Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Santiago de Chile

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại Santiago de Chile

SANTIAGO. Khi đến thủ đô Santiago de Chile chiều tối ngày 15-1-2018, ĐTC Phanxicô đã được các tín hữu, giáo quyền và chính quyền Chile nồng nhiệt đón tiếp.

Sau hơn 15 giờ bay từ Roma, máy bay Alitalia chở ĐTC và hơn 100 người cùng đi đã đáp xuống phi trường thủ đô Santiago de Chile lúc 7 giờ 15 chiều ngày 15-1-2018.

Chờ sẵn tại sân bay có bà Tổng thống Michelle Bachelet, cùng với ĐHY Ezzati, TGM Santiago, một số vị trong HĐGM và đông đảo ký giả. Trong số những người hiện diện có Chủ tịch Thượng Viện, Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện, ngoại trưởng Chile và một số vị thị trưởng vùng thủ đô.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được bà Tổng thống Chile chào đón và hai em bé trong y phục truyền thống tặng hoa cho ngài, trước khi duyệt qua hàng quân danh dự.

Ca đoàn thiếu nhi thuộc Nhà Hát Thành Phố đã hát mừng ĐTC, đặc biệt có một em bé gái 10 tuổi đã đơn ca mừng ngài. Em tên là Constanza Wilson. Sau bài ca, em được ngài chào thăm, chúc lành và tặng cho em xâu chuỗi mân côi.

ĐTC đã dành gần 1 tiếng rưỡi để tiến qua quãng đường dài 24 cây số từ phi trường về tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Xe chạy chậm để hàng chục ngàn tín hữu đứng hai bên đường có thể chào đón ngài. Một điều ở ngoài chương trình chính thức, đó là khi đến giáo xứ thánh Luis Beltrán, thuộc làng Padaheuel, ĐTC đã dừng lại để viếng thăm và cầu nguyện tại mộ của Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, quen được gọi là ”vị Giám Mục của dân nghèo”. Đức Cha qua đời năm 1982, thọ 66 tuổi, nguyên là Tổng đại diện của giáo phận Santiago, rồi làm GM chính tòa giáo phận San Felipe (1965-1974), trước khi trở về thủ đô Santiago làm GM phụ tá của ĐHY Raul Silva Henriquez (1974-1982). Ngài có lòng yêu thương đặc biệt đối với dân nghèo, thợ thuyền, nông dân, các nạn nhân bị chà đạp nhân quyền, những người sống ngoài lề xã hội. Án phong chân phước cho Đức Cha được khởi sự cách đây 6 năm, vào ngày 9-3 năm 2012.

Khi xe đến trước tòa Sứ Thần, ĐTC đã chào thăm hàng trăm tín hữu chờ đợi ngài ở đây. Họ reo hò, vỗ tay và có những người khóc vì cảm động. Có một ca đoàn các học sinh và một ca đoàn tu sĩ hát chào mừng ngài, trong đó có cả bài ca ”Amigo Papa Francisco”, Hỡi bạn Giáo Hoàng Phanxicô!

Sau khi đích thân chào đón ĐTC ở phi trường, Bà tổng thống Bachelet gửi một sứ điệp ngắn qua mạng xã hội trong đó bà chúc mừng ngài và quả quyết rằng so với thời kỳ ĐGH Gioan Phaolô 2 đến thăm cách đây 31 năm, ”Chile hiện nay là một xã hội công bằng, tự do và bao dung hơn, nhưng với những chênh lệch đang cần được sứ điệp hy vọng của một người em tinh thần của thánh Alberto Hurtado”.

Cha Hurtado thuộc dòng Tên, qua đời năm 1952 lúc 51 tuổi và là người thành lập ”Mái Ấm Chúa Kitô” ở Chile, chuyên đón tiếp và giúp đỡ những người ở ngoài lề xã hội. Cha được ĐGH Biển Đức 16 tôn phong hiển thánh cách đây 13 năm (2005).

Cũng sau khi đón tiếp ĐGH ở Phi trường Santiago, bà Tổng thống Michelle Bachelet đã bất ngờ đến trung tâm báo chí quốc tế được đặt tại khách sạn Sheraton, để chào thăm và cám ơn 1.500 ký giả các nước tại đây, đang theo dõi và tường thuật về cuộc viếng thăm của ĐTC. Bà nói: ”Tôi cám ơn quí vị đã đến đây và hy vọng rằng ĐGH cũng như các bạn hài lòng đề đất nước chúng tôi, về dân chúng, nền văn hóa và thắng cảnh cũng như các món đặc sản của Chile này”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp cho người trẻ có khả năng mơ ước, và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Đón nhận lời hứa trong thầm lặng và can đảm

Thánh Giuse vâng lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ. Thánh nhân trỗi dậy, đón nhận Maria về nhà mình, vì Mẹ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người thầm lặng và vâng phục. Thánh nhân đã mang lấy trọng trách về lời hứa Thiên Chúa dành cho dân.

Người đàn ông này, con người có tên Giuse ấy, con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn.

Đấng bảo trợ những ai yếu đuối

Thánh Giuse là người có thể nói cho chúng ta nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ngài là con người ẩn dật, thầm lặng. Ngài cho thấy thẩm quyền được thể hiện mạnh nhất ngay khi dường như không thấy. Những gì Thiên Chúa trao phó cho tâm hồn của thánh nhân, dường như là “những thứ rất yếu đuối”. Đó là những lời hứa và lời hứa ấy tỏ ra rất yếu ớt. Sau đó, một trẻ thơ chào đời, cuộc trốn chạy sang Aicập, đó là những hoàn cảnh khó khăn và yếu đuối. Thế mà thánh nhân đã mang lấy tất cả trong trái tim mình, và ra sức thực hiện những gì yếu hèn ấy với tất cả sự hiền từ nhân hậu, sự hiền từ ẵm lấy một trẻ thơ.

Con người Giuse ấy, người đàn ông ấy không nói nhưng đã vâng phục. Ngài là con người của sự hiền lành, người có khả năng thực hiện lời hứa, có khả năng làm cho lời hứa thành khả tín thành chắc chắn và đảm bảo cho việc hoàn thành lời hứa ấy. Thánh nhân trở thành người bảo vệ cho sự vững bền của Nước Thiên Chúa. Thánh nhân trở thành cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Tôi thích nghĩ về thánh Giuse là Đấng bảo trợ những ai yếu hèn, và ngay cả Ngài bào chữa cho những yếu đuối của chúng ta. Để rồi chúng ta có thể ra khỏi những yếu đuối và tội lỗi, mà làm nảy sinh biết bao điều tốt đẹp.

Hãy có khả năng mơ ước

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ những ai yếu đuối, để họ có thể trở nên vững mạnh trong đức tin. Nhiệm vụ này Ngài đã nhận được ngay từ trong giấc mơ. Ngài là người có khả năng mơ ước. Ngài là người bảo vệ giấc mơ của Thiên Chúa. Ước mơ của Thiên Chúa là cứu độ tất cả chúng ta, là cứu chuộc chúng ta. Thánh nhân ôm lấy ước mơ của Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Người thợ mộc vĩ đại này! Ngài là người lặng thầm, luôn làm việc, luôn giữ gìn bảo bọc, mang lấy những gì là yếu đuối và Ngài là con người có khả năng mơ ước.

Hôm nay, cha mời gọi tất cả chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ.

Tứ Quyết SJ

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

MEXICO. Hàng trăm ngàn người đã dành cho ĐTC Phanxicô một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt khi ngài đến đây chiều tối ngày 12-2-2016 để khởi sự cuộc viếng thăm cho đến hết ngày 17-2-2016.

Sau cuộc gặp gỡ và từ biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, Chủ tịch Raoul Castro đã tiễn ĐTC đến chân thang máy bay.

Máy bay chở ngài cất cánh lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày 12-2 và trực chỉ phi trường thủ đô Mexico cách đó 1,780 cây số về hướng tây. Trên chuyến bay dài 2 tiếng rưỡi, ĐTC đầy vui mừng và phấn khởi vì cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, nên ngài đến gặp 76 ký giả tháp tùng. Ngài nói:

”Chào anh chị em, tôi nghĩ là với bản tuyên ngôn chung, anh chị em sẽ làm việc suốt đêm và cả ngày mai nữa! Vì thế, chúng ta không làm cuộc phỏng vấn bây giờ, nhưng tôi muốn nói với anh chị những tâm tình của tôi:

-- Trước tiên là về cuộc tiếp đón và sự sẵn sàng của chủ tịch Castro. Lần trước thăm Cuba, tôi đã nói với ông về dự án cuộc gặp gỡ nhau và ông sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và chúng ta thấy ông đã chuẩn bị tất cả cho cuộc gặp gỡ. Cần cám ơn ông chủ tịch về điều này.

-- Thứ hai, với Đức Thượng Phụ Kirill. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện như giữa anh em với nhau. Những điểm rõ ràng, những bận tâm của hai bên, chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn. Tôi có cảm tưởng đang đứng trước một người anh em, và cả Đức Thượng Phụ cũng nói với tôi như vậy. Chúng tôi nói về tình hình hai Giáo Hội liên hệ, về thế chiến thứ 3 từng mảnh, nhưng có liên hệ tới mọi người. Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn cởi mở với nhau.

-- Thứ ba, chúng tôi đã đề ra chương trình hoạt động chung vì hiệp nhất được thực hiện qua sự đồng hành. Chúng tôi cũng nói về bản tuyên ngôn mà anh chị em đang cầm ở tay. Sẽ có rất nhiều giải thích. Nhưng nếu có nghi ngờ thì cha Lombardi có thể nói ý nghĩa đích thực. Đây không phải là tuyên ngôn chính trị, xã hội học, nhưng là tuyên ngôn mục vụ… Và bây giờ, 23 cây số đi trên xe mui trần đang chờ đợi tôi ở Mexico…

Đón tiếp

Máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez của thủ đô Mexico lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Biển Đức 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mêhicô vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Enrique Pena (Penha) Nietro và phu nhân tiếp đón. 4 em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa và một bình đựng đất Mexico cho ngài.

3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn người, trong đó có một lễ đài dành cho các nhạc sĩ, nhạc công và vũ viên. Họ ca hát và trình diễn những điệu vụ chào mừng ĐTC.

Ngài tiến lại gần để chào thăm họ. Mộ đám trẻ em chạy tới ôm ngài. ĐTC cũng chúc lành và một em bé bị bệnh đang được cha em bế trên tay. Có nhóm nhạc sĩ tặng ĐTC chiếc mũ rộng vành của Mexico.

ĐTC lên xe díp có mái kiếng trong che trần để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, và dọc đường 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ mang theo đèn pin để soi đường và chiếu sáng để chào mừng ĐTC. Đoàn xe không thể chạy nhanh được vì dân chúng quá đông đảo.

Tuy mệt vì cuộc dành trình dài gần 24 tiếng đồng hồ, nhưng chắc chắn ĐTC rất hài lòng vì ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm 6 ngày.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

Đón tiếp ĐTC tại Cuba

LA HABANA. Trong diễn văn đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô cổ võ các vị lãnh đạo chính trị tiếp tục tiến trình cởi mở và hòa giải.

 

Sau gần 12 giờ bay từ Roma, máy bay của hãng Alitalia, chở ĐTC Phanxicô, đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế, đã đáp xuống phi trường José Marti ở La Habana, thủ đô Cuba, lúc gần 4 giờ chiều thứ bẩy, 19-9-2015, mở đầu cho các hoạt động của ngài trong 10 ngày viếng thăm tại Cuba, Hoa Kỳ và LHQ, chuyến đi dài nhất trong 10 cuộc tông du ngài thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.

 

Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Cuba có chủ đề là ”Thừa sai của lòng thương xót”, ám chỉ tới Năm Thánh ngoại thường về lòng xót thương của Chúa sẽ được chính thức khai mạc vào ngày 8-12 tới đây, kỷ niệm đúng 50 năm bế mạc công đồng chung Vatican 2.

 

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC ngài đã được chủ tịch Raoul Castro cùng với ĐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận La Habana sở tại tiếp đón, trong khi 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách. 5 em bé đã tặng hoa cho ngài, và ngài dừng lại hỏi thăm các em và tặng mỗi em một xâu chuỗi mân côi.

 

Trong diễn văn chào mừng, chủ tịch Raoul Castro đã bày tỏ lòng quí mến, kính trọng và tâm tình nồng nhiệt của nhân dân Cuba được đón tiếp ĐGH và ông nói rằng: ”Chúng tôi rất quí chuộng và biết ơn vì sự nâng đỡ của ngài dành cho cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Cuba.. Việc tái lập quan hệ ngoại giao là bước đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, giải quyết các vấn đề và sửa chữa những bất công.. Sự cấm vận đã gây ra những thiệt hại cho con người và những khó khăn cho các gia đình Cuba. Việc cấm vận ấy là điều tàn ác, vô luân và bất hợp pháp. Cần phải loại bỏ cấm vận”.

 

Chủ tịch Castro cũng gọi chế độ kinh tế quốc tế hiện nay là bất công vì nó hoàn cầu hóa tư bản và biến tiền bạc thành thần tượng. Ông hãnh diện vì những chinh phục của chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba, nhất là trong lãnh vực y tế, học đường, nhưng ông cũng nhìn nhận cần hải thực thi kiểu mẫu này về mặt kinh tế và xã hội.

 

Diễn văn đầu tiên của ĐTC tại Cuba

 

Về phần ĐTC, lên tiếng sau lời chào mừng của Chủ tịch Castro, ĐTC cám ơn chính quyền, giáo quyền, và tất cả những người đã chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài và nhắc đến các vị tiền nhiệm đã đến thăm nước này:

 

”Trong năm 2015 này, có kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Cuba và Tòa Thánh. Chúa Quan phòng cho tôi được đến đây ngày hôm nay, tại đất nước yêu quí này, theo vết không thể xóa nhòa trên con đường đã được các cuộc tông du đáng ghi nhớ mở ra, các cuộc viếng thăm của hai vị tiền nhiệm của tôi tại nước này, Thánh Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16. Tôi biết rằng việc nhớ lại các vị gợi lên lòng biết ơn và quí mến nơi dân chúng và chính quyền Cuba. Hôm nay, chúng ta canh tâm những quan hệ cộng tác và thân hữu để Giáo Hội tiếp tục tháp tùng và khích lệ nhân dân Cuba trong niềm hy vọng và lo âu, với tự do và những phương thế, cũng như những không gian cần thiết để đưa việc loan báo Nước Trời đến tận các môi trường ngoại ô của cuộc sống trong xã hội”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng cuộc tông du này cũng trùng với dịp kỷ niệm 100 năm tuyên bố Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng là bổn mạng của Cuba, do ĐGH Biển Đức 15 xác định. Chính các cựu chiến binh dành độc lập, do tâm tình đức tin và lòng yêu nước thúc đẩy, đã xin Đức Trinh Nữ mambisa là bổn mạng của Cuba như một nước tự do và có chủ quyền. Từ đó Mẹ đã tháp tùng lich sử nhân dân Cuba, nâng đỡ niềm hy vọng giữ gìn phẩm giá con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và bảo vệc sự thăng tiến tất cả những gì mang lại phẩm giá cho con người. Lòng sùng kính gia tăng đối với Đức Trinh Nữ Bác Ái mỏ đồng là một chứng tá hữu hình về sự hiện diện của Đức Mẹ trong tâm hồn người dân Cuba. Trong những ngày này tôi sẽ được cơ hội đến Đền thánh Mỏ Đồng như người con và như người lữ hành, để cầu xin Mẹ cho tất cả những người con Cuba của Mẹ và cho đất nước yêu quí này, để tiến bước trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải.

 

”Về mặt địa lý, Cuba là một quần đảo quay về mọi hướng, với một giá trị đặc biệt như ”chìa khòa” giữa bắc và nam, giữa đông và tây. Ơn gọi tự nhiên là ơn gọi trở thành điểm gặp gỡ để tất cả mọi dân tộc ở trong tình thân hữu, như José Martí vẫn mơ ước, ”vượt lên trên những chật hẹp của eo biển và những hàng rào của biển cả” (Hội nghị tiền tệ của các cộng hòa Mỹ châu, Obras escogidas II, La Habana 1992, 505). Đây cũng chính là ước muốn của thánh Gioan Phaolô 2 với lời kêu gọi nồng nhiệt của ngài ”để Cuba cởi mở đối với tất cả những khả thể tuyệt vời của mình với thế giới và thế giới cởi mở với Cuba” (diễn văn 21-1-1998,5).

 

Nhắc đến những biến cố gần đây, ĐTC nói: ”Từ vài tháng nay, chúng ta chứng kiến một biến cố khiến chúng ta đầy hy vọng: đó là tiến trình bình thường hóa những quan hệ giữa hai dân tộc, sau bao năm xa cách. Đó là một dấu chỉ về sự trổi vượt của nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, hệ thống giá trị đại đồng.. trên chế độ triều đại và phe nhóm đã chết mãi mãi” (José Martí, ibid.). Tôi khuyến khích các vị lãnh đạo chính trị hãy tiếp tục con đường này và phát huy mọi tiềm năng của nó, như bằng chứng về sự phục vụ cao quí mà họ được kêu gọi thực hiện cho hòa bình và an sinh của các dân tộc của mình, của toàn Mỹ châu và như mẫu gương về sự hòa giải cho toàn thế giới.

 

”Tôi phó thác những ngày này cho sự chuyển cầu cảu Đức Trinh Nữ Bác ái Mỏ đồng, chân phước Olallo Valdés và José López Pieteira và Đấng đáng kính Félix Varela, nhà đại phổ biến tình thương giữa người Cuba và tất cả mọi người, để gia tăng những mối liên hệ hòa bình, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau”.

