Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

Sứ điệp của Đức Thánh Nga nhân Ngày Hòa Bình thế giới 2018

VATICAN. Hôm 24-11-2017, Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Hòa bình thế giới 1-1 năm 2018 đã được công bố với chủ đề: ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”.

Trong sứ điệp, sau khi nhắc đến sự kiện trên thế giới hiện có hơn 250 triệu người di cư và trong đó có 22 triệu rưỡi người tị nạn, ĐTC khẳng định rằng ”cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”. Ngài nhìn nhận các chính quyền có nhiệm vụ thực thi nhân đức khôn ngoan thận trọng, biết đón nhận, thăng tiến, bảo vệ và hội nhập những người nhập cư, thiết lập các biện pháp thực hành… Chính quyền có trách nhiệm rõ ràng đối với các cộng đoàn của mình, đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự phát triển hòa hợp”.

ĐTC cũng phân tích những nguyên nhân tạo nên số người di cư và tị nạn đông đảo như ngày nay, và ngài mời gọi mọi người nhìn vấn đề này trong viễn tượng đức tin, tình liên đới và huynh đệ, ước muốn thiện ích, sự thật và công lý, nhìn nhận những khía cạnh tích cực của những người di dân và tị nạn. Ngài viết:

”Khi quan sát những người di dân và tị nạn, ta sẽ khám phá thấy họ không đến tay không: họ mang nhiều can đảm, khả năng, nghị lực và khát vọng, cùng với những kho tàng văn hóa nguyên quán, nhờ đó họ làm cho cuộc sống quốc gia đón nhận được thêm phong phú. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy tinh thần sáng tạo, kiên trì, tinh thần hy sinh của bao nhiêu cá nhân, gia đình và cộng đoàn ở các nơi trên thế giới mở tâm lòng đố với những người di dân và tị nạn, kể cả tại những nơi không có nhiều tài nguyên”.

Đi vào cụ thể hơn, Sứ điệp của ĐTC đề nghị 4 hành động cần thực hiện đối với những người di dân và tị nạn, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.

– Việc đón tiếp đòi phải cấp thiết mở rộng khả thể cho người di dân và tị nạn được nhập cư hợp pháp, không đẩy đưa họ vào những nơi có bách hại và bạo lực, quân bình mối quan tâm về an ninh quốc gia với sự bảo vệ các quyền căn bản của con người.

– Việc bảo vệ nhắc nhớ nghĩa vụ nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của những người trốn chạy nguy hiểm, và tìm kiếm nơi ẩn náu, an ninh, ngăn cản sự bóc lộc họ.

– Việc thăng tiến có liên quan đến sự phát triển nhân bản toàn diện cho người di dân và tị nạn: ví dụ đảm bảo cho các trẻ em và người trẻ được giáo dục ở các cấp..

– Sau cùng, việc hội nhập giúp người di dân và tị nạn hoàn toàn được tham gia vào đời sống xã hội đón tiếp họ, làm cho nhau được thêm phong phú.. (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho Congo và Nam Sudan

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho Congo và Nam Sudan

VATICAN. Chiều 23-11-2017, ĐTC đã chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan.

Hiện diện tại buổi cầu nguyện có khoảng 1 ngàn người, trong đó cũng có đại diện của các tín hữu Kitô và tôn giáo khác, cùng với nhiều LM, tu sĩ và giáo dân từ hai quốc gia liên hệ.

Trong bài giảng nhân dịp này, ĐTC nói rằng: ”Chiều hôm nay, với buổi cầu nguyện này, chúng ta muốn gieo những hạt giống hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo và tại mỗi phần đất bị thương tổn vì chiến tranh. Tại Nam Sudan, tôi đã quyết định thực hiện một cuộc viếng thăm, nhưng không thể thi hành được”.

ĐTC nhắc lại rằng: ”Trên thập giá, Chúa Giêsu Kitô đã gánh lấy mọi tai ương của thế giới, kể cả những tội lỗi đã làm nảy sinh và nuôi dưỡng chiến tranh, đó là sự kiêu ngạo, hà tiện, ham hố quyền lực, gian dối.. Tất cả những điều đó Chúa Giêsu đã chiến thắng nhờ sự phục sinh của Ngài. Khi hiện ra giữa các môn đệ, Chúa nói: ”Bình an cho các con!” (Ga 20,19.21.26).

Rồi ĐTC cầu xin Chúa Phục Sinh phá đổ những bức tường thù nghịch đang chia rẽ các anh chị em, nhất là tại Nam Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo; xin Chúa cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của bạo hành trong các vùng chiến tranh và mọi nơi trên thế giới; xin Chúa cứu giúp các trẻ em đang chịu đau khổ vì những cuộc xung đột các em không gây ra, nhưng chúng đang cướp mất tuổi thư và nhiều khi cả mạng sống của các em! Chính trong trường hợp này chiến tranh biểu lộ khuôn mặt kinh tởm nhất của nó”.

ĐTC cũng xin Chúa giúp đỡ tất cả những người bé nhỏ và nghèo túng trên thế giới tiếp tục tin tưởng và hy vọng rằng Nước Chúa đang gần kề, ở giữa chúng ta, và là ”công lý, hòa bình, vui tươi trong Thánh Linh” (Rm 14,17).

”Xin Chúa củng cố nơi các nhà cầm quyền mà mọi ngừơi hữu trách một tinh thần cao thượng, ngay chính, cương quyết và can đảm trong việc tìm kiếm hòa bình, qua sự đốit hoại và thương thuyết”

Sau cùng, xin Chúa ban cho “tất cả chúng con trở thành những người xây dựng hòa bình trong môi trường chúng con đang sinh sống, tại gia đình, trường học, nơi làm việc, trong các cộng đoàn, trong mọi hoàn cảnh, ”rửa chân cho nhau, theo hình ảnh Chúa là Thầy và là Chúa của chúng con”.

Trong buổi cầu nguyện, mỗi ý nguyện có kèm theo bài đọc ngắn trích từ Tân Ước, và những đoạn thánh ca bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Và trước khi kết thúc, cộng đoàn đã hát kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi.

Nội chiến tại Nam Sudan từ 4 năm nay đã làm cho 50 ngàn người chết và 3 triệu người phải tản cư. Theo Tổ chức FAO của LHQ, trong năm 2018 tới đây sẽ có hơn 1 triệu 100 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan bị suy dinh dưỡng và 300 ngàn em có nguy cơ bị chết đói.

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, các vụ xung đột võ trang vẫn diễn ra từ lâu ở miền đông nước này. Tình hình chính trị cũng bất ổn, tổng thống Joseph Kabila đã mãn nhiệm, nhưng cố ở lại chức vụ, trong khi phe đối lập thì chia rẽ nhau (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Đại Gia Đình dòng Phanxicô

Đức Thánh Cha tiếp Đại Gia Đình dòng Phanxicô

VATICAN. Sáng 23-11-2017, ĐTC đã tiếp kiến khoảng 400 thành viên gia đình dòng I của Phanxicô và dòng Ba Phanxicô tại viện. Ngài ca ngợi linh đạo ”hèn mọn” (Minorità) của thánh Phanxicô và mời gọi các tu sĩ sống trọn linh đạo này.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có các vị đại diện dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô (OFM), dòng Anh em Hèn Mọn Viện Tu (OFM.Conv.), dòng Anh em Hèn Mọn Capuchino (OFM Cap.), và sau cùng là dòng Ba Phanxicô tại viện (TOR).

Trong bài huấn dụ dài, ĐTC cám ơn các tu sĩ Phanxicô, đặc biệt về những gì các vị đang làm cho những người nghèo và bị thiệt thòi nhất. Ngài nhận xét rằng ”sự hòn mọn” theo tinh thần Phanxicô là nơi gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa, nơi gặp gỡ và hiệp thông với anh em và với tất cả những người nam nữ; sau cùng đó là nơi gặp gỡ và hiệp thông tới thiên nhiên.

ĐTC đã giải thích 3 chiều kích trên đây và ngài đặc biệt nhắc nhở các tu sĩ Phanxicô hãy sống linh đạo hèn mọn ”trong tương quan với tất cả mọi người nam nữ, trong hành trình đến với thế giới, hết sức tránh mọi thái độ tự tôn, có thể làm cho mình xa rời người khác.. Thánh Phanxicô đã giải thích rõ ràng yêu cầu này qua qui luật không chiếm hữu điều gì và ân cần đón tiếp mọi người, đến độ chia sẻ cuộc sống với những người bị khinh rẻ nhất, với những người bị xã hội thực sự coi là hèn mọn”.

Từ ý tưởng trên đây, ĐTC nói: ”Khi anh em làm điều gì cho những người bé nhỏ nhất, những người bị loại trừ, người rốt cùng, anh em đừng bao giờ làm từ một bệ cao. Nhưng hãy nghĩ rằng tất cả những gì anh em làm cho họ là một cách thức đáp lại điều mà anh em đã nhận nhưng không”.

”Anh em hãy mở rộng tâm hồn và ôm lấy những người cùi của thời đại ngày nay, và sau khi ý thức về lòng thương xót của Chúa đối với anh em, anh em hãy đối xử từ bi thương xót đối với họ, như Cha Thánh Phanxicô đã làm, và giống như Người, anh em hãy học cách trở nên yếu đau với người đau yếu, sầu muộn với người sầu muộn”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến, tôi lập lại với anh em lời yêu cầu của thánh Phanxicô: anh em hãy trở nên hèn mọn. Xin Thiên Chúa gìn giữ và làm cho sự hèn mọn của anh em được tăng trưởng” (Rei 23-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Thánh Lễ là tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa

Thánh Lễ là tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa

Thánh Lễ là việc tưởng niệm Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô. Tham dự Thánh Lễ, rước Chúa vào lòng cho phép chúng ta cùng với Chúa Kitô từ cái chết bước vào sự sống. Mỗi một cử hành Thánh Thể là một tia sáng của mặt trời không lặn là Chúa Giêsu Kitô phục sinh, giúp chúng ta đạt tột đỉnh hành động cứu chuộc của Thiên Chúa, canh tân con tim, cuộc sống và tương quan của chúng ta với Chúa và với tha nhân, làm cho chúng ta yêu Chúa và yêu tha nhân như Ngài đến sẵn sàng trao ban sự sống.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hanh hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc trích từ chương 2 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát viết rằng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.” (Gl 2,19-21).

ĐTC nói: “Thánh Lễ là việc tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nó khiến cho chúng ta tham dự vào chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và cái chết, và trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta. Nhưng để hiểu giá trị của Thánh Lễ trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa kinh thánh của từ “tưởng niệm”. ĐTC giải thích như sau:

** Việc tưởng niệm không chỉ là kỷ niệm các biến cố của quá khứ, nhưng việc tưởng niệm làm cho các biến cố ấy hiện diện và thời sự trong một nghĩa nào đó. Chính như thế mà dân Israel hiểu sự giải phóng của mình khỏi Ai Cập: mỗi khi cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố của cuộc Xuất hành được làm cho hiện diện đối với ký ức của các tín hữu để họ phù hợp cuộc sống của họ với chúng (GLGHCG 1363). Với cuộc khổ nạn, cái chết, sự sống lại và lên Trời của Ngài Chúa Giêsu Kitô đã thành toàn lễ Vượt Qua. Và Thánh Lễ là việc tưởng niệm sự Vượt Qua của ngài, việc “xuất hành” của Ngài, mà Ngài đã hoàn thành cho chúng ta, để làm cho chúng ta ra khỏi kiếp nô lệ và dẫn đưa chúng ta vào đất hứa của cuộc sống vĩnh cửu. Nó không chỉ là một kỷ niệm; không, nó còn hơn thế nữa: nó khiến cho hiện diện điều đã xảy ra cách đây 20 thế kỷ.

Thánh Thể luôn đưa chúng ta tới tột đỉnh hành động cứu độ của Thiên Chúa: khỉ trở thành bánh bẻ ra cho chúng ta, Chúa Giêsu  đổ tràn đầy trên chúng ta tất cả lòng thương xót và tình yêu của Ngài, như Ngài đã làm trên thập giá, và như thế Ngài canh tân con tim, cuộc sống và tương quan của chúng ta với Ngài và với các anh em khác. Công Đồng Chung Vaticăng II nói rằng: “Mỗi khi cử hành trên bàn thờ hiến tế thập giá, qua đó Chúa Kitô chiên con vượt qua của chúng ta bị sát tế, công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” LG 3).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Mỗi cử hành Thánh Thể là một tia sáng của mặt trời không xế bóng là Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Tham dự Thánh Lễ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật, có nghĩa là bước vào trong chiến thắng của Chúa Kitô, được chiếu soi bởi ánh sáng của Ngài và được hơi ấm của Ngài sưởi nóng. Qua việc cử hành Thánh Thể Chúa Thánh Thần khiến cho chúng ta trở thành những người tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi toàn con người phải chết của chúng ta. Trong việc từ cái chết bước qua sự sống, từ thời gian bước vào sự vĩnh cửu Chúa Giêsu lôi kéo chúng ta cùng Ngài cử hành lễ Vượt Qua. Trong Thánh Lễ chúng ta kết hiệp với Chúa. Còn hơn thế nữa, Chúa Kitô sống trong chúng ta và chúng ta sống trong Ngài như thánh Phaolô khẳng định: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. ”

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Thật vậy, máu của Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái chết và sự sợ hãi cái chết. Nó giải phóng chúng ta khỏi ách thống trị của cái chết thể lý, nhưng cũng giải thoát chúng ta khỏi cái chết tinh thần là sự dữ, là tội lỗi chụp bắt chúng ta mỗi khi chúng ta sa ngã trở thành nạn nhân của tội lỗi của chính mình hay của những người khác. Và khi đó cuộc sống chúng ta bị ô nhiễm, mất đi vẻ đẹp, mất đi ý nghĩa và héo tàn.

Trái lại, Chúa Kitô tái trao ban sự sống cho chúng ta. Chúa Kitô là sự viên mãn của cuộc sống, và khi Ngài đã đương đầu với cái chết, ngài huỷ diệt nó vĩnh viễn. “Khi sống lại Ngài tiêu diệt sự chết và canh tân sự sống”. Sự Vượt Qua của Chúa Kitô là chiến thắng vĩnh viễn trên cái chết, bởi vì Ngài đã biến đổi cái chết của Ngài thành cử chỉ tình yêu tuyệt đỉnh. Ngài chết vì tình yêu.

Và trong Thánh Thể Ngài muốn thông ban cho chúng ta tình yêu phục sinh chiến thắng của Ngài. Nếu chúng ta lãnh nhận Ngài với niềm tin, cả chúng ta nữa cũng có thể thực sự yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta có thể yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta, bằng cách trao ban sự sống.

Nếu tình yêu của Chúa Kitô ở trong tôi, tôi có thể trao ban tràn đầy chính mình cho tha nhân, trong xác tín rằng cả khi người khác có thể gây thương tích cho tôi, tôi sẽ không chết, nếu không thì tôi sẽ phải bảo vệ mình. Các vị tử đạo đã trao ban mạng sống họ chính vì xác tín về chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Chỉ khi chúng ta sống kinh nghiệm quyền năng này của Chúa Kitô, quyền năng tình yêu thương của Ngài chúng ta mới thực sự tự do trao ban chính mình mà không sợ hãi.

Đó là Thánh Lễ: bước vào trong cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và lên Trời này của Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, thì như thể là lên núi Calvê, y như vậy. Anh chị em hãy nghĩ coi: nếu chúng ta đi lên núi Sọ – chúng ta hãy suy tư bằng tưởng tượng – trong lúc đó, và chúng ta biết người đang ở đó là Chúa Giêsu, thì chúng ta có cho phép mình nói chuyện bép xép, chụp hình, trình diễn một chút không? Không, Bởi vì đó là Chúa Giêsu! Chắc chắn là chúng ta sẽ thinh lặng, sẽ khóc và cả vui mừng nữa vì được cứu rỗi. Khi chúng ta bước vào cử hành Thánh Lễ, chúng ta hãy nghĩ tới điều này: tôi bước lên đồi Canvê, nơi Chúa Giêsu trao ban mạng sống Ngài cho tôi. Và như thế trình diễn sẽ biến mất, nói chuyện bép xép sẽ biến mất, sẽ biến mất các bình luận và các điều khiến cho chúng ta xa rời điều xinh đẹp biết bao là Thánh Lễ, là chiến thắng của Chúa Kitô.

