Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng ”Kỳ lão” quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng ”Kỳ lão” quốc tế

VATICAN. Chiều 6-11-2017, ĐTC đã tiếp kiến ”Hội đồng kỳ lão” (Elders) quốc tế tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, đứng đầu là ông Kofi Annan, người Ghana, nguyên Tổng thư ký LHQ.

Trong số các thành viên khác có bà Mary Robinson, nguyên tổng thống Cộng hòa Ailen từ 1990 đến 1997.

Hội đồng kỳ lão thế giới là một tổ chức quốc tế phi chính phủ do cựu tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi thành lập cách đây 10 năm, gồm các vị lãnh đạo thế giới và các cựu quốc trưởng, với mục đích thăng tiến hòa bình và các quyền con người.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Ông Kofi Annan nói: ”Chúng tôi nghĩ rằng gặp ĐGH là điều quan trọng, và chúng tôi có nhiều giá trị chung, và muốn gặp ngài để trao đổi và cách thức có thể cộng tác với nhau, cũng như để tập trung vào một số điểm. Trong cuộc hội kiến, chúng tôi đã nói về vấn đề tị nạn và di dân, các võ khí hạt nhân; đây cũng là những đề tài được đề cập đến trong một hội nghị thượng đỉnh tại Vatican vào thứ sáu 10-11 tới đây. Chúng tôi cũng nói về hòa bình và việc làm trung gian trong các cuộc xung đột”.

Về phần bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ailen, bà cho biết đã nói về tầm quan trọng cần dành cho tiếng nói của phụ nữ và vai trò của họ. Bà đánh giá cao vai trò ĐGH đang thi hành và vì ngài đang dấn thân để trở thành tiếng nói của những ngừơi không có tiếng nói, những người ở ngoài lề xã hội, và ngài cũng đương đầu với những khía cạnh khó khăn nhất của các cuộc xung đột”.

Bà Robinson xác nhận rằng: ”Chúng tôi có nhiều lãnh vực chung và có thể bàn đến một số lãnh vực, kể cả vấn đề Venezuela, trong bối cảnh Mỹ châu la tinh, Congo, những thay đổi khí hậu” (RG 6-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

duc-hong-y-turkson-rat-can-thong-diep-moi-ve-hoa-binh

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho rằng một thông điệp mới của ĐTC về hòa bình là điều rất cần thiết ngày nay.

ĐHY Turkson người Ghana, đã được ĐTC bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển nhân bản toàn diện, một cơ quan sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 và bao gồm 4 Hội đồng Tòa Thánh là: Công lý và Hòa bình, mục vụ di dân, mục vụ các nhân viên y tế, và Cor Unum (Đồng Tâm).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, Kathpress, hôm 19-12-2016, ĐHY Turkson nhắc lại rằng Thông điệp về Hòa Bình liền trước đây đã được ban hành cách đây 53 năm, tức là Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris) do Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng công bố năm 1963, trong bối cảnh thế giới bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Ngày nay, ĐGH Phanxicô nói về một ”thế chiến từng mảnh”. ĐHY nói rằng ”Cơ quan của ngài chỉ có thể chuẩn bị một thông điệp theo lệnh của ĐTC”.

Theo ĐHY Turkson, một đối tượng khác của thông điệp có thể là vấn đề di dân. Đây cũng là một đề tài lớn mà ĐGH Phanxicô quan tâm và ngài đã đích thân đảm nhận phân bộ di dân trong Bộ tân lập về việc phát triển nhân bản toàn diện.

Trả lời câu hỏi: liệu trong năm 2017 tới đây ĐGH sẽ công bố thông điệp mới về một trong hai đề tài vừa nói hay không, ĐHY Turkson đáp: ĐGH có thể ban hành thông điệp bất kỳ khi nào, nhưng điều nên đề nghị là cần giữ một khoảng cách giữa các văn kiện của ĐGH: các văn kiện này cần thời gian để được đón nhận và hấp thụ. ĐGH không viết các văn kiện để đặt trên các kệ sách. Ngài muốn thông truyền và thi hành một sứ điệp.

Cho đến nay, ĐTC Phanxicô đã công bố thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) vào năm 2013, Văn kiện này được vị tiền nhiệm Biển Đức 16 chuẩn bị trước đó để kết thúc Năm Đức Tin. Tiếp đến là thông điệp ”Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ thiên nhiên là căn nhà chung của nhân loại. Năm 2013, ngài công bố Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và hồi tháng 4 năm nay (2016) ngài công bố Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương) về gia đình. (KP 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Thông điệp ”Laudato sí” có ảnh hưởng lớn trên các chính phủ

Thông điệp ”Laudato sí” có ảnh hưởng lớn trên các chính phủ

Laudato

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, tuyên bố rằng Thông Điệp ”Laudato sí” của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ 'căn nhà chung', có ảnh hưởng lớn trên các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, hôm 11 tháng 8 năm 2015, sau khi ĐTC Phanxicô ấn định Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự chăm sóc thiên nhiên, cử hành vào ngày 1-9 hằng năm, ĐHY Turkson nói: ”Các chính phủ và các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã bắt đầu lắng nghe. Và tôi có bằng chứng về điều đó. Ngày 29-6 năm nay, tôi ở New York, hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh, trong cuộc thảo luận về vấn đề thay đổi khí hậu. Các bài phát biểu đều trích dẫn Thông điệp của ĐGH Phanxicô. Mặc dù Thông điệp không hẳn nói về đề tài ”sự thay đổi khí hậu”, nhưng về thiên nhiên và môi sinh học toàn diện, những các bài tham luận, bài này tới bài khác, đều trích dẫn phần Thông Điêp bàn về vấn đề thay đổi khí hậu. Vì thế, âm hưởng của Thông điệp là điều đã được kiểm chứng”.

ĐHY Turkson nói thêm rằng ”Ở Roma này, chúng tôi tiếp tục nhận được những thư chúc mừng ĐTC vì đã công bố thông điệp này. Các thư đó không những đến từ các học giải, nhưng cả từ các vị quốc trưởng, các vị lãnh đạo và thành viên của các chính phủ. Hồi tháng 7 vừa qua, tại Paris, Ông Nicolas Hulot, Cố vấn của Tổng thống Pháp, đã tổ chức một Hội nghị về vấn đề môi trường. Tổng thống Hollande đã khai mạc Hội nghị và trích dẫn nhiều từ thông điệp của ĐTC Phanxicô.. Không hồ nghi gì về ảnh hưởng của Thông điệp Laudato sí trên các chính phủ”.

ĐHY Turkson người Ghana bên Phi châu. Ngài kể thêm rằng: ”cách đây vài ngày tôi về qua Ghana và tại đó, cả tổng thống cũng đã gửi một thư tới Đức Sứ Thần Tòa Thánh để bày tỏ sự đánh giá cao của ông đối với Thông điệp của ĐGH”. ĐHY cho biết tại Hoa Kỳ, cả Tổng thống Obama, khi trình bày kế hoạch giảm bớt số lượng khán khí thải ra, ông cũng trưng dẫn thông điệp của ĐGH, điều này chứng tỏ rằng các diễn văn của ĐTC rất được nhiều nhân vật thế giới theo dõi”. (Ansa 11-8-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio