Tôi Đi Học và Ngày Mãn Khóa

Tôi đi học. Truyện ngắn của nhà văn Thanh-Tịnh viết lên những cảm giác nhẹ nhàng của một buổi sáng mùa thu theo mẹ đi đến trường đã để lại trong ký ức thời thơ ấu của biết bao nhiêu cô, cậu học sinh. Cảm giác đó đã theo tôi trong những lần tôi đưa con, đưa cháu đi học  nên tôi thường lẩm bẩm đọc những câu thơ bình dị đơn sơ dễ hiểu của tôi như đang chuyện trò với cháu.

 

 

TÔI ĐI HỌC


Hôm nay em đi học
Lần  đầu tiên đi học
Mẹ nắm bàn tay em
Dắt em đi đến trường
Trên đường em  nhìn thấy
Nhiều  bạn giống như em
Cũng theo  mẹ đến trường
Và khi vào lớp

 

Lần đầu tiên vào lớp
Nhìn thấy Cô  giáo em
Dáng xinh xinh dịu dàng
Mĩm cười Cô hỏi em
Tên con là gì đó ?
Thưa Cô ! Con tên là:
…………………………….
Kaelle Phạm, Hoài -An
Gật đầu Cô khen ngoan
Con về chổ ngồi đi
Chúng ta bắt đầu học
A,B,C,D,Đ………………
Em là người Việt,
Em học tiếng Việt.
Chữ Việt nước Nam

 

Để rồi 9 tháng qua mau…


NGÀY MÃN KHOÁ
 

Hôm nay ngày mãn khoá
Lòng em thấy rộn ràng
Buâng khuâng niềm hối tiếc
Bịn rịn phải chia tay
Thầy Cô và bạn học
Chiều thứ bảy bên nhau
Chín tháng học trôi mau
Đến lúc phải chia tay
Nhớ ngày đầu vào lớp
Còn ngượng ngịu đánh vần
Lần đầu tập làm văn
Cô giáo đọc bật cười
Chính tả, sai nhiều lỗi
Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng
Ôi, khó quá làm sao!
Bỏ dấu không đúng chữ
Nghĩa đổi làm cô cười
Qua một năm học ngắn
Giờ bài văn em viết
Cô đọc, cười mĩm chi
Xoa đầu khen em giỏi
Em cám ơn Cô giáo
Đã bỏ bao công sức
Để em có ngày nay
Ơn thầy, cô dạy dỗ
Em ghi nhớ suốt đời.

 

Chào tạm biệt quí Thầy Cô. Hẹn gặp lại niên học mới.
Tống Hoa

Sống thảo hiếu (Ngày mồng hai)

Sống thảo hiếu (Ngày mồng hai)

Tuổi già 1

Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng sum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Khi nhận ra công cha nghĩa mẹ, thì đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta:

“Ơn ai một chút chớ quên,
Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”

Thế nên,

Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

Lòng hiếu thảo quả là một tấm lòng thơm tho, đáng yêu. Lòng hiếu thảo làm cho con người thêm thanh cao, giá trị. Bởi được người đời kính trọng, yêu thương những ai có hiếu với mẹ cha.

Thế nhưng, giữa dòng đời hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn nơi các bậc cha mẹ vì thiếu tình thương của con. Ở đâu đó, trong nhiều mái gia đình, ông bà cha mẹ lại là gánh nặng cho con cái. Ở đâu đó, vẫn còn những tiếng nghẹn ngào của những bậc sinh thành bị bỏ rơi ngay giữa đàn con cháu của mình.

Thiết tưởng, ngày đầu xuân chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn để nghe lời bộc bạch chân thành từ lá thư của một người cha viết cho con.

Lá thư ấy viết rằng:

Con thân mến,

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu giùm cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vun vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều

Là người Kitô, chúng ta cũng được mời gọi sống giới răn: “hãy thảo hiếu cha mẹ”. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Lời khuyên thì có thể không làm nhưng lệnh truyền thì buộc phải thi hành. “Phải thờ cha kính mẹ” còn là lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại, Kinh Thánh còn ví kẻ khinh rẻ cha mẹ là chọc giận Thiên Chúa: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai khinh rẻ mẹ, là chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3, 16). “Phải thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). “Phải thờ cha kính mẹ” còn phải được thể hiện qua những lời khuyên nhủ thật chân tình trong sách Huấn Ca: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dễ người” (Hc 3, 12-16).

Người ta nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Việc thất đức mình làm cho tiền nhân cũng có thể tái diễn ngay chính cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không muốn con bất hiếu với mình thì chính chúng ta hôm nay cũng phài làm gương sáng về hiếu thuận với mẹ cha. Nếu chúng ta muốn con cái đối xử tốt với mình thì hôm nay chúng ta cũng phải ân cần săn sóc mẹ cha.

Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho buổi họp mặt gia đình hôm nay. Xin Chúa Xuân cư ngụ đến từng gia đình, mang ơn lành đến cho muôn nhà để mọi người được hưởng nếm những giây phút bình yên nhất bên gia đình và người thân. Amen.

Lm. Tạ Duy Tuyền

TRÁI CÂY NGÀY TẾT

TRÁI CÂY NGÀY TẾT

Mùa Xuân là mùa của hoa. Những ngày gần Tết, đi đâu cũng thấy hoa, từ phố thị đến thôn quê. Hoa đủ dáng vẻ, lắm sắc màu. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Hoa đua nhau khoe sắc, rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ của mùa Xuân.

Dưa hấu quý tỵ

Mùa Xuân cũng là  mùa của trái cây ngon ngọt khắp mọi miền đất nước. Trái cây đủ loại, tươi màu thắm sắc và giàu ý nghĩa, làm nên hương vị những ngày Tết.

