Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines

Đại hội Giới trẻ Toàn quốc Philippines đang diễn ra tại thành phố Zamboango, đảo Mindanao, Philippines, từ ngày 6-10/11. Đại hội có chủ đề với những lời được trích từ Kinh Magnificat (Ngợi khen): “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại và Danh Ngài là Thánh.” (Lc 1,49). Có hơn 2300 người trẻ từ 13-39 tuổi đến từ các giáo phận trên toàn Philippines tham dự đại hội. Sau 11 năm, từ lần cuối đại hội được tổ chức tại thành phố Davao năm 2006, đại hội lại được tổ chức trên đảo Mindanao.

Đại hội lần này được cộng đoàn Công giáo địa phương và chính quyền dân sự cộng tác tổ chức. Bà Maria Isabelle Climaco-Salazar, một tín hữu Công giáo, thị trưởng thành phố Zamboanga, ủng hộ nhiệt tình sự kiên này và nhận xét: “Đây là một cơ hội diễn tả ước mong của người trẻ mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô đến với các người đồng hương.”

Tổng giáo phận Zamboango và Ủy ban mục vụ Giới trẻ của Hội đồng Giám mục đồng tổ chức sự kiện, đã đưa ra chương trình chi tiết các hoạt động: vào ngày khai mạc, các bạn trẻ sẽ diễu hành trong cuộc cầu nguyện hòa bình, ca hát trên đường phố của thành phố để tỏ cho toàn dân thấy sự hiện diện của họ. Các ngày đại hôị được đánh dấu bởi các cuộc gặp gỡ cầu nguyện, cử hành phụng vụ, trình diễn nghệ thuật và âm nhạc, và các buổi chia sẻ.

Đức tổng giám mục De La Cruz chia sẻ với hãng tin Fides: “Hy vọng của tôi là Ngày Đại hội Giới trẻ giúp người trẻ ở những nơi khác nhau gặp gỡ nhau để họ có thể loan báo cho thế giới về vẻ đẹp, sự quý giá và năng động của người trẻ. Các người trẻ tham dự với ao ước biết Chúa hơn và trở thành những khách hành hương và các tông đồ, để chia sẻ với người khác mối liên hệ với Chúa." Ngài cũng hy vọng rằng đại hội giúp người trẻ ý thức hơn về vai trò của họ trong Giáo hôị, cho họ cơ hội diễn tả mong ước của người trẻ là mang lấy sứ vụ của Chúa Kitô. Đức cha cũng nhận thấy đây là cơ hội để Giáo hội chú ý đến những dấu chỉ của thời đại, dấn thân trong các hoạt động và đồng hành với người trẻ trong hành trình sống để họ có thể để cho Chúa Kitô yêu thương họ.

Bán đảo Zamboango là miền đất lịch sử truyền giáo của Giáo hội Philippines. Các thừa sai Kitô có vai trò quan trọng trong việc thăng tiến đức tin và công bình. Cha Wilfredo Samson, một linh mục địa phương, hy vọng rằng sau những ngày đại hội, người trẻ nhận thức lại rằng mình là các tác nhân thay đổi Giáo hội và đất nước. Cha cũng hy vọng đại hộii này đóng góp vào việc đào tạo người trẻ như những nhà lãnh đạo tương lai và các thừa sai của Tin mừng trên thế giới để xây dựng Nước Chúa. (REI 06/11/2017)

Hồng Thủy

Các Giám mục Philippines chưa gia hạn được phép của hệ thống đài phát thanh

Các Giám mục Philippines chưa gia hạn được phép của hệ thống đài phát thanh

Manila, Philippines – Ít nhất 54 đài phát thanh của mạng lưới Truyền thông Công giáo Philippines có thể bị ảnh hưởng do Hạ viện Philippines chưa gia hạn giấy phép.

Các Giám mục Philippines đã nộp đơn xin gia hạn giấy phép hồi tháng 1 năm nay, vì giấy phép cũ hết hạn vào ngày 07/08. Đơn của các Giám mục xin gia hạn giấy phép và quyền hoạt động cho 25 tới, nhưng vẫn bị kẹt ở cấp ủy ban của Hạ viện. Luật của Philippines yêu cầu các mạng lưới truyền thanh và truyền hình có phép được ban hành thông qua luật của Quốc hội để có thể hoạt động.

Mạng lưới đài phát thanh thông Công giáo Philippines phát đến 11 vùng và 35 tỉnh ở Philippines. Đây là hệ thống phát thanh lớn nhất ở Philippines tính theo số đài và lượng truyền tải trên mỗi trạm.

Cha Jerome Secillano, thư ký điều hành của ủy ban đối ngoại của Hội đồng Giám mục không loại trừ chính trị là lý do của việc không xin được gia hạn giấy phép, đặc biệt vì các giám mục Philippines đã lên tiếng chỉ trích tổng thống Duterte. Cha nói: “Thật là buồn khi chính trị có thể lẻn vào tiến trình dân chủ của chúng ta. Nó có thể là một lý do tại sao quốc hội không gia hạn giấy phép.” Cha nhận định rằng người thiệt thòi chính là người dân theo dõi các chương trình.

Nghị sĩ Franz Alvarez giải thích về việc đơn xin gia hạn của các giám mục chưa được xét là do lượng lớn các đơn cơ quan pháp luật phải giải quyết. (CNS 20/10/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Philippines chuẩn bị kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng

Giáo hội Philippines chuẩn bị kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng

Manila – Giáo hội Philippines đang chuẩn bị kỷ niệm 500 năm Tin mừng được rao giảng tại đây (1521-2021). Đức cha Socrates C. Mesiona, đại diện tông tòa ở Puerto Princesa, trên đảo Palawan giải thích với hãng tin Fides: “Để chuẩn bị thích hợp cho biến cố quan trọng này, Giáo hội Philippines đã tổ chức một thời gian kéo dài 9 năm (từ năm 2013-2021) với cao điểm là năm 2021 – năm kỷ niệm.

Đức cha Socrates nhắc lại rằng: “Cách đây 500 năm, các nhà truyền giáo người Tây ban nha đã mang đức tin Kitô đến Philippines và ngày nay quốc gia này có số dân Công giáo đông nhất Á châu (và đứng thứ 4 trên toàn thế giới) với 86 giáo phận.” Đức cha cũng khẳng định rằng biến cố này sẽ là cơ hội để phát động lại đặc tính truyền giáo của Giáo hội Philippines. Ngài nói: “Chúng tôi đã nhận hồng ân đức tin Kitô qua các thừa sai đã đến trên quê hương chúng tôi; giờ đây các tín hữu Philippines được mời gọi trao tặng đức tin cho người khác.

Đức cha Socrates cũng là giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng truyền giáo ở Philippines và là tổng thư ký điều hành của Ủy ban truyền giáo của Hội đồng Giám mục Philippines. Đức cha lưu ý rằng “hàng ngàn linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo Philippines hiện đang truyền giáo trên khắp thế giới. Trong các hội dòng liên tục gửi các thừa sai đi truyền giáo ở hải ngoại có Hội truyền giáo Philippines, các Giáo dân truyền giáo Philippines và hàng trăm dòng tu nam nữ khác được thành lập tại địa phương, dấn thân tại các nơi mà việc rao giảng Tin mừng là một thách đố lớn do các bối cảnh xã hội chính trị.”

Antony Dameg S. Ward, điều hợp viên về đào tạo truyền giáo của các Hội Giáo hoàng truyền giáo Philippines chia sẻ rằng Giáo hội Philippines đã gia tăng các chương trình linh hoạt truyền giáo và đào tạo truyền giáo cho các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, giáo viên, giáo dân, với mục đích cổ võ và gây ý thức cho Dân Chúa, từ các trẻ em và người trẻ”. Việc giúp các tín hữu ý thức về ơn gọi truyền giáo rất là quan trọng: trong giai đoạn 9 năm này, Giáo hội Philippines đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm 500 năm Kitô giáo được truyền giảng đến đất nước chúng tôi: năm 2021, đối với quốc gia này, thực sự sẽ là Năm Truyền giáo đến với muôn dân. (Agenzia Fides 16/06/2017)

Hồng Thủy

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân

TIN VIỆT NAM. Hôm 2-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân năm nay 64 tuổi, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sàigòn, từ năm 1965 đến 1973, rồi tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô 10 Đà lạt trong 4 năm từ năm 1973 đến 1977.

Thụ Phong linh mục ngày 14-1 năm 1992 thuộc Giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1998, cha Đỗ Văn Ngân đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn ở Thành phố HCM. Từ năm 2006 đến năm 2010, cha học chuyên môn tại Đại Học Santo Tomas tại Manila, Philippines, và đậu cử nhân triết học.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1992, Cha Gioan Ngân lần lượt đảm nhận các trách vụ Phó Xứ Ninh Phát (1992-1994), rồi cha xứ tại đây (1994-2005). Cha làm công chứng viên (notaio) ở tòa án hôn phối giáo phận Xuân Lộc. Gia làm giáo sư Đại chủng viện Xuân Lộc 1 năm, trước khi du học tại Philippines. Trở về nước năm 2010, cha tiếp tục làm giáo sư triết học rồi làm Phó giám đốc và đặc trách phân ban triết học tại đại chủng viện Xuân Lộc.

Từ năm 2016, Cha Đỗ Văn Ngân được Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM chính tòa Xuân Lộc, bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận này.

Theo niên giám năm nay (2017), của Tòa Thánh, Xuân Lộc là giáo phận đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 961,186 người, thuộc 248 giáo xứ, 411 linh mục giáo phận và 151 linh mục dòng, 257 đại chủng sinh và 1.742 nữ tu (SD 2-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Cảnh sát Philippines mời các Linh mục tham gia hoạt động bạo lực chống ma túy

Cảnh sát Philippines mời các Linh mục tham gia hoạt động bạo lực chống ma túy

Manila – Tướng Ronald "Bato" Dela Rosa, giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines nhắc lại lời mời gọi Giáo hội Công giáo liên kết với chính quyền trong chiến dịch bạo lực chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Trong quá khứ, các giám mục đã từ chối lời mời của tướng Dela Rosa; các ngài chống lại nền văn hóa chết chóc của chính sách đã gây ra cái chết của hơn 7000 người trong 8 tháng.

Hội đồng Giám mục Philippines đã từ chối đề nghị của tướng Dela Rosa về hoạt động chung giữa cảnh sát và Giáo hội. Các ngài khẳng định rằng các Linh mục không được yêu cầu tỏ sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến chống ma túy khi tham gia vào các hoạt động mới của cảnh sát.

Cha Jerome Secillano, giám đốc Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Giám mục khẳng định: “Giáo hội hỗ trợ bất kỳ chiến lược vào (trong cuộc chiến chống ma túy) miễn là điều này không đưa đến các vụ giết người, tham nhũng và bất công.”

Tướng Dela Rosa tin là sự hiện diện của các chức sắc Giáo hội trong các hoạt động làm cho những kẻ tình nghi dịu lại và thúc đẩy họ đầu hàng chính quyền theo cách hòa bình, thay vì chống đối cách bạo lực.

Dionardo Carlos, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia khẳng định là cuộc chiến chống ma túy là để cứu mạng của 1.18 triệu người nghiện tại quốc gia này. Phó tổng thống Leni Robredo thì tuyên bố rằng cuộc chiến do tổng thống tiến hành làm cho người dân Philippines “trở nên vô vọng và bất lực”.

Từ khi tổng thống Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6, cảnh sát cho biết khoảng 2500 người bị giết trong các hoạt động chống ma túy mà phần lớn là các trường hợp tự vệ chính đáng của các nhân viên cảnh sát. Trong khi đó, 4500 người khác bị chết trong các trường hợp không thể giải thích. Các nhà chức trách gán cho các xung đột cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm là nguyên nhân của các cái chết này. (Asia News 16/03/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng y Tagle: án tử hình không ngăn cản tội ác

Đức Hồng y Tagle: án tử hình không ngăn cản tội ác

Manila – Trong thư gửi các tín hữu Công giáo tổng giáo phận Manila, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle mời gọi các tín hữu hãy nói với các nhà lập pháp rằng án tử hình không ngăn cản các tội phạm bạo lực, có thể có khả năng hợp pháp hóa bạo lực và sự sống là một món quà từ Thiên Chúa.

Đề cập đến điều mà cuộc nghiên cứu khắp thế giói đã chỉ ra, Đức Hồng y nói: “Án tử hình không làm ngăn cản các tội phạm bởi vì nó không giải quyết nạn tội phạm tận gốc rễ. Để giúp giải quyết những nguồn gốc tội sự phạm pháp này, Giáo hội và nhà nước cần bảo vệ và củng cố những đơn vị căn bản của xã hội, đó là gia đình.”

Theo Đức Hồng y, gốc rẽ của tội ác bao gồm sự đánh mất các giá trị luân lý, sự bất công, bất bình đẳng và nghèo khổ giữa nhiều yếu tố khác nhau.

Trong lịch sử, Philippines đã áp dụng và đình chỉ án tử hình và Giáo hội kiên quyết phản đối nó. Luật năm 2006 cấm áp dụng án tử hình, nhưng từ khi tổng thống Duterte lên lãnh đạo vào cuối tháng 6, các đồng minh trong Quốc hội của ông đã thúc đẩy áp dụng lại án tử hình.

Hồi tháng 9, chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines đã kêu gọi các nhà lập pháp Công giáo không ủng hộ biện pháp này và kêu gọi các luật sư Công giáo “nghiên cứu vấn đề và phản đối nó” ở tòa án.

Tổng thống Duterte đã vài lần nói rằng ông không quan tâm đến vấn đề án tử hình được xử dụng để ngăn cản tội phạm, nhưng nó nên là cách thế mà các tội phạm phải trả giá cho những gì họ đã làm.

Đức Hồng Y Tagles cảnh giác rằng lối suy nghĩ như thế có thể hợp pháp hóa việc dùng bạo lực để chống lại các việc làm sai trái và có thể làm cho người vô tội gặp nguy hiểm. Ngài nói: “Hình phạt không được áp dụng để trả thù nhưng để sửa đổi người sai phạm và vì thiện ích của xã hội. Một nền văn hóa bạo lực sẽ mất đi tính nhân đạo. Một nền văn hóa của công bằng, chính trực và hy vọng sẽ chữa lành.” (CNS 02/02/2016)

Hồng Thủy

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines được tổ chức hai năm một lần sẽ diễn ra từ ngày 28/01. Trong đại hội kéo dài 3 ngày, các Giám mục sẽ bàn về vấn đề chính trị, đặc biệt đến chính sách của tổng thống Duterte. Đại hội diễn ra một ít ngày sau khi tổng thống Duterte tấn công các Giám mục Philippines về việc “giả hình”.

Các Giám mục mời các chuyên gia nói về vấn đề khác nhau trong 3 ngày này, trong đó có việc giết những người liên quan đến ma túy, đề nghị tái lập án tử hình.

Trong chương trình nghị sự cũng có nói đến đề nghị của tổng thống Duterte về việc thay đổi hệ thống quản trị từ hình thức đơn nhất hiện nay đến hệ thống liên bang. (Ucan 28/01/2017)

Hồng Thủy

Tổng thống Duterte của Philippines thông báo “Tháng Kinh thánh toàn quốc”

Tổng thống Duterte của Philippines thông báo “Tháng Kinh thánh toàn quốc”

Trong tuyên cáo được ký ngày 05/01 vừa qua, tổng thống Duterte tuyên bố rằng “Quốc gia nhìn nhận bản chất tôn giáo của dân Philippines và ảnh hưởng sống động của tôn giáo trong xã hội con người. Thật là đúng đắn và thích hợp khi sự quan tâm của quốc gia tập trung trên tầm quan trọng của việc đọc và học hỏi Kinh thánh, để hình thành các tính cách tinh thần, luân lý và xã hội của công dân.”

Theo ông Duterte, việc ký kết tài liệu là đòi buộc của hiến pháp để phát triển các giá trị đạo đức  và tinh thần của công dân và giúp họ thăng tiến nền luân lý của họ.

Đức ông Ruperto Santos của Balanga nhìn nhận việc này đáng khen ngợi và có tính linh hứng, còn đức ông Robert Mallari Di San Jose thì nói: “Chúng tôi cám ơn tổng thống vì đã đưa ra nhìn nhận đúng về tôn giáo của dân tộc và tầm quan trọng của Kinh Thánh để thăng tiến đất nước. Đức ông Gerardo Alminaza của San Carlos gọi tuyên bố này là một “cơ hội vàng cho các giáo xứ cùng hoạt động với các cơ quan chính quyền trong việc thực hiện năm 2017 như năm của các giáo xứ. (Asia News 11/01/2017)

Hồng Thủy

 

Tượng lòng thương xót Chúa cao nhất thế giới sẽ khánh thành tại Philippines

Tượng lòng thương xót Chúa cao nhất thế giới sẽ khánh thành tại Philippines

fr-prospero-tenorio-secretary-general-of-the-world-apostolic-congress-on-mercy-asia-and-secretary-genera-fr-patrice-chocholski-in-manila-dec-1-2016

Manila – Tượng Chúa Giêsu cao 30 mét được xây dựng ở đền thánh quốc gia Marialo, miền bắc Manila, dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 19/01/2017.

Pho tượng sẽ được dựng trên tòa nhà 4 tầng trong đền thành quốc gia Marilao, là tượng đài cao nhất thế giới dâng kính Lòng thương xót Chúa. Việc điêu khắc tượng được bắt đầu từ tháng 0172016 và hoàn thành vào cuối năm. Giáo hội Philippines đã quyết định khánh thành tượng đài vào ngày 19/01/2017, như đỉnh điểm của đại hội tông đồ thế giới lần thứ 4 về lòng thương xót, viết tắt là Wacom, được tổ chức từ ngày 16-20/11 năm tới, với sự tham dự của các quốc gia Á châu.

Trong một buổi họp báo, cha Prespero Tenorio, tổng thư lý của Wacom cho biết đây là pho tượng lòng thương xót Chúa lớn nhất thế giới và nhắm cử hành biến cố có tầm mức hoàn cầu được tổ chức lần đầu tiên tại Á châu.

Dự kiến sẽ có 1000 đại biểu đến từ các châu lục tham dự sự kiện này.

Được Vatican đề xướng vào năm 2008, đại hội Lòng thương xót lần đầu được tổ chức tại Roma, vào dịp kỷ niệm 3 năm ngày qua đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau đó đại hội được tổ chức hàng năm. Mục đích của đại hội là để dân chúng ý thức hơn và được thúc đẩy bởi lòng thương xót Chúa trong các hành động và việc làm của chúng ta.” (Asia News 03/12/2016)

Hồng Thủy

Bệnh viện cho người nghèo ở Samar, Philippines, kết quả những phép lạ đời thường

Bệnh viện cho người nghèo ở Samar, Philippines, kết quả những phép lạ đời thường

northern-samar-hospital

Vào năm 2010, Đức cha Emmanuel Trance, giáo phận Catarman, miền bắc Samar, một trong những tỉnh nghèo nhất Philippines, đã yêu cầu các nữ tu dòng Biển đức ở Manila, hiện đang điều hành bệnh viện Ngôi Lời ở Tacloban, cách giáo phận của ngài hơn 200 cây số, mở thêm một bệnh viện khác cho dân chúng trong vùng. Ngài nói với các nữ tu: “ Nếu dân chúng ở đây bị bệnh mà phải đi đến bệnh viện của các sơ thì họ sẽ chết trên đường đến bệnh viện, vì phải mất 6 tiếng đồng hồ mới đến nơi!” Sơ giám tỉnh của Manila đã cầu nguyện và hội ý với các sơ. Có những ý kiến phản đối vì lý do thiếu tài chánh cũng như thiếu nhân lực, nhưng phần lớn các sơ đồng ý với dự án và ban lãnh đạo trung ương của dòng cũng đồng ý. Đó là lúc mà các phép lạ bắt đầu.

Điều đầu tiên các nữ tu cần chính là đất để xây bệnh viện. Một người thuộc gia đình giàu có đã đề nghị tặng cho các sơ mảnh đất do gia đình sở hữu và ông còn mua vé máy bay, trả tiền khách sạn để 4 sơ có thể đến để xem xét. Nhưng sau đó chính quyền cho biết mảnh đất nằm trong vùng nguy hiểm, vì thế các nữ tu lại bắt đầu tìm đất khác. Lúc đó, 3 nữ tu được gửi đến để bắt đầu một chương trình y tế tại cộng đồng ở Catarman. Vì các nữ tu chưa có nhà dòng ở đó nên họ thuê một nhà gần trường đại học Đông Philippines. Tình cờ người bạn của bà chủ nhà biết là các nữ tu đang tìm một nơi để xây dựng bệnh viện, bà đã tặng cho các sở một nửa của mảnh đất 7 mẫu vuông của mình để xây dựng bệnh viện. Thế là các nữ tu có mảnh đất rộng 3 mẫu rưỡi ở Pambujan, miền bắc Samar, để xây bệnh viện. Đây là phép lạ thứ nhất.

Các nữ tu vui mừng vì họ có thể dùng số tiền dành dụm vào việc xây cất. Sơ phụ trách mời một kiến trúc sư thiết kế bệnh viện với 25 giường nhưng số tiền dành dụm của các sơ chưa đủ được một nửa yêu cầu. Thế là phép lạ thứ hai xảy ra. Vào năm 2011, thế giới kỷ niệm 100 năm ngày quốc tế phụ nữ. Tổ chức giải phóng phụ nữ ở New York đã đề ra danh sách 100 phụ nữ nổi bật trên thế giới, trong đó có bà Hillary Clinton, Oprah Winfrey, Melinda Gates (vợ tỉ phú Bill Gates), hoàng hậu Rania Al-Abdullah của Giordani và một ngạc nhiên, đó là nữ tu Mary John, giám tỉnh dòng Biển đức ở Philippines. Báo Philippine Daily Inquirer  của Philippines đưa tin về sự kiện này và một độc giả của bài báo đã muốn gặp sơ Mary John. Đó là một phụ nữ khoảng 45 tuổi, bà hỏi Sơ Mary John xem sơ có dự án nào không. Thế là sơ kể cho bà nghe về giấc mơ xây bệnh viện cho người nghèo ở tỉnh Samar xa xôi đó. Người phụ nữ trả lời: “Tốt, đó là loại dự án mà quỹ của chúng tôi muốn tài trợ.” Rôi bà ta hỏi Sơ Mary John, “Sơ có nhớ tôi không?” Sơ Mary John là khoa trưởng của học viện thánh Scholastica 18 năm nhưng với khoảng gần 2000 học sinh trong thời gian 18 năm, Sơ không thể nhớ nổi phụ nữ này là ai. Bà bắt đầu kể: “Tôi đến từ một gia đình rất nghèo có 10 người con. Chúng tôi nghèo đến nỗi không có được cái bàn để ngồi làm bài vở. Chúng tôi chỉ ngồi ở cầu thang để làm. Sơ đã cho 3 chị em tôi học bổng. Bây giờ một người là quản lý nhà hàng, một người là nhà tâm lý và tôi là kế toán. Không có các học bổng này chúng tôi đã không thể học xong chương trình.” Người phụ nữ này chính là Fe Perez-Agudo, chủ tịch và giám đốc điều hành của hãng Hyundai Á châu và hãng này có một ngân quỹ.

Vài ngày sau, Sơ Mary John và bà Agudo thăm lại học viện thánh Scholastica, bà Agudo chỉ cho Sơ băng ghế gần lối vào, nơi khi còn là học sinh bà thường ngồi đợi cho nguôi cơn đói. Agudo không có tiền ăn trưa, nhưng biết là các nhân viên nấu súp ở đàng sau quầy ăn, nên cô chỉ mua một chén súp. Đôi khi cô còn không có tiền để mua. Bụng đói, Agudo vào nhà nguyện ngồi đợi đến 2 giờ trưa để học lớp kế toán. Thình thoảng một nhân viên không thấy Agudo ở gần quanh đó, đã mang một bát súp đến nhà nguyện cho cô. Bà Agudo đã cam kết là quỹ Hyundai sẽ xây toàn bộ bệnh viện và cả tu viện nối liền cho các nữ tu!

Tháng 5 năm 2013, tu viện của các sơ được khánh thành với 1 trạm xá nhỏ đàng trước. Một nữ tu chữa bệnh cho các bệnh nhân. Bệnh nhân đầu tiên trả công chữa bệnh mang đến một quả bí đao! Các nữ tu nhận rau quả, trứng và có khi cả gà từ các bệnh nhân. Các sơ quyết định là để tùy khả năng của bệnh nhân. Các Sơ phát thuốc miễn phí. Nhưng các sơ cũng lo lắng không biết sẽ lấy đâu ra tiền trả cho các bác sĩ, y tá và các nhân viên khác. Thế là các sơ quyết định lập một quỹ góp vốn để trả lương.

Rồi khi các nữ tu muốn có một phòng khám di động vì dân chúng ở vùng hẻo lánh không có phương tiện đến bệnh viện, thì các sơ lại nhận được sự giúp đỡ từ văn phòng phục vụ của dòng Biển đức để mua một chiếc xe van, và tổ chức Mission trợ giúp tài trợ các dụng cụ. Phép lạ thứ 3! Năm 2014, bệnh viện xây gần xong, chỉ còn thiếu nhà nguyện. Gia đình của vị luật sư định tặng mảnh đất đầu tiên cho các nữ tu đã đóng góp để xây nhà nguyện. Vào tháng 7 năm nay, quý Hyundai đã giao bệnh viện cho các sơ và ngày 28 tháng 8 các Sơ đã có một nhà nguyện xinh đẹp ở giữa bệnh viện. Đó là phép lạ thứ tư.  (National  Catholic Reporter  8/11/2016)

Hồng Thủy

 

6 triệu người tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Manila

6 triệu người tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Manila

VATICAN. Chiều chúa nhật 18-1-2015, 6 triệu người – theo chính quyền địa phương – đã tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Công viên Rizal (Luneta) ở thủ đô Manila, là hoạt động cuối cùng của ngài trong 3 ngày viếng thăm Philippines.

Lúc 2 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã rời tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đến Công viên Luneta cách đó 7 cây số, để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Công viên này có tên chính thức là Rizal, tên của Ông José Rizal, anh hùng quốc gia, vốn là một thi sĩ, văn sĩ và là nhà cách mạng bị người Tây Ban Nha hành quyết vì tội khuynh đảo hồi năm 1896.

Công viên Luneta rộng 60 hécta, có thể chứa được vài triệu người, vào những dịp đại lễ toàn quốc. Đặc biệt trong dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 10, ngày 15-1 năm 1995, có tới 4 triệu tín hữu đến tham dự thánh lễ do thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cử hành tại đây.

 

Khi đến nơi, ĐTC Phanxicô đã dành 45 phút đồng hồ, đi xe díp trắng tiến qua các lối đi của công viên rộng lớn, để chào thăm các tín hữu. Trong số các tín hữu tham dự thánh lễ với ĐTC Phanxicô chiều hôm qua, cũng có tổng thống Aquino III và nhiều vị lãnh đạo trong chính phủ. Mọi người đều mặc áo mưa, giống như buổi gặp gỡ ban sáng của ĐTC với các bạn trẻ.

Và cũng như nhiều buổi phụng vụ và gặp gỡ khác, thánh lễ ĐTC cử hành chiều hôm qua cũng có các bài đọc, kinh nguyện, bằng 7 ngôn ngữ của Philippines, không kể tiếng Anh và la tinh.

Thánh lễ có chủ đề là lễ kính Chúa Hài Đồng, với tượng Chúa Hài Nhi đặt cạnh bàn thờ, và rất được tôn kính tại Philippines. Đồng tế với ĐTC còn có hằng trăm Giám Mục và hàng ngàn linh mục. Phần thánh ca do một ca đoàn rất hùng hậu, với hàng ngàn ca viên ở bên phải của lễ đài.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã nhắc đến lễ kính Chúa Hài Đồng, và ngài làm nổi bật mối liên hệ giữa Nước Thiên Chúa và mầu nhiệm thơ ấu thiêng liêng, Tin Mừng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ, con đường hòa bình, ngay chính và công lý. Ngài nói:

“Ngày hôm nay thánh Phaolô nói với chúng ta rằng trong Chúa Kitô chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong Cháu Kitô. Đó là thực chất của chúng ta, đó là căn tính của chúng ta. Chúng ta thấy rõ điều này được biểu lộ một cách đẹp đẽ nhất qua sự liên đới của dân Philippines với các anh chị em bị cuồng phong.

”Philippines là quốc gia Công Giáo thứ I của Á châu; đây là một hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa, một phúc lành. Nhưng đó cũng là một ơn gọi. Dân Philippines được mời gọi trở thành những thừa sai nổi bật tại Á Châu.

”Do tội lỗi, con người đã làm biến thái vẻ đẹp thiên nhiên; vì tội lỗi, con người cũng phá hủy sự hiệp nhất và vẻ đẹp của gia đình nhân loại chúng ta, tạo nên những cơ cấu xã hội làm cho nạn nghèo đói, dốt nát và tham nhũng tiếp tục kéo dài. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng đe dọa lớn nhất đối với kế hoạch mà Thiên Chúa đề ra cho chúng ta đã và vẫn luôn luôn là sự dối trá. Ma quỷ là cha của sự dối trá. Nó thường che đậy những âm mưu dưới cái vẻ tối tân, sự quyến rũ của những gì là tân thời, của lập luận mình cũng phải như người khác. Nó làm cho chúng ta lạc hướng vì ảo ảnh khoái lạc nhất thời và những thú tiêu khiển hời hợt. Và thế là chúng ta phung phí những hồng ân đã nhận lãnh từ Thiên Chúa, vui chơi với những máy móc vô ích; chúng ta phí phạm tiền bạc trong cờ bạc và rượu chè; chúng ta co cụm vào mình. Chúng ta lơ là, không tập trung vào những điều thực sự đáng kể. Chúng ta không sống trong nội tâm như trẻ thơ. Thực vậy, như Chúa đã dạy, trẻ thơ có sự khôn ngoan riêng, không phải là thứ khôn ngoan của trần thế này. Chính vì thế sứ điệp của Chúa Hài Đồng rất là quan trọng. Chúa nói với mỗi người chúng ta một cách sâu xa, nhắc nhở cho chúng ta căn tính sâu xa nhất, đó là chúng ta được kêu gọi trở thành gia đình của Thiên Chúa.

ĐTC nói tiếp:

”Chúa Hài Đồng cũng nhắc nhở chúng ta rằng cần phải bảo tồn căn tính ấy. Chúa Hài Đồng là người bảo vệ đất nước này, Ngài nhắc nhở chúng ta cần phải bảo vệ cac gia đình của chúng ta và đại gia đình là Giáo Hội, gia đình của Thiên Chúa, và thế giới là gia đình nhân loại của chúng ta.

ĐTC nhận xét rằng ”Rất tiếc là ngày nay gia đình đang cần được bảo vệ chống lại những cuộc tấn công mưu mô và những chương trình trái ngược với tất cả những gì chúng ta coi là thánh thiêng và chân thật, tất cả những gì là cao thượng và đẹp đẽ trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ, hướng dẫn và khuyến khích người trẻ, giúp họ kiến tạo một xã hội xứng với gia sản lớn lao về tinh thần và văn hóa. Đặc biệt chúng ta cần coi mỗi trẻ em như một hồng ân cần đón nhận, yêu thương và bảo vệ. Và chúng ta phải chăm sóc ngừơi trẻ, không để họ bị cướp mất niềm hy vọng và phải sống trên các đường phố.

”Chính một hài nhi bé bỏng đã mang lại lòng từ nhân của Thiên Chúa, lòng từ bi và công chính vào trong thế giới. Hài Nhi ấy đã chống lại sự bất lương và tham nhũng, là gia sản của tội lỗi và Ngài chiến thắng trên những tàn tích ấy nhờ quyền năng của thập Giá.

Cuối thánh lễ, Đức TGM Villegas, Chủ tịch HĐGM Philippines và ĐHY TGM Manila sở tại, Antonio Tagle, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và hứa sẽ tháp tùng ngài tới các khu ngoại ô của cuộc sống.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, ĐTC còn chủ sự nghi thức thắp nến, trao cho những người sẽ được gửi đi truyền giáo.

Thánh lễ kết thúc lúc 5 giờ chiều giờ địa phương. ĐTC còn đi xe mui trần để tiếp tục chào thăm các tín hữu tại khu vực hành lễ trong bầu không khí vất phấn khởi của các tín hữu.

Thứ hai hôm nay, 19-1, ĐTC Phanxicô sẽ kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày tại Philippines. Ban sáng ngài sẽ cử hành thánh lễ riêng tại nguyện đường tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Manila, trước khi đến căn cứ không quân Villamor cách đó 8 cây số để đáp máy bay Airbus 340 của hãng hàng không Philippines lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, trở về Roma. Theo dự kiến, ngài sẽ về đến Roma lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày hôm nay, giờ Roma, sau chuyến bay dài 14 giờ 40 phút từ thủ đô của Philippines, vượt qua quãng đường dài 10 ngàn 400 cây số.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền Philippines

MANILA. ĐTC Phanxicô khuyến khích chính quyền Philippines cải tổ các cơ cấu xã hội gây ra bất công và bài trừ nạn tham ô hối lộ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ chính quyền Philippines sáng ngày 16-1-2015.

Thứ sáu, 16-1, là ngày thứ hai của ĐTC Phanxicô tại Philippines. Ngài đã từ Sri Lanka đến sân bay của căn cứ không quân Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều thứ năm vừa qua sau hơn 6 giờ bay. Vì biết ĐTC bay suốt ngày nên chắc là mệt, nên nghi thức đón tiếp chính thức với diễn văn được dời sang ngày hôm sau. Dầu vậy Tổng thống Benigno Aquino vẫn ra sân bay đón tiếp ĐTC cùng với hàng chục ngàn người, nhất là các em học sinh, ở trong khu vực phi trường, và dọc đường suốt 9 cây số về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, đã có 2 triệu người, theo ban tổ chức, đã dành cho ngài một cuộc chào đón hết sức nồng nhiệt. Lúc đó là trời tối, nên xe chở ĐTC được bật đèn sáng để mọi người có thể thấy ngài.

ĐTC chính thức bắt đầu hoạt động tại Philippines từ sáng thứ sáu, 16-1, và ngài đã có 3 hoạt động chính: trước tiên là nghi thức đón tiếp chính thức tại Phủ Tổng Thống, gặp gỡ tổng thống, chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi sau đó ngài cử hành thánh lễ với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa Manila. Ban chiều vào lúc 5 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ các gia đình tại Hội trường thể thao ở khu trung tâm thương mại Mall of Asia Arena. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Thăm tổng thống và gặp chính quyền

Lúc 9 giờ sáng, ĐTC đã từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đến Phủ Tổng thống Philippines, cũng gọi là Dinh Malacanan, cách đó 5 cây số. Xưa kia đây là dinh của quan toàn quyền thời thuộc địa Tây Ban Nha, được xây cất năm 1802.
Lễ nghi đón tiếp ĐTC diễn ra lúc 9 giờ 15 phút với 21 phát đại bác chào mừng, duyệt qua đoàn quân danh dự, quốc thiều Vatican và Philipines, cũng như giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn, trước khi ĐTC tiến vào trong dinh để hội kiến riêng với Tổng thống Benigno Cổ Hoàng Cơ Aquino III. Ông năm nay 54 tuổi (1960), là con của Thượng nghị sĩ Ninoy Aquino bị ám sát tại Phi trường Manila năm 1983 và của bà tổng thống Corazón Aquino Cổ Hoàng Cơ. Ông đắc cử tổng thống như ứng viên của Đảng Tự do trong buộc bầu cử hồi năm 2010 và kế nhiệm bà Gloria Arroyo.

Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống Aquino III và gặp gỡ gia đình ông, ĐTC đã tiến sang phòng nghi lễ Rizal để gặp các giới chức chính quyền và ngoại giao đoàn, tổng cộng là 450 người.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại Philippines diễn ra trong khuôn khổ chuẩn bị kỷ niệm 500 năm bắt đầu công bố Lời Chúa Giêsu Kitô tại đất nước này, mừng vào năm 2021 tới đây. Tiếp đến cuộc viếng thăm cũng liên hệ mật thiết tới cuộc tàn phá do cuồng phong Yolanda gây ra. Ngài ngưỡng mộ nỗ lực liên đới của dân chúng, nhất là người trẻ, và đồng thời muốn bày tỏ sự gần gũi với những người bị tổn thương vì thiên tại này. Ngài không quên kêu gọi cải tổ những cơ cấu xã hội bất công, bài trừ nạn tham nhũng thường là tin chiếm hàng đầu tại nước này, và giải quyết nạn nghèo đói, khiến cho 25% dân Phi hiện nay đang phải sống với lợi tức 1 mỹ kim mỗi ngày. ĐTC nói:

”Tấm gương liên đới này cũng là một bài học rất quan trọng đối với tương lai. Cũng như một gia đình, mỗi xã hội kín múc năng lực từ những tài nguyên sâu rộng nhất của mình để đối phó với những thách đố mới. Philippines, cũng như các nước khác ở Á châu, đang đứng trước thách đố những thay đổi trong việc kiến tạo những nền tảng vững chắc cho một xã hội tân tiến, phản ánh những giá trị chân chính của con người, bảo vệ phẩm giá và các quyền của mỗi người vốn là hồng ân quí giá Thiên Chúa ban cho. Tất cả điều ấy đều rất quan trọng so với những bối cảnh chính trị và luân lý đạo đức mới mẻ và phức tạp.”

ĐTC nhắc đến vai trò và trách nhiệm của các nhà chính trị cần làm tất cả những gì có thể để xây dựng công ích, bảo tồn tài nguyên phong phú về nhân sự và thiên nhiên mà Chúa ban cho đất nước này. Vì thế cần kiến tạo những điều kiện cần thiết để các thể hệ trẻ kiến tạo một xã hội thực sự là công bằng, liên đới và hòa bình.
ĐTC gợi lại truyền thống Kinh Thánh qui định nghĩa vụ của mọi dân tộc phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo và chống lại mọi hình thức chênh lệch xã hội như gương mù. Việc cải tổ những cơ cấu xã hội đang kéo dài tình trạng nghèo đói và loại trừ người nghèo, trước tiên đòi phải hoán cải tâm trí. Các GM Philippines đã ấn định năm nay là ”Năm của người nghèo”. Tiếng nói ngôn sứ này mời gọi tất cả mọi người suy tư, đổi mới trên mọi bình diện của đời sống xã hội, bài trừ nạn tham những và tát cả những gì gây ra tình trạng loại trừ và nghèo đói của bao nhiêu người trong xã hội.

Cũng trong diễn văn, ĐTC nhắc đến một hoạt động chính trong cuộc viếng thăm của ngài là gặp gỡ các gia đình, và người trẻ. Ngài nói:

”Gia đình có một sứ mạng đặc biệt trong xã hội. Thực vậy chính trong gia đình mà người trẻ học các giá trị và hấp thụ bầu không khí chân thực cho toàn thể đời sống. Vì thế, cần phải củng cố, thay vì phá hủy hoặc làm biến thái gia đình. Chúng ta biết có bao nhiêu khó khăn mà các nước dân chủ ngày nay đang gặp phải trong việc tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của mỗi người, quyền của các trẻ em chưa sinh ra, cũng như quyền của người già và người bệnh. Trong bối cảnh này, các gia đình và các cộng đoàn địa phương phải chu toàn vai trò của mình trong việc kiến tạo một nền văn hòa toàn diện, tốt lành, liên đới, trung thành, như những nền tảng vững mạnh và là căn bản luân lý đạo đức vững chắc giúp xã hội sống chung.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Philippines cho sự cộng tác quốc tế giữa các nước Á châu và ngài cũng nhắc đến nhu cầu của những người dân nước này đang sống tại nhiều nước trên thế giới, góp phần vào sự sung túc của các nước đó. Vì thế, ngài khuyến khích Philippines tiếp tục cố gắng đảm bảo cho mọi công dân một sự phát triển nhân bản toàn diện.

ĐTC không quên ca ngợi những cố gắng thăng tiến đối thoại và cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau và ngài bày tỏ tin tưởng là những bước tiến đã được thực hiện nhắm mang lại hòa bình ở miền nam Philippines sẽ đạt được những giải pháp đúng đắn, phù hợp với các nguyên tắc nền tảng của quốc gia trong niềm tôn trọng các quyền bất khả nhượng của mọi ngừơi, kể cả các thổ dân bản xứ và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Rời phủ Tổng thống sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã tiến về Nhà thờ chính tòa Manila cách đó 5 cây số để chủ sự thánh lễ với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khuyến khích chuẩn bị Hội nghị Thánh Thể quốc tế thứ 51

Đức Thánh Cha khuyến khích chuẩn bị Hội nghị Thánh Thể quốc tế thứ 51

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu mong Hội nghị Thánh Thể quốc tế lần tới đây tại Cebu, Philippines, sẽ giúp các tín hữu thông ban niềm hy vọng đã nhận lãnh cho con người ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 27-9-2014, dành cho 80 đại biểu của các HĐGM trên thế giới về Roma tham dự Đại hội chuẩn bị cho Hội nghị Thánh Thể quốc tế lần thứ 51, sẽ tiến hành tại thành phố Cebu bên Philippines từ ngày từ ngày 24 đến 31-1 năm 2016 với chủ đề ”Chúa Kitô ở trong anh chị em, niềm hy vọng vinh quang” (Cl 1,27)

ĐTC nhận xét rằng ”đề tài này làm sáng tỏ mối liên hệ giữa Thánh Thể, sứ mạng truyền giáo và niềm hy vọng Kitô. Ngày nay trên thế giới đang thiếu hy vọng, vì thế nhân loại đang cần được lắng sứ điệp về niềm hy vọng của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC nói thêm rằng ”Hội nghị Thánh Thể quốc tế lần thứ 51 là cơ hội để cảm nghiệm và hiểu Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ biến đổi với Chúa trong lời Ngài và hy tế tình thương của Ngài, để tất cả có thể được sống và sống dồi dào” (Xc Ga 10,10). Hội nghị ấy là cơ hội thuận tiện để tái khám phá đức tin như nguồn mạch ân sủng, mang lại niềm vui và hy vọng, trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội”.

ĐTC giải thích: ”Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể sẽ là nguồn hy vọng cho thế giới, nếu chúng ta được biến đổi nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh theo hình ảnh của Đấng mà chúng ta gặp gỡ, chúng ta đón nhận sứ mạng biến đổi thế giới bằng cách trao tặng cuộc sống sung mãn mà chính chúng ta đã nhận lãnh và cảm nghiệm, mang hy vọng, tha thứ, sự chữa lành và tình thương cho những người đang cần, đặc biệt là những người nghèo khổ, kém may mắn và bị áp bức, chia sẻ cuộc sống và khát vọng của họ, và đồng hành với họ trong cuộc tìm kiếm một cuộc sống nhân bản đích thực trong Chúa Giêsu Kitô”.

Tham dự khóa họp 3 ngày (25-27/9/2014) tại Vatican, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Piero Marini, Chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh về các Hội nghị Thánh Thể quốc tế, có một phái đoàn của tổng giáo phận Cebu, do Đức TGM sở tại José Palma hướng dẫn.

Hội nghị Thánh Thể quốc tế tiến hành 4 năm một lần. Lần trước đây vào năm 2012 tại Dublin, thủ đô Cộng hòa Ireland (SD 27-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Trong các tuần qua biến cố Trung Cộng đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong lãnh hải của Việt Nam, để thăm dò khoan dầu, khinh thường công pháp quốc tế về Biển, đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối trong và mgoài nước. Cùng với dàn khoan di động khổng lồ là 80 tầu vũ trang, tầu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển của Việt Nam.

china_vietnam_sprat

Vụ này cũng đã khiến cho nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ cùng các giới chức chính trị các quốc gia trong vùng Đông Nam Á tố cáo Trung Quốc có các hành động khiêu khích và nguy hiểm. Còn chính quyền Bắc Kinh và báo chí Tầu cộng thì cũng gân cổ lên cãi là Biển Đông thuộc Trung Quốc và tố cáo Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản có các hành động khiêu khích gây căng thẳng. Bắc Kinh đặc biệt cay cú với Nhật Bản, vì thủ tướng Shinzo Abe đã lập đi lập lại nhiều lần rằng tất cả mọi quốc gia phải tôn trọng Luật Biển quốc tế liên quan tới các vùng lãnh thổ. Trong bài phát biểu tại hội nghị đối thoại về an ninh Á châu Shangri-la 13, nhóm tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản đã tuyên chiến pháp lý và thách thức Trung Quốc đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Trong khi Philippines thì đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế liên quan tới vụ Trung Quốc chiếm bãi Scarbourough ngay sát bờ biển Philippines. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tầu tuần tra phục vụ ở Biển Đông, cho Indonesia 3 tầu và thúc đẩy việc cung cấp tầu tuần tra cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là Nhật Bản đang hình thành liên minh pháp lý để chống lại thái độ hung hăng xấc xược bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trong Hội nghị Shangri-la thường niên lần thứ 13 nhóm tại Singapore về An ninh khu vực Á châu ngày 31-5-2014 Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những vi phạm, đặc biệt chống lại Philippines và Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không ngồi im nhìn Bắc Kinh gây bất ổn ở Biển Đông và hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Ông Vương Quản Trung, trưởng phái đoàn Trung Quốc, lên án Nhật Bản và Hoa Kỳ khiêu kích Trung Quốc.

Trước đó ngày mùng 9-5-2014 ông Benjamin Cardin đã cùng 5 Thượng nghị sĩ Mỹ của Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ra tuyên ngôn chung khẳng định rằng việc Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam là thực tại đáng lo ngại. Ngày 28-5-2014 trong buổi tiềp thượng nghị sĩ Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đông Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động ngang ngược phi pháp của Trung Quốc. Ông cho biết Việt Nam muốn cùng Mỹ tiếp tục nỗ lực phát triển sâu rộng hơn nữa các quan hệ hơp tác trên các lãnh vực, vì lợi ích thiết thực và vì sự phát triển chung của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về các lãnh vực hợp tác cũng như những vần đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Thượng nghị sĩ Cardin cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn nặng nề luật pháp quốc tế, Công Ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gây bất ổn và đe dọa trực tiếp nền hòa bình, sự ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bô trưởng quốc phòng Úc David Johnston cũng ủng hộ lập trường của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Cảnh lời qua tiếng lại với Trung Quốc và tình hình căng thẳng tại Biển Đông lên cao có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến, mà không ai biết kết qủa sẽ ra sao.

Nhật báo Arirang của Hàn quốc số ra ngày 23-5-2014 cho biết Trung Cộng đã đem 300,000 quân tới gần biên giới Việt Nam. Tờ Thời báo Đài Loan thì cho biết tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam cũng đã tăng cường và chuyển quân tới gần biên giới Trung Quốc.

Biển Đông nổi sóng chỉ vì mỏ dầu lửa và khí đốt khổng lồ nằm bên dưới và do vị trí chiến lược của nó nằm giữa Ấn Độ dương và Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chuyên viên Tổng cục địa chất Việt Nam, khu vực Biển Đông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng và đông tàu bè qua lại nhất thế giới. Hàng năm hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyện bằng tầu biển của thế giới tiếp tục hành trình qua Biển Đông, sau khi đã vượt các eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Lượng tầu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu chở dầu qua kênh đào Suez, và hơn 5 lần số tầu chở dầu qua kênh đào Panama.

Riêng về số lượng dầu và khí đốt dự trữ tại Biển Đông Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng chỉ có 2.5 tỷ thùng. Nhưng đây là con số Trung tâm khảo cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính dựa trên các khảo sát gần ven biển của các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó Bộ tài nguyên địa chất Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biến Đông vào khoảng 17.7 tỷ tấn, so với 13 tỷ của Kuweit. Vì thế Trung Quốc gọi Biển Đông là ”Vịnh Ba Tư thứ hai”.

Tổng trữ lượng dự báo địa chất dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 3 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt khoảng 1,000 tỷ mét khối. Ngoài ra, vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Biển Đông rộng 1,460,000 cây số vuông còn có nguồn lợi thủy sản khổng lồ nữa. Có hơn 2,000 loại cá trong đó có 130 loại có giá trị kinh tế rất cao. Tất cả là các lý do khiến cho Trung Quốc dang rất thèm khát tài nguyên đã vẽ bản đồ Lưỡi Bò bất chấp công pháp quốc tế, và quyết ăn cướp cho bằng được kho tàng khổng lổ này. Nhưng trước các phản kháng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia Đông Nam Á cái lưỡi bò ấy đang trở thành ”khúc xương khổng lồ dài ngàn dặm”, mà miệng Trung Quốc cho dù có gian giảo và to đến mấy đi nữa, cũng sẽ không thể nào nuốt trôi được. Trái lại có nguy cơ chết hóc nữa là đàng khác.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, tân Giám Mục Phụ Tá Long Xuyên

Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, tân Giám Mục Phụ Tá Long Xuyên

VATICAN. Trưa ngày 5-4-2014, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Toản, Giám đốc Trung Tâm mục vụ Giáo Phận Long Xuyên, Việt Nam, làm tân Giám Mục phụ tá của giáo phận này, và chỉ định cho ngài hiệu tòa Acalisso.

Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sinh ngày 7-4-1955 tại tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng. Song thân ngài gốc giáo phận Thái Bình, Bắc Việt. Theo học tại tiểu chủng viện Long Xuyên từ 1966 đến 1974, rồi tại Đại chủng viện ở địa phương từ 1974 đến 1981. Thầy Giuse Toản đã phục vụ 11 năm trong giáo xứ Môi Khôi, Thạnh Quới, Giáo Phận Long Xuyên, trong khi chờ đợi Nhà Nước cho phép chịu chức Linh Mục.

Thầy thụ phong Linh Mục ngày 16-1 năm 1992, thuộc giáo phận Long Xuyên.

Sau đó cha đã lần lượt đảm nhận các trách vụ sau đây:

– Từ 1992 đến 1999: Phó Xứ Môi Khôi, Láng Sen, hạt Vĩnh Thạnh.

– Từ 2000 đến 2005: theo học tại Đại học De La Salle, Manila, Philippines và đậu tiến sĩ về giáo dục.

– Từ năm 2006: cha làm Giám đốc Trung tâm mục vụ và phối hợp các hoạt động mục vụ và truyền giáo, Giám đốc tiểu chủng viện thánh Têrêsa, giảng dạy môn Truyền Giáo học tại Đại chủng viện liên giáo phận Cần Thơ.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Giuse Trần Văn Toản sẽ phụ giúp Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, 69 tuổi (1945), từ 11 năm nay là Giám Mục chính tòa Long Xuyên, sau 4 năm làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại giáo phận này.

Theo niên giám năm 2013 của Tòa Thánh, Giáo Phận Long Xuyên hiện có 224,157 tín hữu Công Giáo trên tổng số 4 triệu 783 ngàn dân cư, và có 135 giáo xứ, 56 họ lẻ, 222 linh mục giáo phận và 19 LM dòng, 97 đại chủng sinh, 61 tu huynh và 345 nữ tu. (SD 5-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tấn công nhà thờ bằng lựu đạn, sáu người bị thương

Tấn công nhà thờ bằng lựu đạn, sáu người bị thương

Phóng viên ucanews.com từ thành phố Zamboanga, Philippines

Ít nhất sáu người bị thương hôm Chủ Nhật sau khi hai người đàn ông đi xe gắn máy ném lựu đạn vào nhà thờ Công giáo thành phố Zamboanga, miền nam Philippines, nơi được biết có nhiều hoạt động của phiến quân Hồi giáo.

Nhà chức trách cho biết, hai người đàn ông chưa xác định thực hiện vụ tấn công trong khi khoảng 30 cư dân cao tuổi đang nhóm họp vào sáng Chủ Nhật.

Những người đàn ông sau đó chạy trốn vào trung tâm thành phố, báo cáo cảnh sát cho biết. Chưa rõ động cơ cuộc tấn công tại thành phố nơi hơn 70 phần trăm là Kitô giáo và chưa đến một phần tư là Hồi giáo trong khu vực bị tàn phá bởi bạo lực chia rẽ trong những thập kỷ gần đây.

Trung tâm Hành động Nhân quyền Mindanao lên án vụ việc, nói rằng đó “không chỉ vi phạm luật nhân đạo trong nước và quốc tế, mà còn ngăn cản chúng ta trong việc xây dựng một xã hội đa nguyên, đón nhận lẫn nhau và lại châm thêm dầu vào ngọn lửa xung đột”.

Mặc dầu chính phủ đã ký thỏa thuận hòa bình mang tính bước ngoặt với Mặt trận Hồi giáo Mindanao tuần trước, các nhóm phiến quân Hồi giáo vẫn hoạt động tại miền nam Philippines.

Hôm thứ Bảy, một phóng viên truyền hình và một người quay phim trong số 12 người bị thương trong một vụ nổ bên đường tại Datu Saudi Ampatuan, tỉnh Maguindanao. Quân chính phủ đổ lỗi do các chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro gây ra trận chiến kéo dài cả tuần nay.

UCANEWS VN