Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải pháp

Đức Thánh Cha họp với các Giám Mục Chile để tìm giải phá

VATICAN. Thứ ba 15-5-2018, ĐTC bắt đầu nhóm họp trong 3 ngày với các GM Chile để cùng tìm kiếm những thay đổi thích hợp cho Giáo Hội tại Chile sau những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên tại nước này.

Cuộc họp sẽ kéo dài đến ngày 17-5 tới đây với sự tham dự của 31 GM chính tòa và phụ tá, 2 GM về hưu của Chile. Hiện diện với ĐTC cũng có ĐHY Marc Ouellet, người Canada, Tổng trưởng Bộ GM và cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ Châu la tinh.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh, công bố hôm 12-5-2018 nói rằng: ”Đối tượng của tiến trình ”công nghị dài” này là cùng nhau phân định, trước mặt Chúa, trách nhiệm của tất cả và từng người, trong những vết thương tàn hại này, và nghiên cứu những thay đổi thích hợp và lâu dài, nhắm ngăn cản sự tái diễn những hành vi luôn đáng lên án.

”Điều cơ bản là tái lập sự tín nhiệm nơi Giáo Hội, qua những vị mục tử tốt lành, bằng đời sống, chứng tỏ mình đã nhận ra tiếng Vị Chúa Chiên lành và biết đồng hành với những đau khổ của các nạn nhân, và quyết liệt hành động không biết mệt mỏi để phòng ngừa các lạm dụng”.

ĐTC cám ơn sự sẵn sàng của các anh em Giám Mục Chile trong việc ngoan ngoãn và khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Linh, và ngài tái mời gọi Dân Chúa ở nước này tiếp tục cầu nguyện để có sự hoán cải của tất cả mọi người”.

Sau cùng, thông cáo cho biết ĐTC sẽ không công bố tuyên ngôn nào trong và sau cuộc gặp gỡ, diễn ra trong sự hoàn toàn kín đáo.

 Từ lâu Giáo Hội Công Giáo tại Chile đã bị rúng động vì vụ LM Fernando Karadima lạm dụng nhiều trẻ vị thành viên, và LM này đã bị lên án tù chung thân.

Có sự bao che và che đậy của nhiều chức sắc trong Giáo Hội tại đây đối với LM này. Một trong các cộng tác viên của LM này là Juan Barros hiện là GM giáo phận Orsono, bị cáo là đã biết những vụ lạm dụng của cha Karadima mà giữ im lặng. Đức Cha Barros luôn phủ nhận những lời cáo buộc đó và 2 lần xin ĐTC cho từ chức, nhưng Người vẫn luôn tin và bênh vực vị GM này. Sự kiện bùng nổ to hơn nhất là trong dịp ĐTC viếng thăm Chile hồi tháng giêng năm nay.

Trước những phản ứng rất tiêu cực, ĐTC đã cử Đức TGM Charles Scicluna người Malta với sự trợ giúp của 1 LM thuộc Bộ giáo lý đức tin, đến gặp các nạn nhân của cha Karadima ở New York và tại Chile. Ngày 20-3 vừa qua, Đức TGM đã trao cho ĐTC tập hồ sơ gồm 2,300 trang thu thập 64 chứng từ của các nạn nhân, trình bày những dữ kiện, nhất là bao nhiêu sự kiện đau thương mà cho đến nay khong ai trong hàng giáo phẩm Công Giáo ở Chile muốn nghe. Thư của ĐTC gửi các GM Chile có đoạn viết:

”Tôi đã phạm những sai lầm trầm trọng trong việc thẩm định và nhận xét về tình trạng, nhất là vì thiếu thông tin chân thực và quân bình. Ngay từ bây giờ tôi xin lỗi tất cả những người mà tôi đã làm thương tổn và hy vọng có thể đích thân xin lỗi trong những tuần lễ tới đây, trong những cuộc gặp gỡ các đại diện của những người đã làm chứng”.

ĐTC cũng khiêm tốn xin sự cộng tác và giúp đỡ của các GM Chile trong việc phân định những biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần đề ra để tái lập sự hiệp thông trong Giáo Hội tại Chile, với mục đích chữa lành gương mù gương xấu bao nhiêu có thể và tái lập công lý. Trong thư ngày 11-4 vừa qua, Ngài viết:

”Tôi mời tất cả các GM Chile đến Roma để thảo luận về những điều phải làm, và ngay từ bây giờ tôi xin Giáo Hội tại Chile cầu nguyện”. (Rei 12-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Thánh lễ cuối cùng của ĐTC tại Chile

Thánh lễ cuối cùng của ĐTC tại Chile

IQUIKE. Sáng ngày 18-1-2018, trong thánh lễ cuối cùng tại Chile, trước sự tham dự của 200 ngàn tín hữu, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, quan tâm đến tha nhân, nhất là những người di dân.

 Thứ năm (18-1-2017) là ngày chót trong 3 ngày ĐTC viếng thăm Chile. Lúc 7 giờ rưỡi sáng ngài đã ra phi trường căn cứ quân sự ở Santiago để đáp máy bay tới thành phố Iquique cách đó 1.450 cây số về hướng bắc. Trước khi bước lên máy bay, ngài còn chào thăm riêng 20 người thuộc ban tổ chức cuộc viếng thăm của ngài ở Chile.

 Iquique có gần 200 ngàn dân cư, bên bờ Thái Bình dương, tọa lạc tại nơi mà biển và sa mạc gặp nhau. Thực vậy, phía trên thành phố này là một đụn cát không lồ gọi là Cerro Dragón. Khí hậu nóng như sa mạc và ít mưa. Cảng Iquique là một trong những hải cảng sầm suất nhất của Thái Bình dương và là điểm tham chiếu cho nền thương mại nội địa Chile.

 Về phương diện tôn giáo, giáo phận Iquique được thành lập cách đây 90 năm và hiện có gần 180 ngàn tín hữu trên tổng số gần 337 ngàn dân cư, với 21 giáo xứ, nhưng chỉ có 12 LM giáo phận và 23 nữ tu.

 Đến Phi trường Iquique lúc 10 giờ 45, sau hơn 2 giờ bay từ Santiago, ĐTC đã tiến về khu vực Lobito rộng 20 hecta bên bờ biển để chủ sự thánh lễ cho các tín hữu tại đây, trước sự hiện diện của gần hàng trăm ngàn người. Nhiều người đã đến khu vực này từ hôm trước và lúc 8 giờ tối, cổng vào được mở ra, để các tín hữu vào, qua đêm tại đây để chờ sẵn dự lễ.

Thánh lễ

 Thánh lễ ĐTC cử hành bắt đầu lúc 11 giờ rưỡi giờ địa phương, kính Đức Mẹ Camêlô Bổn mạng Chile. Hiện diện trên lễ đài đặc biệt có tượng Đức Mẹ Tirana, rất được các tín hữu miền bắc Chile tôn kính, được đưa từ Đền thánh tới đây.

 Trong số các tín hữu hiện diện cũng có bà Tổng thống Michelle Bachelet của Chile. Ngoài các tín hữu Chile thuộc một số giáo phận lân cận, còn có đông đảo các tín hữu đến từ các nước láng giềng như Peru, Bolivia và đặc biệt là Argentina. Đồng tế với ĐTC có hơn 50 GM và hàng trăm LM ngồi trên lễ đài.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng về tiệc cưới Cana, trong đó có trình bày Mẹ Maria quan tâm đến đôi tân hôn đang bị thiếu rượu trong tiệc cưới, và áp dụng vào tình trạng dân chúng địa phương, mời gọi họ quan tâm giúp đỡ nhau, đặc biệt là những người di dân, tránh cho họ khỏi sự bóc lột.

 ĐTC gợi lại sự kiện Iquique, có nghĩa là ”miền đất mơ ước”, aymara, miền đất đã biết đón nhận dân chúng từ các chủng tộc và văn hóa khác nhau, họ đã phải rời bỏ những người thân yêu để ra đi. Đó là một sự khởi hành dựa trên hy vọng đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta cũng biết rằng cuộc ra đi ấy luôn có sự lo sợ và không chắc chắn đi kèm, không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra..

 ”Miền đất này là miền mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải làm sao để nó trở thành một miền đất hiếu khách. Hiếu khách vui mừng như trong đại lễ, vì chúng ta biết rõ rằng không có niềm vui Kitô khi các cánh cửa khép kín; không có niềm vui Kitô khi ta làm cho người khác thấy rằng họ thừa thãi, hoặc không có chỗ cho họ nơi chúng ta (Xc Lc 16,31).

 ”Như Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, chúng ta hãy cố gắng học cách quan tâm chú ý trong các quảng trường, và trong các làng mạc chúng ta, và nhận ră những người có đời sống khó khăn, bị mất mát, hoặc bị cướp đoạt mất những lý do để mừng lễ. Và chúng ta đừng sợ lên tiếng báo động, để nói rằng ”Họ không có rượu”. Tiếng kêu của dân Chúa, tiếng kêu của ngừơi nghèo, họp thành kinh nguyện và mở rộng con tim, dạy chúng ta quan tâm. Chúng ta hãy chú ý tới mọi tình trạng bất công và những hình thức bóc lột mới, làm cho bao nhiêu anh chị em chúng ta bị mất niềm vui mừng lễ. Chúng ta hãy quan tâm trước những tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, phá hủy đời sống gia đình. Chúng ta hãy chú ý đối với những người lợi dụng tình trạng bất hợp lệ của nhiều người di dân, vì họ khôing biết ngôn ngữ, hoặc không có giấy tờ hợp pháp. Chúng ta hãy quan tâm tới tình trạng thiếu nhà ở, đất đi, công ăn việc làm của bao nhiêu gia đình. Như Mẹ Maria, với đức tin, chúng ta hãy báo động: Họ không có rượu”.

 ĐTC cũng nhắn nhủ các tín hữu hãy học hỏi và đẻ cho mình được thấm nhiễm các giá trị, sự khôn ngoan và niềm tin mà những người di dân mang theo họ. Không khép kín đối với những bình ”đầy khôn ngoan và lịch sử” mà những người tiếp tục đến miền đất này mang theo. Đứng làm cho chúng ta bị mất những điều tốt đẹp mà họ có thể cống hiến.

 'Chúng ta hãy để Chúa Giêsu có thể thực hiện phép lạ, biến các cộng đoàn và tâm hồn chúng ta thày dấu chỉ sinh động về sự hiện diện của ngài, một sự hiện diện vui tươi và hân hoan như đại lễ, để chúng ta cảm nghiệm rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để chúng ta học cách đón tiếp Ngài giữa chúng ta.

 

Cuối thánh lễ, ĐTC đã ngỏ lời cám ơn ĐGM Vera Soto của giáo phận Iquique, những lời tiễn biệt của ngài nhân dân các anh em giám mục và toàn thể dân Chúa ở Chile.

 Ngài tái cám ơn bà Tổng thống Michelle Bachelet đã mời ngài đến thăm, và ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với tất cả những người làm cho cuộc viếng thăm này diễn tiến được, chính quyền dân sự, và mọi người.

 ĐTC cũng cám ơn hàng ngàn người thiện nguyện âm thầm cộng tác để không thiếu những vò nước, qua đó Chúa có thể làm phép lạ rượu vui mừng… Giờ đây tôi tiếp tục cuộc lữ hành sang Peru. Dân tộc thân hữu và huynh đệ của Đại tổ quốc này mà chúng ta được mời gọi chăm sóc. Một tổ quốc tìm được vẻ đẹp nơi khuôn mặt đa diện của sắc dân họp thành.

 Thánh lễ kết thúc lúc quá 1 giờ trưa. ĐTC còn chào bà Tổng thống Michelle Bachelet từ Santiago bay tới đây để tiễn biệt ngài. Vào ban chiều, sau khi dùng bữa trưa tại Nhà tĩnh tâm Đức Mẹ Lộ Đức, ĐTC ra phi trường để đáp máy bay sang Perù.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Chile

Đức Thánh Cha gặp gỡ giới trẻ Chile

SANTIAGO. Trong cuộc gặp gỡ hàng chục ngàn bạn trẻ Chile, chiều ngày 17-1-2018 tại Đền thánh Đức Mẹ Maipù ở thủ đô Santiago, ĐTC kêu gọi họ hãy luôn ”nối mạng vào Chúa Giêsu”.

Sau khi từ thành Temuco ở miền nam Chile trở về thủ đô Santiago chiều ngày 17-1-2018. ĐTC tới Đền Thánh Đức Mẹ ở Maipu ở mạn đông nam thủ đô. Dọc đường từ phi trường có rất đông tín hữu và dân chúng chào đón ngài. Qua truyền hình người ta thấy nét mặt ĐTC vui tươi như quên hết mệt mỏi trước sự quí mến của dân chúng.

Đền thánh Maipù

Đền thánh Maipù là kết quả lòng trung thành của nhân dân Chile với Đức Mẹ. Thực vậy, hồi năm 1818, tức là 8 năm sau khi nhân dân Chile tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, họ bị quân nước này vây hãm. Dân Chile đã khấn hứa sẽ xây một Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ Camêlô tại nơi quân đội Tây Ban Nha bị thất trận. Lời khấn được ứng nghiệm và ngày 14 tháng 3 cùng năm 1818, dân chúng đã khởi công xây đền thánh Maipù và năm nay là kỷ niệm đúng 200 năm biến cố ấy. Giáo Hội địa phương đang cử hành kỷ niệm đặc biệt này với chủ đề: ”Đức Mẹ Camêlô, Đền thánh của Mẹ, lời hứa của chúng con”.

Bức tường nguyên thủy của Đền thánh Maipù được dựng lên vào tháng 11 năm 1818 trên nền tại nơi hai tướng Bedrnardo O'Higgins và José de San Martín xác định. Hai Ông đã chiến thắng quân Tây Ban Nha tại Maipù. Đền thờ đầu tiên được hoàn tất vào năm 1887 và được thánh hiến 5 năm sau đó (1892), nhưng rồi bị hư hại nặng trong trận động đất hồi năm 1906. 21 năm sau đó, tức là 1927, Đền thánh cũ được thay thế bằng một Đền Thánh mới, xây cất theo kiểu tân thời, được khởi công vào năm 1944 và 30 năm sau đó, ngày 23-11 năm 1974, Đền thánh này được thánh hiến.

Thánh đường mới có kiến trúc hùng vĩ, cao 89 mét, gian chính của nhà thờ rộng 4,500 mét vuông. Quảng trường trước nhà thờ rộng 30 ngàn mét vuông có hàng cột bao quanh. Hiện nay Đền thánh Maipu được giao phó cho các cha thuộc Tu Hội Schoenstatt coi sóc từ năm 1987, và ĐTC Gioan Phaolô 2 đến viếng thăm cách đây 31 năm. Hồi đó ngài đã đọc kinh phó thác nước Chile cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.

Gặp gỡ giới trẻ

Tại Đền thánh Maipu vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã được giới trẻ Chile nồng nhiệt tiếp đón. Ngài đi xe tiến qua các lối đi để chào đón các bạn trẻ, giữa tiếng reo hò của họ.

Đầu buổi gặp gỡ, Thánh Giá giới trẻ đã được rước vào quảng trường trước Thánh Đường, và cũng là biểu tượng Thượng HĐGM về giới trẻ vào tháng 10 năm nay. Các bạn trẻ đã trao cho ĐTC một băng vải màu đỏ, tượng trưng máu Chúa Kitô đổ ra, và ngài đặt băng vải ấy trên Thánh Giá.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài giảng nhân dịp này, sau bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn thứ I (35-42) kể lại lời thánh Gioan Tẩy Giả nói với các môn đệ khi Chúa Giêsu đi qua: ”Đây là Chiên Thiên Chúa!” và các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu, ĐTC đã dùng những biểu tượng Internet và smartphone để mời gọi các bạn trẻ hãy ”nối mạng” vào Chúa Giêsu.

Sau khi nói đến ước muốn của nhiều người trẻ muốn giữ vai chính trong các cuộc thay đổi và sẵn sàng đương đầu với những thách đố và phiêu lưu trong cuộc đời, và đề cao khả năng rất lớn của người trẻ trong việc động viên, với tinh thần quảng đại, như người ta vẫn thấy khi xảy ra những thiên tai, ĐTC kể lại:

“Trong sứ vụ GM của tôi, tôi đã có thể khám phá thấy có nhiều ý tưởng rất tốt nơi tâm trí người trẻ. Họ băn khoăn, tìm kiếm và có lý tưởng. Vấn đề là nhiều khi những người lớn chúng tôi, với vẻ mặt đạo mạo khôn ngoan, nói rằng: ”Chúng nghĩ như vậy thì họ còn trẻ, chẳng bao lâu nữa họ sẽ trưởng thành”. Như thể trưởng thành là chấp nhận bất công, nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì được, từ trước đến giờ mọi sự vẫn như vậy.

”Và để ý tới tất cả những thực tại của người trẻ, tôi đã muốn thực hiện trong năm nay Thượng HĐGM thế giới, và trước Thượng HĐGM, sẽ có cuộc gặp gỡ người trẻ để họ cảm thấy và giữ vai chính trong tâm lòng Giáo Hội; để giúp chúng ta làm sao cho Giáo Hội có một khuôn mặt trẻ trung, chắc chắn không phải để chữa trị Giáo Hội bằng thứ kem thẩm mỹ làm trẻ lại, nhưng để Giáo Hội, tự thâm tâm, được gọi hỏi, để những con cái mình đặt câu hỏi hầu trở nên mỗi ngày trung thành hơn với Tin Mừng. Giáo Hội Chile cần các bạn trẻ dường nào, để đánh động và giúp đỡ chúng tôi trở nên gần Chúa Giêsu hơn! Những câu hỏi của các bạn, ước muốn được biết, ước muốn trở nên quảng đại, đòi chúng tôi phải gần gũi hơn với Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi gần Chúa Giêsu hơn”.

Và ĐTC nói thêm rằng: ”Xin các bạn để tôi kể một giai thoại này. Một hôm khi nói với một người trẻ, tôi hỏi xem điều gì có thể làm cho anh ta cau có khó chịu như vậy. Anh nói với tôi: ”Khi điện thoại di động của con bị hết pin hoặc khi con không nối vào internet được”. Tôi hỏi anh: ”Tại sao vậy?”. Anh trả lời: ”Thưa cha, đó là điều dễ hiểu, không vào internet được, thì con sẽ không theo dõi được tất cả những gì đang xảy ra, con bị ở ngoài thế giới, như bị treo lên vậy. Những lúc như thế con vội chạy đi tìm một máy xạc pin, hoặc một mạng Wi-fi và mật khẩu để nối lại mạng Internet”.

ĐTC bình luận: ”Điều này khiến tôi nghĩ rằng đối với đức tin cũng có thể xảy ra một điều như vậy. Sau một thời gian tiến bước ban đầu và sau cái đà khởi đầu, có những lúc chúng ta thấy sóng của chúng ta giảm sút mà không để ý, và chúng ta bắt đầu không còn nối vào mạng nữa, không còn pin, và lúc ấy chúng ta trở nên khó tính, không còn tín thác, buồn sầu, không còn sức mạnh, và chúng ta bắt đầu nhìn mọi sự một cách tiêu cực. Khi chúng ta không còn sự nối mạng mang lại sức sống cho các mơ ước của chúng ta nữa, thì con tim bắt đầu mất năng lực, không còn pin nữa, hoặc nói như một bài ca, ”tiếng động xung quanh và sự cô đơn của thành thị cô lập chúng ta với mọi sự. Thế giới bị đảo lộn, tìm cách làm cho tôi bị đắm chìm trong đó, nhận chìm những ý tưởng của tôi”.

Tiếp tục bài huấn dụ với giới trẻ tại Đền thánh Đức Mẹ Maipù, ĐTC nói:

”Khi không còn được nối với Chúa Giêsu nữa, thì rốt cục chúng ta sẽ nhận chìm những ý tưởng, những mơ ước, đức tin của chúng ta và chúng ta trở nên khó tính, cau có. Từ người đang giữ vai chính, như chúng ta đang làm hiện nay và muốn trở nên vai chính, chúng ta có thể đi tới chỗ nghĩ rằng làm cái gì hay không làm, cũng như nhau mà thôi… Tôi quan tâm vì, khi bị ”mất sóng”, nhiều người nghĩ là mình chẳng còn gì để cho và như bị lạc hướng. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn chẳng còn gì để cho đi hoặc bạn không cần một ai. Đừng bao giờ nghĩ như vậy. Như thánh Hurtado thường nói, nghĩ như thế chính là một lời khuyên của ma quỉ, hắn muốn bạn nghĩ rằng mình chẳng có giá trị gì và cứ buông xuôi mọi sự như bây giờ. Tất cả chúng ta đều là những người cần thiết và quan trọng, tất cả chúng ta đều có một cái gì đó để cho đi.

ĐTC nhắc đến gương của những người trẻ trong bài Tin Mừng Gioan vừa đọc: Anrê và người môn đệ khác, họ đã được thánh Gioan Tẩy Giả hướng dẫn. Họ cũng như mỗi người chúng ta, đang tìm mật khẩu để nối với Đấng là ”Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Tôi nghĩ các bạn có một vị đại thánh có thể hướng dẫn các bạn, một vị thánh hát lên bài ca bằng cuộc sống của mình: ”Lạy Chúa, con hài lòng, con hài lòng!”. Đó là thánh Hurtado, Ngài có một qui luật vàng, để hun nóng con tim mình bằng một ngọn lửa có khả năng giữ cho niềm vui được luôn sinh động. Vì Chúa Giêsu chính là ngọn lửa làm cho những người gần Ngài được nồng nhiệt”.

ĐTC giải thích rằng ”Mật khẩu của thánh Hurtado rất đơn gian.. Người tự hỏi: ”Nếu Chúa Kitô ở trong vị thế của tôi thì Ngài sẽ làm gì?” Tại học đường, đại học, trên đường đi, ở nhà, với các bạn hữu, khi làm việc, hoặc đứng trước những gì bắt nạt, ”Chúa Kitô sẽ hành động ra sao trong vị thế của tôi?.. Đó là mật khẩu, là tia điện đốt nóng con tim chúng ta, hâm nóng niềm tin và là một tia sáng trong mắt chúng ta..

Cuộc gặp gỡ của ĐTC với giới trẻ kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ngài. ĐTC còn dâng tặng chuỗi mân côi bằng vằng trước tượng Đức Mẹ, trước khi lên đường đi tới đại học Giáo Hoàng Công Giáo Chile, cách đó hơn 18 cây số.

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC viếng thăm Đại học Công Giáo Chile

ĐTC viếng thăm Đại học Công Giáo Chile

SANTIAGO. Trong cuộc viếng thăm Đại học Công Giáo Chile chiều ngày 17-1-2018, ĐTC cổ võ cơ sở giáo dục cao đẳng này góp phần kiến tạo một nền giáo dục bao gồm mọi người, giúp vào cuộc sống chung của quốc gia.

ĐTC đến Đại học Công Giáo vào lúc gần 7 giờ tối. Cơ sở giáo dục này được thành lập cách đây 130 năm (1888) do sáng kiến của Đức TGM giáo phận Santiago bấy giờ là Đức Cha Mariano Casanova. Ban đầu chỉ có hai phân khoa: luật và vật lý – toán học. Qua dòng thời gian, đại học phát triển và hiện có 18 phân khoa. Năm 1935 có thêm phân khoa thần học và ngay sau đó được gọi là Đại học Giáo Hoàng. Hiện nay Đại học có gần 24,500 sinh viên trong đó có 3,420 người thuộc ban cao học và 1,120 người thuộc ban tiến sĩ.

Đến Đại học vào lúc 7 giờ chiều, ĐTC đã được giáo sư viện trưởng cùng với ĐHY Ezzati, TGM giáo phận Santiago sở tại, đón tiếp tại khuôn viên chính, cùng với 700 sinh viên và một nhóm trẻ em. Rồi ngài được hướng dẫn đến khuôn viên bên trong, có mái che, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ. 1,200 giáo sư và sinh viên đã chờ đợi ngài tại đây, trong khi 500 người khác tham dự cuộc gặp gỡ qua màn hình tại một phòng lớn gần đó.

Trong diễn văn sau lời chào mừng của giáo sư Viện trưởng, ĐTC nói đến hai thách đố quan trọng đang được đề ra cho đất nước Chile, liên quan tới sự sống chung trong cộng đồng quốc gia và khả năng tiến triển trong cộng đoàn. Ngài nói:

”Nói về những thách đố là nhìn nhận rằng có những tình trạng lên tới mức độ đòi phải suy nghĩ lại. Điều mà, cho đến ngày hôm qua, có thể là một nhân tố hiệp nhất và đoàn kết, ngày nay đang đòi phải có những câu trả lời mới. Nhịp độ thay đổi của một số tiến trình và biến chuyển lên tới vận tốc chóng mặt đang xảy ra trong các xã hội chúng ta, mời gọi chúng ta phải mau lẹ suy tư không chút chần chừ, một sự suy tư không thơ ngây, không ảo tưởng và càng không có thái độ tự quyền. Điều này không có nghĩa là cầm hàm sự phát triển kiến thức, nhưng là biến đại học thành một môi trường để thực thi chương trình đối thoại gặp gỡ.. Sự sống chung trong quốc gia là điều có thể, theo mức độ chúng ta đề ra những tiến trình giáo dục, đồng thời có tính chất biến đổi, bao gồm và sống chung.

Trong ”xã hội lỏng hoặc nhẹ” này, như một số nhà tư tưởng vẫn định nghĩa, những điểm tham chiếu không còn nữa, những điểm mà từ đó con người có thể xây dựng mình về phương diện cá nhân và xã hội. Dường như ngày nay ”những đám mây” là điểm gặp gỡ mới, thiếu sự ổn định vì tất cả đều chuyển động và mất sự vững chắc.

Sự thiếu vững chắc như thế có thể là một trong những lý do làm mất sự ý thức về không gian công cộng. Một không gian đòi một sự siêu việt đối thoại trên những quyền lợi riêng tư.

Sang đến yếu tố quan trọng thứ hai là sự tiến bộ trong cộng đoàn ĐTC nhận định rằng nền văn hóa hiện thời đang đòi những hình thức mới có khả năng bao gồm tất cả các tác nhân mang lại sức sống cho thực tại xã hội và vì thế có tính chất giáo dục, vì thế cần mở rộng ý niệm về cộng đoàn giáo dục.

Cộng đoàn này phải đương đầu với thách đố làm sao để không bị cô lập đối với những hình thức kiến thức mới, cũng như không xây dựng sự hiểu biết ở ngoài lề những người thu nhận kiến thưc ấy. Vì thế cần thủ đắc kiến thức có khả năng tạo nên sự tương giao giữa thính đường đại học và sự khôn ngoan của các dân tộc tại đất nước này. Một sự khôn ngoan đầy trực giác, đầy những điều thực tế mà người ta không thể không biết tới khi nghĩ về Chile… Sự tương giao chặt chẽ như thế sẽ tránh được sự tách biệt giữa lý trí và hành động, giữa suy tư và cảm nghiệm, giữa biết và sống..

ĐTC giải thích rằng cộng đoàn giáo dục không thể chỉ thu hẹp vào những giảng đường đại học và các thư viện, nhưng luôn được kêu gọi đương đầu với thách đố tham gia.. Trong chiều hướng này, cần đặc biệt chú ý đến các cộng đoàn thổ dân bản xứ với các truyền thống văn hóa của họ. Họ không phải chỉ là một nhóm thiểu số giữa các nhóm khác nhau, nhưng đúng hơn, họ phải trở thành những người đối tác chính, nhất là trong lúc người ta thi hành các dự án lớn liên hệ tới không gian của họ.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã để lại quà tặng cho Đại học là một bản sao bản đồ hải hành do Bartolomé Oliva thực hiện. Bản sao này chỉ được in 50 bản, diễn tả trung thành bản đồ Urbinate latino 283 giữ trong thư viện Vatican. Thủ bản này gồm 14 bản đồ nhỏ được họa mầu trên giấy da.

Đáp lại, Đại học Công Giáo đã tặng cho ĐTC huy hiệu vàng, thường chỉ dành cho các vị khách và những nhân vật rất đặc biệt.

Ngài bắt tay 10 nhân vật quan trọng nhất ở Đại học. Trong lúc ấy có người tiến lên lễ đài đòi phát biểu, nhưng họ bị các nhân viên an ninh chặn lại và đưa ra chỗ khác.

ĐTC đã trở về tòa Sứ Thần cách đó 4 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Đây là đêm chót của ngài tại Chile.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gặp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục

Đức Thánh Cha gặp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục

SANTIAGO. ĐTC đã gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tính dục tại Chile. Ngài đã khóc trong cuộc gặp gỡ này.

Ông Greg Burke, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho giới báo chí biết như trên lúc 21 giờ tối ngày 16-1-2018, ngày đầu tiên của ĐTC tại Santiago với những hoạt động khẩn trương từ sáng sớm. Ông nói: ”Cuộc gặp gỡ diễn ra sau bữa ăn trưa và dưới hình thức hoàn toàn riêng tư, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Santiago. Không có ai khác hiện diện, chỉ có ĐTC Phanxicô và các nạn nhân, để họ có thể kể lại những đau khổ của họ với ngài. Ngài đã lắng nghe, cầu nguyện và đã khóc với họ”.

Trước đó, vào ban sáng, trong cuộc gặp gỡ 700 người gồm chính quyền, ngoại giao đoàn và đại diện các giới văn hóa và xã hội, cũng như trong cuộc gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Chile tại Nhà thờ chính tòa Santiago, ĐTC đã công khai bày tỏ sự ”đau buồn và xấu hổ” vì tai ương các nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, gây thiệt hại nặng nề cho các nạn nhân và Giáo Hội.

Ông Greg Burke không cung cấp thêm các chi tiết trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí, ví dụ nhóm nạn nhân có bao nhiêu người, nam hay nữ, hoặc những vụ lạm dụng thế nào. Ông chỉ nói đó là một nhóm nhỏ. Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ.

Hôm 16-1-2018, có những nhóm biểu tình chống Giáo Hội diễn ra đây đó tại Chile. Một nhóm các nạn nhân đã biểu tình trước thánh lễ ĐTC cử hành tại Công viên O'Higgins lúc quá 10 giờ sáng, họ phản đối sự hiện diện trong thánh lễ của Đức Cha Juan Barros, GM giáo phận Orsono ở mạn bắc Chile. Từ lâu có nhiều nhóm đòi ĐTC phải cất chức GM này vì họ cho rằng khi còn là LM, vị này có liên hệ với Cha Fernando Karadima và biết những vụ lạm dụng của LM này đối với các trẻ vị thành niên mà im lặng. LM Karadima bị Tòa Thánh ”treo chén” từ năm 2012 nhưng không bắt hồi tục, một biện pháp bác ái đối với một LM cao niên, nhưng các nạn nhân không chấp nhận biện pháp ”từ bi” này.

Đức Cha Luis Fernando Ramón Perez, GM Phụ tá tổng giáo phận Santiago, điều hợp viên toàn quốc cuộc viếng thăm của ĐTC tại Chile, nói rằng Đức Cha Barros là đương kim GM giáo phận Osorno, nên điều bình thường là ngài hiện diện trong các sinh hoạt của ĐGH.

Tại Vatican, hồi năm 2013, ĐTC Phanxicô đã từng gặp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục, khi ngài thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ các trẻ vị thành niên. Tại Đại chủng viện thánh Charles Borromeo ở Philadelphia Hoa Kỳ hồi tháng 9-2014, ngài cũng gặp 5 nạn nhân bị lạm dụng. Nhóm đó gồm 3 phụ và nữ 2 đàn ông, mỗi người có một thân nhân đi kèm hoặc một người nâng đỡ. Cuộc gặp gỡ kéo dài 30 phút, ngài lắng nghe chứng từ và cầu nguyện với họ. (Tổng hợp 17-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp chính quyền và đoàn ngoại giao ở Chile

Đức Thánh Cha gặp chính quyền và đoàn ngoại giao ở Chile

SANTIAGO. Trong buổi gặp gỡ chính quyền, ngoại giao đoàn và đại diện các tầng lớp xã hội, văn hóa, Chilê, ĐTC cổ võ tinh thần lắng nghe, bảo vệ môi trường, và ngài cũng bày tỏ đau buồn vì những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Sáng thứ ba, 16-1-2017, ĐTC đã bắt đầu chương trình viếng chính thức tại Chile, với cuộc gặp gỡ chính quyền Chile và thánh lễ tại Công viên O'Higgins trước sự hiện diện của nửa triệu tín hữu. Ban chiều ngài viếng thăm một nhà tù phụ nữ trước khi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Chile tại Nhà thờ chính tòa Santiago.

Lúc quá 8 giờ sáng giờ địa phương, ĐTC đã rời tòa Sứ thần Tòa Thánh đến dinh La Moneda, để gặp gỡ chính quyền và đoàn ngoại giao.

La Moneda, có nghĩa là ”tiền cắc” vì tòa nhà hùng vĩ này, có từ thời thuộc địa, vốn là nơi đúc tiền, được khánh thành cách đây 213 năm từc là vào năm 1805. 45 năm sau đó, tòa nhà này được biến cải thành trụ sở của chính phủ và là dinh của Tổng Thống. Nhưng ngày 11 tháng 9 năm 1973, không quân Chile đã dội bom xuống tòa nhà này, phá hủy phần lớn, và tổng thống Salvador Allende bị thiệt mạng trong vụ đảo chánh này. Sau đó tòa nhà được trùng tu và năm 2006 được biến thành ”Trung Tâm Văn Hóa Dinh La Moneda”.

Đến nơi vào lúc 8 giờ 20 phút sáng, ĐTC đã được tổng thống Chile, bà Michelle Bachelet Jeria đón tiếp, duyệt qua hàng quân danh dự, rồi tiến vào bên trong, trong khuôn viên có 700 người, gồm các quan chức chính quyền, đoàn ngoại giao và đại diện xã hội và văn hóa Chile đang chờ đợi ngài.

Diễn văn của ĐTC

Ngỏ lời với mọi người sau lời chào mừng nồng nhiệt của Bà Tổng thống Bachelet, ĐTC nói:

”Thật là một niềm vui cho tôi được trở lại Mỹ châu la tinh và bắt đầu cuộc viếng thăm tại đất nước Chile yêu quí này, nơi đã đón tiếp và huấn luyện tôi khi tôi còn trẻ; tôi ước muốn rằng thời gian ở với quí vị cũng là lúc bày tỏ lòng biết ơn vì bao nhiêu điều tốt lành tôi đã nhận được..

Xin cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng đã gửi đến tôi. Qua Tổng thống, tôi cũng muốn chào thăm và ôm lấy toàn thể nhân dân Chile, từ vùng cực bắc của miền Arica và Painacota cho đến quần đảo miền nam..”

Sau khi ca ngợi những tiến bộ của Chile những thập niên vừa qua trong lãnh vực dân chủ, ĐTC đặc biệt đề cao trách nhiệm của mỗi người trong việc góp phần xây dựng đất nước: ”Mỗi thế hệ phải đón nhận cuộc tranh đấu và những thành tích của các thế hệ đi trước và dẫn tới những mục tiêu cao hơn nữa. Thiện ích như tình thương, công lý và liên đới, không thể đạt được một lần cho tất cả, nhưng cần phải được chinh phục mỗi ngày”..

Trong tiến trình trên đây, ĐTC đặc biệt đề cao tầm quan trọng của khả năng lắng nghe mà dân chúng và chính quyền cần phải có. Ngài nói:

”Khả năng lắng nghe có một giá trị lớn tại đất nước này, nơi mà sự đa nguyên về chủng tộc, văn hóa và lịch sử đòi phải được bảo tồn, chống lại mọi toan tính thiên vị hoặc bá quyền, gây nguy hiểm cho khả năng loại bỏ thái độ giáo điều loại trừ người khác, thay vì cởi mở lành mạnh đối với công ích.. Điều không thể thiếu được là lắng nghe: lắng nghe những người thất nghiệp không thể đảm bảo hiện tại và tương lai của gia đình họ; lắng nghe các thổ dân bản xứ, thường bị quên lãng, quyền lợi của họ phải được quân tâm và văn hóa của họ phải được bảo vệ, để không bị mất một phần căn tính và sự phong phú của quốc gia này. Lắng nghe những người di dân, đang gõ cửa đất nước này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và với lòng can đảm và hy vọng, họ muốn kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Lắng nghe người trẻ, trong những băn khoăn mong được những cơ hội nhiều hơn, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, và qua đó cảm thấy mình là những người nắm vai chính tại Chile có những ước mơ, cần tích cực bảo vệ người trẻ chống lại tai ương ma túy đang xâm chiếm cuộc sống của họ. Lắng nghe người già, với những khôn ngoan rất cần thiết của họ và nâng đỡ sự yếu đuối mong manh của họ. Chúng ta không thể bỏ rơi họ.

”Lắng nghe các trẻ em, đang nhìn thế giới với đôi mắt đầy ngạc nhiên và thơ ngây, các em chờ đợi nơi chúng ta những câu trả lời thực thế cho một tương lai xứng đáng. Ở đây tôi không thể không bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ mà tôi cảm thấy trước thiệt hại không thể sửa chữa được mà các thừa tác viên của Giáo Hội đã gây ra. Tôi muốn hiệp với các anh em tôi trong hàng Giám Mục, vì điều công bằng là xin lỗi và hết sức nâng đỡ các nạn nhân, trong khi chúng ta phải dấn thân để những điều đó không xảy ra nữa” (mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay).

Đề cập đến việc bảo vệ thiên nhiên, ĐTC nói:

”Với khả năng lắng nghe này, đặc biệt ngày nay, chúng ta được mời gọi ưu tiên chú ý đến căn nhà chung của chúng ta: làm tăng trưởng một nền văn hóa biết chăm sóc trái đất và với mục đích ấy, chúng ta không chỉ hài lòng với việc cung cấp những câu trả lời đặc thù cho các vấn đề trầm trọng về sinh thái học và môi trường đang xảy ra; trong lãnh vực này cần phải có sự táo bạo, cống hiến một cái nhìn khác, một tư tưởng, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một linh đạo dẫn tới một sự chống lại sự bành trướng của những khuôn mẫu duy kỹ thuật, dành ưu tiên cho quyền lực kinh tế đối với hệ thống môi sinh tự nhiên, và vì thế coi nghe công ích của các dân tộc”.

ĐTC nhận xét rằng ”Sự khôn ngoan của các dân tộc bản xứ đóng góp một phần quan trọng. Chúng ta có thể học được từ nơi họ điều này: không có sự phát triển chân thực nơi một dân tộc quay lưng lại với trái đất và tất cả những gì và những người xung quanh trái đất. Chile, trong căn cội của mình, có một sự khôn ngoan có khả năng giúp đi xa hơn quan niệm thuần túy duy tiêu thụ về cuộc sống để đạt tới một thái độ khôn ngoan đứng trước tương lai.

Sau diễn văn trên đây, ĐTC còn gặp gỡ và hội kiến riêng với bà Tổng thống Bachelet tại Phòng Azul trong tòa nhà La Moneda.

Bà Michelle Bachelet năm nay 67 tuổi (1951), vốn là con của một tướng lãnh không quân Chile. Sau cuộc đảo chánh ngày 11-9 năm 1973, thân phụ bà bị cầm tù và chết vì bị tra tấn. Bà Michelle cùng với thân mẫu cũng bị tù rồi sau đó lưu vong ra nước ngoài. Năm 1979, bà trở về nước và tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Đại học Chile, và chuyên về bệnh nhi đồng. Sau khi Chile trở lại chế độ dân chủ, bà Michelle phục vụ tại Bộ y tế, và lần lượt làm Bộ trưởng Y tế (2000), Bộ trưởng Quốc phòng (2002). Năm 2006, bà được bầu làm tổng thống lần đầu năm 2006 và được tái cử năm 2014.

Tổng thống Bachelet đang mãn nhiệm. Từ ngày 11-3-2018 tới đây, kế nhiệm bà sẽ là ông Sebastian Pinera, thuộc đảng trung hữu, đắc cử ngày 17-12-2017 với 54% số phiếu. Ông năm nay 68 tuổi và đã làm tổng thống lần đầu từ năm 2010 đến 2014. Ông cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Santiago de Chile

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Santiago de Chile

SANTIAGO. Khi đến thủ đô Santiago de Chile chiều tối ngày 15-1-2018, ĐTC Phanxicô đã được các tín hữu, giáo quyền và chính quyền Chile nồng nhiệt đón tiếp.

Sau hơn 15 giờ bay từ Roma, máy bay Alitalia chở ĐTC và hơn 100 người cùng đi đã đáp xuống phi trường thủ đô Santiago de Chile lúc 7 giờ 15 chiều ngày 15-1-2018.

Chờ sẵn tại sân bay có bà Tổng thống Michelle Bachelet, cùng với ĐHY Ezzati, TGM Santiago, một số vị trong HĐGM và đông đảo ký giả. Trong số những người hiện diện có Chủ tịch Thượng Viện, Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện, ngoại trưởng Chile và một số vị thị trưởng vùng thủ đô.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được bà Tổng thống Chile chào đón và hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa cho ngài, trước khi duyệt qua hàng quân danh dự.

Ca đoàn thiếu nhi thuộc Nhà Hát Thành Phố đã hát mừng ĐTC, đặc biệt có một em bé gái 10 tuổi đã đơn ca mừng ngài. Em tên là Constanza Wilson. Sau bài ca, em được ngài chào thăm, chúc lành và tặng cho em xâu chuỗi mân côi.

ĐTC đã dành gần 1 tiếng rưỡi để tiến qua quãng đường dài 24 cây số từ phi trường về tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Xe chạy chậm để hàng chục ngàn tín hữu đứng hai bên đường có thể chào đón ngài. Một điều ở ngoài chương trình chính thức, đó là khi đến giáo xứ thánh Luis Beltrán, thuộc làng Padaheuel, ĐTC đã dừng lại để viếng thăm và cầu nguyện tại mộ của Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, quen được gọi là ”vị Giám Mục của dân nghèo”. Đức Cha qua đời năm 1982, thọ 66 tuổi, nguyên là Tổng đại diện của giáo phận Santiago, rồi làm GM chính tòa giáo phận San Felipe (1965-1974), trước khi trở về thủ đô Santiago làm GM phụ tá của ĐHY Raul Silva Henriquez (1974-1982). Ngài có lòng yêu thương đặc biệt đối với dân nghèo, thợ thuyền, nông dân, các nạn nhân bị chà đạp nhân quyền, những người sống ngoài lề xã hội. Án phong chân phước cho Đức Cha được khởi sự cách đây 6 năm, vào ngày 9-3 năm 2012.

Khi xe đến trước tòa Sứ Thần, ĐTC đã chào thăm hàng trăm tín hữu chờ đợi ngài ở đây. Họ reo hò, vỗ tay và có những người khóc vì cảm động. Có một ca đoàn các học sinh và một ca đoàn tu sĩ hát chào mừng ngài, trong đó có cả bài ca ”Amigo Papa Francisco”, Hỡi bạn Giáo Hoàng Phanxicô!

Sau khi đích thân chào đón ĐTC ở phi trường, Bà tổng thống Bachelet gửi một sứ điệp ngắn qua mạng xã hội trong đó bà chúc mừng ngài và quả quyết rằng so với thời kỳ ĐGH Gioan Phaolô 2 đến thăm cách đây 31 năm, ”Chile hiện nay là một xã hội công bằng, tự do và bao dung hơn, nhưng với những chênh lệch đang cần được sứ điệp hy vọng của một người em tinh thần của thánh Alberto Hurtado”.

Cha Hurtado thuộc dòng Tên, qua đời năm 1952 lúc 51 tuổi và là người thành lập ”Mái Ấm Chúa Kitô” ở Chile, chuyên đón tiếp và giúp đỡ những người ở ngoài lề xã hội. Cha được ĐGH Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh cách đây 13 năm (2005).

Cũng sau khi đón tiếp ĐGH ở Phi trường Santiago, bà Tổng thống Michelle Bachelet đã bất ngờ đến trung tâm báo chí quốc tế được đặt tại khách sạn Sheraton, để chào thăm và cám ơn 1.500 ký giả các nước tại đây, đang theo dõi và tường thuật về cuộc viếng thăm của ĐTC. Bà nói: ”Tôi cám ơn quí vị đã đến đây và hy vọng rằng ĐGH cũng như các bạn hài lòng đề đất nước chúng tôi, về dân chúng, nền văn hóa và thắng cảnh cũng như các món đặc sản của Chile này”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Chile

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Chile

VATICAN. Sáng ngày 15-1-2018, ĐTC Phanxicô đã lên đường bắt đầu cuộc tông du dài 1 tuần lễ tại Chile và Peru. Đây là chuyến viếng thăm thứ 22 của ngài tại nước ngoài và là lần thứ 6 ngài về thăm Mỹ châu la tinh.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 2 đến thăm Chile, 31 năm sau cuộc viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô 2. Cuộc viếng thăm của Đức đương kim Giáo Hoàng có chủ đề là câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ ”Thầy ban bình an cho các con” (Ga 14,27) được ghi trên huy hiệu chuyến viếng thăm, có hình thánh giá lớn màu vàng gắn liền với bản đồ Chile, như muốn trải dài niềm an bình của Chúa trên đất nước này. Huy hiệu muốn nhấn mạnh rằng ĐTC mang hồng ân Lời Chúa và một động lực mạnh mẽ cho nền văn hóa gặp gỡ, kiến tạo một bầu không khí hiệp nhất cho đất nước Chile.

Như thói quen, chiều thứ bẩy 13-1-2017, ĐTC đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma ở Đền thờ Đức Bà Cả, để xin ơn phù trợ của Mẹ Thiên Chúa. Đây là lần thứ 57 ngài đến cầu nguyện tại Vương Cung Thánh đường này.

Lên đường

ĐTC từ Vatican ra phi trường Fiumicino của thành phố Roma lúc 8 giờ 12 phút sáng. Tại đây sau nghi thức tiễn biệt đơn sơ, với sự hiện diện của các chức sắc đạo đời và Ông Luigi Lubitosi, Ủy viên ngoại thường của hãng Alitalia, máy bay 777-200 của hãng này đã cất cánh lúc 8 giờ 55 và trực chỉ phi trường thủ đô Santiago de Chile, cách đó 12,500 cây số về hướng tây nam. Kể như trọn ngày hôm qua, ĐTC và đoàn tháp tùng cùng với các ký giả quốc tế ở trên máy bay suốt 15 tiếng 40 phút đồng hồ. Toàn bộ chuyến viếng thăm của ĐTC lần này tại hai nước Chile và Peru dài 30 ngàn cây số với 10 chuyến bay, kể cả những chuyến bay nội địa 2 nước ngài thực hiện.

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm 70 ký giả cùng đi và ngài tặng cho mỗi người tấm hình chụp tại Nagasaki, Nhật Bản, sau vụ ném bom nguyên tử năm 1970, mặt sau có ghi hàng chữ ”hậu quả của chiến tranh”.

Ngài giải thích: ”Tấm hình này tôi đã tìm cờ tìm được. Hình chụp một đứa trẻ cõng xác đứa em trên vai đang đợi đến phiên trước nhà hỏa táng ở Nagasaki sau khi bom nổ. Tôi xúc động khi nhìn tấm hình đó. Tôi suy nghĩ và tôi chỉ dám viết ”Hậu quả của chiến tranh”, rồi mang đi in, và phân phát, vì tấm ảnh thuộc loại này gây xúc động hơn là một ngàn lời nói. Và tôi muốn chia sẻ với anh chị em”.

Trong khi ĐTC chào các ký giả, một người đã hỏi ngài xem ngài về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, ngài đáp: ”Đúng vậy, tôi thực sự là sợ. Chúng ta ở ranh giới. Ta không thể để cho tình hình đột biến. Chúng ta phải loại trừ các võ khí hạt nhân”.

Và ĐTC nói: ”Tôi cầu chúc anh chị em hành trình bình an. Alitalia nói chuyến bay Roma – Santiago là chuyến bay trực tiếp dài nhất của hãng này, 15 giờ 40 phút. Chúng ta có giờ để nghỉ ngơi, làm việc và bao nhiêu điều khác. Xin cám ơn anh chị em vì công việc của anh chị em. Thật là vất vả, 3 ngày tại nước này, 3 ngày tại nước khác. Đối với tôi, ở Chile, không khó lắm, vì tôi đã học tại đó 1 năm, và có bao nhiêu bạn hữu. Tôi biết rõ nước này. Trái lại Peru thì tôi biết ít hơn. Tôi chỉ đến đó 2, 3 lần để dự hội nghị, gặp gỡ”.

Theo chương trình, ĐTC sẽ tới Santiago khoảng 8 giờ tối ngày 15-1-2018, giờ địa phương. Tại đây sau nghi tiếp đón tiếp đơn sơ, ngài sẽ về tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách phi trường 24 cây số, để dùng bữa tối và qua đêm.

G. Trần Đức Anh OP 

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile sắp được ĐTC viếng thăm

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile sắp được ĐTC viếng thăm

Trong các ngày từ 15 tới 18 tháng giêng ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ nước Chile. Khởi hành từ Roma sáng thứ hai 15 tháng giêng ĐTC sẽ đến Chilê vào lúc sau 8 giờ tối giờ địa phương. Chương trình viếng thăm bắt đầu ngày thứ ba dầy đặc sinh hoạt: ban sáng ĐTC sẽ gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh De la Moneda, rồI chủ sự thánh lễ tại công viên O’Higgins. Ban chiều ngài viếng thăm trung tâm cải huấn nữ trong thủ đô Santiago, rồi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh trong nhà thờ chính toà, tiếp đến gặp các Giám Mục và  viếng thăm đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên.

Ngày thứ tư 17 tháng giêng ĐTC viếng thăm giáo phận Temuco, dâng thánh lễ, rồi dùng bữa trưa với một số thổ dân vùng Araucania. Vào ban chiều ngài trở về Santiago để gặp gỡ giới trẻ tại đền thánh Maipu. Tiếp theo đó ĐTC sẽ viếng thăm đại học công giáo Chilê.

Thứ năm 18 tháng giêng ĐTC viếng thăm giáo phận Iquique, dâng thánh lễ cho dân chúng tại Campus  Lobito, và vào lúc 5 giờ chiều từ giã Chilê để bay sang Perù.

Cộng hoà Chilê rộng gần 756 ngàn cây số vuông, không kể vùng nam cực rộng hơn 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, mà Chile vẫn cho là của mình. Chile là quốc gia có chiều dài nhất thế giới 4.300 cây số từ bắc xuống nam, không kể vùng nam cực, nhưng chiều rộng chỉ được 180 cây số. Chile cũng là quốc gia có 23 ngọn núi cao từ 2.200 mét tới 6.323 mét, và 44 núi lửa cao từ 953 mét tới 6,891 mét. Chile cũng có 23 con sông, 51 hồ lớn và 36 đảo lớn nhỏ.

Tuy diện tích rộng mênh mông như thế nhưng Chile chỉ  có hơn 17 triệu dân, đa số là người lại giống con cháu của người Tây Ban Nha thuộc địa và các thổ dân Indios Araguani, trong khi có 3,2% là người Amerindi, đa số sống tại miền nam. Trong hai thế kỷ XIX và XX có nhiều người dân gốc Âu châu như Anh, Ai Len, Italia, Pháp. Yougoslavi, vùng Basque di cư sang Chilê. Con cháu người Basque hiện chiếm 10% tổng số dân. Nhưng người dân Chile có lợi tức bình quân cao hơn cả Argentina, Uruguay, Mêhicô và Brasil. Từ năm 2010 Chile là thành viên của tổ chức Cộng tác phát triển OCSE.

Tên gọi Chile có thể bắt nguồn từ tên của một tộc trưởng là “Tili”. Nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ tên thung lũng Chili trong vùng Aconcagua, hoặc do từ Chilli trong tiếng Mapuche có nghĩa là “nơi trái đất kết thúc”, hay do từ Chin trong tiếng Quechua  có nghĩa là “lạnh”. Các người Tây Ban Nha nghe tên Chile từ thổ dân Incas và những sống sót trong cuộc chinh phục Perù đầu tiên của ông Diego de Almagro, đầu thế kỷ XVI tự gọi họ là “người của Chilli”. Theo đức viện phụ Molina từ Chile bắt nguồn từ chữ “Chi” hay “Trih” trong tiếng Mapuche và có nghĩa là “con chim có một chấm đỏ trên cánh”.

** Chile có lịch sử rất cổ xưa bắt đầu từ 10,500 năm trước công nguyên với nhiều bộ lạc thổ dân sinh sống về nghề nông tại miền bắc như Aymara, Atacamenha và Diaguita. Bắt đầu từ thế kỷ XV đế quốc Incas thống trị phần lớn đất Chile hiện nay. Ở miền nam sông Aconcagua có nhiều nhóm Mapuche bán du mục sinh sống, và họ là chủng tộc chính của Chile. Ngoài ra còn có các nhóm chủng tộc khác như Chono, Yamana, Alacalufe và Ona sinh sống.

Vào năm 1520 Ferdinando Magellano là người âu châu đầu tiên thám hiểm Chile. Chỉ vào năm 1535 các người Tây Ban Nha mới chiếm các thung lũng Chile sau khi đánh bại đế quốc Incas. Tuy nhiên chiến tranh với thổ dân Mapuche kéo dài 3 thế kỷ với các thời gian hoà bình. Vương quốc Chile là một trong những vùng thuộc địa xa xôi nhất của Tây Ban Nha, vì thế Chile đã chỉ là một tỉnh nghèo thuộc quyền của phó vương Perù.

Chiến tranh độc lập bùng nổ năm 1814 và ông Bernardo O’Higgins Riquelme truyên bố Chile độc lập năm 1817. Trong các thập niên sau đó Chile tập trung sức lực vào việc tổ chức, phát triển và ổn định quốc gia. Phe bảo thủ đã nắm quyền trong 40 năm.

Hiến pháp và cộng hoà Chile được công bố năm 1925. Các thập niên sau đó chính quyền do các đảng phái xã hội chủ nghĩa, rồi phát xít và cộng sản cầm đầu.

Năm 1970 ông Salvatore Allende thuộc đảng xã hội được bầu làm tổng thống. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho các tầng lơp nhân dân đình công bãi thị đưa tới cuộc đảo chánh của quân đội vào tháng 9 năm 1973 do tướng Augusto Pinochet cầm đầu, với sự trợ giúp của lực lượng CIA của Mỹ. Trong 30 năm độc tài từ 1973 tới 1990 tướng Pinochet đã thủ tiêu 30.000 người, trong đó có các thành viên đảng Nhân dân thống nhất, liên minh Allende, các đảng viên cộng sản, xã hội và dân chủ, cũng như các giáo sư, giới trí thức, hàn lâm, giới nghệ sĩ, chuyên nghiệp, tu sĩ, sinh viên và thợ thuyền. Bị thất bại sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 Pinochet chính thức thôi nhiệm vụ năm 1990, nhưng vẫn là chỉ huy tối cao của quân đội. Năm 1998 khi ông qua Luân Đôn giải phẫu thì bị tổ chức Ân Xá quốc tế và nhiều tổ chức bảo vệ các quyền con người tố cáo các tội  chống lại nhân loại và bị truy nã theo luật pháp quốc tế. Nhưng năm 2000 bộ trưởng nội vụ Anh Jack Straw quyết định trả tự do cho ông vì lý do nhân đạo. Tướng Pinochet  sống hưu tại Chile, đã không bao giờ ra hầu toà và qua đời năm 2006, thọ 91 tuổi.

Các đảng phái khác nhau tại Chile thành lập liên minh trung tả và trung hữu đưa người của mình lên. Trong cuộc bầu cử năm 2005 bà Michelle Bachelet đắc cử tổng thống nhưng chính quyền phải đối phó với nhiều khó khăn và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009. Theo gợi ý của ĐC Alejandro Goic, chủ tịch HĐGM Chile, bà Bachelet công bố sắc lệnh ân xá cho một số các tù nhân nhân mừng kỷ niệm 200 lập quốc vào năm 2010. Sự chia rẽ giữa các đảng phái trong liên minh trung tả đã khiến cho bà thất cử trong cuộc đầu phiếu năm 2010. Biến cố ông Sebastian Pignera thắng cử lên làm tổng thống chấm dứt 20 năm cai trị của liên minh trung tả. Nền kinh tế Chile tiến triển mạnh, đi ngược chiều với cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Nhưng năm 2013 phe trung tả lại thắng cử, và bà Michelle Bachelet lại lên làm tổng thống.

** Giáo Hội công giáo chính thức hiện diện tại Chile ngày 13 tháng 12 năm 1540, khi đoàn viễn chinh do Pedro de Valdivia cầm đầu, đến thung lũng Mapocho, trong đó có 3 linh mục Tây Ban Nha là Rodrigo Gonzales Marmolejo, Juan Lobo và Diego Perez. Ngày 12 tháng 2 năm 1541 thành phố Santiago de la Nueva Extremadura được thành lập với một nhà thờ được xây cất ở mạn tây bắc  quảng trường lớn, và một nhà nguyện kính Đức Bà Monserrat trên đồi Cerro Blanco.

Trong vòng 20 năm các vùng đất này thuộc quyền của giáo phận Lima. Ngày 27 tháng 6 năm 1561 ĐGH Pio IV cho thành lập giáo phận Santiago de Cile với Giám Mục tiên khởi là ĐC Rodrigo Gonzales Marmolejo. Tiếp theo đó là 3 Giám Mục dòng Phanxicô. ĐC Diego de Medillin chia giáo phận thành 4 giáo xứ, thành lập chủng viện đào tạo các chủng sinh và truyền chức cho các linh mục đâu tiên người bản xứ, cũng như thành lập đan viện nữ đầu tiên. Các cuộc viễn chinh tiếp tục tiến về phiá nam. Sau khi thành phố La Imperial được thành lập, ngày 22 tháng 3 năm 1563 ĐGH Pio IV cho thành lập giáo phận Santissima Concezione.

Cho tới năm 1840 hai giáo phận này tuỳ thuộc tổng giáo phận Lima, và là hai giáo phận duy nhất tại Chile. Công việc rao giảng Tin Mừng được giao cho tu sĩ các dòng, nhất là các tu sĩ dòng Phanxicô, dòng Tên dòng Mercedari và dòng Agostino.

Kể từ khi Chile được độc lập năm 1818 Giáo Hội công giáo đã nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống chính trị xã hội, và duy trì thế quân bình giữa việc bảo vệ quyền lợi của Tây Ban Nha và các tư tưởng độc lập của người dân Chile. Các năm đầu của chính quyền cộng hoà mang dấu vết căng thẳng giữa các giới chức chính trị, đa số theo bè phái Tam Điểm, và hàng giáo sĩ. Các căng thẳng giảm bớt vào năm 1833, khi Công Giáo được coi là quốc giáo. Nhưng các khó khăn gia tăng với các khuynh hướng duy đời muốn có một cộng hoà đời. Các căng thẳng chấm dứt với Hiến pháp năm 1925 tách rời nhà nước khỏi Giáo Hội. Giáo Hội công giáo từ bỏ các can thiệp ảnh hưởng trên quyền bính chính trị để duy trì vai trò phê bình tích cực và cố vấn trong các vấn đề xã hội. Các Giám Mục Chile đã góp phần rất lớn trong việc duy trì bầu khí hoà bình của tiến trình tách rời này.

Niên giám năm 2011 cho biết Giáo Hội Công Giáo có 5 tổng giáo phận, 18 giáo phận, 2 giáo quận, 1 giám quản tông toà và một bản quyền quân đội. Tổng giáo phận Santiago có hơn 4 triệu tín hữu trên gần 6 triệu dân, do ĐHY Ricardo Ezzati Andrello cai quản với sự trợ giúp của 4 Giám Mục phụ tá. Giáo phận gồm 209 giáo xứ với 847 linh mục.

Dưới chế độ độc tài của tướng Pinochet từ 1873 tới 1990 Giáo Hội nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người, chính vì thế chính quyền quân phiệt coi Giáo Hội thuộc phe đối lập. ĐHY Raul Silva Henriquez, TGM Santiago, đã trở thành một trong những người cương quyết chống lại chính quyền quân phiệt độc tài. Cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ngài đã thành lập “Uỷ ban cộng tác bảo vệ hoà bình Chile” bị tổng thống Pinochet giải tán. Nhưng sau đó nó biến thành “Văn phòng giám quản Liên Đới” của tổng giáo phận, chuyên trợ giúp pháp lý và xã hội cho các nạn nhân của chính quyền độc tài và khiến cho ĐHY trở thành điểm tham chiếu của tất cả những ai chống chế độ độc tài quân phiệt. ĐHY thu thập tin tức liên quan tới hàng chục ngàn gười bị mất tích, tổ chức các trung tâm phát chẩn, phân phát thực phẩm cho dân nghèo trong các khu xóm ổ chuột.

**  Từ năm 1977 liên lạc giữa chính quyền quân đội và Giáo Hội bớt căng thẳng hơn, và nỗ lực hoà giải đạt tột đỉnh với chuyến công du mục vụ của Đức Gioan Phaolô II năm 1987. Trong buổi gặp gỡ các Giám Mục Đức Gioan Phaolô II đã khích lệ các vị kiên trì và táo bạo dành ưu tiên cho mục vụ hiệp nhất quốc gia, góp phần khước từ bạo lực và thù hận, can đảm bênh vực các quyền con người. Có nhiều người cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II chỉ giúp củng cố chính quyền quân phiệt độc tài. Nhưng 10 năm sau cuộc trưng cầu dân ý đã hạ bệ tổng thống Pinochet. Sau khi chế độc quân phiệt độc tài cáo chung, Giáo Hội đã cương quyết đẩy mạnh tiến trình hoà giải quốc gia.

Ngày 18 tháng 9 năm 2003 trong bài giảng thánh lễ ĐHY Francisco Javier Errazuris, TGM Santigao de Cile, đã lấy lại đề tài “Không bao giờ nữa” là tiếng kêu của các xã hội và các quốc gia châu mỹ latinh dùng để tưởng niệm biết bao nhiêu nạn nhân của các chế độ quân phiệt độc tài. Ngài nói:  “Không bao giờ nữa với biết bao nghèo đói, bất công xã hội, gian ác chiếm hữu của cải,  không có khả năng đối thoại, thù hận đối với sự thật và nền dân chủ. Không bao giờ nữa đối với nền kinh tế đánh vào những người nghèo nhất. Không bao giờ nữa đối với việc chính trị hoá các lực lượng quân đội… Không bao giờ nữa đối với việc xuyên tạc tin tức, đấu  tranh tư tưởng và ý thức hệ với giá các sinh mạng con người, với sự thờ ơ trước khổ đau và vi phạm có hệ thống các quyền con người”.

Trong năm 2017 vừa qua Chile đang trải qua một cuộc khủng hoàng xã hội. Làn sóng bài công giáo gia tăng. Từ tháng giêng năm 2017 trở đi đã có 25 nhà thờ và một chủng viện bị đốt, các ảnh Chúa chịu nạn bị  đập phá xúc phạm. Ngày mùng 2 tháng 3 năm ngoái đại chủng viện San Fidel thuộc giáo phận Villarrica đã bị một nhóm thổ dân Mapuche Trapilhue đốt cháy, vì nó nằm trên vùng đất mà thổ dân Mapuche đã từ lâu  đòi chính quyền trả lại cho họ. Một lãnh tụ thổ dân tuyên bố: “Giáo Hội cho thấy mình là thành phần của nhà nước. Và sẽ không có hoà bình cho tới khi nào Giáo Hội bị đuổi ra khỏi đất của thổ dân Mapuche”. Giáo Hội đang ở trong thế kẹt giữa các nguyện vọng chính đáng của các thổ dân và bạo lực khủng bố có thể châm ngòi cho một cuộc nổi loạn của các thổ dân.

Ngày mùng 9 tháng 6 năm ngoái trong một cuộc biểu tình tại thủ đô Santiago một đoàn sinh viên đầu trùm mũ che mặt đã đột nhập nhà thờ “Gratitud Nacional” “Quốc gia nhớ ơn” cướp bóc, và lôi tượng Chúa chịu đóng đanh ra dùng chân đá và đập phá. Thay vì ôn hoà biểu tình đòi chính quyền cải tổ nền giáo dục trong nước, thì các nhóm sinh viên này lại đốt phá các nhà thờ. Lý do đòi cải tổ giáo dục chỉ là cớ cho các vụ khủng bố bạo lực chống lại Giáo Hội. Sau khi bà tổng thống mạnh mẽ lên án hành động này, ĐHY Tổng Giám Mục Santiago đã dâng thánh lễ phạt tạ và đưa ra câu hỏi “Điều gì đang xảy ra tại Chilê?”. Ngài cũng cho biết bạo lực và khủng bố đã gia tăng trong hai năm qua vì đã có tới 25 nhà thờ công giáo và tin lành bị đốt phá tại miền nam Chilê, đặc biệt trong hai vùng Biobio à Araucaria. Đây là vùng có đông thổ dân Mapuche sinh sống. Nhóm này chiến 4% tổng số dân, và từ nhiều năm qua đã yêu cầu chính quyền trả lại đất đai cho họ. Các vùng đất này hiện do các tổ chức siêu quốc chiếm hữu và khai thác. Trong nhiều năm qua chính quyền đã chậm chạp không tìm ra các giải pháp thỏa đáng để giải quyết yêu cầu chính đáng của thổ dân Mapuche.

Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô trong các ngày qua ĐHY Ricardo Ezzati Andrello, TGM Santiago, đã cử hành thánh lễ tại đền thánh Đức Bà Maipù, nơi ngày mùng 5  tháng 4 năm 1818 đã xảy ra trân đánh định đoạt của chiến tranh độc lập. Trước đó ngày 14 tháng 3 dân chúng trong vùng đã khấn hứa với Đức Mẹ rằng nếu chiến thắng họ sẽ xây một đền thánh kính Đức Bà Camêlô. Trong thánh lễ ĐY Ezzati đã gửi 2,500 sinh viên học sinh thuộc 40 trường cao học ra đi thực hiện dự án truyền giáo của mục vụ đại học công giáo xây 50 nhà nguyện cho dân nghèo trong các vùng ngoại ô. Chương trình này đã do các linh mục tuyên uý và sinh viên đại học phát động đáp trả lời Đức Phanxicô mời gọi giới trẻ tại Rio de Janeiro trong Ngày quốc tế giới trẻ năm 2013. Dự án 50 nhà nguyện cho dân nghèo thành hình vào tháng 4 năm 2014 với mục đích sẽ được giới thiệu với ĐTC ngày ngài sẽ đến viếng thăm Chile.

Linh Tiến Khải

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Chile và Peru

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Chile và Peru

VATICAN. ĐTC đến chia sẻ an bình của Chúa và củng cố mọi người ở Chile và Peru trong niềm hy vọng của Chúa Kitô.

Trên đây là mục đích cuộc viếng thăm ngài sắp thực hiện tại hai nước từ ngày 15 đến 21-1-2018.

Trong sứ điệp Video gửi dân chúng tại Chile và Peru, công bố hôm 9-1-2018, ĐTC nói: ”Tôi đến với anh chị em như sứ giả của niềm vui Tin Mừng, để chia sẻ với tất cả mọi người 'hòa bình của Chúa' và ”củng cố anh chị em trong cùng một niềm hy vọng”. Hòa bình và hy vọng được chia sẻ giữa tất cả mọi người”.

ĐTC nói là ngài biết rõ lịch sử Chile và Peru, ”được dệt bằng sự dấn thân, tận tụy và ngài muốn cùng với mọi người cảm tạ Chúa vì đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa và những anh chị em túng thiếu nhất, đặc biệt là đối với những người bị gạt ra ngoài xã hội.”

ĐTC nói: ”Nền văn hóa gạt bỏ ngày càng xâm chiếm chúng ta. Tôi muốn chia sẻ những nỗi vui buồn, khó khăn và hy vọng của anh chị em, và nói rằng anh chị em không đơn độc, Giáo hoàng ở với anh chị em, toàn thể Giáo Hội đón nhận và nhìn anh chị em”.

ĐTC cũng bày tỏ mong muốn mọi người ở Chile và Peru ”được cảm nghiệm hòa bình đến từ Thiên Chúa, một điều rất cần thiết. Chỉ có Chúa mới có thể ban hòa bình cho chúng ta. Đó là món quà mà Chúa Kitô ban cho tất cả chúng ta, nền tảng cuộc sống chung của chúng ta; hòa bình dựa trên công lý và giúp chúng ta gặp những mong ước hiệp thông và hòa hợp. Cần kiên trì xin Chúa và Chúa ban cho chúng ta. Đó là hòa bình của Đấng Phục Sinh, Đấngmang lại niềm vui và khích lệ chúng ta trở thành thừa sai, làm sinh động hồng ân đức tin, dẫn đưa chúng ta gặp gỡ, hiệp thông cùng một niềm tin được cử hành và trao ban”.

Sau cùng, ĐTC nói: ”Tôi đặt trong tay Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ Mỹ châu, cuộc tông du này và tất cả những ý nguyện chúng ta mang trong tâm hồn, xin Mẹ nhân lành đón nhận và dạy chúng ta con đường đến cùng Con của Mẹ” (Rei 9-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chủ lễ mừng Sinh Nhật 90 của ĐHY Sodano

Đức Thánh Cha chủ lễ mừng Sinh Nhật 90 của ĐHY Sodano

VATICAN. Lúc 8 giờ sáng 7-12-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn.

ĐHY Sodano sinh ngày 23-11 năm 1927 tại Isola d'Asti ở miền bắc Italia. Thân phụ ngài là ông Dominico từng là đại biểu 3 khóa tại Quốc hội Italia (1948-1963).

Ngài thụ phong linh mục năm 1950, đậu tiến sĩ thần học và giáo luật, làm giáo sư thần học tín lý tại chủng viện giáo phận, rồi bắt đầu phục vụ Tòa Thánh từ năm 1959, tại Phủ Quốc Vụ Khanh rồi tại các sứ quán Tòa Thánh ở Ecuador, Uruguay, Chile và tại Bộ ngoại giao. Năm 1977, ngài thăng TGM và làm Sứ thần Tòa Thánh tại Chile trong 10 năm, trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh từ năm 1988. 2 năm sau, Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm ngài làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh và thăng Hồng Y 7 tháng sau đó.

Ngày 30-4-2005, Đức tân Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã tái bổ nhiệm ĐHY Sodano làm Quốc vụ khanh, đồng thời phê chuẩn việc bầu ĐHY làm niên trưởng Hồng Y đoàn. Ngày 15-9 năm 2006, ĐGH Biển Đức 16 nhận đơn từ chức Quốc vụ khanh của ĐHY Sodano.

Đồng tế với ĐTC tại Nhà Nguyện Paolina ở dinh Tông Tòa, có đông đảo các Hồng Y hiện diện ở Roma và một số GM.

Ứng khẩu vào cuối thánh lễ, ĐTC nói rằng: ”Chúng ta nhìn thấy nơi ĐHY chứng tá của một người đã làm rất nhiều cho Giáo Hội, trong những hoàn cảnh khác nhau, với niềm vui và với nước mắt. Nhưng chứng tá ngày hôm nay mà tôi thấy là lớn nhất mà ĐHY dành cho chúng ta, đó là chứng tá của một người có kỷ luật theo tinh thần Giáo Hội, và đó là ơn mà tôi cám ơn ĐHY. Và tôi cầu xin cho chứng tá về chiều kích Giáo Hội này giúp chúng và tiến bước trong cuộc sống” (Rei 7-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15-1 đến 22-1 năm tới, 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13-11 vừa qua,

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15-1 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

Sáng thứ ba, 16-1, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các GM Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, ĐTC viếng với tư cách riêng Đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các LM cùng dòng tại đây.

Sáng thứ tư, 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Đền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

– Sáng thứ năm, 18-1, ĐTC sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Sáng thứ sáu, 19-1, ĐTC sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

Sáng thứ bẩy, 20-1, ĐTC sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, ĐTC chủ sự buổi phụng vụ kính Đức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

Sáng chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Đền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt cách thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các GM Chile tại tòa TGM địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và ĐTC đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ hai, 22-1 năm 2018 (Rei 13-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha kêu gọi nhân dân Peru kiến tạo hiệp nhất

Đức Thánh Cha kêu gọi nhân dân Peru kiến tạo hiệp nhất

VATICAN. Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài tại Peru vào năm tới, ĐTC Phanxicô kêu gọi nhân dân nước này noi gương các thánh người Peru, kiến tạo sự hiệp nhất tại nơi nào có chia rẽ.

Trong sứ điệp Video được tòa TGM thủ đô Lima phổ biến, ĐTC nói: ”Anh chị em có nhiều vị thánh, các vị đại thánh, đã ghi đậm nét tại Mỹ Châu la tinh, đã xây dựng Giáo Hội, và đã kiến tạo hiệp nhất trong những tình trạng chia rẽ, đã hoạt động không biết mệt mỏi để đưa những người bị phân tán đoàn tụ với nhau. Mỗi tín hữu Kitô cũng phải bước theo con đường đó”.

ĐTC nhận xét rằng có thể có một số người mong ước hiệp nhất, nhưng lại nhìn về tương lai với sự hoài nghi và có thái độ cay đắng, nhưng các tín hữu Kitô không được có thái độ như vậy. Một Kitô hữu hướng nhìn về hy vọng vì họ tin là sẽ đạt được điều Chúa hứa”.

Hồi tháng 6 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru từ ngày 15 đến 21 tháng giêng năm 2018. Ngài sẽ viếng Chile từ 15 đến 18-1, dừng lại tại các thành phố Santiago, Temuco và Iquique. Sau đó ĐTC bay lên Peru để thăm từ ngày 18 đến 21-1, và sẽ dừng lại tại thủ đô Lima, Puerto Maldonado và Trujillo.

Video sứ điệp của ĐTC được ĐHY Juan Luis Cipriani, TGM Lima, thu hình trong cuộc viếng thăm mới đây tại Vatican. Trong băng này, ĐTC đứng cạnh tượng thánh Martino de Porres, vị thánh rất được nhân dân Peru kính mến.

Giáo Hội Peru còn có thánh Rosa de Lima, thành Juan Marcias (CNS 7-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

GIÁO HỘI CHILE PHÊ BÌNH DỰ LUẬT CẢI TỔ GIÁO DỤC CỦA CHÍNH QUYỀN

GIÁO HỘI CHILE PHÊ BÌNH DỰ LUẬT CẢI TỔ GIÁO DỤC CỦA CHÍNH QUYỀN

SANTIAGO OF CHILE: Đức Cha Ricardo Ezzati Andrello, Tổng Giám Mục Santiago de Chile, đã mạnh mẽ phê bình dự luật cải tổ giáo dục của chính quyền là thiếu nền tảng vững chắc.

Trong một bài viết đăng trên nhật báo El Mercurio, Đức Cha Andrello nhận định răng các thay đổi mà chính quyền Chile muốn đề ra cho nền giáo dục khiến cho ngài nhận ra nỗ lực khổng lồ trong việc làm các cửa chính và cửa sổ, mà không biết dùng chúng cho ngôi nhà nào cần xây. Có vài khía cạnh được coi là nền tảng và được ưu tiên, nhưng không có sự chú ý đúng đắn tới hệ thống giáo dục cho sự trưởng thành của tất cả mọi người và là phần của một cộng đoàn công bằng, liên đới và huynh đệ. Một trong những mục tiêu chính trong chương trình cải tổ giáo dục của chính quyền Chile là gia tăng phẩm chất và rộng mở cho mọi mức độ. Nhưng các dự án được gửi tới chỉ đáp ứng một phần của mục tiêu này nhằm đưa vào đó ý niệm lợi lộc trong các cơ cấu giáo dục phải trả tiền, và việc tuyển lựa các sinh viên học sinh trong các trường nhận trợ cấp của chính phủ.

Cho tới nay chính quyền không đưa ra các câu hỏi muốn làm gì với việc giáo dục người trẻ Chile, muốn xây dựng loại người và xã hội nào. Các đảng phái đã trình bầy ý kiến, nhưng thiếu liên kết. Đức Tổng Giám Mục còn tỏ ra lo âu đối với những gì không được chính quyền nêu lên như: quan niệm về con người và về xã hội, vai trò của nhà nước, và vai trò không thể khước từ của gia đình trong việc giáo dục con cái họ.

Giáo Hội Chile, cũng như tại đa số các nước châu Mỹ Latinh, rất hiện diện trong lãnh vực giáo dục qua hàng loạt các trường tư cấp tiểu, trung và đại học, do Giáo Hội điều khiển hay do các tổ chức điều hành không có mục đích lợi nhuận. Chính quyền nói việc cải cách sẽ thiết định các nội dung giáo dục cần thông truyền trong các trường học, nhưng không can thiệp vào các chương trình chuyên biệt gợi ý, trong đó có việc đào tạo tôn giáo.

Đức Cha Andrello cảnh cáo hệ thống giáo dục bị tiền bạc điều khiển, và nhà nước có thể rơi vào cám dỗ áp đặt các tiểu chuẩn ý thức hệ hạn chế hay kiểm soát sự độc lập của các chương trình giáo dục. Không thể chấp nhận một nền giáo dục lèo lái bản vị con người và biến nó thành một con số vô danh (SD 30-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio