Đức Thánh Cha cử hành Lễ Mình Thánh Chúa

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Mình Thánh Chúa

ROMA. Bí Tích Thánh Thể nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ kiến tạo tình hiệp nhất giữa lòng Dân Chúa.

ĐTC nhấn mạnh điểm này trong bài giảng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa ngài cử hành lúc 7 giờ chiều Chúa nhật 18-6-2017 tại thềm Đền Thờ thánh Gioan Laterano, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu.

Ngài nhận xét rằng trong lễ Mình Thánh Chúa, đề tài tưởng niệm được nhiều lần nhắc lại: từ hành trình của Dân Chúa trong sa mạc được Chúa nuôi dưỡng bằng Manna, cho đến tưởng niệm Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời Chúa, tưởng niệm lịch sử tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta.

”Đặc biệt Thánh Thể cũng nhắc nhở chúng ta không phải là những cá nhân riêng rẽ, nhưng là một thân thể. Như dân trong sa mạc nhận manna từ trời xuống, và chia sẻ trong gia đình (Xh 16), cũng vậy, Chúa Giêsu là Bánh từ trời, triệu tập chúng ta để cùng lãnh nhận bánh ấy và chia sẻ giữa chúng ta. Thánh thể không phải là một bí tích ”cho tôi”, nhưng là bí tích của nhiều người họp thành một thân mình duy nhất, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolo tông đồ đã dạy (1 Cr 10,17)… Thánh Thể là bí tích hiệp nhất. Ai đón nhận Thánh Thể không thể không kiến tạo sự hiệp nhất vì nảy sinh nơi người ấy, hệ di truyền DNA thiêng liêng, sự kiến tạo hiệp nhất.”

ĐTC giải thích rằng ”Bánh hiệp nhất ấy chữa chúng ta khỏi tham vọng muốn trổi vượt hơn người khác, khỏi sự ham hố vơ vét cho mình, xách động bất đồng, phổ biến những lời phê bình; Bánh Hiệp nhất khơi dậy niềm vui yêu thương nhau mà không cạnh tranh, không ghen tương và nói hành nói xấu nhau. Và giờ đây, khi sống Thánh Thể, chúng ta hãy thờ lạy và cảm tạ Chúa vì hồng ân cao cả này, là ký ức sinh động về tình thương của Chúa, làm cho chúng ta thành một thân thể duy nhất và dẫn chúng ta đến sự hiệp nhất”.

Cuối thánh lễ, đã có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa từ Đền thờ Thánh Gioan Laterano đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Giống như từ 3 năm nay, ĐTC không tham dự cuộc rước kiệu này và ngài đi xe thẳng tới Đền thờ Đức Bà Cả để đợi đoàn rước đến nơi. Tại đây ĐTC đã ban Phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người”.

Đây là lần đầu tiên từ 40 năm nay, ĐGH không cử hành thánh lễ Mình Thánh Chúa và chiều thứ năm, nhưng vào chiều chúa nhật theo lịch ở Italia (SD 19-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

ROMA. Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được ĐTC tôn phong hiển thánh vào chúa nhật 4-9 tới đây.

Lễ Phong Thánh sẽ được ĐTC cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.

– Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.

– Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do ĐHY Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.

– Sáng thứ Bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của ĐTC Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.

– Sáng Chúa nhật 4-9, ĐTC sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.

– Ngày thứ Hai, 5-9, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.

Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này (CNS 5-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Đền thờ tâm hồn

Đền thờ tâm hồn

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa.

1. Giới thiệu Đền Thờ Latêranô

Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

Năm 313, sau khi ra chiếu chỉ ở Milano cho Giáo hội được tự do hành đạo, Hoàng Đế Constantine cho xây đền thờ ở Laterano trong thời gian 313-318 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano, năm 1144.Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, đền thờ này là trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng của Đức Giáo Hoàng.

Như các đền thờ khác, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp, đươc xây lại như ngày nay thời ĐGH Sisto V (1585-1590).

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản cóGiếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. (x.BGCN 2008).

2. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ. Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này.

Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.

Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều co giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ.

Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng, lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ.

"Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5).

3. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ. Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" (Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

– Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh, là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

4. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của vương cung thánh đường Latêranô cũng như mọi thánh đường khác đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;

Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dzwisz, Tổng Giám Mục Cracovia

Sáng Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 150 Hồng Y và 700 Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc. Có 10,000 linh mục cùng hiện diện trong thánh lễ với 800,000 tín hữu, đứng chật quảng trường thánh Phêrô, quảng trường Pio XII, đại lộ Hòa giải, lâu đài Thiên Thần trên hai cầu và các đường chung quanh quảng trường. Khoảng 3 triệu tín hữu còn lại đã theo dõi thánh lễ trên các màn truyền hình khổng lồ bố trí tại Circo Massimo và tất cả mọi quảng trường lớn trong thành phố Roma như quảng trường thánh Gioan Laterano, quảng trường Popolo, quảng trường Navona, quảng trường Risogimento vv… Ngoài ra dân chúng đó đây trên thế giới có thể theo dõi thánh lễ trong hàng trăm rạp Cine ba chiều kích, và đã có 2 tỷ người có thể theo dõi thánh lễ qua các đài truyền hình quốc tế.

Lễ phong Hiển Thánh nói trên đã là biến cố duy nhất trong lịch sử dài hơn 2,000 năm của Giáo Hội: hai Giáo Hoàng còn sống phong Thánh cho hai Giáo Hoàng tiền nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô II trong 39 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Hồng Y đã quen Đức Gioan Phaolô II khi nào?

Đáp: Tôi đã biết Đức Karol Wojtila khi ngài còn là giáo sư và chưa là Giám Mục. Ngài dậy môn dẫn nhập Triết và Thần học năm thứ I tại đại chủng viện. Chúng tôi đã nhận ra ngay một con người rất đặc biệt, có nền tu đức sâu xa và cũng là một giáo sư rất giỏi, luôn luôn được chuẩn bị, các bài dậy học của ngài rất hay. Vì thế ngài đã chinh phục được cảm tình lớn của các sinh viên chúng tôi ngay lập tức. Điều gì đã đánh động chúng tôi? Khi tới giờ nghỉ, ngài luôn luôn vào nhà nguyện. Khi ngài ở trong nhà nguyện thì không có gì khác hiện hữu nữa. Và chúng tôi từ xa khâm phục ngài…

Hỏi: Các sinh viên như Đức Hồng Y đã hiểu ngay là mình đang đứng trước một người đặc biệt. Thế rồi Đức Hồng Y đã ở bên cạnh Đức Karol Wojtila gần 40 năm trời, và chính ngài đã truyền chức Linh Mục cho Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng mà tôi còn có các điều khác nữa: truyền chức Giám Mục, tất cả… tất cả là từ tay của ngài. Tôi đã phục vụ ngài trong 39 năm: 12 năm tại Cracovia và 27 năm tại Roma. Tôi đã sống với một vị thánh.

Hỏi: Từ sự cường tráng của một người trẻ cho tới sự yếu đuối trong bệnh tật và tuổi già, cho tới các giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế lúc 21 giờ 37 phút chiều ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y đã là chứng nhân sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, một sự thánh thiện được diễn tả ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Đức Hồng Y, có một hình ảnh đặc biệt nào diễn tả hay nhất sự thánh thiện của ngài hay không?

Đáp: Tôi đã bị đánh động sau vụ mưu sát. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài còn tỉnh ngài đã cầu nguyện nhỏ tiếng cho kẻ mưu sát ngài. Ngài không biết là ai nhưng ngài đã tha thứ cho họ, và ngài dâng sự khổ đau của ngài để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Ngài đã không cầu nguyện cho chính mình được tai qua nạn khỏi, nhưng cầu nguyện cho kẻ khác. Và vì thế đây là một điều ngoại thường. Tất cả mọi sự luôn luôn đi qua lời cầu nguyện. Người ta đã hỏi tôi ngài cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ. Nhưng ngài cầu nguyện suốt cuộc đời ngài.

Ngài cầu nguyện với cuộc sống. Không thể tách rời lời cầu nguyện khỏi công việc làm. Toàn cuộc sống của ngài là một lời cầu nguyện. Và mọi điều ngài làm đều đi qua lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho ai? Có nhiều người nói tới lời cầu nguyện theo vùng địa lý, nghĩa là hết nước này sang nước khác, hết quốc gia này tới quốc gia khác. Và ngài cầu nguyện cho nhiều điều: cho hòa bình, cho công lý, cho việc tôn trọng con người, cho việc tôn trọng các quyền con người, và ngài cũng cầu nguyện cho các cá nhân cụ thể. Thế rồi toàn cuộc sống của ngài đã bị ghi dấu bởi đau khổ: trước hết ngài đã mất mẹ, tiếp đến là mất anh, rồi ngày 13 tháng 5 năm 1981 lại đã bị mưu sát.

Hỏi: Đức Gioan Phaolô II là một con người cầu nguyện, một nhà thần bí, một người chiêm niệm, đã chọn khẩu hiệu ”Totus tuus – Tất cả là của Mẹ” như sợi chỉ dẫn đường trong suốt cuộc sống, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Totus tuus: tất cả là của Mẹ diễn tả lòng sùng kính của Đức Gioan Phaolô II đối với Mẹ Maria, nhưng mà ngài cũng có lòng sùng kính rất lớn đối với Chúa Thánh Thần. Điều này ngài đã học được từ thân phụ của ngài. Thế rồi ngài cũng rất sùng mộ Kinh Mân Côi, qua đó ngài cùng với Mẹ Maria suy niệm cuộc đời của Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khía cạnh chiêm niệm này của Đức Gioan Phaolô II đi chung với ý thức cụ thể mạnh mẽ của ngài, và thật ra ngài là một vị thánh nhân bản một cách sâu xa. Ngài là một Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng một cách sâu xa trong lịch sử…

Đáp: Chắc chắn rồi. Ngài rất gắn bó với quê hương mình, nhất là với Cracovia, gắn bó với nền văn hóa, với Giáo hội Ba lan, nhưng rất cởi mở cho toàn Giáo Hội, cho toàn thế giới, đối với các quốc gia, và cả đối với tất cả các tôn giáo… Ngài có nhiều tình bạn với các người Do thái và cũng có các tiếp xúc với các người Hồi và các nhân vật của các tôn giáo khác. Ngài luôn luôn nói: ”Chúng ta xây cầu, chứ không xây tường”.

Hỏi: Khi nghĩ tới các Thánh, người ta thường tưởng tượng phải đi xa trong lịch sử. Trong trường hợp này chúng ta không cần phải nhìn lại thời gian xa đàng sau: chúng ta nói tới một Giáo Hoàng Thánh chỉ chín năm sau khi người qua đời. Như thế Đức Gioan Phaolô II thuộc thời đại của chúng ta, là người có một sứ điệp rất là thời sự, có phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cả ngày nay nữa Đức Gioan Phaolô II cũng gợi hứng cho con người, nhất là giới trẻ: tôi đã trông thấy các người trẻ ở Rio de Janeiro, các người trẻ thuộc thế hệ mà tôi đã không biết. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tên ngài, đã có một sự nhiệt tình rất lớn, cũng như nhiệt tình khi họ nghe loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới tại Cracovia, trên quê hương và trong thành phố của Đức Gioan Phaolô II. Trong các môi trường khác nhau: môi trường xã hội, môi trường thần học – ngài đã luôn luôn hiện diện, ngài đã để lại một gia tài giáo lý cần đào sâu và thực hiện, nhất là trong lãnh vực bảo vệ các quyền con người và sự tự do của con người và của các quốc gia… Có thể đề cập tới các đề tài khác nhau: ngài luôn luôn hiện diện.

Hỏi: Thật thế, vì đã không có lớp người nào mà Đức Gioan Phaolô II không tiếp xúc. Đức Hồng Y vừa nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng mà Đức Gioan Phaolô II cũng gần gũi người già cả, bệnh tật, người nghèo, trẻ em, các cặp vợ chồng, và các người sống đời thánh hiến nữa, người đã là vị Giáo Hoàng của việc bênh vực sự sống… Tóm lại là một Giáo Hoàng đã thực sự nói với toàn nhân loại…

Đáp: Chắc chắn rồi, người đã là vị Giáo Hoàng bênh vực sự sống con người một cách tuyệt đối. Người cũng đã là vị Giáo Hoàng của gia đình. Ngài đã có một tương quan tình bạn với giới trẻ, tình bạn với con người. Ngay từ đầu ngài đã hiểu rằng người trẻ nhạy cảm, họ xin được đồng hành và trả lời cho các vấn nạn của họ. Ngài là vị Giáo Hoàng đã nói thay cho những người nghèo, nói với các quốc gia nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tại sao người viếng thăm các quốc gia thuộc thế giới thứ ba? Đó là để lên tiếng và kêu gọi người giầu ”Anh chị em phải trợ giúp người nghèo, nếu không sẽ xảy ra một thế chiến mới”. Người đã công du rất nhiều lần sang Phi châu, hay Á châu, nhất là viếng thăm các nước nghèo, để kêu lên, để nói thay cho người dân đau khổ vì nghèo túng, và cũng để kêu gọi những người giầu trên thế giới, để họ thay đổi cung cách hành xử đối với các nước nghèo đang cần được trợ giúp.

Hỏi: Nghĩa là Đức Gioan Phaolô II lắng nghe mọi người, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều này không có nghĩa là ngài đồng ý với tất cả những gì ngài nghe, nhưng ngài tôn trọng con người, không phải chỉ đối với các tín hữu kitô, nhưng đối với cả những người không tin, các người không phải là kitô hữu, người do thái, người hồi giáo, một sự tôn trọng rất lớn. Vì thế ngài đã là vị lãnh đạo tôn giáo đối với tất cả mọi người. Ngài đã chiến đấu chống lại mọi bức tường phân cách. Tôi nghĩ rằng chính ở đây ngài đã rộng mở Giáo Hội cho thế giới và đã khiến cho thế giới tới gần với Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống biến cố tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaoô II như thế nào?

Đáp: Tôi không biết… Tôi không biết. Chắc chắn đối với tôi đó là một điều phi thường nghĩ rằng từ nay trở đi tôi sẽ gọi người là Thánh.

(RG 27-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio