Gương tha thứ cho kẻ sát hại mình của Steven McDonald, cảnh sát ở New York

Gương tha thứ cho kẻ sát hại mình của Steven McDonald, cảnh sát ở New York

Ngày 10 tháng 1 vừa qua (10/01/2017), 4 ngày sau một cơn nhồi máu cơ tim, thám tử Steven McDonald, nguyên là một sĩ quan cảnh sát của thành phố New York, đã qua đời tại bệnh viện Island sau 30 năm nằm liệt, hưởng dương 59 tuổi. McDonald sinh ngày 1 tháng 3 năm 1957 tại Queens Village, New York, là con thứ 8 của ông bà David và Anita McDonald. Mc Donald lớn lên ở vùng Long Island và đã tiếp nối truyền thống của cha ông, tham gia vào ngành cảnh sát và phục vụ tại New York.

Cách đây 30 năm, khi còn là một cảnh sát trẻ, trong buổi đi tuần hành ngày 12 tháng 7 năm 1986, McDonald gặp 3 thiếu niên ở công viên trung tâm. Nghi ngờ là một người trong họ có vũ khí trong vớ của cậu ta, McDonald đã yêu cầu họ dừng lại để kiểm tra. Một thiếu niên trong số 3 cậu bé này, đó là Shavod Jones, 15 tuổi, đã rút vũ khí ra và bắn McDonald. Sau đó cả 3 cùng  bỏ chạy đi, để cho McDonald nằm một mình chờ chết ở đó. McDonal đã bị trúng 3 phát đạn, trong đó có một viên đâm vào tủy sống của anh, khiến anh bị liệt toàn thân. Ban đầu bác sĩ nói với Patti, người vợ đang mang thai đứa con được 3 tháng của họ là, McDonald không thể sống sót. Tuy nhiên, thật là may mắn, McDonald đã vượt qua được điều dự đoán xấu này; anh đã sống sót cách kỳ diệu. Vào ngày 1 tháng 3 năm 1987, nhân dịp Conor, đứa con trai của họ được rửa tội, McDonald đã nhờ vợ của anh đọc những cảm tưởng của anh về kẻ đã bắn anh, anh viết: “Tôi tha thứ cho cậu ta và hy vọng cậu ta có thể tìm thấy một mục đích trong cuộc sống của mình.” Sau tai nạn này, McDonald vẫn thuộc biên chế cảnh sát và sau đó được gọi là thám tử.

Một thời gian dài, McDonald đã hy vọng là anh và Jones, người bắn anh, có thể gặp nhau để hòa giải. Jones đã bị kết án 10 năm tù vì tội cố sát. Trong thời gian này 2 người đã trao đổi thư từ qua lại với nhau. Hai người chỉ chấm dứt liên lạc khi gia đình của Jones xin McDonald giúp đỡ để được giảm án nhưng McDonald từ chối vì anh không nhận thức đầy đủ hoặc không có khả năng can thiệp vào bản án. Một thời gian không lâu sau khi được giảm án và được tự do, Jones bị tai nạn môtô và qua đời vào năm 1995.

McDonald thường thảo luận về niềm tin Công giáo của mình và lý do ông đã tha thứ cho thiếu niên sát hại mình, là bởi vì ông tin những gì xảy ta với ông là ý muốn của Thiên Chúa và ông được chọn để trở thành một sứ giả của sứ điệp bình an, tha thứ và hòa giải của Thiên Chúa trên thế giới này.

Nhiều năm sau khi bị bắn, McDonald thu hút sự chú ý rộng rãi và sóng truyền thông. Năm 1995, McDonald đã được gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Dù chỉ có thể thở nhờ máy trợ giúp, McDonald đã đi khắp quốc gia, nói chuyện tại các trường học và nơi chốn khác nhau về tầm quan trọng của tha thứ và hòa bình. McDonald cũng trở thành một người tranh đấu cho hòa bình tại những cùng đất đang có xung đột; ông đã thăm Bắc Ai len, Israel và Bosnia để mang sứ điệp của mình đến các cộng đồng đang sống trong căng thẳng chiến tranh.

Con trai của McDonald, là Conor Donald cuối cũng cũng đã gia nhập ngành cảnh sát tại thành phố New York và đã trở thành trung sĩ vào năm 2016. Anh là thế hệ thứ tư của gia đình phục vụ trong ngành cảnh sát.

Đức Hồng y Timothy Dolan của New York đã gọi McDonald là một ngôn sứ, không rao giảng, nhưng đã cổ võ cho sự sống. McDonald đã chỉ cho chúng ta biết là giá trị của sự sống không dựa vào khả năng thể lý, nhưng vào trái tim và linh hồn của một người, cả hai điều mà McDonald sở hữu cách tràn đầy. Đức Hồng y cho biết là ngài đã đến thăm McDonald tại khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện và nhiều chuỗi tràng hạt và các tượng ảnh ở đó là những dấu hiệu bên ngoài của một đức tin Công giáo đã được nhà thám tử thực hành rất nhiều. Chúng ta có thể thấy ông là một tín hữu Công giáo nhiệt thành. Thánh lễ an táng McDonald được Đức Hồng Y Dolan chủ sự vào ngày 13 tháng 1 vừa qua tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick ở New York. (CNS 11/01/2017)

Hồng Thủy

Giấc mơ hay hiện thực

Giấc mơ hay hiện thực

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong, tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ: Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo. Theo bảng chỉ dẫn, tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người Công giáo.

Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho kẻ có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi bên phải.

Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những người ích kỷ. Tôi lại chạy qua bên phải mà đi.

Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.

Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?”.

Câu hỏi trên đây có lẽ cũng có thể được nêu lên cho mỗi người chúng ta trước tiếng hô của Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thường thì chúng ta cứ chọn bên phải mà đi, chứ mấy ai lại thích đi bên trái. Cái ảo tưởng về sự tốt lành của mình luôn luôn bám sát chúng ta như hình với bóng. Lòng tự cao tự đại thường mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta như chìm sâu mãi vào một giấc mơ hãi hùng.

“Anh em hãy tỉnh cơn mê, đêm đã tàn, ngày đang đến”. Lời ấy của thánh Phaolô muốn thôi thúc chúng ta thành khẩn nhìn lại giá trị đích thực của đời mình. Tôi có thực sự xứng đáng đứng bên phải trong ngày phán xét cuối cùng không? Hay đó chỉ là một giấc mơ hãi hùng?

Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Dọn đường cho Ngài đến thực hiện một cuộc giải phóng mới, không phải giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập hay khỏi nơi lưu đầy Babylon, mà là khỏi tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Vì vậy, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy sám hối. Ông đã dùng phép rửa như một dấu hiệu của lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi để đón nhận Chúa Kitô, đồng thời như một dấu hiệu tiên báo một phép rửa hoàn hảo hơn -Phép rửa của Chúa Giêsu: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Ngài, Ngài sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Gioan không chỉ rao giảng sám hối mà còn sống tinh thần sám hối, không chỉ thức tỉnh dân chúng trước biến cố đang xảy đến mà còn lay tỉnh chính mình trước công việc mầu nhiệm của Thiên Chúa: cách ăn mặc của Gioan nói lên tâm tư và phong cách sám hối. Thực vậy, lối sống đơn giản và khổ chế của Gioan – mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng – chứng tỏ ông đã thoát khỏi những ràng buộc phiền toái của xã hội Do Thái và những bận tâm quá đáng về vật chất để quy hướng cuộc sống vào việc chào đón và rao giảng về Đấng Cứu Thế. Ông đã làm chứng về Đấng Cứu Thế và chờ đợi Ngài đến bằng một đời sống khổ hạnh và tỉnh thức.

Đời người là một Mùa Vọng dài hướng về ngày Chúa đến lại. Mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả, và toàn thể Giáo Hội có sứ mạng tiền hô. Người tín hữu hôm nay, khi nhắc đến mầu nhiệm Chúa đến, phải có tâm tư và thái độ sống thế nào để dọn đường cho những anh chị em chung quanh biết đón chờ Chúa? Chúng ta đã gia tăng cầu nguyện, hoán cải đời sống để dọn đường Chúa đến, để chuẩn bị cho Chúa tỏ mình ra chưa?

Lòng sám hối đích thực không nằm ở nơi những tình cảm tốt đẹp, những sáo ngữ hấp dẫn, những nghi thức rầm rộ bên ngoài, nhưng nơi những công việc và hành vi cụ thể: sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co tăm tối của con tim, bạt xuống cho bằng các đồi núi kiêu căng của tâm trí, lấp đầy hố thẳm nghèo đói Lời Chúa của tâm hồn.

Thánh Phêrô trong thư của ngài đã cho thấy lòng sám hối không phải là một thái độ nhất thời, mà là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu trong suốt giai đoạn chờ Ngày của Chúa. Ngài nhắn nhủ: “Anh em thân mến, trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng nên tinh tuyền, không chi đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa” (2Pr 3,14). Lời nhắn nhủ đó là những lời kêu gọi các tín hữu sám hối để tạo nên cho mình một thái độ tương xứng cần thiết.

Hiển nhiên là lời kêu gọi sám hối trong Phụng Vụ Chúa Nhật 2 Mùa Vọng này không thể chỉ được giới hạn trong việc xét mình ăn năn và xưng tội để có được một tâm hồn trong sạch xứng đáng cho Chúa ngự, vào thánh lễ đêm Giáng Sinh. Sám hối là một thái độ sống của người Kitô hữu. Sám hối là một sự đổi mới, một sự đổi mới toàn diện: trong tư tưởng, trong sự chọn lựa, trong hành động. Sự đổi mới này không chỉ diễn ra một lần là đủ, mà là một đổi mới liên tục. Người Kitô hữu được kêu gọi từ bỏ con người cũ, lối sống theo lòng ích kỷ, tham lam, tàn bạo, không đếm xỉa đến quyền lợi của người khác, để sống theo con người mới với lòng yêu thương, với tình liên đới với người chung quanh, ở trong gia đình, trong trường lớp, trong cơ quan, xí nghiệp… Người Kitô hữu vẫn tin rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện không chỉ nơi thâm sâu thầm kín của từng con người mà còn ngang qua lịch sử trong xã hội con người.

Tiếng hô của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa là một tiếng gọi mang đầy hy vọng và niềm vui: “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì Người sắp đến rồi!”. Hãy thay đổi bộ mặt trái đất này cho loài người được sống ấm no hạnh phúc, để cho Trời Mới Đất Mới xuất hiện, trong đó công lý và hòa bình sẽ ngự trị và mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.