Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành thế giới

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành thế giới

VATICAN. Sáng 6-11-2014, ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn Tin Lành thế giới gồm 27 người và ngài mời gọi cố gắng vượt thắng tình trạng chia rẽ ngăn cản việc loan báo Tin Mừng.

Liên hiệp này qui tụ 120 liên minh Tin Lành quốc gia và miền, với khoảng 160 triệu tín hữu tại 111 nước trên thế giới.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến hồng ân quí giá khôn lường mà các tín hữu Công Giáo có chung với các tín hữu Tin Lành, đó là bí tích rửa tội. Ngài nói: ”Nhờ bí tích này, chúng ta không phải chỉ sống trong chiều kích trần thế, nhưng còn ở trong quyền năng của Chúa Thánh Linh.. Bí tích rửa tội nhắc nhớ cho chúng ta một chân lý cơ bản và đầy an ủi, đó là Chúa luôn đi trước chúng ta bằng tình thương và ơn thánh của Ngài. Chúa đi trước các cộng đoàn chúng ta, đi trước và chuẩn bị tâm hồn những người loan báo Tin Mừng và những người đón nhận Tin Mừng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Từ đầu đã có những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, và đáng tiếc là ngày nay vẫn còn sự cạnh tranh và xung đột giữa các cộng đoàn chúng ta. Tình trạng ấy làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc chu toàn mệnh lệnh của Chúa dạy phải loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước (Xc Mt 28,19-20). Thực tại những chia rẽ của chúng ta làm biến thái vẻ đẹp của chiếc áo chùng duy nhất của Chúa Kitô nhưng không hủy hoại hoàn toàn sự hiệp nhất sâu xa do ơn thánh tạo nên trong tất cả những người đã chịu phép rửa (Xc Unit.redint, 13). Hiệu năng lời loan báo của Kitô giáo chắc sẽ mạnh mẽ hơn nếu các tín hữu Kitô vượt thắng được những chia rẽ với nhau và có thể cùng nhau cử hành các bí tích và cùng phổ biến Lời Chúa, làm chứng tá bác ái” (SD 5-11-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học #5 – Trái Cây Ngày Tết

Xem => Bài Học 05 -Trái Cây Ngày Tết

Mùa Xuân là mùa của hoa. Những ngày gần Tết, đi đâu cũng thấy hoa, từ phố thị đến thôn quê. Hoa đủ dáng vẻ, lắm sắc màu. Những bông hoa góp phần làm thành nét đẹp của ngày Tết. Hoa đua nhau khoe sắc, rộ nở như ganh đua với nắng vàng rực rỡ của mùa Xuân.

NguQuaMienBac

Mùa Xuân cũng là  mùa của trái cây ngon ngọt khắp mọi miền đất nước. Trái cây đủ loại, tươi màu thắm sắc và giàu ý nghĩa, làm nên hương vị những ngày Tết.  

NguQuaMienNam

Các thừa tác giám mục, linh mục và phó tế diễn tả gương mặt Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật phục vụ tín hữu

Các thừa tác giám mục, linh mục và phó tế diễn tả gương mặt Mẹ Thánh Giáo Hội phẩm trật phục vụ tín hữu

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật, sinh chúng ta ra trong cuộc sống đức tin, thêm sức, dưỡng nuôi, đồng hành với chúng ta đến với Chúa Cha để được ơn tha thứ tội lỗi, khẩn nài phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng ta, nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc sống, bảo bọc chúng ta với hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 5-11-2014.

Trong bài huấn dụ ngài đã trình bày đề tài giáo lý về các chức thừa tác mà chính Chúa Kitô đã dấy lên trong Giáo Hội để xây dựng các cộng đoàn Kitô thân mình mầu nhiệm Ngài. Bình luận đoạn thư thánh Phaolô gửi Tito mà moi người vừa nghe đọc trước đó Đức Thánh Cha nói: Mọi người đều đã nghe đấy: Các Giám Mục chúng tôi phải có biết bao nhiêu là nhân đức. Thật không dễ, không dễ, vì chúng tôi là những người tội lỗi. Nhưng chúng tôi tín thác nơi lời cầu nguyện của anh chị em, để ít nhất chúng tôi tới được gần điều tông đồ Phaolô khuyên nhủ tất cả các giám mục. Anh chị em có đồng ý không? Anh chị em sẽ cầu nguyện cho chúng tôi chứ?

Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã nhấn mạnh Chúa Thánh Thần luôn đổ tràn đầy trên Giáo Hội các ơn của Người. Giờ đây trong quyền năng và ơn thánh của Thần Khí Ngài, Chúa Kitô dấy lên trong Giáo Hội các thừa tác để xây dựng các cộng đoàn kitô như thân mình Người. Trong các thừa tác đó nổi bật là thừa tác giám mục. Nơi vị Giám Mục, được trợ giúp bởi các Linh Mục và các Phó Tế, chính Chúa Kitô hiện diện và tiếp tục lo lắng cho Giáo Hội và bảo đảm cho Giáo Hội sự che chở và hướng dẫn của Người.

Nơi sự hiện diện và trong thừa tác của các Giám Mục, Linh Mục và các Phó Tế chúng ta có thể nhận ra gương mặt thật của Giáo Hội: đó là Mẹ Giáo Hội phẩm trật. Thật thế, qua các anh em này, được Chúa tuyển chọn và thánh hiến với bí tích Truyền Chức, Giáo Hội thi hành chức làm mẹ của mình: Giáo Hội sinh chúng ta ra như kitô hữu trong bí tích Thánh Tẩy, bằng cách làm cho chúng ta tái sinh trong Chúa Kitô; canh thức trên sự lớn lên của chúng ta trong đức tin, tháp tùng chúng ta đến với vòng tay của Thiên Chúa Cha để được ơn tha thứ; chuẩn bị cho chúng ta bàn tiệc Thánh Thể, nơi Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta với Lời Chúa và Mình và Máu Chúa Giêsu; khẩn nài trên chúng ta phước lành và sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nâng đỡ chúng ta trong suốt lộ trình cuộc sống và bảo bọc chúng ta với sự hiền dịu và hơi ấm của mình, nhất là trong những lúc tế nhị của thử thách, khổ đau và cái chết.

Chức làm mẹ đó của Giáo Hội được diễn tả ra cách đặc biệt trong con người của vị Giám Mục và chức thừa tác của người. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ và đã sai các vị ra đi loan báo Tin Mừng và chăn dắt đoàn chiên, cũng thế các Giám Mục là các người kế vị các Tông Đồ được đặt làm đầu các cộng đoàn kitô, như là những người bảo đảm cho đức tin và như dấu chỉ sống động sự hiện diện của Chúa giữa họ. Như vậy chúng ta hiểu rằng đây không phải là một địa vị uy tín, một chức tước vinh dự.

Chức Giám Mục không phải là một tước hiệu vinh dự, nhưng là sự phục vụ. Và Chúa Giêsu đã muốn như thế. Không thể có chỗ cho tâm thức trần tục trong Giáo Hội. Tâm thức trần tục nói: ”Mà ông này đã tiến thân trong Giáo Hội, đã trở thành Giám Mục”. Không, không. Trong Giáo Hội không thể có chỗ cho tâm thức này. Chức Giám Mục là một phục vụ, chứ không phải là một tước vinh dự để khoe khoang. Là Giám Mục có nghĩa là luôn luôn có trước mắt gương sống của Chúa Giêsu, là Đấng Chăn Chiên Lành, không đến để được hầu hạ nhưng để hầu hạ” (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và để hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Các Giám Mục thánh – có biết bao Giám Mục thánh trong lịch sử Giáo Hội – cho chúng ta thấy rằng người ta không tìm kiếm, không xin, không mua chức thừa tác này, nhưng tiếp nhận, trong vâng phục, không phải để nâng mình lên, nhưng để hạ mình xuống, như Chúa Giêsu ”đã hạ mình, vâng lời cho tới chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Thật là buồn, khi thấy một người tìm chức vụ này và làm biết bao nhiêu điều để tới được chức vụ đó, và khi tới rồi lại không phục vụ, nhưng vênh vang và chỉ sống cho sự phù vân của mình.

Còn có một yếu tố thứ ba qúy báu nữa, đáng được minh nhiên. Khi Chúa Giêsu đã chọn và kêu gọi các Tông Đồ, Người đã không nghĩ phân tách họ với nhau, mỗi người tùy ý mình, nhưng cùng nhau, để họ ở với Người, hiệp nhất như một gia đình duy nhất. Cả các Giám Mục cũng làm thành một đoàn duy nhất, được quy tụ chung quanh Giáo Hoàng, là người gìn giữ và bảo đảm cho sự hiệp thông sâu xa này, mà Chúa Giêsu và chính các Tông Đồ đã lưu tâm biết bao nhiêu. Như vậy thật là đẹp biết bao nhiêu, khi các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng diễn tả tính cách đoàn thể ấy và tìm cách ngày càng là những người phục vụ tín hữu, phục vụ Giáo Hội hơn! Chúng ta đã chứng kiến mới đây trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Nhưng chúng ta cũng hãy nghĩ tới tất cả mọi Giám Mục sống rải rác trên thế giới, dù sống tại các nơi, các nền văn hóa, sự nhậy cảm và các truyền thống khác nhau và xa cách nhau – Hôm trước có một Giám Mục nói với tôi rằng để đến Roma, từ nơi ngài ở, cần phải bay 30 giờ đồng hồ, xa biết bao – nhưng các vị cảm thấy là phần của nhau và trở thành kiểu diễn tả mối dây thân tình giữa các cộng đoàn với nhau, trong Chúa Kitô. Và trong lời cầu nguyện chung của Giáo Hội tất cả mọi Giám Mục đặt mình để lắng nghe Chúa Cha và Chúa Con và Thần Khí, như thế có thể chú ý tới con người và các dấu chỉ thời đại một cách sâu xa (GS 4).

Các bạn thân mến, tất cả điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao các cộng đoàn kitô lại nhận ra nơi vị Giám Mục một ơn lớn lao, và chúng được mời gọi dưỡng nuôi một sự hiệp thông chân thành và sâu xa với Giám Mục, bắt đầu từ các linh mục và các phó tế. Không có một Giáo Hội lành mạnh, nếu các tín hữu, các phó tế và các linh mục không hiệp nhất với Giám Mục. Giáo Hội không hiệp nhất với Giám Mục này là một Giáo Hội bệnh hoạn. Chúa Giêsu đã muốn sự hiệp nhất này của tất cả mọi tín hữu với Giám Mục, với cả các linh mục và các phó tế nữa. Và điều này trong ý thức rằng chính nơi Giám Mục mà mối dây nối kết của từng Giáo đoàn với các Tông Đồ và với tất cả mọi cộng đoàn khác, hiệp nhất với các Giám Mục và Giáo Hoàng trong Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu, là Mẹ Thánh Giáo Hội Phẩm Trật của chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến từ các nước Âu châu và Bắc Mỹ, cũng như các tín hữu đền từ Nhật Bản, Argentina, Mehicô, Panamá, Puerto Rico, Venezuela, Chile và Brasil. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho các Giám Mục là những người bảo đảm cho đức tin chân thật và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa họ, cũng như cầu nguyện cho ngài.

Với các tín hữu nói tiếng A rập, nhất là các anh chị em đến từ Libăng và Siria, Đức Thánh Cha khuyến khích họ yêu mến các Giám Mục, linh mục và phó tế và cầu nguyện cho các vị, để các vị luôn là dấu chỉ hữu hình của Chúa Kitô giữa Dân Người, một dụng cụ của hiệp thông và hiệp nhất, cũng như phương tiện của phước lành và ơn cứu độ.

Chào các tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày liên đới với Giáo Hội bị bách hại lần thứ VI cử hành bên Ba Lan vào Chúa Nhật tới đây, năm nay dành cho Siria. Ngài xin mọi người gần gũi với các anh chị em bên Siria cũng như trong nhiều nước khác trên thế giới đang đau khổ vì các cuộc chiến huynh đệ tương tàn và vì bạo lực. Ngài cám ơn các cử chỉ liên đới trợ giúp vật chất cho các anh chị em này như dấu chỉ sự hiện diện ân cần và tình yêu của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha cũng chào các đoàn hành hương Italia, đặc biệt đoàn hành hương Torino do Đức Tổng Giám Mục Cesare Nosiglia và ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài báo cho mọi người biết nếu Chúa muốn ngày 21 tháng 6 năm tới ngài sẽ hành hương Torino để tôn kính Tấm Khăn Liệm và thánh Gioan Bosco nhân kỷ niệm 200 năm thánh nhân sinh ra.

Ngài cũng chào các bề trên của dòng Bệnh viện thánh Gioan Thiên Chúa và các tham dự viên Diễn đàn do hiệp hội ”Bác ái trong Chân lý” tổ chức, cùng nhiều nhóm khác và khích lệ họ thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách nhận ra Chúa hiện diện đặc biệt nơi các người nghèo khổ.

Chào các bệnh nhân của hiệp hội SLA, cũng như các bệnh nhân theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình trong đại thính đường Phaolô VI vì lý do thời tiết, Đức Thánh Cha bầy tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho họ. Ngài ước mong xã hội trợ giúp gia đình các anh chị em đau yếu đối phó với hoàn cảnh tật bệnh khổ đau của người thân.

Sau cùng ngỏ lời với giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc tới thánh Carlo Borromeo mà Giáo Hội kính nhớ hôm mùng 4 tháng 11. Ngài cầu mong sức mạnh tinh thần của thánh nhân khích lệ

các bạn trẻ sống đức tin nghiêm chỉnh; sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Cứu Thế nâng đỡ người đau yếu trong những lúc khó khăn nhất; và lòng tận tụy tông đồ của người nhắc cho các cặp vợ chồng mới cưới tầm quan trọng của việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Luyện ngục

Luyện ngục

CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI

Vấn đề chúng ta tìm hiểu hôm nay, đó là có những sự gì xảy ra cho các linh hồn nơi luyện ngục? Hai chữ luyện ngục mà thôi cũng đã đủ cho chúng ta thấy đó là nơi đau khổ, đền bù và thanh luyện. Vào ngày phán xét, chúng ta sẽ thấy mình còn xa cách với lý tưởng mà Chúa đã ấn định. Mặc dù linh hồn ra đi trong tình trạng ơn thánh, nhưng còn biết bao nhiêu những sau lỗi, biết bao nhiêu những tỳ vết khiến chúng ta phải kêu lên: Lạy Chúa, con không thể nào trở về cùng Chúa khi chưa xóa bỏ hết những hoen ố của biết bao nhiêu lần vấp phạm.

Có lẽ ngay trong lúc này, chúng ta cũng cảm thấy: Chưa bao giờ tôi đã lên tới đỉnh trọn lành, chưa bao giờ tôi được thỏa mãn với chính bản thân mình?

Làm sao chúng ta có thể hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc sống hiện tại như Đức Kitô ngày xưa? Thì đây, luyện ngục sẽ là nơi để chúng ta kết thúc những công trình còn dang dở. Lửa thanh luyện càng bừng cháy để thiêu đốt những bụi bậm, những rác rưởi, những cặn bã, thì hình ảnh Chúa càng rực sáng trong tâm hồn chúng ta. Và khi hình ảnh ấy đã trở nên chói lòa, rực rỡ và huy hoàng, thì luyện ngục sẽ chấm dứt và chúng ta sẽ được bước vào niềm hạnh phúc thiên đàng.

Nếu quan niệm như thế, chúng ta sẽ cảm thấy nông cạn và hời hợt khi cho rằng: Hình phạt luyện ngục thì không xứng đáng với lòng nhân từ và thương xót của Chúa. Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, mà chẳng cần phải đều bù thanh luyện chi cả.

Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy không thể nào chấp nhận được quan niệm ấy, bởi vì nó đi ngược lại với sự thánh thiện và công thẳng tuyệt đối của Chúa.

Thánh vịnh 118 đã bảo: Thiên Chúa thật công bằng và phán quyết của Ngài thật ngay thẳng.

Chính Chúa Giêsu cũng đã xác quyết: Ngươi sẽ không ra khỏi đó cho đến khi trả xong đồng xu cuối cùng.

Lòng thương xót và sự công bằng của Thiên Chúa thoạt xem ra như tương phản lẫn nhau, nhưng lại vô cùng hòa hợp với nhau qua tín điều về luyện ngục.

Thực vậy, trong khi sự công bằng đòi phải đền bù và thanh luyện, thì lòng thương xót lại đưa ra những phương tiện, những cách thức giúp đỡ để được rút ngắn thời gian đau khổ. Từ đó, chúng ta thấy được hai khía cạnh của luyện ngục, đó là đau khổ và an ủi. Bởi vì hình phạt ở luyện ngục cũng giống như hình phạt ở hỏa ngục, nhưng chỉ khác một điều, đó là ở luyện ngục thì chỉ tạm thời, còn ở hỏa ngục thì vĩnh viễn. Và hình phạt đau khổ nhất chính là phải xa lìa Thiên Chúa vào giữa lúc chúng ta nhận biết Ngài là ai và đang cố gắng tiến đến với Ngài. Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.

Mặc dù là một nơi đau khổ và thanh luyện, nhưng luyện ngục không phải là hỏa ngục, trái lại luyện ngục chính là lối dẫn vào thiên đàng.

Những linh hồn nơi luyện ngục chắc chắn không phải rơi vào tay ma quỉ, nhưng sẽ được nghỉ yên trong Chúa. Ơn cứu rỗi của họ đã được bảo đảm và họ sẽ không bị kết án. Đó là khía cảnh đầy vui mừng và an ủi của luyện ngục.

Vậy luyện ngục là gì?

Tôi xin thưa: Luyện ngục là hỏa ngục, nhưng ở đó có niềm vui.

Hay nói một các khác: Luyện ngục là thiên đàng, nhưng ở đó có đau khổ.

Họ đau khổ vì hiện tại còn đang phải tạm thời xa cách Chúa. Nhưng đồng thời họ vui mừng vì một ngày kia sẽ được nhìn ngắm tôn nhan Chúa, mặt đối mặt.

Niềm tin vào luyện ngục sẽ đem lại một sự an ủi và khích lệ, khiến chúng ta không bao giờ phải tuyệt vọng. Thế nhưng tín điều này còn là một lời cảnh cáo gửi đến mổi người chúng ta đang sống trong cuộc sống này: Đừng bình thản trong tội lỗi.

Đồng thời cũng là một thôi thúc: Đừng thất vọng trước những sai lỗi vấp phạm của mình.

Sau cùng, hãy thêm lời cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, bởi vì như sách Macabêô đã xác quyết:

Cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi mọi tội lỗi là một việc làm thánh thiện và có giá trị cứu rỗi.

Sưu tầm

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kêu gọi chống chia rẽ, ghen tương

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kêu gọi chống chia rẽ, ghen tương

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 22-10-2014, ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các tín hữu tránh chia rẽ, ghen tương trong cộng đoàn Giáo Hội.
Trong số các đoàn tín hữu hành hương, đông nhất vẫn là các đoàn nói tiếng Ý rồi đến tiếng Đức, đặc biệt là 3,500 tín hữu thuộc các giáo phận miền Romana bắc Italia; phái đoàn 1 ngàn người từ giáo xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh ở Gela, dưới sự hướng dẫn của Đức GM giáo phận Piazza Amerina. Từ Việt Nam có một nhóm hành hương gồm 16 người thuộc Tổng giáo phận Sàigòn. Từ Nhật Bản có 160 tín hữu thuộc tổng giáo phận Tokyo về đây hành hương dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Takeo Okada.
Sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của Thánh Phaolô nói về Giáo Hội như thân mình của Chúa Kitô. Đó cũng là đề tài được ĐTC khai triển trong loạt bài về Giáo Hội.
Bài huấn giáo của ĐTC
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Khi muốn cho thấy rõ các yếu tố họp thành một thực tại liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào và họp thành một thực thể duy nhất, người ta thường dùng hình ảnh một thân thể. Từ thánh Phaolô Tông đồ, thành ngữ này đã được áp dụng cho Giáo Hội và được coi là nét đặc trưng sâu xa nhất và đẹp nhất của Giáo Hội. Vì vậy hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: theo nghĩa nào Giáo Hội họp thành một thân thể? Và tại sao Giáo Hội được định nghĩa là ”thân mình Chúa Kitô?”
Trong sách ngôn sứ Ezechiel có mô tả một thị kiến khá đặc biệt, gây rùng mình, nhưng có khả năng mang lại niềm tín thác và hy vọng cho tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa tỏ cho ngôn sứ thấy một bãi xương, tách biệt nhau và khô cằn. Một cảnh tượng tiêu điều.. Rồi Thiên Chúa bảo ngôn sứ hãy khẩn cầu Thần Khí trên chúng. Thế là các xương ấy bắt đầu xích lại gần nhau và liên kết với nhau, trên các xương đó trước tiên các dây thần kinh tăng trưởng rồi đến các lớp thịt và họp thành một thân mình trọn vẹn và đầy sức sống (Xc Ez 37,1-14). Đó chính là Giáo Hội! là một kiệt tác của Thần Khí, Người phú vào mỗi người sự sống mới của Đấng Phục Sinh và đặt chúng ta cạnh nhau, phần tử này phục vụ và nâng đỡ nhau, và qua đó Chúa biến tất cả chúng ta thành một thân mình duy nhất, được kiến tạo trong tình hiệp thông và tình yêu.
Nhưng Giáo Hội không phải chỉ là một thân mình được kiến tạo trong Thần Khí: Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô! Đây không phải chỉ là một kiểu nói: chúng ta thực sự là như vậy! đó là một hồng ân lớn chúng ta nhận lãnh trong ngày chúng ta chịu phép rửa! Thực vậy, trong bí tích rửa tội, Chúa Kitô đã làm cho chúng ta thuộc về Chúa, đón nhận chúng ta trong trọng tâm mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tột đỉnh tình thương của Ngài đối với chúng ta, để cho chúng ta được sống lại với Ngài, như những thụ tạo mới. Giáo Hội được khai sinh như thế, và Giáo Hội được nhìn nhận là Thân Mình Chúa Kitô! Phép rửa tội tạo nên một sự tái sinh đích thực, tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa, liên kết chúng ta với nhau chặt chẽ, như những chi thể của cùng một thân mình, có Chúa là đầu (Xc Rm 12,5; 1 Cr 12,12-13).
ĐTC nhận xét rằng:
”Điều nảy sinh từ đó chính là một sự hiệp thông sâu xa trong tình thương. Theo nghĩa này, lời khuyên nhủ của thánh Phaolô soi sáng, khi Thánh Nhân nhắn nhủ những người chồng ”hãy yêu thương vợ như chính thân thể của mình như Chúa Kitô vẫn yêu thương Giáo Hội, vì chúng ta là chi thể của Chúa” (Ep 5,28-30). Thật là đẹp nếu chúng ta năng nhớ lại mình là gì, Chúa Giêsu đã biến chúng ta thành gì: chúng ta là thân mình của Chúa, thân thể mà không gì và không ai có thể tách rời khỏi Chúa và Ngài bảo bọc thân mình ấy với tất cả lòng say mê và yêu thương của Ngài, như người chồng yêu thương vợ mình. Nhưng tư tưởng này phải làm nổi lên trong chúng ta ước muốn đáp lại tình yêu của Chúa Kitô, chia sẻ tình thương của Ngài giữa chúng ta, như các chi thể sinh động của cùng một thân thể. Thời thánh Phaolô, cộng đoàn Corinto gặp nhiều khó khăn theo chiều hướng này, như thường xảy ra giữa chúng ta, họ sống kinh nghiệm chia rẽ, ghen tương, thiếu thông cảm và gạt ra ngoài lề. Tất cả những điều đó không tốt, vì thay vì xây dựng và làm cho Giáo Hội được tăng trưởng như thân mình của Chúa Kitô, thì lại phân tán Giáo Hội thành bao nhiêu mảnh, cắt chặt Giáo Hội. Điều này cũng xảy ra ngày nay. Chúng ta hãy nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, trong một vài giáo xứ, chúng ta hãy nghĩ đến những khu phố với bao nhiêu chia rẽ, ghen tương, bao nhiêu hiểu lầm và tình trạng bị gạt ra ngoài. Sự kiện đó làm cho chúng ta tách biệt nhau. Đó là khởi đầu của chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu nơi chiến trường: chiến tranh bắt đầu trong tâm hồn, với những sự thiếu cảm thông, chia rẽ, ghen tương, tranh giành nhau.
Cộng đoàn Corinto xưa kia cũng như thế, họ vô địch trong lãnh vực này. Vì vậy, thánh Tông Đồ đã gửi đến người dân thành Corinto vài lời khuyên cụ thể, và những lời này cũng có giá trị đối với chúng ta: đừng ghen tương, nhưng trong cộng đoàn chúng ta, hãy quí chuộng những năng khiếu và đức tính của các anh chị em chúng ta… Tất cả những gì gây phân rẽ thì cần phải tránh, chẳng vậy sự ghen tương sẽ lớn mạnh và làm đầy tâm hồn. Một con tim ghen tương là một con tim át-xít, một con tim thay vì có máu thì dường như chỉ có dấm; đó là một con tim không bao giờ hạnh phúc, một con tim phân hóa cộng đoàn. Vậy ta phải làm gì đây? Thưa hãy quí chuộng những năng khiếu và đức tính của những người khác trong cộng đoàn, của các anh chị em chúng ta. Khi ý tưởng ghen tương lẻn vào tâm trí chúng ta – vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi – thì ta phải thưa với Chúa: ”Cám ơn Chúa, vì Chúa đã ban năng khiếu đó cho người ấy”. Hãy quí chuộng đức tính của họ, gần gũi và chia sẻ những đau khổ của những ngừơi rốt cùng và túng thiếu; biểu lộ lòng biết ơn đối với tất cả mọi người và đặc biệt đối với những người thi hành những công tác phục vụ khiêm tốn và âm thầm nhất, và sau cùng là lời khuyên của thánh Phaolô cho dân Corinto: đừng nghĩ mình cao trọng hơn người khác. Bao nhiêu người nghĩ mình cao trọng hơn người khác. Cả chúng ta nữa, bao nhiêu lần chúng ta nói như người Biệt Phái trong dụ ngôn: ”Lạy Chúa con cảm tạ Chúa vì con không như người kia, con cao trọng hơn họ”. Nhưng như thế là xấu, không bao giờ được làm như vây. Khi định làm như thế, thì hãy nhớ đến các tội lỗi của mình, những tội mà chẳng ai biết, và xấu hổ trước mặt Chúa, và nói: ”Lạy Chúa, Chúa biết ai cao trọng hơn. Con im miệng bây giờ”. Và làm như thế là tốt. Trong tình bác ái hãy coi nhau như chi thể của nay, sống và hiến thân mưu ích cho tất cả mọi người (Xc 1 Cr 12,14).
Và ĐTC kết luận rằng: Anh chị em thân mến, như ngôn sứ Ezechiele và như thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta cũng hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh, cho ân thánh và những hồng ân dồi dào của Ngài giúp chúng ta thực sự sống như thân mình của Chúa Kitô và như dấu chỉ hữu hình và đẹp đẽ nói lên tình thương của Chúa.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và các giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.
Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các bạn trẻ thuộc giáo phận Bayeux-Lisieux mới chịu phép thêm sức, cũng như những người thuộc giáo phận Lyon đang ở trong tình trạng bấp bênh. Ngài cho biết sẽ đặc biệt cầu nguyện cho họ.
Khi chào thăm các tín hữu Ba Lan, ĐTC nói:
”Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính nhớ Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng theo phụng vụ, Thánh nhân đã mời tất cả chúng ta hãy rộng cửa cho Chúa Kitô; trong cuộc viếng thăm đầu tiên tại quê hương anh chị em, Người đã khẩn cầu Chúa Thánh Linh ngự xuống, canh tân đất nước Ba Lan; Người cũng nhắc nhớ cho mọi người mầu nhiệm lòng từ bi của Chúa. Ước gì gia sản tinh thần của Người không bị lãng quên, nhưng thúc đẩy chúng ta suy tư và hành động cụ thể để mưu ích cho Giáo Hội, cho gia đình và xã hội.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào các tín hữu thuộc các giáo phận ở miền Romagna, bắc Italia, cùng với các GM của mình, Ngài khuyến khích họ hãy tìm trong Phúc Âm những tiêu chuẩn soi sáng cho cuộc sống bản thân và cộng đoàn.
Hiện diện tại Quảng trường có đông đảo các nhân viên hãng hàng không Meridiana ở Italia đang bị đe dọa mất việc vì họ thuộc vào số nhân viên thặng dư. ĐTC nói: ”Tôi muốn hiệp với Cộng đoàn giáo phận Tempio-Ampurias bày tỏ sự gần gũi và liên đới sâu xa với các nhân viên hãng hàng không Meridiana, đang sống những giờ lo âu cho tương lai công ăn việc làm của mình. Tôi nồng nhiệt cầu mong các vị hữu trách có thể tìm được một giải pháp công bình, để ý trước tiên tới phẩm giá con ngừời và nhu cầu không thể loại bỏ của bao nhiêu gia đình.”
Hãng này xác nhận sẽ thải 1,366 nhân viên. Chính phủ Italia đang cố gắng làm trung gian giải quyết vụ này.
Với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, ĐTC nhắc nhớ rằng ”tháng 10 mời gọi chúng ta hãy canh tân sự cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Với năng lực tươi mát của tuổi trẻ, với sức mạnh của lời cầu nguyện và hy sinh, và với tiềm năng của đời sống vợ chồng, anh chị em hãy biết trở thành những nhà thừa sai của Tin Mừng, nâng đỡ cụ thể cho những người đang vất vả mang Tin Mừng đến cho những người chưa được nghe biết.
ĐTC cũng ứng khẩu nhắc nhở các tín hữu ngày hôm nay hãy lấy sách ngôn sứ Ezechiel và đọc đoạn thứ 37 kể lại thị kiến Thần Khí Chúa biến những xương khô thành một thành một thân mình sống động.

G. Trần Đức Anh OP

Ghen tị

 Ghen tị

Câu chuyện dụ ngôn thuê mướn thợ làm vườn nho hình như có vấn đề gây thắc mắc: làm sao ông chủ có thể trả công đồng đều cho tất cả những người thợ làm việc ở các thời điểm khác nhau? Ông chủ có công bằng chăng khi đối xử với những người chỉ làm một giờ ngang bằng với những người làm vất vả cả ngày?

Thật ra ông chủ đã đối xử sòng phẳng với những người làm việc từ sáng sớm. Ông ta đã trả mỗi người một đồng đúng như đã thoả thuận. Ông ta không bóc lột sức lao động của ai cả: có làm có trả lương tương xứng, nếu ông ta không gọi thêm thợ thì mọi chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì, nhưng vì có nhóm thợ làm ít giờ hơn cũng được trả lương bằng mình, nên có việc ganh tị, và nhất là đánh giá tiêu cực về ông chủ.

Câu chuyện này chúng ta thấy nổi bật hai vấn đề: Cách đối xử của ông chủ và phản ứng của những người thợ. Ông chủ vườn nho đây là hình ảnh Thiên Chúa, Ngài tốt lành vô cùng, lòng nhân từ của Ngài vượt lên trên tất cả những thứ trả công mà người đời sử dụng với nhau trong cuộc sống, Ngài rất công bằng và thương yêu vô tận. Vì vậy, ngoài sự công bằng, Ngài còn yêu thương chúng ta theo tự do và tình yêu của Ngài. Trước lời phàn nàn của những người thợ làm từ sáng sớm mà cũng lãnh công như những người làm sau, Ngài đã khẳng định quan điểm của Ngài, Ngài hoàn toàn tự do làm theo ý định của mình, Ngài muốn làm cách nào, lúc nào, chọn ai đều tuỳ ý Ngài mà không phải lệ thuộc ai cả. Tuy có quyền tự do của mình, nhưng Thiên Chúa không dùng tự do đó mà làm thiệt hại cho người khác: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn”. Thiên Chúa luôn công bằng, chỉ có con người mới đối xử bất công với nhau vì thiếu lòng nhân từ, vì cách nhìn ghen tị của mình. Quả thật, ông chủ vườn nho được tự do dùng tiền của mình, thì tại sao Thiên Chúa lại không được tự do trong việc yêu thương? Ông chủ trả lương rộng rãi với nhóm người này mà vẫn giữ công bằng với nhóm kia, thì Thiên Chúa trải rộng tình thương của Ngài đến mọi người mà không cần theo tính toán của người đời. Cách xử sự của Thiên Chúa khác xa với cách xử sự của mọi người. Có lẽ khó gặp được chuyện này trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại xảy ra hằng ngày trong đời sống thiêng liêng: Thiên Chúa ban ơn nhiều hơn lòng mong đợi của con người.

Thiên Chúa rất nhân từ và tốt lành, Ngài ban ơn cho mỗi người và mọi người mà không tính toán thời điểm, tuổi tác. Chỉ có con người là hẹp hòi, ích kỷ đối với nhau qua hình ảnh những người thợ làm vườn nho. Những người làm từ đầu, làm nhiều giờ hơn, không vui mừng khi thấy ông chủ trả lương cho những người vào làm sau, làm ít giờ hơn cũng bằng họ, họ đã ghen tị đến đấu tranh với ông chủ, đó là tâm trạng chung của con người chúng ta: hay so đo, tính toán, thắc mắc, phân bì, ghen tị, ganh ghét.

Chúng ta hãy nhớ: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác. Người ta ghen tị về đủ mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thoả mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn. Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng cá… ghen tị nhau. Chúng ta có thể cười người khác khi thấy họ ghen tị và chúng ta cho đó là thái độ trẻ con, nhưng chính chúng ta cũng nên phản tỉnh lại xem: chúng ta có hơn trẻ con không? Khi thấy người khác đau khổ, chúng ta dễ chạnh lòng thương, an ủi, giúp đỡ họ. Cho nên, thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là đi chia vui. Có ai vui một cách thành thực khi anh em mình được may mắn, thành công chăng? Hay là chúng ta tủi thân, rồi mỉa mai, bôi bác họ?

Chúng ta hãy nhớ: ghen tị sinh ra nhiều tai hại: ghen tị sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh ra oán thù. Ghen tị thường đi đến chỗ nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm mất tình bác ái và gây nên bao gương mù gương xấu. Vì thế, chúng ta phải tốp ngay, phải ngưng ngay cái tật xấu ghen tị này. Chúng ta phải biết đánh giá trị đúng của anh em mà vui cùng kẻ vui. Chúng ta phải tránh sự ghen tị như tránh rắn độc.

Tóm lại. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất, chúng ta phải luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không là gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban, Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Thứ hai, mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu. Xin Chúa cho chúng ta biết đánh giá trị đúng về mình và về anh em, để chúng ta không phân bì, kể công với ai và cũng không phân bì, ghen tương ai.

Đức Thánh Cha mở lại các cuộc tiếp kiến

Đức Thánh Cha mở lại các cuộc tiếp kiến

VATICAN. Sáng ngày 1-9-2014, ĐTC Phanxicô mở lại các cuộc tiếp kiến, đặc biệt ngài gặp gỡ hơn 15 GM nước Camerun bên Phi châu, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Camerun hiện có gần 20 triệu rưỡi dân sống trên diện tích 475 ngàn cây số vuông. Các tín hữu Kitô chiếm khoảng 1 nửa dân số trong số này 27% tức là 5 triệu 530 ngàn người là tín hữu Công Giáo. Ngoài ra có 30% dân số theo các tôn giáo cổ truyền Phi châu và khoảng 4 triệu người là tín hữu Hồi giáo, tương đương với 21% dân số. Giáo Hội Công Giáo tại Camerun gồm 5 giáo tỉnh và 20 giáo phận với hơn 30 GM.

Gặp giới thể thao

Lúc 4 giờ chiều cùng ngày 1-9-2014, tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, ĐTC đã tiếp kiến 250 người gồm các nhà thể thao, các cầu thủ bóng đá thuộc các tôn giáo khác nhau và những người tổ chức cuộc đấu bóng liên tôn vì hòa bình, diễn ra lúc 8 giờ 40 tối qua tại sân bóng đá Olimpic ở Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có nhiều cầu thủ quốc tế trên buổi. Chính ĐTC là người đã khởi xướng ý tưởng tổ chức trận bóng đá này, qua tổ chức giáo dục Công Giáo tên là ”Scholas Occurrentes, cùng với hiệp hội ”Pupi onlus” do cựu cầu thủ bóng đá Javier Zanetti người Argentina thành lập”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC đã nhiệt liệt cám ơn mọi người đã mau lẹ đón nhận đề nghị của ngài về trận đấu bóng liên tôn, thuộc nhiều nước khác nhau, để nói lên tình huynh đệ và thân hữu. Ngài nói:

”Trận đấu bóng tối nay chắc chắn cũng là dịp quyên góp để hỗ trợ các dự án liên đới, nhưng nhất là để suy tư về những giá trị phổ quát mà bóng đá và thể thao nói chung có thể tạo điều kiện dễ dàng để phát triển, đó là sự lương thiện, chia sẻ, hiếu khách, đối thoại, tín nhiệm người khác. Đó là những giá trị mà mỗi người đều có thể có bất luận thuộc chủng tộc, văn hóa và tín ngưỡng nào. Đúng hơn, biến cố thể thao tối nay là một cử chỉ tượng trưng cao độ để giúp hiễu rằng có thể kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ và một thế giới hòa bình, trong đó tín đồ các tôn giáo khác nhau, có thể sống trong hòa hợp và tôn trọng nhau, và vẫn bảo tồn căn tính của mình.”

ĐTC đặc biệt nói với các cầu thủ bóng đá, thường được nhiều người, nhất là người trẻ ngưỡng mộ vì khả năng thể thao: ”Điều quan trọng là nêu gương tốt ở sân banh cũng như ở ngoài. Trong các cuộc tranh tài thể thao, anh em được kêu gọi chứng tỏ rằng thể thao là niềm vui sống, là trò chơi, là lễ hội và với tư cách đó, thể thao phải được đề cao giá trị qua việc phục hồi tính chất nhưng không của nó, khả năng tạo nhữngmối thân hữu và cởi mở đối với tha nhân. Và cả với những thái độ thường nhật, đầu đức tin và linh đạo, đầy tình người và vị tha, anh em có thể làm chứng về những lý tưởng sống chung hóa bình dân sự và xã hội, để kiến tạo một nền văn minh dựa trên tình thương, tình liên đới và hòa bình”.

Sau bài diễn văn, ĐTC còn dừng lại rất lâu để bắt tay chào thăm các cầu thủ và nhiều người.

Thánh lễ ban sáng

Ngoài các cuộc tiếp kiến, ĐTC cũng mở lại thánh lễ lúc 7 giờ sáng 1-9-2014 tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Martha ở nội thành Vatican, với sự tham dự của các tín hữu thuộc 1 giáo xứ ở Roma và một số người khác.

Trong bài giảng, ĐTC quảng diễn việc Chúa Giêsu giảng ở Hội đường Nazareth. Ban đầu dân chúng lắng nghe và ngưỡng mộ, nhưng rồi sau đó họ giận giữ và tìm cách giết Chúa. Họ đổi thái độ như thế vì Lời Chúa khác, so với lời con người. Thiên Chúa nói với chúng ta trong Con của Ngài, nghĩa là Lời Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với những người Do thái ấy. Thập giá Chúa Kitô gây vấp phạm..

ĐTC đặc biệt mời gọi các tín hữu đón nhận Lời Chúa với con tim mở rộng, với lòng khiêm tốn, với thần thần của các mối phúc thật. Vì Chúa Giêsu đến với chúng ta trong sự khiêm tốn, trong sự nghèo hèn!

ĐTC tái khuyên nhủ các tín hữu siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, mua một cuốn sách Phúc Âm, mang trong túi, trong sắc, để đọc trong ngày, để tìm được Chúa Giêsu trong đó. (SD 1-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kết thúc cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Hàn Quốc

Kết thúc cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Hàn Quốc

ROMA. Chiều ngày 18-8-2014, ĐTC Phanxicô đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm 5 ngày của ngài tại Hàn quốc nhân dịp Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu kỳ 6 và tôn phong 124 vị tử đạo lên bậc chân phước.

Dưới đây là một số hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Hán Thành.

Gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo

Lúc gần 9 giờ, ngài giã từ tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Hán thành để đến Nhà Thờ chính tòa Minh Đổng cách đó 3 cây số rưỡi. Thánh đường này được dựng lên tại nơi cầu nguyện của các cộng đồng Công Giáo đầu tiên ở Hàn Quốc từ năm 1784, tức là đã 230 năm nay, và được thánh hiến vào năm 1898, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Ở tầng hầm của thánh đường có hài cốt của nhiều vị tử đạo Hàn quốc trong thế kỷ 19.

Đến tòa GM cũ cạnh thánh đường, ĐTC đã được cha sở Nhà thờ Chính Tòa đón tiếp và hướng dẫn vào phòng khách để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn. Đứng trước bức họa các vị tử đạo Hàn Quốc, cũng là chủ đề của cuộc viếng thăm này, ĐTC lần lượt bắt tay chào thăm 12 vị lãnh đạo tôn giáo, bắt đầu là Đức TGM Anh giáo của giáo phận Hán Thành, rồi các vị chủ tịch Giáo Hội Tin Lành Luther, Tin Lành Trưởng Lão ở Hàn Quốc, tiếp đến là các vị lãnh đạo Phật giáo và đại diện của các cộng đồng Kitô khác. Đặc biệt Đức TGM Chính Thống đã tặng ĐTC thánh giá Bizantine, ngài đặc biệt hài lòng về món quà này và cho biết sẽ dùng để ban phép lành cuối lễ.

ĐTC cũng ứng khẩu nói bằng tiếng Tây Ban Nha và được Cha John Chong Che Chon, giám tỉnh dòng Tên phiên dịch, qua đó ngài cám ơn các vị đã có lòng quí mến đến gặp ngài, và ngài nói thêm rằng:

”Cuộc đời là một hành trình dài, và cũng là một hành trình mà ta không thể đi một mình. Cần đồng hành với anh chị em trước nhan Chúa. Vì thế tôi cám ơn anh em vì cử chỉ đồng hành này trước mặt Chúa. Đó là điều mà Chúa đã yêu cầu tổ phụ Abraham. Chúng ta là anh em, chúng ta hãy nhìn nhận nhau như anh em và đồng hành với nhau. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và xin anh em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi nữa!”

Theo các quan sát viên về tôn giáo, quan hệ giữa các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau tại Hàn Quốc được coi là thân hữu, ít là bề mặt như vậy, và ít khi xảy ra những căng thẳng như một số nơi khác trên thế giới. Điều mà họ không nói, đó là nếu sự thân thiện ấy là kết quả của tinh thần bao dung tôn giáo đáng ca ngợi, thì cũng có tình trạng dửng dưng đối với tôn giáo đang gia tăng. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần một nửa dân Hàn quốc không tuyên xưng tín ngưỡng nào. Tình trạng này giúp ta hiểu được nhiều lời kêu gọi ĐTC đưa ra trong cuộc viếng thăm, ngài là một khuôn mặt mới trong sự trống rỗng về tín ngưỡng nơi nhiều người ở Hàn quốc.

Thánh lễ cầu cho hòa bình và hòa giải

Sau cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo tôn giáo, ĐTC đã tiến vào Nhà thờ chính tòa để cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải ở bán đảo Triều Tiên. Đây là một chủ đề rất nhạy cảm đối với dân tộc Hàn quốc: từ hơn 60 năm nay, bán đảo này vẫn còn bị chia cách với vùng phi quân sự rộng 4 cây số với những tháp canh, hàng rào kẽm gai và các binh sĩ võ trang.

Như một biểu tượng sự chia rẽ đau thương này, người ta đã đặt một mão gai làm bằng những đoạn thép gai và đặt dưới chân tượng Đức Mẹ Fatima trong Nhà thờ chính tòa Minh Đổng, bên dưới có hàng chữ bằng tiếng la tinh ”Ut unum sint, Ước gì chúng được hiệp nhất”.

Trước thánh lễ, khi tiến tới gần bàn thờ, ĐTC đã dừng lại chào một nhóm 7 phụ nữ cao niên, ngồi trên ghế lăn ở hàng đầu trước bàn thờ. Họ thuộc vào số 54 phụ nữ sống sót trong số hàng trăm ngàn phụ nữ Hàn quốc bị quân Nhật Bản bắt làm hộ lý, những nô lệ tình dục cho các binh sĩ Nhật, trong thời thế chiến thứ II. Cho đến nay các phụ nữ này đã nhiều lần đòi chính phủ Nhật xin lỗi và bồi thường, nhưng không kết quả. ĐTC đã cầm tay các bà cụ và chú ý lắng nghe họ kể lại thân phận đau thương của họ và an ủi họ.

Trong số những người hiện diện tại Thánh lễ, đặc biệt có bà Tổng thống Phác Cận Huệ và một số quan chức chính quyền.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã đề ra những đường hướng cụ thể cần phải thi hành trong nỗ lực kiến tạo hòa bình và hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên, loại bỏ não trạng nghi kỵ, đối nghịch và cạnh tranh, nhất là xác tín rằng điều không thể dưới nhãn giới con người, vẫn là điều có thể đối với Thiên Chúa. Ngài nói:

”Cuộc viếng thăm của tôi đạt tới cao điểm trong việc cử hành Thánh Lễ này, trong đó chúng ta cầu xin Chúa ơn hòa bình và hòa giải. Kinh nguyện này có âm hưởng đặc biệt trong bán đảo Triều Tiên. Thánh Lễ hôm nay chủ yếu là cầu nguyện cho sự hòa giải trong gia đình Triều Tiên. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta về sức mạnh lời cầu nguyện của chúng ta khi hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Chúa để xin điều gì (Xc Mt 18,19-20). Toàn thể một dân tộc dâng lời khẩn nguyện thống thiết lên trời cao thì càng mạnh mẽ thế nào!

Bài đọc thứ I trong Thánh Lễ này trình bày lời Chúa hứa tái lập trong sự hiệp nhất và thịnh vượng một dân tộc bị phân tán vì tai ương và chia rẽ. Đối với chúng ta, giống như đối với dân tộc Israel, đây là một lời hứa đầy hy vọng: lời hứa ấy chỉ cho chúng ta một tương lai mà Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta ngay từ bây giờ. Nhưng lời hứa ấy gắn liền mật thiết với một mệnh lệnh: mệnh lệnh hãy trở về cùng Thiên Chúa và thành tâm tuân phục luật Chúa (Xc Dnl 30,2-3). Hồng ân hòa giải, hiệp nhất và hòa bình của Chúa gắn liền với ơn hoán cải; đây là một sự biến đổi tâm hồn, có thể thay đổi cuộc sống và lịch sử của chúng ta, trong tư cách là cá nhân cũng như dân tộc.

”Trong Thánh Lễ này, dĩ nhiên chúng ta lắng nghe lời hứa ấy trong kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Triều Tiên, một kinh nghiệm chia rẽ và xung đột kéo dài đã hơn 60 năm nay. Nhưng lời Thiên Chúa tha thiết mời gọi hoán cải cũng được gởi đến các môn đệ Chúa Kitô ở Hàn quốc hãy cứu xét chất lượng sự đóng góp của mình cho việc xây dựng một xã hội công chính và nhân bản hơn. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem anh chị em đang làm chứng tá, trong tư cách là cá nhân cũng như cộng đoàn về sự dấn thân theo tinh thần Tin Mừng, cho những người nghèo khổ, những người ở ngoài lề xã hội, những người không có công ăn việc làm, hoặc bị gạt ra ngoài sự thịnh vượng của nhiều người. Chúa cũng kêu gọi chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, cũng như là người dân Hàn quốc, hãy quyết liệt loại trừ một não trạng dựa trên ngờ vực, đối nghịch và cạnh tranh, và tốt hơn hãy tạo điều kiện cho một nền văn hóa được nhào nặn bằng giáo huấn của tin Mừng và nhờ những giá trị truyền thống cao quí nhất của dân tộc Triều Tiên.

”Trong Tin Mừng ngày lễ hôm nay, Thánh Phêrô hỏi Chúa: nếu người anh em của con phạm lỗi chống lại con, thì con phải tha thứ cho họ bao nhiêu lần? Có đến 7 lần không? Chúa đáp: ”Thầy không nói con phải tha thứ đến 7 lần, nhưng là 77 lần 7” (Mt 18,21-22). Những lời này đi thẳng vào trọng tâm sứ điệp hòa giải và hòa bình mà Chúa Giêsu đề ra. Khi tuân theo mệnh lệnh của Chúa, hằng ngày chúng ta xin Cha trên trời tha thứ tội lỗi chúng ta, ”như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nếu chúng ta không sẵn sàng làm như thế, thì làm sao chúng ta có thể thành thực cầu xin ơn hòa bình và hòa giải?

”Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy tin rằng tha thứ là cánh cửa dẫn đến hòa giải. Khi dạy chúng ta hãy tha thứ cho anh em chúng ta không chút dè dặt, Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện một điều hoàn toàn quyết liệt, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta ơn thánh để làm điều ấy. Xét theo nhãn giới con người, điều ấy dường như không thể thực hiện được, không thể theo đuổi và thậm chí hoàn toàn làm cho chúng ta kinh tởm, nhưng Chúa làm cho điều ấy có thể thực hiện được và có thành quả nhờ quyền năng vô biên thập giá của Ngài. Thập giá Chúa Kitô tỏ lộ quyền năng của Thiên Chúa có thể lấp đầy mọi chia rẽ, hàn gắn mọi vết thương va tái lập những liên hệ nguyên thủy của tình huynh đệ.

Vì thế, đây là sứ điệp mà tôi để lại cho anh chị em vào cuối cuộc viếng thăm của tôi tại Hàn quốc này. Anh chị em hãy tín thác nơi quyền năng của thập giá Chúa Kitô! Hãy đón nhận ân hòa giải của Chúa trong tâm hồn anh chị em và chia sẻ ơn ấy với người khác! Tôi xin anh chị em hãy làm chứng tá một cách đầy thuyết phục về sứ điệp hòa giải của Chúa Kitô trong gia đình, cộng đoàn và trong mỗi lãnh vực của đời sống quốc gia. Tôi tín thác rằng trong tinh thần thân hữu và cộng tác với các tín hữu Kitô khác, với tín đồ các tôn giáo khác, với tất cả những người nam nữ thiện chí vốn quan tâm đến tương lai của xã hội Hàn quốc, anh chị em sẽ là men của Nước Chúa ở trần thế này. Khi ấy kinh nguyện của chúng ta cho hòa bình và hòa giải sẽ bay lên cùng Thiên Chúa từ các tâm hồn thanh khiết hơn, để nhờ ơn Chúa, đạt được thiện ích quí giá mà tất cả chúng ta đều khao khát.

”Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để nảy sinh những cơ hội mới đối thoại, gặp gỡ và khắc phục những khác biệt, để có một sự quảng đại liên tục trong việc cung cấp trợ giúp nhân đạo cho những người túng thiếu, và để có sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn hơn đối với những thực tại này: mọi người dân Triều tiên đều là anh chị em với nhau, là thành phần của một gia đình duy nhất, một dân tộc duy nhất.

Trong phần kết luận bài giảng, ĐTC nồng nhiệt cám ơn Bà Tổng Thống, chính quyền Hàn quốc cũng như tất cả những người, dưới bất kỳ hình thức nào, đã làm cho cuộc viếng thăm của ngài được thực hiện. Ngài nói:

”Đặc biệt tôi muốn ngỏ lời đích thân cám ơn các linh mục Hàn quốc, hằng ngày hoạt động phục vụ Tin Mừng và xây dựng Dân Chúa trong niềm tin, cậy, mến. Tôi xin anh em, trong tư cách là Sứ giả của Chúa Kitô và là người phục vụ tình thương hòa giải của Chúa (Xc 2 Cr 5,18-20) tiếp tục kiến tạo những mối giây tôn trọng, tín nhiệm và cộng tác hòa hợp trong các giáo xứ chúng ta, giữa anh em và với các GM của anh em. Tấm gương yêu thương không chút dè dặt của anh em đối với Chúa, lòng trung thành và tận tụy của anh em đối với sứ vụ, cũng như sự dấn thân bác ái của anh em đối với những người túng thiếu, góp phần rất lớn vào công cuộc hòa giải và hòa bình tại đất nước này”.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã nhắc đến ĐHY Fernando Filoni Tổng trưởng Bộ truyền giáo, đặc sứ của ngài tại Irak. Ngài nói: ”Lẽ ra ĐHY cũng có mặt tại đây, nhưng ĐHY được gửi sang Irak để bày tỏ sự gần gũi của tôi và của Giáo Hội đối với các tín hữu Kitô và dân chúng Irak bị bách hại..

ĐHY Anrê Liêm Chu Chánh (Yeom Soo-jung), TGM giáo phận Hán Thành, đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC vì cuộc viếng thăm tại Hàn Quốc trong 5 ngày qua và nhận xét rằng đặc biệt đối với các bạn trẻ Á châu, ĐTC đã tỏ ra một vị Mục Tử nhân lành tháp tùng và đồng hành với họ. Và tại Hán Thành ĐTC đã tôn phong chân phước cho các vị tử đạo của chúng con, Phaolô Duẫn Trì Trung và 123 bạn. Với biến cố này, Giáo Hội tại Hàn Quốc có thêm 124 vị chân phước tử đạo ngoài 103 vị hiển thánh. Vì thế, con cảm thấy càng có trách nhiệm nặng nề hơn đới với công cuộc loan báo Tin Mừng. Xin ĐTC cầu cho chúng con để chúng con dấn thân thực hiện hòa bình trọn vẹn tại bán đảo của chúng con và trên thế giới.

Sau lễ, tại nhà thánh của Nhà thờ chính tòa, ĐTC đã chào từ biệt tất cả 35 GM Hàn quốc và ngài làm phép bảng hiệu sẽ được gắn vào tòa GM mới xây tại đây, và xuống tầng hầm nhà thờ chính tòa Minh Đổng để cầu nguyện trước di hài của các vị tử đạo được an táng tại đây.

Giã từ

Liền đó ĐTC đi tới căn cứ không quân Hán Thành cách đó 20 cây số để đáp máy bay trở về Roma. Tại sân bay, Tổng thống Phác Cận Huệ cùng với các quan chức chính quyền, giáo quyền và một nhóm tín hữu đã tiễn biệt ĐTC trong nghi thức đơn sơ, nhưng cũng có hàng quân danh dự.

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Hàn Quốc, cất cánh lúc 1 giờ trưa giờ địa phương về bay về Roma.

Cũng như chuyến đi, khi máy bay vào không phận 11 nước, ĐTC đều cho gửi điện văn chào mừng vị quốc trưởng và nhân dân liên hệ. Đặc biệt điện văn gửi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, ĐTC viết:

”Trên đường trở về Roma sau chuyến viếng thăm của tôi tại Hàn Quốc, tôi muốn lập lại với Ông chủ tịch và đồng bào của ông những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi, đồng thời tôi khẩn cầu phúc lành của Thiên Chúa trên đất nước của Ông”.

Sau 12 giờ bay, vượt qua quãng đường dài 8,970 cây số, máy bay chở ĐTC, 30 người thuộc đoàn tùy tùng và 72 ký giả thuộc 11 nước, đã đáp xuống phi trường Ciampino của Roma lúc gần 6 giờ chiều. Liền đó ngài đã đáp trực thăng về Vatican, kết thúc chuyến viếng thăm thứ 3 tại nước ngoài.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y THÉODORE ADRIEN SARR CA NGỢI VAI TRÒ QUAN TRONG CỦA NỮ GIỚI TRONG GIÁO HỘI

ĐỨC HỒNG Y THÉODORE ADRIEN SARR CA NGỢI VAI TRÒ QUAN TRONG CỦA NỮ GIỚI TRONG GIÁO HỘI

DAKAR: Đức Hồng Y Théodore Adrien Sarr, Tổng Giám Mục Dakar Senegal, đã ca ngợi vai trò quan trọng không thể chối cãi được của nữ giới trong cộng đoàn kitô, như vai trò của bà mẹ trong gia đình.

Đức Hồng Y đã nhấn mạnh như trên trong thánh lễ cử hành tại giáo xứ thánh Maria Madalena. Ngài khích lệ chị em phụ nữ hãy nhận lấy chỗ của họ trong cộng đoàn, và cầu mong Giáo Hội thừa nhận họ trong sự thật và công bằng. Vì cộng đoàn giáo xứ cần sự hăng say, các sáng kiến, và niềm vui của họ làm chứng cho tình yêu Chúa đối với Chúa Giêsu Kitô. Việc xây dựng một Giáo Hội cộng đoàn gia đình của Thiên Chúa sẽ không thành công, nếu thiếu trực giác hiền mẫu và lo lắng của nữ giới. Đức Hồng Y Sarr cũng tố cáo các thái độ kỳ thị xã hội, văn hóa, phái tính đối với nữ giới trong tực tại cuộc sống giáo xứ, dựa trên các suy xét xấu và cằn cỗi. Ngài mời gọi mọi người thừa nhận vai trò của nữ giới trong việc linh hoạt các hội đoàn, các phong trào và các nhóm khác nhau trong giáo xứ, giáo phận, và thăng tiến sư cộng tác và tình liên đới huynh đệ trong việc xây dựng cuộc sống cộng đoàn (SD 7-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIOS III LAHAM KÊU GỌI TÍN HỮU HỒI VÀ TÍN HỮU KITÔ CÙNG NHAU DUY TRÌ GIA TÀI VÀ LỊCH SỬ CHUNG

ĐỨC THƯỢNG PHỤ GREGORIOS III LAHAM KÊU GỌI TÍN HỮU HỒI VÀ TÍN HỮU KITÔ CÙNG NHAU DUY TRÌ GIA TÀI VÀ LỊCH SỬ CHUNG

BAGHDAD: Đức Thượng Phụ Melkít Gregorios III Laham khích lệ các tín hữu kitô và hồi giáo đoàn kết giữ gìn gia tài và lịch sử chung của các dân tộc A rập vùng Trung Đông.

Đức Thượng Phụ đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi tín hữu Hồi các nước A Rập và trên toàn thế giới nhân lễ Eid al-Fitr, kết thúc tháng chay tịnh Ramadan. Đức Thượng Phụ ghi nhận rằng ngày lễ diễn ra trong các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thê thảm trên thế giới, đặc biệt trong các nước A rập, trong khi đất nước Siria thân yêu và Irak khổ đau, đất Palestina và Gaza bị thương tích; đó là chưa nói đến Marốc, Ai Cập, Yemen, và các guốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Máu chảy khắp nơi, sự đau buồn gia tăng, các nơi thờ tự, các đền thờ hồi giáo cũng như các nhà thờ kitô bị tàn phá, các quyền thánh thiêng của con người bị vi phạm, phẩm giá, sự tư do và danh dự của nó bị chà đạp, tất cả những gì xảy ra đều đe dọa các chinh phục nhân bản, nghệ thuật và khoa học, luân lý và tôn giáo của nền văn hóa A rập. Tín hữu kitô và tín hữu hồi chúng ta đã cùng nhau làm nên lịch sử, chung sống và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta đã thắng vượt được các đám mây khủng hoảng khi chúng xảy ra, và cùng nhau tiếp tục con đường cuộc sống, cùng chung xây đất nước và cùng lớn lên. Đó là một tình bạn tràn đầy và liêm chính. Chúng ta than khóc các nạn nhân vô tội kitô và hồi giáo, phụ nữ và nam giới, người già và giới trẻ chết mỗi ngày với máu thấm đẫm các con đường, nhà cửa và những nơi thờ tự, ôm nhau trong cái chết chung, như đã xảy ra trong lịch sử và nền văn minh, văn hóa của họ.

Chúng ta hãy hiệp nhất để cứu vãn Hồi giáo và các tín hữu hồi khỏi các kẻ thù ngoại tại và nội tại đang bổ xuống trên thế giới A rập, thế giới hồi giáo và các nơi khác. Chúng tôi kitô hữu A rập, chúng tôi là những người bênh vực chân thành nhất của Hồi giáo, bởi vì chúng tôi biết rằng trong số phận tốt cũng như xấu chúng ta cùng nhau duy trì gia tài và lịch sử chung của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi lương tâm của thế giới A rập, và âu châu cũng như cộng đồng quốc tế, cùng nhau lên tiếng chống lại các trào lưu takfít đang xâm lấn các nước A rập của chúng ta, làm sai lạc gương mặt của Hồi giáo, thúc đẩy các kitô hữu di cư, đe dọa giết họ, hạ nhục họ, tàn sát họ; và như thế lấy mất đi thế giới A rập khỏi con tim của các tín hữu kitô và làm cho thế giới hồi nghèo nàn đi. Các người Takfit là một trào lưu cuồng tín ngoài lề Hồi giáo Sunnít. Họ trông thấy các người bất trung ở khắp nơi, và cho rằng việc giết các người ấy là hợp pháp. Họ tấn công các người Hồi chung quanh và bắt các người này phải gia nhập giáo phái Takfít. Kitô hữu và tín hữu Hồi chúng ta phải ở với nhau để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai và tương lại chung của chúng ta (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải -Vatican Radio
 

 

Tấm bánh liên đới

Tấm bánh liên đới

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin Mừng hôm nay không?

2) Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?

3) Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Những người nghèo chất vấn cách tiêu dùng của ta. Bạn có nghĩ thế không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

CÁC GIÁM MỤC THỤY SĨ KÊU GỌI ÁP DỤNG CÁC GIÁ TRỊ KITÔ VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI

LUGANO: Ngày 28-7-2014 các Giám Mục Thụy sĩ yêu cầu chính quyền liên bang giải thích và áp dụng các giá trị Kitô vào cuộc sống cụ thể của xã hội.

Thông cáo mang chữ ký của Đức Cha Giacomo Grampa, nguyên Giám Mục Lugano, đại diện các Giám Mục Thụy sĩ, được công bố 5 tháng sau khi chính quyền Liên bang chấp nhận sáng kiến ”chống nạn di cư ồ ạt” do vài đảng phái chính trị đề ra yêu cầu chính quyền hạn chế số người di cư vào Thụy Sĩ ở mức 0.2%, và dành 10% trợ giúp phát triển cho việc kiểm soát sinh sản tại các nước nghèo. Đức Cha Grampa đặc biệt nêu bật sự kiện Thụy Sĩ đã luôn luôn là quốc gia đa ngôn ngữ, đa tôn giáo, đa văn hóa và có nhiều truyền thống khác nhau. Tại Thụy Sĩ các nền văn hóa tự do và duy xã hội, cải cách và công giáo, thành thị và nông thôn chung sống với nhau. Các giá tri Kitô cho tới nay đã được tháp nhập vào cuộc sống của dân chúng. Nhưng ngày nay chúng bị lèo lái để chống lại kẻ thù, là người khác, người ngoại quốc, người hồi. Nếu từ phía các Giáo Hội, từ phía cộng đoàn Kitô các giá trị này bị hạn hẹp, lập lại và không được giải thích, thì có nguy cơ tạo ra việc đồng hòa tín hữu và nơi những người sử dụng các giá trị đó dể ”bảo vệ các truyền thống kitô” mà không hiểu và không sống chúng. Với hậu qủa là cuối cùng có nhiều Kitô hữu xác tín rằng để bảo vệ Kitô giáo cần phải hạn chế số người nước ngoài vào Thụy Sĩ, hạn chế một số quyền của họ và xây tường ngăn cách… Nạn bài người nước ngoài đã đi tới chỗ lấy việc của các công nhân Thụy sĩ cho người nước ngoài làm với đồng lương rẻ mạt. Sự sợ hãi là một thực tại, nhưng cách thức thắng vượt nó là sự găp gỡ. Nguyên tắc nhìn vào mắt người ăn xin khi bố thí cho họ, cũng có giá trị đối với việc gặp gỡ người nước ngoài, vì như thế là mở rộng cho một viễn tượng khác.

Đức Cha Grampa mời gọi mọi ngưởi chú ý tới ”các người nước ngoài vô hình” không có gương mặt, không thể gặp được, nhưng họ điều kiện hóa cuộc sống chúng ta: đó là các tổ chức tài chánh quốc tế làm sụp đổ các hệ thống kinh tế, bằng cách chuyển vận đi nơi khắc các của cải không do họ làm ra. Đó là các băng đảng tội phạm mua các hàng quán, rửa tiền bẩn thỉu, qua các hiệp hội quốc tế hay điều hành các trung tâm sức khỏe nhưng che dấu dịch vụ mại dâm. ”Loại người nước ngoài đó” chinh phục chúng ta một cách lấn lướt ngấm ngầm: bằng cách ăn trộm lương tâm và văn hóa của chúng ta” (SD 28-7-2014).

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

PHỦ QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH YÊU CẦU CÁC VỊ ĐẠI SỨ CẠNH TÒA THÁNH CHÚ Ý TỚI THẢM CẢNH CỦA CÁC KITÔ HỮU VÙNG TRUNG ĐÔNG

VATICAN: Trong hai ngày 28-29 tháng 7 năm 2014 Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã gửi văn thư cho các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, yêu cầu chú ý tới thảm cảnh của các kitô hữu vùng Trung Đông và tích cực dấn thân tìm giải pháp hóa bình cho các dân tộc vùng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ hôm 29-7-2014 Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã cho biết như trên.

Văn bản của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh bao gồm các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cho hòa bình tại vùng Trung Đông. Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh rất lo âu theo dõi tình hình của các cộng đoàn kitô Trung Đông. Họ đang đau khổ một cách bất công, lo sợ và bị bắt buộc phải di cư. Chỉ trong thành phố Mosul đã có 30 nhà thờ và đan viện bị các lực lượng hồi cuồng tín chiếm đóng, phá hoại và tháo gỡ thánh giá. Trong biết bao năm nay đây là lần đầu tiên đã không có thánh lễ Chúa Nhật. Cần phải nhớ rằng tại Irak cũng như trong các nước vùng Trung Đông, các kitô hữu đã hiện diện ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội, và đã có một vai trò ý nghĩa trong sự phát triển xã hội; và họ muốn tiếp tục hiện diện như các tác nhân hòa bình và hòa giải.

Tòa Thánh đã hoạt động trên nhiều bình diện khác nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bầy tỏ sự gần gũi với các cộng đoàn kitô, đặc biệt với các gia đình kitô tại Mosul, bằng cách mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài qua Đức Thượng Phụ Can đê Babilonia và Đức Thượng Phụ Siri Antiokia, khích lệ tín hữu mạnh mẽ trong hy vọng. Ngài cũng đã gửi trợ giúp kinh tế cho các gia đình qua Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm.

Về phía mình Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã hoạt động qua các ngã ngoại giao, khích lệ các chính quyền quốc gia và hàng lãnh đạo quốc tế chú ý tới số phận của các kitô hữu vùng Trung Đông, trong thông tư gửi cho mọi tòa đại sứ cạnh Tòa Thánh. Phủ Quốc Vụ Khanh hy vọng cộng đoàn quốc tế lưu tâm tới vấn đề này, vì nó liên quan tới nhân phẩm và các quyền căn bản của con người, sự sống chung hòa bình và hòa hợp giữa các cá nhân và các dân tộc. Irak và các quốc gia khác của vùng Trung Đông được mời gọi là một mô thức sống chung giữa các cộng đoàn khác nhau, nếu không sẽ là một mất mát rất lớn và là một dấu hiệu rất xấu cho toàn thế giới.

Liên quan tới thảm cảnh của người Palestine sống trong dải Gaza thật là đáng tiếc sự kiện người ta coi nó như điều không thể tránh được, nhưng không đúng như vậy. Đức Thánh Cha đã đưa ra nhiều lời kêu gọi mọi người cầu nguyện nài xin ơn hòa bình, và tiếp nhận lời Thiên Chúa mời gọi bẻ gẫy vòng luẩn quẩn của thù hận và bạo lực đẩy xa hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Mamberti nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu các giới chức trách nhiệm chính trị địa phương cũng như thế giới làm tất cả những gì có thể để ngưng thù nghịch và đạt tới hòa bình mong mỏi cho thiện ích của tất cả mọi người. Cần có nhiều can đảm để tạo dựng hòa bình hơn là để gây chiến tranh. Ngoài ra, phải đặt để công ích và việc tôn trọng mọi người vào trung tâm, chứ không phải các lợi lộc riêng tư (SD 29-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican  Radio

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

SỨ ĐIỆP KẾT THÚC ĐẠI HỘI CỦA LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC PHI CHÂU VÀ MADAGASCAR

LILONGWE: Trong sứ điệp kết thúc Hội nghị nhóm tại Lilongwe bên Malawi, các Giám Mục Phi châu và Madagascar mời gọi tìn hữu toàn đại lục cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng qua chứng tá và các phương tiện truyền thông xã hội, củng cố các giá trị gia đình, tích cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đoàn.

Các Giám Mục Phi châu và Magadascar cũng bầy tỏ đau buồn vì các xung khắc tại Sudan, Nam Sudan và Somalia, cũng như tại nhiều vùng khác trên thế giới gây chết chóc, tàn phá, thương đau cho các dân tộc liên hệ. Các vị mời gọi các dân tộc các nước lâm chiến kiếm tìm hòa bình, hòa giải và cùng nhau chung xây đất nước. Ngoài ra, các Giám Mục cũng khích lệ tín hữu toàn đại lục tỏ tình liên đới với các nạn nhân của chiến tranh đang cần được trợ giúp.

Liên quan tới gia đình các Giám Mục Phi châu ghi nhận cuộc khủng hoảng trầm trọng phát xuất bởi nạn cá nhân chủ nghĩa, luân lý suy đồi, nghèo túng và thất nghiệp. Giáo Hội cần củng cố mục vụ gia đình, thăng tiến sự tôn trọng và bảo vệ sự sống. Sứ điệp của các Giám Mục cũng thỉnh cầu các chính quyến toàn đại lục Phi châu tôn trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Các Giám Muc cũng mạnh mẽ lên án mọi hình thức bạo lực của các phong trào tôn giáo cuồng tín, và xin các vị lãnh đạo tôn giáo theo đuổi con đường đối thoại và tôn trọng nhau. Các Giám Mục đặc biệt tỏ tình liên đới với các nạn nhân tai nạn máy bay hàng hàng không Malaysia bên Ukraine, các nạn nhân chiến tranh bên Palestina và Syria hay bên Irak và Syria.

Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar lần thứ 18 đã diễn ra tại Lilongwe bên Malawi trong các ngày 16-26 tháng 7 năm 2014 về đề tài: ”Tái truyền giảng Tin Mừng qua sự hoán cải và chứng tá cho đức tin kitô”. Tham dự hội nghị đã có các Giám Mục đến từ các nước Eritrea, Etiopia, Malawi, Kenya, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda Zambia và Somalia (SD 27-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

ĐỨC HỒNG Y FRANCESCO MARCHISANO QUA ĐỜI

Cardinal FRANCESCO MARCHISANO

VATICAN: Sáng ngày 27-7-2014 Đức Hồng Y Francesco Marchisano, nguyên Linh Mục trưởng đền thờ thánh Phêrô đã qua đời, thọ 85 tuổi.

Đức Hồng Y Marchisano đã được thăng Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003 và đã từng là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách các Gia tài văn hóa của Giáo Hội và Hội Đồng Tòa Thánh Khảo cổ thánh. Ngài cũng từng là Tổng Giám quản Quốc gia thành Vaticăng, chủ tịch Xưởng thánh Phêrô và Chủ tịch Văn phòng lao động của Tòa Thánh.

Thánh lễ an táng Đức Hồng Y Marchisano sẽ diễn ra trong Đền Thờ thánh Phêrô sáng ngày 30-7-2014. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự lễ nghi tiễn biệt. Với sự qua đi của Đức Hồng Y Marchisano Hồng Y Đoàn còn 212 vị, trong đó có 118 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng (SD 27-7-2014)

Trong điện tín gửi Đức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục Torino, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia buồn với Đức Tổng Giám Mục, linh mục đoàn giáo phận và thân nhân bạn bè của Đức cố Hồng Y. Ngài thân ái nghĩ tới gương mặt của vị chủ chăn đã cộng tác rất nhiều với Tòa Thánh trong Bộ giáo dục và nhiều chức vụ khác nhau, với chứng tá quảng đại trung thành với ơn gọi linh mục và giám mục, và cuộc đời xả thân cho tín hữu, nhậy cảm với nghệ thuật và văn hóa. Đức Thánh Cha cầu xin Chúa đón nhận người tôi trung vào trong niềm vui và an bình vĩnh cửu và ban phép lành tòa thánh cho những ai đang khóc thương Đức Cố Hồng Y (SD 28-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CHIẾN TRANH KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU HẾT

CHIẾN TRANH KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU HẾT

GENÈVE: Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh, kêu gọi hai phe Israel và Palestin chấm dứt cái vòng luẩn quẩn của bạo lưc, oán thù và chiến tranh. Vì chiến tranh không đưa tới đâu hết, nó chỉ gieo tàn phá, chết chóc thương đau cho nhau thôi.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã đưa ra lời kệu gọi trên đây trong bài phát biểu trong khóa họp đặc biệt của Ủy ban Liên hiệp quốc về các quyền con người tại Genève hôm 23-7 vừa qua. Vị đại diện Tòa Thánh nhấn mạnh rằng các bất công kéo dài và việc vi phạm các quyền con người, đặc biệt là quyền sống và sống trong an ninh hòa bính, chỉ gieo rắc thù ghét và oán hân. Người ta đang củng cố một nền văn hóa của bạo lực, mà hoa trái là tàn phá và chết hóc. Trong thời gian dài sẽ không có kẻ chiến thắng trong thảm cảnh hiện nay, mà chỉ có khổ đau mà thôi. Đa số các nạn nhân là thường dân đáng lý ra phải được che chở theo quyền nhân đạo quốc tế. Liên Hiệp Quốc ước tính có 70% các người Palestin nạn nhân là thường dân vô tội. Đây là điều không thể khoan nhượng được, cũng như các hỏa tiễn bắn trên các thường dân Israel. Các lương tâm đã bị tệ liệt vì bầu khí bạo lực kèo dài, tìm cách áp đặt giải pháp qua việc hủy diệt người khác. Nhưng coi người khác là qủy không loại bỏ được các quyền của họ. Trái lại con đường cho tương lai là nhận biết nhân bản tính chung của chúng ta.

Trích lời Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói: ”Vì thiện ích của tất cả mọi người cần gia tăng các nỗ lực và sáng kiến hướng tới chỗ tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình ổn định, dựa trên công lý, việc thừa nhận các quyền của từng người và trên an ninh của nhau. Đã đến lúc mọi người cần phải có can đảm quảng đại có óc sáng tạo phục vụ thiện ích, can đảm hòa bình, dựa trên việc tất cả mọi người đều thừa nhận mọi quyền của hai quốc gia hiện hữu và được hưởng hòa bình và an ninh trong biên giới được quốc tế thừa nhân.

Tiếp tục bài phát biểu Đức Tổng Giám Muc Tomasi nói rằng khát vọng an ninh hợp pháp và các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người, được có các phương tiện sống bình thường như thuốc men, nước uống và chỗ làm việc phản ánh một quyền nền tảng của con người, mà không có nó sẽ khó mà duy trì được hòa bình. Tình hình tồi tệ tai Gaza là một lời mời gọi liên lỉ cần đi đến một cuộc ngưng bắn tức khắc, và bắt đầu các cuộc thương thuyết cho một nền bình lâu bền. Hòa bình sẽ đem lại các lợi thé cho các dân tộc trong vùng vàcho toàn thế giới. Vì thế cần theo đuổi với sự cương quyết, cả khi mỗi bên có phải chịu vài hy sinh. Trách nhiệm của cộng đoàn quốc tế là dấn thân nghiêm chỉnh để tìm hiếm hòa bình và trợ giúp hai phe lâm chiến trong cuộc xung khắc kinh hoàng này, đạt được sự cảm thông, để chấm dứt bạo lực và tin tưởng lẫn nhau tìm về tương lai.

Sau cùng vị Đại diện Tòa Thánh nói rằng bạo lực không bao giờ đem lại lợi lộc nào. Bạo lực sẽ chỉ đem lại khổ đau, tàn phá và chết chóc mà thôi, và nó đs ngăn cản hàa bình trở thành một thực tại. Chiến thuật của bạo lực có thể lây lan và trở thành không thể kiểm soát nổi.

Để chống lại bạo lực và các hậu qủa tiêu cực của nó chúng ta phải tránh quen thuộc với việc giết chóc. Trong lúc sự xấu xa trở thánh bình thường và càc vụ vi phạm quyền con người hiện diện khắp nơi, chúng ta không được thờ ơ, nhưng phải đáp trả lại một cách tích cực hầu bớt mọi xung khắc liên lụy đến tất cả mọi người. Cac phương tiện truyền thông phải kể lại một cách trung thực, vô tư, thảm cảnh của tất cả mọi người đang đau khổ vì cuộc xung đột, hầu tạo dễ dàng cho một cuộc đối thoại không thiên tư nhưng thừa nhận quyền của tất cả mọi người. Phải ngưng cái vòng luẩn quẩn của báo oán và trả thù. Với bạo lực con người sẽ tiếp tục sống với nhau như thù địch, nhưng với hòa bình họ có thể sống như anh chị em với nhau”. (SD 23-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC ÁI NHĨ LAN VÀ PHÁP KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TẠI TRUNG ĐÔNG

CÁC GIÁM MỤC ÁI NHĨ LAN VÀ PHÁP KÊU GỌI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TẠI TRUNG ĐÔNG

DUBLIN-PARIS: Các Giám Mục Ái Nhĩ Lan và Pháp mời gọi tín hữu toàn nước cầu nguyện và liên đới với các dân tộc khổ đau vùng Trung Đông để hòa bình và công lý đến với đất nước của họ.

Trong thông cáo mang chữ ký của Đức Cha John McAreavey, chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình Ailen, các vị khẳng định rằng tình hình thê thảm của các

cộng đoàn kitô bị bách hại và đe dọa bên Trung Đông là một thách đố đối với toàn thế giới. Khi nhìn các cuộc xung đột trầm trọng đang tàn phá Irak, Siria, Palestina và Israel, Đức Cha McAreavey nhận xét rằng chết chóc và tàn phá đang đổ ập xuống trên vùng Trung Đông thật qúa tang thương và xé nát tâm hồn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử trên 1700 năm nay không còn có kitô hữu nào hiện diện tại Mossul bên Irak nữa. Trong khi con số các nạn nhân qúa cao tại Gaza và Israel. Thê thảm nhất là tình cảnh sống của các trẻ em, và các gia đình phải bắt buộc bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi và đang thiếu thốn mọi sự. Các bạo lực và tàn phá xảy ra trong các ngày này chứng minh cho thấy sự kinh hoàng hoành hành, khi các tôn giáo và căn tính khác nhau được phép làm lu mờ đi các mối dây nối kết của nhân loại.

Đức Cha McAreavey còn than phiền về sự tàn phá gia tài văn hóa và tôn giáo của vùng Trung Đông. Ngài mời gọi cộng đồng quốc tế đừng khoan nhượng với việc khước từ các quyền căn bản của con người, và bảo vệ an ninh cho những người bị kẹt trong các vùng giao tranh, cũng như tất cả những ai liều mình đem đồ cứu trợ tới cho người tỵ nạn (SD 22-7-2014).


Mặt khác, giới lãnh đạo các tôn giáo tại Pháp cũng mời gọi tín hữu toàn nước cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông vào Chúa Nhật 27 tháng 7 tới đây. Các vị yêu cầu tránh mọi lèo lái cuộc xung đột tại Trung Đông.

Tình hình chiến sự leo thang tại Thánh Địa trong các ngày qua đã làm nảy sinh ra các căng thẳng tại Paris, nơi xảy ra các vụ biểu tình chống cộng đoàn Do thái và các vụ đụng độ với cảnh sát. Trong thông cáo công bố ngày 21 tháng 7 vừa qua sau khi hội kiến với chính quyền giới lãnh đạo Kitô, Hồi giáo, Do thái và Phật giáo đã mạnh mẽ lên án các hành vi bạo động và ước mong công lý và hòa bình mau được tái lập tại Thánh Địa. Các vị mời gọi mọi người thiện chí cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình. Trong số các vị ký tên vào bản kêu gọi có Đức Cha Georges Pontier, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp. Đức Cha đã mời gọi tín hữu công giáo toàn nước dành ngày 27 tháng 7 này để cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa (SD 22-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC COLOMBIA TÁI XÁC ĐỊNH SỰ SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN THƯƠNG THUYẾT HÒA BÌNH GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ PHIẾN QUÂN ELN

BOGOTÀ: Trong những ngày vừa qua, giáo hội công giáo Colombia đã tái xác định sự sẵn sàng đứng ra làm trung gian hay tạo điều kiện cho một cuộc thương thuyết hòa bình giữa chính quyền nước này và lực lượng quân đội giải phóng quốc gia, gọi tắt là ELN, nhóm phiến quân vũ trang đứng hàng thứ hai tại đây.

Theo những lời tuyên bố được đăng tải trên báo El Espectador, Đức Cha Luis Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja và mới được bầu là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia hôm 9-7-2014, đã nói là Giáo Hội sẵn sàng nhận lời, nếu một ngày kia có người yêu cầu Giáo Hội làm trung gian hay tạo điều kiện dề dàng cho một cuộc thương thuyết như đã từng xảy ra với nhóm phiến quân Lực Lượng vũ trang cách mạng Colombia, gọi tắt là FARC. Với FARC, Đức Cha Quiroga nhận định, đã có một cuộc kiểm điểm xem có thực sự hướng đến việc mở một tiến trình hòa bình thành thật hay chỉ là một cuộc hòa đàm cho có vậy thôi.

Giáo Hội luôn luôn ủng hộ cuộc đối thoại chính trị để đạt tới hòa bình bởi vì con đường đấu tranh vũ trang là con đường thất bại. Để được như thế, cần phải có nhiều thành tâm và thiện chí. Các nhóm du kích vũ trang phải nhìn nhận những hành vi đã thực hiện, phải hối lỗi xin tha thứ, phải đền bù và chấp nhận công lý.

Tuyên bố với một tờ báo khác tên Vanguardia, Đức Cha tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia đã nhắc lại vai trò của Giáo Hội Colombia địa phương trong giai đoạn hậu chiến và thêm rằng ”cần phải hiện thực một tiến trình tái nhân bản hóa. Cuộc chiến này đã biến tất cả mọi người chúng ta thành nạn nhân. Vì thế, người dân Colombia phải học biết thông cảm với niềm đau của tha nhân để cùng lớn lên trong tình nhân bản, biết lượng định đúng đắn giá trị sự sống và biết sống với nhau như anh em một nhà chứ không phải như bầy chó hoang xé xác nhau. Đất nước Colombia cần phải biết tha thứ và tiến tới, đối diện với các thách đố luân lý đạo đức, biết tìm kiếm lợi ích cho cả tha nhân, để thực sự tiến tới chỗ hòa giải quốc gia dân tộc. (SD 150714)

Mai Anh – Vatican Radio

Cỏ và lúa

Cỏ và lúa

Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu: cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích: người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện, thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hoả ngục.

Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt: cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.

Đối với con người thì không như vậy: bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành: “Nhân chi sơ tính bản thiện”: khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào: cỏ lùng hay lúa tốt? Đó là trách nhiệm của mỗi người.

Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì là tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang kể là lúa tốt.

Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng: lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu huỷ. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau: người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói: “Ai có tai thì nghe:, nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng: chúng ta là đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.

Tóm lại, trong cánh đồng mầu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu… luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi”. Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.

Sưu tầm

ĐỨC THƯỢNG PHỤ CANĐÊ LOUIS RAPHAEL I SAKO KÊU GỌI CÁC DÂN BIỂU IRAQ NGHĨ TỚI TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC

ĐỨC THƯỢNG PHỤ CANĐÊ LOUIS RAPHAEL I SAKO KÊU GỌI CÁC DÂN BIỂU IRAK NGHĨ TỚI TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC

BAGHDAD: Ngày 15 tháng 7 vừa qua Đức Cha Louis Rapharel I Sako, thượng phụ công giáo Canđê đã thiết tha kêu gọi các dân biểu Quốc Hội Iraq mau chóng thành lập tân chính phủ để tránh cho đất nước khọi rơi vào cảnh hỗn loạn.

Trong thư ngỏ gửi các dân biểu quốc hội Đức Cha Sako khẳng định: cho tới nay các cuộc họp của Quốc hội nhằm thành lập một tân chính quyền đã không đi tới đâu. Xin qúy vị và các đảng phái chính trị toàn nước biết cho rằng đất nước Iraq đang rơi vào cảnh hỗn loạn, vì thế không đựơc mất thì giờ. Hợp tiếng nói khiêm tốn của tôi với tiếng nói của các vị lãnh đạo Hồi Sciít và Sunnít tôi xin qũy vị nhanh chóng bầu ba vị lãnh đạo để tránh cho đất nước khỏi rơi vào tình trạng vô chính phú, hỗn loạn và phân hóa.

Đức Thượng phụ Sako cũng đề nghị các dân biểu đọc một lời kinh đơn sơ ngài đã soạn trước các cuộc họp. Lời kinh viết: ”Lạy Chúa, xin trợ giúp chúng con, để chúng con có thể đổi thoại với nhau và hiểu biết nhau, xa lánh mọi hẹp hòi và óc bè phái. Lạy Chúa, xin giúp chúng con phổ biến hòa bình và an ninh cho dân tộc chúng con, như thế đất nước Irak có thể chiến thắng ra khỏi mọi vấn đề của mình. Amen”

Mặt khác các giới lãnh đạo tôn giáo Iraq cũng đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu giúp chấm dứt nội chiến gây nguy cơ cho tương lai đất nước Iraq và các tôn giáo thiểu số. Trước tình hình nghiêm trọng tại Iraq Hội đồng Trợ giúp các giáo hội đau khổ đã mời vài vị lãnh đạo của Giáo Hội địa phương tới Bruxelles để gặp gỡ ông Herman van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng âu châu và giới lãnh đạo Liên HIệp Âu châu. Sáng kiến này nằm trong chương trình cộng tác giữa Tổ chức Trợ giúp các giáo hội đau khổ và Liên Hiệp Âu châu tạo sự gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo chính trị âu châu với các chứng nhân của các Giáo Hội đang gặp khó khăn như Pakistan, Ai Cập, Syria, và Cộng hòa Trung Phi.

Đức Thượng phụ Louis Sako cho biết thiểu số kitô tại Iraq hiên nay rất suy yếu. Nếu không có một giải pháp hòa bình cho Irak, thì sẽ chỉ còn một sự hiện diện kitô biểu tượng. Và điều này sẽ là sự kết thúc lịch sử Giáo Hội tại Iraq. Đức cha Sako cũng cho biết từ sau cuộc xấm chiếm của lực lượng ISIL, rất nhiều kitô hữu và cả các tín hữu hồi đã bỏ nhà cửa ruộng vườn trong tay các dân quân hồi thánh chiến, và đến trú ngụ trong các cơ cấu của Giáo Hôi hay trong các gia đình kitô ở các làng bên cạnh. Giáo Hội trợ giúp mọi người không phân biệt ai. Tuy là một thiểu số sống sót sau các năm bạo lưc và bách hại có hệ thống, nhưng Giáo Hội có thể góp phần làm trung gian trong cuộc xung đột và tạp thuận tiện cho các liên lạc với cộng đồng quốc tế (ZENIT 15-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio