Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Đến lượt chúng ta giúp các tu sĩ cao niên – những người đã phục vụ Giáo hội

Hôm 03/11, Đức hồng y Theodore E. McCarrick, nguyên giám mục thủ đô Washington, đã được nhận giải thưởng thánh Katharine Drexel do tổ chức Trợ giúp tu sĩ cao niên (SOAR) trao. Giải thưởng này vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp đáng kể cho Giáo hội Công giáo, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ Hoa kỳ.

Phát biểu trong buổi lễ, Đức hồng y McCarrick đã ghi nhận công ơn của các tu sĩ trong việc giáo dục các thế hệ trẻ và chăm sóc người nghèo khổ, đau bệnh và di dân. Đức hồng y chía sẻ rằng ngài được các nữ tu, rồi các tu sĩ dòng Tên dạy dỗ. Ngài làm chứng về sự phục vụ của các tu sĩ đối với những người khốn khổ. Hiện nay Đức hồng y sống tại nhà hưu dưỡng Jeanne Jugan ở Washington, do các nữ tu dòng Tiểu Muội Người nghèo điều hành với lòng hiếu khách và nhân từ. Đức hồng y nói rằng chúng ta không bao giờ có thể cám ơn các tu sĩ nam nữ cho đủ vì đời sống phục vụ của họ. Ngài nhắc rằng qua sự phục vụ họ đã đưa Chúa Kitô đến với người dân và làm “điều lớn lao cũng như điều bé nhỏ” cho người khác.

ĐHY Donald W. Wuerl, hiện là Giám mục Washington cũng cám ơn các cộng đoàn tu sĩ, không chỉ về việc giáo dục các thế hệ học sinh biết đọc biết viết, dạy họ phân biệt tốt xấu, nhưng còn thành lập những trường học, bệnh viện và cơ sở bác ái Công giáo đầu tiên trong các cộng đoàn trên toàn quốc.

Nữ tu Kathleen Lunsmann dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria và là chủ tịch SOAR, cám ơn moi người đã trợ giúp cho hoạt động của nhóm. Sơ cho biết, trong năm 2017, SOAR đã giúp 1,2 triệu đô la cho 70 cộng đoàn dòng tu khắp Hoa kỳ, để sửa chữa các hệ thống báo cháy, nhà tắm và mua các giường đặc biệt cho các tu sĩ cao niên. Sơ chia sẻ: “Hơn bao giờ hết, các dòng tu nam nữ hiện nay thật sự cần sự giúp đõ của chúng ta trong việc chăm sóc cho các tu  sĩ cao niên." Sau các trận bão Harvey, Irma and Maria vừa qua, SOAR cũng giúp 45000 đô la cứu trợ khẩn cấp cho các dòng trong vùng bị thiệt hại vì thiên tai.

Jane Sullivan Roberts, đối tác của một công ty luật ở Washington được trao giải thưởng thánh Elizabeth Seton – giải thưởng trao cho những người nổi bật về vai trò lãnh đạo và quảng đại trong cộng đoàn Công giáo theo tinh thần của thánh Elizabeth. Roberts kể rằng chính mình cũng được các nữ tu dòng Dâng mình ở tiểu học và học trung học ở trường các nữ tu dòng Thương xót. Các nữ tu đã dạy Roberts cách cầu nguyện và suy nghĩ. Các nữ tu gieo trồng các chân lý vững chắc, Thiên Chúa tốt lành và yêu bà và có kế hoạch cho đời bà và chúng ta đều là con Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Robert lưu ý rằng các tu sĩ nam nữ đã làm việc với một khoản trợ cấp và bây giờ chi phí cho hưu dưỡng và chăm sóc sức khỏe gia tăng, do đó chúng ta cần phổ biến sự việc là bây giờ đến lượt chúng ta giúp đỡ họ. (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Ý nghĩa các vết sẹo

Ý nghĩa các vết sẹo

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại.Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại. Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1.  Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần.Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

2.  Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

Chàng trai ngac nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

Chàng trai thắc mắc:

– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn…

3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh.Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.

Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh!

Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, "chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?".

Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.

Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, "Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người".

Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: "Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ."

Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.

LM GIUSE Nguyễn Hữu An

Thanh tẩy

Thanh tẩy

Đền thờ Giêrusalem đầu tiên được vua Salomon xây dựng rất đồ xộ, vĩ đại và cũng rất nguy nga, tráng lệ, đây là một công trình quý giá vào bậc nhất thời bấy giờ, phải huy động mỗi ngày cả trăm ngàn công nhân và bảy năm mới hoàn thành, đền thờ này đứng vững được 400 năm thì bị Nabucô, vua nước Babylon phá hủy vào năm 587 trước Công nguyên. Sau thời gian lưu đầy Babylon, Giôrôbaben kiến thiết lại đền thờ, nhưng thô sơ thôi. Đến thời Hêrôđê đại vương, ông cho trùng tu lại toàn bộ đền thờ, rất vĩ đại và nguy nga lộng lẫy, mỗi ngày có 18,000 thợ làm việc, không thể ước tính được số kinh phí, khởi công từ năm 20 trước Công nguyên mãi đến năm 63 sau Công nguyên mới xong, đền thờ này cũng bị tàn phá bình địa vào năm 70 do tướng Titô của Rôma tấn công.

Đền thờ rất vĩ đại, chia ra từng khu cho từng loại người: ngoài cùng là khu dành cho người ngoại giáo đến tham quan đền thờ, rồi đến khu dành cho phụ nữ, rồi đến khu dành cho nam giới, khu thiêu sinh các của lễ, khu dành cho tư tế, rồi đến bàn thờ dâng hương, trong cùng là nơi cực thánh, đặt hòm bia 10 điều răn, tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa ở đây.

Đối với người Do Thái, đền thờ là trung tâm tôn giáo của dân tộc, vừa cụ thể hóa sự hiện diện uy nghiêm của Thiên Chúa vừa chính thức hóa việc phụng tự của cả dân tộc, bởi đó, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho muôn dân, và không ngừng mang tính chất linh thiêng thánh thiện. Nhưng dần đà người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc, dĩ nhiên với lý do tốt đẹp bên ngoài là để phục vụ việc tế tự. Quang cảnh ấy đã làm Chúa Giêsu khó chịu, nổi giận, Ngài yêu cầu mọi người trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng phải có.

Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán và trao đổi tiền bạc ở đền thờ Giêrusalem, hành động này của Chúa được gọi là hành động thanh tẩy đền thờ, nhưng làm cho giới lãnh đạo Do Thái giáo khó chịu và hạch hỏi Chúa, nhân cơ hội này Chúa dạy bảo cho họ biết một điều rất quan trọng về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Từ khi lên 12 tuổi và suốt thời gian ẩn dật, hàng năm Chúa Giêsu đều lên đền thờ Giêrusalem dự lễ, tại sao Ngài không đuổi những người buôn bán trong đền thờ mà lại làm bây giờ, khi sắp kết thúc cuộc đời trần gian của Ngài? Vì bây giờ Ngài vào nhà Thiên Chúa không phải với tư cách một người hành hương nhưng với tư thế của một Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Ngài vào đó và chính thức can thiệp với tư cách quản lý và chủ nhân. Dĩ nhiên trong những lần hành hương trước, chắc chắn Chúa Giêsu đã lấy làm chướng tai gai mắt cái cảnh buôn bán, biến nơi cầu nguyện thành chợ búa, ồn ào, thành hang trộm cướp, bây giờ chính thức lãnh lấy trách nhiệm chu toàn công việc của Chúa Cha, Ngài phải chấm dứt ngay cảnh lộn xộn đó. Lòng nhiệt thành vì Cha đã khiến Ngài dùng mọi phương thế hữu hiệu nhất để thanh tẩy đền thờ, Ngài không sợ nguy hiểm khi phải ra tay dẹp loạn hầu thể hiện thánh ý Chúa Cha là đền thờ phải là nơi tôn nghiêm, thánh thiện.

Hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho các trưởng tế khó chịu, bực tức, họ cho Ngài là một kẻ phản động, vì Ngài không có chức tư tế, cũng chẳng có nhiệm vụ nào trong đền thờ. Chúa Giêsu đã kết án cách tổ chức của các trưởng tế và gán cho mình một uy quyền trên họ, Ngài đã bãi bỏ việc phụng tự do Thiên Chúa thiết lập, và còn gán cho mình có quyền bằng Thiên Chúa, Đấng mà Ngài gọi là Cha, nếu vậy thì phải làm một phép lạ từ trời, nghĩa là từ Thiên Chúa để làm bằng chứng, vậy Chúa Giêsu đã làm phép lạ nào?

Chúa trả lời: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Các người Do Thái đã nghĩ ngay đến đền thờ bằng gạch đá, nhưng Chúa Giêsu không có ý nói đến đền thờ bằng gạch đá mà là đền thờ thân thể Ngài. Nghe Chúa nói thế, các trưởng tế tỏ vẻ khó chịu ra mặt, họ biết đền thờ đã được vua Hêrôđê sửa sang, xây dựng mất 46 năm mới xong, thế mà bây giờ Chúa bảo phá hủy đi và xây dựng lại chỉ trong ba ngày, họ không tin lời Chúa nói mà còn cho là Chúa phạm thượng, nên khi Chúa bị đưa ra tòa xét xử, họ đã đưa điều này ra để tố cáo Chúa. Thật ra ở đây Chúa muốn báo trước cho mọi người biết: Ngài sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, Ngài dùng đền thờ làm hình ảnh để nói về thân thể Ngài là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, lời tiên báo của Chúa đã xảy ra đúng như vậy.

Mỗi người chúng ta đều là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị, nhưng có thể Thiên Chúa đã mất chỗ, nghĩa là tội lỗi đã chiếm mất chỗ của Chúa, vậy chúng ta phải trả lại chỗ cho Chúa bằng việc tẩy trừ tội lỗi. Chúa muốn chúng ta sống hiên ngang như đền thờ Giêrusalem, Chúa muốn chúng ta sống tự do độc lập hoàn toàn với tội lỗi, bởi vì phạm bất cứ tội gì, có tính hư tật xấu nào, mắc một đam mê nào là chúng ta làm nô lệ cho những thứ đó, như Chúa Giêsu đã nói: “Ai phạm tội là nô lệ cho tội”. Muốn độc lập với tội lỗi chúng ta phải đến với Chúa Giêsu, ăn năn sám hối, xin Chúa tha thứ, để được sống trong tự do của con cái Chúa.

Sưu tầm