Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Phong Chân Phước cho Mẹ Eppiger tại Strasbourg

Vị tân chân phước tục danh là Elisabette Eppinger sinh năm 1814 tại mạn bắc miền Alsace, con đầu lòng trong số 11 người con của một gia đình nông dân khiêm hạ. Ngay từ nhỏ Elisabette vốn có sức khỏe mong manh và hầu như mù chữ. Elisabette có lòng sùng kính đặc biệt đối với phép Thánh Thể, và sau khi rước lễ lần đầu, Elisabette xin được phép của cha sở cho rước lễ thường xuyên, trái với thói quen thời đó.

 Năm 1846, khi được 32 tuổi, trong cuộc chịu bệnh lâu dài và đau đớn hơn những lần trước đó, Elisabette cảm thấy sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Giêsu, Ngài hiện ra, chuyện vãn và an ủi chị. Sau đó, chị cũng được ơn nói tiên tri, khiến cho tiếng thăm chị lan rộng các nơi ở Pháp và truyền tới Roma. Nhiều hiện tượng thần bí cũng được các chứng nhân tận mắt kể lại. Năm 1848, Đức Cha Andrea Raess, GM giáo phận Strasbourg, đích thân đến làng quê của chị ở Niederbronn để điều tra về những hiện tượng này, và thẩm định về chị, theo lời yêu cầu của Tòa Thánh. Đức GM có cảm tưởng mình đứng trước một tâm hồn mạnh mẽ, với những nhân đức ngoại thường.

 Tháng 9 cùng năm 1848, chị Elisabette Eppinger nhận được thông báo của Chúa dạy thành lập một dòng tu, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù vốn bị bệnh nặng, khi ấy chị được khỏi bệnh đột ngột và tận tụy thi hành sứ vụ đã nhận lãnh. Dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế Cực Thánh được khai sinh và Đức Cha Andrea Raess phê chuẩn ngày 28-8 năm 1849 và chị Elisabette được ngài bổ nhiệm làm Bề trên Tổng quyền tiên khởi. Chị cai quản dòng trong 18 năm trời và làm cho dòng lan rộng tại các nước Pháp, Đức, Áo và Hungari, thích ứng với các nhu cầu bác ái ở địa phương.

 Chị Alfonsa Maria Elisabette Eppinger qua đời ngày 31-7-1867 lúc mới được 53 tuổi.

Giuse Trần Đức Anh OP

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Đức tổng GM Liverpool: tiếp tục loan báo Tin mừng giữa những khủng hoảng lạm dụng tính dục

Trong bài giảng Thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể Anh quốc tại nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua ở Liverpool hôm Chúa nhật 09/09, Đức cha Malcolm McMahon, tổng GM của Liverpool, nhìn nhận thiệt hại do các linh mục sai trái đã gây ra cho Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới, nhưng Đức cha McMahon nói với các tín hữu rằng họ phải cố gắng rao giảng Tin mừng bằng cả lời nói và hành động.

Tiếp tục loan báo Tin mừng để người khác nhận ra Chúa Giêsu nơi chúng ta

Đức cha nói. “Như là một cộng đoàn Kitô, chúng ta có thể nói, vì những xì-căng-đan và các vấn đề mới đây trong Giáo hội, chúng ta không còn ngẩng cao đầu. Hãy cúi đầu ăn năn nhưng chúng ta nên đứng thẳng. Có lẽ lời nói và việc làm của chúng ta sẽ không có cùng quyền lực như trước đây và rao giảng Tin mừng sẽ thật khó khăn, nhưng Tin mừng vẫn phải được loan báo và không có ai làm điều này trừ chúng ta, những người tội lỗi khốn khổ.”

Đức cha McMahon khuyến khích các tín hữu tiếp tục loan báo Tin mừng bằng hành động cũng như lời nói để người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong chúng ta – một Chúa Giêsu đang đau khổ, đang hấp hối và Chúa Giêsu phục sinh. Đức cha cũng nhấn mạnh điều cần thiết là các Kitô hữu tỏ cho người khác thấy “tình yêu và quyền năng chữa lành của Chúa qua Chúa Giêsu Kitô.

Khiêm nhường, thống hối về những sai trái trong Giáo hội

Trước đó, trong giờ chầu Thánh thể tối thứ bảy 08/09, ĐHY Vincent Nichols, Tổng GM Westminster và chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đã xin các tín hữu tha thứ về sự sai sót của hàng Giám mục.

ĐHY cũng nói rằng, bởi vì các xì-căng-đan, trong cuộc rước kiệu Thánh Thể vào trưa Chúa nhật, sẽ không có một tí sự chiến thắng hay hãnh diện nào trong các bước chân của các Giám mục. Cuộc rước kiệu Thánh Thể cách nào đó là cuộc rước đền tạ vì chúng ta quy hướng về Chúa Giêsu, Đấng chúng ta đã đóng đinh. Tuy thế, chúng ta bước đi với niềm vui khiêm nhường vì Chúa mang lấy thất bại, sự tàn bạo và lừa dối của chúng ta và chiến thắng tất cả những điều này bằng tình yêu và lòng thương xót của Người.

Làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô

Hôm 08/09, ĐTC Phanxicô cũng gửi một sứ điệp cho các tín hữu tham dự đại hội Thánh Thể. Ngài khuyến khích các tín hữu tiếp bước các thánh tử đạo tiền nhân của Anh quốc, những người đã đổ máu đào làm chứng hùng hồn và trung thành cho Chúa Kitô được tôn kính trong Thánh Thể. ĐTC nói rằng đau khổ của các vị tử đạo Anh quốc và xứ Wales không nói quá nhiều về sự tàn bạo của con người, nhưng về sự thanh thản và sức mạnh nhờ ơn Chúa khi các ngài chịu xử án. ĐTC nhắc rằng trung thành với gia sản đức tin không chỉ là tưởng nhớ nhưng phải tiếp tục làm chứng cho cùng Chúa Kitô và cho cùng món quá quý giá là Thánh Thể ngày nay vì vinh quang quá khứ luôn luôn là một bắt đầu chứ không phải là một kết thúc.

Thánh lễ kết thúc đại hội Thánh Thể Anh quốc được cử hành trong nhà thờ chính tòa đông đầy người và sau đó, có thêm hàng ngàn người tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể kéo dài nửa giờ trên đường phố Liverpool, dù trời mưa lớn. Đây là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên tại Anh sau 110 năm.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Syria

ĐTC Phanxicô kêu gọi hòa bình cho Syria

ĐTC nói rằng vẫn còn đó những làn gió chiến tranh và những tin tức đáng lo ngại về những rủi ro thảm họa nhân đạo tại mảnh đất này. Ngài kêu gọi Cộng đồng quốc tế và tất cả những ai liên hệ đến sử dụng công cụ ngoại giao, đối thoại và của đàm phán, trong sự tôn trọng Luật nhân đạo quốc tế và để bảo vệ cuộc sống của người dân.

ĐTC cũng nhắn đến việc phong á thánh cho Anna Kolesárová, trinh nữ tử đạo người Slovakia. Anna bị giết vì đã chống lại người muốn vi phạm phẩm giá và trinh khiết của cô. ĐTC nói thiếu nữ can đảm này là mẫu gương giúp các bạn trẻ kitô kiên vững trung thành với Tin Mừng, ngay cả khi đòi hỏi phải lội ngược dòng và phải trả giá bằng chính mạng sống.


Ngọc Yến

ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

ĐHY Oswald Gracias: Giáo hội Á châu ủng hộ ĐGH Phanxicô 100%

“Giáo Hội ở Á Châu kiên quyết ủng hộ Đức Thánh Cha. Như là chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Châu, tôi nhắc lại rằng Giáo hội ở Á Châu đứng về phía Đức Giáo hoàng Phanxicô 100%". ĐHY Oswald Gracias, tổng Giám mục Mumbai, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ và cũng là Chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã khẳng định như trên với hãng tin Á châu.

Trong chứng thư dài 11 trang công bố tối ngày trước khi ĐTC Phanxicô kết thúc chuyến viếng thăm Ailen và trở về Roma, Đức tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Hoa kỳ, đã tố cáo ĐGH Phanxicô biết về những lời cáo buộc lạm dụng tính dục xảy ra trong Giáo hội tại Hoakỳ nhưng ngài đã im lặng; cụ thể là ngài biết về các vụ lạm dụng tính dục các chủng sinh trẻ của cựu Hồng y Theodore McCarrick.

ĐHY Gracias cho biết ĐHY ngạc nhiên trước quyết định công khai vấn đề của Đức tổng Giám mục Viganò, vì theo ĐHY, Đức tổng Giám mục Viganò là một thành viên có uy tín và được tôn trọng của Vatican và Washington. ĐHY Gracias cũng cho biết ngài thật sự thất vọng vì đây không phải là cách thức đúng để giải quyết các vấn đề tương tự. Cách thức này không trợ giúp trong vấn đề này.

ĐHY Gracias hiện đang ở Seoul để tham dự một diễn đàn vì hòa bình. Ngài cũng nói thêm về chứng thư của Đức tổng Giám mục Viganò: “Có nhiều khoảng trống trong  các lời chứng và các từ ngữ đã được sử dụng cách tinh ranh. Các từ ngữ được sử dụng với sự mơ hồ. Các lời chứng là một nỗ lực được phối hợp để làm sai lệch thực tế. "

Cuối cùng, ĐHY Gracias kết luận: “Tôi hy vọng rằng Đức tổng Giám mục hiểu thiệt hại mà ngài gây nên cho Giáo hội. Tôi chắc chắn rằng Đức Thánh Cha đã có những kết luận về tài liệu này và tôi hài lòng rằng vị Đại diện Chúa Kitô đã chọn cách không trả lời.”

Hồng Thủy

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

Gia đình hiệp nhất và hòa giải là giấc mơ của Thiên Chúa

ĐTC vừa mới công du Ailen về, nên trong bài huấn dụ, ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng trong hai ngày viếng thăm nhân cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình công giáo lần thứ 9. ĐTC giải thích sự hiện diện của ngài trong cuộc gặp gỡ là để củng cố các gia đình Kitô trong ơn gọi và sứ mệnh của mình. Hàng ngàn gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái đã tụ tập về Dublin với tất cả sự khác biệt ngôn ngữ, nền văn hóa và kinh nghiệm, đã là dấu chỉ hùng hồn vẻ đẹp giấc mơ của Thiên Chúa cho toàn gia đình nhân loại.

Gia đình thực hiện giấc mơ hiệp nhất và hòa giải của Thiên Chúa

Giấc mơ của Thiên Chúa là sự hiệp nhất, hòa hợp, và hòa bình, trong các gia đình và trong thế giới hoa trái của lòng chung thủy, sự tha thứ và hòa giải mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Thiên Chúa mời gọi các gia đình tham dự vào giấc mơ đó và làm cho thế giới trở thành một ngôi nhà, nơi không ai phải cô đơn, không ai cảm thấy không được thương mến và bị loại trừ. Vì thế thật là thích hợp khi đề tài của cuộc gặp gỡ quốc tế này là “Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Tiếp đến, ĐTC chia sẻ với tín hữu các sinh hoạt khác nhau trong hai ngày viếng thăm: Khi nói chuyện với chính quyền tại lâu đài Dublin, tôi đã nhấn mạnh rằng Giáo hội là gia đình của các gia đình và như là một thân mình, Giáo Hội nâng đỡ các tế bào của nó trong vai trò không thể thiếu cho sự phát triển một xã hội huynh đệ và liên đới.

Chứng từ của các gia đình trong chuyến viếng thăm Dublin là những điểm sáng

Các điểm sáng đích thực của các ngày này là các chứng từ của tình yêu hôn nhân của các cặp vợ chồng thuộc mọi lứa tuổi. Các câu chuyện của họ đã nhắc nhớ rằng tình yêu hôn nhân là một món quà đặc biệt của Thiên Chúa, cần vun trồng mỗi ngày trong “Giáo hội tại gia” là gia đình. Thế giới cần một cuộc cách mạng của tình yêu, một cuộc cách mạng của sự hiền dịu biết bao để cứu chúng ta khỏi nền văn hóa của sự tam bợ! Và cuộc cách mạng này bắt đầu trong con tim của gia đình.

Trong nhà thờ đồng chính tòa Dublin  tôi đã gặp gỡ các đôi vợ chồng dấn thân và biết bao nhiêu cặp vợ chồng trẻ với nhiều trẻ em. Thế rồi tôi đã gặp vài gia đình đang phải đương đầu với các thách đố và khó khăn đặc biệt. Nhờ các tu sĩ Phanxicô luôn luôn gần gũi dân chúng và nhờ gia đình giáo hội rộng rãi hơn, họ đã sống kinh nghiệm tình liên đới và nâng đỡ là hoa trái của lòng bác ái.

Cao điểm chuyến viếng thăm của tôi là đại lễ với các gia đình chiều thứ bẩy tại vận động trường Dublin, theo sau là thánh lễ Chúa Nhật tại công viên Phoenix. Trong buổi canh thức chúng tôi đã lắng nghe các chứng từ rất đánh động của các gia đình đã đau khổ vì chiến tranh, các gia đình được canh tân bởi sự tha thứ, các gia đình được tình yêu thương cứu thoát khỏi vòng xoáy của sự tùy thuộc nghiện ngập, các gia đình đã học sử dụng tốt các điện thoại di dộng, máy vi tính và dành ưu tiên cho thời gian sống với nhau; và đã nêu bật giá trị của sự thông truyền giữa các thế hệ và vai trò chuyên biệt của các ông bà trong việc củng cố các mối dây gia đình và thông truyền kho tàng đức tin. Ngày nay thật khó nói lên điều này… xem ra các ông bà có vẻ quấy rầy! Trong nền văn hóa gạt bỏ này, các ông bà bị gạt bỏ, lảng xa ra. Các ông bà là sự khôn ngoan, là ký ức của một dân tộc, là ký ức của các gia đình! Và các ông bà phải thông truyền ký ức ấy cho các cháu bé. Các người trẻ và trẻ em phải nói chuyện với các ông bà. Xin làm ơn đừng gạt bỏ các ông bà. Ước chi các vị gẫn gửi con cái cháu chắt cho ông bà.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Sáng Chúa Nhật tôi đã hành hương tới đền thánh Đức Bà Knox, rất thân yêu đối với nhân dân Ailen. Ở đó, trong nhà nguyện được xây trên nơi Đức Trinh Nữ hiện ra, tôi đã phó thác cho sự chở che hiền mẫu của Mẹ mọi gia đình, cách riêng các gia đình của nước Ailen. Và tuy chuyến viếng thăm của tôi không bao gồm miền Bắc Ailen tôi đã hướng lời chào thân ái của tôi tới dân chúng và đã khích lệ tiến trình hòa giải, hòa bình, tình bạn và cộng tác đại kết.

Đương đầu với tệ nạn lạm dụng cách chân thực và can đảm

Đề cập tới vết thương của các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên xảy ra tại Ailen ĐTC nói: Ngoài niềm vui lớn, chuyến viếng thăm này của tôi tại Ailen cũng phải lãnh trách nhiệm sự đau đớn và cay đắng vì các khổ đau đã xảy ra tại nước này vì nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, kẻ cả từ phía các thành phần của Giáo Hội, và của sự kiện các vị thẩm quyền giáo hội trong quá khứ đã không luôn luôn biết đương đầu một cách thích hợp với với tội phạm ấy.

Cuộc gặp gỡ với vài nạn nhân còn sống sót đã để lại một vết sâu đậm. Họ là 8 người. Và nhiều lần tôi đã xin lỗi Chúa vì các tội lỗi này, vì gương mù gương xấu và cảm tưởng bị phản bội đã gây ra. Các Giám Mục Ailen đã bắt đầu một lộ trình nghiêm chỉnh thanh tẩy và hòa giải với những người đã đau khổ vì các vụ lạm dụng và với sự trợ giúp của các quyền bính quốc gia, các vị đã thiết lập một loạt các luật lệ nghiêm khắc để bảo đảm an ninh cho giới trẻ. Rồi trong buổi gặp gỡ của tôi với các Giám Mục tôi đã khích lệ các vị trong nỗ lực sửa chữa các thất bại quá khứ với lòng liêm chính và can đảm, tín thác nơi các lời Chúa hứa và tin cậy nơi đức tin sâu xa của dân tộc Ailen, để khai mào một mùa canh tân của Giáo Hội Ailen.

Cầu nguyện cho ơn gọi

Tại Ailen có đức tin, có người có đức tin: một đức tin với các gốc rễ lớn. Nhưng anh chị em có biết một điều không? Rằng có ít ơn gọi linh mục. Làm sao đức tin này lại không thành công? Nhé.. đối với các vấn đề, các gương mù gương xấu, biết bao nhiêu chuyện…

Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa gửi các linh mục thánh thiện tới Ailen, gửi các ơn gọi mới. Và chúng ta cùng nhau làm điều này bằng cách đọc một Kinh Kính Mừng dâng Đức Bà Knock . ĐTC và mọi người đã đọc kinh Kinh Mừng rồi ngài nói: Lậy Chúa Giêsu xin gừi các linh mục thánh thiện tới cho chúng con.

Ly dị không phải là lý tưởng. Gia đình hiệp nhất mới là kiểu mẫu

Anh chị em thân mến, Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Dublin đã là một kinh nghiệm ngôn sứ, khích lệ của biết bao nhiêu gia đình dấn thân trong cuộc sống phúc âm của hôn nhân và của cuộc sống gia đình, các gia đình môn đệ và truyền giáo, men của lòng tốt, sự thánh thiện, công lý và hòa bình. Chúng ta quên biết bao gia đình – biết bao gia đình – làm cho gia đình tiến tới, các con cái với lòng trung thành bằng cách xin lỗi khi có các vấn đề. Chúng ta quên bởi vì ngày nay trên các nguyệt san, các nhật báo người ta theo mốt nói như thế này: “A, ông này đã ly dị với bà này. Bà đó đã ly dị với ông kia… Và ly thân”. Tôi xin anh chị em: đây là một điều xấu xa.  Đúng: tôi tôn trọng mỗi người, chúng ta phải tôn trọng người khác nhưng lý tưởng không phải là ly dị, lý tưởng không phải là ly thân, không phải là việc phá hủy gia đình, Lý tưởng là gia đình hiệp nhất. Như vậy hãy tiến bước: đó là lý tưởng!

Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tới đây sẽ diễn ra tại Roma vào năm 2021: anh chị em hãy chuẩn bị nhé! Chúng ta hãy tín thác mọi gia đình cho sự chở che của Thanh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, để trong các nhà, các giáo xứ và cộng đoàn các gia đình có thể thực sự là “niềm vui cho thế giới”.

Linh Tiến Khải

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

HĐGM Mỹ quyết tâm làm sáng tỏ và xử lý những vụ lạm dụng

Trong thông cáo công bố hôm 27-8-2018, ĐHY DiNardo cho biết ngài bày tỏ lập trường trên đây trong niềm hiệp thông với ĐTC và cùng với ban chấp hành của HĐGM Hoa Kỳ, như ĐTC đã nói: ”Vết thương này (do những vụ lạm dụng) thách thức chúng ta phải kiên quyết theo đuổi sự thật và công lý”.

 Thông cáo của ĐHY cũng cho biết: ”Ngày 1-8 vừa qua, tôi đã hứa rằng HĐGM Hoa Kỳ sẽ thi hành trọn vẹn quyền bính của mình, và can thiệp với những quyền bính cao hơn, để làm sáng tỏ nhiều vấn đề quanh vụ Đức TGM McCarrick. Ngày 16-8 vừa qua, tôi đã thỉnh cầu Tòa Thánh thực hiện một cuộc thanh tra tông tòa, làm việc hòa hợp với Ủy ban giáo dân toàn quốc vơi quyền bính độc lập, để tìm kiếm sự thực. Hôm qua 26-8, tôi đã tái triệu tập Ban chấp hành HĐGM và tái khẳng định lời kêu gọi về việc mau lẹ và cứu xét kỹ lưỡng những thiếu sót luân lý của một người anh em GM và làm sao những thiếu sót ấy có thể dung thứ quá lâu như vậy và không có sự ngăn cản nào”.

 Cứu xét chứng từ của Đức TGM Viganò

 ĐHY DiNardo cũng nhắc đến bản chứng từ của Đức TGM Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, công bố hôm 26-8 vừa qua, tố giác về những điều này, và ĐHY nói rằng lá thư này càng đòi sự chú tâm hơn và cấp thiết cứu xét. Những câu hỏi được nêu lên đáng được trả lời đầy đủ và dựa trên các bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời như thế, thì những người vô tội có thể bị ô danh vì những lời cáo buộc giả dối và các tội quá khứ có thể tái diễn”.

 Chờ đợi được gặp ĐTC

 ĐHY Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ cho biết đang chờ đợi được ĐTC tiếp kiến để trình bày kế hoạch hành động và được sự hỗ trợ của ngài trong kế hoạch hành động. Trong kế hoạch này có đề nghị làm sao để việc trình báo về sự lạm dụng và sai trái của các GM được dễ dàng hơn, cải tiến các thủ tục giải quyết những đơn kiện chống các GM”.

 ĐHY McCarrick, 89 tuổi, nguyên là TGM giáo phận thủ đô Washington, bị cáo là đã có lối sống sai trái về luân lý, và đã xin từ bỏ chức vị Hồng Y. Hiện nay thủ tục xét xử theo giao luật đang được tiến hành.

Giuse Trần Đức Anh OP

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến ĐHGT ở Panama vào tháng 01/2019

Ngày 27/08, Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, tổng Giám mục Panama, thông báo rằng tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được đưa đến Panama nhân dịp Đại hội Giới trẻ thế giới (ĐHGT) được tổ chức tại đây từ ngày 22-27/01/2019.

Tượng Đức Mẹ Fatima đầu tiên được làm theo sự chỉ dẫn của sơ Lucia – một trong 3 trẻ mục đồng được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima – và được đức tổng Giám mục của Évora đội triều thiên vào năm 1947, được tôn kính trong đền thánh ở Fatima, Bồ đào nha, và trong các cuộc thánh du từ 80 năm nay.

Vinh danh thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô – người thành lập ĐHGT thế giới

Đây là lần đầu tiên từ năm 2000 tượng Đức Mẹ Fatima được đưa ra khỏi Fatima. Văn phòng giám đốc đền thánh đã quyết định tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại đền thánh, sau khi đã thánh du 64 quốc gia, nhưng ĐHGT năm 2019 đã xin một ngoại lệ.

Trong một cuộc họp báo, cha Carlos Cabecinhas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Fatima, khẳng định rằng quyết định này dựa trên tầm quan trọng của sự kiện, và trên hết là mối liên hệ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người sáng lập ĐHGT thế giới, và là người có lòng sùng kính đặc biệt Đức Mẹ Fatima; và nguyên nhân cuối cùng là lòng sùng kính sâu sắc của người dân Panama đối với Đức Mẹ. Một phái đoàn đại diện của đền thánh Fatima do cha Marco Daniel Duarte, giám đốc bảo tàng đền thánh Fatima, đã đến Panama để thông báo tin này.

Tượng Đức Mẹ sẽ đến Panama vào ngày 21/01/2019

Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ đến Panama vào lúc 17 giờ 15 ngày 21/01/2019 và sẽ được kính viếng tại đây cho đến 17 giờ ngày 29/01. Trong thời gian này, đầu tiên tượng Đức Mẹ sẽ được đặt tại nhà thờ Lộ đức, sau đó từ thứ ba ngày 22/01, tượng sẽ được rước đến nhà nguyện Thánh Thể tại Công viên Tha thứ do các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa coi sóc. Tại công viên sẽ có những thời điểm liên kết với chương trình của ĐHGT, từ khi bắt đầu với Thánh lễ khai mạc vào thứ 3. Vào thứ bảy 26/01 và Chúa nhật 27/01, tượng sẽ hiện diện trong trong buổi canh thức, giờ lần hạt Mân côi, và trong Thánh lễ kết thúc vào Chúa nhật.

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

ĐTC Phanxicô kêu gọi giới báo chí đừng lên án

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí cùng đi với ngài trong chuyến bay tối chúa nhật 26-8-2018 từ Dublin Ailen trở về Roma.

 Một ký giả hỏi: tại Pháp có một linh mục yêu cầu ĐHY Barbarin, TGM Lyon, hãy từ chức vì bị cáo buộc là bao che các LM bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, ĐTC nghĩ sao? Ngài đáp:

 ”Nếu có những ngờ vực, với bằng chứng hoặc bằng chứng một nửa, thì tôi không thấy có gì là xấu khi thực hiện một cuộc điều tra, và luôn luôn cần tiến hành theo nguyên tắc cơ bản về pháp luật: ”Không ai bị coi là xấu nếu người ta không chứng minh được điều đó” (nemo malo nisi probetur). Bao nhiêu lần người ta bị cám dỗ coi ngay người bị cáo là người có tội, như một số cơ quan truyền thông vẫn làm – không phải quí vị ở đây. Cách đây 3 năm tại Granada bên Tây Ban Nha, xảy ra vụ một nhóm 7, 8 linh mục bị cáo là lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và tổ chức những vụ liên hoan dâm dục. Tôi đã nhận được lời cáo buộc này trong một thư do một người trẻ 23 tuổi viết. Đức TGM Granada đã làm tất cả những gì phải làm và vụ này được đưa tới cả tòa án dân sự. Các LM ấy đã bị báo chí kết án, người ta tạo nên một bầu không khí thù nghịch và oán ghét đối với các linh mục ấy, và họ chịu đau khổ, tủi nhục. Nhưng kết luận là tòa án nhìn nhận các LM ấy là những người vô tội và kẻ tố cáo bị kết án phải trả án phí.

 Và ĐTC nói với các ký giả rằng: ”Công việc của các bạn thật là tế nhị, các bạn đưa tin, nhưng không luôn luôn coi người bị cáo là vô tội theo luật pháp, cho đến khi họ bị kết án, và đừng coi họ là người có tội trước khi có án lệnh chung kết”.

 Chiều kích luân lý của phá thai và đồng tính luyến ái

 Về vấn đề phá thai mới được đa số dân chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng 5 vừa qua, một ký giả hỏi ĐTC xem ngài cảm thấy thế nào về vụ này, ĐTC đáp:

“Về phá thai, các bạn đã biết tôi nghĩ gì: đây không phải là một vấn đề tôn giáo, chúng ta không chống phá thai vì lý do tôn giáo. Đó là một vấn đề nhân loại học về đặc tính luân lý của hành động loại bỏ một hữu thể đang sống để giải quyết một vấn đề”.

 Về vấn đề đồng tính luyến ái, ĐTC được hỏi xem ngài sẽ nói gì với một người cha khám phá thấy con của ông là một người đồng tính luyến ái? Ngài đáp:

 ”Tôi sẽ nói trước tiên ông hãy cầu nguyện, chứ đừng lên án, rồi đối thoại, tìm hiểu, dành cho con mình, trai hoặc là gái. Sau đó tùy tuổi khi sự đồng tính luyến ái được biểu lộ. Tôi không bao giờ nói im lặng là một giải pháp. Cố tình không biết đến người con mình, trai hoặc gái, đồng tính luyến ái, là một sự lỗi bổn phận làm cha, làm mẹ. Ba là cha của con, mẹ là mẹ của con, chúng ta hãy nói chuyện với nhau, ba hoặc má không đuổi con ra khỏi gia đình”.

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô: Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Trong các lễ nghi Do Thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh Chúa, chúng ta tiếp xúc với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. Như vậy “kêu tên Chúa” – dịch sát nghĩa là “lấy lên trên mình danh của Thiên Chúa” – có nghĩa là bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, chặt chẽ với Ngài, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa điều răn “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” như viết trong sách Xuất Hành: “ Ngươi không được dùng danh Giavê, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Giavê không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. (Xh 20,7), và như Chúa Giêsu đã nói trong lời cầu ở bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha là Đấng công chính… Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa." (Ga 17,25-26).

 

ĐTC nói: Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về các giới răn và hôm nay chúng ta nói tới điều răn “Ngươi sẽ không nói lên tên của Chúa, là Thiên Chúa ngươi một cách vô ích”. Thật đúng đắn là chúng ta đọc Lời này như việc mời gọi không xúc phạm đến danh của Thiên Chúa và tránh dùng nó một cách không thích hợp. Ý nghĩa rõ ràng này chuẩn bị cho chúng ta đào sâu hơn nữa các lời quý báu này, là không dùng tên của Thiên Chúa một cách vô ích, một cách không thích hợp.

Chúng ta hãy nghe chúng một cách tốt đẹp hơn. “Ngươi sẽ không nói lên” – dịch một kiểu nói có nghĩa theo sát chữ, trong tiếng Do thái cũng như trong tiếng Hy lạp – là “ngươi sẽ không mang lấy trên mình, ngươi sẽ không vác trên ngươi”. Kiểu nói “một cách vô ích” rõ ràng hơn và có nghĩa là “trống rỗng, một cách vô ích”. Nó ám chỉ một cái hộp rỗng, một hình thái không có nội dung. Đó là đặc tính của sự giả hình, của óc hình thức và của sự dối trá. Dùng các lời nói hay dùng tên của Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.

Tên gọi trong Thánh Kinh là sự thực sâu xa của các sự vật, và nhất là của con người. Tên gọi thường diễn tả sứ mệnh. Thí dụ tổ phụ Abraham trong sách Sáng Thế (x. 17.5) và tông đồ Simon Phêrô trong Phúc Âm (x. Ga 1,42) các vị nhận một tên gọi mới để ám chỉ sự thay đổi hướng đi cuộc đời các vị. Và thực sự biết danh Thiên Chúa đưa tới chỗ biến đổi cuộc sống của mình: từ lúc trong đó ông Môshê biết danh Thiên Chúa, lịch sử của ông thay đổi (x. Xh 3,13-15).

Đừng sống tương quan giả dối với Thiên Chúa

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong các lễ nghi do thái, danh Thiên Chúa được công bố một cách trọng thể trong Ngày Đại Xá, và dân chúng được tha thứ, bởi vì qua danh người chúng ta tiếp cận với chính sự sống của Thiên Chúa, là lòng thương xót. ĐTC giải thích giới răn như sau:

Như vậy “mang lấy trên mình danh Thiên Chúa” có nghĩa là lãnh nhận trên chúng ta thực tại của Ngài, bước vào trong một tương quan mạnh mẽ, trong một tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với kitô hữu chúng ta, điều răn này là lời mời gọi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được rửa tội làm sao: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, như chúng ta khẳng định mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá trên mình, để sống các hành động thường ngày trong sự hiệp thông sâu xa và thực sự với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài.

Và về việc làm dấu thánh giá, tôi muốn nêu bật một lần nữa: anh chị em hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá. Anh chị em đã thấy trẻ em làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Nếu bạn nói với các trẻ em: “Các con hãy làm dấu thánh giá đi, thì chúng làm vầy này – ĐTC bắt chước cử chỉ làm dấu của trẻ em khua khua trước mặt – Chúng làm một điều mà chúng không biết là cái gì. Chúng không biết làm dấu thánh giá. Anh chị em hãy dậy chúng làm “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Cử chỉ đức tin đầu tiên của một em bé. Đây là bài tập cho anh chị em đó nhé! Bài tập phải làm: dậy cho các trẻ em làm dấu thánh giá. Hiểu chưa? Anh chị em sẽ làm điều đó chứ? – Tín hữu trong đại thính đường trả lời: Dạ – “Hiểu hiểu” họ nói ở đây. Xin cám ơn anh chị em.

Chúng ta có thể hỏi: có thể mang lên trên mình danh Thiên Chúa một cách giả hình như một hình thức, trống rỗng hay không? Câu trả lời rất tiếc là có: có, có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với các tiến sĩ luật; họ đã làm các việc, nhưng đã không làm điều Thiên Chúa muốn. Họ đã nói về Thiên Chúa, nhưng đã không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu cho là: “Các con hãy làm điều họ nói, nhưng đừng làm điều họ làm”. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa, như các người ấy. Và Lời này của Mười Điều Răn chính là việc mời gọi sống một liên hệ với Thiên Chúa không giả dối, không giả hình, sống một tương quan trong đó chúng ta tín thác nơi Chúa với tất cả những gì chúng ta là. Nói cho cùng, cho tới ngày trong đó chúng ta không liều mạng sống với Chúa, bằng cách sờ mó bằng tay rằng trong Chúa có sự sống , thì chúng ta chỉ làm các giả thiết.

Đời sống Kitô giáo chân thực mới có thể đáng tin

Đây là Kitô giáo đánh động con tim. Gặp gỡ Thiên Chúa, trong thực tế. Tại sao các thánh có khả năng đánh động con tim? Bởi vì các thánh không chỉ nói, mà các vị chuyển động! Con tim chúng ta chuyển động, khi một người thánh thiện nói với chúng ta, nói với chúng ta các điều. Các vị có khả năng bởi vì nơi các thánh chúng ta trông thấy điều mà con tim chúng ta ước mong một cách sâu xa: sự đích thực, các tương quan thật, sự triệt để. Và điều này người ta cũng trông thấy nơi các vị “thánh của cửa bên cạnh”, chẳng hạn như biết bao cha mẹ trao ban cho con cái gương sáng của một cuộc sống trung thực, đơn sơ, liêm chính và quảng đại. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Nếu có nhiều kitô hữu mang lấy trên mình danh của Thiên Chúa không giả tạo – bằng cách thực thi lời xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha “xin cho danh Cha cả sáng” – thì việc loan báo của Giáo Hội được lắng nghe và đáng tin cậy hơn. Nếu cuộc sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, thì ta thấy bí tích Rửa Tội đẹp biết bao nhiêu và Thánh Thể là ơn vĩ chừng nào!, thì sự kết hiệp giữa thân xác chúng ta và Mình Chúa Kitô cao trọng dường bao: Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài; Chúa Kitô trong chúng ta, Ngài trong chúng ta và chúng ta trong Ngài! Hiệp nhất! Đây không phải là giả hình, đây là sự thật. Đây không phải là nói hay cầu nguyện như con vẹt, đây là cầu nguyện với con tim, là yêu Chúa.

Thể hiện Danh Chúa trong cuộc sống của chúng ta

Từ thập giá của Chúa Kitô về sau, không ai có thể khinh rẻ chính mình và nghĩ xấu về đời sống của mình. Không ai và không bao giờ! Cho dù bất cứ điều gì họ đã làm đi nữa. Bởi vì tên của từng người trong chúng ta ở trên vai Chúa Kitô. Ngài mang chúng ta. Thật đáng công mang lấy danh Thiên Chúa trên mình, bởi vì Ngài đã mang lấy tên của chúng ta cho tới tột cùng, cả sự dữ có trong chúng ta nữa, Ngài mang lấy để tha thứ cho chúng ta, để đặt vào trong con tim chúng ta tình yêu của Ngài. Vì thế Thiên Chúa công bố trong điều răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.

Bất cứ ai cũng có thể kêu danh thánh Chúa, là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào họ sống. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “không” với một con tim kêu cầu Ngài một cách chân thành. Và chúng ta trở lại với các bài tập làm ở nhà: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá đàng hoàng. Bạn sẽ làm điều đó chứ? Làm đàng hoàng. Xin cám ơn anh chị em.

Cuộc viếng thăm Ailen: thời điểm ân sủng cho các gia đình Kitô gíao

Cuối bài huấn dụ, ĐTC cũng xin mọi người cầu nguyện cho chuyến đi Dublin của ngài trong hai ngày 25-26 tháng 8  này, nhân dịp cuộc gặp gỡ của các gia đình công giáo thế giới. Ước chi đây là dịp lắng nghe tiếng nói của các gia đình kitô toàn thế giới.

Linh Tiến Khải

ĐHY Schoenborn giới thiệu sách giáo lý cho trẻ em tại Dublin

ĐHY Schoenborn giới thiệu sách giáo lý cho trẻ em tại Dublin

Sách giáo lý cho trẻ em, Youcat for Kids, ấn bản tiếng Anh, dành cho trẻ em từ 8 đến 12 tuổi, sẽ được ĐHY Schoenborn giới thiệu cùng với đồng tác giả là bà Michaela von Heereman, và Đức Cha Brendan Leahy, người Ailen.

 Nguyên bản sách giáo lý này bằng tiếng Đức đã được xuất bản ngày 1-8 vừa qua. Từ nay cho đến cuối năm 2018 này, sách Giáo Lý cho trẻ em sẽ được dịch ra khoảng 10 thứ tiếng khác.

 Một cuốn tiếng Anh cũng sẽ được trao cho ĐTC Phanxicô nhân dịp ngài đến Dublin để gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới trong hai ngày 25 và 26-8 sắp tới.

 Tiến trình soạn thảo

 Sách giáo lý ”Youcat for Kids” được soạn thảo trong vòng 6 năm qua (2012), với sự cộng tác của một nhóm thần học gia và những người trách nhiệm về mục vụ thuộc 7 giáo phận tại Áo. Văn bản trước tiên được thử nghiệm tại các vườn trẻ và trong các gia đình. Với những nhận xét và phê bình từ các tổ chức giới trẻ và các ban mục vụ giới trẻ, văn bản sách giáo lý được cải tiến và đệ trình HĐGM Áo duyệt xét, trước khi gửi về Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng để xin phê chuẩn. Hồi tháng 5 năm nay (2018), Hội đồng này đã chuẩn y và xác nhận ”nihil obstat”, không có gì ngăn trở việc ấn hành.

 Sách giáo lý ”Youcat for Kids” nối tiếp loạt sách giáo lý ”Youcat” cho giới trẻ được giới thiệu cách đây 7 năm và đã được dịch ra 72 thứ tiếng ở 5 châu, với hàng triệu cuốn.

 Trong dịp Hội nghị thần học mục vụ về gia đình từ 22 đến 24-8 sắp tới, liền trước khi ĐTC đến Ailen, sẽ có một chương trình khởi sắc dành do các trẻ em và người lớn chuẩn bị, và trong dịp này Sách Giáo Lý cho trẻ em cũng sẽ được giới thiệu, với sự cộng tác của hai LM, Cha Michael Scharf và Christoph Weiss chuyên về mục vụ giới trẻ tại Áo.

Giuse Trần Đức Anh OP

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

Thư ĐTC gửi Dân Chúa về những vụ lạm dụng tính dục

ĐTC đưa ra lập trường trên đây trong ”Thư gửi Dân Chúa” công bố ngày 20-8-2018, sau phúc trình về những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục ở bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, với khoảng 300 giáo sĩ lạm dụng 1 ngàn nạn nhân trong vòng 70 năm qua. Hầu hết những vụ đó xảy ra trước đây nhiều năm, nhưng ĐTC khẳng định rằng những vết thương đó không bao giờ bị xóa bỏ.

 ĐTC viết: ”Chúng ta phải quyết liệt lên án những tội ác đó, đồng thời tập trung nỗ lực để loại trừ thứ văn hóa chết chóc này.  Chúng ta phải cảm thấy tủi hổ trước một lối sống đã và đang đi ngược với những gì chúng ta tuyên xưng bằng lời nói”.

 Tiếng kêu của các nạn nhân vọng tới trời cao

 ĐTC nhận xét rằng tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân mạnh mẽ hơn những che đậy, vọng tới trời cao, mà từ lâu người ta không biết đến, che giấu hoặc tìm cách bóp nghẹt…Trong tư cách là cộng đồng Giáo Hội, chúng ta xấu hổ và hối hận mà nhận rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, không nhận ra chiều kích và sự trầm trọng của những thiệt hại gây ra cho bao nhiêu nạn nhân. Chúng ta đã lơ là và bỏ rơi những người bé nhỏ.

 Nhắc lại lời ĐHY Ratzinger

 ĐTC nhắc lại những nhận xét của ĐHY Ratzinger (ĐGH Biển Đức 16):

 ”Tôi nhận làm của tôi những lời mà ĐHY Ratzinger hồi đó, trong bài suy niệm Đàng Thánh Giá cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, đã hiệp với tiếng kêu đau đớn của bao nhiêu nạn nhân và mạnh mẽ nói rằng: ”Có bao nhiêu điều nhơ bẩn trong Giáo Hội, và chính nơi những người, trong chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa! Bao nhiêu kiêu căng, bao nhiêu tự phụ! […]. Sự phản bội của các môn đệ, sự tiếp nhận bất xứng Mình và Máu Thánh Chúa chắc chắn là nỗi đau đớn nhất của Đấng Cứu Chuộc, điều đâm thâu qua tâm hồn Ngài. Tự đáy lòng, chúng ta chỉ có thể kêu lên cùng Chúa: Kyrie, eleison – Lạy Chúa, xin cứu vớt chúng con” (Xc Mt 8,25” (Chặng thứ 9).

 Cổ võ chay tịnh và cầu nguyện

 Trong thư, ĐTC vạch rõ thái độ ”giáo sĩ trị” gây ra những rạn nứt, chia rẽ trong Thân Mình của Chúa là Giáo hội và kéo dài những tai ương mà chúng ta đang tố giác ngày nay.

 Ngài cổ cõ cộng đồng Giáo Hội thực hiện sự thống hối trong tinh thần chay tịnh và cầu nguyện như Chúa truyền dạỵ. Việc làm này giúp chúng ta đặt mình trước mặt Chúa và anh chị em, khẩn cầu ơn tha thứ và ơn xấu hổ, hoán cải, đề ra những hành động hòa hợp với Tin Mừng.

 Chay tịnh và cầu nguyện cũng giúp chúng ta chiến thắng sự ham hố thống trị, chiếm hữu vốn là nguyên nhân gây ra những sự ác như thế.

 Thư của ĐTC bắt đầu và kết thúc bằng lời của Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Nếu một chi thể đau, thì toàn thể các chi thể cùng đau” (1 Cr 12,36).

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

ĐTC Phanxicô bổ nhiệm tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

ĐTGM Edgar Penha Parra sinh năm 1960, tại Maracaibo bên Venezuela. Ngài được thụ phong Linh Mục năm 1985. Ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh từ năm 1993 và đã phục vụ tại các nhiệm sở ngoại giao Tòa Thánh ở các nước Kenya, Yougoslavia, cũng như tại văn phòng quan sát viên Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc ở Genève và sau đó tại các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh bên Nam Phi, Honduras và Mêhicô. Năm 2011, ngài được bổ nhiệm làm TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Pakistan, và từ năm 2015 là Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambic. ĐTGM Parra thông thạo các thứ tiếng Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Serbo-Croat.

ĐTGM tân Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ bắt đầu nhiệm vụ mới ngày 15 tháng 10 tới đây, thay thế ĐHY Giovanni Angelo Becciu, đã được chỉ định làm  tân Bộ trưởng Bộ Phong Thánh

Linh Tiến Khải

ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Maria hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo Hội bằng cả con người

Thực tại Đức Mẹ hồn xác lên Trời nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta được mời gọi quảng đại phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với toàn con người mình, cả hồn lẫn xác. Được như thế, trong ngày phục sinh số phận của chúng ta sẽ giống số phận của Mẹ thiên quốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng ngàn tín hữu tại quảng trưởng thánh Phêrô trưa thứ tư 15 tháng 8- lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời. ĐTC nói trong bài huấn dụ: Trong ngày lễ trọng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria hồn xác lên Trời hôm nay, dân thánh trung thành của Thiên Chúa tươi vui diễn tả lòng sùng kính của mình đối với Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa. Dân Chúa làm điều đó trong phụng vụ chung và cả với hàng ngàn hình thức đạo đức khác nhau. Và như thế, lời ngôn sứ của chính Đức Maria trở thành sự thật: “Mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc” (Lc 1,48), vì Chúa đã nâng lên cao nữ tỳ khiêm hạ của Ngài. 

Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác: ân ban cho sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu

Việc lên Trời cả hồn lẫn xác là một đặc ân được ban cho Mẹ Thánh của Thiên Chúa  vì sự kết hiệp đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu. Đây là một sự hiệp nhất thân xác và tinh thần, đã bắt đầu với biến cố Truyền Tin và chín mùi trong toàn cuộc sống của Đức Maria qua sự tham dự đặc biệt của Mẹ vào mầu nhiệm của Con Mẹ.

Bề ngoài cuộc sống của Đức Mẹ diễn ra như cuộc sống của một phụ nữ bình thường thời đó: cầu nguyện, quán xuyến gia đình và nhà cửa, đi đến hội đường… Nhưng mỗi một hành động thường ngày luôn luôn được chu toàn trong sự hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu. Và trên Núi Sọ sự kết hiệp ấy đạt tột đỉnh, trong tình yêu, trong sự cảm thương và khổ đau của con tim. Vì thế Thiên Chúa đã ban cho Mẹ một sự tham dự tràn đầy vào cả sự sống lại của Chúa Giêsu nữa. Thân xác Mẹ đã được giữ gìn khỏi sự hư nát, như thân xác của Con Mẹ. Đó là điều Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ hôm nay công bố : “Lậy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã không muốn cho Đấng đã sinh ra Chúa của sự sống biết tới sự hư nát của mồ chôn”.

Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này: nó cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người toàn vẹn, hồn và xác. Chúa Giêsu đã sống lại với thân xác mà Ngài đã nhận lãnh từ Mẹ Maria và đã lên với Thiên Chúa Cha, với nhân tính được biến đổi của Ngài. Việc lên trời của Đức Maria, thụ tạo, trao ban cho chúng ta sự xác nhận số phận vinh quang của chúng ta. Các triết gia hy lạp xưa đã hiểu rằng linh hồn con người được chỉ định cho hạnh phúc sau cái chết. Tuy nhiên, họ dã khinh rẻ thân xác – coi nó là nhà tù của linh hồn – và không quan niệm rằng Thiên Chúa đã đặt định cả thân xác của con người cũng hiệp nhất với linh hồn trong hạnh phúc trên trời nữa. Điều này – “sự sống lại của thịt xác” – là một yếu tố riêng của mạc khải kitô, một điểm nền tảng đức tin của chúng ta.

Đức Mẹ hồn xác lên trời nhắc chúng ta phục vụ Chúa và Giáo hội với toàn thể con người, cả hồn và xác

Thực tại tuyệt vời của biến cố hồn xác lên trời của Đức Maria biểu lộ và xác nhận sự hiệp nhất của bản vị con người, và nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta được mời gọi phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa với toàn con người mình, hồn và xác. Chỉ phục vụ Thiên  Chúa với thân xác không thôi sẽ là một hành động của nô lệ; chỉ phục vụ Thiên Chúa với linh hồn không thôi sẽ trái nghịch với bản tính nhân loại của chúng ta. Một Giáo phụ lớn của Giáo Hội là thánh Ireneo đã khẳng định rằng ”vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động, và cuộc sống của con người là nơi việc trông thấy Thiên Chúa” (Chống các lạc giáo, IV, 20,7). Nếu chúng ta đã sống như thế trong việc tươi vui phục vụ Thiên Chúa, cũng được diễn tả ra trong việc phục vụ các anh em khác, thì số phận của chúng ta, trong ngày sống lại, sẽ giống như số phận của Mẹ thiên quốc của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được lời khích lệ của thánh tông đồ Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1 Cr 6.20), và chúng ta sẽ vinh danh Ngài luôn mãi trên trời.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria, với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, giúp chúng ta sống con đường cuộc sống thường ngày trong niềm hy vọng hoạt động để một ngày kia có thể đạt được nó cùng với các Thánh và các người thân của chúng ta trên thiên đàng.

Linh Tiến Khải

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập cầu ở Genova

ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập cầu ở Genova

Sau Kinh Truyền Tin ngày 15.08.2018, ĐTC Phanxicô đã phó thác cho Mẹ Maria, Đấng an ủi kẻ ưu phiền, mọi âu lo và khắc khoải của những người ở biết bao nhiêu phần đất trên thế giới này, đang đau khổ trên thân xác và trong tâm hồn. Xin Mẹ thiên quốc ban cho mọi người sự an ủi, lòng can đảm và bình an.

ĐTC đặc biệt nghĩ tới những người đang chịu thử thách trong tại nạn sập cầu xa lộ tại Genova, bắc Italia, khiến cho nhiều người chết và dân chúng hoang mang. Ngài phó thác cho lòng thương xót Chúa những người đã thiệt mạng và bầy tỏ sự gần gũi với các thân nhân của họ, với các người bị thương và phải di tản vì biến cố thê thảm này. ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các nạn nhân.

Cầu Morandi trên xa lộ A10 tại Genova bắc Italia xây hồi thập niên 1960, đã bị sập sáng thứ ba 14 tháng 8 vừa qua, khiến cho khoảng 40 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em, hơn 600 người và 311 gia đình phải di tản khỏi vùng bị tai nạn.

Linh Tiến Khải

ĐTC Phanxicô: Kitô hữu tốt phải làm điều thiện

ĐTC Phanxicô: Kitô hữu tốt phải làm điều thiện

"Không làm điều thiện thì không là Kitô hữu tốt. Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì là xấu." ĐTC đã nói với đông đảo bạn trẻ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa nhật
12.08 tại quảng trường thánh Phêrô.
Buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 12 tháng 8 diễn ra trong bầu khí đặc biệt, với gần 100 ngàn bạn trẻ Italia vừa kết thúc cuộc hành hương “Qua vạn nẻo đường”, và các tín hữu hành hương. Dựa trên lời kêu gọi của thánh Phaolô: ”Anh chị em đừng làm phiền Thánh Linh của Thiên Chúa, vì chính Ngài là dấu ấn ghi trên Anh chị em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30), ĐTC Phanxicô giải thích thế nào là làm phiền lòng Thánh Linh của Thiên Chúa và ngài mời gọi các tín hữu không chỉ không làm điều xấu nhưng còn phải làm điều tốt.

Không làm phiền Thánh Linh: sống lời hứa của bí tích rửa tội chứ không sống giả hình

ĐTC đặt câu hỏi: Nhưng làm phiền Thánh Linh thế nào? Và Ngài giải thích: Tất cả chúng ta đã nhận lãnh Thánh Linh trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, vì thế, để không làm phiền Thánh Linh, ta cần sống phù hợp với những lời đã hứa khi chịu phép rửa tội, và khi được canh tân trong bí tích Thêm Sức. Do đó, để không làm phiền Thánh Linh, cần sống phù hợp với các lời hứa của bí tích rửa tội, chứ không sống giả hình. Kitô hữu không thể sống giả hình: phải sống cách phù hợp. Những lời hứa của bí tích rửa tội có hai khía cạnh: từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện.

Từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện

Từ bỏ sự ác có nghĩa là không chiều theo những cám dỗ, tội lỗi, ma quỷ. Cụ thể hơn, nó có nghĩa là từ bỏ nền văn hóa chết chóc, được diễn tả qua sự trốn chạy thực tại tìm đến hạnh phúc giả dối được biểu lộ trong sự dối trá, lừa đảo, bất công, khinh rẻ người khác. Sự sống mới được ban cho chúng ta trong Bí tích rửa tội, và có Chúa Thánh Linh là nguồn mạch, loại bỏ lối sống theo những tâm tình chia rẽ và bất thuận. Vì thế, Thánh Phaolo Tông Đồ khuyên nên xua đuổi khỏi tâm hồn mình ”mọi cứng cỏi, phẫn nộ, giận dữ, la ó, và nói xấu cùng với mọi thứ gian ác” (v.31). 6 yếu tố hoặc tật xấu này làm xáo trộn niềm vui của Thánh Linh làm ô nhiễm tâm hồn và dẫn đưa tới lăng mạ chống Thiên Chúa và tha nhân.

"Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu"

Và ĐTC nói thêm: Không làm sự ác mà thôi thì chưa đủ để trở thành một Kitô hữu tốt; cần gắn bó với sự thiện và làm sự thiện. Và Thánh Phaolô tiếp tục: ”Trái lại anh chị em hãy tử tế với nhau, có lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em trong Chúa Kitô” (v.32). Bao nhiêu lần chúng ta nghe một số người nói: ”Tôi không làm hại một ai”. Đồng ý, nhưng bạn có làm điều thiện không? Bao nhiêu người không làm điều ác, nhưng họ cũng chẳng làm điều thiện, và đời sống của họ diễn ra trong sự dửng dưng, trong lãnh đạm, nguội lạnh. Thái độ ấy trái ngược với Tin Mừng, và trái ngược cả với đặc tính của người trẻ, tự bản chất các bạn năng động, say mê và can đảm. Thánh Alberto Hurtado nói: "Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu."

Kitô hữu thật: chống lại sự dữ, thực hành điều thiện

 ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy trở thành những người giữ vai chính trong sự thiện! Ngài nói: Đừng cảm thấy mình đúng khi không làm điều làm sự ác; mỗi người có lỗi đối với sự thiện họ có thể làm nhưng đã không làm. Không oán ghét mà thôi, thì không đủ, còn cần tha thứ nữa; không oán hận mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cầu nguyện cho kẻ thù nữa; không là nguyên nhân gây chia rẽ mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải mang hòa bình đến nơi nào không có, không nói xấu người khác mà thôi thì chưa đủ, còn cần chặn lại, khi nghe nói xấu người khác. Nếu chúng ta không chống lại sự ác, có nghĩa là chúng ta mặc nhiên nuôi dưỡng sự ác. Cần can thiệp tại nơi mà sự ác lan tràn; vì sự ác phổ biến tại những nơi nào thiếu các tín hữu Kitô can đảm chống lại sự thiện, và ”bước đi trong bác ái” (Xc 5,2), theo lời cảnh giác của Thánh Phaolô.

Cuối cùng ĐTC khuyến khích các bạn trẻ, những người đã bước đi rất nhiều trong những ngày này: hãy bước đi trong bác ái! ĐTC mời gọi họ cùng nhau tiến về Thượng HĐGM sắp tới tại Roma về đề tài ”Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Ngài cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ tất cả bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để mỗi người, mỗi ngày, bằng việc làm, có thể khước từ sự ác và chấp nhận sự thiện.

Buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 12 tháng 8 diễn ra trong bầu khí đặc biệt, với gần 100 ngàn bạn trẻ Italia vừa kết thúc cuộc hành hương “Qua vạn nẻo đường”, và các tín hữu hành hương. Dựa trên lời kêu gọi của thánh Phaolô: ”Anh chị em đừng làm phiền Thánh Linh của Thiên Chúa, vì chính Ngài là dấu ấn ghi trên Anh chị em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4,30), ĐTC Phanxicô giải thích thế nào là làm phiền lòng Thánh Linh của Thiên Chúa và ngài mời gọi các tín hữu không chỉ không làm điều xấu nhưng còn phải làm điều tốt.

Không làm phiền Thánh Linh: sống lời hứa của bí tích rửa tội chứ không sống giả hình

ĐTC đặt câu hỏi: Nhưng làm phiền Thánh Linh thế nào? Và Ngài giải thích: Tất cả chúng ta đã nhận lãnh Thánh Linh trong bí tích Rửa tội và Thêm sức, vì thế, để không làm phiền Thánh Linh, ta cần sống phù hợp với những lời đã hứa khi chịu phép rửa tội, và khi được canh tân trong bí tích Thêm Sức. Do đó, để không làm phiền Thánh Linh, cần sống phù hợp với các lời hứa của bí tích rửa tội, chứ không sống giả hình. Kitô hữu không thể sống giả hình: phải sống cách phù hợp. Những lời hứa của bí tích rửa tội có hai khía cạnh: từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện.

Từ bỏ sự ác và gắn bó với điều thiện

Từ bỏ sự ác có nghĩa là không chiều theo những cám dỗ, tội lỗi, ma quỷ. Cụ thể hơn, nó có nghĩa là từ bỏ nền văn hóa chết chóc, được diễn tả qua sự trốn chạy thực tại tìm đến hạnh phúc giả dối được biểu lộ trong sự dối trá, lừa đảo, bất công, khinh rẻ người khác. Sự sống mới được ban cho chúng ta trong Bí tích rửa tội, và có Chúa Thánh Linh là nguồn mạch, loại bỏ lối sống theo những tâm tình chia rẽ và bất thuận. Vì thế, Thánh Phaolo Tông Đồ khuyên nên xua đuổi khỏi tâm hồn mình ”mọi cứng cỏi, phẫn nộ, giận dữ, la ó, và nói xấu cùng với mọi thứ gian ác” (v.31). 6 yếu tố hoặc tật xấu này làm xáo trộn niềm vui của Thánh Linh làm ô nhiễm tâm hồn và dẫn đưa tới lăng mạ chống Thiên Chúa và tha nhân.

"Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu"

Và ĐTC nói thêm: Không làm sự ác mà thôi thì chưa đủ để trở thành một Kitô hữu tốt; cần gắn bó với sự thiện và làm sự thiện. Và Thánh Phaolô tiếp tục: ”Trái lại anh chị em hãy tử tế với nhau, có lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em trong Chúa Kitô” (v.32). Bao nhiêu lần chúng ta nghe một số người nói: ”Tôi không làm hại một ai”. Đồng ý, nhưng bạn có làm điều thiện không? Bao nhiêu người không làm điều ác, nhưng họ cũng chẳng làm điều thiện, và đời sống của họ diễn ra trong sự dửng dưng, trong lãnh đạm, nguội lạnh. Thái độ ấy trái ngược với Tin Mừng, và trái ngược cả với đặc tính của người trẻ, tự bản chất các bạn năng động, say mê và can đảm. Thánh Alberto Hurtado nói: "Không làm điều xấu thì tốt, nhưng không làm điều tốt thì xấu."

Kitô hữu thật: chống lại sự dữ, thực hành điều thiện

 ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy trở thành những người giữ vai chính trong sự thiện! Ngài nói: Đừng cảm thấy mình đúng khi không làm điều làm sự ác; mỗi người có lỗi đối với sự thiện họ có thể làm nhưng đã không làm. Không oán ghét mà thôi, thì không đủ, còn cần tha thứ nữa; không oán hận mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cầu nguyện cho kẻ thù nữa; không là nguyên nhân gây chia rẽ mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải mang hòa bình đến nơi nào không có, không nói xấu người khác mà thôi thì chưa đủ, còn cần chặn lại, khi nghe nói xấu người khác. Nếu chúng ta không chống lại sự ác, có nghĩa là chúng ta mặc nhiên nuôi dưỡng sự ác. Cần can thiệp tại nơi mà sự ác lan tràn; vì sự ác phổ biến tại những nơi nào thiếu các tín hữu Kitô can đảm chống lại sự thiện, và ”bước đi trong bác ái” (Xc 5,2), theo lời cảnh giác của Thánh Phaolô.

Cuối cùng ĐTC khuyến khích các bạn trẻ, những người đã bước đi rất nhiều trong những ngày này: hãy bước đi trong bác ái! ĐTC mời gọi họ cùng nhau tiến về Thượng HĐGM sắp tới tại Roma về đề tài ”Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Ngài cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ tất cả bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để mỗi người, mỗi ngày, bằng việc làm, có thể khước từ sự ác và chấp nhận sự thiện.

Giuse Trần Đức Đức Anh OP

ĐTC gặp gỡ cầu nguyện với các bạn trẻ Italia

ĐTC gặp gỡ cầu nguyện với các bạn trẻ Italia

Chiều tối ngày 11-8-2018, ĐTC đã gặp gỡ hàng trăm ngàn bạn trẻ thuộc các giáo phận Italia, tham gia cuộc hành hương về Roma, trong chương trình chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ vào tháng 10 năm nay.

Có 40 ngàn bạn trẻ thuộc 195 trên tổng số 226 giáo phận toàn quốc đã tham dự cuộc hành hương ”qua ngàn nẻo đường” từ ngày 8-8, trước hết ở các địa phương rồi tiến về Roma, và ngoài ra có 70 ngàn người khác thuộc giáo phận Roma. Từ ban chiều, họ tụ tập tại khu vực Circo Massimo để sinh hoạt trong khi chờ đợi ĐTC đến đây vào lúc 6 giờ 15 phút chiều.

Hiện diện trong dịp này còn có ĐHY Bassetti, Chủ tịch HĐGM Italia, 120 GM và đông đảo các linh mục tuyên úy giới trẻ thuộc các giáo phận. Ngoài ra cũng có một số danh ca và ban nhạc Rulli Frullii gồm 70 ca viên và nhạc công, đảm trách phần văn nghệ phụ họa trong cuộc gặp gỡ.

 Đối thoại với ĐTC

 Cuộc gặp gỡ với ĐTC bắt đầu từ lúc 6 giờ rưỡi chiều khi ngài đến đây, và diễn ra qua 2 phần: trong phần đầu là cuộc đối thoại giữa ĐTC và các bạn trẻ.

 Ngài lần lượt trả lời 3 câu hỏi do đại diện các bạn trẻ nên lên: Câu hỏi đầu tiên liên quan đến hai khía cạnh của cùng một sự tìm kiếm, đó là xây dựng căn tính bản thân và những ước mơ của mình.

 Câu thứ hai về vấn đề phân định trong cuộc sống và ý tưởng sự dấn thân và trách nhiệm đối với thế giới. Câu câu thứ ba do một nam y tá nêu lên về đề tài đức tin và sự tìm kiếm ý nghĩa.

 Sau phần trả lời của ĐTC, một phụ nữ trẻ Nicoletta Tinti, bị liệt hai chân, với sự giúp đỡ của Silvia Bertoluzza, trình diễn một điệu vũ ngắn tạo cho người xem cảm tưởng đang ngồi. Sau đó cô được giúp đứng dậy và ngồi trên xe lăn của cô. Cô bày tỏ một sứ điệp ngắn nói lên niềm hy vọng.

Sau khi chào cô, ĐTC đã bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho đến lúc 8 giờ rưỡi tối.

 Bài suy niệm của ĐTC

 Trong bài suy niệm nhân dịp này, ĐTC đã nhắc đến bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20, 1-8), thuật lại sự tích bà Maria Magdala đến viếng mộ Chúa và về báo tin cho các môn đệ về sự kiện mộ trống. Thánh Gioan và Phêrô vội chạy tới mộ, Gioan chạy tới trước nhưng đợi Phêrô. Từ đó, ĐTC nói:

 ”Tôi vui mừng thấy các bạn chạy nhanh hơn những người trong Giáo Hội hơi chậm chạp và sợ hãi, các bạn được Tôn Nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Linh thúc đẩy các bạn trong hành trình tiến về đằng trước này. Giáo Hội đang cần đà tiến của các bạn, cần những trực giác và đức tin của các bạn. Và khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa tới, các bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi, như Gioan đã đợi Phêrô trước ngôi mộ trống. Khi cùng nhau bước đi trong những ngày này, các bạn đã cảm nghiệm thế nào là sự vất vả khi đón nhận người anh em, chị em bên cạnh, và cũng thấy bao nhiêu niềm vui mà sự hiện diện của họ có thể mang lại cho bạn, nếu bạn chấp nhận sự hiện diện ấy trong cuộc sống của mình mà không theo thành kiến hoặc khép kín”.

 Ngôi mộ trống dạy chúng ta đừng sợ hãi

 ĐTC cũng nhấn mạnh sự kiện ngôi mộ trống của Chúa Kitô đã trở thành dấu chỉ trong đó chiến thắng chung kết của Chúa trên sự sống được chiếu tỏa rạng ngời và ngài nói: ”Vậy chúng ta đừng sợ hãi! Chúng ta không tránh khỏi những nơi đau khổ, thất bại và sự chết. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh lớn hơn tất cả những bất công và những yếu đuối của lịch sử: Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, và ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Và Chúa sai chúng ta đi loan báo cho các anh chị em chúng ta rằng Ngài đã sống lại, Ngài là Chúa, và Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh để cùng Ngài gieo vãi Nước Thiên Chúa trong thế giới”.

 Và ĐTC kết luận rằng ”Ngày nay bao nhiêu ngôi mộ đang chờ đợi chúng ta viếng thăm! Bao nhiêu người bị thương, cả những người trẻ, đang cần được khép kín đau khổ của họ. Với sức mạnh của Thánh Linh và Lời Chúa Giêsu chúng ta có thể đẩy tảng đá lớn sang một bên và để những tia sáng chiếu vào trong những khe tối tăm ấy”.

Sau buổi cầu nguyện, các bạn trẻ còn tham dự chương trình ”Thức trắng đêm”: họ đi tới một số thánh đường ở trung tâm Roma, dự các buổi chầu Thánh Thể, chia sẻ chứng từ, và lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Giuse Trần Đức Anh OP

 

Hiệp Sĩ Colombo giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho Kitô hữu Trung Đông

Hiệp Sĩ Colombo giúp thêm 3 triệu Mỹ kim cho Kitô hữu Trung Đông

Hội Hiệp Sĩ Colombo đã quyết định trợ giúp thêm 3 triệu mỹ kim cho các tín hữu Kitô tại Trung Đông, trong số này 2 phần 3 được dành để kiến thiết một chung cư cho các tín hữu Kitô tị nạn tại thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq.

Quyết định trên đây đã được Hội đồng tối cao của Hội hiệp sĩ Colombo thông qua trong khóa họp thường niên lần thứ 136 tiến hành tại thành phố Baltimore từ mùng 7 đến 9-8-2018. Hội đáp lại lời kêu gọi nhiều lần của ĐTC về việc trợ giúp các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

 Khu nhà McGivney

 Chung cư ở thành Erbil được gọi là ”Nhà McGivney” (House Givney), tên của Vị LM Đáng Kính sáng lập Hội Hiệp Sĩ Colombo đang được cứu xét hồ sơ xin phong chân phước. Tại đây có 140 đơn vị gia cư dành cho các gia đình Công Giáo Siriac và Canđê. Để hoàn tất dự án này cần phải có thêm các dịch vụ cung cấp điện nước và máy điều hòa không khí.

Giuse Trần Đức Anh OP

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Phó Tổng Thống Mỹ thảo luận với ĐHY Quốc vụ khanh

Thông cáo của chính phủ Mỹ cho biết trong cuộc nói chuyện, Phó Tổng thống Pence nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Nicaragua là một lực lượng dẫn đầu trong cố gắng làm trung gian và đối thoại trong năm qua, và Ông ca ngợi Giáo Hội đã nỗ lực bảo vệ các quyền con người và tự do tôn giáo, cũng như cổ võ các cuộc thương thuyết với thiện ý để mang lại hòa bình cho đất nước này.

Nicaragua ở trong tình trạng xáo trộn từ nhiều tháng nay sau các cuộc biểu tình tại nhiều nơi chống lại Tổng thống Daniel Ortega, sau khi ông tuyên bố những thay đổi trong hệ thống an sinh xã hội và hưu bổng tại nước này. Những dự án thay đổi đó đã bị chính phủ từ bỏ sau những vụ biểu tình bạo động phản đối mạnh mẽ. Hàng trăm người đã bị cảnh sát và các lực lượng bán quân sự phò chính phủ sát hại.

Tòa Thánh và Mỹ lên án bạo lực

Trong cuộc điện đàm, cả Phó tổng thống Pence và ĐHY Parolin đều lên án bạo lực kéo dài và tái khẳng định sự ủng hộ đối với HĐGM Nicaragua trong cố gắng ủng hộ dân chủ và bảo vệ các quyền con người.

Sau khi bày tỏ sự cảm thông đói với những người phản đối, Giáo Hội tại Nicaragua bị Tổng thống Ortega cáo buộc là mưu toan khuynh đảo chính quyền. Trong vài tháng qua, nhiều nhà thờ trên toàn quốc và cả ĐHY và các GM bị các thành phần thân chính phủ hành hung.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ hứa dành 1,5 triệu Mỹ kim cho Nicaragua để giúp các tổ chức nhân quyền và các cơ quan thông tin độc lập.

Tại Tòa Thánh, không có thông cáo chính thức về cuộc điện đàm và nội dung cuộc nói chuyện này giữa Phó Tổng thống Pence và ĐHY Parolin (CNA 10-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

ĐGH khuyến khích các Hiệp Sĩ Colombo trong các công tác bác ái

Lập trường trên đây của ngài được trình bày trong sứ điệp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi đến các tham dự viên Đại hội thường niên tối cao lần thứ 136 tiến hành từ ngày 7 đến 9-8 vừa qua tại thành phố Baltimore, bang Maryland, về chủ đề ”Hiệp sĩ Colombo: Hiệp sĩ bác ái”.
ĐHY Parolin nhận xét rằng ”chủ đề này gợi lại rõ ràng tinh thần nguyên thủy và lịch sử nổi bật của Hội Hiệp Sĩ Colombo. Chính mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và đức bác ái đã dẫn đưa Đấng Đáng Kính, Linh Mục Michael McGivney và các Hiệp sĩ tiên khởi thiết lập một hội huynh đệ dấn thân huấn luyện các tín hữu theo tinh thần Kitô và nâng đỡ các phần tử của mình”.
Làm chứng tá tình thương
ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng khẳng định rằng: ”ĐGH Phanxicô khích lệ những nỗ lực kiên trì của các Hiệp Sĩ Colombo ở mọi cấp độ, trong việc làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa qua tình thương cụ thể và tình liên đới đối với người nghèo và những người ở trong tình trạng túng quẫn. Vô số các hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ tại các chi hội, nhiều khi trong âm thầm và khiêm tốn, chứng tỏ sự thật của những lời Mẹ Têrêsa Calcutta rất gần gũi với tâm hồn họ: ”Chúa cúi mình và dùng chúng ta, bạn và tôi, làm tình thương và lòng từ bi của Ngài trong thế giới.. Chúa tùy thuộc chúng ta để yêu thương thế giới và chứng tỏ Ngài yêu thương họ dường nào” (Xc Gaudete et Exultate, 107).
Nâng đỡ các gia đình
Nhắc đến Cuộc Gặp Gỡ các gia đình Công Giáo thế giới sẽ diễn ra tại Dublin (21-26/8-2018), ĐHY Parolin cho biết ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với các hiệp sĩ Colombo trên thế giới dấn thân công bố Tin Mừng gia đình, khích lệ những người nam trong ơn gọi làm chồng và làm cha, và bênh vực bản chất chân chính của hôn nhân và gia đình trong xã hội… ĐTC tin tưởng rằng Hội Hiệp sĩ Colombo tiếp tục hướng dẫn và nâng đỡ trước tiên là các thế hệ trẻ, đang sống trong một thế giới đầy những ngọn đèn trái ngược với Tin Mừng, cố gắng tiếp tục là những môn đệ trung thành của Chúa Kitô và là những người con chân thành của Giáo Hội”.
Giúp đỡ các tín hữu Kitô bị bách hại
Sau cùng, ĐTC tái bày tỏ lòng biết ơn đối với những hoạt động bác ái của các Hiệp sĩ Colombo đối với các anh chị em, những phần tử của gia đình Kitô rộng lớn hơn, đang bị những thành kiến và bị bách hại vì niềm tin của họ. Ngài xin các Hiệp sĩ và gia đình hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông, cho sự hoán cải các tâm hồn, chân thành dấn thân đối thoại và tìm kiếm một giáo phát công chính cho các xung đột”.
Đại Hội thường niên thứ 136
Hội hiệp sĩ Colombo do cha McGivney sáng lập năm 1882 tại New Haven, Connecticut, như một hội huynh đệ dành cho nam tín hữu Công Giáo và hiện nay có khoảng 2 triệu thành viên tại các nước, nhất là Hoa Kỳ, Canada, Mêhicô và Philippines.
Tham dự Đại hội ở Baltimore có khoảng 2.500 hiệp sĩ và gia đình họ. Đại hội bắt đầu với thánh lễ khai mạc trọng thể tại Trung Tâm Hội nghị Baltimore, do Đức Cha William Lori, TGM sở tại và cũng là Tổng Tuyên Úy của hội. Đồng tế với ngài có 10 HY, 74 GM và 102 linh mục.
Trong bài giảng, Đức TGM Lori khuyến khích các Hiệp sĩ ”sống trọn những lời hứa khi chịu phép rửa tội, như Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Nơi trọng tâm bí tích rửa tội của chúng ta là ơn gọi mến Chúa yêu người. Chúng ta có mặt ở đây sáng nay vì chúng ta xác tín rằng làm Hội viên tích cực của Hiệp Sĩ Colombo là phương thế hết sức quan trọng để đáp lại ơn gọi chúng ta đã lãnh nhận khi được rửa tội, ơn gọi yêu thương, hiệp nhất trong sự nâng đỡ huynh đệ, và thực hành nguyên tắc bác ái”.
Trong năm qua, Hội hiệp sĩ Colombo đã đóng góp cho các hoạt động bác ái 185 triệu Mỹ kim, một trong những gia tăng lớn nhất trong lịch sử của Hội. Các Hiệp sĩ Hội viên cũng dành 75 triệu 600 ngàn giờ hoạt động thiện nguyện, tức là tăng thêm hơn nữa triệu so với năm trước đó.
Từ năm 2014 đến nay, Hội đã dành hơn 20 triệu Mỹ kim để giúp đỡ các tín hữu Kitô và những tín đồ các tôn giáo khác được các Kitô hữu săn sóc. Ngân khoản này được dùng để cung cấp lương thực, trại tạm trú và quần áo. (Web Hiệp Sĩ Colombo www.kofc.org 7-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Lễ kính Thánh Gioan Maria Vianney tại Ars

Lễ kính Thánh Gioan Maria Vianney tại Ars

ĐHY Christophe Schoeborn, O.P, TGM giáo phận Vienne, Chủ tịch HĐGM Áo, đã được mời chủ sự các buổi lễ tại Đền Thánh Ars bên Pháp, trong hai ngày 3 và 4-8-2018, nhân dịp kỷ niệm 200 năm thánh nhân đến làm cha sở tại làng này.

Năm 1818, Cha Gioan Maria Vianney đến làng Ars-sur-Formans và làm cha sở tại đây trong 41 năm trời, hoàn toàn biến đổi dân làng từ tình trạng khô khan nguội lạnh thành những tín hữu nhiệt thành. Thánh thân được tôn làm bổn mạng của các cha sở.
Trung tâm hành hương Ars đã tổ chức 2 ngày mừng kính Thánh bổn mạng.
– Lúc 15.30 chiều ngày 3-8-2018, ĐHY Schoeborn đã thuyết trình tại Trung tâm linh mục ở Ars về đề tài: ”Một vị thánh đến Ars. Đâu là sứ điệp cho ngày nay?”.
– Tiếp đến lúc 17 giờ chiều có thánh lễ cầu cho ơn gọi do Đức Cha Roland, GM sở tại, cử hành cũng tại trung tâm linh mục.
– Sau cùng lúc 8 giờ tối, có buổi cử hành lòng thương xót tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Maria Vianney ở Ars, trong đó có chầu Thánh Thể và giải tội.
* Thứ bẩy, 4-8, lễ kính Thánh bổn mạng, bắt đầu lúc 9 giờ sáng với Kinh Ngợi Khen tại Nhà Thờ Đức Bà Từ Bi.
– Tiếp đến là thánh lễ trọng thể do ĐHY Schoenborn chủ sự lúc 10 giờ. Rồi từ 12 giờ có chầu Mình Thánh Chúa.
– Từ 13 đến 14 giờ, các trẻ em có thể chơi đùa và ăn pic-nick ở đồng cỏ, cùng với các hoạt động giải trí khác..
– Lúc 3 giờ chiều có cuộc rước hài cốt thánh Gioan Maria Vianney từ lâu đài
Ars, tiếp theo đó là kinh chiều trọng thể.
Tại Nhà thờ Đức Mẹ Từ Bi có giải tội suốt ngày (La Voix de l'Ain 3-8-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP