Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Washington – Ngày 13/03 vừa qua, tổng giáo phận Oklahoma City đã loan báo về lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother, một linh mục sinh quán tại giáo phận, tử đạo tại Guatemala vào năm 1981.

Đức tổng giám mục Paul S. Coakley đã nhận được tin chính thức từ Roma: Tôi tớ Chúa, cha Stanley Rother, sẽ được phong chân phước tại Oklahoma City vào ngày 23/09 năm nay.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Rother và cha trở thành vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa kỳ.

Đức tổng giám mục Coakley nói với nhật báo Oklahoma là Đức Hồng y Angelo Amato, tổng trưởng bộ Phong thánh sẽ đại diện Đức Thánh Cha tại lễ phong thánh.

Cha Stanley Rother được tổng giáo phận Oklahoma gửi đi truyền giáo ở Santiago Atitlan, Guatemala vào năm 1968. Trong thời gian ở đây, cha đã giúp xây một bệnh viện nhỏ, một trường học và một đài phát thanh Công giáo đầu tiên ở Guatemala.

Năm 1981, khi Guatemala đang ở trong thời kỳ xung đột kéo dài hàng thập kỷ, cha Rother sống trong một vùng nông thôn của người bản xứ và bị chính quyền kết án có cảm tình với quân nổi loạn, đã chịu chung số phận với các giáo dân và người Guatemala bản xứ, cha bị bắn tại nhà xứ.

Cha Rother là một trong khoảng 200 ngàn người bị giết trong cuộc nội chiến ở Guatemala, kéo dài từ năm 1960 và kết thúc với hiệp định hòa bình vào năm 1996. (CNS 13/03/2017)

Hồng Thủy

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

butch-mueller-at-guatemala

Sau 30 năm lập gia đình, làm chủ và buôn bán tại một cửa hàng nhỏ, nuôi dạy hai người con trai khôn lớn, cách đây 8 năm, ông Mueller, một giáo dân ở Minnesota đã quyết định trở lại cứ điểm truyền giáo ở Guatemala để tiếp tục công việc truyền giáo mà ông bỏ dở gần 40 năm trước.

Ông Mueller nhớ lại, khi ông còn là một đứa trẻ, cha của ông thường giữ những tạp chí của Hội truyền giáo Maryknoll trong nhà, để không chỉ gieo vào lòng những đứa con của mình ý thức truyền giáo mà còn nhắc nhở chúng về những người nghèo khổ thiếu thốn trên khắp thế giới. Ông kể: “Bất cứ khi nào chúng tôi than phiền ca thán về một điều gì đó, cha tôi sẽ lôi ra những tạp chí và chỉ cho chúng tôi xem những đứa trẻ ở những miền khác trên thế giới đang đau khổ. Cha đã gieo vào lòng chúng tôi và tôi luôn có ước mong thăm viếng một nơi truyền giáo.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mueller làm việc tại nông trại của gia đình cho đến khi nghe biết về điểm truyền giáo thánh Luca ở San Lucas Toliman, Guatemala, trong buổi nói chuyện của Cha Greg Schaffer, một Linh mục thuộc Giáo phận New Ulm, Minnesota, người đã phục vụ như mục tử của nơi truyền giáo. Một vài tháng sau đó, vào mùa xuân năm 1972, khi Mueller 22 tuổi, anh đã đi đến nơi truyền giáo. Sau một ít ngày, anh hỏi cha Schaffer: “làm sao mà con có thể dạy cho những người này biết về Thiên Chúa khi con không biết nói tiếng của họ?” Ông Mueller nhớ lại câu trả lời của cha Schaffer: “Nó thật đơn giản! Con chỉ cho họ. Con tỏ cho họ biết là con yêu thương họ và sẵn sàng ở với họ và giúp họ cách tốt nhất mà con có thể làm được. Rồi Thiên Chúa sẽ giúp sức một tí.” Mueller đã ở lại cơ sở truyền giáo 3 năm, trừ một ít tháng anh đi với cha Schaffer về Minnesota để giúp mọi người biết về công việc của họ.

Vào năm 1975, Mueller đã chi tiêu hết số tiền của mình và trở về lại Minnesota. Sau đó anh đã lập gia đình. Cách đây 8 năm, Mueller đã trở lại Guatemala và mỗi năm ông ở đó 3 tháng đầu năm. Ông nói: “truyền giáo là một phần lớn của cuộc đời tôi. Đây là thời gian tốt, thuận tiện để trở lại công việc truyền giáo”.

Ở đây ông thấy các nhà không có ống khói; khói bốc lên từ dưới các mái nhà; trần nhà và tường nhà bị mồ hóng đã trở thành như hắc ín phủ đen và thậm chí còn nhỏ giọt xuống. Người dân cho biết phổi của các trẻ em mới lên 5 đã bị nhiễm như là phổi của người đã hút thuốc lá lâu năm”. Thấy tình cảnh này, ông Mueller đã quyết định giúp xây các bếp lò hơi trong nhà cho người dân tại đây. Các bếp lò này có thể sử dụng củi như phần lớn người dân đã quen nấu ăn bằng củi. Số tiền họ tiết kiệm được từ củi đốt có thể đủ để cho một đứa con đến trường học. Ông nói: “Học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng mọi ngừoi phải có thức ăn khi họ cần, có quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và quyền lao động. Tất cả những điều chúng tôi làm với nhau để cung cấp cho người dân và để họ cảm thấy họ giống như những con người và để họ biết là họ được Thiên Chúa yêu thương”.

Trong 3 năm, ông Mueller đã ùng với các người bạn xây hơn 200 bếp lò cho người dân ở Guatemala. Câu chuyện xây lò của ông Mueller đã lan truyền nhanh chóng ở Paynesville và ông bắt đầu nhận được nhiều đóng góp từ những người muốn giúp cho chi phí xây các bếp lò; mỗi bếp tốn khoảng 150 đô la. Khi mỗi bếp lò được xây, ông chụp tấm hình với tên của người tài trợ, rồi gửi lên Facebook. Việc làm này lan truyền nhanh chóng như cháy rừng; nhiều người muốn đóng góp cho công việc. Ông bắt đầu nhận đóng góp qua giáo xứ thánh Louis và năm ngoái đã nhận được 27 ngàn đô la. Không chỉ xây các bếp lò, ông Mueller còn để ý đến những nhu cầu khác của gia đình ông đang giúp. Ví dụ như ông sẽ dùng một ít tiền để đóng các giường tầng cho các gia đình thiếu giường ngủ, hay xây dựng một hệ thống xử lý nước thải.

Ông Mueller còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân bằng cách thuê họ giúp việc xây các bếp lò, hay mua các vật liệu địa phương để giúp cho các cá nhân buôn bán nhỏ. Ông cũng hiểu là người dân nơi đây cũng muốn con cái họ có một cuộc sống tốt hơn và điều này chỉ có thể khi con em họ được giáo dục. Ông nói: “Toàn bộ công việc của tôi không chỉ là xây các bếp lò nhưng tôi đang cố gắng dạy, cho và phát triển. Người dân sẽ dùng các kỹ năng họ đã học và truyền lại cho người khác. Tôi cũng dạy họ ‘đừng bao giờ thỏa mãn với những cái mình xây. Hãy nghĩ những cách thế mà bạn có thể làm tốt hơn’. Và họ làm. Nó đang thay đổi cuộc sống từ từ”.

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Từ nhiều thập niên qua Mexico là trạm dừng chân của dân nghèo các nước châu Mỹ Latinh tìm đường qua Hoa Kỳ. Số người này là cả một đạo binh ngày càng gia tăng, mà không ai biết chính xác là bao nhiêu, vì đã không bao giờ có các thống kê chính thức. Và người ta cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thống kê. Rất thường khi những con người khốn khổ này không biết và không ý thức được các hiểm nguy luôn rình chờ họ trên con đường tìm thoát cảnh bần cùng đi tìm một chân trời sống tốt đẹp hơn.

Dọc con đường đi tìm cuộc sống mới này có các băng đảng tội phạm, buôn bán ma túy, buôn người, buôn cơ phận người, khai thác tình dục, buôn bán mại dân và khai thác lao động. Trên con đường đi tìm đất hứa Hoa Kỳ hàng ngàn người dân các nước Châu Mỹ La tinh, nam giới, phụ nữ, người trẻ và trẻ em đã trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm này. Chúng bắt cóc để đòi tiền chuộc, hay đòi các số tiển khổng lồ để đưa họ từ đất nước quê hương họ sang Hoa Kỳ. Hàng năm số tiền làm ăn được trên mạng sống và da thịt của những người di cư này lên tới 50 triệu mỹ kim. Mọi thành phần tham dự đều kiếm chác được ít nhiều từ đám di cư béo bở đó, kể cả các giới chức chính quyền Mêhicô đồng lõa với các tổ chức tội phạm. Và con số các nạn nhân bị chết hay mất tích lên tới hàng ngàn hay hàng chục ngàn, không ai biết rõ được, và cũng không thể cung cấp con số chính xác.

Tuy nhiên, bên cạnh các anh chị em khốn khổ này cũng có những người can đảm đương đầu với các đe dọa, kể cả cái chết, để bênh vực phẩm giá cũng như các quyền lợi của họ và trợ giúp họ. Cách thức thông thường nhất là các nhà trọ và trung tâm tiếp đón. Các anh chị em này cũng biết các nguy hiểm chờ đón mình, nhưng không có gì có thể ngăn cản họ trợ giúp tha nhân.

Ngày mùng 1-4-2014, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm người tị nan tại đảo Lampedusa, các Giám Mục Hoa Kỳ đã hành hương tới Nogales trong bang Arizona giáp giới với Mexico, để dâng thánh lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân di cư bị chết từ năm 1998 đến nay, và để nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ hệ thống di cư tại Hoa Kỳ.

Nogales là vùng bị cắt làm hai bởi bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Một phần của vùng này nằm bên Arizona, phần kia nằm trong vùng Sonora của Mêhicô. Chính từ đây mỗi ngày có hàng chục người Mêhicô tìm cách lén lút sang Hoa Kỳ. Thánh lễ nhằm tưởng niệm hơn 6,000 người di cư Honduras, El Salvador, Guatemala và Mêhicô đã chết trong sa mạc vì muốn vượt biên qua Hoa Kỳ để trốn chạy cuộc sống nghèo khó và bạo lực trên quê hương họ. Các Giám Mục Hoa Kỳ đã mạnh mẽ tố cáo sự thờ ơ đối với tệ nạn này. Các vị khẳng định rằng không biết tới nỗi khổ đau và các người di cư bị chết là một sự xấu hổ cho cả nước.

Buổi lễ tưởng niệm này nhắm mục đích lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với các hậu qủa nhân bản của một hệ thống di cư suy sụp như hệ thống hiện nay của Hoa Kỳ, cũng như nhấn mạnh sự kiện cần phải thông qua dự luật cải tổ về di cư của tổng thống Obama, cho phép hợp thức hóa khoảng 11 triệu người di cư bất hợp pháp hiện đang sống trên đất Hoa Kỳ. Luật này vẫn bị ngăn chặn bởi phe chống đối thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội, và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hơn một lần bầy tỏ lập trường.

Làn sóng di cư vẫn tiếp tục, vì các anh chị em đến từ Châu Mỹ Latinh trốn chạy các tình trạng bạo lực tột độ, và đối với họ các bạo lực mà họ gặp phải tại Mêhicô cũng như các nguy hiểm tìm thấy trong việc vượt qua bức tường biên giới không là gì cả. Họ không có lý do nào để trở lại đàng sau. Trong rất nhiều trường hợp, bên cạnh tình trạng bạo lực là cảnh nghèo nàn tuyệt đối, nhất là đối với những người đến từ Honduras, là nước có một tình trạng kinh tế ngày càng tồi tệ đặc biệt sau vụ đảo chánh.

Tại Nogales cũng như tại nhiều nơi khác mỗi ngày người ta đều tìm thấy tử thi của các người di cư, và càng ngày càng có nhiều trẻ em vị thành niên. Con số các trẻ em vị thành niên di cư không có người lớn đi kèm cũng ngày càng gia tăng trong vùng biên giới. Con số này đang gia tăng tại miền bắc Mêhicô và các em đến từ các nước Trung Mỹ Latinh. Nghiêm trọng hơn nữa là sự kiện các em đến một mình không có các tay buôn người dẫn dắt. Các em đi từng nhóm ba bốn em và mới chỉ có 9-10 tuổi cho tới 16-17 tuổi. Và đương nhiên là trên đường đi các em tìm thấy các hiểm nguy y như các hiểm nguy của người lớn vậy, nghĩa là bị bắt cóc, bị tra tấn, đối với các bé gái thì có nguy cơ bị lọt vào trong mạng lưới khai thác tình dục. Thế rồi còn các có trẻ em bị bắt ở lại trong các trại được thành lập cho mục đích này, trong khi cha mẹ các em bị gửi trả về nước. Và thế là các em bị tách rời khỏi gia đình, và gia đình các em không biết các em ở đâu và những gì xảy ra cho các em.

Bà Valentina Valfrè, thuộc tổ chức phi chính quyền ”Soleterre”, là tổ chức đi tiên phong trong việc bênh vực các quyền của người di cư bên Mêhicô cho biết, hằng năm có 400,000 người thuộc nhiều nước châu Mỹ Latinh vượt biên giới Mêhicô để sang Hoa Kỳ. Thêm vào đó là hàng chục ngàn người Mêhicô đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn bên Mỹ. Có nhiều yếu tố khiến cho các chuyên viên lo ngại cho an ninh của họ: trước hết là hoạt động của các tổ chức tội phạm. Càng ngày chúng càng bắt cóc người di cư một cách chớp nhoáng, trong một ngày hoặc nhiều ngày, có khi là từ 50 tới 70 người.

Trong các lần bị bắt cóc như thế, họ phải chịu mọi vi phạm: các phụ nữ bị hãm hiếp, nam giới bị tra tấn và chúng tìm cách làm tiền, bằng cách bắt buộc họ gọi điện thoại cho thân nhân gửi tiền chuộc để được trả tự do. Điều tệ hại nhất là có sự đồng lõa của chính quyền địa phương, bắt đầu từ chính những nhân viên của văn phòng di cư, cho tới các cảnh sát và các binh sĩ có trách nhiệm trong các vụ bắt cóc, vì họ đồng ý và ăn chia với các tổ chức tội phạm. Các nhân viên này báo cho các nhóm tội phạm biết sự hiện diện của người di cư để chúng có thể bắt cóc họ.

Trong số những người liều mình bênh vực và trợ giúp người di cư có tu huynh Tomàs Gonzàles Castillo, dòng Phanxicô. Thầy hoạt động trong vùng Tenosique gần biến giới Guatemala và được gọi là ”Thầy Bão tố”. Đây là một trong những vùng nguy hiểm nhất và là trạm dừng chân đầu tiên tại Mêhicô đối với các anh chị em thuộc các nước nam và trung châu Mỹ Latinh hướng tới Hoa Kỳ. Đây là một lộ trình do tổ chức ”Zetas” kiểm soát. Từ nhiều năm nay thầy Tomàs đã mạnh mẽ tố cáo các vụ bắt cóc, tống tiền, buôn người và đã bị dọa giết nhiếu lần, nhưng thầy vẫn tiếp tục trợ giúp các anh chị em di cư.

Thầy cho biết con số người di cư không giảm bớt, trái lại còn gia tăng trong toàn vùng. Hiện nay có nhiều người tới từ các nước vùng Trung châu Mỹ Latinh như Honduras và El Salvador. Họ xin tỵ nạn bên Mexico, vì tình hình bạo lực rất mạnh trên quê hương của họ. Có các trẻ em trai gái và người trẻ ra đi một mình, và con số trẻ vị thành niên gia tăng rất nhiều. Có cả các phụ nữ nữa. Và đương nhiên họ là các nạn nhân dễ bị thương tích nhất của bạo lực tại Mêhicô. Một phu nữ có thể bị hãm hiếp nhiều lần trong suốt lộ trình di cư. Nếu là trẻ em vị thành niên nhất là bé gái, thì có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị bắt làm việc, hay trở thành nô lệ tình dục hay bị khai thác cho bất cứ công việc nào khác.

Nữ tu Leticia Gutierrez, dòng Scalabrini, cũng đã trở thành điểm tham chiếu cho các người di cư và là người bênh vực các quyền của họ. Chị đã dấn thân xây được 66 nơi trú ẩn mới cho họ. Mỗi cố gắng của chị đều nhằm tạo ra và củng cố một mạng lưới của những người bênh vực các quyền con người, của người di cư bên Mêhicô. Theo chị có giải pháp cho vấn đề này. Trước hết các chính quyền phải đương đầu với vấn đề của người di cư trong cách thế khác nhau. Nếu có một sự di chuyển hàng hóa tự do trong thương mại, thì cũng có một sự di chuyển tự do đối với con người. Điều này có thể được vì các người di cư phải bỏ quê hương do nghèo đói, bần cùng và ít cơ may phát triển đối với tương lai. Các chính quyền phải lo lắng cho vấn đề di cư một cách khác nhau. Không thể tiếp tục giết người di cư được và mang trên vai gánh nặng lương tâm liên quan tới cái chết của họ ngày càng nhiều hơn. Mỗi ngày đều có người chết vì chính sách hạn chế nhận người di cư.

Hiện nay có sự đàn áp trong các đường lối chính trị liên quan tới di cư trên bình diện toàn cầu. Chúng ta trông thấy điều này bên Âu châu, tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn có hai điều kiện của việc cải tổ di cư bên Hoa Kỳ: thứ nhất là nới rộng bừc tường an ninh do chính phủ Hoa Kỳ xây dọc biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ; thứ hai gia tăng hàng ngàn cảnh sát biên phòng. Nhưng đây là một sự thụt lùi. Cần có một giải pháp toàn diện rõ ràng. Chị Leticia cho biết đã bị các tổ chức tội phạm đe dọa giết nhiều lần, giống như thầy Tomàs. Những người bảo vệ quyền của các anh chị em di cư không phải là các anh hùng hay siêu nhân, mà chỉ là người bình thường thực tế đã quyết định hiến dâng đời mình cho việc bênh vực những nạn nhân yếu đuối cần được trợ giúp, vì trông thấy nơi họ Chúa Giêsu đau khổ và để không phản bội nhân loại. Do đó họ tiến tới và muốn hiến mạng sống cho các anh chị em di cư. Chị nói: dĩ nhiên đó là việc khó khăn và chúng tôi cũng sợ hãi, vì là người. Có mệt nhọc, khóc than, nước mắt và máu, nhưng chúng tôi phải tiến tới vì Chúa Kitô và vì tình bác ái. Chúng tôi tiến tới vì muốn sự công bằng. Chúng tôi muốn truy nã những kẻ đang gây ra thiệt hại trong chính quyền và những kẻ cho phép các bất công và khổ đau này xảy ra.

Khi nhìn thấy người khác bị ám sát chúng tôi không để bạn khoanh tay làm ngơ. Tất cả nhừng người dấn thân bênh vực và che chở các người di cư hành động vì đức tin và tình huynh đệ. Chúng tôi không thể để cho các anh chị em di cư bị giết và để cho mình bị bịt miệng. Chúng tôi không thể tiếp tục chịu đựng họ giết nhân loại nơi các anh chị em di cư này.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio