Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

duc-thanh-cha-nhac-nho-cac-vi-tu-dao-va-chia-buon-voi-dan-toc-nga

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương thánh Stephano tử đạo, trung thành tới Tin Mừng của Chúa Kitô và chống lại não trạng trần tục, Chia buồn với dân nước Nga.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của hàng chục ngàn người, ĐTC nhắc đến lời Chúa Giêsu báo trước về sự bách hại mà các môn đệ sẽ gặp: ”Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy” (v.22). Thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng lý do họ đã ghét bỏ Chúa Giêsu, vì Ngài mang ánh sáng của Thiên Chúa và thế gian thích bóng tối để che đậy những công việc gian ác của họ. Vì thế có sự đối nghịch giữa tâm thức Tin Mừng và não trạng thế gian. Theo Chúa Giêsu có nghĩa là theo ánh sáng của Chúa, được chiếu sáng trong đêm Bethlehem, và từ bỏ những bóng tối của trần thế”.

ĐTC nhận xét rằng ”Vị tử đạo đầu tiên, Stephano, đầy Thánh Linh, đã bị ném đá vì tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Con Duy Nhất của Thiên Chúa đến trần thế để mời gọi mỗi tín hữu chọn lựa con đường ánh sáng và sự sống. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc Chúa đến giữa chúng ta. Khi yêu mến Chúa và vâng theo tiếng Chúa, thày Phó tế Stephano đã chọn Chúa Kitô là Sự Sống và Ánh sáng cho mỗi người…

** ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày hôm nay cũng vậy, để làm chứng cho ánh sáng và chân lý, Giáo Hội đang chịu bách hại cam go tại nhiều nơi trên thế giới, đến độ tử đạo. Bao nhiêu anh chị em chúng ta đang chịu đàn áp, bạo lực, bị ghét bỏ vì danh Chúa Giêsu! Tôi nói với anh chị em một điều: các vị tử đạo ngày nay đông đảo hơn so với các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc lịch sử các thế kỷ đầu, ở Roma này, chúng ta thấy bao nhiêu sự tàn các chống các tín hữu Kitô; ngày nay cũng có sự tàn ác như thế chống các Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến và gần gũi họ với lòng quí mến, cầu nguyện và cả khóc thương nữa. Hôm qua (25-12), các tín hữu Kitô bị bách hại ở Irak đã mừng lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa của họ bị phá hủy: đó là một tấm gương trung thành với Tin Mừng. Mặc dù bị thử thách và nguy hiểm, họ đang can đảm làm chứng mình thuộc về Chúa Kitô và sống Tin Mừng, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng, và bị bỏ rơi nhất, làm điều thiện cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, làm chứng về đức bác ái trong chân lý”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy vui mừng và can đản canh tân ý chí trung thành theo Chúa Kitô như vị hướng đạo duy nhất, kiên trì sống theo tinh thần Tin Mừng, và từ khước não trạng của những kẻ thống trị trần thế này”.

Chia buồn với dân nước Nga

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chia buồn với nhân dân Nga về vụ máy bay TU-154 chở 93 người đi Siria bị rớt. Ngài nói:

”Tôi chân thành chia buồn về tin máy bay Nga bị rớt ở Hắc Hải. Xin CHúa an ủi nhân dân Nga yêu quí và gia đình các hành khách trên máy bay: các ký giả, phi hành đoàn, ca đoàn nổi tiếng và ban nhạc của Quân Đội. Xin Mẹ Maria hỗ trợ công cuộc tìm kiếm hiện nay. Năm 2004, ca đoàn của Quân đội Nga đã trình diễn tại Vatican nhân dịp 26 năm Giáo Hoàng của thánh Gioan Phaolo 2: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương và cầu chúc họ những ngày vui mừng và huynh đệ. Ngài không quên cám ơn tất cả những người đã gửi thiệp chúc mừng ngài trong dịp lễ này, nhất là món quà là những lời cầu nguyện cho ngài. (SD 26-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

khap-noi-mung-vui-don-chua

Một lần nữa, Giáng Sinh đang về với toàn thế giới, mang bầu khí hân hoan mừng vui bao trùm lên mọi người mọi vật.

Câu chuyện về Ông Già Noel – Thánh Nicola

Tại một số thành phố lớn Italia, đã có một chiến dịch mời gọi trẻ em hăng hái tham gia truyền thống viết thư cho ông già Noel. Chiến dịch được tổ chức ở những quảng trường hay trung tâm thương mại lớn trong hai ngày 17 và 18 tháng 12. Một gian hàng gọi là Bưu điện của ông già Noel với các vị thần Elfe và các con tuần lộc, chào đón các em bé đến viếng gian hàng, giúp đỡ các em viết và gửi thư cho ông già Noel. Thư của các em gửi đi sẽ nhận được trả lời. Các em cũng có thể chụp hình với chiếc xe và đoàn tuần lộc kéo xe của ông già Noel.

Cũng liên quan đến ông già Noel, hôm 20.12 vừa qua, các nhà khoa học thuộc đại học Liverpool bên Anh quốc, đã tái khôi phục một phần gương mặt thật của thánh Nicola thành Myre, người đã trở thành ông già Noel trong truyền thống dân gian thế giới. Nhóm khoa học gia này đã dùng một kỹ thuật tối tân 3 chiều để khôi phục gương mặt của vị thánh nổi danh này, sống vào thế kỷ thứ 4 từ năm 270 đến 345. Thánh Nicola từng làm giám mục thành Myre, mạn nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Có thể thánh nhân đã dự công đồng chung Nicea trong đó, người đã chống lại bè lạc giáo Ariane.  

Theo truyền thống, thánh Nicola được mừng vào ngày 06.12. Lễ mừng thánh nhân được tổ chức trọng thể tại các nước mạn Bắc và Đông Âu châu, nhất là Bỉ, Luxembourg, Pháp, Hòa Lan, Đức và Thụy Sĩ. Trong ngày hôm ấy, người ta phát nhiều quà cho các trẻ em ngoan ngoãn. Và rồi dần dần truyền thống dân gian đã biến thánh Nicola thành ông già Noel.

Thánh Nicola đã được sùng kính từ thời hậu thánh chiến của các đội quân thập tự, sau khi di hài thánh nhân được chuyển dời từ Myra về Bari, mạn nam Italia vào năm 1087. Một phần thánh tích của thánh nhân được ĐGH Giulio II tặng cho giáo phận Fribourg bên Thụy sĩ hồi năm 1505. Và chính từ các thánh tích này mà các khoa học gia tại đại học Liverpool đã tái khôi phục được khuôn mặt của thánh nhân. Nữ giáo sư Caroline Wilkinson, thuộc đại học John Moore, giải thích rằng toàn bộ công cuộc tái khôi phục khuôn mặt thánh nhân dựa trên căn bản rút từ các xương và tài liệu lịch sử còn lưu lại. Xương của thánh nhân được lưu giữ như thánh tích, một phần tại Bari, nam Italia, phần khác tại nhà thờ Thánh Nicolas ở Loraine bên Pháp và tại nhà thờ chính tòa thánh Nicola ở Fribourg bên Thụy Sĩ.

Hồi đầu năm 2014, một cuộc tranh cãi sôi nổi đã xảy ra nhất là tại Fribourg, Thụy Sĩ, khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi trả lại các thánh tích của thánh Nicola rải rác trên khắp thế giới trong mục tiêu gom góp tạo thành một bảo tàng viện về các nền văn hóa cổ kính tại miền nam nước Thổ. (APIC 20.12.2016)

Italia đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại thành phố Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, cực nam nước Ý, hai đầu bếp nổi tiếng là Giulio Sorrentino và Fiamma Forrmisano sẽ nấu bữa tiệc Giáng Sinh cho các tù nhân vị thành niên của nhà tù thiếu niên Malaspina ở thành phố này. Như truyền thống, bữa tiệc Giáng Sinh sẽ gồm toàn đồ biển và sẽ do một đoàn phụ bếp gồm toàn người trẻ thuộc một tổ chức kinh doanh bánh ngọt trong vùng đảm trách việc thực hiện trong khuôn khổ chương trình tái hội nhập người trẻ phạm pháp vào xã hội. Cùng cộng tác vào chương trình này, có nhiều hiệp hội thiện nguyện khác nữa. Đầu bếp Sorrentino cho biết ông rất hãnh diện được góp phần thực hiện sáng kiến nàyvì đây là một biến cố thực sự có ý nghĩa về mặt nhân bản. Bữa tiệc Giáng Sinh sẽ cống hiến cho người trẻ phạm pháp cơ hội chia sẻ hòa đồng với người khác, đồng thời có thể tìm được khả năng tái phục hồi nhân phẩm qua nghề nghiệp đầu bếp. Cả thị trưởng Palermo, ông Leoluca Orlando cũng cho biết sẽ hiện diện trong bữa tiệc này. (ADN 20.12.2016)

Tại thành Napoli, năm nay có lẽ là lần đầu tiên một bữa tiệc Giáng Sinh được tổ chức ngay tại nhà thờ chính tòa, vì theo lời tuyên bố của ĐHY Crescenzio Sepe, TGM Napoli, không những lý do phòng tiếp tân của toàn giáo phận đang được trùng tu, nhưng còn vì nhà Chúa là nhà của người nghèo nữa. Một đội ngũ đầu bếp sẽ nấu nướng và dọn những món ăn ngon lành tại chỗ cho người nghèo.

Một bữa tiệc Giáng Sinh khác cho người nghèo cũng được tổ chức tại Napoli trong trung tâm thương mại Galleria Principe, do các doanh nhân tại đây đóng góp. Đây là một truyền thống kéo dài từ nhiều năm nay do tổ chức thiện nguyện thân hữu trung tâm Galleria thực hiện và trong quá khứ, đã có trên 1000 người nghèo đến dự bữa tiệc này mỗi năm. Những tuần trước đây, tổ chức này lên tiếng báo động vì thiếu ngân khoản đóng góp cho bữa tiệc, lý do có lẽ vì cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn kéo dài. Nhưng làn sóng quảng đại đóng góp ngay sau đó đã đánh tan mọi lo âu. Bữa tiệc Giáng Sinh năm nay sẽ được tổ chức trọng thể trưa ngày 24.12 ngay tại trung tâm Galleria Principe. Và sẽ còn dư ngân khoản để dành cho những năm tới đây nữa. (ADN 18.12.2016)

Syria đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Syria, Đức GM Antoine Audo trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TV2000 hôm 19.12 vừa qua, đã tuyên bố rất cảm động khi thấy các ky tô hữu tại thị trấn Aleppo phía Tây lần đầu tiên từ 6 năm nay, lại chưng đèn màu trang hoàng nhà cửa đón mừng Giáng Sinh. Đức Cha nói đây là một dấu chỉ hy vọng và chứng minh khát khao thay đổi.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐC Audo cho biết những ngày này, người dân Tây Aleppo không còn nghe thấy tiếng súng nổ. Họ thực sự vui mừng và ước mong một sự thay đổi hoàn toàn. Sau nhiều năm dài, ĐC lại thấy thấp thoáng những cây thông Giáng Sinh trên các ban công nhà cửa của dân chúng. Tại quảng trường chính trong khu vực ky tô, cũng có một cây thông Giáng Sinh và đây là một hình ảnh hòa bình vừa tìm lại được. Ngày 23-12, một lễ hội biểu lộ vui mừng hân hoan cũng được tổ chức tại 3 nhà thờ công giáo trong vùng. ĐC Audo kể: Đây là lần đầu tiên tôi trở lại vùng Tây Aleppo. Vùng này bị tàn phá kinh hoàng. Trong tư cách là Caritas địa phương chúng tôi có những tiếp xúc trực tiếp với các nhóm thiện nguyện quốc tế ở khu vực phía Đông. Trong những ngày tới đây chúng tôi sẽ mở những trung tâm tiếp đón ở vùng phía Đông để phối hợp các trợ giúp nhắm đến những người yếu đuối cần được giúp đỡ nhất tại đây. (ANSA 19.12.2016)

Pháp đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Pháp mọi chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh đều bị canh gác kỹ càng, nhất là sau vụ chiếc xe tải tông thẳng vào đám đông người đi chợ Giáng Sinh ở Berlin bên Đức, làm cho 12 người chết và 48 người bị thương. Theo bộ nội vụ Pháp, trên 7000 binh sĩ hiện đang được dùng vào nhiệm vụ canh gác giữ gìn an ninh tại những địa điểm đông người, những nơi chốn thu hút du khách chẳng hạn như tháp Eifel hay trung tâm Disney ở ngoại ô Paris. Các chợ Giáng Sinh cũng được đặc biệt chú ý canh gác. Đây là những hội chợ đặc thù mùa Giáng Sinh, trang hoàng lộng lẫy với đèn điện đủ màu sáng chói, thu hút nhiều du khách và gia đình đưa con cái đi chơi vui vẻ hạnh phúc trong cảnh đầm ấm để mua quà Giáng Sinh. Thế nhưng các nhóm Jihad thánh chiến hồi giáo lại kêu gọi tấn công khủng bố các hội chợ như thế trong lúc này, không cần để ý đến việc con số nạn nhân vô tội sẽ lên rất cao. Chính vì thế, các hội chợ Giáng Sinh hiện đang được canh giữ cẩn mật, đặc biệt là tại Pháp và Đức. (ANSA 19.12.2016)

Philippine đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Philippine, trong những ngày vừa qua, phong trào cổ võ đối thoại hồi giáo Ky tô giáo có tên gọi là Silsilah, hoạt động mạnh tại vùng Nam Zamboanga trên đảo Mindanao, mạn Nam nước Philippine, đã công bố một sứ điệp báo động trước sự kiện một số lãnh đạo Hồi giáo trong vùng đã tìm cách cấm cản tín hữu hồi tham gia các lễ nghi mừng Chúa Giáng Sinh chung với các tín hữu ky tô. Phong trào Silsilah đã do cha Sebastiano D’Ambra, thừa sai dòng Pime, thành lập cách đây 30 năm.

Đây là một dấu chỉ đáng lo ngại, cho thấy có sự tách biệt giữa tín đồ 2 tôn giáo. Từ trước đến nay, các tín hữu kyto và hồi giáo vẫn có truyền thống cùng nhau mừng các lễ trọng của cả hai bên, chí sẻ niềm vui của nhau. Sự kiện này cũng giúp củng cố cuộc đối thoại liên tôn. Các tín hữu ky tô gửi sứ điệp nhân dịp mùa chay Ramadan và các tín hữu hồi gửi sứ điệp mừng nhân mùa vọng và lễ Giáng sinh. Chính vì thế, phong trào Silsilah mời gọi tất cả các tín hữu hồi giáo cũng như ky tô, hãy tiếp tục mừng lễ Giáng Sinh và Ramadan của nhauđể chung lời khẳng định rằng đây là những cơ hội để bày tỏ lòng tôn trọng và sự chia sẻ niềm vui với nhau trong dấu chỉ tình thân hữu, và đồng thời mỗi người được khích lệ sống trung thành với tín ngưỡng của riêng mình.

Sứ điệp của phong trào Silsilah cũng đề cập đến tin tức về những vụ tấn công các cơ sở và nhà thờ ky tô ở một vài nơi tại Phi và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tín hữu ky tô và hồi giáo đoàn kết nêu cao tình thân hữu giữa hai bên “Chúng ta là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại, mặc dù không có cùng một đức tin, và chúng ta có bổn phận liên đới với nhau trong những lúc vui mừng cũng như trong những thời điểm khổ đau. Sự hiện diện của các nhóm cuồng tín quá khích đang chiêu dụ nhiều tín đồ như hiện nay tại miền Nam Philippine phải là cơ hội để chúng ta tái xét lương tâm và tìm hiểu tại sao lại đi đến tình trạng này. Có lẽ ly do là vì chúng ta đã không biết trình bày chứng tá đích thật của đức tin ky tô và hồi giáo, vốn có nhiều giá trị giống nhau. Những điểm và giá trị tương đồng của hai tôn giáo này phải là điểm khởi hành để xây dựng một xã hội hòa bình và hòa hợp cho đất nước chúng ta. (FIDES 16.12.2016)

Mai Anh

 

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

duc-hong-y-turkson-rat-can-thong-diep-moi-ve-hoa-binh

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho rằng một thông điệp mới của ĐTC về hòa bình là điều rất cần thiết ngày nay.

ĐHY Turkson người Ghana, đã được ĐTC bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển nhân bản toàn diện, một cơ quan sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 và bao gồm 4 Hội đồng Tòa Thánh là: Công lý và Hòa bình, mục vụ di dân, mục vụ các nhân viên y tế, và Cor Unum (Đồng Tâm).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, Kathpress, hôm 19-12-2016, ĐHY Turkson nhắc lại rằng Thông điệp về Hòa Bình liền trước đây đã được ban hành cách đây 53 năm, tức là Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris) do Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng công bố năm 1963, trong bối cảnh thế giới bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Ngày nay, ĐGH Phanxicô nói về một ”thế chiến từng mảnh”. ĐHY nói rằng ”Cơ quan của ngài chỉ có thể chuẩn bị một thông điệp theo lệnh của ĐTC”.

Theo ĐHY Turkson, một đối tượng khác của thông điệp có thể là vấn đề di dân. Đây cũng là một đề tài lớn mà ĐGH Phanxicô quan tâm và ngài đã đích thân đảm nhận phân bộ di dân trong Bộ tân lập về việc phát triển nhân bản toàn diện.

Trả lời câu hỏi: liệu trong năm 2017 tới đây ĐGH sẽ công bố thông điệp mới về một trong hai đề tài vừa nói hay không, ĐHY Turkson đáp: ĐGH có thể ban hành thông điệp bất kỳ khi nào, nhưng điều nên đề nghị là cần giữ một khoảng cách giữa các văn kiện của ĐGH: các văn kiện này cần thời gian để được đón nhận và hấp thụ. ĐGH không viết các văn kiện để đặt trên các kệ sách. Ngài muốn thông truyền và thi hành một sứ điệp.

Cho đến nay, ĐTC Phanxicô đã công bố thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) vào năm 2013, Văn kiện này được vị tiền nhiệm Biển Đức 16 chuẩn bị trước đó để kết thúc Năm Đức Tin. Tiếp đến là thông điệp ”Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ thiên nhiên là căn nhà chung của nhân loại. Năm 2013, ngài công bố Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và hồi tháng 4 năm nay (2016) ngài công bố Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương) về gia đình. (KP 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

cac-thua-sai-dong-hien-si-me-vo-nhiem-tu-dao-tai-lao

 

Vạn Tượng – Ngày 11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo hội Công giáo tại Lào. Tại nhà thờ chánh tòa tại thủ đô Vạn Tượng đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân Lào.

17 vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960 khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa cùng ngày 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng “sự trung thành anh dũng của các vị tử đạo với Chúa Kitô có thể là sự khích lệ và gương mẫu cho các nhà truyền giáo và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người thực hiện hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế được tại các miền đất truyền giáo mà toàn thể Giáo hội biết ơn họ.”

Thánh lễ có sự tham dự của một số Hồng Y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Lào, Campuchia, Việt nam và các nước lân cận, cũng như các thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris và dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm và một số nhân vật chính quyền dân sự.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, người Philippines, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã đọc sứ điệp với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đề cao các vị tử đạo là những anh hùng và lịch sử của họ được loan truyền cho các thế hệ trẻ biết.

Trong bầu khí cởi mở, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, sứ thần Tòa thánh tại Bangkok và đại diện tông tòa tai Myanmar và Lào đã bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền và hy vọng trong tương lai gần, Lào có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

Cộng đoàn Công giáo Lào có khoảng 60 ngàn giáo dân, chiếm 1% trên tổng số 6 triệu dân, thuộc 4 hạt đại diện tông tòa và có khoảng 20 Linh mục phục vụ.

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa ở Paksé, nhận định “việc cử hành Thánh lễ là giây phút hiệp thông tràn đầy với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ, trong một năm thật sự đầy ân phúc.” (Agenzia Fides 12/12/2016) 

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

cay-thong-noel-tai-vatican-2016

VATICAN. Sáng 9-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong số 1,500 người hiện diện tại buổi tiếp kiến có phái đoàn tỉnh Trento bắc Italia và nước Malta cùng với một số em bé đã thực hiện các quả châu trang trí cây thông. Trong đoàn Trento cũng có những người thuộc Hiệp hội rừng Logorai đã dành cây thông đỏ cao 25 mét, 90 tuổi, cho Tòa Thánh và nhiều cây thông nhỏ khác để trang trí ở nội thành Vatican.

ĐTC đặc biệt nhắc đến hang đá máng có do nghệ sĩ Manwel Grech người Malta thực hiện, diễn tả phong cảnh Mata và được bổ túc bằng thánh giá truyền thống của Malta cũng như con thuyền luzzu tiêu biểu của nước này, nhắc nhớ thực tại di dân đau thương trên những con thuyền vượt biên sang Italia, gợi lại cuộc tị nạn của hài nhi Giêsu.

ĐTC nói rằng: ”Những người viếng hang đá này sẽ được mời gọi tái khám phá giá trị biểu tượng của tác phẩm, là một sứ điệp huynh đệ, chia sẻ, đón tiếp và liên đới. Cả các hang đá được trưng bày tại các nhà thờ, các tư gia và bao nhiêu nơi công cộng cũng là một lời mời gọi dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong xã hội, vị Thiên Chúa ẩn nấp trong khuôn mặt của bao nhiêu người ở trong tình cảnh cơ cực, nghèo đói và sầu muộn'.

ĐTC cũng nhắc đến ý nghĩa cây thông giáng sinh, với quang cảnh tươi đẹp ”là một lời mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa và tôn trọng thiên nhiên, là công trình của tay Chúa. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gần thiên nhiên trong tâm tình kinh ngạc chiêm ngưỡng”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”hang đá và cây thông họp thành một sứ điệp hy vọng và yêu thương, giúp kiến tạo bầu không khí giáng sinh thuận lợi để sống trong niềm tin mầu nhiệm giáng trần của Đấng Cứu Thế, đến trần gian trong sự đơn sơ và dịu dàng.”

Tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 9-12-2016, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô và được trưng bày cho đến ngày 8-1-2017, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, kết thúc mùa Giáng Sinh.

G. Trần Đức Anh OP

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

nhung-vu-goi-la-truyen-chuc-giam-muc-bat-hop-phap-o-trung-quoc

VATICAN. Hôm 7-11-2016, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, ra thông cáo về những vụ gọi là truyền chức Giám Mục tại Trung Quốc không có ủy nhiệm của ĐTC:

”Trong những tuần lễ gần đây, liên tiếp có nhiều tín về một số vụ truyền chức Giám Mục, không có sự ủy nhiệm của ĐTC cho các linh mục thuộc cộng đoàn hầm trú của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Tòa Thánh không cho phép một cuộc truyền chức nào, và cũng không được chính thức thông báo về những vụ như thế. Nếu những vụ truyền chức Giám Mục ấy thực sự xảy ra, thì sẽ là một vụ vi phạm trầm trọng giáo luật! Tòa Thánh cầu mong rằng những tin như thế là vô căn cứ. Trong trường hợp ngược lại, thì phải đợi những tin tức chắc chắn và có chắng cớ hẳn hoi trước khi thẩm định những vụ ấy một cách thích hợp. Tuy nhiên, Tòa Thánh tái khẳng rằng không được phép tiến hành cuộc truyền chức Giám Mục nào mà không có sự ủy nhiệm cần thiết của Đức Giáo Hoàng, và cũng không được nại đến những xác tín cá nhân”.

Trong thời gian qua một số cơ quan thông tin cho biết LM Đổng Quan Hoa (Dong Guanhua), công giáo thầm lặng, đã thụ phong giám mục bất hợp pháp vì lý do ”tuyệt vọng vì Tòa Thánh đang đối thoại với Nhà Nước Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục”. (SD 7-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tinh thần cầu nguyện và phục vụ của bà Carolyn Woo

Tinh thần cầu nguyện và phục vụ của bà Carolyn Woo

ba-carolyn-woo

Nhiều buổi sáng, Carolyn Woo, một phụ nữ 62 tuổi, đi vào ngôi nhà nguyện tương đối vắng lặng tại trụ sở chính của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ ở Baltimore và khi thành phố nhộn nhịp đó bắt đầu một ngày sống, bà tìm một chỗ đặc biệt thinh lặng trong ngôi nhà nguyện an bình ấy, nơi bà có thể chìm đắm trong kinh nguyện. Ở đó bà đọc các bài đọc sách Thánh hàng ngày. Bà ngồi đó với Mẹ Maria. Ở đó bà cầu nguyện và rồi bắt đầu một ngày mới. Cầu nguyện là điều bà Woo cần cho công việc bà đang làm.

Từ 4 năm nay, Carolyn Woo là giám đốc điều hành của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ, một trong những tổ chức bác ái lớn nhất nước. Khi bắt đầu ngày làm việc, nghĩa là bà phải tham dự nhiều cuộc họp, tiếp nhiều khách thăm viếng, phải đi lại nhiều nơi, và rồi những thách đố, niềm vui, nỗi buồn, những điều mà bà không bao giờ nghĩ là sẽ gặp thấy ở cơ quan nhân đạo quốc tế của cộng đồng Công giáo Hoa kỳ. Cuối năm 2016 này, bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ, lúc ấy bà có thể dành thời gian cho các lớp học, các bài học piano, khiêu vũ, cắm hoa và học tiếng Tây ban nha để có thể cùng hát trong Thánh lễ. Người ta nói với bà, khi nghỉ hưu rồi bà sẽ cảm thấy buồn chán, nhưng bà đang nôn nóng chờ ngày đó. Bà nghĩ đến thời gian hưu trí không phải là kết thúc, là rút lui nhưng là đốt nóng lại, là bắt đầu lại những gì đã kết thúc. Bà xem nó là một trong những phần tốt đẹp nhất của cuộc sống sắp sửa bắt đầu của bà. Bà nói: “Cuộc đời của tôi luôn có một chuỗi những chức danh chuyên nghiệp như giáo sư, giám đốc, khoa trưởng, vv., bây giờ tôi đang từ bỏ những chức danh đó để dành thời gian và sức lực cho những vai trò quan trọng nhất của tôi, đó là vai trò người mẹ, người vợ, người chị, người dì, người bạn và nữ tỳ của Chúa.” Tuy vậy, bà Woo vẫn sẽ phục vụ trong một số công việc như tiếp tục viết báo cho hãng thông tấn Hoa kỳ.

Hiện tại bà Woo đang bận rộn xem lại 5 năm đã qua của bà, nhìn lại các thử thách, thành công nhưng cũng là cơ hội điều hành cơ quan cứu trợ và phát triển của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ ở hải ngoại. Bà đã chứng kiến hoạt động của các đồng nghiệp ở hơn 100 quốc gia, những đất nước nơi mà cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ phục vụ cho những người nghèo nhất và những cộng đoàn bị thiệt thòi nhất trên trái đất này. Như một giám đốc điều hành, bà Woo nhắm làm cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo từ nội bộ, một tổ chức xem xét các lợi ích dài hạn cũng như ngắn hạn cho những ai họ phục vụ và một tổ chức nhắm thông truyền căn tính Công giáo cho thế giới. Bà chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với tôi chính là trình bày về Giáo hội cách thật tốt và chúng tôi hiểu vinh dự có thể phục vụ những người mà Thiên Chúa gửi đến với chúng tôi, những người chúng tôi phục vụ. Điều này cũng có nghĩa là phải có đủ nguồn lực để giảm bớt nghèo đói, ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng, như bão lụt ở Haiti hay tình trạng di dân khắp nơi trên thế giới. Bà nhận định: “Tầm vĩ mô của các vấn đề vượt quá nguồn lực trên thế giới, nhưng nó không vượt quá sự khéo léo sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta nếu chúng ta cùng nhau hành động.”

Bà Woo nhận thức rằng “sứ vụ của Cơ quan Cứu trợ Công giáo đến từ Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu đã sai chúng ta ra đi phục vụ, đặc biệt là nâng dậy những ai không có sức mạnh quyền lực, những ai không có của cải, những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.” Bà muốn tiếp tục sứ vụ này nhưng theo một con đường khác, đó là con đường bà luôn chú tâm đến với hồi ức về những hình ảnh thoáng qua của những người bà đã gặp trong thời gian làm việc tại cơ quan này; hình ảnh của các gia đình như gia đình bà – bán mọi thứ họ có để giúp một người con trốn thoát đến một nơi có tương lai an toàn hay tốt đẹp hơn; hình ảnh của một thanh niên nhắc bà nhớ đến một trong hai đứa con của bà đang sống với những mảnh đạn ghim trong thân thể. Bà hy vọng các đồng nghiệp của bà sẽ không sợ hãi để chu toàn trách nhiệm, bởi vì chúng ta làm tất cả những điều này để phục vụ nhân loại và Thiên Chúa. Và nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, Người sẽ đưa chúng ta đi. (CNS 27/10/2016)

Hồng Thủy

 

Sứ vụ cứu giúp nạn nhân của nạn buôn người của nữ tu Bernadeth Saragih

Sứ vụ cứu giúp nạn nhân của nạn buôn người của nữ tu Bernadeth Saragih

bernadeth-saragih

Jakarta – Từ nhiều năm nay, nữ tu Bernadeth Saragih dòng thánh Phanxicô đã dấn thân tận tụy giải cứu các phụ nữ trẻ khỏi tay bọn buôn người.

Năm 1991, sơ Bernadeth được sai đến đảo Batam, nơi chỉ cách Singapore 30 phút đường thủy. Đến đó sơ biết được có rất nhiều thiếu nữ đến từ miền Kalimantan làm “quản gia” cho các gia đình ở Singapore.

Chia sẻ với hãng tin Á châu, sơ Bernadeth cho biết là có nhiều thiếu nữ và bà mẹ trẻ ở Batam tham gia vào các công việc bất hợp pháp. Phần lớn họ được thuê làm việc nhà nhưng rồi bị xã hội đen địa phương thao túng và buộc làm việc tại các những nơi sinh hoạt ban đêm và làm gái điếm. Những người này muốn thoát ra khỏi cuộc sống đó nhưng không biết làm thế nào bởi vì họ sẽ không có tiền gửi về cho gia đình nếu không làm việc ở đó.

Sơ Bernadeth đã cùng với một tổ chức phi chính phủ địa phương trợ giúp các thiếu nữ tuyệt vọng này. Sơ chia sẻ: “Tôi thường mang họ về tu viện, chăm sóc họ và gửi họ về gia đình.

Hôm tháng 2, sơ Bernadeth đã liên lạc với hãng tin Á châu để xin giúp đưa một phụ nữ trẻ, từng là “nội trợ” ở Malaysia về quê quán, nhưng vì thời gian hạn hẹp nên kế hoạch đã không thành công.

Cách đây 4 năm, sơ phụ trách đã bổ nhiệm sơ Bernadeth phụ trách về các vấn đề của nạn buôn người. Sơ Bernadeth cho biết sơ cộng tác cùng với Liên hiệp tu sĩ Indonesia, Ủy ban kinh tế xã hội của tổng giáo phận Medan và Ủy ban Công lý, hòa bình và sáng tạo toàn diện. Ở Medan, nhiều nạn nhân đến từ các tỉnh của Indonesia. Các thiếu nữ này bị rơi vào những hoàn cảnh này vì không được học hành. Nhiều lần vì các vụ lạm dụng và bạo lực họ đã quyết định bỏ trốn và các tài xế taxi hay cảnh sát đã đưa họ đến với các sơ. Sơ cảm thấy bị đánh động mạnh mẽ khi nhìn thấy họ trong những tình trạng tuyệt vọng, có trường hợp bị lao phổi, suy dinh dưỡng, gãy chân vì bạo lực. Có khi vì không kịp được cứu giúp, họ đã qua đời trên tay các sơ … Sơ Bernadeth nói: “Đây là ơn gọi của chúng tôi trong thế giới hôm nay, giúp đỡ bằng mọi cách những ai đang tuyệt vọng.” (Asia News 27/10/2016)

Hồng Thủy
(Thi Thuy le)

Huấn Thị Bộ Giáo Lý đức tin về an táng và giữ tro hỏa táng

Huấn Thị Bộ Giáo Lý đức tin về an táng và giữ tro hỏa táng

huan-thi-cua-bo-giao-ly-duc-tin-ve-an-tang-va-giu-tro-hoa-tang

VATICAN. Bộ Giáo Lý đức tin tái khẳng định lập trường của Giáo Hội cổ võ an táng người chết thay vì hỏa táng. Và trong trường hợp hỏa táng, phải giữ tro cốt người chết tại nghĩa trang hoặc tại nhà thờ và không được rải tro trong thiên nhiên.

Trên đây là nội dung Huấn Thị ”Ad resurgendum cum Christo” (Để sống lại với Chúa Kitô), do Bộ giáo lý đức tin công bố sáng ngày 25-10-2016. Huấn thị gồm 8 đoạn, được ĐTC Phanxicô phê chuẩn ngày 18-3-2016 và truyền công bố. Huấn thị mang chữ ký ngày 15-8-2016 của ĐHY Tổng trưởng Gerhard Mueller và vị Tổng thư ký là Đức TGM Luis Ladaria S.I. Chính ĐHY cùng với 2 chuyên gia đã giới thiệu văn kiện này trong cuộc họp báo tại phòng báo chí Tòa Thánh.

Nội dung

Sau khi nhắc lại những lý do đạo lý khiến truyền thống của Giáo Hội cổ võ việc an táng người chết, nhưng không cấm hỏa táng trừ khi người ta thi hành việc này vì chống đối đạo lý của Hội Thánh, trong đoạn số 4, Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: ”Nơi nào vì lý do vệ sinh, kinh tế hoặc xã hội khiến người ta chọn hỏa táng, – sự chọn lựa này không được trái với ý muốn rõ ràng hoặc giả thiết một cách hữu lý là không trái ý người quá cố, – Giáo Hội không đưa ra những lý do đạo lý để cấm hỏa táng, vì việc hỏa táng không chạm tới linh hồn và không cản trở sự toàn năng của Chúa làm cho xác được sống lại, vì thế nó không phủ nhận khách quan đạo lý Kitô về sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thân xác. Giáo Hội tiếp tục ưa chuộng việc chôn cất thi hài vì qua đó Giáo Hội bày tỏ sự quí trọng hơn đối với người quá cố; tuy nhiên, việc hỏa táng không bị cấm, ”trừ khi hành động này được chọn vì những lý do trái với đạo lý Kitô” (4).

Trong đoạn 5, Huấn thị khẳng định rằng ”tro người chết theo luật phải được giữ ở một nơi thánh, nghĩa là tại nghĩa trang, hoặc trong một thánh đường hay một khu vực được thiết định với mục đích ấy, theo qui định của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội”.

”Việc giữ tro tại một nơi thánh có thể góp phần giảm bớt nguy cơ lén lút đưa người chết ra khỏi kinh nguyện và ký ức của thân nhân và cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, người ta cũng tránh được tình trạng người chết có thể bị quên lãng hoặc thiếu tôn trọng, điều này có thể xảy ra nhất là khi thế hệ thứ I qua đi, và do những đường lối thực hành không thích hợp hoặc mê tín”.

Đoạn 6 của Huấn thị khẳng định rằng: ”Vì những lý do nói trên, việc giữ tro người chết tại tư gia là điều không được phép. Chỉ trong những trườnghợp hệ trọng và đặc biệt, do những hoàn cảnh văn hóa của địa phương, vị Bản Quyền (Đức Giám mục giáo phận hoặc vị Tổng Đại diện), thỏa thuận với HĐGM hoặc với Hội đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, có thể cho phép giữ tro ở nhà tư. Nhưng tro hỏa táng không được chia sẻ giữa những người thân trong gia đình với nhau và luôn luôn phải đảm bảo sự tôn trọng và những điều kiện thích hợp để bảo tồn tro”.

Trong đoạn 7, Huấn thị dạy rằng ”để tránh mọi thứ mơ hồ phiếm thần, duy thiên nhiên hay duy hư vô, không được phép tung tro trong không khí, trên mặt đất hoặc trong nước, hoặc theo một cách thức khác, hay giữ tro trong các đồ kỷ niệm, trong một nữ trang hoặc các vật dụng khác, cũng để ý rằng không thể chấp nhận các phương thức tiến hành như thế dựa vào những lý do vệ sinh, xã hội hoặc kinh tế có thể khiến người ta chọn lựa hỏa táng”.

– Sau cùng, trong trường hợp người quá cố đã công khai yêu cầu hỏa táng mình và tung tro của mình trong thiên nhiên, vì những lý do trái ngược với đức tin Kitô, thì không thể cử hành lễ an táng đương sự, chiếu theo luật (n.8).

Họp báo

– Trong cuộc họp báo, ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, Mueller, bày tỏ hy vọng ”Huấn Thị mới này có thể góp phần để các tín hữu Kitô ý thức hơn nữa về phẩm giá của họ là con cái Thiên Chúa (Rm 8,16). Chúng ta đang đứng trước một thách đố mới đối với công cuộc loan báo Tin Mừng về sự chết. Chấp nhận con người là thụ tạo của Thiên Chúa không trở thành hư vô, đòi phải nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy và là vận mạng của cuộc sống con người: chúng ta xuất thân từ đất chúng ta và sẽ trở về đất, trong khi chờ đợi sống lại. Vì thế cần loan báo theo tinh thần Tin Mừng về ý nghĩa sự chết dươi ánh sáng niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh, là lò tình yêu nồng cháy, thanh tẩy và tái tạo, trong khi chờ đợi người chết sống lại và sự sống trong thế giới mai hậu (Xc n.2). Như Tertulliano đã viết: ”Sự sống lại của người chết chính là niềm tin của các Kitô hữu: khi tin nơi sự sống lại chúng ta là Kitô hữu” (De resurrectione carnis, 1,1).

Đức ông Angel Rodriguéz Luno, Cố vấn Bộ giáo lý đức tin, cho biết sở dĩ Huấn thị cấm ”tung tro trong thiên nhiên”, là để tránh mọi sự lẫn lộn về đạo lý.. ”Thực vậy, sự chọn lựa tung tro thường xuất phát từ ý tưởng với cái chết toàn con người bị hủy diệt, đi tới độ hòa với thiên nhiên, như thể đó là định mệnh chung cục của con người. Đôi khi nó cũng xuất phát từ một sự hời hợt, từ ý muốn che dấu hoặc riêng tư hóa khi nói về cái chết, hoặc từ sự phổ biến sở thích không đúng”.

Về vấn nạn: việc giữ tro hỏa táng của một người thân (cha, mẹ, vợ chồng, con cái) ở trong tư gia có thể là do ước muốn gần gũi và thảo hiếu, giúp dễ tưởng nhớ và cầu nguyện. Đó không phải là động lực thường xuyên, nhưng trong một số trường hợp có lý do ấy. Nhưng có nguy cơ việc giữ tro ở tư gia như thế có thể tạo nên sự quên lãng và thiếu tôn trọng, nhất là khi thế hệ thứ I qua đi (Xc. n.5), hoặc có thể dẫn đến những thứ tang chế không lành mạnh. Nhưng nhất là phải để ý rằng các tín hữu qua đời là thành phần của Giáo Hội, là đối tượng kinh nguyện và tưởng nhớ của người sống, nên điều tốt đẹp là di tích của họ được Giáo Hội đón nhận và gìn giữ với lòng kinh trọng, qua dòng thời gian, tại những nơi mà Giáo Hội đã làm phép với mục đích ấy, không đưa họ ra khỏi ký ức và kinh nguyện của người thân và cộng đoàn” (SD 25-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

scattering-urns

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

butch-mueller-at-guatemala

Sau 30 năm lập gia đình, làm chủ và buôn bán tại một cửa hàng nhỏ, nuôi dạy hai người con trai khôn lớn, cách đây 8 năm, ông Mueller, một giáo dân ở Minnesota đã quyết định trở lại cứ điểm truyền giáo ở Guatemala để tiếp tục công việc truyền giáo mà ông bỏ dở gần 40 năm trước.

Ông Mueller nhớ lại, khi ông còn là một đứa trẻ, cha của ông thường giữ những tạp chí của Hội truyền giáo Maryknoll trong nhà, để không chỉ gieo vào lòng những đứa con của mình ý thức truyền giáo mà còn nhắc nhở chúng về những người nghèo khổ thiếu thốn trên khắp thế giới. Ông kể: “Bất cứ khi nào chúng tôi than phiền ca thán về một điều gì đó, cha tôi sẽ lôi ra những tạp chí và chỉ cho chúng tôi xem những đứa trẻ ở những miền khác trên thế giới đang đau khổ. Cha đã gieo vào lòng chúng tôi và tôi luôn có ước mong thăm viếng một nơi truyền giáo.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mueller làm việc tại nông trại của gia đình cho đến khi nghe biết về điểm truyền giáo thánh Luca ở San Lucas Toliman, Guatemala, trong buổi nói chuyện của Cha Greg Schaffer, một Linh mục thuộc Giáo phận New Ulm, Minnesota, người đã phục vụ như mục tử của nơi truyền giáo. Một vài tháng sau đó, vào mùa xuân năm 1972, khi Mueller 22 tuổi, anh đã đi đến nơi truyền giáo. Sau một ít ngày, anh hỏi cha Schaffer: “làm sao mà con có thể dạy cho những người này biết về Thiên Chúa khi con không biết nói tiếng của họ?” Ông Mueller nhớ lại câu trả lời của cha Schaffer: “Nó thật đơn giản! Con chỉ cho họ. Con tỏ cho họ biết là con yêu thương họ và sẵn sàng ở với họ và giúp họ cách tốt nhất mà con có thể làm được. Rồi Thiên Chúa sẽ giúp sức một tí.” Mueller đã ở lại cơ sở truyền giáo 3 năm, trừ một ít tháng anh đi với cha Schaffer về Minnesota để giúp mọi người biết về công việc của họ.

Vào năm 1975, Mueller đã chi tiêu hết số tiền của mình và trở về lại Minnesota. Sau đó anh đã lập gia đình. Cách đây 8 năm, Mueller đã trở lại Guatemala và mỗi năm ông ở đó 3 tháng đầu năm. Ông nói: “truyền giáo là một phần lớn của cuộc đời tôi. Đây là thời gian tốt, thuận tiện để trở lại công việc truyền giáo”.

Ở đây ông thấy các nhà không có ống khói; khói bốc lên từ dưới các mái nhà; trần nhà và tường nhà bị mồ hóng đã trở thành như hắc ín phủ đen và thậm chí còn nhỏ giọt xuống. Người dân cho biết phổi của các trẻ em mới lên 5 đã bị nhiễm như là phổi của người đã hút thuốc lá lâu năm”. Thấy tình cảnh này, ông Mueller đã quyết định giúp xây các bếp lò hơi trong nhà cho người dân tại đây. Các bếp lò này có thể sử dụng củi như phần lớn người dân đã quen nấu ăn bằng củi. Số tiền họ tiết kiệm được từ củi đốt có thể đủ để cho một đứa con đến trường học. Ông nói: “Học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng mọi ngừoi phải có thức ăn khi họ cần, có quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và quyền lao động. Tất cả những điều chúng tôi làm với nhau để cung cấp cho người dân và để họ cảm thấy họ giống như những con người và để họ biết là họ được Thiên Chúa yêu thương”.

Trong 3 năm, ông Mueller đã ùng với các người bạn xây hơn 200 bếp lò cho người dân ở Guatemala. Câu chuyện xây lò của ông Mueller đã lan truyền nhanh chóng ở Paynesville và ông bắt đầu nhận được nhiều đóng góp từ những người muốn giúp cho chi phí xây các bếp lò; mỗi bếp tốn khoảng 150 đô la. Khi mỗi bếp lò được xây, ông chụp tấm hình với tên của người tài trợ, rồi gửi lên Facebook. Việc làm này lan truyền nhanh chóng như cháy rừng; nhiều người muốn đóng góp cho công việc. Ông bắt đầu nhận đóng góp qua giáo xứ thánh Louis và năm ngoái đã nhận được 27 ngàn đô la. Không chỉ xây các bếp lò, ông Mueller còn để ý đến những nhu cầu khác của gia đình ông đang giúp. Ví dụ như ông sẽ dùng một ít tiền để đóng các giường tầng cho các gia đình thiếu giường ngủ, hay xây dựng một hệ thống xử lý nước thải.

Ông Mueller còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân bằng cách thuê họ giúp việc xây các bếp lò, hay mua các vật liệu địa phương để giúp cho các cá nhân buôn bán nhỏ. Ông cũng hiểu là người dân nơi đây cũng muốn con cái họ có một cuộc sống tốt hơn và điều này chỉ có thể khi con em họ được giáo dục. Ông nói: “Toàn bộ công việc của tôi không chỉ là xây các bếp lò nhưng tôi đang cố gắng dạy, cho và phát triển. Người dân sẽ dùng các kỹ năng họ đã học và truyền lại cho người khác. Tôi cũng dạy họ ‘đừng bao giờ thỏa mãn với những cái mình xây. Hãy nghĩ những cách thế mà bạn có thể làm tốt hơn’. Và họ làm. Nó đang thay đổi cuộc sống từ từ”.

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cho Siria và chống thiên tai

Đức Thánh Cha tái kêu gọi cho Syria và chống thiên tai

duc-thanh-cha-tai-keu-goi-cho-siria-va-chong-thien-tai

VATICAN. ĐTC tái bày tỏ tình liên với với nhân dân Syria đồng thời kêu gọi giảm bớt các thiên tai trên thế giới.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 12-10-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi muốn nhấn mạnh và lập lại sự gần gũi của tôi với tất cả các nạn nhân cuộc xung đột vô nhân đạo tại Syria. Và ý thức về sự cấp thiết, tôi khẩn thiết và hết sức kêu gọi các vị hữu trách hãy tiến đến một cuộc ngưng chiến tức khắc, được áp đặt và tôn trọng, ít là trong thời gian cần thiết để di tản các thường dân, nhất là các trẻ em, còn bị kẹt dưới các cuộc oanh tạc tàn bạo”.

Sang đến các thiên tai, ĐTC nói: ”Ngày mai, 13-10-2016, là Ngày Thế giới giảm bớt thiên tai, năm nay có chủ đề là ”Giảm bớt số tử vong”. Thực vậy, các thiên tai có thể tránh được hoặc ít là giới hạn, vì hậu quả của chúng thường là do những thiếu sót trong việc chăm sóc môi trường từ phía con người. Vì thế tôi khuyến khích hiệp sức một cách sáng suốt trong việc bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, thăng tiến một nền văn hóa phòng ngừa, kể cả với sự trợ giúp của các kiến thức mới, giảm bớt những rủi ro cho dân chúng dễ bị tổn thương nhất” (SD 12-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Xi an church in China

Tây an, Trung quốc – Từ ngày 1-4 tháng 10, lễ thánh Phanxicô Assisi, Giáo phận Tây an, Trung quốc đã mừng kỷ niệm 300 năm nhà thờ chánh tòa được xây dựng. Nhà thờ chánh tòa được xây vào năm 1715, có 3 gian dọc với cách trang trí và tranh vẽ theo kiểu Trung hoa.

Hàng ngàn tín hữu đã tham dự các sinh hoạt khác nhau: các hội nghị, hòa nhạc, triển lãm, tất cả diễn ta sự sống động của ngôi thánh đường kéo dài 3 thê kỷ, từ thời Đức cha Basilio Brollo, Giám mục đầu tiên của giáo phận tông tòa cho đến Đức cha hiện nay Antôn Dương Minh Ngạn.

Sáng ngày 1 tháng 10, Đức cha Antôn đã chủ tế Thánh lễ mừng có 46 Linh mục đồng tế và hơn 3000 giáo dân tham dự. Một cuộc triển lãm được tổ chức tại tầng một của Tòa giám mục, trong đó có chân dung của 21 vị tiền nhiệm của Đức cha Antôn. Ban chiều có buổi hòa nhạc với sự tham dự của 14 ca đoàn.

Ngày hôm sau các tham dự viên đã nghe những buổi nói chuyện về lịch sử Giáo hội ở Trung quốc và Thiểm Tây. Ngày 4 tháng 10 là cao điểm của những ngày lễ. Trong Thánh lễ ban sáng có 41 người được rửa tội, gồm có người già và trẻ em, người trẻ và người lớn. Tâm tong lớn tuổi nhất là 67 và trẻ nhất mới chỉ 30 ngày. Tất cả được tặng một sách Kinh thánh với logo “Lời Ngài là đèn soi bước chân con” (Tv 118).

Giáo phận đã tổ chức 3 bữa ăn mỗi ngày cho những người hiện diện và sắp xếp chỗ trú ngụ trong các gia đình cho 600 người. (Asia News 07/10/2016)

Hồng Thủy

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới “Truyền hình lời vĩnh cửu” của mẹ Angelica

Trở lại Công giáo nhờ mạng lưới “Truyền hình lời vĩnh cửu” của mẹ Angelica

Arne và Barbara Sahlstrom

Ông bà Arne và Barbara Sahlstrom đều sinh trưởng trong các gia đình Tin Lành Luther người Thụy điển, nhưng họ không thực hành đạo. Trước khi trở thành bác sĩ, Arne Sahlstrom đã học văn chương Anh và Pháp. Còn Barbara học về giọng hát tại nhiều thành phố khác nhau của Thụy điển. Khi đến học ở thành phố Upsala, cô đã gặp Arne và hai người đã thành hôn với nhau. Sau đó, Arne đã tiếp tục học chuyên về kỹ thuật giải phẫu còn Barbara trở thành giáo sư về giọng hát và là một thành viên trong dàn hợp xướng.

Năm 1989, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Thụy điển. Cả hai ông bà đều bị ngạc nhiên ấn tượng về nhân vật này, về con người của ngài. Không lâu sau cuộc viếng thăm này, mẹ của Barbara bị ung thư. Chính lúc đó, Barbara bắt đầu cầu nguyện và cô đã tìm thấy một cuốn Kinh thánh. Dù cho khi còn là một bé gái, từ lúc lên 5 cho đến khi lên 8, Barbara thường đến trường ở nhà thờ Tin lành mỗi Chúa nhật và được nghe đọc Kinh thánh, nhưng vì khi lớn lên, tự cô không bao giờ đọc Kinh thánh, nên cô không thể phân biệt sự khác nhau giữa Cựu ước và Tân ước.

Tháng 7 năm 2001, ông Arne được bổ nhiệm đến làm việc ở Saudi Ả rập, một đất nước hầu hết là dân theo Hồi giáo và được coi là quốc gia của Hồi giáo, nơi các tôn giáo khác không được phép có các sinh hoạt tôn giáo, ngay cả các sách Kinh thánh cũng bị cấm ở nước này. Nhưng chính ở đây, bà Barbara bắt đầu tìm hiểu trên mạng internet về các chương trình tôn giáo. Nhờ đó bà biết được mạng lưới “Truyền hình lời vĩnh cửu” do mẹ Angelica thành lập tại Hoa kỳ. Đây là một mạng lưới truyền hình Công giáo toàn cầu được truyền qua các kênh truyền hình của các Giáo phận của nhiều nước trên thế giới. Mạng lưới truyền hình này truyền chiếu Thánh lễ mỗi ngày, còn có Đàng thánh giá, lần hạt Mân Côi, các sự kiên Công giáo quan trọng tại giáo triều Roma và trên toàn thế giới. Chương trình của mạng lưới truyền hình cũng gồm có chương trình giáo lý dành cho người lớn và trẻ em.

Ngày qua ngày, bà Barbara xem các chương trình nói về đạo Công giáo mà mẹ của bà rất thích và bà cũng xem lại với ông Arne chồng của bà. Khám phá Công giáo là một sự ngạc nhiên lớn lao đối với bà Barbara. Bà chia sẻ: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, chưa bao giờ được biết tình yêu của một Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi với chúng ta: Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng cư ngụ trong linh hồn chúng ta. Cho đến lúc đó,Thiên Chúa được trình bày cho chúng tôi mà chúng tôi biết đến là một Thiên Chúa thật là xa xôi. Giờ đây chúng tôi cũng biết giáo lý về luyện ngục.

Sau đó ông bà Sahlstrom đã quyết định chuyển đến sinh sống ở Bahrain và Dubai. Ở đó họ đã tìm thấy giáo xứ Công giáo thánh Phanxicô, nơi có Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ sáu thay vì ngày Chúa nhật, vì thứ 6 là ngày cầu nguyện của người Hồi giáo còn Chúa nhật lại là ngày lao động ở quốc gia này. Cha Eugene Mattioli đã giúp hai vợ chồng học hỏi về Công giáo và đào sâu lịch sử của Giáo hội. Bà Barbara giải thích: “Đây thật là một hành trình thật vui. Mọi thứ thu hút chúng tôi. Điều chúng tôi đặc biệt thích chính là tầm quan trọng Giáo hội Công giáo dành cho mối liên hệ giữa đức tin và lý trí. Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng vào năm 2005, ông bà Arne và Barbara đặc biệt vui mừng, vì đối với họ, đây là một chúc lành thật sự. Họ thấy trong kiến thức thần học, phụng vụ, thánh nhạc và nhạc phụng vụ của ngài, cách thức ngài diễn tả, sự khiêm nhường vô cùng và sự đơn giản của ngài, các cuốn sách tuyệt vời của ngài, vv. bàn tay của Thiên Chúa.

Trong năm 2005, ông bà Sahlstrom đã đào sâu kiến thức đức tin và phụng vụ, và cuối cùng họ đã tiến đến bước cuối cùng là hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Chính Đức giám mục Anders Arborelius và một số linh mục Opus Dei là những người đã giữ vai trò chính trong việc giúp ông bà tìm thấy con đường của họ.

Sau những tìm tòi khám phá để đến với Giáo hội, ông bà nói rằng Thiên Chúa đã đến gần với họ qua nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Ông bà chia sẻ: Khi thăm một vài nhà thờ, “dù cho chúng tôi hầu như không hiểu gì, chúng tôi đã dành một thời gian dài để chiêm ngắm các pho tượng, nơi Đức Trinh nữ Maria mỉm cười nhìn bạn. Nhiều lần chúng tôi ngồi xuống cầu nguyện giữa sự thanh vắng và im lặng đó”. (CNA 15/09/2016)

Hồng Thủy

Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

Julia Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót

julia-greeley-photo

Trên các đường phố của thành phố Denver tiểu bang Colorado, Hoa kỳ, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, người ta rất quen thuộc với hình ảnh của một phụ nữ da màu đội một chiếc mũ mềm màu đen, mang đôi giày quá khổ, dùng chiếc khăn tay thấm nhẹ đôi mắt kém của mình, kéo chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Đó là Julia Greeley, Thiên thần bác ái của Denver, đang mang thực phẩm, áo quần và sự khích lệ, đi phân phát cho các người nghèo và vô gia cư của thành phố

Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1833 và 1848; năm sinh của Greeley không được biết rõ bởi vì cô là con của một người nô lệ. Cô đã bị đối xử tàn tệ khủng khiếp. Một lần kia, khi người chủ đánh mẹ cô, ngọn roi đã vụt vào mắt phải của cô và làm nó bị hư. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ của tồng thống Abraham Lincoln vào năm 1863, cô là một trong những người được tự do. Năm 1878, Greeley theo gia đình của William Gilpin, vị thống đốc đầu tiên của bang Colorado, nơi Greeley đang giúp việc, đến Denver. Làm việc trong môi trường quý phái thượng lưu, Greeley cũng quen biết với một số gia đình giàu sang có thế giá của Denver, nhưng trái tim của Greeley vẫn dành cho người nghèo; Greeley yêu thương họ. Sau khi nghỉ làm việc tại gia đình thống đốc, Greeley đã làm những việc lặt vặt khắp nơi trong thành phố. Greeley đã đến giáo xứ Thánh Tâm ở Denver và trở lại Công giáo vào năm 1878. Greeley là một giáo dân nhiệt thành, lãnh nhận Mình Thánh Chúa hàng ngày và trở thành một thành viên năng động của dòng Phanxicô tại thế vào năm 1901. Greeley có một lòng sùng kính Thánh Tâm cách đặc biệt.

Dù cho nghèo khổ, Greeley không cần thứ gì cho chính mình; Greeley dành nhiều thời gian của mình để giúp đỡ các gia đình nghèo khổ xung quanh. Khi  không còn thứ gì của mình để giúp đỡ, Greeley đi ăn xin, quyên góp quần áo, thực phẩm và các vật dụng khác để cho ngừoi nghèo. Greeley thường làm việc vào ban đêm, lết trên đôi chân cà nhắc, sau khi đã làm việc suốt ngày dài, để không làm phiền gây bối rối cho những người bà giúp đỡ, nhất là những gia đình da trắng nghèo. Greeley giúp các bé gái nghèo có bộ áo xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa lần đầu; bà hiện diện bên những gia đình có người qua đời, hay tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ mồ côi. Julia Greeley còn có lòng tha thứ, không thù oán người chủ nô lệ đã làm cho bà bị hư mắt. Bà nói rằng vết sẹo làm xấu mặt của bà nhưng không làm tâm hồn bà xấu. Khi phục vụ cho người nghèo khổ Greeley không bao giờ tra hỏi về niềm tin hay tôn giáo của họ. Tất cả những điều bà muốn làm là nâng dậy những ai đang chiến đấu và đau khổ như bà đã từng trải qua.

Julia Greeley qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1918, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hưởng thọ khoảng 80 tuổi. Bà Greeley đã được lãnh nhận các bí tích cuối cùng trước khi về bên Chúa. Vì bà sống trong một nhà trọ nên khi qua đời, thi hài của bà được đặt tại một giáo xứ Công giáo trong 5 tiếng đồng hồ và một dòng người không ngừng tuôn đến để bày tỏ sự kính trọng đối với một phụ nữ nổi tiếng và rất được yêu mến. Bà Greeley được chôn cất tại nghĩa trang núi Oliu.

Vì công việc bác ái của Greeley, một nhà văn đã gọi bà là “Hội Thánh Vinh sơn Phaolô một thành viên”; thánh Vinh sơn đã lập dòng các Nữ tử bác ái, và Greeley được ví như một người con của bác ái. Trong Năm Thánh Lòng thương xót, Julia Greeley được chọn làm mẫu gương của lòng thương xót cho địa phương. Ông David Uebbing, chưởng ấn của tổng Giáo phận Denver nhận xét: “Julia Greeley nổi bật bởi vì cô quá phi thường. Dù chỉ nhận được 10 đến 12 đô la mỗi tháng bằng việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, cô thường dùng nó để giúp những người nghèo khác. Điều đó thể hiện rất nhiều về lòng từ thiện của Greeley. Thêm vào đó, Greeley còn có lòng sùng kính sâu đậm với Thánh Tâm Chúa Giêsu, thể hiện qua việc mỗi tháng bà đi bộ đến 20 trạm cứu hỏa khác nhau của thành phố để phân phát phù hiệu, hình ảnh, các tài liệu về Thánh Tâm cho các lính cứu hỏa, cả Công giáo và không Công giáo. Điếu đó làm cho các công việc của lòng thương xót mà bà đã làm, cụ thể và thiêng liêng, là điều được mời gọi đặc biệt trong Năm thánh này, thật sống động.” Tờ Denver Post đã viết về di sản của Julia Greeley bao gồm “80 năm của một cuộc sống đáng giá… dấn thấn vô vị lơi… và thói quen cho đi và chia sẻ chính mình và những tài sản của mình”. (CNA 07/09/2016)

Hồng Thủy

 

Bạn nên nói gì với một người vô gia cư?

Bạn nên nói gì với một người vô gia cư?

Một người vô gia cư

Một cảnh tượng thường thấy ở ngã tư đường của các thành phố là một người vô gia cư với tấm bảng: “Không nhà, nghèo đói. Xin giúp đỡ. Bất cứ giúp đỡ nào.” Nhiều người dừng đèn đỏ rồi vội vàng đi qua , phớt lờ những người này. Chúng ta nên làm gì trước khi đèn xanh bật lên?

Hội truyền giáo thành thị “Chúa Kitô trong thành phố” có trụ sở tại Denver đưa ra những lời khuyên.

Đầu tiên là hỏi tên người đó. Nhóm này nói: “Một trong những người bạn đường phố của chúng tôi nói cho chúng tôi biết, đã 4 tháng anh không nghe ai gọi tên của mình”. Hãy hỏi tên họ và nhớ và chào họ nếu gặp lại họ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy gương mặt họ sáng lên vì bạn nhớ họ. Hội “Chúa Kitô trong thành phố” nói: “Yêu thương là biết và được biết. Vì vậy, người vô gia cư trở nên bị xa lạ và bị phân tách, không chỉ khỏi xã hội nhưng còn khỏi kinh nghiệm của chính tình yêu.”

Một cách thế nữa để tạo nên liên lạc cá nhân là: “bước tới và bắt tay họ.” Cử chỉ đơn giản này phá bỏ rào ngăn cách và bày tỏ là bạn nhìn nhận phẩm giá của họ.

Mỗi năm, một nhóm mới của các thừa sai “Chúa Kitô trong thành phố” tập họp ở Denver với nỗ lực như đi đến với người vô gia cư. Khoảng 25 thừa sai trẻ tình nguyện 2 năm, được huấn luyện tinh thần và học vấn trong thời gian họ phục vụ. Mỗi thừa sai gặp gỡ khoảng 500 người vô gia cư.

Nhóm khuyên mọi người tặng những đồ vật thực tế như vớ, nước, găng tay, vv. thay vì tiền bạc.  Những ai cho thức ăn nên nhớ những người vô gia cư thường có vấn đề về răng nên không thể nhai những đồ cứng. Nhóm chia sẻ: “Cho tiền là một quyết định cá nhân cần phải phân định. Các thẻ quà tặng có thể là một chọn lựa tốt thay thế cho tiền mặt. Các đồ vật bày tỏ ra sự quan tâm cá nhân của người cho thì thường giúp chú trọng đến tình bạn hơn.

Lời khuyên cuối cùng của nhóm là “hứa cầu nguyện cho họ và thi hành nó”. Nhóm “Chúa Kitô trong thành phố” nói: “Chúng tôi cố gắng là một Chúa Kitô khác với các bạn đường phố của chúng tôi, nhưng chúng tôi chấp nhận là chúng tôi chỉ có thể làm rất nhiều. Phần còn lại chúng tôi để cho Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Người yêu thương các bạn của chúng tôi hơn chúng tôi từng có thể.” (CNA 23/09/2016)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Tòa Thánh tham gia Hiệp Ước chống tham nhũng

Hôm 19-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chính thức trao văn kiện tham gia Hiệp ước này, đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 31-10 năm 2003.

Khi bày tỏ sự tham gia Hiệp ước, nhân danh Tòa Thánh và cả Quốc gia Thành Vatican, Tòa Thánh bày tỏ 2 sự dè dặt và 3 tuyên ngôn giải thích được coi là thành phần của Văn kiện tham gia.

Vì thế, chiếu theo khoản số 68 triệt 2 của Hiệp ước, qui định việc chấp nhận cả những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và chống lại các tội tham nhũng trong lãnh vực công quyền, Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực đối với Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican từ ngày 19-10 tới đây.

Trong một bài đăng trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh, Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher nhắc lại trong trong Tông Sắc ”Tôn nhan Thương Xót” (Misericordiae Vultus) ngày 11-4 năm 2015 để ấn định Năm Thánh đặc biệt về Lòng thương xót, ĐTC Phanxicô đã tố giác nạm tham nhũng như tai ương của xã hội và kêu tích cực bài trừ tệ nạn này.

Hiệp Ước của LHQ chống tham nhũng có đối tượng là thăng tiến và củng cố các biện pháp phòng ngừa và bài trừ nạn tham những, tạo điều kiện dễ dàng cho sự cộng tác và trợ giúp chuyên môn trong lãnh vực quốc tế, cũng như tịch thu các tài sản đã thủ đắc bất hợp pháp. Theo một nghĩa rộng lớn hơn, hiệp ước nhắm thắng tiến sự thanh liêm, trách nhiệm và ý ngay chính trong việc quản trụ công vụ.

Đặc biệt các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước chống tham nhũng bó buộc phải truy tố và trừng phạt sự tham nhũng tích cực và thụ động của các nhân viên công quyền thuộc quốc gia của mình và cả những nhân viên công quyền ngoại quốc, cũng như sự tham nhũng trong lãnh vực tư nhân. Ngoài ra các nước phải tuyên bố có thể truy tố theo luật sự chiếm hữu bất hợp pháp, lạm dụng chức vụ, tẩy tiền và làm chứng gian. (SD 23-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Đây là bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Jacques Hamel.

Hôm nay Hội Thánh cử hành lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Trong Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm về sự tự hủy của Chúa rất gần gũi với chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Đây chính là mầu nhiệm về Chúa Kitô. Đây chính là mầu nhiệm về Đấng tử đạo tiên khởi để cứu độ loài người.

Chúa Giêsu Kitô là vị tử đạo tiên khởi, là người đầu tiên trao ban mạng sống vì chúng ta. Và từ mầu nhiệm này, Chúa Kitô mở ra toàn bộ lịch sử tử đạo của Kitô giáo từ những thế kỷ đầu cho tới ngày hôm nay. Thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của họ. Các tín hữu tiên khởi bị bắt buộc bỏ đạo, nhưng các ngài đã từ chối. Khi từ chối như thế, các ngài bị bắt bớ, bị giết. Câu chuyện ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại cho tới ngày nay, và thời nay Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thời trước. Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị cầm tù, bị giết hại, vì họ không chối bỏ Chúa Giêsu Kitô. Câu chuyện này chúng ta tiếp tục gặp thấy nơi cha Jacques. Cha là một trong những vị tử đạo. Các vị tử đạo cho thấy rõ sự tàn ác của cuộc bách hại.

Cha Jacques Hamel đã cử hành hy lễ Thập giá Chúa Kitô. Cha là một người tốt, hiền lành, đầy tình huynh đệ, luôn nỗ lực xây dựng hòa bình, thế mà cha bị giết hại như một kẻ tội phạm. Đây là kiểu bách hại của ma quỷ. Có điều gì đó nơi cha làm cho chúng ta thấy rằng cha là vị tử đạo cùng với Đấng tử đạo là Chúa Kitô. Có một điều làm cho tôi nghĩ như thế, vì giữa thời gian khó khăn thử thách, cha vẫn sống rất hiền hậu tốt lành, cha vẫn sống như người anh em. Cha cũng không quên xác minh đích danh kẻ giết người, đó chính là ma quỷ. Cha nói cách rõ ràng: “Xéo đi, Satan!”. Cha đã trao tặng mạng sống tựa như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thập giá. Và từ đây, danh tính của tên sát nhân bị tố giác: “Xéo đi, Satan!”

Cha là mẫu gương về lòng can đảm cũng như mẫu gương về chính cuộc sống. Cha đã tự khiêm tự hạ để giúp đỡ người khác, để kết thân huynh đệ với tha nhân, để giúp chúng ta bước về phía trước mà không còn sợ hãi. Cha về Thiên Đàng, và chúng ta cầu nguyện với cha, cầu nguyện với vị tử đạo được chúc phúc, để chúng ta có thể hiền lành, đầy tình huynh đệ, bình an, và ngay cả can đảm nói lên sự thật rằng: kẻ nhân danh Chúa để giết người chính là Satan.

Tứ Quyết SJ

Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha

Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha

ĐTC chào tín hữu trong buổi tiếp kiên chung sáng thứ tư 8-9-2016

Thiên Chúa không gửi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải trở về với Ngài. Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người để trao ban sự an ủi và ơn cứu rỗi.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu trong chương 11 kể lại sự kiện thánh Gioan Tiền Hô – đang ở trong ngục –  gửi các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Thánh nhân đang sống trong một lúc tối tăm… Gioan âu lo chờ đợi Đấng Cứu Thế và trong lời giảng dậy của mình thánh nhân đã miêu tả Người với các mầu sắc mạnh mẽ như một thẩm phán sẽ tái lập Nước Thiên  Chúa và thanh tẩy dân Ngài, thưởng công cho người tốt lành và đánh phạt các kẻ gian ác. Thánh nhân giảng như sau: “Cái riù đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Giờ đây Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài với một kiểu khác biệt. Gioan đau khổ và trong hai cái tăm tối – trong cái tăm tối của ngục thất, trong cái tăm tối của phòng giam và trong cái tăm tối của con tim thánh nhân không hiểu kiểu thi hành sứ mệnh này, nên muốn biết có đúng thật Ngài là Đấng Cứu Thế hay còn phải đợi một người khác.

Và câu trả lởi của Chúa Giêsu ban đầu xem ra không đáp ứng câu hỏi của thánh Gioan Tiền Hô. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,4-6).  Đó là câu trả lởi của Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Ở đây ý của Chúa Giêsu trở thành rõ ràng: Ngài trả lời Ngài là dụng cụ cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, đi gặp gỡ tất cả mọi người đem theo sự an ủi và ơn cứu rỗi, và trong cách thế đó biểu lộ sự phán xử của Thiên Chúa. Các người mù, người què, người phong cùi, người điếc chiếm hữu trở lại phẩm giá của họ, trong khi Tin Mừng được loan báo cho các người nghèo. Và điều này trở thành tổng hợp hoạt động của Chúa Giêsu, qua đó Ngài khiến cho hoạt động của chính Thiên  Chúa trở thành hữu hình và có thể sờ mó được.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Sứ địêp mà Giáo Hội nhận từ trình thuật này trong cuộc sống của Chúa Kitô rất rõ ràng. Thiên  Chúa không gửi  Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải, để khi trông thấy các dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa họ có thể tìm ra con đường trở về, như Thánh vịnh nói: “Ôi lậy Chúa nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4).

Công lý mà Gioan Tiền Hô đặt ở trung tâm lời rao giảng của mình, ở nơi Chúa Giêsu được biểu lộ ra trước hết như là lòng thương xót. Và các nghi ngờ của Vị Tiền Hô chỉ diễn tả trước sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu sẽ dấy lên sau đó với các hành động và lời nói của Ngài. Và khi đó ngưòi ta hiểu kết luận câu trả lời của Chúa Giêsu: “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 6). Gương mù gương xấu có nghĩa là “chướng ngại”. Vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo một nguy cơ đặc biệt: nếu chướng ngại cho việc tin là các hành động lòng thương xót của Ngài, thì điều này có nghĩa là người ta có một hình ảnh sai lầm về Đấng Cứu Thế. Trái lại, phúc cho những ai trước các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, vinh danh Thiên Chúa Cha ở trên Trời. ĐTC lưu ý mọi người như sau:

Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu luôn luôn thời sự: cả ngày nay nữa người ta cũng xây dựng các hình ảnh về Thiên Chúa ngăn cản việc hưởng nếm sự hiện diện thực sự của Ngài. Vài người cắt ra một lòng tin “tự làm lấy”, giản lược Thiên Chúa vào không gian hạn hẹp của các ước muốn và xác tín của riêng mình. Nhưng niềm tin này không phải là việc trở về với Chúa là Đấng tự tỏ hiện, trái lại, nó ngăn cản Ngài khiêu khích cuộc sống và lương tâm của chúng ta. Kẻ khác nữa thì giản lược Thiên Chúa vào một thần tuợng giả; họ dùng danh thánh Chúa để biện minh cho các lợi lộc riêng, hay tệ hơn cho sự thù hận và bạo lực. Đối với các người khác nữa thì Thiên  Chúa chỉ là nơi ẩn núp tâm lý trong đó họ được trấn an trong những lúc khó khăn: nó là một niềm tin khép kín trong chính nó, không thể thấm ướt được trước sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa Giêsu là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến tới với các anh em khác. Có những người khác nữa chỉ coi Chúa Kitô như  là một thầy dậy tốt của các giáo huấn luân lý đạo đức, một trong biết bao nhiêu bậc thầy trong lịch sử. Sau cùng, có người bóp nghẹt niềm tin nơi một tương quan thuần tuý duy thân tình với Chúa Giêsu, mà huỷ bỏ sức thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến dổi thế giới và lịch sử. Chúng ta các kitô hữu chúng ta tin nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, và ưóc muốn của Ngài là ước muốn lớn lên trong kinh nghiệm sống động của mầu nhiệm tình yêu Ngài.

Vì thế chúng ta hãy dấn thân đề đừng đặt bất cứ chướng ngại nào trươc hành động thương xót của Thiên Chúa Cha, nhưng hãy xin ơn có một đức tin lớn lao  để chúng ta cũng trở thành các dấu chỉ và dụng cụ của lòng thương xót.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện: các nhóm nói tiếng Pháp đến từ Phap, Thụy Sĩ, Bỉ, Libăng và đặc biệt từ Senegal, do ĐC Paul Abel Mamba hướng dẫn. Ngài nhắc cho biết hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ và mời gọi mọi ngưòi biết kinh ngạc về các việc thương xót Chúa Giêsu làm trong cuộc sống của mình để hoán cải và trở thành những người sống lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Êcốt, Malta, Australia, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Canada và Hoà Kỳ. Ngài cầu mong năm thánh là dịp giúp họ sống tươi vui an bình và là thừa sai lòng thương xót Chúa trong gia đình và cộng đoàn.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức và Hoà Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu Passau do ĐC Stefan Oster hướng dẫn. Họ khiến ngài nhớ tới đền thánh Đức Bà Altoeting.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương  Bồ Đào Nha, Mozambic và Brasil, đặc biệt các nhóm đến từ các giáo phận Faro, Funchal, Maputo và Aparecida do các GM hướng dẫn. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng  Thương Xót củng cố niềm tin của họ nơi Chúa Kitô.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC mời gọi rộng mở con tim cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa, cũng như trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý đặc biệt đến từ các giáo phận Alife-Caiazzo, Chiavari, Tricarico, do các Giám Mục hướng dẫn, cũng như các chủng sinh Verona và các tham dự viên Trại hè đo HĐGM Ialia tổ chức. Ngoài ra cũng có các trẻ em lãnh bí tích Thêm Sức giáo phận Verona, và các đoàn hành hương Frosinone, Livorno và các thành viên Liên hiệp đi xe đạp vùng Legnanese. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đem lại cho họ và các thân nhân đã qua đời nhiều hoa trái thiêng liêng của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói chúng ta vừa cử hành lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têresa Calcutta. Uớc chi các bạn trẻ trở thành các tông đồ của lòng thương xót như Mẹ, người đau yếu cảm thấy sự gần gủi của Mẹ trong những lúc khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết khẩn cẩu Mẹ giúp họ sống quảng đại chú ý tới những người yếu đuối nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh  ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Đại Ayatollah Iran ca tụng các tuyên bố của ĐTC Phanxicô về Hồi giáo

Naser Makarem Shirazi

QOM: Đại Yatollah Iran Naser Makarem Shirazi thành Qom đã ca ngợi các lời tuyên bố sáng suốt của ĐTC Phanxicô từ chối đồng hóa Hồi giáo với khủng bố.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Cracovia về Roma ngày 31 tháng 7 vừa qua ĐTC Phanxicô đã khẳng định với các nhà báo rằng không thể đồng hoá Hồi giáo với bạo lực khủng bố, mà chỉ có các nhóm nhỏ tín hữu hồi quá khích bạo lực thôi, cũng như có các nhóm tín hữu công giáo bạo lực. Không phải mọi tín hữu hồi đều bạo lực, cũng không phải mọi tín hữu công giáo đều bạo lực. Tôn giáo nào cũng có các nhóm nhỏ cuồng tín. Đại Yatollah viết trong thư gửi cho ĐTC: “Các lời nói khôn ngoan và các nhận xét có luận lý của ngài tách rời tôn giáo khỏi các hành động vô nhân và các tàn bạo do các giáo phái gian ác như lực lượng DAESH chủ mưu, thật đáng ca ngợi.”

Lá thư đã được dịch ra tiếng Anh và đăng trên trang Web chính thức của  Aytatollah Makarem Shirazi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc hàng lãnh đạo tôn giáo toàn thế giới đưa ra lập trường rõ ràng chống lại bạo lực và sự man rợ, nhất là khi các hành động man rợ này được thi hành nhân danh tôn giáo.

Ayatollah cũng cực lực lên án vụ sát hại cha Jacques Hamel ngày 26 tháng 7 vừa qua, khi cha đang cử hành thánh lễ trong nhà thờ giáo xứ Saint-Étienne-du- Rouvray. Vụ sát hại này cũng đã bị cộng đồng các nhà nghiên cứu Hồi và đại đa số tín hữu hồi lên án. Ayatollah khẳng định rằng các giáo phái như Daesh diễn tả cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của kỷ nguyên tân tiến, và chúng không thuộc Hồi giáo. Ông viết tiếp trong bức thư gửi ĐTC Phanxicô: “Như ngài đã khẳng định một cách rõ ràng, các hành động mọi rợ ấy không dính dáng gì tới các tôn giáo, và các trường học tư tưởng khác nhau chỉ là hoa trái của một diễn tả duy vật của vài cường lực thối nát không tìm gì khác ngoài các giầu sang bất hợp pháp lớn hơn. Tuy nhiên, rất may là ý thức của dư luận công cộng gia tăng đối với các nhóm quá khích và khủng bố này, và chúng ta hy vọng rằng các hành động này một ngày kia sẽ chấm dứt.”

Hôm Chúa Nhật vừa qua trong diễn văn đọc trên đài truyền hình quốc gia nhân ngày lễ cách mạng của Marốc vua Mohammed VI cũng đã mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố hồi này, và gọi họ là những cá nhân lầm lạc bị kết án xuống hoả ngục. Quốc vương kêu gọi các tín hữu Hồi giáo, Kitô giáo và Do thái giáo cùng nhau chống lại khuynh hướng cuồng tín và thù hận này trong mọi hình thái của nó (SD 23-8-2016)

Linh Tiến Khải

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

Hội nghị các HĐGM vùng Nam Phi châu về tệ nạn buôn người

human-trafficking

Trong các ngày từ mùng 3 tới mùng 5 tháng 8 vừa qua các Giám Mục vùng Nam Phi châu gồm các nước Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe và Mozambic đã nhóm đại hội tại Maputo thủ đô Mozambic, để thảo luận về tệ nạn buôn người trong vùng. Kết thúc hội nghị các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi toàn xã hội hiệp lực để đánh bại tệ nạn này đang gây ra rất nhiều khổ đau cho các nạn nhân và đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, không phải chỉ trong các nước vùng Nam Phi châu, mà trên toàn thế giới nữa, vì nạn buôn người hiện diện tại nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong số các hình thức buôn người thông thường có tệ nạn buôn nhân công, buôn phụ nữ và trẻ em cho các mạng lưới mại dâm và kỹ nghệ tình dục,  buôn bán cơ phận người,  buôn người di cư tỵ nạn…

Hội nghị nói trên đã do Uỷ ban của HDGM Mozambic về di cư tỵ nạn, viết tắt là CEMIRDE và Mạng lưới Nam phi về việc buôn và lạm dụng trẻ vị thành niên, viết tắt là SANTAC, cũng như tổ chức công giáo Anh quốc phát triển hải ngoại viết tắt là CAFOD, cùng tổ chức và bảo trợ. Cùng tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính quyền và các tổ chức dân sự.

ĐC Francisco Chimoio, TGM Maputo kiêm chủ tịch HĐGM Mozambic, cho biết hội nghị là dịp thuận tiện để các tham dự viên trao đổi tư tưởng và kinh nghiệm giữa các nước trong vùng Nam Phi châu. Giáo Hội có nhiệm vụ phục vụ sự sống và bênh vực phẩm giá con người trong con người của Chúa Giêsu Kitô. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Ủy ban đặc trách người di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, nhấn mạnh việc mỗi nước và mỗi người phải góp phần mình cho cuộc chiến chung chống tệ nạn buôn người này, cũng như suy tư về các hình thức buôn người ngày nay đã trở thành một hiện tượng liên quốc. Mới đây Ủy ban này đã hướng dẫn một cuộc nghiên cứu hiện tượng buôn các cơ phận người, ăn cắp từ người di cư tỵ nạn trong vùng nam Mozambic. ĐC cho biết 16 năm nội chiến tại Mozambic đã khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn di cư tỵ nạn ra nước ngoài cũng như di chuyển bên trong nước. Họ trốn chạy chiến tranh tàn sát và tìm tới những nơi nào còn có an ninh.

** Ngoài việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho các anh chị em này, cũng cần phải giúp họ tái định cư và hội nhập cuộc sống địa phương nữa. Nhưng chính hoàn cảnh di cư tỵ nạn khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của hiện tượng buôn ngưòi và buôn cơ phận người.

Kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới cho biết trong rất nhiều trường hợp họ bị các tổ chức buôn cơ phận người lừa đảo, chụp thuốc mê và bị đánh cắp cơ phận, thường là thận. Nhưng cũng có khi các tay buôn cơ phận người đánh cắp cả mắt và tim nữa, và trong trường hợp này thì nạn nhân bị giết. Chẳng hạn bên châu Mỹ La tinh các thừa sai đã tìm thầy nhiều trẻ em được nhận là con nuôi, nhưng bị bỏ rơi đâu đó trong vùng biên giới các nước, và khi xem xét người các em thì các vị thấy các vết mổ ở vùng thận. Các em đã bị các tay buôn cơ phận người giả vờ nhận nuôi trẻ em, rồi mang tới vùng biên giới mổ và đánh cắp một trái thận của các em.

Phát biểu trong hội nghị bà Claire Dixon, đại diện tổ chức Công Giáo Anh quốc  phát triển hải ngoại, khẳng định rẳng cần có sự cộng tác của các chính quyền và các tổ chức bên trong các quốc gia vùng Nam Phi châu mới có thể chống lại hiện tượng buôn người liên quốc này. Chúng tôi yểm trợ cuộc chiến chống lại tệ nạn này trên khắp thế giới, nhưng mỗi quốc gia liên hệ phải nỗ lực làm việc và huy động các lực lượng của mình để đương đầu với hiện tượng buôn người đang đạt các chiều kích báo động ngày càng gia tăng.

Trong thông cáo công bố sau khi kết thúc hội nghị, các Giám Mục toàn vùng Nam Phi châu khẳng định rằng Giáo Hội toàn vùng không chỉ lãnh trách nhiệm và dấn thân chống lại hiện tượng buôn người tồi bại đáng xấu hổ này, nhưng còn kêu gọị sự cộng tác của mọi lực lượng xã hội cùng góp sức trong cuộc chiến chung phục vụ sự sống và nhân phẩm.

** Đây là lần đầu tiên Liên HĐGM vùng Nam Phi châu tổ chức hội nghị để thảo luận sâu rộng trong ba ngày vể tệ nạn buôn người. Mọi người đã thảo luận tích cực và đã lắng nghe trao đổi các kinh nghiệm cũng như nhận diện các hình thức buôn người mới, tinh vi và đa diện của hiện tượng liên quốc này. ĐC Adriano Langa, chủ tịch Uỷ ban di cư tỵ nạn của HĐGM Mozambic, cho biết các tham dự viên đã rất hài lòng về kết qủa tích cực của các ngày họp.

Ông Lutero Simango, chính trị gia phát ngôn viên của Phong trào dân chủ Mozambic, là đảng phái chính trị lớn nhất Mozambic, cho biết hội nghị đã không chỉ phân tích hiện tượng buôn người trong toàn vùng Nam Phi châu, nhưng cũng đề ra một số biện pháp và kiểu giúp chống lại nó như thế nào.

Trong tình  hình nội chiến như hiện nay mà Giáo Hội Mozambic đứng ra tổ chức một hội nghị như thế quả là một nỗ lực rất to lớn.

Mozambic rộng hơn 801.000 cây số vuông, có hơn 25 triệu dân. Mozambic là cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, và đã chỉ giành được độc lập hồi năm 1975. Những người đầu tiên sống trong vùng đất này là người San “Boscimani”. Trong các thế kỷ thứ I tới thứ IV họ bị các dân tộc gốc Bantu từ miền bắc tới lấn át. Sau đó người A rập thành lập nhiều vùng cai trị khác nhau dọc bờ biển và trên các đảo khiến cho đa số dân theo Hồi giáo. Vào cuối thế kỷ XV người Bồ Đào Nha tới Mozambic và xây cất nhiều nơi như trạm dừng chân và cung cấp thực phẩm cho các tầu thuyền thương mại của họ hướng tới vùng Đông Ấn Độ. Người Bồ Đào Nha giao việc điều hành cho các giới tư nhân thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Sau Đệ Nhị Thế Chiến trong thời giải thể chế độ thực dân có các nhóm chủ trương giành độc lập quy tụ lại với nhau thành Mặt trận giải phóng Mozambic viết tắt là FRELIMO và chiến đấu giành độc lập. Sau 10 năm chiến tranh du kích chống lại Bồ Đào Nha năm 1975 Mozambic giành được độc lập.

** Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Samora Machel lãnh tụ FRELIMO, Mozambic liên miinh với Liên Xô và theo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên sự ủng hộ của các phong trào độc lập khác trong vùng như Đảng quốc đại Nam Phi. Nhưng đường lối chính trị này lôi kéo sự thù nghịch  của các nước khác như các chính quyền da trắng Nam Phi, Rhodesia và Hoa Kỳ. Các nước này đã tài trợ cho phong trào vũ trang chống cộng sản gọi tắt là RENAMO. Trong thập niên 1980 nội chiến bùng nổ khiến cho Mozambic bị kiệt quệ với các thiệt hại về nhân mạng và nền kinh tế rơi vào tình trạng xuống dốc thê thảm.

Năm 1990 qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio hai phong trào FRELIMO và RENAMO đã ký thoả hiệp hoà bình và cho ra đời một bản Hiến pháp bảo đảm chế độ đa đảng. Trong các lần bầu cử sau đó đảng FRELIMO luôn luôn thắng cử. Sau thời chiến tranh lạnh Mozambic theo đường lối chính trị tự do, liên minh với Hoa Kỳ, Anh quốc và  Bồ Đào Nha. Năm 1995 Mozambic được làm thành viên của Khối Thịnh Vượng Chung của Anh. Trong cuộc bầu cử năm 1995 ông Joaquim Chissano đắc cử tổng thống. Năm 1996 Mozambic góp phần thành lập khối các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha. Sau khi tổng thống Chissano rút lui năm 2005, ông Armando Emilio Guebuza lên làm tổng thống và theo đuổi cùng đường lối chính trị của ông Chissano, công khai chống lại đường lối chính tri kỳ thị chủng tộc của tổng thống Mugabe bên Zimbabwe. Các người tỵ nạn da trắng trốn chạy Zimbabwe sang Mozambic được tiếp đón tử tế, có quốc tịch mới và được cấp đất đai trong vùng miền nam bỏ hoang. Với nhiều kinh nghiệm họ là lực lượng giúp vực nền kinh tế của Mozambic lên cao. Năm 2009 tổng thống Guebuza  tái đắc cử. Từ năm 2015 tân tổng thống là ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO.

Cũng như nhiều nước Phi châu khác Mozambic bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Nhóm da đen chiếm 99,5% tổng số dân gồm các chủng tộc: Shangaan, Chokwe. Manyika, Sena, Makua và nhiều nhóm khác. Đa số thuộc chủng tộc Bantu. Nhóm da trắng chiếm 0,2% đa số là người Bồ Đào Nha. Nhóm thứ ba gồm 0,2% người lai giống. Nhóm thứ tư gồm 0,1% người gốc Ấn độ.

** Trên bình diện tôn giáo 50% tổng số dân theo các tôn giáo cổ truyền phi châu; 30% là tín hữu Kitô, và 20% là tín hữu Hồi.

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Bồ Đào Nha đưọc 40% tổng số dân sử dụng. Nhưng dân chúng cũng nói nhiều thổ ngữ, tất cả thuộc nhóm Bantu, trong đó có các thứ tiếng: Tsonga, Chope, Bitonga, XiSena, XiShona, Ndaho, CiNyungwe, EChuwabo, EMacua, EKoti, ELomwe, CiNyanja, CiYao. XiMaconde và KiMwani. Cộng đoàn Á châu thì nói tiếng Urdu và Gujarati.

Như quý vị thính giả đã biết, sau các vụ phản đối kết qủa cuộc bầu cử hồi năm 2014, Mozambic lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng, khiến cho quân đội chính quyền đụng độ với các lực lượng của đảng RENAMO. Chiến tranh khiến cho hàng ngàn người Mozambic chạy sang Malawi lánh nạn. Nhưng nhờ cộng đồng thánh Egidio đứng ra làm trung gian hoà giải, tình hình lắng dịu qua việc thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm 12 đại diện của tổng thống và 12 đại diện của đảng RENAMO.

Lực lượng RENAMO yêu cầu được cai trị trong các tình họ được dân chúng ủng hộ. Lời yêu cầu này cần thiết cho việc canh cải quyền bính địa phương và tản quyền từ trung ương. Qua trung gian của cộng đồng thánh Egidio đã có một Tiểu ban được thành lập cho mục đích này, nhằm tạo ra bầu khí tin tưởng cần thiết cho việc đạt hoà bình. Hiện nay các thành viên của cộng đồng thánh Egidio hiện diện trong mọi thành phố bên Mozambic và sát cánh với Giáo Hội địa phương trong việc giải hoà và thăng tiến đất nước.

Linh Tiến Khải