Đức TGM Leopoldo Girelli, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel

Đức TGM Leopoldo Girelli, tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel

VATICAN. Hôm 13-9-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú tại Việt Nam, làm tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel, kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Palestine.

Cho đến nay, Đức TGM Girelli cũng là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, và tại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Đức TGM Girelli năm nay 64 tuổi, sinh ngày 13-3-1953 tại Bergamo, bắc Italia. Sau thời gian thụ huấn tại Trường Ngoại giao Tòa Thánh, ngài 13-7-1987, Cha Girelli bắt đầu được gửi đi phục vụ tại Tòa Sứ Thần ở Camerun, rồi New Zealand, Bộ ngoại giao Tòa Thánh, sau cùng ngài được gửi đi làm Tham Tán tại tòa Sứ Thần ở Washington, Hoa Kỳ.

Ngày 13-4-2006 ngài được thăng TGM và làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Indonesia, trong thời gian sau đó, ngài kiêm nhiệm thêm các chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Đông Timor. Gần 5 năm sau, ngày 13-1-2011, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, Khâm sứ tại Malaysia, Brunei, và Đại diện không thường trú tại Việt Nam.

Sau khi Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, Đức TGM Girelli, ngưng làm Sứ Thần tại đây và tại Đông Timor, và ngưng làm Khâm Sứ tại Brunei từ ngày 16-1-2013.

Trong nhiệm vụ này, Đức TGM Girelli đã ra vào Việt Nam hơn 70 lần.

Trong bài giảng tại thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc tại La Vang ngày 13-8-2017, Đức TGM Girelli nói rằng: ”Tự do tôn giáo không phải là một cái gì tùy tiện trong tay các nhà chức trách, nhưng tự do tôn giáo là một quyền trong tay của người dân. Nhiều người trên thế giới ước mong rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam phải được tôn trọng hơn, phải được thực thi đầy đủ hơn, và Hội Thánh Công Giáo phải được nhìn nhận như một nguồn thiện tích hơn là một vấn nạn cho đất nước”.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Sứ vụ cứu giúp nạn nhân của nạn buôn người của nữ tu Bernadeth Saragih

Sứ vụ cứu giúp nạn nhân của nạn buôn người của nữ tu Bernadeth Saragih

bernadeth-saragih

Jakarta – Từ nhiều năm nay, nữ tu Bernadeth Saragih dòng thánh Phanxicô đã dấn thân tận tụy giải cứu các phụ nữ trẻ khỏi tay bọn buôn người.

Năm 1991, sơ Bernadeth được sai đến đảo Batam, nơi chỉ cách Singapore 30 phút đường thủy. Đến đó sơ biết được có rất nhiều thiếu nữ đến từ miền Kalimantan làm “quản gia” cho các gia đình ở Singapore.

Chia sẻ với hãng tin Á châu, sơ Bernadeth cho biết là có nhiều thiếu nữ và bà mẹ trẻ ở Batam tham gia vào các công việc bất hợp pháp. Phần lớn họ được thuê làm việc nhà nhưng rồi bị xã hội đen địa phương thao túng và buộc làm việc tại các những nơi sinh hoạt ban đêm và làm gái điếm. Những người này muốn thoát ra khỏi cuộc sống đó nhưng không biết làm thế nào bởi vì họ sẽ không có tiền gửi về cho gia đình nếu không làm việc ở đó.

Sơ Bernadeth đã cùng với một tổ chức phi chính phủ địa phương trợ giúp các thiếu nữ tuyệt vọng này. Sơ chia sẻ: “Tôi thường mang họ về tu viện, chăm sóc họ và gửi họ về gia đình.

Hôm tháng 2, sơ Bernadeth đã liên lạc với hãng tin Á châu để xin giúp đưa một phụ nữ trẻ, từng là “nội trợ” ở Malaysia về quê quán, nhưng vì thời gian hạn hẹp nên kế hoạch đã không thành công.

Cách đây 4 năm, sơ phụ trách đã bổ nhiệm sơ Bernadeth phụ trách về các vấn đề của nạn buôn người. Sơ Bernadeth cho biết sơ cộng tác cùng với Liên hiệp tu sĩ Indonesia, Ủy ban kinh tế xã hội của tổng giáo phận Medan và Ủy ban Công lý, hòa bình và sáng tạo toàn diện. Ở Medan, nhiều nạn nhân đến từ các tỉnh của Indonesia. Các thiếu nữ này bị rơi vào những hoàn cảnh này vì không được học hành. Nhiều lần vì các vụ lạm dụng và bạo lực họ đã quyết định bỏ trốn và các tài xế taxi hay cảnh sát đã đưa họ đến với các sơ. Sơ cảm thấy bị đánh động mạnh mẽ khi nhìn thấy họ trong những tình trạng tuyệt vọng, có trường hợp bị lao phổi, suy dinh dưỡng, gãy chân vì bạo lực. Có khi vì không kịp được cứu giúp, họ đã qua đời trên tay các sơ … Sơ Bernadeth nói: “Đây là ơn gọi của chúng tôi trong thế giới hôm nay, giúp đỡ bằng mọi cách những ai đang tuyệt vọng.” (Asia News 27/10/2016)

Hồng Thủy
(Thi Thuy le)

Hôn nhân là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa trong xã hội cạnh tranh Singapore

Hôn nhân là dấu chỉ sự gần gũi của Thiên Chúa trong xã hội cạnh tranh Singapore

Thánh đường tại Singapore

Singapore – "Trong hôn nhân chúng ta có khuynh hướng dựa trên chính sức của mình, nhưng rồi chúng ta trở nên mệt mỏi và bị làm cho mệt mỏi. Điều này xảy ra vì chúng ta quên rằng Thiên Chúa có thể làm tất cả và luôn ở bên cạnh chúng ta.” Đó là lời của bà Ramona Olsen, một bà mẹ của gia đình, đã kể lại các khó khăn bà đã gặp trong cuộc sống với chồng của bà trong một buổi gặp gỡ để giúp các đôi hôn nhân do Ủy ban gia đình của Tổng giáo phận Singapore tổ chức.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ diễn đàn về các thách thức mà các gia đình Singapore gặp phải trong một xã hội cạnh tranh quá mạnh, hầu như người ta chỉ tập trung vào công việc và sản phẩm. Buổi đầu tiên diễn ra vào ngày 19 tháng 3 vừa qua và chương trình sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 5 tới đây. Trong dịp này, nhiều cặp vợ chồng sẽ mừng kỉ niệm hôn phối và một số Linh mục cũng kỉ niệm ngày thụ phong Linh mục.

Cyrine Gregory, điều phối viên của sáng kiến này, giai thích vai trò của các tín hữu Công giáo đối với người trẻ, những người luôn luôn ít được các bậc cha mẹ hỗ trợ trong việc chọn lựa kết hôn và có con. Bà nói: “chúng tôi được mời gọi là một tiếng nói khác trong xã hội, đi ngược lại với văn hóa. Chúng tôi cần phải mang tình yêu Thiên Chúa, tình yêu chữa lành, đến với tất cả các cuộc hôn nhân và tất cả các gia đình đang đau khổ.”

Buổi họp mặt ngày 16 tháng 4 do cha Terence Pereira, đại diện Giám mục về Loan báo Tin Mừng, hướng dẫn. Cha đã nói về tầm quan trọng của sự gặp gỡ cá nhân của mỗi người với Chúa Ki-tô như là một nền tảng giúp các gia đình đang gặp khó khăn. Cha đã lưu ý đến tình trạng hôn nhân ở Singapore mà từ vài năm nay đã trở nên ngắn ngủi với số vụ ly dị gia tăng. Theo cha, có tới 7000 vụ ly dị trên tổng số khoảng 21 ngàn đám kết hôn hàng năm. Để thay đổi tình trạng này, các Ki-tô hữu phải trở nên giống như “bụi gai trong sách Xuất hành, bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi.”

Có trên 200 ngàn tín hữu Công giáo ở Singapore, chiếm 5% dân số. Giáo hội địa phương là một Giáo hội tăng triển và năng động. (Asia News 27/4/2016)

Hồng Thủy OP

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Chết hóc vì khúc xương bò khổng lồ dài ngàn dặm

Trong các tuần qua biến cố Trung Cộng đặt dàn khoan Hải Dương 981 trong lãnh hải của Việt Nam, để thăm dò khoan dầu, khinh thường công pháp quốc tế về Biển, đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối trong và mgoài nước. Cùng với dàn khoan di động khổng lồ là 80 tầu vũ trang, tầu quân sự và máy bay hộ tống vào vùng biển của Việt Nam.

china_vietnam_sprat

Vụ này cũng đã khiến cho nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ cùng các giới chức chính trị các quốc gia trong vùng Đông Nam Á tố cáo Trung Quốc có các hành động khiêu khích và nguy hiểm. Còn chính quyền Bắc Kinh và báo chí Tầu cộng thì cũng gân cổ lên cãi là Biển Đông thuộc Trung Quốc và tố cáo Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản có các hành động khiêu khích gây căng thẳng. Bắc Kinh đặc biệt cay cú với Nhật Bản, vì thủ tướng Shinzo Abe đã lập đi lập lại nhiều lần rằng tất cả mọi quốc gia phải tôn trọng Luật Biển quốc tế liên quan tới các vùng lãnh thổ. Trong bài phát biểu tại hội nghị đối thoại về an ninh Á châu Shangri-la 13, nhóm tại Singapore, thủ tướng Nhật Bản đã tuyên chiến pháp lý và thách thức Trung Quốc đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Trong khi Philippines thì đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế liên quan tới vụ Trung Quốc chiếm bãi Scarbourough ngay sát bờ biển Philippines. Thủ tướng Abe cũng tuyên bố Nhật đồng ý viện trợ cho Philippines 10 tầu tuần tra phục vụ ở Biển Đông, cho Indonesia 3 tầu và thúc đẩy việc cung cấp tầu tuần tra cho Việt Nam. Điều này có nghĩa là Nhật Bản đang hình thành liên minh pháp lý để chống lại thái độ hung hăng xấc xược bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trong Hội nghị Shangri-la thường niên lần thứ 13 nhóm tại Singapore về An ninh khu vực Á châu ngày 31-5-2014 Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những vi phạm, đặc biệt chống lại Philippines và Việt Nam. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ không ngồi im nhìn Bắc Kinh gây bất ổn ở Biển Đông và hiếp đáp Việt Nam và Philippines. Ông Vương Quản Trung, trưởng phái đoàn Trung Quốc, lên án Nhật Bản và Hoa Kỳ khiêu kích Trung Quốc.

Trước đó ngày mùng 9-5-2014 ông Benjamin Cardin đã cùng 5 Thượng nghị sĩ Mỹ của Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ ra tuyên ngôn chung khẳng định rằng việc Trung Quốc mang dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền của Việt Nam là thực tại đáng lo ngại. Ngày 28-5-2014 trong buổi tiềp thượng nghị sĩ Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đông Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động ngang ngược phi pháp của Trung Quốc. Ông cho biết Việt Nam muốn cùng Mỹ tiếp tục nỗ lực phát triển sâu rộng hơn nữa các quan hệ hơp tác trên các lãnh vực, vì lợi ích thiết thực và vì sự phát triển chung của cả hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với Hoa Kỳ về các lãnh vực hợp tác cũng như những vần đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Thượng nghị sĩ Cardin cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn nặng nề luật pháp quốc tế, Công Ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển 1982, gây bất ổn và đe dọa trực tiếp nền hòa bình, sự ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Bô trưởng quốc phòng Úc David Johnston cũng ủng hộ lập trường của Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Cảnh lời qua tiếng lại với Trung Quốc và tình hình căng thẳng tại Biển Đông lên cao có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến, mà không ai biết kết qủa sẽ ra sao.

Nhật báo Arirang của Hàn quốc số ra ngày 23-5-2014 cho biết Trung Cộng đã đem 300,000 quân tới gần biên giới Việt Nam. Tờ Thời báo Đài Loan thì cho biết tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam cũng đã tăng cường và chuyển quân tới gần biên giới Trung Quốc.

Biển Đông nổi sóng chỉ vì mỏ dầu lửa và khí đốt khổng lồ nằm bên dưới và do vị trí chiến lược của nó nằm giữa Ấn Độ dương và Thái Bình Dương.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chuyên viên Tổng cục địa chất Việt Nam, khu vực Biển Đông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng và đông tàu bè qua lại nhất thế giới. Hàng năm hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyện bằng tầu biển của thế giới tiếp tục hành trình qua Biển Đông, sau khi đã vượt các eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Lượng tầu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu chở dầu qua kênh đào Suez, và hơn 5 lần số tầu chở dầu qua kênh đào Panama.

Riêng về số lượng dầu và khí đốt dự trữ tại Biển Đông Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho rằng chỉ có 2.5 tỷ thùng. Nhưng đây là con số Trung tâm khảo cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính dựa trên các khảo sát gần ven biển của các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó Bộ tài nguyên địa chất Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biến Đông vào khoảng 17.7 tỷ tấn, so với 13 tỷ của Kuweit. Vì thế Trung Quốc gọi Biển Đông là ”Vịnh Ba Tư thứ hai”.

Tổng trữ lượng dự báo địa chất dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 3 tỷ tấn và trữ lượng khí đốt khoảng 1,000 tỷ mét khối. Ngoài ra, vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Biển Đông rộng 1,460,000 cây số vuông còn có nguồn lợi thủy sản khổng lồ nữa. Có hơn 2,000 loại cá trong đó có 130 loại có giá trị kinh tế rất cao. Tất cả là các lý do khiến cho Trung Quốc dang rất thèm khát tài nguyên đã vẽ bản đồ Lưỡi Bò bất chấp công pháp quốc tế, và quyết ăn cướp cho bằng được kho tàng khổng lổ này. Nhưng trước các phản kháng của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các quốc gia Đông Nam Á cái lưỡi bò ấy đang trở thành ”khúc xương khổng lồ dài ngàn dặm”, mà miệng Trung Quốc cho dù có gian giảo và to đến mấy đi nữa, cũng sẽ không thể nào nuốt trôi được. Trái lại có nguy cơ chết hóc nữa là đàng khác.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio