Loan báo Tin Mừng

Loan báo Tin Mừng

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam ghi lại tên tuổi hai vị giáo sĩ truyền giáo nổi tiếng: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Vào thế kỷ 17, Toà Thánh đã đặt hai giám mục này làm Giám Quản Tông Toà đầu tiên ở Việt Nam: Đức Cha Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) kiêm Camquchia, Lào, Thái Lan. Đức Cha Francois Pallu phụ trách Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) kiêm Trung Quốc.

Đức Cha Francois Pallu là người pháp, từ bỏ gia đình và quê hương vào ngày 3.1.1662, ngài dùng tàu buồm vượt qua Địa Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến miền Bắc Việt Nam, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị một cơn bão đánh giạt vào Philippin. Ngài bị người Tây Ban Nha bắt bỏ tù rồi đem giải về Tây Ban Nha.Với sự can thiệp của Toà Thánh, Tây Ban Nha trả tự do cho Đức Cha. Tuy phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng tim ngài vẫn luôn sáng chói một niềm hy vọng. Ngài nói: “Tôi phải đem Tin Mừng đến tận Trung Quốc”. Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây theo như ngài mơ ước. một câu nói của ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: “Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một nhịp cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc!”.

Thưa anh chị em, cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Francois Pallu tại đất nước ta cũng như biết bao nhà truyền giáo khác trên thế giới gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của mười hai Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai để nhóm này ở lại bên Ngài và để được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để các ông trở nên những người được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngay từ khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã thấy mình đứng trước một cánh đồng mênh mông, có biết bao nhiêu người cần được nghe Tin Mừng cứu độ. Ngài thấy mình cần những cộng tác viên nhiệt thành cho công cuộc truyền bá Tin Mừng. Chúa Giêsu đã trao tất cả những gì mình có cho Nhóm Mười Hai: quyền rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Hoạt động của các ông là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ của mình Chúa Giêsu.

Chia tay Thầy Giêsu, Nhóm Mười Hai lên đường. Đâu là hành trang của người tông đồ? Chúa Giêsu trả lời: “Không được mang gì khi đi đường”. Không bánh trái, không bao bì, không tiền bạc, không mặc hai áo. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng. Càng nhẹ nhàng thì càng dễ thi hành sứ mạng và càng được tự do hơn. Tuy nhiên sự nhẹ nhàng này thật là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận mọi bất trắc có thể xẩy ra dọc đường, nhưng cũng là đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông biết thái độ phải có khi đến với dân chúng. Nếu được đón tiếp thì hãy ở lại, không tìm một nhà khác tiện nghi hơn. Người tông đồ cần có đời sống nghèo, đón nhận những gì được trao cho mình với lòng biết ơn. Nếu không được đón tiếp thì cũng không nên nản lòng. Cử chỉ giũ chân ra đi cho thấy người tông đồ chẳng hề muốn lấy đi điều gì ở nơi đã từ chối đón tiếp mình.

Anh chị em thân mến, hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới không phải là chuyện xa xôi. Thế giới là nơi chúng ta đang sống, đang làm việc. Thế giới là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp. Thế giới là nơi giải trí, nơi du lịch, bãi biển. Thế giới là sách báo, phim ảnh, video, quảng cáo. Thế giới là mọi ngành khoa học, nghệ thuật, văn chương. Chúng ta ở trong thế giới và Chúa muốn sai chúng ta đi vào thế giới của mình trong tư cách là người Kitô hữu. Kitô hữu là người có khả năng biến đổi thế giới mình đang sống để nó biến thành thế giới của Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã rao giảng, đã mời gọi con người hoán cải để đón nhận Nước Thiên Chúa gần bên. Chúng ta cả những gì phá huỷ phẩm giá con người, loại trừ sự sống của Thiên Chúa, đều phải bị loại trừ. Kitô hữu là người phải hoán cải trước khi mời gọi người khác hoán cải, phải tỉnh thức trước khi đánh thức người khác, phải thuộc về Chúa trước khi trừ quỷ.

Thế giới hôm nay cũng là một thế giới bị thương tích, cần được chữa lành. Bệnh tật của thân xác và bệnh tật của tinh thần vẫn hoành hành trên thế giới. Con người đau khổ vì mất lòng tin, lo âu, tuyệt vọng. Con người nô lệ cho chính những sản phẩm của mình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đặt ra những vấn đề mới mà tự sức con người không giải quyết được. Kitô hữu là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, băng bó vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương.

Chúng ta không rõ nếu hôm nay Chúa Phục Sinh chỉ thị cho chúng ta, thì Ngài sẽ nói gì trước khi ngài sai chúng ta ra đi. Chắc Ngài sẽ nói khác với đoạn Tin Mừng hôm nay, những ý chính vẫn không thay đổi. Ngài dạy chúng ta tin cậy và quyền năng của Thánh Linh hơn là vào khả năng và phương tiện tự nhiên của mình. Ngài nhắc nhở chúng ta tín thác và Cha trên trời và Chuyển cầu cầu nguyện, vì chẳng ai có thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình bạn thân thết với Chúa.

Mỗi Thánh Lễ Chúa Giêsu tập họp chúng ta lại thành một cộng đoàn môn đệ của Ngài, để rồi sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố bằng cuộc sống làm chứng của mỗi người chúng ta và của Giáo Hội, một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ mọi người.

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

NHỮNG BÓNG MA TƯỞNG TƯỢNG

Trước khi dâng mình cho Chúa, Thánh An-phong là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, ngài đã thành công trong rất nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho ngài phải thất bại. Trong một vụ án mà ngài thấy là đơn giản, dễ dàng, ngài đã bị thua một cách thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan như mây bay. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám phủ xuống cuộc đời.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, thánh An-phong quay về bên Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa, ngài tìm được niềm bình an. Hơn thế nữa, ngài nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn. Từ đó, ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa, ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại, ngài hiểu rằng chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại để đưa ngài về con đường theo ý Chúa. Chính Chúa đã dùng những đau khổ để huấn luyện ngài trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống trong danh vọng trần thế để nâng ngài lên trong vinh quang Nước Trời.

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự. Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Đức Giêsu. Người làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an… Có lần Đức Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Người ngủ say đến nỗi sóng gió dữ dội mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Người dậy. Và Người đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Hôm nay cũng thế, Người đến bất ngờ khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Người ám ảnh. Nên khi Người đến họ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Cùng ăn uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ được bình an, được vui tươi và tin tưởng.

Trong đời sống chúng ta cũng thế. Rất nhiều lần trong đời ta tưởng Chúa là bóng ma đến đe dọa đời sống ta. Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa. Có những khi ta gặp thất bại ê chề tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới cao cả tươi đẹp hơn. Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, phong phú hơn.

Khi đức tin các tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Đức Giêsu là có thực. Đức tin của các tông đồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu và được nghe Người giải nghĩa Thánh Kinh. Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các tông đồ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Đức Giêsu. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh hằng ngày để hiểu biết Chúa hơn. Suy niệm Thánh Kinh để tìm ra thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày. Khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh. Ta sẽ nhìn thấy Chúa trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và niềm bình an.

Lạy Đức Giêsu Phục Sinh, con tin Chúa đang ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt,

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Tân giám mục giáo phận Mỹ Tho: ĐC Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Phòng Báo chí Toà Thánh, trong Công báo ra ngày hôm nay thứ Bảy 26 tháng Bảy 2014, ở mục “Miễn nhiệm và Bổ nhiệm”, đã loan tin: Đức Cha Nguyễn văn Khảm được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Mỹ Tho.

Tiểu sử Đức Cha Nguyễn văn Khảm:

02-10-1952:    Sinh tại Đàn Giản, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)
1963 – 1972:   Học tại Tiểu chủng viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ
1973 – 1976:   Học tại Đại chủng viện Thánh Tôma, Long Xuyên
1977 – 1979:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
30-08-1980:    Thụ phong linh mục
1980 – 1983:   Linh mục phụ tá giáo xứ Hà Đông, hạt Xóm Mới
1983 – 1987:   Quản nhiệm giáo xứ Hà Nội, hạt Xóm Mới
1987 – 1999:   Linh mục phụ tá Nhà thờ Chính Toà Tổng giáo phận Saigon
1997:               Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon
2001 – 2004:   Học Thần học Mục vụ tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, tốt nghiệp tiến sĩ
2004 – 10/2012: Giám đốc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Saigon
Tháng 3-2008:   Thư ký điều hành của Hội đồng Giám mục Việt Nam
15-10-2008:    được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Saigon châm ngôn Giám mục: “Hãy theo Thầy”
15-11-2008:    Thánh lễ tấn phong Giám mục tại Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, do Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ phong
6/2011 – 19/03/2012: Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Saigon. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Thư ký (nhiệm kỳ 2010–2013 và 2013–2016), Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo (2009–2010), Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội (nhiệm kỳ 2010–2013).