Đức Thánh Cha đã đưa ra nhiều lời kêu gọi mọi người cầu nguyện nài xin ơn hòa bình, và tiếp nhận lời Thiên Chúa mời gọi bẻ gẫy vòng luẩn quẩn của thù hận và bạo lực đẩy xa hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Mamberti nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu các giới chức trách nhiệm chính trị địa phương cũng như thế giới làm tất cả những gì có thể để ngưng thù nghịch và đạt tới hòa bình mong mỏi cho thiện ích của tất cả mọi người. Cần có nhiều can đảm để tạo dựng hòa bình hơn là để gây chiến tranh. Ngoài ra, phải đặt để công ích và việc tôn trọng mọi người vào trung tâm, chứ không phải các lợi lộc riêng tư (SD 29-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican  Radio

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

CARITAS ROMA PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH QUYÊN GÓP CỨU TRỢ NGƯỜI DÂN GAZA

ROMA: Đáp lời kêu gọi của Caritas quốc tế, Caritas Roma đã phát động chiến dich quyên góp trong mọi giáo xứ thủ đô để trợ giúp người dân Palestine sống tại Gaza.

Ba tuần chiến tranh giữa người Israel và người Palestine đã khiến cho gần 1,200 người của cả hai bên thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và mấy trăm ngàn người phải tản cư tránh bom đạn. Đa số các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine. Ngày 15-7-2014 Caritas Roma đã tổ chức buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, quy tụ các tín hữu kitô, do thái và hồi giáo.

Thầy Raed Abusahlia, giám đốc Caritas Giêrusalem nói: Chúng tôi tin rằng Giáo Hội không thể im lặng trước các sự kiện như thế này. Chúng ta không thể đứng yên nhìn mà không làm gì. Gaza đã ở trong tình trang thê thảm, bị bó buộc sống trong cảnh cấm vận và bị bao vây từ 12 năm qua và với 3 cuộc xung đột tiếp theo nhau trong 8 năm qua, một cuộc chiến khác sẽ chỉ khiến cho các điều kiện sống tồi tệ hơn. Trong các giờ ngưng bắn, Caritas đã phân phát những gì còn lại, vì các cuộc hành quân tiếp tục và số người bị thương, các bệnh nhân, các trẻ em mồ côi hay bị chấn thương gia tăng. Dân chúng đau khổ vì đói khát và cái nóng của mùa hè, thiếu nước uống và điện thường xuyên bị cắt.

Chương trình trợ giúp cấp thời do Caritas đưa ra bao gồm thuốc men, thực phẩm và dụng cụ y khoa cho các nhà thương. Caritas đã bắt đầu phân phát các gói thực phẩm cho hơn 2,000 gia đình, các hộp thuốc cho hơn 3,000 gia đình và khăn trải giường cùng chăn mền cho cho hơn 500 gia đình.

Đợt hai của công tàc cứu trợ dự trù việc yểm trợ tài chánh cho hơn 2,000 gia đình để họ có thể mua những vật dụng cần thiết. Đồng thời sự trợ giúp cũng bao gồm việc săn sóc cho các trẻ em bị chấn thương tâm thần và phân phát thuốc men cho mọi người đã phải bỏ nhà cửa chạy nạn (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ XIN LỖI CỘNG ĐOÀN TIN LÀNH CASERTA

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ XIN LỖI CỘNG ĐOÀN TIN LÀNH CASERTA

CASERTA: Ngày 28-7-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Caserta để viếng thăm bạn ngài là mục sư Giovanni Traettino và cộng đoàn tin lành tại đây. Ngài đã xin lỗi các anh chị em tin lành về các thái độ khép kín ghen tương của các tín hữu công giáo gây chia rẽ giữa các kitô hữu.

Ngỏ lời với mấy ngàn người hiện diện Đức Thánh Cha nói: một tín hữu kitô phải là người luôn bước đi, nếu không sẽ giống nước tù và sẽ hư thối. Nhưng có các tín hữu kitô không tiến bước mà ”quay vòng vòng” và lạc lối. Họ thiếu can đảm tiến bước và thiếu hy vọng. Chúng ta chỉ chắc chắn, khi bước đi trong sự hiện diện của Chúa Giêsu, là Đấng soi sáng chúng ta và ban Thánh Thần cho chúng ta để tiến bước tốt… Chuyện ông Giacóp kể lại vụ mười người con của ông phản bội và phạm tội bán em. Vì ghen tương họ muốn giết Giuse, nhưng sau đó Ruben cứu em và bán em cho người Madian. Khi lâm cảnh đói kém, ông Giacóp sai các con sang Ai Cập mua lúa. Thay vì tìm thấy lương thực họ tìm thấy người em. Khi bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta nhận được tình huynh đệ. Khi chúng ta dừng lại, chúng ta nhìn nhau, và đi theo một con đường khác xấu xa, con đường của các bép xép và chia rẽ….

Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần không gây chia rẽ. Kẻ gây chia rẽ chính là Satan, Kẻ ghen tương, vua và cha của sự ghen tương, kẻ gieo cỏ lùng… Chúa Thánh Thần tạo ra sự khác biệt trong Giáo Hội, nhưng cũng tạo ra sự hiệp nhất giữa các khác biệt; vì thế Giáo Hội là hiệp nhất trong sự khác biệt. Ngài trao ban các đặc sủng, nhưng cũng tạo ra sự hài hòa của các đặc sủng. Giáo Hội không phải là một qủa cầu, trong đó mọi điểm đều bằng nhau đối với trung tâm. Đó là sự đồng nhất. Chúa Thánh Thần không tạo ra sự đồng nhất, nhưng sự hiệp nhất trong khác biệt. Đó là con đường của phong trào đại kết. Mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô là nền tảng của Kitô giáo. Chúng ta không thể hiểu được tình yêu đối với tha nhân, đối với người anh em, nếu không hiểu mầu nhiệm nhập thể. Tôi yêu người anh em bởi vì họ cũng là Chúa Kitô, như Chúa Kitô, là thịt xác Chúa Kitô.

Lịch sử cho thấy cám dỗ chia rẽ dấu ẩn sau các thái độ chủ trương tinh tuyền và ra luật khai trừ người anh em, tố cáo các anh em pentecostal là ”điên loạn”, làm hư hoại giống, vài người đã là các tín hữu công giáo. Tôi là mục tử của các tín hữu công giáo, tôi xin lỗi anh chị em về điều đó. Tôi xin lỗi anh chị em vì các anh chị em công giáo không hiểu biết và bị ma qủy cám dỗ đã làm cùng điều các anh em của Giuse đã làm là ghen tương và gây ra chia rẽ. Tôi xin Chúa ban cho chúng ta ơn nhận biết và tha thứ.

Sự thật là một cuộc gặp gỡ giữa các con người với nhau. Sư thật không được chế tạo trong phòng thí nghiệm, nhưng được làm trong cuộc sống khi kiếm tìm Chúa Giêsu để gặp gỡ Người. Nhưng thật ra chính Chúa kiếm tìm chúng ta trước, và tìm ra chúng ta…

Sẽ có người kinh ngạc nói rằng: Đức Giáo Hoàng đã đến với các anh em tin lành. Ngài đã đi tìm các người anh em. Đúng. Bởi vì chính họ đã đến tìm tôi trước tại Buenos Aires, và tình bạn đã bắt đầu như thế. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.. Tôi cần lắm để tôi đừng có xấu qúa. Xin cám ơn anh chị em”.

Trước đó mục sư Traettino đã cám ơn Đức Thánh Cha không quản ngại nhọc mệt đến thăm cộng đoàn. Các tín hữu tin lành rất yêu mến ngài, và liên lỉ cầu nguyện cho ngài. Cung cách sống đơn sơ, chân thành, không lễ nghi kiểu cách của ngài đã chinh phục mọi con tim. Chỉ với một cử chỉ Đức Thánh Cha đã mở toang cánh cứa và làm cho giấc mơ của Thiên Chúa hiện thực nhanh hơn …. Các anh em tin lành cũng sống một kiểu mới không được nuôi dưỡng bằng thái độ chống công giáo nữa, nhưng nhận biết nguồn cội và gốc rễ của mình trong cây Kitô giáo lịch sử, công giáo và tin lành, và đã học có các tương quan xây dựng hơn. Khi lấy Chúa Kitô nhập thể làm nền tảng, xây dựng trên Chúa, tụ tập chung quanh Ngài, lớn lên trong Ngài, trở về với Ngài, có tương quan thân tình với Ngài và noi gương Ngài, chúng ta sẽ ít gặp nguy cơ khinh rẻ phần đóng góp của các anh em khác, và không dập tắt Thần Khí hay gán điều đến từ Chúa cho các nguồn gốc khác… Chính sự hiệp nhất với Chúa Kitô khiến cho sự hiệp thông giữa con người với nhau trong Ngài có thể thành tựu. (SD 28-7-2014).


Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

LILONGWE: Trong sứ điệp kết thúc Hội nghị nhóm tại Lilongwe bên Malawi, các Giám Mục Phi châu và Madagascar mời gọi tìn hữu toàn đại lục cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng qua chứng tá và các phương tiện truyền thông xã hội, củng cố các giá trị gia đình, tích cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn.

Các Giám Mục Phi châu và Magadascar cũng bầy tỏ đau buồn vì các xung khắc tại Sudan, Nam Sudan và Somalia, cũng như tại nhiều vùng khác trên thế giới gây chết chóc, tàn phá, thương đau cho các dân tộc liên hệ. Các vị mời gọi các dân tộc các nước lâm chiến kiếm tìm hòa bình, hòa giải và cùng nhau chung xây đất nước. Ngoài ra, các Giám Mục cũng khích lệ tín hữu toàn đại lục tỏ tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh đang cần được trợ giúp.

Liên quan tới gia đình các Giám Mục Phi châu ghi nhận cuộc khủng hoảng trầm trọng phát xuất bởi nạn cá nhân chủ nghĩa, luân lý suy đồi, nghèo túng và thất nghiệp. Giáo Hội cần củng cố mục vụ gia đình, thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sứ điệp của các Giám Mục cũng thỉnh cầu các chính quyến toàn đại lục Phi châu tôn trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Các Giám Muc cũng mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực của các phong trào tôn giáo cuồng tín, và xin các vị lãnh đạo tôn giáo theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng nhau. Các Giám Mục đặc biệt tỏ tình liên đới với các nạn nhân tai nạn máy bay hàng hàng không Malaysia bên Ukraine, các nạn nhân chiến tranh bên Palestina và Syria hay bên Irak và Syria.

Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar lần thứ 18 đã diễn ra tại Lilongwe bên Malawi trong các ngày 16-26 tháng 7 năm 2014 về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng qua sự hoán cải và chứng tá cho đức tin kitô”. Tham dự hội nghị đã có các Giám Mục đến từ các nước Eritrea, Etiopia, Malawi, Kenya, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda Zambia và Somalia (SD 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI PERÙ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH CHỐNG ÍCH KỶ, THÁO THỨ TÍNH DỤC VÀ TƯƠNG ĐỐI HÓA LUÂN LÝ

GIÁO HỘI PERÙ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH CHỐNG ÍCH KỶ, THÁO THỨ TÍNH DỤC VÀ TƯƠNG ĐỐI HÓA LUÂN LÝ

LIMA: Trong những ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Perù đã phát động trong toàn nước chiến dịch chống lại chủ trương ích kỷ, tháo thứ tính dục và tương đối hóa luân lý.

Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn nước Đức Cha Salvador Pigneiro, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù, khẳng định rằng các tệ nạn này giảm thiếu căn tính công dân Perù, phá phá vỡ hình ảnh tự nhiên và kinh thánh của gia đình, là tế bào nòng cốt của xã hội và là hoa trái của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và chúng cũng chống lại sự sống của những người vô tội không được bênh đỡ là các trẻ em còn trong lòng mẹ.

Các vị anh hùng vĩ đại của chúng ta không phải là những người chỉ anh hùng trong một lúc, nhưng anh hùng mỗi ngày bằng cách trung thành đáp trả lại lương tâm của mình, bênh vực các giá trị bất khả nhượng của con người, ủng hộ cơ cấu xã hội, bắt đầu là gia đình, là điều kiện cần thiết, nếu không xã hội sẽ giòn mỏng và nghèo nàn đi.

Nhắc tới nhiều thách đố mà chính quyền và đất nước Perù đang phải đương đầu hiện nay, Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Perù minh xác rằng dân nước Perù có thể thắng vượt được chúng nếu biết đoàn kết, tránh mọi kỳ thị, trân trọng các truyền thống lành mạnh, và cố dấn thân sống liêm chính, trong sáng, thăng tiến công lý và hòa bình. Sau cùng ngài cầu xin Chúa qua lời bầu cử của Đức Bà Mercede, các thánh Perù, thánh Rosa thành Lima và thánh Martino de Porres, chúc lành cho quốc gia và toàn dân Perù sống ở trong cũng như ngoài nước (ACI 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN TAI NẠN MÁY BAY TẠI MALI

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN TAI NẠN MÁY BAY TẠI MALI

OUAGADOUGOU: Ngày 27-7-2014 rất đông tín hữu đã tham dự thánh lễ cầu hồn cho các nạn nhân tai nạn máy bay bên Mali và gia đình họ, trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vộ Nhiễm Nguyên Tội tại Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso.

Thánh lễ đã do Đức Cha Raphael Dabiré, Giám Mục Diébougou, là giáo phận gốc của một linh mục bị chết trong tai nạn máy bay, chủ sự. Chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Algeria đã cất cánh rời phi trường Ouagadougoou lúc không giờ 45 phút để đi Alger, nhưng gần một giờ sau đó đã bị rơi bên Mali khiến cho 116 người thiệt mạng. Tham dự thánh lễ có nhiều Giám Mục và ông đại sử Pháp tại Burkina Faso. Chính Đức Hồng Y Philippe Ouedraogo, Tổng Giám Mục Ouagadougou đã muốn có thánh lễ cầu hồn này và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho gia đình của các nạn nhân nữa. Giảng trong thánh lễ Đức Cha Dabiré đã nhắc tới gương mặt của ông Gióp, là người đã không tìm ra các câu trả lời cho các rủi ro và khổ đau khốn khó xảy ra cho ông, cũng như chúng ta trước các đau khổ không thể giải thích nổi. Chúng là phản ánh của Thiên Chúa mà chúng ta tưởng tượng ra, mà chúng ta ước mong mà quên rằng vì ”Thiên Chúa đã được mạc khải cho chúng ta là sự điên dại và gương mù gương xấu”. Đức Cha mời gọi mọi người sống thời điểm này trong đức tin và xin Chúa ơn khôn ngoan tín thác nơi Chúa (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

Cardinal FRANCESCO MARCHISANO

VATICAN: Sáng ngày 27-7-2014 Đức Hồng Y Francesco Marchisano, nguyên Linh Mục trưởng đền thờ thánh Phêrô đã qua đời, thọ 85 tuổi.

Đức Hồng Y Marchisano đã được thăng Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003 và đã từng là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách các Gia tài văn hóa của Giáo Hội và Hội Đồng Tòa Thánh Khảo cổ thánh. Ngài cũng từng là Tổng Giám quản Quốc gia thành Vaticăng, chủ tịch Xưởng thánh Phêrô và Chủ tịch Văn phòng lao động của Tòa Thánh.

Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Marchisano sẽ diễn ra trong Đền Thờ thánh Phêrô sáng ngày 30-7-2014. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ nghi tiễn biệt. Với sự qua đi của Đức Hồng Y Marchisano Hồng Y Đoàn còn 212 vị, trong đó có 118 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng (SD 27-7-2014)

Trong điện tín gửi Đức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục Torino, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với Đức Tổng Giám Mục, linh mục đoàn giáo phận và thân nhân bạn bè của Đức cố Hồng Y. Ngài thân ái nghĩ tới gương mặt của vị chủ chăn đã cộng tác rất nhiều với Tòa Thánh trong Bộ giáo dục và nhiều chức vụ khác nhau, với chứng tá quảng đại trung thành với ơn gọi linh mục và giám mục, và cuộc đời xả thân cho tín hữu, nhậy cảm với nghệ thuật và văn hóa. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa đón nhận người tôi trung vào trong niềm vui và an bình vĩnh cửu và ban phép lành tòa thánh cho những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

TÍN HỮU CÔNG GIÁO TẠI THÁNH ĐỊA ĐAU BUỒN VÌ TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ

TÍN HỮU CÔNG GIÁO TẠI THÁNH ĐỊA ĐAU BUỒN VÌ TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ

GIÊRUSALEM: Tín hữu công giáo tại Thánh Địa rất đau buồn vì tình hình chiến sự tại đây khiến cho bao nhiêu người của cả hai bên phải chết. Trong thánh lễ họ đã cầu nguyện cho mọi người đang phải đau khổ.

Linh Mục Gioele Salvaterra, cha sở giáo xứ Beer Sheva, nam Israel gần dải Gaza, đã cho biết như trên. Cha nói: Điều chúng tôi có thể làm là cầu nguyện để cho bạo lực chấm dứt và các binh sĩ trở về nhà bằng yên. Các vụ bỏ bom, pháo kích và oanh tạc trong hai tuần qua đã khiến cho hơn 800 người chết, 5,000 người bị thương và hơn 200,000 người Palestine phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy trốn chiến tranh. Phía Isarael cũng đã có hàng chục người chết.

Tại Haifa tín hữu công giáo đã thực hiện một video với một bài hát xin hòa bình. Trong khi tại Beer Sheva là nơi bị pháo kích nhiều nhất tín hữu công giáo gốc Do thái đã cùng với dân chúng chia sẻ nỗi khổ đau của những người đã mất thân nhân. Nhiều gia đình là các kitô hữu A rập đến từ Galilea. Sau tuần đầu tiên của chiến cuộc phụ nữ và trẻ em đã bỏ về quê sinh, chỉ còn nam giới ở lại trong thành phố để làm việc.

Cha Gioele cho biết nói chung giới trẻ cần kể lại những gì các em sống với các xúc cảm, sự sợ hãi, hồi hộp phải chạy trốn bom đạn. Cả các trẻ em cũng cảm thấy sự kinh hoàng và khóc thét lên khi nghe tiếng còi báo động. Tại Beer Sheva cũng có các tín hữu gốc Ấn Độ và Philipines làm việc như những người coi giữ người già và các bệnh nhân. Từ nhiều ngày nay tín hữu tụ tập nhau cầu nguyện trong nhà tư, chứ không đến nhà thờ nữa. Họ cầu nguyện cho hòa bình và thiện ích của mọi người dân sống tại Thánh Địa, và mời gọi mọi người tin tưởng nơi hạt giống hòa bình, mà Đức Thánh Cha đã cùng các vị lãnh đạo của hai dân tộc Israel và Palestine đã gieo, đem lại hoa trái (SD 24-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI TRUNG PHI KÊU GỌI TÌM GIẢI PHÁP CHO CUỘC XUNG ĐÔT TẠI ĐÂY

GIÁO HỘI TRUNG PHI KÊU GỌI TÌM GIẢI PHÁP CHO CUỘC XUNG ĐÔT TẠI ĐÂY

BANGUI: Đức Cha Dieudonné Nzapalainga, Tổng Giám Mục Bangui, thủ đô Trung Phi, khẩn thiết kêu gọi tìm các giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn một năm qua tại Cộng hoa Trung phi.

Đức Cha Nzapalainga đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho nguyệt san Phi châu. Từ hơn một năm qua cuộc nội chiến đẫm máu đã khiến cho gần 2000 người thiệt mạng, và hàng chục ngàn ngưởi phải tản cư tỵ nạn. Hai phe lâm chiến là các phiến quân Seleka và các binh sĩ trung thành với tổng thống Bozizé bị truất phế hồi tháng 3 năm 2013. Đức Cha tự hỏi: ”Cho tới bao giờ người ta cho phép những người có vũ trang tiếp tục tàn sát những người dân vô tội khát khao hòa bình? Nhắc tới vụ 17 người tỵ nạn ẩn trú trong nhà thờ chính tòa thánh Giuse ở Bambari bị giết chết, Đức Cha nói: ”Ai ở trong nhà thờ là ở dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa, phải để cho họ yên”. Đức Cha gọi những người sát hại dân lành là những kẻ ”không đức tin, vô luật lệ, không tôn trọng cái gì hết”. Ngài cực lực lên án các tội phạm ấy của những kẻ có vũ trang. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế nghiêm chỉnh dấn thân trong việc trợ giúp Trung Phi tái lập hòa bình và an ninh.

Liên quan tới Diễn đàn quốc tế kết thúc ngày 23-7-2014 tại Brazzaville Đức Cha nói: ”Tôi đau lòng thấy rằng người ta phải luôn luôn ra nước ngoài để thảo luận về các vấn đề nội bộ. Vì điều này có nghĩa là trong nước thiếu đối thoại chính trị”. Dầu sao đi nữa Đức Cha cũng cầu mong Diễn đàn đã cống hiến cơ may cho người Trung Phi nói lên sự thật với nhau để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một lần cho luôn mãi, bởi vì cầm vũ khí giết nhau để chiếm quyền không ích lợi gì hết. Điều quan trọng là biết đối thoại trên bình diện chính trị, xã hội để góp phần xây dựng đất nước” (SD 24-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NAM HÀN ĐÚC ĐỒNG BẠC KỶ NIỆM CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NAM HÀN ĐÚC ĐỒNG BẠC KỶ NIỆM CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

SEOUL: Ngân hàng trung ương Nam Hàn cho đúc hai đồng bạc kỷ niệm chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các ngày 13-18 tháng 8 tới đây.

Trong thông cáo công bố ngày 24-7-2014 ngân hàng trung ương Nam Hàn cho biết sẽ đúc 90,000 đồng bạc gồm hai loại: 30,000 bằng bạc và 60,000 bằng đồng. Giá mỗi đồng bằng bạc là 50,000 won, tức 48 mỹ kim, có hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, cùng một vòng tròn thánh giá làm thành ”taegeuk” biểu tượng như trên quốc kỳ của Nam Hàn. Đồng bằng đồng ottone giá 10,000 won, tức 10 mỹ kim, có một thánh giá hình hoa huệ, chim bồ câu và hoa hồng Sharon, biểu tượng cho Nam Hàn. 81.000 đẽ được bán cho công chúng, trong khi 9,000 sẽ được bán cho các nhà sưu tâm nước ngoài (SD 24-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo

Phỏng vấn ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Công Đồng Chung Vatican II công bố sắc lệnh về đại kết và đối thoại với các tôn giáo khác. Đây cũng là lúc cần duyệt xét qua tình hình đối thoại đại kết và liên tôn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về hiệp nhất các tín hữu kitô. Bài phỏng vấn đã được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma của Tòa Thánh số ra ngày 19 tháng 7 vừa qua.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua, có điều gì mới mẻ trong cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống không?

Đáp: Thế giới chính thống rất là khác nhau trong nội bộ, bởi vì có nhiều Giáo Hội chính thống. Hiện nay tình hình khó khăn hơn bên Ucraina, bởi vì Tòa Thượng Phụ chính thống Matscơva trách Giáo hội công giáo là đã không phân biệt rõ ràng giữa đức tin và chính trị. Trái lại, các tương quan với Tòa thượng Phụ chính thống Costantinopoli rất tốt. Chúng tôi có một lịch sử tình bạn dài, được diễn tả ra trong các chuyến viếng thăm nhau nhân dịp lễ các Thánh Bổn Mạng Phêrô Phaolô tại Roma và Anrê tại Costantinopoli. Đây là một truyền thống chắc chắn tạo thuận tiện lớn hơn cho sự hiệp thông trong tương lai gần. Vì có sự gần gũi với các anh em chính thống thuộc Tòa Thượng Phụ Costantinopoli, có thể sống một sự hiệp thông tinh thần với các anh em này. Nhưng rất tiếc vì có các đối chọi nên không thể thực hiện được điều này, đồng thời với các Giáo Hội chính thống khác thì hiện nay không thể giả thiết việc cầu nguyện chung. Vì thế tôi thấy cần phải tiếp nhận thách đố lớn tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống.

Hỏi: Các cứ chỉ và các lời nói giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I không thể được giải thích như là một dấu chỉ mới hay sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Bartolomaios tại Giêrusalem đã không chỉ là một lúc kỷ niệm biến cố Đức Phaolộ VI gặp gỡ Đức Athenagoras, mà cũng là một bước tiến quan trọng đối với tương lai của phong trào đại kết, cần thiết để đào sâu mối dây nối kết và sự hiệp nhất. Tôi cay đắng ghi nhận rằng ngày nay nhiều người nói đến hai Giáo Hội, nhưng chỉ có một Giáo Hội duy nhất. Nó chính là Giáo Hội bên Đông và bên Tây. Chính vì thế tuyệt đối cần tìm lại sự hiệp nhất và sự hiệp thông trọn vẹn cả trong bí tích Thánh Thể nữa. Đó đã là ước mong lớn của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras, mà cho tới nay chúng ta chưa thực hiện được, bởi vì chưa giải quyết được tất cả mọi vấn đề thần học. Còn có một công việc lớn phải làm, đặc biệt trong Ủy ban quốc tế hỗn hợp cho việc đối thoại thần học. Chúng tôi đang đương đầu với đề tài chính là tương quan giữa tính cách thượng hội đồng giám mục và quyền tối thượng của Phêrô. Chúng tôi không muốn làm một cuộc giàn xếp giữa hai thực tại, nhưng một tổng hợp giữa sức mạnh lớn của sự chính thống, tính cách thượng hội đồng giám mục và sức mạnh của công giáo là quyền tối thượng. Cũng có các vấn đề khác nữa. Nhưng trước hết cần tuyệt đối minh giải quyền tối thượng.

Hỏi: Nó sẽ là một chướng ngại còn lâu phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Đức Phaolô VI đã nói rằng quyền tối thượng của Giám Mục Roma là chướng ngại lớn nhất đối với phong trào đại kết. Ủy ban hỗn hợp thần học quốc tế nhóm họp tại Ravenna năm 2007 đã công bố một tài liệu chung kết được cả hai bên công giáo và chính thống ký nhận, trong đó được minh nhiên một cách rõ ràng rằng Giáo Hội cần một vị đứng đầu trên bình diện địa phương, vùng miền và hoàn vũ. Đây đã là một bước tiến lớn, bởi vì cả các anh em chính thống cũng đã thừa nhận rằng Giáo hội cần có một vị đứng đầu trên bình diện hoàn vũ. Và nó chỉ có ý nghĩa như dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất, nếu Giáo Hội có một chiều kích hoàn vũ. Chúng ta phải tìm lại một việc thực thi quyền tối thượng của Giám Mục Roma, có thể chung cho cả các Giáo Hội khác. Các Giáo Hoàng đến sau Công Đồng Chung Vatican II đã hoạt động và hoạt động rất nhiều cho phong trào đại kết. Có dữ kiện là các vị lãnh đạo các Giáo Hội khác muốn đến Roma. Điều này cho chúng ta cảm tưởng là Giáo Hoàng diễn tả và đã sống quyền tối thượng đại kết, gồm tình bạn và tình huynh đệ. Tôi cũng nghĩ tới các ngày cầu nguyện cho hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, các ngày suy tư và đối thoại đã diễn ra tại Assisi. Ai mà có thể mời được tất cả mọi Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác tham dự một cuộc họp quốc tế để cầu nguyện cho hòa bình? Đây đã là một thực hành tốt quyền tối thượng đại kết của Giám Mục Roma rồi.

Hỏi: Có dấn thân chung troong việc tìm ngăn chặn hiện tượng tục hóa trong thế giới tây phương, tại Âu châu không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Liên quan tới vấn đề này Giáo Hội công giáo đã bắt đầu chương trình tái truyền giảng Tin Mừng. Nó cũng phải có một chiều kích đại kết, bởi vì sự tục hóa là một thách đố mà chúng ta đương đầu chung với nhau. Trong quê hương Thụy sĩ của tôi chẳng hạn, có 37% là tín hữu công giáo và 29% là tín hữu tin lành. Có rất nhiều hôn nhân hỗn hợp. Thực tại này cần được coi như một khởi đầu của sự thoả thuận đại kết, bởi vì việc sống chung giữa các tín hữu công giáo và tin lành mà không tham dự vào chính Giáo Hội và bí tích Thánh Thể trở thành một vấn đề lớn.

Hỏi: Cuộc đối thoại với các Giáo Hội và các cộng đoàn kitô khác có thể tạo thuận tiện cho hòa bình và hòa giải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết chúng ta phải can đảm hơn trong việc tố cáo các bách hại chống lại các tín hữu kitô, bởi vì ngày nay xảy ra nhiều bách hại hơn kà trong các thế kỷ đầu sau Chúa Kitô. Người ta tính rằng 80% các người bị bách hại là kitô hữu. Tôi tin rằng chúng ta im lặng qúa. Tất cả mọi cộng đoàn, tất cả mọi Giáo Hội đều có các tín hữu tử vì đạo. Máu không chia rẽ nhưng hiệp nhất. Trong Giáo Hội xa xưa người ta nói rằng các vị tư đạo là hạt giống làm nảy sinh ra các kitô hữu mới. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng các vị tử đạo là hạt giống của phong trào đại kết và sự hiệp nhất trong tương lai. Tiếp nối Đức Gioan Phaolô II Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ”đại kết của khổ đau”. Đây là nền tảng tinh thần sâu xa nhất của dấn thân đại kết. Điều này có giá trị, nhất là tại nước nguồn gốc của Kitô giáo, bên vùng Trung Đông, nơi các kitô hữu trốn chạy vì bị bắt buộc phải ra đi, bởi vì nếu họ ở lại thì sẽ bị giết. Thật là buồn, khi chỉ thấy các cơ cấu còn lại, trống rỗng không người! Và nếu điều này ra ra, chúng ta đã mất rất nhiều. Tôi cũng trông thấy các dấu chỉ tích cực: trong vài vùng như bên Siria sự bách hại hiệp nhất các kitô hữu với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao cuộc đối thoại với anh em Do thái lại được giao cho Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô?

Đáp: Tại trung ương Tòa Thánh thật ra có hai Hội Đồng đặc trách về đối thoại: Hội đồng của chúng tôi và Hội Đồng đối thoại liên tôn. Hội đồng này đặc trách các tương quan với các tôn giáo khác. Tôi thấy tư tưởng giao phó cuộc đối thoại với Do thái giáo cho Hội Đồng của chúng tôi là điều tốt. Do thái giáo không phải là một tôn giáo đơn thuần như các tôn giáo khác, mà là mẹ của Kitô giáo, hay như thần học gia công giáo Erich Przywara nói, sự chia rẽ đầu tiên mà chúng ta có trong lịch sử của Kitô giáo là chia rẽ giữa Hội đường Do thái và Giáo Hội. Như thế, đối với tôi sự liên lụy của chúng tôi xem ra là điều tự nhiên. Con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự hòa giải giữa Do thái giáo và Kitô giáo còn dài lắm. Cuộc đối thoại mà chúng tôi đang làm rất quan trọng, bởi vì nó đưa ra ánh sáng điều chúng tôi có chung với nhau, và điều khiến cho chúng tôi khác nhau. Thế rồi, cần phải thừa nhận rằng thế giới do thái có nội bộ rất khác nhau, và chúng tôi không thể có một cuộc gặp gỡ song phương với tất cả mọi nhóm và tất cả mọi cơ cấu được. Do đó anh em Do thái đã thành lập một ủy ban gọi là ”Ủy ban quốc tế do thái cố vấn liên tôn”, quy tụ các kiểu diễn tả khác nhau của Do thái giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đã thiết lập một cuộc đối thoại rộng mở với các rabbi của tòa Rabbi Giêrusalem.

Hỏi: Nếu quyền tối thượng của Giám Muc Roma là chướng ngại đối vói cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô, thì trong cuộc đối thoại với anh em Do thái đâu là vấn đề quan trọng nhất?

Đáp: Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để hòa giải xác tín về giá trị của giao ước vĩnh cửu của Thiên Chúa với dân Israel và xác tín sự mới mẻ của giao ước mới mà Chúa Giêsu đã đem tới. Chúng tôi phải làm việc nhiều trên bình diện thần học về vấn đề này, và tôi hài lòng vì cũng có nhiều người do thái muốn suy tư về đề tài ấy.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong tương lai gần Hội Đồng có các chương trình nào khác không?

Đáp: Năm nay kỷ niệm 50 năm công bố tài liệu về đại kết ”Unitatis redintegratio” và vào tháng 11 tới chúng tôi sẽ tổ chức đại hội khoáng đại. Trong dịp này chúng tôi sẽ suy tư về các thách đố của phong trào đại kết, trong lúc này rất khác với qúa khứ. Chúng tôi sẽ duyệt xét lại lịch sử của mình. Từ ban đầu Hội Đồng của chúng tôi đã có hai văn phòng tây và đông. Chúng tôi biết rằng dọc dài các thế kỷ đã có các chia rẽ trong Giáo Hội, nhưng có hai chia rẽ chính: chia rẽ giữa Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Đông phương hồi thế kỷ XI, và chia rẽ trong Kitô giáo tây phương hồi thế kỷ XVI. Các vần đề rất khác nhau tùy theo vùng miền. Cuộc đối thoại với các Giáo Hội đông phương và chính thống đông phương liên quan nhất là tới các vấn đề giáo hội học như quyền tối thượng của Giám Mục Roma. Còn trong cuộc đối thoại với các cộng đoàn nảy sinh từ phong trào cải cách tin lành, các vấn đề rất khác nhau. Hiện nay trong thế giới của anh em tin lành chúng tôi không trông thấy khuynh hướng nào đẫn tới một sự hiệp nhất lớn hơn giữa họ với nhau. Thật thế, có sự phân tán lớn. Càng ngày cáng có thêm các cộng đoàn mới, và đây là một vấn đề. Điều này cũng bao gồm sự kiện không còn có một mục đích chung của phong trào đai kết nữa. Thật là quan trọng phải hiểu biết chúng ta muốn đi tới đâu. Ngày nay còn có một thách đố khác nữa đó là các phong trào Tin Lành và Pentecostal gia tăng mạnh mẽ. Giáo Hội Pentecostal là Giáo Hội có đông tín hữu nhất sau Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta phải nói tới một sự Pentecostal hóa Kitô giáo hay một loại Kitô giáo thứ bốn: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Pentecostal. Đây là một thách đố quan trọng đối với tương lai. Tôi xác tín rằng trong nghĩa này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có thể mở ra vài cách cửa còn đang đóng.

(SD 19-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chúa Giêsu Kitô là kho tàng vĩ đại vô giá cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu

Chúa Giêsu Kitô là kho tàng vĩ đại vô giá cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu

Chúa Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa là kho tàng vĩ đại vô giá chúng ta cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đoc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 27-7-2014.

Đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc tới ngày kỷ niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến búng nổ và kéo dài bốn năm trời, khiến cho hàng triệu người phải chết và gây ra các tàn phá mênh mông; một cuộc chiến mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã định nghĩa là một ”tàn phá vô ích”, cuối cùng kết thúc bằng một nền hòa bình mong manh hơn. Ngài cầu mong dịp kỷ niệm biến cố thê thảm này khiến cho người ta đừng lập lại các sai lầm qúa khứ, nhưng chú ý đến bài học lịch sử, bằng cách để cho các lý lẽ của hòa bình luôn luôn thắng thế qua một cuộc đối thoại kiên nhẫn và can đảm. Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người hiệp ý với ngài cầu nguyện cho ba vùng đang gặp khủng hoảng nặng là vùng Trung Đông, Irak và Ucraina. Xin Chúa cho các dân tộc và các chính quyền các vùng đó sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để cương quyết làm cho con đường hòa bình tiến tới, bằng cách vượt thắng mọi đả kích với sự kiên trì của việc đối thoại và sức mạnh của hòa giải. Ước chi ở trung tâm của mọi quyết định người ta đừng đặt để các lợi lộc riêng tư, nhưng công ích và việc tôn trong mỗi người. Chúng ta hãy nhớ rằng mọi sự đều mất với chiến tranh, và không có gì mất với hòa bình. Đức Thánh Cha tha thiết kêu mời như sau:

”Anh chị em thân mến, không bao giờ chiến tranh! Không bao giờ chiến tranh! Tôi nghĩ tới nhất là các trẻ em, mà người ta lấy mất đi niềm hy vọng của một cuộc sống xứng đáng, của một tương lai: các trẻ em bị chết, các trẻ em bị thương, các trẻ em bị què cụt, các trẻ em mồ côi, các trẻ em có đồ chơi là các tàn tích chiến tranh, các trẻ em không biết cười. Tôi xin qúy vị, hãy dừng lại! Tôi xin qúy vị điều đó với tất cả con tim. Đã đến lúc dừng lại, hãy dừng lại, tôi xin qúy vị!”.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập đến ý nghĩa của các so sánh nói về Nước Trời trong chương 13 Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Trong số đó có hai tuyệt tác: đó là các dụ ngôn về kho tàng chôn dấu trong ruộng và dụ ngôn viên ngọc qúy. Chúng nói với chúng ta rằng việc khám phá ra Nước Thiên Chúa có thể xảy ra một cách bất thình lình, như bác nông phu khi cầy cuộng, tìm thấy kho tàng mà ông đã không hy vọng, hay như người buôn ngọc, sau thời gian tìm kiếm lâu đài, tìm được viên ngọc vô cùng qúy báu mà ông đã mơ ước từ lâu. Nhưng trong cả hai trường hợp có dữ kiện đầu tiên đó là kho tàng và viên ngọc có giá trị hơn tất cả mọi của cải khác, và vì thế bác nông phu và ông thương gia khi tìm thấy chúng, thì từ chối mọi sự còn lại để có thể mua chúng. Họ không cần lý luận hay suy đi nghĩ lại: họ nhận ra ngay giá trị không thể nào so sánh được của điều họ đã tìm ra, và sằn sàng mất tất cả để có nó. Nước Thiên Chúa cũng thế: ai tìm được nó không nghi ngờ, cảm thấy đó là điều họ đã tìm kiếm, chờ đợi và đáp ứng các khát vọng đích thật nhất của họ. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Qủa thật là như thế: ai biết Chúa Giêsu, ai gặp Người một cách cá nhân, thì bị mê hoặc, lôi cuốn bởi biết bao tốt lành, biết bao sự thật, biết bao vẻ đẹp, và tất cả trong một sự khiêm tốn và đơn sơ lớn lao. Tìm kiếm Chúa Giêsu, gặp gỡ Chúa Giêsu: đó là kho tàng vĩ đại!

Có biết bao nhiêu người, biết bao nhiêu thánh nam thánh nữ, khi đọc Tin Mừng với con tim rộng mở, đã hoàn toàn bị Chúa Giêsu đánh động đến trở về vời Người. Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Phanxicô thành Assisi: ngài đã là một kitô hữu, nhưng môt kitô hữu ”loại nước hoa hồng”. Khi đọc Phúc Âm trong một lúc định đoạt của tuổi trẻ, ngài đã gặp Chúa Giêsu và khám phá ra Nước Thiên Chúa; và khi đó tất cả các giấc mộng vinh quang trần thế của ngài đều biến mất. Phúc Âm làm cho bạn biết Chúa Giêsu đích thật, khiến cho bạn hiểu biết Chúa Giêsu sống động; nói với con tim bạn và thay đổi cuộc sống của bạn. Và khi đó bạn từ bỏ tất cả. Bạn có thể thay đổi kiểu sống một cách thực sự, hay tiếp tục làm những gì bạn làm trước đó, nhưng bạn là một người khác, bạn đã được tái sinh: bạn đã tìm thấy điều trao ban ý nghĩa, điều trao ban mùi vị, trao ban ánh sáng cho tất cả, cả những mệt nhọc, cả những khổ đau và cả cái chết nữa.

Đọc Phúc Âm. Đọc Phúc Âm. Chúng ta đã nói tới điều này rồi anh chị em có nhớ không? Mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm, và cả mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi, trong sắc tay, ở tầm tay. Và ở đó khi đọc một đoạn chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Mọi sự có ý nghĩa khi trong Phúc Âm bạn tìm thấy kho tàng này, mà Chúa Giêsu gọi là ”Nước Thiên Chúa”, nghĩa là Thiên Chúa ngự trị trong cuộc sống bạn, trong cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, an bình và niềm hy vọng trong từng người và trong tất cả mọi người. Đó là điều Thiên Chúa muốn, đó là điều vì thế mà Chúa Giêsu trao ban chính mình cho tới chết trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi quyến lực của tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc của sự sống, vẻ đẹp, sự tốt lành và niềm vui. Đọc Phúc Âm là tìm thấy Chúa Giêsu, có được niềm vui kitô này, là ơn của Chúa Thánh Thần.

Anh chị em thân mến, niềm vui tìm thấy kho tàng của Nước Thiên Chúa trong sáng và được nhìn thấy. Kitô hữu không thể dấu đức tin của mình, bởi vỉ nó tỏa rạng ra trong mọi lời nói, mọi cử chỉ cả trong những cử chỉ đơn sơ thường ngày: tỏa rạng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, để nước tình yêu, công lý và hoa bình của Thiên Chúa đến giữa chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn

Chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn

Phỏng vấn linh mục Hur Young-Up, phát ngôn viên Tổng giáo phận Seoul

Trong các ngày từ 13 tới 18 tháng 8 tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Nam Hàn để chủ sự ngày Giới Trẻ Á châu và lễ phong hiển Thánh cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Lúc 16 giờ chiều ngày 13 tháng 8 máy bay chở Đức Thánh Cha cất cánh từ phi trường Fiumicino và sẽ đến phi trướng quốc tế Seoul lúc 10 giờ rưỡi sáng 14-8. Sau đó lúc 12 giờ Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lễ nghi tiếp đón sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ 45 tại ”Tòa nhà xanh”. Sau đó lúc 16 giờ 30 ngài gặp gỡ hàng lãnh đạo Nam Hàn trong phong khánh tiết Chungmu. Lúc 17 giờ 30 ngài gặp gỡ càc Giám Mục Nam Hàn tại trụ sở của Hội Đồng Giám Mục.

Thứ sáu 15-8 lúc 8 giờ 45 phút sáng Đức Thánh Cha đi trực thăng tới Daejeon, và lúc 10 giờ 30 ngài chủ sự thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời và đọc Kinh Truyền Tin tại vận động trường quốc tế thành phố. 13 giờ 30 ngài dùng bữa với giới trẻ tại đại chủng viện Daejeon. Ban chiều lúc 16 giờ 30 ngài đi trực thăng đến Đền thánh Solmoe để gặp gỡ giới trẻ Á châu gần đền thánh. Lúc 19 giờ 15 ngài đi trực thăng trở về Seoul.

Ngày 17-8 lúc 8 giờ 55 phút Đức Thánh Cha viếng thăm Đền thánh tử đạo Seo So mun và lúc 10 giờ ngài chủ tế thánh lễ phong hiển Thánh cho Paul Yun-Ji Chung và 123 vị tử đạo tại cửa Gwanghwamun ở Seoul. Vào ban chiều Đức Thánh Cha viếng thăm Trung tâm phục hồi người tàn tật tại ”Nhà hy vọng” ở Kkhotongnae. Tiếp đến lúc 18 giờ 30 ngài găp gỡ giới lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm tu đức Kkhotongnae, sau đó Đức Thánh Cha trở về Seoul.

Chúa Nhật 17-8 lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đi trực thăng tới đền thánh Haemi và chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày giới trẻ Á châu lần thứ sáu trong lâu đài Haemi.

Ngày thứ hai 18-8 lúc 9 giờ sáng Đức Thánh Cha gẵp gỡ giới lãnh đạo các tôn giáo trong dinh cũ của tòa Tổng Giám Mục Seoul. Sau đó lúc 9 giờ 45 ngài chủ sư thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải trong nhà thờ chính tòa Myeong Dong trong thủ đô Seoul. Lúc 12 giờ 45 là lễ tiễn biệt tại phi trường Seoul. Máy bay rời phi trường Seoul lúc 12 giờ và dự kiến về tới phi trường Ciampino của Roma Roma lúc 17 giờ 45.

Nam Hàn rộng 99.268 cây số vuông, có hơn 5 triệu tín hữu công giáo trên tổng số 43 triệu dân. Giáo Hội công giáo có 16 giáo phận, 1.673 giáo xứ và 843 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 35 Giám Mục, 3.606 linh mục triều, 655 linh mục dòng, 10 Phó tế trọn đời, 516 tu huynh, 9.016 nữ tu, 56 giáo dân tận hiến, 123 giáo dân thừa sai và 14.195 giáo lý viên. Tính trung bình mỗi linh mục trông coi 1.266 tín hữu. Ngoài ra, Giáo Hội còn có 395 tiểu chủng sinh và 1.489 đại chủng sinh. Giáo hội công giáo Nam Hàn hiện đảm trách 235 trường tiểu học với gần 30 ngàn học sinh, 59 trường trung học với hơn 35 ngàn học sinh, và 34 trường cao học và đại học với hơn 156 ngàn sinh viên. Bên cạnh đó Giáo Hội cũng điều hiển 40 nhà thương, 4 trạm xá, 9 trại phong cùi, 513 nhà hưu dưỡng cho người già, người tàn tật và người bệnh tâm thần, 513 nhà mồ côi, 277 vườn trẻ, 83 trung tâm gia đình và trung tâm bảo vệ sự sống, 49 trung tâm giáo dục chuyên biệt hay cải huấn xã hội và 200 trung tâm thuộc các loại khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phong vấn linh mục Hur Young-Up phát ngôn viên tổng giáo phận Seoul.

Hỏi: Thưa cha, cha có cảm nghĩ gì về chuyến công du sắp tới của ĐTC tại Nam Hàn?

Đáp: Giáo Hội Đại Hàn là Giáo Hội đầu tiện tại Á châu được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Qua biến cố ý nghĩa này Giáo Hội Đại Hàn trở thành cánh cửa rao giảng Tin Mừng tại Á chậu. Đức Thánh Cha đến Nam Hàn như là một chủ chăn để gặp gỡ dân chúng và gặp gỡ giới trẻ Á châu. Chúng ta có thể nói rằng Đại Hàn là quốc gia biểu tượng cho các nhu cầu của hòa bình và hòa giải. Vì thế, chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại một sứ điệp quan trọng của niềm hy vọng và hoa bình cho đất nước chúng tôi.

Hỏi: Người dân Đại Hàn nghĩ gì về Đức Thánh Cha Phanxicô, thưa cha?

Đáp: Không phải chỉ có các tín hữu công giao mà tất cả mọi người dân Đại Hàn đều thích Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi qúy trọng các kiểu cách thân thiện và sự đơn sơ của ngài, chúng tôi đanh giá cao kiểu ngài lo lắng cho cho người mghèo và những người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Toàn dân Đại Hàn nóng lòng chờ được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Việc chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tiến hành như thế nào thưa cha?

Đáp: Cùng với Giáo Hội chính quyền của chúng tội cũng ủng hộ việc chuẩn bị cho chuyên công du mục vu này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế tôi tin rằng các chuẩn bị bên ngoài cũng như bên trong đều quan trọng. Chuyến viếng thăm của Đức Thnah Cha không chỉ là một dịp đặc biệt cho Giáo Hội, mà cũng là một cơ may quan trọng cho các cuộc cải cách nội bộ và công tác rao truyền Tin Mừng nữa.

Hỏi: Thưa cha, cách đây 25 năm, hồi năm 1989, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai. Đâu là các hoa trái của chuyến viếng thăm đó?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã đem lại các kết qủa tích cực cho Giáo Hội Đại Hàn. Giáo Hội đã được biết tới nhiều hơn trong xã hội và đã gây được ấn tượng tốt nơi người dân.

Hỏi: Tiến trình tục hóa liện quan tới Nam Hàn cũng giống như tại tất cả mọi quốc gia kỹ nghệ. Giáo Hội Nam Hàn đã trả lời ra sao?

Đáp: Ngày nay đất nước chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ chủ thuyết duy vật, cá nhân chủ nghĩa, tục hóa, và vô cảm tôn giáo. Bên trong Giáo Hội cũng có cùng vấn đề đó. Vì thế thật là điều quan trọng, khi Giáo Hội tìm ra các con đường mới và các phương thức mới để đương đầu với các vấn đề như thế. Tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng và là một mục tiêu đói với việc rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Các tín hữu Nam Hàn có sẵn sàng đương đầu với thách đố của công tác rao truyền Tin Mừng mới hay không?

Đáp: Tái truyền giảng Tin Mừng là một phương pháp mới giúp chúng ta canh tân đức tin của mình trong thế giới thay đổi nhanh chóng này. Thật là quan trọng việc chính Giáo hội thay đổi trước để đi ra hướng về thế giới, và phổ biến Tin Mừng qua các phương tiện mới và với các kết qủa mới. Con đường Giáo Hội Đại Hàn phải đi còn dài, nhưng chúng tôi đang làm tốt chừng nào có thể để biến đổi việc rao giảng Tin Mừng thành hành động.

Hỏi: Chúng ta nhớ là Tin Mừng đã được phổ biến tại Đại Hàn năm 1700, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đạo Công giáo đã được đem vào trong đất nước chúng tôi sau khi các sách công giáo được dịch ra tiếng Đại Hàn, và các học sinh đại hàn bắt đầu học. Tiếp theo đó các tín hữu thành lập các cộng đoàn công giáo và rao giảng đức tin của họ cho các người khác. Như thế điều đặc biệt nhất của Giáo Hội Đại Hàn là nó đã bắt đầu qua các giáo dân, chứ không qua các thừa sai. Giáo Hội Đại Hàn đã chịu nhiều bách hại ngay lập tức. Nhưng cha ông chúng tôi đã duy trì được đức tin của họ, và tiếp tục phổ biến tin vui của Chúa Giêsu Kitô.

Hỏi: Thưa cha, đâu là dấn thân của Giáo Hội cho việc thống nhất đất nước?

Đáp: Đây là sứ mệnh của Giáo Hội Đại Hàn: làm việc cho hòa giải và thống nhất đất nước chúng tôi. Tôi tin rằng việc yểm trợ nhân đạo và các cuộc đối thoại chân thành là điều cần thiết nhất. Giáo Hội đã tiếp tục yểm trợ nhân đạo cả khi tương quan giữa Bắc và Nam Hàn căng thẳng.

Hỏi: Liên quan tới việc tái thống nhất đất nước việc đối thoại liên tôn có tầm quan trọng nào giúp đạt mục đích này không?

Đáp: Đối thoại liên tôn là một vấn đề quan trọng, nhưng không liên quan gì tới các mục tiêu chính trị. Tôi nghĩ rằng thật là một điều hay đẹp, khi con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau hiểu biết nhau và trân trọng vẻ đẹp mà mội tôn giáo đã đem đến cho con người.

(RG 16-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thảm cảnh của người dân Nam Sudan ba năm sau ngày độc lập

Thảm cảnh của người dân Nam Sudan ba năm sau ngày độc lập

Phỏng vấn bà Enrica Valentini, giám đốc đài phát thanh Công giáo Nam Sudan

Cách đây ba năm, ngày mùng 9 tháng 7 năm 2011, miền Nam Sudan được độc lập tách rời khỏi miền Bắc và trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Nhưng rất tiếc người dân nước này đã không được hưởng hòa bình, vì xung đột bùng nổ hồi tháng 12 năm ngoái 2013 giữa tổng thống Salva Kiir, thuộc bộ tộc Dinka, và nguyên phó tổng thống Riek Machar, thuộc bộ tộc Nuer. Bẩy tháng chiến tranh đã khiến cho hơn 10.000 người thiệt mạng và 1 triệu người phải di cư tỵ nạn trên tổng số 8 triệu dân.

Nam Sudan là một vùng có nhiều mỏ dầu hỏa và có tiềm năng kinh tế rất lớn, nhưng hiện đang phải chứng kiến cảnh đói khát nguy hiểm cho tính mạng của 900 ngàn trẻ em. Chính dầu hỏa và các tài nguyên của mình đã khiến cho Nam Sudan liên miên lâm cảnh nội chiến, ban đầu là giữa chính quyền Bắc Sudan là vùng có đa số dân theo Hồi giáo và các bộ lạc miền nam Sudan có đa số dân theo Kitô giáo và đạo thờ vật linh.

Cuộc nội chiến đã rất là khốc liệt trong vùng Darfur giữa các năm 2003-2006 khiến cho gần 200 ngàn người chết và 300 ngàn người phải di cư lánh nạn. Các cuộc giao tranh xảy ra giữa quân đội chímh phủ và hàng chục lực lượng và đảng phái chính trị khác nhau, trong đó có ”Phong trào công lý và bình đẳng” gồm hai nhóm với hãi lãnh tụ, ”Phong trào quốc gia cải cách và phát triển”, ”Mặt trận các lực lượng cách mạng dân chủ”, ”Mặt trận lực lượng cách mạng thống nhất”, ”Phong trào giải phóng Sudan” gồm hai nhóm với hai lãnh tụ, ”Liên minh liên bang dân chủ Sudan”, ”Phong trào hiệp nhất giải phóng Sudan”.

Để đánh chiềm Darfur chính quyền Khartum phát động các cuộc hành quân đánh phá các làng mạc của các bộ lạc trong vùng, khiến cho hai bộ lạc Zaghawa và Fur nổi lên phản kháng để bảo vệ các quyền lợi của họ. Hầu hết người dân sống tại Darfur theo Hồi giáo, bao gồm cả bộ tộc Janjaweed và nhiều thân nhân nhân viên của chính quyền Khartum. Các phiến quân tấn công các đồn bót cảnh sát và đe dọa việc xây hệ thống dẫn dầu mới. Các lực lượng phiến quân được chính quyền Eritrea trợ giúp khí giới áp dảo các binh sĩ của chính quyền Khartum không thiện chiến trong sa mạc. Nhưng không lực của chính quyến Khartum gây ra nhiều tổn thất cho các phiến quân. Năm 2003 ba nhóm ”Quân đội giải phóng Sudan”, ”Phong trào Công lý và Bình đẳng”, và ”Quân đội giải phong nhân dân Sudan” nhập cuộc. Cuộc nội chiến Băc Nam Sudan đã kéo dài trong 20 năm lại bùng lên. Tiếp đến bộ lạc Janjaweed nhập cuộc và thi hành chính sách hãm hiếp đàn bà con gái, cướp bóc và đốt phá các làng mạc, khiến cho làn sóng di cư tỵ nạn tăng mạnh. Trong khi đó thì không lực của chính quyền Khartum liên tục bỏ bom và oanh kích khiến cho người dân phải sống giữa hai lằn đạn. Chiến tranh kéo dài cho tới tháng 9 năm 2007 mới chấm dứt với các cuộc thương thuết hòa bình tổ chức tại Sirte bên Lybia. Nhưng đã có 4 nhóm phiến quân không tham dự.

Trong chiến tranh Sudan đã có sự tham gia của nhiều nước A rập và Tây Âu cung cấp khí giới cho chính quyền Khartum, trong khi Nga và Trung Quốc yểm trợ khí giới cho các lực lượng Nam Sudan để nhận nhận được dầu hỏa, cần thiết cho nền kinh tế đang lên của Trung Quốc. Chiến cuộc kéo dài cho tới năm 2011 khi Nam Sudan tuyên bố độc lập. Nhưng sau đó lại xảy ra nội chiến giữa hai lực lượng phò tổng thống và phò phó tổng thống.

Trong các ngày vừa qua Đức Cha Eduardo Hiiboro Kussala, Giám Mục giáo phận Tombura-Yambio bên Uganda giáp giới với Nam Sudan, đã viếng thăm trụ sở trung ương của Hồi Đồng Tòa Thánh ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”. Đề cập tới tình hình tại Sudan ngài nhận định rằng mặc dù Hiến pháp Sudan bảo đảm sự bình quyền cho mọi công dân, không phân biệt tín ngưỡng, nhưng các tín hữu kitô bị xem như các công dân hạng nhì. Các giáo sĩ không được cấp thông hành và khi rời khỏi đất nước, họ không biết có được phép trở lại quê hương hay không. Đã có nhiều linh mục tu sĩ bị trục xuất và các Giám Mục không được lên tiếng hay tự do phát biểu tư tưởng. Các tín hữu kytô được tham dự các lễ nghi phụng tự, nhưng nhà cầm quyền Sudan không bảo vệ tự do tôn giáo. Điển hình nhất là trường hợp của bà Meriam Yahia Ibrahim Ishaq mới đây. Đức tin của bà đã được mọi người biết rõ. Bà bị cha là tín hữu hồi giáo bỏ rơi từ năm lên 5 tuổi, và đã lớn lên trong đức tin chính thống của mẹ, rồi xin gia nhập Giáo Hội công giáo hồi năm 2011 chỉ ít lâu trước khi gặp và lập gia đình với chồng là Daniel Wani. Thế nhưng bà bất ngờ bị bắt giam và kết án tử hình vì tội bỏ đạo. Bà đã phải sanh đứa con gái trong tù và được thả ra sau đó chỉ vì áp lực của dư luận thế giới.

Sự kiện tín hữu ky tô bị kỳ thị không phải là điều mới mẻ tại Sudan, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 7 năm 2011, khi miền Nam Sudan tách ra thành một quốc gia độc lập. Giáo Hội công giáo Sudan công khai ủng hộ quyết định này và đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Sudan tôn trọng ý chí của dân chúng. Chính vì thế, giáo hội bị xem là có trách nhiệm trong việc này, mặc dù giáo hội chỉ giới hạn trong lời kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và ác bạn bài phỏng vấn bà Enrica Valentini, giám đốc đài phát thanh công giáo Nam Sudan, do Hội Đồng Giám Nước này thành lập.

Hỏi: Thưa bà Enrica, ba năm sau ngày độc lập tình hình Nam Sudan hiện nay ra sao?

Đáp: Tình hình không có mầu hồng khiến cho nhiều người dân ngã lòng chán nản. Mọi niềm hy vọng họ đã có sau khi được độc lập với ước mong đất nước phát triển tốt đẹp hơn, đều đã tan biến hết. Điều mà dân chúng hiện chờ đợi đó là không có một giải pháp cho cuộc xung đột và các khác biệt giữa các phe phái liên hệ trong thời gian ngắn hạn. Nhưng đàng khác, cũng có người còn hy vọng: nhiều người nói rằng còn có ý chí cho một thay đổi, và dịp kỷ niệm độc lập này là một thời điểm giúp tất cả mọi người suy tư. Đề tài đã được chọn cho ngày kỷ niệm độc lập năm nay là ”Một dân tộc, một quốc gia”. Nó như là một lời mời gọi tất cả mọi người nhớ lại rằng ý tưởng độc lập là hiệp nhất con người trong một nước với nhau.

Hỏi: Theo bà, thì trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện nay tình hình chính trị nam Sudan như thế nào?

Đáp: Cảm tưởng đó là người ta không thực sự muốn ngồi lại với nhau để thảo luận. Liên quan tới các kết qủa của các cuộc thương thảo tại Addis Abeba thì chúng chỉ có trên giấy tờ hơn là trong thực tế, bởi vì mỗi bên đều bám chặt vào các tư tưởng, lập trường và các quyết định của mình… Có một yếu tố khác nữa: đó là trong các tuần qua người ta thảo luận về chủ thuyết liên bang, được coi như là một trong những giải pháp khả thể cho tình hình chính trị Nam Sudan. Nhưng dân chúng không hiểu rõ liên bang là g và ngay cả các giới chức chính trị cũng lờ mờ; người ta không hiểu rõ liên bang có nghĩa là gì. Và sự kiện này lại càng gia tăng căng thẳng hơn nữa.

Hỏi: Thưa bà Valentini, trong tình hình như thế thì Giáo Hội có thể làm gì?

Đáp: Giáo Hội tiếp tục nhấn mạnh trên ỳ nghĩa của từ ”hiệp nhất” và điều này Giáo Hội có thể làm bằng lời nói, nhưng cũng qua gương sáng. Tôi tin rằng sự cộng tác giữa các Giáo Hội khác nhau đã được thực thi trong bao nhiều năm nay, cũng như các cuộc đối thoại hòa bình, là một thí dụ cụ thể mà người dân có thể giữ lại trong tâm trí, và bắt chước lập lại trong cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Mới đây từ Nam Sudan đã có các báo động trên bình diện cứu trợ nhân đạo. Theo một loạt các tổ chức phi chính quyền Anh quốc, người dân có nguy cơ gặp nạn đói kém, có đúng thế không thưa bà?

Đáp: Đúng vậy. Có một loạt các yếu tố đưa đến chỗ khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Mùa mưa là lúc dân chúng bắt đầu trồng tỉa, nhưng mùa mưa này đã không được tận dụng tối đa, bởi vì dân chúng đã không thể nhận hạt giống và các dụng cụ canh tác thường được phân phát cho họ. Có một yếu tố khác liên quan tới các người tỵ nạn: họ đã phải rời bỏ ruộng vườn đất đai của họ nên không có ai có thể trồng tiả tại các thửa ruộng ấy. Rất nhiều nông dân hiện đang phải sống trong các trại tỵ nạn nhưng họ lo sợ, không dám đi ra ngoài để trồng tỉa: họ sợ bi trả thù. Trong các vùng khác mưa đã không rơi nhiều như thường lệ, vì thế cả các việc trồng cấy có thể đã phải bắt đầu, không được tốt vì thiếu nước mưa.

Hỏi: Ngoài các khó khăn trên đây vẫn cón có nút thắt khó khăn trong tương quan với Băc Sudan, với chính quyền Khartum. Các khó khăn này ảnh hưởng trên hiện tình của Nam Sudan như thế nào thưa bà Valentini?

Đáp: Khó mà có thể hiểu nổi… Một cách chính thức Băc Sudan đã lựa chọn giải pháp hòa bình, lam sao để vùng này được ổn định, bời vì sự ổn định cũng tạo thuân tiện cho các lợi lộc kinh tế. Nhưng đàng khác, cũng có tin đồn rằng chính quyền Băc Sudan yểm trợ cho các nhóm dân quân khác nhau. Và ở đây nữa cũng không đơn sơ, vì khó mà hiểu được các lực lượng dân quân này có gắn liền với chính quyền Khartum, hay đó chỉ la các phong trào khác nhau chống Khartum hiện diện bên Sudan.

(RG 9-7-2014; ZENIT 11-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Phòng Báo chí Toà Thánh, trong Công báo ra ngày hôm nay thứ Bảy 26 tháng Bảy 2014, ở mục “Miễn nhiệm và Bổ nhiệm”, đã loan tin: Đức Cha Nguyễn văn Khảm được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Mỹ Tho.

Tiểu sử Đức Cha Nguyễn văn Khảm:

02-10-1952:    Sinh tại Đàn Giản, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
1963 – 1972:   Học tại Tiểu chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ
1973 – 1976:   Học tại Đại chủng viện Thánh Tôma, Long Xuyên
1977 – 1979:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
30-08-1980:    Thụ phong linh mục
1980 – 1983:   Linh mục phụ tá giáo xứ Hà Đông, hạt Xóm Mới
1983 – 1987:   Quản nhiệm giáo xứ Hà Nội, hạt Xóm Mới
1987 – 1999:   Linh mục phụ tá Nhà thờ Chính Toà Tổng giáo phận Saigon
1997:               Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
2001 – 2004:   Học Thần học Mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, tốt nghiệp tiến sĩ
2004 – 10/2012: Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Saigon
Tháng 3-2008:   Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Việt Nam
15-10-2008:    được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Saigon châm ngôn Giám mục: “Hãy theo Thầy”
15-11-2008:    Thánh lễ tấn phong Giám mục tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, do Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong
6/2011 – 19/03/2012: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Thư ký (nhiệm kỳ 2010–2013 và 2013–2016), Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (2009–2010), Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội (nhiệm kỳ 2010–2013).