 

Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ  "ngũ hành": Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Tư tưởng cùng hình ảnh "ngũ hành" hội nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện. Một trong những độc đáo của hội nhập “ngũ hành” là mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam. Mâm ngũ quả truyền thống thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau, thể hiện ước muốn của người Việt là, năm mới sẽ đạt được ngũ phúc lâm môn: phú, quý, thọ, khang, ninh (giàu có, sang trọng, sống lâu,khỏe mạnh và bình an). Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh… Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo… Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.

Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc gồm: chuối, ớt, bưởi, quất. Có thể thay thế bằng cam, quýt, trứng gà (lêkima), hồng xiêm. Chuối xanh cong lên ôm bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người.

Mâm ngũ quả người miền Nam gồm dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý "cầu sung vừa đủ xài". Người dân Nam bộ quan niệm rằng: “Tết đến trong gia đình không có cặp dưa hấu đỏ thì bất thành Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc”.

Ngoài mâm ngũ qủa, phong tục ngày Tết thường có thêm một nét đẹp nữa là mỗi nhà nấu một nồi chè đậu xanh đêm giao thừa và dựng cây nêu, sáng Mồng Một cắt đôi quả dưa hấu. Ngày đầu năm mới, ngày thiêng liêng nhất, chủ gia đình bổ quả dưa hấu. Mọi người hồi hộp đợi chờ. Ruột đỏ tươi vị ngọt dòn, chia đều mỗi người một miếng, đưa vào miệng thưởng thức vị “Ngọt thanh như đường cát, mát chẳng kém đường phèn”, nghe mát lạnh khắp châu thân. Ngâm nga bài thơ “Dưa hấu ngày xuân” của Thi sĩ Lê Ngọc Hồ, lòng bừng lên niềm vui ngọt ngào mùa xuân.  
 

Bên chậu mai vàng chị xẻ dưa
Hạt  đen, ruột đỏ đẹp dư thừa
Đàn em xúm xít chia phần lớn
Cươì  rộ reo hò xuân nắng thưa
 
Ngũ  quả mẹ bày trông quá xinh
Gia nhân theo chị cúng trên đình
Trái dưa xanh biếc no tròn đẹp
Bàn  độc sơn, vàng sơn mới tinh 
 
Cha gọt nâng niu chậu thuỷ tiên
Cùng mâm ngũ quả cúng gia tiên
Trái dưa lớn nhất trông mà thích
Phiên chợ ba mươi chọn, mẹ hiền 
 
Đẹp biếc vỏ xanh dưa hấu đỏ
Truyện xưa tích cũ  một An Tiêm
Xin dâng hoàng phụ, lòng cung tiến
Dưa đảo đầu xuân trái ngọt hiền.

 
Không rộn ràng như mai vàng, không ồn ào như đào thắm, dưa hấu hiện diện cách khiêm tốn trên bàn thờ như nó vốn là. Với hình thể tròn lẳn, ruột đỏ vỏ xanh, căng tròn mọng nước, dưa hấu là hình tượng của những gì viên mãn, là hình ảnh của sức sống ẩn kín được bày trang trọng trên các bàn ăn, bàn thờ.
 
Màu đỏ của trái dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Bổ trái dưa mang màu sắc đỏ thắm ai ai cũng mừng vui, kỳ  vọng cho công việc làm ăn cả năm được hưng thịnh. Nhưng nếu trái dưa nó không mang màu tài lộc thì sao, màu vàng, màu trắng chẳng hạn ?
 
Người Việt đều biết nguồn gốc trái dưa hấu từ câu chuyện cổ  tích Mai An Tiêm. Màu đỏ là hình ảnh của sự  may mắn, thành công; màu xanh ẩn chứa niềm vui hạnh phúc bên trong; vị ngọt thanh gợi cho mọi người nhớ tình thân của bạn bè, gia đình.

Ngày đầu năm, bổ  đôi trái dưa ngọt ngào, người cắt nhát dao đầu tiên phải là người đứng đầu trong nhà. Miếng dưa bổ  ra được chuyền tay mọi người với hy vọng các thành viên trong gia đình luôn gắn kết yêu thương nhau như miếng dưa được xẻ ra từ một trái. Màu sắc của dưa hấu nói lên ít nhiều sự hưng thịnh cửa gia chủ. Bởi thế khi mua dưa hấu người ta phải thận trọng, vì nếu mua phải trái dưa èo uột, màu sắc nhạt nhẽo thì năm ấy coi như xui xẻo từ ngày đầu; ngược lại, trái dưa mọng nước, đỏ tươi, ngọt lịm thì coi như bốc trúng quẻ tốt. Người mua dưa hấu bày Tết chọn rất kỹ từ màu sắc sáng, tròn đều, trái cân đối không lớn và nhỏ quá. Còn người buôn bán dưa hấu để bày Tết hầu hết họ phải lặn lội về tận các ruộng, rẫy trồng dưa, chọn đồng, chọn dưa, đặt cọc trước và giá luôn đắt hơn loại thường, tự họ chăm sóc trước cả tuần và không tưới nước nhiều cho đến ngày thu hoạch. Họ tính toán chi ly để bảo quản dưa Tết luôn luôn đẹp. Vận chuyển dưa hấu phải lót rất nhiều rơm xung quanh từng trái, xe chạy thật chậm, chăm sóc còn hơn vận chuyển trứng, tránh trầy xước, xe phải chạy vào ban đêm hoặc trời râm mát… tất cả đều phải công phu, cẩn trọng. Mua dưa mà như bốc quẻ xăm, quẻ bói đầu năm vậy. Hồi hộp và hy vọng. Ngày xưa, các bà các cụ thường căn cứ vào tài khéo khi mua dưa, khi bổ dưa để chọn vợ cho con trai mình.
 
Ngày Tết, sau những bữa cơm chán ngán vì thịt mỡ, bánh chưng, kẹo ngọt…  thì không gì có thể hơn miếng dưa hấu ngọt lịm. Cầm trên tay miếng dưa như chiếc thuyền rồng đáy xanh, sơn son mịn cát lóng lánh, điểm vài nốt hạt đen. Cắn miếng dưa nhẫn nha cho dòng nước ngọt của đất từ từ trôi qua cổ họng mát rượi. Người ta nói, thơm nhất, ngọt nhất, ngon nhất là những trái dưa trồng trên miền đất cát, nắng gió quanh năm. Càng khắc nghiệt thời tiết, trái dưa càng tiết mật ngọt cho đời. Vì ưu ái mà Trời đã thưởng cho dân nghèo sống vùng đất khô cằn hạn hán thứ quả lạ đời này, như ngày nay Phan Thiết nổi tiếng với trái Thanh Long chỉ ngon ngọt nơi những miền đất khô khan nắng hạn.
 
Nhìn mâm ngũ quả trên bàn thờ, trái dưa hấu nổi bật với những chữ Hán nền vàng nổi bật trên nền xanh: Phúc, Lộc, Thọ, Cát… thật  ý nghĩa. Những chị những cô khéo tay còn có  thể là biến hoá thành những mảnh vuông tròn để người thưởng lãm không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt. Dưa hấu có thể là một vị thuốc dân gian, giải khát, vị hàn thanh… gặp lúc quá chén chếnh choáng, không có gì giã rượu nhanh bằng dưa hấu.

Một trong những yếu tố mang tới hạnh phúc cho con người là có sức khỏe tốt, ít bệnh tật. Thiên tài khoa học Albert Einstein có nhận xét: “ A table, a chair, a bowl of fruit and a violin; what else does a man need to be happy.” Một cái bàn, một cái ghế, một đĩa trái cây và một cây đàn violin; con người còn cần gì thêm nữa để được hạnh phúc!

Ngày nay với công nghệ  hiện đại, người ta làm ra mâm ngũ quả bằng nhựa. Hoa giả, trái dỏm đặt trên bàn thờ tiên tổ nghe sao mà nhức lòng và thiếu thành tâm.

 

29 Tết Qúy Tỵ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Trích từ Đạo Binh Đức Mẹ

ĐẦU NĂM HÁI LỘC

ĐẦU NĂM HÁI LỘC

Hái Lộc ngày Tết

Ngày Tết Nguyên Đán là thời gian quan trọng nhất trong năm, được coi như ngày thánh, con cái dù ở nơi xa cũng cố gắng trở về sum họp dưới mái gia đình để ăn Tết. Giao thừa là lúc mọi người phải có mặt đầy đủ để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ được mọi sự lành trong cả năm mới.

Ngoài ra, người ta còn kiêng cữ trong cách sống, không dám nói hoặc làm một điều gì sai trái để tạo ra xúi quảy cho cả năm.

I. LỜI CHÚC TẾT ĐẦU NĂM

Trong những ngày đầu năm, người ta cầu chúc nhau rất nhiều điều cao quí, rất đa dạng, tùy theo từng hoàn cảnh. Thường người ta chúc nhau : phát tài phát lộc, bách niên giai lão, buôn may bán đắt, thăng quan tiến chức, vạn sự như ý; hay nói một cách tổng quát người ta chúc nhau được ngũ phúc : Phú, Quí, Thọ, Khanh, Ninh.

Ngoài ra, cũng có những câu chúc có vẻ văn hoa như :

Trẻ mãi không già, mặn mà nhan sắc,
Vạn sự cát tường, toàn gia hạnh phúc,
Vui trong sức khỏe, trẻ trong tâm hồn, khôn trong công việc, tuyệt vời trong tình yêu.

Có những câu dài hơi hơn như :

Vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, cuộc đời như thơ, tình yêu như nhạc, coi tiền như rác, xem bạc như rơm, chung thủy với cơm, không màng chi phở.

Hoặc chúc mọi người một cách rộng rãi hơn :

Chúc mọi người một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình hạnh phúc.

Thế nhưng, lời cầu chúc tốt đẹp và đầy đủ nhất vẫn là lời chúc “ Phúc. Lộc, Thọ.

Phúc là mong được nhiều hạnh phúc,

Lộc là mong được nhiều của cải lợi lộc,
Thọ là mong được sống lâu mạnh khỏe.

Để tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, người ta dùng hình ảnh ba ông già.

Ông Phúc được thể hiện dưới dạng một người giầu có, nét mặt viên mãn hiền hậu, với những chi tiết về hình thể biểu lộ quí tướng như khối hình đầy đặn, tai to, mũi thẳng, hàm nở… mình mặc áo chùng, tay bồng một đứa trẻ mũm mĩm tượng trưng cho con cháu ngoan hiền.

Ông Lộc được thể hiện dưới dạng một viên quan đầu đội mũ phốc hay mũ cánh chuồn, mình khoác áo vân cẩm, dáng đứng nghiêm trang, khuôn mặt uy nghi quắc thước, bởi vì người xưa quan niệm rằng sự thành đạt của con người được thể hiện trên con đường công danh chức tước nhiều bổng lộc.

Ông Thọ được thể hiện dưới dạng một ông già hói đầu, râu tóc bạc phơ, mình mặc áo chùng, tay cầm gậy trúc, trên đầu gậy có treo mấy quả đào tiên, một biểu tượng nói lên sự trường thọ.

Hôm nay, chúng ta đặc biệt chúc nhau chữ LỘC, từ lộc vật chất đến lộc thiêng liêng, đó là LỘC THÁNH do Thiên Chúa ban cho : “Đó là Phúc Lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128,4) hoặc câu khác : “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng. Bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).

II. TỤC HÁI LỘC TRONG NGÀY TẾT

1. Tục hái lộc nơi chùa miếu

Theo tài liệu của ông Phan Kế Bính, ông Toan Ánh và ông Nhất Thanh thì sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta đi lễ chùa miếu để xin Thần Phật gia ơn độ trì cho năm mới.

Thường ai cũng mua vài nén hương để khấn vái trước bàn thờ, hoặc đông người quá thì dâng hương ở ngoài sân. Có người mua về vài ba nén hương gọi là “hương lộc” đem về cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban biểu tượng cho sự thịnh vượng.

Cũng có nhiều người không xin hương lộc, thì lễ xong ra sân vườn chùa miếu bẻ lấy một cành cây, tục gọi là “HÁI LỘC” đem về gọi là Lộc Thánh.

Tục hái lộc ở các chùa miếu ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần Phật ban cho năm mới. Cành lộc thường là một cành đa nhỏ, cành đề, cành si là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Năm mới lúc trở về có tài lộc mang theo vừa chỉ sự may lành, vừa chỉ sự vui sướng.

2. Tục hái lộc nơi thánh đường

Ngày Mồng Một Tết, ngày linh thiêng nhất trong năm, ngày cầu bình an cho năm mới. Nhiều giáo xứ tổ chức hái lộc đầu xuân.

Lộc thánh là những câu Lời Chúa được tuyển chọn trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên những cành mai vàng rực rỡ đặt trên cung thánh. Sau bài giảng, Cha chủ tế hái lộc thánh đầu xuân, rồi đến các tu sĩ nam nữ, đến đại diện các hội đoàn và đại diện các gia đình lên hái lộc.

Sau Thánh lễ, mọi người ra về mang theo niềm vui và hạnh phúc, bình an và Ơn thánh. Gia đình sum họp trước bàn thờ đọc kinh nguyện, dâng một năm mới lên Chúa và Đức Mẹ. Người cha hoặc người mẹ trịnh trọng mở lộc thánh đọc cho cả nhà nghe. Mỗi lộc thánh hợp với từng gia đình. Lộc thánh được đặt trang trọng trên bàn thờ, dưới chân thánh giá. Câu chuyện ngày Tết đi thăm nhau thường hàn huyên về lộc thánh Lời Chúa mỗi nhà.

Lời Thánh vịnh 27 nói lên niềm cậy trông : “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào, hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27).

Vững vàng tin tưởng và trông cậy vì người Kitô hữu xác tín vào lời Chúa Giêsu dạy : “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).

Không phải bây giờ người ta mới hái lộc. Từ ngàn xưa, thuở địa đàng đã có truyện con gái đi hái lộc đầu xuân rồi.

Đọc chương 3 sách Sáng thế, chúng ta thấy rõ có một cô gái đẹp ở Vườn Diệu quang, cô được hái lộc ở mọi cây, trừ cây biết lành biết dữ ỡ giữa vườn. Lộc cây ấy không phải lộc tốt mà có hại. Nhưng cô đã liều lĩnh hái lộc cây ấy và lập tức cái lộc cây ấy quật ngã cố. Đó là cô EVÀ đã hái lộc cây trái cấm. Cô đã không hái được lộc thánh mà chỉ hái được lộc của tội lỗi, độc hại. Cô đã đánh mất hạnh phúc trong ngày đầu xuân.

Nhưng bù vào đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế cứu chuộc loài người bằng Cây Thập Giá mà lộc của cây này lại đem phúc trường sinh. Lộc đây là lộc thánh ban muôn vàn ơn phúc. Cũng từ đó, Chúa lại còn ban cho chúng ta một thứ lộc quí giá nữa, đó là “Bí tích Thánh Thể”. Chúa phán : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời”.

III. HÃY TẬN HƯỞNG LỘC THÁNH CHÚA BAN

Hôm nay chúng ta không đến chùa miếu để khấn Thần Phật như người ta thường làm, mà đến nhà thờ để ca tụng Chúa là Chúa của Mùa Xuân và xin Người ban cho ta được nhiều ơn lành hồn xác. Chúng ta hãy hái lộc thánh đem về để cho cả năm Quý Tỵ này được may mắn.

Tờ Lộc thánh mà chúng tôi tặng anh chị em hôm nay là lời Chúa Giêsu đã chào thăm các môn đệ sau khi Người sống lại : “Bình anh cho các con” (Ga 20,19.26).

Cùng với tờ Lộc thánh, chúng tôi chúc anh chị em một câu thơ mà ngươi ta chúc nhau trong ngày đấu xuân, coi như món quà tặng cho nhau :

Mai vàng nở khắp quê nhà
An khang thịnh vương món quà đầu năm

“An khang thịnh vượng” cũng là một trong 5 lời chúc căn bản nhất : Phú, Quý, Thọ, Khang. Ninh. “An khang thịnh vượng” là một lời chúc từ chữ Hán, dùng để chúc nhau vào những dịp Tết hay ăn mừng tân gia..

Chữ “An” diễn tả sự bình an, yên ổn, an vui, an bình.
Chữ “Khang” diễn tả sự mạnh khỏe, tươi tốt.

Vậy chúc cho nhau “an khang thịnh vượng” là chúc cho người ta được sống trong bình an, thư thái, mạnh khỏe và phát đạt. Do đó, chúng tôi chúc anh chị em được anh bình cả hồn lẫn xác trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Sự an bình chúng tôi muốn chúc cho anh chị em không phải là anh bình nhất thời, tạm bợ mà là thứ an bình mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã chúc cho loài người trong đêm Người giáng sinh :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.
(Lc 2,14)

Sự bình an Thiên Chúa ban cho gồm cả hai phương diện :

– Về thể xác : an lành, may mắn, không tai họa, không chiến tranh.
– Về tâm hồn : được ơn nghĩa cùng Chúa, sống kết hợp thân mật với Người.

Điều chúng tôi cầu chúc hôm nay đặc biệt là an bình trong tâm hồn, một thứ an bình tròn đầy và vĩnh cửu. Xã hội có an bình mà lòng không có thì kể là không có an bình thực sự, và ngược lại, xã hội tuy đầy chiến tranh loạn lạc nhưng lòng vẫn được an bình thư thái.

Điều kiện muốn có an bình trong tâm hồn là phải có một tâm hồn trong sạch : “Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được xem thấy mặt Đức Chúa Trời vậy”. Ai phạm tội là chống lại Chúa, chống lại Chúa là thù nghịch với Chúa, gây chiến với Chúa, như thế làm sao có sự bình an trong tâm hồn được ?

Để kết thúc, xin chúc anh chị em được hưởng sự bình an trường cửu ngay ở đời này nếu anh chị em thực hiện Lời Chúa trong bài Tin mừng Thánh lễ hôm nay : “Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,34).

Tân niên thánh đức bao ân phúc
Xuân nhật an hòa mãi phúc vinh

 

LM Giuse Đinh Lập Liễm

 

Giao Thừa Đoàn Tụ

Giao Thừa Đoàn Tụ

Xuân Đức Tin

Tết là khởi đầu của một năm, là dịp lễ quan trọng và linh thiêng nhất trong một năm. Ngày Tết ai cũng ao ước khởi đầu lại. Ai cũng muốn rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua để đón nhận một luồng sinh khí mới. Thế nên, mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Sống tình thân ái trong những ngày Tết. Lòng người ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Ngày tết với những giờ phút rất linh thiêng gọi là giao thừa. Một thời khắc giao thoa giữa cũ và mới. Giữa quá khứ và hiện tại. Một thời khắc con người như muốn chuyển mình cùng vạn vật, hoà mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao nỗi ưu tư, vất vả truân chuyên trong cuộc sống. Một thời khắc tràn đầy niềm lạc quan hy vọng cho một năm mới an bình, hạnh phúc và thịnh vượng.

Ngày Tết còn là dịp để gia đình dòng tộc sum họp. Dù ai đi ngược về xuôi cũng muốn trở về đoàn tụ với gia đình trong giây phút linh thiêng ấy. Quây quần bên bàn thờ , thắp lên nén hương trầm trên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ tới ông bà, cha mẹ những người đã nuôi nấng sinh thành ra mình nay đã khuất. Vì cây có cội, nước có nguồn. Con người cũng phải nhớ về tổ tiên để tỏ lòng tri ân và cầu mong các ngài chúc phúc cho một năm mới bình an.

Trong giây phút giao thừa, mỗi thành viên trong gia đình thường lần lượt chúc tuổi nhau. Con cháu chúc mừng ông bà mạnh khoẻ sống lâu. Ông bà cha mẹ mừng tuổi lại con cháu chăm ngoan, học giỏi, thảo hiếu, vâng lời… Ngày tết người lớn thường không quên lì xì cho con cháu với một ý nghĩa tượng trưng, mong sang một năm mới con cháu sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp.

Một việc làm trong Ba ngày tết có lẽ không thể thiếu chính là lễ hội tâm linh. Ngày tết người Phật Giáo rủ nhau đi Chùa. Người Công Giáo đến Nhà Thờ như muốn hoà vào dòng người đi lễ để cảm nhận được sự giao hoà của trời đất. Để gởi gắm vào chốn linh thiêng những ưu từ hoài bão lên Đấng Tạo Thành. Chính nơi đây, con người cũng tìm thấy sự thanh thoát, nhẹ nhàng cho tâm hồn như những làn khói nhẹ bay vào chốn không trung.

Người Công Giáo chúng ta luôn nhìn nhận Thiên Chúa là chủ thời gian. Thiên Chúa sắp đặt mọi vận hành của trời đất và con người. Thế nên, gửi gắm tâm tình lên Đấng Tạo Thành trời đất là lẽ thường tình. Chỉ có Ngài mới làm cho “con tạo xoay vần” theo chu kỳ của nó. Chỉ có Ngài mới giúp con người đạt được ước nguyện của mình.

Thế nê, hôm nay trong giây phút giao thừa, mỗi người hãy để lòng mình thanh thản nương theo thánh ý Chúa. Hãy trao vào tay Chúa những ưu phiền lắng lo. Hãy đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa có thể xoay vần cuộc đời theo như ý Ngài. Xin phó thác mọi sự trong tay Ngài. Và trước thềm một năm mới, chúng ta cùng kính chúc nhau:

– Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn luôn ngọt ngào
– Vừa đủ THỬ THÁCH để luôn kiên nhẫn trung kiên
– Vừa đủ HY VỌNG để luôn hạnh phúc
– Vừa đủ THẤT BẠI để luôn khiêm nhường
– Vừa đủ THÀNH CÔNG để luôn nhiệt tâm
– Vừa đủ BẠN BÈ để được an ủi
– Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng mọi nhu cầu
– Vừa đủ NHIỆT TÌNH để đời thêm hân hoan
– Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại

Xin cầu chúc cho nhau một đêm giao thừa ấm áp Tình Chúa – Tình Người. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

PHÚC – LỘC – THỌ

Phuc-Loc-Tho

Đất trời đang giao thời chuyển từ mùa Đông giá rét sang tiết Xuân ấm áp. Như vậy là một năm nữa lại qua đi, và khởi đầu một năm mới! Có chịu cái lạnh của mùa Đông mới thấy quý hơi ấm của mùa Xuân. Cuộc đời cũng vậy, có thất bại mới thấy khao khát thành công mà cố vươn lên, có đau khổ mới thấy trân trọng hạnh phúc khi được nếm hưởng – dù chỉ một chút.

Những lo lắng, những gian lao, những bươn chải của năm cũ đã khép lại. Giờ là lúc chúng ta “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Giờ là lúc ta được nghỉ ngơi, vui thỏa. Giờ là lúc chúng ta sum vầy, đoàn viên.

Cuộc sống có nhiều thứ cần, cả thể xác và tinh thần. Có thể tóm gọn trong bộ ba cơ bản cần thiết nhất là Phúc-Lộc-Thọ (Giản thể: 福禄寿; Phồn thể: 福祿壽; Bính âm: Fú Lú Shòu). PHÚC (Phước) là điều tốt lành, LỘC là sự thịnh vượng, và THỌ là sống lâu.

PHÚC-LỘC-THỌ THEO VĂN HÓA

Theo văn hóa Trung Hoa, Phúc-Lộc-Thọ được tượng trưng bằng ba ông già, gọi là Tam Đa. Người Nhật gọi Phúc-Lộc-Thọ là Fukurokuju, một trong Thất Phước Thần theo thần thoại Nhật bản.

Ông PHÚC (còn gọi là ông Đa Phúc) thường được đặt ở giữa tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Ông Phúc mặc phẩm phục, đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm ngọc như ý và bế hài nhi. Ông tên là Quách Tử Nghi, làm quan đời nhà Đường. Ông làm quan thanh liêm, nghèo túng nhưng thanh bạch. Vợ giữ đúng đạo làm vợ, con giữ đúng đạo làm con, cháu chắt giữ đúng đạo làm cháu chắt…

Khi ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút (chút đích tôn ở đời thứ 5 mà người đời quen gọi là “ngũ đại đồng đường”). Ông bà Quách sung sướng ôm đứa chắt nội vào lòng, cùng cười một tiếng dài rồi cùng nhau viên tịch (qua đời). Việc quy tiên của ông bà Quách đúng là “tiên cảnh nhàn du” mà người già đều mong ước.

Người ta gọi ai được như vậy là “người có phúc”. Vì theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên đôi khi còn thấy có một đứa trẻ đang nắm lấy áo ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông, hoặc có hình ảnh con dơi bay xuống ông (dơi phát âm giống âm chữ “phúc”). Quan niệm xưa cũng cho rằng người có phúc là người có địa vị xã hội, có quyền thế, muốn gì được nấy – ngày nay gọi là “hên”.

Ông LỘC (còn gọi là ông Đa Lộc hoặc Thần Tài) tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Ông tên là Đậu Từ Quân, sinh tại Giang Tây, làm quan đời nhà Tấn. Ông làm quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, “lộc” phát âm gần với âm chữ “lục”, tay cầm “ngọc như ý” hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu cũng được phát âm giống âm chữ “lộc”).

Trông ông thật oai vệ, bụng to, cân đai xệ xuống. Nhưng buồn thay, năm ông 80 tuổi mà vẫn chưa có cháu đích tôn. Con cái và cháu chắt là “đệ nhất lộc trời”, như ca dao nói: “Có chồng mà chẳng có con, khác nào hoa nở trên non một mình”. Do đó, suốt đời ông chỉ lo kiếm được nhiều lộc. Mà Lộc nhiều để làm gì và để cho ai nhỉ?

Ông THỌ (còn gọi là ông Đa Thọ) tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một ông già râu tóc bạc phơ, trán hói và dô cao, tay cầm trái đào tiên, bên cạnh thường có thêm con hạc. Ông tên là Đông Phương Sóc, làm quan đời nhà Hán. Trong đời làm quan, ông luôn tìm những lời nói hay để làm vừa lòng Thiên tử (vua) nên luôn được ban cho rất nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng, bạc vua ban, ông lại đem cưới mỹ nữ về làm tỳ thiếp. Vì vậy, thê thiếp của ông nhiều vô kể. Đông Phương Sóc hưởng thọ 125 tuổi. Khi Đông Phương Sóc viên tịch, con cháu của ông đều đã chết cả. Cháu tứ đại (4 đời) phải thay bố làm ma cho cụ cố.

Người ta sắp xếp ba ông Phúc-Lộc-Thọ gần nhau để khuyên răn hậu duệ: Chỉ nên học ông Phúc mà thôi. Vì chính trong cái Phúc đã bao gồm cả tuổi thọ, phú quý, an lạc, và con cháu đông đúc.

Thi sĩ Nguyễn Khuyến cũng nhắc tới Phúc trong một câu đối Tết: “Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa / Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Những câu đối được dán hai bên bàn thờ tổ cũng có chữ Phúc: Phước thâm tự hải / Lộc cao như sơn”, hoặc: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ / Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”.

Rất nhiều những câu đối Tết liên quan Phúc-Lộc-Thọ:

– Phúc Thọ phồn vinh / Lộc tài phát đạt.
– Phúc Thọ vô biên / Lộc tài vô tận.
– Đa tài, đa lộc, đa phú quý / Đắc thời, đắc lộc, đắc nhân tâm.
– Phúc mãn đường niên tăng phú quý / Đức lưu quang nhật tiến vinh hoa.
– Tân niên, tân phúc, tân phú quý / tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.
– Lộc biếc, mai vàng, Xuân hạnh phúc / Đời vui, sống khỏe, Tết an khang.

Trong bộ ba Phúc-Lộc-Thọ, người ta vẫn coi trọng nhất là Phúc. Có lẽ vì vậy mà Phúc được đặt đầu tiên trong bộ ba đó.

PHÚC-LỘC-THỌ THEO KINH THÁNH

Bộ ba Phúc-Lộc-Thọ gợi nhớ Tam Vị Nhất Thể – Một Chúa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm quan trọng của Công giáo, không thể lý giải theo trí tuệ nhân loại mà chỉ có thể “hiểu” bằng Đức Tin: MỘT mà BA, BA mà MỘT.

Chuyện kể rằng, có lần Thánh Augustinô đang miệt mài suy nghĩ để lý giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang múc nước biển đổ vào một cái lỗ. Ngài thấy lạ nên hỏi em làm gì, em bé nói: “Con đang tát cho cạn biển”. Ngài bảo: “Đó là việc làm ngớ ngẩn. Không thể nào tát cạn biển được”. Em bé hồn nhiên trả lời: “Việc con làm đây tuy khó nhưng còn dễ hơn điều bác đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình tỉnh ngộ!

Trong Cựu ước, PHÚC vẫn được nhắc tới nhiều : Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2); Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người” (Tv 128:1).

Trong Tân ước, Đức Giêsu thường nhắc đến Phúc. Ngay trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:3-12), còn gọi là Bát Phúc hoặc Tám Mối Phúc Thật, Ngài đã nói ngay tới Phúc. Có lần Ngài nói với Tông đồ Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Thánh Êlidabét nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (Lc 1:42).

Và Đức Giêsu còn nói tới nhiều loại Phúc:

– Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6:1).
Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11:6).
– Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe (Mt 13:16).
Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy (Mt 24:46). Đó là nói về quản gia tín trung, khôn ngoan và tỉnh thức.

Khi nói tới PHÚC thì đã hàm ý có LỘC: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:2 và 4); hoặc: “Đức Chúa đã đổ muôn vàn phúc lộc xuống cho chủ tôi” (St 24:35).

Có sinh ắt có tử. Nhưng đâu ai muốn chết yểu hoặc chết sớm. Nghĩa là người ta mong được sống lâu, sống THỌ, càng trường thọ càng tốt: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con” (Tv 138:7), được “bảo toàn mạng sống” tức là chưa chết; hoặc: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:17), “không phải chết” tức là còn được sống thêm, được tăng tuổi thọ.

Tuổi thọ liên quan Thập Giới (Mười Điều Răn): “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi” (Cn 10:27), và có lợi: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ (Hc 1:12). Tuổi thọ cũng liên quan chữ Hiếu: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3:16). Đồng thời còn liên quan cách sống trung thực: “Ai khinh chê lợi lộc bất chính sẽ được trường thọ (Cn 28:16).

Nói chung, tuổi thọ nhờ vào Mến Chúa và yêu người: “Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ (Hc 1:20).

CHÚC TẾT HAY MỪNG TUỔI ?

Lâu nay, có hai khái niệm hay bị sử dụng nhầm lẫn là “Mừng Tuổi” và “Chúc Tết”. Khi chúc Tết cha mẹ, ông bà, rất nhiều con cháu đều nói: “Chúng con mừng tuổi ông bà/cha mẹ”. Thực ra, đây là một ngộ nhận đáng tiếc! Chỉ có ông bà, cha mẹ (bậc trên, hơn tuổi) mới mừng tuổi cho con cháu: mong cháu con thêm một tuổi thêm lớn khôn, trưởng thành. Do vậy, con cháu phải “chúc Tết” ông bà cha mẹ chứ không phải “mừng tuổi”. Tâm lý thường tình, khi con người về già, ai cũng “sợ” năm hết Tết đến, vì thêm một năm mới là giảm một năm được vui sống với cháu con. Nói thẳng ra là “gần đất, xa trời” hơn. Nếu chúng ta “mừng tuổi” ông bà và cha mẹ là mừng vì các ngài sắp… chết!

Tết mặc nhiên mang đến niềm vui, nhưng cũng mang nghĩa “chết trong lòng một ít”. Tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng. Cụ Nguyễn Khuyến phân vân: “Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái / Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.

Hoặc chua chát như cụ Tế Xương: “Thiên hạ xám rồi, còn đốt pháo / Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi”. Đó là hình ảnh ngày Tết ngày xưa, có nêu cao, có pháo đỏ, và tục lệ bôi vôi trước cửa để xua đuổi tà khí. Đọc câu đối của cụ Tú Xương mà nghe cay lòng quá! Đó là đời thực của các nhà nho bất phùng thời!

Tết là dịp để “ôn cố tri tân”. Ước mong sao cuộc sống sẽ thay đổi theo hướng tích cực về những giá trị truyền thống, văn hóa, văn minh,… đối với cả xã hội và Giáo hội. Sự linh thiêng của ngày Tết cổ truyền là điều quý giá, nên được duy trì và trân trọng.

Cung Chúc Tân Xuân! Chúc Mừng Năm Mới!

Kha Đông Anh
Tết Quý Tỵ – 2013

CHIÊU HỒI NGÔN TỪ

CHIÊU HỒI NGÔN TỪ

Tâm Thanh, Na Uy

Người tỵ nạn ra đi không mang theo hành lý nào ngoài chút di sản tinh thần, trong đó có ngôn ngữ… Người yêu tiếng Việt …sẽ đau lòng thấy tiếng Việt nơi đất Việt xuống dốc thê thảm, thấy 10 người làm văn hóa tại Việt Nam tươi cười giữa màu đỏ chói cách mạng dưới khẩu hiệu “bánh trưng.” Một lỗi chính tả như thế trước hằng trăm (hay ngàn?) con mắt mà không ai thấy, tố cáo sự ngu dốt, nhưng ngu dốt không phải là một tội lỗi. Coi thường di sản tinh thần dân tộc mới là tội lỗi…

Chính ta phải tránh những cái sai của người cộng sản, viết và nói một thứ tiếng Việt chuẩn và đẹp. Quảng bá sách vở và tư tưởng truyền thống Việt Nam và thế giới nhân bản. Cho con em học tiếng Việt nơi trường lớp Việt Nam. Tránh xa những sinh hoạt do cơ quan lãnh sự Việt cộng chủ trương (ta không lường được tác hại của một lớp tiếng Việt, một khóa học làm đèn trung thu hay một trại hè do Ðại Sứ Quán Việt cộng tổ chức).

Đọc CHIÊU HỒI NGÔN TỪ

 

LỊCH SỬ NGÀY HIỀN MẪU (MOTHER’S DAY)

LỊCH SỬ NGÀY HIỀN MẪU (MOTHER'S DAY)

Khởi sự từ đầu thế kỷ 17 Anh Quốc đã tổ chức kỷ niệm một ngày lễ gọi là ngày Chúa Nhật của Mẹ (Mothering Sunday), được cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay để vinh danh các bà Mẹ của Anh Quốc.

Trong ngày lễ này những người nghèo phục dịch cho các gia đình giầu có ở Anh được phép nghỉ một ngày và được khuyến khích mang theo cái bánh gọi là bánh của Mẹ (Mothering cake) về viếng thăm và mừng Mẹ. Vì những ngày đi làm họ phải ở lại tại nhà của chủ. Ngày lễ này đã huy bỏ từ thế kỷ 19. 

Tại Hoa Kỳ lần đầu tiên bà Julia Ward Howe đã đề nghị Ngày Hiền Mẫu như một ngày hiến dâng cho hòa bình. Bà Howe đã cử hành Ngày Hiền Mẫu họp tại thành phố Boston, Mass từ năm năm 1872. Bà là tác giả bài thơ trứ danh “The Battle Hymn of the Republic”. 

Năm 1905, Chi Anna Jarvis đã tuyên thệ trước mồ của Mẹ chị hiến dâng đời chị cho chương trình của Mẹ chị quyết vận động thiết lập Ngày Hiền Mẫu để vinh danh các bà Mẹ còn sống cũng như đã qua đời (có lời đồn rằng chi Anna rất đau buồn vì chị đã cãi vã với Mẹ chị nhưng chị chưa kịp xin lỗi thì Mẹ chị đã qua đời). Mẹ chị, là người chịu ảnh hưởng tinh thần của bà Howe, bà đã đề xướng chương trình cải thiện điều kiện vệ sinh gọi là Ngày Làm Việc của các Bà Mẹ (Mothers’ Work Days).  

Tại Tiểu Bang Philadelphia chị Anna Jarvis đã và vận động dành một ngày mỗi năm để vinh danh các người mẹ. Năm 1907, vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 chị đã xin giáo xứ của mẹ chị  ở Graton, West Virginia (nơi Mẹ Chị đã dạy giáo lý cho các trẻ em các ngày Chúa Nhật trước khi di chuyển đến Philadelphia) cử hành lễ kỷ niệm giỗ thứ nhì của Mẹ chị một cách long trọng. Chị đã phân phát 500 bông hoa cẩm chướng màu trắng cho các bà mẹ tham dự tại buổi lễ hôm đó. Ngay năm sau đó Tiểu Bang Philadelphia đã chấp nhận tổ chức ngày Lễ Mẹ. 

Tiếp tục chị Jarvis và những người ủng hộ ý kiến của chị đã viết thư gửi các tu sĩ, thương gia và các chính trị gia để xin vận động thiết lập ngày lễ của mẹ trên toàn quốc. Sự vận động này đã lan rộng qua 45 Tiểu Bang. Đến năm 1911 hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ đã tổ chức mừng ngày Lễ Mẹ. Đến ngày 10 tháng 5 năm 1913 Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua đề nghị dùng ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng 5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Ngày 09/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã chính thức công bố ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 là ngày Hiền Mẫu cho toàn quốc Hoa Kỳ. 

Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới kỷ niệm cùng ngày như Đan Mạch, Phần lan, Ý Đại Lợi, Uc và Bỉ. Vào cuối đời của chị Anna đã có trên 40 quốc gia cử hành ngày Hiền Mẫu. Trong ngày Hiền Mẫu, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ, ngày nay người ta thường dùng bông hồng trắng và bông hồng đỏ thay thế cho cẩm chướng.

Ở Tây Ban Nha người ta cử hành ngày Hiền Mẫu trùng vào ngày lễ Đức Maria Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Chúa Giêsu là ngày 8 tháng 12 hàng năm.

Ở Pháp người ta cử hành ngày Lễ của Mẹ vào Chúa Nhật chót của tháng Năm.
 

Hoài Việt

TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN

TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN

 

Bà Catherine Rwamasirabu là tín hữu Công Giáo sống tại Pháp. Bà đã lập gia đình và có 4 đứa con. Từ tháng 4 năm 2007 đến nay bà là y tá phục vụ nơi một Nhà Dưỡng Lão thuộc giáo phận Meaux ở miền Bắc nước Pháp. Xin nhường lời cho bà nói về công tác phục vụ hàng ngày.

 (Xem tiếp . . . TRÌU MẾN CHĂM SÓC CÁC VỊ CAO NIÊN)

 

 

Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử tại Paris

Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dâng Lễ Lòng Chúa Thương Xót Cầu Cho Hàn Mặc Tử Tại Gxvn Paris

Gồm có hai bài về Kỷ Niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử.

(Xin xem phần 1 . . .     Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dâng Lễ Lòng Chúa Thương Xót Cầu Cho Hàn Mặc Tử Tại Gxvn Paris – Phần 1)

(Xin xem phần 3 . . .     Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dâng Lễ Lòng Chúa Thương Xót Cầu Cho Hàn Mặc Tử Tại Gxvn Pari1 – Phần 3)

Tát Nước Đầu Đình

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho,

Giúp cho một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rươu tăm

Giúp em đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

[Xem tiếp Tát Nước Đầu Đình]