 

Rời phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa chiều và qua đêm. Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết dọc đường dài 18 cây số, có hơn 100 ngàn người đứng hai bên đường để chào đón ngài. Theo báo chí, số người phải đông đảo hơn nhiều, với những hàng dài ngày càng dầy đặc hơn khi xe chở ĐTC đến gần tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha đến Hàn Quốc

Đức Thánh Cha đến Hàn Quốc

HÁN THÀNH. Lúc 10 giờ 10 phút sáng thứ năm, 14-8-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Hán Thành của Hàn Quốc sau chuyến bay dài hơn 11 tiếng đồng hồ từ Roma.

Đón tiếp

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia đáp xuống căn cứ không quân Hán Thành ở thành phố Thành Nam (Seongnam) thuộc tỉnh Kinh Kỳ (Gyeonggi). 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách, trong khi Bà Tổng thống Phác Cận Huệ đón chào ĐTC ngay tại chân thang máy bay trước khi hai em bé trong y phục cổ truyền của Hàn quốc tặng hoa cho ngài.

pope-francis and Korea President

Trong phái đoàn 300 tín hữu Công Giáo Hàn Quốc hiện diện tại Phi trường để chào đón ĐTC cũng có 2 người đã vượt biên từ Bắc Triều Tiên, 4 thân nhân các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ đắm tầu ngày 16-4 năm nay, hai công nhân nước ngoài từ Philippines và Bolivia, những người tàn tật và con cháu các vị tử đạo sắp được phong chân phước.

ĐTC được cha John Chong Che Chon, tân Giám tỉnh Dòng Tên tại Hàn Quốc, làm thông ngôn trong chuyến viếng thăm này. Khi được giới thiệu với một trong những thân nhân nạn nhân đắm tàu, ngài nói: ”Tai nạn này thật là đau thương. Tôi không quên các nạn nhân. Hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên luôn có chỗ đứng trong tâm hồn tôi”.
Bầu không khí tiếp đón thật nồng nhiệt và tưng bừng. Liền đó ĐTC đã lên chiếc xe nhỏ hiệu Kia màu xám đậm, chế tạo tại địa phương, để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 17 cây số để cử hành thánh lễ riêng, trước khi dùng bữa và nghỉ trưa.

Gặp chính quyền

Lúc gần 4 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC đã đến Phủ Tổng thống Hàn Quốc chỉ cách tòa Sứ Thần 800 mét. Dinh thự này quen gọi là tòa Nhà Xanh hay là ”Thanh ngõa đài” với 150 ngàn miếng ngói màu xanh dương với hai khu nhà bên cạnh. Dinh này được kiến thiết hồi năm 1991 thay thế cho dinh được xây dựng dưới thời Nhật Bản cai trị Hàn quốc.

Đến nơi ĐTC đã được bà tổng thống Phác Cận Huệ đón tiếp với tất cả nghi thức, quốc thiều và đoàn quân danh dự diễn hành trước lễ đài, và được mời vào phòng khánh tiết của Phủ Tổng Thống để hội kiến, cùng với hai vị Bộ trưởng Hàn quốc, ĐHY Quốc vụ khanh Parolin và Đức TGM Osvaldo Padilla, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hán Thành.


Bà Phác Cận Huệ nguyên là con của cố tổng thống Phác Chánh Hy, năm nay 62 tuổi (1952). Bà đã theo học tại trường Nữ Trung Học Thánh Tâm. Hồi đó vào năm 1965, bà đã chịu phép rửa tội với tên thánh là Juliana.


Bà đã tốt nghiệp Kỹ Sư tại Đại học Tây Giang (Sogang) do Dòng Tên thành lập ở Hán Thành. Năm 2012 bà là Phụ nữ đầu tiên đắc cử tổng thống Hàn quốc và thuộc đảng Saenuri. Từ khi được bầu làm tổng thống hồi tháng 2 năm ngoái, bà Phác Cận Huệ đã 5 lần cố gắng mời ĐGH Phanxicô đến viếng thăm Hàn Quốc trong đó có 4 thư bà viết tay mời ngài đến thăm. Lần đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái khi bà gửi phái đoàn do Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch đến dự lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC ngày 19-3-2013 tại Quảng trường thánh Phêrô, và trong dịp đó phái đoàn đã trao thư viết tay của Bà Tổng thống chúc mừng ĐTC. Năm ngoái bà lại mời nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn quốc và Tòa Thánh.

Sau khi hội kiến riêng và trao đổi quà tặng, Tổng thống và ĐTC tiến sang phòng khánh tiết trước sự hiện diện của khoảng 200 người gồm các vị lãnh đạo chính quyền, đại diện ngoại giao đoàn và nhiều chức sắc khác.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Bà Phác Cận Huệ đã trình bày những giai đoạn trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Hàn Quốc và nói về những nơi sẽ được ngài đến. Sau đó bà cũng nói về cuộc chiến giữa hai miền thuộc bán đảo Triều Tiên, không những tạo nên một vết thương sâu đậm cho quốc dân, nhưng còn gây ra bao nhiêu chia cách cho các gia đình.

Về phần ĐTC, trong diễn văn đầu tiên, ngài đã dùng tiếng Anh và nói rằng:

”Thật là một niềm vui lớn cho tôi được đến Hàn Quốc, đất nước buổi sáng yên hàn, Triều Tiên, và cảm nghiệm không những vẻ đẹp thiên nhiên của quốc gia này, nhưng nhất là vẻ đẹp của dân chúng và lịch sử văn hóa phong phú của nước này. Gia sản đất nước này qua các năm tháng đang bị thửc thách vì bạo lực, bách hại và chiến tranh. Nhưng mặc dù những đau thương, sự nóng nực ban ngày và bóng tối của ban đêm vẫn luôn nhường chỗ cho buổi sáng yên hàn, nghĩa là cho một niềm hy vọng không suy giảm, mong được công lý, hòa bình và thống nhất.

ĐTC cũng nhắc đến hai lý do chính cuộc viếng thăm của ngài, trước tiên là Đại hội giới trẻ Công Giáo Á châu lần thứ 6, một cuộc cử hành đức tin chung trong vui tươi, qui tụ các bạn trẻ Công Giáo từ các nước thuộc Á châu, và tiếp đến là lễ tôn phong chân phước cho các vị chứng nhân đức tin Hàn quốc: Phaolô Duẫn Trì Trung (Yun Ji Chung) và 123 bạn.

ĐTC ca ngợi sự kiện xã hội Hàn quốc hiểu rõ sự khôn ngoan và phẩm giá của người già và vai trò của họ trong xã hội. Như một dân tộc khôn ngoan không phải chỉ yêu mến truyền thống của mình, nhưng còn đề cao giá trị của người trẻ, tìm cách thông truyền cho họ gia sản quá khứ và áp dụng gia sản ấy vào những thách đố ngày nay. ĐTC cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc suy tư về cách thức thích hợp nhất để thông truyền các giá trị cho các thế hệ tương lai và đâu là loại xã hội mà ta mong muốn. Trong bối cảnh Hàn quốc, ĐTC nhấn mạnh hồng ân hòa bình, hòa giải, và sự ổn định tại bán đảo Triều tiên. Một thách đố đối với ngoại giao, một thách đố ngàn đời là làm sao phá đổ những bức tường nghi kỵ và oán ghét, thăng tiến một nền văn hóa hòa giải và liên đới. ”Vì ngoại giao, trong tư cách là một nghệ thuật về những gì có thể, được dựa trên xác tín kiên vững và bền bỉ, theo đó hòa bình có thể đạt được bằng sự lắng nghe và đối thoại trong thanh thản, hơn là bằng sự trách cứ nhau, những phê bình vô bổ và sử dụng võ lực”.

”Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, nhưng là thành quả công lý. Và công lý, như một nhân đức, đòi phải có sự bền chí kiên nhẫn, nó đòi chúng ta không quên những bất công quá khứ, nhưng cần vượt thắng chúng bằng sự tha thứ, bao dung và cộng tác. Nó đòi phải có ý chí phân định và đạt tới những mục tiêu có lợi cho nhau, trên những nền tảng tôn trọng lẫn nhau, cảm thông và hòa giải”.

ĐTC cũng nhận định rằng: Kinh nghiệm dạy chúng ta trong một thế giới ngày càng hoàn cầu hóa, nhận thức của chúng ta về công ích, tiến bộ và phát triển, xét cho cùng không phải chỉ có tính chất kinh tế, nhưng còn phải có đặc tính nhân bản nữa.

Cùng với phần lớn các nước phát triển, Hàn Quốc đang đương đầu với những vấn đề xã hội quan trọng, những chia rẽ chính trị, chênh lệch về kinh tế và những lo âu liên quan tới việc quản lý môi sinh trong tinh thần trách nhiệm. ĐTC kêu gọi làm tất cả những gì có thể để kiến tạo một bầu không khí xã hội trong đó mỗi thành phần của xã hội được lắng nghe, trong đó người ta duy trì tinh thần đả thông cởi mở, đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, những người dễ bị tổn thương, nhưng người không có tiếng nói, không những chỉ đáp ứng nhu cầu nhất thời của họ, nhưng còn thăng tiến họ trong sự tăng trưởng về mặt nhân bản và tinh thần. Một điề biệt cần thiết ngày nay là một sự hoàn cầu hóa sự liên đới, nhắm mục tiêu phát triển toàn diện mỗi người trong gia đình nhân loại.

Sau cùng, ĐTC Phanxicô nhắc lại lời ĐGH Gioan Phaolô 2 đã nói tại Hàn Quốc cách đây 25 năm về ước muốn liên lỷ của Cộng đoàn Công Giáo Hàn Quốc được tham gia trọn vẹn vào đời sống quốc gia. Giáo Hội muốn góp phần vào việc giáo dục người trẻ, làm tăng trưởng tình liên đới đối vlơi ngư;ơi nghèo, người gặp khó khăn và góp phần vào việc huấn luyện các thế hệ công dân trẻ, sẵn sàng đóng góp sự khôn ngoan và sáng suốt được thừa hưởng từ tiền nhân và nảy sinh từ đức tin, để đương đầu với những vấn đề lớn về chính trị và xã hội của đất nước”.

Giã từ phủ tổng thống Hàn Quốc vào lúc quá 5 giờ chiếu, ĐTC đã đến trụ sở Hội đồng GM cách đố 12 cây số để gặp gỡ 2 Hồng Y và 33 GM thuộc 16 giáo phận toàn quốc.

Bên lề chuyến viếng thăm ca ĐTC

– Lúc 11 giờ sáng thứ tư, 13-8-2014, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả, trong tư cách riêng, không có người tháp tùng, và ngài cầu nguyện trong thinh lặng khoảng 20 phút trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và dâng hoa trên bàn thờ kính Đức Mẹ.

Đây là lần thứ 10 ĐTC đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Mẹ. Lần đầu tiên sáng ngày 14-3 năm ngoái, tức là hôm sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng. Những lần trước đây, trước khi khởi hành công du và sau đó, ngài đều đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ.

– Trên máy bay bay từ Roma tới Hàn quốc, ĐTC đã chào 72 ký giả thuộc 11 quốc gia tháp tùng ngài và ngài đặc biệt tưởng niệm và cầu nguyện cho một ký giả người Italia bị thiệt mạng hôm 13-8 vừa qua trong khi thi hành phận sự ở Gaza.

Đó là ông Simone Camilli, 35 tuổi, phóng viên hình ảnh làm việc với hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ. Ông cùng với người Palestine thông dịch tên là Ali Shehda Abu Afash và 3 cảnh sát viên Palestine bị thiệt mạng trong lúc tháo gỡ một quả bom chưa nổ trong cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas. Có 4 người khác bị thương nặng trong đó có một phóng viên nhiếp ảnh của hãng AP.

ĐTC đã cúi đầu mặc niệm và cầu nguyện trong 30 giây cùng với các ký giả trong lúc cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, kể lại số phận của ký giả Camilli. Cha cũng cám ơn ĐTC vì sự dấn thân bênh vực hòa bình, như lá thư ngài gửi Ông Tổng thư ký LHQ về số phận của nhiều người dân ở Irak đang bị bách hại.
Rồi ĐTC nói: ”Tất cả những điều này là hậu quả của chiến tranh. Ước gì những lời của anh chị em giúp liên kết chúng ta với thế giới. Tôi xin anh chị em luôn truyền đi sứ điệp này, cố gắng trao ban một lời an bình”.

Sau cùng ĐTC mỉm cười nói các ký giả tháp tùng: ”Daniel sẽ vào trong miệng sư tử trên chuyến bay trở về Roma.. Nhưng mà các sư tử này không cắn!”. Ngài hứa sẽ mở cuộc họp báo với các ký giả tháp tùng như đã làm trên đường trở về Roma sau cuộc viếng thăm tại Brazil và Thánh Địa. Tiếp đến ĐTC bắt tay chào từng ký giả trong máy bay.

– Máy bay chở ĐTC từ Roma tới Hán Thành đã bay trên không phận của hàng chục quốc gia. Khi vào không phận mỗi nước, ĐTC đều cho gửi điện chào thăm vị quốc trưởng và nhân dân quốc gia liên hệ. Giới báo chí đặc biệt chú ý đến sự kiện lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng gửi điện chào thăm chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) và nhân dân Trung Quốc khi bay trên không phận nước này. Ngài viết:

”Khi đi vào không phận Trung Quốc, tôi gửi lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến Ông Chủ Tịch và đồng bào của ngài đồng thời cầu xin Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho quốc dân”.

Đây là lần đầu tiên máy bay chở một vị Giáo Hoàng được phép bay qua không phận Trung Quốc trong chuyến viếng thăm Á châu. Vị tiền nhiệm của Ngài, Đức Gioan Phaolô 2 đã tránh bay vào không phận Trung Quốc vì quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Vatican.

Mặt khác, Ông Heo Young-yeop, Phát ngôn viên của Ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Hàn quốc cho biết trong số hơn 100 bạn trẻ Công Giáo Trung Quốc dự định đến Hàn Quốc để tham dự Đại hội Giới trẻ Công Giáo Á Châu, hơn một nửa không đến được vì ”tình trạng phức tại ở Trung Quốc”. Ông từ chối không cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh. Ông nói: một số bạn trẻ định tham dự đã bị Nhà Cầm quyền Trung Quốc bắt giữ.

Ngoài ra, theo tin của Bộ quốc phòng Hàn quốc, trước khi ĐGH đến Hán Thành, Bắc Triều Tiên đã bắn ba hỏa tiễn tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông. Hành động này xảy ra trước cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ dự kiến sẽ diễn ra từ ngày thứ hai 18-8 tới đây.

Bắc Triều tiên đã khước từ lời mời của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc cho phép các thành viên Hội Công Giáo Triều Tiên được tham dự thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành ngày thứ hai 18-8 tại thủ đô Hán Thành để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải tại Bán đảo Triều Tiên, viện cớ là có cuộc tập trận chung giữa Hàn quốc và Hoa Kỳ.

– Trong số các ký giả Đài Vatican được gửi sang Hàn Quốc nhân cuộc viếng thăm của ĐTC cũng có ông Sean Lovett trưởng ban tiếng Anh. Ông đã điểm vài phản ứng báo chí Hàn Quốc về cuộc viếng thăm của ĐTC:

”ĐGH Phanxicô là tin hàng đầu trong tất cả các báo chí và tin tức ở Hàn Quốc ngày nay. Những hình ảnh của ngài với khuôn mặt tươi cười tiếp tục được chiếu qua các màn hình và trang nhất của các báo chí chính ở Hàn Quốc.
Phần lớn các bài báo đều nhắc lại sự kiện lần cuối cách đây 25 năm, Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm nước này và họ cung cấp nhiều chi tiết trong chương trình và lộ trình 4 ngày viếng thăm của ĐTC và dường như họ thích trưng dẫn các con số thống kê về chuyến tông du này. Ví dụ:

– 180 ngàn bánh lễ đã được chuẩn bị cho các thánh lễ với 300 ngàn chai nước sẽ được phân phát giúp các tín hữu đương đầu với sự nóng nực.

– 1.700 xe bus từ các nơi ở Hàn Quốc đang hướng về các địa điểm nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ với ĐGH, chuyên chở 100 ngàn tín hữu và hơn 100 GM.

– 30 ngàn cảnh sát viên nam nữ được ủy thác nhiệm vụ giữ an ninh, với sự trợ giúp của 5 ngàn người thiện nguyện, vừa Công Giáo và người lương.

– 2.800 ký giả thuộc các cơ quan truyền thông của 23 quốc gia, trong đó 358 người đến từ 23 quốc gia khác, đã đăng ký với ban tổ chức ở Hàn Quốc để theo dõi và tường thuật về các hoạt động của ĐTC trên các lộ trình dài tổng cộng 1 ngàn cây số.

Có một bài xã luận đặc biệt mời gọi quốc dân Hàn Quốc hãy biểu lộ ”mea culpa”, nhìn nhận lỗi của mình, và bài báo liệt kê một loạt những tệ đoan của đất nước và hy vọng ĐGH có thể xá giải cho Hàn Quốc vì đã không khắc phục được những chia rẽ chính trị và xã hội, sự xung đột giữa các thế hệ, không kể sự chia rẽ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nhiều báo chí bày tỏ những mong đợi lớn qua những lời nói và cử chỉ của ĐGH Phanxicô đối với người nghèo và người khuyết tật, bênh vực hòa bình và hòa giải, chống kỳ thị và bất công, khuyến khích người trẻ và cổ võ canh tân trong Giáo Hội.

Những điều trên đây dường như là những mong đợi thái quá nơi cuộc viếng thăm này của ĐGH, nhưng như một ký giả Hàn Quốc nói về cuộc viếng thăm của vị thủ lãnh Công Giáo: ”Đây là một tin vui duy nhất từ lâu đối với nước này!”. Những băng tang, các khám tưởng niệm và biểu ngữ trưng tại nhiều nơi tại Hàn quốc chứng tỏ đất nước này vẫn ở trong tình trạng kinh hoàng sau vụ tàu Sewol bị đắm làm cho gần 300 người thiệt mạng, phần lớn các các học sinh du ngoạn.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio