Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

human-trafficking

Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 8 vừa qua các Giám Mục vùng Nam Phi châu gồm các nước Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe và Mozambic đã nhóm đại hội tại Maputo thủ đô Mozambic, để thảo luận về tệ nạn buôn người trong vùng. Kết thúc hội nghị các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi toàn xã hội hiệp lực để đánh bại tệ nạn này đang gây ra rất nhiều khổ đau cho các nạn nhân và đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, không phải chỉ trong các nước vùng Nam Phi châu, mà trên toàn thế giới nữa, vì nạn buôn người hiện diện tại nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong số các hình thức buôn người thông thường có tệ nạn buôn nhân công, buôn phụ nữ và trẻ em cho các mạng lưới mại dâm và kỹ nghệ tình dục,  buôn bán cơ phận người,  buôn người di cư tỵ nạn…

Hội nghị nói trên đã do Uỷ ban của HDGM Mozambic về di cư tỵ nạn, viết tắt là CEMIRDE và Mạng lưới Nam phi về việc buôn và lạm dụng trẻ vị thành niên, viết tắt là SANTAC, cũng như tổ chức công giáo Anh quốc phát triển hải ngoại viết tắt là CAFOD, cùng tổ chức và bảo trợ. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức dân sự.

ĐC Francisco Chimoio, TGM Maputo kiêm chủ tịch HĐGM Mozambic, cho biết hội nghị là dịp thuận tiện để các tham dự viên trao đổi tư tưởng và kinh nghiệm giữa các nước trong vùng Nam Phi châu. Giáo Hội có nhiệm vụ phục vụ sự sống và bênh vực phẩm giá con người trong con người của Chúa Giêsu Kitô. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Ủy ban đặc trách người di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, nhấn mạnh việc mỗi nước và mỗi người phải góp phần mình cho cuộc chiến chung chống tệ nạn buôn người này, cũng như suy tư về các hình thức buôn người ngày nay đã trở thành một hiện tượng liên quốc. Mới đây Ủy ban này đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu hiện tượng buôn các cơ phận người, ăn cắp từ người di cư tỵ nạn trong vùng nam Mozambic. ĐC cho biết 16 năm nội chiến tại Mozambic đã khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn di cư tỵ nạn ra nước ngoài cũng như di chuyển bên trong nước. Họ trốn chạy chiến tranh tàn sát và tìm tới những nơi nào còn có an ninh.

** Ngoài việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho các anh chị em này, cũng cần phải giúp họ tái định cư và hội nhập cuộc sống địa phương nữa. Nhưng chính hoàn cảnh di cư tỵ nạn khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng buôn ngưòi và buôn cơ phận người.

Kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho biết trong rất nhiều trường hợp họ bị các tổ chức buôn cơ phận người lừa đảo, chụp thuốc mê và bị đánh cắp cơ phận, thường là thận. Nhưng cũng có khi các tay buôn cơ phận người đánh cắp cả mắt và tim nữa, và trong trường hợp này thì nạn nhân bị giết. Chẳng hạn bên châu Mỹ La tinh các thừa sai đã tìm thầy nhiều trẻ em được nhận là con nuôi, nhưng bị bỏ rơi đâu đó trong vùng biên giới các nước, và khi xem xét người các em thì các vị thấy các vết mổ ở vùng thận. Các em đã bị các tay buôn cơ phận người giả vờ nhận nuôi trẻ em, rồi mang tới vùng biên giới mổ và đánh cắp một trái thận của các em.

Phát biểu trong hội nghị bà Claire Dixon, đại diện tổ chức Công Giáo Anh quốc  phát triển hải ngoại, khẳng định rẳng cần có sự cộng tác của các chính quyền và các tổ chức bên trong các quốc gia vùng Nam Phi châu mới có thể chống lại hiện tượng buôn người liên quốc này. Chúng tôi yểm trợ cuộc chiến chống lại tệ nạn này trên khắp thế giới, nhưng mỗi quốc gia liên hệ phải nỗ lực làm việc và huy động các lực lượng của mình để đương đầu với hiện tượng buôn người đang đạt các chiều kích báo động ngày càng gia tăng.

Trong thông cáo công bố sau khi kết thúc hội nghị, các Giám Mục toàn vùng Nam Phi châu khẳng định rằng Giáo Hội toàn vùng không chỉ lãnh trách nhiệm và dấn thân chống lại hiện tượng buôn người tồi bại đáng xấu hổ này, nhưng còn kêu gọị sự cộng tác của mọi lực lượng xã hội cùng góp sức trong cuộc chiến chung phục vụ sự sống và nhân phẩm.

** Đây là lần đầu tiên Liên HĐGM vùng Nam Phi châu tổ chức hội nghị để thảo luận sâu rộng trong ba ngày vể tệ nạn buôn người. Mọi người đã thảo luận tích cực và đã lắng nghe trao đổi các kinh nghiệm cũng như nhận diện các hình thức buôn người mới, tinh vi và đa diện của hiện tượng liên quốc này. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Uỷ ban di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, cho biết các tham dự viên đã rất hài lòng về kết qủa tích cực của các ngày họp.

Ông Lutero Simango, chính trị gia phát ngôn viên của Phong trào dân chủ Mozambic, là đảng phái chính trị lớn nhất Mozambic, cho biết hội nghị đã không chỉ phân tích hiện tượng buôn người trong toàn vùng Nam Phi châu, nhưng cũng đề ra một số biện pháp và kiểu giúp chống lại nó như thế nào.

Trong tình  hình nội chiến như hiện nay mà Giáo Hội Mozambic đứng ra tổ chức một hội nghị như thế quả là một nỗ lực rất to lớn.

Mozambic rộng hơn 801.000 cây số vuông, có hơn 25 triệu dân. Mozambic là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, và đã chỉ giành được độc lập hồi năm 1975. Những người đầu tiên sống trong vùng đất này là người San “Boscimani”. Trong các thế kỷ thứ I tới thứ IV họ bị các dân tộc gốc Bantu từ miền bắc tới lấn át. Sau đó người A rập thành lập nhiều vùng cai trị khác nhau dọc bờ biển và trên các đảo khiến cho đa số dân theo Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ XV người Bồ Đào Nha tới Mozambic và xây cất nhiều nơi như trạm dừng chân và cung cấp thực phẩm cho các tầu thuyền thương mại của họ hướng tới vùng Đông Ấn Độ. Người Bồ Đào Nha giao việc điều hành cho các giới tư nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Sau Đệ Nhị Thế Chiến trong thời giải thể chế độ thực dân có các nhóm chủ trương giành độc lập quy tụ lại với nhau thành Mặt trận giải phóng Mozambic viết tắt là FRELIMO và chiến đấu giành độc lập. Sau 10 năm chiến tranh du kích chống lại Bồ Đào Nha năm 1975 Mozambic giành được độc lập.

** Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Samora Machel lãnh tụ FRELIMO, Mozambic liên miinh với Liên Xô và theo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên sự ủng hộ của các phong trào độc lập khác trong vùng như Đảng quốc đại Nam Phi. Nhưng đường lối chính trị này lôi kéo sự thù nghịch  của các nước khác như các chính quyền da trắng Nam Phi, Rhodesia và Hoa Kỳ. Các nước này đã tài trợ cho phong trào vũ trang chống cộng sản gọi tắt là RENAMO. Trong thập niên 1980 nội chiến bùng nổ khiến cho Mozambic bị kiệt quệ với các thiệt hại về nhân mạng và nền kinh tế rơi vào tình trạng xuống dốc thê thảm.

Năm 1990 qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio hai phong trào FRELIMO và RENAMO đã ký thoả hiệp hoà bình và cho ra đời một bản Hiến pháp bảo đảm chế độ đa đảng. Trong các lần bầu cử sau đó đảng FRELIMO luôn luôn thắng cử. Sau thời chiến tranh lạnh Mozambic theo đường lối chính trị tự do, liên minh với Hoa Kỳ, Anh quốc và  Bồ Đào Nha. Năm 1995 Mozambic được làm thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung của Anh. Trong cuộc bầu cử năm 1995 ông Joaquim Chissano đắc cử tổng thống. Năm 1996 Mozambic góp phần thành lập khối các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi tổng thống Chissano rút lui năm 2005, ông Armando Emilio Guebuza lên làm tổng thống và theo đuổi cùng đường lối chính trị của ông Chissano, công khai chống lại đường lối chính tri kỳ thị chủng tộc của tổng thống Mugabe bên Zimbabwe. Các người tỵ nạn da trắng trốn chạy Zimbabwe sang Mozambic được tiếp đón tử tế, có quốc tịch mới và được cấp đất đai trong vùng miền nam bỏ hoang. Với nhiều kinh nghiệm họ là lực lượng giúp vực nền kinh tế của Mozambic lên cao. Năm 2009 tổng thống Guebuza  tái đắc cử. Từ năm 2015 tân tổng thống là ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO.

Cũng như nhiều nước Phi châu khác Mozambic bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Nhóm da đen chiếm 99,5% tổng số dân gồm các chủng tộc: Shangaan, Chokwe. Manyika, Sena, Makua và nhiều nhóm khác. Đa số thuộc chủng tộc Bantu. Nhóm da trắng chiếm 0,2% đa số là người Bồ Đào Nha. Nhóm thứ ba gồm 0,2% người lai giống. Nhóm thứ tư gồm 0,1% người gốc Ấn độ.

** Trên bình diện tôn giáo 50% tổng số dân theo các tôn giáo cổ truyền phi châu; 30% là tín hữu Kitô, và 20% là tín hữu Hồi.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Bồ Đào Nha đưọc 40% tổng số dân sử dụng. Nhưng dân chúng cũng nói nhiều thổ ngữ, tất cả thuộc nhóm Bantu, trong đó có các thứ tiếng: Tsonga, Chope, Bitonga, XiSena, XiShona, Ndaho, CiNyungwe, EChuwabo, EMacua, EKoti, ELomwe, CiNyanja, CiYao. XiMaconde và KiMwani. Cộng đoàn Á châu thì nói tiếng Urdu và Gujarati.

Như quý vị thính giả đã biết, sau các vụ phản đối kết qủa cuộc bầu cử hồi năm 2014, Mozambic lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng, khiến cho quân đội chính quyền đụng độ với các lực lượng của đảng RENAMO. Chiến tranh khiến cho hàng ngàn người Mozambic chạy sang Malawi lánh nạn. Nhưng nhờ cộng đồng thánh Egidio đứng ra làm trung gian hoà giải, tình hình lắng dịu qua việc thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm 12 đại diện của tổng thống và 12 đại diện của đảng RENAMO.

Lực lượng RENAMO yêu cầu được cai trị trong các tình họ được dân chúng ủng hộ. Lời yêu cầu này cần thiết cho việc canh cải quyền bính địa phương và tản quyền từ trung ương. Qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio đã có một Tiểu ban được thành lập cho mục đích này, nhằm tạo ra bầu khí tin tưởng cần thiết cho việc đạt hoà bình. Hiện nay các thành viên của cộng đồng thánh Egidio hiện diện trong mọi thành phố bên Mozambic và sát cánh với Giáo Hội địa phương trong việc giải hoà và thăng tiến đất nước.

Linh Tiến Khải

CÁC GIÁM MỤC VÙNG NAM PHI DUYỆT XÉT CÁC THÀNH QUẢ 20 NĂM SAU KHI CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ KỲ THỊ CHỦNG TỘC

CÁC GIÁM MỤC VÙNG NAM PHI DUYỆT XÉT CÁC THÀNH QUẢ 20 NĂM SAU KHI CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ KỲ THỊ CHỦNG TỘC

MARIANHILL: Trong các ngày 5-12 tháng 8 năm 2014 các Giám Mục miền Nam Phi đang nhóm đại hội tại Marianhill để duyệt xét các thành qủa của 20 năm sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc cáo chung tại Nam Phi.

Tham dự đại hội có các Giám Mục của ba nước Nam Phi, Botswana và Swaziland. Trong số các đề tài được thảo luận có: các tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước 20 năm sau khi chế độ dân chủ được thực thi tại Nam Phi; việc tái tổ chức Hội Đồng Giám Mục các nước vùng Nam Phi cho việc loan báo Tin Mừng và cử hành Năm đời thánh hiến, sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới đây. Các Giám Mục cũng thảo luận về các thách đố và sứ mệnh của Giáo Hội trong xã hội Nam Phi hiện nay, dưới ánh sáng của thư mục vụ ”Hai mươi năm dân chủ. Dân Thiên Chúa và mọi người thiện chí” công bố hồi tháng 2 năm nay.

Trong thư các Giám Mục đã duyệt xét các thành qủa của hai thập niên dân chủ, kể từ khi chế độ kỳ thị chủng tộc cáo chung, cũng như các vấn đề chưa được giải quyết như nạn bạo lực, các bất công xã hội, và chủ trương kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại. Ngày 6-8-2014 cha Stuart Bate đã thuyết trình về đề tài ”Đức tin và sự tục hóa trong các nước đang trên đường phát triển”. Các Giám Mục cũng sẽ thảo luận về việc thành lập Ủy ban truyền giáo, Ủy ban giáo dân, Ủy ban Phó tế, và việc cử hành Năm đời thánh hiến do Đức Thánh Cha Phanxicô công bố nhân kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II.

Khách mời danh dự của đại hội là Đức Hồng Y Raymond Leo Burk, Chủ tịch Tối cao pháp viện Tòa Thánh. Đức Hồng Y đã minh giải vài vấn đề giáo luật liên quan tới việc tiêu hôn (SD 6-8-2014).



Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

CÁC GIÁM MỤC NAM PHI TỎ TÌNH LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TÍN HỮU KITÔ TẠI GAZA

THÀNH PHỐ CAPE: Trong các ngày vừa qua Hội Đồng Giám Mục Nam Phi đã viết thư cho Đức Thượng Phụ Latinh Giêrusalem Fouad Twal, để bầy tỏ tình liên đới với các Kitô hữu Gaza.

Thư mang chữ ký của Đức Cha Stephen Brislin, Tổng Giám Mục giáo phận thành phố Cape, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Phi. Đức Cha đã nhắc tới chuyến viếng thăm Tòa Thượng Phụ Giêrusalem và giáo xứ công giáo tại Gaza hồi tháng giêng năm nay nhân cuộc họp của Ủy ban phối hợp Thánh Địa.

Đức Cha Brislin viết: ”Chúng tôi đã nhớ tới các câu chuyện kể lại nổi khổ đau, sự nhục nhã và áp bức gia tăng mà anh chị em phải gánh chịu, trong khi các đường lối chính trị toàn vùng khiến cho cuộc sống của anh chị em ngày càng không thể chịu đựng nổi. Hằng ngày chứng kiến tình hình bạo lực gia tăng, chúng tôi muốn bầy tỏ tình liên đới sâu xa, các lời cầu nguyện và dấn thân hợp tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực trên các giới hữu trách để giúp đạt tới một nền hòa bình công bằng và lâu bền.

Với kinh nghiệm chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi chúng tôi biết rằng tình liên đới quốc tế và các cuộc biểu tình lớn là sức mạnh có khả năng thay đổi các tình trạng bất công. Chúng tôi hy vọng rằng sự ủng hộ của chúng tôi trao ban cho anh chị em và toàn Giáo Hội tại Thánh Địa sức mạnh tìm ra niềm hy vọng của sự Phục Sinh trong những lúc khó khăn này. Chúng tôi xin Đức Thượng Phụ chuyển thư này tới tín hữu giáo xứ Thánh Gia tại Gaza, đã tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu trong chuyến viếng thăm hồi tháng giêng năm nay. Chúng tôi xin bảo đảm với anh em lời cầu nguyện của toàn dân Nam Phi, cách riêng của toàn tổng giáo phận thành phố Cape (SD 30-7-2014)

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần

Ơn thông hiểu Chúa Thánh Thần ban giúp chúng ta hiểu Lời Chúa, chương trình cứu độ và mọi sự trong chiều sâu như Thiên Chúa hiểu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-4-2014. Dưới bầu trời mùa xuân Roma trong xanh với nắng ấm đã có khoảng 100,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha. Hàng ngàn người khác tới trễ đã phải theo dõi buổi tiếp kiến ngoài quảng trường Pio XII. Sở dĩ tín hữu đông vì có nhiều đoàn hành hương về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vẫn còn đang viếng thăm Roma.

Đã có hàng chục trẻ em được các cận vệ bế lên để cho Đức Thánh Cha hôn, có em mới chỉ được mấy tháng tuổi. Đó là niềm vui lớn của các bà mẹ. Có nhiều người tặng mũ ”calốt” cho Đức Thánh Cha, ngài lấy đội, rồi trao lại cho họ làm kỷ niệm. Cũng có nhiều người tặng khăn và áo thun cho ngài và ném vào xe díp. Hễ ngài quay qua bên phải lâu quá, thì tín hữu đứng bên trái lại réo gọi. Ngài đã dành hơn 45 phút để chào các tín hữu.

Trong bài giáo lý Đức Thánh Cha đã tiếp tục giải thích các ơn Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu. Sau ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên, ơn thứ hai là ơn thông hiểu. Ngài khẳng định ngay như sau:

Đây không phải là sự thông minh của con người, khả năng hiểu biết mà chúng ta ít nhiều có được. Trái lại, nó là một ơn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể đổ vào trong chúng ta và dấy lên nơi kitô hữu khả năng đi xa hơn khía cạnh bề ngoài của thực tại và thăm dò các sự sâu thẳm nơi tư tưởng của Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.

Khi nói với cộng đoàn Côrintô, tông đồ Phaolô miêu tả đúng các hiệu qủa của ơn này, nghĩa là điều ơn thông hiểu của Chúa Thánh Thần làm nơi chúng ta. Thánh nhân nói như sau: ”Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”. Còn chúng ta chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2,9-10).

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là một tín hữu kitô có thể hiểu biết mọi sự và tràn đầy các chương trình của Thiên Chúa: tất cả những điều đó còn chờ được tỏ lộ ra trong tất cả sự trong sáng của chúng, khi chúng ta sẽ ở bên Thiên Chúa và thực sự là một với Người. Tuy nhiên, như từ hiểu biết gợi ý, hiểu biết intelletto cho phép ”đọc bên trong” ”intus – leggere”. Ơn này khiến cho chúng ta hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu, với sự thông minh của Thiên Chúa. Bởi vì một người có thể hiểu một tình trạng với trí thông minh của con người, với sự thận trọng, thì tốt thôi. Nhưng hiểu một tình trạng trong chiều sâu, như Thiên Chúa hiểu, là hiệu quả của ơn ấy. Và Chúa Giêsu đã muốn gửi Chúa Thánh Thần cho chúng ta để chúng ta có ơn ấy, để chúng ta tất cả có thể hiểu các sự vật như Thiên Chúa hiểu chúng, với sự thông hiểu của Thiên Chúa. Đây là một món qùa đẹp mà Chúa đã ban cho tất cả chúng ta.

Đó là ơn, qua đó Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân tình với Thiên Chúa và khiến cho chúng ta được tham dự vào chương trình tình yêu mà Người có đối với chúng ta. Khi đó thật rõ ràng là ơn thông hiểu gắn liền mật thiết với đức tin.

Khi Chúa Thánh Thần ở trong tim chúng ta và soi sáng trí khôn chúng ta, Người làm cho chúng ta lớn lên mỗi ngày trong sự thông hiểu điều mà Chúa đã nói và đã làm. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người: Thầy sẽ gửi Thánh Thần cho anh em và Người sẽ làm cho anh em hiểu tất cả những gì Thầy đã dậy anh em. Hiểu các giáo huấn của Chúa Giêsu, hiểu Lời Người, hiểu Tin Mừng, hiểu Lời của Thiên Chúa. Một người có thể đọc Phúc Âm và hiểu điều gì đó, nhưng nếu chúng ta đọc Phúc Âm với ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta có thể hiểu chiều sâu các lời của Thiên Chúa. Và đây là một ơn lớn, một ơn vĩ đại mà tất cả chúng ta phải xin và xin cùng nhau: Lậy Chúa xin ban cho chúng con ơn thông hiểu.

Trong Phúc Âm thánh Luca có một chuyện diễn tả rất rõ sự sâu thẳm và sức mạnh của ơn đó. Đó là câu chuyện hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Sau khi chứng kiến cái chết trên thập giá và việc chôn cất Đức Giêsu, hai môn đệ tuyệt vọng và tan nát bỏ thành Giêrusalem và trở về làng tên là Emmaus.

Trong khi họ đi đường Chúa Giêsu phục sinh đến đi bên cạnh và bắt đầu nói chuyện với họ, nhưng mắt họ bị che mờ bởi sự buồn đau và nỗi tuyệt vọng nên không nhận ra Người. Chúa Giêsu đi với họ, nhưng họ buồn sầu, họ tuyệt vọng tới nỗi họ không nhận ra Người.

Nhưng khi Chúa giải thích Thánh Kinh, để họ hiểu rằng Người phải đau khổ và chết đi để rồi sống lại, trí khôn họ mở ra và niềm hy vọng tái nhóm trong con tim của họ (x. Lc 24,13-27).

Và đây chính là điều Chúa Thánh Thần làm với chúng ta: Người mở tâm trí chúng ta, Người mở chúng ta ra để hiểu các điều của Thiên Chúa hơn, hiểu các điều của con người, các tình trạng, tất cả mọi sự. Ơn thông hiểu thật là quan trọng đối với cuộc sống kitô. Chúng ta hãy xin Chúa ơn đó, xin Người ban cho chúng ta, ban cho tất cả chúng ta ơn này để hiểu như Người hiểu, hiểu các sự vật xảy ra, và nhất là hiểu Lời Chúa trong Phúc Âm.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu, cũng như các phái đoàn đến từ các nước: Benin, Uganda, Nam Phi, Philippines, Đài Loan, Malaysia, hay các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Honduras, Uruguay, Argentina, Mêhicô, Brasil. Ngài cầu mong tín hữu để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc sống.

Chào các tín hữu Ba Lan về Roma tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha cầu mong chứng tá đức tin, đức cậy, đức mến và sự tín thác nơi Lòng Chúa Thương Xót của thánh Gioan Phaolô II đặc biệt sống động trong những ngày này, sự bầu cử của người nâng đỡ cuộc sống và các ý hướng tốt lành của từng người, cũng như các âu lo và niềm vui của người thân, sự phát triển và tương lai an bình của Giáo Hội tại Ba Lan và trong toàn quê hương của họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý được chào có đoàn các trẻ em chịu phép Thêm Sức do Đức Cha Antonio De Luca Giám Mục giáo phận Teggiano-Policastro hướng dẫn; nhóm các nữ tu Salésiennes Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; các chủng sinh giáo phận Catania và Caltagirone; các tham dự viên cuộc hội học do Đại học Santa Croce tổ chức; tín hữu giáo xứ Montecchio hành hương Roma nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập giáo xứ. Đức Thánh Cha cầu mong chuyến viếng thăm mộ các thánh Tông Đồ và các Giáo Hoàng, dịp phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II giúp họ đào sâu đức tin và việc tùy thuộc dân thánh Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, ngài nhắc cho mọi người biết Giáo Hội mới mừng kính thánh nữ Catarina thành Siena Bổn Mạng Italia và Âu châu. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nữ sống với lương tâm ngay thẳng không nhượng bộ các giàn xếp nhân loại. Ngài nhắn nhủ các bệnh nhân noi gương mạnh mẽ của thánh nữ trong những lúc khổ đau, và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới noi gương đức tin vững vàng của người biết tín thác nơi Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio