Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Đức Giáo hoàng gửi thư cám ơn một thương binh người Colombia

Bogota, Colombia – Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư viết tay để cám ơn Edwin Restrepo, một lính thủy quân lục chiến người Colombia đã về hưu vì bị thương tật trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm Colombia hồi tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã gặp anh Restrepo tại sân bay Catam, khi ngài chào các người lính và các sĩ quan cảnh sát bị tàn phế trong cuộc chiến. Khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua Restrepo, anh đã cúi đầu về phía trước để xin ngài chúc lành. Đức Giáo hoàng muốn tặng cho cho người thương binh trẻ chiếc mũ “chỏm” trắng của ngài. Đức Giáo hoàng đã tặng cho anh một tràng hạt Mân côi. Để đáp lại thiện ý của Đức Giáo hoàng, Restrepo nói với ngài anh muốn tặng ngài một thứ gì biểu trưng cho quân đội và anh đã tặng cho ngài chiếc mũ lưỡi trai lính của anh mà anh nghĩ là thứ tốt nhất.

Hôm 18 tháng 10, Đức giáo hoàng đã viết thư cám ơn người thương binh trẻ và đảm bảo rằng ngài cầu nguyện cho tất cả những người đã và đang hy sinh mạng sống vì hòa bình của quốc gia và vì nhân dân. Hôm thứ 5, 09/11, lá thư của Đức giáo hoàng đã được Đức cha Fabio Suescún Mutis, Giám mục Castrense và giám đốc chuyến viếng thăm Colombia của Đức giáo hoàng, trao cho anh lính và đọc. Lá thư cũng được Hội đồng Giám mục Colombia công bố.

Trong thư Đức giáo hoàng nói với Restrepo rằng ngài mang chiếc mũ lưỡi trai lính của anh trong suốt hành trình ở Colombia, vì nó nhắc ngài về sự hy sinh và lòng yêu nước của các quân nhân Colombia, những người đã chiến đấu trong cuộc chiến vừa kết thúc với các chiến binh Mác-xít. Đức giáo hoàng cho biết hiện nay ngài giữ chiếc mũ trên một bàn thờ trong văn phòng nhỏ của ngài ở Roma. Ngài cho biết ngài thường cầu nguyện ở đó. Và mỗi khi cầu nguyện, ngài cầu nguyện cho Restrepo, cho các đồng đội đã hy sinh và bị thương của anh.

Restrepo ngạc nhiên về việc làm của Đức giáo hoàng, đặc biệt vì anh chưa bao giờ nói với ngài tên của anh. Anh không bao giờ nghĩ đến điều này. Đối với anh, đó là một trong những hành động đẹp nhất mà anh trải nghiệm. Anh cho biết mình sẽ giữ lá thư của Đức giáo hoàng trong một tấm khung và đặt nó trong văn phòng nhỏ của anh, cạnh chuỗi tràng hạt Đức giáo hoàng tặng cho anh.

Restrepo bị mất chân trái, một phần của tay phải và thị lực vào năm 2004, khi anh đạp trúng một quả mìn chống người trong cuộc hành quân ở vùng nông thôn Colombia. Khi đó anh chỉ mới 19 tuổi và đang hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù bị mù, hiện nay Restrepo đọc bằng chữ Braille dành cho người khiếm thị và đang hoàn thành chứng chỉ luật. Anh nói: Tôi muốn tiếp tục giúp đỡ những thành viên của quân đội chúng tôi. Có nhiều người không được lãnh lương hưu trí thích hợp và tôi muốn tranh đấu nhân danh họ.” (CNS 10/11/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

Đức Thánh Cha kêu gọi các GM Colombia đẩy mạnh hòa giải

BOGOTÀ. Trong cuộc gặp gỡ 130 vị thuộc HĐGM Colombia, ĐTC khích lệ các GM đẩy mạnh tiến trình hòa giải và tha thứ tại nước này, gia tăng hiệp nhất và quan tâm tới người da đen, bảo vệ vùng Amazzonia.

Cuộc gặp gỡ các vị chủ chăn của 78 giáo phận ở Colombia diễn ra lúc quá 11 giờ trưa tại dinh Hồng Y, cạnh nhà thờ chính tòa Bogotà.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Rubén nói rằng: ”Đất nước chúng con đang chiến đấu để để lại đằng sau một lịch sử bạo lực, gieo chết chóc trong mấy thập niên qua, nhưng tiến trình xây dựng hòa bình cũng đã trở thành một nguồn sinh ra những lập trường chính trị cực đoan, hằng ngày gieo rắc chia rẽ, xung đột và gây hoang mang lạc hướng cho nhiều ngừơi. Chúng con là một quốc gia mang đậm những chênh lệch và bất công, đòi phải có những thay đổi sâu rộng trong mọi lãnh vực xã hội, nhưng dường như nhân dân đất nước chúng con không muốn trả giá cần thiết để đạt tới những điều đó”.

Tiếp lời ĐHY, cả Đức Cha Óscar Urbina Ortega, Chủ tịch HĐGM Colombia và cũng là TGM giáo phận Villavicencio, nhân danh các GM chào mừng ĐTC.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ dài 9 trang, ĐTC lần lượt đề cập đến nhiều khía cạnh của Colombia. Ngài trưng dẫn lời một tác giả nổi danh của nước này, Ông Gabriel Garcia Marquez, nói rằng “Bắt đầu một cuộc chiến tranh thì dễ dàng hơn là chấm dứt nó”, và để được như vậy, Colombia cũng cần những Giám Mục là những mục tử, chứ không phải là chính trị gia.

ĐTC cảnh giác các GM và LM đừng can dự vào những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái về chính trị. Cần phải chống lại cám dỗ ấy. Đất nước này đang cần những mục tử, cần các thừa tác viên biết tường tận những vết thương và cần kinh nghiệm chữa lành và tha thứ. Colombia đang cần anh em để cho thấy khuôn mặt đích thực của đất nước, đầy hy vọng mặc dù có những bất toàn. Colombia đang cần sự giúp đỡ của Giáo Hội, để có thể dấn thân vào sự tha thứ cho nhau, mặc dù các vết thương chưa bình phục. Vì thế cần đi vào một con đường khác, dù rằng sức mạnh của thói quen tạo nên những sai lầm.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC nhấn mạnh rằng Giáo Hội không cần những ân huệ đặc biệt từ phía các chính trị gia, Giáo Hội chỉ cần tự do để lên tiếng và phục vụ. Ngài nhấn mạnh thêm rằng Giáo hội cũng cần có sự hiệp nhất, đoàn kết nội bộ. Vì thế, anh em hãy tiếp tục tìm kiếm sự hiệp thông với nhau, đừng bao giờ mệt mọi trong việc kiến tạo tình hiệp thông ấy, qua cuộc đối thoại chân thành và huynh đệ, tránh những kế hoạch kín đáo như tránh tai ương.

ĐTC cho biết ngài không có công thức và không để lại một ”danh sách các bài tập” cần làm, nhưng ngài xin các GM Colombia hai điều: một là quan tâm nhiều hơn tới những người gốc Phi châu trong số các tin hữu của anh em, hai là chứng tỏ nhiều hơn mối quan tâm của Giáo Hội đối với vùng Amazzonia ở miền nam Colombia. Vùng này giữ một vai trò thiết yếu trong đặc tính khác biệt nhau về sinh vật và cây cối của Colombia. Hãy bảo vệ vùng này như một trắc nghiệm chứng tỏ xã hội chúng ta có khả năng bảo tồn những gì mình đã nhận lãnh hay không, đứng trước một xã hội quá nhiều khi trở thành nạn nhân của chủ nghĩa duy vật và duy thực tiễn.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã lần lượt bắt tay chào tất cả 130 GM hiện diện, rồi lên xe mui trần trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó hơn 6 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội và đất nước Colombia

Giáo Hội và đất nước Colombia

Thứ tư mùng 6 tháng 9 ĐTC Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ Colombia cho tới ngày 11 tới đây.  Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm mục vụ Colombia.

Trong sứ điệp Video gửi nhân dân Colombia nhân chuyến viếng thăm này ĐTC Phanxicô khẳng định rằng ngài đến Colombia như người hành hương hy vọng và hoà bình, để cùng họ cử hành niềm tin nơi Chúa và cũng để học nơi lòng bác ái và sự kiên trì của họ trong nỗ lực tìm kiếm hoà bình và hoà hợp.

ĐTC cám ơn tổng thống và HĐGM Colombia đã mời ngài viếng thăm nhân dân và đất nước này. Ngài cũng cám ơn từng người dân Colombia tiếp đón ngài trong con tim và tất cả những ai đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này.

Nhắc lại khẩu hiệu của chuyến công du là “Chúng ta hãy đi bước đầu tiên” ĐTC nói nó nhắc nhở cho mọi người biết rằng cần luôn luôn đi bước đầu tiên cho bất cứ sinh hoạt và dự án nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta hãy là những người đầu tiên yêu thương, xây dưng các cây cầu và tạo dựng tình huynh đệ.  Đi bước đầu tiên khích lệ chúng ta đi ra để gặp gỡ tha nhân, giang tay ra cho họ, và trao đổi dấu chỉ hoà bình. Hoà bình là điều Colombia đang tìm kiếm và làm việc từ bao lâu nay để đạt được nó. Một nền hoà bình ổn định, lâu dài để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh em, chứ không phải như kẻ thù. Hoà bình nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta tất cả đều là con cái của cùng một Cha, là Đấng yêu thương chúng ta và an ủi chúng ta. Tôi hân hạnh viếng thăm vùng đất giầu lịch sử, văn hoá, đức tin, các người nam nữ đã cương quyết và kiên trì làm việc để khiến cho nó trở thành một nơi, trong đó ngự trị sự hoà hợp và tình huynh đệ, trong đó Tin Mừng được nhận biết và yêu mến, trong đó nói anh chị em không phải là một dấu chỉ xa lạ nhưng một kho tàng đích thực cần che chở và bênh vực. Thế giới ngày nay cần có các cố vấn của hoà bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được mời gọi cho nhiệm vụ này, để thăng tiến sự hoà giải với Chúa và với các anh em, nhưng cũng hoà giải với môi sinh, là một công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách rừng rú.

Ước chi chuyến viếng thăm này giống như một vòng tay ôm huynh đệ cho từng người trong anh chị em, và ước chi anh chị em cảm nhận được sự ủi an và hiền dịu của Chúa.

Anh chị em Colombia thân mến, tôi ước mong sống các ngày này với anh chị em với tâm hồn tươi vui, với lòng biết ơn Chúa. Tôi ôm anh chị em trong vòng tay với lòng trìu mến, và tôi xin Chúa chúc lành cho anh chị em, che chở đất nước của anh chị em và ban hoà bình cho nó. Và tôi xin Mẹ chúng ta là Trinh Nữ Thánh lo lắng cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

** Như đã nói, ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Colombia. Vị đầu tiên là ĐGH Phaolo VI công du Colombia trong các ngày tử 22 tới 25 tháng 8 năm 1968. Đã có nhiều biến cố,trong đó ngoài các cuộc gặp gỡ theo nghi thức, đáng ghi nhớ là lễ truyền chức cho 200 Linh mục và Phó tế, thánh lễ cho nông dân, khánh thành Hội nghị khoáng đại của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM và làm phép trụ sở CELAM. Ngoài ra Đức Phaolô VI cũng đã gặp gỡ các vị đại diện các Giáo Hội Kitô và cộng đoàn Do thái.

Vị thứ hai là ĐGH Gioan Phaolô II công du Colombia trong các ngày từ mùng 1 tới mùng 8 tháng 7 năm  1986. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm các thành phố Bogota, Chiquinquirá, Cali, Tumaco, Popayan, Pereira, Chinchiná, Medellin, Armero, Lerida, Bucaramanga, Cartegena và Barranquilla. Đã có khoảng 30 biến cố trong đó có lễ nghi thánh hiến dân nước Colombia cho Đức Mẹ, các cuộc gặp gỡ với dân nghèo các khu xóm ổ chuột tại Bogota và Medellin, với Hội nghị các tu sĩ châu Mỹ Latinh, với các Giám Mục Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM, với các thổ dân, viếng mộ thánh Pietro Claver và sứ điệp gửi các tù nhân toàn nước qua Radio.

Vị  Giáo Hoàng thứ ba thăm Colombia  là ĐTC Phanxicô. Trong ngày đầu ĐTC sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính trị xã hội và HĐGM Colombia cũng như Ban thường vụ của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh gọi tắt là CELAM, rồi chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại Công viên Simon Bolivar trong thủ đô Bogotá.

Thứ sáu mùng 8 ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Villavicencio cách thủ đô Bogotà 94 cây số và chủ sự Thánh Lễ phong Chân Phước cho hai vị Tôi tớ Chúa là Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca, và Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận tại khu đất trống Catama bên ngoài thành phố Villavicencio. Vào ban chiều ĐTC sẽ chủ toạ cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia  và kính viếng Thánh Giá Hoà Giải tại công viên các vị lập quốc, nơi có bảng tổng kết số các nạn nhân bị bắt cóc, bị sát hại hay chết vì mìn chống người trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới năm 2016.

Thứ bẩy mùng 9 ĐTC sẽ đi thăm tổng giáo  phận Medellin cách thủ đô Bogotà 215 cây số, và sẽ chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Ban chiều ngài sẽ thăm các trẻ em tàn tật tại nhà gia đình Hogar San Jose truớc khi đến trung tâm Macarena để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh  và các gia đình của họ.

Chúa Nhật ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Cartagena, làm phép các viên đá xây nhà cho người không nhà và trung tâm Talita Kum lo cho các nạn nhân nạn buôn người. Buổi trưa ĐTC đọc kinh Truyền Tin gần nhà thờ thánh Pietro Claver thăm đền thánh. Vào ban chiều ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu trong khu vực hải cảng Contecar, trước khi từ giã Colombia để về Roma.

** Colombia rộng hơn 1 triệu 130 ngàn cây số vuông có hơn 48 triệu dân, 93.9% theo công giáo. Giáo Hội có 78 giáo phận, 4,397 giáo xứ và 2,769 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 128 Giám Mục, 7,236 Linh Mục giáo phận, 2,324 linh mục dòng, 593 Phó tế  vĩnh viễn, 3,416 đại chủng sinh, 1,058 tu huynh, 13,874 nữ tu, 369 thành viên các tu hội đời, 33,358 thừa sai giáo dân, 55.376 giáo lý viên. Tính bình quân mỗi linh mục phải trông coi khoảng hơn 4,700 giáo dân. Giáo Hội cũng có 4.167 trung tâm giáo dục tổng cộng có  gần 1.7 triệu học sinh sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điểu khiển 1,762 trung tâm bác ái xã hội.

Trước khi người Tây Ban Nha tới đô hộ, Colombia là vùng đất của thổ dân Muisca chuyên sống về nghề nông. Người thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân lên đất Colombia năm 1499 là ông Alonso de Ojeda. Thành phố đầu tiên được thành lập năm 1525 là Santa Marta. Tiếp theo đó là thành phố Cartagena năm 1533 và Santa Fe de Bogotà năm 1538.

Sau khi người Muisca bị thua trận vùng này được gọi là Vương quốc mới của Granada và tuỳ thuộc phó vương quốc Peru bao gồm nước Colombia hiện nay, Venezuela, Ecuador và Panamá. Trong các năm 1717-1739 Phó vương quốc Granada được thành lập, tách rời khỏi Phó vương quốc Perù.  Năm 1781 xảy ra cuộc nổi loạn đầu tiên chống người Tây Ban Nha tại miền bắc  Colombia, nhưng bị đàn áp đẫm máu. Tháng 8 năm 1819 người Tây Ban Nha thua trận tại Boyacá. Tháng 12 cùng năm Simón Bolivar anh hùng của nền độc lập tiến vào Bogota và thành lập cộng hoà Colombia vĩ đại. Nhưng tên gọi và cấu trúc như hiện nay đã chỉ có từ năm 1886.

Cuộc sống chính trị tại Colombia đã bị ghi dấu từ lâu đời bởi sự đụng độ giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ và từ thập niên 1960 Colombia đã lâm cảnh nội chiến giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia viết tắt là FARC và Quân đội giải phóng quốc gia viết tắt là ELN. Thêm vào đó còn có các nhóm dân quân cực hữu thuộc lực lượng Tự vệ thống nhất Colombia viết tắt là AUC, bị giải tán sau các thoả hiệp với chính quyền năm 2005.

Ngày 23 tháng 6 năm 2016 sau gần 4 năm thương thuyết và sau các thất bại hồi thập niên 1980 và 1990 thoả hiệp hoà bình đã được ký kết tại La Habana thủ đô Cuba, chấm dứt 52 năm nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng FARC.

Linh Tiến Khải

 

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

ROMA. Chiều tối ngày 5-9-2017, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để xin ơn phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm ngài thực hiện từ 6 đến hết 10-9-2017 tại Colombia.

ĐTC đã cầu nguyện và dâng hoa trên bàn thờ có ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma. Đây là lần thứ 51 ngài thực hiện cử chỉ này, kể từ sáng ngày 14-3 năm 2013 tức là hôm sau ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Thói quen này ngài vẫn giữ trước và sau mỗi biến cố quan trọng.

Theo dự kiến, ĐTC sẽ trở lại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa ngày 12-9 tới đây sau khi từ Colombia về Roma, để cảm tạ Đức Mẹ vì chuyến viếng thăm.

Cầu nguyện tại Bogotà

Cũng liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC: tối ngày 5-9-2017, hơn 100 bạn trẻ Công Giáo đã tụ tập tại trung tâm thủ đô Bogotà để cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài.

Trong khi đó một hình khổng lồ của ĐGH được làm bằng những ngòn đèn Led trên mặt tiền của một nhà chọc trời gần đó.

Ký giả hãng thông tấn EFE của Tây Ban nha ở Bogotà kể lại rằng bầu không khí chờ đợi ĐTC Phanxicô đến đây được người ta cảm thấy ở mọi góc đường phố thủ đô.

Anh Andre Garzón, một trong các tham dự viên nói: ”chúng tôi cầu nguyện theo những đề tài chính sẽ được ĐTC đề cập tới trong các bài diễn văn, đó là, gia đình, sự sống, hòa giải, ơn gọi linh mục tu sĩ, và các quyền con người. Các đề tài đó và toàn thể các buổi lễ diễn ra trong thời điểm lịch sử hiện nay của đất nước Colombia, trong đó tất cả người dân Colombia cần tái gặp gỡ Chúa Kitô và canh tân đức tin”.

ĐTC giã từ Roma khoảng 11 giờ ngày 6-9 và dự kiến tại Bogotà lúc 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương, sau chuyến bay dài 12 giờ 30 phút, vượt qua không gian 9.825 cây số (REI, EFE 5-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

VATICAN. ĐTC kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Lời kêu gọi trên đây được ĐTC đưa ra trong sứ điệp Video gửi toàn dân Colombia phổ biến hôm 4-9-2017, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ngài tại nước này từ ngày mai, mùng 6 đến hết mùng 10-9 tới đây.

Sau khi cám ơn tổng thống, các GM và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là ”Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

”Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

”Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Hôm 31-8-2017, Đức Ông Fabio Suescún Mutis, trưởng ban tổ chức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia, đã tuyên bố với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh rằng: ”Colombia đã sẵn sàng đón tiếp ĐTC Phanxicô. Tôi rất vui mừng có thể nói các thành phố liên hệ đã hoàn tất các khía cạnh tổ chức và chỉ còn thiếu vài chi tiết nhỏ. Đối với chúng tôi đây là thời điểm hồng phúc làm cho chúng tôi mơ ước có thể biến đổi sâu rộng đất nước của chúng tôi và đi bước đầu tiến về tương lai. ĐTC là một nhà thừa sai về hòa giải và chúng tôi đang chuẩn bị cởi mở tâm hồn. Sự hiện diện của ngài sẽ giúp chúng tôi khám phá rằng chúng tôi có thể đoàn kết với nhau như một quốc gia và tái nhìn nhau với đôi mắt hy vọng và từ bi thương xót”. (Rei 4-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

VATICAN. Hôm 23-6-2016, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia vào thượng tuần tháng 9 tới đây.

– Ngài sẽ rời Roma sáng thứ tư, 6-9, lúc 11 giờ sáng và đến khu vực quân sự (Catam) thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày. Sau nghi thức tiếp đón, ngài về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

– Lúc 9 giờ sáng hôm sau, thứ năm, 7-9, ĐTC sẽ gặp chính quyền và viếng thăm tổng thống Colombia, sau đó, ngài sẽ viếng Nhà Thờ chính tòa lúc 10 giờ 20, trước khi lên bao lơn của dinh Hồng Y để chào thăm và ban phép lành cho các tín hữu, trước khi gặp các GM Colombia cũng tại dinh này.

Ban chiều, lúc 3 giờ, ĐTC sẽ gặp Ban Lãnh Đạo Liên HĐGM Mỹ châu la tinh (Celam) rồi đến công viên Simon Bolivar để cử hành thánh lễ cho các tín hữu vào lúc 4 giờ rưỡi.

– Sáng thứ sáu, 8-9, ĐTC sẽ đáp máy bay đến Villavicencio cách đó 40 phút bay, để cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 9 giờ rưỡi tại căn cứ không quân Apiay.

Ban chiều lúc gần 4 giờ, ngài sẽ chủ sự cuộc gặp gỡ lớn tại Công viên Las Malocas, để cầu nguyện cho sự hòa giải đất nước Colombia sau nửa thế kỷ nội chiến. Sau thánh lễ, ngài sẽ dừng lại tại Thánh Giá hòa giải tại Công viên các vị lập quốc, rồi bay trở về thủ đô Bogotà.

– Sáng thứ bẩy, 9-9, ĐTC sẽ viếng thăm Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia, và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ 15 tại Sân Bay Enrique Olaya Herrera của thành phố này. Ban chiều lúc 3 giờ, ngài sẽ viếng thăm Nhà dưỡng lão Thánh Giuse, trước khi gặp các LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và gia đình họ tại Sân vận động La Macarena vào lúc 4 giờ, rồi trở lại thủ đô.

-Chúa nhật 10-9, ĐTC sẽ viếng thăm thành phố cảng Cartegena cách Bogotà 90 phút bay. Lúc 10 giờ rưỡi, tại Quảng trường Thánh Phanxicô Assisi, ngài sẽ làm phép viên đá đầu tiên để xây các nhà cho những người vô gia cư, và Trung tâm ”Talitha Qum”, con hãy trỗi dậy, chuyên nâng đỡ các nạn nhân nạn buôn người. Lúc 12 giờ trưa, ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin trước nhà thờ thánh Phêrô Claver, rồi viếng Đền thánh tại đây.

Ban chiều, ngài đáp trực thăng đến khu cảng Contecar để cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 4 giờ rưỡi. Sau đó lúc 7 giờ có nghi thức tiễn biệt ĐTC tại phi trường thành Cartegena trước khi ngài lên đường trở về Roma, dự kiến vào lúc gần 1 giờ trưa tại phi trường Ciampino.

Tổng cộng trong chuyến đi này, cũng là lần thứ 5 viếng thăm Mỹ châu la tinh, ĐTC sẽ di chuyển gần 21,200 cây số, trong đó có 1,530 cây số trong nội địa Colombia. Ngài sẽ đọc 5 diễn văn, 4 bài giảng, 2 lời chào và một kinh Truyền Tin. (SD 23-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 8-6-2017, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 6 vị thuộc Ban Chủ tịch HĐGM Venezuela theo lời thỉnh cầu của chính các vị lãnh đạo của Hội đồng này.

Tham dự buổi tiếp kiến này có Đức TGM Chủ tịch Diego Padrón, hai Đức Cha Phó Chủ tịch và Đức Cha Tổng thư ký. Ngoài ra có hai vị Hồng Y người Venezuela là Jorge Urosa Savino, và Baltazar Porras.

Các GM đã trao đối với ĐTC về tình hình khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngày gặp gỡ với ĐTC, ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM giáo phận thủ đô Caracas của Venezuela tố giác rằng tổng thống Nicolas Maduro lèo lái hình ảnh của ĐTC, ông muốn ”trình bày ĐHY như người bạn của chính phủ Venezuela, nhưng các GM chúng tôi muốn loại bỏ sự lèo lái này, để chứng tỏ rằng chúng tôi đứng về phía nhân dân Venezuela đang chịu đau khổ rất nhiều và chúng tôi đoàn kết với ĐTC”.

Theo ĐHY Savino, tổng thống Maduro đã mất hậu thuẫn của nhân dân, vì thế ông đề ra dự án cải tổ hiến pháp để thiết lập một chế độ độc tài, cộng sản, duy vật và quân phiệt”, trái ngược với quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo nhất”.

ĐHY cũng khẳng định rằng ”con đường để ra khỏi tình trạng chính trị hiện nay ở Venezuela vẫn là những phương thế đã được ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đề ra hồi tháng 12 năm ngoái, đó là thiết lập con kênh nhân đạo cho lương thực và thuốc men, trả lại quyền cho quốc hội, trả tự do cho các tù nhân chính trị, lập lịch trình bầu cử dân chủ. ”Cộng đồng quốc tế phải hiểu và thấy rõ tình trạng ở Venezuela mỗi ngày trở nên trầm trọng hơn, bạo lực hơn, nơi mà dân chúng chết vì đói. Quốc tế cần phải làm cho chính phủ Venezuela hiểu rằng chính phủ phải giải quyết những vấn đề hiện nay nếu không thì phải từ nhiệm và ấn định cuộc bầu cử để đất nước có một tổng thống mới' (Ansa 7-6-2017)

Liên đới

Mặt khác, hãng tin Fides của Bộ truyền giáo cho biết: Giáo phận Cúcuta ở Colombia, đã mở một ”nhà qua đường” từ ngày 5-6 vừa qua để giúp đỡ những người dân Venezuela ở biên giới đến tìm lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.

Nhà qua đường này được gọi là ”Nhà Chúa Quan Phòng” nhắm giúp đỡ hàng ngàn người dân Venezuela đi qua biên giới vào Colombia láng giềng để tìm kiếm trợ giúp, trước tình hoảng trầm trọng của đất nước về mặt xã hội, chính trị và kinh tế.

Nhà Chúa Quan Phòng tọa lạc gần giáo xứ thánh Phêrô Tông Đồ, ở vùng La Parada, có diện tích hơn 1,500 mét vuông, được sự hỗ trợ của các phong trào tông đồ, các cộng đoàn giáo xứ, đại học và những người thiện chí. Nhà này có thể tiếp đón mỗi ngày khoảng 500 người đến tìm lương thực, và cả những trợ giúp về tinh thần và mục vụ.

Đức Cha Victor Manuel Ochoa Cadavid, GM giáo phận Cúcuta sở tại, cho biết hoạt động bác ái này có thể tiến hành được nhờ tình liên đới của dân chúng ở vùng biên giới giữa Colombia và Venezuela.

Venezuela đang bị thiếu thốn lương thực trầm trọng, ảnh hưởng với hơn 80% sản phẩm tại nước này, theo phúc trình mới nhất của Caritas địa phương. 11% các trẻ em Venezuela đang chịu tình trạng suy dinh dưỡng (Fides 7-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Giám mục của Mocoa kêu gọi cứu giúp dân chúng nạn nhân vụ sạt lở đất

Giám mục của Mocoa kêu gọi cứu giúp dân chúng nạn nhân vụ sạt lở đất

Mocoa, Colombia – Đức cha Luis Albeiro Maldonado Monsalve của Mocoa-Sibundoy đã kêu gọi mọi người tương trợ cứu giúp cho cư dân trong vùng trong thời khắc khó khăn.

Hôm sáng sớm ngày 01/04, đất lở đã cuốn trôi Mocoa khi 3 con sông chảy qua thành phố dâng tràn sau cơn mưa xối xả. Ít nhất 254 người đã thiệt mạng trong thảm họa thiên nhiên, và hàng trăm người khác bị thương.

Đức cha Maldonado mô tả tình cảnh phức tạp và hỗn loạn và kêu gọi cứu trợ nhân đạo cho dân chúng trong thành phố Mocoa.

Trong lời kêu gọi cứu trợ đăng trên trang web của Hội đồng Giám mục Colombia, Đức cha Maldonado lưu ý đến những nhu cầu khẩn thiết như nước, thực phẩm và chăn nệm.

Các Giám mục Colombia cũng kêu gọi cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người bị mất nhà cửa vì lũ lụt. Giáo hội đã thành lập một ủy ban để chăm sóc, lắng nghe và đồng hành với các nạn nhân của vụ sạt lở đất.

Cứu trợ được thực hiện bằng trực thăng vì các con đường dẫn đến Mocoa bị hư hại.

Hôm Chúa nhật, trước giờ đọc Kinh Truyền tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bảy tỏ sự đau buồn sâu xa vì thảm họa. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và chắc chắn gần gũi với những người đang than khóc về cái chết của những người thân yêu, và cám ơn những người đang nỗ lực để trợ giúp họ.” (CNA 03/04/2017)

Hồng Thủy

 

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

Một giáo dân bị giết ngay trong Thánh lễ ở Colombia

church-in-colombia

Cali, Colombia – Đức Tổng giám mục Dario de Jesus Monsalve Mejia của Cali đã lên án việc sát hại một tín hữu trong Thánh lễ.

Chiều thứ 3 ngày 22/11 vừa qua, tại giáo xứ thánh Cecilia, khi các giáo dân của khu phố Ciudad Cordoba và các vùng lân cận đang tụ họp để cử hành lễ mừng thánh quan thầy, một người đàn ông đã vào nhà thờ và bắn vào Fernando Padilla, một giáo dân 35 tuổi. Anh Padilla bị giết trong lúc Đức Tổng giám mục đang giảng lễ, chỉ đứng cách anh một khoảng ngắn.

Trong thông tin gửi đến hãng tin Fides, Đức tổng viết: “Lợi dụng việc tụ họp trong các nhà thờ để giết một giáo dân và tạo nên sự hoảng sợ giữa các tín hữu thì vượt quá mọi suy xét của lý trí… Ngay cả sự kính sợ Chúa cũng không cản được sự hoàn toàn coi thường sự sống con người, là điều có gốc rễ trong tâm hồn của phần lớn xã hội Colombia của chúng ta.”

Cách đây hai năm, cũng trong chính nhà thờ này, 2 người đã bị sát hai. Đức Tổng giám mục lúc ấy cũng đã lên án các vụ bạo lực tại những nơi thánh thiêng. (Agenzia Fides 24/11/2016)

Hồng Thủy

ĐHY Parolin kêu gọi tái tạo phẩm giá người nghèo ở Colombia

ĐHY Parolin kêu gọi tái tạo phẩm giá người nghèo ở Colombia

Đức Hồng Y Parolin kêu gọi tái tạo phẩm giá con người ở Colombia

BOGOTÀ. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi nhân dân Colombia, tái tạo phẩm giá những người đau khổ, để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng tại buổi phụng vụ Lời Chúa ở thành Cartagena de Indias, chiều ngày 26-9-2016, nhân dịp ký kết hiệp định hòa bình giữa chính phủ Colombia và phiến quân ”Lực lượng Võ trang cách mạng Colombia”, gọi tắt là FARC. Hiện diện tại buổi lễ có tổng thống, lãnh tụ phiến quân, nhiều vị quốc trưởng, thủ tướng chính phủ và cựu quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha, và 2.500 khách mời, tất cả đều mặc áo trắng.

ĐHY Parolin nhắc đến sự gần gũi của ĐTC Phanxicô, mối quan tâm và khích lệ của ngài đối với tiến trình thương thuyết hòa bình, nhưng không can dự vào những giải pháp kỹ thuật chuyên môn để nhân dân Colombia tự do quyết định về vận mạng và tương lai của mình.

ĐHY Quốc vụ khanh cũng nói đến nghĩa vụ của Colombia bây giờ là thoa dịu nổi đau khổ của bao nhiêu người dân đã chịu tủi nhục và đàn áp vì bạo lực, phải giải trừ oán thù và thay đổi hướng đi lịch sử của mình hầu xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn trong những cơ cấu công chính và vững chắc của mình”.

Ngài nói: ”Phương pháp chắc chắn nhấn để bắt đầu tương lai chính là tái tạo phẩm giá của người đang chịu đau khổ, và để làm như vậy, cần đến gần người đau khổ, không ngại mất thời giờ, đến độ đồng hóa với những người đau khổ. Nói khác đi nền hòa bình mà Colombia đang khao khát đi xa hơn sự thi hành một số cơ cấu hoặc hiệp ước, và qui trọng tâm vào việc tái tạo con người. Thực vậy chính trong những vết thương nơi tâm hồn con người, nơi có những nguyên do sâu xa của cuộc xung đột, đã làm tàn phá đất nước này”.

Cũng trong bài giảng, ĐHY Parolin mời gọi mọi người tín thác nơi Chúa và cầu xin ơn phù trợ của Người: ”Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với các vấn đề hiện nay, và nhất là khả năng đồng hóa với tất cả những người đan chịu đau khổ. Chính vì thế, chúng ta họp nhau nơi đây để cầu nguyện. Chúng ta coi biến cố này như một sự biểu lộ lòng tín thác của chính quyền và tất cả những người theo chúng ta, nơi sức mạnh của lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa”

ĐHY giải thích rằng chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm trong tình liên đới là điều cần thiết để, trong sự thật và công lý, lấp đầy những hố chia cách do bạo lực gây ra”.

Tổng thống Juan Manuel Santos và lãnh tụ FARC ông Rodrigo Echeverri đã ký hòa ước chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu trong 52 năm, làm cho ít nhất 220 ngàn người chết và gần 7 triệu người phải di tản.

Tổng thống Manuel Santos nói rằng: ”Khi chấm dứt cuộc xung đột này, chúng ta kết thúc cuộc xung đột võ trang kỳ cựu nhất ở Tây Bán Cầu. Vì thế miền này và trái đất này vui mừng, vì bớt được một cuộc chiến tranh trên thế giới và đó là chiến tranh Colombia” (SD 27-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Colombia

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Colombia

ĐTC cử hành thánh lễ tại Cuba

LA HABANA. Cuối thánh lễ sáng chúa nhật 20-9-2015 tại La Habana, Cuba, ĐTC Phanxicô đặc biệt kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến từ nửa thế kỷ nay tại Colombia.

 

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh truyền tin với hơn nửa triệu tín hữu tại Quảng trường Cách Mạng, ĐTC đã cám ơn ĐHY Ortega, TGM sở tại, các GM, LM, tu sĩ và giáo dân, ngài cũng chào thăm chủ tịch Nhà Nước và tất cả các quan chức chính quyền hiện diện.

 

ĐTC nhắc đến sự kiện trong Phúc Âm, các môn đệ không hiểu ý tưởng thấy Chúa Giêsu sẽ phải chịu đau khổ trên thập giá, và nhấn mạnh rằng: ”Cả chúng ta cũng bị cám dỗ muốn trốn chạy thập giá của chúng ta, những đau khổ của người khác và xa tránh những người đau khổ. ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria dạy chúng ta ở gần thập giá của người anh em đang chịu đau khổ, học cách nhìn thấy Chúa Giêsu trong mỗi người kiệt lực trên đường đời, trong mỗi người anh em đói khát, bị bóc lột hoặc bị cầm tù, đau yếu.

 

ĐTC cũng nhắc đến đất nước Colombia yêu quí từ bao năm phải chịu cảnh nội chiếm đẫm máu và từ lâu nay có cuộc hòa đàm giữa đại diện chính phủ Colombia và đại diện phiến quân FARC ở Cuba. Ngài nói: ”Ước gì máu của hàng ngàn người vô tội đã đổ ra trong bao thập niên xung đột võ trang, hiệp với máu của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá, nâng đỡ tất cả những nỗ lực đang được thực hiện, kể cả tại hòn đảo tươi đẹp này, để đạt tới sự hòa giải chung kết. Như thế đêm dài của đau khổ và bạo lực, với ý chí của tất cả mọi người dân Colombia, có thể biến thành một ngày không tàn lụi, ngày của hòa hợp, công lý, tình huynh đệ và tình tưhơng, trong niềm tôn trọng các cơ chế và công pháp quốc gia và quốc tế, để hòa bình được lâu bền. Chúng ta không thể để cho có một sự thất bại nữa trong hành trình hòa bình và hòa giải này”.

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha không gặp các lãnh tụ phiến quân Colombia

Đức Thánh Cha không gặp các lãnh tụ phiến quân Colombia

Lãnh tụ phiến quân Colombia

VATICAN. Phó Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, LM Ciro Benedettini, cho biết trong cuộc viếng thăm mục vụ tại Cuba từ ngày 19-9 tới đây, ĐTC sẽ không gặp các lãnh tụ phiến quân tả phái ”Mặt trận võ trang cách mạng Colombia”, gọi tắt là FARC.

Trong những ngày trước đây, các đại diện của phiến quân FARC đã thỉnh cầu được gặp ĐTC tại Cuba và xin Giáo Hội Công Giáo bổ nhiệm một đại biểu thường trực tại các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Colombia và lực lượng FARC.

Từ lâu chính phủ Colombia và phiến quân FARC đã có những cuộc hòa đàm tại Cuba, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt tới một hiệp định chung kết. Hôm 17-8-2015, Ông Ivan Marquez, đại diện lực lượng FARC nói với giới báo chí rằng: ”Chúng tôi muốn nồng nhiệt chào mừng ĐGH Phanxicô và chúng tôi hy vọng được cơ hội này”.

Tuy nhiên, Cha Benedettini nói: ”Dĩ nhiên ĐGH vui mừng hoạt động cho hòa bình và có lẽ ngài sẽ tìm một thời điểm thuận tiện hơn để bày tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với các cuộc hòa đàm Colombia. Tuy nhiên, không có dự trù cuộc gặp gỡ giữa ĐGH và đại diện lực lượng FARC trong cuộc viếng thăm của ngài tại Cuba”.

Phiến quân FARC chiến đấu chống chính phủ Colombia từ 50 năm nay và cuộc xung đột đã làm cho khoảng 220 ngàn người thiệt mạng. (CNS, SD 19-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐTC PHANXICÔ HOÀN TẤT VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN BẢO VỆ TRẺ EM

ĐTC PHANXICÔ HOÀN TẤT VIỆC THÀNH LẬP ỦY BAN BẢO VỆ TRẺ EM

VATICAN: ĐTC Phanxicô đã hoàn tất việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ em với việc chỉ định 17 thành viên trong đó có 8 phụ nữ.

Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã cho biết như trên. Chủ tịch Ủy ban là ĐHY Sean O’Malley. Ngoài ba thành viên ngưòi Mỹ và hai thành viên người Anh, các thành viên khác thuộc nhiều quốc tịch và nền văn hóa khác nhau gồm các nước: Colombia, Pháp, Ailen, Philippines, Anh quốc, Niu Dilen, Zambia, Nam Phi, Australia, Italia, Ba Lan, Argentina và Đức. Tất cả đều là các chuyên viên hiểu biết vấn đề và có nhiều kinh nghiệm. Qua việc chỉ định này Giáo Hội cương quyết đương đầu với một vấn đề trầm trọng trong xã hội ngày nay..

Ủy ban sẽ nhóm phiên họp khoáng đại đầu tiên trong các ngày 6-8 tháng hai năm tới 2015 (SD 17-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

BOGOTÀ: Trong những ngày vừa qua, giáo hội công giáo Colombia đã tái xác định sự sẵn sàng đứng ra làm trung gian hay tạo điều kiện cho một cuộc thương thuyết hòa bình giữa chính quyền nước này và lực lượng quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, nhóm phiến quân vũ trang đứng hàng thứ hai tại đây.

Theo những lời tuyên bố được đăng tải trên báo El Espectador, Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja và mới được bầu là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia hôm 9-7-2014, đã nói là Giáo Hội sẵn sàng nhận lời, nếu một ngày kia có người yêu cầu Giáo Hội làm trung gian hay tạo điều kiện dề dàng cho một cuộc thương thuyết như đã từng xảy ra với nhóm phiến quân Lực Lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC. Với FARC, Đức Cha Quiroga nhận định, đã có một cuộc kiểm điểm xem có thực sự hướng đến việc mở một tiến trình hòa bình thành thật hay chỉ là một cuộc hòa đàm cho có vậy thôi.

Giáo Hội luôn luôn ủng hộ cuộc đối thoại chính trị để đạt tới hòa bình bởi vì con đường đấu tranh vũ trang là con đường thất bại. Để được như thế, cần phải có nhiều thành tâm và thiện chí. Các nhóm du kích vũ trang phải nhìn nhận những hành vi đã thực hiện, phải hối lỗi xin tha thứ, phải đền bù và chấp nhận công lý.

Tuyên bố với một tờ báo khác tên Vanguardia, Đức Cha tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia đã nhắc lại vai trò của Giáo Hội Colombia địa phương trong giai đoạn hậu chiến và thêm rằng ”cần phải hiện thực một tiến trình tái nhân bản hóa. Cuộc chiến này đã biến tất cả mọi người chúng ta thành nạn nhân. Vì thế, người dân Colombia phải học biết thông cảm với niềm đau của tha nhân để cùng lớn lên trong tình nhân bản, biết lượng định đúng đắn giá trị sự sống và biết sống với nhau như anh em một nhà chứ không phải như bầy chó hoang xé xác nhau. Đất nước Colombia cần phải biết tha thứ và tiến tới, đối diện với các thách đố luân lý đạo đức, biết tìm kiếm lợi ích cho cả tha nhân, để thực sự tiến tới chỗ hòa giải quốc gia dân tộc. (SD 150714)

Mai Anh – Vatican Radio