Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm

Một nữ tu người Syria nhận giải thưởng Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm

Một nữ tu người Syria được vinh danh hôm 29/03 với giải thưởng “Phụ nữ quốc tế về lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.

Đệ nhất phu nhân Hoa kỳ Melania Trump đã trao giải thưởng nhìn nhận những phụ nữ khắp toàn cầu, những người chứng tỏ lòng can đảm phi thường và sự lãnh đạo trong việc vận động cho nữ quyền, quyền hành và công lý, thường gặp nguy hiểm cho bản thân.

Nữ tu Carolin Tahhan Fachakh, dòng Nữ tử Đức Maria trợ giúp các Kitô hữu, sống ở Aleppo, Syria, được nhìn nhận đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp nhu cầu của những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất của Syria, đặc biệt là những người di cư nội địa và các trẻ em.

Bộ Ngoại giao Hoa kỳ nhìn nhận: “Trong giai đoạn bom đạn dữ dội xung quanh một trường học lân cận, sơ Carolin đã quên mình để bảo đảm rằng các trẻ em được mang trở lại nhà an toàn cho bố mẹ các em. Sơ là ngọn hải đăng hy vọng cho cả người Hồi giáo lẫn Kitô giáo, khi liều mạng sống trước nguy hiểm.”

Trong số các phụ nữ được vinh danh có Natalia Ponce de Leon, một phụ nữ sống sót sau vụ tấn công bằng axít, với gương mặt và thân thể bị cháy bỏng; cô đã chịu 50 cuộc giải phẫu để có thể sống còn.

Fadia Najib Thabet, một nhân viên bảo vệ trẻ em và tường thuật viên về các vụ vi phạm nhân quyền ở nam Yemen, liều mình cứu các trẻ em trong vùng khỏi nhóm khủng bố al-Qaeda và các nhóm vũ trang khủng bố khác.

Veronica Simogun, sáng lập the Family for Change Association và ủng hộ phụ nữ và các thiếu nữ ở Papua New Guinea, đã sống và làm việc tại một đất nước nơi mà 2/3 người nữ là nạn nhân vì giới tính của họ. (Catholic Herald 03/04/2017)

Hồng Thủy

 

Người phụ nữ can đảm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Buổi lễ trao giải thưởng cho 13 phụ nữ can đảm – Ghế trống dành cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

WASHINGTON, DC (NV) – Blogger Mẹ Nấm là một trong 13 phụ nữ được Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump vinh danh anh hùng thế giới hôm Thứ Tư, 29 Tháng Ba, tại một buổi lễ trao giải tổ chức tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, DC, theo danh sách do cơ quan này đưa ra.

Trong chuyến thăm lần đầu tiên đến trụ sở Bộ Ngoại Giao, bà Melania, cùng ông Thomas Shannon, phụ tá ngoại trưởng đặc trách chính trị, trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao cho 13 phụ nữ này, theo AP.

Hình ảnh cho thấy, có 12 phụ nữ được giải có mặt, ngoại trừ blogger Mẹ Nấm.

Ban tổ chức vẫn để đủ 13 ghế, trong đó có một ghế trống.

Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sống ở Nha Trang, hiện bị giam trong tù sau khi bị bắt hồi Tháng Mười, 2016, với tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Là thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một blogger có những bài viết liên quan đến thời sự Việt Nam rất sắc sảo, phổ biến trên Blog Mẹ Nấm và Facebook.

Bà có rất nhiều độc giả khắp nơi, và từng được tổ chức Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Civil Rights Defenders) trao giải thưởng Người Bảo Vệ Nhân Quyền năm 2015.

Đệ nhất phu nhân Melania, thay mặt Ngoại Trưởng Rex Tillerson đang công du tại Thổ Nhĩ Kỳ, trao giải này.

Giải thưởng được trao cho các phụ nữ khắp thế giới, những người chứng minh sự can đảm và lãnh đạo trong việc cổ vũ cho hòa bình, công lý, nhân quyền, bình đẳng giới tính, và gia tăng quyền cho nữ giới – trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng cá nhân.

Trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chọn blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng 12 phụ nữ khác trên khắp thế giới cho Giải thưởng ‘Những Người Phụ Nữ Quốc Tế Dũng Cảm’, trên trang Mạng Lưới Blogger Việt Nam nhiều người đã bày tỏ tâm tình đối với Mẹ Nấm qua sự kiện này.

Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) nói rằng ông ‘vui vì những nỗ lực hết mình, bất chấp rủi ro của Mẹ Nấm dành cho quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các nhà hoạt động và ngăn chặn tình trạng bị chết trong đồn công an, đã được không chỉ người Việt Nam trong nước và hải ngoại biết đến, mà được cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công nhận đó là một giá trị xứng đáng cả thế giới khen ngợi.’

Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn phát biểu: Tin Mẹ Nấm được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trao Giải thưởng Phụ nữ quốc tế dũng cảm thật sự làm tôi xúc động mạnh. Đó là sự nhìn nhận ở tầm mức quốc tế công sức bao năm qua của chị trong công cuộc tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận nói riêng và quyền con người nói chung ở Việt Nam. Giải thưởng này tôn vinh những phụ nữ bị bắt giam, đánh đập và đe dọa giết chết vì đã đứng lên cho công lý, nhân quyền và pháp trị. Mẹ Nấm hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này, và chị đã đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam, mà còn của nhân loại như một chiến sĩ tranh đấu bảo vệ các giá trị tốt đẹp nhất của nền văn minh chúng ta.’

Luật sư Lê Công Định viết tiếp:’ Giải thưởng quốc tế dành cho chị Quỳnh chắc chắn cũng là phần thưởng tinh thần vô giá dành cho thân mẫu của chị trong những ngày tháng khó khăn trước mắt. Bà hiện đang thay thế chị Quỳnh nuôi nấng hai con thơ của chị và người mẹ già ngoài 90 tuổi đang đau yếu. Trong lòng tôi đó mới thực sự là những người phụ nữ, người mẹ Việt Nam anh hùng. Họ xứng đáng với mọi lời ca ngợi, không cần và bất chấp sự tuyên truyền vô nghĩa của nhà cầm quyền.

Blogger Phạm Thanh Nghiên cho hay, ‘hãnh diện khi Quỳnh được trao giải thưởng này. Nó là sự ghi nhận dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của Quỳnh suốt gần 10 năm qua. Thế giới sẽ biết nhiều hơn về những gì đang xảy ra ở Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản.’

Và rằng ‘Nó cũng cổ vũ tinh thần cho mọi nỗ lực tranh đấu của người dân Việt Nam trong sứ mạng giải thoát đất nước khỏi sự kìm kẹp. Những giải thưởng như thế này tự thân nó mang thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam không có nhân quyền. Chừng nào những giải thưởng như thế còn trao cho người Việt thì chừng ấy Việt Nam vẫn là một đất nước không tự do.’

Cũng trên trang của Trang Mạng Lưới Blogger Việt Nam các Blogger như Nguyễn Hoàng Vi, Hải Âu, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Anh Tú, Dương Đại Triều Lâm ,Vũ Sỹ Hoàng… đã bày tỏ tình cảm lòng khâm phục, ngưỡng mộ dành cho Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trước sự đóng góp to lớn vào công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. (ĐD-KN)

Trích Báo Người Việt

Nhóm bác ái kêu gọi tài trợ sữa cho trẻ em Syria

Nhóm bác ái kêu gọi tài trợ sữa cho trẻ em Syria

Madrid – Phân bộ Tây ban nha của Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết, hỗ trợ tiếp tục dự án “Drop of Milk” (Giọt sữa), là dự án giúp cho 2800 trẻ em ở thành phố Aleppo, Syria.

Sáng kiến này được khai triển nơi các giáo hội Kitô khác nhau vào năm 2015 để cung cấp sữa hàng tháng cho các trẻ em dưới 10 tuổi.

Dù chiến tranh đã kết thúc ở miền đông Aleppo, nhưng điều kiện sống ở đó vẫn rất tồi tệ; 70% sống dưới mức nghèo đói.

Tiến sĩ Nabil Antaki, điều phối viên của dự án Giọt sữa đã kêu gọi khẩn thiết để tiếp tục chương trình. Tiến sĩ Antaki chia sẻ: “Mỗi tháng chúng tôi phân phát cho khoảng 2850 em: 2600 em, nhận sữa bột và 250 phần sữa đặc biệt cho trẻ sơ sinh, bao gồm các em bé không thể được mẹ nuôi dưỡng.”

Bà Georgina, mẹ của hai bé 10 và 6 tuổi, được tổ chức này giúp đỡ chia sẻ: “Cả Myriam và Pamela nhận một ký sữa mỗi tháng. Tình trạng của Pamela thì đáng lo ngại sau khi bị mảnh bom đâm trúng lưng, và giờ đây cháu đang hồi phục, cháu cần sữa để phục hồi sức khoẻ. Dự án này rất quan trọng đối với chúng tôi, tôi muốn nó tiếp tục.”

Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nêu rõ là một đứa trẻ ở Aleppo có thể nhận được sữa cả tháng với phí tổn là 7.50 đô la và 89 đô la cho nguyên một năm. Hội đã cam kết duy trì chương trình này trong năm 2017 với phí tổn là 239 ngàn đô la.

Hội Giáo hoàng “trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cũng đã trợ giúp cho các chương trình khẩn thiết và giúp đỡ các giáo xứ ở Syria từ khi bắt đầu xảy ra chiến tranh. Trong năm 2015, Hộ đã giúp Syria 5,9 triệu đô la. (CAN 16/03/2017)

Hồng Thủy

 

Các Giám mục Công giáo Canđê kêu gọi hòa bình cho vùng Trung đông

Các Giám mục Công giáo Canđê kêu gọi hòa bình cho vùng Trung đông

Người tị nạn Iraq

Irbil, Iraq – Trong thượng hội đồng hàng năm diễn ra từ ngày 22-27/9, các Giám mục Công giáo Canđê đã kêu gọi hòa bình cho vùng Trung đông và việc giải phóng các khu vực đang bị Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ, để những người di tản có thể trở về quê nhà của họ.

Các tín hữu Canđê nằm trong số khoảng 120 ngàn Kitô hữu bị “bứng rễ” khỏi quê nhà khi Nhà nươc Hồi giáo chiếm Mosul và bình nguyên Ninivê ở Iraq vào mùa hè năm 2014.

Trong tuyên ngôn cuối cùng công bố vào buổi bế mạc thượng hội đồng, 20 Giám mục từ Iraq, Iran, Syria, Liban, Hoa kỳ, Canada và Úc đã bày tỏ tình liên đới của họ với Đức cha Antoine Audo của Aleppo, Syria. Các Đức cha kêu gọi “chấm dứt chiến tranh ở Syria và cùng ngồi lại với nhau để đối thoại xây dựng, tìm ra một giải pháp chính trị ôn hòa để gìn giữ đất nước và dân tộc”.

Về vấn đề các Linh mục và đan sĩ đã rời Giáo phận hay đan viện mà không có phép di cư chính thức, các Giám mục nhấn mạnh rằng việc rời bỏ quê nhà đó “đang làm nổi lên những nghi ngờ giữa các tín hữu.” Theo đó, tuyên ngôn chỉ thị là các Linh mục và đan sĩ phải “rời Giáo phận hiện tại (ở nước ngoài) ngay lập tức.” Tuyên ngôn viết tiếp: “Chúng tôi có thể đón nhận họ miễn là có một Giám mục Canđê có thể tiếp đón họ sau một hay hai tháng phục chức. Trong khi đó, các Linh mục nên gặp các Giám mục để hợp thức tình trạng của họ trước khi bắt đầu sứ vụ mục tử của họ.”

Thượng hội đồng đã chọn 3 ứng viên Giám mục cho Giáo phận San Diego để gửi lên Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức cha Shlemon Warduni phục vụ như Giám mục tạm thời của Giáo phận này từ khi Đức cha Sarhad Jammo nghỉ hưu.

Tuyên ngôn cũng nói đến việc Giáo hội Canđê sẽ bắt đầu tiến trình phong thánh cho các vị tử đạo Công giáo ở Iraq từ 2003, trong đó có Đức Tổng Giám mục Faraj Rahho, cha Ragheed Kani, bốn phó tế và một nữ tu. (CNS 29/09/2016)

Hồng Thủy

Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

ĐHY Angelo Bagnasco, chủ tịch HĐGM Italia

Văn phòng Truyền thông Quốc gia của Hội đồng Giám mục Italia loan báo: số tiền 3.5 triệu euro trích từ ngân quỹ 8/1000 sẽ được dùng để giúp các người tị nạn Syria.

Ngân quỹ 8/1000 là số tiền nhà nước Italia trích 8 phần ngàn từ khoản tiền thuế của người dân Italia và cung cấp cho các Giáo hội tại Italia.

Đoàn chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia đã phân bổ số tiền khoảng hai triệu Euro giúp cho các người tị nạn Syria, thuộc các Giáo hội Kitô Canđê, Công giáo Sirô và Chính thống Sirô, chạy trốn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê, tìm được chỗ trú ngụ tạm thời trong các ngôi nhà gạch mà Giáo phận Canđê Erbil thuê.

Số tiền một triệu sáu trăm ngàn euro khác được sử dụng để cung cấp thực phẩm, trợ giúp y tế và các nhu yếu phẩm cho hơn 12 ngàn gia đình của cộng đồng Kitô giáo Aleppo, thông qua các cha dòng Phanxicô và Hiệp hội pro Terra Sancta.

Cả hai khoản tiền sẽ được giải ngân trong hai lần; lần thứ hai sẽ chỉ được thực hiện sau khi các tài liệu được đệ trình chứng minh kết quả tích cực trong lần thứ nhất. (SD 29/08/2016)

Hồng Thủy

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

21 người tỵ nạn Syria dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha

VATICAN. Trưa ngày 11-8-2016, 21 người tỵ nạn Syria đã được mời dùng bữa với ĐTC Phanxicô tại nhà trọ Thánh Marta ở Vatican.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết những người Syria tỵ nạn này hiện sống tại Roma và được Cộng đồng thánh Egidio giúp đỡ. Đây là những gia đình được đến Italia sau cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại trại tỵ nạn ở đảo Lesvos thuộc Hy Lạp. Nhóm đầu tiên đi chung chuyến máy bay với ĐTC về Roma ngày 16-4-2016; nhóm thứ hai đến đây vào trung tuần tháng 6-2016.

Những người lớn cũng như trẻ em tỵ nạn đã có dịp nói với ĐTC về khởi đầu cuộc sống của họ ở Italia. Các trẻ em đã tặng ngài những bức họa do các em vẽ và ngài tặng các em các đồ chơi và những món quà khác.

Hiện diện cùng với ĐTC trong buổi tiếp những người tị nạn Siria có Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, giáo sư Andrea Riccardi, Sáng lập Cộng đồng thánh Egidio, và Ông Domenico Giani, chỉ huy trưởng đoàn Hiến binh Vatican và 2 hiến binh đã cộng tác vào việc đưa các gia đình Syria tỵ nạn từ đảo Lesvos về Italia (SD 11-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Trại tỵ nạn

Manchester, Anh quốc – Giáo hội Công giáo tại Anh và xứ Wales đã tham gia vào một dự án của chính phủ nhắm định cư cho khoảng 20 ngàn người Syria tị nạn chiến tranh. Một giáo xứ của Giáo phận Salford sẽ là giáo xứ đầu tiên đón tiếp một gia đình từ trại tị nạn ở Trung đông như một phần của kế hoạch bảo trợ, bao gồm đón tiếp và giúp đỡ các gia đình tị nạn tái định cư. Ban tổ chức tin rằng những người tị nạn đến từ các trại đa số là Hôi giáo sẽ không bao gồm các thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Philip McCarthy, giám đốc điều hành của mạng lưới Hành động Bác Ái Xã hội, cơ quan điều phối dự án giữa các giáo xứ của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, cho biết là các người tị nạn sẽ được kiểm tra kỹ càng bởi chính quyền Anh và ủy ban tị nạn Liên Hiệp quốc.

Đức Hồng Y Vincent Nichols của Giáo phận Westminster, chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh nói: “Năm ngoái, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các giáo xứ, dòng tu và đan viện trên toàn châu Âu hành động trước sự gia tăng của cuộc khủng hoảng người tị nạn bằng cách cung cấp một nơi trú ngụ cho các gia đình tháo chạy khỏi quê hương vì chiến tranh và bách hại. Đức Giáo hoàng kêu gọi lòng quảng đại và tương trợ của chúng ta để nhận ra và hành động vì nhân loại chung. Bây giờ tất cả chúng ta có thể đáp lời mời gọi này với chương trình bảo trợ cộng đồng cho các người tị nạn Syria”. Ngài cũng nói thêm: “Các tín hữu Công giáo được biết đến trong việc tham gia giúp đỡ định cư các người tị nạn ở vương quốc Anh, đáp ứng tình hình với lòng tốt và cảm thông như chúng ta được kêu gọi khi đối mặt với những người cần sự giúp đỡ”.

Các gia đình tị nạn đầu tiên được tái định cư bời Giáo hội sẽ đến Giáo xứ thánh Monica ở Flixton, ngoại ô Manchester vào cuối mùa hè. Dự án sẽ được giám sát bởi cơ quan Bác ái Salford, ủy ban chăm sóc xã hội của Giáo phận, trước khi nó được mở rộng đến các giáo xứ và giáo phận khác. Đức cha John Arnold của Salford phát biểu rằng ngài vui lòng vì Giáo xứ thánh Monica ở Flixton có thể chào đón một gia đình tị nạn Syria. Đức cha nói: “Chúng ta luôn được kêu mời đáp trả thù hận bằng yêu thương, tận hiến cho công lý và đáp ứng những nhu cầu cách quảng đại”. Ngài hy vọng là qua đề án thí điểm này, các giáo xứ và giáo phận khác cũng được khuyến khích và soi sáng để những đau khổ khủng khiếp của nhiều gia đình Syria được xoa dịu.

Chính phủ Anh dự định tái định cư ở Anh tất cả các người tị nạn trong các trại ở vùng Syria vào khoảng năm 2020. Mỗi người tị nạn sẽ được nhận một visa nhân đạo thời hạn 5 năm trước khi đủ điều kiện xin nhập quốc tịch Anh. Các gia đình sẽ được quyền xin trợ cấp thất nghiệp, nhà chính phủ, học hành và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Họ cũng được giúp để hòa nhập đời sống và văn hóa Anh bởi những người bảo trợ. (CNS 20/7/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha khuyến khích chiến dịch hòa bình cho Syria

VATICAN. ĐTC Phanxicô khuyến khích chiến dịch của Caritas cho hòa bình tại Siria đồng thời lên án sự tài trợ võ khí nuôi chiến tranh tại đây.

Trong sứ điệp Video phổ biến hôm 5-7-2016, ĐTC bày tỏ đau buồn vì chiến tranh tại Siria nay đã bước sang năm thứ 5. ”Đó là một tình trạng đau khổ khôn tả, nạn nhân là những người dân Syria phải sống dưới bom đạn hoặc tìm đường trốn chạy ra nước ngoài: bỏ lại nhà cửa và mọi sự..” ĐTC nói: ”Tôi cũng nghĩ đến các cộng đoàn Kitô mà tôi hoàn toàn hỗ trợ vì những kỳ thị mà họ đang phải chịu”.

”Tôi muốn ngỏ lời với tất cả các tín hữu và những người, cùng với Caritas, đang dấn thân trong việc xây dựng một xã hội công chính hơn. Trong khi dân chúng chịu đau khổ, thì số lượng tiền bạc không thể tưởng tượng nổi được chi phí cho việc cung cấp võ khí cho những người đang đánh nhau. Và một số nước cung cấp các võ khí ấy, cũng thuộc vào số những nước nói về hòa bình. Làm sao ta có thể tin những người tay phải thì vuốt ve bạn, còn tay trái thì đánh bạn”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi khuyến khích tất cả mọi người, người lớn và người trẻ, hãy hăng hãi sống Năm Lòng Thương Xót này để khắc phục sự dửng dưng lãnh đạo và mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa bình ở Syria là điều có thể!”

”Tôi mời gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria và cho nhân dân nước này nhân dịp những buổi canh thức cầu nguyện, các sáng kiến gây ý thức nơi các nhóm, trong các giáo xứ và các cộng đoàn, để phổ biến một sứ điệp hòa bình, hiệp nhất và hy vọng”.

”Kèm theo lời cầu nguyện là những hoạt động cho hòa bình – ĐTC nói – Tôi mời gọi anh chị em hãy ngỏ lời với những người can dự vào các cuộc hòa đàm để họ coi trọng các hiệp định và dấn thân làm sao để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân một cách dễ dàng.

”Tất cả phải nhìn nhận rằng không có một giải pháp quân sự cho Syria, nhưng chỉ có một giải pháp chính trị. Vì thế cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ các cuộc hòa đàm, tiến tới việc thiết lập một chính phủ đoàn kết quốc gia.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta hãy liên kết mọi nỗ lực, trên mọi cấp độ, để hòa bình trở thanh điều có thể trên đất nước Siria yêu quí. Đây sẽ là một ví dụ hùng hồn về lòng thương xót và tình yêu được sống thực sể mưu ích cho toàn thể cộng đồng quốc tế” (SD 5-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đánh bom tự sát tại Qaa, Lebanon

Đánh bom tự sát tại Qaa, Lebanon

Qaa, nơi xảy ra vụ đánh bom

Qaa, Lebanon – Một chuỗi 4 vụ nổ bom tự sát đã xảy ra hôm thứ 2, 27/6 ở một ngôi làng ở Qaa, thuộc vùng đông bắc Lebanon, gần biên giới Syria, nơi phần đông là các Kitô hữu thuộc Giáo hội Hy lạp Menkít, làm cho 5 người chết và ít nhất 15 người bị thương. Có 30 ngàn người Syria tị nạn sống xung quanh ngôi làng đó. Nhà nước Hồi giáo bị nghi là đã gây nên vụ tấn công. Các vị đại diện các tổ chức và các lực lượng chính trị của Libăng, cũng như lãnh đạo các Giáo hội đã bày tỏ sự phẫn nộ và lên án sự thảm sát khủng bố này.

Đức Tổng Giám mục Elias Rahal đứng đầu tổng giáo phận Giáo hội Hy lạp Menkít ở Baalbeck, yêu cầu nhà nước Lebanon chịu trách nhiệm. Cha cho biết là dù cho tình hình thế nào các Kitô hữu vẫn giữ vững đức tin và quyết chí duy trì sự hiện diện của mình tại miền đất này.

Đức Thượng phụ Gregoire III, Giám mục của Giáo hội Hy lạp Menkít cho biết ngài bị sửng sốt bởi vụ tấn công, và tưởng nhớ các nạn nhân – là những thành viên của các giáo xứ và Tổng giáo phận Baalbeck của Giáo hội Hy lạp Menkít.

Đức Thượng phụ Bechara Boutros Rai của Giáo hội Công giáo Maronít hy vọng là tội ác không tên này thúc đẩy dân Lebanon tìm lại được sự thống nhất đất nước và bảo vệ nó khỏi những kế hoạch khủng bố. (Agenzia Fides 28/06/2016)

Hồng Thủy Op

Nhà nước IS tàn phá tu viện cổ kính Syria

Nhà nước IS tàn phá tu viện cổ kính Syria

Tàn phá tu viện

ROMA: Tu viện Mar Elian cổ xưa có từ thế kỷ thứ V sau tây lịch tọa lạc tại thành phố Qaryatayn bên Syria, vừa bị lực lượng gọi là nhà nước Hồi giáo IS  triệt phá thành bình địa.

Từ khi nhà nước hồi giáo IS chiếm Qaryatayn hồi tháng 5 vừa qua, họ đã bắt cóc cha Jacques Mourad, viện  trưởng tu viện Mar Elian dẫn đi biệt tích cho đến nay. Toàn thể nhân sự của tu viện đã phải chuyển dời sang Deir Mar Musa, một tu viện khác trong vùng. Trong một cuộc phỏng vấn do phái viên Gabriella Ceraso của đài Vatican thực hiện mới đây, cha Youssef Jihad thuộc tu viện Deir Mar Musa khẳng định rằng kể từ ngày 04.08, khi quân đội mệnh danh là nhà nước Hồi giáo chiếm thị trấn Qaryatayn,không ai có tin tức thẳng từ tu viện Mar Elian nữa. Chỉ biết rằng trước đây, tại tu viện có một nhóm nhân viên đời vừa tín hữu hồi vừa người Ky tô làm việc chung, nhưng khi quân IS đến nơi, họ ra lệnh tất cả phải rời bỏ nơi này trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ bị giết. Tất cả mọi người đã phải bỏ trốn ngay lập tức. Sau đó, nhiều hình ảnh tung lên mạng cho thấy cảnh tàn phá tu viện, từ tháp chuông đến thánh giá và khu vực khảo cổ. Bọn IS, tự mệnh danh là nhà nước hồi giáo nhưng thực ra không biết gì về hồi giáo cả. Tất cả những gì họ muốn là loại bỏ lịch sử quốc gia, là tàn phá tất cả những gì tốt lành và có ý nghĩa tại đây. Họ có thể tàn phá các tu viện, thánh giá, bóp méo khuôn mặt chân chính của hồi giáo mà chúng tôi thân thương và kính trọng, nhưng không thể nào loại bỏ Đức Tin của chúng tôi, không thể nào giết chết hy vọng của chúng tôi. Trong lúc này, lời xác tín của chúng tôi xem ra không thể hiện thực được, nhưng chúng tôi đã vững tin vào Chúa Phục Sinh.

Theo cha Jihad, tu viện Mar Elian bị tàn phá là một ốc đảo an bình đối với người dân trong vùng, nhất là người hồi giáo, và là một dấu chỉ hy vọng. Trước đây có khoảng 47, 48 gia đình ky tô sống trong vùng này, với hơn 100 trẻ em. Cộng đoàn tu viện Deir Mar Musa hiện nay có 4 nam tu sĩ và 2 nữ tu, sống trong hy vọng và chờ đợi ngày về của hai linh mục bị bắt cóc mất tích là cha Paolo Dall’Oglio, dòng Tên và cha Jacques Mourad. Cha Jihad nói thêm là tuy có lo âu, nhưng toàn cộng đoàn đều cầu xin Thiên Chúa củng cố lòng Tin và cuộc sống chung hòa bình cho vùng này. Nhưng nếu tình hình tiếp tục trầm trọng thêm, vùng Trung Đông có thể sẽ không còn bóng dáng ky tô hữu nữa.

Trong những ngày qua, Hoa Kỳ cho biết là có những bằng chứng cho thấy cái gọi là nhà nước Hồi giáo đã dùng vũ khí hóa học chống lại nhóm dân quân Peshmerga người Kurde hôm 11 tháng 08 mới đây. Tình hình Siria ngày càng trầm trọng thêm. Tại biên giới phía Nam, giáp với Israel, những vụ chạm súng gần đây làm ít nhất 5 người chết và hàng chục người khác bị thương, vừa quân nhân vừa dân lành. Tại mạn Trung, quanh thành phố Homs, quân đội nhà nước hồi giáo tiếp tục tàn phá các địa điểm ky tô, trong đó có nhiều nơi được liệt vào hàng gia sản văn hóa thế giới.

Mai Anh

 

Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi các gia đình đau khổ vì xung đột

Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi các gia đình đau khổ vì xung đột

VATICAN. Các nghị phụ Thượng HĐGM thế giới đang nhóm tại Roma gửi sứ điệp liên đới với các gia đình đang chịu đau khổ trên thế giới, nhất là tại Irak và Syria.

Trong sứ điệp công bố sáng ngày 10-10-2014, các nghị phụ khẳng định rằng:

”Họp nhau quanh Đấng Kế Vị Thánh Phêrô Tông Đồ, chúng tôi, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt thứ III, cùng với tất cả các tham dự viên, chia sẻ mối quan tâm hiền phụ của Đức Thánh Cha, bày tỏ sự gần gũi sâu đậm với tất cả các gia đình đang chịu đau khổ vì nhiều cuộc xung đột hiện nay.

”Đặc biệt chúng tôi dâng lên Chúa lời khẩn nguyện cho các gia đình Irak và Syria, vì niềm tin Kitô mà họ tuyên xưng hoặc vì thuộc các cộng đồng chủng tộc và tôn giáo khác, buộc lòng phải bỏ lại tất cả và trốn chạy hướng về một tương lai bất định. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi tái khẳng định rằng ”không ai có thể dùng danh Thiên Chúa để thi hành bạo lực” và “giết người nhân danh Thiên Chúa là một tội phạm thánh nặng nề!” (Diễn văn với các vị lãnh đạo tôn giáo khác và các hệ phái Kitô khác, Tirana, 21-9-2014).

”Trong khi cảm ơn các Tổ chức Quốc tế và các nước vì tình liên đới, chúng tôi mời gọi những người thiện chí cống hiến những trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân vô tội của những hành vi man rợ hiện nay, và đồng thời chúng tôi xin Cộng đồng quốc tế nỗ lực làm việc để tái lập sự sống chung hòa bình ở Irak, Siria và trong toàn vùng Trung Đông. Cũng vậy, chúng tôi nghĩ đến tất cả các gia đình đang bị xâu xé và đau khổ tại các nơi khác trên thế giới, phải chịu bạo lực trường kỳ. Chúng tôi muốn cam đoan với họ về kinh nguyện liên lỷ của chúng tôi, xin Chúa từ bi hoán cải tâm hồn và ban hòa bình và ổn định cho những người đang sống trong thử thách. Nguyện xin Thánh Gia Nazareth, đã từng chịu ”con đường đau khổ vì lưu vong” (Kinh Truyền Tin 29-12-2013), biến mỗi gia đình thành ”cộng đoàn yêu thương và hòa giải” (Ibid.), thành một nguồn hy vọng cho toàn thế giới”.

(G. Trần Đức Anh OP chuyển ý)

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha tái kêu gọi hòa bình cho Syria

VATICAN. ĐTC lên án vụ sát hại LM dòng Tên tại Syria và tái kêu gọi hòa bình cho nước này.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng 9-4-2014 dành cho hơn 60 ngàn tín hữu hành hương, tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Thứ hai vừa qua (7-4) tại thành phố Homs bên Syria, Cha Frans van der Lugt, một người anh em cùng dòng Tên với tôi người Hòa Lan, 75 tuổi, đã bị sát hại. Cha đến Syria cách đây gần 50 năm, và luôn làm điều thiện cho tất cả mọi người, một cách nhưng không và với lòng yêu thương, và vì thế, cha được các tín hữu Kitô và Hồi giáo thương mến và quí trọng”.

”Sự kiện cha bị sát hại tàn bạo khiến tôi rất đau buồn và làm cho tôi càng nghĩ đến bao nhiêu người đang chịu đau khổ và chết chóc tại đất nước đau thương ấy, từ quá lâu bị làm mồi cho một cuộc xung đột đẫm máu, tiếp tục gây ra chết chóc và tàn phá. Tôi cũng nghĩ đến nhiều người bị bắt cóc, Kitô hữu cũng như tín hữu Hồi giáo, người Syria và các nước khác, trong đó có các GM và LM. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để họ sớm được trở về với những người thân yêu, với gia đình và cộng đoàn của họ”.

”Tôi thành tâm mời tất cả anh chị em hãy hiệp ý cầu nguyện với tôi cho hòa bình tại Syria và trong vùng này, và tôi tái tha thiêt kêu gọi các vị hữu trách Siria và cộng đồng quốc tế: làm sao để võ khí im tiếng, chấm dứt bạo lực! Đừng chiến tranh nữa! Đừng tàn phá nữa! Hãy tôn trọng công pháp nhân đạo, và chăm sóc dân chúng đang cần được giúp đỡ về nhân đạo, và hãy đạt tới hòa bình bằng đối thoại và hòa giải” (SD 9-4-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Hội nghị Genève II và tình hình Syria

Hội nghị Genève II và tình hình Syria

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria

Ngày 22-1-2014 Hội nghị Geneve II về Siria đã khai diễn tại Montreux và tiếp tục tại Genève và đã kết thúc ngày 31-1-2014. Sau mười ngày nhóm họp Hội nghị đã không đem lại kết qủa cụ thể nào, vì các lập trường hoàn toàn khác biệt và đối đầu giữa phái đoàn chính quyền Damasco và phái đoàn các lực lượng đối lập. Chính quyền Siria vẫn tiếp tục coi các lực lượng đối lập là các nhóm khủng bố phá hoại, còn các lực lượng đối lập nhất quyết đòi ông Bashar Al-Assad phải ra đi. Kết qủa cụ thể duy nhất là việc di tản các thường dân khỏi thành phố Homs, bị quân chính phủ bao vây từ nhiều tháng qua, phải sống trong cảnh đói khát của một thành phố bị bom đạn tàn phá sụp đổ tan hoang, hầu như không còn căn nhà nào lành lặn. Các chuyến xe bus chở thường dân đa số là phụ nữ người già và trẻ em đã bắt đầu rời Homs ngày mùng 6-2-2014 với 83 phụ nữ trẻ em và người già và hiện đang tiếp tục nhờ có cuộc ngưng bắn. Ba tấn đồ cứu trợ cũng sẵn sàng để được phân phát cho dân chúng tại Homs.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, dành cho phái viên Cecilia Ceppia của đài Vaticăng ngày mùng 8-2-2014.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, sau cùng thì đồ cứu trợ đã tới được với dân chúng bị bao vây tại Homs, và các thường dân được di chuyển khỏi thành phố, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, cần ghi nhận cử chỉ thiện chí này của các phe lâm chiến. Cần nhớ rằng việc thương lượng này đã kéo dài nhiều tháng mà không thành công, ngay cả trong khuôn khổ hiệp đầu của cuộc thương thuyết tại Genève. Nhưng sau cùng hai bên đã đi tới kết luận tích cực này. Đây là bước tích cực đầu tiên, cả khi có tối thiểu, mở đường cho giải pháp dài của cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp thiết và thảm trạng liên quan tới toàn dân nước Siria. Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc có 2,5 triệu người Siri đang cấp thiết chờ đợi đồ cứu trợ, chưa thể tởi được với họ, ít nhiều cũng như đối với 25.000 dân tại thành phố Homs. Vì vậy đường còn dài lắm.

Hỏi: Chính quyền Damasco đã cho biết là ngày mùng 8 tháng 2 bắt đầu phát các phẩm vật cứu trợ nhân đạo. Thật ra 3 tấn thực phẩm thuốc men và các dụng cụ cần thiết khác đã tới Homs rồi, chỉ chờ được phận phát cho dân thôi mà..

Đáp: Theo các tin tức tôi nhận được cũng cần tiếp tục di tản các thường dân khỏi Homs, trong đó tôi hy vọng là có một số kitô hữu, nhưng cách đây mấy giờ người ta cho biết là các kitô hữu đã không thể ra khỏi khu phố của họ. Và tôi nghĩ là người ta đã bắt đầu phân phát phẩm vật cứu trợ.

Hỏi: Việc ngưng bằn từng nơi để cho phẩm vật cứu trợ nhân đạo được chở tới cho dân chúng như tại Homs, có thể áp dụng được cho các nơi khác không thưa Đức Sứ Thần: chẳng hạn như Aleppo, hôm nay lại bị pháo kích khiến cho các thường dân chết dưới hàng tấn bom của quân đội mỗi ngày?

Đáp: Vâng, nó có thể là một thí dụ hay một thử nghiệm đầu tiên. Nếu nó thành công trong ba ngày, thì có thể lập lại tại Aleppo, là nơi cần kíp phải ngưng bắn, đôi khi một phần cũng được.

Hỏi: Thứ hai mùng 10 tháng 2 cuộc đàm phán tại Genève lại tiếp tục như Liên Hiệp Quốc đã cho biết, với sự hiện diện của chính quyền Damasco nữa. Nhưng sẽ khó mà tìm ra một giàn xếp, và nút thắt chính vẫn là sự chuyển tiếp chính trị, có phải thế không thưa Đức Sứ Thần?

Đáp: Việc tiếp tục các cuộc đàm phán cũng là một sự kiện tích cực. Cả khi không thể chờ đợi các phép lạ. Ước mong rằng tình trạng cứu trợ nhân đạo cũng đồng thời hiện diện trong các cuộc thương thuyết tìm một giải pháp chính trị. Cả hai việc phải đi đôi với nhau. Con đường còn rất dài, nhưng không được nản chỉ, cả hai phía cần tiếp tục đối thoại. Các tham dự viên cuộc hòa đàm không được quên các mong đợi của dại đa số dân Siria; họ đang chờ đợi một nước Siria mới, dân chủ hơn, biết tôn trọng nhân quyền và và các quyền tự do nền tảng hơn; và tất cả những điều này phải đạt được không phải với các phương tiện bạo động, mà với các giải pháp chính trị.

Trước đó ngày 29 tháng giêng Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari cũng đã dành cho phóng viên Massimiliano Menichetti của đài Vaticăng về tình hình Siria và việc cứu trơ nhân đạo.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Sứ Thần có tin tức gì về cha D'Oglio và 12 nữ tu bị bắt cóc tại Maalula không?

Đáp: Chúng tôi không có tin gì về cha D'Oglio cả. Thỉnh thoảng có các lời đồn đại này kia, nhưng không thể lượng định xem chúng có thật hay không. Rất tiếc la cha đã bị bắt cóc 6 tháng nay rồi. Trong vài tuần nữa sẽ là 12 tháng hai linh mục khác đã bị mất tích trong vùng gần thành phố Aleppo, một vị là linh mục công giáo Armeni, vị kia là linh mục chính thống Hy lạp. Và ba tháng nữa là một năm hai Giám Mục chính thống bị bắt cóc. Rất tiếc là chúng tôi không có tin tức nào về các vị cả.

Liên quan tới 12 nữ tu chính thống bị bắt cóc tại Maalula, trái lại thỉnh thoảng có vài tin tức lọt ra. Xem ra chúng trấn an, người ta được biết ít nhiều là các nữ tu được đối xử tử tế tại nơi các chị bị giam giữ, trong một căn nhà tại tỉnh Abrud. Đây là một trường hợp hơi khác một chút. Thỉnh thoảng các nữ tu có thể điện thoại cho vài người hay vài nữ tu khác.

Hỏi: Như thế nước Siria bị rơi vào trong cơn xoáy thê thảm của các vụ bắt cóc. Chúng xảy ra rất nhiều, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Rất tiếc là đúng như vậy. Cũng cần phải trải rộng cái nhìn ra nữa: và sự kiện trở thành thực sự gớm ghiếc, bởi vì người ta nói tới hàng trăm người bị bắt cóc, bao gồm cả các gia đình nữa, và nếu người ta gộp cả mọi loại người bị bắt cóc và mất tích lại với nhau thì con số sẽ rất cao.

Hỏi: Vậy ai là những người bị bắt cóc thưa Đức Cha?

Đáp: Có loại tội phạm: nhiều người đã bị bắt cóc để tống tiền trong các làng mạc và thành thị, và rất tiếc chúng xảy ra hàng ngày. Thế rồi có loại bắt cóc chính trị: những người có vị trí quan trọng nào đó bị nhóm này hay nhóm kia bắt cóc, và có thể mai mốt họ được dùng để đổi chác cho nhau. Rồi cũng có những người bị bắt cóc và biến mất, mà người ta cũng chẳng biết các lý do.

Tôi muốn nói rằng việc bắt cóc các nhân vật của Giáo Hội cũng không có một lý do nào cả. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa của lòng thương xót đánh động trái tim của tất cả những người chủ mưu, bởi vì chúng ta biết rằng gia đình các nạn nhân đau khổ biết chừng nào, vì không có tin tức gì liên quan tới thân nhân của họ cả. Tới nay họ đã mất tích bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, và bao nhiêu tháng rồi… Các vụ bắt cóc là một tai họa do cuộc chiến này gây ra. Chúng tôi cầu mong trợ giúp tất cả những người bị bắt cóc và gia đình họ bằng lời cầu nguyện.

Hỏi: Trong tình trạng như vầy thì Giáo Hội đang làm gì thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?

Đáp: Giáo Hôi đang thực thi một sứ mệnh gian khổ, trước hết là gần gũi với người dân, gần gũi với tất cả mọi người, tín hữu kitô cũng như tín hữu các tôn giáo khác. Bởi vì tất cả mọi người đều đau khổ vì các tai ương của chiến tranh, của nghèo đói, của gía lạnh, và các vụ bắt cóc. Điều đầu tiên mà Giáo Hội làm đó là hiện diện và gần gũi họ, chia sẻ các nỗi khổ đau của họ. Ngoài việc trợ giúp vật chất – trợ giúp một chút với những gì chúng tôi có thể cống hiến cho họ – nhưng nhất là trợ giúp tinh thần bằng sự hiện diện, chia sẻ thảm cảnh khủng khiếp, mà mọi người dân Siria đang phải sống hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, trước khi Hội nghị hòa bình cho Siria được triệu tập tại Montreux, Đức Sứ Thần đã nhấn mạnh rằng: “Tất cả các phái đoàn phải đến tham dự hội nghị như đến gần đầu gường của một bà mẹ”, ám chỉ bà mẹ Siria. Đức Sứ Thần đánh gía Hội nghị này và các nỗ lực làm trung gian giữa các người chống đối tổng thống Al-Assad như thế nào?

Đáp: Ngay từ đầu người ta đã biết rằng Hội nghị này phải thắng vượt những chướng ngại không thể thắng vượt được. Tuy nhiên, cần phải làm mọi cố gắng. Sau ba năm các phe phái xa cách nhau và đánh nhau, mà giờ đây họ chịu ngồi vào chung một bàn hòa đàm, thì đã là một cái gì rồi. Mỗi bước nhỏ đều có giá trị nào đó. Như là tín hữu kitô nhưng cũng như là những người có niềm tin, chúng tôi phải tháp tùng các các cố gắng đó với lời cầu nguyện, bởi vì hơn bao giờ hết người ta nhận ra rằng cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa để đạt được ơn hòa bình, được giao phó cho tinh thần trách nhiệm của con người. Không bao giờ được đánh mất sự tin tưởng, cả khi sẽ có các lúc rất rất là khó khăn. Cần phải tiến bước, nhất là đối với những gì liên quan tới khía cạnh nhân đạo. Không phải chỉ có người dân tội nghiệp của vùng Homs. Có khoảng 3,000 tới 3,500 người dân bị bao vây từ hơn một năm rưỡi nay trong đó có khoảng 60-65 tín hữu kitô với một linh mục, một tu huynh dòng Tên già người Hòa Lan đã lựa chọn ở lại với các anh chị em tội nghiệp bị bao vây này. Tuy nhiên, ngoài họ ra cũng có khoảng 2.5 triệu người phải sống tình cảnh tương tự, và bị cắt đứt khỏi các trợ giúp nhân đạo rất cấp thiết. Như thế, nếu hai bên có thể đồng ý với nhau để cho các trợ giúp nhân đạo được đem tới cho các anh chị em bị bao vây, từ phía này hay phía kia, thì cũng sẽ là một kết qủa đẹp lắm rồi!

(RG 29.31-1-2014; RG 4.8-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio