Sứ điệp Video Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2017

Sứ điệp Video Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2017

VATICAN. ĐTC tái khẳng định: ”Giáo Hội và xã hội đang cần người trẻ, với giấc mơ và lòng can đảm, họ có thể làm sụp đổ những bức đường im lìm bất động và mở ra con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video công bố hôm 21-3-2017, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 32 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật Lễ Lá, 9-4 tới đây, với chủ đề là câu nói của Mẹ Maria: ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,49).

Trong sứ điệp, ĐTC nói: ”Với Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới chúng ta lên đường tiến về điểm hẹn là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Panama vào năm 2019. Trong hành trình này, Mẹ Maria đồng hành với chúng ta. Vì thế, chủ đề của Ngày Quốc tế giới trẻ năm tới, 2018, là ”Hỡi Maria, đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ơn nghĩa với Thiên Chúa” (Lc 1,30), và đề tài cho năm 2019 là: ”Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ thần” (Lc 1,38).

Bàn về chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay, ĐTC nhận định rằng ”Mẹ Maria biết cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã nhìn đến thân phận bé nhỏ của Mẹ và Mẹ nhận ra những điều vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của Mẹ; và Mẹ lên đường đi gặp bà chị họ Elisabeth cao tuổi và đang cần sự gần gũi của Mẹ. Mẹ Maria không khép kín trong nhà, vì Mẹ không phải là một thiếu nữ tìm kiếm thoải mái, an ninh, không muốn ai quấy rầy. Mẹ được đức tin thúc đẩy, vì đức tin là con tim trọn cuộc sống của Mẹ”.

Và ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: ”Thiên Chúa cũng đang nhìn và kêu gọi các bạn, và khi làm như thế, Chúa thấy trọn tình yêu mà các bạn có khả năng cống hiến. Như Thiếu Nữ thành Nazareth, các bạn cũng có thể cải tiến thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các bạn và nhiều người khác. Giáo Hội và xã hội đang cần các bạn. Với lối tiếp cận, với lòng can đảm, ước mơ và lý tưởng của các bạn, những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn”.

Cùng với sứ điệp Video trên đây, ĐTC đã cho công bố sứ điệp của ngài trên văn bản dài hơn, trong đó ngài giải thích chi tiết và đặt hành trình của giới trẻ tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Panama trong tương quan với Thượng HĐGM thế giới năm 2018 tới đây với chủ đề ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Qua đó, – ĐTC viết – ”chúng ta sẽ tự hỏi xem người trẻ sống kinh nghiệm đức tin giữa những thách đố ngày nay như thế nào, làm thế ngày người trẻ có thể làm cho dự phóng cuộc sống được chín mùi, phân định ơn gọi, được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là ơn gọi sống đời hôn nhân, trong môi trường giáo dân và nghề nghiệp, hoặc trong đời sống thánh hiến và linh mục”. (SD 21-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Vatican – Có một điều có thể thấy rõ, đó là thánh Giuse luôn hiện diện trong cuộc sống của các vị Giáo hoàng, bởi vì ngài là Đấng bảo vệ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Hội Thánh.

Vào cuối tháng 11/2016, trong một buổi nói chuyện với các Bề trên cao cấp các dòng nam, Đức Phanxicô đã chia sẻ rằng mỗi khi gặp một vấn đề, ngài thường viết những lời cầu nguyện lên một mảnh giấy và đặt dưới tượng của thánh Giuse đang ngủ mà ngài có ở trong phòng làm việc của ngài. Đức Giáo hoàng nói: “Bây giờ thánh Giuse ngủ trên một tấm nệm bằng những mảnh giấy” mà Đức Giáo hoàng đã nhét vào. Điều này đã thành thói quen của ngài.

Tượng thánh Giuse ngủ là một tượng thuộc truyền thống của các nước Mỹ châu Latinh, với Đức Phanxicô, tượng này đã được giới thiệu cho thế giới và trở nên “mốt”, có thể tìm thấy trong các tiệm ảnh tượng ở khu vực xung quanh đền thờ thánh Phêrô.

Ngày 19/03, lễ trọng kính thánh Giuse cũng là ngày Đức Phanxicô chọn để khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài (năm 2013). Đức Giáo hoàng nói: “thánh Giuse là “người bảo vệ” bởi vì thánh nhân biết lắng nghe tiếng Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn và chính vì điều này, ngài trở nên nhậy cảm hơn với những người được ủy thác cho ngài, biết đọc các sự việc cách thực tế, chú ý tới những điều xung quanh và biết quyết định cách khôn ngoan nhất.”

Còn Đức nguyên giáo hoàng Biển đức, được rửa tội với tên thánh Giuse, cuộc đời của ngài rất gần với thánh quan thầy. Thánh Giuse, một người thực hành, thực tế, cụ thể, ẩn dật. Đức Biển đức ngày nay cũng thế.

Ngày 19/03/2006, Đức biển đức nhắc về thánh Giuse: “Sự vĩ đại của thánh Giuse, cũng như của Mẹ Maria, còn nổi bật hơn nữa vì sứ vụ của ngài được thực hiện với sự khiêm nhường và ẩn dật ở ngôi nhà tại Nadarét.”

Thánh Giuse dường như đang ngủ, nhưng thật ra ngài đang trong giấc mộng và nói chuyện với Chúa, Đấng đã yêu cầu ngài chăm sóc bảo vệ Đức Maria, Chúa Giêsu và do đó, tất cả chúng ta.

Truyền thống xem thánh Giuse như một người cao tuổi, khôn ngoan. Ngày nay chúng ta cũng thấy Đức Biển đức, một người cao niên và khôn ngoan, với thời gian dành để lắng nghe, ngay cả với người kế nhiệm thường đến với ngài.

Thánh Giuse không ngủ, ngài làm việc với sự chậm rãi cẩn thận của một thợ mộc nhưng, như Đức Phanxicô nói, ngài không làm chúng ta thất vọng bao giờ. Ngài yêu mến lao động và thích công việc được làm cách tốt đẹp, yêu chuộng công lý, như Đức Biển đức XVI nói: “Không phải là phóng đại nếu chúng ta nghĩ là chính từ người cha Giuse mà Chúa Giêsu đã học, trên lãnh vực nhân loại, một nội tâm vững chắc bao hàm sự công bằng thật sự, mà một ngày kia Chúa Giêsu sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài.” (ACI 20/03/2017)

Hồng Thủy

 

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha: đó là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ơn xấu hổ vì tội lỗi mình: đó là bước đầu tiên của mầu nhiệm tha thứ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.

Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.

Tôi có thể tha thứ, chỉ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha

Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.

Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.

Luôn quảng đại tha thứ

Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.

Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?

Tứ Quyết SJ

Đức Giáo hoàng trả lời thư cho cậu bé mời ngài dự lễ Rước lễ lần đầu

Đức Giáo hoàng trả lời thư cho cậu bé mời ngài dự lễ Rước lễ lần đầu

Chirignago – Cậu bé Luigi 8 tuổi sống với gia đình ở Spinea, tỉnh Venezia. Nhưng từ khi còn nhỏ, Luigi đã cùng với gia đình tham dự Thánh lễ ở giáo xứ Chirignago. Ngày 29/01 vừa qua, Luigi đã xưng tội lần đầu để chuẩn bị Rước lễ lần đầu vào cuối tháng 4. Luigi đã viết thư mời Đức Giáo hoàng đến tham dự lễ Rươc lễ lần đầu.

Luigi đã kể cho Đức Giáo hoàng về các mơ ước, đức tin và sự trợ giúp của bà Nicoletta, mẹ của em và ông Francesco, cha của Luigi, cũng như người anh Gianmarco, 16 tuổi. Luigi cũng kể cho ngài nghe về căn bệnh hiếm khiến em thường xuyên phải ở trong bệnh viện. Trong thư Luigi cũng viết: “Nếu ngày 15/04 Đức Giáo hoàng không bận việc gì, con mời cha đến dự lễ Rước lễ lần đầu của con. Con cũng muốn trở thành Giáo hoàng như cha, ai biết được con sẽ (trở nên Giáo hoàng).”

Luigi mơ ước rằng Đức Giáo hoàng sẽ đọc và trả lời cho em. Mẹ em cho biết em “thật sự say mê Đức Giáo hoàng Phanxicô.” Cả tháng trời, mỗi ngày khi đi học về, Luigi đều hỏi mẹ xem có thư trả lời của Đức Giáo hoàng không. Cuối cùng, vào thứ 4 ngày 07/03, một lá thư được gửi đến từ Vatican. Lá thư được Đức ông Paolo Borgia, “thứ trưởng nội vụ” của Vatican, ký với nội dung như sau:

“Luigi yêu quý,

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc kỹ lá thư mà trong đó con đã ký gửi cho ngài sự dũng cảm giúp con chịu đựng tình trạng sức khỏe đau bệnh và niềm vui con có trong khi chuẩn bị Rước lễ lần đầu và xin ngài chúc lành. Biết ơn vì những tình cảm đã thúc đẩy con viết cho ngài, Đức Thánh Cha chuyển đến con sự âu yếm trìu mến dịu dàng, ôm con với tình thương và bảo đảm nhớ đến con trước Bàn thờ Chúa.

Đồng thời, Đức Thánh cha khuyến khích con luôn khao khát hơn nữa Chúa Giêsu, người bạn trung thành không bao giờ bỏ con, để khi con nắm chặt tay Ngài, Ngài đồng hành với con trên con đường can đảm. Trong khi phó dâng mọi ý nguyện dưới áo choàng ân sủng của Mẹ Maria, Đức Giáo hoàng Phanxicô xin con luôn cầu nguyện cho ngài và liên kết với cha mẹ và anh Gianmarco yêu dấu của con, ngài chúc lành cho con với cả tấm lòng và kèm theo cử chỉ này là món quà được chúc lành đặc biệt.

Cả cha cũng chào con cách thân thiện và chúc con mọi phúc lành của Chúa.”

Trong phong bì, ngoài lá thư còn có một tấm hình của Đức Giáo hoàng và một cây thánh giá bằng gỗ nhỏ.

Mẹ của Luigi đã thốt lên “Thật là cảm động!” Bà đã đi kể lại cho giáo lý viên dạy cho Luigi. Còn Luigi thì mang lá thư đến cho cha xứ Roberto Trevisiol. Chính cha xứ cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy lá thư trả lời của Đức Giáo hoàng và nhận xét “đó là một cử chỉ quan tâm tình cảm của Đức Giáo hoàng, qua những cộng sự thân tín của ngài.” (La Nuova di Venezia e Mestre 14/03/2017)

Hồng Thủy

 

ĐHY Gracias: Công giáo 100% ở bên các Kitô hữu giai cấp cùng đinh 100%

ĐHY Gracias: Công giáo 100% ở bên các Kitô hữu giai cấp cùng đinh 100%

Mumbai, Ấn độ – Hôm 18/03, tại Mumbai đã diễn ra đại hội quốc gia các Kitô hữu giai cấp cùng đinh. Có 45 chuyên viên thuộc các hệ phái Kitô khác nhau tham dự.

P. Z. Devasagaya Raj, tổng thư ký của Ủy ban “Scheduled Castes – Backward Classes” cho biết đây là cuộc gặp gỡ đại kết. Sự tham dự của Đức Hồng y Oswald Gracias cho thấy sự khuyến khích của ngài trong việc cổ võ một nền văn hóa thương xót đối với tất cả các Kitô hữu giai cấp cùng đinh ở Ấn độ.

Trong bài thuyết trình, Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai khẳng định sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo Giáo hội trong mong muốn giải quyết các vấn đề của các Kitô hữu giai cấp cùng đinh, là tầng lớp chiếm đa số trong Công giáo (12 triệu trên tổng số 19 triệu). Đức Hồng y bênh vực phẩm giá của mỗi cá nhân như là con người: “Thiên Chúa dựng nên chúng ta bình đẳng với nhau. Sự phân cách chia rẽ con người là kết quả của sự ích kỷ của họ. Họ đã biện minh cho sự bất công bằng cách bóp méo giáo huấn Kitô giáo. Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả mọi người, giai cấp cùng đinh hay không cùng đinh. Ngài cho mưa rơi xuống trên người cùng đinh cũng như không cùng đinh. Thiên Chúa không phân biệt đối xử.”

Theo Đức Hồng y, mùa Chay là thời gian thống hối, trong đó chúng ta biến đổi con tim chúng ta, để thực hành tình yêu của Chúa và có lòng thương xót. Ngài nói rằng đức tin được diễn tả trong những công việc cụ thể hàng ngày, thể hiện qua sự giúp đỡ cho những người gần gũi thể lý và tinh thần: nuôi dưỡng, thăm viếng, an ủi và giáo dục. (Asia News 20/03/2017)

Hồng Thủy

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp cho người trẻ có khả năng mơ ước, và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Đón nhận lời hứa trong thầm lặng và can đảm

Thánh Giuse vâng lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ. Thánh nhân trỗi dậy, đón nhận Maria về nhà mình, vì Mẹ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người thầm lặng và vâng phục. Thánh nhân đã mang lấy trọng trách về lời hứa Thiên Chúa dành cho dân.

Người đàn ông này, con người có tên Giuse ấy, con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn.

Đấng bảo trợ những ai yếu đuối

Thánh Giuse là người có thể nói cho chúng ta nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ngài là con người ẩn dật, thầm lặng. Ngài cho thấy thẩm quyền được thể hiện mạnh nhất ngay khi dường như không thấy. Những gì Thiên Chúa trao phó cho tâm hồn của thánh nhân, dường như là “những thứ rất yếu đuối”. Đó là những lời hứa và lời hứa ấy tỏ ra rất yếu ớt. Sau đó, một trẻ thơ chào đời, cuộc trốn chạy sang Aicập, đó là những hoàn cảnh khó khăn và yếu đuối. Thế mà thánh nhân đã mang lấy tất cả trong trái tim mình, và ra sức thực hiện những gì yếu hèn ấy với tất cả sự hiền từ nhân hậu, sự hiền từ ẵm lấy một trẻ thơ.

Con người Giuse ấy, người đàn ông ấy không nói nhưng đã vâng phục. Ngài là con người của sự hiền lành, người có khả năng thực hiện lời hứa, có khả năng làm cho lời hứa thành khả tín thành chắc chắn và đảm bảo cho việc hoàn thành lời hứa ấy. Thánh nhân trở thành người bảo vệ cho sự vững bền của Nước Thiên Chúa. Thánh nhân trở thành cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Tôi thích nghĩ về thánh Giuse là Đấng bảo trợ những ai yếu hèn, và ngay cả Ngài bào chữa cho những yếu đuối của chúng ta. Để rồi chúng ta có thể ra khỏi những yếu đuối và tội lỗi, mà làm nảy sinh biết bao điều tốt đẹp.

Hãy có khả năng mơ ước

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ những ai yếu đuối, để họ có thể trở nên vững mạnh trong đức tin. Nhiệm vụ này Ngài đã nhận được ngay từ trong giấc mơ. Ngài là người có khả năng mơ ước. Ngài là người bảo vệ giấc mơ của Thiên Chúa. Ước mơ của Thiên Chúa là cứu độ tất cả chúng ta, là cứu chuộc chúng ta. Thánh nhân ôm lấy ước mơ của Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Người thợ mộc vĩ đại này! Ngài là người lặng thầm, luôn làm việc, luôn giữ gìn bảo bọc, mang lấy những gì là yếu đuối và Ngài là con người có khả năng mơ ước.

Hôm nay, cha mời gọi tất cả chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ.

Tứ Quyết SJ

Phỏng vấn cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng

Phỏng vấn cha Raniero Cantalamessa thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng

Ngày thứ sáu mùng 10 tháng 3 vừa qua cha Raniero Cantalamessa, dòng Capucino, thuyết giảng viên của Phủ Giáo Hoàng, đã bắt đầu các bài giảng Mùa Chay cho các nhân viên Toà Thánh trong nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế ở nội thành Vaticăng. Đề tài năm nay là “Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3).

Cha Raniero Cantalamessa sinh năm 1934. Năm 1946 chú bé Raniero gia nhập dòng Capucino. Một số người biết tính tình lanh lợi nghịch ngội của cậu đánh cá với nhau là thế nào chú bé cũng chỉ ở được vài tuần là bỏ dòng. Nhưng chú bé đã trung thành với ơn gọi tu sĩ, và sau này viết lại rằng: “Từ năm 13 tuổi tôi đã nghe được tiếng gọi của Chúa và với một sự rõ ràng đến nỗi tôi đã không bao giờ nghi ngờ trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời tôi: đó là một ơn ngoại thường. Từ đó trở đi cuộc đời tôi đã tràn đầy “thanh thản, an bình và niềm vui nhờ một tương quan cả nhân, bạn hữu, liên tục, đơn sơ và thân tình với Chúa Giêsu”. Năm 1958 thầy Raniero được thụ phong Linh Mục trong vương cung thánh đường Loreto, nơi cha bắt đầu chức thừa tác của mình. Tiếp đến Cha Raniero lấy bằng tiến sĩ thần học tại đại học Fribourg bên Thuỵ Sĩ, và năm 1969 cha lấy thêm bằng tiến sĩ văn chương tại đại học Thánh Tâm Milano.

Việc yêu thích văn chương cổ điển khiến cho cha học tiếng Hy Lạp và Latinh để đọc Phúc Âm và các Giáo Phụ. Cha cũng đọc nhiều tác phẩm của các văn sĩ, tư tưởng gia và các thi sĩ tân thời. Tiếp đến cha là giáo sư dạy môn Lịch sử nguồn gốc kitô tại phân khoa văn chương của đại học công giáo Milano, bắc Italia, rồi sau đó trở thành phân khoa trưởng phân khoa Khoa học tôn giáo.

Từ năm 1975 tới 1981 cha cũng đã là thành viên của Uỷ ban thần học quốc tế. Năm 1979 cha bỏ dậy học để chú tâm vào thừa tác Lời Chúa, và đầu năm 1980 cha đuợc chỉ định là thuyết giảng  viên của Phủ giáo Hoàng, với nhiệm vụ giảng vào mỗi ngày thứ sáu Mùa Vọng và Mùa Chay trước Đức Giáo Hoàng và các nhân viên cơ quan trung ương của Toà Thánh. Đây là nhiệm vụ cha đã chu toàn trong suốt triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Vào tháng 4 năm 2005 trong Mật nghị Hồng Y bầu Đức Biển Đức XVI cha đã là một trong hai vị giảng thuyết ngỏ lời với các Hồng Y.

** Cha tiếp tục là thuyết giảng viên dưới thời Đức Biển Đức XVI đồng thời cũng tổ chức các tuần tĩnh tâm đó đây trên thế giới. Chẳng hạn năm 2010 cha đã giảng tĩnh tâm cho 4.000 linh mục và 100 Giám Mục bên Philippines.

Từ năm 1982 theo gương cha Mariano, cha Cantalamessa bắt đầu xuất hiện trên kênh 1 của đài truyền hình Italia để chú giải Phúc Âm. Trong các năm 1995-2009 cha đã hướng dẫn mục “Các lý do hy vọng” bên trong chương trình văn hóa tôn giáo “Theo hình ảnh Ngài”, và khai sinh ra điều được định nghĩa là “Giáo xứ lớn nhất Italia”, bao gồm hàng triệu tín hữu theo dõi các buổi nói chuyện của cha bên trong và bên ngoài Italia, và hàng hàng lớp lớp các người liên lạc thư tín với cha.

Hiện nay cha Canltalamessa cử hành thánh lễ Chúa Nhật ngoài trời cho mọi người tại một đan viện cũ của dòng Capucino, trở thành trụ sở của một cộng đoàn các nữ tu dòng kín ở Cittaducale trong tỉnh Rieti trung nam Italia. Đây cũng là nơi cha thường  về sống đời cầu nguyện chiêm niệm. 

Cha Cantalamessa đã là tác giả của 40 cuốn sách, đa số là suy niệm và diễn giải Lời Chúa, cuốn cuối cùng tựa đề “Gương mặt của Lòng Thương Xót, xuất bản năm 2015; “Hai lá phổi. Một hơi thở duy nhất” năm 2015; “Mầu nhiệm hiển dung” 2010;  “Từ Tin Mừng tới cuộc sống” năm 2009; “Mầu Nhiệm Phục Sinh” năm 2009; “Quyền năng của thập giá” 2 cuốn năm 1999-2009; “Cuộc sống trong Chúa Kitô. Sứ điệp tinh thần của thư gửi tín hữu Roma” năm 2008; “Lời ngài làm cho con sống” năm 2008; “Sức mạnh của tinh thần” năm 2008; “Đức Giêsu thành Nadarét giữa lịch sử và đức tin” năm 2009; “Từ Kerygma tới tín lý. Nghiên cứu về Kitô học của các Giáo Phụ” năm 2006; “Đức tin chiến thắng thế giới. Loan báo Chúa Kitô cho thế giới ngày nay” năm 2006; “Yêu thương Giáo Hội” năm 2003; “Chiêm ngưỡng Thiên Chúa Ba Ngôi” năm 2002. Bên cạnh đó là một loạt sách về mầu nhiệm phục sinh, các nhân đức, cái chết,  Mẹ Maria vv.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về đề tài tĩnh tâm năm nay được khai triển trong năm ngày thứ sáu mùng 10, 17, 24, 31 tháng ba, và mùng 7 tháng tư.

Hỏi: Thưa cha, ở trung tâm các bài giảng tĩnh tâm năm nay sẽ có Chúa Thánh Thần, tại sao vậy?

Đáp: Có hai lý do đã thúc đẩy tôi dành các bài giảng cho Mùa Vọng năm vừa qua và Mùa Chay năm nay cho con người và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lý do thứ nhất là để nêu bật điều mà tôi coi là sự mới mẻ đích thực của thời hậu Công Đồng, nghĩa là một ý thức rõ ràng hơn về chỗ đứng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và trong nền thần học của Giáo Hội. Lý do thứ hai, ít đại đồng hơn nhưng cũng quan trọng, đó là năm 2017 là kỷ niệm 50 năm hoạt động của Phong trào canh tân đặc sủng Thánh Linh trong Giáo Hội công giáo, là phong trào đã lôi cuốn hàng chục triệu tín hữu trên toàn thế giới, là kỷ niệm mà ĐTC Phanxicô mong ước được cử hành một cách đặc biệt long trọng và rộng mở đích thực, vào lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tới đây.

Hỏi: Có bao nhiêu chỗ sẽ được dành cho thời sự trong các bài suy niệm thưa cha?

Đáp: Nếu hiểu “thời sự” trong nghĩa quy chiếu các tình trạng hay biến cố đang xảy ra, tôi sợ là có ít điều thời sự trong các bài giảng của tôi. Nhưng theo ý tôi, “thời sự” không chỉ là “điều đang xảy ra”, và nó không đồng nghĩa với “mới đây”. Các điều thời sự nhất là những gì vĩnh cửu, nghĩa là những điều đụng chạm tới con người trong nhân tố sâu thẳm cuộc sống của nó, trong mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa. Đó cũng chính là sự phân biệt giữa “cấp thiết” và “quan trọng”. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ đặt cái “cấp thiết” trước cái “quan trọng”, đặt cái mới đây trước cái vĩnh cửu. Đó là một khuynh hướng mà tiết nhịp dồn dập của truyền thông và nhu cầu mới lạ của truyền thông khiến trờ thành sắc nhọn một cách đặc biệt hơn nữa.

Có cái gì quan trọng và thời sự hơn đối với một tín hữu, và hơn thế nữa đối với mỗi một người nam nữ, hơn là biết xem cuộc sống có một ý nghĩa hay không, cái chết có phải là kết thúc mọi sự hay không, hay trái lại nó là khởi đầu của cuộc sống đích thực? Giờ đây mầu nhiệm vượt qua  cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô mà tôi tự hứa là đọc lại dưới ánh sáng việc tái khám phá Chúa Thánh Thần, và là câu trả lời duy nhất cho các vấn đề như thế. Sự khác biệt giữa việc thời sự này và thời sự truyền thông tin tức cũng giống như giữa người dùng thời gian để nhìn hinh vẽ mà sóng để lại trên bãi cát, và bị làn sóng tiếp theo xoá đi mất – và người hướng mắt nhìn biển trong cái mênh mông của nó.

Hỏi: Đối với con người ngày nay hiểu biết sự thật có nghĩa là gì thưa cha?

Đáp: Câu trả lời xem ra bị đơn giản hoá thái quá, nhưng câu trả lời duy nhất mà kitô hữu có thể đưa ra đó là việc hiểu biết sự thật toàn vẹn hay sự thật duy nhất có giá trị là hiểu biết Chúa Kitô. Hai bài giảng đầu tiên sẽ trình bầy đề tài này: hiểu biết Chúa Kitô là ai; không phải chỉ đã là ai, mà là ai đối với tôi và đối với thế giới ngày nay. Archimede, người đã chế ra đòn bẩy  đã kêu lên: “Bạn hãy cho tôi một điểm tựa, và tôi sẽ nâng thế giới lên”. Ai tin vào thiên tính của Chúa Kitô là một người đã tìm ra điểm tựa không thể nào sụp đổ được trong cuộc sống.

Hỏi: Thưa cha, trong các xã hội của chúng ta có còn chỗ cho Chúa Thánh Thần hay không?

Đáp: Chúa Thánh Thần không phải là một ý tưởng, hay một trừu tượng, Ngài là thực tại hồi hộp nhất mà ta có thể nghĩ ra. Không phải vô tình và Thánh Kinh nói tới Thánh Thần như là gió, lửa, nước, hương thơm, bồ câu. Thi hào Goethe đã trông thấy trong kinh “Lậy Đấng sáng tạo, xin hãy đến” thánh thi tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, một “lời khẩn nài thiên tài, Đấng nói một cách quyền năng với tất cả những người có thần trí và tâm hồn vĩ đại”. Chính ông đã làm một bản dịch rất hay bằng tiếng Đức, và muốn rằng nó được hát mỗi ngày Chúa Nhật trong nhà ông.

Chúng ta đang sống trong một nền văn minh tuyệt đối bị thống trị bởi kỹ thuật. Người ta giả thiết tới một máy vi tính có thể suy nghĩ, nhưng đã không có ai nghĩ tới một máy vi tính có thể yêu thương. Chúa Thánh Thần Đấng là tình yêu  trong trạng thái tinh tuyền và là suối nguồn của mọi tình yêu – là Đấng duy nhất có thể đổ tràn đầy một linh hồn vào trong nhân loại khô cằn này của chúng ta.

(Oss. Rom 10-3-2017)

Linh Tiến Khải

Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ

Mùa Chay là dịp tốt để nhìn ra gương mặt Chúa nơi tha nhân đau khổ

Thời gian Mùa Chay là dịp tốt giúp đến gần Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong đối thoại thân tình, tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt giúp trông thấy gương mặt của Ngài cả nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật  tại Roma.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay hôm nay giới thiệu với chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria (x. Ga 4,5-42). Cuộc gặp gỡ xảy ra trong khi Chúa Giêsu đi ngang qua Samaria, là vùng ở giữa Giuđêa và Galilêa, có dân cư bị người Do thái khinh rẻ vì coi họ là ly giáo và lạc đạo. Nhưng chính dân này sẽ là một trong các dân đầu tiên tin vào lời rao giảng của các Tông Đồ. Trong khi các môn đệ đi vào làng để kiếm thực phẩm, Chúa Giêsu ở lại bên canh một cái giếng để xin nước uống từ một phụ nữ đến kín nước. Và từ lời xin này bắt đầu một cuộc đối thoại. “Làm sao một người do thái mà lại hạ cố xin điều gì đó từ một phụ nữ Samaria?” Chúa Giêsu trả lời: nếu chị biết tôi là ai và ơn tôi cho chị, thì chị sẽ là người xin, và tôi sẽ cho chị “nước hằng sống”, một nước thoả mãn mọi cái khát, và trở thành suối nguồn không thể cạn trong con tim người uống nó (cc. 10-14).

Đi đến giếng kín nước là việc mệt nhọc và chán ngán; sẽ thật đẹp nếu có được một suối nguồn vọt sẵn lên! Nhưng Chúa Giêsu nói tới một thứ nước khác. Khi người đàn bà nhận ra rằng người đang nói là một ngôn sứ, chị tín thác cuộc sống tư cho ngài, và đặt ra các câu hỏi tôn giáo. Nỗi khát yêu thương và cuộc sống tràn đầy của chị đã  không được thoả mãn bởi 5 người chồng mà chị đã có, trái lại chị đã kinh nghiệm các vỡ mộng và lừa dối. Vì thế người đàn bà bị đánh động bởi lòng tôn trọng lớn lao mà Chúa Giêsu có đối với mình và khi Ngài nói với bà về lòng  tin đích thực như là tương quan với Thiên  Chúa Cha “trong tinh thần và trong chân lý”, bà trực giác được rằng người đó có thể là Đấng Cứu Thế, và Chúa Giêsu xác nhận: “Chính Ta, là người đang nói với chị” (c. 26) – đây là điều rất hiếm. Ngài nói Ngài là Đấng Cứu Thế với một người đàn bà đã có một cuộc sống hỗn loạn như thế.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Anh em thân mến, nước trao ban sự sống vĩnh cửu đã được đổ tràn đầy trong tim chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội; khi đó Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta tràn đầy ơn thánh Ngài. Nhưng có lẽ chúng ta đã quên món quà vĩ đại đó, hay giản lược nó thành một dữ kiện danh sách thống kê; và có lẽ chúng ta đi tìm các giếng mà nước không giải khát cho chúng ta. Khi chúng ta quên nước đích thật, chúng ta đi tìm các giếng không có nước trong lành. Vậy thì Tin Mừng này là cho chính chúng ta! Nó không chỉ cho người đàn bà xứ Samaria, nhưng cho chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta như đã nói với người đàn bà Samari. Chắc chắn là chúng ta biết Ngài, nhưng có lẽ chúng ta đã không gặp gỡ Ngài một cách riêng tư cá nhân. Chúng ta biết Chúa Giêsu là ai, nhưng có lẽ chúng ta đã không gặp ngài một cách cá nhân bằng cách nói chuyện với Chúa, và chúng ta đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế của mình. Thời gian Mùa Chay này là dịp tốt để tiến tới gần Ngài, gặp gỡ Ngài trong lời cầu nguyện, trong một cuộc đối thoại tim kề tim, nói chuyện với Ngài, lắng nghe Ngài; nó là dịp tốt để trông thấy gương mặt của Ngài nơi gương mặt của một người anh chị em đau khổ. Như thế chúng ta có thể canh tân trong chúng ta ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, giải khát nơi suối nguồn Lời Chúa và của Thần Khí của Ngài, và như vậy cũng khám phá ra niềm vui trở thành tác nhân của hoà giải và dụng cụ của hoà bình trong cuộc sống thường ngày.

Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta biết liên lỉ  kín múc  ơn thánh, là nước vọt ra từ đá tảng là Chúa Kitô Cứu Thế, để chúng ta có thể xác tín tuyên xưng đức tin, và tươi vui loan báo các kỳ công tình yêu của Thiên  Chúa thương xót và là suối nguồn mọi điều thiện hảo.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ngài đã bầy tỏ tình liên đới với nhân dân Perù bị lũ lụt tàn phá. ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân và những ai dấn thân cứu giúp họ.

Ngài cũng cho mọi người biết ngày thứ bẩy vừa qua tại Bolzano bắc Italia, đã có lễ phong chân phước cho ông Josef Mayr-Nusser, cha gia đình, thành viên Công Giáo Tiến Hành, đã chết tử đạo vì khước từ theo Đức Quốc Xã và vì trung thành với Tin Mừng. Vì độ cao luân lý và tinh thần của ngài, chân phước là một mẫu gưong cho các tín hữu giáo dân, đặc biệt là cho các người cha, mà hôm nay chúng ta tưởng nhớ với tình yêu thương lớn lao, cả khi lễ phụng vụ của thánh Giuse được mừng vào ngày thứ hai, vì hôm nay là Chúa Nhật. Chúng ta chào mừng tất cả mọi người cha với một tràng pháo tay.

Tiếp đến ĐTC đã chào tín hữu và khách hành hương đến từ nhiều nơi trong Italia và trên thế giới, trong đó có các đoàn hành hương Lituania, các vị hữu trách của cộng đồng thánh Egidio Phi châu và châu Mỹ Latinh, các tín hữu Viterbo, Bolgare, San Benedetto Po và sinh viên Torchiarolo. ĐTC xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 17-3-2017, ĐTC đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Tham dự nghi thức này cũng có 3 HY, 3 GM, đông đảo các LM, tu sĩ và hàng ngàn giáo dân.

Trong tập sách nhỏ phát cho các tín hữu tham dự nghi thức, có phần giúp các tín hữu xét mình chuẩn bị xưng tội, với 28 câu hỏi.

Sau bài đọc trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ (2,20b-25) nói về gương Chúa Kitô chịu đau khổ cho chúng ta, gánh lấy tội lỗi loài người, và bài Tin Mừng theo thánh Marco đoạn 10 (10,32-45) nói về phản ứng của Chúa Giêsu trước lời xin của Giacôbê và Gioan mong Chúa cho họ được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong vinh quang, mọi người đã suy niệm trong thinh lặng trong 10 phút.

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính ĐTC cũng đi xưng tội với một linh mục, ngài quì trước cha giải tội khoảng 4 phút, trước khi đi sang tòa gần đó để giải tội cho 7 giáo dân gồm 3 người nam và 4 người nữ, trong 50 phút đồng hồ.

Trong lúc ấy các GM và 95 LM, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với ĐHY Piacenza và các LM thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và người đánh đàn phong cầm và hạc cầm thay phiên nhau tạo nên một bầu không khí an bình trong thánh đường.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ai Cập ngày 28 và 29-4-2017

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Ai Cập ngày 28 và 29-4-2017

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017 tới đây.

Trong thông cáo hôm 18-3-2017, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, thông báo:

”Nhận lời mời của Tổng Thống, các Giám Mục Công Giáo và Đức Thượng Phụ Tawadros II và Đại Iman Đền thờ Hồi giáo Al Azhar, Cheik Ahmed Mohamed el-Tayyib, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông Đu tại Cộng hòa Arập Ai Cập từ ngày 28 đến 29-4-2017, viếng thăm thành phố Cairo. Chương trình sẽ được công bố trong thời gian tới đây.”

Đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại nước ngoài trong năm nay.

Ai Cập rộng 1 triệu 10 ngàn cây số vuông với 83 triệu dân cư, đa số là tín hữu Hồi giáo Sunnit, và Giáo Hội Chính Thống Copte do Đức Thượng Phụ Tawadros II làm Ciáo chủ chiếm 10% dân số. Các tín hữu Công Giáo Copte có 200 ngàn tín hữu.

Đền thờ và Đại học Al Azhar được coi là có uy tín nhất đối với Hồi giáo Sunnit trên thế giới (SD 18-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha xác định tiêu chuẩn cha giải tội tốt

Đức Thánh Cha xác định tiêu chuẩn cha giải tội tốt

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội gắn bó với Chúa Kitô qua kinh nguyện, biết phân định và ý thức rằng tòa giải tội chính là nơi loan báo Tin Mừng.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-3-2017 dành cho 700 người gồm các LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức trong những ngày qua. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Chánh Tòa và các chức sắc của Tòa Ân Giải tối cao những như các cha giải tội tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển 3 điều kiện để trở thành cha ”giải tội tốt”:

– Trước tiên phải là người bạn đích thực của Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Điều này trước tiên có nghĩa là phải vun trồng đời sống cầu nguyện, luôn cầu xin Chúa ơn bác ái mục tử, ơn có khả năng hiểu những vết thương của người khác để chữa lành, ơn khiêm tốn, và luôn xin ơn Thánh Linh là Thánh Thần Phân Định và cảm thương.

– Tiếp đến, cha giải tội tốt là người của Thánh Linh, người biết phân định. Cha giải tội không dạy đạo lý riêng của mình, nhưng luôn luôn thực thi thánh ý Chúa, trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Sự phân định là điều cần thiết vì người đến tòa giải tội có thể đến từ những hoàn cảnh rất khác nhau. Cũng có thể họ là người có những xáo trộn về tâm linh và bản chất của tình trạng này cần phải được phân định kỹ lưỡng, để ý tới tất cả những hoàn cảnh cuộc sống, hoàn cảnh Giáo Hội, tự nhiên và siêu nhiên.

– Sau cùng, ĐTC nói, cha giải tội tốt là người ý thức rằng tòa giải tội cũng là nơi thực sự để loan báo Tin Mừng. Thực vậy, không có sự loan báo Tin Mừng nào chân chính hơn là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa từ bi thương xót.

Tòa Giải tội cũng là nơi huấn luyện. Tuy cuộc đối thoại giữa cha giải tội với hối nhân thường ngắn ngủi, nhưng Cha giải tội được kêu gọi phân định xem đâu là điều hữu ích nhất và đâu là điều cần thiết cho hành trình thiêng liêng của anh chị em đến xưng tội. Đôi khi càn phải tái loan báo cho họ những chân lý sơ đẳng nhất của đức tin, những nền tảng của đời sống luân lý, luôn ở trong tương quan với sự thật, sự thiện và thánh ý Chúa. Đây là một công việc phân định sẵn sàng và khôn ngoan, mang lại nhiều lợi ích cho tín hữu. Cha giải tội hằng ngày được kêu gọi đi tới những ”vùng ngoại ô của sự ác và tội lỗi” và hoạt động của ngài thực sự là một ưu tiên mục vụ đích thực.

Khóa học về tòa trong

Khóa học thường niên về tòa lương tâm, cũng gọi là tòa trong, xoay quanh việc giải tội, do Tòa ân giải tối cao tổ chức tại trụ sở của tòa này ở Roma và kéo dài trong 4 ngày qua.

Trong diễn văn khai mạc khóa học, ĐHY Mauro Piacenza đã tổng kết hoạt động trong Năm Thánh Lòng Thương Xót với vô số tín hữu lãnh nhận bí tích hòa giải. ĐHY nhấn mạnh đến sự cần thiết phải huấn luyện các cha giải tội để tránh cho lòng thương xót bị thu hẹp vào một kinh nghiệm tình cảm.

Trong ngày đầu tiên, Đức Ông Krzystof Nykiel, Phó chánh tòa Ân giải tối cao, đã làm sáng tỏ ý niệm về tòa trong, hệ tại tương quan phức tạp giữa tín hữu và Thiên Chúa, trong đó có sự trung gian của Giáo Hội. Giáo Hội không can thiệp trực tiếp, vì tương quan này phải có tính chất tự do, nhưng Giáo Hội giúp đỡ vì thiện ích siêu nhiên của tín hữu. Tòa Ân giải tối cao là cơ quan kỳ cựu nhất của Tòa Thánh được thành lập hồi thế kỷ 13 và phục vụ ơn gọi là phần rỗi các linh hồn. Đây là một tòa án của lòng thương xót, phục vụ các cha giải tội và tín hữu, nhắm đến sự hòa giải với Thiên Chúa. Tòa cũng có thẩm quyền tha các vạ dành quyền giải cho Tòa Thánh (SD 17-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

Vấn đề phát thanh qua sóng ngắn của Đài Vatican

VATICAN. Đài Vatican dần dần sẽ bỏ hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn và thay vào đó, các chương trình được phát qua Internet.

Hôm 10-3-2017, hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo đưa tin: ”Ban thường vụ Liên HĐGM Phi châu và Madagacar, gọi tắt là Secam, chuyên phối hợp sự cộng tác của 57 HĐGM tại đại lục này, đã lên tiếng kêu gọi ban lãnh đạo đài Vatican tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Từ năm 2012, việc phát thanh của nhiều chương trình Âu Mỹ qua sóng ngắn và sóng trung bình của Đài Vatican đã được thay thế bằng Internet, nhưng vẫn còn được duy trì cho các chương trình phát về Phi châu, Á châu và Trung Đông.

Năm nay, Ban lãnh đạo Bộ Truyền thông đã quyết định sẽ ngưng hoàn toàn việc phát thanh qua sóng ngắn, trễ nhất là vào năm 2019 và thay vào đó, sẽ phát qua Internet cho vùng Phi châu và Á châu.

Trước tin này, Ban thường vụ Liên HĐHM Phi châu và Madagascar, trong phiên nhóm tại Accra, thủ đô nước Ghana, đã gửi thư chính thức đến ban lãnh đạo mới của Đài Vatican để bày tỏ lo âu vì quyết định ngưng phát thanh qua sóng ngắn. Các GM nói rằng các chương trình phát qua sóng ngắn bảo đảm cho hàng triệu người dân Phi châu được nghe ĐTC và chia sẻ những quan tâm cũng như sứ vụ của Giáo Hội. Các GM chính thức yêu cầu tái lập việc phát thanh qua sóng ngắn.

Thư của các GM có đoạn viết: ”Trong khi chúng tôi nhìn nhận rằng các chương trình của Đài Vatican có thể nghe được qua Internet, nhưng sự kiện nhiều người dân Phi châu không có các phương tiện hoặc kỹ thuật để nghe các chương trình qua Internet.”

Liên HĐGM Phi châu và Madagascar bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và đánh giá cao vai trò của Đài Vatican từ nhiều thập niên qua, đã đóng góp vào công việc loan báo Tin Mừng cho Phi châu, huấn giáo và phát triển tinh thần cho người dân tại đại lục này”.

Và các GM Secam kết luận rằng ”Đài Vatican vẫn luôn là một nguồn tin đáng tin cậy về Giáo Hội hoàn cầu và là một kênh mau lẹ để chia sẻ tin tức về Phi châu với các nơi khác trên thế giới” (Fides 10-3-2017)

Chưa có phản ứng nào của Bộ truyền thông Vatican về lời yêu cầu trên đây của các GM Phi châu. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số dữ kiện về những về Đài Vatican, và những biến chuyển gần đây.

Diễn tiến lịch sử

Đài Phát Thanh Vatican được ĐGH Piô 11 thành lập cách đây 86 năm, ngày 12-3 năm 1931 và có 40 chương trình với hơn 40 thứ tiếng, với số nhân viên hiện nay còn gần 350 người. Đài luôn được cập nhật về kỹ thuật để đáp những đòi hỏi của thời đại mới.

Trong kế hoạch cải tổ các cơ quan Tòa Thánh, ngày 27-6 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc gộp 9 cơ quan thông tin của Tòa Thánh thành Bộ Truyền thông, đó là Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, Phòng báo chí Tòa Thánh, dịch vụ Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung Tâm Truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, dịch vụ hình ảnh, Nhà xuất bản Vatican.

Ngài cũng bổ nhiệm Đức ông Dario Viganò, nguyên là Tổng giám đốc Trung Tâm Truyền hình Vatican, làm Bộ trưởng của bộ mới lập, và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, người Argentina, làm Tổng thư ký của Bộ này.

Ngày 6 tháng 9 năm 2016, ĐTC ban hành qui chế của Bộ Truyền thông, theo đó Bộ này gồm có 5 phân bộ là: Tổng vụ, biên tập, Phòng báo chí Tòa Thánh, kỹ thuật, và sau cùng là thần học mục vụ.

Từ đó, các vị lãnh đạo của Bộ xúc tiến việc gộp 9 cơ quan lại và đề ra đường hướng cũng như những qui tắc chi tiết cho các hoạt động của Bộ. Tổng số các nhân viên của Bộ Truyền thông vào khoảng 700 người, trong đó một nửa là nhân viên của Đài Vatican.

Từ ngày 1-1 năm nay, 2017, danh xưng ”Radio Vaticana”, Đài Phát Thanh Vatican, không còn giá trị pháp lý nữa.

Từ ngày 1-12 năm 2016, Đài Vatican ngưng phát qua các làn sóng trung bình và cả một số chương trình ngưng phát qua các làn sóng ngắn. Các sóng ngắn này còn được sử dụng để phát các chương trình hướng về Phi châu và Á châu, trong đó có chương trình tiếng Việt, nhưng theo dự kiến, việc phát sóng ngắn còn lại này cũng sẽ chấm dứt trễ nhất là trước năm 2019 tới đây. Các chương trình của đài sẽ còn chỉ được phát qua Internet.

Đức Ông Bộ Trưởng Dario Viganò loan báo đã có một hợp đồng với Facebook, qua đó 44 nước Phi châu có thể nhận được các sứ điệp của Đức Giáo Hoàng qua điện thoại di động thông minh, nhờ một Apps, một thảo chương thích hợp.

Vẫn theo Đức Ông Viganò, Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria, một khu vực rộng 440 hecta, tức là rộng gấp 10 lần lãnh thổ Quốc gia thành Vatican, cách Roma 18 cây số, sắp bị đóng cửa, vì các ăng ten và máy phát tuyến ở đây sẽ không còn hoạt động nữa. 30 nhân viên kỹ thuật đã và đang được chuyển về các cơ sở của Đài Vatican và các phân bộ khác thuộc Bộ truyền thông.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Bộ truyền thông sẽ nhường làn sóng FM 93,3 megaxich ở vùng Roma cho đài RTL, Phát thanh và truyền hình Luxemburg, và thay vào đó, sẽ sử dụng Radio Digital, kỹ thuật số, để phát trên toàn lãnh thổ Italia, dù rằng phương tiện truyền thông mới mẻ này chưa được thông dụng lắm ở nước này.

Đài Vatican có chi phí là 26 triệu Euro, và việc bỏ phát chương trình trên sóng ngắn chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm một phần ngân khoản này, nhưng cũng cần để ý rằng 70% ngân sách của đài Vatican là để trả lương cho các nhân viên. Các ban ngành trong Bộ đều nhận được lệnh phải giảm chi và tiết kiệm tối đa.

Trong số các chương trình bị cắt giảm hoặc hủy bỏ trong kế hoạch giảm chi có hai nhật báo truyền thanh bằng tiếng Ý hằng ngày lúc 12 giờ trưa và 17 giờ chiều, và được thay thế bằng những ấn bản “chớp nhoáng” nhập khẩu từ mạng công giáo Italia InBlu. Tạp chí truyền thanh lúc 21 giờ 30 bằng tiếng Pháp mỗi ngày cũng bị hủy bỏ.

Để huấn luyện các nhân viên về kỹ thuật đa phương tiện, Đức Ông Viganò đã đăng ký cho 50 nhân viên theo học khóa tu nghiệp tại Trường doanh nghiệp của đại học LUISS ở Roma, thuộc Liên đoàn công nghệ Italia.

Nhận xét và giải thích của cha Lombardi SJ

Để hiểu rõ hơn những thay đổi trên đây, cũng nên để ý đến nhận xét của Cha Federico Lombardi, dòng Tên, đã từng làm Giám đốc các chương trình, rồi làm Tổng Giám đốc của Đài Vatican trong 25 năm, tức là cho đến năm 2015.

Trong thư gửi ký giả Sandro Magister truyền đi ngày 7-3-2017 (magister.blogautore.espresso.repubblica.it), Cha cho biết trong những năm gần đây, có khoảng 1 ngàn đài phát thanh, lớn nhỏ khác nhau, trên thế giới, phát lại các chương trình của đài Vatican tại 80 quốc gia năm châu. Dĩ nhiên điều này không xảy ra tại các nước không có đài phát thanh Công Giáo hoặc đài tư nhân. Vì thế phần lớn các chương trình của Đài Vatican được các đài khác tiếp sóng và truyền đi, ví dụ tại Brazil, Ba Lan, Pháp, và tại Tiệp khắc, Slovak, Slovenia, v.v.

Chương trình phát thanh của Đài Vatican qua Internet bắt đầu và lan rộng từ thập niên 1990. Phương thức này liên hệ tới tất cả các chương trình của đài và ngày càng được coi là con đường ưu tiên để phát thanh, đến độ những năm gần đây có nhiều đài khác muốn tải từ internet các chương trình của Đài Vatican xuống và phát lại, thay vì nhận các chương trình đó từ vệ tinh. Chính vì thế từ vài năm nay, Đài Vatican không còn dùng vệ tinh trên Ấn độ dương nữa, vì không còn cần thiết.

Internet dĩ nhiên có lợi điểm là nghe tuy theo nhu cầu những chương trình đã thu và phát, tùy theo thời gian thuận tiện của mình, mà không cần phải nghe trực tiếp vào lúc chương trình được phát đi. Trên Internet, đài cũng khai triển một trang mạng thông tin quan trọng với các văn bản bằng 40 thứ tiếng thuộc 13 mẫu tự khác nhau.

Trong bối cảnh liên tục tiến triển của ngành truyền thông những năm qua, việc sử dụng sóng ngắn và sóng trung bình dần dần mất đi tầm quan trọng, nhất là tại những nơi có thể tiếp sóng và truyền lại các chương trình qua một đài khác. Vì thế, đến lúc nào đó, tại một số miền, việc phát thanh qua sóng điện trở nên thừa thãi và có thể không dùng phương thế này nữa.

Đó là trường hợp các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về Âu Châu, Mỹ châu và Úc châu, nghĩa là giảm bớt 50% hoạt động của trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria.

Trái lại, Đài thấy rằng nên giữ các chương trình phát qua sóng ngắn hướng về một số miền khác trên thế giới, nhất là Á châu, Trung Đông và Phi châu, kể cả Cuba, nơi mà các đài địa phương không thể phát lại, ví dụ như tại Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Trung Đông, các nước Hồi giáo, vùng Sừng ở Phi châu, Nigeria, v.v. hoặc tiếp tục phát sóng ngắn về những vùng vẫn còn ít sử dụng Internet hoặc đài phát thanh địa phương quá yếu không thể phát cho những vùng rộng lớn.

Hướng đi trên đây không phải của riêng đài Vatican mà thôi, nhưng nhiều đài phát thanh lớn khác trên thế giới cũng hành động tương tự đối với các chương trình phát sóng ngắn. Khi quyết định như thế, – Cha Lombardi nói – chúng tôi cũng để ý tới sự kiện các thính giả ở trong tình trạng khó khăn, tuy họ không đông đảo, nhưng họ gặp khó khăn vì nghèo túng, vì tự do bị giới hạn hoặc lý do khác, nên đáng cho chúng tôi dấn thân.

Sứ mạng của Đài Vatican là thông truyền sứ điệp Tin Mừng và phục vụ Đức Thánh Cha trong sứ vụ hoàn cầu của ngài. Để được vậy, cần phải sử dụng những phương thế thích hợp, những phương thế này chắc chắn là thay đổi với thời gian. Nếu sóng ngắn hữu ích cho một số vùng địa lý, để ý tới tình trạng Giáo hội hoặc chính trị, thì nên tiếp tục sử dụng chúng, nếu chúng ta có thể đạt tới mục đích bằng cách sử dụng phương thế khác, thì chúng ta bỏ sóng ngắn. Đó là điều được trình bày cho Hội đồng 15 Hồng Y.

Cha Lombardi cũng cho biết các đài lớn trên thế giới đã nghiên cứu phát thanh Digital, kỹ thuật này có chất lượng cao hơn, nhưng các nhà sản xuất máy thu thanh không tin tưởng nơi phương thế này, vì cho đến nay đài Digital không thành công nhiều trên bình diện quốc tế, vì thiếu phương thế để nghe với giá cả phải chăng. Tuy rằng những nước lớn như Trung Quốc, đã tiếp tục phát triển đài cho thị trường địa phương của họ.

Nhận xét của ký giả Sandro Magister

Sau cùng, cũng nên nói đến nhận xét của Ông Sandro Magister, một ký giả kỳ cựu tại phòng báo chí Tòa Thánh.

Trong một blog truyền đi ngày 3-3-2017, Ông cho biết trong khi Đài Vatican chấm dứt việc phát các chương trình qua sóng ngắn, thì Trung Quốc đang làm cho không gian tràn ngập các chương trình phát thanh sóng ngắn bằng mọi thứ tiếng.

Và Đài BBC tiếng Anh được chính phủ tài trợ thêm 85 triệu bảng Anh để tăng cường các chương trình phát sóng ngắn, đi tới hàng triệu thính giả khác, vượt qua con số 65 triệu thính giả hiện nay, nhất là tại Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Đông và Phi châu.

Về phần đài phát thanh NHK của Nhật bản, ban lãnh đạo đài này đã xin Vatican cho sử dụng Trung tâm phát tuyến Santa Maria di Galeria để tăng cường các chương phát phát sóng ngắn của Đài này hướng về Phi châu, lý do vì trung tâm phát của đài này ở Đảo Madagascar được sử dụng từ trước đến nay, nay đã quá tải rồi.

Trung Tâm Santa Maria di Galeria có chất lượng cao được thế giới nhìn nhận và Đài Vatican có thể cho Đài NHK của Nhật thuê để có thêm tài chánh.

G. Trần Đức Anh OP 

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Các linh mục, tu sĩ đang đối diện với bạo lực ở Congo

Washington D.C. – Theo sau những nỗ lực mới đây về việc làm trung gian giữa chính quyền và các lãnh tụ chính trị đối lập, các linh mục và tu sĩ ở Cộng hòa dân chủ Congo đang phải đối mặt với bạo lực dữ dội trên khắp đất nước.

Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, đang có những cuộc tấn công vào các nhà thờ và tu viện của người Công giáo; cụ thể, một tu viện dòng Cát minh và một nhà thờ do các tu sĩ Đaminh coi sóc đã bị cướp phá vào cuối tháng 2 vừa qua.

Đức Hồng y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng giám mục của Kinshasa chia sẻ rằng các vụ tấn công làm cho người ta tin rằng Giáo hội Công giáo là mục tiêu có chủ đích của các cuộc tấn công nhắm phá hoạt sứ mệnh hòa bình và hòa giải của Giáo hội. Đức Hồng y và các Giám mục lên án các hành động bạo lực đang dìm quốc gia vào cuộc hỗn loạn không thể nói lên lời.

Sau khi tổng thống Joseph Kabila từ chối kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, đảng đối lập của tổng thống và các tuyên bố về khủng hoảng hiến pháp đã xảy ra. Từ đó, hội đồng Giám mục đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình mà có thể tổ chức một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Nhưng đã có những sự kiện khiến cho thỏa thuận hòa bình không được thực hiện. Các cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào cuối năm 2017.

Đức Hồng y Monswengwo kêu goi: “Các chính trị gia phải nhận biết cách khiêm nhường, trước quốc gia và cộng đồng quốc tế, các khunh hướng chính trị của họ và sự thiếu đạo đức của các quyết định phục vụ cho chính mình của họ.”

Vào tháng 3, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Theo Crux, 25 chủng sinh ở Maole phải di tản bằng trực thăng  sau khi các nhóm vũ trang tấn công chủng viện.

Bạo lực đang đe dọa ngừoi Công giáo. Cha Richard Kitenge, giám đốc chủng viện kể với hãng thông tấn Pháp: “Họ phá hủy cách hệ thống các cửa dẫn tới các phòng và phá hủy mọi thứ. Họ vào phòng các giáo sư và đốt các vật dụng.”

Mới đây, Giáo hội cũng dẫn đầu những chiến dịch chống tham nhũng. Sự ác cảm với Giáo hội vượt ra bên ngoài các bức tường nhà thờ hay tu viện. Cha Julien Wato, ở nhà thờ thánh Đaminh bị cướp phá hôm tháng 2 tuyên bố: “Trên đường phố, những đe dọa chống lại Giáo hội không phải là bất thường.

Gần một nửa trong 67,5 triệu dân số của Congo là Công giáo. Trước đó, gần 6 triệu người chết trong cuộc xung đột chuyển giao quyền lực quốc gia trong các năm 1996-2003. (CAN 17/03/2017)

Hồng Thủy

Người phụ nữ Gypsy đầu tiên được phong chân phước

Người phụ nữ Gypsy đầu tiên được phong chân phước

Oxford – Emilia Fernandez Rodriguez, một phụ nữ trẻ 23 tuổi, làm nghề làm giỏ và thất học, qua đời ở trong tù sau khi sinh con, sẽ là phụ nữ Gypsy đầu tiên được Giáo hội Công giáo phong chân phước. Cô thuộc vào số 115 vị tử đạo (95 linh mục và 20 giáo dân) trong cuộc nội chiến Tây ban nha (từ năm 1936-1939) sẽ được phong chân phước trong Thánh lễ tại giáo phận Almeria, Tây ban nha, vào ngày 25/03 tới đây.

Tháng 7 năm 1938, dù là đang mang thai, Emilia Fernandez Rodriguez bị kết án 6 năm tù vì đã cố che dấu chồng của mình khỏi bị động viên bởi lực lượng bán quân sự của đảng Cộng hòa sau khi họ chiếm Tijola và đóng cửa nhà thờ.

Ở trong tù, Emilia được một người bạn tù dạy cho cầu nguyện. Sau đó, trong cuộc hỏi cung, cô đã không chịu phản bội người dạy giáo lý cho mình nên đã bị đày vào phòng biệt giam và bỏ đói tại nhà tù Gachas Coloras ở Almeria. Sau khi sinh đứa con gái, Emilia bị bỏ cho chết một mình, không được chú ý giúp đỡ.

Trong lá thư mục vụ, Đức cha Aldolfo Gonzalez Montes của Almeria nói rằng các vị tử đạo là nhóm người mà những kẻ bách hại muốn loại trừ khỏi xã hội và họ đã tuyên xưng đức tin mà những kẻ này muốn trừ tiệt. Các vị tử đạo phải chịu chết vì danh Chúa Kitô và vì Tin mừng, bởi vì họ là các linh mục, tu sĩ, hay giáo dân, những người tuyên xưng và thực hành đức tin mà không có bạo lực.

Trong số các vị tử đạo có cha Jose Alvarez-Benavides de la Torre, nguyên là cha sở nhà thờ chánh tòa, bị bắn và ném xuống giếng sau khi bi kết tội dấu tiền và vũ khí.

Vị tử đạo lớn tuổi nhất là cha Luis Eduardo Lopez Gascon, 81 tuổi, dòng Passionist, đã phục vụ tại Mêhicô. Cha bị bắt tại giáo xứ Adra khi những người Cộng hòa lục soát nhà xứ và buộc ca phải nuốt tràng chuỗi Mân côi. Cha qua đời ở trong tù.

Vị trẻ nhất là Luis Quintas Duran, 18 tuổi, bị bắn vào cổ khi anh không chịu từ bỏ đức tin. Vào những năm 1950, quân nhân đã bắn anh Luis đã đến xin gia đình anh tha thứ. Jose Quintas Duran, anh của Luis, một sinh viên y khoa, bị chôn sống sau khi bị bắt đào huyệt cho chính mình. Anh Jose cũng được phong chân phước.

Hơn 6800 linh mục, tu sĩ Công giáo, 12% trong tổng số linh mục tu sĩ Tây ban nha, bị giết trong cuộc nội chiến sau khi chính quyền cánh tả Popular Front phát động chiến dịch chống giáo sĩ, bao gồm việc pham thánh và đốt phá hàng ngàn nhà thờ, tu viện và đan viện.

Lần phong chân phước vào ngày 25/03 sẽ là lần thứ 22 kể từ năm 1987 các vị tử đạo thời nội chiến được tôn phong. 1584 vị đã được phong chân phước và 11 vị được phong thánh. (CNS 17/03/2017)

Hồng Thủy

Nhóm bác ái kêu gọi tài trợ sữa cho trẻ em Syria

Nhóm bác ái kêu gọi tài trợ sữa cho trẻ em Syria

Madrid – Phân bộ Tây ban nha của Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết, hỗ trợ tiếp tục dự án “Drop of Milk” (Giọt sữa), là dự án giúp cho 2800 trẻ em ở thành phố Aleppo, Syria.

Sáng kiến này được khai triển nơi các giáo hội Kitô khác nhau vào năm 2015 để cung cấp sữa hàng tháng cho các trẻ em dưới 10 tuổi.

Dù chiến tranh đã kết thúc ở miền đông Aleppo, nhưng điều kiện sống ở đó vẫn rất tồi tệ; 70% sống dưới mức nghèo đói.

Tiến sĩ Nabil Antaki, điều phối viên của dự án Giọt sữa đã kêu gọi khẩn thiết để tiếp tục chương trình. Tiến sĩ Antaki chia sẻ: “Mỗi tháng chúng tôi phân phát cho khoảng 2850 em: 2600 em, nhận sữa bột và 250 phần sữa đặc biệt cho trẻ sơ sinh, bao gồm các em bé không thể được mẹ nuôi dưỡng.”

Bà Georgina, mẹ của hai bé 10 và 6 tuổi, được tổ chức này giúp đỡ chia sẻ: “Cả Myriam và Pamela nhận một ký sữa mỗi tháng. Tình trạng của Pamela thì đáng lo ngại sau khi bị mảnh bom đâm trúng lưng, và giờ đây cháu đang hồi phục, cháu cần sữa để phục hồi sức khoẻ. Dự án này rất quan trọng đối với chúng tôi, tôi muốn nó tiếp tục.”

Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nêu rõ là một đứa trẻ ở Aleppo có thể nhận được sữa cả tháng với phí tổn là 7.50 đô la và 89 đô la cho nguyên một năm. Hội đã cam kết duy trì chương trình này trong năm 2017 với phí tổn là 239 ngàn đô la.

Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cũng đã trợ giúp cho các chương trình khẩn thiết và giúp đỡ các giáo xứ ở Syria từ khi bắt đầu xảy ra chiến tranh. Trong năm 2015, Hộ đã giúp Syria 5,9 triệu đô la. (CAN 16/03/2017)

Hồng Thủy

 

Đại diện Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc lên án nạn buôn người

Đại diện Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc lên án nạn buôn người

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở New York, Đức TGM Bernadito Auza, mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố buôn người và biến họ thành nô lệ.

Đức TGM Auza bày tỏ lập trường trên đây trong bài tham luận hôm 15-3-2017 tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ về đề tài: ”Nạn buôn người trong những tình cảnh xung đột: cưỡng bách lao động, nô lệ và những việc làm tương tự”.

Ngài nhắc lại rằng ĐGH Phanxicô đã coi cuộc chiến chống nạn buôn người là một trong những ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng này, và không do dự định nghĩa nạn buôn người là một tội ác chống lại nhân loại.

Và Đức TGM Auza tố giác sự kiện ”ngày nay chiến tranh và xung đột đã trở thành động lực hàng đầu đưa tới nạn buôn người. Chúng tạo nên môi trường để những kẻ buôn người hoạt động, lợi dụng những người trốn chạy bách hại và xung đột, những người đặc biệt dễ bị tổn thương và dễ rơi vào vòng tay của chúng. Các cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho những tên khủng bố, các nhóm võ trang và các mạng tổ chức tội phạm liên quốc gia tăng bóc lột các cá nhân và dân chúng”.

Trong bối cảnh đó, Đức TGM Auza, người Philippines, bày tỏ quan tâm sâu xa về số phận của các cộng đoàn Kitô kỳ cựu và những người Yézidi, cũng như các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số ở vùng Mesopotamia, bị biến thành nô lệ, bị bán, bị giết và phải chịu những hình thức cực kỳ tủi nhục. Sự thiếu cố gắng đưa ra trước công lý những kẻ phạm pháp, những thủ phạm gây ra những hành vi diệt chủng và vi phạm nhân quyền một cách ồ ạt như thế khiến nhiều người phải ngỡ ngàng và tự hỏi làm sao những hành vi tàn ác như vậy có thể được dung túng trước khi các nạn nhân được cứu thoát, được bảo vệ và được công lý”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ nhắc lại rằng Tòa Thánh mạnh mẽ lên án sự kiện: ”các võ khí, kể cả võ khí tàn sát tập thể, dễ dàng rơi vào tay những tên khủng bố và các nhóm võ trang, khiến chúng có phương tiện dễ dàng tiếp tục buôn người, biến nhiều cá nhân thành nô lệ và nhiều khi đưa trọn nhiều cộng đoàn vào tình trạng như vậy. Vì thế Tòa Thánh mạnh mẽ kêu gọi ngưng cung cấp võ khí cho những nhóm hoặc những chế độ rất có thể dùng các võ khí ấy để chống lại chínhd ân tộc của họ, và cần áp dụng nghiêm túc các hiệp ước về võ khí, sử dụng tất cả sức mạnh của luật pháp để chống lại nạn buôn bán võ khí”.

Ngoài ra, Đức TGM Auza cũng bênh vực những người di dân không giấy tờ và nói rằng: ”Việc coi những người di dân không có giấy tờ và không hợp lệ như những kẻ tội phạm càng làm cho họ dễ bị tổn thương, đưa đẩy họ vào vòng tay của những kẻ buôn người và dẫn tơi những hình thức cực đoan hơn trong nạn bóc lột. Sự kiện như thế khiến cho người di dân không hợp lệ càng không muốn cộng tác với các nhà chức trách để truy nã, bắt giam và trừng phạt những kẻ buôn người” (SD 16-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Cảnh sát Philippines mời các Linh mục tham gia hoạt động bạo lực chống ma túy

Cảnh sát Philippines mời các Linh mục tham gia hoạt động bạo lực chống ma túy

Manila – Tướng Ronald "Bato" Dela Rosa, giám đốc cảnh sát quốc gia Philippines nhắc lại lời mời gọi Giáo hội Công giáo liên kết với chính quyền trong chiến dịch bạo lực chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Trong quá khứ, các giám mục đã từ chối lời mời của tướng Dela Rosa; các ngài chống lại nền văn hóa chết chóc của chính sách đã gây ra cái chết của hơn 7000 người trong 8 tháng.

Hội đồng Giám mục Philippines đã từ chối đề nghị của tướng Dela Rosa về hoạt động chung giữa cảnh sát và Giáo hội. Các ngài khẳng định rằng các Linh mục không được yêu cầu tỏ sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến chống ma túy khi tham gia vào các hoạt động mới của cảnh sát.

Cha Jerome Secillano, giám đốc Ủy ban đối ngoại của Hội đồng Giám mục khẳng định: “Giáo hội hỗ trợ bất kỳ chiến lược vào (trong cuộc chiến chống ma túy) miễn là điều này không đưa đến các vụ giết người, tham nhũng và bất công.”

Tướng Dela Rosa tin là sự hiện diện của các chức sắc Giáo hội trong các hoạt động làm cho những kẻ tình nghi dịu lại và thúc đẩy họ đầu hàng chính quyền theo cách hòa bình, thay vì chống đối cách bạo lực.

Dionardo Carlos, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia khẳng định là cuộc chiến chống ma túy là để cứu mạng của 1.18 triệu người nghiện tại quốc gia này. Phó tổng thống Leni Robredo thì tuyên bố rằng cuộc chiến do tổng thống tiến hành làm cho người dân Philippines “trở nên vô vọng và bất lực”.

Từ khi tổng thống Duterte nhậm chức vào cuối tháng 6, cảnh sát cho biết khoảng 2500 người bị giết trong các hoạt động chống ma túy mà phần lớn là các trường hợp tự vệ chính đáng của các nhân viên cảnh sát. Trong khi đó, 4500 người khác bị chết trong các trường hợp không thể giải thích. Các nhà chức trách gán cho các xung đột cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm là nguyên nhân của các cái chết này. (Asia News 16/03/2017)

Hồng Thủy

Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi

Thờ ơ với người nghèo thì rơi vào đường tội lỗi

Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi

Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Đó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.

Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro…”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.

Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?

Bạn sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin… Có thể bạn nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi bạn tiếp tục bước đi, và bạn làm như thế? Những người không nhà cửa, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm… Những con người ấy là ai đối với tôi?

Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi… rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.

Nếu tôi ăn năn trở lại, chứ không chỉ khép kín

Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.

Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.

Tứ Quyết SJ

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, chú bé J.T. Parker, 8 tuổi cùng với anh trai Mason 17 tuổi của mình phụ giúp cha của họ là ông Stephen sửa xe trong hiên nhà ở thành phố Sugar, bang Idaho, Hoa kỳ. Chẳng may, vài phút sau khi Mason bị đứt tay và đi vào nhà, chỉ còn chú bé J.T.  bên cạnh bố, ông Stephen bị chiếc xe đè lên người. Chú bé J.T. đã nhanh nhẹn lấy cây sắt và tìm cách nâng chiếc xe lên. Cậu bé J.T.  nghĩ là mình không thể làm được những vẫn thử. Còn ông bố Stephen thì không thể cử động được, vì ông bị đè chặt. Ông biết là tất cả chỉ nhờ vào cậu bé J.T. nhưng cũng nghĩ: “Nó không làm được điều gì. Nó không thể nâng chiếc xe lên…”.

Thế nhưng cậu bé J.T. đã nâng được chiếc xe lên, sau đó cậu chạy đi tìm anh Mason và Mason đã gọi số 911, số cấp cứu. Ông Stephen chỉ bị gãy 13 cái xương sườn, còn các cơ quan nội tạng của ông không bị tổn thương gì. Theo ông Stephen, đó là một phép lạ.

Một tuần sau đó, cha mẹ của bé J.T. đã quay một video và yêu cầu bé thử nâng chiếc xe lên lại, nhưng mà bé không thể làm nổi. J.T. được hỏi đã nghĩ gì vào ngày xảy ra tai nạn và lấy đâu ra sức mạnh để làm đieèu này, J.T. trả lời cách đơn giản: “Các thiên thần.”

Hội Chữ Thập đỏ Idaho đã chọn J.T. là một trong những “anh hùng thật sự của miền Đông Idaho” năm 2017. Jodi, mẹ của J.T, khẳng định: “Tất cả sự kiện này là một phép lạ. Không còn cách nào khác để miêu tả nó. Không có cách nào mà một đứa bé có thể làm điều mà J.T. đã làm. Tôi nghĩ chúng tôi có trách nhiệm nói với dân chúng rằng thật sự có các phép lạ.” (Aleteia.it 09/03/2017)

Hồng Thủy

 

Ơn gọi Kitô là sống yêu thương bác ái và tươi vui hy vọng

Ơn gọi Kitô là sống yêu thương bác ái và tươi vui hy vọng

** Ơn gọi của kitô hữu là sống yêu thương bác ái: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-39). Gắn liền với ơn gọi yêu thương bác ái là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô. Nhưng tình yêu thương rất dễ gặp nguy cơ trở thành giả hình, vì thế chúng ta phải xin Chúa luôn canh tân nơi chúng ta kinh nghiệm gặp gỡ lòng thương xót Chúa để có thể yêu thương chân thành và trao ban sự tươi vui của niềm hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 15-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Roma trong chương 12 thư gửi cho họ: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12,9-13). ĐTC nói:

Chúng ta biết rõ rằng giới răn lớn mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta là giới răn yêu thương: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và yêu tha nhân như chính chúng ta (x. Mt 22,37-39); nghĩa là  chúng ta được mời gọi yêu thương, bác ái: đó là ơn gọi cao quý nhất của chúng ta, ơn gọi tuyệt diệu của chúng ta; và gắn liền với nó là sự tươi vui của niềm hy vọng kitô. Ai yêu thương, thì có sự tươi vui của niềm hy vọng, thì gặp gỡ được tình yêu vĩ đại là Chúa.

Trong đoạn thư gửi tín hữu Roma chúng ta vừa mới nghe, tông đồ Phaolô cảnh cáo chúng ta: lòng bác ái của chúng ta có nguy cơ là giả hình, tình yêu thương của chúng ta có nguy cơ là giả hình. Vì thế chúng ta phải hỏi xem khi nào xảy ra sự giả hình này? Làm sao chúng ta có thể biết chắc là tình yêu của chúng ta chân thành, lòng bác ái của chúng ta chân thực? Là không giả bộ sống bác ái, hay tình yêu thương của chúng ta không phải là một phim tiểu thuyết: tình yêu chân thành, mạnh mẽ…

** Giả hình có thể len lỏi vào khắp nơi, cả trong kiểu yêu thương của chúng ta nữa; có biết bao tình yêu thương vụ lợi… Điều này xảy ra, khi tình yêu của chúng ta là một tình yêu vụ lợi, do các lợi lộc cá nhân thúc đẩy; khi các phục vụ bác ái, trong đó xem ra chúng ta quảng đại thi hành, được làm để chúng ta nổi bật lên hay được thoả mãn; “Tôi thật giỏi biết bao!” “Không, điều này là giả hình đó!”;  hay khi chúng nhắm các điều dễ nhận ra để phô trương trí thông minh hay các khả năng của chúng ta. Đàng sau tất cả những điều đó có một ý tưởng sai lầm, đánh lừa, có nghĩa là nếu chúng ta yêu thương, là bởi vì chúng ta tốt lành; làm như thể lòng bác ái là một sáng chế của con người, một sản phẩm của con tim chúng ta. Trái lại, lòng bác ái trước hết là một ơn thánh, một món qua; có thể yêu thương là một ơn của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn ấy. Và Ngài sẵn sàng ban nó cho chúng ta, nếu chúng ta xin. Tình bác ái là một ơn: nó không hệ tại chỗ làm sáng tỏ điều chúng ta là, nhưng là điều Chúa ban cho chúng ta và chúng ta tự do chấp nhận; và ta không thể diễn tả trong cuộc gặp gỡ với người khác, nếu trước tiên nó không nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với gương mặt hiền dịu và thương xót của Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta thừa nhận mình là kẻ có tội, và cả kiểu yêu thương của chúng ta cũng bị in dấu bởi tội lỗi. Tuy nhiên, đồng thời ta cũng là người đem tới một lời loan báo mới, một lời loan báo mới của niềm hy vọng. Chúa mở ra trước chúng ta một con đường của sự giải thoát, một con đường của ơn cứu độ. Đó là cả chúng ta cũng có khả năng sống giới răn yêu thương lớn, và trở thành dụng cụ lòng bác ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra, khi chúng ta để cho mình được Chúa Kitô phục sinh chữa lành và canh tân. Chúa phục sinh sống trong chúng ta, sống với chúng ta và có khả năng chữa lành con tim chúng ta; Ngài làm điều đó, nếu chúng ta xin Ngài. Chính Ngài cho phép chúng ta, dù bé nhỏ và nghèo nàn, được sống kinh nghiệm sự cảm thương của Thiên Chúa Cha và cử hành các việc kỳ diệu tình yêu thương của Ngài. Và khi đó chúng ta hiểu rằng tất cả những vì mình có thể sống và làm cho các anh em không là gì khác hơn là đáp trả  những gì Thiên Chúa đã và tiếp tục làm cho chúng ta.

** Còn hơn thế nữa chính Thiên Chúa, khi ngự trong con tim và trong cuộc sống chúng ta, tiếp tục gần gũi và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên đường đời, và bắt đầu từ những người rốt hết, từ những người cần được trợ giúp nhất và nơi họ Người được nhận diện ra trước tiên.

Như thế với các lời này Tông đồ Phaolô không muốn phiền trách chúng ta, nhưng đúng hơn là khích lệ chúng  ta và tái khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm đã không sống giới răn yêu thương tràn đầy như chúng ta muốn. Nhưng đây cũng lại là một ơn, bởi vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng tự mình chúng ta không  có khả năng yêu thương thực sự: chúng ta cần Chúa liên lỉ canh tân ơn ấy trong con tim chúng ta, qua kinh nghiệm lòng thương xót vô biên của Ngài. Và khi đó chúng ta sẽ lại biết đánh giá các điều bé nhỏ, đơn sơ, tầm thường; chúng ta sẽ trở lại quý chuộng các điều nhỏ nhặt của mọi ngày và chúng ta sẽ có khả năng yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương họ, bằng cách muốn thiện ích cho họ, nghĩa là muốn cho họ được thánh thiện, là bạn hũu của Thiên Chúa; và chúng ta sẽ hài lòng vì khả năng sống gần gũi ai nghèo khó, khiêm tốn, như Chúa Giêsu làm với từng người trong chúng ta khi chúng ta sống xa Ngài, cúi mình xuống chân các anh chị em khác như Ngài, là Người Samartino nhân hậu, làm với từng nguời trong chúng ta, với lòng cảm thương và sự tha thứ của Ngài.

Anh chị em thân mến, điều mà thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta đây – tôi xin dùng từ của ngài – là bí quyết để “tươi vui trong hy vọng” (Rm 12,12): tươi vui trong hy vọng. Sự tươi vui của niềm hy vọng, bởi vì chúng ta biết rằng trong mọi hoàn cảnh, cả trong hoàn cảnh đối nghịch nhất và cả qua chính các thất bại của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không thuyên giảm. Và khi đó với con tim được viếng thăm bởi ơn thánh và lòng trung thành của Chúa chúng ta sống trong niềm hy vọng tươi vui trao đổi với các anh em khác, với sự ít ỏi chúng ta có, cái biết bao mà chíng ta nhận được từ Chúa mỗi ngày.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, trong đó có Hiệp hội các lộ trình của nhân bản, do ĐC Jean Luc Brunin, GM Le Havre hướng dẫn. Ngài cầu chúc mọi người tràn đầy hy vọng trong lộ trình Mùa Chay. Vì tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn các thất bại của chúng ta và cho chúng ta dịp canh tân con tim để phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân. Chào các nhóm đến từ Anh quốc, Thuỵ Điển, Canada và Hoa Kỳ, ngài cầu chúc Mùa Chay là thời gian ơn thánh giúp họ và gia đình họ canh tân tinh thần.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào Hiệp hội thánh Cecilia của giáo phận Rottenburg Stuttgart do ĐC Johannes Kreider hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ tràn đầy niềm vui hy vọng của Chúa và trao ban nó cho tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào tín hữu tỉnh Amadora và các thành viên hiệp hội thánh Antôn do ông thị trưởng hướng dẫn. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong

mọi quyết định trong cuộc sống và trung thành với thánh ý Chúa. Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nói Mùa Chay là thời gian rộng mở con tim cho ơn thánh lòng thương xót Chúa, sống kinh nghiệm tình yêu của Ngài và đi đến với tha nhân để trợ giúp họ.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội do phong trào Tổ Ấm tổ chức nhân kỷ niệm 50 thành lập phong trào. Ngài khích lệ họ tiến bước trên con đường làm chứng cho vẻ đẹp của các gia đình mới,  được hoà bình và tình yêu của Chúa Kitô hướng dẫn. Ngài cũng chào đoàn hành hương tổng giáo phận Napoli do ĐHY Crescencio Sepe hướng dẫn, các thành viên hiệp hội văn hoá kitô Italia Ucraina, giàn nhạc trẻ Laurena di Borrello, ca đoàn Liên hiệp nghệ sĩ công giáo Benevento.

ĐTC đã đặc biệt chào các nhân viên Sky Italia và cầu chúc họ mau chóng tìm ra giải pháp cho công việc làm. Vì công việc làm trao ban phẩm giá cho con người, và các giới hữu trách các dân tộc và chính quyền có nhiệm vụ làm mọi sự có thể để mỗi người có công ăn việc làm xứng đáng để họ có thể ngẩng cao đầu nhìn tha nhân với phẩm giá. Ai vì các thương thuyết không trong sáng, đóng các hãng xưởng và doanh nghiệp khiến cho mất công ăn việc làm là phạm một tội trọng.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhở rằng Mùa Chay giúp chúng ta tới gần Thiên Chúa. Hãy ăn chay không phải nhịn đói, nhưng là nhịn các thói quen xấu, để chế ngự chính mình nhiều hơn. Ngài chúc các bệnh nhân dùng lời cầu nguyện như phương thế cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa trong những khổ đau. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn thực thi các công tác bác ái để sống tình yêu hôn nhân như Chúa muốn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh  Tiến Khải