Tòa Thánh kêu gọi tăng cường cộng tác chống khủng bố

Tòa Thánh kêu gọi tăng cường cộng tác chống khủng bố

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tăng cường cộng tác giữa cơ quan LHQ và chính quyền các nước và cấp hạ tầng ở các địa phương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đức TGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh ở LHQ New York, đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 29-6-2018 tại Hội nghị cấp cao về chống khủng bố, khóa họp thứ 4 về sự tăng cường vai trò và khả năng của LHQ trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên thi hành chiến lược chung của LHQ chống nạn khủng bố.

Đức TGM Auza đề cao tầm quan trọng của sự cộng tác trong lãnh vực này, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng ”điều hết sức quan trọng là phải tuân hành luật pháp, các hiệp ước về nhân quyền và công pháp quốc tế về nhân đạo, để ngăn ngừa những kẻ khủng bố coi những vụ lạm dụng nhân quyền như cái cớ để biện minh cho những hành động đáng kinh tởm của họ. Mọi chiến thuật chống khủng bố để xảy ra những vụ lạm dụng nhân quyền thì luôn có những phản ứng tiêu cực, vì lạm dụng nhân quyền sẽ gia tăng sự ủng hộ của dân địa phương dành cho khủng bố”.

Đức TGM Auza cũng nói rằng ”Cùng với các phương tiện và tài nguyên ở địa phương nhắm ngăn ngừa các cá nhân hoặc nhóm trở thành cực đoan và biến thành kẻ khủng bố, mỗi chiến lược chống khủng bố cũng phải có sự can dự của xã hội dân sự để giải quyết những vấn đề của các cộng đồng dễ gặp nguy cơ tạo nên sự cực đoan và sự tuyển mộ những thành phần có thể trở thành khủng bố”. (Rei 30-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Các trẻ em Syria bị chết vì khí độc

Các trẻ em Syria bị chết vì khí độc

Toàn thế giới đang nín thở theo dõi những biến chuyển đổi thay từng giờ trong lúc này, liên quan đến tình hình chiến trận tại Syria, sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra lệnh pháo kích căn cứ quân sự Al Chaayrate trong tỉnh Homs bên Syria trong đêm 06 rạng ngày 07-04 vừa qua, để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 04-04 trước đó.

59 đầu đạn Tomahawk đã được bắn đi từ hai mẫu hạm hàng không của Hoa Kỳ đang có mặt ở mạn đông Địa Trung Hải, nhắm vào căn cứ nói trên, là nơi đã xuất phát cuộc tấn công của quân đội Siria vào thị trấn Khan Cheikhoun.

Trong trận oanh tạc này, người ta cho rằng quân đội Syria đã dùng vũ khí hóa học tấn công thị trấn Khan Cheikhoun thuộc tỉnh Idlib bên Siria khiến ít nhất 86 thường dân trong đó có ít nhất 27 trẻ em bị chết. Hơn 500 người khác bị thương, trong đó một số lớn bị thương nặng. Vẫn còn một số người bị mất tích. Hầu hết các thi hài đều mang dấu hiệu chết vì khí độc làm tê liệt hệ thống thần kinh.

Trước cảnh tượng những trẻ em chết vì khí độc, một bác sĩ cứu trợ tại Idlib đã chua xót nói “Tình nhân loại đã chết hôm nay tại đây”. Những hình ảnh trẻ em chết trong trận oanh kích đã gây xúc động mạnh trên các mạng xã hội khắp thế giới. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo như Save The Childrens hay Bác sĩ không biên giới bày tỏ kinh hoàng và kêu gọi thế giới mở cuộc điều tra nghiêm chỉnh về vụ tấn công này, đồng thời yêu cầu Hội Đồng bảo an LHQ mạnh mẽ lên án những cuộc tấn công nhắm vào thường dân vô tội như thế.

Các nước Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp đồng thanh đề nghị hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết lên án chính quyền Syria đã phạm tội ác chống lại nhân loại. Tuy nhiên nước Nga đồng minh của chính quyền Syria thì lại cho rằng, cuộc oanh tạc của chính quyền Syria đã nhắm đúng một kho vũ khí hóa học của phiến quân chứ quân đội Syria không dùng bom hóa học. Tất cả mọi hình ảnh tin tức về bom hóa học giết chết trẻ em ở Idlib chỉ là tin giả tạo và Nga sẵn sàng dùng quyền phủ quyết để ngăn mọi nghị quyết lên án Siria của hội đồng bảo an LHQ.

Nhưng dù ai nói gì đi nữa, nạn nhân của 6 năm chiến cuộc tại Siria vẫn là các trẻ em: 17,500 em thiệt mạng trong bom đạn; 300 ngàn em khác sống còn trong các thành phố bị vây hãm; 2.5 triệu thiếu thốn mọi nhu cầu cơ bản nhất như thuốc men hay thực phẩm. Và bao nhiêu trẻ em khác nữa cũng phải đương đầu với hiểm nguy trên đường tỵ nạn, như bé Aylan nằm chết trên bờ biển Budrum bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ tư 05-04, ông tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bày tỏ sự tiếc nuối vì các tội phạm chiến tranh tiếp tục xảy ra tại Syria, và lên án cuộc tấn công bằng bom hóa học ở Khan Cheikhoun, là một hành vi đáng kinh tởm. Thật đáng buồn vì các quyền con người quốc tế vẫn bị vi phạm thường xuyên như thế.

Cùng ngày thứ tư, vào cuối buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã lên tiếng bày tỏ liên đới với các nạn nhân vụ dội bom hóa học này. Ngài nói: Tôi quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm 04-04 vừa qua tại tỉnh Idlib, nơi mà hành chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiện chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này sớm được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực vì chiến tranh từ quá lâu nay. Tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những người đang cố gắng chuyển sự trợ giúp cho dân chúng tại vùng này, mặc dù có tình trạng bất an và khó khăn.

(ANSA/AFP 04/06.04.2017)

Mai Anh

Đại diện Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc lên án nạn buôn người

Đại diện Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc lên án nạn buôn người

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở New York, Đức TGM Bernadito Auza, mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố buôn người và biến họ thành nô lệ.

Đức TGM Auza bày tỏ lập trường trên đây trong bài tham luận hôm 15-3-2017 tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ về đề tài: ”Nạn buôn người trong những tình cảnh xung đột: cưỡng bách lao động, nô lệ và những việc làm tương tự”.

Ngài nhắc lại rằng ĐGH Phanxicô đã coi cuộc chiến chống nạn buôn người là một trong những ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng này, và không do dự định nghĩa nạn buôn người là một tội ác chống lại nhân loại.

Và Đức TGM Auza tố giác sự kiện ”ngày nay chiến tranh và xung đột đã trở thành động lực hàng đầu đưa tới nạn buôn người. Chúng tạo nên môi trường để những kẻ buôn người hoạt động, lợi dụng những người trốn chạy bách hại và xung đột, những người đặc biệt dễ bị tổn thương và dễ rơi vào vòng tay của chúng. Các cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho những tên khủng bố, các nhóm võ trang và các mạng tổ chức tội phạm liên quốc gia tăng bóc lột các cá nhân và dân chúng”.

Trong bối cảnh đó, Đức TGM Auza, người Philippines, bày tỏ quan tâm sâu xa về số phận của các cộng đoàn Kitô kỳ cựu và những người Yézidi, cũng như các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số ở vùng Mesopotamia, bị biến thành nô lệ, bị bán, bị giết và phải chịu những hình thức cực kỳ tủi nhục. Sự thiếu cố gắng đưa ra trước công lý những kẻ phạm pháp, những thủ phạm gây ra những hành vi diệt chủng và vi phạm nhân quyền một cách ồ ạt như thế khiến nhiều người phải ngỡ ngàng và tự hỏi làm sao những hành vi tàn ác như vậy có thể được dung túng trước khi các nạn nhân được cứu thoát, được bảo vệ và được công lý”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại LHQ nhắc lại rằng Tòa Thánh mạnh mẽ lên án sự kiện: ”các võ khí, kể cả võ khí tàn sát tập thể, dễ dàng rơi vào tay những tên khủng bố và các nhóm võ trang, khiến chúng có phương tiện dễ dàng tiếp tục buôn người, biến nhiều cá nhân thành nô lệ và nhiều khi đưa trọn nhiều cộng đoàn vào tình trạng như vậy. Vì thế Tòa Thánh mạnh mẽ kêu gọi ngưng cung cấp võ khí cho những nhóm hoặc những chế độ rất có thể dùng các võ khí ấy để chống lại chínhd ân tộc của họ, và cần áp dụng nghiêm túc các hiệp ước về võ khí, sử dụng tất cả sức mạnh của luật pháp để chống lại nạn buôn bán võ khí”.

Ngoài ra, Đức TGM Auza cũng bênh vực những người di dân không giấy tờ và nói rằng: ”Việc coi những người di dân không có giấy tờ và không hợp lệ như những kẻ tội phạm càng làm cho họ dễ bị tổn thương, đưa đẩy họ vào vòng tay của những kẻ buôn người và dẫn tơi những hình thức cực đoan hơn trong nạn bóc lột. Sự kiện như thế khiến cho người di dân không hợp lệ càng không muốn cộng tác với các nhà chức trách để truy nã, bắt giam và trừng phạt những kẻ buôn người” (SD 16-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tổ Hội đồng bảo an LHQ.

Trong bài tham luận hôm 19-7-2016 tại cuộc thảo luận công khai về ”những phương pháp làm việc của Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza ghi nhận Hội đồng này đã có nhiều công trạng trong việc phòng ngừa cho nhiều quốc gia và dân tộc khỏi hiểm họa chiến tranh và xung đột trong 71 năm qua. Nhưng việc cải tổ và thích ứng với thời đại vẫn luôn luôn là điều cần thiết để Hội đồng bảo an thích ứng tốt đẹp nhất với mục tiêu của mình. Các quốc gia thành viên LHQ và nhiều lãnh vực khác của xã hội dân sự ngày càng gia tăng kêu gọi cải tổ để làm cho Hội đồng bảo an được minh bạch, hiệu năng, hữu hiệu, có trách nhiệm và có đặc tính đại diện nhiều hơn”.

Đức TGM Đại diện Tòa Thánh nhắc đến sự kiện nhiều quyền lợi quốc gia và chính trị địa lý lấn át chức năng hàng đầu của Hội đồng bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.. Điều quan trọng để sửa chữa những lời phê bình ấy là các quốc gia thành viên LHQ, khi trở nên thành viên Hội đồng bảo an, đừng bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết đáng tin cậy về hành động phòng ngừa hoặc chấm dứt việc phạm tội diệt chủng, những tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh. Ngoài ra, các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đừng dùng quyền phủ quyết trong những tình trạng liên quan tới các tội ác vừa nói”. Trong bối cảnh đó, LHQ nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng sẽ đạt được sự hợp pháp và uy tín nhiều hơn nếu phân định rõ ràng và hữu hiệu các tiêu chuẩn để áp dụng nguyên tắc ”trách nhiệm bảo vệ”.

Trong bài tham luận, Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, cũng kêu gọi cứu xét lời thỉnh cầu do nhiều quốc gia thành viên đưa ra, đó là làm sao để Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, phản ánh rõ hơn các thực tại chính trị địa lý ngày nay hơn.

”Một Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, đó là điều thuộc về những yếu tố giúp đồng qui mà đa số các quốc gia thành viên LHQ đề nghị trong các cuộc họp về việc cải tổ Hội đồng bảo an LHQ. Việc bác bỏ hoặc cố tình không biết đến những ”yếu tố đồng qui” ấy sẽ không giúp ích cho lời kêu gọi, uy tín và sự đáng tín nhiệm của Hội đồng bảo an.

Một lời kêu gọi khác cũng liên tục được đưa ra, đó là cần làm sao để Hội đồng này có đặc tính minh bạch hơn, không những trong bối cảnh việc tăng cường hoạt động của LHQ, nhưng đặc biệt trong bối cảnh bầu cử vị Tổng thư ký LHQ sắp tới.

Sự minh bạch này cũng phải được nới rộng tới các phương pháp làm việc và các thủ tục của cac cơ quan phụ thuộc Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong các ủy ban trừng phạt, để đảm bảo và củng cố các quyền căn bản của mỗi người và chế độ pháp quyền. (SD 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

Đại diện Tòa Thánh tại LHQ kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe

GENÈVE. Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở Genève, Đức Ông Richard Gyhra, kêu gọi đừng đặt những lợi lộc kinh tế lên trên hết đến độ không còn tôn trọng quyền của dân nghèo được săn sóc sức khỏe.

Đức ông Gyhra hiện xử lý thường vụ Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh ở LHQ, Genève. Trong bài tham luận hôm 10-3-2016, ngài kêu gọi tôn trọng quyền sức khỏe của con người như được nhìn nhận trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và đừng chấp nhận một sự kỳ thị nào trong việc cung cấp những dịch vụ sức khỏe, trong đó có việc cung cấp những thuốc men thiết yếu, phân phối công bình các dịch vụ y tế và chấp nhận các chiến lược quốc gia để phòng ngừa và bài trừ bệnh Sida (Aids).

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng mặc dù bao nhiêu sáng kiến tích cực đã được thi hành trong 10 năm gần đây để chấm dứt bệnh dịch Sida, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần làm. Trong số các thách đố chính, có thách đố không coi lợi lộc kinh tế do thuốc men và các dụng cụ chẩn bệnh mang lại như một ưu tiên, để tránh tình trạng giá thuốc men quá cao khiến các bệnh nhân không thể mua nổi.

Đức Ông Gyhra nhận xét rằng trong hơn 30 năm, bệnh Sida đã gây ra chết chóc và đau khổ khôn tả cho hàng triệu trẻ em và người lớn, và khiến cho hàng triệu trẻ em mồ côi, đưa các gia đình và cộng đoàn đến tình trạng sụp đổ về mặt xã hội, kinh tế và cảm xúc.

Sau cùng Đức Ông Gyhra kết thúc bài tham luận với lời ĐTC Phanxicô tại Trụ sở LHQ ở Nairobi, Kenya ngày 26-11-2015: ”Sự lệ thuộc lẫn nhau và hội nhập các nền kinh tế không được gây thiệt hại nào cho hệ thống y tế và bảo vệ xã hội hiện nay, trái lại, nó phải tạo điều kiện dễ dàng cho sự thiết lập và điều hành các hệ thống ấy. Một số vấn đề y tế đòi các giới chức chính trị ưu tiên lưu tâm, vượt lên trên bất kỳ lợi lộc thương mại hoặc chính trị nào” (SD 11-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Pope at UN

NEW YORK. Sáng ngày 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại LHQ. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô 2 năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.

 Tuy nhiên, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng giám đốc đài Vatican, tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm, nhận xét rằng ”Bài diễn văn này khai mạc một Đại hội đồng của LHQ (thứ 70), nên khác biệt với những lần gặp gỡ của các vị Giáo Hoàng trước tại Đại hội của LHQ, đây là bài diễn văn có cử tọa đông đảo hơn và quan trọng hơn.

 ”ĐGH đã nói một cách rất hiệu nghiệm về sự cần thiết phải dấn thân cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện những lời nói, trái lại cần đi tới thực tại. Ngài đã đưa ra nhiều lời kêu gọi rất mạnh mẽ. Ví dụ lời kêu gọi các tổ chức tài chánh quốc tế, các tổ chức này phải giúp đỡ các nước nghèo nhất phát triển, chứ không bắt các nước ấy phải phục tùng, áp đặt họ một cách ngộp thở dưới các hệ thống tín dụng, ghì họ trong một tình trạng bị loại trừ, nghèo đói và ngày càng lệ thuộc. ĐGH cũng nói một cách rất rõ ràng về việc giải trừ võ khí hạt nhân, nhắc đến một cách tích cực hiệp định mới đây với Iran về vấn đề này. Và đó là điều hiển nhiên là đòi hỏi nhiều, vì biết rằng đó là một hiệp định không phải tất cả đều quí chuộng.

 ”Rồi ĐGH cũng nói về tầm quan trọng của thiên nhiên; ngài cũng nói về bản tính con người, ví dụ bao gồm sự phân biệt giữa người nam và người nữ, và sự tôn trọng tuyệt đối cần có đối với sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích. Vì thế, ĐGH đã không bỏ lỡ cơ hội để trình bày lập trường của Giáo Hội về những điểm đòi nhiều cố gắng. ĐGH cũng đề cập đến vấn đề tị nạn, các nhóm dân thiểu số phải chịu bạo lực, đặc biệt là các tín hữu Kitô thiểu số ở Trung Đông, và tiếp đến là tất cả những vấn đề liên quan đến nghèo đói, công lý, quyền của tất cả mọi người được gia cư, công ăn việc làm và một môi trường lành mạnh để sống, và dĩ nhiên ĐTC cầu mong có một sự tiến bộ về hòa bình qua các cuộc thương thuyết, các cuộc đối thoại giữa các dân tộc khác nhau. Đề tài hòa bình chắc chắn là một chủ đề nổi bật trong cuộc viếng thăm của ĐTC và chỉ có thể như thế. Trong vấn đề này, ĐGH có một lời nói rất uy tín, một lời can đảm, thực sự được lắng nghe với tất cả lòng tôn trọng”.

 Cha Lombardi cũng nhận xét rằng kiểu của ĐTC Phanxicô khi trình bày các bài diễn văn, ngài nhấn mạnh về sự khuôn mặt cụ thể của con người: người già, trẻ em, người trẻ, người thất nghiệp. ĐGH liên tục nhấn mạnh rằng không được dừng lại ở bình diện các cuộc thảo luận ý thức hệ hoặc coi con người như những con số thống kê, nhưng luôn luôn nghĩ họ là những người người cụ thể, là anh chị em chúng ta, và qua đo khích lệ trách nhiệm của những người cầm quyền hãy nhớ con người cụ thể, đang chờ đợi sự dấn thân của chính quyền trong việc tìm ra những câu trả lời cụ thể cho cuộc sống của người dân. Theo nghĩa đó, thật là điều đẹp cuộc gặp gỡ của ĐGH tại LHQ với hàng ngàn người làm việc mỗi ngày để cho cuộc sống và hoạt động của tổ chức quốc tế này có thể tiến hành được. (RG 26-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên hợp quốc

ĐTC và Ban Ki Moon tại Liên Hiệp Quốc

NEW YORK. Sáng thứ sáu, 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở LHQ. Ngài cổ võ cải tổ LHQ, bênh vực môi sinh, giải quyết các cuộc xung đột..

LHQ hiện nay là một tổ chức liên chính phủ gồm 193 quốc gia thành viên và 2 nước quan sát viên là Tòa Thánh và Palestine. Tòa Thánh có đại diện tại đây từ 51 năm nay (1964). Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh là một vị TGM có cấp bậc sứ thần. Ngài có quyền tham gia các phiên họp của LHQ, có quyền lên tiếng nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc được bầu.

Khi đến nơi, ĐTC đã được Ông Tổng thư ký Ban Ki Moon và Phu nhân cùng với một đoàn binh nhỏ danh dự đón tiếp. Hai em bé con của các nhân viên LHQ đã tặng hoa cho ngài, rồi được hướng dẫn lên văn phòng của Ông tổng thư ký ở lầu thứ 38 để hội kiến riêng.

 Tiếp đến, ĐTC đã gặp gỡ và chào thăm các nhân viên của LHQ. Ngài nhận xét rằng ”Bao nhiêu công việc anh chị em làm ở gây không gây những tin tức trên báo chí. Nhưng đàng sau đó, nỗ lực hằng ngày của anh chị em làm cho nhiều sáng kiến ngoại giao, văn hóa, kinh tế và chính trị của LHQ có thể tiến hành được, những điều rất quan trọng để đáp ứng hy vọng và mong đợi của các dân tộc trong gia đình nhân loại.. Công việc âm thầm và tận tụy của anh chị em không những góp phần làm cho LHQ tươi đẹp, nhưng còn có ý nghĩa lớn đối với bản thân anh chị em. Vì cách thức chúng ta làm việc cũng diễn tả phẩm giá và con người của chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Hôm nay và mỗi ngày, tôi xin anh chị em, bất luận khả năng thế nào, xin anh chị em hãy chăm sóc nhau, gần gũi nhau và tôn trọng nhau, qua đó anh chị em là hiện thân lý tưởng của tổ chức LHQ này, lý tưởng một gia đình hiệp nhất, sống trong hòa hợp, không những làm việc cho hòa bình, nhưng còn trong hòa bình, không những làm việc cho công lý, nhưng còn trong một tinh thần công lý.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây, ĐTC còn riêng hai vị chủ tịch Đại hội đồng thứ 69 và 70 của LHQ, đó là Ông Sam Kahamba Kutesa, người Uganda cùng với phu nhân, và Ông Mogens Lykketoft người Đan Mạch và phu nhân. Sau cùng là gặp Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ trong tháng 9 này, là ông Vitaly Churkin, thuộc liên bang Nga.

Diễn văn của ĐTC tại LHQ  Khi ĐTC tiến vào đại hội trường hình bán cung của LHQ, các vị lãnh tụ của 150 quốc gia và đại diện các nước đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ngài, và sau lời chào mừng của Ông Chủ tịch Đại hội đồng thứ 70 cũng như của ông Tổng thư ký Ban Ki Moon, ĐTC Phanxicô đã đọc bài diễn văn quan trọng bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô 2 năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.

Cần cải tổ LHQ

ĐTC Phanxicô đề cao những thành tựu trong 70 năm qua của LHQ, nhưng ngài nhìn nhận có nhiều vấn đề trầm trọng chưa được giải quyết, đồng thời nhận xét rằng:

”Kinh nghiệm của 70 năm qua, vượt lên trên những điều đã đạt được, chứng tỏ rằng sự cải tổ và thích ứng LHQ với thời đại là điều luôn luôn cần thiết, tiến tới mục tiêu chung kết là mang lại cho tất cả mọi nước, không trừ ai, một sự tham gia và ảnh hưởng thực sự và đồng đều trong các quyết định. Sự cần thiết phải có sự công bình hơn có giá trị đặc biệt đối với các cơ quan có khả năng hành pháp thực sự như Hội đồng bảo an LHQ, các tổ chức tài chánh và các nhóm hoặc cơ chế được thiết lập đặc biệt để đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ giúp giới hạn bất kỳ thứ lạm dụng hoặc sự đòi hỏi thái quá, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Các tổ chức tài chánh quốc tế cần cảnh giác về việc phát triển dài hạn cho các nước và để tránh sự tùng phục làm ngộp thở các nước ấy đối với các hệ thống tín dụng, các hệ thống này thay vì thăng tiến sự phát triển, thì lại bắt dân chúng phải tùng phục những cơ cấu gia tăng nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc”.

Sự tối thượng của công pháp

Một điểm khác được ĐTC nhấn mạnh là sự thăng tiến quyền tối thượng của công pháp, vì công lý là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện lý tưởng tình huynh đệ đại đồng. Trong bối cảnh đó cần nhớ rằng sự giới hạn quyền bính là một ý tưởng bao hàm trong chính ý niệm công pháp. Theo định nghĩa cổ điển về công lý, trả lại cho mỗi người điều thuộc về họ, có nghĩa là không một cá nhân hoặc nhóm nào có thể coi mình là toàn năng, được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của các người khác hoặc nhóm xã hội khác….

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay, quang cảnh thế giới có nhiều thứ quyền giả tạo và đồng thời, có nhiều lãnh vực không được bảo vệ, nạn nhân của sự thực thi quyền bính một cách sai trái: đó là môi trường thiên nhiên và đông đảo phụ nữ và người nam bị loại trừ. Hai lãnh vực này có liên hệ mật thiết với nhau và các quan hệ chính trị kinh tế thịnh hành hiện nay biến họ thành những thành phần mong manh của thực tại. Vì thế cần mạnh mẽ khẳng định các quyền của hp, củng cố việc bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng bị loại trừ.

Bảo vệ môi trường thiên nhiên

Trước tiên cần khẳng định rằng có một ”quyền thực sự về môi trường” vì hai lý do: trước tiên vì trong tư cách là người, chúng ta là thành phần của môi trường, chúng ta sống hiệp thông với môi trường, vì chình môi trường cũng bao hàm những giới hạn luân lý đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng… Bất kỳ tai hại nào gây ra cho môi trường, đều là một thiệt hại cho nhân loại. Thứ hai vì mỗi thụ tạo, nhất là các sinh vật, có giá trị nội tại, sự sống, hiện sinh, vẻ đẹp và lệ thuộc các thụ tạo khác… Đối với tất cả các tín ngưỡng, môi trường là một thiện ích cơ bản.

Sự lạm dụng và phá hủy môi trường, là những hành động gắn liền với tiến trình loại trừ không chặn đứng nổi. Thực vậy, lòng ham hố quyền bính và an sinh vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn đưa tới bao nhiêu lạmdụng các phương tiện vật chất hiện hữu đến độ loại trừ những người yếu thế và kém tài năng hơn, hoặc vì họ có những khả năng khác, như những người khuyết tật, hoặc vì họ thiếu các kiến thực và phương tiện kỹ thuật thích hợp hoặc không đủ khả năng để có những quyết định chính trị. Sự loại trừ kinh tế và xã hội là một sự phủ nhận hoàn toàn tình huynh đệ của con người và là một điều làm thương tổn trầm trọng các quyền con người và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu đau khổ nhất trong 3 thứ tấn công ấy, vì họ bị gạt ra ngoài xã hội, đồng thời phải sống bằng những đồ phế thải và chịu đau khổ bất công vì những hậu quả của sự lạm dụng môi trường. Những hiện tượng này ngày nay tạo thành một thứ văn hóa gạt bỏ rất phổ biến và vô tình được người ta củng cố”.

 

Kiên quyết thực thi những gì đã cam kết

 

 ĐTC nhắc đến chương trình hành động phát triển năm 2030 được các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ các nước thông qua, ngài khẳng định rằng long trọng ký nhận những cam kết là điều vẫn chưa đủ, tuy đó là một bước tiến cần thiết để giải quyết các vấn đề.. Thế giới mạnh mẽ yêu cầu các chính phủ có một ý chí thực sự, thực tiễn, liên lỷ, với những bước tiến cụ thể và những biện pháp tức khắc, để bảo tồn và cải tiến môi trường thiên nhiên, sớm khắc phục hiện tượng loại trừ về xã hội và kinh tế, hiện tượng này có những hậu quả đau thương như nạn buôn người, buôn bán cơ phận và mô cơ thể con người, bóc lột tính dục các trẻ em, bắt làm việc như nô lệ, kể cả nạn mại dâm, buôn bán ma túy, khí giới, nạn khủng bố và tội phạm quốc tế..”

Bênh vực quyền giáo dục

Cũng trong diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ, ĐTC Phanxicô bênh vực các quyền của gia đình, quyền ưu tiên của gia đình được giáo dục và quyền của các Giáo Hội, các hiệp hội xã hội được nâng đỡ và cộng tác với các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Nền giáo dục được quan niệm như thế, chính là căn bản để thực hiện chương trình hành động 2030 để cải tiến môi trường.

Ngài cũng kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để tất cả có được căn bản tối thiểu về vật chất và tinh thần để phẩm giá của họ được thực sự tôn trọng và để họ có thể thành lập và nuôi dưỡng gia đình là tế bào cơ bản của bất kỳ sự phát triển xã hội nào. Về phương diện vật chất, điều kiện tối thiểu ở đây là nhà ở, công ăn việc làm và đất đai, và về phương diện tinh thần là tự do tinh thần, bao gồm tự do tôn giáo, quyền giáo dục và các dân quyền khác”.

Thảm trạng chiến tranh: Trung Đông, Bắc Phi, Syria..

ĐTC không quên lưu ý cộng đồng thế giới về những hậu quả tiêu cực của những cuộc can thiệp chính và và quân sự thiếu phối hợp giữa các thành phần trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó ngài nhắc đến thảm trạng đau thương ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các nước Phi châu khác, nơi mà các tín hữu Kitô cùng với các nhóm văn hóa hoặc chủng tộc khác, kể các một số thành phần của tôn giáo đa số, phải chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng của họ, gia sản văn hóa và tôn giáo, gia cư và tài sản của họ, họ bị đặt trước hai chọn lựa: hoặc là trốn chạy hoặc phải trả giá bằng mạng sống mình hoặc phải làm nô lệ vì gắn bó với sự thiện và hòa bình.

Những thực tại đó kêu gọi những người có trách nhiệm quốc tế hãy nghiêm túc xét mình. Không những trong những trường hợp bách hại tôn giáo hoặc văn hóa, nhưng trong mỗi tình trạng xung đột như tại Ucraina, Siria, Irak, Libia, Nam Sudan, và trong vùng Đại Hồ bên Phi châu. Trước khi liên hệ tới những quyền lợi phe phái, tuy là hợp pháp, ở đây có những khuôn mặt cụ thể. Trong các chiến tranh và xung đột, có những con người anh chị em chúng ta, nam phụ lão ấu, trẻ em khóc lóc, chịu đau khổ và chết chóc. Đó là những người trở thành đố phế thải trong khi người ta không làm gì khác hơn là liệt kê những vấn đề, các chiến lược và thảo luận”.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Tòa Thánh dè dặt đối với một số điểm trong chương trình LHQ

Tòa Thánh dè dặt đối với một số điểm trong chương trình LHQ

TTK LHQ Ban Ki Moon and Pope

NEW YORK. Tòa Thánh bày tỏ sự dè dặt đối với một số điểm trong chương trình phát triển của LHQ sau năm 2015, có thể hiểu là cho phép phá thai và xóa bỏ khác biệt tự nhiên giữa nam nữ.

Chương trình này mang tựa đề ”Biến đổi thế giới chúng ta: chương trình hành động 2030 để phát triển dài hạn”, được thông qua trong những ngày qua tại LHQ ở New York.

Lên tiếng về chương trình này, Sứ bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh ở LHQ đã tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh về tương quan vợ chồng giữa một người nam và một người nữ, các phương pháp làm cha làm mẹ trong tinh thần trách nhiệm đứng trước những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình không tôn trọng tự do và phẩm giá con người; ”gender” (giống) của con người được hiểu như một từ ngữ dựa trên căn tính tính dục sinh lý nam nữ; ưu tiên của cha mẹ trong việc giải dục con cái.

Tuy Tòa Thánh đồng ý với một số mục tiêu và một số điểm trong Chương trình của LHQ, nhưng Tòa Thánh tỏ ra dè dặt về một số ý niệm trong văn kiện. Ví dụ thành ngữ ”sức khỏe tính dục và sinh sản” và ”các quyền sinh sản” được văn kiện của LHQ sử dụng với một nghĩa quá rộng lớn, và chúng có thể bị người ta dựa vào đó để cổ võ phá thai và sử dụng các thuốc phá thai như phương thế kế hoạch hóa gia đình, không tôn trọng tự do của các đôi vợ chồng, phẩm giá cũng như các nhân quyền của những người liên hệ.

Những lập trường trên đây đã được Tòa Thánh khẳng định trong dịp Hội nghị thế giới kỳ 4 ở Bắc Kinh về phụ nữ.

Sứ bộ Tòa Thánh ở LHQ cho biết về vấn đề giáo dục, thông tin và tính dục, Tòa Thánh nhấn mạnh trách nhiệm đầu tiên và các quyền ưu tiên của các cha mẹ đối với con cái, kể cả quyền tự do tôn giáo. Theo ý nghĩa đó, Tòa Thánh nhấn mạnh vị thế trung tâm của gia đình như nòng cốt tự nhiên và cơ bản của xã hội.. (SD 2-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Tòa Thánh tránh sáng kiến của Palestine đòi treo cờ tại LHQ

Cờ Palestine tại LHQ

VATICAN. Tòa Thánh yêu cầu Phái Bộ Palestine tại LHQ đừng ghi tên Tòa Thánh trong một dự thảo nghị quyết yêu cầu cho treo cờ Palestine tại LHQ.

Chính quyền Palestine muốn nhân cơ hội ĐTC sắp viếng thăm LHQ vào ngày 25 tháng 9 tới đây, để đề ra dự thảo một nghị quyết yêu cầu đại hội đồng LHQ cho phép treo lá cờ của hai quốc gia có quy chế Quan sát viên thường trực tại tổ chức quốc tế này: Vatican và Palestine, cũng như lá cờ của 193 quốc gia thành viên LHQ.

Hôm 25-8 vừa qua, Phái bộ Quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ đã chuyển tới các nhà ngoại giao tại đây một thông báo cho biết Tòa Thánh không có ý bảo trợ dự thảo nghị quyết vừa nói của Palestine.

Palestine cũng như Tòa Thánh đều có cùng quy chế quan sát viên thường trực tại LHQ. Trong dự thảo, Palestine trích dẫn nhiều về Tòa Thánh để hỗ trợ lý luận của mình về việc cho treo cờ các nước quan sát viên thường trực cạnh các nước thành viên của tổ chức quốc tế này.

Thông báo của Tòa Thánh nói rằng Tòa Thánh không chống lại sự kiện Palestine yêu cầu cho trưng cờ của mình, nhưng không muốn đích thân can dự vào việc này.

Palestine được Đại hội đồng LHQ chấp thuận cho qui chế Quốc gia Quan sát viên thường trực hồi tháng 11 năm 2012, nhưng Hội đồng bảo an LHQ vẫn luôn ngăn chặn việc cho Palestine trở thanh quốc gia thành viên (lần bỏ phiếu cuối cùng diễn ra hồi tháng 12-2014 với đa số chỉ có 1 phiếu).

Tòa Thánh có thể trở thành quốc gia thành viên LHQ nhưng chỉ muốn được qui chế Quan sát viên thường trực, để tránh bị lôi kéo vào phe này và phe kia.

Ngày 13-5 năm nay, Tòa Thánh và Palestine đã ký kết một hiệp định song phương trong đó có nói rõ ràng về ”Quốc gia Palestine”, điều này khiến cho Israel phản đối. Giới báo chí cho rằng sự kiện Tòa Thánh không muốn ủng hộ dự thảo nghị quyết của Palestine là để tránh những tranh luận mới. Đối với Tòa Thánh, tại Thánh Địa những sự kiện và cử chỉ hòa bình thì quan trọng hơn là những lời nói và lá cờ, dù ở phe bên này hay phe bên kia (Vat. Insider 27-8-2015)

Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc kêu gọi cải tiến bảo vệ ký giả

Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc kêu gọi cải tiến bảo vệ ký giả

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức LHQ ở New York, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tiến các chính sách và biện pháp bảo vệ các ký giả trong những tình trạng xung đột.

Trong bài tham luận hôm 27-5-2015 tại buổi thảo luận công cộng ở Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza nhắc đến tầm quan trọng của các ký giả trong việc cung cấp những tin tức khách quan, giúp các nhà chính trị và cộng đồng quốc tế đề ra những quyết định đúng đắn để chấm dứt xung đột và giúp đỡ những người bị tổn thương.

Phái đoàn Tòa Thánh lấy làm tiếc vì trong thập niên vừa qua hàng trăm ký giả đã bị giết. Nguyên trong năm 2014 có 69 ký giả bị thiệt mạng và 221 người khác bị cầm tù. Trong năm nay đã có 25 ký giả bị giết và 156 người bị cầm tù.

Đức TGM Auza, người Philippines, nhận xét rằng tuy đã có những văn kiện và hiệp định quốc tế về việc bảo vệ ký giả và thường dân trong các cuộc xung đột, nhưng cho đến nay, các chính sách bảo vệ quân sự và những cơ cấu xác định trách nhiệm trong vấn đề này qua các tòa án vẫn còn thiếu sót và tại nhiều nơi không hề có. Theo phúc trình mới nhất của Ông Tổng thư ký LHQ về việc bảo vệ thường dân, trong 90% các trường hợp, những kẻ giết ký giả không bị kết án và chỉ có 5% các thủ phạm bị bắt và truy tố.

Đức TGM Auza cho biết phái đoàn Tòa Thánh tin rằng cần phải duyệt lại các qui luật về việc bảo vệ các ký giả trong các trình trạng xung đột, để xem các văn kiện ấy có còn thích hợp hay không, hay là cần đề ra những biện pháp đặc thù hơn để bảo vệ giới truyền thông, nhất là trong bối cảnh những cuộc xung đột do các tác nhân không phải là nhà nước gây ra (SD 28-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tổng thư ký Liên Hợp quốc khai mạc hội thảo tại Vatican

Tổng thư ký Liên Hợp quốc khai mạc hội thảo tại Vatican

VATICAN. Hôm 28-4-2015, Ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký LHQ đã khai mạc cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican về việc bảo vệ môi sinh.

Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học tổ chức với chủ đề ”Bảo vệ trái đất, làm cho nhân loại xứng đáng hơn”, với khoảng 60 tham dự viên, trong đó có hơn 20 khoa học gia và chuyên gia, 20 vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt cả tổng thống Italia, ông Sergio Mattarella, cũng đến dự cuộc hội thảo.

Trước cuộc hội thảo, ĐTC đã đến trụ sở Hàn lâm viện Khoa học của Tòa Thánh, lúc quá 9 giờ để chào thăm và nói chuyện riêng với Ông Tổng thư ký LHQ nửa tiếng đồng hồ.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, trong dịp này Ông Ban Ki Moon đã cám ơn ĐTC vì đã nhận lời viếng thăm và lên tiếng tại Đại Hội đồng LHQ ngày 25-9 tới đây. Ông cho biết ông chờ đợi bài diễn văn của ngài trong dịp đó cũng như thông điệp sắp tới của ngài, đồng thời cũng trình bày cho ĐTC một vài điểm trong nỗ lực hiện nay của LHQ không những về vấn đề môi sinh, nhưng cả và vấn đề di dân và tình trạng thê thảm tại những cùng đang có xung đột trên thế giới.

Trong bài tham luận sau đó tại cuộc hội thảo, Ông Ban Ki Moon đề cao sự đóng góp của các tôn giáo vào vấn đề quan trọng này và nhận định rằng khoa học và tôn giáo không đối nghịch nhau về vấn đề thay đổi khí hậu, trái lại họ có cùng đường hướng.

Ông Tổng thư ký LHQ cũng ghi nhận rằng những người đầu tiên chịu đau khổ nhiều nhất vì sự thay đổi khí hậu chính là những người ít gây ra vấn đề này nhất, đó những người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

Ông Ban Ki Moon nhận xét rằng các nhóm tôn giáo đã thành lập, điều khiển hơn một nửa số trường học trên thế giới. Vì thế ông kêu gọi các tôn giáo đầu tư vào những giải pháp có năng lực sạch, mưu ích cho người nghèo và thanh tẩy không khí của chúng ta.

ĐHY Turkson

Trong số các diễn giả có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình. Ngài nói đến sự cấp thiết cần giải quyết vấn đề sự thay đổi khí hậu và khẳng định rằng các giải pháp cho vấn đề này không thể chỉ là những giải pháp kỹ thuật chuyên môn, hoặc là sự quyết tâm tuân giữ các hợp đồng hay những điều cam kết. Đúng hơn các giải pháp đó phải ăn rễ sâu trong luân lý, được luân lý hứơgn dẫn và được đo lường theo mức độ chúng có làm cho con người phát triển và được an sinh hay không.

Được mời tham dự và cộng tác vào việc tổ chức cuộc Hội thảo cũng có chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, và trong tư cách là đồng chủ tịch tổ chức ”Các tôn giáo phụng sự hòa bình” (Religions for peace”.

Trang thông tin trên mạng của Tổ chức này cho biết ”Cuộc hội thảo tại Vatican nhắm thông tin và đạt tới một sự đồng thuận về sự kiện các giá trị phát triển dài hạn rất hợp với các giá trị của các truyền thống tôn giáo lớn. Cuộc thảo luận này diễn ra 8 tháng trước Hội nghị quốc tế tại Paris về khí hậu do LHQ tổ chức, và nhắm nâng cao cuộc thảo luận về các chiều kích luân lý trong việc bảo vệ môi sinh, trước Thông điệp ĐTC sắp công bố về môi sinh; chú ý đặc biệt hơn đến những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. người dễ bị tổn thương hơn; củng cố phong trào liên tôn thế giới hỗ trợ sự phát triển dài hạn để chống lại sự thay đổi khí hậu trong năm 2015 và sau đó.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tổng thư ký LHQ chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tổng thư ký LHQ chào mừng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

NEW YORK. Tổng thư ký LHQ, Ông Ban Ki Moon, chào mừng cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại trụ sở LHQ ở New York sáng ngày 25-9-2015.

Tuyên bố hôm 18-3-2015, Ông Ban Ki Moon gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là một phần quan trọng trong năm lịch sử, LHQ mừng kỷ niệm 70 năm thành lập, và trong đó các quốc gia thành viên sẽ đề ra những quyết định lớn về việc phát triển dài hạn, sự thay đổi khí hậu, tương lai hòa bình và an sinh của nhân loại.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ và sẽ có cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thư ký LHQ, Vị Chủ tịch Đại hội đồng, và sẽ tham dự một cuộc gặp gỡ các nhân viên của LHQ.

Ông Tổng thư ký LHQ tin tưởng rằng cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô sẽ khích lệ cộng đồng quốc tế gia tăng gấp đôi nỗ lực đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người, qua sự thăng tiến công bằng xã hội, tinh thần bao dung và sự cảm thông giữa mọi dân tộc trên thế giới”.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại trụ sở LHQ nằm trong khuôn khổ chuyến viếng thăm của ngài tại Hoa Kỳ, với những trạm dừng tại Washington, New York và Philadelphia, nơi sẽ diễn ra Đại hội kỳ 8 các gia đình Công Giáo thế giới. Theo dự kiến, ĐTC sẽ gặp các gia đình chiều ngày thứ bẩy 26-9 và chủ sự thánh lễ bế mạc đại hội sáng chúa nhật hôm sau, 27-9-2015.

Hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Hạ nghị viện Hoa Kỳ, ông John Boehner, thuộc đảng cộng hòa bang Ohio, loan báo: ĐTC Phanxicô sẽ phát triển trong phiên họp chung của Quốc hội lưỡng viện Mỹ vào ngày 24-9-2015 và ngài sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên làm như vậy.

Tổng giáo phận Washington cho biết sẽ đón tiếp ĐTC, nhưng chưa loan báo ngày chính xác. Trên chuyến bay từ Philippines về Roma ngày 19-1-2015, ĐTC cho biết ngài sẽ tôn phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra OFM tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington.

ĐGH Phaolô 6 đã viếng thăm và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hồi năm 1965, tiếp đến là ĐGH Gioan Phaolô 2 vào năm 1979 và 1995. Sau cùng là ĐGH Biển Đức 16 hồi năm 2008 (CNS 18-3-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Tòa Thánh cổ võ đối phó hữu hiệu với nạn khủng bố quốc tế

Tòa Thánh cổ võ đối phó hữu hiệu với nạn khủng bố quốc tế

NEW YORK. Tòa Thánh kêu gọi LHQ canh tân các qui luật của mình để đối phó hữu hiệu với những hình thức mới của nạn khủng bố quốc tế.

Lập trường trên đây được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày trong bài tham luận hôm 29-9-2014 tại Đại hội đồng thứ 69 của LHQ đang tiến hành tại New York.

ĐHY nhận xét rằng LHQ cho đến nay có thái độ thụ động trước những hành vi thù nghịch mà dân chúng vô tội phải chịu. Vì thế trong thư đề ngày 9-8 năm nay gửi ông tổng thư ký LHQ, ĐTC Phanxico đã kêu gọi các ”cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt những cơ quan trách nhiệm về an ninh, hòa bình, công pháp nhân đạo và trợ giúp người tị nạn, tiếp tục nỗ lực hoạt động, phù hợp với Lời Tựa và những điều khoản quan trọng trong Hiến chương LHQ.”

ĐHY Parolin gọi tình trạng bi thảm ở miền bắc Irak và một số nơi ở Siria là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ: đó là sự hiện hữu của một tổ chức khủng bố đe dọa mọi quốc gia, thề giải tán các nước và thay thế bằng một chính phủ thế giới ngụy tôn giáo. Như ĐTC đã nói, rất tiếc là ngày nay có những người muốn đạt tới quyền lực bằng cách cưỡng bách lương tâm, tước đoạt sự sống, bách hại và giết người nhân danh Thiên Chúa (Xc Oss.Rom. 3-5-2014).

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng ”hiện tượng mới mẻ trên đây với mọi khía cạnh bi thảm của nó, phải thúc đẩy cộng đồng quốc tế thăng tiến một câu trả lời thống nhất, dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý vững chắc và thái độ sẵn sàng cộng tác cho công ích.”

Để đối phó với nạn khủng bố hoàn cầu như thế, Tòa Thánh đặc biệt lưu ý về hai lãnh vực: trước tiên là xử lý nguồn gốc văn hóa và chính trị của những thách đố hiện nay, nhìn nhận nhu cầu phải có những chiến lược mới để giải quyết các vấn đề quốc tế này, trong đó các nhân tố văn hóa giữ một vai trò cơ bản.

Lãnh vực thứ hai là nghiên cứu sâu rộng hơn về hiệu năng của công pháp quốc tế ngày nay, nhất là những cơ cấu mà LHQ sử dụng để phòng ngừa chiến tranh, ngăn chặn những kẻ gây hấn, bảo vệ dân chúng và giúp đỡ các nạn nhân.

ĐHY Parolin khẳng định rằng ”những thách đố do các hình thức khủng bố mới mẻ đề ra không được làm cho chúng ta có những quan điểm thái quá và coi các nền văn hóa đối nghịch nhau. Thái độ thu hẹp trong việc giải thích tình trạng đụng độ khủng bố như thế, coi chúng là ”sự đụng độ giữa các nền văn minh”, là điều lợi dụng sự sợ hãi và những thành kiến hiện có, và chỉ dẫn tới những phản ứng bài người ngoại quốc, rốt cục chỉ ủng cố chính những tâm tình ở nơi trọng tâm chủ nghĩa khủng bố. Những thách đố chúng ta đang đương đầu phải dẫn tới một lời tái kêu gọi đối thoại về tôn giáo và liên văn hóa, thực hiện những phát triển mới trong công pháp quốc tế, thăng tiến những sáng kiến hòa bình công chính và can đảm”. (SD 30-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh kêu gọi chống khủng bố trong sự tôn trọng luật pháp

Tòa Thánh kêu gọi chống khủng bố trong sự tôn trọng luật pháp

NEW YORK. Tòa Thánh kêu gọi thực thi các hoạt động chống khủng bố trong sự tôn trọng các giới hạn luân lý và luật pháp, đồng thời tìm cách bài trừ tận gốc rễ nạn khủng bố.

Lập trường trên đây được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày tại Hội đồng bảo an LHQ hôm 24-9-2014, trong cuộc thảo luận về các chiến binh khủng bố ngoại quốc, liên quan tới vấn đề ”Những đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế do các vụ khủng bố gây nên”.

ĐHY Parolin xác quyết rằng các quốc gia phải cùng nhau chu toàn nghĩa vụ tiên quyết là bảo vệ những người bị bạo lực đe dọa và những vụ trực tiếp tấn công phẩm giá con người. Ngài nhắc lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói sau vụ khủng bố ngày 11-9 năm 2001 tại Mỹ, theo đó ”Quyền bảo vệ các quốc gia và dân tộc chống lại những hành vi khủng bố không cho phép sử dụng bạo lực để chống lại bạo lực, nhưng đúng hơn ”quyền đó phải được thực thi trong sự tôn trọng các giới hạn luân lý và luật pháp khi tôn trong các mục đích và phương tiện. Kẻ có tội phải được xác định rõ, vì tội phạm gian ác luôn có tính chất bản thân và không thể nới rộng cho cả một quốc gia, một nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo mà những khủng bố là có thể là phần tử”.

ĐHY Quốc vụ khanh nói thêm rằng: ”Sự cộng tác quốc tế cũng phải giải quyết những nguyên nhân sâu xa tạo nên nạn khủng bố quốc tế. Trong thực tế, thách đố khủng bố hiện nay có một yếu tố mạnh mẽ về mặt văn hóa xã hội. Những người trẻ ra nước ngoài gia nhập các tổ chức khủng bố thường xuất thân từ những gia đình di dân nghèo, họ thất vọng vì cảm thấy như một tình trạng bị gạt bỏ, và thiếu sự hội nhập, thiếu các giá trị trong một số xã hội. Cùng với những phương tiện luật pháp và tài nguyên để ngăn cản các công dân của mình khỏi trở thành những chiến binh khủng bố, các chính quyền cũng cần phải làm việc với xã hội dân sự để giải quyết những vấn đề của cộng đồng có nguy cơ vị cực đoan hóa và bị tuyển mộ, để giúp họ hội nhập thỏa đáng vào xã hội”.

Trong bài tham luận, ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của những người có tín ngưỡng, phải lên án những kẻ lợi dụng tín ngưỡng để biện minh cho bạo lực. Như ĐGH Phanxicô đã nói trong cuộc viếng thăm mới đây tại Albani: ”Đừng ai coi mình là khiên thuẫn của Thiên Chúa trong khi đề ra kế hoạch và thi hành những hành vi bạo lực và đàn áp! Ước gì đừng ai lạm dụng tôn giáo như cái cớ để thực thi những hành động chống lại phẩm giá con người và chống lại các quyền căn bản của mỗi người nam nữ, nhất là quyền sống và quyền tự do tôn giáo của mỗi người”. (SD 25-9-2014)

Trong phiên nhóm hôm 24-9-2014, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết có tính cách bắt buộc, đòi các nước thành viên phải ngăn chặn các công dân của mình, không được gia nhập các nhóm thánh chiến thuộc Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Tổng thống Mỹ, Barack Obama, đã chủ tọa khóa họp. Ông kêu gọi các chính phủ hãy hết sức cố gắng ngăn chặn việc tuyển mộ và tài trợ các dân quân khủng bố Hồi giáo, đồng thời ông kêu gọi thiết lập một chiến dịch hoàn cầu nhắm phá vỡ phong trào khủng bố.

Nghị quyết trên đây đã được tất cả các nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ thông qua.

Từ tháng trước Hoa Kỳ đã mở các cuộc không tập chống lại Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq và từ đêm 23-9-2014 trở đi, các cuộc oanh kích này cũng được thực hiện tại Syria với sự tham dự của 5 nước Arập. Theo tin từ Syria, các cuộc dội bom trong hai đêm đó đã làm cho ít nhất 14 chiến binh Hồi giáo và 5 thường dân bị thiệt mạng. Một nhà máy lọc dầu của Syria nằm trong tay các dân quân hồi giáo cũng bị oanh kích. Nhà máy này mang lại lợi nhuận mỗi ngày 2 triệu Mỹ kim cho Nhà Nước Hồi giáo (Asia News 25-9-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha cổ võ các dự án chống bắt trẻ em lao động nô lệ và đi lính

Đức Thánh Cha cổ võ các dự án chống bắt trẻ em lao động nô lệ và đi lính

VATICAN. Sáng ngày 11-4-2014, ĐTC đã tiếp kiến các đại diện của Văn Phòng Công Giáo quốc tế về trẻ em, gọi tắt là BICE, và ngài đặc biệt chống lại tệ nạn bắt trẻ em lao động như nô lệ và phải đi lính.

ĐTC nhắc lại sự kiện Văn phòng Bice được thành lập sau khi ĐGH Piô 12 lên tiếng bênh vực trẻ em hậu thế chiến thứ 2. Từ đó tổ chức này luôn dấn thân thăng các quyền của trẻ em và góp phần vào Hiệp ước của LHQ cách đây 25 năm về việc bảo vệ các quyền của trẻ em.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC khẳng định rằng: ”Ngày nay, điều quan trọng là tiếp tục thi hành các dự án chống lại tệ nạn trẻ em phải lao động như nô lệ, trẻ em bị xung vào quân ngũ và mọi thứ bạo hành chống trẻ vị thành niên. Nói một cách tích cực, cần tái khẳng định quyền của trẻ em được lớn lên trong một gia đình, với cha với mẹ có khả năng kiến tại một môi trường thích hợp cho sự phát triển và sự trưởng thành tình cảm của các em”.

ĐTC nói thêm rằng ”Những điều trên đây đồng thời cũng bao gồm quyền của các cha mẹ được giáo dục con em mình về luân lý và tôn giáo. Và về vấn đề này tôi muốn bày tỏ sự phủ nhận của tôi đối với mọi sự thí nghiệm giáo dục trên trẻ em. Không thể thí nghiệm trên trẻ em và người trẻ. Những kinh hoàng trong việc lèo giáo dục như chúng ta đã thấy trong các chế độ độc tài giệt chủng hồi thế kỷ 20, vẫn chưa biến mất; chúng còn có tính chất thời sự dưới những bộ áo và đề nghị hác nhau, dưới chiêu bài tân tiến, chúng thúc đẩy các trẻ em và người trẻ tiến bước trên con đường độc tài của ”tư tưởng duy nhất”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”Làm việc cho các nhân quyền đòi phải luôn giữa cho việc huấn luyện về nhân loại học được sinh động, được chuẩn bị kỹ lưỡng về thực tại con người, và biết trả lời cho những vấn đề và thách đố do các nền văn hóa hiện đại đề ra, cũng như não trạng được phổ biến qua các phương tiện truyền thông. Đối với anh chị em, vấn đề ở đây là cống hiến cho các vị lãnh đạo và nhân viên một sự thường huấn về nhân loại học trẻ em, vì các quyền lợi và nghĩa vụ có nền tảng nơi nền nhân lại học ấy và việc đề ra các dự án giáo dục cũng lệ thuộc vào đó”.

ĐTC cũng nhân danh toàn thể Giáo Hội xin lỗi vì những vụ vi phạm các quyền của trẻ em cho một số linh mục gây ra, những vụ lạm dụng tính dục trẻ em. ”Giáo Hội ý thức về những thiệt hại này. Đó là một lỗi bản thân và luân lý .. nhưng họ là những người của Giáo Hội. Và chúng tôi không muốn thối lui trong những biện pháp xử lý vấn đề này và hình phạt phải được đề ra. Trái lại, tôi tin rằng chúng ta phải rất mạnh mẽ, vì đối với các trẻ em không được đùa giỡn” (SD 11-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình Ủy ban Liên Hiệp Quốc

Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình Ủy ban Liên Hiệp Quốc

VATICAN. Cha Lombardi, Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, mạnh mẽ phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, đi quá thẩm quyền của mình và can thiệp vào giáo huấn đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo.

Trong bản những nhận xét kết thúc, được công bố hôm 5-2-2014, Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, gồm 18 người, đã đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự, mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt. Ủy ban cũng đề nghị Tòa Thánh thay đổi giáo huấn về phá thai, ngừa thai, đồng tính luyến ái.

Trong thông cáo công bố hôm 7-2-2014, Cha Lombardi nói: ”Những nhận xét của Ủy ban theo nhiều hướng dường như đi quá các thẩm quyền của mình và xen mình vào chính các lập trường đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo, đưa ra những chỉ dẫn liên hệ tới sự thẩm định luân lý về việc ngừa thai và chính việc phá thai, hoặc giáo dục trong gia đình, hoặc quan điểm về tính dục con người, dưới ánh sáng quan điểm ý thức hệ của Ủy ban về tính dục.”

Cha Lombardi cũng tố giác Ủy ban LHQ dành sự chú ý tối đa tới những tổ chức phi chính phủ vốn nổi tiếng có thiên kiến chống Công Giáo và Tòa Thánh, mà không để ý tới lập trường của Tòa Thánh, là thành viên ký kết hiệp ước về các quyền trẻ em. Thực vậy, các tổ chức phi chính phủ ấy (ONG) có đặc tính là không muốn nhìn nhận những gì đã được thực hiện tại Tòa Thánh và trong Giáo Hội Công Giáo trong những năm gần đây, qua việc nhìn nhận những sai lầm, canh tân các qui luật, phát triển các biện pháp huấn luyện và phòng ngừa. Không có hoặc rất ít tổ chức nào đã làm nhiều như Tòa Thánh. Người ta không hề thấy trong văn kiện của Ủy ban sự kiện tích cực ấy.

LM Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kêu gọi dư luận đừng nói là sự đụng độ giữa Tòa Thánh và LHQ, vì Tòa Thánh vẫn ủng hộ LHQ một cách mạnh mẽ và chính các vị lãnh đạo cấp cao của LHQ nhiều lần bày tỏ sự quí chuộng đối với sự ủng hộ của Tòa Thánh, đặc biệt qua những lần mời các vị Giáo Hoàng viếg thăm và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ.

Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em chỉ là một bộ phận nhỏ, nhóm họp hai lần một năm để kiểm điểm việc áp dụng Hiệp ước quốc tế về các quyền trẻ em nơi các nước thành viên.

Cha Lombardi nhận xét rằng ”giọng điệu, sự phát triển và quảng cáo mà Ủy ban dành cho văn kiện những nhận xét về Tòa Thánh chắc chắn là điều không bình thường đối với thể thức thông thường đối với các nước khác đã ký Hiệp Ước. Việc làm này khiến cho Tòa Thánh trở thành một đối tượng của những sáng kiến và sự chú ý của giới truyền thông tai hại một cách bất công, và vì thế người ta có lý do chính đáng để phê bình nặng nề đối với Ủy ban này” (SD 7-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em

Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em

VATICAN. Tòa Thánh ngạc nhiên về những nhận xét kết luận của Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, được công bố hôm 5-2-2014 tại Genève, trong đó Ủy ban mạnh mẽ cáo buộc Tòa Thánh về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Cơ quan này của LHQ quả quyết rằng Tòa Thánh tiếp tục vi phạm Hiệp ước về các quyền trẻ em, đồng thời cũng phê bình Vatican về lập trường liên quan đến đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Trong bản những nhận xét kết thúc Ủy ban về các quyền trẻ em đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự.

Ủy ban gồm 18 chuyên gia cũng yêu cầu Tòa Thánh phải mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt.

Trong buổi điều trần ngày 16-1-2014 tại Genève, Đại diện Tòa Thánh cho biết vấn đề xử lý các giáo sĩ phạm tội về phương diện hình luật thuộc thẩm quyền của nhà chức trách tư pháp của mỗi quốc gia nơi đương sự cư ngụ hoặc là công dân, với sự cộng tác của giáo quyền địa phương.

Đức TGM Silvano Tomasi

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên Sergio Centofanti của Đài Vatican, cùng ngày 5-2-2014, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, đã bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói rằng:

– Ủy ban Hiệp ước về các quyền của con người đã chính thức công bố hôm nay (5-2-2013) các kết luận và đề nghị với các nước được cứu xét trong khóa họp thứ 65 và gồm có Congo, Đức, Tòa Thánh, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: cần phải đợi, đọc kỹ lưỡng và phân tích chi tiết những gì các thành viên (18) Ủy ban này đã viết. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, vì khía cạnh tiêu cực của văn kiện mà nó gây ra. Dường như những kết luận trong văn kiện này đã được chuẩn bị trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Ủy ban và phái đoàn Tòa Thánh (ngày 16-1-2014 tại Genève). Phái đoàn đã trình bày các câu trả lời chi tiết rõ ràng về nhiều điểm, và tiếc là những câu trả lời đó đã không được ghi lại trong Văn kiện kết thúc này, hoặc ít là dường như các câu trả lời của phái đoàn Tòa Thánh đã không được cứu xét nghiêm túc. Thực tế là văn kiện kết thúc có vẻ như hầu như không được cập nhật gì, không đề ý gì đến những điều đã được thực hiện trong những năm gần đây trên bình diện Tòa Thánh, với những biện pháp được thẩm quyền của Quốc gia thành Vatican trực tiếp đề ra, và tại các nước khác nhau do các HĐGM đưa ra. Vì thế, tài liệu kết luận của Ủy ban LHQ thiếu một viễn tượng đúng đắn và không được cập nhật. Thực tế là đã có một loạt những thay đổi về phía Công Giáo để bảo vệ các trẻ em, mà tôi thấy khó tìm được ở cùng một mức độ dấn thân trong các tổ chức hoặc trong các nước khác. Đây là một sự kiện hiển nhiên không thể xuyên tạc được!

H. Làm sao Tòa Thánh trả lời chính xác cho mỗi lời cáo buộc của Ủy ban LHQ?

Đ. Không thể trả lời trong vòng 2 phút cho tất cả những lời khẳng định được đưa ra một cách rất sai trái trong Văn kiện kết luận của Ủy ban LHQ. Với tư cách là một thành viên, một quốc gia đã ký kết Hiệp ước, Tòa Thánh sẽ trả lời: Tòa Thánh đã phê chuẩn Hiệp ước và muốn tuân giữ Hiệp ước đó trong tinh thần và trong chữ viết, không du nhập thêm những thêm thắt ý thức hệ hoặc những áp đặt đi ra ngoài chính Hiệp ước. Ví dụ: trong lời tựa, Hiệp ước nói về việc bảo vệ sự sống và bênh vực trẻ em trước và sau khi sinh ra; trong khi đó thì Ủy ban lại đề nghị Tòa Thánh hãy thay đổi lập trường về vấn đề phá thai! Dĩ nhiên, khi một trẻ em bị giết rồi thì không còn quyền nữa! Vì thế tôi thấy đó thực là một điều trái ngược với những mục tiêu cơ bản của Hiệp Ước là bảo vệ các trẻ em. Ủy ban này đã không làm điều có lợi cho LHQ, khi tìm cách du nhập và đòi Tòa Thánh phải thay đổi giáo huấn không thể thương lượng được của mình! Vì thế, quả là buồn khi thấy Ủy ban LHQ đã không hiểu rõ bản chất và chức năng của Tòa Thánh, tuy Tòa Thánh đã nói rõ với Ủy ban quyết định của mình thi hành những yêu cầu của Hiệp ước về các quyền của trẻ em, nhưng còn xác định rõ và bảo vệ trước tiên các giá trị căn bản làm cho việc bảo vệ trẻ em trở nên thực sự và hữu hiệu.

H. Thoạt đầu LHQ nói rằng Vatican đã đáp ứng tốt đp hơn các nước khác về việc bảo vệ các trẻ vị thành niên. Vậy nay điều gì đã xảy ra?

Đ. Trong phần dẫn nhập của Phúc trình kết thúc có nhìn nhận sự rõ ràng trong các câu trả lời của Tòa Thánh được gửi về Ủy ban; Tòa Thánh không tìm cách tránh né một yêu cầu nào của Ủy ban, theo sự hiển nhiên hiện có, và khi không có thông tin ngay, thì chúng tôi hứa sẽ cung cấp các tin tức đó trong tương lai, theo các chỉ thị của Tòa Thánh, như tất cả các chính phủ khác đã làm. Vì thế, chúng tôi thấy cuộc gặp gỡ ngày 16-1-2014 có vẻ là một cuộc đối thoại xây dựng và tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục như vậy. Vì thế, giữa cảm tưởng về cuộc đối thoại trực tiếp của phái đoàn Tòa Thánh với Ủy ban, và văn bản kết luận cùng những đề nghị mà Ủy ban công bố, chúng tôi muốn nói rằng có lẽ văn bản những kết luận này đã được viết từ trước và không phản ảnh phần đóng góp và sự rõ ràng, ngoại trừ một vài điều được thêm vào một cách vội vã. Vì thế, chúng tôi phải tiếp tục trình bày giải thích về các lập trường của Tòa Thánh, trả lời cho những câu hỏi còn tồn đọng, làm sao để mục tiêu cơ bản mà người ta muốn đạt tới là sự bảo vệ trẻ em có thể đạt được. Người ta nói là có 40 triệu vụ lạm dụng trẻ em trên thế giới. Rất tiếc là một số trường hợp ấy, – tuy là với tỷ lệ rất nhỏ, so với những gì xảy ra trên thế giới, – cũng liên hệ tới những người của Giáo Hội. Và Giáo Hội đã trả lời và đã phản ứng, và tiếp tục làm như thế! Chúng ta phải nhấn mạnh về chính sách minh bạch này, không dung thứ sự lạm dụng, vì dù chỉ có một vụ lạm dụng trẻ em mà thôi thì cũng là một điều quá nhiều rồi!

H. Vậy điều gì có thể xảy ra?

Đ. Có lẽ các tổ chức phi chính phủ quan tâm với việc bảo vệ đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái và những vấn đề khác, chắc chắn là họ có những nhận xét cần trình bày và một cách nào đó đã củng cố một đường hướng ý thức hệ.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh

Trong thông cáo công bố sáng ngày 5-2-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng lấy làm tiếc vì Ủy ban LHQ về các quyền của trẻ em toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thi hành tự do tôn giáo:

”Vào cuối khóa họp thứ 65, Ủy ban về các quyền trẻ em đã công bố những nhận xét kết thúc về việc cứu xét các phúc trình của Tòa Thánh và 5 quốc gia đã ký kết Hiệp ước về các quyền trẻ em là Congo, Đức, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen.

Theo những thủ tục dự kiến dành cho các nước ký Hiệp Ước, Tòa Thánh ghi nhận những nhận xét kết luận về các bản phúc trình của mình, các nhận xét đó sẽ được cứu xét và nghiên cứu kỹ lưỡng trong sự tôn trọng hoàn toàn Hiệp Ước trong các lãnh vực khác nhau được Ủy ban trình bày, chiếu theo công pháp và thực hành quốc tế cũng như để ý đến cuộc thảo luận trao đổi với Ủy ban ngày 16-1 vừa qua.

Tuy nhiên, Tòa Thánh lấy làm tiếc vì thấy trong một số điểm của những quan sát kết thúc có một toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thực thi tự do tôn giáo. Bản nhận xét của Ủy ban đã phê bình giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm bênh vực và bảo vệ các quyền của trẻ em, phù hợp với các nguyên tắc được Hiệp ước về các quyền trẻ em thăng tiến, và theo các giá trị luân lý và tôn giáo được đạo lý Công Giáo.”

G. Trần Đức Anh O.P chuyển ý