Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Công bố niêm giám 2015 của Tòa Thánh

Niên giám Tòa Tháng 2015

VATICAN. Sáng ngày 16-4-2015, Niên giám mới của Tòa Thánh, 2015, đã được đệ trình ĐTC.

Hiện diện trong buổi đệ trình có các chức sắc thuộc Văn phòng thống kê trung ương của Tòa Thánh, và 3 vị lãnh đạo thuộc dòng Don Bosco đặc trách nhà in Vatican, trong đó có thầy Đaminh Nguyễn Đức Nam, giám đốc kỹ thuật của cơ sở ấn loát này.

Thông cáo của Văn phòng thống kê của Tòa Thánh cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 22-2 năm 2014 đến 14-2 năm 2015, Giáo Hội Công Giáo đã có thêm 3 tổng giáo phận 4 giáo phận và 2 đơn vị hành chánh khác.

Số tín hữu Công Giáo trong Giáo Hội từ năm 2005 đến 2013 tăng 12% tức là từ 1 tỷ 115 triệu lên 1 tỷ 254 triệu, tức thêm có thêm 139 triệu tín hữu, và hiện nay chiếm 17.7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Sự tăng trưởng số tín hữu Công Giáo mạnh nhất là tại Phi châu, tăng 34%, tức là tù 153 triệu hồi năm 2005 lên 206 triệu trong năm 2013. Dân Công Giáo tại Mỹ châu tăng 10.5% và tại Á châu tăng 17.4% trong cùng thời gian vừa nói.

Tổng số nhân viên mục vụ của Giáo Hội gồm các GM, LM, Phó tế, tu sĩ nam nữ và thừa sai giáo dân tính đến cuối năm 2013 là 4 triệu 762 ngàn 458 người, tức là tăng thêm gần 300 ngàn người so với năm 2005. Trong số các nhân viên này có 5,173 giám mục (tăng thêm 40 vị so với năm 2012. Số linh mục là 415.348 vị. (SD 16-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

Đức Thánh Cha khích lệ nỗ lực hòa giải của các Giám Mục Kenya

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích các GM Kenya trong nỗ lực hòa giải các phe phái và sắc tộc tại nước này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong bài huấn dụ trao cho 25 GM Kenya tại buổi tiếp kiến sáng ngày 16-4-2015 nhân dịp các vị bắt đầu tuần lễ hành hương Roma, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Ngài viết:

”Giáo Hội tại Kenya phải luôn trung thực với sứ mạng của mình như một dụng cụ hòa giải, công lý và hòa bình. Trung thành với toàn thể gia sản đức tin và giáo huấn luân lý của Giáo Hội, anh em có thể củng cố quyết tâm cộng tác với các vị lãnh đạo Kitô và không Kitô, trong việc thăng tiến hòa bình và công lý tại đất nước anh em, qua đối thoại, tình huynh đệ và thân hữu. Như thế, anh em có thể đồng thanh và can đảm hơn trong việc tố giác mọi bạo lực, nhất là những bạo lực người ta phạm nhân danh Thiên Chúa”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”cùng với anh em, tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị giết vì những hành vi khủng bố hoặc xung đột chủng tộc, bộ tộc tại Kenya cũng như tại các vùng khác ở Phi châu. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người bị giết tại Đại học Garissa hôm thứ sáu Tuần Thánh vừa qua”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhắc nhở các GM đặc biệt gần gũi và dành thời giờ cho các LM thuộc quyền. Ngài khích lệ các vị trong việc mục vụ gia đình, củng cố những gia đình đang phải chiến đấu vì hôn nhân tan vỡ, thiếu chung thủy, nghiệm ngập hoặc bạo lực, tăng cường việc mục vụ giới trẻ, huấn luyện họ trở thành những môn đệ có khả năng dấn thân trường kỳ và hiến thân, dù trong hôn nhân hay trong đời sống LM và tu trì”.

”Tuy không xen mình vào những việc trần thế, nhưng Giáo Hội cũng phải nhấn mạnh với những người ở vị thế lãnh đạo và cầm quyền về các nguyên tắc luân lý thăng tiên công xích và xây dựng xã hội như một tập thể”.

Kenya rộng 610 ngàn cây số vuông, với khoảng 42 triệu dân cư, thuộc hơn 40 nhóm chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau, và tại đây thường có những chia rẽ và xung đột bộ tộc, ảnh hưởng trên chính trị và kinh tế.

Các tín hữu Công Giáo chiến 31,2% dân số và thuộc 4 tổng giáo phận, 20 giáo phận (SD 16-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tình hình hỗn loạn tại Lybia. Mùa thu của các mùa xuân Á rập

Tình hình hỗn loạn tại Lybia. Mùa thu của các mùa xuân Á rập

Tình hình hỗn loạn tại Lybia, “Mùa thu của các mùa xuân Á rập”.

Phỏng vấn ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia 

Sáng ngày mùng 8 tháng 4 vừa qua tướng Khalifa Haftar, tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Lybia của chính quyền Tobruk đã bị thương trong một vụ mưu sát. Người ta chưa được  biết các chi tiết vụ và nơi chốn vụ mưu sát, nhưng có vài nguồn tin cho rằng các kẻ chủ mưu thuộc thành phần quân đội, nhất là đại tá Faraj Barasi, có nhiều quan điểm khác biệt với tướng Haftar. Tin trên đây khiến cho nhiều người âu lo, vì trong tình hình hỗn loạn hiện nay tại Libia tướng Haftar là người dại diện cho chính quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận và chính quyền Ai Cập ủng hộ.  Sự biến mất của ông sẽ tạo ra một sự bất ổn và hỗn loạn chính trị trầm trọng hơn nữa đối với tương lai của Lybia, vì Libia đang tìm thành lập một chính quyền hợp nhất quốc gia, trong khi đó lại có nhiều lực lượng chống lại nỗ lực này.

Tin tức trong những ngày qua cũng cho biết rằng lực lượng Ansar al-Sharia, là nhóm thánh chiến hồi mạnh nhất kiểm soát tỉnh Bengasi, đã thề trung thành với Nhà Nước Hồi. Hôm Chúa Nhật mùng 5 tháng 4 lãnh tụ tinh thần và quân sự của nhóm này là Abu Abdullah al-Libi, đã phổ biến một video quảng bá sứ điệp, theo đó ông đã lý thuyết hóa giá trị pháp lý của Nhà Nước Hồi giáo bên Iraq và Siria gọi tắt là ISIS.

Trong khi đó ba nước Italia, Ai Cập và Algeria đã đồng ý trao đổi tin tức và củng cố các nỗ lực chung nhằm chống lại các lực lượng khủng bố gia tăng tại Libia, và ủng hộ đề nghị của Liên Hiệp Quốc thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Tại Roma đã có cuộc hội kiến của ngoại trưởng  Italia ông Gentiloni với ngoại trưởng Sameh Shoukri của Ai Cập và ông Abdelkader Messahel, bộ truởng của Algeria về các vấn đề ngoại giao với các nước Phi châu vùng Magreb.

Ngoại trưởng Gentiloni cũng đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Lybia là ông Ageela Saleh Gwaider, đại diện cho chính quyền Tobruk hay các cơ cấu được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mặc dù thủ đô Tripoli nằm trong tay liên minh Alba Libica, gồm nhiều nhóm hồi không thừa nhận quốc hội đang lánh nạn tại Tobruk cũng như chính quyền có trụ sở tại Beida.

Tin ngày mùng 8 tháng 4 cũng cho biết vài lãnh tụ quan trọng của liên minh Alba Libica  là Adbel Hakim Belhaj và Wissam bin Hamid đã bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trước tin các binh sĩ quân đội quốc gia của tướng Khalifa Haftar đang tiến về thủ đô Tripoli, sau khi bắt đầu cuộc tổng tấn công hồi tháng 3 vừa qua. Ngoài ra cũng có tin là 1500 chiến binh hồi giáo người Tunisi đã được huấn luyện trong các trại binh của lực lượng Anwar al Sharia bên Libia sẵn sàng tham chiến. Libia bị chia thành ba vùng khác nhau: các nhóm hồi thuộc liên minh Alba Libica chiếm cứ thủ dô Tripoli từ tháng 8 năm ngoái, quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận tại Tobruk và các lực lượng hồi quá khích muốn tự trị tại Bengasi.

Sau đây chúng tôi xin giử tới quý vị một số nhận định của ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia, tác giả cuốn sách tựa đề “Mùa thu của các mũa xuân A Rập”, về hiện tình của Libia.

Hỏi: Thưa giáo sư Tottoli, tình hình tại Libia hiện nay ra sao?

Đáp:  Theo tôi, Lybia đang ở trong một điều kiện quyền bính quốc gia bị giải tán hoàn toàn giống như bên Siria và Iraq. Từ khi ông Gheddaffi bị lật đổ tới nay thì Lybia trên thực tế đã hướng tới chỗ bộ tộc hóa và chia rẽ nội bộ trầm trọng. Do đó không thể không trông thấy một cuộc khủng hoảng từ từ và một tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Hỏi: Tuy nhiên, người ta đang soạn thảo một Hiến pháp mới và đặc sứ của Liên Hiệp Quốc ông Bernarrdino Léon, đang tìm cách thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Dấn thân của Liên Hiệp Âu châu cũng rất là mạnh trong hướng này. Đó chỉ là các lời nói hay có các hy vọng thực sự, thưa giáo sư?

Đáp: Nói thực ra thì trong tình hình hiện nay của Lybia không có một khung cảnh rõ ràng. Chúng tôi tập trung sự chú ý vào vấn đề đã do luật Sharia tạo ra liên quan tới các nhóm ngày càng phát xuất từ các lực lượng hồi thánh chiến được nhận ra trong các thực thể khác. Chúng ta không được quên rằng tình hình Lybia ghi đậm dấu vết của sự chia rẽ giữa các bộ lạc và vùng miền khác nhau một cách rất sâu đậm, mà có lẽ chỉ có Yemen là có thể so sánh được mà thôi. Thêm vào đó là các phân tán mỏng khác nữa. Tôi tin là có thể nhìn Lybia vào khả thể dẫn đến một sự hiệp nhất của nước Libia với niềm hy vọng, nhưng ngày nay với một sự bi quan nào đó, bởi vì tình hình xem ra bùng nổ và tiếp tục trở thành tồi tệ hơn.

Hỏi: Như vậy, theo giáo sư trong tình trạng hiện nay thật rất khó mà có thể ghép lại với nhau các mảnh phân rẽ đó giữa ba vùng Cirenaica, Tripolitania và Fez?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nhưng điều này không chỉ có giá trị đối với Lybia, nhưng còn có giá trị đối với tất cả mọi quốc gia Á rập nữa, là những nước đã trông thấy thực thể quốc gia sụp đổ. Cùng với Lybia, Yemen, Syria, Iraq tất cả đều là các thực thể rất là phân tán, được cầm giữ lại với nhau bởi các chế độ độc tài với bàn tay sắt. Vì thế sau hàng chục năm trời quang cảnh chính trị lại đã mở ra và có một khoảng trống tự do, không còn bị kiểm soát nữa, không còn bị bạo lực từ phía các thực thể quốc gia nữa: và thế là tất cả những điều đó đã chỉ có thể làm nảy sinh ra một tình trạng vô cũng hỗn loạn, như chúng ta hiện đang chứng kiến.

Hỏi: Trong tình trạng như thế, các lực lượng dân vệ của cái gọi là Nhà nước Hồi đã tiến tới vùng Misurata: khi nào thì Nhà nước Hồi có thể chiếm trọn Libia thưa giáo sư?

Đáp: Ngoài các khẩu hiệu truyên truyền ra, tôi không tin rằng hiện nay có các nguy cơ đích thực. Bởi vì các lực lượng đang kiểm soát vùng này hiện nay còn nhỏ bé, chưa mạnh lắm. Dĩ nhiên, trong một thực tại rất là khó khăn và bất ổn toàn diện như tại Libia hiện nay, chúng ta sẽ không được lấy làm lạ khi có vài nhóm khác phát xuất từ lực lượng hồi thánh chiến, cũng tự nhận rằng họ ở chung dưới một lá cờ với các nhóm này. Một ít nào đó cũng giống như phong trào Al Qaeda đã là một nhãn hiệu lớn được dùng bởi nhiều nhóm hồi thánh chiến đó đây trên khắp thế giới, các nhóm này không thuộc Nhà nước Hồi một cách có cơ cấu, nhưng nhiều khi họ tuyên bố một sự trung thành nào đó với Nhà nước Hồi  và dùng nhãn hiệu này của Nhà nước Hồi. Và về lâu về dài với sự tồn tại của Nhà nước Hồi chắc chắn nó sẽ là một vấn đề cho Libia.

Hỏi: Vậy theo giáo sư, có thể tái hiệp nhất sự phân tán tại Lybia như thế nào?

Đáp: Trong một cách thức nào đó cần phải buông khí giới, và mời tất cả mọi nhóm ngồi vào bàn hội nghị thảo luận hòa bình. Ngoài các lực lượng tôn giáo như là các sức mạnh đích thực, cũng không được quên các lực lượng bộ lạc hiện hữu trong nước Libia. Chìa khóa cho vấn đề là ở đó, cũng như cũng chià khóa này liên quan tới vài vùng của Iraq vv… Cái xem ra là sự phân tán của các lực lượng hồi thánh chiến dấu ẩn một loạt các vấn đề khác nhau, như sự cạnh tranh giữa chúng, các vấn đề mà với chế độ độc tài ông Gheddafi đã thành công trong việc dìm chúng xuống, nhưng bây giờ chúng lại tái nổi lên trong một tình hình hỗn loạn. Vì thế cần phải thành công trong việc nhận diện ra các tác nhân mạnh hơn một tí, và thành công trong một cách thức nào đó khiến cho chúng lý luận trong các phạm trù của sự hiệp nhất quốc gia.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn thành viên Bộ Truyền giáo

Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn thành viên Bộ Truyền giáo

ĐHY Nguyễn văn Nhơn

VATICAN. Hôm 13-4-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm Đức tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, làm thành viên của Bộ Truyền giáo và Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

 Cùng được bổ nhiệm trong dịp này, có 14 tân Hồng Y khác đã được ĐTC phong ngày 14 tháng 2 vừa qua. Hôm 13-4-2015, trung bình mỗi Hồng Y mới được bổ nhiệm làm thành viên của hai cơ quan trung ương Tòa Thánh và nhiệm kỳ là 5 năm.

 Bộ truyền giáo có khoảng 30 HY và 8 GM thành viên, nhóm đại hội 3 năm một lần, còn Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình có khoảng 10 HY, 8 GM và 10 giáo dân thành viên (SD 13-4-2015).

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn trong xã hội và Giáo Hội

Học biết lắng nghe tiếng nói của nữ giới nhiều hơn và để cho nó ảnh hưởng trên cuộc sống xã hội và giáo hội

Cần phải biết tái khám phá ra thiên tài nữ giới, biết lắng nghe tiếng nói của họ nhiều hơn, thừa nhận uy tín của tiếng nói đó, và để cho nó thực sự có ảnh hưởng trên cuộc sống của xã hội và của Giáo Hội.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với khoảng 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chúng sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói ngài sẽ dành mấy bài giáo lý để trình bầy khiá cạnh chính của đề tài gia đình đó là ơn Thiên Chúa Ban cho nhân loại với việc tạo dựng người nam và người nữ và với bí tích hôn phối. Có hai bài giáo lý nói về sự khác biệt và bổ túc giũa người nam và người nữ, và hai bài giáo lý trình bầy về Hôn Nhân.

Trước hết là một bình luận về trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế. Trong trình thuật này chúng ta đọc thấy rằng sau khi tạo dựng vũ  trụ và mọi sinh vật, Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài là tuyệt đỉnh công trình sáng tạo của Ngài: “giống hình ảnh Ngài, nam nữ Thiên Chúa tạo dựng họ” (St 1,27): người nam và người nữ là hình ảnh và giống Thiên Chúa.

Như chúng ta tất cả đều biết, sự khác biệt phái tính hiện diện trong tất cả mọi hình thức của sự sống, trong chiếc thang dài của các sinh vật. Nhưng chỉ nơi người nam và người nữ nó mang theo trong mình hình ảnh và việc giống Thiên Chúa: văn bản kinh thánh lập lại điều này 3 lần trong trong hai câu 26-27. ĐTC giải thích sự kiện này như sau:

Điều này nói với chúng ta rằng không chỉ con người được xét trong chính nó là hình ảnh của Thiên Chúa, mà cả người nam và người nữ như là cặp đôi cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa nam nữ không phải là sự đối chọi hay phục tùng, nhưng để hiệp thông và truyền sinh, luôn luôn như hình ảnh và giống Thiên  Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: kinh nghiệm dậy cho chúng ta biết  điều đó: để hiểu biết một các tốt đẹp và lớn lên một cách hài hòa con người cần có sự hỗ tương giữa nam nữ. Chúng ta được dựng nên để lắng nghe nhau và trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng không có việc làm giầu cho nhau trong tương giao này, trong tư tưởng và trong hành dộng, trong các tâm tình và trong công việc làm cũng như trong đức tin – thì cả hai cũng không thể hiểu thấu đáo là nam nữ có nghĩa là gì.

Nền văn hóa tân tiến hiện đại đã mở ra các khoảng không mới, các tự do mới và các sâu thẳm mới cho việc hiểu biết sự khác biệt phong phú này. Nhưng nó cũng đã đem theo nhiều nghi hoặc. Chẳng hạn, tôi tự hỏi cái gọi là lý thuyết giống lại cũng không phải là một biểu lộ của một sự tước đoạt và chịu trận nhằm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, bởi vì nó không còn biết đối diện với chính mình nữa hay sao. Phải, chúng ta có nguy cơ đi thụt lùi một bước. Việc lấy mất đi sự khác biệt phái tính thật ra là vấn đề, chứ không phải là giải pháp. Trái lại, để giải đáp các vấn đề tương quan, người nam và người nữ phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn,  và cộng tác với nhau với tình bạn. Với các nền tảng nhân bản đó, được nâng đỡ bởi ơn thánh Chúa, có thể dư phóng sự hiệp nhất hôn nhân và gia đình cho suốt cuộc đời. Mối dây hôn nhân và gia đình là một chuyện nghiêm chỉnh, và nó nghiêm chỉnh đối với tất cả mọi người chứ không chỉ đối với các tín hữu mà thôi. Tôi muốn khuyến khích các nhà trí thức đừng chạy trốn đề tài này, như thể nó đã trở thành phụ thuôc đối với dấn thân cho một xã hội  tự do và công bằng hơn.

Thiên Chúa đã phó thác trái đất cho giao ước của người nam và người nữ: sự thất bại của nó khiến cho thế giới tình yêu thương cằn cỗi đi, và làm cho bầu trời của niềm hy vọng trở thành đen tối. Có các dấu hiệu khiến cho chúng ta âu lo, và chúng ta trông thấy chúng. Trong nhiều điểm tôi muốn chỉ cho thấy hai điều mà tôi tin rằng cần phải dấn thân với nhiều cấp bách hơn. ĐTC nêu lên điểm thứ nhất như sau:

Thật không nghi ngờ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để tạo thuận tiện cho nữ giới, nếu chúng ta muốn tái trao ban sức mạnh lớn hơn cho sự tương giao giữa nam nữ. Thật thế, nữ giới cần phải được lắng nghe nhiều hơn, nhưng tiếng nói của họ cũng phải có sức nặng thực sự hơn, và có một uy tín được thừa nhận nhiều hơn trong xã hội và trong Giáo Hội. Cách thức mà chính Chúa Giêsu đã nhìn nữ giới – nhưng chúng ra nói rằng Phúc Âm là như thế –  trong một bối cảnh ít thuận tiện hơn bối cảnh của chúng ta ngày nay, bởi vì vào thời đó phụ nữ chiếm chỗ hạng hai, và Chúa Giêsu đã coi nữ giới trong một cách thức trao ban một ánh sáng mạnh mẽ chiếu soi con đường dẫn đi rất xa, mà chúng ta mới chỉ đi được một đoạn ngắn.

Chúng ta chưa hiểu trong chiều sâu đâu là những điều mà thiên tài nữ giới có thể trao ban, những điều mà phụ nũ có thể cống hiến cho xã hội và cho cả chúng ta nữa, những điều mà họ biết trông thấy với đôi mắt khác, bổ túc cho các tư tưởng của nam giới. Nó là một con đường cần phải đi với nhiều óc sáng tạo và sự táo bạo hơn.

Một suy tư thứ hai liên quan  tới đề tài người nam và người nữ được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi tự hỏi không biết cuộc khủng hoảng của lòng tin tưởng tập thể nơi Thiên Chúa, gây ra biết bao sự dữ, khiến cho chúng ta bị bệnh chịu trận trước thái độ không tin và trơ trẽn, cũng không phải gắn liền với cuộc khủng hoảng của giao ước giữa người nam và người nữ hay sao. Thật ra trình thuật kinh thánh, với bức tranh lớn biểu tượng liên quan tới thiên đàng dưới thế và tội tổ tông, nói với chúng  ta rằng chính sự hiệp thông với Thiên Chúa được phản ánh trong sự hiệp thông của cặp con người nam nữ, và việc đánh mất đi sự tin tưởng nơi Cha trên trời sinh ra chia rẽ và xung khắc giữa người nam và người nữ.

Từ đó phát xuất ra trách nhiệm lớn của Giáo Hội, của tất cả mọi tín hữu và trước hết của các gia đình tín hữu, đó là phải tái khám phá ra vẻ đẹp trong chương trình tạo dựng mà Đấng Tạo Hóa đã in nơi hình ảnh của Thiên Chúa, cả trong giao ước giữa người nam và người nữ nữa. Trái đất tràn đầy sự hài hòa và tin cậy, khi giao ước giữa người nam và người nữ được sống một cách tốt đẹp. Và nếu người nam và người nữ cùng tìm vẻ đẹp đó giữa nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta công khai làm chứng cho vẻ đẹp đó, là hình ảnh của Thiên Chúa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước bắc Mỹ và Âu châu. Cũng có các đoàn hành hương đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Indonesia, Nigeria, Mêhicô, Argentina và Ecuador.  ĐTC cầu chúc mọi người có những ngày hành hương bổ ích và ngài xin tín hữu cầu nguyện cho các gia đình.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các cặp vợ chồng và cùng họ cảm tạ Chúa về sự an bình và niềm vui của các cặp hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình và các cặp vợ chồng bị các thử thách của cuộc khủng hoảng và các chia rẽ. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các gia đình ấy.

Ngài cũng đặc biệt chào một nhóm đại chủng sinh giáo phận Grodno bên Bạch Nga, hành hương Roma nhân mừng ngân khánh đại chủng viện.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các sinh viên đại học Claretianum nhân Năm Đời Thánh Hiến, các nữ tu dòng Thánh Thể nhân mừng kỷ niệm 300 năm thành lập, cũng như các linh mục Lòng Chúa Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, hàng trăm người đau yếu ngồi trên xe lăn, và các đôi tân hôn ĐTC khuyến khích mọi người can đảm làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh trong gia đình, môi trường sống và làm việc mỗi ngày. Ngài xin mọi người đừng quên rằng Lòng Thương Xót Chúa là ơn đẹp nhất Chúa ban nhân loại.

ĐTC xin Thiên Chúa Cha an ủi các anh chị em đau yếu, và ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết noi gương lòng thương xót Chúa trong cuộc đời tình yêu hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi

VATICAN. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy xuất hành, ra khỏi bản thân và con người cũ, để tiến bước theo tiếng gọi của Chúa.

Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 52 sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 4 sau lễ Phục sinh, 26-4 tới đây, với chủ đề ”Xuất hành, kinh nghiệm cơ bản về ơn gọi”.

Trong sứ điệp công bố hôm 14-4-2015, ĐTC gợi lại kinh nghiệm xuất hành của Dân Chúa, của các Tổ Phụ trong Cựu Ước, và ngài khẳng định rằng:

”Nơi căn cội của mỗi ơn gọi Kitô có một chuyển động cơ bản của kinh nghiệm đức tin: tin có nghĩa là rời bỏ chính mình, ra khỏi tiện nghi thoải mái và sự cứng nhắc của cái tôi để tập trung cuộc sống của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô; giống như Tổ Phụ Abraham rời bỏ quê hương, lên đường trong niềm tín thác, vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chỉ đường cho để tiến về đất mới. Sự ”ra đi” này không phải là sự coi rẻ cuộc sống, tâm tình và nhân tính của mình, trái lại, ai lên đường theo Chúa Kitô thì sẽ tìm được cuộc sống sung mãn, đặt trọn bản thân phụng sự Thiên Chúa và Vương Quốc của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: ”Ai từ bỏ gia cư, hoặc anh em, chị em, cha mẹ, hay con cái, đồng ruộng, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và sẽ được sự sống đời đời làm gia sản” (Mt 19,29).

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Kinh nghiệm xuất hành chính là mô hình của đời sống Kitô, nhất là những người đón nhận ơn gọi đặc biệt tận hiến phục vụ Tin Mừng. Kinh nghiệm ấy hệ tại thái độ luôn tái hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước, đi từ sự chết đến sự sống.. Ơn gọi luôn luôn là một hoạt động của Thiên Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ban đầu của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi tập quán và sự dửng dưng, phóng chúng ta hướng về niềm vui hiệp thông với Thiên chúa và anh chị em. Vì thế, đáp lại tiếng gọi của Chúa chính là để cho Chúa làm cho chúng ta ra khỏi tình trạng ổn định giả tạo của mình để lên đường tiến về Chúa Giêsu Kitô là đích điểm đầu tiên và cuối cùng của đời ta, và là hạnh phúc của chúng ta”.

ĐTC nhận xét rằng ”tiến trình xuất hành hướng về Thiên Chúa và tha nhân như thế làm cho đời sống chúng ta đầy vui mừng và ý nghĩa”. Ngài đặc biệt nhắc nhở điều đó cho các bạn trẻ và nhắn nhủ rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, các bạn đừng sợ ra khỏi chính mình và lên đường! Tin Mừng là Lời giải thoát chúng ta, biến đổi và làm cho đời sống chúng ta trở nên tươi đẹp hơn.. Thật là đẹp dường nào khi để cho tiếng gọi của Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, đón nhận Lời Chúa và bước theo vết của Chúa Giêsu” (SD 14-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

Thổ nhĩ kỳ phản đối Tòa Thánh

ANKARA. Chiều ngày 12-4-2015, chính phủ Thổ nhĩ kỳ đã triệu hồi đại sứ cạnh Tòa Thánh để ”tham khảo ý kiến” cũng là để phản đối việc ĐTC dùng từ ”diệt chủng” để gọi cuộc tàn sát gần 1 triệu rưỡi người Arméni do Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ kỳ gây ra cách đây 100 năm.

 

Đầu thánh lễ sáng chúa nhật 12-4-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm 100 năm cuộc tàn sát người Arméni, ĐTC Phanxicô đã lấy lại thành ngữ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 trong tuyên ngôn chung năm 2001 với Đức Thượng Phụ Karekin II của Giáo Hội Arméni Tông Truyền, gọi vụ sát hại mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm là ”cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20”, tiếp đến là các dân tộc khác: Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác.”

 

Sau việc này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Ankara, là Đức TGM Antonio Lucibello, đến để phản đối và bày tỏ sự phẫn nộ của chính phủ Thổ. Tiếp đến vào ban chiều, chính phủ nước này đã triệu hồi đại sứ Thổ cạnh Tòa Thánh là ông Kenan Gursoy.

 

Thủ tướng Ahmed Davutoglu của Thổ cho rằng với những lời tuyên bố về diệt chủng, ĐGH ”củng cố trào lưu kỳ thị chủng tộc ở Âu châu”, khích động sự oán thù nơi người Arméni”.

 

Từ lâu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng mọi phương thức ngoại giao để ngăn cản các nước khác gọi cuộc thảm sát người Arméni là một ”cuộc diệt chủng”.

 

Hồi năm ngoái, chính phủ Thổ cũng đã triệu hồi đại sứ tại Paris sau khi Pháp tuyên bố nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni. Nhưng ít lâu sau đó vụ này lại êm đi và Đại sứ Thổ trở lại nhiệm sở ở Paris.

 

Nguồn tin từ Tòa Thánh cho biết sự việc đã rõ ràng và không có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này và hy vọng tình hình sẽ lắng dịu đi. Hồi năm 2001, chính phủ Thổ cũng đã mạnh mẽ phản đối tuyên ngôn chung của ĐGH Gioan Phaolô 2 và Đức Thượng Phụ Karekin II nói đến cuộc diệt chủng (Tổng hợp 12-4-2015)

 

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

60000 người dự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa chúa nhật 12-4-2015, lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa, 60 ngàn người từ các nơi đã tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với ĐTC.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ và Ngài bảo thánh Tôma hãy xỏ tay vào các vết thương của Ngài và đừng cứng lòng tin nữa.

ĐTC nhận xét rằng ”Chúa đã đáp ứng sự cứng lòng tin của Tôma, để qua những dấu hiệu khổ nạn của Ngài, ông có thể đạt tới niềm tin sung mãn về sự phục sinh, niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giêsu”.. Khi tiếp xúc với các vết thương của Đấng Phục Sinh, Tôma biểu lộ các vết thương của mình, tình trạng bị xâu xé, sự tủi nhục của mình; trong các dấu đanh, ông tìm được bằng chứng vững chắc mình được yêu thương, được chờ đợi, được cảm thông. Ông đứng trước một Đức Messia đầy dịu dàng, thương xót, từ ái. Đó chính là Chúa mà ông tìm kiếm trong thẳm sâu con người của ông, vì ông đã luôn biết trước là như thế. Và bao nhiêu người trong chúng ta tìm cách gặp Chúa Giêsu trong thẳm sâu tâm hồn, Chúa Giêsu dịu dàng, thương xót, từ ái! Vì trong thẳm sâu của tâm hồn chúng ta biết Người là như thế. Sau khi tìm được tiếp xúc bản thân với sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn thương xót của Chúa Kitô, Tôma hiểu ý nghĩa sâu xa của sự sống lại, và được biến đổi trong nội tâm, ông tuyên xưng niềm tin trọn vẹn nơi Chúa và thốt lên: ”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (v.28). Câu nói này của Tôma thật là đẹp!

Thánh nhân đã biết ”động chạm đến” mầu nhiệm vượt qua biểu lộ trọn vẹn tình thương cứu độ của Thiên Chúa, giàu lòng xót thương (Xc Ep 2,4). Và như thánh Tôma, tất cả chúng ta cũng vậy: trong chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong các vết thương của Đấng Phục Sinh lòng thương xót của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi giới hạn của nhân trần và chiếu tỏa rạng ngời trong đêm tối của sự ác và tội lỗi. Một thời điểm khẩn trương và kéo dài để đón nhận những phong phú vô biên của tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Năm Thánh Đặc Biệt về lòng thương xót, tôi đã công bố Tông Sắc ấn định Năm này tối hôm qua (11-4) tại Đền thờ thánh Phêrô này. Tông sắc ấy bắt đầu bằng câu ”Misericordiae vultus”, khuôn mặt thương xót, chính là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy luôn nhìn ngắm Ngài, Đấng luôn luôn tìm kiếm, chờ đợi, tha thứ cho chúng ta; Chúa rất từ bi, Ngài không sợ những lầm than khốn nạn của chúng ta. Trong các vết thương của Ngài, Ngài chữa lành chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi chúng ta. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng hãy có lòng từ bi thương xót đối với tha nhân như Chúa Giêsu thương xót chúng ta”.

Sau phép lành, ĐTC đã chào thăm nhiều nhóm hành hương, đặc biệt là ngài chào cộng đoàn Tân Dự Tòng ở Roma, bắt đầu sứ vụ đặc biệt trong các quảng trường thành phố này để cầu nguyện và làm chứng về đức tin.

ĐTC cũng không quên chào thăm và chúc mừng các tín hữu Kitô đông phương mừng lễ Phục Sinh vào ngày 12-4 này theo niên lịch Giuliano.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gregorio Nazek tân Tiến Sĩ Hội Thánh

VATICAN. Chúa nhật 12-4-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp tưởng niệm biến cố đau thương: 100 năm cuộc tiêu diệt gần 1 triệu 500 ngàn người Arméni do đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thánh lễ ngài cũng tôn phong thánh Gregorio Nazek người Armeni làm Tiến Sĩ Hội Thánh

Cuộc diệt chủng này xảy ra vào cuối triều đại của Vua Hồi giáo Abdul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là ”Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, sau khi đóng cửa các trường học, thánh đường và bãi bỏ các tổ chức Arméni, chính quyền Thổ hồi đó đã mở cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Chỉ những người nào chạy sang Nga, Siria và Liban mới thoát nạn.

Năm 1920, Hội nghị Paris đã nhìn nhận cuộc diệt chủng Arméni và nhiều nước khác cũng nhìn nhận biến cố này. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn phủ nhận sự kiện này, tuy rằng hồi năm 2014, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, nay là Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ, đã chia buồn với con cháu những người Arméni bị thảm sát.

Giáo Hội Arméni Tông Truyền được thánh Gregorio vị Soi Sáng thành lập cách đây hơn 17 thế kỷ, tức là vào năm 301, và hiện có tòa Tổng Thượng phụ ở Echmiadzin ở Cộng hòa Arméni, với các tín hữu ở Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Liban, Siria, Canada và nhiều nước khác. Ngoài ra có tòa Thượng Phụ ở Cilicia ở Liban.

Một ngành của Giáo Hội này đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540 ngàn tín hữu. Công Giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng với 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 LM bị giết.

Thánh lễ

Hiện diện trong thánh lễ từ 9 giờ sáng tại Đền thờ thánh Phêrô, có 9 ngàn tín hữu đa số là người Armeni đến từ các nơi trên thế giới, và đặc biệt có Tổng thống Cộng hòa Arméni, Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II ở Arméni và Thượng Phụ Aram I của Giáo hội Arméni Tông truyền ở Liban, Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công Giáo Arméni và hơn 20 GM của Giáo Hội này.

Đầu thánh lễ, trong lời chào mừng các vị lãnh đạo chính quyền và Giáo hội Arméni, Giáo Hội Tông truyền và Công Giáo, ĐTC tố giác thảm trạng diệt chủng mà dân tộc Arméni phải chịu cách đây 100 năm, cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ 20, tiếp đến là các dân tộc khác, Do thái, Kampuchia, Ruanda, Burundi, Bosnia và nhiều nước khác. Ngài nhận định rằng dường như nhân loại không thành công trong việc chấm dứt đổ máu người vô tội.. ”chúng ta chưa học được điều này: ”chiến tranh là một điều điên rồ, một cuộc thảm sát vô ích”.

Trước đó, ĐTC nhắc lại điều ngài đã nói khi định nghĩa ”thời nay, là một thời kỳ thế chiến tranh thứ 3 từng mảnh, trong đó chúng ta chứng kiến hằng ngày những tội ác, những cuộc tàn sát đẫm máu và sự tàn phá điên rồ. Rất tiếc ngày nay chúng ta còn nghe tiếng kêu bị bóp nghẹt và lãng quên của bao nhiêu anh chị em chúng ta vô phương thế tự vệ, vì niềm tin của họ nơi Chúa Kitô hoặc vì thuộc về một chủng tộc, họ bị giết công khai và tàn bạo – bị chém đầu, bị đóng đinh, bị thiêu sống – hoặc bị bó buộc phải rời bỏ quê hương của họ”.

”Cả ngày nay, chúng ta đang phải sống một thứ diệt chủng do sự dửng dưng phổ quát và tập thể gây ra, do sự im lặng đồng lõa của Cain, người ta tuyên bố ”Có hệ gì đến tôi đâu?”, ”tôi có phải là người canh giữ em tôi đâu!” (St 4,9).

Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn Arméni.

Tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh

Sau phần thống hối, là nghi thức tôn phong tiến sĩ Hội Thánh cho thánh Gregorio Narek.

Mở đầu, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, có vị thỉnh nguyện viên tháp tùng, tiến lên xin ĐTC phong thánh Gregorio Narek là tiến sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Rồi vị thỉnh nguyện viên gợi lại vài nét nổi bật trong cuộc sống của thánh nhân.

Thánh Gregorio sinh khoảng năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Ngài là cháu của tu huynh Anania Narekatsi, người sáng lập Đan viện Narek và là một trong những tiến sĩ nổi tiếng nhất thời ấy, với biệt danh là ”triết gia”.

Khi còn trẻ, Gregorio gia nhập Đan viện Narek nơi có một trường nổi tiếng về Kinh Thánh và Giáo Phụ học. Ngài sống tại đây suốt đời, thụ phong LM, đạt tới tột đỉnh sự thánh thiên và kinh nghiệm thần bí, chứng tỏ sự khôn ngoan qua nhiều tác phẩm thần học.

Người ta kể rằng thánh Gregorio đã được thị kiến về Đức Mẹ là Đấng mà cha đặc biệt sùng kính. Đặc tính này trong linh đạo của thánh nhân xuất hiện rõ ràng trong kinh nguyện thứ 80 và trong bài tụng ca kính Đức Mẹ là hai tác phẩm qua đó người ta có thể khám phá được một nền thần học Thánh Mẫu của thánh nhân.

Lúc sinh thời, thánh Gregorio đã nổi bật về sự thánh thiện và một số phép lạ. Năm 1003, ngài viết tác phẩm nổi tiếng nhất với tựa đề ”Sách ai ca”, cũng gọi là sách Narek. Đây là tác phẩm độc nhất thuộc loại này, gồm những lời cầu khẩn, những lời tự nhủ, đối thoại với Thiên Chúa.. Cuốn Narek gồm 95 chương, dài ngắn rất khác nhau. Thánh Gregorio qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni. Đan viện cũng như mộ thánh nhân bị phá hủy.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm.

Sau khi ĐHY Amato và vị thỉnh nguyện viên dứt lời, ĐTC đọc công thức như sau:

”Chúng tôi đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và của nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi được ý kiến của Bộ Phong Thánh, sau khi suy nghĩ lâu dài và đạt tới sự xác tín trọn vẹn và chắc chắn, với trọn quyền tông đồ, chúng tôi tuyên bố thánh Gregorio Narek, linh mục và đan sĩ, là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Thánh Gregorio Narek trở thành vị Tiến Sĩ thứ 36 của Hội Thánh, sau thánh nữ Hildegart von Bingen người Đức, và 3 thánh nữ: Têrêxa Chúa Giêsu, Catarina Siena, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và thánh Linh Mục Gioan Avila người Tây Ban Nha.

Bài giảng của ĐTC

Thánh lễ được tiếp tục và sau bài Tin Mừng được công bố bằng tiếng Arméni, ĐTC đã đi từ bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ các vết thương của Người cho thánh Tôma, mà ĐTC gọi là ”những vết thương thương xót”. Ngài nói:

”Chúa Giêsu mời chúng ta hãy nhìn các vết thương ấy, Chúa mời chúng ta hãy động chạm đến các vết thương đó như đã làm với thánh Tôma, để chữa lãnh sự cứng lòng tin của chúng ta. Nhất là Chúa mời gọi chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm các vết thương ấy, là mầu nhiệm lòng yêu thương từ bi của Người.

”Qua các vết thương đó, như một lỗ hổng sáng ngời, chúng ta có thể thấy trọn mầu nhiệm Chúa Kitô và Thiên Chúa: cuộc khổ nạn của Người, đời sống trần thế của Người – đầy tình cảm thương đối với những người bé mọn và bệnh tật – sự nhập thể của Chúa nơi cung lòng Mẹ Maria…”

ĐTC cũng đặt câu hỏi: ”Đứng trước những biến cố bi thảm của lịch sử loài người, nhiều khi chúng ta như bị đè bẹp và chúng ta tự hỏi: ”Tại sao?”. Sự tàn ác của con người có thể mở ra trên thế giới những vực thẳm, những hố trống lớn lao: trống rỗng tình thương, trống rỗng điều thiện, trống rỗng sự sống. Lúc ấy chúng ta tự hỏi: làm sao chúng ta có thể lấp đầy những vực thẳm ấy? Đối với chúng ta, đó là điều không thể làm được; chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố trống rỗng mà sự ác mở ra trong tâm hồn và trong lịch sử chúng ta. Chính Chúa Giêsu, nhập thể làm người và chịu chết trên thập giá, là Đấng lấp đầy vực thẳm tội lỗi bằng vực thẳm lòng thương xót của Người”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Anh chị em thân mến, đó là con đường mà Thiên Chúa đã mở ra để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi và cái chết, để bước vào miền đất sự sống và an bình. Con đường ấy chính là Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại, và nhất là các vết thương đầy lòng thương xót của Người.”

”Các thánh dạy chúng ta rằng thế giới thay đổi từ sự hoán cải tâm hồn của mình, và điều này xảy ra nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, ”đứng trước những tội lỗi của tôi cũng như những thảm trạng lớn lao của thế giới, ”lương tâm bị nao núng, nhưng sẽ không bị rúng động vì tôi nhớ đến những vết thương của Chúa. Thực vậy, Chúa đã bị đâm thâu qua vì tội lỗi chúng ta” (Is 53,5).

Cuối thánh lễ, Đức Tổng Thượng phụ Karekin II và Đức Thượng Phụ Aram I của Giáo Hội tông truyền ở Arméni và Cilicia bên Liban đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và đồng thời cũng mạnh mẽ lên án cuộc diệt chủng mà dân tộc Arméni đã phải chịu. Đức Tổng thượng phụ cho biết ngày 23-4 tới đây, Giáo Hội Arméni Tông truyền sẽ tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng và ngài sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân Arméni bị tiêu diệt như thế. Còn Đức Aram I gọi đó thảm trạng diệt chủng này là một tội ác chống lại nhân loại.

Về phần Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX của Công giáo Armeni, ngài đã cám ơn ĐTC vì đã tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội thánh, vị thánh được dân tộc Armeni sùng kính bậc nhất và ảnh hưởng sâu rộng đến lòng đạo đức của các tín hữu. Ngài nói: ”Trong dịp tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng sát hại gần 1 triệu rưỡi ngài Armeni vì họ là tín hữu Kitô, con tin tưởng rằng việc tôn phong thánh Gregorio Narek làm tiến sĩ Hội Thánh, sẽ là một biến cố làm gia tăng lòng sùng mộ đối với thánh nhân, và điều này sẽ giúp dân tộc Arméni khắc phục những bất hạnh và tai ương đã đổ ập trên họ cách đây một thế kỷ, và tất cả các dân tộc Kitô giáo, nhất là tại Trung Đông hiện nay đang chịu thảm trạng tương tự”.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hơn 60 ngàn tín hữu ở Quảng trường thánh Phêrô.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Công bố Tông Sắc Năm Thánh về lòng thương xót

Công bố Tông Sắc Năm Thánh về lòng thương xót

VATICAN. Chiều thứ bẩy 11-4-2015, Tông sắc của ĐTC ấn định Năm Thánh Ngoại thường về lòng thương xót của Chúa đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ ngày 8-12 năm nay và kết thúc vào ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô Vua.

Tông sắc dài mang tựa đề ”Misericordiae vultus” (Khuôn mặt thương xót) qua đó, ĐTC giải thích những lý do khiến ngài tuyên bố Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót, đồng thời đề ra những đường hướng giúp sống Năm Thánh tốt đẹp nhất.

Trước khi bắt đầu kinh chiều, tại tiền đường Đền thờ gần cửa Năm Thánh, trước sự hiện diện của gần 40 Hồng Y và 30 giám mục cùng các chức sắc khác, ĐTC đã đọc lời nguyện rồi trao Tông Sắc cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, và 3 Đền thờ khác, 3 Hồng y Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đông Phương và Truyền giáo, cũng như cho đại diện các Giáo Hội rải rác trên thế giới và cho 7 Đức Ông Công chứng viên Tông Tòa.

Một Đức Ông Công chứng đã đọc một vài đoạn trong Tông Sắc trước Cửa Năm Thánh ở cuối đền thờ thánh Phêrô.

Tông sắc gồm 3 phần: trong phần đầu ĐTC đào sâu ý niệm Thương xót, trong phần hai ngài trình bày một số gợi ý để cử hành Năm Thánh. Sau cùng phần ba chứa đựng một số lời kêu gọi.

Nội dung Tông Sắc ”Miresicordiae vultus”

I- Phần thứ I: ý niệm Lòng Thương xót

Trong phần này, ĐTC nhấn mạnh rằng việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô sẽ diễn ra vào ngày 8-12 năm nay vì hai lý do: thứ nhất vì ngày ấy trùng vào Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, là Đấng được Thiên Chúa muốn là ”người thánh thiện và không tỳ ố trong tình thương” ”để nhân loại không bị lẻ loi và lệ thuộc sự ác”. Thứ hai, ngày 8 tháng 12 tới đây cũng là ngày kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican 2 là Công đồng đã ”phá đổ những bức tường thành khép kín Giáo Hội trong thời gian quá lâu trong một thành trì đặc ân”, để đưa Giáo Hội ”loan báo Tin Mừng một cách mới mẻ”, sử dụng ”liều thuốc thương xót, thay vì dùng những võ khí ngặt nghèo”, như Đức Gioan 23 đã nói.

Trong mỗi giáo phận cũng có một Cửa Thánh

Tiếp đến, ĐTC Phanxicô loan báo rằng chúa nhật 13-12 năm nay, chúa nhật thứ 3 mùa vọng, ngài sẽ mở Cửa Năm Thánh tại Nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, tức là Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano. Sau đó các Cửa Năm Thánh tại các Vương cung thánh đường giáo hoàng khác ở Roma cũng được mở ra. Ngoài ra, ĐTC qui định rằng trong mỗi giáo phận và cả các Đền thánh cũng sẽ mở Cửa Thương Xót như thế trong trọn Năm Thánh, để Năm Thánh này cũng có thể được cử hành ở cấp địa phương, ”như một dấu chỉ hiệp thông của toàn thể Giáo Hội”.

Lòng thương xót, xà nhà của Giáo Hội

ĐTC viết: lòng thương xót là ”Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”; lòng thương xót là ”luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; là ”xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; ”là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”. Có nhiều định nghĩa ĐTC Phanxicô dành cho lòng thương xót, ngài nhấn mạnh rằng lòng thương xót ”không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là ”vĩnh cửu” vì ”đời đời con người sẽ luôn ở dưới cái nhìn thương xót của Chúa Cha”. Trong Chúa Giêsu, ”tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì ”con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”.

Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh một điều quan trọng: lòng thương xót ”không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa”. Trong thực hành, ”tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên”: vì thế, ”tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta.. chính là một mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua”. ĐTC nhận xét rằng bao nhiêu lần, tha thứ dường như là điều khó khăn, nhưng ”tha thứ chính là phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn”, ”để sống hạnh phúc”.

ĐTC viết thêm rằng: cả ”uy tín, sự đáng tín nhiệm của Giáo Hội cũng tiến qua con đường từ bi thương xót và cảm thương”: ”có lẽ trong thời gian quá dài, chúng ta đã quên ấn định và sống con đường thương xót”, chiều theo cám dỗ ”luôn đòi hỏi công lý và chỉ có công lý”, trong lúc nơi nền văn hóa hiện nay, ”kinh nghiệm về sự tha thứ ngày càng trở nên khan hiếm”. Từ đó, ĐTC nhắn nhủ Giáo Hội hãy đảm nhận trách vụ ”vui mừng loan báo sự tha thứ”, ”là sức mạnh làm tái sinh vào cuộc sống mới và mang lại can đảm để hướng nhìn về tương lai trong niềm hy vọng”

Khẩu hiệu của Năm Thánh là: hãy có lòng thương xót như Chúa Cha

Tiếp tục Tông Sắc, ĐTC nhắc nhở rằng chủ đề lòng thương xót là điều mà ngài đặc biệt quí chuộng, đến độ đã chọn khẩu hiệu GM của ngài là ”Miserando atque eligendo” (Người cảm thương và chọn [Ông Matthêu], đây là một thành ngữ ”vẫn luôn gây ấn tượng mạnh cho tôi”. Rồi ĐTC trích dẫn thông điệp ”Dives in misericordia” (Thiên Chúa giàu lòng xót thương) của Đức Gioan Phaolô 2. ĐTC nhấn mạnh ”sự cấp thiết phải loan báo và làm chứng về lòng thương xót trong thế giới ngày nay” với một ”lòng hăng say mới mẻ và bằng một hoạt động mục vụ được đổi mới”, vì đó là ”điều có tính chất quyết định đối với Giáo Hội và đối với uy tín việc loan báo của Giáo Hội”. ”Nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải trở thành điều hiển nhiên tỏ tường”, ”và nơi nào có các tín hữu Kitô, thì bất kỳ ai cũng có thể tìm được một ốc đảo từ bi thương xót”.

Phần thứ I trong Tông Sắc của ĐTC kết thúc với lời nhấn mạnh về khẩu hiệu của Năm Thánh, nghĩa là ”Các con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha”, câu này trích từ Tin Mừng theo thánh Luca, đoạn 6 câu 36. Đây chính là ”một chương trình sống rất đòi hỏi, đầy hoan lạc và an bình”. ĐTC tái kêu gọi các tín hữu hãy có khả năng ”lắng nghe Lời Chúa.. để có thể chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa và đón nhận lòng thương xót như chính lối sống của mình”.

II- Sang phần thứ II của Tông Sắc, ĐTC trình bày chủ đề:

“Làm thế nào để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”. Ngài đưa ra một số chỉ dẫn thực hành, ví dụ:

– Đi hành hương, vì hành hương sẽ là một ”dấu chỉ nói lên sự kiện cả lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần đạt tới, nó đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh”.

– Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, xa tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và hãy đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ.

– Cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”, ”quan tâm đến bao nhiêu anh chị em bị tước đoạt phẩm giá”, “Ước gì tiếng kêu của họ trở thành tiếng kêu của chúng ta và cùng nhau chúng ta có thể phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ”.

– Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, để ”thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”. Đàng khác, ĐTC nhấn mạnh sứ mạng của Chúa Giêsu là: mang lại an ủi cho người nghèo, loan báo sự giải thoát cho các tù nhân của các chế độ nô lệ tân thời, trả lại thị giác cho người co cụm vào mình, trả lại phẩm giá cho người bị tước mất, có khả năng ”chiến thắng sự dốt nát mà hàng triệu người đang phải chịu trên thế giới, nhất là các trẻ em không được trợ giúp cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo”. Như thánh Gioan Thánh Giá đã nói, ”vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái”.

– Trong các giáo phận, hãy gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối ”24 giờ cho Chúa”, sáng kiến này cần cử hành vào những ngày thứ sáu và thứ bẩy tuần thứ tư mùa chay. Đặc biệt ĐTC nêu bật rằng bao nhiêu người trẻ đang đến gần bí tích Hòa Giải là bí tích giúp ”động chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa”, nhờ đó nhiều người trẻ cảm thấy có thể ”tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình”.

Các linh mục được phép tha những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh

Có một đoạn trong đó ĐTC bàn về đề tài tha tội: nhất là ngài cầu mong rằng ”các vị giải tội hãy trở thành dấu chỉ đích thực về lòng thương xót của Chúa Cha”, không phải bằng cách 'sáng tác' theo hứng trong nghĩa vụ này, nhưng bằng cách trở thành những ”hối nhân đầu tiên tìm ơn tha thứ”. ”Vì thế, mỗi vị giải tội, như người trung thành phục vụ ơn tha thứ của Thiên Chúa, phải đón nhận các tín hữu ”như người cha trong dụ ngôn người con trai hoang đàng”, hoặc ”như một người cha chạy ra gặp con mình, dù người con ấy đã phung phí của cải của cha”. Vì thế, các vị giải tội ”đừng đặt những câu hỏi không thích hợp”, ”nhưng biến đón nhận nơi tâm hồn mỗi hối nhân lời kêu cầu trợ giúp và xin tha thứ”, các vị giải tội được mời gọi luôn luôn trở thành dấu chỉ sự tối thượng của lòng thương xót, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, và dù thế nào đi nữa”.

Tiếp đến ĐTC loan bào rằng trong Mùa Chay Năm Thánh, ngài sẽ gửi các Thừa sai của lòng thương xót, tức là những linh mục mà ngài ”ban quyền được tha cả những tội dành quyền giải cho Tòa Thánh”. Ngài giải thích rằng ”các thừa sai ấy là dấu chỉ sự quan tâm từ mẫu của Giáo Hội đối với dân Chúa, và sẽ là những vị kiến tạo nơi mọi người ”một cuộc gặp gỡ đầy tình người, nguồn mạch sự giải thoát, đầy tinh thần trách nhiệm để khắc phục những chướng ngại và trở lại cuộc sống mới của bí tích rửa tội”. Đồng thời ĐTC yêu cầu tổ chức ”các cuộc đại phúc” trong các giáo phận, để những thừa sai vừa nói đến loan báo niềm vui của ơn tha thứ”.

 Ân xá

 Một yếu tố đặc biệt của Năm Thánh là Ân xá, ân xá chứng tỏ rằng ”sự tha thứ của Thiên Chúa đối với các tội lỗi của chúng ta không có giới hạn”. Thực vậy trong bí tích Hòa Giải, tội lỗi bị xóa bỏ nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa, với ân xá, tội nhân được giải thoát khỏi ”dấu vết tiêu cực”, khỏi mọi tàn tích do hậu quả của tội, tàn tích còn lại nơi đường lối cư xử và tư tưởng của chúng ta. Theo nghĩa đó, người được ân xá, thì có khả năng hành động trong tình bác ái, tăng trưởng trong tình thương, thay vì tái sa ngã phạm tội.

III- Trong phần thứ ba của Tông Sắc, ĐTC đưa ra một số lời kêu gọi:

– Với những thành phần thuộc những nhóm tội phạm, ngài viết: ”Vì thiện ích của anh chị em, tôi xin anh chị em hãy thay đổi cuộc sống.. đừng tiếp tục dửng dưng đối với lời kêu gọi hãy cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. ”Tiền bạc không mang lại hạnh phúc chân thực. Nó chỉ là một ảo tưởng và bạo lực sử dụng để tích lũy tiền bạc đẫm máu không làm cho người ta quyền năng và cũng chẳng trở nên bất tử. Không ai có thể tránh thoát sự phán xét của Thiên Chúa.”

– Với những người gây ra hoặc đồng lõa với sự tham nhũng, ĐTC nói: ”Đây là lúc thuận lợi để thay đổi cuộc sống! Chỉ cần đón nhận lời mời gọi hoán cải và tùng phục công lý trong khi Giáo Hội trao tặng lòng thương xót”. Ngoài ra, ĐTC cũng nhấn mạnh rằng sự tham nhũng là ”một tai ương làm cho xã hội ung thối, một tội trọng kêu thấu tới trời, vì nó làm thương tổn tận gốc rễ cuộc sống cá nhân và xã hội. ”Nó là một sự miệt mài ở lại trong tội lỗi, muốn thay thế Thiên Chúa bằng ảo tưởng tiền bạc như một hình thức quyền năng; tham những là một ”công trình của đen tối, được nâng đỡ bằng sự ngờ vực và mưu mô”: nó là một cám dỗ mà không ai có thể cảm thấy mình được miễn nhiễm. Từ đó ĐTC kêu gọi hãy loại trừ tai ương tham nhũng ra khỏi đời sống cá nhân và xã hội, bằng cách sử dụng khôn ngoan, cảnh giác, lương thiện, minh bạch, cùng với sự can đảm tố giác.

– Về việc đối thoại liên tôn, ĐTC nhắc nhở rằng: Do thái giáo và Hồi giáo đều coi lòng thương xót là một trong những phẩm tính cao trọng nhất của Thiên Chúa và hai tôn giáo này cũng tin rằng không ai có thể giới hạn lòng thương xót của Chúa, vì những cánh cửa của Chúa mở rộng. ĐTC cầu mong rằng Năm Thánh có thể ”tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ với hai tôn giáo ấy và với những truyền thống tôn giáo cao quí khác, làm cho mọi người cởi mở hơn đối với sự đối thoại, loại bỏ mọi hình thức khép kín, khinh rẻ, khu trừ mọi hình thức bạo lực và kỳ thị.

– Về tương quan giữa công lý và lòng thương xót: đây không phải là hai khía cạnh tương phản với nhau, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại duy nhất, hai khía cạnh này phát triển đến độ đạt tới tột đỉnh trong tình yêu sung mãn. Chúa Giêsu đã tách rời khỏi quan niệm vụ luật thuần túy, hoặc thái độ chỉ lo tuân giữ luật lệ, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng ”đại hồng ân lòng thương xót tìm kiếm những người tội lỗi để cống hiến cho họ ơn tha thứ và cứu độ”. ĐTC giải thích rằng: “Công lý của Thiên Chúa chính là sự tha thứ của Chúa”, và đó chính là vị thế tối thượng của lòng thương xót, là chiều kích cơ bản trong sứ mạng của Chúa Giêsu, vì ”không phải sự tuân giữ luật mang lại ơn cứu thoát, nhưng là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô”. Theo nghĩa đó, ”lòng từ bi không trái với công lý”, vì qua đó, Thiên Chúa cống hiến cho tội nhân cơ hội ”hồi tỉnh lại, hoán cải và tin tưởng”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là ”hạ giá công lý hoặc làm cho công lý trở nên thừa thãi, trái lại: ai lầm lỗi thì phải đền bù, chịu hình phạt. Có điều là sự kiện này không phải là mục đích, nhưng là khởi đầu của một cuộc hoán cải, để họ cảm nghiệm được sự dịu dàng của ơn tha thứ. Xét cho cùng, tình thương ở nơi nền tảng của một nền công lý đích thực”.

Kết luận

Trong phần kết luận Tông Sắc, ĐTC nhắc đến hình ảnh Đức Maria, ”Mẹ Thương Xót”, cuộc sống của Mẹ được uốn nắn nhờ sự hiện diện của lòng thương xót nhập thể. Là hòm bia giao ước giữa Thiên Chúa và loài người, Mẹ Maria chứng thực rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa không có giới hạn và đi tới mỏi người không trừ một ai. Trong cùng viễn tượngấy, ĐTC cũng nhắc đến thánh nữ Faustina Kowalka, là ”vị đã được kêu gọi đi vào chiều sâu lòng thương xót của Chúa”.

Tông sắc của ĐTC kết thúc với lời mời gọi ”hãy để cho Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên, Chúa là Đấng không bao giờ mỏi mệt trong việc mở rộng cánh cửa tâm hồn của Người cho loài người. Vì thế, nghĩa vụ đầu tiên của Giáo Hội là dẫn đưa tất cả mọi người vào trong mầu nhiệm cao cả Lòng Thương xót của Thiên Chúa, chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa Kitô, nhất là trong thời điểm như ngày nay, đầy những hy vọng lớn lao và những mâu thuẫn mạnh mẽ.

Chúa nhật 12-4-2015, cùng Tông Sắc của ĐTC sẽ được công bố trong lễ nghi phụng vụ tại 3 Đại vương cung thánh đường ở Roma: tại Đền thờ thánh Gioan Laterano lúc 5 giờ chiều, do ĐHY Giám quản Agostino Vallini chủ sự; tại Đền thờ Đức Bà Cả do ĐHY Santos Abril y Castello, trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng cùng với Kinh Sĩ đoàn của Đền thờ này; còn tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, trong thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi sáng do ĐHY James Michael Harvey chủ sự.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

Đức Thánh Cha bênh vực người nghèo tại Thượng đỉnh Mỹ Châu

VATICAN. Đức Thánh Cha kêu gọi các nước giàu đừng nghĩ rằng để cho người nghèo được hưởng những mảnh bánh vụn rơi từ bàn ăn của mình là đủ rồi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu kỳ 7, nhóm tại Thành Phố Panama trong hai ngày 10 và 11-4-2015 với sự tham dự của 37 vị nguyên thủ quốc gia, trong đó lần đầu tiên có chủ tịch Raul Castro của Cuba và ông đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ.

Sứ điệp của ĐTC đã được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Hội nghị, qua đó ngài cầu xin Thiên Chúa cho Hội nghị, ”nhờ sự chia sẻ các giá trị chung, đạt tới những quyết tâm cộng tác trong lãnh vực quốc gia hoặc miền, đương đầu thực tế với các vấn đề và truyền đạt niềm hy vọng”.  ĐTC cho biết ngài hoàn toàn đồng ý với chủ đề Hội nghị thượng đỉnh là ”Thịnh vương trong công bằng: thách đố cộng tác tại Mỹ châu”. Ngài viết: ”Tôi xác tín rằng sự sự chênh lệch, phân phối bất công sự giàu sang và tài nguyên, chính là nguồn mạch gây ra những xung đột và bạo lực nơi các dân tộc, vì nó giả thiết rằng sự tiến bộ của một số người được kiến tạo bằng sự nhất thiết hy sinh của những người khác, và để có thể sống xứng đáng, thì phải chiến đấu chống lại người khác. Sự sung túc đạt được như thế là điều bất công từ cội rễ và xúc phạm đến phẩm giá con người”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”thách đố lớn trên thế giới ngày nay là hoàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ thay vì thứ hoàn cầu hóa sự kỳ thị và dửng dưng, và bao lâu người ta chưa đạt được một sự phân phối đồng đầu các tài nguyên phong phú, thì sẽ không giải quyết được những tai ương trong xã hội chúng ta” (Xc Evangelii Gaudium 202).

ĐTC ghi nhận trong nhưng năm gần đây nhiều nước đạt được sự tiến bộ kinh tế mạnh mẽ, nhưng vẫn còn nhiều nước khác ở trong tình trạng nghèo đói. Hơn nữa trong các nước đang lên, đa số dân không được hưởng sự tiến bộ kinh tế chung, và thường thường hố chia cách giữa người giàu và người nghèo trở nên sâu rộng hơn. Ngài phê bình lý thuyết sai lầm gọi là ”những giọt nước rơi” và sự ”tràn ra thuận lợi” (Xc Evangelii Gaudium 54): hy vọng những người nghèo nhặt được những mẩu bánh vụn rơi từ bàn ăn của người giàu, đó là điều sai lầm. Cần có những hoạt động trực tiếp bênh vực những người kém may mắn nhất, quan tâm tới những người bé bỏng nhất trong một gia đình, phải là ưu tiên của các chính quyền. Giáo Hội luôn bảo vệ sự thăng tiến con người cụ thể (Centesimus annus 46), chăm sóc các nhu cầu của họ và giúp họ cơ hội phát triển”.

Trong sứ điệp, ĐTC đặc biệt lưu ý vấn đề di cư. Sự chênh lệch quá lớn về cơ hội giữa một số nước khiến cho nhiều người buộc lòng phải rời bỏ quê hương, gia đình của mình, và họ dễ trở thành con mồi cho nạn buôn người và lao động như nô lệ, không được quyền lợi cũng chẳng được công lý… Đó là những tình trạng trong đó nếu chỉ duy trì luật lệ để bảo vệ các quyền căn bản của con người thì không đủ.. Trong những tình trạng ấy, luật lệ mà không có lòng từ bi thương xót, thì không đáp ứng công lý”. (SD 11-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị đào tạo thuộc các dòng tu

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu trước tiên hãy trở thành những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 11-4-2015, dành cho 1300 vị đặc trách đào tạo trong các dòng tu và tu đoàn từ các nơi về Roma tham dự Hội nghị quốc tế từ ngày 7 đến 11-4 do Bộ các dòng tu tổ chức về chủ đế ”Sống trong Chúa Kitô theo hình thức cuộc sống Tin Mừng”. Tham dự Hội nghị có một số chị giáo người Việt thuộc các dòng như dòng thánh Phaolô thành Chartres, dòng Con Đức Bà Phù Hộ, dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm, v.v..

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi ở nhiều nơi, và ngài nói: ”Tôi xác tín rằng không có khủng hoảng ơn gọi tại những nơi có những tu sĩ có khả năng thông truyền vẻ đẹp của đời thánh hiến bằng chính chứng tá của mình… Anh chị em được kêu gọi thi hành sứ vụ đó.. Anh chị em không phải chỉ là thày dạy, nhưng nhất là anh chị em là những chứng nhân về sự theo Chúa Kitô trong đoàn sủng của anh chị em.. Từ đó, anh chị em cũng phải quan tâm đến sự huấn luyện chính bản thân mình, đi từ tình bạn mật thiết với Thầy duy nhất của chúng ta”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các vị đào tạo trong các dòng tu hãy có một trong các phẩm tính, đó là một trái tim quảng đại đối với người trẻ, để hình thành nơi họ những trái tim quảng đại, có khả năng đón nhận mọi người, những trái tim đầy lòng từ bi thương xót, đầy dịu dàng. “Anh chị em không những là bạn hữu và là người đồng hành trong đời sống thánh hiến với những người được ủy thác cho anh chịem, nhưng còn là người cha, người mẹ đích thực của họ, có khả năng yêu cầu và trao ban cho họ những điều lớn lao nhất. Điều này chỉ có thể nhờ tình yêu, tình yêu của người cha ngừơi mẹ”.

ĐTC cũng xác quyết rằng ”Là nhà đào tạo, thật là điều tốt lành vì đó là một đặc ân được tham dự vào hoạt động của Chúa Cha, Đấng hình thành trái tim của Chúa Con nơi những người mà Chúa Thánh Linh kêu gọi. Đôi khi người ta cảm thấy việc phục vụ này như một gánh nặng, như thể người ta lấy mất của chúng ta một cái gì quan trọng hơn. Nhưng cảm tưởng như thế là một sự đánh lừa, một cám dỗ. Sứ vụ là điều quan trọng, nhưng huấn luyện để thi hành sứ vụ, để hăng say loan báo, ra đi khắp nơi, nơi mỗi môi trường ngoại biên, để nói với mọi người về tình thương của Chúa Giêsu Kitô, nhất là với những người ở xa, nói về tình thương của Chúa với những người bé mọn và nghèo hèn, và để được họ loan báo Tin Mừng cho, đó cũng là điều quan trọng”. (SD 11-4-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Dấu chân của Thiên Chúa

Dấu chân của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Nhiều năm trước đây có một nhà bác học vượt qua sa mạc với mấy người Ả Rập thông thạo dẫn đường. Nhà bác học để ý thấy cứ chiều đến, khi hoàng hôn sắp lặn sau bãi cát mênh mông vô tận, thì những người Ả Rập cùng đi đường đều dừng lại trải chiếu trên cát, mặt hướng về mặt trời chắp tay cầu nguyện. Nhà bác học hỏi:

– Các ông làm gì vậy?

Họ thản nhiên trả lời không chút do dự: Chúng tôi sấp mình thờ lạy và cầu nguyện cùng Allah là Thiên Chúa của chúng tôi.

Nhà bác học hỏi lại một cách mỉa mai:

– Vậy chứ các ông đã thấy Chúa bao giờ chưa? Có sờ tay đụng tới Ngài chưa? Hoặc đã nghe thấy tiếng của Ngài khi nào chưa?

Hướng dẫn viên Ả Rập mỉm cười đáp lại:

– Chưa, thực ra chúng tôi chưa hề mắt thấy tai nghe tiếng Chúa bao giờ cả?

Nhà bác học sửng sốt lên giọng:

– Các ông thực là những người điên, các ông mù quáng sấp mình thờ lạy một Chúa mà các ông chưa hề xem thấy hoặc tai chưa hề nghe tiếng Ngài.

Hướng dẫn viên Ả Rập giữ im lặng không đáp lại lời nào hết.

Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló dạng, nhà bác họ đã thức dậy, bước ra khỏi lều và nói với hướng dẫn viên:

– Ông hãy nhìn xem, chắc chắn là tối hôm qua có con lạc đà nào đã đi qua đây rồi.

Một tia sáng đầy hy vọng và vui mừng loé lên trong ánh mắt hướng dẫn viên. Ông cất tiếng hỏi nhà bác học những câu hỏi liên tiếp:

– Vậy thì chắc là ông đã thấy lạc đà đi ngang qua đây tối hôm qua chứ? Hoặc là tay ông đã sờ tới lông nó đang lúc ông ngủ chăng?

Nhà bác học thật thà đáp lại:

– Không, tối hôm qua tôi ngủ ngon, đâu có thấy lạc đà và cũng không sờ tới lông nó.

Hướng dẫn viên nói:

– Vậy thì ông cũng chẳng khác gì người điên. Ông quả quyết là lạc đà đã đi ngang qua đây tối hôm qua, trong khi ông lại nói là mắt ông không thấy, tai ông cũng không nghe tiếng chân lạc đà.

Nhà bác học cương quyết cãi lại:

– Nhưng đây là bằng chứng rõ ràng: Ông không trông thấy dấu chân lạc đà còn y nguyên trên mặt cát hay sao?

Cùng lúc đó, mặt trời từ từ ló rạng kéo dài những tia sáng rực rỡ trên mặt cát bao la. Hướng dẫn viên Ả Rập giang tay trịnh trọng tuyên bố:

– Này ông bạn của tôi ơi! Ông hãy nhìn xem mặt trời và những tia sáng rực rỡ huy hoàng kia, đó chính là dấu chân huy hoàng của Thiên Chúa, Chúa mà chúng tôi tôn thờ.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói với ông Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại khoa học. Đời sống được xây dựng trên khoa học, được hướng dẫn bởi khoa học, được đánh giá bằng khoa học. Cái gì cũng phải có khoa học. Mà khoa học thì phải chính xác, rõ ràng, có thể phân tích, mổ xẻ và kiểm nghiệm được. Tinh thần khoa học thực nghiệm được áp dụng vào mọi lãnh vực, kể cả tôn giáo. Người ta nhân danh khoa học mà phê phán tôn giáo. Cái gì có tính khoa học, kiểm nghiệm được mới đáng tin, ngoài ra là vấn đề tình cảm, cuồng tín, mê tín. Thái độ phê phán và não trạng thực nghiệm của con người thời nay không khác bao nhiêu so với tâm tính thực nghiệm và cứng rắn của Tông đồ Tôma thời xưa trong câu truyện Tin Mừng hôm nay.

Nghe các bạn kể lại: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa Phục Sinh”, ông Tôma vẫn không tin. Ông muốn dựa vào kinh nghiệm giác quan, chứ không phải dựa trên các chứng từ. Chúa Giêsu đã sẵn sàng đáp ứng và thoả mạn nguyện vọng của ông. Ngài đã hiện ra và bảo ông: “Tôma, hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy… Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi ông: “Đứng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin…”. Không những tin vì đã thấy mà còn phải tiến đến chỗ tin cho dù không được thấy. Dựa vào Lời Chúa, ông Tôma đã tin mà không cần kiểm chứng nữa. Lúc ấy, Chúa Giêsu mới mạc khải chân lý này: “Ai không thấy mà tin mới là người có phúc”.

Thưa anh chị em,

“Ai không thấy mà tin mới là người có phúc”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh gần 2000 năm, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự. Theo ý hướng đó, lời tuyên xưng của ông Tôma cũng phải là lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, của mỗi người ca vào Đức Kitô ”Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.

Niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh thực sự đem lại cho người Kitô hữu một niềm hân hoan khôn tả, như Thánh Phêrô đã xác quyết: “Dù bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng anh em tin, nên anh em sẽ được vui mừng khôn tả, vì đã nắm chắc thành quả của đức tin anh em, là ơn cứu độ” (1Pr 1,9). Niềm hân hoan đó không chỉ lắng sâu trong tâm hồn, mà còn tràn ra bên ngoài trong cuộc đời các Kitô hữu. Điển hình là niềm vui trong cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu, đều một lòng đoàn kết và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn thể dân chúng mến thương. Và số người cứu độ gia nhập cộng đoàn ngày càng thêm đông” (Cv 2,42-47).

Anh chị em thân mến, nếu Giáo Hội hôm nay có được cuộc sống như các tín hữu tiên khởi thì Giáo Hội lo sợ gì trước những tra vấn của khoa học. Chẳng những thế, Giáo Hội còn có khả năng cống hiến cho thời đại khoa học một lời chứng sống động, hùng hồn về hoạt động của Đấng Phục Sinh trong lịch sử, ngang qua cuộc sống dấn thân của các Kitô hữu để đem lại tình yêu và sự sống cho anh em đồng loại.

Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Và những người có lòng mến Chúa thường không cần phải tin, mà họ thấy. Thánh Tôma tiến sĩ cầu nguyện: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa”. Và có lẽ đó cũng là lời cầu xin của mỗi người tín hữu chúng ta, trong cuộc hành trình đức tin trên trần thế này cho đến ngày được xuất hiện trong vinh quang với Đấng Phục Sinh.

Veritas Radio

Bình an cho các con

Bình an cho các con

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh là Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Lễ Phục Sinh. Bài Phúc Âm hôm nay trích từ Phúc Âm thánh Gioan có thể được xem như là một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và hơn nữa là một tổng kết cho con đường đức tin của các Tông đồ, của các đồ đệ Chúa.

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các Tông đồ, củng cố đức tin của họ với hồng ân Thánh Thần và sai các ngài ra đi với sứ mạng mà Chúa đã chuẩn bị các ngài trong suốt thời gian đến Phục Sinh: "Như Cha đã sai Thầy, thì giờ đây Thầy cũng sai các con ra đi".

Con đường đức tin của các Tông đồ từ ngày được gọi theo Chúa cho đến giây phút quan trọng được củng cố bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh. Chọn theo con đường đức tin này như được gợi lại cho chúng ta chiêm ngắm nơi đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, trước hết chúng ta nhìn thấy các Tông đồ lo sợ thu mình lại trong căn phòng đóng kín, lo sợ trước những chống đối của những kẻ không tin Chúa, lo sợ trước mầu nhiệm thập giá mà Chúa đã trải qua và các ngài cũng sẽ phải trải qua, lo sợ trước sứ mạng tương lai mà họ đã nghe Chúa nói đến và đã được chuẩn bị để thi hành nhưng cảm thấy chưa đủ sức để thi hành. Nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh, nếu không có quyền năng Chúa Phục Sinh đến đổi mới con người họ thì đức tin của các Tông đồ chưa được trưởng thành hoàn toàn đúng mức Chúa mong muốn để có thể làm chứng cho Chúa, chu toàn sứ mạng Chúa trao phó cho.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta được chứng kiến một cuộc thay đổi quan trọng trong đời sống các Tông đồ, chứng kiến một cuộc đổi mới và kiện cường đức tin nơi các Tông đồ, từ lo sợ đến được củng cố để ra đi bắt đầu sứ mạng. Trước khi Chúa Phục Sinh hiện đến, các Tông đồ đang sống trong lo sợ, đóng kín nơi chính mình và đóng kín trong căn phòng. Ai trong chúng ta đã không trải qua một giai đoạn thử thách này và cũng có thể là đang trải qua thử thách đức tin, đó là những giây phút đen tối bị cám dỗ mất đức tin vào Chúa về những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống, về mầu nhiệm thập giá trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Trong bộ phim có tựa đề là Dấu Ấn Thứ Bảy, có một đoạn đối thoại thật ý nghĩa:

Thần chết hiện ra trong dung mạo của một người phàm và đã đối thoại với một dũng sĩ, cuộc đối thoại đó như sau:

Trước hết Dũng sĩ bắt đầu:

Tại sao Thiên Chúa lại ẩn mình? Tại sao Ngài không xuất hiện mạc khải chính mình cho chúng ta biết? Tại sao Thiên Chúa không đưa tay Ngài ra và chạm đến chúng ta? Tại sao ít ra là Ngài nói vài lời với chúng ta?

Thần chết trả lời:

Nhưng Thiên Chúa đâu có làm điều đó được, không phải vậy sao? Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói, Ngài chỉ giữ im lặng.

Dũng sĩ tiếp:

Đành vậy, Thiên Chúa không làm điều gì như vậy, Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói chuyện với chúng ta. Đôi khi tôi nghi ngờ không biết Ngài có thật sự hiện hữu ở bên kia nữa không?

Thần chết trả lời:

Có thể Ngài không hiện hữu ở bên kia, có thể không ai hiện hữu bên kia cả, có thể là tất cả chúng ta chỉ hiện diện một mình nơi cõi đời này mà thôi. Dũng sĩ có bao giờ nghĩ như vậy hay không? Có lẽ Thiên Chúa không có đâu, chỉ có chúng ta sống cô đơn lẻ loi một mình trong thế giới này mà thôi.

Anh chị em thân mến!

Mẫu đối thoại trên đây có thể làm chúng ta suy nghĩ thêm. Các Tông đồ ngày xưa là những kẻ duy nhất được nghe Chúa nói, được sống với Chúa như với một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, nhưng không phải vì thế mà các Ngài không bị thử thách, không bị lạc mất niềm tin vào Chúa khi Chúa trải qua cuộc khổ nạn, các Ngài phải tin vào Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và đã phục sinh.

Chúa cho các Tông đồ và đặc biệt là Tôma, cũng như chúng ta đã đọc qua trong bài Phúc Âm hôm nay, được dịp may kiểm chứng một cách cụ thể: "Tôma, con hãy xỏ tay con vào đây". Chúng ta ngày hôm nay không thể nào được diễm phúc kiểm chứng như vậy, như cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Dũng sĩ và Thần chết, nhưng như các Tông đồ ngày xưa, chúng ta cần tin vào Chúa để không còn sống trong lo sợ, để có đủ sức chu toàn sứ mạng của Chúa. Lời Chúa phán với Tôma cũng như cho chúng ta ngày hôm nay đó là: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".

Xin Chúa ban cho chúng ta hồn ân Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an của Ngài để củng cố chúng ta trong đức tin. Amen.

Veritas Radio

Ý nghĩa các vết sẹo

Ý nghĩa các vết sẹo

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại.Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại. Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1.  Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần.Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

2.  Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

Chàng trai ngac nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

Chàng trai thắc mắc:

– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn…

3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh.Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.

Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh!

Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, "chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?".

Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.

Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, "Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người".

Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: "Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ."

Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.

LM GIUSE Nguyễn Hữu An

BẢY DẤU ẤN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

BẢY DẤU ẤN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Mở đầu Sứ điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc lại lời thiên thần nói với các bà đến thăm mộ Chúa: “Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Chúa Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại… Các bà hãy đến xem chỗ Người đã nằm” (Mt 28,5-6). Từ đó, ĐTC nhấn mạnh: “Đây là đỉnh cao của Phúc Âm, là Tin vui tuyệt hảo: Chúa Giê-su, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại! Biến cố này là nền tảng của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta: nếu Chúa Ki-tô không sống lại, Ki-tô giáo chẳng còn ý nghĩa; toàn bộ sứ mệnh của Giáo hội sẽ mất hết động lực, bởi vì Giáo hội đã khởi đầu từ đó và luôn bắt đầu lại từ đó. Sứ điệp mà các Ki-tô hữu mang đến cho thế giới này là: Chúa Giê-su, Tình yêu nhập thể, đã chết trên thập giá vì tội chúng ta, nhưng Thiên Chúa Cha đã cho Người sống lại và đặt Người làm Chúa của sự sống và cái chết. Trong Chúa Giê-su, tình yêu đã chiến thắng hận thù, lòng thương xót chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, sự thật chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết.”

Bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ Thiên Chúa Tình Yêu giàu lòng thương xót nhân loại như thế nào. Xin cùng nhìn lại giờ phút cuối cùng trên thập tự giá, Chúa Giê-su đã ban 7 lời cuối thể hiện tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Suy niệm 7 lời cuối của Đức Giê-su, thấy rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho loài người là vô cùng vô tận, và vì thế có thể coi đó là 7 DẤU ẤN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Dấu ấn 1- “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23, 34).
 
Lề luật của Do-thái quy định: Luật báo phục tương xứng:Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (x. Đnl 19:21); “Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23-24). Chiếu theo Lề luật đó, thì những kẻ sỉ nhục, nhạo báng, đóng đinh giết Chúa Giê-su, cũng phải chịu sự báo phục tương xứng. Và khi Chúa tử nạn, thì đám người đó cũng phải chết theo.

Bước sang thời Tân Ước, chính Chúa Giê-su cũng cho biết ngày cánh chung (x. Mt 25, 31-46) Con Người sẽ ngự đến, “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (Mt 25, 32-33). Chiếu theo sự phân xử đó, thì chắc chắn đám người đã đóng đinh, sỉ nhục, nhạo báng Đức Giê-su, sẽ phải đứng ở bên trái Người và rất đáng được Đức Vua (Quan Tòa Chung Thẩm) kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.” Vậy mà Đức Vua Giê-su trên thánh giá đã không xử như thế, trái lại còn cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Như vậy thì phải hiểu vấn đề như thế nào?

Thực ra Lời tiên báo về ngày tận thế chỉ là lời cảnh báo cho người tín hữu biết mà lo “làm lành, lánh dữ” trước khi đã quá muộn. Chỉ những kẻ cố tình phạm tội mới bị kết án. Lời Chúa xin tha tội cho những kẻ đã đóng đinh Người trên thập giá, đã chứng minh điều đó (“vì chúng không biết việc chúng làm”, tức là không cố ý phạm tội). Cũng chính Đức Giê-su đã khẳng định: ”Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” (Lc 12, 19). Một cách cụ thể thì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vô lượng, vô biên. Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi xúc phạm đến Chúa, nên Người đã ban Thánh Thần soi sáng và thêm sức mạnh để ăn năn sám hối. Tuy nhiên nếu đã biết đó là tội mà còn cố tình phạm tội (tức là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần) thì tất nhiên án phạt thích đáng là không tránh khỏi.

Sách Giáo lý HTCG (số 1864) giải thích rõ: “Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm thượng đến Thần Khí sẽ chẳng được tha” (Mt 12, 31; Mc 3, 29; Lc 12, 10). Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ Lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời.”

Suy niệm Lời cuối thứ nhất của Đức Giê-su khi bước vào đỉnh điểm của cuộc Thương Khó, thì thấy đó chính là một dấu ấn đậm nét về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Điều đó nhắc nhở người Ki-tô hữu hãy tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, mọi tội lỗi đã mắc phạm sẽ được tha hết, nếu biết ăn năn dốc lòng chừa. Nhưng cũng đừng vì thế mà ỷ lại rồi khất lần “để đến ngày mai sẽ tính”, bởi ngày Đấng Xét Xử Công Chính sẽ đến như kẻ trộm, “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40). Nhà “phù thủy tin học” Steve Jobs, giám đôc điều hành công ty máy tính Apple, trước khi chết, đã để lại một lời khuyên mà ông vẫn coi là một châm ngôn: “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời”. Ông giải thích: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, đến lúc nào đó bạn sẽ tin tưởng rằng mọi điều bạn làm đã đúng”. Như vậy thì người Ki-tô hữu đừng để đến ngày mai những việc mà hôm nay có thể làm được, nhất là việc sám hối để canh tân con người và đời sống của mình.

Dấu ấn 2- “Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).
 
Từ Lời cuối thứ nhất có thể suy ra Lời cuối thứ hai (“Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta.” – Lc 23, 43). Đến những kẻ đã đóng đinh và giết Đức Giê-su, mà Người còn xin Chúa Cha tha cho chúng, thì những người tội lỗi đầy mình (như 2 tên trộm) Chúa cũng không chấp tội. Duy chỉ có điều là người phạm tội phải biết ăn năn, nếu muốn được tha tội. Cuộc đối thoại giữa hai tên trộm với nhau và với Chúa Giê-su đã nói rõ về điều này: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 39-43).

Sự kiện này gợi nhớ lại khi còn đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã bị bọn kinh sư và Pha-ri-sêu phê phán: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Họ còn “lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”, khiến “Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5, 30-32). Sứ vụ của Đức Giê-su là xuống trần gánh lấy tội lỗi của loài người, chịu khổ hình và chịu chết để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Duy chỉ có điều loài người tội lỗi có nhìn ra con người thật của mình không và từ đó ăn năn sám hối, như người trộm lành để được hưởng ơn cứu độ. Đó mới thực sự là chân lý, là cứu cánh cho cuộc sống chan đầy tội lỗi của nhân trần.

Thêm một dấu ấn minh chứng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Người tín hữu hãy nhìn cho rõ hình ảnh 2 tên trộm cướp, để thấy được rằng là con người thì ai ai cũng có tội. Vậy thì hãy từ bỏ ngay cái thói kiêu căng hợm hĩnh của tên trộm dữ, mà kiên quyết học theo người trộm lành, dốc một lòng tin tưởng vào Đấng Cứu Độ đã chịu khổ hình vì tội lỗi của nhân loại. Nhiên hậu hãy tha thiết cầu xin Người, như người trộm lành năm xưa: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhớ đến con, xin cứu con khỏi án phạt đời đời, để con được vào Nước của Ngài”.

Dấu ấn 3-“Thưa Bà, đây là con Bà, này con, đây là Mẹ của con” (Ga 19, 27).
 
Người Mẹ nào mà không đau khổ khi mất con, nhất là Người Con đó hoàn toàn vô tội mà bị xử tử bằng khổ hình ô nhục. Hiểu được nỗi đau khổ đó của Đức Mẹ, nên Chúa mới trao phó thánh Gio-an cho Đức Mẹ như một nguồn an ủi cho nỗi đau đứt ruột của Người Mẹ mất đi Người Con duy nhất. Đến như thánh Gio-an và nói chung là các môn đệ, trước khổ nạn thập hình của Thầy, tất cả đều như đám gà con mất mẹ. Đức Giê-su đã trao phó các môn đệ của mình cho Mẹ của Người là để các môn đệ có nơi nương tựa, có người chăm sóc. Đó mới chỉ là nhìn theo nhân sinh quan, nhưng cao hơn một bậc, nhìn theo nhãn quan siêu hình học, thì sẽ thấy Lời trao phó này còn hàm nghĩa sâu rộng hơn nhiều: Đức Giê-su trước khi về cùng Chúa Cha, Người đã lo cho Hội Thánh mà Người thiết lập, và trao phó cho Đức Mẹ giữ gìn chăm sóc. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, trao cho Mẹ thiên chức Mẹ Giáo Hội của Thiên Chúa thì còn gì chuẩn xác hơn?

Nhờ thế, các Tông đồ “đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1, 14). Cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần thì hoa trái của sự cầu nguyện giữa Mẹ và các con đã hiển hiên: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4). Nếu không nhờ dấu ấn đặc biệt này (trao Đức Mẹ cho thánh Gio-an và phó thác thánh Gio-an cho Đức Mẹ), thì thử hỏi chỉ với 12 vị Tông đồ tiên khởi (đã chọn ông Mát-thi-a thay thế Giu-đa It-ca-ri-ốt – Cv 1, 15-26), Giáo Hội có thể phát triển vượt bậc được như ngày nay không?

Khi Đức Giê-su trao Đức Mẹ cho thánh Gio-an và phó thác thánh Gio-an cho Đức Mẹ, thì cũng có nghĩa Người muốn cho người tín hữu thấy được chỉ có Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa mới đủ sức chở che, dẫn dắt đàn con cái trên hành trình tiến về quê Trời vĩnh cửu. Một cách cụ thể, Đức Giê-su muốn dạy các môn đệ phải hiểu và thực hành cho được châm ngôn sống: “Nhờ Mẹ, đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”. Lời Đức Giê-su dạy khi còn rao giảng Tin Mừng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5); mà muốn đến với Thầy để có thể làm được những việc Thầy trao phó, thì rất cần phải có Cây Cầu Nối, Đấng Trung Gian, đó chính là Đức Mẹ, không thể khác hơn. Hiểu được như vậy thì tại sao người Ki-tô hữu không hiệp nhất với nhau và với Giáo Hội “rước Đức Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27) như thánh Gio-an thủa xưa?

Dấu ấn 4-“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34).
 
Chúa chịu đựng mọi sự sỉ nhục của đám đông, sự bỏ rơi của các môn đệ và cả sự nhạo cười của những kẻ cùng bị đóng đinh với Ngườị. Trong khi đó, thì lại không thấy Chúa Cha hiện ra như khi Đức Ki-tô chịu phép rửa trên sông Gio-đan (x. Mt 3, 13-17), hay khi Người cầu nguyện trên núi Ta-bo (x. Lc 9, 28-36). Sự kiện này gợi nhớ đến lần cầu nguyện trên núi Cây Dầu (vườn Ghết-sê-ma-ni), Đức Ki-tô cũng đã lo lằng đến độ đổ cả mồ hôi máu ra và cầu xin “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26, 39). Mới chỉ nghĩ tới thôi mà đã lo lắng như thế, thì giờ đây trực tiếp uống “chén đắng” làm sao tránh khỏi ưu phiền tuyệt vọng và vì thế Chúa mới than thở gần như trách móc: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Lời than thở này phản ánh đúng thực chất bản tính loài người. Thực vậy, Chúa Giê-su “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Hiến chế “Mục Vụ về Giáo Hội – Gaudium et Spes”, số 22). Có một câu hỏi được đặt ra: “Đức Giê-su Thiên Chúa đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người, chịu khổ hình và chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Như vậy thì tại sao Người còn than thở gần như trách móc Chúa Cha như vậy?” Như đã phân tích, Chúa Giê-su Nhập Thể “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người”, nên tới giờ phút lên đến đỉnh điểm của sự cô đơn tuyệt vọng, Người than thở như vậy cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, ngay sau đó, bản tính Thiên Chúa lại nhắc nhở đến sứ mệnh của Người. Và Đức Giê-su tiếp tục “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8).

Tuy đây là Lời Đức Giê-su than thở cùng Đức Chúa Cha xuất phát từ nhân tính của Người; nhưng nếu nhìn vào thiên tính sẽ thấy Đức Giê-su đã “vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự”, thì chẳng lẽ công trình cứu chuộc nhân loại sẽ trở nên vô ích vì bị Chúa Cha “bỏ rơi” sao? Lại thêm một dấu ấn sáng ngời cho Lòng Chúa Thương Xót (Đức Ki-tô đã hấp hối mà vẫn không quên sứ vụ trọng đại mà Chúa Cha trao phó). Người Ki-tô hữu cần khắc sâu trong tâm khảm dấu ân trọng đại này, bởi không thể có sự kiện “Chúa Cha bỏ rơi Người Con” và vì thế Người Con Cả (Trưởng Tử Giê-su) tất nhiên cũng không quên đàn em thơ dại và yếu ớt, nên đã trao phó cho Mẹ Người chăm sóc. Hai dấu ấn 3 và 4 như một hệ luận tất yếu minh nhiên Lòng Chúa Thương Xót.

Dấu ấn 5- “Ta khát!” (Ga 19, 28).
 
Cái khát của Chúa Giê-su là hậu quả đau đớn của cực hình trên thập giá. Khi trình thuật sự kiện này, Thánh sử Gio-an viết: “Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19, 28). Thánh Gio-an nghĩ rằng cái khát của Chúa Giê-su đã đưa lên tột đỉnh ý nghiã của Kinh Thánh, đúng như Lời Chúa hằng nhấn mạnh: Tất cả mọi việc diễn ra trong công trình cứu độ dều “ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Lc 4, 21; Ga 19, 24.28.36-37). Thực vậy, Lời Chúa Giê-su đã gợi đến lời than trong Thánh Vịnh 69, trong đó tác giả là người “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân”. Tác giả nói rất rõ bị người đời thóa mạ, ruồng bỏ, đến độ “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69, 22). Sau khi nói “Ta khát” thì quả thực đám đông đã làm đúng như lời Thánh vịnh đã tiên báo: “Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người” (Ga 19, 29).

Đó là nói về tất cả sự kiện diễn ra trên Núi Sọ đều ứng nghiệm Lời Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngoài cái khát thể lý ra, Đức Giê-su trước khi chấm dứt sứ vụ tại trần gian để trở về cùng Chúa Cha, thì Người còn một cơn khát tinh thần luôn bốc lửa trong Thánh Tâm Người: Ấy chính là cơn khát lo cho Giáo Hội (mà Người đã khai sinh) được no thỏa hồng ân, vững bước trên hành trình đem hoa trái Tình Yêu Cứu Độ đến cho “mọi loài thụ tạo”. Loài người đã đáp ứng cái khát thể lý của Đức Giê-su bằng giấm chua, mật đắng (sỉ nhục, nhạo cười, đóng đinh, đưa giấm cho Người uống), thì cũng chẳng khác đáp ửng cái khát tinh thần của Chúa bằng tội lỗi ngập đầu và sự chết đời đời.

Lời Chúa “Ta khát” rất cần phải được in dấu ấn thật sâu đậm trong tâm khảm mỗi tín hữu Ki-tô giáo. Chúa Giê-su đã khao khát cho dân Người được hưởng đầy đủ Lòng Chúa Thương Xót trong mọi tình huống cuộc đời trần thế (cả tinh thần lẫn vật chất). Vậy thì xin hãy khao khát được tin nghe và thực hành liên lỉ Lời Chúa, để đáp ứng cơn khát của bản thân cũng như của anh em xa gần.

Dấu ấn 6- “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30).
 
Lời Chúa “Mọi sự đã hoàn tất” cho biết công trình của Chúa Giê-su “đã hoàn tất” theo nghĩa không còn gì để làm thêm nữa, đã chấm dứt. Đồng thời cũng hàm chứa ý nghịa là một “chung kết” theo nghĩa là “cùng đích” của tất cả những gì Lời Chúa đã tiên báo: hy vọng của Kinh Thánh về một Đấng Cứu Chuộc đã được đáp ứng tận tình. Rõ ràng sứ vụ Chúa Cha trao phó đã được Chúa Giê-su thực hiện hoàn hảo. Giờ phút cuối cùng trước khi trở về cùng Chúa Cha, Đức Giê-su đã nói lời này với chính mình, đồng thời cũng cho mọi người biết Người đã hoàn tất sứ vụ. Tuy nhiên, Đức Giê-su có chấm dứt hoàn toàn mối bận tâm về hành trình cứu độ nhân loại hay không, thì lại là chuyện khác.

Thật vậy, sau khi Đức Giê-su phán: “Mọi sự đã hoàn tất”, Thánh sử Gio-an ghi: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”, trong khi Thánh Mat-thêu ghi: “trút linh hồn”, còn Thánh Lu-ca và Mac-cô đều ghi là “Người tắt thở”. Điều này cho thấy Thánh sử Gio-an – nhờ được Thần Khí mạc khải – đã có ngụ ý riêng: Nếu chỉ là trút hơi thở cuối cùng thì ghi như thánh Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô là đủ; nhưng ở đây thánh Gio-an còn muốn người đọc (các tín hữu) hiểu sâu hơn và xa hơn: Tới giờ phút cuối cùng của cuộc sống trần thế, trước khi trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giê-su vẫn còn lưu tâm tới điều Người đã truyền (Lời thứ ba): “Thưa Bà, đây là con Bà, này con, đây là Mẹ con” (Ga 19, 27). Mà vì thế nên “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. Đó chính là: Người đã trao phó Chúa Thánh Linh (Thần Khí) cho Đức Mẹ và Giáo Hội mà Thánh Gio-an là đại diện trong giờ phút cực trọng này.

Một cách cụ thể thì Lời Chúa “Mọi sự đã hoàn tất” chỉ là nói về sứ vụ của Người nơi trần thế đã xong, nhưng Lòng Thương Xót của Chúa vẫn trải dài trong không gian và thời gian, “trải qua đời nọ tới đời kia” cho đến thiên thu vạn đại. Và như thế, dấu ấn chung cuộc về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ phai lạt, dù cho có thiên binh vạn mã của sự dữ, của Sa-tan cũng không xóa mờ được.

Dấu ấn 7-“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)
 
Thời điểm nghiêm trọng đã điểm: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.” Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23, 44-46). Lời cuối cùng và cũng là dấu ấn đậm nét nhất của Đức Giê-su trên thánh giá (“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”), chính là một lời kinh nguyện quen thuộc của người Do-thái trích dẫn từ cuốn Thánh Vịnh (xc. Tv 31, số 6). Điều đó cho thấy Chúa Giê-su luôn kết hợp với dân Người, và bày tỏ sự cậy trông nơi Chúa Cha bằng những lời mà tất cả mọi người có thể hiểu được dễ dàng.

Nếu chỉ nhìn vào Đức Giê-su với Lời cuối cùng này thì chỉ thấy lòng thương cảm trào dâng trước cảnh Người Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật phải chết trong ô nhục, cay đắng vì tội lỗi loài người. Tuy nhiên, mở rộng sụ quan sát ra toàn cảnh Núi Sọ, sẽ thấy ngoài quang cảnh thiên sầu địa thảm ra, còn có một cảnh tượng về con người: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về. Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23, 47-49). Đó là những nhân chứng đầu tiên cho vinh quang Thập Giá. Nói khác hơn đó là những hoa quả đầu mùa của Lòng Chúa Thương Xót tuôn trào nhựa sống từ Cây Nho Giê-su Ki-tô vậy.

Khoảng 10 ngày sau, thì hiện thực diễn ra đúng như Lời hứa trao Thần Khí của Chúa Giê-su: “Vào ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4). Hoa trái của Cây Nho Giê-su thật sự nở rộ “Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo”. Cộng đoàn tín hữu đầu tiên hình thành “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ” (Cv 2, 41-43). Và cho đến ngày nay thì Giáo hội vì luôn được “tràn đầy ơn Thánh Thần” phát triển vượt bậc tới năm châu bốn biển, cũng là nhờ Đấng Cứu Độ đã “trao Thần Khí” vậy.

KẾT LUẬN
 
Bảy Lời cuối của Đức Giê-su Ki-tô trên thập giá, như bảy dấu ấn về Lòng Thương Xót Chúa dành cho Giáo Hội và nói chung là toàn thể nhân loại. Tuy là Lời Chúa Giê-su dành cho loài người, nhưng phải hiểu đây chính là “ấn tín” Chúa Thánh Thần đóng trên mỗi Ki-tô hữu. Sách Giáo lý HTCG (số 698) đã cho biết định nghĩa về “Ấn tín”: “Ấn tín là biểu tượng gắn liền với biểu tượng “xức dầu”. Thật vậy, chính “Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận” (Ga 6, 27) Ðức Ki-tô và cũng đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người (2 Cr 1, 22; Ep 1, 13; 4, 30).

Người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy cầu xin Đức Giê-su Thiên Chúa cho thông hiểu về những dấu ấn quan trọng này, bởi chính “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, số 105).

Ôi! Lạy Chúa Giê-su, xin cho sứ điệp của Chúa qua bẩy lời cuối cùng trên thập giá, như bảy dấu ấn khắc sâu vào tâm khảm chúng con. Cúi xin Chúa ban Thần Khi cho chúng con để chúng con hiểu rằng chính 7 dấu ấn Lòng Chúa Thương Xót sẽ đem lại cho chúng con niềm hy vọng vững vàng. Ôi! Lạy Chúa! Xin ban đức tin cho chúng con, bởi đức tin chính là niềm hy vọng vào Ơn Cứu Chuộc của Chúa (*). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

JM. LÂM THY ĐVD

Chú thích: (*) xc. Thông điệp “Spe Salvi – Đức Tin là Hy vọng” (số 2)

 

Sứ điệp Lòng Thương xót cho người ngày này

Sứ điệp Lòng Thương xót cho người ngày này

Sứ điệp lòng thương xót cho con người ngày nay mang tính khẩn cấp đặc biệt. Thiên Chúa đã gởi một sứ điệp khẩn cấp đến với thế hệ chúng ta. Người muốn chúng ta đón nhận và thi hành.

Liệu chúng ta có quyền dùng ý chí tự do để sống theo ý mình, không quan tâm đến kế hoạch của Chúa và không đón nhận sứ điệp từ trời này không? Liệu chúng ta có quyền phớt lờ bao lời mời gọi tha thiết và mệnh lệnh của các Đức Thánh Cha, giờ là lúc trở về với lòng Chúa thương xót không? Có phải con người ngày nay đã rất trưởng thành, rất trần tục và rất độc lập đến độ không còn cần đến lòng Chúa thương xót đã được loan báo theo cách thức mới và khẩn cấp qua vị “Tông đồ và Thư ký” của lòng thương xót là nữ tu Faustina không?

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II chỉ thị: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”

• Thánh Nữ Faustina – “Tông Đồ và Thư Ký” của Lòng Chúa Thương Xót

Qua nữ tu Faustina, Chúa cho biết rõ là Ngài muốn lòng thương xót ấy phải được tôn vinh: Hãy ca ngợi và tôn vinh lòng thương xót của Ta (NK, 206); Ta đòi hỏi người ta tôn kính lòng thương xót của Ta (NK, 742) ; Nếu họ không tôn thờ lòng thương xót của Ta, họ sẽ tàn lụi đi (NK, 965); Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ (NK, 998); Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật (NK 1572). Đối với các linh mục công bố và tán dương lòng thương xót của Ta, Ta sẽ ban cho những quyền năng lạ lùng (NK, 1521); Đối với ai loan truyền lòng thương xót của Ta, Ta sẽ bảo vệ họ trong giờ chết (NK, 1540); Ta sẽ xử theo lòng thương xót của Ta vào giờ chết của họ (NK, 379); Danh tánh của họ được ghi trong cuốn sách sự sống này (NK, 689). Người cam đoan rằng: Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta (NK,723).

Loan truyền Tin Mừng Lòng Chúa Thương Xót chính là thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16; Lc 24,47; Mt 28,19; Cv 1,8). Đã là lệnh truyền của Chúa thì bất cứ ai, dù thích hay không thích, muốn hay không muốn, cũng phải thi hành. Không thể dựa vào cảm tính của mình, hay nhân danh bất cứ quyền lực nào mà khước từ, ngăn cản, thậm chí chống phá công cuộc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót. Đã là lệnh truyền thì ta có bổn phận phải thi hành, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, như Phaolô quả quyết: “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Không tin, không loan truyền Lòng Chúa Thương Xót, tôi đang tự kết án mình, chuốc lấy án phạt vào mình. Thật khốn cho tôi!

Phêrô và Gioan bị các thủ lãnh Do Thái, kỳ mục và kinh sư điệu ra trước Thượng Hội Đồng cấm tuyệt đối hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa, nhưng hai ông đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,19-20); Phêrô và các tông đồ dù bị nghiêm cấm không được rao giảng Tin Mừng và mạng sống bị đe dọa, chết thì chết, vẫn khẳng khái: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Các Tông đồ bị đánh đòn vì loan báo Tin mừng, nhưng “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 40-41).

Cũng như các Tông đồ, Faustina gặp biết bao hiểu lầm, nghi ngờ, chống đối từ chính chị em trong Dòng khi loan báo lòng Chúa Thương Xót. Lúc đó Chúa phải trấn an: “Con được hợp nhất với Cha; con đừng sợ gì cả. Con hãy biết rằng Satan căm ghét con; nó căm hờn mọi linh hồn, nhưng đặc biệt căm thù con, bởi vì con đã giật khỏi quyền thống trị của nó quá nhiều linh hồn” (NK, 412).

“Công cuộc này sẽ giật khỏi nanh vuốt hắn rất nhiều linh hồn, và đó là lý do khiến thần dữ nhiều khi cũng ra sức cám dỗ những người lành ngăn trở công cuộc… Satan căm hờn với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khủng khiếp biết bao! Hắn chống đối với toàn bộ công cuộc này.” (NK,812)

Gamalien là một kinh sư được toàn dân kính trọng, cũng lên tiếng cảnh báo Thượng Hội Đồng: “Tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ để cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa thì quý vị không thể nào phá hủy được; không khéo quý vị lại trở thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5,38-39). Faustina cũng xác tín: “Tôi biết được chính Chúa đang xúc tiến toàn bộ công việc. Chúa đã khởi sự thế nào thì Người sẽ tiếp tục thực hiện như vậy. Càng thấy những khó khăn chồng chất, tôi càng an tâm hơn. Ô, nếu toàn bộ vấn đề này không phục vụ hữu hiệu cho vinh quang Thiên Chúa và lợi ích các linh hồn, thì có lẽ Satan đã không điên cuồng chống đối đến thế. Giờ đây tôi đã biết Satan căm ghét Lòng Thương Xót hơn bất kỳ điều gì khác. Đó là cực hình đáng sợ nhất của nó. Tuy nhiên Lời Chúa sẽ không qua đi ; điều Người phán vẫn sống động; những khó khăn sẽ không thể đè bẹp công cuộc của Thiên Chúa, nhưng làm sáng tỏ công việc của Người mà thôi… ” (NK, 764).

Thánh Phaolô tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa tuyệt mỹ biết bao sau khi thánh nhân nói rằng kế hoạch và khát khao của Thiên Chúa là “mọi người đều được hưởng lòng thương xót”. Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa thật sâu thẳm!…Vì mọi sự đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen (x. Rm 11,33-36).

“Ta tự thân là lòng thương xót”, Thiên Chúa diễn tả về lòng thương xót của Ngài cho thánh Faustina như thế (NK 281, 300, 1074, 1148, 1273, 1739, 1777). Thánh Gioan nói “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Cả hai cách diễn tả bổ sung cho nhau. Thiên Chúa tự thân là tình yêu và khi tình yêu được tuôn đổ trong việc tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa, đó là lòng thương xót. Lòng thương xót là tình yêu được tuôn đổ. Đó là tên gọi thứ hai của tình yêu (Gioan Phaolô II, Dives In Misericordia).

Chúa vui thích với danh hiệu “Lòng Thương Xót” (NK, 300), vì nó diễn tả thật tuyệt mỹ Ngài là ai và sự mong chờ tuôn đổ lòng thương xót ấy cho ta. Ngài cũng gọi mình là “Hoàng Đế của Lòng Thương Xót” (NK 1075, 1541), và ám chỉ trái tim đầy thương xót của Ngài (NK 177, 1074, 1152, 1447, 1520, 1588, 1602, 1682, 1728, 1739, 1777).

Tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do và mục đích chính của đời nữ tu Faustina (NK 835, 1604, 1242). Chị tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa trong mọi lời nói, việc làm và lời cầu nguyện. Đó cũng phải là sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

• Hãy Đi và Làm Nhân Chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, Nguồn Hy Vọng của Mọi Người và của Toàn Thế Giới

Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Chúa Thương Xót lần thứ I tổ chức tại Roma từ ngày 2 đến 6 tháng 4-2008 mang dấu ấn của Đức Bênêđictô XVI. Ngài chúc lành và cổ võ sáng kiến quan trọng này trong đời sống Giáo Hội. Đức Bênêđictô XVII đã khai mạc Đại Hội với thánh lễ cầu cho Đức Gioan Phaolô II, một tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót, và long trọng trao huấn lệnh trong ngày bế mạc Đại Hội :

“Các bạn thân mến, Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Thương Xót lần thứ I kết thúc sáng nay với buổi cử hành thánh thể trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Tôi chân thành cảm ơn các vị tổ chức, cách riêng giáo phận Rôma và gởi tới toàn thể các vị tham dự lời chúc mừng điều giờ đây trở thành một mệnh lệnh: Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới. Chúa Phục sinh ở cùng các bạn luôn mãi!” (Thông điệp Regina Caeli, 6/6/2008).

Huấn lệnh của Đức Bênêđictô XVI là “Hãy đi và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa” chứ không phải lòng thương xót của con người chúng ta. Chứng từ lòng thương xót phải xuất phát từ Thiên Chúa, vì ngài khẳng định “Lòng Chúa Thương Xót chính là nguồn hy vọng cho mọi người và cho toàn thế giới”. Việc của ta là tín thác vào lòng thương xót của Ngài, đồng thời biết xót thương tha nhân.

Khi nói đến “mệnh lệnh” hoặc “huấn lệnh” thì nó mang nghĩa là “một lệnh truyền, một chỉ thị, hoặc một huấn thị có thẩm quyền, một hướng dẫn rõ ràng, một giáo huấn, một cho phép”. Do đó những lời của Đức Bênêđictô XVI mang sức mạnh của một mệnh lệnh không chỉ dành cho 4.000 tham dự viên nhưng còn nhắm đến tất cả các tín hữu trên toàn thế giới.

Sứ điệp và hình thức tôn sùng đặc biệt Lòng Chúa Thương Xót mà Đức Giêsu ban cho nữ tu Faustina vào thập niên 1930 được ghi lại trong cuốn “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi” của thánh Faustina. Sứ điệp này kêu mời ta hãy tín thác vào Chúa Giêsu, hãy đón nhận Lòng Chúa Thương Xót và chia sẻ cho tha nhân. Khi công bố mệnh lệnh: Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đó một sứ điệp khẩn cấp cho thời đại chúng ta. Đã là một mệnh lệnh khẩn cấp từ ĐTC ban ra thì mọi tín hữu trung thành với Giáo Hội, với ĐTC đều phải thi hành, không có bất cứ lý do gì để khước từ hay chống đối.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đi theo sứ điệp này, đặc biệt khi tuyên bố Chúa Nhật thứ II sau Phục Sinh là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa tại lễ phong thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000. Để làm nổi bật sự khẩn thiết của sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa cho thời đại hôm nay, ngài nói: “Hôm nay tôi muốn chuyển sứ điệp này vào thiên niên kỷ mới”, và vào ngày 17-8-2002 khi thánh hiến Đền Thờ Quốc Gia Lòng Chúa Thương Xót tại Lagiewniki, Ba Lan, ĐTC cũng phó thác thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót và khẳng định: “Xa lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không có nguồn hy vọng cho loài người”. Tương tự, Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là nguồn hy vọng cho mỗi người và toàn thế giới”.

Đức Bênêđictô XVI đi theo sự dẫn bước của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong việc làm nổi bật sứ điệp của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại này. Vào ngày 28/7/2008, trong dịp tôn vinh linh mục Michael Sopocko, là cha giải tội và linh hướng của thánh Faustina, lên bậc Chân phước, ngài nói : “Theo sự hướng dẫn của cha, nữ tu Faustina đã diễn đạt trải nghiệm thần bí và những cuộc hiện ra của Chúa Giêsu trong cuốn Nhật Ký nổi tiếng. Xin tạ ơn về những cố gắng, về bức ảnh với lời “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” đã được vẽ và gởi đi cho thế giới. Đầy tớ Chúa đây được biết đến như một linh mục, người thầy và người cổ động cho việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đầy nhiệt thành… Vị tiền nhiệm yêu quý của tôi, Đức Gioan Phaolô II chắc chắn rất vui mừng trong cuộc phong Chân phước này tại quê nhà. Ngài là người đã giao phó thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót. Đó chính là điều tại sao tôi lập lại ước vọng của Ngài: “Chớ gì Thiên Chúa, Đấng Giầu Lòng Thương Xót chúc phúc cho tất cả quý vị”.

Vào ngày 20/4/2005, trong sứ điệp đầu tiên làm Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI bày tỏ niềm tri ân vì món quà của Lòng Chúa Thương Xót được lãnh nhận nhờ sự can thiệp của Đức Gioan Phaolô II: “Lúc này đây niềm tri ân sâu xa về hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tất cả trong trái tim tôi. Tôi coi đây là một đặc ân mà Vị Tiền Nhiệm đáng kính, Đức Gioan Phaolô II đã nhận cho tôi. Tôi dường như cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của ngài đang nắm tay tôi. Tôi như thấy đôi mắt của ngài đang mỉm cười và nghe được trong lúc này lời ngài gọi riêng tôi : Đừng sợ !”

• Lòng Chúa Thương Xót là một Quà Tặng Cho Nhân Loại

Lòng Chúa Thương Xót là một quà tặng cho nhân loại như trong thông điệp Đức Gioan Phaolô II chuẩn bị cho Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa ngày 3/4/2005 trước khi ngài qua đời: “Như là món quà tặng cho nhân loại mà đôi lúc dường như bị hoang mang và lấn át bởi quyền lực sự dữ, bởi ích kỷ và sợ hãi, nhưng Chúa Phục Sinh đã ban tình yêu của Ngài xuống để khỏa lấp, để hòa giải và mở lại trái tim cho tình yêu. Một tình yêu biến đổi cõi lòng và đem lại bình an. Thế giới cần hiểu ra và chấp nhận Lòng Chúa Thương Xót biết bao !”

Khi so sánh lời của Đức Gioan Phaolô II tại Lagiewniki năm 2002: “Lửa của Lòng Thương Xót cần được chuyển đến cho thế giới”, và của Đức Bênêđictô XVI năm 2007: “Trong thời đại hôm nay, nhân loại cần một lời công bố mạnh mẽ và chứng tá về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, chúng ta thấy hai vị chủ chăn trong Giáo Hội đều có chung một chủ đề và nội dung. Lửa của lòng thương xót là những chứng tá về lòng thương xót rất cần cho thế giới hôm nay.

Ban biên tập của National Catholic Register đã viết trong dịp lễ Lòng Chúa Thương Xót 15/4/2007 như sau :

“Tình yêu đến độ đam mê của Thiên Chúa đối với con người cũng đồng thời là tình yêu tha thứ. Tình yêu đó quá lớn đến nỗi quay lại chống đối với chính Ngài, tình yêu của Ngài chống lại sự công bình của Ngài.

Đây quả là mệnh đề khởi điểm và căn bản về Lòng Chúa Thương Xót – một kiểu tuyên bố mà một người có thể trông đợi được quy về Đức Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, điều đó đã được Đức Bênêđictô XVI viết trong thông điệp đầu tiên: Deus Caritas Est / Thiên Chúa là Tình Yêu.

Bảy năm sau kể từ lần đầu Đức Gioan Phaolô II công bố thành lập Chúa Nhật Lòng Thương Xót, vậy mà nhiều linh mục hãy còn thận trọng về ngày lễ ấy. Tại sao họ còn do dự? Có tư tưởng cho rằng Lòng Chúa Thương Xót chỉ là việc sùng kính riêng của một người Ba Lan, xảy ra vì Đức Gioan Phaolô làm Giáo hoàng, chứ không phải xảy ra cho mọi người.

Đọc những lời của Đức Bênêđictô XVI  về Lòng Chúa Thương Xót phải bỏ ngay đi nhận xét thiển cận đó. Đúng hơn, tính phổ biến của lòng đạo đức này có phần đóng góp của Đức Gioan Phaolô II. Đức Bênêđictô XVI dường như muốn quy chiếu sự vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II vào việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót”.

Khi được phóng viên Đài Truyền hình Quốc gia Ba Lan hỏi về “Những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong đời Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II”, Đức Bênêđictô XVI đã nhắc đến một trong số những di sản chính của vị Tiền Nhiệm là “Ngài đã tạo nên một nhận thức mới về sự vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót”.

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa 15/4/2007, Đức Bênêđictô XVI đã chọn tổ chức sinh nhật của mình dù rằng sinh nhật của ngài là 16/4. Ngài nói: Hãy có đức tin nơi Lòng Chúa Thương Xót! Từng ngày hãy trở nên con cái của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Thương Xót là chiếc áo ánh sáng Chúa đã ban cho ta ngày Rửa Tội. Ta không được phép để ánh sáng này bị dập tắt, trái lại nó phải sáng lên trong ta mỗi ngày để đem Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho trần gian.

Theo ĐTC, trước khi làm chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ta phải đích thân lãnh nhận quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa. Tất cả những ai khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, đều nhận được “Một quà tặng lớn lao của Lòng Chúa Thương Xót”. Hãy để cho ánh sáng của Lòng Thương Xót ngày Rửa Tội “lớn lên trong ta từng ngày” bằng việc thực hành lòng thương xót.

• “Việc Tôn Kính Lòng Chúa Thương Xót là Chiều Kích Toàn Bộ của Đức Tin và Kinh Nguyện Kitô Giáo”

Có nhiều người cho rằng việc sùng kính này chỉ là phong trào “chợt đến chợt đi”, chỉ là việc đạo đức tùy phụ, không làm cũng không sao, nhưng Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong thông điệp Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 23-4-2006 rằng “Việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót không phải là lòng sùng kính bậc hai, nhưng là chiều kích toàn bộ của đức tin và kinh nguyện Kitô giáo”.

Vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 30-3-2008, ĐTC gởi thông điệp: “Lòng Thương Xót là Hạt Nhân Trung Tâm của Sứ Điệp Tin Mừng; đó là chính thánh danh của Thiên Chúa, là khuôn mặt Ngài tự mạc khải trong Cựu Ước và đầy đủ với Đức Giêsu Kitô, sự nhập thể sáng tạo và tình yêu cứu độ”.

Thánh Faustina ghi lại trong Nhật Ký những lời của Chúa diễn tả nỗi khát khao vĩ đại là chia sẻ lòng thương xót cho các linh hồn. Ngài khao khát các linh hồn (NK 206, 1182, 1521, 1784) và tiếp tục tuôn đổ lòng thương xót (NK 50, 177, 699, 703, 1074, 1159, 1190, 1689, 1784), kêu hét đến mệt lả (NK 177) như ngọn lửa đang cháy bên trong mình (NK 50, 177,186, 1074, 1190, 1521). Nỗi khát khao lớn nhất được dành cho tội nhân (NK 206, 378, 723, 1146, 1275, 1665, 1739, 1784), đặc biệt cho người khốn khổ (NK 723, 1182, 1182, 1273, 1541). Lòng thương cảm của Ngài thì chan chứa (NK 1148, 1190, 1777), với vòng tay mở rộng và chờ đợi (NK 206, 1541, 1728, 1777). Ngài không loại trừ ai (NK 1076, 1182, 1728), chỉ đòi hỏi tin cậy, niềm tin cậy không giới hạn.

Như Mẹ Têresa Calcutta thường nhận xét : cái nghèo nhất là không biết Đức Kitô. Vì thế, ta cần giúp tha nhân tìm kiếm Thiên Chúa trong khuôn mặt đầy Lòng Thương Xót của Đức Kitô. Ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp ta “tiêm nhiễm” Lòng Thương Xót của Chúa.

Nếu ta muốn tỏa lan Lòng Chúa Thương Xót theo lời Đức Thánh Cha và Giáo Hội, Tin Mừng về Lòng Thương Xót này phải trở thành điểm nhắm của ta vì chúng ta không chỉ được kêu gọi để loan báo nhưng còn để sống Lòng Thương Xót ấy. Đức Benedictô mô tả Đức Gioan Phaolô như “tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót”, người “đã có trực giác tiên tri về nhu cầu mục vụ khẩn cấp” đối với Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại này. Đức Gioan Phaolô II được ca ngợi như vị ngôn sứ của Lòng Chúa Thương Xót bằng chính điều ngài làm.

Ngày 6/4/2008, trong vai trò chủ tịch đại hội, cử hành thánh lễ bế mạc đại hội lòng thương xót tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức hồng y Christoph Schonborn nói: “Quá trình thành công của Kitô giáo không phải là chuyện chiến thắng quân đội hoặc chính trị. Đúng hơn đó là chiến thắng của lòng thương xót sống động. Chỉ trong cách ấy bạn mới có thể thâm tín. Ngôn từ có thể đẹp nhưng cuối cùng vẫn chỉ là ngôn từ. Tuy nhiên, những hành động của lòng thương xót lại là những gì thật hiển nhiên”. Ngài vui mừng kêu lên: “Thật là xúc động khi nhìn thấy Lòng Chúa Thương Xót lan tỏa khắp thế giới”.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 ở Cologne bên Đức, ĐTC mời gọi họ tới gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô trong và nhờ Giáo Hội, đặc biệt bằng việc đến với Chúa Giêsu Thánh Thể nơi “Nhà Tạm của Lòng Thương Xót”.

Trong lần thăm viếng mục vụ Ba Lan, gặp gỡ 500.000 bạn trẻ ngày 27/5/2006 tại công viên Blonie, ở Kralow, Đức Bênêđictô XVI đã ủy thác “Ngọn Lửa Lòng Thương Xót” cho đám đông giới trẻ tham dự, để họ là “những sứ giả của Tình Yêu và Lòng Chúa Thương Xót trong thế giới” (Diễn văn chung 31/5/2006).

• Thay Lời Kết : Ta cần phải Sống Lòng Thương Xót Mỗi Ngày

Khi nhận được Lòng Thương Xót từ Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi tiến bước vào thế giới như những con người của lòng thương xót và thứ tha. Như Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót cho ta thế nào thì ta cũng được gọi để bày tỏ lòng thương xót ấy cho tha nhân, đặc biệt cho những ai tối cần đến. Nếu không, chứng tá cho Lòng Chúa Thương Xót sẽ mất đi độ tin cậy và sự toàn vẹn. Chúa nói với Faustina: “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận: Thứ nhất – bằng việc làm, thứ hai – bằng lời nói, thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta. Chính nhờ cách này mà một linh hồn có thể tôn vinh và tôn kính lòng thương xót của Ta.” (NK, 742).

Đức Bênêđictô XVI nhắc nhủ: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”.

Theo gương thánh Faustina và theo lời kêu gọi của các vị chủ chăn trong Giáo Hội, ta có thể quảng bá việc tôn kính lòng thương xót Chúa, lần chuỗi lòng thương xót, cử hành lễ kính lòng thương xót, dâng những khổ đau của ta làm hy lễ tình yêu cho tha nhân. Ta cũng có thể nên sạch nơi “Tòa Thương Xót” của bí tích Hòa Giải. Ta cũng có thể kêu gọi mọi người đến với lòng thương xót của Chúa, khích lệ tất cả, đặc biệt các tội nhân hãy tin cậy vào lòng thương xót ấy. Ta có thể tham dự Đại Hội Thế Giới về Lòng Thương Xót hoặc giúp tổ chức cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót trong các xứ đạo. Ta có thể làm một tông đồ, một nhân chứng của lòng thương xót bằng chính cuộc sống của ta. Chúa đang kêu mời ta sống chứng tá lòng thương xót từng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn, ngoài xã hội, khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, hãy có lòng thương xót đối với tha nhân như Thiên Chúa xót thương ta. Cầu nguyện và tín thác nơi Chúa phải là điều quan trọng khi theo đuổi hoạt động như thế.

Vượt lên trên, ta hãy phấn đấu cho “lòng thương xót sống động của Chúa đi tới khải hoàn” để đáp ứng huấn lệnh của Đức Bênêđictô XVI: Hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Chúa Thương Xót, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới.

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Arméni

Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo Hội Công Giáo Arméni

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu Arméni tưởng niệm quá khứ để kín múc nhựa sống mới cho hiện tại, vui tươi loan báo Tin Mừng và làm chứng tá bác ái.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-4-2015, dành cho 20 GM thuộc Thượng Hội đồng Giáo Hội Công Giáo Arméni, dưới sự hướng dẫn của Đức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX Tarmouni ở Liban, về Roma để đồng tế thánh lễ với ĐTC vào chúa nhật 12-4 tới đây tại Đền thờ Thánh Phêrô, tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Arméni, và tôn phong thánh Gregorio Nazek người Arméni làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Tại buổi tiếp kiến, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người con của dân tộc Arméni bị tàn sát cách đây 1 thế kỷ, và xin Chúa chữa lành các vết thương cũng như làm cho sớm có những cử chỉ cụ thể hòa giải và hòa bình giữa các dân nước. Ngài cũng khẳng định rằng ”việc tưởng niệm các nạn nhân cách đây 100 năm đặt chúng ta trước bóng đêm của mầu nhiệm sự ác.. Từ thâm tâm con người có thể bùng lên những sức mạnh đen tối, có khả năng đi tới độ đề ra những kế hoạch nhất loạt tiêu diệt người anh em, coi họ là kẻ thù, thậm chí như là người không có cùng nhân phẩm. Nhưng đối với các tín hữu, câu hỏi về sự ác do con người gây ra cũng đưa tới mầu nhiệm tham phần vào cuộc khổ nạn cứu độ.”

ĐTC nói với các giám mục: ”Những trang đau thương trong lịch sử dân tộc anh em, theo một nghĩa nào đó, kéo dài cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhưng trong mỗi trang đó có một mầm mống sự sống lại của Chúa”. Ngài mời gọi ”mỗi mục tử dấn thân giáo dục các giáo hữu biết đọc thực tại với cái nhìn mới, để mỗi ngày có thể nói rằng: dân tộc của tôi không phải chỉ là dân tộc chịu đau khổ vì Chúa Kitô, nhưng nhất là một dân gồm những người đã sống lại trong Chúa. Vì thế, điều quan trọng là tưởng niệm quá khứ, nhưng là để kín múc từ đó nhựa sống mới để nuôi dưỡng hiện tại bằng lời hân hoan loan báo Tin Mừng và bằng chứng tá bác ái”.

Cuộc diệt chủng làm cho 1 triệu 500 ngàn người Arméni thiệt mạng đã xảy ra vào cuối triều đại của Vua Hồi giáo Abdul Hamid II của Đế quốc Ottoman, rồi dưới thời gọi là ”Những người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ”. Năm 1915, sau khi đóng cửa các trường học, thánh đường và bãi bỏ các tổ chức Arméni, một cuộc truy lùng và tàn sát người Arméni đã diễn ra, với những vụ bạo hành, hãm hiếp, hạ nhục, rồi các cuộc phát lưu vào sa mạc, với vô số người Arméni thiệt mạng. Chỉ những người nào chạy sang Nga, Siria và Liban mới thoát nạn.

Đức Tổng Thượng Phụ Karekine, Giáo chủ Giáo Hội Arméni Tông Truyền, – là Giáo Hội có từ năm 301 – sẽ chủ sự lễ tưởng niệm diệt chủng vào ngày 23-4-2015 tới đây, và sẽ phong thánh cho tất cả các nạn nhân cuộc diệt chủng, bị giết vì đức tin và vì đất nước, đồng thời sẽ tuyên bố ngày 24-1 hằng năm sẽ là lễ ”kính các thánh tử đạo cuộc diệt chủng”.

Một ngành của Giáo Hội Arméni Tông Truyền đã trở về hiệp nhất với Tòa Thánh hồi năm 1742 và hiện có khoảng 540 ngàn tín hữu. Công Giáo Arméni cũng chịu thảm trạng diệt chủng chung với dân tộc của mình và đã bị mất đi 156 nhà thờ, 32 tu viện, 148 trường học, 6 chủng viện bị tàn phá, 270 nữ tu và 300 LM bị giết. (SD 9-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Hồng Y Koch: trào lưu bài Do Thái gia tăng tại Âu Châu

Đức Hồng Y Koch: trào lưu bài Do Thái gia tăng tại Âu Châu

ZURICH. ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, bày tỏ lo âu vì trào lưu bài Do thái đang gia tăng tại Âu Châu.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho ”Nhật báo Chúa nhật” (Sonntagszeitung) số ra ngày 5-4-2015 tại Zurich, Thụy Sĩ, ĐHY Koch gọi sự gia tăng làn sóng bài Do thái là một ”tình trạng bi thảm” giữa lúc người ta đang nhìn lại trang sử đen tối về sự ngược đãi và bài người Do thái tại đại lục này. “Hiển nhiên là có nhiều người không học được điều gì từ quá khứ”.

 Đồng thời ĐHY Koch cũng nhấn mạnh rằng việc phê bình chính sách của Israel phải là điều có thể và không được đồng hóa việc phê bình này với xu hướng bài Do thái. ”Nếu người ta không phân biệt như thế thì sẽ cổ võ trào lưu bài Do thái thay vì bài trừ xu hướng này”.

 ĐHY Koch người Thụy Sĩ. Ngài mô tả quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và người Do thái là ”tốt”. Ngoài ra, cũng có nhiều người Do thái coi Giáo Hội Công Giáo là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống nạn bài Do thái”.

 Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Koch không loại trừ vấn đề có thể cung cấp võ khí để chống lại cái gọi là ”Nhà nước Hồi giáo”, IS. Ngài nói: ”Một vấn đề rất khó khăn đó là phải sử dụng phương thế nào để chống lại những hành động giết người của các dân quân Hồi giáo IS. Người ta cũng phải đồng trách nhiệm nếu chỉ đứng đó mà nhìn”.

 Theo ĐHY, để bảo vệ dân chúng và sự tự vệ chính đáng, người ta không thể loại bỏ trên nguyên tắc việc cung cấp võ khí. Nhưng cần phải làm sao để cứu xét kỹ vấn đề giao võ khí vào tay ai và điều gì sẽ xảy ra sau đó với những võ khí ấy” (KNA 5-4-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ

Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ

VATICAN: Đại hội quốc tế về việc đào tạo các tu sĩ đã khai diễn tại Roma ngày mùng 7 và kéo dài tới ngày 11 tháng 4 này.

ĐTGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ tu sĩ và các hiệp hội tông đồ, cho biết trong các đề tài được trình bầy có thách đố của thế giới vi tính, công lý, hòa bình, việc bảo vệ thụ tạo là các biên giới mới của việc đào tạo cho cuộc sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội và giữa lòng thế giới”. Đào tạo là một trong các ưu tiên của đời thánh hiến. Không thể có lòng trung thành sáng tạo, và khả thể sống hiện tại với lòng say mê và giang tay ôm tương lai vào lòng nếu không có một việc đào tạo có phẩm chất và thích hợp với các nhu cầu ngày nay. Vì thế việc thường huấn rất là quan trọng. Bên cạnh đó là việc dào tạo các nhà đào tạo.

Trong thế giới vi tính ngày nay việc sử dụng thành thạo các kỹ thuật truyền thông mới là một đòi buộc trong công tác rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trên cuộc sống của các tu sĩ. Cần phải biết tạo ra thế quân bình trong cuộc đời thánh hiến giữa việc cầu nguyện, suy niệm, học hành và các công việc khác trong ngày sống. Các người sống đời thánh hiến phải có ý thức trách nhiệm cao để duy trì căn tính đời thánh hiến của mình.

Tham dự đại hội có 1,500 linh mục tu sĩ và các chuyên viên đến từ nhiều nước trên thế giới (SD 4-4-2015).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio