ĐTC Phanxicô: “Này con đây” nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

ĐTC Phanxicô: "Này con đây" nghĩa là tín thác nơi Chúa mỗi ngày

Tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC tại Quảng trường Thánh Phêrô có khoảng 20 ngàn tín hữu và khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc truyền tin cho Đức Maria, đặc biệt là lời thưa của Mẹ: ”Eccomi”, Này con đây!

Lời thưa của Adam và lời thưa của Mẹ Maria

ĐTC bắt đầu bài huấn dụ bằng việc so sánh lời thưa với Thiên Chúa của Adam trong bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng thế và lời thưa của Đức Mẹ trong bài Tin mừng theo thánh Luca. Trong bài đọc thứ nhất, có một con người ngay từ ban đầu nói không với Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng thì chính Đức Mẹ Maria, vào buổi Truyền tin, đã thưa vâng với Thiên Chúa. Trong cả hai bài đọc, chính Thiên Chúa tìm kiếm con người. Nhưng trong trường hợp thứ nhất, Thiên Chúa đến với Adam, sau khi ông đã phạm tội, và hỏi ông: “Ngươi đang ở đâu?” (St 3,9) và ông đáp lại: “Tôi đang ẩn trốn” (c.10). Ngược lại, trong trường hợp thứ hai, Thiên Chúa đến với Mẹ Maria, tinh tuyền vô tội, và Mẹ đã thưa với Chúa: “Này con là tôi tớ Chúa” (Lc, 1,38). Lời thưa “này con đây” trái ngược với câu đáp “tôi đang ẩn trốn”. Thưa “Này con đây” là mở lòng mình ra với Chúa, trong khi tội lỗi thì đóng lại, khép kín, làm cho người ta cô đơn với chính mình.

Mỗi ngày bắt đầu với lời thưa “này con đây”…

 “Này con đây” là từ khóa của cuộc sống. Nó đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống theo chiều ngang, quy hướng về chính mình và các nhu cầu của mình, đến một cuộc sống theo chiều dọc, hướng đến Thiên Chúa. “Này con đây” là sẵn sàng với Chúa, đó là phương dược chữa lành sự ích kỷ, là thuốc giải cho một cuộc sống bất mãn, trong đó người ta luôn thiếu một cái gì đó. “Này con đây” là cách chữa trị chống lại sự già nua của tội lỗi, là cách trị liệu để giữ được sự trẻ trung nội tâm. “Này con đây” là tin rằng Thiên Chúa thì hơn cái tôi của tôi. Đó là chọn đặt cược vào Chúa, ngoan ngoãn trước những bất ngờ Chúa đưa đến. Vì vậy, thưa “Này con  đây” với Thiên Chúa là lời ngợi khen lớn lao nhất mà chúng ta có thể thưa với Người. Tại sao chúng ta không bắt đầu những ngày sống của mình như thế? Thật là đẹp khi mỗi sáng chúng ta nói: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”. Chúng ta sẽ thưa điều này trong Kinh Truyền Tin, nhưng bây giờ chúng ta đã có thể cùng nhau lặp lại: “Lạy Chúa, này con đây, ngày hôm nay xin thánh ý Chúa được thể hiện trong con”.

Cám dỗ nguyên thủy: đừng tin vào Thiên Chúa

Mẹ Maria nói với Sứ Thần Chúa: “Xin xảy ra cho con theo lời Ngài.” Mẹ không nói: “Xin xảy ra như ý con”, nhưng “theo ý Ngài”. Mẹ không đặt giới hạn cho Chúa. Mẹ không suy nghĩ: “tôi dành cho Người một ít, tôi làm nhanh nhanh và rồi tôi làm điều tôi muốn.” Không! Mẹ Maria không chỉ yêu Chúa khi sự việc xảy ra hợp ý Mẹ. Mẹ sống tín thác vào Chúa trong tất cả và vì tất cả. Đây là bí quyết của cuộc sống. Tất cả những ai tín thác vào Chúa trong tất cả thì có thể thực hiện được. Thật ra Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta thưa với Người như Adam đã thưa: “Tôi sợ hãi và tôi đã ẩn trốn. Thiên Chúa là Cha, người cha hiền lành nhất trong các người cha, và mong muốn các con tin tưởng nơi mình. Ngược lại, đã bao nhiêu lần chúng ta nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta nghĩ rằng Người có thể gửi đến cho chúng ta những thử thách, lấy đi sự tự do của chúng ta, bỏ rơi chúng ta. Nhưng đây là một sự lừa dối khủng khiếp, là sự cám dỗ từ nguyên thủy, cám dỗ của ma quỷ: đừng tín thác nơi Chúa. Mẹ Maria vượt qua cám dỗ đầu tiên này với lời thưa “này con đây”. Và hôm nay chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Đức Mẹ, sinh ra và sống không tội lỗi, luôn ngoan ngoãn và trong sáng đối với Thiên Chúa.

Không để tâm đến những đồn đoán nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa

ĐTC khẳng định rằng không thể nói là cuộc sống của Mẹ thật dễ dàng. Việc ở cùng Thiên Chúa không giúp giải quyết các vấn đề cách kỳ diệu như ảo thuật. Đoạn kết của Tin mừng hôm nay nhắc: “Thiên Thần từ biệt bà” (c. 38). Từ biệt: một động từ mạnh mẽ. Thiên thần để Đức Trinh nữ một mình trong tình cảnh khó khăn. Đức Mẹ biết là Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa theo cách thức đặc biệt nhưng thiên thần không giải thích điều này với những người khác. Và các rắc rối xuất hiện ngay lập tức: chúng ta nghĩ đến những trường hợp không hợp luật lệ, đến sự khó chịu đau khổ của thánh Giuse, đến những kế hoạch sống bị hủy bỏ, đến những điều mà thiên hạ có thể nói…

Cách giải quyết của Mẹ Maria là đặt niềm tin nơi Thiên Chúa trước những vấn đề. Thiên thần đã giã từ Mẹ, nhưng Mẹ tin rằng Thiên Chúa ở với Mẹ và trong Mẹ. Và Mẹ tin tưởng tín thác. Và chắc chắn rằng với Chúa, ngay cả trong cách thức không được chờ đợi, mọi sự sẽ tốt đẹp. Đây là thái độ khôn ngoan: không sống dựa trên các vấn đề – một vấn đề kết thúc thì người ta sẽ đưa ra một vấn đề khác – nhưng tín thác vào Thiên Chúa và phó thác mọi sự cho Người: “này con đây!”. Chúng ta cầu xin Mẹ Vô nhiễm ơn để sống như thế.

Hồng Thủy, Vatican

Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ trong Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm

Đức Thánh Cha dâng hoa kính Đức Mẹ trong Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm

Chiều hôm qua, lúc 3 giờ rưỡi, ĐTC đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, dâng hoa kính Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, trước khi đến Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Quảng trường Tây Ban Nha, trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

 ** Tại Quảng trường Tây Ban Nha, ĐTC đã được Đức TGM De Donatis, Giám quản Roma và Bà thị trưởng Virginia Raggi đón tiếp.

 Tại đây có sự hiện diện của hàng chục anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu.

 Trước đài Đức Mẹ, ĐTC đã đặt vòng hoa tôn kính Mẹ Thiên Chúa và đọc lời nguyện dâng lên Đức Mẹ, cầu cho dân thành Roma và các nơi trên thế giới.

LỜI CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,
trong ngày lễ hết sức thân thiết với đoàn dân Kitô,
Giữa lòng Roma con đến dâng lên Mẹ lòng thành kính.
Nơi tấm lòng mình, con mang theo đoàn tín hữu của Giáo Hội
và tất cả mọi người sống trong thành phố này, đặc biệt những người ố đau ốm
và những ai đang khó nhọc tiến bước trong những hoàn cảnh khác nhau.

Trước hết, chúng con cảm tạ Mẹ
vì sự đồng hành ân cần mẫu tử của Mẹ trên mỗi bước đường chúng con đi:
Bao lần chúng con được nghe kể trong nước mắt
từ nhiều người đã nghiệm thấy lời Mẹ chuyển cầu và
những hồng ân mà Mẹ đã xin cho chúng con với Chúa Giêsu Con Mẹ!
Con cũng nghĩ về một ơn thường hằng Mẹ đã làm cho những con dân Roma:
đó là đối diện với những điều khó chịu trong cuộc sống thường nhật bằng sự kiên nhẫn.

Vì đó, chúng con cầu xin Mẹ sức mạnh để không lùi bước,
nhưng dấn thân mỗi ngày để làm cho mọi sự tốt hơn trong khả năng của mình,
để Roma trở nên đẹp hơn và đáng sống cho tất cả mọi người
nhờ sự dấn thân từng ngày của mỗi người;
để đảm bảo quyền lợi của mọi người
nhờ việc chu toàn bổn phận của mỗi người.
Khi nghĩ về ích chung của thành phố này,
chúng con cầu xin Mẹ cho những ai đang gánh vác những trách nhiệm lớn lao:
có được ơn khôn ngoan, ơn lo liệu, tinh thần phục vụ và cộng tác.

Lạy Thánh Mẫu Đồng Trinh,
Cách đặc biệt, con dâng lên Mẹ các linh mục của giáo phận này:
cho những cha sở, cha phó, những linh mục già yếu
tiếp tục công việc phục vụ dân Chúa với con tim mục tử.
Con cũng cầu nguyện cho nhiều học viên linh mục
đến từ khắp thế giới hiện đang cộng tác tại các giáo xứ.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui ngọt ngào trong việc loan báo Tin Mừng
và hồng ân là những người cha đầy lòng thương xót, biết gần gũi với dân chúng.

Lạy Đức Mẹ của những người nữ được thánh hiến cho Thiên Chúa,
con dâng lên Mẹ những nữ tu trong các hội dòng và các tu hội đời,
tạ ơn Thiên Chúa vì họ hiện diện tại Roma nhiều hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới,
để làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về các dân tộc và văn hoá.
Con cầu nguyện cho họ có được niềm vui là những hiền thê và hiền mẫu như mẹ,
để sinh nhiều hoa trái trong cầu nguyện, trong đức ái và cảm thông.

Lạy Mẹ Chúa Giêsu
Điều cuối cùng con cầu xin Mẹ trong thời gian Mùa Vọng này,
khi nghĩ về những ngày mà Mẹ và thánh Giuse phải âu lo
về ngày sinh của con trẻ đang gần kề,
âu lo vì việc kiểm tra dân số và các ngài đã phải rời bỏ quê hương Nagiarét để đến Bêlem…
Mẹ hiểu thế nào là mang trong mình mầm sống
mà lại cảm thấy bị những người xung quanh từ chối, dửng dưng và coi thường.
Vì thế, con cầu xin Mẹ gần gũi những gia đình
ở Roma, ở Ý và mọi nơi trên thế giới
mà ngày nay đang sống trong những hoàn cảnh tương tự
để họ không bị bỏ rơi đơn độc, nhưng được bảo vệ trong các quyền của họ,
và quyền con người luôn có trước mọi cơ sơ pháp lý.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm,
là tia hy vọng của toàn thể nhân loại,
xin trông giữ thành phố này
trong các ngôi nhà, trong trường học, nơi làm việc, ngoài cửa hàng,
trong các nhà máy, các bệnh viện, các nhà tù
để không nơi nào thiếu điều quý giá nhất
mà Roma có và giữ cho toàn thế giới,
là điều Chúa Giêsu trăn trối:
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (x. Ga 13,34).

Amen.

Trên đường từ Quảng trường Tây Ban Nha về Vatican, ĐTC đã dừng lại tại trụ sở của nhật báo Il Messaggero, Người Sứ Giả, tại đường Tritone, để chào tham ban giám đốc và các ký giả và nhân viên của báo này. Năm nay, báo Il Messaggero kỷ niệm 140 năm thành lập. Báo có số ấn hành gần 90 ngàn tờ trên giấy và gần 11 ngàn ở dạng kỹ thuật số

(SD 8-12-2018)

Văn Yên, SJ – Vatican

Sứ vụ của cha Giorgio Marengo ở Mông Cổ

Sứ vụ của cha Giorgio Marengo ở Mông Cổ

Ở một nơi mà thời tiết khắc nghiệt như thế nhưng đối với cha Giorgio Marengo, một nhà truyền giáo 44 tuổi, linh mục xứ Arvaiheer nói một các xác tín về sự hiện diện của cha ở đây như sau: "Sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi đến đây”. Ngài nói mười hai năm trước, sau khi trải qua một thời gian ở thủ đô, cha và các nhà truyền giáo đã ra đi tìm một nơi mới để mang Phúc Âm đến cho những người mà cha chắc chắn rằng họ chưa được nghe nói về Chúa, hay đã nghe nói về Chúa rồi nhưng không được hướng dẫn chăm sóc.

Các nhà truyền giáo đã khám phá và đến dừng chân tại một khu vực cách thủ đô Ulaanbaatar 500 kilômét. Đây là một vùng mà Kitô giáo chưa được biết và Phật giáo Tây Tạng là tôn giáo duy nhất được thực hành, cùng với tính chất tâm linh mạnh mẽ của Shaman giáo.

Vào năm 2006, các nhà truyền giáo mở cơ sở thứ hai sau Ulaanbaatar. Từ đây phong cảnh ngoạn mục và bầu trời trong xanh của Trung Á cùng đồng hành với cha Marengo và các anh chị em khác. Mỗi khi đi lên núi cầu nguyện cha Marengo thấy một phần đường chân trời bao la hướng về phía sa mạc Gobi và một phần khác những ngọn núi của dãy núi Hangai; chính phong cảnh bao la này đánh thức mạnh mẽ lòng nhiệt thành đem Tin Mừng đến cho người dân ở đây của cha. Lúc đầu, các nhà truyền giáo thuê một nhà trọ rồi chia thành những phòng nhỏ để tiện sử dụng, và sau một năm cha nhận được giấy phép xây dựng một ngôi nhà, cơ sở sản sản xuất và một ngôi nhà thờ.Lúc đầu người dân ở đây thắc mắc về những người nước ngoài này là ai; nhưng rồi với với thời gian cha và các cộng tác viên từ từ hội nhập với cuộc sống của người dân, và mọi người không còn cảm thấy xa lạ với những người ngoại quốc này nữa. Cuộc sống của cha và mọi người bắt đầu bằng giờ cầu nguyện, kinh phụng vụ và sau đó là phục vụ người nghèo.

Bốn năm sau, một nhóm sáu người phụ nữ đầu tiên được rửa tội. Ngày nay số giáo dân là bốn mươi người. Cha Giorgio Marengo và các nhà truyền giáo khác đến từ Tanzaina, Congo và Italia. Mọi người sống ở ngoại ô của làng nơi có 35 nghìn người sinh sống. Giáo hội ở Mông Cổ thực tế có một lịch sử cổ đại, có niên đại 1000 năm, nhưng chỉ cách đây 26 năm, mới có sự hiện diện các cơ sở Công giáo, nhờ sự xuất hiện của ba nhà truyền giáo đầu tiên có nguồn gốc Bỉ vào năm 1992. Thực tế, Giáo hội ở đây vẫn còn là cón số bé nhỏ, có 1.300 người lãnh nhận bí tích Rửa tội tại một đất nước lớn gấp năm lần so với Italy.

Tuy nhiên, cha Marengo luôn tin rằng hoạt động của Thánh Linh hướng dẫn con người. Cha nói: “Chúng ta có thể đóng vai trò như chất xúc tác, nhưng hành trình, con đường được nhận lãnh đến từ ân sủng”. Ngày sứ vụ bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng bằng việc cầu nguyện, chúc tụng, thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, tiếp theo là Kinh Mân Côi và Thánh Lễ với các giáo dân.

Cha chia sẻ về những công việc nhỏ bé, đơn giản nhưng thực tế của công việc mục vụ như sau: “Vào lúc chín giờ, chúng tôi uống trà với những người đến tham dự thánh lễ và chúng tôi bắt đầu với các hoạt động: ở trường mẫu giáo cho trẻ em, sau đó làm việc nơi phòng tắm công cộng và đồng hành với một nhóm người nghiện rượu muốn thoát khỏi cơn nghiền". Ngoài ra vào mùa hè cha còn hướng dẫn mọi người cách trồng rau để người dân có thể tự cung cấp rau xanh cho mình.

Ở đây, vùng thảo nguyên, truyền thống Phật giáo và Shaman rất mạnh mẽ. Để có thể hội nhập với môi trường và hoàn cảnh tôn giáo các nhà truyền giáo đã nỗ lực tìm một con đường đối thoại liên tôn, và điều này đã được thực hiện. Nhà truyền giáo giải thích: “Mặc dù chủ nghĩa vô thần nhưng nền tảng tôn giáo luôn luôn được bắt nguồn từ lương tâm. Cuộc sống được đọc bằng con mắt tâm linh, hiện tượng này không bao giờ chỉ là tự nhiên mà còn liên kết với điều vô hình”.

Về mặt vật chất, các nhà truyền giáo đã cố gắng tìm cách xoay sở để có thể chia sẻ cuộc sống nghèo khó với người dân ở đây. Để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất không đơn giản. Những người dân nghèo phải sống lệ thuộc vào khoản trợ cấp của chính phủ và các khoản viện trợ khác. Có một cái chợ lớn nơi người ta có thể mua bán các loại gia súc như lạc đà, cừu, dê… và những sản phẩm từ gia súc như da, len, sữa…. Mông cổ có 3 triệu dân so với 61 triệu đầu gia súc.

Với hoàn cảnh khó khăn và thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng cha Giorgio Marengo và các nhà truyền giáo luôn xác tín vào sự dẫn dắt quan phòng của Thiên Chúa trên hành trình truyền giáo

Ngọc Yến, Vatican

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

ĐTC tiếp kiến 120 tu sĩ dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Ngài đưa lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 6-12-2018, dành cho 120 tu sĩ thuộc dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp kỷ niệm 800 năm thành lập dòng.

Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi

Dòng được thánh Phêrô Nolasco thành lập ngày 10-8 năm 1218 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, với mục đích giải thoát các tín hữu Kitô bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ. Ngoài 3 lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng còn có lời khấn thứ 4 là dấn thân thay thế bằng chính bản thân những tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Do mục đích này, đây là dòng giáo dân và có tính chất quân sự. Nhưng từ đầu thế kỷ 14, thành phần giáo sĩ trong dòng chiếm đa số và các Bề trên Tổng quyền được chọn trong số các LM.

Sau khi nạn nô lệ không còn nữa, các tu sĩ của dòng chuyên về việc giảng dạy và tông đồ truyền giáo. Sau Công đồng chung Vatican 2, dòng mở lại các hoạt động chống những hình thức nô lệ mới về chính trị, xã hội và tâm lý. Theo niên giám Tòa Thánh 2018, dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi có 659 tu sĩ trong đó 520 vị là linh mục, thuộc 158 nhà. Nhánh nhặt phép của dòng này chỉ có 35 tu sĩ thuộc 8 nhà.

Đề cao giá trị và tính chất thời sự đoàn sủng của dòng

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao tính chất thời sự trong đoàn sủng của dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi và ngài nói: ”Gia đình dòng, những người thánh hiến và giáo dân, cần để cho tinh thần sáng tạo của Thiên Chúa soi sáng, cả khi điều này đòi ta phải từ bỏ những khuôn mẫu riêng của mình, được thêm vào đoàn sủng nguyên thủy qua dòng thời gian”.

ĐTC giải thích rằng ”Tín thác nơi Chúa có nghĩa là hiến thân cho Chúa không chút dè dặt; không phải chỉ cho đi những gì là vật chất và dư thừa, nhưng còn dâng hiến tất cả những gì chúng ta coi như của riêng, cả những sở thích và ý kiến riêng của mình. Sự dâng hiến cuộc sống không phải là điều tùy ý, nhưng là kết quả của một tâm hồn đã được tình thương của Thiên Chúa đánh động”.

Tránh sa chước cám dỗ tìm kiếm tư lợi và địa vị

”Tôi xin anh em đừng để mình bị sa vào chước cám dỗ coi sự hy sinh và hiến thân của Chúa như một sự đầu tư để mưu tư lợi cho mình, để đạt được địa vị hoặc được cuộc sống an ninh! Không phải vậy! Hãy cố gắng làm cho sự dâng hiến và hy sinh nhắm phụng sự Thiên Chúa và con người, sống niềm vui Phúc âm qua đoàn sủng cứu chuộc của dòng anh em.”

3 thứ kẻ thù

ĐTC cảnh giác rằng ngày nay cũng như trong lịch sử, Kitô hữu bị đe dọa vì 3 thứ kẻ thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Đây không phải là những gì thuộc về quá khứ, nhưng là thực tại ngày nay. Những nguy hiểm này nhiều khi ngụy trang và chúng ta không nhận diện được chúng, nhưng hậu quả của chúng thật là hiển nhiên, nó mê hoặc lương tâm và tạo nên sự tê liệt tinh thần, dẫn tới cái chết nội tâm”.

”Chúng ta cũng phải chú ý để khỏi rơi vào tình trạng không còn đời sống thiêng liêng sinh động nữa. Chúng ta hãy đề phòng tinh thần thế tục, dưới hình thức tinh vi, lẻn vào đời sống chúng ta, làm tiêu tán vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu ban đầu đối với Chúa trong tâm hồn chúng ta” (Rei 6-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

ĐTC tiếp kiến các ân nhân giúp Hang Đá và Thông Giáng Sinh

Cây thông đỏ cao 21 mét, đường kính 50 mét, được đốn từ miền Pordenone, bắc Italia và hang đá giáng sinh bằng cát nén từ miền Jesolo do tòa Thượng Phụ thành Venezia, đông bắc Italia, tài trợ và thực hiện.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các ân nhân, các nghệ sĩ cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã góp phần tặng thông cho Tòa Thánh và thực hiện hang đá. Ngài cũng nói rằng:

Ý nghĩa cây thông Giáng Sinh

”Cây thông và hang đá là hai dấu hiệu không ngừng thu hút chúng ta, nói với chúng ta về Giáng Sinh và giúp chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để gần gũi với mỗi người chúng ta. Cây thông giáng sinh với các ngọn đèn sáng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, là ánh sáng tâm hồn xua tan bóng đêm thù nghịch và dành chỗ cho tha thứ.

”Cây thông đỏ được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô năm nay đến từ rừng Cansiglio, cao hơn 20 mét, gợi ý cho chúng ta suy tư: nó tượng trưng Thiên Chúa, qua sự giáng sinh của Chúa Giêsu, Ngài hạ mình xuống với con người để nâng họ lên với Ngài, vượt lên trên những mây mù của ích kỷ và tội lỗi. Con Thiên Chúa nhận lấy thân phận phàm nhân để lôi kéo họ đến với Ngài và làm cho họ được tham dự vào bản tính thần linh không thể hư nát của Ngài.

 Ý nghĩa hang đá bằng cát

Nhắc đến hang đá làm bằng cát, ĐTC nhận định rằng cát, một vật liệu nghèo, nhắc nhớ chúng ta về sự đơn sơ, bé nhỏ qua đó Thiên Chúa tỏ mình ra với sự giáng sinh của Chúa Giêsu trong tình trạng bấp bênh ở Bethlehem. Sự bé nhỏ ấy có vẻ mâu thuẫn với thiên tính, nhưng sự bé nhỏ ấy là tự do. Người bé nhỏ theo nghĩa Tin Mừng, không những nhẹ nhàng, nhưng còn là người tự do đối với mọi thứ đam mê muốn xuất hiện và tự phụ về những thành công. Như trẻ thơ, họ biểu lộ và cử động một cách tự nhiên. Tất cả chúng ta được mời gọi trở nên tự do trước Thiên Chúa, có tự do của một trẻ em trước cha của mình”.

Chuẩn bị Hang đá ”Sand Nativity”

Hang đá được gọi là ”Sand Nativity” (Cảnh Giáng Sinh bằng cát) được thực hiện với 1,300 mét khối cát từ Jesolo, nặng 700 tấn, do 4 nhà điêu khắc người Mỹ (Richard Varano), Nga (Ilya Filimontsev), Hòa Lan (Susanne Ruseler) và Tiệp (Rodovan Ziuny) đảm trách.

Giai đoạn đầu tiên là chuẩn bị một khối cát hình kim tự tháp tại Quảng trường Thánh Phêrô, sau khi làm những thùng cát nén trong đó. Tiếp đến người ta dựng lều bảo vệ. Rồi các nghệ sĩ bắt đầu giai đoạn đoạn khắc đẽo. Sau cùng là giai đoạn tổ điểm hoàn tất.

Khánh thành

Cũng tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 7-12, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, Đức Thượng Phụ Moraglia của thành Venezia, chính quyền và giáo quyền các miền liên hệ và đông đảo các tín hữu. (Rei 7-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Hoạt động bác ái của ĐTC ”Chiều thứ sáu”

Hoạt động bác ái của ĐTC ”Chiều thứ sáu”

Cùng đi với ĐTC có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Thăm ”Nhà thân hữu thiện nguyện”

Nơi đầu tiên tên là ”Casa Amica Onlus” (Nhà Thân Hữu Thiện Nguyện), được thành lập cách năm 2016 ở phía nam Roma, để đón tiếp các bệnh nhân và thân nhân từ nơi xa, cho họ trú ngụ trong thời gian họ đến Roma để chữa bệnh, đặc biệt tại Bệnh viện đại học đa khoa ”Campus Bio-Medico”, Viện quốc gia Ung Bướu ”Hoàng hậu Elena”, và bệnh viện nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu của Tòa Thánh.

Đến nơi ĐTC đã chào thăm các em bệnh nhân và cha mẹ các em, họ không được báo trước nên rất kinh ngạc. Ngài nói chuyện với mọi người, nghe hai em 13 và 11 tuổi, một em bị ung thư, và 1 em bị bệnh máu, kể lại tình trạng của họ. Trước khi giã từ, ĐTC để lại cho mọi người hình ảnh kỷ niệm và một số món quà cho các gia đình.

Viếng thăm cộng đoàn trị liệu và phục hồi

Sau đó ĐTC đã đến cộng đoàn trị liệu và phục hồi tên là ”Il Ponte et l'Albero” (Cầu và Cây), tọa lạc cạnh cây cầu thứ 7 ở khu phố bình dân Laurentino, cũng thuộc mạn nam Roma. Tại đây có 12 người trẻ có vấn đề tâm thần đang được chữa trị. Các em đã sống trong những hoàn cảnh gia đình không tạo cơ hội cho tình trạng các em được cải tiến.

Cách đây ít lâu, các em đã viết thư cho ĐTC, kể lại những khó khăn trong đời sống thường nhật vì tình trạng tâm thần khó khăn của các em, cũng như những cố gắng các em theo đuổi theo sự chăm sóc cảu các bác sĩ để được cải tiến. Các em cũng xin ĐTC đến thăm.

Đến nơi, ĐTC đã ngồi nói chuyện với các em và mọi người, trả lời những câu hỏi của các em. Ngài cũng nghe bác sĩ Paolo Stievano về tâm lý tại trung tâm này trình bày về những vấn đề tâm lý nặng của các em, và những cố gắng chữa trị.

Trước khi trở về Vatican, ĐTC đã để lại một món quà là chiếc bánh ngọt Panettone nặng 10 kýlô nhân dịp lễ Giáng Sinh sắp đến gần (Rei 7-12-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

ĐTC Phanxicô: Học cầu nguyện từ Chúa Giêsu

Trong buổi tiếp kiến chung dành cho khoảng 10 ngàn tín hữu vào sáng thứ tư 05/12, ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý mới về “Kinh Lạy Cha”. Kinh Lạy Cha xuất phát từ đời sống cầu nguyện của chính Chúa Giêsu và Chúa đã dạy cho các môn đệ.

Chúa Giêsu là người cầu nguyện

Các Tin mừng trình bày cho chúng ta những bức chân dung rất sống động của Chúa Giêsu: như một con người cầu nguyện. Dù cho những khẩn cấp của sứ vụ và các nhu cầu khẩn thiết của dân chúng đang kêu cầu Người cứu giúp, Chúa Giêsu cảm thấy cần tách mình ra khỏi họ, sống trong cô tịnh và cầu nguyện.

Tin mừng thánh Marco thuật lại với chúng ta về chi tiết này ngay từ trang đầu nói về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. 1,35). Ngày khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu tại Caphácnaum đã kết thúc cách thành công. Khi mặt trời lặn, nhiều người đau yếu đã tìm đến nơi Chúa Giêsu đang ở: Đấng Cứu Thế giảng dạy và chữa lành. Những lời tiên tri xưa kia và các chờ mong của dân chúng đang đau khổ được thực hiện: Chúa Giêsu là Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa giải phóng. Nhưng đám đông đó vẫn chỉ là một số nhỏ so với nhiều đám đông khác sẽ tụ họp xung quanh vị ngôn sứ của Nadarét; đôi khi là đám đông ở bờ biển và Chúa Giêsu ở trung tâm của tất cả, là niềm mong chờ của dân chúng, là chung cục của niềm hy vọng của Israel.

Đấng Cứu Thế đúng nghĩa, không gắn chặt với dân chúng

Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không để mình bị bó buộc; Người không trở thành con tin của những mong đợi của những người đã chọn Người làm lãnh đạo. Có một nguy hiểm đối với những người lãnh đạo, đó là quá gắn chặt với dân chúng, không giữ khoảng cách. Chúa Giêsu nhận ra điều này và không trở thành con tin của dân chúng. Từ đêm đầu tiên ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình là một Đấng Cứu Thế đúng nghĩa. Khi đêm gần qua, khi mà bình minh đang bắt đầu ló dạng, các môn đệ vẫn đang tìm kiếm Chúa nhưng vẫn không thể tìm thấy Người. Cuối cùng, Phêrô tìm thấy Người ở một nơi vắng vẻ, hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện. Ông nói với Chúa Giêsu: “Tất cả mọi người đang tìm Thầy!” (Mc. 1,37). Câu than vãn cho thấy sự thành công được mọi người nhìn nhận, chứng cứ của sự thành công tốt đẹp của một sứ vụ.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng Người phải đi nơi khác; không phải là dân chúng tìm kiếm Người nhưng trên hết, chính Người sẽ đi tìm kiếm họ. Đối với Chúa, không được bén rễ ở một nơi nhưng cần tiếp tục là một người hành hương trên những nẻo đường xứ Galilê (cc. 38-39). Và cũng là người hành hương về với Chúa Cha, nghĩa là bằng cầu nguyện. Trong hành trình cầu nguyện. Tất cả xảy ra trong một đêm cầu nguyện.

Cầu nguyện hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu

Trong một số trang Kinh thánh, dường như việc Chúa Giêsu cầu nguyện, sự gắn bó thân mật của Người với Chúa Cha hướng dẫn tất cả các hoạt động của Chúa Giêsu; ví dụ trong đêm ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Bức tranh cuối cùng về cuộc hành trình của Chúa Giêsu (chắc chắn là giờ phút khó khăn nhất trong số những điều Chúa Giêsu đã làm cho đến nay) dường như được thấy rõ nghĩa trong việc Chúa Giêsu liên tục lắng nghe Chúa Cha. Chắc chắn đó là một lời cầu nguyện không dễ dàng, thật ra là một cơn hấp hối thật sự, hổn hển như các vận động viên trong cuộc thi, nhưng là một lời cầu nguyện có thể nâng đỡ cuộc hành trình thập giá.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện sốt sắng trong những buổi cầu nguyện chung khi chia sẻ phụng vụ với dân của Người nhưng Người tìm những nơi để suy tư, tách biệt khỏi cơn lốc của thế giới, những nơi cho phép đi vào sâu thẳm của linh hồn mình: Người là vị tiên tri biết những hòn đá của sa mạc và trèo lên núi cao. Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, trước khi thở hơi cuối cùng trên thập giá, là các lời của các thánh vịnh, nghĩa là những lời cầu nguyện của người Do thái: Người cầu nguyện bằng những kinh nguyện mà mẹ đã dạy cho Người.

Chúa Giêsu là thầy dạy cầu nguyện

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, trong cách thế cầu nguyện của Người, có một điều mầu nhiệm, một điều gì đó mà chắc chắn các môn đệ của Người đã nhìn thấy, do đó họ xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Họ thấy Chúa cầu nguyện và họ muốn học cầu nguyện như Người. Và Chúa Giêsu không từ chối lời cầu xin của họ, Người không ghen tương nếu các môn đệ có mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha, nhưng Người đã đến chính là để giới thiệu với chúng ta mối tương quan này. Và như thế Chúa đã trở thành thầy dạy cầu nguyện của các môn đệ, và chắc chắn Người cũng muốn là thầy dạy cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Cả chúng ta cũng phải cầu xin: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.

Luôn phải học cầu nguyện!

Ngay cả nếu dường như chúng ta đã cầu nguyện từ nhiều năm, chúng ta luôn phải học cầu nguyện! Lời cầu nguyện của con người, khao khát này nảy sinh cách tự nhiên từ linh hồn con người, có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa nhất của vũ trụ. Và chúng ta thậm chí không biết nếu những lời cầu nguyện mà chúng ta thưa với Chúa có thực sự là những điều mà Người muốn nghe chúng ta thưa không.

Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe

Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy những lời cầu nguyện không xứng hợp, cuối cùng bị Thiên Chúa từ chối: chỉ cần nhớ dụ ngôn của người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Chỉ người thu thuế từ đền thờ trở về nhà được nên công chính, vì người Pha-ri-sêu kiêu ngạo và thích được dân chúng thấy mình cầu nguyện và họ giả vờ cầu nguyện: trái tim của họ thì lạnh giá. Và Chúa Giêsu nói: người này không được nên công chính, "vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18,14). Bước đầu tiên để cầu nguyện là khiêm nhường, đến với Chúa Cha và thưa: “Nhưng, thưa Cha…”, đến với Đức Mẹ: “Nhưng, xin Mẹ nhìn con, con là đứa tội lỗi, con yếu đuối, con xấu xa…”. Nhưng chúng ta luôn bắt đầu với sự khiêm nhường và Chúa lắng nghe chúng ta. Lời cầu nguyện khiêm nhường được Thiên Chúa lắng nghe.

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”

Vì thế, khi bắt đầu loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, điều đẹp nhất và thích hợp nhất mà tất cả chúng ta phải làm đó là lập lại lời cầu xin của các môn đệ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện!”. Chắc chắn Chúa sẽ không để cho lời cầu xin của chúng ta rơi vào trong hư không.

Hồng Thủy

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

ĐGH họp các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

Không có thông cáo chính thức nào được công bố sau khóa họp. Nhưng theo mạng thông tin Vatican Insider, đã có 2 bài tường trình mở đầu do ĐHY Angelo Becciu, nguyên là Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh trong 7 năm trời và nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh; tiếp đến là bài của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican.

Thặng dư trong nhân sự

Cụ thể, khóa họp bàn về vai trò của hơn 4,500 nhân viên Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican, trong đó có các giáo dân, tu sĩ nam nữ và linh mục, tỷ lệ khác nhau, ví dụ trong số 2 ngàn nhân viên tùy thuộc Phủ Thống Đốc Vatican, 90% là giáo dân.

Giảm chi

Trong cuộc họp, các vị hữu trách bàn về việc giảm bớt chi phí, giới hạn việc thu nhận nhân viên mới để thay thế các nhân viên về hưu, những nhu cầu mới do việc gộp các cơ quan Tòa Thánh trong các năm gần đây, có những trường hợp cần các nhân viên mới, chuyên môn hơn và biết sinh ngữ.

Tiêu chuẩn rõ ràng khi thu nhận nhân viên mới

Quan tâm của ĐTC là, ngoài sự minh bạch, công bằng và những tiêu chuẩn rõ ràng để thu nhận nhân viên, còn phải quan tâm đến việc săn sóc mục vụ và tinh thần cho những người phục vụ tại Tòa Thánh, đồng hành thích hợp trong những hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Giới hạn thời gian phục vụ của LM ở Vatican

Về các linh mục, nhất là các vị trẻ, các vị được mời gọi thi hành các hoạt động mục vụ tại các giáo xứ ở Roma vào cuối tuần. Ngoài ra, cũng có đề nghị ưu tiên dành cho việc ký hợp đồng 5 năm, có thể gia hạn, đối với các LM đến từ các giáo phận, để không giữ các vị ở lâu trong giáo triều, và tối đa là 10 năm. Nhờ điều kiện này, các GM có thể dễ dàng hơn trong việc gửi linh mục thuộc quyền đến phục vụ tại giáo triều Roma. (Vatican Insider 27-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng

Nói về chủ đề tham nhũng trong buổi phát sóng thứ 7 trong chương trình “Ave Maria”, ĐTC nói rằng nếu tôi nói đó không phải là kẻ tội lỗi thì tôi sẽ là kẻ tham nhũng hơn.”

Những kẻ tham nhũng

ĐTC nói: “Đức Mẹ Maria không thể là mẹ của những kẻ tham nhũng bởi vì họ bán đi người mẹ, bán đi sự thuộc về dân tộc, thuộc về gia đình. Họ chỉ tìm lợi ích kinh tế, trí tuệ và chính trị của riêng họ. Họ chọn lựa cách ích kỷ, tôi có thể nói nó thuộc về satan. Họ đóng cánh cửa từ bênt rong và Mẹ Maria không thể vào được. Họ không để cho người mẹ đi vào.” ĐTC giải thích: “Vì thế, họ khép kín chính mình, họ không cần một người mẹ, không cần người cha, không cần thuộc về dân tộc, quốc gia, hay gia đình. Họ sống trong chủ nghĩa cá nhân và cha của thứ này, kẻ dạy cho họ điều này, chính là ma quỷ.”

ĐTC cầu nguyện rằng “cầu cho có một trận động đất có thể lay chuyển họ đến mức họ nhận ra rằng thế giới không này không được bắt đầu với họ và sẽ không kết thúc với họ.”

Mẹ Maria đón nhận tất cả

Tuy nhiên, Đức Mẹ đón chào tất cả. ĐTC giải thích thêm về điều này, ngài nói: “Đức Maria đồng hành với chúng ta là những kẻ tội lỗi, mỗi người với tội lỗi của mình và cầu nguyện cho những kẻ tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải nói với Mẹ Maria: ‘Con là kẻ tội lỗi, nhưng xin Mẹ gìn giữ con.’ Và Đức Mẹ gìn giữ chúng ta”.

ĐTC minh chứng điều này bằng câu chuyện về tuổi thơ của ngài. Ngài kể: “Mẹ của tôi, khi nói với 5 đứa con chúng tôi, bà nói: ‘Các con của tôi giống như các ngón tay của bàn tay: tất cả đều khác nhau, nhưng nếu một ngón tay của tôi bị thương thì nó cũng đau như thể một ngón tay khác bị thương.”

Hồng Thủy, Vatican

Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Các đan sĩ – những chứng nhân của Chúa Kitô cho thế giới hôm nay

Thử thách giúp xác tín hơn khi nói về Tin mừng

Trước hết, Đức cha Carballo xác định rằng đời sống đan tu, cũng như mọi hình thức “đi theo Chúa Kitô”, đều đối diện với nhiều thử thách, nhưng các đan sĩ không xem các thử thách như những vấn đề mà ngược lại, là những cơ hội để đời sống của họ có ý nghĩa hơn khi nói về Tin mừng và nuôi dưỡng một đức tin sáng tạo…

Không trốn đời, nhưng bày tỏ gương mặt của Thiên Chúa

Tiếp đến, các đan sĩ không trốn tránh cuộc đời vì cho rằng nó hư hoại, tội lỗi, không thể sống được; nhưng họ chọn sống trong thế giới theo cách thế của Tin mừng để cho người ta nhìn thấy Thiên Chúa. Đắm mình trong sự sâu thẳm của sự hiện hữu con người, các đan sĩ hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa và làm chứng về một cuộc sống, không bị tê liệt bởi những an toàn được tinh thần hóa hoặc mê hoặc, nhưng năng động, hòa nhịp với tất cả các chiều kích của cuộc sống. Khi sống theo Tin mừng, các đan sĩ làm cho Thiên Chúa tình yêu trở nên cụ thể đối với  những người nam nữ trong thời đại chúng ta…”

Chứng tá về cuộc sống hiệp nhất, gặp gỡ, đối thoại

Đức cha Carballo nói rằng vì thời đại của chúng ta bị chi phối bởi sự đề cao tư duy cá nhân, năng lực cá nhân và nhu cầu tự làm, do đó nó cần sự đối thoại, lắng nghe, thinh lặng đích thực, giúp đưa đến sự suy tư, các suy tưởng và hình thành nền văn hóa gặp gỡ. Các đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với nhau để làm chứng trong cuộc sống hàng ngày về các tâm tình của Chúa Kitô, để suy nghĩ theo Tin mừng và hành động như Chúa Giêsu. Các đan viện được mời gọi xét lại những điều này và các yếu tố khác để bảo đảm sự hiện diện gặp gỡ của mình bên cạnh những người nam nữ trong thời đại chúng ta.

Làm chứng về vẻ đẹp của thân xác

Trong thời đại này, khi con người thường bị chà đạp và thân xác bị biến thành thứ đồ vật bị thao túng và để sử dụng, thì những người thánh hiến, cũng như những đan sĩ chiêm niệm, được kêu gọi làm chứng tá rằng thân xác không phải là một nơi của tội lỗi. Họ được mời gọi nói về vẻ đẹp của sự hiện hữu được ban nhưng không qua kiệt tác thân thể.

Qua sự hiện hữu của mình, những người thánh hiến và đặc biệt là các đan sĩ trình bày rằng thân xác và những đặc tính của thân xác là đền thờ của Thiên Chúa. Họ dấn thân làm chứng rằng Kitô giáo không chống lại thân xác và các phẩm chất của nó, nhưng làm chứng rằng đó là nơi và không gian Thiên Chúa tỏ hiện chính mình, trong cuộc sống độc đáo của mỗi người. Họ được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của con người được nhìn thấy nơi thân xác của những người sống hội nhập, có khả năng liên hệ. Họ được mời gọi để bảo vệ con người trong tất cả các khía cạnh của nó.

Làm chứng về sự ổn định, sống chung và tôn trọng nhau

Trong một thế giới bị xé rách bởi các mảnh vỡ, chiều kích chiêm niệm cho thấy khả năng có thể tái dệt lại tấm vải nhân loại cách cá nhân và cộng đồng, nhiều lần bị xé toạc bởi vì sự trống rỗng. Trong xã hội không có quy tắc, nơi cái tôi trở thành thước đo của mọi thứ, cộng đoàn chiêm niệm được kêu gọi làm chứng về ​​vẻ đẹp của sự tự do được thể hiện qua sự tôn trọng đối với mọi người và với thụ tạo khi xây dựng các lợi ích chung…

Đối với việc sử dụng và phung phí thời gian, cộng đoàn chiêm niệm đề xuất sự ổn định của một cộng đồng sống chung với ý nghĩa của cuộc sống được lựa chọn và người ta gắn bó với nó với niềm đam mê, tôn trọng từng người và nhìn nhận những vai trò khác nhau. Cuộc gặp gỡ với Chúa qua lời cầu nguyện cho phép những người chiêm niệm lắng nghe những gì Thánh Linh nói trong đời sống cá nhân và cộng đồng, để có được một cái nhìn chiêm niệm về các sự kiện, về sự trung gian, về lịch sử của con người.

Các cách sống nghèo của các cộng đoàn đan tu

Thứ nhất, các cộng đoàn ít người, đang già đi hay đau yếu, thật sự cảm thấy mình nghèo khó, có thể trưởng thành trong chọn lựa kết hợp với các cộng đoàn khác để trở thành sự hiện diện có ý nghĩa trong Giáo hội, qua lối sống phù hợp với căn tính của người thánh hiến được thực hiện trong việc chuyên chăm cử hành phụng vụ và các mối liên hệ huynh đệ.

Tiếo đến, người nghèo đối với Thiên Chúa là người tín thác nơi Chúa và tự do khỏi tất cả những điều ngăn cản họ sống như Chúa Giêsu. Bằng cách tích lũy vật chất của cải, các cộng đoàn đang ngày càng rời xa nguồn gốc của sự sống, Chúa Kitô và Tin mừng, và mất đi ý thức rằng mình đang ở trong một đan viện. Chỉ sở hữu những gì là cần thiết, bằng cách chia sẻ điều này với người nghèo, đó là tin tưởng vào Thiên Chúa, làm chứng về sự chăm sóc của Đấng Quan phòng, Đấng không bao giờ bỏ rơi nhân loại: làm cho sự gần gũi của Thiên Chúa trong lịch sử con người trở nên hữu hình, Đấng trở nên nghèo nàn như người nghèo.

Từ bỏ và tự do về tinh thần

Các đan sĩ làm thế nào diễn tả sự nghèo khó Tin mừng? Những hình thức nghèo đói và bé nhỏ nào họ được mời gọi khám phá hoặc "phục hồi", để lời khấn khó nghèo thực sự là một chứng tá hữu hình và đáng tin cậy, có ý nghĩa? Đâu là nền tảng sự nghèo khó thực sự của họ? Các đan sĩ tin rằng “là người lữ hành”, được hiểu trên hết là sự từ bỏ và tự do tinh thần, là một đặc tính của ơn gọi chiêm niệm trong thời gian này, khi mà nhiều cộng đoàn phải đóng cửa vì thiếu ơn gọi.

Đời đan tu thể hiện mối quan hệ trung thành giữa Thiên Chúa và con người

Trong một thế giới đang mất đi chiều sâu của sự giao tiếp, các đan sĩ được kêu gọi, qua sự hiện diện của mình, làm cho mối quan hệ trung thành của Thiên Chúa với nhân loại trở nên hữu hình. Trong thời đại mà các tiếng nói chồng chéo lên nhau, các đan sĩ có sứ mệnh lớn lao là làm chứng nhân về chiều sâu của cuộc sống, mang lại tiếng nói cho thinh lặng, làm cho thấy chúng ta có thể sống trong sự thanh tĩnh; chính trong thời đại mà, để sống, chúng ta chìm đắm trong sự ồn ào, và để lấp đầy những khoảng trống của sự hiện hữu hoặc tình cảm, không được xác định, người ta điên cuồng chạy từ góc này đến góc kia của trái đất mà không cảm nhận được sự sâu sắc và ổn định của các mối quan hệ. Các đan viện được kêu gọi để trở thành nơi loan báo trước, nơi mà thụ tạo trở thành lời ca ngợi Chúa và phương châm bác ái cụ thể trở thành lý tưởng sống chung của con người và nơi con người tìm kiếm Thiên Chúa mà không bị rào cản hoặc ngăn cản, khi trở thành điểm quy chiếu cho mọi người, và khi mang họ vào trong tim mình và giúp họ tìm kiếm Thiên Chúa.

Hồng Thủy, Vatican

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Nữ tu Đaminh cao tuổi nhất thế giới qua đời ở tuổi 110

Sơ Cecylia sinh ngày 25/03/1908, với tên gọi Maria Roszak, tại tỉnh Kielczewo, ở miền trung tây Balan. Sau khi tốt nghiệp trường thương mại ở tuổi 21, sơ gia nhập đan viện dòng Đaminh "On Gródek” ở Krakow.

Năm 1938, sơ Cecylia cùng với một nhóm nữ tu đi đến Vilnius (hiện nay là Lituania) với ý định thành lập một đan viện ở đó. Nhưng thế chiến thứ hai bùng nổ và các chị không thể thực hiện điều này.

Trong thời gian Vilnius bị Sô viết và Đức chiếm đóng, sơ Cecylia và các nữ tu đã che dấu 17 người Do thái tại tu viện của mình dù sẽ gặp nguy hiểm. Dù có sự khác biệt giữa các nữ tu và nhóm Do thái thuộc phong trào Do thái Zion, nhưng họ đã tạo được mối liên hệ thân thiết. Các chiến binh Do thái tìm được nơi trú ẩn an toàn sau các bức tường tu viện. Họ lao động vùng với các nữ tu trên các cánh đồng và tiếp tục hoạt động chính trị của họ.

Sau khi tu viện bị đóng cửa vào năm 1943, các nữ tu cũng bị giải tán. Sơ Cecylia trở về Krakow. Năm 1947, sơ cùng với các nữ tu Đaminh trở về nhà mẹ và phục vụ trong các công việc khác nhau.

Năm 101 tuổi, sơ Cecylia phải phẫu thuật hông và đầu gối nhưng sơ vẫn tham gia vào các hoạt động hàng ngày, trong đó có việc cầu nguyện chung với các nữ tu và thăm viếng các nữ tu bệnh nhân.

Ngày 25/03/2018, sơ mừng sinh nhận 110 tuổi và sơ qua đời 8 tháng sau đó, ngày 16-11-2018.

Hồng Thủy, Vatican

Vương quốc của Thiên Chúa là tình yêu, không dựa trên bạo lực

Vương quốc của Thiên Chúa là tình yêu, không dựa trên bạo lực

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, mà chúng ta cử hành ngày hôm nay, được đặt vào cuối năm phụng vụ và nhắc nhớ rằng đời sống của vũ trụ, thụ tạo không diễn tiến một cách tình cờ, nhưng tiến tới mục tiêu cuối cùng: biểu hiện sau cùng của Chúa Kitô, Chúa của lịch sử và của mọi loài thụ tạo. Đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 18, 33b-37) cho chúng ta biết về vương quốc này và tường thuật lại sự nhục nhã mà Chúa Giêsu phải chịu sau khi bị bắt ở vườn Cây Dầu: bị trói, sỉ nhục, bị cáo buộc và bị mang đến trước nhà cầm quyền Giêrusalem. Chúa Giêsu bị đưa tới trình diện cho quan Philatô, là người đang nhắm đến quyền lực chính trị, trở thành vua của người Do Thái. Sau đó, Philatô cho điều tra và trong một cuộc thẩm vấn đầy kịch tính đã hỏi Chúa Giêsu hai lần về việc Ngài là vua (câu 33b.37).

Trước hết Chúa Giêsu trả lời về vương quốc của Ngài: "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (câu 36). Rồi Chúa Giêsu khẳng định: "Quan nói đúng. Tôi là Vua”. (câu.37). ĐTC giải thích: Rõ ràng là trong suốt cuộc đời của mình Chúa Giêsu không có tham vọng chính trị. Sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khích điều này muốn tôn phong Chúa Giêsu là vua, lật đổ quyền lực Rôma và khôi phục vương quốc Israel. Nhưng đối với Chúa Giêsu vương quốc là một cái gì đó khác, và chắc chắn không thực thiện bằng việc nổi loạn, bạo lực và vũ lực. Vì vậy, Ngài đã đi lên núi một mình cầu nguyện (Ga 6, 5-15). Giờ đây, trả lời câu hỏi của Philatô, Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng các môn đệ của Ngài không chiến đấu để bảo vệ Ngài. Chúa nói: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái” (câu 36)

Tình yêu và làm chứng cho sự thật

ĐTC nhấn mạnh: Chúa Giêsu muốn nói rõ ràng rằng trên quyền lực chính trị có một quyền khác lớn hơn nhiều, quyền này không đạt được bằng các phương tiện của con người. Chúa Giêsu đến thế gian để thực hiện quyền này, đó là tình yêu, làm chứng cho sự thật (câu 37). Đây là sự thật của Thiên Chúa, cuối cùng là sứ điệp trọng tâm của Tin Mừng: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4, 8).

Vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình

Chúa Giêsu muốn thiết lập trong thế giới này vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình. Đây là vương quốc mà Chúa Giêsu là vua và nó trải dài đến tận cùng thời gian. Lịch sử dạy rằng các vương quốc được thiết lập bằng sức mạnh của vũ khí và quyền lực là mong manh và sớm hay muộn sụp đổ. Nhưng vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập trên tình yêu của Ngài và được bắt nguồn từ trái tim, dành cho những ai đón tiếp hòa bình, tự do và tràn đầy sức sống.

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để Ngài trở thành Vua của chúng ta. Một vị Vua mà với lời, mẫu gương và cuộc sống hiến dâng trên Thánh giá đã cứu chúng ta khỏi cái chết. Chính Ngài là Đấng chỉ đường cho người lạc lối, trao ánh sáng mới cho sự hiện hữu của chúng ta, sự hiện hữu mà đã bị ghi dấu bởi những nghi ngờ, sợ hãi và thử thách hàng ngày. Nhưng chúng ta không được quên rằng vương quốc của Chúa Giêsu không thuộc về thế gian này. Ngài sẽ có thể đưa ra một ý nghĩa mới cho cuộc sống của chúng ta, cuộc sống mà đôi khi có những thử thách bởi những sai lầm và tội lỗi của chúng ta, chỉ với điều kiện chúng ta không tuân theo luận lý của thế gian và "các vua" của nó.

Cuối cùng Đức Thánh Cha nhắc mọi người cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đón nhận Chúa Giêsu như là vua của cuộc đời chúng ta và để truyền bá vương quốc của Ngài, làm chứng cho sự thật đó là tình yêu.

Ngọc Yến – Vatican

Ban chuẩn bị cuộc họp các Chủ tịch HĐGM về lạm dụng tính dục

Ban chuẩn bị cuộc họp các Chủ tịch HĐGM về lạm dụng tính dục

Các thành viên ban tổ chức

 Thông cáo do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 23-11-2018 cho biết trong số các thành viên ban tổ chức có ĐHY Blase Cupich, TGM giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, ĐHY Oswald Gracias, TGM Bombay, Chủ tịch HĐGM Ấn độ, Đức TGM Charles Scicluna, TGM Malta, kiêm Đồng Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin và cha Hans Zollner dòng Tên, Chủ tịch Trung Tâm bảo vệ trẻ vị thành niên thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma và cũng là thành viên Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.

 Khoảng 180 người tham dự khóa họp

 Tham dự cuộc họp vào tháng 2 năm 2019 với sự hiện diện của ĐTC, sẽ có khoảng 180 người gồm các vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, các lãnh đạo Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các vị Tổng trưởng các Bộ giáo lý đức tin, Bộ Đông phương, GM, truyền giáo, giáo sĩ, Đời Tu, Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, các vị Chủ tịch các HĐGM trên thế giới, và đại diện của Hiệp Hội các Bề trên tổng quyền các dòng nam và dòng nữ.

 Trong công cuộc chuẩn bị cuộc gặp gỡ này, sẽ có sự cộng tác của 2 nữ Phó Tổng thư ký của Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, và một vài nạn nhân đã bị giáo sĩ lạm dụng. (Rei 23-11-2018)

 Phỏng vấn cha Hans Zollner

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Hans Zollner cho biết một trong các công tác của ban tổ chức là chuẩn bị các tài liệu căn bản cho các tham dự viên để có thể đặt cuộc họp vào tháng 2 tới đây trong hành trình đã được thực hiện cho đến nay.

 Diễn tiến khóa họp các Chủ tịch HĐGM

 Cơ cấu tổ chức trù định trong khóa họp có một cuộc trao đổi tự do đồng thời cũng có những lúc cầu nguyện và suy tư, phân tích và đề nghị. Theo Cha Zollner, để khóa họp này được kết quả, điều quan trọng là cần tiến hành ngay giai đoạn tham khảo ý kiến. ”Việc tổ chức kỷ lưỡng cho cuộc gặp gỡ sẽ giúp liên kết các yếu tố như phân tích, ý thức, xấu hổ, thống hối, cầu nguyện, phân định về những hành động cần đưa ra, và những quyết định cần thực hiện trong công lý và chân lý”.

 Tham khảo ý kiến nạn nhân và chuyên gia

 Theo Cha Zollner, việc tham khảo ý kiến của các nạn nhân, các nhóm chuyên gia, giáo dân, những người thuộc giới văn hóa, cũng là điều quan trọng. Trong lãnh vực này, Ban tổ chức sẽ làm việc chung với Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em” (Rei 23-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

ĐGH tiếp Đại Hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 24-11-2018 dành cho 7 ngàn tham dự viên Đại hội quốc tế kỳ 3 các ca đoàn Công Giáo, kết thúc vào chúa nhật hôm nay, 25-11-2018 sau 3 ngày tiến hành ở Roma.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao tầm quan trọng của thánh nhạc và thánh ca trong phụng vụ, ĐTC nói: ”Âm nhạc và thánh ca của anh chị em là một dụng cụ đích thực để loan báo Tin Mừng, theo mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân về chiều sâu của Lời Chúa, đánh động tâm hồn con người, và anh chị em giúp cho việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Lễ, làm cho tín hữu cảm nghiệm được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Anh chị em đừng bao giờ ngừng lại trong sự dấn thân quan trọng như thế đối với đời sống của các cộng đoàn chúng ta”.. 

Đừng phô trương cá nhân

ĐTC cũng cảnh giác các ca viên ”đừng rơi vào cám dỗ muốn trở thành những người nắm vai chính, tỏ ra mình là quan trọng, mà làm sự dấn thân của anh chị em bị lu mờ và làm giảm bớt sự tham gia tích cực của dân chúng vào việc cầu nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng về một kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.

Đừng giảm bớt các hình thức lòng đạo đức bình dân

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở các ca viên đừng làm giảm giá trị của những hình thức khác biểu lộ lòng đạo đức bình dân, như các lễ bổn mạng, các cuộc rước, các điệu vũ và các bài ca đạo của dân chúng, vì đó cũng là một gia sản lòng đạo đức đích thực cần được đề cao giá trị và nâng đỡ, vì đó cũng là một hành động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn Giáo Hội”.

Chương trình kế tiếp của Đại hội

Ban chiều cùng ngày 24-11-2018, từ lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc của các ca đoàn để kính thánh nữ Cecilia. Trên sân khấu sẽ có hơn 600 ca viên và 70 nhạc công, họ sẽ ca hát vùng với hơn 8 ngàn ca viên khác trong đại thính đường.

Sáng chúa nhật 25-11, lúc 10 giờ, Đức TGM Rino Fisichella, sẽ chủ sự thánh lễ với phần thánh ca do các viên đảm trách. (Rei 24-11-2018)

Giuse Trần Đức Anh, OP

Thư của Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên về Dự Án Linh Đài Đức Mẹ La Vang

Thư của Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên về Dự Án Linh Đài Đức Mẹ La Vang

Thứ Tư ngày 21, 2018

Thưa quí anh chị em:
Tôi, linh mục Nguyễn Văn Tuyên, đồng trưởng ban của Ban La Vang, nhân danh Ban La Vang chân thành cám ơn quí ông bà và anh chị em về lòng rộng rãi và lời cầu nguyện liên lỉ của quí vị với dự án Linh Đài Đức Mẹ La Vang. Không có sự giúp đỡ của quí vị, chúng tôi không thể đạt được những thành quả của ngày hôm nay, và có thể nhanh chóng cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên cách đây mấy tuần. Nhờ sự tin tưởng và phó thác của quí vị nơi chúng tôi, nên công trình đã có thể thực hiện nhanh như thế.

Hàng trăm giáo dân đã hiện diện và chứng kiến nghi lễ đặt viên đá đầu tiên do các Đức Giám Mục Kevin Vann và Tôma Nguyễn Thái Thành cử hành vào ngày thứ Bảy, 27 tháng Mười, vừa qua tại khuôn viên Nhà Thờ Chánh Tòa Chúa Kitô.

Trong khi chúng ta đang hướng tới việc xây dựng linh đài, nếu có thể, chúng tôi xin anh chị em vui lòng hoàn tất nhanh chóng lời hứa của anh chị em, để chúng ta có đủ tài chánh hoàn thành công việc xây cất vào mùa hè năm tới. Nếu anh chị em có bạn bè hay người thân chưa biết về công trình này, hay chưa có cơ hội đóng góp, thì xin anh chị em liên lạc với các linh mục tại 16 cộng đoàn Việt Nam trong Giáo Phận Orange như Nhà Thờ Chính Toà, St Columban, Westminster, St Cecilia, vv. để họ cũng có cơ hội đóng góp cho công trình vĩ đại, lưu truyền một gia bảo đức tin cho những anh chị em Việt Mỹ sau này.

Linh tượng đang được thực hiện bằng một khối đá cẩm thạch mầu trắng từ Nước Ý Đại Lợi, và sẽ hoàn tất chuyển đến nhà thờ chính tòa Christ Cathedral vào tháng Tư năm tới.

Suốt trong Mùa Tạ Ơn năm nay, chúng ta đang có những tượng Mẹ La Vang nhỏ, do một ân nhân ẩn danh tặng. Nếu anh chị em muốn ủng hộ, xin vui lòng đến nhà thờ Christ Cathedral, Polycarp hay Westminster sau Thánh Lễ để chuộc tượng mẹ. Chỉ có 400 tượng thôi. Và tiền thu được sẽ dành cho Dự Án La Vang 100 phần trăm.

Một lần nữa, chớ gì đức tin của chúng ta tiếp tục hướng dẫn chúng ta không chỉ xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang, mà còn xây dựng Nước Chúa trên trần gian. Xin cầu chúc anh chị em những ngày lễ nghỉ với người thân được hạnh phúc và tràn đầy ân phúc của Thiên Chúa!
Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn!


Rev. Father Nguyễn Văn Tuyên, Co -Chair, La Vang Project, Christ Cathedral Pastor, Blessed Sacrament Church Diocese of Orange

Người Công giáo Cali muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Người Công giáo California muốn dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ

Vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội 08/12 tới đây, tại một số giáo xứ trên toàn tiểu bang California sẽ họp nhau cầu nguyện từ giữa trưa đến 2 giờ trưa. Chương trình dự kiến có Thánh lễ được cử hành giữa trưa, sau đó là cuộc đi bộ đến địa điểm được chuẩn bị trước. Tại địa điểm này, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi và các kinh nguyện thánh hiến đặc biệt.

Những người tổ chức nỗ lực này cầu xin Mẹ Maria giúp chiến đấu chống lại những sự ác luân lý đang phổ biến tại tiểu bang. Chương trình này có địa chỉ trang web: www.consecratecalifornia.com, trên đó có danh sách các giáo xứ đăng ký tham gia vào chiến dịch này.

Một trong những kinh nguyện có trên trang web là kinh cầu xin được thoát khỏi hình phạt dành cho linh hồn chúng ta, điều xứng với các tội giết thai nhi, bệnh nhân, người già yếu, người không được mong muốn chào đời và các bạo lực, xâm phạm tính dục, ma túy, vv. Lời kinh này cũng xin Mẹ Maria gìn giữ khỏi các thiên tai và chiến tranh, cũng như giúp chiến thắng nền văn hóa chết chóc và mang Thiên Chúa và ý niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống.

Chiến dịch dâng hiến bang California do Angelo Libutti, một cư dân ở Glendale khởi xướng, một cựu chiến binh của ngành công nghiệp điện ảnh. Năm ngoái, trong khi đnag cầu nguyện trước Thánh Thể sau một ngày làm việc căng thẳng, vì bị các đồng nghiệp phê bình dữ dội vì ông đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sự sống của mình.

Cá nhân ông Libutti đã dâng mình cho Đức Mẹ và ông đã trải nghiệm những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của ông. Ông cảm thấy việc dâng hiến toàn tiểu bang là cách chữa khỏi sự vô luân, tục hóa và hận thù đối với các giá trị truyền thống ở California. Tháng 12 năm ngoái là lần dâng hiến California đầu tiên và năm nay sẽ là lần thứ hai.

Trong lần dâng hiến năm ngoái và chuẩn bị năm nay, ông Libutti được sự hiệp tâm của các tín hữu. Ông cũng đã trình bày với hai vị tổng giám mục tại bang California, Đức tổng GM Los Angeles và Đức tổng GM San Francisco. Ông hy vọng chương trinh sẽ được các ngài đồng thuận.

Cha Jay Bananal của giáo xứ thánh Pio X ở Chula Vista nhận thấy việc dâng hiến tiểu bang cho Đức Mẹ là một điều đáng làm. Cha nói: “Có nhiều thành phố và nơi chốn ở bang mang các tên chứng tỏ nền tảng Kitô giáo của bang này. Nhưng thật buồn là một số luật lệ xấu đã được bang thông qua trong những năm gần đây làm thương tổn đến các gia đình, gây lại cho người già và các thai nhi. Hy vọng rằng việc dâng hiến tiểu bang xinh đẹp của chúng ta một lần nữa cho Chúa, qua Đức Mẹ, các tín hữu Công giáo California có thể hiệp nhau cầu xin lòng thương xót của Chúa trên chúng ta và bàn tay hướng dẫn của Người dẫn đưa chúng ta, đặc biệt các nhà làm luật, trong đường ngay nẻo chính.”

Hồng Thủy, Vatican

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama

Lời “Xin Vâng” Can Đảm và Quảng Đại

Những lời của Đức Maria là một tiếng “Xin vâng” đầy can đảm và quảng đại. Đó là lời đáp trả xác quyết của một người đã hiểu được bí quyết của ơn gọi: ra khỏi mình và đặt mình phục vụ tha nhân. Cuộc sống của chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Sức mạnh của người trẻ

Nhiều người trẻ, cả những tín hữu lẫn người vô tín, sau khi kết thúc một giai đoạn học tập của mình, cảm thấy muốn làm một điều gì đó cho những người đang gặp đau khổ. Đó là sức mạnh nơi người trẻ, sức mạnh mà tất cả các bạn đều có. Đó là sức mạnh có thể thay đổi thế giới. Sức mạnh này là “cuộc cách mạng” có thể đánh bại “cường quyền” đang lộng hành trên trái đất này. Đó là ”cuộc cách mạng” của sự phục vụ.

Thái độ lắng nghe… như Đức Maria

 Đặt mình phục vụ người thân cận không chỉ là sẵn sàng hành động, mà còn là đặt mình đối thoại với Thiên Chúa với thái độ lắng nghe, như Đức Maria đã làm. Mẹ đã lắng nghe điều sứ thần nói với mình và sau đó Mẹ đã đáp lời. Chính trong tương quan với Thiên Chúa trong thinh lặng nội tâm, chúng ta khám phá ra căn tính của chúng mình và ơn gọi mà Thiên Chúa kêu mời chúng ta. Ơn gọi này được biểu lộ dưới nhiều hình thức: trong đời sống hôn nhân, thánh hiến, linh mục… Nhưng ơn gọi không có nơi chủ nghĩa cá nhân. Ơn gọi không tồn tại nơi một người sống theo chủ nghĩa cá nhân. Tất cả những hình thức ấy là những cách thức theo Chúa Giêsu. Điều quan trọng là khám phá xem Chúa đang chờ đợi gì nơi chúng ta và can đảm thưa “xin vâng”.

Bước đầu tiên hướng tới cuộc đời hạnh phúc

Mẹ Maria là một người nữ hạnh phúc, bởi Mẹ đã quảng đại đáp lời Thiên Chúa và mở lòng trước kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình. Những đề nghị Thiên Chúa dành cho chúng ta, như điều Người đã dành cho Mẹ Maria, không phải để dập tắt những ước mơ, nhưng để khơi lên những khao khát. Những lời mời gọi ấy làm cho đời sống chúng ta trổ sinh hoa trái, đem đến những nụ cười, và làm cho nhiều tâm hồn hân hoan. Thưa ”xin vâng” cách xác quyết đối với Thiên Chúa là bước đầu tiên để được hạnh phúc và làm cho nhiều người hạnh phúc.

“Lạy Chúa, Chúa muốn gì nơi con?”

Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm bước vào nơi sâu thẳm tâm hồn mình, và hỏi Thiên Chúa: Chúa muốn gì nơi con? Các bạn hãy để Chúa nói với các bạn, và các bạn sẽ thấy cuộc đời mình được biến đổi và tràn đầy niềm vui.

Chúc các bạn có một hành trình tốt đẹp hướng về Panama

Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang đến gần, Cha mời gọi các bạn hãy chuẩn bị cho biến cố này, bằng cách theo dõi và tham gia vào tất cả mọi sáng kiến đang được thực hiện. Những việc ấy sẽ giúp các bạn tiến về mục tiêu ấy.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với các bạn trong cuộc lữ hành này. Và ước gì tấm gương của Mẹ thúc đẩy các bạn can đảm và quảng đại đáp lời.

Chúc các bạn thượng lộ bình an tiến về Panama!

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Mong sớm gặp lại các bạn.

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

ĐTC Phanxicô: Giới luật giúp nhận ra mình cần được cứu độ và mở lòng ra với Chúa

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 21/11, ĐTC Phanxicô đã giải thích về các lệnh truyền cuối cùng trong Mười Giới răn: chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người. Ngài nhấn mạnh rằng những lời cuối cùng của Mười Điều răn không chỉ là những lời kết thúc bản văn nhưng nó hoàn tất cuộc hành trình xuyên suốt Mười Giới răn, khi đi đến trọng tâm của tất cả những gì Mười Giới răn dạy chúng ta. Hai lệnh truyền cuối cùng này không phải là một nội dung mới được thêm vào, vì các chỉ dẫn “chớ muốn vợ chồng người và chớ tham của người” đã tiềm ẩn trong các giới răn chớ ngoại tình và chớ trộm cắp.

Gốc rễ của tội lỗi là các ham muốn xấu

 

ĐTC giải thích ý nghĩa của hai giới răn này, ngài nói: tất cả các lệnh truyền đều nhắm chỉ ra ranh giới của cuộc sống, giới hạn mà nếu vượt qua nó thì con người hủy hoại chính mình và tha nhân của mình, làm hư hoại mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Những lời cuối cùng của Mười Giới răn nhấn mạnh rằng mọi sự vi phạmđều phát sinh từ một gốc rễ chung là “các mong muốn gian ác.”

Theo ĐTC, mọi tội lỗi xuất phát từ ham muốn xấu. Ham muốn đó lay động trái tim con người và người ta bị cuốn vào cơn sóng đó và vi phạm giới luật. Nó không phải là một vi phạm bình thường mà là vi phạm luật pháp: khi vi phạm giới luật, người ta làm thương tổn chính mình và người khác.

Cần giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa

ĐTC nhắc rằng trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,21-23).

Do đó chúng ta hiểu rằng tất cả hành trình của Mười Giới răn sẽ không có ích lợi gì nếu không đạt đến mức độ trái tim con người. Mười Giới răn nói một cách rõ ràng và sâu sắc về điểm này: điểm đến của hành trình là trái tim con người. Nếu trái tim không được tự do thì những điều khác không giúp được gì. Đây là một thách đố: Giải phóng con tim khỏi những điều gian ác xấu xa. Những giới luật của Chúa có thể bị giảm nhẹ đến mức chỉ còn là bề mặt đẹp đẽ của một cuộc sống mà thật ra chỉ còn là nô lệ chứ không phải là con cái. Đàng sau chiếc mặt nạ giả hình của sự đúng đắn làm cho người ta ngộp thở thường có che đậy điều gì đó xấu xa và không được giải quyết.

Hai giới răn cuối giúp nhận ra sự nghèo khó thiêng liêng

ĐTC nhắc nhở chúng ta phải để cho mình được các giới răn về ước muốn này lột đi lớp mặt nạ, để  chúng có thể chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo khó của chúng ta và dẫn chúng ta đến một sự khiêm hạ thánh thiện. Mỗi người chúng ta tự hỏi. nhưng những ao ước xấu xa nào thường xuất hiện nơi tôi? Ganh tị, tham lam, nói hành? Tất cả những điều này xuất phát từ trong lòng tôi. Con người cần sự khiêm nhường được chúc phúc này: nhờ sự khiêm hạ này con người khám phá ra rằng tự mình không thể giải phóng chính mình, mà với sự khiêm hạ này, con người kêu lên cùng Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh Phaolô đã giải thích điều này một cách tuyệt với khi nói đến giới răn đừng ham muốn (x. Rm 7,7-24).

Để sửa mình, cần có ơn Chúa Thánh Thần

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nhấn mạnh đến ơn Chúa Thánh Thần trong việc hoán cải sửa mình vì thật là vô ích khi nghĩ rằng mình có thể tự sửa mình. Cũng thật vô ích khi nghĩ rằng mình có thể thanh tẩy con tim của mình bằng nỗ lực to lớn theo ý chí của mình. Cần cởi mở mình ra trong tương quan với Thiên Chúa, trong sự thật và trong tự do: chỉ như thế những mệt mỏi của chúng ta mới có thể sinh kết quả, bởi vì chúng ta có thể tiến bước khi có Chúa Thánh Thần.

Giới luật đưa con người đến với chân lý – nhận ra sự nghèo khó của mình

ĐTC giải thích về vai trò của các giới luật như sau: Luật lệ thánh kinh không phải để khiến cho con người ảo tưởng rằng chỉ cần vâng lời cách triệt để, từng chữ thì có thể được hưởng ơn cứu độ nhân tạo mà sẽ không thể đạt được bằng cách khác. Giới luật là để đưa con người đến với chân lý, tức là sự nghèo khó của mình, một sự nghèo khó chân thật và của cá nhân, được mở ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến đổi và canh tân chúng ta. Chỉ mình Thiên Chúa có thể canh tân con tim chúng ta miễn là chúng ta mở lòng ra với Người; đó là điều kiện duy nhất: Chúa làm tất cả nhưng chúng ta phải mở lòng ra với Người.

Những lời cuối cùng của Mười Giới răn dạy chúng ta nhận biết mình là những người hành khất, những kẻ ăn mày; nó giúp chúng ta đặt mình trước sự hỗn loạn của con tim mình, để thôi sống cách cá nhân ích kỷ và để trở thành những người nghèo trong tinh thần, những người nghèo thật sự bên cạnh Chúa Cha khi để cho mình được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần dạy dỗ. Chúa Thánh Thần là thầy dạy chúng ta: chúng ta hãy để cho Người giúp chúng ta. Chúng ta là những người ăn mày, chúng ta xin ơn nhận ra điều này.

Thông cảm và thương xót vì chính mình đã được xót thương

ĐTC kết thúc bài giáo lý bằng những lời trong Tám mối Phúc thật: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (MT 5,3). Đúng thế. Phúc cho những ai thôi lừa dối mình khi tin rằng mình có thể được cứu độ nhờ sự yếu đuối mà không cần lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể chữa lành. Chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành được con tim. Phúc cho những ai nhận ra những ước muốn xấu của mình và với con tim thống hối và khiêm nhường, họ không đứng trước Thiên Chúa và tha nhân như những người công chính, nhưng như các tội nhân. Điều thánh Phêro thưa với Chúa Giêsu thật hay: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Thật là đẹp lời cầu nguyện này: “Xin hãy tránh xa con, lạy Chúa, vì con là người tội lỗi.” Đây là những người biết có sự thương cảm, lòng thương xót với người khác bởi vì chính họ đã trải nghiệm điều đó.

Cầu nguyện cho các nữ tu chiêm niệm

Trong lời chào các tín hữu hiện diện tại quảng trường, ĐTC cũng nhắc rằng hôm nay phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ Maria dâng mình vào Đền thánh, chúng ta cử hành ngày “Vì đời sống cầu nguyện”, được dành để nhớ đến các cộng đoàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận tiện hơn lúc nào hết để tạ ơn Chúa về món quà bao nhiêu người. trong các đan viện cũng như những nơi ẩn tu, dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong thinh lặng và trong sự ẩn mình. ĐTC mời gọi của toàn thể Giáo hội đừng quên yêu thương, gần gũi và trợ giúp cả về vật chất cho các cộng đoàn đan tu.

Hồng Thủy – Vatican

Tòa Giám Quản Roma thu thập chứng tích về Cố Thuận

Tòa Giám Quản Roma thu thập chứng tích về Cố Thuận

 

Tòa Giám Quản Roma công bố sắc lệnh thu thập các chứng tích về vị sáng lập dòng Xitô Phước Sơn tại Việt Nam, Cha Benoit Thuận, tục danh là Henri Denis, để tiến hành án phong chân phước cho Cha.

 Sắc lệnh của ĐHY Giám quản Roma Angelo De Donatis, cùng với vị công chứng Marcello Terramani ký ngày 25-10 vừa qua (2018) và được công bố hôm 18-11-2018 với nội dung như sau:

 ”Ngày 24-7 năm 1933, vị Tôi Tớ Chúa Benoit Thuận, tu sĩ, qua đời tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Việt Nam.

 Vị Tôi Tớ Chúa, sau khi thụ huấn tại Chủng viện Thừa Sai Paris, thụ phong linh mục ngày 7-3-1903 và sau đó được sai đi truyền giáo tại Huế, Việt Nam. Sự dấn thân truyền giáo của Người thật quảng đại, mặc dù phải chịu những hy sinh rất lớn và thiếu thốn, mang lại thành quả dồi dào, không những qua việc đón nhận nhiều người Việt Nam vào Giáo Hội, nhưng còn thành lập Đan Viện Đức Mẹ Việt Nam ngày 15 tháng 8 năm 1918, đây là Đan viện đầu tiên của chi dòng Xitô Thánh Gia. Cuộc sống của Cha là một mẫu gương về lòng yêu mến Chúa Kitô, cầu nguyện, thanh bần, thống hối đền tội và nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn. Danh thơm thánh thiện của Cha gia tăng với thời gian và chân dung của Cha trở thành điểm tham chiếu cho nhiều linh mục cũng như bao nhiêu giáo dân Việt Nam. Ngày nay, mặc dù bao nhiêu cuộc xung đột chiến tranh mà Việt Nam đã phải chịu, hơn 1 ngàn đan sĩ nam nữ Xitô có thể xưng mình là con cái của Cha.

 Vì tiếng tăm thánh thiện của Cha càng gia tăng qua dòng thời gian và đã có đơn chính thức xin mở án phong chân phước và hiển thánh cho vị Tôi Tớ Chúa, nên qua việc thông tri này cho cộng đồng Giáo Hội, chúng tôi mời gọi tất cả và từng tín hữu hãy thông báo trực tiếp cho chúng tôi hoặc gửi đến tòa án giáo phận Roma (ở địa chỉ: Quảng trường Thánh Gioan Laterano số 6, 00184 Roma) tất cả những tin tức, qua đó có thể rút ra được những yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi cho thanh danh thánh thiện của Vị Tôi Chớ Chúa (Benoit Thuận).

 Ngoài ra, theo các qui định của luật, vì phải thu thập tất cả các bút tích của Cha hoặc được coi là của Cha, qua Sắc Lệnh này, chúng tôi truyền tất cả những ai sở hữu các bút tích ấy, hãy ân cần nạp cho tòa án giáo phận tất cả những gì vị Tôi Tớ Chúa đã viết, nếu chưa giao cho Văn phòng thỉnh nguyên viên án phong này.

 Chúng tôi nhắc nhở rằng từ ”bút tích” (scritti) ở đây không phải chỉ là các tác phẩm đã in ấn, (các tác phẩm này đã được thu thập rồi), nhưng cả các thủ bản, nhật ký, thư từ, và mọi điều khác được vị Tôi Tớ Chúa viết ra. Những ai muốn giữ lại bản chính các bút tích đó, thì có thể nạp bản sao có thị thực phải phép.

 Sau cùng, chúng tôi qui định rằng Sắc lệnh này được dán trong vòng 2 tháng tại cửa tòa Giám Quản Roma, và được công bố trên các trang mạng của chi dòng Xitô Thánh Gia, trên báo ”Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) và trên tờ thông tin của giáo phận Huế.

 Làm tại Roma ngày 25 tháng 10 năm 2018

 ký tên: Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quảm Giáo Phận Roma

 Marcello Terramani, Công chứng viên.

 

Giuse Trần Đức Anh, OP

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II

Trong Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu yêu thương vô vị lợi. Ngài nhấn mạnh rằng gia tài thật sự là Thiên Chúa và tha nhân.

Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật hôm qua, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân ngày thế giới người nghèo lần thứ hai. Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ có 15 HY, 35 GM và khoảng 200 LM, cùng với sự hiện diện tham dự của khoảng 6000 người nghèo.

Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Mt 14,22-33, kể lại việc Chúa Giêsu, sau khi đã hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no, Ngài yêu cầu các môn đệ rời đi, rồi Ngài giải tán dân chúng, và Ngài lên núi cầu nguyện, rồi khi các môn đệ đang ở trên thuyền và lo sợ vì bão tố giữa đêm đen thì Chúa Giêsu xuất hiện, trấn an họ, ĐTC mời gọi các tín hữu quan sát 3 hành động của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng nói trên và học theo Chúa Giêsu: biết rời đi khi thành công để không dính bén với thành công của cải; biết trấn an, an ủi người khác khi họ gặp khó khăn; và cuối cùng là biết đưa tay ra, giúp đỡ những người khốn khổ.

Thứ nhất: Rời bỏ sự thành công và yên hàn

Đầu tiên là rời đi. Chúa Giêsu rời bỏ đám đông khi đang trên đỉnh điểm thành công, khi được dân chúng tung hô sau khi đã hóa bánh ra nhiều. Trong khi các môn đệ của Ngài muốn tận hưởng giây phút vinh quang thì Ngài lại yêu cầu họ rời đi và Ngài giải tán đám đông (x Mt 14,22-23). Khi được đám đông tìm kiếm thì Ngài lại tìm ở một mình; khi mà sự nôn nóng thúc đẩy mọi người đi xuống đồng bằng gặp Chúa Giêsu thì Ngài lại lên núi cầu nguyện; rồi giữa đêm tối Chúa đến với các môn đệ trên mặt nước. Trong tất cả mọi sự kiện, Chúa Giêsu luôn đi ngược dòng: đầu tiên là rời bỏ sự thành công và tiếp đến là thanh thản. Qua đó, Ngài dạy chúng ta biết can đảm rời bỏ: rời bỏ sự thành công làm cho con tim hãnh diện tự mãn và rời bỏ sự thanh thản làm cho tâm hồn ngủ quên.

Đi lên với Chúa bằng cầu nguyện và đi xuống với tha nhân qua yêu thương

 

Nhưng rời bỏ để đi đâu? Để đến với Chúa qua việc cầu nguyện và đến với những người nghèo khổ bằng cách yêu thương, ĐTC nói: vì “kho tàng thật sự của cuộc sống chính là: Thiên Chúa và tha nhân. Đi lên với Thiên Chúa và đi xuống đến với tha nhân, đây là con đường Chúa Giêsu đã chỉ.” Chúa Giêsu đã tách các môn đệ của Ngài ra khỏi tình trạng tiện nghi thoải mái, khỏi sự nhàn rỗi của những thỏa mãn nhỏ nhặt thường ngày. Các môn đệ không được chọn để sống tĩnh lặng trong cuộc sống bình thường. Họ cũng được mời gọi như Thầy của mình, dong duổi trên đường, hành trang gọn nhẹ, sẵn sàng rời bỏ giây phút vinh quang, cảnh giác để không bị dính bén với của cải chóng qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của mình ở trên trời như thánh Phaolô đã nhắc trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “là đồng hương với các thánh và người nhà của Thiên Chúa.” (Ep 2,19).

Giáo hội bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ

ĐTC mời gọi các tín hữu như những người lữ hành, chúng ta không thu góp của cải; vinh quang của chúng ta nằm ở chỗ bỏ lại sau lưng những thứ sẽ qua đi để nắm chặt lấy những điều sẽ tồn tại mãi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trở nên như Giáo hội trong bài sách Công vụ tông đồ: luôn luôn bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ (x. Cv 28,11-14).

Lạy Chúa xin nâng chúng con dậy từ sự thanh thản lười biếng, từ sự ru ngủ thinh lặng của những bến cảng an toàn của chúng con. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi sự gắn chặt vào việc tự quy chiếu nơi mình làm giảm nhẹ cuộc sống; xin giải phóng chúng con khỏi thái độ luôn tìm kiếm thành công. Xin dạy chúng con biết cách “rời bỏ” để khởi hành trên con đường mà Chúa đã chỉ cho chúng con: đến với Chúa và tha nhân.

Thứ hai: Bảo đảm, trấn an

Thái độ thứ hai của Chúa Giêsu là bảo đảm, trấn an. Trong đêm đen, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ (c.25). Biển ở đây, với độ sâu thăm thẳm của nó, muốn nói đến các thế lực của sự ác. Chúa Giêsu đến gặp các môn đệ của Người bằng cách chà đạp những kẻ thù kiểm ác của con người. Đây là ý nghĩa của dấu chỉ: thay vì sự biểu diễn chiến thắng của sức mạnh, nó là mạc khải về sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu, chỉ có Chúa Giêsu, chiến thắng các kẻ thù mạnh mẽ nhất của chúng ta: ma quỷ, tội lỗi, sự chết và sợ hãi. Hôm nay Ngài nói với chúng ta: “Hãy can đảm, chính Thầy đây; đừng sợ.”

Để Chúa lèo lái con thuyền cuộc đời ta

Chiếc thuyền đời của chúng ta thường bị giông bão thổi lật. Ngày cả khi biển có vẻ lặng thì nó nhanh chóng nổi sóng. Khi chúng ta bị kẹt trong giông bão, nó dường như là vấn đề của riêng chúng ta. Vấn đề không phải là thời điểm giông bão, nhưng là cách thức chúng ta vượt qua cơn bão. ĐTC nói: Chỉ có Ngài ban sự sống trong sự chết và hy vọng trong đau khổ; mình Ngài chữa lành trái tim của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi bằng cánh truyền cho chúng ta sự tự tin.

ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Chúa ở trên thuyền thì giông gió sẽ lặng im và thuyền sẽ không bị đắm chìm. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta sự bảo đảm này. Chúng ta cần biết bao những người có thể an ủi người khác không chỉ bằng lời nói trống rỗng nhưng với lời sự sống. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể trao tặng sự an ủi thật sự. Nó không phải là những lời động viên trống rỗng nhưng là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng ban sức mạnh.

Lạy Chúa, xin trấn an chúng con: được Chúa an ủi, chúng con sẽ có thể đem sự an ủi thật sự đến cho người khác.

Thứ ba: Đưa tay ra

Việc thứ ba Chúa Giêsu làm là đưa tay ra. Giữa bão táp, Ngài đã đưa tay ra cho Phêrô (c.31). Chúng ta có thể đặt mình vào chỗ của Phêrô: chúng ta là những người kém lòng tin và chúng ta là những hành khất của ơn cứu độ. Chúng ta là người nghèo sự sống thật và chúng ta cần bàn tay giơ ra của Chúa, kéo chúng ta ra khỏi sự dữ. Đây là khởi đầu của đức tin: tẩy sạch lòng mình sự tin chắc kiêu ngạo  cho rằng mình đang an vị, mình có khả năng, tự lập và nhận ra chúng ta cần ơn cứu độ. Đức tin lớn lên trong bối cảnh này, bối cảnh trong đó chúng ta hòa mình đứng bên cạnh bao nhiêu người không đang đứng trên các bục cao nhưng đang cần và cầu xin sự giúp đỡ. Vì thế, sống đức tin trong sự giao tiếp với những người nghèo khổ là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đây không phải là một chọn lưạ xã hội học, không phải là cách thế của một giáo hoàng, mà là một yêu cầu thần học. Nhận ra mình là hành khất cầu xin ơn cứu độ. Bằng cách này, chúng ta nhận lấy Thần khí của Tin mừng. “Thần khí của sự nghèo khó và tình yêu – công đồng nói – thật sự là vinh quang và chứng tá của Giáo hội của Chúa Kitô” (Vui mừng và hy vọng, 88).

Tiếng kêu của người nghèo

Chúa Giêsu nghe tiếng kêu của Phêrô. Chúng ta cầu xin ơn để biết nghe tiếng kêu của những người bị nhấn chìm bởi những đợt sóng của cuộc sống. Tiếng kêu của người nghèo: đó là đó là tiếng kêu gào thét của đứa trẻ chưa được sinh ra, của những trẻ em bị chết đói, của những người trẻ tuổi được sử dụng để làm bom người hơn là tiếng reo vui hò hét của sân chơi. Đó là tiếng kêu của người già, bị hất hủi và bỏ rơi. Đó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn bão của cuộc sống mà không có sự hiện diện của một người bạn. Đó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ và quê hương để rồi có một tương lai bất định. Đó là tiếng kêu của mọi người dân, bị tước đoạt ngay cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của họ. Đó là tiếng kêu của tất cả những Ladarô, những người khóc trong khi một số ít người giàu có hội hè ăn mừng,  về tất cả những gì thuộc về họ . Bất công là gốc rễ của nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo hàng ngày trở nên mạnh mẽ hơn nhưng ít được nghe hơn, bị nhấn chìm bởi sự ồn ào huyên náo của số ít người giàu, những người ngày càng ít hơn nhưng càng giàu có hơn.

Kitô hữu không thể dửng dưng đứng im hay đầu hàng trước sự ác

Đứng trước sự coi thường nhân phẩm, chúng ta thường đứng im khoanh tay hoặc giơ tay tỏ vẻ vô vọng trước sức mạnh ác nghiệt của sự ác. Nhưng Kitô hữu chúng ta không thể đứng khoang tay dửng dưng hay dang tay cách bất lực. Chúng ta phải giơ tay mình ra như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo tìm thấy sự lắng nghe của Chúa, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta có mắt để thấy, có tai để nghe, tay để đưa ra giúp đỡ không? Chính Chúa Kitô đã kêu gọi lòng bác ái của các môn đệ nơi những người nghèo. Ngài yêu cầu chúng ta nhận ra Ngài nơi những người đói khát, nơi khách lạ và những người bị tước đoạt nhân phẩm, nơi các bệnh nhân và tù nhân (x. Mt 25,35-36).

Yêu thương vô vị lợi

Chúa Giêsu đã đưa tay ra, cách tự do, chứ không vì bổn phận. Và chúng ta cũng phải thế. Chúng ta không được mời gọi chỉ làm điều tốt cho người mình thích. Chúa Giêsu yêu cầu hơn: cho những người không có gì để cho lại chúng ta, yêu thương vô vị lợi (x. Lc6,32-36). Hãy nhìn quanh chúng ta. Những gì chúng ta làm, chúng ta có làm cách tự do, cho người không thể trả lại cho chúng ta không? Đó sẽ là cánh tay dang ra của chúng ta, gia tài thật sự của chúng ta ở trên thiên đàng.

Lạy Chúa, xin hãy dang tay ra với chúng con và nắm lấy chúng con. Xin giúp chúng con yêu như Chúa yêu. Xin dạy chúng con để lại đàng sau những gì đang qua đi, dạy chúng con là nguồn bảo đảm cho những người quanh chúng con và trao ban cách tự do cho những người nghèo khổ.

Hồng Thủy