Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: ơn gọi mọi người nên thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: ơn gọi mọi người nên thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 15 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 19-11-2014, ĐTC đã diễn giải về ơn gọi nên thánh tất cả mọi tín hữu.

Trong số những người hiện diện tại buổi tiếp kiến, đông nhất vẫn là các nhóm từ Italia, nhưng cũng có những nhóm quốc tế như 320 người thuộc các tôn giáo khác nhau tham dự cuộc hội thảo do Bộ giáo lý đức tin tổ chức về sự bổ túc cho nhau giữa ngừơi nam và người nữ, hoặc 82 người tham dự cuộc gặp gỡ do Đại hội Giáo Hoàng Thánh Giá của Giám hạt Opus Dei tổ chức.

Bài huấn dụ của ĐTC

Sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của thánh Phêrô tông đồ nhắn nhủ các tín hữu hãy nên thánh mọi mọi hành động và cách cư xử, theo lời Chúa dạy ”các ngươi hãy nên thánh và Ta là Đấng Thánh”, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài nói về ơn gọi tất cả mọi người nên thánh. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em

Một món quà lớn của Công đồng chung Vatican 2 là đã phục hồi quan niệm về Giáo Hội dựa trên tình hiệp thông và cũng đã đặt lại nguyên tắc quyền bính và phẩm trật trong viễn tượng ấy. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng tất cả mọi Kitô hữu, trong tư cách là những người đã chịu phép rửa, đều có cùng phẩm giá trước mặt Chúa và có chung cùng một ơn gọi đó là ơn gọi nên thánh (Xc LG 39-42). Giờ đây chúng ta tự hỏi: ơn gọi tất cả mọi người nên thánh hệ tại điều gì? và làm sao chúng ta thực hiện ơn gọi ấy?

1. Trước tiên chúng ta phải ý thức rõ rằng sự thánh thiện không phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ những đức tính và khả năng của chúng ta. Sự thánh thiện là một hồng ân, là món quà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi Chúa nhận lấy chúng ta, làm cho chúng ta được mặc lấy Ngừơi, cho chúng ta được trở nên như Người. Trong thư gửi tín hữu Ephêso, thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định rằng ”Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình vì Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh” (Ep 5,25-26). Quả thực sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của Giáo Hội: đó là sự tái khám phá mình trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, trong cuộc sống và tình yêu sung mãn của Chúa. Vì thế, chúng ta hiểu rằng sự thánh thiện không phải chỉ là đặc quyền của vài người: sự thánh hiện là một hồng ân đưcơ trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.

2. Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng, để nên thánh, không nhất thiết phải là GM, LM, hay tu sĩ.. Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh! Bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành những người có khả năng xa rời những công việc thường nhật, để hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Nhưng không phải như vậy! Có người nghĩ thánh thiện là nhắm mắt, nét mặt như trên tấm ảnh các thánh. Nhưng không phải như thế, thánh thiện là điều cao cả, sâu xa hơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta! Đúng hơn, chính nhờ sống chứng tá Kitô của mình, trong những công việc bận bịu hằng ngày với tình yêu thương và chứng tá Kitô mà chúng ta được mời gọi nên thánh. Và mỗi người, trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Nếu là người thánh hiến, thì hãy nên thánh bằng cách vui sống sự tận hiến và sứ vụ của mình. Nếu bạn là người kết hôn, thì hãy nên thánh trong sự yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ mình, như Chúa Kitô đã làm với Giáo Hội. Nếu bạn là tín hữu không kết hôn, thì hãy nên thánh bằng cách chu toàn công việc của mình trong sự lương thiện và khả năng chuyên môn và dành thời gian để phục vụ anh chị em mình.

Có người vặn lại: ”Nhưng thưa cha, con làm việc trong một hãng xưởng.. con làm kế toán viên, với toàn những con số, ở đó con không thể nên thánh được…”. Có chứ, bạn có thể nên thánh tại nơi bạn đang làm việc. Thiên Chúa ban cho bạn ơn nên thánh. Thiên Chúa hiệp thông với bạn”. Mỗi ngày ta có thể nên thánh, nghĩa là cởi mở đón nhận ơn thánh, biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện.

Nếu bạn là người cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại, thì hãy nên thánh bằng cách hăng say dạy cho các con các cháu biết và theo Chúa Giêsu. Và điều này đòi nhiều kiên nhẫn, để trở thành cha mẹ tốt, ông bà tốt, và việc nên thánh đến trong sự kiên nhẫn ấy, thực thi đức kiên nhẫn. Bạn là giáo lý viên, là nhà giáo dục hay người thiện nguyện ư? Hãy nên thánh bằng cách trở thành dấu chỉ hữu hình về tình thương của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài cạnh chúng ta. Vì thế, mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Ở nhà, trên đường, trong công việc, tại nhà thờ. Anh chị em đừng nản chí trên con đường nên thánh. Chính Thiên Chúa ban ơn thánh cho bạn. Điều duy nhất mà Chúa yêu cầu, đó là chúng ta ở trong tình hiệp thông với Chúa và phục vụ anh chị em mình.

3. Về điểm này, mỗi người chúng ta có thể xét mình một chút, để xem cho đến nay ta đã đáp lại lời mọi gọi nên thánh của Chúa như thế nào? Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài không gọi chúng ta thi hành cái gì nặng nề, buồn thảm.. Thực tế hoàn toàn khác hẳn! Đó là lời mời gọi chia sẻ niềm vui của Chúa, sống và vui mừng dâng hiến mỗi lúc trong cuộc sống chúng ta, đồng thời biến nó thành một món quà yêu thương cho những người ở cạnh chúng ta. Nếu chúng ta hiểu điều đó, thì tất cả đều thay đổi và có một ý nghĩa mới, bắt đầu bằng những điều nhỏ bé mỗi ngày.

Một bà đi chợ để mua đồ ăn và thấy một bà láng giếng và họ bắt đầu nói chuyện, và rồi đến những điều nói hành nói xấu. Bà ấy nói: ”Không, không, tôi không thể nói xấu một ai cả”. Đó là một bước tiến về sự thánh thiện, điều ấy giúp bạn nên thánh hơn. Rồi về nhà, đứa con xin bạn nói chuyện một chút về những chuyện tưởng tượng. Bạn nói: ”Ba mệt lắm, hôm nay ba đã làm việc nhiều lắm”. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe con, thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Rồi đến cuối ngày ai cũng mệt, nhưng nếu bạn nói: chúng ta hãy cầu nguyện! thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Chúa nhật, chúng ta đi lễ và rước lễ, và thỉnh thoảng xưng tội, thanh tẩy chúng ta, đó là một bước tiến đến sự thánh thiện! Rồi lòng kính mến Đức Mẹ, tôi đọc kinh mân côi và cầu nguyện. Đó là một bước tiến đến sự thánh thiện.. Có bao nhiêu bước tiến nho nhỏ để nên thánh.. Mỗi bước tiến về sự thánh thiện, làm cho chúng ta trở thành những người tốt lành hơn, được giải thoát khỏi tính ích kẻ và thái độ khép kín vào mình, cởi mở đối với các anh chị em và những nhu cầu của họ.

ĐTC kết luận rằng:

”Các bạn thân mền, trong thư thứ I của Thánh Phêrô, có lời nhắn nhủ này được gửi đến chúng ta: ”Mỗi ngừơi hãy sống theo ơn thánh đã nhận lãnh, dùng ơn ấy để phục vụ tha nhân, như những người quản lý tốt đối với ơn thánh đa dạng của Thiên Chúa. Ai nói thì hãy nói với những lời của Thiên Chúa, ai thi hành một chức vụ, thì hãy chu toàn với nghị lực đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô” (4,10-11). Đó là lời mời gọi nên thánh! Chúng ta hãy vui mừng đón nhận lời mời ấy và nâng đỡ nhau, vì con đường dẫn đến sự thánh thiện chúng ta không đi một mình, mỗi người lo cho mình, nhưng chúng ta cùng nhau tiến bước, trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội, được Chúa Giêsu yêu thương và làm cho trở nên thánh thiện”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Đặc biệt với các tín hữu Ba Lan, ngài nói thêm rằng: ”Hôm qua, chúng ta đã kính nhớ chân phước Karolina Kozka, trinh nữ tử đạo, trong năm kỷ niệm 100 năm cuộc tử đạo của Người. Người thiếu nữ này đã thực hiện ơn gọi nên thánh của mình bằng cách tận hiến phục vụ tha nhân, qua sự chăm sóc tâm hồn khiết tịnh và trung thành với Chúa Kitô cho đến độ hiến cả mạng sống. Ước gì tấm gương của chân phước Kozka khích lệ tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, tìm kiếm những con đường nên thánh, kể cả khi phải đi ngược dòng, ngược với những xu hướng ngày nay tìm kiếm cuộc sống dễ dãi, chỉ lo tìm lạc thú ích kỷ. Tôi phó thác các thành viên Phong trào Tâm Hồn khiết tịnh cho sự phù hộ của chân phước Karolina Kózka”.

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhà chuyên nghiệp, chủ xí nghiệp xã hội đang tham dự Hội nghị do Diễn Đàn Kinh Tế thế giới tổ chức, với sự cộng tác của các Đại học Giáo Hoàng ở Roma, để thăng tiến những con đường và thái độ giúp vượt thắng sự loại trừ về mặt xã hội và kinh tế. Tôi cầu chúc sáng kiến này góp phần tạo điều kiện cho một tâm thức mới, trong đó tiền bạc không được coi như thần tượng phải phụng sự, nhưng như một phương thế để đạt được ích chung.

ĐTC cũng chào thăm các tham dự viên cuộc Hội thảo quốc tế do Bộ giáo lý đức tin tổ chức về đề tài sự bổ túc cho nhau giữa người nam và người nữ.

Sau cùng khi chào các bạn trẻ, các bệnh nhân và những người mới kết hôn, ĐTC nhắc nhở rằng ”Tháng 11, Phụng vụ mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời. Chúng ta đừng quên những người thân yêu, các ân nhân và tất cả những người đã ra đi trước chúng ta trong đức tin: việc cử hành Thánh Lễ là trợ giúp tinh thần tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể mang lại cho các linh hồn quá cố. Chúng ta cũng hãy nhớ đến các nạn nhân bị lũ lụt mới đây ở miền Liguria và Bắc Italia: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho các thân nhân của họ và chúng ta liên đới với những người bị thiệt hại”.

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

Đức Thánh Cha lên án bạo lực tại Thánh Địa

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu vì bạo lực gia tăng tại Jerusalem và lên án vụ khủng bố mới đây tại Hội đường Do thái.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung, sáng 19 tháng 11-2014, ĐTC nói: ”Tôi lo âu theo dõi sự gia tăng bạo lực đáng báo động tại Jerusalem và những vùng khác ở Thánh Địa, với những vụ bạo lực không thể chấp nhận được, không kiêng nể cả những nơi thờ phượng. Tôi cam đoan đặc biệt cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của tình trạng bi thảm này và những người đang phải chịu đau khổ nhiều nhất vì những hậu quả của những vụ này. Tự thâm tâm, tôi gửi lời kêu gọi chấm dứt cái vòng lẫn quẩn oán thù và bạo lực và hãy đưa ra những quyết định can đảm để thực hiện hòa giải và hòa bình. Kiến tạo hòa bình là điều khó khăn, nhưng sống mà không có hòa bình là một cực hình”.

Kêu gọi hỗ trợ các tu sĩ chiêm niệm

ĐTC cũng mời gọi các tín hữu trong toàn Giáo Hội nâng đỡ và hỗ trợ các tu sĩ sống đời chiêm niệm về tinh thần và vật chất. Ngài nói:

”Thứ sáu 21 tháng 11 này, lễ dâng Đức Mẹ Chí Thánh vào Đền Thờ, chúng ta sẽ cử hành Ngày nâng đỡ những người cầu nguyện, pro Orantibus, Ngày các cộng toàn dòng tu chiêm niệm. Đây là cơ hội thuận lợi để cảm tạ Chúa vì hồng ân bao nhiêu người, trong các đan viện và các am ẩn sĩ, tận hiến phụng sự Chúa trong kinh nguyện và thinh lặng làm việc, nhìn nhận quyền tối thượng của một mình Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá cuộc sống đan tu và đừng để họ bị thiếu sự hỗ trợ của chúng ta về tinh thần và vật chất, để họ chu toàn sứ vụ quan trọng này”. (SD 19-11-2014)

Ngày ”pro Orantibus” về những người sống đời chiêm niệm được thành lập từ năm 1953 dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô 12.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bênh vực quyền của trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ

Đức Thánh Cha bênh vực quyền của trẻ em được lớn lên trong gia đình có cha có mẹ

VATICAN. Sáng 17-11-2014, ĐTC Phanxicô đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của hội nghị quốc tế về gia đình truyền thống, nhóm tại Vatican từ ngày 17 đến 19-11-2014 về chủ đề ”sự bổ túc của người nam và người nữ cho nhau”.

Hội nghị do Bộ giáo lý đức tin tổ chức và diễn ra tại Hội trường Thượng HĐGM thế giới ở nội thành Vatican, với sự tham dự của 365 người, trong số này có hơn 30 diễn giả đến từ 23 quốc gia và thuộc nhiều hệ phái Kitô cũng như thuộc các tôn giáo như Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Lão giáo, Jaina và đạo Shiite. Trong số các tham dự viên, đặc biệt có Đức Cha Charles Chaput, TGM giáo phận Philadelphia, Hoa Kỳ, là nơi sẽ diễn ra Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới vào tháng 9 năm 2015.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐTC nhận xét rằng ”Trong thời đại chúng ta ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị khủng hoảng. Chúng ta sống trong một nền văn hóa tạm thời, trong đó càng ngày càng có nhiều người từ bỏ hôn nhân như một sự dấn thân công khai. Cuộc cách mạng này về phong tục và luân lý thường giơ cao lá cờ gọi là ”tự do”, nhưng trong thực tế, nó đưa tới sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số người, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Càng ngày người ta càng thấy rõ sự suy đồi của nền văn hóa hôn nhân có kèm theo sự gia tăng nghèo đói và một loạt các vấn đề xã hội, gây thiệt hại thái quá cho phụ nữ, trẻ em và người già”.

ĐTC kêu gọi các tham dự viên nhấn mạnh tới những cột trụ cơ bản nâng đỡ một quốc gia, đó là những thiện ích tinh thần. Ngài nói: ”Gia đình là nền tảng sự sống chung và là bảo đảm chống lại sự phân hóa xã hội. Các trẻ em có quyền được lớn lên trong gia đình, với một người cha và một người mẹ có khả năng kiến tạo một môi trường thích hợp cho sự tăng trưởng và trưởng thành tình cảm của các em. Vì thế, trong Tông Huấn ”Niềm vui Phúc Âm, tôi đã nhấn mạnh đến sự đóng góp không thể thiếu được của hôn nhân cho xã hội, sự đóng góp này vượt lên trên bình diện cảm cúc và những nhu cầu nhất thời của đôi vợ chồng” (n.66).

Cũng trong bài diễn văn, ĐTC kêu gọi các tham dự viên làm nổi bật một chân lý liên quan tới hôn nhân, đó là sự dấn thân chung kết đối với tình liên đới, lòng chung thủy và tình yêu phong phú, đáp ứng những ước muốn sâu đậm nhất của tâm hồn con người.. Điều quan trọng là người trẻ đừng chiều theo não trạng tai hại của lối sống tạm thời, trái lại trở thành những người cách mạng, can đảm tìm kiếm một tình yêu mạnh mẽ và bền vững, nghĩa là đi ngược dòng.. Chúng ta cũng đừng để cho mình bị rơi vào một cạm bẫy, bị đánh giá theo các quan điểm ý thức hệ, bị coi là những gia đình cấp tiến hoặc gia đình bảo thủ. Không thể nói như vậy, gia đình là gia đình”.

Sau cùng ĐTC đích thân xác nhận vào tháng 9 năm tới, 2015, nếu Chúa muốn, ngài sẽ đến Philadelphia, Hoa Kỳ, để tham dự Đại Hội thế giới kỳ 8 của các gia đình.

Sau diễn văn của ĐTC, mọi người đã xem một băng Video về ”vận mệnh của gia đình nhân loại: về ý nghĩa của hôn nhân”. Tiếp đến là chứng từ của một học giả Hồi giáo ở Cairo, Ai Cập, một mục sư tin lành, một học giả thuộc đạo Jaina Ấn độ. Sau phần giải lao, có bài thuyết trình của Rabbi Do thái Lord Jonathan Sacks, cựu Rabbi Trưởng tại Anh quốc và khối Thịnh vượng chung. Mọi người đã nghe thêm một số chứng từ của một nữ tu Công Giáo và một hòa thượng Phật giáo.

Phiên họp chiều hôm qua do ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và được mở đầu với bài thuyết trình của bà Janne Haaland Matláry, nguyên Bộ trưởng tại Na Uy, trình bày về gia đình, vẫn còn là đơn vị cơ bản của xã hội. Tiếp theo đó là hai chứng từ của một vị TGM Anh giáo và một học giả người Iran, thuộc đại học Kharazmi.

Trong phiên họp cuối hội nghị này, chiều ngày thứ tư, 19-11, Đức TGM Charles Chaput, TGM Philadelphia, sẽ giới thiệu Đại hội kỳ 8 các gia đình thế giới, và sau đó sẽ có phần trình bày Tuyên ngôn khẳng định hôn nhân. (SD 17-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sử dụng nén bạc Chúa trao

Sử dụng nén bạc Chúa trao

VATICAN. Hàng chục ngàn tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 16.11.2014.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa của Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 thường niên, dụ ngôn những nén bạc. Ngài mời gọi mọi người hãy sử dùng những nén bạc Chúa trao để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.

“Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay theo thánh Mát-thêu là dụ ngôn về những nén bạc. Dụ ngôn kể về ông chủ, trước khi lên đường đi xa, cho gọi các đầy tớ đến và giao phó cho họ tài sản của ông qua những nén bạc, tiền tệ có giá trị lớn thời xưa. Ông chủ này giao phó cho người đầy tớ thứ nhất năm nén bạc, người thứ hai hai nén, và người thứ ba một nén. Trong thời gian ông chủ đi vắng, ba đầy tớ này phải làm cho những tài sản này sinh lợi. Người đầy tớ thứ nhất và thứ hai, mỗi người làm lợi gấp đôi số vốn được trao ban đầu; tuy nhiên, người thứ ba, vì sợ mất trắng, nên đã chôn vùi nén bạc đã nhận trong lỗ. Đến khi chủ trở về, hai người đầy tớ đầu tiên nhận lãnh được lời khen và phần thưởng, trong khi người thứ ba, thì chỉ hoàn trả lại số tiền đã nhận, nên đã bị khiển trách và trừng phạt.

Ý nghĩa của dụ ngôn này thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Những tài sản nào? Lời Chúa, Thánh Thể, và niềm tin vào Cha trên trời, sự tha thứ của Người…tóm lại, rất nhiều thứ, những điều thiện hảo quý giá nhất của Người. Đây là tài sản mà Người đã ủy thác cho chúng ta. Không chỉ để chúng ta trông coi, nhưng còn phải làm cho sinh lời. Trong khi việc sử dụng từ “tài năng” cách chung diễn tả một đặc tính cá nhân đặc biệt – chẳng hạn như tài năng về âm nhạc, về thể thao,…- trong dụ ngôn những tài năng hay nén bạc tượng trưng cho những điêu thiện hảo của Thiên Chúa, mà Ngài đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (26) diễn tả nỗi sợ sự rủi ro là thứ đã bóp nghẹt sự sáng tạo và sự phong nhiêu của tình yêu. Vì nỗi sợ rủi ro trong tình yêu sẽ bóp nghẹt chúng ta. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta như thế, nhưng mong muốn rằng chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân. Tất cả những điều thiện hảo mà chúng ta nhận lãnh là để trao ban cho tha nhân, và như thế là sinh lợi. Như thể Ngài nói với chúng ta rằng :“Đây là lòng thương xót của Ta, sự âu yếm của Ta, sự tha thứ của Ta: hãy nhận lấy và sử dụng chúng một cách hào phóng.” Và chúng ta đã làm được những gì? Chúng ta phải làm lan truyền đức tin cho ai? Chúng ta đã động viên bao nhiêu người với niềm hy vọng của chúng ta? Chúng ta đã chia sẻ bao nhiêu tình yêu đến cho những người xung quanh? Chúng là những câu hỏi sẽ làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện. Dù trong môi trường nào, thậm chí là nơi xa xăm nhất và bất khả thi nhất, đều có thể trở nên nơi chốn làm cho những nén bạc sinh lời. Chẳng có hoàn cảnh và nơi chốn riêng biệt nào có thể ngăn cản sự hiện diện và những chứng tá của Kitô hữu. Những chứng tá mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không phải để đóng kín, nhưng là mở rộng, tùy thuộc vào chúng ta.

Dụ ngôn này khuyến khích chúng ta không được che giấu niềm tin và sự thuộc về Chúa Kitô của chúng ta, không được chôn vùi Lời Chúa, nhưng phải để nó lan truyền trong đời sống của chúng ta, trong những tương quan, trong những hoàn cảnh cụ thể, như là sức mạnh nâng đỡ giữa khủng hoảng, để tinh lọc, để đổi mới. Như thế thậm chí sự tha thứ, mà Thiên Chúa đã ân ban cách đặc biệt cho chúng ta trong Bí tích Hòa Giải: đừng chỉ giữ khư khư nơi bản thân chúng ta, nhưng hãy để sức mạnh của Thiên Chúa lan tỏa, một sức mạnh giúp đạp đổ những bức tường mà cái tôi của chúng ta đã dựng lên, giúp chúng ta chủ động trong các tương quan tan vỡ, để nối lại những cuộc đối thoại ở những nơi không còn sự truyền thông… Phải làm như thế. Phải làm cho những tài năng, những món quà, những ân ban mà Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta, đến được với tha nhân, lớn lên, và kết trái, cùng với chứng tá của chúng ta.

Cha tin rằng hôm nay sẽ là một cử chỉ tốt đẹp để mỗi người trong chúng con mang Tin Mừng về nhà, Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chương 25, từ câu 14 đến 30, Mt 25, 14-30, hãy đọc Tin Mừng, và hãy suy niệm một chút: “Những nén bạc, sự dư dật, tất cả những điều thiêng liêng, lòng tốt và cả Lời Chúa mà Người đã trao ban, tôi sẽ làm cho chúng sinh lợi cho tha nhân như thế nào đây? Hay là chỉ cất giấu chúng trong két sắt?”

Hơn nữa, Thiên Chúa không trao ban cho tất cả mọi người mọi thứ theo cùng một cách thức như nhau: Ngài thấu hiểu chúng ta một cách cá vị và trao ban cho chúng ta điều phù hợp; nhưng trong tất cả, trong tất cả có một thứ ngang bằng nhau: sự tín nhiệm to lớn và như nhau. Thiên Chúa đã tin cậy chúng ta, Thiên Chúa hy vọng nơi chúng ta. Và đây là điều như nhau cho tất cả. Đừng làm cho Người thất vọng! Đừng để mình bị lừa dối bởi sợ hãi, nhưng hãy đáp lại sự tin cậy bằng sự tin cậy! Đức Trinh Nữ Maria là hiện thân tiêu biểu của thái độ này với một cách thức viên mãn và đẹp đẽ nhất. Mẹ đã nhận lãnh và đón tiếp tặng phẩm tuyệt vời nhất, Đức Giêsu làm Người, và đến lượt mình Mẹ đã tặng ban cho loài người Chúa Giêsu với cả con tim quảng đại. Hãy van nài Mẹ phù giúp chúng ta trở thành “những đầy tớ tốt lành và trung tín”, để xứng đáng vào hưởng “niềm vui của Thiên Chúa chúng ta.”
Jos. Nguyển Huy Mai

 

Gặp gỡ Ông Chủ hà khắc hay từ nhân?

Gặp gỡ Ông Chủ hà khắc hay từ nhân?

