ĐTC gặp gỡ cầu nguyện với các bạn trẻ Italia

ĐTC gặp gỡ cầu nguyện với các bạn trẻ Italia

Chiều tối ngày 11-8-2018, ĐTC đã gặp gỡ hàng trăm ngàn bạn trẻ thuộc các giáo phận Italia, tham gia cuộc hành hương về Roma, trong chương trình chuẩn bị cho Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ vào tháng 10 năm nay.

Có 40 ngàn bạn trẻ thuộc 195 trên tổng số 226 giáo phận toàn quốc đã tham dự cuộc hành hương ”qua ngàn nẻo đường” từ ngày 8-8, trước hết ở các địa phương rồi tiến về Roma, và ngoài ra có 70 ngàn người khác thuộc giáo phận Roma. Từ ban chiều, họ tụ tập tại khu vực Circo Massimo để sinh hoạt trong khi chờ đợi ĐTC đến đây vào lúc 6 giờ 15 phút chiều.

Hiện diện trong dịp này còn có ĐHY Bassetti, Chủ tịch HĐGM Italia, 120 GM và đông đảo các linh mục tuyên úy giới trẻ thuộc các giáo phận. Ngoài ra cũng có một số danh ca và ban nhạc Rulli Frullii gồm 70 ca viên và nhạc công, đảm trách phần văn nghệ phụ họa trong cuộc gặp gỡ.

 Đối thoại với ĐTC

 Cuộc gặp gỡ với ĐTC bắt đầu từ lúc 6 giờ rưỡi chiều khi ngài đến đây, và diễn ra qua 2 phần: trong phần đầu là cuộc đối thoại giữa ĐTC và các bạn trẻ.

 Ngài lần lượt trả lời 3 câu hỏi do đại diện các bạn trẻ nên lên: Câu hỏi đầu tiên liên quan đến hai khía cạnh của cùng một sự tìm kiếm, đó là xây dựng căn tính bản thân và những ước mơ của mình.

 Câu thứ hai về vấn đề phân định trong cuộc sống và ý tưởng sự dấn thân và trách nhiệm đối với thế giới. Câu câu thứ ba do một nam y tá nêu lên về đề tài đức tin và sự tìm kiếm ý nghĩa.

 Sau phần trả lời của ĐTC, một phụ nữ trẻ Nicoletta Tinti, bị liệt hai chân, với sự giúp đỡ của Silvia Bertoluzza, trình diễn một điệu vũ ngắn tạo cho người xem cảm tưởng đang ngồi. Sau đó cô được giúp đứng dậy và ngồi trên xe lăn của cô. Cô bày tỏ một sứ điệp ngắn nói lên niềm hy vọng.

Sau khi chào cô, ĐTC đã bắt đầu buổi canh thức cầu nguyện cho đến lúc 8 giờ rưỡi tối.

 Bài suy niệm của ĐTC

 Trong bài suy niệm nhân dịp này, ĐTC đã nhắc đến bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20, 1-8), thuật lại sự tích bà Maria Magdala đến viếng mộ Chúa và về báo tin cho các môn đệ về sự kiện mộ trống. Thánh Gioan và Phêrô vội chạy tới mộ, Gioan chạy tới trước nhưng đợi Phêrô. Từ đó, ĐTC nói:

 ”Tôi vui mừng thấy các bạn chạy nhanh hơn những người trong Giáo Hội hơi chậm chạp và sợ hãi, các bạn được Tôn Nhan đáng yêu thu hút, Đấng mà chúng ta thờ lạy trong Thánh Thể và nhận ra Ngài nơi thân mình của người anh em đau khổ. Xin Chúa Thánh Linh thúc đẩy các bạn trong hành trình tiến về đằng trước này. Giáo Hội đang cần đà tiến của các bạn, cần những trực giác và đức tin của các bạn. Và khi các bạn đến nơi mà chúng tôi chưa tới, các bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi, như Gioan đã đợi Phêrô trước ngôi mộ trống. Khi cùng nhau bước đi trong những ngày này, các bạn đã cảm nghiệm thế nào là sự vất vả khi đón nhận người anh em, chị em bên cạnh, và cũng thấy bao nhiêu niềm vui mà sự hiện diện của họ có thể mang lại cho bạn, nếu bạn chấp nhận sự hiện diện ấy trong cuộc sống của mình mà không theo thành kiến hoặc khép kín”.

 Ngôi mộ trống dạy chúng ta đừng sợ hãi

 ĐTC cũng nhấn mạnh sự kiện ngôi mộ trống của Chúa Kitô đã trở thành dấu chỉ trong đó chiến thắng chung kết của Chúa trên sự sống được chiếu tỏa rạng ngời và ngài nói: ”Vậy chúng ta đừng sợ hãi! Chúng ta không tránh khỏi những nơi đau khổ, thất bại và sự chết. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh lớn hơn tất cả những bất công và những yếu đuối của lịch sử: Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, và ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Và Chúa sai chúng ta đi loan báo cho các anh chị em chúng ta rằng Ngài đã sống lại, Ngài là Chúa, và Ngài ban cho chúng ta Thánh Linh để cùng Ngài gieo vãi Nước Thiên Chúa trong thế giới”.

 Và ĐTC kết luận rằng ”Ngày nay bao nhiêu ngôi mộ đang chờ đợi chúng ta viếng thăm! Bao nhiêu người bị thương, cả những người trẻ, đang cần được khép kín đau khổ của họ. Với sức mạnh của Thánh Linh và Lời Chúa Giêsu chúng ta có thể đẩy tảng đá lớn sang một bên và để những tia sáng chiếu vào trong những khe tối tăm ấy”.

Sau buổi cầu nguyện, các bạn trẻ còn tham dự chương trình ”Thức trắng đêm”: họ đi tới một số thánh đường ở trung tâm Roma, dự các buổi chầu Thánh Thể, chia sẻ chứng từ, và lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Giuse Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây”

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây”

Đức Thánh Cha khích lệ sáng kiến biến sa mạc thành rừng cây

ROMA. ĐTC Phanxicô khích lệ sáng kiến ”biến sa mạc thành rừng cây” do Phong trào Focolari (Tổ Ấm), và ”Ngày Trái Đất” (Earth Day) ở Italia đề xướng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm bất ngờ lúc 5 giờ chiều chúa nhật 24-4-2016 tại Công viên Borghese ở Roma, nơi có ”Làng cho trái đất” do Phong trào Focolari và Earth Day Italia thiết lập trong 4 ngày qua. Ngôi làng đặc biệt này muốn trình bày khuôn mặt âm thầm của Thành Roma, hằng ngày kiến tạo những mạng liên đới, đối thoại liên tôn, cuộc sống chung, ít được các cơ quan truyền thông nói tới, nhưng chủ đích là trở thành những viên gạch nhỏ xây dựng nền văn minh.

Khi đến nơi, ĐTC đã được 3.500 người hiện diện đón tiếp và ban nhạc ”Gen Xanh” của người trẻ Focolari chào mừng, cùng với chị Maria Voce và cha Jesus Morán, Chủ tịch và đồng Chủ tịch Phong trào Focolari.

Lên tiếng trong dịu này, ĐTC cám ơn tất cả những người cộng tác vào sáng kiến này và nói: ”Anh chị em là những người đang hoạt động để sa mạc thành rừng cây, anh chị em dấn thân trên nhiều bình diện trong xã hội: từ sự gần gũi các tù nhân cho đến cuộc chiến chống nạn cờ bạc…

ĐTC đặc biệt đề cao sự nhưng không và nhận xét rằng “Trong thế giới này, dường như nếu bạn không trả tiền thì không thể sống được. Nơi trung tâm của thế giới có thần tiền bạc: ai không đến gần để thờ lạy thần này thì rốt cuộc bị lâm vào nghèo đói, bệnh tật và bị bóc lột”.

ĐTC không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tha thứ. Ngài nói: ”Tâm tình cay đắng, oán hận, làm cho chúng ta xa nhau. Cần luôn luôn xây dựng, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều có những điều để tha thứ cho nhau, tất cả chúng ta đều phải làm cộng tác với nhau, tôn trọng nhau, và nhờ đó chúng ta sẽ thấy phép lạ này, đó là một sa mạc trở thành rừng cây”.

Trước đó, Ông Pierluigi Sassi, chủ tịch tổ chức Ngày Trái Đất Italia, đã trình bày về những hoạt động nhắm giáo dục về môi trường, đối thoại liên tôn, giúp đỡ các thiếu niên không có người tháp tùng, và một kinh nghiệm Âu Châu về dự án Erasmus dành cho các sinh viên (RG 24-4-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu 6

Trường Việt Ngữ và Văn Hóa Phan Bội Châu Tham Gia

Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu Kỳ 6

Lời giới thiệu

        Hội Trùng Dương là trường ca của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương nói về ba dòng sông chính của ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

        Miền Bắc có dòng sông Hồng "gối đầu" từ Lào Cai, chảy xuống Việt Trì, qua Sơn Tây trước khi "thả hồn mơ đến Thái Bình", rồi tản ra Biển Đông.   Sông Hồng thơ mộng xuyên qua miền Thượng Du núi non hùng vỹ, về Trung Châu đem nước cho những nương đồi, rồi xuống đến những đồng ruộng sâu với những “người áo nâu dãi dầu”.

        Miền Trung có dòng sông Hương, dòng sông tiêu biểu của miền đất khắc nghiệt với nhiều thiên tai cũng như là nhân họa.  "Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn". Tiếng hò não ruột quyến rũ ngân xa theo dòng sông qua những thôn vắng đến Cửa Thuận An rồi lan vào biển khơi.

        Vào miền Nam đất rộng dân giàu với dòng Cửu Long ngập phù sa, đầy tôm cá, là mạch sống của Miền Tây,  miền đất mới.  Cửu Long có Tiền Giang đi qua Vĩnh Long về Mỹ Tho, có Hậu Giang từ Châu Đốc xuống Long Xuyên xuôi Cần Thơ.  Về đây để nghe giọng hò dí dỏm của các cô gái miền Lục Tỉnh : “Chẻ tre bện sáo cho dầy, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em ."

        Ba sông, như ba chị em, từ nguồn chảy qua các miền rồi hòa nhập vào sóng nước Biển Đông, cùng liên kết lại bằng tình đồng bào ruột thịt của một dân tộc kiêu hùng, tuy trải qua nhiều đau thương vinh nhục nhưng vẫn hướng lòng quyết tâm xây dựng một đất nước có một "Hoa Đời Tự Do" nở rộ.

        Với Hội Trùng Dương, tình yêu đất nước, dân tộc, và gia đình được thể hiện tinh tế qua những dân ca, điệu hò của ba miền. Các địa danh được nhắc tới như một sự khẳng định về chủ quyền và ý chí giữ gìn bờ cõi của người dân Việt. Thầy cô và phụ huynh trường Phan Bội Châu khuyến khích các em học sinh của trường tham gia chương trình Tiếng Việt Mến Yêu để các em có dịp học hỏi thêm về văn hóa, lịch sử, và ngôn ngữ địa phương của dân tộc.  Hy vọng là các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại.

        Xin mời quý vị cùng nghe lại Hội Trùng Dương của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Các Em Trường PBC Trình Bày “Hè Về” Trong Nhạc Hội Tiếng Việt Mến Yêu Kỳ 5

* * * * *

Cố Nhạc Sĩ Hùng Lân (1922 – 1986)

"Hè Về" là một trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Hùng Lân, sinh năm 1922, mất năm 1986, tại Việt Nam.  Nhạc sĩ Hùng Lân viết khoảng hơn 900 tác phẩm gồm các ca khúc, sách giáo khoa và sách khảo cứu về âm nhạc, trong đó có những bài hát để đời như "Việt Nam Minh Châu Trời Đông", "Rạng Đông", "Cô Gái Việt", "Hè Về", v.v…  Ngoài ra, nhạc sĩ còn sáng tác nhiều bài thánh ca có giá trị nghệ thuật.  Nhạc sĩ Hùng Lân rất khó tính: khi sáng tác, nhạc và lời phải hòa hợp với nhau; ca từ phải được lựa chọn kỹ càng và chính xác.
 
Trước năm 1975, bài hát "Hè Về" được thanh niên học sinh Miền Nam Việt Nam yêu thích và hay hát trong các chương trình văn nghệ bãi khóa.  Mỗi khi mùa hè đến, nhìn những cây phượng đỏ thắm ở các sân trường hay trên những con đường dẫn tới trường, người ta lại thấy náo nức khi nghe đâu đó vang lên câu hát "Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song".  
 
Sau tháng Tư năm 1975, ở ngay trên đất nước Việt Nam có một thời gian dài, không còn ai được nghe bài "Hè Về" hay những bài hát lành mạnh, trong sáng, yêu đời nữa.
 
Những người Việt Nam tị nạn Cộng sản trên khắp thế giới đã và đang cố gắng truyền đạt cho các thế hệ con em những tinh hoa của dân tộc mình qua việc dạy cho các em đọc, nói, viết tiếng Việt cũng như là lịch sử và văn hóa Việt Nam.
 
Trường Việt Ngữ và Văn Hóa Phan Bội Châu được thành lập 28 năm trước đây cũng không ngoài mục đích đó.  Tuy nhiên trường của chúng tôi không ở ngay trung tâm của cộng đồng người Việt, nói nôm na là chúng tôi ở khu ngoại ô của Little Saigon.  Các em học sinh đến từ các vùng phía bắc Quận Cam, những thành phố ngoại biên của Quận Los Angeles như Norwalk, Pomona, hay những thành phố ngoại biên của Quận Riverside như Corona.  Các em không có hàng xóm người Việt Nam, lại đi học ở những trường chỉ có tối đa dăm ba em học sinh người Việt, vì thế khả năng nói và viết tiếng Việt của các em rất yếu, và đó là điều không thể tránh khỏi.  Phụ huynh của các em đã cố gắng rất nhiều để đưa các em đến trường đi học tiếng Việt mỗi tuần, dù là lớp học chỉ kéo dài 1 tiếng 20 phút. 
 
Để giúp cho các em học và hiểu tiếng Việt trong tinh thần vừa vui vừa học, chúng tôi dạy cho các em học hát.  Các em tham gia chương trình Văn Nghệ Giúp Vui này theo tinh thần tự nguyện.  Chúng tôi không tuyển lựa các em theo tài năng cá nhân nhưng theo tinh thần đồng đội.  Vì vậy các em sẽ đồng ca.  
 
Chút nữa đây quý vị sẽ thấy các em vừa hát vừa dùng hai tay để diễn tả phần nào nội dung của bài hát.  Phần trình bày của các em chỉ có 4 hay 5 phút và những động tác của các em có lẽ sẽ còn vụng về, nhưng đó là sự cố gắng của một tập thể, một cộng đoàn.
 
Ban nhạc của trường sẽ do 3 thầy phụ trách.  Thầy Huy và thầy Hiếu là hai thầy trẻ nhất trường.  Thầy Huy, trẻ nhất, sẽ chơi keyboard.  Thầy Hiếu, cũng chỉ lớn hơn thầy Huy dăm ba tháng, sẽ chơi guitare.  Thầy Hiếu là cựu học sinh trường Phan Bội Châu, theo cha mẹ đến định cư ở Hoa Kỳ khi chưa đầy 3 tuổi.  Chúng tôi có một vị khách mời là thầy Ninh.  Thầy đã tốt nghiệp khoa âm nhạc môn vĩ cầm trường Cal State San Jose.
 
Trước khi mời quý vị theo dõi tiết mục giúp vui của các em, chúng tôi xin được tiết lộ một chi tiết nho nhỏ là, có một đoạn, ban nhạc sẽ chơi theo âm hưởng của nhạc đồng quê với chút hơi hướng của nhạc jazz từ cây vĩ cầm.  Âm giai của bài hát sẽ được chuyển từ âm giai trưởng sang âm giai thứ để diễn tả sự hoài niệm của những ngôi trường xưa với những cánh phượng đỏ trong nắng vàng.
 
Xin mời quý vị theo dõi sau đây.
 

 

 

Một Buổi Học Theo Nhóm của Lớp Hai – PBC

       Lớp Hai A và B niên khoá 2011-2012 được sự dẫn dắt của cô Mây Bùi, cô Xuân Võ, thầy Hiếu Võ và thầy Hiếu Đỗ.  Các em được giảng dạy theo lối mới đang được ứng dụng tại các trường trung và tiểu học tại Hoa Kỳ.  Phương cách này đòi hỏi sự tham dự trực tiếp của các em hơn như họp nhóm, thảo luận, các bài làm theo những nhóm nhỏ  (đồ án).  Trong lớp, các em cũng phải tham gia tích cực thảo luận và đưa nhiều câu hỏi thắc mắc cũng như ngay tại chỗ được sự trực tiếp trả lời của các thầy cô.  Ngoài ra các thầy cô sử dụng nhiều những dụng cụ nghe nhìn và các trò chơi mang tính giáo dục.  Nói tóm tắt là đưa học và vui chơi làm một và các em sẽ tiếp thu một cách tự nhiên nhưng không nhàm chán.

 

[Xem Video Library]

Trao Đổi Kinh Nghiệm Giảng Dạy Lớp Đặc Biệt

Sau một thời gian dài vắng bóng, năm nay trường Việt Ngữ Phan Bội Châu mở lại Lớp Đặc Biệt dành cho các học sinh đã vào tuổi thiếu nhi hoặc lớn tuổi nhưng chưa học qua các lớp căn bản từ khi còn bé.  Lớp cũng được dành cho các em cảm thấy mất căn bản từ lớp dưới hoặc mong muốn được theo sát hơn của thầy cô.  Lớp Đặc Biệc được giảng dạy theo hình thức dạy kèm, tức là dạy theo trình độ của từng em.  Tuỳ theo các em tiếp thu nhanh hay chậm mà thầy cô giảng dạy sẽ nhiều hay ít.  Cho tới nay, phương pháp này mang nhiều kết quả khả quan.  Các em cảm thấy thầy cô chăm sóc tận tình hơn nên cũng ham học hỏi và theo dõi bài vở hơn.  Cám ơn Thầy Hoàng đã tận tâm chăm sóc các các em nhưng không quản ngại những khó khăn cũng như vất vả.

[Xem bài đính kèm Chia xẻ kinh nghiệm sinh hoạt lớp VNPBC]

[Xem Video Library]

Một Buổi Học của Lớp Ba trường PBC

Các học sinh Lớp Ba của Trường Phan Bội Châu năm nay được sự dẫn dắt tận tình của cô Anh và cô Hồng đạt nhiều tiền bộ khả quan.  Mặc dù phần lớn các em của trường đều sinh trưởng tại Hoa Kỳ nhưng không vì thế mà các em quên cội nguồn.  Cám ơn cô Anh, cô Hồng, các thầy cô của Trường Phan Bội Châu và bố mẹ của các em, không quản ngại chở các em tới các lớp Việt Ngữ hàng tuần.