Đức Thánh Cha tiếp 7000 thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia

Đức Thánh Cha tiếp 7000 thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia

VATICAN. ĐTC đề cao sứ mạng của Hội Chữ Thập đỏ là ”kiến tạo sự cảm thông nhau giữa con người và các dân tộc, làm nảy sinh một nền hòa bình lâu bền.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 27-1-2018, dành cho 7 ngàn thành viên Hội Chữ Thập Đỏ Italia.

Trong bài diễn văn, ĐTC nhắc đến các hoạt động của các thành viên Hội Chữ Thập đỏ cứu giúp các nạn nhân thiên tai và cả những người di dân. Những hoạt động của họ phản ánh hoạt động của người Samaritano trong Phúc Âm. Ngài cũng quảng diễn 3 nguyên tắc hoạt động của Hội Chữ Thập Đỏ là tình nhân đạo. Chính tình người này đã thúc đẩy người Samaritano nhân lành cúi mừng trên người bị thương nằm trên đất.

ĐTC nhận xét rằng bao nhiêu người trên trái đất, trẻ em, người già, người nam người nữ trở nên ”vô hình”, vì họ ở trong bóng tối của sự dửng dưng.. Thái độ này đã ngăn cản không cho nhiều người nhìn thấy tha nhân, không nghe được tiếng kêu của họ và nhận thức những đau khổ. Nền văn hóa gạt bỏ là một nền văn hóa vô danh, không có tương quan cũng chẳng có khuôn mặt. Thứ văn hóa này chỉ chăm sóc một vài người và loại bỏ bao nhiêu người khác.

Nguyên tắc thứ hai là ”không thiên vị”, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tín ngưỡng, giai cấp hoặc chính kiến. Thứ ba là ”trung lập”, không đứng về phe nào trong các cuộc xung đột và tranh luận chính trị, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tiêu chuẩn hành động này chống lại xu hướng đang lan tràn ngày nay, phân biệt giữa người đáng được quan tâm và cứu giúp, người thì không đáng giúp. ĐTC nói: Với sự không thiên vị, người Samaritano không gạn hỏi người bị thương nằm trên đất trước khi giúp đỡ họ, không đòi phải biết họ gốc gác thế nào và tín ngưỡng ra sao thì mới giúp đỡ.

ĐTC khuyến khích các thành viên Hội Chữ thập đỏ Italia tiếp tục sứ mạng cao quí của mình và ngài nói: Ai nhìn tha nhân với đôi mắt thân hữu, chứ không qua lăng kính cạnh tranh hoặc xung đột, thì trở thành người xây dựng một thế giới dễ sống và nhân bản hơn (Rei 27-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Cậu bé 8 tuổi, “nhờ các thiên thần”, đã nâng chiếc xe để cứu người bố bị đè

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, chú bé J.T. Parker, 8 tuổi cùng với anh trai Mason 17 tuổi của mình phụ giúp cha của họ là ông Stephen sửa xe trong hiên nhà ở thành phố Sugar, bang Idaho, Hoa kỳ. Chẳng may, vài phút sau khi Mason bị đứt tay và đi vào nhà, chỉ còn chú bé J.T.  bên cạnh bố, ông Stephen bị chiếc xe đè lên người. Chú bé J.T. đã nhanh nhẹn lấy cây sắt và tìm cách nâng chiếc xe lên. Cậu bé J.T.  nghĩ là mình không thể làm được những vẫn thử. Còn ông bố Stephen thì không thể cử động được, vì ông bị đè chặt. Ông biết là tất cả chỉ nhờ vào cậu bé J.T. nhưng cũng nghĩ: “Nó không làm được điều gì. Nó không thể nâng chiếc xe lên…”.

Thế nhưng cậu bé J.T. đã nâng được chiếc xe lên, sau đó cậu chạy đi tìm anh Mason và Mason đã gọi số 911, số cấp cứu. Ông Stephen chỉ bị gãy 13 cái xương sườn, còn các cơ quan nội tạng của ông không bị tổn thương gì. Theo ông Stephen, đó là một phép lạ.

Một tuần sau đó, cha mẹ của bé J.T. đã quay một video và yêu cầu bé thử nâng chiếc xe lên lại, nhưng mà bé không thể làm nổi. J.T. được hỏi đã nghĩ gì vào ngày xảy ra tai nạn và lấy đâu ra sức mạnh để làm đieèu này, J.T. trả lời cách đơn giản: “Các thiên thần.”

Hội Chữ Thập đỏ Idaho đã chọn J.T. là một trong những “anh hùng thật sự của miền Đông Idaho” năm 2017. Jodi, mẹ của J.T, khẳng định: “Tất cả sự kiện này là một phép lạ. Không còn cách nào khác để miêu tả nó. Không có cách nào mà một đứa bé có thể làm điều mà J.T. đã làm. Tôi nghĩ chúng tôi có trách nhiệm nói với dân chúng rằng thật sự có các phép lạ.” (Aleteia.it 09/03/2017)

Hồng Thủy

 

HAI CÁCH NHÌN VÀ HAI LỐI SỐNG

HAI CÁCH NHÌN VÀ HAI LỐI SỐNG

Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”; còn đối với các nhà thi sĩ thì con mắt là một cái gì đó rất thơ mộng! Nó luôn gợi hứng cho những ai yêu mến thơ văn có thể nảy sinh sáng tác… vì thế, có câu: “Mắt em là một dòng sông, thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” (Lưu Trọng Lư);hay đối với những nhà nhân tướng học thì: “Con mắt là phản ảnh của tâm hồn”. Nên nhìn con mắt, người ta có thể đoán bắt được tính tình; hoặc với các nhà khoa học thì: “Con mắt được coi như một chiếc máy chụp rất nhỏ nhưng rất tinh vi và phức tạp, chưa có một máy kỹ thuật số nào sánh kịp […]. Con mắt thâu 80% số vốn kiến thức mà con người hấp thụ được…” 
 
Vì thế, con mắt được gọi là “cửa sổ của linh hồn”. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin, cái mù lòa về mặt thể lý không đáng sợ cho bằng cái mù tâm linh.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa người mù từ lúc mới sinh. Nhưng điều đặc biệt là nhờ con mắt đức tin của anh mù sáng, nên con mắt thể lý cũng nhờ đó mà được trông thấy. Trong cuộc sống thực tế, hình ảnh của anh mù đối lập với nhiều người. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì có rất nhiều người hiện nay sáng mắt về thể lý, nhưng lại mù lòa về tâm hồn.

Qua câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh, đã nảy sinh hai cách nhìn, hai lối hiểu khác nhau giữa Thiên Chúa, mà cụ thể là nơi Đức Giêsu và những người sống cùng thời với Ngài.

1. Hai cách nhìn và hai lối sống
 
Điều trước tiên, chúng ta cần nhận thấy là Thiên Chúa nhìn con người, sự vật hoàn toàn khác lối suy hiểu của con người. Nếu con người nhìn bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn thấu tận tâm can. Chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp tuần trước là một chứng minh cụ thể, khi Đức Giêsu biết người phụ nữ này có quá nhiều đời chồng, mặc dù chị ta không nói (x. Ga 4,5-42). Nếu các Pharisêu và phần đông người Dothái giữ luật chỉ vì giữ luật mà sẵn sàng trở nên vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của anh em đồng lại, thì Đức Giêsu đã vượt lên trên luật để giải phóng con người, hầu đem lại cho con người được hạnh phúc, tự do đích thực, và dẫn đưa người ta vào trong đường lối nhân hậu, bao dung của Thiên Chúa. Vì thế: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55, 8).  

Thật thế, ngay cả tiên tri Samuel, ông đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn và gọi, rồi ông cũng đã phục vụ Thiên Chúa rất nhiều năm trong vai trò là người thông ngôn cho Người, ấy vậy mà ông vẫn còn có thái độ rất đời, vẫn không có cái nhìn của Thiên Chúa (x. Sm 16, 1b. 6-7. 10-13a). Rồi đến lượt chính các môn đệ, khi gặp thấy anh mù, các ông cũng nhao lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" (Ga 9,2).

Như vậy, từ Samuel, đến các môn đệ là những người sống bên cạnh Chúa, vậy mà vẫn còn đó cái nhìn không có “chất Chúa” khi nhận xét một thực tại!

Như vậy, đâu lạ gì khi chúng ta thấy những người Biệt Phái cũng có cái nhìn rất đời như vậy. Phải chăng có khác nhau chút ít khi Samuel cũng như các môn đệ là do chưa hiểu hết được ý định của Thiên Chúa, nhưng khi đã nhận ra, các ngài đã trung thành theo ý của Thiên Chúa. Còn những người Biệt Phái thì do ghen tương, ích kỷ, kiêu ngạo và cố chấp, cho nên họ khước từ chứng tích của anh mù về tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, đồng thời, họ tìm cách loại trừ chính Đức Giêsu và ngay cả anh mù ra khỏi cộng đồng, xã hội của họ. Nếu Đức Giêsu đã không chữa bệnh ngày Sabát, và anh mù kia nếu không xuất hiện thì đã không có chuyện…

Trước mặt những người Pharisêu và người Dothái cũng như theo lỗi suy diễn của họ thì: Thiên Chúa, hay người của Thiên Chúa phải là Đấng tốt lành, thánh thiện, trung thành với Lề Luật và không bao giờ có thể gần gũi với những người tội lỗi… (x. Ga 9,16). Thật ra, nói như vậy thì không sai, nhưng chưa đủ, bởi vì nếu tách tình thương của Thiên Chúa ra khỏi xã hội, cuộc sống, cụ thể là những nơi, những người cần được cứu độ thì mâu thuẫn nội tại với Người, bởi vì: “Thiên Chúa là tình yêu”.
 
Tuy nhiên, thái độ của Đức Giêsu thì khác hẳn. Khi chữa cho anh mù được sáng đúng ngày cấm kị của người Dothái theo luật Môsê, Đức Giêsu đã khẳng định về sứ vụ Thiên Sai của mình, Ngài nói: “Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu, Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian" (Ga 9,4-5). Và, Ngài cũng ngầm cho mọi người biết rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, nên làm chủ luôn ngày Sabát và mặc cho nó một ý nghĩa đúng đắn khi nói: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát" (Mc 2,27-28). Vì thế, nếu đã là phương tiện, thì nó chỉ đóng vai trò là phục vụ, nên không thể không cứu người, hoặc làm việc tốt chỉ vì vụ luật.

2. Sứ điệp Lời Chúa
 
Sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay nhắc chúng ta một vài điều:

Trước tiên, nếu chỉ suy nghĩ đơn giản hay bề ngoài, mỗi người chúng ta rất dễ có nhận định là tại sao Samuel đã được Chúa gọi, chọn và được đặc ân sống thân tình với Thiên Chúa, đại diện Chúa, mà vẫn không nhận ra thánh ý của Người?

Thứ đến, chúng ta cũng không ngần ngại trách các môn đệ khi các ông có nhận định sai lầm về việc chàng thanh niên bị mù được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay khi các ông thắc mắc với Đức Giêsu về việc có phải anh ta bị mù là do tội của anh hay của cha mẹ anh?

Tiếp theo, chúng ta rất dễ kết án những người Biệt Phái vì có một quan điểm nguy hiểm và cho rằng những ai bị tật là do tội và bị Thiên Chúa trừng phạt! Đồng thời kết án họ vì cố chấp bởi vì trong tim và khối óc luôn có sẵn một định kiến, chống đối và thù ghét cũng như khinh thường những người thấp cổ bé họng, ốm đau bệnh tật, và kết án nữa là vị họ sống hình thức, vụ luật…;

Cuối cùng, một lối suy nghĩ đáng thương hại cho những người Dothái thời bấy giờ, vì họ đã có chính Đức Giêsu là hiện thân của Thên Chúa ở cùng mà lại không nhận ra. Nên họ đã bất đồng ý kiến và nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì câu nói: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" (Ga 19,6). Tuy nhiên, suy cho cùng, chúng ta phải thương lấy chính chúng ta, bởi vì vẫn còn đâu đó những nghi kỵ, thành kiến và gán mặc cho người khác những điều mà cả cuộc đời của họ không sao ngóc đầu lên được, chỉ vì một lần trong đời họ bị lỡ…

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Thật vậy, vì ích kỷ, nghi kỵ và kiêu ngạo, nên đã không ít lần chúng ta không thể bỏ qua những sai sót cho anh chị em chúng ta, dẫu vẫn biết rằng, nhiều khi chính chúng ta tội lỗi hơn họ, nhưng chỉ vì chúng ta khôn khéo, lèo lái cách tinh vi mà người đời không biết, nên chúng ta vẫn “bình chân như vại” mà sẵn sàng lên án người khác. Vì thế, vẫn còn đó những chuyện đau lòng như:

Nếu ai đó một thời vướng vào cái tội gọi là “đầu trộm đuôi cướp” thì cả đời không thể thoát ra khỏi những ánh mắt coi thường, khinh khi, dẫu giờ này con người đó tốt lành, hoàn lương! Hay một cô gái nào đó chỉ vì trót dại, và cũng có thể vì hoàn cảnh bị ép buộc phải làm gái điếm… thì mặc cho cô ta đã hối hận, quay đầu trở về và hướng thiện, thì cũng không bao giờ tránh được sự dè bửu, chê bai và cả đời không bao giờ rửa hết nỗi nhục bán thân. Hoặc như một bạn trẻ nào đó, thời thanh niên, vì thiếu sự suy nghĩ, ham chơi, nên sa ngã vào con đường nghiện ngập, hút trích… những người này, dưới con mắt của chúng ta, họ là đồ bỏ, mà ngay cả những người có lòng giúp đỡ họ cũng bị khinh thường theo.

Chỉ đưa ra chừng ấy thôi thì cũng đủ cho chúng ta thấy là đã biết bao lần ta bỏ lỡ cơ hội như Chúa, đã đánh mất vai trò đồng hành, nâng đỡ và tỏa gương sáng cho anh chị em chúng ta để dìu họ bước lên. Không những thế, nhiều khi chúng ta lại cho rằng nếu tạo điều kiện thuận lợi cho họ, thì chẳng khác gì “vẽ đường cho voi chạy”; hay như một cơ hội để họ lợi dụng lòng tốt, rồi “ngựa quen đường cũ”, nên đôi lần chúng ta đã thẳng tay vùi dập, làm cho cuộc đời của họ bi đát hơn và không thể ngẩng đầu để tiến về phía trước với hy vọng thay đổi cuộc đời. Thực ra, lối suy nghĩ trên có cơ sở hay nhiều người đã quá kinh nghiệm nên mới có những nhận định như thế!

Tuy nhiên, nếu chúng ta thinh lặng và hồi tâm đôi chút, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy cuộc đời của mình cũng nhem nhuốc hay còn tệ hơn như thế nữa. Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, đó là chúng ta đã tước mất quyền phán xét của Thiên Chúa, và trở thành một vị thẩm phán mù lòa, ác đức, không giống Đức Giêsu. Lời của thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma đáng để cho chúng ta suy nghĩ: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1). Đồng thời tự cho mình là đạo đức, tốt lành, nên không thuộc về hàng ngũ những tội nhân cần được đón nhận ơn tha thứ. Thực ra, không ai là người vô tội trước mặt Chúa cả: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1, 8).

Vì thế, ta sẵn sàng bỏ qua những thiếu xót của mình, nhưng lại tìm mọi cách bôi nhọ những thiếu xót của anh em. Những người như thế, Đức Giêsu đã cảnh báo: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42). Đây phải chăng cũng là tình trạng mù tâm linh!

Hình ảnh của Đức Giêsu, vị mục tử nhân từ, đấng giàu lòng thương xót không hề có một thái độ như thế. Ngài sẵn sàng tháp nhập vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa thống hối, mặc dù Ngài vô tội. Nhưng thái độ đó của Ngài cho chúng ta thấy rằng: Con Thiên Chúa sẵn sàng trở nên một con người khiêm tốn, liên đới để cứu độ những người tội lỗi. Tinh thần ấy đã được Ngài sống và giảng dạy: “…giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15,10); Và sứ mạng của Ngài là đến để cứu chữa những người tội lỗi, ốm đau, bệnh tật, vì người khỏe mạnh thì không cần đến thầy thuốc. Như vậy, những người thấp cổ bé họng, tội lỗi và bị loại ra bên lề lại là đối tượng số một của sứ vụ Thiên Sai nơi Đức Giêsu.

Nếu chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu đúng nghĩa, thì chúng ta cũng phải coi những người anh em đó là đối tượng trọng yếu của Tin Mừng và sứ vụ nơi chúng ta.

Thật thế, là môn sinh của Thầy Chí Thánh, ánh mắt của ta là ánh mắt nhân từ để cảm thông; đôi chân của ta luôn tiến về phía người tội lỗi, bất hạnh để cùng đồng hành với họ và đôi tay biết dang rộng để nâng dạy những người tội lỗi, giúp họ đứng lên và cùng ta tiến về phía trước. Được như thế, hẳn sẽ không thiếu những vị thánh xuất thân từ hàng ngũ của người tội lỗi!

Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều đó. Trong số rất nhiều vị thánh mà một thời đã “thượng vàng hạ cám”, chúng ta xin đưa ra một số nhân vật tiêu biểu đã được cải hóa nhờ lòng nhân từ của Thiên Chúa như: Mátthêu, người thu thuế; Phêrô, người trối Chúa; người phụ nữ ngoại tình; người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp; Augutinô… và còn biết bao vị thánh lỗi lạc khác mà trước đó họ là những côn đồ, gái điếm, trối Chúa, bỏ đạo…! Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thập giá đáng để chúng ta suy ngẫm: “Lạy Cha, xin tha cho họ…". Thử hỏi rằng trên trần gian này có tội gì nguy hại và đáng phạt cho bằng tội giết con Đức Chúa Trời? Nhưng Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho cả kẻ giết mình.

Như vậy, Mùa Chay, mỗi người chúng ta hãy để cho Lời Chúa như ánh mặt trời chiếu rọi vào tận thâm sâu tâm hồn của mình, để con mắt đức tin của chúng ta sáng lên như anh mù khi xưa, hầu tránh đi tình trạng sáng con mắt thể lý, nhưng lại mù con mắt tâm linh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu thương, cảm thông và tha thứ cho anh chị em, xin cho chúng con được nhạy bén với Thánh Ý của Chúa, để không bị tình trạng sáng mắt thể lý, nhưng lại mù về đời sống đức tin, đời sống tâm linh. Amen.

Jos. Vinct. Ngọc Biển

Đức Thánh Cha bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay

Đức Thánh Cha bắt đầu tuần tĩnh tâm mùa chay

ARICCIA. Trong những ngày này, ĐTC Phanxicô và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, đang tham dự tuần tĩnh tâm tại Trung Tâm ”Thầy Chí Thánh” của dòng thánh Phaolô ở Ariccia cho đến sáng thứ sáu 14-3 tới đây.

Ariccia là một thị trấn có 18 ngàn dân cư, cách Roma khoảng 30 cây số về mạn đông nam, trên cao độ 412 mét so với mặt biển và nhìn xuống hồ Albano. Trung tâm tĩnh tâm của dòng thánh Phaolô có 128 phòng.

ĐTC đã đi chung xe bus với các Hồng Y và chức sắc của Tòa Thánh lúc 4 giờ chiều chúa nhật 9-3 vừa qua. Tổng cộng có 83 người, kể cả các nhân viên an ninh và phục vụ.

Các bài suy niệm do Cha Angelo De Donatis, cha sở một giáo xứ ở Roma, đảm trách.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều chúa nhật vừa qua với kinh chiều, rồi bài suy niệm đầu tiên, trước khi chầu Mình Thánh Chúa và bữa tối vào lúc 7 giờ rưỡi.

Trong những ngày kế tiếp, lúc 7 giờ rưỡi sáng có thánh lễ đồng tế, 9 giờ rưỡi suy niệm và 12 giờ rưỡi là bữa trưa. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm, sau đó là kinh chiều lúc 6 giờ rồi chầu Thánh Thể.

Sáng thứ sáu, 14-3, sau bài suy niệm, ĐTC và các vị tháp tùng sẽ rời nhà tĩnh tâm lúc 10 giờ rưỡi để trở về Roma. (SD 10-3-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio