ĐTC Phanxicô: không yêu thương là bước đầu của việc giết người

ĐTC Phanxicô: không yêu thương là bước đầu của việc giết người

Trước khoảng 25 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ tư ngày 17.10, ĐTC Phanxicô tiếp tục giải thích về điều răn thứ 5 “Chớ giết người”. Trước hết, ĐTC nhắc lại điều ngài đã giải thích trong bài huấn dụ tuần trước: đối với Thiên Chúa, sự sống con người thật quý giá, thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Không ai có thể khinh khi sự sống của người khác hay của chính mình; thực tế là con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và là đối tượng của tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, dù cho họ sinh ra trong hoàn cảnh nào. Tiếp đến, ĐTC trình bày  ý nghĩa sâu xa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta trong đoạn Tin mừng theo thánh Mátthêu 5, 21-24.

Các hình thức giết người

ĐTC nói: Chúa Giêsu khẳng định rằng, trước tòa án của Thiên Chúa, cả sự giận dữ đối với anh em mình cũng là một hình thức giết người. Do điều này, thánh Gioan tông đồ viết: “Ai ghét anh em mình là giết người” (Ga 3,15). Nhưng Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở điều này, và trong cùng cách lý luận này, Người nói thêm rằng cả việc sỉ nhục và khinh khi có thể giết chết người. Và chúng ta đã quen thuộc với việc sỉ nhục. Một lời sỉ nhục giống như một hơi thở đối với chúng ta vậy. Và Chúa Giêsu nói: “Hãy dừng lại, bởi vì sỉ nhục là điều xấu, nó giết người.” Người sỉ nhục nói: “Nhưng tôi thì… với loại người này, tôi coi thường họ.” Đây là một hình thức giết đi phẩm giá của một người. Thật là tốt nếu giáo huấn này của Chúa Giêsu đi vào tâm trí và mỗi người chúng ta sẽ nói: “Tôi không bao giờ sỉ nhục ai.” Sẽ là một đề nghị hay, bởi vì Chúa Giêsu nói với chúng ta: ”Xem kìa, nếu bạn sỉ nhục, nếu bạn khinh khi, nếu bạn oán ghét, điều này là việc giết người.”

Cần hòa giải khi tham dự Thánh lễ

ĐTC nói tiếp: Không có bộ luật nào của con người đánh đồng các hành vi khác nhau như thế khi gán cho chúng cùng một mức độ phán xét. Và một cách cương quyết, Chúa Giêsu còn mời chúng ta, ngay lập tức, dừng lại việc dâng lễ vật trong đền thờ nếu nó nhắc chúng ta rằng chúng ta có bất hòa với một người anh em, để đi tìm anh ta và làm hòa với anh ta. Ngay cả chúng ta, khi chúng ta đi tham dự Thánh lễ, chúng ta phải có thái độ hòa giải này với những người mà chúng ta có vấn đề với họ. Ngay cả chúng ta nghĩ xầu về họ thì chúng ta đã sỉ nhục họ rồi. Nhưng nhiều lần, trong khi chúng ta chờ đợi Linh mục đến cử hành Thánh lễ, chúng ta nhiều chuyện một tí và chúng ta nói xấu người khác. Nhưng chúng ta không thể làm điều này. Chúng ta hãy suy nghĩ: sự quan trọng của việc sỉ nhục, sự quan trọng của việc khinh rẻ, sự quan trọng của việc thù ghét. Chúa Giêsu đặt những điều này ngang hàng với việc giết người.

Thờ ơ là giết người

Chúa Giêsu muốn nói điều gì khi Người mở rộng điều răn thứ 5 này đến tận điểm này? ĐTC giải thích: Con người có một sự sống cao quý, rất ý nghĩa, và có một “bản ngã” tâm lý không kém quan trọng so với sự hiện diện thể lý. Trong thực tế, một câu nói không phù hợp là đủ xúc phạm đến sự vô tội của một đứa trẻ. Một cử chỉ lạnh lùng là đủ để làm tổn thương một người phụ nữ. Không tin tưởng người trẻ là đã đủ làm tan vỡ trái tim của họ. Chỉ cần phớt lờ một người là đủ tiêu diệt anh ta. Sự thờ ơ là giết người. Nó giống như là nói với người khác: “Đối với tôi, anh coi như đã chết rổi”, bởi vì như thế là bạn đã giết người đó trong trái tim bạn. Không yêu là bước đầu tiên giết người; và không giết người là bước đầu tiên để yêu.

Nhưng chúng ta là người bảo vệ anh chị em mình

Từ đầu sách Thánh kinh, chúng ta đọc câu nói kinh khủng được tên giết người đầu tiên, Cain, nói ra, sau khi Thiên Chúa hỏi anh ta em của anh ta đâu. Cain trả lời: “Tôi không biết. Tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu?” (St 4,9). Những kẻ giết người cũng nói như thế: “nó không liên quan đến tôi”, đó là việc của bạn”, và những điều tương tự. ĐTC đặt câu hỏi: Chúng ta có phải là người canh giữ anh em chúng ta? Và ngài trả lời: Đúng! Chúng ta là người bảo vệ anh em! Chúng ta là người bảo vệ nhau! Và đây là con đường của sự sống, là con đường không giết người

Tình yêu tha thứ và thương xót

Sự sống con người cần tình yêu. Và đâu là tình yêu đích thực? ĐTC giải thích: Đó là tình yêu mà Chúa Kitô đã tỏ cho chúng ta, đó là lòng thương xót. Tình yêu mà chúng ta không thể thiếu đó chính là tình yêu tha thứ, tình yêu đón nhận người đã làm điều không tốt cho chúng ta. Không có ai trong chúng ta có thể sống sót tồn tại mà không có lòng thương xót, tất cả chúng ta đều cần được tha thứ. Do đó, nếu giết người nghĩa là hủy diệt, đàn áp, loại bỏ ai đó, thì không giết người có nghĩa là chăm sóc, xem họ có giá trị, bao gồm chứ không loại bỏ, và cả tha thứ.

“Không làm điều xấu là một việc tốt, nhưng không làm điều tốt thì không phải là điều tốt"

ĐTC khẳng định rằng mỗi người được mời gọi làm điều tốt, điều thiện, hơn là chỉ bằng lòng với việc không làm điều xấu là đủ. Ngài nói: Không ai có thể tự lừa dối mình bằng cách nghĩ rằng: “Tôi ok bởi vì tôi không làm điều gì xấu cả”. Một khoáng chất hay một cái cây – những viên đá cuội ở đó, không làm điều gì xấu, chúng hiện hữu theo kiểu như thế, nhưng một con người thì không. Con người được đòi hỏi hơn thế nữa. Có những điều tốt để làm, được chuẩn bị cho mỗi người chúng ta, mỗi người có việc tốt của mình, nó làm cho chúng ta hoàn toàn là chính mình. “Không giết người” là một lời kêu gọi yêu thương và thương xót, là một lời kêu gọi sống theo Chúa Giêsu, Đấng đã ban sự sống cho chúng ta và đã sống lại vì chúng ta. Một khi chúng ta cùng nhau, trong quảng trường này, lập lại lời của một vị thánh về điều này: “Không làm điều xấu là một việc tốt, nhưng không làm điều tốt thì không phải là điều tốt. Chúng ta luôn phải làm điều tốt.

Giới răn “Chớ giết người” là lời mời gọi yêu thương

ĐTC kết luận rằng giới răn thứ 5 chính là lời mời gọi yêu thương. Ngài nói: Chính Chúa Giêsu, khi nhập thể, Người đã thánh hóa sự sống của chúng ta; chính Người, bằng chính máu của mình, đã làm cho sự sống trở nên vô giá; chính Người, “Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), nhờ đó mỗi người chúng ta là một món quà của Chúa Cha. Trong Người, trong tình yêu mạnh hơn sự chết của Người và bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần do Thiên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta có thể đón nhận Lời “chớ giết người” như lời mời gọi quan trọng và thiết yếu nhất: lời mời gọi yêu thương.

Hồng Thủy – Vatican

Thế giới không có tình yêu thương là một hoả ngục

Thế giới không có tình yêu thương là một hoả ngục

Một thế giới không có tình yêu thương và sự chú ý săn sóc của con người đối với nhau là một hoả ngục, chứ không phải là một thế giới nhân bản. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì ngài là Tình Yêu và Ngài yêu thương cả khi chúng ta tội lỗi.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chúng sáng thứ tư 14.06.2017. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC cho biết buổi tiếp kiến được tổ chức ở hai nơi: trong đại thính đường Phaolô VI cho các anh chị em đau yếu, vì trời quá nóng đối với họ, và tại quảng trường cho mọi người còn lại. Chúng ta tất cả được nối kết bởi Chúa Thánh Thần là Đấng luôn luôn tạo sự hiệp nhất. Chúng ta chào các anh chị em ở trong đại thính đường Phaolô VI. Sau đó ĐTC giải thích dụ ngôn người con hoang đàng như kể trong chương 15 Phúc Âm thánh Luca và nói:

Không ai trong chúng ta có thể sống mà không có tình yêu thương. Thật là một cảnh nô lệ xấu xa trong đó chúng ta có thể rơi vào, đó là cho rằng tình yêu thương là điều được thưởng. Có lẽ phần lớn nỗi lo lắng của con người ngày nay phát xuất từ điều này: đó là tin rằng nếu chúng ta không mạnh mẽ, hấp dẫn và xinh đẹp, thì khi đó không có ai lo lắng cho chúng ta. Biết bao nhiêu người ngày nay chỉ kiếm tìm tính cách hữu hình để lấp đầy sự trống rỗng bên trong: làm như thể chúng ta là những người muôn đời cần có các xác nhận. Tuy nhiên, anh chị em có tưởng tượng được một thế giới mà trong đó tất cả mọi ngươi đều ăn mày các lý do để khơi dậy sự chú ý cuả người khác không, và trái lại không có ai sẵn sàng yêu thương người khác một cách nhưng không?  Hãy tưởng tượng một thế giới như vậy: một thế giới không có sự nhưng không của tình yêu thương! Xem ra là một thế giới nhân bản, nhưng thật ra nó là một hoả ngục. Biết bao nhiêu chủ trương chiêm ngắm chính mình của con người nảy sinh từ một tình cảm cô đơn và mồ côi. Đàng sau biết bao nhiêu thái độ hành xử không thể giải thích được có ẩn dấu câu hỏi: “Có lẽ nào tôi lại không đáng được gọi tên hay sao, nghĩa là không đáng được yêu thương sao?” Bởi vì tình yêu thương luôn luôn gọi tên…

** Khi một thanh thiếu niên không được hay cảm thấy không được yêu thương, thì bạo lực nảy sinh. Đàng sau biết bao nhiêu hình thức của thù ghét xã hội và chủ trương đập phá thường có một con tim không được thừa nhận. Không có các trẻ em xấu, cũng như không có các người trẻ  hoàn toàn hoang dại, nhưng có các con người bất hạnh. Và cái gì có thể khiến cho chúng ta hạnh phúc, nếu không phải là kinh nghiệm của tình yêu thương được trao ban và được nhận lãnh? Cuộc sống con người là một trao đổi các cái nhìn: có ai đó nhìn chúng ta và giật được từ chúng ta nụ cười đầu tiên, và chúng ta là những người trao ban nụ cười một cách nhưng không cho người bị khép kín trong buồn sầu, và như thế chúng ta mở ra cho họ một lối thoát. Trao đổi cái nhìn: nhìn vào mắt và mở ra các cánh cửa của con tim. Bước đầu tiên mà Thiên Chúa làm với chúng ta là bước đi của một tình yêu thương được đi trước và vô điều kiện. Thiên Chúa yêu thương trước. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bởi vì Ngài chính là Tình yêu, và tự bản chất của nó tình yêu hướng tới chỗ tự phổ biến và trao ban. Thiên Chúa cũng không ràng buộc lòng nhân lành của Ngài vào việc hoán cải của chúng ta: có chăng  đó là sự hoán cải là một kết quả tình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Phaolô diễn tả nó một cách hoàn hảo khi nói: “Thiên Chúa chứng minh tình yêu của Ngài đối với chúng ta trong sự kiện khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, Chúa Kitô đã chết cho chúng ta” (Rm 5,8). Trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Một tình yêu thương vô điều kiện. Trong khi chúng ta còn ở xa, như người con hoang đàng của dụ ngôn: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó trông thấy nó, và cảm thương…” (Lc 15,20).  

Vì yêu thương chúng ta Thiên Chúa đã thực thi một cuộc xuất hành khỏi chính Ngài, để đến kiếm tìm chúng ta trong vùng đất, nơi thật là vô nghĩa khi Ngài phải đến sống. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cả khi chúng ta đã lầm lỗi.

Ai trong chúng ta yêu thương kiểu đó, nếu không phải là một ngưòi cha hay một người mẹ? Một bà mẹ tiếp tục yêu thương con mình cả khi nó ở trong tù. Tôi nhớ tới biết bao bà mẹ, xếp hàng để vào nhà tù trong giáo phận trước đây của tôi. Họ không xấu hổ. Đứa con họ ở trong tù, nhưng nó là con của họ. Và họ chịu biết bao tủi nhục, khi bị lục soát trước khi vào nhà tù. Nhưng “Nó là con của tôi”. “Nhưng bà ơi, con bà là một tên tội phạm!” “Nó là con tôi!” Chỉ có tình yêu của người mẹ người cha làm cho chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa như thế nào.

** Một bà mẹ không xin xoá bỏ công lý nhân loại, bởi vì mỗi lầm lỗi đòi hỏi một đền bù, nhưng một bà mẹ không bao giờ  thôi đau khổ cho con mình. Bà yêu thương nó cả khi nó là một tội nhân. Thiên Chúa cũng làm cùng điều đó đối với chúng ta: chúng ta là con cái của được yêu thương của Ngài! Có thể Thiên Chúa có vài người con mà Ngài không yêu không? Không đâu. Chúng ta tất cả đều là các con cái được Thiên Chúa yêu thương. Không có một lời chúc dữ nào trên cuộc sống của chúng ta, nhưng chỉ có lời nhân lành của Thiên  Chúa, là Đấng đã kéo sự sống của chúng ta ra từ hư không. Sự thật của tất cả những điều đó là tương quan tình yêu thương gắn liền Thiên Chúa Cha với Chúa Con qua Chúa Thánh Thần, tương quan trong đó chúng ta được tiếp nhận do ơn thánh. Trong Ngài, trong Đức Kitô Giêsu, chúng ta đã được muốn, yêu thương và mong ước. Có Một Người đã in trong chúng ta một vẻ đẹp nguyên thuỷ, mà không tội lỗi nào, không lựa chọn sai lầm nào có thể xoá nhoà tất cả. Trước mắt Thiên Chúa chúng ta luôn luôn là các con suối nhỏ được làm để vọt lên nước ngon. Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà xứ Samaria: “Nước mà tôi sẽ cho chị, sẽ trở thành nơi chị một suối nước vọt lên cho sự sống vĩnh cửu” (Ga 4,14).

Để thay đổi con tim của một người bất hạnh, thì đâu là phương dược? Đâu là thuốc giúp thay đổi con tim của một người không hạnh phúc? Tín hữu trả lời: tình yêu. ĐTC nói: “Hãy nói to hơn”. Tín hữu la to: tình yêu. Giỏi, giỏi, tất cả đều giỏi! Và làm thế nào để cho khiến cho một người cảm nhận được là ta yêu thương họ? Trước hết cần ôm họ trong vòng tay, làm cho họ cảm nhận được rằng họ được ước mong, rằng họ quan trọng, và họ sẽ thôi buồn. Tình yêu kêu gọi tình yêu, một cách mạnh mẽ hơn thù hận mời gọi cái chết. Chúa Giêsu đã không chết và sống lại cho chính Ngài, mà cho chúng ta, để tội lỗi chúng ta được tha thứ. Vì thế đây là lúc phục sinh cho tất cả mọi người: là lúc nâng các kẻ nghèo hèn đứng dậy khỏi sự chán nản, nhất là những kẻ nằm trong mồ từ một thời gian lâu hơn là ba ngày. Ở đây một ngọn gió giải phóng thổi trên mặt chúng ta. Ở đây nẩy mầm ơn của niềm hy vọng. Và niềm hy vọng là niềm hy vọng của Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta như chúng ta là: Ngài luôn luôn yêu thương chúng ta và yêu thương tất cả mọi người.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương hiện diện, trong đó có các đoàn đến từ Pháp, Bỉ, đảo Maurizitius, đặc biệt các sinh viên tham dự đại hội Olivaint tại Paris. Ngài nhắc cho mọi người nhớ tất cả đều quý báu trước mặt Chúa, và sự thật này là suối nguồn trao ban hy vọng.

Chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Thụy Điển, Hồng Kông, Pakistan, Philippines, Đại Hàn, Thái Lan, Canada và Hoa Kỳ ĐTC cầu chúc Chúa Kitô ban cho họ nhiều niềm vui và an bình.

Với các nhóm nói tiếng Đức, đặc biệt là cộng đoàn các cha Scolopi Illertissen, ngài nhắc cho biết tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm  Chúa Giêsu, suối nguồn vô tận của tình yêu. Chúng ta hãy làm chứng cho tình yêu ấy của Chúa, bằng cách trao ban nó cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.

Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong đó có các đoàn hành hương Brasil, ngài xin Mẹ Maria giúp mọi người biết ra khỏi chính mình và noi gương Mẹ thông truyền tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc lại tư tưởng của thánh Gioan Phaolô II trong thông điệp Đấng Cứu Độ con người và nói: “Con người là sinh vật không thể hiểu đuợc và cuộc sống của nó vô nghĩa, nếu nó không gặp gỡ tình yêu thương và sống kinh nghiệm yêu thương, lấy đó làm của riêng mình và tham dự vào đó cách sống động” (s. 10) Chúng ta đừng sợ hãi tình yêu thương và các đòi hỏi của nó. Hãy khiến cho nó trở thành to lớn, xinh đẹp và có trách nhiệm trong cuộc sống, để là một ánh sáng hy vọng cho tha nhân.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các tân linh mục giáo phận Brescia bắc Italia, hiệp hội Bác ái không biên giới giáo phận San Marino Montefeltro kỷ niệm 20 năm thành lập, liên hiệp người mù Italia, hiệp hội Silvana Angelucci của nhiều vùng Italia, hiệp hội văn hóa Reatium kỷ nhiệm ĐGH Zosimo, thân nhân của các bính sĩ bị chết trong các sứ mệnh bảo hoà. ĐTC bầy tỏ sự trìu mến, gần gũi, ủi an và khích lệ họ.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc hôm qua Giáo Hội mừng kính thánh Antôn thành Padova, “vị giảng thuyết tài ba bổn mạng dân nghèo và người đau khổ.” Ngài khích lệ giới trẻ đừng mệt mỏi noi gương sống của thánh nhân; người đau yếu xin thánh nhân bầu cử cho họ trong tật bệnh; và các cặp vợ chồng mới cưới thi đua học hỏi và sống Lời Chúa trong đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới người nghèo

Công bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới người nghèo

VATICAN. Sáng 13-6-2017, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã mở cuộc họp báo để công bố sứ điệp của ĐTC nhân Ngày thế giới lần đầu tiên về người nghèo sẽ được cử hành vào ngày 19-11 năm nay, chúa nhật thứ 2 của tháng 11.

Hiện diện tại cuộc họp báo cũng có Đức Cha José Octavio Ruiz Arenas, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong sứ điệp, ĐTC cho biết ngài thiết định Ngày Thế giới người nghèo khi bế mạc Năm Thánh Đặc biệt về Lòng Thương Xót, để ”trong toàn thế giới, các cộng đoàn Kitô ngày càng trở nên dấu chỉ cụ thể và rõ ràng về tình yêu thương của Chúa Kitô đối với những người rốt cùng và túng thiếu nhất”.

Sau khi mô tả nhiều tình trạng của những người nghèo đói do những nguyên nhân khác nhau gây ra, nhất là nghèo đói vì những bất công xã hội, lầm than về luân lý, sự ham hố của một thiểu số và thái độ dửng dưng lãnh đạm của nhiều người, ĐTC khẳng định rằng: ”Đáng tiếc là thời nay, ngày càng xuất hiện thứ giàu sang vô liêm sỉ, tích trữ trong tay một thiểu số người ưu tiên, và thường có kèm thao tình trạng bất hợp pháp, sự bóc lột thẳng tay phẩm giá con người, sự nghèo đói lan rộng trong nhiều lãnh vực xã hội trên thế giới”.

Không ai được giữ thái độ bất động, cam chịu trước tình cảnh trên đây, ”trước cảnh nghèo cản trở tinh thần sáng kiến của bao nhiêu người trẻ, cản ngăn họ trong việc tìm kiếm một công ăn việc làm; cảnh nghèo làm tê liệt ý thức trách nhiệm, khiến người ta thích ủy việc cho người khác và tìm kiếm những ân huệ; cảnh nghèo làm ô nhiễm sự tham gia và thu hẹp không gian của sự chuyên nghiệp, và hạ giá công trạng của người làm việc và sản xuất; đứng trước tất cả những tình trạng đó cần có một quan niệm mới cề cuộc sống và xã hội”.

ĐTC đặc biệt đề cao tấm gương cảu thánh Phanxicô Assisi, người không chỉ ”hài lòng với việc ôm lấy và làm phúc cho những người phong cùi, nhưng còn quyết định đi tới Gubbio để sống với họ”.

Trong sứ điệp, ĐTC viết thêm rằng:

”Tôi mời gọi toàn thể Giáo Hội và những người nam nữ thiện chí, trong ngày này, hãy nhìn vào những người đang giơ tay kêu cứu và xin tình liên đới của chúng ta… Ngày này trước tiên nhắm khích lệ các tín hữu để họ phản ứng chống lại nền văn hóa gạt bỏ và phung phí, đón nhận nền văn hóa gặp gỡ. Đồng thời tôi mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, hãy cởi mở chia sẻ với người nghèo trong mọi hình thức liên đới, như dấu chỉ tình huynh đệ”. (n.6)

ĐTC cũng cầu mong rằng ”trong tuần lễ trước Ngày Thế giới người nghèo, hãy dấn thân kiến tạo nhiều lúc gặp gỡ, thân hữu, liên đới, trợ giúp cụ thể. Có thể mời những người nghèo và những người thiện nguyện cùng tham dự thánh lễ chúa nhật Ngày Thế giới người nghèo, năm nay là Chúa nhật 33 thường niên, để việc cử hành Chúa nhật sau đó, lễ Chúa Kitô Vua, càng có tính chất chân thực hơn. Thực vậy, Vương quyền của Chúa Kitô biểu lộ trọn ý nghĩa trên đồi Golgotha, khi Đấng Vô Tội bị đóng đanh vào thập giá, trần trụi và thiếu thốn mọi sự, trở thành hiện thân và tỏ lộ tình yêu sung mãn của Thiên Chúa..”

Cũng trong sứ điệp, ĐTC đề nghị rằng ”Trong Ngày Thế giới người nghèo, nếu trong khu xóm chúng ta có những người nghèo tìm kiếm sự bảo vệ và trợ giúp, chúng ta hãy đến gần họ: đó sẽ là lúc thích hợp để gặp gỡ Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm. Theo giáo huấn của Kinh Thánh (Xc St 18,3-5), Dt 13,2), chúng ta hãy đón nhận họ như những người khách ưu tiên tại bàn ăn của chúng ta; họ có thể là những thầy dạy giúp chúng ta sống đức tin một cách phù hợp hơn”.

ĐTC đề cao kinh nguyện như nền tảng của bao nhiêu sáng kiến cụ thể có thể thực hiện trong Ngày Thế Giới người nghèo. Ngài viết: ”Chúng ta đừng quên rằng Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của người nghèo. Thực vậy, lời cầu xin cơm bánh biểu lộ sự phó thác cho Thiên Chúa những nhu cầu sơ đẳng của đời sống chúng ta. Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta, qua kinh nguyện này, biểu lộ và đón nhận tiếng kêu của người đau khổ vì cuộc sống bấp bênh và vì thiếu những điều cần thiết”.

Trong cuộc họp báo giới thiệu Sứ điệp, Đức TGM Fisichella cho biết chúa nhật 19-11-2017, sau thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC sẽ dùng bữa trưa với 500 người nghèo tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican. (SD 13-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta tình yêu cứu rỗi canh tân cuộc sống

Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta tình yêu cứu rỗi canh tân cuộc sống

Phái đoàn 160 tín hữu Việt nam Hoa Kỳ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô sáng thứ tư 6-4-2016

Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta tình yêu cứu rỗi canh tân cuộc sốngi

Lòng thương xót của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện trong cuộc đời dương thế, đặc biệt qua cái chết hiến tế của Ngài. Trên thập giá Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha tội lỗi của toàn thế giới và các tội lỗi ấy được xóa bỏ. Tình yêu của Chúa Bị Đóng Đanh không biết các chướng ngại và không bao giờ cạn kiệt. Lòng thương xót Chúa xoá bỏ các bần cùng của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong hàng chục đoàn hành hương đến từ Hoa Kỳ cũng có nhóm 160 tín hữu Việt Nam đến từ nhiều thành phố khác nhau.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển đề tài giáo lý lòng thương xót Chúa trong Tân Uớc, sau khi đã trình bầy phần Cựu Ước. ĐTC nói chính Chúa Giêsu đã thành toàn lòng thương xót ấy bằng cách thực hiện và luôn luôn thông truyền nó trong mọi lúc cuộc đời Ngài. ĐTC giải thích như sau

Khi gặp gỡ các đám đông, loan báo Tin Mừng, chữa lành người bệnh, tới gần các kẻ rốt hết, tha thứ cho người tội lỗi, Chúa Giêsu khiến cho tình yêu rộng mở cho mọi người trở thành hữu hình: không có ai bị loại trừ cả! Nó rộng mở cho mọi người, vô biên giới. Một tình yêu tinh tuyền, nhưng không, tuyệt đối. Một tình yêu đạt tột đỉnh trong Hiến Tế của Thập Giá. Phải, Tin Mừng thật sự là “Tin Mừng của Lòng Thương Xót”, bởi vì Chúa Giêsu là Lòng Thương Xót!

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: tất cả bốn Phúc Âm đều chứng thực rằng trươc khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã muốn lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Biến cố này ghi dấu một hướng đi định đoạt cho tất cả sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật thế, Ngài đã không được giới thiệu với thế giới trong ánh quang của đền thờ: Ngài đã có thể làm điều đó. Ngài đã không làm cho mình được loan báo bởi kèn trống: ngài đã có thể làm. Ngài cũng không đến trong y phục của một thẩm phán: Ngài đã có thể làm như thế. Trái lại, sau 30 năm sống ẩn dật tại Nagiarét, Chúa Giêsu đã đến sông Giordan cùng với biết bao nhiêu dân chúng và xếp hàng với các kẻ tội lỗi. Ngài đã không xấu hổ: Ngài ở đó với tất cả mọi người, với các người tội lỗi, để lãnh phép rửa. Như vậy cho tới khi bắt đầu sứ vụ của mình, đuợc thúc đẩy bởi tình liên đới và lòng cảm thương,  Ngài đã tự tỏ lộ ra như Đấng Cứu Thế nhận lấy gánh nặng của các điều kiện con người. Như chính Ngài đã khẳng định trong hội đường Nagiarét bằng cách tự đồng hóa với lời tiên trị Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì thế tôi đã được xức dầu thánh hiến và Ngài đã sai tôi đi đem tin vui cho người nghèo khó, loan báo cho người tù sự giải thoát, cho người mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được tự do, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Tất cả những điều Chúa Giêsu đã làm sau khi rửa tội là việc thành toàn chương trình khởi đầu: đó là đem tới cho tất cả mọi người tình yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu thương cứu rỗi. Chúa Giêsu đã không đem thù hận tới , ngài không đem tới sự sự thù nghịch: nhưng Ngài đã đem tới cho chúng ta tình yêu! Môt tình yêu lớn lao, một con tim rộng mở cho tất cả mọi người, cho tất cả chúng ta. Một tình yêu cứu rỗi.

Ngài đã trở thành gần gũi với những người rốt hết, bằng cách thông truyền cho họ lòng thương xót là sự tha thứ, niềm vui và cuộc sống mới. Chúa Giêsu, Người Con do Chúa Cha gửi tới, thưc sự là khởi đầu thời thương xót đối với toàn nhân loại. Những người đã hiện diện trên bờ sông Giordano đã không hiểu ngay tầm quan trọng  nơi cử chỉ của Ngài. Chính Gioan Tẩy Giả  cũng kinh ngạc về quyết định của Chúa (x. Mt 3,14). Nhưng Thiên Chúa Cha thì không! Ngài khiến cho tiếng của mình được nghe từ trên trời: “Ngươi là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con” (Mc 1,11). Như vậy, Thiên Chúa Cha xác nhận con đường mà Chúa Con đã đi như Đấng Cứu Thế, trong khi Chúa Thánh Thần xuống trên Ngài như chim bồ câu. Như thế con tim của Chúa Giêssu đập cùng nhịp với con tim của Thiên Chúa Cha và của Chúa Thánh Thần, bằng cách tỏ cho tất cả mọi người thấy rằng ơn cứu rỗi là hoa trái lòng xót thương của Thiên Chúa.

ĐCT nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta có thể chiêm ngưỡng  một cách rõ ràng hơn mầu nhiệm cao cả của tình yêu đó, bằng cách nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đanh. Trong Ngài là Đấng vô tội mà chết cho chúng ta là những kẻ có tội, Ngài khẩn nài Thiên Chúa Cha: “Lậy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). ĐTC giải thích thêm như sau:

Chính trên thập giá Chúa Giêsu giới thiệu lên lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tội lỗi của thế giới: tội lỗi của tất cả mọi người, tội của tôi, tội của bạn, tội  lỗi của các anh các chị. Và ở trên thập giá Ngài trình diện chúng với Thiên Chúa Cha. Và cùng với tội lỗi của thế giới tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đều được xóa bỏ. Không ai bị loại ra ngoài lời cầu nguyện ấy của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải sợ hãi nhìn nhận mình và xưng thú mình là kẻ có tội. Có biết bao lần chúng ta nói: “Nhưng ông này là một kẻ tội lỗi, ông ta đã làm điều này, điều nọ.. “ và chúng ta phán đoán người khác. Còn bạn thì sao? Từng người trong chúng ta đáng lý ra phải tự hỏi: “Phải, người này là một kẻ tội lỗi” Còn tôi? Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, nhưng tất cả chúng ta được tha thứ: tất cả chúng ta có khả thể nhận lãnh ơn tha thứ này là lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không được sơ hãi nhận mình là kẻ có tội, xưng thú mình là người tội lỗi, bởi vì mọi tội đã được Con Thiên Chúa đem lên thập giá. Và khi chúng ta xưng thú  điều đó với lòng sám hối và tín thác nơi Chúa, thì chúng ta chắc chắn được tha thứ. Bí tích Hòa giải thời sự hóa sức mạnh của sự tha thứ phát xuất từ Thập Giá, và canh tân trong cuộc sống chúng ta ơn thánh của lòng thương xót, mà Chúa Giêsu đã chinh phục cho chúng ta. Chúng ta không được sợ hãi các bần cùng của chúng ta, mỗi người đều có các bần cũng riêng của mình. Quyền năng tình yêu của Đấng bị đóng đanh không biết tới các chướng ngại và không cạn kiệt. Đó là lòng thương xót xóa bỏ các bần cùng của chúng ta.

Anh chị em rất thân mến, trong Năm Thánh này chúng ta hãy xin Thiên Chúa ơn được sống kinh nghiệm quyền năng của Tin Mừng: Tin Mừng của lòng thương xót biến đổi, làm cho chúng ta bước vào trong con tim của Thiên Chúa, khiến cho chúng ta có khả năng tha thứ và nhìn thế giới với sự tốt lành hơn. Nếu chúng ta tiếp nhận Tin Mừng của Đấng chịu đóng đanh phục sinh, thì toàn cuộc sống chúng ta được nhào nặn bởi sức mạnh tình yêu canh tân của Ngài.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ các nước Pháp, Bỉ, Canada và Togo bên Phi châu. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh quốc, Êcốt, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Na Uy, Kenya, Zimbabwe, Australia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong đó có các nhóm đến từ các nước châu Mỹ Latinh.  ĐTC cầu chúc mọi ngưới có những ngày hành hương bổ ích, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, và được nhiều ơn lành của Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài cũng chào các đoàn hành hương Slovenia và các nhóm nói tiếng A Rập..

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC chúc mừng các độc giả và thân hữu của tuần báo Niedziela hành hương Roma nhân dịp mừng 90 năm thành lập. Cả ngày nay nữa đây là một ơn lớn của Chúa Quan Phòng ban cho Ba Lan, vì tuần báo tiếp tục cho tin tức về Giáo Hoji và là một nâng đỡ cho đất nước trong những lúc khó khăn của lịch sử. ĐTC cầu chúc tuần san tiếp tục sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, củng cố đức tin của độc giả và sinh nhiều hoa trái trong đời sống. Ngài phó thác các thành công ây cho Chúa Giêsu Từ Nhân và Thánh Mẫu Nữ Vương Ba Lan  trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Sau cùng ngài chào các đoàn hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận, giới trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn, trước khi cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia cạnh Vatican

VATICAN. Sáng 18-1-2015, ĐTC đã tiếp kiến các vị chỉ huy và nhân viên của đoàn cảnh sát cạnh Vatican nhân dịp đầu năm mới.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, đặc biệt cũng có vị chỉ huy trưởng ngành cảnh sát của Italia, các vị chỉ huy cảnh sát Roma.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự dấn thân nhiều hơn của cảnh sát các cấp tại Italia đặc biệt trong Năm Thánh Lòng thương xót hiện nay, để các buổi dự hành được diễn ra trong trật tự và mang lại nhiều thành quả. Ngài nói: ”Trật tự bên ngoài mà anh em ân cần canh chừng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trật tự nội tâm, được thanh thản và an bình”.

ĐTC cũng nhắc đến mầu nhiệm giáng sinh với hang đá vẫn còn được trưng bày ở Quảng trường Thánh Phêrô, mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria gìn giữ trong lòng mầu nhiệm chúng ta đã cử hành. Ngài nói: 'Mẹ Maria trao tặng Chúa Giêsu cho chúng ta như nguyên lý sự sống mới. Hài nhi ấy thực là đấng an ủi trong tâm hồn, là ánh sáng chân thực soi chiều đời sống chúng ta, vượt thắng tối tăm của tội lỗi. Trong Người, chúng ta chiêm ngưỡng tôn nhan từ bi thương xót của Thiên Chúa là Cha, va chúng ta đón nhận lời tái mời gọi hoán cải, trở về cùng tình thương và ơn tha thứ”.

ĐTC cầu mong kinh nghiệm thiêng liêng của Năm Thánh tháp tùng tất cả mọi người. ”Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót là một thời điểm mạnh mẽ đối với tất cả mọi người, thời kỳ hòa giải cùng Thiên Chúa và với anh chị em mình”. (SD 18-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hãy dùng thời gian để yêu thương

Hãy dùng thời gian để yêu thương

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu An)

Thiên Chúa là Alpha và Omega, Ngài là Khởi Nguyên và là Tận Cùng. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian. Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Ngài là chủ thời gian. Thiên Chúa hiện hữu không phải trong thời gian mà là siêu thời gian vì ngàn năm đối với Chúa như một ngày.

Chỉ còn 2 tuần lễ nữa là kết thúc thời gian Năm Phụng Vụ để rồi khởi đầu một chu kỳ Năm Phụng Vụ mới. Các bài đọc của các tuần Chúa Nhật này đều nói về việc trở lại của Chúa Giêsu trong ngày quang lâm. Lịch sử nhân loại đã mở đầu bằng sáng tạo thì sẽ kết thúc bằng tái tạo.

Ngay từ ban đầu khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đã muốn cứu chuộc loài. Ngài đã can thiệp nhiều lần vào lịch sử bằng những biến cố kỳ diệu, độc đáo được ghi trong Thánh Kinh. Thiên Chúa dùng lịch sử làm phương thế cứu chuộc, biến lịch sử loài người thành một Lịch Sử Thánh, một Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch Sử Cứu Rỗi gồm ba giai đoạn chính. Cựu Ước chuẩn bị Ơn Cứu Rỗi, Tân Ước thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thời Giáo Hội nối dài và phân phát ơn cứu rỗi. Sau ngày Quang Lâm của Chúa Kitô lịch sử sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Trời.

Đức Giêsu là trung tâm của Lịch Sử Cứu Rỗi, nơi Ngài, Ơn Cứu Rỗi không còn là lời hứa mà đã trở thành hiện thực. Đức Giêsu còn là tận đích của Lịch Sử Cứu Rỗi, vì tất cả lịch sử quy hướng về Ngài. Ngài là hồng ân tuyệt hảo Thiên Chúa ban cho nhân loại. Trong Ngài loài người đạt tới sự sống viên mãn.

Như vậy có hai lịch sử song hành: lịch sử trần thế và Lịch Sử Cứu Rỗi.

Lịch sử trần thế là lịch sử các dân tộc, các triều đại, các nền văn minh với các định chế xã hội, các biến cố chính trị, các tiến bộ kỹ thuật. Đây là mặt nổi có thể quan sát được.

Lịch Sử Cứu Rỗi là lịch sử sinh hoạt siêu nhiên, thánh hóa các tâm hồn nhờ ân sủng và tác động của Thánh Thần. Lịch sử này đang khai diễn âm thầm dưới chiều sâu trong các tâm hồn theo nhịp của ân sủng. Đây là mặt chìm mà chỉ có Đức Tin mới nhận ra. Như vậy Đức Tin giúp chúng ta nhận ra có một lịch sử thánh xuyên qua lịch sử trần thế, bao trùm thấm nhập lịch sử trần thế. Nhờ đó lịch sử loài người có một ý nghĩa. Từ đỉnh cao của vĩnh cửu, Thiên Chúa đang từng bước hướng dẫn loài người đến Ơn Cứu Rỗi chung cuộc.

Khi lịch sử chấm dứt là lúc Đức Giêsu trở lại thu hợp toàn thể loài người và toàn thể vũ trụ để mọi người và mọi sự được hoàn tất trong Ngài.

Ngày Đức Giêsu trở lại, ngày quang lâm, tái lâm được gọi bằng nhiều tên: Ngày cuối cùng (Ga 6, 39; 11, 24; 12, 48), Ngày của Chúa (1 Cr 3, 13; 5, 5), Ngày Chúa đến (1 Cr 1, 8), Ngày của Đức Kitô (Pr 1, 10; 2, 16), Ngày viếng thăm (1 Pr 2, 12), Ngày xét xử (1 Ga 4, 17). Chính Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến Ngày Tái Lâm này (Mt 24, 30; 25, 31; 26, 64; Mc 8, 38; 14, 62; Lc 17, 24; Ga 6, 39 – 40).

Không ai biết Ngày Quang Lâm bao giờ sẽ đến, kể cả Đức Giêsu về mặt nhân tính (Mt 24, 36). Ngày đó đến bất ngờ "như kẻ trộm trong đêm tối" (1 Tx 5, 1 – 3). Theo nhiều dụ ngôn, Chúa đến giữa lúc không ai nghĩ tới, đối với từng cá nhân cũng như đối với toàn thể nhân loại (Mt 24, 37; 37, 44; Mc 13, 33 – 37; Lc 17, 22 – 37; 21, 35)

Ngày tận cùng của thời gian, Đức Giêsu tái lâm biểu dương quyền năng và vinh quang của Ngài. Sẽ có một cuộc phán xét chung. Rất nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ám chỉ ngày phán xét chung này: cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13, 37-43), phân loại cá sau mẻ lưới (Mt 15, 39-49), chủ đòi gia nhân tính sổ (Mt 18, 23-35), thợ làm vườn nho cuối ngày trả công (Mt 20, 1-16), mười trinh nữ đi dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13). Ngày ấy các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Ngài hết thảy. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… đều được triệu tập trước mặt Người. Lúc ấy Người sẽ phân biệt kẻ lành kẻ dữ. Cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ không diễn ra theo cách thức của các tòa án trần gian: tố cáo, biện minh, đối chiếu, bằng chứng… Nhưng đây là một sự soi sáng từ bên trong. Trong ánh sáng của Thiên Chúa mỗi người sẽ thấy rõ những giá trị các hành vi của mình, cách mình đối xử với Thiên Chúa và với tha nhân.

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gio-an còn định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế thời gian và tình yêu song hành là một.

Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó những người đang yêu là những người đang sống trong thời gian với đầy ắp niếm vui hạnh phúc. Những người biết yêu là biết nhìn thời gian như vàng ngọc. Ai sống trong Thiên Chúa là người phải biết yêu quí thời gian Chúa ban.

Các bài đọc Chúa Nhật 33 Thường Niên kêu mời chúng ta suy niệm về giá trị của thời gian và lao động. Sách Châm Ngôn mô tả người đàn bà lý tưởng. Bà ăn ở được lòng chồng con, xây dựng gia đình bằng đôi tay cần mẫn, tháo vát và chăm chỉ. Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã đề cập đến giá trị của thời giờ. Trong giáo đoàn có người lo sợ là ngày tận thế sắp đến, họ sợ hãi đến độ không muốn làm gì cả. Thánh nhân đã cảnh tỉnh: Hãy làm việc, đừng ngũ mê. Hãy biết trân trọng thời gian Chúa ban. Với bài phúc âm, Chúa Giêsu nói đến giá trị của thời giờ, công việc và tài năng. Thiên Chúa khi ban sự sống thì đồng thời cũng ban phương tiện sinh sống như thời giờ, tài năng, như "nén bạc Chúa trao".

Thiên Chúa ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ được gọi là tôi tớ bất hảo; còn người tôi tớ chăm chỉ làm việc, sinh lợi các nén bạc thì được gọi là lương hảo. Tiêu chuẩn căn bản mà Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa đó là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.

Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh

Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan

Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác

Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn

Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai

Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa

Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa

Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của Thời Gian, là Vua của Tình Yêu giúp chúng con biết dùng thời gian để dấn thân phục vụ trong tình yêu.