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Rõ ràng chủ đề của cả ba dụ ngôn Mát-thêu kể trong chương 25 đều liên quan tới thời cánh chung khi mỗi người chúng ta phải giáp mặt với ‘Con Người đến trong vinh quang của Người’ (Mt 25,31). Thế nhưng nếu Con Người đó vẫn luôn mãi là Thiên Chúa của tình yêu và cứu độ, kể cả (hay đúng hơn nhất là) khi Người đến trong vinh quang của Người, và nếu thời cánh chung là cao điểm của Tin Mừng đầy vui mừng và hy vọng chứ không phải là cao điểm của sợ hãi âu lo, thì việc tôi phải khám phá ra ý nghĩa đích thực của ba câu chuyện dụ ngôn này, nhất là dụ ngôn những yến bạc, là điều cần thiết; nhất là khi Hội Thánh, trong các tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, đang muốn gởi tới tôi một thông điệp có tầm quan trọng lớn lao cho toàn thể đời sống Tin Mừng của tôi.

Câu chuyện những yến bạc gợi ta nhớ tới đoạn Tin Mừng Luca Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến nhiều (xem Lc 7,36-50), trong đó Đức Giêsu khảng định với một người Pha-ri-sêu có tên là Si-mon mời ngài dùng bữa tại nhà ông: “Vì thế tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều… Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.

Trước hết số yến bạc có là năm, hai, hay một (NB: dụ ngôn này trong Luca có chi tiết hơi khác, đó là mỗi đầy tớ nhận được một nén bạc như nhau, nhưng sau đó đã làm sinh lời khác nhau, xem Lc 19,11-27) mà các đầy tớ nhận được đều là của cải ông chủ giao phó cho cả. Vậy thì, của cải đích thực Thiên Chúa tình yêu và cứu độ giao phó cho tôi là gì? Đấng Tạo Hóa đương nhiên là giao cho tôi sự sống, trí tuệ, năng khiếu… và nhiều điều khác nữa; thế nhưng Kitô hữu chúng ta còn biết: Thiên Chúa cứu độ trao ban cho chúng ta một thứ còn quí báu và vĩ đại hơn nhiều đó là tình yêu tha thứ, và nén bạc này thì mọi người ai cũng nhận được hết. Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng cả cuộc đời Người để minh chứng điều này: kho báu quý giá nhất mà Kitô hữu tìm thấy chính là ‘ơn cứu độ’ Chúa ban. Mỗi Kitô hữu chúng ta đều tự biết mình đã nhận được số yến bạc tha thứ của Ông Chủ là bao nhiêu; từ ngày rửa tội và trong suốt năm tháng cuộc đời, kẻ năm, người hai… tùy theo nhận định riêng. Tuy nhiên vẫn có những kẻ cho rằng mình chỉ nhận được có một ít ỏi. Trong câu chuyện dụ ngôn, hai người trước biết mình nhận được một số yến bạc nào đó, đã làm sinh lợi ra nhiều yến bạc khác; “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm (hai) yến, tôi đã gây lời được năm (hai) yến khác đây”, còn người thứ ba, vì cho rằng mình nhận được quá ít nên đào lỗ chôn giấu. Đúng là “người được tha nhiều thì yêu nhiều hơn, còn ai được tha ít (đúng hơn cho là mình được tha ít) thì yêu mến ít” (Lc 7,43.47). Thái độ và lời hỗn xược của người thứ ba này càng làm ta phải suy nghĩ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi… Vì thế tôi đâm sợ…” Đúng là nếu có kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa thương xót cứu độ thứ tha, thì cũng có không ít người suy nghĩ ngược lại, họ cho rằng Thiên Chúa quá đòi hỏi và nghiêm khắc. Rất có thể người tội lỗi hơn lại dễ nhận ra mình được tha nhiều và do đó yêu nhiều, trong khi lắm kẻ đạo đức thánh thiện hơn lại cho rằng mình được tha ít (hay đúng hơn ít cần được tha) nên yêu mến ít hơn, và đôi khi còn sống trong sợ hãi. Đức Giêsu đã lặp đi lặp lại ý kiến này nhiều lần tới độ một số kinh sư và các Biệt Phái cảm thấy bực tức khó chịu, phải chăng chỉ vì họ cảm thấy mình đã quá tốt qua việc trung thành giữ đạo để mà không cần gì tới lòng nhân lành tha thứ của Thiên Chúa (xem Ga 9).

Như thế tới ngày chung thẩm, khi ra trước Con Người của tình yêu và cứu độ, điều quan trọng hơn cả sẽ là: tôi nhận ra mình đã được Ông Chủ tha thứ bao nhiêu, để rồi tôi yêu lại bấy nhiêu. Lúc đó lời phán quyết của Ông Chủ sẽ là “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”. Sẽ không có khác biệt giữa năm hay hai, quan trọng là đã nhận ra mình được tha nhiều để đáng vào hưởng tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Cũng vậy, vào ngày đó điều bất hạnh lớn nhất chính là cảm thấy mình được tha quá ít; và vì nhận thức hẹp hòi này mà tôi vẫn coi Con Người quang lâm chỉ là một ông chủ đòi hỏi và keo kiệt, một thẩm phán công thẳng và xét nét. Thái độ của đầy tớ ra trước mặt Ông Chủ sẽ chỉ vỏn vẹn là mình đã giữ luật sòng phẳng, đã trong sạch và không phạm tội… “đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” để rồi phải nghe phán quyết nghiêm thẳng của Con Người quang lâm: hãy rút lại lòng thương xót đã trao, và sử với nó theo đúng luật công bằng: “hãy lấy yến bạc khỏi tay nó… quang ra chỗ tối tăm bên ngoài”, đời đời sẽ “khóc lóc nghiến răng’, vì sẽ không còn tha thứ và cứu độ nữa đối với hạng người như thế.

Kitô hữu sẽ là những người ngày cánh chung “đứng thẳng và ngẩng đầu lên!” (Lc 21,28), không phải vì họ đã thánh thiện và đạo đức hơn nhiều người khác, hoặc vì thấy chẳng có chi phải sợ Ông Chủ vì mình đâu có phạm tội lỗi gì quá đáng, nhưng chỉ vì “anh em sắp được cứu chuộc”. Họ vui mừng và hy vọng vì đã từng nghiệm thấy trong suốt đời Kitô hữu của mình lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Tội lỗi đã từng phạm không hề làm họ sợ hãi, vì hơn lúc nào hết, họ biết mình đã được tha nhiều nên yêu nhiều, và họ yên lòng ‘ngẩng đầu’ tiến đến trước mặt ‘Ngài Quan Án’ từ nhân, giầu lòng thương xót, và hay thứ tha.

Lạy Thiên Chúa của lòng nhân ái, con đã từng hãi sợ cái chết và sự phán xét chỉ vì cứ tối mặt nhìn vào tội lỗi con đã phạm. Con biết thái độ đó đối với Tin Mừng là cả một sai lầm lớn lắm! Xin cho con biết luôn ‘đứng thẳng và ngẩng đầu lên’ với niềm xác tín: con đã từng được tha thứ rất nhiều trong đời, và vì thế không có gì phải sợ hãi giáp mặt Đấng con sẽ yêu nhiều hơn. Trong những ngày cuối năm phung vụ này, xin cho niềm hy vọng và mừng vui tràn ngập tâm hồn con cũng như mọi anh chị em tín hữu, vì chúng con đã nếm cảm được tình Chúa xót thương. Amen.

Hãy làm những gì Chúa muốn

Hãy làm những gì Chúa muốn

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Chỉ còn vài giây trong một trận bóng đá, trọng tài đã chạy theo banh vào giữa vùng sân nơi có đội banh cuối cùng sẽ bị loại, họ đã đá một trận ra trò để tới gôn bên kia. Người tiền vệ đã thay đổi lối chơi đá một quả vào vùng cuối sân nhưng bóng bị chận lại, họ đã mất một cơ hội để chiến thắng. Một vị giáo sư trong lớp lịch sử đã buộc học sinh phải làm một bài với một trang giấy không quá năm ngàn từ. Một sinh viên đã quyết định viết một ngàn từ thế là mất điểm và anh ta bị điểm kém.

Điều tốt hơn là làm những gì đúng hơn là làm những gì chúng ta muốn. Từ bài Phúc âm ngày hôm nay chúng ta có thể học được rằng, sẽ muốn làm những gì là công chính trong mắt của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không muốn làm những điều lớn lao vì Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ muốn làm bất cứ điều gì mà Thiên Chúa muốn chúng ta làm. Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta sẽ trở thành một người lớn lao trong Giáo hội, được phong thánh trong một thời gian ngắn, sau khi chúng ta chết, được tôn kính bởi toàn thể những người công giáo trên khắp thế giới, đó là giống như người mà Phúc Âm nói đến, người đã được trao cho năm nén bạc.

Mặt khác, có lẽ đời sống chúng ta không có gì đặc biệt. Đó là những dáng vẻ xuất hiện bên ngoài, chúng ta cũng nhỏ bé chẳng khác gì dân chúng sống chung quanh chúng ta, chúng ta làm việc với những người khác, chúng ta cũng xếp hàng tại các siêu thị. Điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng sống theo ý muốn của Thiên Chúa, để tôn kính và hoàn tất ơn gọi của chúng ta trong từng chi tiết của đời sống, muốn trung thành sốt sắng trong tôn giáo của mình. Chúng ta giống như những người trong Phúc âm đã được trao cho không phải là năm nén, nhưng chỉ là hai nén.

Một người phụ nữ mà đời sống của bà không có gì đặc biệt, bà giống như nhân vật trong bài đọc I của ngày hôm nay, một người vợ giá trị sẽ không bao giờ được xuất hiện trên TV trong sô diễn “60 phút”. Người đàn ông có thể là một người chồng trung thành, tin tưởng trao phó trái tim của anh cho vợ mình, nhưng sẽ không bao giờ xuất hiện trong tạp chí “Dân chúng”. Có phải điều đó sẽ không thành vấn đề, bao lâu những người này biết họ được Thiên Chúa yêu mến và thân mật với họ? Theo Phúc âm, Thiên Chúa hài lòng với người tôi tớ có hai nén, vì anh ta đã là lợi được hai nén khác giống như người có năm nén đã làm lợi năm nén khác.

Điểm sai lạc là sống giống như một người trong Phúc âm, người nhận được một nén và đã chôn nó vào đất. Anh ta biện minh rằng anh ta sợ chủ của mình. Sợ hãi đã ngăn chặn anh ta làm bất cứ điều gì, hoặc không làm bất cứ điều gì, mặc dù anh ta là một người khó khăn. Chúng ta có thể phỏng đoán ông chủ là một người khoan dung cho những người thất bại, nhưng ông không thể nào kiên nhẫn với sự kiện là người tôi tớ không nỗ lực làm việc.

Người chủ hiển nhiên là không cần những nén bạc. Cuối cùng ông cũng cho họ, những người làm lợi năm nén hay người làm lợi hai nén. Sự thật là Thiên Chúa không cần chúng ta. Ngài có thể thực hiện ý muốn của Ngài trong tích tắc, nếu Ngài muốn điều ấy. Vì Thiên Chúa chọn và muốn cho chúng ta ân sủng của Ngài. Chúng ta phải hiểu rằng mọi thứ là ân sủng đến từ Thiên Chúa: đời sống của chúng ta, gia đình, đức tin, tài năng, ngay cả những khao khát và yêu mến phục vụ Thiên Chúa của chúng ta nữa. Mọi sự là đặc ân, nhưng chúng là một đặc ân được nhìn theo ý muốn của Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài, vì sự lợi ích cho dân của Người.

Thật sự trong một ý nghĩa chúng ta được gọi để làm một điều lớn lao cho Thiên Chúa bởi vì bất cứ khi nào chúng ta làm bất cứ điều gì theo ý muốn của Thiên Chúa thì không có vấn đề nào là nhỏ hoặc là tầm thường, nếu nó xuất hiện trước mặt con người là như thế, nhưng thật ra đó là một điều rất lớn lao.

Hãy dùng thời gian để yêu thương

Hãy dùng thời gian để yêu thương

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu An)

Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi Nguyên và là Tận Cùng. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.

Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa Giêsu trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.

Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Kitô lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.

Đức Giêsu là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực. Đức Giêsu còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.

Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Đây là mặt nổi có thể quan sát được.

Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần. Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ có Đức Tin mới nhận ra. Như vậy Đức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.

Khi lịch sử chấm dứt là lúc Đức Giêsu trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.

Ngày Đức Giêsu trở lại, ngày quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng (Ga 6, 39; 11, 24; 12, 48), Ngày của Chúa (1 Cr 3, 13; 5, 5), Ngày Chúa đến (1 Cr 1, 8), Ngày của Đức Kitô (Pr 1, 10; 2, 16), Ngày viếng thăm (1 Pr 2, 12), Ngày xét xử (1 Ga 4, 17). Chính Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này (Mt 24, 30; 25, 31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39 – 40).

Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể cả Đức Giêsu về mặt nhân tính (Mt 24, 36). Ngày đó đến bất ngờ "như kẻ trộm trong đêm tối" (1 Tx 5, 1 – 3). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại (Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33 – 37; Lc 17, 22 – 37; 21, 35)

Ngày tận cùng của thời gian, Đức Giêsu tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13, 37-43), phân loại cá sau mẻ lưới (Mt 15, 39-49), chủ đòi gia nhân tính sổ (Mt 18, 23-35), thợ làm vườn nho cuối ngày trả công (Mt 20, 1-16), mười trinh nữ đi dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13). Ngày ấy các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… đều được triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ. Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng… Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.

Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.

Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giêsu nói đến giá trị của thời giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén bạc Chúa trao".

Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo. Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.

Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh

Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan

Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác

Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn

Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai

Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa

Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa

Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.

Nén bạc

Nén bạc

Ngày xưa, triết gia Platô (427–347 BC, trước công nguyên) người Hy Lạp đã đưa ra một thí dụ điển hình giúp chúng ta kiến tạo những điều ưu tiên trong cuộc đời. Hãy tưởng tượng cuộc đời như một hình tam giác lớn; xếp đặt tất cả những điều coi là quan trọng dọc theo cạnh đáy của hình tam giác. Rồi bắt đầu di chuyển những điều ưu tiên hơn lên trên. Khi chúng ta di chuyển chúng lên trên như vậy, cạnh đáy của hình tam giác càng thu hẹp nhỏ lại để đưa những điều quan trọng hơn lên trên đỉnh của hình tam giác. Chúng ta sẽ đặt những điều ít quan trọng nằm ở phía dưới và sẽ giữ lấy những điều coi như quan trọng hơn ở trên. Sau cùng, khi chúng ta đạt tới đỉnh của hình tam giác, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi. Kết quả là, chúng ta sẽ tự hỏi chính mình, “Cái gì quan trọng nhất trong cuộc đời, ở trên tất cả mọi sự?” Câu trả lời, dĩ nhiên là sống hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là đầu tư cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn những nén bạc trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho mỗi người một cuộc sống, một khả năng, một kho tàng để chúng ta phát triển trở nên phong phú bằng cách sẵn lòng đầu tư khả năng của mình vào chương trình và mục đích của Ngài.

Thiên Chúa muốn chúng ta chấp nhận hy sinh cho chương trình của Ngài. Ngài muốn hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta.

Một vị vua kia có ba người con trai, mỗi người với những tài năng riêng của mình. Người thứ nhất có tài trồng cây ăn trái. Người thứ hai chăn nuôi cừu. Và người thứ ba kéo đàn vĩ cầm (violin) rất hay. Một hôm nhà vua phải đi ra khỏi nước một thời gian lâu dài. Trước khi ra đi, vua gọi ba người con lại và căn dặn rằng vua tin tưởng nơi họ làm cho dân chúng hài lòng trong lúc vua vắng mặt.

Lúc đầu mọi sự rất tốt đẹp. Nhưng rồi mùa đông tới, một mùa đông lạnh giá chưa từng có. Không còn đủ củi cho dân chúng sưởi. Người con thứ nhất phải đối diện với một quyết định vô cùng khó khăn, có nên để dân chúng chặt một số cây ăn trái làm củi sưởi không? Khi nhìn thấy dân chúng run rẩy trong giá buốt, cuối cùng người anh cũng phải cho phép họ làm.

Người con thứ hai cũng đã phải đối diện với một quyết định khó khăn. Dân chúng khan hiếm lương thực để ăn trong mùa đông. Anh có nên cho phép họ giết đàn cừu yêu quý của mình làm lương thực không? Khi nhìn thấy trẻ con than khóc vì đói, anh đau lòng và để cho họ giết đàn cừu làm lương thực ăn qua mùa đông.

Dân chúng đã có củi để sưởi và thịt cừu để ăn trên bàn. Tuy nhiên mùa đông khắc nghiệt vẫn cứ tiếp tục kéo dài. Tinh thần của họ trở nên chán nản, không ai có thể làm cho họ vui vẻ, phấn khởi lên được. Dân chúng tìm kiếm đến người con thứ ba biết kéo đàn vĩ cầm, nhưng anh từ chối không muốn chơi đàn cho họ nghe. Cuối cùng tình thế trở nên tuyệt vọng, nhiều người đã bỏ xứ, dọn đi nơi khác.

Đến một ngày, nhà vua trở về nước. Ông vô cùng buồn bã vì thấy rằng nhiều người đã bỏ nước ra đi. Ông gọi ba người con lại để tường trình xem chuyện gì đã xẩy ra. Người con thứ nhất nói, “Thưa cha, con hy vọng rằng cha sẽ không giận con, nhưng mùa đông đã quá lạnh và con đã cho phép dân chúng chặt cây ăn trái xuống làm củi để sưởi”. Người con thứ hai nói “Thưa cha, hy vọng rằng cha cũng sẽ không giận con vì khi lương thực khan hiếm, con cho phép dân chúng làm thịt bầy cừu của con”.

Nghe vậy, nhà vua thay vì giận dữ, đã ôm lấy hai người con, hãnh diện và hài lòng về họ. Rồi người con thứ ba tiến đến với cây đàn vĩ cầm trên tay và thưa, “Thưa cha, con đã không thể nào chơi đàn nổi vì cha đã không có mặt ở đây để thưởng thức những tiếng đàn đó, hơn nữa dân chúng cũng đang chịu khổ vì đói lạnh, làm sao vui được!”

Bấy giờ người cha mới nói rằng “Hỡi con, hãy kéo đàn cho cha nghe vì bây giờ lòng cha buồn rầu tan nát”. Người con cầm cây đàn vĩ cầm lên kéo, nhưng tự cảm thấy rằng những ngón tay của mình đã trở nên cứng nhắc vì bỏ lâu không thực tập. Dù cố gắng hết sức, anh cũng không thể nào nhúc nhích được những ngón tay. Sau đó người cha nói, “Con đã có thể làm cho dân chúng phấn khởi lên bằng tiếng nhạc của con, nhưng con đã từ chối không làm. Nếu xứ sở này đã mất đi một nửa số dân, đó là lỗi tại con. Nhưng bây giờ chính con cũng không còn có thể chơi đàn được nữa. Đó chính là hình phạt cho con vậy”.

Để sống một cách phong phú hơn chúng ta phải biết sử dụng tài năng đã đón nhận từ Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những nén bạc, ba người đầy tớ được trao ban những nén bạc. Một nén bạc tương đương với 15 năm lương của một người lao động suốt ảc ngày. Trong Anh ngữ nén bạc được dịch là “talent”, lại còn có nghĩa là tài năng thiên phú tự nhiên trong các sinh hoạt sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, thi phú… Tài năng tự nhiên có thể được hiểu rộng rãi hơn gồm những ơn lành chúng ta đã đón nhận từ Thiên Chúa, đặc biệt là đức tin, sức khoẻ, kiến thức và những cơ hội may mắn… Những tài năng này đã được ban cho chúng ta không phải để cất dấu, làm mai một đi, nhưng phải được đầu tư để làm cho chúng sinh hoa kết quả.

Sưu tầm

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka và Philippines

Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Sri Lanka và Philippines

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Sri Lanka và Philippines từ ngày 12 đến 19-1 năm tới, 2015.

Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 14-11 vừa qua, ĐTC sẽ rời Roma lúc 7 giờ tối thứ hai, 12-1 và tới phi trường thủ đô Colombo của Sri Lanka lúc 9 giờ sáng hôm sau, 13-1.

Sau nghi thức tiếp đón tại Phi trường, ĐTC sẽ gặp gỡ các GM Sri Lanka lúc 1 giờ 15 phút trưa tại tòa TGM Colombo.

Ban chiều cùng ngày, lúc 5 giờ, ngài sẽ viếng thăm Tổng thống tại Phủ Tổng thống, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn lúc 6 giờ 15 tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bandaramaike Memorial.

– Sáng thứ tư, 14-1, lúc 8 giờ rưỡi, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho chân phước Joseph Vaz, vị tông đồ của Sri Lanka, tại Công viên Galle Face Green cạnh bờ biển.

Ban chiều lúc 2 giờ, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu để kính viếng và gặp gỡ các tín hữu vào lúc 3 giờ rưỡi, rồi trở về thủ đô. – Sáng thứ năm 15-1, lúc 8 giờ 15, ngài sẽ kính viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ Lanka ở Bolawalana, mạn bắc Colombo, trước khi ra phi trường lúc 9 giờ để đáp máy bay đi Manila, Philippines.

ĐTC sẽ đến sân bay quân sự Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày 15-1.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng Thống lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ sáu 16-1. Ngài gặp gỡ Tổng thống và các quan chức chính quyền cùng với đoàn ngoại giao.

Ban trưa, lúc 11 giờ 15, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ với các GM, LM, trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ tại Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Manila.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày ngài sẽ gặp gỡ các gia đình tại Hội trường Mall of Asia Arena.

– Thứ bảy 17-1, ĐTC sẽ rời Manila bay tới thành phố Tacloban và dâng thánh lễ tại Phi trường quốc tế ở địa phương lúc 10 giờ. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với một số những người sống sót trong trận cuồng phong Hayan hồi tháng 11 năm 2013.

Ban chiều cùng ngày, lúc 3 giờ, ĐTC sẽ làm phép trung tâm cho người nghèo rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và những người sống sót tại Nhà thờ chính tòa Palo, rồi trở về Manila.

– Sáng Chúa nhật 18-1, ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Đại Học Santo Tomas ở Manila rồi gặp gỡ các bạn trẻ tại Sân thể thao của đại học vào lúc 10 giờ rưỡi.

Ban chiều ĐTC sẽ cử hành thánh lễ lúc 3 giờ rưỡi tại Công viên Rizal Park cũng ở Manila.

– Sáng thứ hai, 19-1, sau nghi thức tiễn biệt tại Sân bay quân sự Villamor, Manila, ngài sẽ đáp máy bay lúc 10 giờ sáng để trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino Roma vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cùng ngày 19-1. (SD 14-1-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

Thành lập Hội đồng đặc biệt tại Bộ giáo lý đức tin

VATICAN. ĐTC đã quyết định thành lập một hội đồng đặc biệt tại Bộ Giáo Lý đức tin để đẩy mạnh việc xét xử mau lẹ hơn những vụ kháng án về tội nặng thuộc quyền xử của Bộ này.

Vì con số cao những vụ kháng án được gửi về Bộ giáo lý đức tin và để bảo đảm cho Bộ này có thể xét xử nhanh chóng, qua phúc chiếu trong buổi tiếp kiến ĐHY Pietro Parolin ngày 3-11-2014, ĐTC quyết định thành lập tại Bộ giáo lý đức tin một Hội đồng đặc biệt gồm 7 Hồng y hoặc Giám mục, các vị này có thể là thành viên hoặc là những người ở ngoài bộ. Vị chủ tịch Hội đồng này và các thành viên do ĐTC bổ nhiệm.

ĐTC cũng đề ra một số chi tiết về cách hoạt động của Hội đồng đặc biệt này đồng thời cho biết một qui luật nội bộ của Hội đồng sẽ xác định thêm các thể thức tiến hành. Ngoài ra, ngài quyết định rằng sắc luật điều hành này được đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-11-2014, sau đó sẽ được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh giải thích rằng: cho đến nay, mỗi tháng một lần vào ngày thứ tư, các thành viên của Bộ giáo lý đức tin nhóm họp và cứu xét trung bình 4, hay 5 vụ kháng án. Phần lớn những vụ này liên quan đến việc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Về những tội chống lại đức tin, thì thẩm quyền xét xử ở cấp I là GM giáo phận đối với các linh mục triều, và Bề trên cấp cao dòng đối với các tu sĩ. Nếu đương sự kháng án thì hồ sơ được Bộ giáo lý đức tin cứu xét trong khóa họp thường lệ. Từ nay Bộ có một Hội đồng đặc biệt để cứu xét các vụ kháng án. Nếu bị can là Giám Mục và là vụ đặc biệt tế nhị thì Bộ sẽ cứu xét trong khóa họp thường lệ, và trong trường hợp này các thành viên của Bộ có thể xin ĐTC đích thân cứu xét những vụ đặc biệt tế nhị.

Tự sắc ”Bảo vệ tính chất thánh thiêng của các bí tích” (Sacramentorum sanctitatis tulela) do Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng ban hành năm 2001 và được ĐGH Biển Đức 16 cập nhật năm 2010, có liệt kê một số tội nặng thuộc quyền xét xử của Bộ giáo lý đức tin về mặt hình luật, tư pháp hoặc hành chánh, ví dụ tội lấy hoặc giữ Mình Thánh Chúa để xúc phạm hoặc phạm thánh, giải tội cho người đồng phạm về điều răn thứ 6, xúi giục hoặc dụ dỗ người khác phạm điều răn này trong khi hoặc nhân dịp giải tội cho đương sự, vi phạm ấn tích bí mật tòa giải tội, giáo sĩ phạm điều răn thứ 6 với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, v.v.

Hồi tháng 7-2010, Bộ giáo lý đức tin đã công bố một văn kiện kỷ luật chứa đựng những qui luật mới liên quan đến những tội nặng. Bộ coi việc truyền chức LM cho phụ nữ như một ”tội chống lại đức tin” và Bộ kéo dài thời hiệu (prescription) trong những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ 10 lên 20 năm (sau khi nạn nhân tròn 18 tuổi). Bộ cũng coi tội dâm ô trẻ em (pornographie infantile) là một tội nặng. (SD 11-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Chủ chăn không được độc đoán nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Chủ chăn không được độc đoán nhưng phải khiêm tốn và biết lắng nghe

Ý thức chức thừa tác là một ơn Chúa ban chứ không phải vì mình thông minh, tài giỏi, tốt lành hơn người khác, giúp các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế biết sống khiêm tốn, cảm thông, thương xót, biết lắng nghe và học hỏi từ người khác, chứ không độc đoán, làm như thể cộng đoàn là của riêng mình và mọi người phải quỳ phục dưới chân mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với háng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi găp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 12-11-2014.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý các đức tính mà các vị thừa tác của Giáo Hội phải có để sống việc phục Giáo Hội một cách đích thực và phong phú.

Mở đầu bài huấn Đức Thánh Cha nói: Trong bài giáo lý trước chúng ta đã minh nhiên sự kiện Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên Ngài qua chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế. Chính nơi các vị Chúa Giêsu hiện diện, trong quyền lực của Thần Khí Ngài, và tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng cách dưỡng nuôi đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội. Như thế, các chức thừa tàc này là một ơn lớn lao Chúa ban cho mỗi cộng đoàn kitô và cho toàn thể Giáo Hội, trong nghĩa nó là một dấu chỉ sống động sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Vậy chúng ta có thể tự hỏi đâu là điều được đỏi hỏi nơi các vị thừa tác này của Giáo Hội, để họ có thể sống việc phục vụ của mình một cách đích thật và phong phú?

Trong các ”Thư mục vụ” gửi các môn đệ của mình là Timoteo và Tito, tông đồ Phaolô cẩn thận đừng lại trên gương mặt của các giám mục, linh mục và phó tế, bằng cách phác họa ra ơn gọi của các vị và các đức tính cần được nhận ra nơi những người được chọn và trao phó cho các chức thừa tác này.

Thật là biểu hiệu, cùng với các ơn gắn liền với đức tin và cuộc sống tinh thần, có vài đức tính rất nhân bản được liệt kê ra: sự tiếp đón, thanh đạm, kiên nhẫn, hiền dịu, có thể tin cậy, có con tim tốt. Đó là mẫu tự, đó là văn phạm nền tảng của mỗi chức thừa tác. Nó phải là văn phạm nền tảng của mỗi giám mục, mỗi linh mục, mỗi phó tế. Phải, vì nếu không có bẩm chất xinh đẹp và thật sự này để gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại, trân qúy và liên lạc với các anh em khác một cách tôn trọng và chân thành, thì không thể cống hiến một phục vụ và một chứng tá thực sự tươi vui và đáng tin cậy.

Thế rồi còn có một cung cách nền tảng mà thánh Phaolô khuyên nhủ các môn đệ của người và tất cả những ai được thụ phong chức thừa tác mục tử. Thánh tông đồ khích lệ họ liên tục làm sống lại ơn đã nhận lãnh (X. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6). Điều này có nghĩa là họ phải luôn luôn sống trong ý thức rằng mình không phải giám mục, linh muc hay phó tế bởi vì mình thông minh hơn, tài giỏi hay tốt hơn các người khác, nhưng chỉ vì đó là một ơn, một ơn của tình yêu Thiên Chúa đã rộng ban, trong quyền năng Thần Khí của Người, cho thiện ích của dân Người. Ý thức này thật là quan trọng, và nó là một ơn cần phải xin mỗi ngày.

Thật thế, một Mục tử ý thức được rằng chức thừa tác của mình chỉ nảy sinh duy nhất từ lòng thương xót và từ con tim của Thiên Chúa sẽ không bao giờ có thái độ quyền uy, làm như thể là tất cả mọi người phải qùy dười chân mình và cộng đoàn là của riêng mình, là vương quốc của mình.

Ý thức rằng tất cả là quà tặng, tất cả là ơn thánh, cũng giúp một Mục tử không rơi vào chước cám dỗ đặt mình làm trung tâm sự chú ý và chỉ tin tưởng nơi chính mình. Thật khốn cho một giám mục, một linh mục, hay một phó tế nghĩ rằng mình biết hết mọi sự, luôn luôn có câu trả lời đúng cho mọi chuyện, và không cần tới ai hết! Trái lại, ý thức mình là người đầu tiên là đối tượng lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa phải dẫn đưa một vị thừa tác tới chỗ luôn luôn khiêm tốn và cảm thông đối với người khác. Tuy ý thức là mình được mời gọi can đảm giữ gìn kho tàng đức tin (x. 1 Tm 6,20) người ấy sẽ lắng nghe dân chúng. Thật vậy, họ ý thức được rằng mình luôn luôn học hỏi được điều gì đó, cả từ những người còn xa đức tin và xa Giáo Hội. Rồi với các anh em mình tất cả phải đưa tới chỗ có một cung cách hành xử mới, mang dấu vết của sự chia sẻ, tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông.

Các bạn thân mến, chúng ta phải luôn luôn nhớ ơn Chúa, bởi vì nơi con người và trong chức thừa tác của các giám mục, linh mục và phó tế, Người tiếp tục hướng dẫn và đào tạo Giáo Hội Người, khiến cho nó lớn lên dọc dài con đường nên thánh. Đồng thới chúng ta cũng phải tiếp tục cầu nguyện, để cho các Mục Tử của các cộng đoàn chúng ta là hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu thương của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nườc Âu châu và Bắc Mỹ cũng như tín hữu đến từ Nam Phi, Indonesia, Nhật Bản, Argentina, Mehicô và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng Arập, đặc biệt đoàn hành hương đến từ Giordania, Đức Thánh Cha khẳng định rằng lời mời gọi của Thiên Chúa luôn luôn là hoa trái lòng quảng đại, cảm thông và thương xót của Người. Ngài xin họ cầu nguyện cho các chủ chăn, để các vị thi hành chức thừa tác với lòng khiêm nhường, tinh thần phục vụ và biết lắng nghe, và trở thành hình ảnh sống động của sự hiệp thông và tình yêu của Chúa. Đức Thánh Cha xin Chúa chúc lành cho họ và che chở họ khỏi kẻ dữ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới kỷ niệm 25 năm lễ phong chân phước cho tu huynh Alberto Adam Chmielowski. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi người là ”Bổn mạng của sự thay đổi khó khăn của đất nước chúng ta và Âu châu”. Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh nhân việc thực thi tình yêu thương xót đối với những người cần được trợ giúp là hình ảnh sống động của Chúa Kitô.

Với các tín hữu Mehicô Đức Thánh Cha chia buồn về vụ các sinh viên học sinh mất tích, nhưng thật ra là bị ám sát. Thực tại thê thảm này của nạn tội nằm phạm đàng sau việc buôn bán ma túy. Nó liên quan tới anh chị em và gia đình anh chị em.

Trông thấy một nhóm quân nhân Chile Đức Thánh Cha nói trong những ngày này chúng ta đang kỷ niệm 30 năm ký kết hiệp định hòa bình giữa Argentina và Chile, liên quan tới việc tranh chấp biên giới giữa hai bên. Hiệp định đã có thể ra đời nhờ ý chí đối thoại và sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Samore. Đức Thánh Cha cầu mong tất cả các dân tộc đang xung khắc và tranh chấp nhau liên quan tới biên giới, văn hóa và mọi lý do khác tìm giải quyết chúng qua việc đối thoại, chứ không qua sự tàn ác của chiến tranh.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Ý Đức Thánh Cha đặc biệt chào các Nữ tu Scalabrini, các Nữ tu Cát minh thừa sai của Chúa Giêsu Hài đồng đang họp tổng tu nghị, các sinh viên và giáo sư Phân khoa Khoa học xã hội của Đại học giáo hoàng Salesien nhân kỷ niệm 25 năm thành lập; các gia đình có con cái là nạn nhân giao thông và những người bị mất tích. Ngài cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng vì các tai nạn lưu thông cũng như cho những người đã không bao giờ trở về với tình yêu thương gia đình.

Sau khi xướng tên của nhiều nhóm khác Đức Thánh Cha cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ củng cố nơi họ ý thức thuộc gia đình Giáo Hội.

Chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua Giáo Hội mới mừng lễ thánh Martino thành Tours. Ngài xin cho gương bác ái lớn lao của thánh nhân nêu gương sống hiến thân cho các bạn trẻ; lòng tín thác của người nơi Chúa Kitô Cứu Thế nâng đỡ các người đau yếu trong những lúc khổ đau; và sức mạnh tinh thần của thánh nhân nhắc nhớ cho các cặp vợ chồng mới cưới lấy đức tin làm trung tâm điểm cuộc sống hôn nhân.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho tất cả mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ và đạp đổ mọi bức tường chia rẽ

Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ và đạp đổ mọi bức tường chia rẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hỏa giải với nhau, huynh đệ và liên đới, trong đó không ai bị bách hại và giết chết vì niềm tin và tôn giáo của mình.

Ngài đã gióng lên lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hươmg trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô nhân ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano và kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ.

Nhắc tới ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, được truyền thống định nghĩa là ”mẹ của mọi nhà thờ trong thành Roma và trên toàn thế giới”, Đức Thánh Cha nói:

Với từ ”mẹ” người ta quy không quy chiếu về dinh thự thánh của Vương cung thánh đường cho bằng công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng tự biểu lộ trong đền thánh, bằng cách sinh hoa trái qua chức thừa tác của Giám Mục Roma, trong tất cả các cộng đoàn hiệp nhất với Giáo Hội mà người chủ sự. Vì thế, với lễ này chúng ta tuyên xưng, trong sự hiệp nhất đức tin, rằng mối dây hiệp thông mà tất cả các Giáo Hội địa phương, rải rác trên trái đất có với Giáo Hội Roma và với Giám Mục của nó, là Người kế vị thánh Phêrô.

Việc cử hành sự dâng hiến một thánh đường nhắc nhở cho chúng ta biết một sự thật nòng cốt: đền thờ vật chất làm bằng gạch là dầu chỉ của Giáo Hội sống động trong lịch sử, nghĩa là của ”đền thờ tinh thần”, mà Chúa Kitô là ”viên đá sống động, bị loài người loại bỏ nhưng được lựa chọn và qúy gía trước mặt Thiên Chúa, như tông đồ Phêr nói (x. Pr 2,4-8). Trong Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, khi nói về đền thờ, Chúa Giêsu đã vén mở một sự thật gây đảo lộn: đó là đền thờ của Thiên Chúa không phải là đền đài lám bằng gạch, nhưng là thân mình Người, được làm bằng các viên đá sống động. Nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, mỗi kitô hữu là phần ”đền thờ của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô nhắc nhớ (1 Cr 3,9). Còn hơn thế nữa, họ trở thành Giáo Hội của Thiên Chúa. Đền thờ tinh thần, Giáo Hội, cộng đoàn của những người đươc thánh hiến bởi máu Chúa Kitô và Thần Khí của Chúa phục sinh, xin từng người trong chúng ta trung thực trong cuộc sống đức tin và chứng tá, mà chúng ta phải bước đi và sống mỗi ngày. Đó là một kitô hữu, không phải bằng điều mình nói, nhưng bởi điều mình làm, bởi cung cách hành xử của mình. Sự trung thực trao ban sự sống cho chúng ta là một ơn đến từ Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải xin mỗi ngày. Giáo Hội, trong nguồn gốc sự sống và sứ mệnh của nó trong thế giới, không là gì khác hơn là một cộng đoàn được thành lập để tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ con người, một lòng tin hoạt động bác ái. Cả ngày nay nữa Giáo Hội được mời gọi là cộng đoàn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội, tuyên xưng niềm tin nơi Người với lòng khiêm tốn và can đảm và làm chứng cho niềm tin ấy trong tình bác ái. Các yếu tố cơ cấu và các tổ chức mục vụ cũng phải được hướng tới các mục tiêu chính yếu này.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự hiệp thông của tất cả mọi Giáo Hội, nghĩa là của cộng đoàn kitô dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới của thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hòa giải với nhau, huynh đệ và liên đới. Giáo Hội chính là dấu chỉ diễn tả trước nhân loại mới này, khi sống và phổ biến, với chứng tá của mình, Tin Mưng sứ điệp hy vọng và hòa giải cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử cả Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ giúp chúng ta trở thành ”nhà của Thiên Chúa” như Mẹ, là đền thờ sống động của tình yêu Người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, nhắc đến biến cố kỷ niệm 25 năm sụp đổ của bức tường Berlin, biểu tượng của sư ngăn đôi thành phố và sự chia rẽ ý thức hệ của Âu Châu và toàn thế giới, Đức Thánh Cha nói: Sự sụp đổ đã xảy ra một cách bất thình lình, nhưng nó đã có thể xảy ra nhờ dấn thận lâu dài và vất vả của biết bao nhiêu người đã đấu tranh, cầu nguyện, đau khỗ, và hy sinh mạng sống của nhiều người. Trong số những người đó thánh Gioan Phaolô II đã có một vai trò tác nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện để với sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi người thiện chí, ngày càng được phổ biến một nền văn hóa gặp gỡ, có khả năng đánh đổ tất cả mọi bức tường còn chia rẽ thế giới, và đừng xảy ra nữa cảnh các người vô tội bị bách hại và bị giết chết vì niềm tin và tôn giáo của họ. Ở đâu có một bức tường, là ở đó có con tin đóng kín. Chúng ta cần các cây cầu, chứ không cần các bức tường.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Tạ Ơn cử hành tại Italia với đề tài “Nuôi sống hành tinh. Năng lực cho sự sống”, nhắm tời cuộc triển lãm quốc tế Milano năm 2015. Ngài hiệp ý với các Giám Mục cầu mong mọi người tái dấn thân để đừng ai thiếu thực phẩậm hằng ngày, mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Ngài cũng gần gữi thế giới nông nghiệp và khích lệ các nông dân vun trồng trái đất trong tình liên đới và chừng mực. Tại Roma là Ngày giáo phận giữ gìn thụ tạo nhằm cổ võ các kiểu sống tno trọng môi sinh, tái khẳng định liên minh giữa con người, thụ tạo và Đấng Tạo Hóa. Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các chủng sinh Pháp

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các chủng sinh Pháp

VATICAN. ĐTC khích lệ các chủng sinh Pháp vun trồng tình huynh đệ, đời sống cầu nguyện và chuẩn bị thi hành sứ mạng sẽ nhận lãnh.

Ngài đưa ra những lời nhắn nhủ trên đây trong sứ điệp gửi đến hàng trăm chủng sinh Pháp vừa kết thúc cuộc hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức hôm qua, 10-11. Sứ điệp của ĐTC đã được Đức Cha Georges Pontier, TGM Marseille, Chủ tịch HĐGM Pháp, tuyên đọc trong buổi canh thức cầu nguyện khai mạc cuộc hành hương chiều chúa nhật 9-11.

ĐTC khẳng định rằng tình huynh đệ giữa các môn đệ của Chúa là thành phần ơn gọi của họ. Sứ vụ linh mục không thể có tính chất cá nhân và càng không thể có đặc tính cá nhân chủ nghĩa. Vì thế, ngài mời gọi các chủng sinh hết sức hăng say tập luyện sống tình huynh đệ trong thời gian thụ huấn, đây là điều rất hữu ích sau khi chịu chức.

Tiếp đến là kinh nguyện. ĐTC nhắn nhủ các chủng sinh mỗi ngày hãy dành những lúc lâu dài cho kinh nguyện để trở thành người của thiên Chúa, có khả năng dẫn về cùng Chúa Cha những người mà linh mục được sai tới, noi gương Chúa Giêsu, đã đã lui vào nơi thinh lặng và thanh vắng để chìm đắm trong mầu nhiệm Chúa Cha. Ngài cũng mời gọi các chủng sinh đừng sợ sự khô khan bao gồm trong kinh nguyện”.

Sau cùng về sứ mạng, ĐTC nhắc nhở các chủng sinh rằng: ”Tất cả những gì các thầy làm trong thời kỳ thụ huấn đều nhắm một mục đích, đó là trở thành những môn đệ thừa sai khiêm tốn để làm cho những người khác trở thành môn đệ của Chúa”. Ngài khuyến khích các chủng sinh hãy chuẩn bị cho sứ mạng đó, bằng cách tập luyện phản xạ ra khỏi chính mình, để gặp gỡ tha nhân, học biết thế giới mà mình sẽ được sai đến, và dành ưu tiên cho những người ở xa nhất. ĐTC viết: ”Khi đến các nơi ngoại biên, ta cũng động chạm đến trung tâm, vì chính từ đó mà Đấng Phục Sinh đã đi trước các môn đệ” (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sénégal, Mauritanie, Guinea, và Capo Verde

VATICAN. Sáng 10-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến 12 GM thuộc HĐGM 4 nước ở miền Tây Phi châu là Sénégal, Mauritanie, Guinea Bissau và Quần đảo Capo Verde. Ngài khuyến khích các vị gia tăng tình hiệp thông, huấn luyện giáo dân, gần gũi các LM, đẩy mạnh việc mục vụ gia đình, đối thoại với Hồi giáo.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Robert Sarr, TGM giáo phận Dakar, thủ đô Sénégal.

Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC khẳng định rằng điều quan trọng là anh em có thể biểu lộ tình hiệp thông với nhau trong sự khác biệt. Tình hiệp thông này tự nó là một chứng tá đích thực về Chúa Kitô phục sinh, trong một thế giới có quá nhiều xung đột chia rẽ các dân tộc, vì sự loan báo hòa bình chính là xác tín theo đó, sự hiệp nhất của Thánh Linh hòa hợp mọi khác biệt và vượt lên trên mọi xung đột, trong một tổng hợp mới mẻ và đầy triển vọng (Evang. gaudium, 230).

ĐTC cũng nhắc nhủ rằng ”điều thích hợp là các giáo dân được huấn luyện vững chắc về đạo lý và đời sống thiêng liêng, đó là một trợ lực trường kỳ để họ có thể làm chứng về Chúa Kitô trong những môi trường của cuộc sống, làm cho xã hội được thấm nhiễm lậu dài các nguyên tắc của Phúc Âm, đồng thời để đức tin khỏi bị gạt ra ngoài lề đời sống công cộng”.

Trong số 4 nước có các GM được ĐTC tiếp kiến, đứng đầu là Sénégal có hơn 13 triệu rưỡi dân cư, trong đó hơn 90% theo Hồi giáo, và Công Giáo chỉ có 5,3% họp thành một giáo tỉnh với 7 giáo phận. Tiếp đến là nước Mauritanie rộng hơn 1 triệu cây số vuông nhưng chỉ có 3 triệu 600 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo, và chỉ có 4 ngàn tín hữu Công Giáo, đa số là người nước ngoài, họp thành một giáo phận.

Có hai nước nói tiếng Bồ đào nha là Guinea Bissau, rộng hơn 36 ngàn cây số vuông với hơn 1 triệu rưỡi dân cư, trong đó 12% là tín hữu Công Giáo họp thành 2 giáo phận. Sau cùng là Quần đảo Capo Verde gồm 560 ngàn dân cư, trong đó 93% là tín hữu Công Giáo, họp thành 2 giáo phận. Người Capo Verde ở nước ngoài lên tới 1 triệu 500 ngàn người.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích các GM Sénégal và Mauritanie giúp các giáo sĩ, ngay từ chủng viện, được huấn luyện có hệ thống hơkn để có thể phát triển tại chỗ một cuộc đối thoại xây dựng với người Hồi giáo, cuộc đối thoại này ngày càng trở nên cần thiết để sống chung hòa bình với các tín hữu Hồi giáo. (SD 10-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ và đạp đổ mọi bức tường chia rẽ

Dấn thân thắng vượt mọi biên giới thù nghịch và thờ ơ và đạp đổ mọi bức tường chia rẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hỏa giải với nhau, huynh đệ và liên đới, trong đó không ai bị bách hại và giết chết vì niềm tin và tôn giáo của mình.

Ngài đã gióng lên lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hươmg trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô nhân ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano và kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ.

Nhắc tới ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, được truyền thống định nghĩa là ”mẹ của mọi nhà thờ trong thành Roma và trên toàn thế giới”, Đức Thánh Cha nói:

Với từ ”mẹ” người ta quy không quy chiếu về dinh thự thánh của Vương cung thánh đường cho bằng công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng tự biểu lộ trong đền thánh, bằng cách sinh hoa trái qua chức thừa tác của Giám Mục Roma, trong tất cả các cộng đoàn hiệp nhất với Giáo Hội mà người chủ sự. Vì thế, với lễ này chúng ta tuyên xưng, trong sự hiệp nhất đức tin, rằng mối dây hiệp thông mà tất cả các Giáo Hội địa phương, rải rác trên trái đất có với Giáo Hội Roma và với Giám Mục của nó, là Người kế vị thánh Phêrô.

Việc cử hành sự dâng hiến một thánh đường nhắc nhở cho chúng ta biết một sự thật nòng cốt: đền thờ vật chất làm bằng gạch là dầu chỉ của Giáo Hội sống động trong lịch sử, nghĩa là của ”đền thờ tinh thần”, mà Chúa Kitô là ”viên đá sống động, bị loài người loại bỏ nhưng được lựa chọn và qúy gía trước mặt Thiên Chúa, như tông đồ Phêr nói (x. Pr 2,4-8). Trong Phúc Âm của phụng vụ hôm nay, khi nói về đền thờ, Chúa Giêsu đã vén mở một sự thật gây đảo lộn: đó là đền thờ của Thiên Chúa không phải là đền đài lám bằng gạch, nhưng là thân mình Người, được làm bằng các viên đá sống động. Nhờ sức mạnh của bí tích Thánh Tẩy, mỗi kitô hữu là phần ”đền thờ của Thiên Chúa”, như thánh Phaolô nhắc nhớ (1 Cr 3,9). Còn hơn thế nữa, họ trở thành Giáo Hội của Thiên Chúa. Đền thờ tinh thần, Giáo Hội, cộng đoàn của những người đươc thánh hiến bởi máu Chúa Kitô và Thần Khí của Chúa phục sinh, xin từng người trong chúng ta trung thực trong cuộc sống đức tin và chứng tá, mà chúng ta phải bước đi và sống mỗi ngày. Đó là một kitô hữu, không phải bằng điều mình nói, nhưng bởi điều mình làm, bởi cung cách hành xử của mình. Sự trung thực trao ban sự sống cho chúng ta là một ơn đến từ Chúa Thánh Thần mà chúng ta phải xin mỗi ngày. Giáo Hội, trong nguồn gốc sự sống và sứ mệnh của nó trong thế giới, không là gì khác hơn là một cộng đoàn được thành lập để tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ con người, một lòng tin hoạt động bác ái. Cả ngày nay nữa Giáo Hội được mời gọi là cộng đoàn đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội, tuyên xưng niềm tin nơi Người với lòng khiêm tốn và can đảm và làm chứng cho niềm tin ấy trong tình bác ái. Các yếu tố cơ cấu và các tổ chức mục vụ cũng phải được hướng tới các mục tiêu chính yếu này.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:

Ngày lễ cung hiến Vương cung thánh đường Laterano hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về sự hiệp thông của tất cả mọi Giáo Hội, nghĩa là của cộng đoàn kitô dấn thân để nhân loại thắng vượt được các biên giới của thù nghịch và thờ ơ, xây dựng các cây cầu hiểu biết và đối thoai để làm cho thế giới trở thành một gia đình các dân tộc hòa giải với nhau, huynh đệ và liên đới. Giáo Hội chính là dấu chỉ diễn tả trước nhân loại mới này, khi sống và phổ biến, với chứng tá của mình, Tin Mưng sứ điệp hy vọng và hòa giải cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy khẩn nài sự bầu cử cả Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ giúp chúng ta trở thành ”nhà của Thiên Chúa” như Mẹ, là đền thờ sống động của tình yêu Người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin, nhắc đến biến cố kỷ niệm 25 năm sụp đổ của bức tường Berlin, biểu tượng của sư ngăn đôi thành phố và sự chia rẽ ý thức hệ của Âu Châu và toàn thế giới, Đức Thánh Cha nói: Sự sụp đổ đã xảy ra một cách bất thình lình, nhưng nó đã có thể xảy ra nhờ dấn thận lâu dài và vất vả của biết bao nhiêu người đã đấu tranh, cầu nguyện, đau khỗ, và hy sinh mạng sống của nhiều người. Trong số những người đó thánh Gioan Phaolô II đã có một vai trò tác nhân. Chúng ta hãy cầu nguyện để với sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi người thiện chí, ngày càng được phổ biến một nền văn hóa gặp gỡ, có khả năng đánh đổ tất cả mọi bức tường còn chia rẽ thế giới, và đừng xảy ra nữa cảnh các người vô tội bị bách hại và bị giết chết vì niềm tin và tôn giáo của họ. Ở đâu có một bức tường, là ở đó có con tin đóng kín. Chúng ta cần các cây cầu, chứ không cần các bức tường.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Tạ Ơn cử hành tại Italia với đề tài “Nuôi sống hành tinh. Năng lực cho sự sống”, nhắm tời cuộc triển lãm quốc tế Milano năm 2015. Ngài hiệp ý với các Giám Mục cầu mong mọi người tái dấn thân để đừng ai thiếu thực phẩm hằng ngày, mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người. Ngài cũng gần gữi thế giới nông nghiệp và khích lệ các nông dân vun trồng trái đất trong tình liên đới và chừng mực. Tại Roma là Ngày giáo phận giữ gìn thụ tạo nhằm cổ võ các kiểu sống tno trọng môi sinh, tái khẳng định liên minh giữa con người, thụ tạo và Đấng Tạo Hóa. Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu hiện diện và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tái thiêng cho Đền Thờ

Tái thiêng cho Đền Thờ

(Cung hiến Thánh đường La-tê-ra-nô; Ga 2, 13-22)

Trích tin mừng Gioan: Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ…và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khi đây, và đng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán".
…Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Ngưi Do-thái đáp lại: "Phải bốn muơi sáu năm mi xây đưc đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Ngưi, Ngưi có ý nói đền thờ là thân thể Người.”
SUY NIỆM
Con người thường tôn trọng những nơi thờ phượng dù đó là thánh địa của bất kỳ niềm tin hay tín ngưỡng nào. Bởi lẽ, họ tin rằng đó là nơi trú ngụ của những thế lực thần thánh mà nếu mạo phạm hay bất kính, có nguy cơ họ sẽ bị quở trách và giáng phạt nặng nề. Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta phải giữ gìn sự thánh thiêng cho các ngôi Thánh Đường vì đó là nơi Chúa ngự. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã kêu gọi không chỉ tôn kính Đền Thờ vật chất nhưng còn phải biết trân quý đền thờ sống động của Thiên Chúa là chính mỗi người chúng ta.

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại việc Đức Giêsu lên Đền Thờ để mừng lễ Vượt Qua. Chứng kiến cảnh tượng người ta mua bán lễ vật và đổi chác tiền bạc, Đức Giêsu đã dùng dây thừng bện lại để xua đuổi và đạp đổ hết tất cả. Thật ra việc buôn bán đổi chác là không xấu, nhất là để phục vụ cho công tác dâng cúng của dân chúng trong Đền Thờ. Thế nhưng, những người lãnh đạo tôn giáo và nhiều người khác đã lợi dụng điều này nhằm mưu lợi cho bản thân. Vì thế, cảnh tượng ở Đền thờ chắc là rất chướng tai gai mắt nên Đức Giêsu, người vốn ít khi nổi giận, cũng đã phải kiên quyết và dứt khoát dẹp bỏ hết tất cả.

Đức Giêsu cũng tin tưởng như dân chúng rằng Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ngự nhưng Ngài lại phủ quyết việc Đền Thờ phải kiêm nhiệm thêm công năng của một trung tâm mua sắm. Dân Do Thái đã đòi Đức Giêsu dấu chỉ chứng tỏ uy quyền cho phép Ngài hành xử như thế. Đức Giêsu đã nói: “Cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 3, 19). Và thánh sử Gioan cho biết: Đức Giêsu không có ý nói về Đền Thờ như tòa nhà được kết cấu bởi gạch đá mà người Do Thái đã phải mất 46 năm mới xây lên được, nhưng Ngài muốn giới thiệu Đền Thờ mới đó “chính là thân thể của Người” (Ga 3, 21).

Cần một Đền thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa vì đền thờ Giêrusalem đã bị giải thiêng. Đền thờ mới ấy chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Đền thờ của Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Hơn nữa, khi đang còn bị treo trên thập giá, Đức Giêsu đã bị một tên lính lấy lưỡi đòng đâm thấu con tim. Từ đây, máu và nước đã chảy ra. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn chảy đến đâu sẽ tẩy trừ tội lỗi, tiêu diệt sự chết, tái sinh sự sống đến đó đúng như lời tiên tri Ê-dê-ki-en đã tiên báo về hình ảnh của suối nước chảy ra từ Đền Thờ trong bài đọc một: “Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến” (Ed 47, 9). Chỉ với nguyên vật liệu là Máu và Nước của Chúa Giêsu cộng với ba ngày được an táng trong lòng đất là đủ để Đức Giêsu tái thiết và kiến tạo một Đền Thờ mới, nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa trong chân lý và sự thật. Chỉ nơi thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là nơi để Thiên Chúa cư ngụ.

Nếu như thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu mới xứng đáng là Đền Thờ để Thiên Chúa cư ngụ thì mỗi người chúng ta, nhờ liên hệ với Đức Giêsu Phục Sinh nơi Bí tích Thánh tẩy, cũng trở nên những viên đá sống động góp phần kiến tạo nên Đền Thờ là Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô như lời Thánh Phaolô tông đồ đã nhắn nhủ các tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16). Do đó, ta phải có trách nhiệm để kiến thiết và giữ gìn tâm hồn mình vì “nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy” (1 Cr 3, 17). Nói như thế, chúng ta được mời gọi tránh xa những tội liên quan đến giới răn thứ sáu vì chúng làm ô uế không chỉ thân xác nhưng còn xúc phạm cả đến Đền thờ của Thiên Chúa là tâm hồn mỗi người chúng ta. Hơn nữa, mỗi người phải xây nền đắp móng cho Đền thờ tâm hồn của mình trên đá tảng hay phiến đá góc tường duy nhất là chính Đức Giêsu như lời Thánh Phao lô: “Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô” (1 Cr 3, 11). Thêm vào đó, để Đền thờ là Thân Thể Đức Giêsu được vững chắc và trường tồn, mỗi chúng ta là những viên đá kết cấu nên Đền Thờ ấy, phải liên kết mật thiết với nhau nhờ chất kết dính là tình yêu. Chỉ với chất kết dính là tình yêu, chúng ta mới biết tôn trọng chính mình cũng như tha nhân vì tất cả đều là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Mừng lễ cung hiến thánh đường La-tê-ra-nô hôm nay, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ ngôi thánh đường giáo xứ của mỗi người chúng ta luôn trang nghiêm và xứng hợp. Đồng thời, mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ hay cử hành việc thờ phượng, chúng ta luôn luôn phải tự hỏi chính mình. Chúng ta có ý thức mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa không? Là nơi Thiên Chúa ngự, tâm hồn tôi có duy trì được sự thánh thiêng cần thiết cho xứng hợp không? Nếu nhận ra Đền thờ tâm hồn của mình bị ô uế tôi có thường xuyên xin Chúa giúp thanh tẩy qua Bí tích Giải tội không? Chỉ khi chúng ta trả lời có cho tất cả những câu hỏi trên, chúng ta mới xứng đáng là nơi được Thiên Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời” (2 Sb 7, 16).

Jos. Nguyễn Huy Mai
 

Đền thờ tâm hồn

Đền thờ tâm hồn

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa.

1. Giới thiệu Đền Thờ Latêranô

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

Năm 313, sau khi ra chiếu chỉ ở Milano cho Giáo hội được tự do hành đạo, Hoàng Đế Constantine cho xây đền thờ ở Laterano trong thời gian 313-318 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano, năm 1144.Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, đền thờ này là trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng của Đức Giáo Hoàng.

Như các đền thờ khác, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp, đươc xây lại như ngày nay thời ĐGH Sisto V (1585-1590).

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản cóGiếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. (x.BGCN 2008).

2. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ. Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này.

Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.

Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều co giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ.

Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng, lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ.

"Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5).

3. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ. Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" (Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh, là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

4. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của vương cung thánh đường Latêranô cũng như mọi thánh đường khác đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;

Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Latêranô và những ngôi Đền Thờ

Latêranô và những ngôi Đền Thờ

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, với việc các thánh tông đồ nói riêng, các Kitô hữu đầu tiên nói chung, ra đi truyền bá Tin Mừng, Hội Thánh bắt đầu hiện diện giữa lòng thế giới. Thay vì đón nhận sự hiện diện ấy, chính quyền đế quốc Rôma bắt đầu nghi kỵ và ác cảm. Gần 300 năm (từ những năm cuối thập niên 50 trải dài đến những năm 310), cuộc bắt đạo lần lượt qua mười triều đại hoàng đế (khởi đi từ Nero đến Diokletian). Thế nhưng, suốt 300 năm ròng rã phải sống chui nhủi trong những hang toại đạo, những hốc đá, rừng rậm… như một thứ “Hội Thánh hầm trú”, vậy mà không một sức mạnh của bạo quyền nào có thể đè bẹp đức tin, tưởng chừng quá non nớt, quá mới mẽ của các Kitô hữu tiên khởi.

Đức tin có sức mạnh riêng, có lý lẽ riêng, có sự sống riêng của nó. Sức mạnh, lý lẽ, cũng như sự sống riêng ấy là một khối tinh thần. Khối tinh thần ấy không thuộc về lý trí, hay trí tuệ, nhưng thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, một huyền nhiệm của trời cao (chứ không phải của con người). Đã là sức mạnh của cả một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng, làm gì có bất cứ một sức mạnh nào khác có thể vượt qua!

Ngay từ khởi đầu của Hội Thánh, một đức tin xem ra chẳng đáng kể gì về bề dày thời gian, đã có thể lướt thắng mọi trở ngại. Bởi thế, mãi cho đến hôm nay, đức tin ấy, một khối tinh thần thuộc về huyền nhiệm thánh thiêng ấy, đã được tinh luyện hàng ngàn năm, chắc chắn không dễ gì lay chuyển. Lịch sử vẫn còn đó, như dấu tích, như bằng chứng, hơn nữa như bài học xác đáng cho con người thời đại…

Sau một thời gian quá dài, không sao đổi dời lòng tin của các Kitô hữu, đến năm 313, hoàng đế Constantin ký sắc lệnh Milan công nhận Kitô giáo là một tôn giáo hợp pháp trên đế quốc Lamã. Sau thời gian đó, hoàng đế tiếp tục thực hiện một nghĩa cử đáng trân trọng: Ông trao tặng Đức Thánh Cha Miltiad một cung điện lộng lẫy nằm trên đồi Coelius: cung điện Latêranô ngày nay. Một thời gian không lâu sau đó, Đức Thánh Cha đã cho xây bên cạnh cung điện này một Đại Thánh đường, đó là Đại Thánh đường Latêranô. Và ngày 9. 1. 324, Đức Sylvester đã long trọng cung hiến Đại Thánh đường này.

Ngay từ đầu, Thánh Đường Latêranô được dâng kính Đấng Cứu Thế, với tước hiệu Vương Cung Thánh đường Chúa Cứu Thế. Thế kỷ XII, nó cũng được dâng kính thánh Gioan Baotixita và thánh Gioan tông đồ. Đại thánh đường Latêranô được xem là “Mẹ và là Đầu của mọi nhà thờ trên thế giới”. Sở dĩ nhà thờ này có một chỗ đứng quan trọng trong Giáo Hội như thế là vì bốn lý do:

– Đây là ngôi thánh đường đầu tiên được công nhận trong đế quốc.

– Đây là nhà thờ đầu tiên trước mọi nhà thờ trong Giáo Hội. Một ngôi nhà thờ mang nhiều ý nghĩa lịch sử: Trong thời gian bị bắt đạo, Hội Thánh không thể xây một ngôi thánh đường nào. Các thánh lễ và các buổi tụ tập cầu nguyện đều lén lút tổ chức trong các nhà tư, trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh Tử Đạo. Sau khi được chính quyền công nhận, các tín hữu, từ chỗ lén lút bước vào xã hội công khai, Đại Thánh đường đầu tiên này là nơi duy nhất và sang trọng nhất, để  họ dâng kính Thiên Chúa việc thờ tự của mình.

– Đây là Vương Cung Thánh đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Giáo hoàng.

– Hội Thánh chính là đền thờ của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu như những viên gạch sống động đắp xây ngôi Đền Thờ Hội Thánh. Vì ý nghĩa lịch sử lớn lao và có cả một bề dày hiện diện giữa lòng Hội Thánh, Đại Vương Cung Thánh đường Latêranô là ngôi Đền Thờ được Hội Thánh chấp nhận như một biểu trưng cho một ngôi Đền Thờ to lớn là chính Hội Thánh, nơi mà Thiên Chúa trao tặng hết tình yêu của Người và ưa thích ngự vào.

Ngoài chính bản thân ngôi Đền thờ Latêranô là Đại Thánh đường cổ xưa nhất, nơi đây còn có giếng rửa tội lâu đời nhất của Rôma. Tại giếng rửa tội này, hàng ngàn tân tòng đã đến đây lãnh phép rửa tội, nhất là trong các đêm vọng Phục Sinh. Cung điện Latêranô còn là nơi hội họp của 250 Công Đồng, trong đó có bốn Công Đồng chung. Các Đức  Giáo hoàng đã cư ngụ tại đây trong hơn 1,000 năm, mãi cho đến thế kỷ XIV, Đức Nicôlas V mới dời Giáo Đô về Vatican, cạnh đền thờ thánh Phêrô.

Qua các trận hỏa hoạn, động đất và càn quét của man dân, của Đức, của Pháp… Đền thờ Latêranô phải tái thiết lại nhiều lần. Ngày 28-4-1726, sau một công trình tái thiết lớn, Đức Thánh Cha Bênêditô XIII đã thánh hiến lại và công nhận ngày 9-11 hàng năm làm ngày lễ tưởng niệm cung hiến Đại Thánh đường Latêranô.

Nhưng trong thánh lễ kỷ niệm cung hiến Đền Thờ Latêranô hôm nay, Hội Thánh không dừng lại ở việc tưởng niệm một lịch sử đã qua đi từ lâu. Nhưng qua việc tưởng niệm này, Hội Thánh muốn chúng ta hướng tới sự tôn thờ một Ngôi Đền Thờ sang trọng, lớn lao, chất chứa mọi ngôi đền thờ, và vượt trên mọi ngôi đền thờ, và mọi ngôi đền thờ dù theo nghĩa hiện thực hoặc tinh thần, đều chỉ tìm thấy ý nghĩa của mình nơi Ngôi Đền Thờ ấy. Đó chính là Ngôi Đền Thờ mang tên Giêsu Kitô. Vì chỉ có Chúa Kitô mới là Đền Thờ đích thực như chính Người đã ám chỉ về mình trong bài Tin Mừng của lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi. Nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và lời này được thánh Gioan Tông đồ giải thích ở cuối bài Tin Mừng: “Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những ngôi đền thờ sống động, để cùng nhau xây nên một ngôi đền thánh vinh hiển là Hội Thánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cho đi chính bản thân để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Chỉ có cho đi trong tinh thần tự hủy, chúng con mới có thể làm rạng danh Chúa và xứng đáng là những ngôi đền thờ có Chúa ngự. Hay nói cho đúng, chỉ khi nào có Chúa ngự, con người chúng con mới xứng đáng gọi là đền thờ.

Đền thờ mới

Đền thờ mới

Theo tập tục của người Do Thái, thì những khách hành hương trở về đền thờ vào những dịp lễ lớn, thường phải dâng lễ vật và nộp thuế. Lễ vật có thể là chiên bò, cũng có thể là bồ câu tuỳ theo khả năng tài chánh của mình. Lễ vật có thể từ xa đem tới, nhưng để cho tiện, người ta đã tổ chức việc buôn bán các giống vật này ngay tại khuôn viên đền thờ. Mặt khác, người ta không thể dùng loại tiền của nhà nước đang lưu hành để mua các lễ vật hay để nộp thuế vì sợ ô uế, cho nên phải đổi ra những đồng tiền của đền thờ. Do đó việc buôn bán và đổi tiền ở đây đã trở thành một thứ dịch vụ phục vụ cho việc tế lễ.

Trước cảnh tượng ồn ào và huyên náo ấy Chúa Giêsu đã hành động và hành động của Ngài đã làm cho người Do Thái hết sức kinh ngạc. Thực vậy, Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán bò chiên, bồ câu và những người ngồi đổi tiền. Không phải chỉ bằng những lời quát mắng mà bằng cả roi vọt. Ngài săn đuổi cả người lẫn vật ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền. Và Ngài đã xác định cho thấy ý nghĩa của việc Ngài đã làm: Hãy mang khỏi nơi đây những vật này. Đừng biến nhà Cha thành một cái chợ. Đồng thời Ngài cũng còn muốn nói lên rằng: Kiểu tế lễ của người Do Thái đã lỗi thời, đã mất hết ý nghĩa, và đã biến dạng thành một việc buôn bán để trục lợi. Như vậy thì đền thờ chỉ còn là một cái chợ không hơn không kém. Tình tạng này không thể được tiếp tục.

Người Do Thái có lẽ đã hiểu được dụng ý sâu xa của Chúa Giêsu, cho nên họ đã đòi Chúa Giêsu phải cung cấp cho họ một dấu chứng tỏ Ngài có quyền làm như vậy. Và Chúa Giêsu đã đưa ra một dấu chứng hoàn toàn mới lạ, mà người Do Thái không bao giờ ngờ tới, Ngài đã xác quyết: Đền thờ chính là thân xác của Ngài. Câu trả lời của Ngài chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của sự chết và sống lại.

Thực vậy, được chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, các tông đồ mới có thể xác quyết được rằng: Khi nói đến một đền thờ bị phá huỷ và được xây dựng lại ba ngày sau đó, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến chính thân xác của Ngài. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy việc tế lễ theo kiểu cũ đã qua và với sự hiện diện của Ngài, thì đã bắt đầu một giai đoạn mới trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Đền thờ là nơi con người thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Một sự hiện diện tạo hạnh phúc và cứu độ. Trong niềm tin của các tông đồ, chính Đức Kitô sống lại đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của đền thờ. Ngài chính là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người. Đồng thời cũng là trung tâm thờ phượng trong tinh thần và chân lý. Bởi đó, mỗi người chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại quan niệm về đạo cũng như cách thức sống đạo của chúng ta. Để xem chúng ta đã thực sự đi đúng con đường mà Chúa muốn chúng ta bước đi hay chưa. Con đường dẫn chúng ta tới ơn cứu độ và tới niềm hạnh phúc Nước Trời.

Cung Hiến Thánh Đường Latêranô

 Cung Hiến Thánh Đường Latêranô

Trong những thế kỷ đầu, Hội thánh luôn bị bách hại nên không xây dựng được ngôi Thánh đường nào. Các cuộc lễ và cầu nguyện đều tổ chức trong các nhà tư hoặc trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh tử đạo.

Mãi đến năm 324, Đức Giáo Hoàng Synvếttrô mới cung hiến cung điện Latêranô làm Đại Thánh Đường dâng kính Chúa Cứu Thế. Cung điện này do hoàng đế Côngtăntin nhường cho ngài làm nơi cư ngụ. Và ngài đã trú ngụ tại đây cho đến thế kỷ 14 mới dời về Vaticăn. Đây là ngôi Thánh Đường cổ kính nhất, được gọi là “Mẹ và Đầu của tất cả mọi Thánh đường trên thế giới”.

Thánh Đường Latêranô được gọi là mẹ tất cả các Thánh Đường vì là Thánh Đường đầu tiên được chính quyền công nhận trong đế quốc Lamã, và cũng vì đây là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Côngtăntin được Đức Giáo Hoàng Synvếttrô rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Rôma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa Kitô.

Để kỷ niệm ngày cung hiến Đại Thánh Đường này, Hội thánh tổ chức mừng lễ hôm nay. Ngày lễ này đáng chúng ta mừng kính, vì nó nhắc mọi người nhớ thánh đường là nhà cầu nguyện, là nhà của Thiên Chúa, là nơi Thánh và đáng kính sợ, là hình ảnh Giêrusalem trên trời và là cửa Thiên đàng. Tất cả các đồ dùng nơi đây đều được thánh hiến: giếng rửa tội là nơi chúng ta được tái sinh làm con Chúa, tòa cáo giải là nơi chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tòa giảng giúp chúng ta nghe Lời Chúa, bàn thờ nơi dâng hiến Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa bỏ tội lỗi thế gian, nhà tạm là nơi Vua muôn vua ẩn mình… Kể cả những viên gạch xây dựng đền thờ cũng nhắc chúng ta nhớ tâm hồn mỗi người là những viên đá sống động của ngôi thánh đường thiêng liêng, như lời thánh Xêdariô nói: “Anh em rất thân mến, hôm nay nhờ ơn Chúa, chúng ta hân hoan cử hành ngày giáp năm của đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Kitô hữu có lý để lấy lòng tin mà tôn kính ngày trọng đại của Mẹ Hội thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội thánh họ đã được tái sinh một cách thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần thứ nhất, chúng ta đã là đối tượng cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn nhờ cuộc tái sinh, chúng ta đã được trở nên đối tượng của lòng Người thương xót. Quả thế, lần sinh ra thứ nhất đưa tới sự chết, còn cuộc tái sinh gọi ta về sự sống thật…”

“Vì vậy anh em rất thân mến, nếu chúng ta muốn hân hoan cử hành ngày kỷ niệm cung hiến Đền thờ, chúng ta không được dùng những việc xấu xa phá đổ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Nói thế là để mọi người hiểu rằng: Mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì ta cũng phải sửa soạn tâm hồn ta như thế”.

“Bạn muốn thấy Thánh đường sạch sẽ ư? Đừng làm linh hồn bạn nhơ nhớp vì dơ bẩn tội lỗi. Bạn muốn thấy Thánh đường trong sáng ư? Thì Thiên Chúa cũng muốn bạn đừng để tâm hồn tối tăm, nhưng hãy làm như lời Chúa nói, để ánh sáng việc lành chiếu sáng trong tâm hồn chúng ta, và Đấng ngự trên trời sẽ được hiển vinh. Bạn muốn vào nhà thờ thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, đúng như lời Người đã hứa: và Ta sẽ ở với chúng và đi lại với chúng”

+ Ghi nhớ

Hằng ngày tôi lo gìn giữ linh hồn sạch tội, trong sáng, để xứng đáng nên đền thờ Chúa ngự.

+ Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh, nơi Chúa ngự muôn đời.

Xin cho Hội thánh là dân Chúa ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng, để trở nên thành thánh Giêrusalem trên trời.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.