Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho Congo và Nam Sudan

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho Congo và Nam Sudan

VATICAN. Chiều 23-11-2017, ĐTC đã chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện có khoảng 1 ngàn người, trong đó cũng có đại diện của các tín hữu Kitô và tôn giáo khác, cùng với nhiều LM, tu sĩ và giáo dân từ hai quốc gia liên hệ.

Trong bài giảng nhân dịp này, ĐTC nói rằng: ”Chiều hôm nay, với buổi cầu nguyện này, chúng ta muốn gieo những hạt giống hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo và tại mỗi phần đất bị thương tổn vì chiến tranh. Tại Nam Sudan, tôi đã quyết định thực hiện một cuộc viếng thăm, nhưng không thể thi hành được”.

ĐTC nhắc lại rằng: ”Trên thập giá, Chúa Giêsu Kitô đã gánh lấy mọi tai ương của thế giới, kể cả những tội lỗi đã làm nảy sinh và nuôi dưỡng chiến tranh, đó là sự kiêu ngạo, hà tiện, ham hố quyền lực, gian dối.. Tất cả những điều đó Chúa Giêsu đã chiến thắng nhờ sự phục sinh của Ngài. Khi hiện ra giữa các môn đệ, Chúa nói: ”Bình an cho các con!” (Ga 20,19.21.26).

Rồi ĐTC cầu xin Chúa Phục Sinh phá đổ những bức tường thù nghịch đang chia rẽ các anh chị em, nhất là tại Nam Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo; xin Chúa cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của bạo hành trong các vùng chiến tranh và mọi nơi trên thế giới; xin Chúa cứu giúp các trẻ em đang chịu đau khổ vì những cuộc xung đột các em không gây ra, nhưng chúng đang cướp mất tuổi thư và nhiều khi cả mạng sống của các em! Chính trong trường hợp này chiến tranh biểu lộ khuôn mặt kinh tởm nhất của nó”.

ĐTC cũng xin Chúa giúp đỡ tất cả những người bé nhỏ và nghèo túng trên thế giới tiếp tục tin tưởng và hy vọng rằng Nước Chúa đang gần kề, ở giữa chúng ta, và là ”công lý, hòa bình, vui tươi trong Thánh Linh” (Rm 14,17).

”Xin Chúa củng cố nơi các nhà cầm quyền mà mọi ngừơi hữu trách một tinh thần cao thượng, ngay chính, cương quyết và can đảm trong việc tìm kiếm hòa bình, qua sự đốit hoại và thương thuyết”

Sau cùng, xin Chúa ban cho “tất cả chúng con trở thành những người xây dựng hòa bình trong môi trường chúng con đang sinh sống, tại gia đình, trường học, nơi làm việc, trong các cộng đoàn, trong mọi hoàn cảnh, ”rửa chân cho nhau, theo hình ảnh Chúa là Thầy và là Chúa của chúng con”.

Trong buổi cầu nguyện, mỗi ý nguyện có kèm theo bài đọc ngắn trích từ Tân Ước, và những đoạn thánh ca bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Và trước khi kết thúc, cộng đoàn đã hát kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi.

Nội chiến tại Nam Sudan từ 4 năm nay đã làm cho 50 ngàn người chết và 3 triệu người phải tản cư. Theo Tổ chức FAO của LHQ, trong năm 2018 tới đây sẽ có hơn 1 triệu 100 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan bị suy dinh dưỡng và 300 ngàn em có nguy cơ bị chết đói.

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, các vụ xung đột võ trang vẫn diễn ra từ lâu ở miền đông nước này. Tình hình chính trị cũng bất ổn, tổng thống Joseph Kabila đã mãn nhiệm, nhưng cố ở lại chức vụ, trong khi phe đối lập thì chia rẽ nhau (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo hội Italia trợ giúp 1 triệu euro để cứu trợ cho Nam Sudan

Giáo hội Italia trợ giúp 1 triệu euro để cứu trợ cho Nam Sudan

Hội đồng Giám mục Italia trích một triệu euro từ số tiền thuế 8/1000 dành cho Giáo hội để trợ giúp những người di tản và nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu tại Nam Sudan.

Hôm nay, 17/03, văn phòng quốc gia của ủy ban truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục đã thông báo rằng “số tiền, qua Caritas Italia, sẽ trợ giúp các hoạt động về sức khỏe và dinh dưỡng của Hội bác sĩ châu Phi Cuamm, bệnh viện của dòng Comboniano ở Wau và cac dự án tái thiết xã hội kinh tế của Caritas địa phương.

Nước Cộng hòa Nam Sudan được độc lập từ năm 2011, “đang sống trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất tại lục địa châu Phi do cuộc xung đột từ năm 2013 và các bạo lực do quân đội gây ra cho dân chúng.

Theo Liên hiệp quốc, có khoảng 100 ngàn người đang có nguy cơ chết đói, trong khi 5,5 triệu người có thể cũng lâm  vào cùng tình cảnh này vào cuối năm nay. Gần 2 triệu người chạy trốn chiến tranh và cần trợ giúp nhân đạo.

Caritas Italia. (Avvenire 17/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp các nạn nhân bị đói tại Nam Sudan

Đức Thánh Cha kêu gọi giúp các nạn nhân bị đói tại Nam Sudan

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về nạn đói tại Nam Sudan vốn bị nội chiến từ lâu.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô sáng hôm qua (22-2), ĐTC nói:

”Những tin tức đau thương từ Nam Sudan vốn chịu đau khổ đang gây kinh hoàng đặc biệt: tại đây ngoài cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, còn có thêm cuộc khủng hoảng trầm trọng về lương thực, lên án tử cho hàng triệu người vì đói, trong đó có nhiều trẻ em.

”Trong lúc này, hơn bao giờ hết cần có sự quyết tâm của tất cả mọi người, không dừng lại ở những lời tuyên bố mà thôi, nhưng còn cụ thể hóa bằng những trợ giúp lương thực và để cho các đồ cứu trợ ấy được đưa tới cho dân chúng đang chịu đau khổ. Xin Chúa nâng đỡ các anh chị em chúng ta và những người đang hoạt động để giúp đỡ họ”.

Chính phủ Nam Sudan và các cơ quan LHQ tuyên bố có hơn 100 ngàn người đang chịu đói. Họ cũng cho biết 1 triệu người khác đang bị nạn đói đe dọa. Các tổ chức quốc tế cũng tố giác chính phủ Nam Sudan ngăn chặn hoặc hạn chế việc chuyên chở đồ cứu trợ cho dân bị đói, mặc dù Nhà Nước tại đây nhiều lần hứa sẽ cho các tổ chức nhân đạo tự do đưa các đồ cứu trợ đến giúp các nạn nhân.

Cho đến nay hằng chục ngàn người đã bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến bùng nổ hồi tháng 12 năm 2013 và dân tiếp tục chết mặc dù có hiệp đình hòa bình giữa chính phủ và phiến quân hồi năm 2015. Hơn 1 triệu 500 ngàn người đã tị nạn khỏi Nam Sudan (SD 22-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Civil south Sudan war

ROMA. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết ĐTC Phanxicô đã gửi thư cho các vị lãnh đạo Nam Sudan kêu gọi chấm dứt nội chiến tại nước này.

ĐHY Turkson người Ghana đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan và đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu ở nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài chuyển lời chào thăm và tình liên đới của ĐTC với Cộng đoàn tín hữu, rồi sau lễ, ĐHY đã viếng thăm một số người tị nạn. Hôm sau, 18-7, ĐHY đã gặp tổng thống Nam Sudan và trao sứ điệp của ĐTC. Ngài cũng mang theo một sứ điệp của ĐTC cho cựu phó tổng thống Nam Sudan cũng là lãnh tụ phiến quân. Trong cả hai sứ điệp, ĐTC kêu gọi hai bên chấm dứt tình trạng nội chiến hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican sau khi trở về Roma, ĐHY Turkson nói đến tình trạng dân chúng Nam Sudan đang phải sống trong tình trạng đau khổ, nghèo đói và thiếu an ninh, bệnh tật mà thiếu thuốc men. Hiện thời, tình hình tạm lắng dịu nhưng người ta lo sợ sẽ tái diễn tình trạng tuy có hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng rồi đụng độ lại tái diễn, và dân chúng lại phải bỏ chạy. Đã 3 lần xảy ra như vậy.

ĐHY Turkson cho biết ĐTC rất quan tâm tới tình hình Nam Sudan. Khi ĐHY đến chào ngài để chuẩn bị ra đi và xin ngài viết hai lá thư cho hai lãnh tụ đối nghịch nhau tại nước này, ĐTC đã viết thư ngay, và nói: ”Tôi cũng muốn tới Nam Sudan..”. (RG 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2015, ĐTC đã tiếp kiến các GM hai nước Sudan và Nam Sudan, nhân dịp các vị về Roma tĩnh tâm và nhóm họp chung.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trước khi ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolo 6. Ngài lắng nghe các GM trình bày tình hình hai nước, nhất là nhu cầu hòa bình ở miền nam đang bị nội chiến, và tình trạng thiếu ơn gọi ở miền bắc, và đưa ra những đề nghị hướng dẫn. Các GM tái mời ĐTC đến thăm Sudan. Ngài cho biết là sẵn sàng và mong muốn, nhưng nói thêm rằng ”Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa”.

Các GM hai nước Sudan đã tham dự cuộc tĩnh tâm từ 12 đến 18-1 do Bộ truyền giáo thu xếp, và sau đó đã nhóm họp chung, cùng với ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Fernando Filoni, cũng như các vị trách nhiệm tại Bộ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Lukudo Loro, TGM giáo phận Juba, Chủ tịch HĐGM Sudan, cho biết các GM đã thảo luận với Bộ Truyền giáo về vấn đề có nên tiếp tục để nguyên HĐGM Sudan bao gồm các GM hai nước, hoặc là tách thành 2 HĐGM. Ngoài ra có vấn đề hiện nay có 4, 5 giáo phận ở Sudan không có GM, và có nhu cầu thiết lập thêm các giáo phận mới. Sau cùng là vấn đề tài trợ hàng giáo sĩ: Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cung cấp phương tiện sinh sống và hoạt động cho các LM.

Ở Sudan có ít tín hữu Công Giáo và chỉ có 2 giáo phận là Khartum và El Obeid, với 1 triệu 100 ngàn tín hữu trên tổng số 35 triệu dân, còn tại Nam Sudan có đông tín hữu Công Giáo hơn, gồm 7 giáo phận với 3 triệu tín hữu trên tổng số 8 triệu dân cư. (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

LILONGWE: Trong sứ điệp kết thúc Hội nghị nhóm tại Lilongwe bên Malawi, các Giám Mục Phi châu và Madagascar mời gọi tìn hữu toàn đại lục cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng qua chứng tá và các phương tiện truyền thông xã hội, củng cố các giá trị gia đình, tích cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn.

Các Giám Mục Phi châu và Magadascar cũng bầy tỏ đau buồn vì các xung khắc tại Sudan, Nam Sudan và Somalia, cũng như tại nhiều vùng khác trên thế giới gây chết chóc, tàn phá, thương đau cho các dân tộc liên hệ. Các vị mời gọi các dân tộc các nước lâm chiến kiếm tìm hòa bình, hòa giải và cùng nhau chung xây đất nước. Ngoài ra, các Giám Mục cũng khích lệ tín hữu toàn đại lục tỏ tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh đang cần được trợ giúp.

Liên quan tới gia đình các Giám Mục Phi châu ghi nhận cuộc khủng hoảng trầm trọng phát xuất bởi nạn cá nhân chủ nghĩa, luân lý suy đồi, nghèo túng và thất nghiệp. Giáo Hội cần củng cố mục vụ gia đình, thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sứ điệp của các Giám Mục cũng thỉnh cầu các chính quyến toàn đại lục Phi châu tôn trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Các Giám Muc cũng mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực của các phong trào tôn giáo cuồng tín, và xin các vị lãnh đạo tôn giáo theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng nhau. Các Giám Mục đặc biệt tỏ tình liên đới với các nạn nhân tai nạn máy bay hàng hàng không Malaysia bên Ukraine, các nạn nhân chiến tranh bên Palestina và Syria hay bên Irak và Syria.

Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar lần thứ 18 đã diễn ra tại Lilongwe bên Malawi trong các ngày 16-26 tháng 7 năm 2014 về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng qua sự hoán cải và chứng tá cho đức tin kitô”. Tham dự hội nghị đã có các Giám Mục đến từ các nước Eritrea, Etiopia, Malawi, Kenya, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda Zambia và Somalia (SD 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha và Hồng Y đoàn liên đới với các tín hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha và Hồng Y đoàn liên đới với các tín hữu bị bách hại

VATICAN. ĐTC và Hồng Y đoàn cầu nguyện và liên đới với các tín hữu Kitô bị bách hại và nhân dân các nước đang chịu đau khổ vì bạo lực và xung đột.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 21-2-2014, với sự chấp thuận của ĐTC và ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

”Trong công nghị ngoại thường, ĐTC và Hồng Y đoàn đã dâng lên Chúa lời khẩn nguyện đặc biệt cho đông đảo các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới, ngày càng trở thành nạn nhân của những hành động bất bao dung và bách hại. ĐTC và các Hồng y muốn tái bày tỏ lời cam đoan cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì Tin Mừng, đồng thời khuyến khích họ tiếp ục kiên vững trong đức tin và thành tâm tha thứ cho những kẻ bách hại mình, noi gương Chúa Giêsu.

”ĐTC và các Hồng Y cũng nghĩ đến những quốc gia, trong giai đoạn này, đang bị xâu xé vì những xung đột nội bộ, hoặc bị những căng thẳng trầm trọng làm thương tổn sự sống chung bình thường giữa dân chúng, như tại Nam Sudan hoặc tại Nigeria, nơi liên tục có những vụ khủng bố giết người, làm cho nhiều nạn nhân vô tội thiệt mạng, trong một bầu không khí càng càng bị dư luận dửng dưng. Trong giờ phút này, thảm trạng diện ra tại Ucraine làm cho người ta lo âu đặc biệt, ĐTC và các Hồng Y cầu mong mọi hành vi bạo lực sớm chấm dứt và tái lập hòa hợp và hòa bình.

”Cũng vậy, tình trạng xung đột kéo dài ở Siria tiếp tục gây lo âu rất nhiều, dường như người ta chưa tìm được một giải pháp hòa bình lâu dài, cũng như cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi, ngày càng lan rộng hơn. Sáng kiến của Cộng đồng quốc tế ngày càng trở thành điều cấp thiết để cổ võ hòa bình và hòa giải nội bộ, bảo đảm sự tái lập an ninh và nhà nước pháp quyền, để cho việc cứu trợ nhân đạo không thể thiếu được có thể đi đến với dân chúng.

”Rất tiếc là người ta nhận thấy nhiều cuộc xung đột hiện nay, được mô tả như những cuộc xung đột tôn giáo, nhiều khi người ta bảo đó là cuộc xung đột giữa người Kitô và Hồi giáo, trong thực tế đó là những cuộc xung đột trước tiên có tính chất bộ tộc, chính trị hoặc kinh tế.

”Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo lên án mọi hình vi bạo lực được thực thi nhân danh việc thuộc về một tôn giáo, và Giáo Hội sẽ không quên tiếp tục dấn thân cho hòa bình và hòa giải, qua cuộc đối thoại liên tôn và nhiều hoạt động từ thiện bác ái, hằng ngày mang lại sự trợ giúp và an ủi cho những người đau khổ ở các nơi trên thế giới. (SD 21-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý (Vatican Radio)