Tôi nghĩ rằng giờ đây đã rõ ràng hơn tại sao lễ Vượt Qua lại hiện diện và hoạt động mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, nghĩa là ý nghĩa của sự tưởng niệm. Việc tham dự Thánh Thể khiến cho chúng ta bước vào trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, bằng cách xin chúng ta cùng Ngài từ cái chết bước sang sự sống, nghĩa là Calvê, ở đó Thánh Lễ là việc làm lại Núi Sọ, chứ không phải là một cuộc trình diễn.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, cũng như các nhóm hành hương đến từ Anh quốc, Hoà Lan, Ba Lan, Australia, Trung quốc, Indonesia, Singapore và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các tu sĩ dòng Marist tham dự chương trình canh tân tinh thần, và huynh đoàn linh mục Bạn đồng hành của Chúa Kitô. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng. Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cách riêng nhóm tín hữu Nova Suiça ở Belo Horizonte bên Brasil. Ngài cầu chúc ơn thánh Chúa ban trong Thánh Thể đổ tràn đầy trên cuộc sống của mỗi người và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng, để họ đem ngọn lửa yêu thương của Chúa vào lòng thế giới. Chào các đoàn hành hương Ba Lan trong đó có một nhóm bạn trẻ chăng biểu ngữ xin ĐTC chúc lành cho sự ồn ào của họ, ĐTC nói anh chị em hãy xem các bạn trẻ này can đảm thật! Ngài khích lệ mọi người biết năng lãnh nhận Chúa trong Thánh Lễ, thờ lậy Chúa trong Nhà Tạm và trong con tim, và phục vụ Chúa nơi các anh chị em khác, để cũng nhau xây dựng một cộng đoàn nhân loại mới, công bằng và huynh đệ hơn.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên đại hội Liên đoàn các tổ chức phụ nữ công giáo quốc tế, các tham dự viên tổng tu nghị dòng Đức Bà An Ủi, các tham dự viên khoá đào tạo thừa sai do đại học Salesien tổ chức, cũng như thành viên Trung tâm nghiên cứu Biển Đức XIII tỉnh Gravina vùng Puglia, do ĐTGM Giovanni Ricchiuti hướng dẫn. Ngài cũng chào gia đình Phan Sinh đền thánh Đức Bà Pozzo, các thành viên Hiệp hội thiện nguyện hiến máu Italia nhân kỷ niệm thành lập, và Nhóm đưa bệnh nhân hành đi hương Lộ Đức của vùng Emilia Romagna.

ĐTC cũng chào đại diện Tổ chức Nhà băng thực phẩm, và cầu chúc cuộc lạc quyên thực phẩm vào ngày thứ bẩy tới đây gặt hái nhiều thành công để giúp người nghèo.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội kính nhớ thánh nữ Cecilia. Ngài chúc người trẻ biết noi gương thánh nữ lớn lên trong đức tin, người đau yếu được Chúa Kitô nâng đỡ trong khổ đau thử thách, và các cặp vợ chồng mới cưới biết yêu nhau vô điều kiện và có cái nhìn yêu thương trong sáng của thánh nữ Cecilia. Xin thánh nữ dậy chúng ta tất cả biết hát với con tim và sống tươi vui vì được cứu rỗi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Thánh tích thánh Gioan Phaolô được tăng cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Panama

Roma – Chiều ngày 17/11 vừa qua, tại tòa đại sứ Balan đã diễn ra một nghi thức cảm động: đại sứ Balan cạnh Tòa Thánh, Janusz Kotański, đã trao cho bà Miroslava Rosas Vargas, đại sứ Panama cạnh Tòa Thánh, một thánh tích của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là quà tặng của Đức hồng y Stanisław Dziwisz cho các nhà tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ lần tới ở Panama vào năm 2019. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô là người đã thành lập Ngày Quốc tế Giới trẻ. Ngài tin rằng giới trẻ là tương lai của Giáo hội và do đó ngài đã thúc đẩy  những phong trào giới trẻ để có một chỗ trong Giáo hội. Ngày Quốc tế Giới trẻ, được tổ chức lần đầu tiên tại Roma vào năm 1986, là câu trả lời cho những sáng kiến này.

Tại buổi trao tặng thánh tích cũng có sự hiện diện của 3 nhân vật nổi tiếng: Đức hồng y Stanisław Ryłko, hiện là giám quản đền thờ Đức Bà Cả, ngài là nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân và người tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ trong nhiều năm; Đức hồng y José Luis Lacunza, giám mục giáo phận David của Panama; và Đức hồng y Óscar Rodríguez Maradiaga, tổng giám mục Tegucigalpa của Hondurad. Sự hiện diện của Đức hồng y của Hondurad muốn nói rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ không chỉ liên quan đến Panama nhưng cả các quốc gia lân cận.

Đầu nghi thức, Đức hồng y Stanisław Ryłko nhắc lại rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là “Giáo hoàng của giới trẻ” bởi vì ngài đã can đảm chú trọng đến giới trẻ để thực hiện việc loan báo Tin mừng cho thế giới. Đại sứ Kotanski hy vọng rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama sẽ mang lại mùa xuân mới cho Giáo hội. Ông cũng nói với những người hiện diện rằng ngày 22 mỗi tháng, giới trẻ Balan cầu nguyện cho Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Panama. Ông khẳng định rằng lời cầu nguyện của giới trẻ Balan và thánh tích của Thánh Giáo hoàng sẽ là một cầu nối giữa Trung Mỹ và châu Âu.

Đại sứ Panama cũng bày tỏ niềm vui khi nhấn mạnh rằng việc tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ là một vinh dự cho đất nước Panama. Ông nhắc rằng các thánh, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là gương sống cho mọi người, các ngài tạo nên mối liên kết giữa trời và đất và cầu nguyện cho chúng ta. Ông cũng chia sẻ ghi nhớ của mình về “cái nhìn hiền dịu và sâu thẳm của Thánh giáo hoàng, đặc tính của các vị thánh, lời mời gọi đối thoại và truyền thông, đức tin và lòng nhiệt thành truyền giáo cho đến khi nhân loại có thể sống trong một thế giới tốt đẹp hơn. Cho dù Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô không ở giữa chúng ta, các giá trị, các nguyên tắc và tình yêu của ngài vẫn sống động. Ông kết luận rằng với thánh tích của ngài, thánh nhân sẽ luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của mọi người chúng ta. (ACI 20/11/2017)

Hồng Thủy

Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên Đàng của chúng ta

Người nghèo là thông hành vào cửa Thiên Đàng của chúng ta

Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta…. Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mứu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ Ngày quốc tế ngươi nghèo lần thứ nhất, cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có 15 Hồng Y, 20 Tổng Giám Mục, Giám Mục và 200 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và 10.000 giáo dân.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại dụ ngôn ông chủ giao cho đầy tớ các nén bạc để họ sinh lời. ĐTC nói:

Trước hết chúng ta thừa nhận điều này: chúng ta có các nén bạc, chúng ta là những người có các tài khéo dưới mắt của Thiên Chúa. Vì thế không ai có thể coi mình là vô ích, không ai có thể nghèo đến độ không thể cho người khác một cái gì đó. Chúng ta được tuyển chọn và chúc phúc bởi Thiên Chúa, Đấng ước mong đổ tràn đầy trên chúng ta ơn của Ngài, hơn là một người cha và một người mẹ ước mong trao ban cho con cái mình. Và Thiên Chúa tín thác cho từng người một sứ mệnh. Trước mắt Ngài không có người con nào bị loại trừ.

Thật vậy, sự kiện Thiên Chúa tràn đầy yêu thương và đòi hỏi khiến cho chúng ta có trách nhiệm. Trong dụ ngôn các đầy tớ đều nhận được các nén bạc. Nhưng trong khi hai người đầu tiên thực hiện sứ mệnh của họ, thì người thứ ba lại không làm cho nén bạc sinh lời. Anh ta giữ nguyên nó rồi trả lại cho chủ, nên bị chủ gọi là “đầy tớ gian ác và lười biếng” (c. 25). Điều không làm hài lòng ông chủ là việc bỏ sót của tên đầy tớ. Cái ác của anh ta là đã không làm điều thiện. Chúng ta cũng thường cho mình là tốt lành và công chính vì đã không làm điều gì gian ác. Anh đầy tớ lười cũng thế, anh còn giữ gìn nén bạc cẩn thận nữa. Nhưng không làm điều ác không thôi, không đủ… Thật đáng buồn khi Thiên Chúa cha của tình yêu thương không nhận được câu trả lời  quảng đại yêu thương từ con cái Ngài, là những người chỉ hạn chế vào việc tôn trọng các điều luật, chu toàn các giới răn như những kẻ làm công trong nhà Ngài (x, Lc 15,17). Ai chỉ lo duy trì các kho tàng, thì không trung thành với Thiên Chúa là Đấng yêu thích chia sẻ và nhân các ơn lên nhiều lần. Người sinh lời thêm các nén bạc thật sự trung thành, vì có cùng tâm thức của Thiên Chúa và không bất động: họ liều cả cuộc sống cho tha nhân, họ không chấp nhận để mọi sự như vậy. Họ chỉ bỏ sót một điều là tư lợi của họ. ĐTC định nghĩa sự bỏ sót như sau:

Bỏ sót cũng là tội lớn đối với người nghèo. Ở đây nó có một tên gọi chính xác là sự thờ ơ. Nó khiến chúng ta nói rằng: “Điều đó không can gì tới tôi, không phải là chuyện của tôi, đó là lỗi của xã hội”. Thờ ơ đó  quay mặt đi phía khác, khi người anh em ở trong túng thiếu, đó là thay đổi kênh truyền hình vừa khi thấy một vấn đề nghiêm trọng khiến chúng ta khó chịu, đó cũng là giận dữ trước sự ác nhưng lại không làm gì cả. Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã bất bình một cách chính đáng hay không, nhưng hỏi chúng ta đã có làm điều thiện hay không…

Vậy làm sao để có thể đẹp lòng Chúa? Thường khi để làm vừa lòng ai đó chúng ta phải tìm hiểu sở thích của người ấy để món quà tặng làm cho người ấy hài lòng hơn. Muốn dâng cho Chúa điều gì chúng ta có thể tìm thấy các sở thích của Ngài trong Phúc Âm. Tiếp theo dụ ngôn hôm nay Chúa nói: “Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ này của Thầy, là làm cho chính Thầy” (Mt 25,40). Các anh em được Chúa đặc biệt sủng ái là người đói, người bệnh, kẻ kiều cư và người bị tù, người nghèo túng và bị bỏ rơi, người khổ đau không nơi cư ngụ, người cần được giúp đỡ. Trên gương mặt của họ chúng ta có thể tưởng tượng ra in đậm gương mặt của Chúa; trên đôi môi của họ, cả khi câm nín vì khổ đau, chúng ta có thể tưởng tượng ra các lời của Chúa: “Đây là thân mình của Thầy” (Mt 26,26). Chúa Giêsu gõ cửa tâm lòng chúng ta nơi người nghèo, người khát, Ngài xin chúng ta tình yêu thương. Khi chúng ta thắng vượt sự thờ ơ và nhân danh Chúa Giêsu chúng ta xả thân vì các anh em của Ngài nơi những người bé nhỏ, thì chúng ta là bạn hữu tốt lành và trung thành của Ngài, mà Ngài thích chuyện vãn. Chúa trân trọng biết bao cử chỉ chúng ta tiếp nhận lời ngài trong bài đọc thứ nhất, cử chỉ của “người đàn bà mạnh mẽ mở tay cho kẻ bần cùng và giang tay trợ giúp người nghèo khổ” (Cn 31,10-20). Đó là sức mạnh: không phải các bàn tay nắm tay chặt lại hay khoanh tay, nhưng các bàn tay mở rộng và hướng tới người nghèo, thịt xác của Chúa.

Chính tại đó biểu lộ sự hiện diện của Chúa Giêsu, là Đấng giàu có đã trở thành nghèo nàn (x. 2 Cr 8,9). Vì thế nơi họ, trong sự yếu đuối của họ có “một sức mạnh cứu rỗi”. Và nếu trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, thì họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta. Đối với chúng ta bổn phận tin mừng là săn sóc họ, là sự giầu có đích thực của chúng ta, và chúng ta làm điều đó không phải chỉ bằng việc cho cơm bánh, nhưng qua cả việc bẻ Bánh Lời Chúa với họ. Yêu thương người nghèo có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần và vật chất.

Việc đến gần người nghèo hơn đánh động cuộc sống chúng ta và là điều tốt cho chúng ta. Nó sẽ nhắc cho chúng ta nhớ rằng điều thật sự có giá trị  đó là mến Chúa  yêu người. Chỉ điều này kéo dài luôn mãi, còn mọi sự đều qua đi: vì thế, điều chúng ta đầu tư trong tình yêu tồn tại, còn lại đều tan biến mất. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi điều gì quan trọng đối với tôi trong cuộc sống? Tôi đầu tư vào đâu? Vào sự giầu có qua mau, mà trần gian không bao giờ hết thèm khát, hay vào sự giầu có của Thiên Chúa trao ban sự sống vĩnh cửu? Sự lựa chọn này ở trước mặt chúng ta: sống để chiếm hữu trên trần gian hay cho di để chiếm được nước trời. Bởi vì đối với nước trởi điều ta chiếm nữu không có giá trị, nhưng là điều ta cho đi. Và chồng chất các kho tàng cho mình không làm giầu gần Thiên Chúa” (Lc 12,21). Chúng ta đừng tìm cái thừa thãi cho mình, nhưng tìm thiện ích cho tha nhân, và chúng ta sẽ không thiếu điều quý báu nào cả.

Vào lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.  Trong bài huấn dụ ngắn, ngài đã nhắc lại ý nghĩa dụ ngôn các nén bạc, và phân tích thái độ  thiếu tin tưởng và sợ hãi của người đầy tớ lười đối với chủ, khiến cho anh ta bị khựng lại. ĐTC nói:

Sự sợ hãi luôn làm cho bất động và thường khiến cho người ta có các lựa chọn sai lầm. Sự sợ hãi gây nản lỏng, không để cho chúng ta  có các sáng kiến, nó dẫn đưa tới chỗ lẩn trốn trong các giải pháp an toàn, bảo đảm, và như thế rốt cuộc không cho hiện thực được điều gì tốt lành cả. Để tiến bước và lớn lên trên con đường cuộc sống cần phải có lòng tin tưởng.

Dụ ngôn cũng giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng có một ý tưởng đích thật về Thiên Chúa. Chúng ta không được nghĩ rằng Ngài là một ông chủ xấu, cứng cỏi, khắc nghiệt,  chỉ muốn đánh phạt chúng ta. Chúa Giêsu đã luôn luôn cho chúng ta thấy Thiên  Chúa không phải là một ông chủ hà khắc và không nhân nhượng, nhưng là một người cha tràn đầy yêu thương, hiền dịu, tốt lành. Vì vậy chúng ta có thể và phải có một sự tin tưởng vô biên nơi Ngài. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy lòng quảng đại săn sóc của Thiên Chúa trong nhiều kiểu: với lời Ngài, với các cử chỉ, và sự tiếp đón đối với mọi người, cách riêng nhũng người tội lỗi, bé nhỏ và nghèo nàn. Nhân Ngày quốc tế người nghèo dụ ngôn các nén bạc mời gọi chúng ta có trách nhiệm cá nhân và một lòng trung thành trở nên khả năng liên tục tín thác trên các nẻo đường mới, mà không chôn vùi nén bạc, là các ơn Thiên Chúa tín thác cho chúng ta và Ngài sẽ đòi chúng ta tính sổ với Ngài.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới LM Francesco Solano dòng Capucino đã được phong chân phước ngày thứ bẩy vừa qua tại Detroit bên Hoa Kỳ. Ngài là môn đệ khiêm nhường và trung thành của Chúa Kitô và không mệt mỏi phục vụ dân nghèo. Ước chi chứng tá của ngài trợ giúp các linh mục, tu sĩ và giáo dân biết sống tươi vui mối dây liên kết giữa việc loan báo Tin Mừng và yêu thương người nghèo.

ĐTC cũng ca ngợi các sáng kiến khác nhau trong Ngày quốc tế người nghèo qua các buổi cầu nguyện và chia sẻ. Ngài cầu mong người nghèo luôn luôn là trung tâm của các cộng đoàn, bởi vì họ là con tim của Tin Mừng, nơi họ chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu nói với chúng ta và gọi hỏi chúng ta qua các khổ đau và các nhu cầu của họ.

ĐTC cũng nhắc tới các dân tộc đang phải sống trong nghèo túng vì chiến tranh xung khắc, và tái kêu gọi cộng đồng quốc tế dấn thân làm mọi sự  có thể để đem lại hoà bình, đặc biệt cho các dân tộc vùng Trung Đông. Cách riêng ĐTC nhớ tới dân tộc Libăng và cầu nguyện cho sự ổn định của quốc gia này để nó có thể là một sứ giả của sự tôn trọng và chung sống cho toàn vùng và cho toàn thế giới. Ngài cũng cầu nguyện cho thủy thủ đoàn của chiếc tầu ngầm Argentina bị mất tích. Hôm qua cũng là Ngày quốc tế các nạn nhân giao thông do Liên Hiệp Quốc thành lập. ĐTC khích lệ mọi cơ cấu công cộng dấn thân phòng ngừa các tai nạn, và nhắn nhủ các tài xế lái xe phải cẩn thận và tôn trọng luật lệ giao thông, là hình thức đầu tiên giúp bảo vệ chính họ và bảo vệ người khác.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng Tòa Thánh về văn hóa

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa sáng 18-11-2017, ĐTC tái khẳng định những nguyên tắc căn bản trong việc đối thoại với thế giới trước những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật.

Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa đã nhóm khóa họp toàn thể từ ngày 15 đến 18-11-2017 dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Gianfranco Ravasi và bàn về chủ đề ”tương lai nhân loại – những thách đối mới về nhân loại học”.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận những tiến bộ lớn của nhân loại như y khoa và khoa di truyền học giúp nhìn vào trong cơ cấu thâm sâu nhất của con người và thậm chí can thiệp để thay đổi cơ cấu ấy. Khoa học về thần kinh ngày càng cung cấp thông tin về hoạt động của não bộ con người. Sau cùng, là những tiến bộ vượt bực của những người máy độc lập và biết suy tư đang trở nên thành phần cuộc sống thường nhật của con người.

Những tiến bộ ấy đề ra những câu hỏi lớn mà chúng ta phải đương đầu. Trong cuộc đối thoại này, ĐTC kêu gọi kín múc từ những kho tàng khôn ngoan trong các truyền thống tôn giáo, sự khôn ngoan của dân gian, văn hóa nghệ thuật liên quan sâu xa đến mầu nhiệm con người, và cả những nội dung chứa đựng trong triết lý và thần học.

ĐTC cũng khẳng định những nguyên tắc lớn để nâng đỡ cuộc đối thoại với khoa học. Trước tiên là vị thế trung tâm của con người, con người cần phải được coi như một mục tiêu chứ không phải là phương tiện.

Tiếp đến là nguyên tắc mọi tài nguyên thiện ích, kể cả những thiện ích như kiến thức và kỹ thuật là để phục vụ cho tất cả mọi người, chứ không phải đẻ mưu lợi cho một thiểu số.

Sau cùng là nguyên tắc không phải tất cả những gì con ngừơi có thể làm được về phương diện kỹ thuật đều có thể chấp nhận được về phương diện luân lý đạo đức. (Rei 18-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

Đức Thánh Cha ca ngợi gia sản tinh thần của Đức Biển Đức 16

VATICAN. Sáng 18-11-2017, ĐTC Phanxicô đã tái bày tỏ lòng quí mến và đề cao gia sản tinh thần cũng như giáo huấn của vị Tiền Nhiệm, Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi trao tặng giải thưởng Joseph Ratzinger cho 3 người trúng giải là: Mục sư Theodor Dieter thần học gia thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther ở Đức, LM thần học gia Công giáo Đức Karl-Heinz Menke, và Ông Arvo Part, tín hữu Chính Thống, nhà sáng tác thánh nhạc.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC Phanxicô nói: ”Cùng với anh chị em tôi thân ái gửi lời chào nồng nhiệt đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức. Kinh nguyện và sự hiện diện kín đáo và khích lệ của Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường chung; các tác phẩm và giáo huấn của Ngài là một gia sản sinh động và quí giá cho toàn thể Giáo Hội và cho việc phục vụ của chúng ta. Chính vì thế, tôi mời gọi Quỹ Joseph Ratzinger của anh chị em tiếp tục dấn thân nghiên cứu và đào sâu gia sản này và đồng thời nhìn về đằng trước, để nêu cao giá trị sự phong phú của gia sản ấy, bằng những chú giải các tác phẩm của Joseph Ratzinger, cũng như để tiếp tục nghiên cứu thần học và văn hóa theo tinh thần của Ngài, và đi vào những lãnh vực mới trong đó nền văn hóa ngày nay kêu gọi sự đối thoại của đức tin. Để thực hiện cuộc đối thoại này, tinh thần con người có một nhu câu cấp thiết và sinh tử, đó là đức tin cần đối thoại, đức tin trở nên trừu tượng nếu không nhập thể vào thời gian, lý trí cũng cần đối thoại với đức tin, vì lý trí sẽ trở nên vô nhân đạo nếu không nâng mình lên Siêu Việt” (Rei 18-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội và dân nước Myanmar

Sứ Điệp Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội và dân nước Myanmar

VATICAN. Hôm 17-11-2017, ĐTC đã gửi sứ điệp cho Giáo Hội và nhân dân Myanmar mà ngài sẽ đến viếng thăm từ ngày 27 đến 30-11 tới đây.

Trong sứ điệp, ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi đến để công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, một sứ điệp hòa giải, tha thứ và hòa bình. Cuộc viếng thăm của tôi muốn củng cố cộng đoàn Công Giáo tại Myanmar trong niềm tin của họ nơi Thiên Chúa và trong việc làm chứng tá của họ cho Tin Mừng, Tin Mừng này dạy phẩm giá của mỗi người nam nữ và đòi chúng ta phải cởi mở tâm hồn cho tha nhân, nhất là những người nghèo túng.”

”Đồng thời tôi cũng muốn viếng thăm Quốc gia Myanmar trong tinh thần tôn trọng và khích lệ mọi nỗ lực nhắm xây dựng sự hòa hợp và cộng tác trong việc phục vụ công ích. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ các tín hữu và những ngừơi thiện chí ngày càng cảm thấy cần tăng trưởng trong sự cảm thông và tôn trọng nhau, nâng đỡ nhau như những phần tử của cùng một gia đình nhân loại duy nhất. Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi biết nhiều người ở Myanmar đang làm việc nhiều để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi và tôi cám ơn họ. Tôi xin mỗi người hãy cầu nguyện để những ngày tôi ở với anh chị em có thể là nguồn hy vọng và khích lệ cho tất cả mọi người. Tôi khẩn cầu phúc lành an vui trên tất cả anh chị em và gia quyến. Hẹn sớm gặp lại anh chị em.”

Sáng ngày 17-11-2017 ĐTC đã tiếp kiến ĐHY Charles Bo, TGM giáo phận Yangon là giáo phận lớn nhất tại Myanmar (Rei 17-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội Tông Đồ giáo sĩ

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội Tông Đồ giáo sĩ

VATICAN. Sáng 16-11-2017, ĐTC đã tiếp kiến 70 tham dự viên Đại hội quốc tế của Liên đoàn Hiệp Hội tông đồ giáo sĩ và ngài cổ võ mọi người sống linh đạo hiệp thông.

Đây là một hội qui tụ các GM, LM và Phó tế thuộc các giáo phận dấn thân giúp đỡ nhau để thể hiện sung mãn cuộc sống theo Thánh Linh, qua việc thi hành sứ vụ. Hội đặc biệt nhấn mạnh tình huynh đệ phát xuất từ bí tích truyền chức thánh. Hội được thành lập và được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 17-4 năm 1921.

Đại Hội lần này của Liên đoàn có chủ đề là ”Trong, cho và với cộng đoàn giáo phận”. Trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao tầm quan trọng của linh đạo hiệp thông. Để sống linh đạo này trước tiên cần trở về cùng Chúa Kitô, ngoan ngoãn cởi mở đối với hoạt động của Thánh Linh và đón nhận những người anh em. Sự phong phú của hoạt động tông đồ không tùy thuộc khía cạnh tổ chức, nhưng trước tiên nhờ hoạt động của Chúa. Vì thế ngày nay cũng như xưa kia, các thánh là những nhà rao giảng Tin Mừng hữu hiệu nhất và tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên thánh.

ĐTC không quên nhắn nhở các giáo sĩ giáo phận hãy nhìn xa hơn ranh giới giáo phận của mình và quan tâm đến toàn thể Giáo Hội. Khi trở thành thừa tác viên, chúng ta phục vụ Giáo Hội địa phương, nhưng với ý thức mình là thành phần của Giáo hội hoàn vũ, vượt lên trên ranh giáo của giáo phận và đất nước của mình. (Rei 16-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Hội Nghị COP-23

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Hội Nghị COP-23

VATICAN. ĐTC kêu gọi tránh 4 thái độ tiêu cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thay đổi khí hậu và xây dựng tương lai của trái đất.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế về những thay đổi khí hậu, gọi là COP-23, nhóm tại thành phố Bonn bên Đức từ ngày mùng 6 đến 17-11-2017.

Hội nghị này tiếp nối Hội nghị COP-22 nhóm tại Paris hồi tháng 12 cách đây 2 năm để theo đuổi một giai đoạn quan trọng khác của Hiệp định Paris, đó là xác định và kiến tạo những đường hướng hành xử, những qui luật và cơ cấu tổ chức để thực sự giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.

ĐTC nhận xét rằng ”Trong tiến trình này cần duy trì cao độ ý chí cộng tác với nhau. Nhưng rất tiếc nhiều nỗ lực tìm kiến các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi trường thường bị thất bại vì những lý do khác nhau: từ việc phủ nhận vấn đề cho đến thái độ dửng dưng, cam chịu, hoặc tin tưởng mù quáng vào những giải pháp kỹ thuật. Chúng ta cần tránh rơi vào 4 thái độ xấu xa ấy, chắc chắn chúng không giúp thực hiện một sự tìm kiếm chân thành và đối thoại thành thực, hữu hiệu, về việc xây dựng tương lai trái đất của chúng ta”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”chúng ta không thể chỉ giới hạn vào chiều kích kinh tế và kỹ thuật: các giải pháp kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không đủ; điều thiết yếu và chính đáng là tích cực để ý đến các khía cạnh và những ảnh hưởng luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình của sự phát triển và tiến bộ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.

Trong viễn tượng này ĐTC kêu gọi quan tâm tới vấn đề giáo dục và lối sống chịu ảnh hưởng của một nền môi sinh toàn diện, có khả năng chấp nhận một quan niệm tìm kiếm chân thành và cởi mở trong đó có sự gặp gỡ của các chiều kích khác nhau theo Hiệp định Paris” (Rei 16-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15-1 đến 22-1 năm tới, 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13-11 vừa qua,

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15-1 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

Sáng thứ ba, 16-1, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các GM Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, ĐTC viếng với tư cách riêng Đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các LM cùng dòng tại đây.

Sáng thứ tư, 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Đền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

– Sáng thứ năm, 18-1, ĐTC sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Sáng thứ sáu, 19-1, ĐTC sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

Sáng thứ bẩy, 20-1, ĐTC sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, ĐTC chủ sự buổi phụng vụ kính Đức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

Sáng chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Đền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt cách thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các GM Chile tại tòa TGM địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và ĐTC đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ hai, 22-1 năm 2018 (Rei 13-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với hai nước Iran và Iraq

Vatican – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với nhân dân hai nước Iran và Iraq về những thiệt hại do trận động đất xảy ra hôm Chúa nhật 12/11.

Trong điện thư do Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi đau buồn sâu sắc khi nghe tin về trận động đất kinh hoàng gây nên thiệt hại cho hai quốc gia Iran và Iraq và ngài bảo đảm với họ về sự cầu nguyện liên đới của ngài.

Đức Thánh Cha chia sẻ nỗi đau với những người đang thương khóc các người thân bị thiệt mạng, ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời và phó dâng họ cho lòng từ bi của Đấng Toàn năng.

Đức Thánh Cha cũng cầu xin ơn an ủi và sức mạnh cho những người bị thương tích, các đội cứu trợ và chính quyền địa phương tham gia vào công tác cứu trợ khẩn cấp và nố lực phục hồi.

Vùng bị thiệt hại nặng nhấy là tỉnh Kermanshah ở miền tây Iran, thuộc dãy núi Zagros phân cách Iran và Iraq. Dân cư tại vùng này sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt.

Cơ quan Bác ái MONA, một chi nhánh của cơ quan cứu trợ bác ái của Giáo hội ở Trung đông và Bắc Phi đã kêu gọi người dân hợp ý cầu nguyện với Caritas Iran và Iraq cho những người bị thương tổn vì trận động đất. Trên Twitter của MONA hôm 13/11 có viết: “Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các anh chị em của chúng ta ở Iran và Iraq sau trận động đất tàn phá kinh hoàng xảy ra ở vùng biên giới.”

Theo báo cáo của các đội cứu hộ, hiện đã có hơn 450 người chết và hàng ngàn người bị thương. Dân chúng ở vùng này đang ở trong các lều tạm, nhiều người ngủ ngoài trời, giữa tiết trời giá lạnh, vì sợ một trận động đất khác. (CNS 13/11/2017)

Hồng Thủy

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 12-11-2017 với hơn 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy chuẩn bị lúc nào cũng sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (25,1-13) chúa nhật thứ 32 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn 10 trinh nữ mang đèn đi đón chàng rể, 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại, không mang dầu theo đèn.

Huấn dụ của ĐTC

”Chúa nhật này, Tin Mừng (Mt 25,1-13) chỉ cho chúng ta điều kiện để vào Nước Trời, và Tin Mừng làm điều đó qua dụ ngôn 10 trinh nữ: đây là những cô phù dâu được giao phó nhiệm vụ đón và tháp tùng chàng rể trong tiệc cưới, và vì thời đó người ta có thói quen cử hành hôn lễ ban đêm, nên các cô phù dâu mang theo đèn.

Dụ ngôn nói rằng có 5 trinh nữ khôn ngoan và 5 trinh nữ khờ dại: thực vậy những cô khôn ngoan mang theo dầu để đốt đèn, trong khi các cô khờ dại không mang dầu theo. Chàng rể đến trễ và tất cả các cô đều thiếp ngụ. Giữa đêm, người ta báo tin chàng rể đến; bấy giờ các trinh nữ khờ dại thấy mình không có dầu để đốt đèn, và họ xin các cô khôn ngoan dầu. Nhưng các cô này trả lời là không thể cho được, vì không đủ cho tất cả mọi người. Trong khi các cô khờ dại đi tìm dầu, thì chàng rể đến; các trinh nữ khôn ngoan vào phòng tiệc với chàng rể và cửa đóng lại. 5 trinh nữ khờ dại đến quá trễ, họ gõ cửa, nhưng được trả lời rằng: ”Tôi không biết các cô là ai” (v.12) và các cô ấy phải ở bên ngoài.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn này?. Ngài nhắc nhở rằng chúng ta phải sẵn sàng gặp gỡ Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa nhắn nhủ hãy tỉnh thức, và Ngài cũng làm như vậy trong trình thuật này: ”Vậy các con hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày giờ” (v.13). Nhưng qua dụ ngôn này, Chúa nói với chúng ta rằng tỉnh thức không phải chỉ có nghĩa là không ngủ, nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng; thực vậy tất cả các trinh nữ đều ngủ trước khi chàng rể đến, nhưng khi tỉnh dậy, một số sẵn sàng một số khác thì không. Đây chính là ý nghĩa thái độ khôn ngoan và thận trọng: vấn đề ở đây là không đợi đến lúc cuối cùng trong cuộc sống để cộng tác với ơn Chúa, nhưng là làm ngay từ bây giờ. Thật là đẹp khi nghĩ một chút: một ngày sẽ là ngày cuối cùng. Giả sử ngày ấy là hôm nay, thì tôi đã sẵn sàng chưa? .. Chuẩn bị sẵn sàng như thể hôm nay là ngày cuối cùng.. Làm như thế là tốt.

”Ngọn đèn là biểu tượng đức tin soi sáng cuộc sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng lòng bác ái nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng đức tin được phong phú và đáng tin cậy. Điều kiện sẵn sàng gặp gỡ Chúa không phải chỉ là đức tin, nhưng là một cuộc sống đầy tình bác ái đối với tha nhân. Nếu chúng ta để cho mình được hướng dẫn do những gì chúng ta thấy là thoải mái hơn, tìm kiếm tư lợi của mình, thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên khô cằn, và chúng ta không tích trữ được dầu nào cho ngọn đèn đức tin của chúng ta; và ngọn đèn này sẽ tắt lịm vào lúc Chúa đến, hoặc trước đó nữa. Trái lại nếu chúng ta tỉnh thức và tìm cách làm điều thiện, qua những cử chỉ yêu thương, chia sẻ, phục vụ tha nhân ở trong tình trạng khó khăn, thì chúng ta có thể yên hàn trong khi chờ đợi hôn phu: Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, cả giấc ngủ của sự chết cũng không làm cho chúng ta kinh hãi, vì chúng ta có dầu dự trữ, được tích trữ bằng những việc lành mỗi ngày. Đức tin soi sáng đức ái và đức ái giữ gìn đức tin”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm cho đức tin của chúng ta ngày càng hoạt động nhờ bác ái; để ngọn đèn của chúng ta có thể chiếu sáng ngay từ bây giờ, trong hành trình trần thế, và mãi mãi, nơi tiệc cưới trên thiên đàng”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 11-11 vừa qua tại Madrid cho cha Vicente Queralt và 20 bạn tử đạo, José María Fernández Sánchez và 38 bạn khác tử đạo. Ngài nói: ”Các chân phước mới, một số thuộc dòng Truyền giáo thánh Vinh Sơn Phaolô: gồm các linh mục, trợ sĩ, tập sinh; một số khác là giáo dân thuộc Hội Ảnh Phép lạ. Tất cả đã bị giết vì người ta oán ghét đức tin trong cuộc bách hại tôn giáo thời nội chiến ở Tây Ban Nha trong những năm 1936 và 1937. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân cao cả là các chứng nhân gương mẫu này cho Chúa Kitô và Tin Mừng”.

ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các gia đình, giáo xứ, hội đoàn và mỗi tín hữu, đến từ Italia và bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Ngài nói:

Đặc biệt tôi chào các tín hữu hành hương đến từ Washington, Philadelphia, Brooklyn và New York, ca đoàn giáo xứ thánh Maria Madalena ở Nuragus, đảo Sardegna, các tín hữu từ Tuscania, Ercolano và Venezia, các em chịu phép thêm sức ở Galzignano..

G. Trần Đức Anh OP 

Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Hôm 03/11, Đức hồng y Theodore E. McCarrick, nguyên giám mục thủ đô Washington, đã được nhận giải thưởng thánh Katharine Drexel do tổ chức Trợ giúp tu sĩ cao niên (SOAR) trao. Giải thưởng này vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp đáng kể cho Giáo hội Công giáo, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ Hoa kỳ.

Phát biểu trong buổi lễ, Đức hồng y McCarrick đã ghi nhận công ơn của các tu sĩ trong việc giáo dục các thế hệ trẻ và chăm sóc người nghèo khổ, đau bệnh và di dân. Đức hồng y chía sẻ rằng ngài được các nữ tu, rồi các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ. Ngài làm chứng về sự phục vụ của các tu sĩ đối với những người khốn khổ. Hiện nay Đức hồng y sống tại nhà hưu dưỡng Jeanne Jugan ở Washington, do các nữ tu dòng Tiểu Muội Người nghèo điều hành với lòng hiếu khách và nhân từ. Đức hồng y nói rằng chúng ta không bao giờ có thể cám ơn các tu sĩ nam nữ cho đủ vì đời sống phục vụ của họ. Ngài nhắc rằng qua sự phục vụ họ đã đưa Chúa Kitô đến với người dân và làm “điều lớn lao cũng như điều bé nhỏ” cho người khác.

ĐHY Donald W. Wuerl, hiện là Giám mục Washington cũng cám ơn các cộng đoàn tu sĩ, không chỉ về việc giáo dục các thế hệ học sinh biết đọc biết viết, dạy họ phân biệt tốt xấu, nhưng còn thành lập những trường học, bệnh viện và cơ sở bác ái Công giáo đầu tiên trong các cộng đoàn trên toàn quốc.

Nữ tu Kathleen Lunsmann dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria và là chủ tịch SOAR, cám ơn moi người đã trợ giúp cho hoạt động của nhóm. Sơ cho biết, trong năm 2017, SOAR đã giúp 1,2 triệu đô la cho 70 cộng đoàn dòng tu khắp Hoa kỳ, để sửa chữa các hệ thống báo cháy, nhà tắm và mua các giường đặc biệt cho các tu sĩ cao niên. Sơ chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, các dòng tu nam nữ hiện nay thật sự cần sự giúp đõ của chúng ta trong việc chăm sóc cho các tu  sĩ cao niên." Sau các trận bão Harvey, Irma and Maria vừa qua, SOAR cũng giúp 45000 đô la cứu trợ khẩn cấp cho các dòng trong vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Jane Sullivan Roberts, đối tác của một công ty luật ở Washington được trao giải thưởng thánh Elizabeth Seton – giải thưởng trao cho những người nổi bật về vai trò lãnh đạo và quảng đại trong cộng đoàn Công giáo theo tinh thần của thánh Elizabeth. Roberts kể rằng chính mình cũng được các nữ tu dòng Dâng mình ở tiểu học và học trung học ở trường các nữ tu dòng Thương xót. Các nữ tu đã dạy Roberts cách cầu nguyện và suy nghĩ. Các nữ tu gieo trồng các chân lý vững chắc, Thiên Chúa tốt lành và yêu bà và có kế hoạch cho đời bà và chúng ta đều là con Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Robert lưu ý rằng các tu sĩ nam nữ đã làm việc với một khoản trợ cấp và bây giờ chi phí cho hưu dưỡng và chăm sóc sức khỏe gia tăng, do đó chúng ta cần phổ biến sự việc là bây giờ đến lượt chúng ta giúp đỡ họ. (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

VATICAN. ĐTC kêu gọi gia tăng ý thức về những hiểm họa đe dọa các đảo ở Thái Bình Dương và tìm biện pháp đối phó.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-11-2017, dành cho 46 vị thuộc Diễn đàn các vị lãnh đạo các Đảo trong Thái Bình Dương.

ĐTC nói đến những lo âu của mọi người, đặc biệt là các dân tộc sống tại các đảo vừa nói. Họ dễ bị tổn thương vì những hiện tượng môi trường và khí hậu ngày càng xảy ra thường xuyên và gia tăng cường độ. Đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng cao làm biến mất những hải đảo, và sự suy thoái các hàng rào san hô, một hệ thống môi sinh ở biển rất quan trọng.

ĐTC nhắc lại lời báo động cách đây 35 năm của các GM Philippines: ”Ai đã biến thế giới biển khơi tuyệt vời thành những nghĩa trang dưới nước không còn sự sống và màu sắc nữa?”. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự suy thoái môi trường, nhưng đáng tiếc là có nhiều nguyên nhân do cách hành xử thiếu khôn ngoan của con người gây nên, gắn liền với những hình thức khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân bản, tạo nên những hậu quả đi tới tận lòng sâu của các đại dương”.

ĐTC tuyên bố ủng hộ nỗ lực của các vị lãnh đạo các đảo trong Thái Bình Dương gây ý thức mạnh mẽ hơn trong dư luận thế giới trước các hiểm họa môi sinh đe dọa sự sống còn của các hải đảo trong Thái Bình Dương, và kêu gọi sự sộng tác và liên đới quốc tế, đạt tới một chiến lược chung, đối phó với các hiện tượng đe dọa môi trường, không cho phép dửng dưng trước những vấn đề trầm trọng như sự suy thoái môi trường tự nhiên và sức khỏe của các đại dương, gắn liền với sự suy thoái nhân bản và xã hội mà nhân loại ngày nay đang phải trải qua”.

Nhắc đến Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu đang nhóm tại thành phố Bonn bên Đức, gọi là COP-23, ĐTC cầu mong rằng Hội nghị này cũng như các Hội nghị kế tiếp sẽ giúp bảo vệ ”Những vùng đất không biên cương” của chúng ta, như những hải đảo trong các đại dương. (Rei 11-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Bogota, Colombia – Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư viết tay để cám ơn Edwin Restrepo, một lính thủy quân lục chiến người Colombia đã về hưu vì bị thương tật trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm Colombia hồi tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã gặp anh Restrepo tại sân bay Catam, khi ngài chào các người lính và các sĩ quan cảnh sát bị tàn phế trong cuộc chiến. Khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua Restrepo, anh đã cúi đầu về phía trước để xin ngài chúc lành. Đức Giáo hoàng muốn tặng cho cho người thương binh trẻ chiếc mũ “chỏm” trắng của ngài. Đức Giáo hoàng đã tặng cho anh một tràng hạt Mân côi. Để đáp lại thiện ý của Đức Giáo hoàng, Restrepo nói với ngài anh muốn tặng ngài một thứ gì biểu trưng cho quân đội và anh đã tặng cho ngài chiếc mũ lưỡi trai lính của anh mà anh nghĩ là thứ tốt nhất.

Hôm 18 tháng 10, Đức giáo hoàng đã viết thư cám ơn người thương binh trẻ và đảm bảo rằng ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã và đang hy sinh mạng sống vì hòa bình của quốc gia và vì nhân dân. Hôm thứ 5, 09/11, lá thư của Đức giáo hoàng đã được Đức cha Fabio Suescún Mutis, Giám mục Castrense và giám đốc chuyến viếng thăm Colombia của Đức giáo hoàng, trao cho anh lính và đọc. Lá thư cũng được Hội đồng Giám mục Colombia công bố.

Trong thư Đức giáo hoàng nói với Restrepo rằng ngài mang chiếc mũ lưỡi trai lính của anh trong suốt hành trình ở Colombia, vì nó nhắc ngài về sự hy sinh và lòng yêu nước của các quân nhân Colombia, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến vừa kết thúc với các chiến binh Mác-xít. Đức giáo hoàng cho biết hiện nay ngài giữ chiếc mũ trên một bàn thờ trong văn phòng nhỏ của ngài ở Roma. Ngài cho biết ngài thường cầu nguyện ở đó. Và mỗi khi cầu nguyện, ngài cầu nguyện cho Restrepo, cho các đồng đội đã hy sinh và bị thương của anh.

Restrepo ngạc nhiên về việc làm của Đức giáo hoàng, đặc biệt vì anh chưa bao giờ nói với ngài tên của anh. Anh không bao giờ nghĩ đến điều này. Đối với anh, đó là một trong những hành động đẹp nhất mà anh trải nghiệm. Anh cho biết mình sẽ giữ lá thư của Đức giáo hoàng trong một tấm khung và đặt nó trong văn phòng nhỏ của anh, cạnh chuỗi tràng hạt Đức giáo hoàng tặng cho anh.

Restrepo bị mất chân trái, một phần của tay phải và thị lực vào năm 2004, khi anh đạp trúng một quả mìn chống người trong cuộc hành quân ở vùng nông thôn Colombia. Khi đó anh chỉ mới 19 tuổi và đang hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù bị mù, hiện nay Restrepo đọc bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị và đang hoàn thành chứng chỉ luật. Anh nói: Tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những thành viên của quân đội chúng tôi. Có nhiều người không được lãnh lương hưu trí thích hợp và tôi muốn tranh đấu nhân danh họ.” (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Đừng rơi vào cái hố tham nhũng

Đừng rơi vào cái hố tham nhũng

Dụ ngôn về người quản gia bất lương là câu chuyện tham nhũng thường gặp trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Khi bị tố cáo về sự bất lương, ông quản gia này không những không đi tìm một công việc lương thiện, mà ông còn khôn khéo mánh lới tìm thêm sự đồng lõa từ những người khác. Điều ấy tạo nên một tập đoàn tham nhũng. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Kẻ tham nhũng vừa khôn khéo vừa “lịch sự”

Những kẻ tham nhũng, họ rất mạnh, rất có quyền thế. Khi tham nhũng, họ thực sự rất mạnh, thậm chí như các tổ chức xã hội đen. Thực tế là thế. Câu chuyện Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, không phải là truyện cổ tích, cũng không phải là câu chuyện chúng ta phải đi tìm trong các sách vở lịch sử cổ đại, nhưng chúng ta có thể tìm thấy trên báo chí hàng ngày. Điều này xảy ra ngay cả ngày nay nữa, nhất là đối với những ai có trách nhiệm quản lý tài sản của người dân, không phải tài sản của họ, bởi vì người quản gia này quản lý tài sản của người khác, chứ không phải tài sản của ông ta. Bởi lẽ, nếu là tài sản của ông, thì làm gì có chuyện tham nhũng nữa, vì ông sẽ ra sức bảo vệ tài sản của mình.

Thế nên Chúa Giêsu đưa ra kết luận: con cái thế gian khôn khéo hơn con cái sự sáng. Sự khôn khéo ấy, sự gian xảo ấy, cái tham nhũng ấy nhiều khi được thực hiện một cách rất lịch sự với những bàn tay đeo găng tay bằng lụa.

Cần khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Nhưng nếu những kẻ ấy khôn khéo hơn các Kitô hữu thì sao? Mà tôi không nói tới các Kitô hữu nữa, vì giữa các Kitô hữu cũng có nhiều người tham nhũng. Giờ tôi nói tới những ai trung thành với Chúa Giêsu. Nếu những kẻ ấy khôn khéo hơn những người trung thành với Chúa Giêsu, thì tôi tự hỏi: Chẳng lẽ không có người tín hữu khôn khéo sao? Không. Sự khôn khéo không phải là tội, nhưng quan trọng là nó nhắm đến điều gì. Người tín hữu khôn khéo là để phục vụ Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Người tín hữu có một loại năng lực để thúc đẩy mình tiến về phía trước, để biết cách khôn ngoan khôn khéo nhưng không bị rơi vào cái hố tham nhũng. Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ cách thức để phản ứng, để hành xử. Chúa nói: Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói, vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Làm sao chúng ta có thể làm được điều ấy? Có ba thái độ. Thứ nhất là cần lòng tin mạnh mẽ, cần biết cẩn trọng, cẩn trọng với những kẻ hứa hẹn quá nhiều, cẩn trọng với những ai nói với bạn quá nhiều điều ví như: hãy đầu tư vào ngân hàng của tôi, bạn sẽ được lãi suất gấp đôi. Thái độ thứ hai là cần phản tỉnh. Cần phản tỉnh để tỉnh thức nhận ra những cám dỗ của ma quỷ, bởi lẽ ma quỷ biết rõ điểm yếu của chúng ta. Thứ ba là cần cầu nguyện.

Xin ơn khôn ngoan

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện, xin Chúa ban cho ta ơn khôn ngoan để chúng ta trở nên các Kitô hữu khôn ngoan, chứ không gian xảo, cũng không ngây ngô. Là các Kitô hữu, chúng ta có một kho báu vô giá trong tâm hồn, đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần biết gìn giữ kho tàng ấy, đừng để bị đánh cắp mất kho tàng ấy. Đây cũng là dịp tốt để ta cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng. Họ gây ra những ô nhiễm, gây ra những bất công trong xã hội, nhưng chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những kẻ tham nhũng, những kẻ tội nghiệp, để họ có thể thoát ra khỏi nhà tù mà họ đã tự ý muốn bước vào.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

VATICAN. ĐTC tái lên án việc sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân cũng như việc dành bao nhiêu tài nguyên vào võ khí này thay vì vào việc phát triển nhân bản toàn diện.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-11-2017, dành cho 350 nhân vật quốc tế tham dự Diễn đàn quốc tế về giải trừ võ khí hạt nhân tiến hành tại Vatican do Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức trong hai ngày 10 đến 11-11-2017 về chủ đề ”Viễn tượng một thế giới không còn võ khí hạt nhân và giải giáp toàn diện”. Trong số các tham dự viên có 11 người đã được giải Nobel Hòa Bình.

ĐTC nói đến sự kiện ”cái vòng chạy đua võ trang đang tiến hành không ngừng và và những phí tổn tân trang và phát triển các võ khí, không phải chỉ võ khí hạt nhân mà thôi, là khoản chi lớn đối với các nước, đến độ phải đặt xuống hàng thứ yếu những ưu tiên thực sự của nhân loại đang đau khổ: những ưu tiên đó là chiến đấu chống nghèo đói, thăng tiến hòa bình, thực hiện các dự án giáo dục, bảo vệ môi trường và y tế, phát triển các quyền con người”.

Đề cập đến các võ khí hạt nhân, ĐTC nói: ”Cần phải quyết liệt lên án sự đe dọa sử dụng các loại võ khí này, cũng như chính việc sở hữu chúng, vì sự hiện hữu của các võ khí hạt nhân phục vụ cho chủ trương gây sợ hãi không những liên hệ tới các phe lâm chiến, nhưng cho toàn thể nhân loại nữa.. Những tương quan quốc tế không thể bị thống trị do sức mạnh quân sự, những dọa nạt nhau, phô trương khó võ khí chiến tranh. Đặc biệt các võ khí tàn sát tập thể, nhất là võ khí nguyên tự, chỉ tạo ra một cảm thức an ninh lừa đảo, và không thể trở thành nền tảng cuộc sống chung giữa các thành phần trong gia đình nhân loại”. (Rei 10-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines đang diễn ra tại thành phố Zamboango, đảo Mindanao, Philippines, từ ngày 6-10/11. Đại hội có chủ đề với những lời được trích từ Kinh Magnificat (Ngợi khen): “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại và Danh Ngài là Thánh.” (Lc 1,49). Có hơn 2300 người trẻ từ 13-39 tuổi đến từ các giáo phận trên toàn Philippines tham dự đại hội. Sau 11 năm, từ lần cuối đại hội được tổ chức tại thành phố Davao năm 2006, đại hội lại được tổ chức trên đảo Mindanao.

Đại hội lần này được cộng đoàn Công giáo địa phương và chính quyền dân sự cộng tác tổ chức. Bà Maria Isabelle Climaco-Salazar, một tín hữu Công giáo, thị trưởng thành phố Zamboanga, ủng hộ nhiệt tình sự kiên này và nhận xét: “Đây là một cơ hội diễn tả ước mong của người trẻ mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô đến với các người đồng hương.”

Tổng giáo phận Zamboango và Ủy ban mục vụ Giới trẻ của Hội đồng Giám mục đồng tổ chức sự kiện, đã đưa ra chương trình chi tiết các hoạt động: vào ngày khai mạc, các bạn trẻ sẽ diễu hành trong cuộc cầu nguyện hòa bình, ca hát trên đường phố của thành phố để tỏ cho toàn dân thấy sự hiện diện của họ. Các ngày đại hôị được đánh dấu bởi các cuộc gặp gỡ cầu nguyện, cử hành phụng vụ, trình diễn nghệ thuật và âm nhạc, và các buổi chia sẻ.

Đức tổng giám mục De La Cruz chia sẻ với hãng tin Fides: “Hy vọng của tôi là Ngày Đại hội Giới trẻ giúp người trẻ ở những nơi khác nhau gặp gỡ nhau để họ có thể loan báo cho thế giới về vẻ đẹp, sự quý giá và năng động của người trẻ. Các người trẻ tham dự với ao ước biết Chúa hơn và trở thành những khách hành hương và các tông đồ, để chia sẻ với người khác mối liên hệ với Chúa." Ngài cũng hy vọng rằng đại hội giúp người trẻ ý thức hơn về vai trò của họ trong Giáo hôị, cho họ cơ hội diễn tả mong ước của người trẻ là mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô. Đức cha cũng nhận thấy đây là cơ hội để Giáo hội chú ý đến những dấu chỉ của thời đại, dấn thân trong các hoạt động và đồng hành với người trẻ trong hành trình sống để họ có thể để cho Chúa Kitô yêu thương họ.

Bán đảo Zamboango là miền đất lịch sử truyền giáo của Giáo hội Philippines. Các thừa sai Kitô có vai trò quan trọng trong việc thăng tiến đức tin và công bình. Cha Wilfredo Samson, một linh mục địa phương, hy vọng rằng sau những ngày đại hội, người trẻ nhận thức lại rằng mình là các tác nhân thay đổi Giáo hội và đất nước. Cha cũng hy vọng đại hộii này đóng góp vào việc đào tạo người trẻ như những nhà lãnh đạo tương lai và các thừa sai của Tin mừng trên thế giới để xây dựng Nước Chúa. (REI 06/11/2017)

Hồng Thủy