300 ngàn tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Ecatepec

300 ngàn tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Ecatepec

300 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Ecatepec

MEXICO. Sáng chúa nhật 14-2-2016, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại thành phố Ecatepec trước sự tham dự của 300 ngàn tín hữu.

Ecatepec, cách thành phố Mexico 30 cây số về hướng bắc, có hơn 1 triệu 700 ngàn dân cư, trong đó có rất nhiều người hằng ngày về thủ đô làm việc. Nơi đây cũng khét tiếng vì nạn săn các phụ nữ để đưa vào kỹ nghệ mại dâm và săn các nam thanh thiếu niên để xung vào các băng đảng ma túy. Ecapetec bị coi là nơi ”vô luật pháp, với các tổ chức tội phạm, nạn ô nhiễm cao độ và nghèo đói trầm trọng, nơi bị coi là nguy hiểm nhất cho phụ nữ và dân chúng nói chung với nạn giết người, bắt cóc và buôn người.

ĐTC đã đáp trực thăng tới bãi đậu của trung tâm nghiên cứu cao đẳng Ecatepec, và tiến về khu vực hành lễ. Dọc đường suốt 9 cây số hàng ngàn người đứng hai bên đã dành cho ngài cuộc tiếp đón hết sức nồng nhiệt. Gần tới địa điểm hành lễ, đoàn xe của ĐTC tiến trên bức thảm hoa thật đẹp trên đường đi.   ĐTC đã cử hành thánh lễ chúa nhật thứ I mùa chay lúc 11 giờ rưỡi phút trước sự tham dự của 300 ngàn tín hữu, trong đó có nhiều giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và nhiều gia đình.

 

Trong số các tu sĩ dự lễ cũng có chị Angelica Garcia Barela, và chị em thuộc dòng Nữ tỳ Thừa Sai Lời Chúa. Các chị đến đây từ hôm trước và ngủ lại tại địa điểm hành lễ để canh giữ các bánh lễ sẽ được thánh hiến và chị cũng giúp phân phát Mình Thánh Chúa cho những tín hữu ở xa lễ đài. Sứ vụ chính của các chị ở Ecatepec là đi từng nhà, chia sẻ Lời Chúa với các gia đình. Chị biết cách loan báo Tin Mừng và nói rằng ”ĐTC Phanxicô là mẫu gương tuyệt hảo về việc loan báo Tin Mừng bằng sự hiện diện”. Chị cũng nói với phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ: ”ĐTC đến đây để chứng tỏ đức tin và để thay đổi tâm hồn. Niềm tin của ĐTC, lòng nhiệt thành và niềm vui của ngài không phải là điều thoáng qua, nhưng lây sang người khác và có thể thay đổi nhiều điều”.

Đồng tế với ĐTC có hàng trăm GM và LM trong lễ phục màu tím. Lễ đài vĩ đại có mái che cầu vồng, được trang trí với những hình vẽ theo văn hóa của thổ dân Aztec -- hoa và chim, được làm bằng các bông hoa và cánh hoa.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nói đến ý nghĩa mùa chay và dựa vào bài Tin Mừng ngài nhắn nhủ các tín hữu hãy vượt thắng 3 thứ cám dỗ, như Chúa Giêsu đã chiến thắng trong trình thuật Phúc Âm. Ngài nhận xét rằng trong mỗi người chúng ta có tiềm ẩn giấc mơ về Thiên Chúa mà chúng ta cử hành trong mỗi lễ Phục Sinh, mỗi Thánh Lễ, chúng ta tái cử hành: chúng ta là con cái Thiên Chúa. Đó là giấc mơ mà bao nhiêu anh chị em chúng ta đã sống qua dòng lịch sử. Giấc mơ được máu bao nhiêu vị tử đạo xưa và nay làm chứng. ĐTC cảnh giác rằng:

”Mùa chay, mùa hoán cải, vì hằng ngày ta cảm nghiệm trong cuộc sống sự kiện giấc mơ ấy luôn bị cha kẻ dối trá đe dọa, hắn muốn chia rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia cách và xung đột. Một xã hội của một thiểu số và cho một thiểu số. Bao nhiêu lần chúng ta cảm nghiệm trong thân xác chúng ta, hoặc trong gia đình chúng ta, trong gia đình bạn hữu và những người láng giềng của chúng ta, sự đau khổ phát sinh từ sự cảm thấy phẩm giá của tất cả mọi người không được tôn trọng. Bao nhiêu lần chúng ta đã phải khóc và hối hận vì chúng ta không nhận thấy phẩm giá ấy không được tôn trọng nơi người khác. Tôi phải đau lòng mà nói rằng bao nhiêu lần chúng ta mù quáng và dửng dưng trước sự thiếu nhìn nhận phẩm giá của mình và của tha nhân.

”Mùa chay là mùa điều chỉnh lại các giác quan, mở mắt trước bao nhiêu bất công làm thương tổn trực tiếp giấc mơ và dự án của Thiên Chúa. Mùa chay là mùa vạch trần 3 hình thức cám dỗ lớn phá v[u, chia cắt hình ảnh mà Thiên Chúa muốn hình thành. 3 cám dỗ của Chúa Kitô.. 3 cám dỗ của Kitô hữu chúng tìm cách làm hư hỏng chân lý mà chúng ta được mời gọi đón nhận và sống. 3 cám dỗ tìm cách hạ giá chúng ta.

1. Trước tiên là sự giàu sang, chiếm hữu của cải được ban cho tất cả mọi người, chỉ sử dụng chúng cho tôi hoặc cho những người thân của tôi. Đó là sự kiếm cơm bánh cho mình bằng mồ hôi của người khác, hoặc thậm chí bằng sự sống của người khác. Sự giàu sang ấy là bánh có mùi đau đớn, cay đắng, khổ đau. Trong một gia đình hoặc trong một xã hội hư hỏng đó là bánh mà người ta kiếm để cho con cái mình được ăn.

2. Cám dỗ thứ hai là sự háo danh. Sự tìm kiếm uy tín dựa trên sự liên tục hạ giá những người ”không là ai cả”. Sự miệt mài tìm kiếm vô độ 5 phút vinh quang không nể nang thanh danh của người khác. ”kiếm củi từ cây đã đổ”, mở đường cho cám dỗ thứ ba:

3. Đó là sự kiêu ngạo, tức là đặt mình cao hơn mọi người khác, nghĩ rằng ”mình không chia sẻ cùng cuộc sống như những người thường khác” và hằng ngày cầu nguyện ”Cám ơn Chúa vì đã không để con giống như những người kia!”.

Trên đây là 3 cám dỗ mà Kitô hữu gặp phải hằng ngày, 3 cám dỗ tìm cách hạ giá, phá hủy và tước bỏ niềm vui và sự tươi mát của Tin Mừng. Chúng ta khép mình trong một cái vòng hủy hoại và tội lỗi.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tự hỏi xem mình ý thức về những cám dỗ ấy tới mức độ nào trong con người chúng ta? Tới mức độ nào chúng ta quen với lối sống nghĩ rằng trong sự giàu sang, háo danh và kiêu ngoại có nguồn mạch và sức mạnh của cuộc sống?

Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu chứ không chọn ma quỉ; chúng ta muốn theo vết Chúa, nhưng chúng ta biết rằng đó không phải là điều dễ dàng. Chúng ta biết thế nào là bị tiền bạc, danh tiếng và quyền hành cám dỗ. Vì thế Giáo Hội cho chúng ta thời điểm này, mời gọi chúng ta hoán cải với một niềm xác tín duy nhất chắc chắn này: Chính Chúa đang chờ đợi chúng ta và muốn chữa lành con tim chúng ta khỏi tất cả những gì làm băng hoại nó. Đó chính là Thiên Chúa với danh hiệu là ”lòng thương xót”. Danh Chúa chính là sự giàu sang, là danh tiếng và quyền bính của chúng ta”.

Kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, như mọi trưa Chúa Nhật, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin, và trong bài huấn dụ ngắn, ngài dựa vào bài đọc thứ I trích từ sách Đệ nhị luật (26,5-11) để mời gọi các tín hữu hãy nhớ lại và dâng lời cảm tạ Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban từ trước đến nay cho chúng ta. Ngài nói:

”Tôi cũng muốn hiệp với anh chị em trong ký ức cảm tạ này. Nhớ lại một cách sinh động sự đi qua của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta…   ”Tôi muốn tái mời gọi anh chị em ngày hôm nay hãy đi hàng đầu, hãy năng nổ trong mọi sáng kiến có thể biến lãnh thổ Mexico được chúc phúc này thành một miền đất thuận lợi, đầy cơ may, thành nơi mà không cần xuất cư để có thể mơ ước, không cần bị bóc lột để được làm việc, không cần làm cho tuyệt vọng và nghèo đói của nhiều người thành cơ hội cho một thiểu số. Một miền đất nơi mà những ngư[ơi nam nữ, thanh niên và trẻ em không phải khóc lóc, và không bị tiêu diệt trong tay những kẻ buôn sự chết chóc”.

”Đất nước này có hương vị của Đức Mẹ Guadalupe, Đấng luôn đi trước chúng ta trong tình yêu thương; chúng ta hãy thưa với Mẹ:

Lạy Đức Trinh Nữ Thánh, ”xin giúp chúng con rạng ngời trong chứng tá về tình hiệp thông, phục vụ, lòng tin nhiệt thành và quảng đại, công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Phúc Âm đi tới tận bờ cỡi trái đất và không khu vực ngoại ô nào bị thiếu ánh sáng” (Evangelii gaudium, 288).

Lời chào của Đức Giám Mục sở tại

Trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc, Đức Cha Oscar Dominguez Couttolenc, GM giáo phận Ecatepec sở tại, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Ngài cũng nói rằng: ”Cũng như nhiều nơi khác, chúng con cảm nghiệm ở đây nghèo đói và bạo lực, sống trong thân xác mình đau khổ của những nạn nhân của nạn tham những, đói nghèo, và mọi thứ biểu hiện khác của sự ác, dẫn tới sự suy sụp căn nhà chung của chúng ta.. Đối lại tình trạng đó, các tín hữu ở Ecatepec này cầu nguyện, suy tư, hoạt động, cố gắng sống linh đạo hiệp thông, một tinh thần liên đới, càng được củng cố nhờ cuộc viếng thăm này của ĐTC”.

Sau thánh lễ vào lúc 2 giờ, ĐTC đã đến Đại chủng viện giáo phận Morelia, một giáo phận có 600 ngàn tín hữu Công Giáo, để dùng bữa trưa cùng với đoàn tùy tùng. Ngài cũng ghi lại một lời huấn dụ cho các chủng sinh trong đó ngài nhắn nhủ các thày đừng trở thành ”giáo sĩ Nhà Nước”: Tất cả những người ở trong chủng viện này đang chuẩn bị làm linh mục, cần luôn luôn nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô và Mẹ chí thánh của Người. Ước gì họ được huấn luyện để trở thành các mục tử của dân trung thành với Thiên Chúa chứ không phải là những giáo sĩ nhà nước”.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm bệnh viện nhi đồng ở thủ đô Mexico

Đức Thánh Cha viếng thăm bệnh viện nhi đồng ở thủ đô Mexico

Đức Thánh Cha viếng thăm bệnh viện nhi đồng ở thủ đô Mexico

MEXICO. Chiều ngày 14-2-2016, ĐTC đã viếng thăm bệnh viện nhi đồng Federico Gómez ở thủ đô Mexico, và khuyến khích phương pháp ”trị liệu bằng sự dịu dàng âu yếm”.

Sau thánh lễ ban sáng tại thành phố Ecatepec, lúc gần 5 giờ chiều chúa nhật 14-2-2015, ĐTC đã đáp trực thăng bay trở về thủ đô rồi từ đây dùng xe đi tới bệnh viện nhi đồng Federico Gómez cách đó 6,5 cây số để viếng thăm. Bệnh viện này được khánh thành lập cách đây 73 năm (1943) và mang tên bác sĩ giám đốc đầu tiên. Bệnh viện nổi tiếng này trở thành điểm tham chiếu về y khoa cho vùng Trung và Nam Mỹ. Hơn 8 ngàn bác sĩ nhi đồng người Mêhicô đã được huấn luyện tại nhà thương này, và bệnh viện cũng thường xuyên gởi hàng chục bác sĩ đi học chuyên môn thêm ở nước ngoài. Bệnh viện có 212 giường được chia làm 30 khu vực chuyên môn. Đức Gioan Phaolô 2 cũng đã đến thăm nhà thương nhi đồng này trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Mexico hồi năm 1979.

Khi đến nơi vào lúc gần 6 giờ chiều, sớm hơn chương trình dự định, ĐTC đã được bà Angelica Rivera, phu nhân tổng thống Enrique Pena Nieto, và cũng là ân nhân của bệnh viện, bác sĩ giám đốc nhà thương, đại diện các ân nhân và một nữ bệnh nhân 38 tuổi bị ung thư, tiếp đón và hướng dẫn vào thính đường để gặp các em bệnh nhân ở đây, hàng trăm em ngồi trên xe lăn. ĐTC chào thăm nhiều em, tặng mỗi em xâu chuỗi mân côi. Ngài cũng làm phép một xâu chuỗi của một em bé và xin em cầu nguyện cho ngài. Các em rất phấn khỏi, nhiều em đứng lên xe lăn của mình để chào ĐTC. Có những em tặng ngài những hình các em vẽ. Nữ bệnh nhân bị ung thư đã làm cho ngài ngạc nhiên khi bà cất hát bài Ave Maria nổi tiếng của Schubert.

Huấn từ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cám ơn các em vì sự đón tiếp nồng hậu. Ngài nhắc đến trình thuật Tin Mừng về việc dâng Chúa hài nhi vào Đền Thánh. Cụ già Simeon cũng ở đó, khi thấy Chúa Hài Đồng, cụ rất vui mừng, bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay, và đầy lòng vui mừng và biết ơn, cụ chúc tụng Chúa. Khi thấy Hài Nhi Giêsu khơi lên trong cụ già hai điều: cảm thức biết ơn và ước muốn chúc tụng. Ngài nói:

”Simeon là người ”ông” dạy chúng ta hai thái độ cơ bản này: cảm tạ và chúc tụng.

”Ở đây (và không phải chỉ vì tuổi tác thôi), cha cũng cảm thấy rất gần hai giáo huấn này của cụ Simeon. Một đàng, khi tiến qua cửa này và thấy những đôi mắt, nụ cười và khuôn mặt của các con cha cảm thấy ước muốn cảm tạ. Cảm tạ vì lòng quí mến của các con dành cho cha, cảm tạ vì cha thấy lòng quí mến qua đó các con được săn sóc và tháp tùng. Cảm tạ vì cố gắng của bao nhiêu người đang nỗ lực hết sức để các con sớm được bình phục.

Đồng thời cha cũng muốn chúc lành cho các con. Cha muốn xin Chúa chúc lành, tháp tùng các con và gia đình các con, tất cả những người làm việc ở nhà này, và họ làm cho nụ cười tiếp tục tăng trưởng mỗi ngày.

ĐTC nói thêm rằng:

Các con có biết thổ dân Juan Diego không? Khi chú của cậu bé Juan bị bệnh, cậu bé rát lo lắng. Trong lúc đó Đức Mẹ Guadalupe hiện ra và nói với cậu bé: ”Con đừng lo lắng và lo âu điều gì. Mẹ ở đây không phải là Mẹ của con sao?”

Chúng ta có Mẹ chúng ta: chúng ta hãy cầu xin Mẹ ban Chúa Giêsu Con của Mẹ cho chúng ta. Chúng ta hãy nhắm mắt lại và xin Mẹ điều mà tâm hồn chúng đang mong ước ngày hôm nay, và cùng nhau chúng ta hãy đọc kinh Kính Mừng..

Trong cuộc viếng thăm, một nhân viên nhà thương xin ĐTC giúp phát động và đẩy mạnh chiến dịch chủng ngừa cho các em chống bệnh sốt tê liệt.

 ĐTC nhận lời và ngài làm với sự cộng tác của em bé Rodrigo Lopez Miranda, 5 tuổi. Cậu bé há to miệng để ĐTC bóp giọt nước vào miệng em và nói: ”con nuốt đi!”. Cậu bé Rodrigo tặng ĐTC bức tranh em vẽ và leo lên tay ngài để ôm hôn.

ĐTC không quên cám ơn các bác sĩ và y tá, cũng như các nhân viên khác và gia đình các em vì sự dịu hiền dành cho các em bệnh nhân. Ngài nói ”Dịu dàng trị liệu pháp thật là điều quan trọng; đôi khi sự vuốt ve dịu dàng có thể giúp ích nhiều cho sự phục hồi của các em”.

Ngài cũng tiến vào khu bệnh ung thư, vào các phòng để thăm hỏi các em bệnh nhân, nhất là những em không thể rời khỏi giường.

ĐTC ban phép lành và giã từ mọi người, rồi trở về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 11 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Cha Lombardi

Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tháp tùng ĐTC trong cuộc viếng thăm, cho biết trong ngày thứ bẩy 13-2, tổng cộng có tới 1 triệu người Mexico đã thấy vào chào đón ĐTC. Cả ngày chúa nhật 14-2, cũng có tới 1 triệu người thấy ĐTC qua các lộ trình ngày đi qua, trong khi 300 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ với ngài tại thành phố Ecatepec.

Trước khi đến địa điểm cử hành thánh lễ, máy bay trực thăng chở ĐTC đã bay ở cao độ thấp gần kim tự tháp của nền văn minh tiền Axteca, tức là trước thế kỷ thứ 5.

Cha Lombardi cũng tiết lộ rằng có một nhóm 6 cha dòng Tên đã đến thăm ĐTC tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Mexico. Trong dịp này ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với dân chúng Mexico đã đổ dồn ra các đường phố nơi ngài đi qua để bày tỏ tâm tình quí mến đối với ngài. Ngài nhận xét rằng ”Tất cả những người dân ấy được thúc đẩy do tâm tình quí mến nhưng không đối với Giáo Hoàng”.

Trong cuộc nói chuyện thân mật, các tu sĩ dòng Tên ở thủ đô Mexico đã tặng ĐTC hài cốt của thánh Miguel Pro, dòng Tên, tử đạo ngày 23-11 năm 1927 trong cuộc bách hại chống các tín hữu Kitô. Cha Pro đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 25-9 năm 1988 và tiến trình phong hiển thánh cho cha đang được tiến hành.

Sau cùng cha Lombardi cho biết trong lúc di chuyển bằng xe ở thủ đô Mexico, ĐTC đã dừng lại trước nữ Đan viện Đức Mẹ Thăm viếng, là Đan viện lớn nhất của Mexico với 53 nữ đan sĩ và 18 tập sinh.

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio

ĐTC gặp các Giám Mục Mexico và dâng thánh lễ tại Đền thánh Đức Bà Guadalupe

ĐTC gặp các Giám Mục Mexico và dâng thánh lễ tại Đền thánh Đức Bà Guadalupe

ĐTC giảng trong thánh lễ tại Đền thánh Đức Bà Guadalupe chiều 13-2-2016

Tường thuật buổi gặp gỡ các Giám Mục Mexico và thánh lễ ĐTC cử hành tại Vương cung thánh đường Guadalupe

Như chúng tôi dã tưởng thuật các sinh hoạt ngày đầu tiên của ĐTC tại Mexico đã là cuộc gặp gỡ các giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Quốc Gia trong thủ đô Mexico.

Lúc 6 giờ rưỡi chiều thứ bẩy ĐTC đã đến nhà thờ chính toà Đức Mẹ hồn xác lên trời để gặp gỡ các Giám Mục Mexico. Ngài đã được các giới chức chính quyền thủ đô tiếp đón và trao chià khoá thành phố tại quảng trường Zócalo, xây trên các dấu tích trung tâm chính trị tôn giáo của thủ đô Tenochtitlan của thổ dân Aztechi xưa kia. Quảng trường có thể chứa được 80 ngàn người.

Nhà thờ chính toà Đức Mẹ hồn xác lên trời được xây trên nơi xưa kia có một đền thờ kính thần Xipe. Đền thờ hiện nay được khởi công xây năm 1657 nhưng đã chỉ hoàn thành năm 1813. Mặt tiền đền thờ có các bức khắc đá cẩm thạch trắng, chính giữa là cảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời, bên trái là cảnh Chúa trao chià khóa Thiên đàng cho thánh Phêrô, bên phải là con tầu Giáo Hội. Bên trên đồng hồ có ba bức tượng diễn tả ba nhân đức đối thần: đức tin đức cậy và đức mến. Bên trong nhà thờ có 5 gian dọc và 16 bàn thờ cạnh. Vòm nhà thờ vẽ cảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Có cuộc sống trông sáng và biết có cái nhìn của Mẹ Maria

Ngỏ lời với các Giám Mục ĐTC đã đề cao việc sùng kính Đức Mẹ Guadalupe như linh hồn của dân nước Mexico. Đức Trinh Nữ “Da ngăm” dậy chúng ta rằng sức mạnh duy nhất có khả năng chinh phục trái tim con người là sự hiền dịu của Thiên  Chúa. Điều gây thích thú và lôi cuốn, điều khuất phục và chiến thắng, điều mở ra và tháo các xích xiềng không phải là sức mạnh của các dụng cụ hay sự cứng rắn của luật lệ, nhưng là sự yếu đuối toàn năng của tình yêu thiên chúa, là sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa, là sức mạnh không thể cưỡng lại được của sự dịu hiền và lời hứa không trở lại đàng sau của lòng thương xót Ngài. Trong lịch sử dài và đau đớn của dân nước Mexico, với biết bao máu đã đổ ra, với biết bao bạo lực, tôi mời gọi anh em khởi hành từ cung lòng của đức tin kitô có khả năng hoà giải qúa khứ với tương lai. Anh em hãy cúi xuống, với sự tế nhị và lòng kính trọng, trên linh hồn sâu thăm của dân chúng, hãy chú ý đi xuống và đọc ra gương mặt mầu nhiệm của họ. Cần phải có một cái nhìn có khả năng phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa. ĐTC khích lệ các giám mục như sau:

Anh em hãy là các Giám Mục có cái nhìn trong sáng, có linh hồn trong suốt, có gương mặt rạng ngời. Đừng sợ hãi sự trong sáng. Giáo Hội không cần bóng tối để làm việc. Anh em hãy canh thức để các cái nhìn của anh em không bị che phủ bởi các bóng tối của sương mù của tinh thần thế gian; đừng để cho mình bị hư thối bởi chủ thuyết duy vật tầm thường, cũng như bởi các ảo tưởng quyến rũ của các thoả hiệp ngầm; đừng tin tưởng nơi “các ngựa xe” của các pharaô thời đại ngày nay, bởi vì sức mạnh của chúng ta là “cột lửa” chẻ đôi nước biển, mà không gây ồn ào… Anh em đừng mất thời giờ và năng lực trong những chuyện phụ thuộc, các bép xép và các mưu mô, trong những dự tính nghề nghiệp tiến thân, trong các chương trình bá chủ, trong các câu lạc bộ khô cằn của các lợi lộc hay các phe nhóm. Đừng để cho mình bị chặn đứng bởi cac lẩm bẩm hay nói xấu. Anh em hãy săn sóc các linh mục, người trẻ,  hãy gần gũi với các vùng ngoại biên và các vùng đất buồn thương của các thành phố, lôi cuốn các cộng đoàn giáo xứ, trường học, cơ cấu cộng đoàn, cộng đoàn chính trị, các cơ cấu an ninh.

Tiếp tục bài nói chuyện với các Giám Mục ĐTC khích lệ các vị biết đánh giá qúa khứ, tái khám phá ra sự khôn ngoan, và kiên trì khiêm tốn với các nguời cha đức tin của quê hương đã biết hướng dẫn các thế hệ tiếp theo trong việc học hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa, bằng cách học và dậy đối thoại với Thiên Chúa. Đặc biệt cần có một cái nhìn hết sức tế nhị đối với các thổ dân và các nền văn hóa hấp dẫn của họ, cũng như thừa nhận phần đóng góp phong phú của họ để chấp nhận căn tính tạo thành một quốc gia duy nhất. Anh em đừng mệt mỏi nhắc nhở cho dân chúng biết các gốc rễ cố cựu mạnh mẽ  cho phép một tổng hợp kitô của sự hiệp thông nhân bản, văn hóa và tinh thần đã được tôi luyện trên mảnh đất này.

ĐTC cũng kêu gọi các Giám Mục đừng rơi vào sự tê liệt cống hiến các câu trả lời cũ cho các vấn nạn mới. Qúa khứ của anh em là một cái giếng phong phú cần đào sâu, vì nó có thể gợi hứng cho hiện tại và soi sáng cho tương lai. Ngoài ra cần  đào sâu đức tin và đánh giá cao lòng đạo đức bình dân và rao truyền Tin Mừng. Thắng vượt cám dỗ xa cách và duy giáo sĩ, lạnh lùng và thờ ơ, hay thái độ chiến thắng và tự quy chiếu về mình. Anh em hãy chú ý tới từng người tìm kiếm Thiên  Chúa. Chú ý tới các linh mục, đừng để cho họ cô đơn, bị bỏ rơi và làm mồi cho tinh thần thế gian. Hãy biết đọc hiểu các khổ đau và khám phá ra các nhu cầu đích thật của con người. Cần sống sự thân tình trong con tim Thiên Chúa. Đức Bà Guadalupe chỉ xin một căn “nhà nhỏ thánh” thôi. Ước chi những người tụ tập nhau trong nhà thờ của chúng ta cảm thấy được thoải mái. Đức Bà Guadalupe hiệp nhất người dân Mêhicô. Chỉ khi nhìn lên Mẹ Mexico mới có được một cái nhìn toàn vẹn về chính mình. ĐTC cũng khích lệ các Giám Mục hiểu rằng sứ mệnh của Giáo Hội đòi hỏi cái nhìn ôm trọn tất cả. Và chỉ có thể làm được điều này trong sự hiệp thông và việc duy trì sự hiệp nhất giữa các giám mục, giữa các giám mục và các linh mục và toàn dân. Ngài cũng xin các giám mục nghĩ tới vấn đề của người di cư và củng cố sự hiệp thông với các giám mục Hoa Kỳ.

Sau khi gặp gỡ các Giám Mục Mexico  và dùng bữa trưa tại Toà Sứ Thần, vào lúc 4 giờ chiều ĐTC đã đi xe đến vương cung thánh đường Đức Bà Guadalupe cách đó 16 cây số để chủ sự thánh lễ.

Đây là Đền Thánh chính của Mexico và là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới hàng năm có tới 20 triệu tín hữu và du  khách hành hương kính viếng. Đền thánh được xây trên nơi Đức Mẹ đã hiện ra 5 lần với thổ dân Juan Diego, trong các ngày từ mùng 9 tới 12 tháng 12 năm 1531. Cùng với người bác là Juan Bernardino Juan Diego là một trong những thổ dân đầu tiên theo Kitô giáo năm 1525. Tên gọi Guadalupe phát xuất từ việc đọc sai từ “Coatlaxopeuh” trong tiếng thổ dân có nghĩa là “Người nữ chiến thắng con rắn”. Đức Mẹ Guadalupe đã được tuyên bố là Bổn Mạng nước Mexico năm 1737, Bổn Mạng và Hoàng Hậu châu Mỹ năm 1910 và của Philippines năm 1935. Vì thế trước đền thờ có treo 24 cờ của các nước châu Mỹ và của Philippines.

Vương cung thánh đường cũ đưọc xây năm 1709, nhưng bị hư hại nhiều sau nhiều vụ động đất. Do đó ngay từ thập niên 1940 HĐGM Mexico đã quyết định xây đền thờ mới. Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành ngày 12 tháng 12 năm 1974. Vì nền đất bên dưới yếu nên các cột trụ có đường kính rộng tới 102 mét, sâu 32 mét. Có 344 cột trụ khác chống đỡ đền thờ nặng 50 tấn. Nhìn từ bên ngoài, vương cung thánh đường giống một chiếc lều hình tròn dựng trong sa mạc, như Lều Hội Ngộ mà Giavê Thiên Chúa đã truyền cho ông Môshê dựng lên dưới chân núi Sinai xưa kia. Mái đền thờ được lợp bằng 8,000 mét vuông đồng mầu xanh nước biển, là mầu áo của Đức Mẹ. Trên đỉnh đền thờ có thánh giá và một đế hình chữ M là chữ đầu tên của Mẹ Maria và cũng là chữ đầu tên nước Mexico. Bên trong mái đền thánh được lợp bằng 6,000 mét vuông gỗ thông được biến chế chống lửa do nước Canada dâng tặng. Từ trên trần treo lủng lẳng 164 ngọn đèn bát giác, 7 trong số đó có gắn các loa phóng thanh và ống kính truyền hình. Nền đền thờ được lát bằng 8,000 mét vuông đá cẩm thạch Mexico. Cột trụ chính giữa đền thờ bọc gỗ trắc bá, được trang hoàng với các lá bằng vàng có hình Đức Bà Guadalupe. Đế hình có thể quay tròn cho phép tín hữu đứng ở đâu trong đền thờ cũng có thể trông thấy Đức Mẹ, kể cả trong nhà nguyện phòng thánh sau bàn thờ chính. Để giúp làn sóng tín hữu tuốn tới đây mỗi ngày rất đông có 4 cầu thang lưu động giúp mọi người có thể chiêm ngắm cách hình Đức Mẹ 6 mét. Vương cung thánh đường có thể chứa được 12,000 tín hữu, và quảng trường phía trước có chỗ cho 30,000 người. Đền thánh Đức Bà Guadalupe cũng bao gồm một viện bảo tàng, nhà nguyện “Pocito” thuộc thế kỷ XVIII, nhà thờ và dòng Capucino, nhà nguyện “Hoa hồng” thuộc thế kỷ XVI, đài tưởng niệm “Cánh buồm của các thuỷ thủ”, nghĩa trang của thổ dân Teyepac. Và cũng có một hầm đậu xe có chỗ cho 1,850 chiếc xe.

Trong đền thánh có hình phép lạ Đức Mẹ được vẽ trên một áo choàng làm bằng sợi cây xương rồng Maguey, bình thường không kéo dài hơn 20 năm. Hình Đức Mẹ cao 1,45 mét và được vẽ với các mầu rất sống động, với nhiều biểu tượng ý nghĩa. Mẹ Maria xem ra được biến đổi bởi mặt trời, Mẹ đang mang thai và từ cung lòng Mẹ phát ra ánh sáng và các ngọn lửa. Đó là Mẹ của Hài Nhi Mặt Trời. Các nét trên gương mặt của Đức Mẹ không phải là của phụ nữ Tây Ban Nha, cũng không phải của các thổ dân, nhưng là người lai giống. Chân Mẹ đạp mặt trăng, chân trái hơi nhún xuống, ám chỉ bước đường hành hương và điệu vũ trong lễ hội của các nền văn hóa tiền Colombiano. Áo choàng của Đức Mẹ mầu hồng với các hoa lạ gắn bên trên, trong đó có thể nhận ra một bông hoa nhỏ bốn cánh trên bụng của Mẹ. Nó có ý nghĩa  rất lớn, vì trong các nền văn hóa thổ dân nó biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là nguồn sự sống. Bên trên áo choàng ở trên cổ có một hình thập giá. Trong các nền văn hóa thổ dân mesoamericano, nó mang cùng ý nghĩa như bông hoa bốn cánh: diễn tả sự tràn đầy và bất tử. Đối với kitô hữu đó là dấu chỉ của ơn cứu rỗi. Áo choàng mầu xanh da trời đầy sao là mầu của ngọc và ngọc lam, biểu tượng cho vương quyền và sự đồng trinh. Các chòm sao là bản đồ bầu trời mùa đông năm 1531, khi Đức Mẹ hiện ra. Hình Đức Mẹ được cất giữ trong một nhà nguyện  nhỏ có trước, sau đó được lưu giữ trong nhiều nhà thờ khác nhau. Năm 1895 hình được ĐGH Leo XIII đội triều thiên và được rước vào Vương cung thánh đường mới ngày 12 tháng 10 năm 1976 với sự hiện diện của phái đoàn các nước Mỹ châu, Philippines, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia.

Chính tại đây thánh Gioan Phaolô II đã đồng tế thánh lễ với các Giám Mục trong dịp khai mạc hội nghị lần thứ ba của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh ngày 27 tháng giêng năm 1979; tiếp đến là trong lễ phong chân phước cho ông Juan Diego, ba vị tử đạo thổ dân Tlaxcala là Cristobal, Juan và Antonio và linh mục José Maria de Yermo y Parres ngày mùng 6 tháng 5 năm 1990; và trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước Juan Diego ngày 31 tháng 7 năm 2002.

Lúc 16 giờ 45 xe chở ĐTC tới Vương cung thánh đường cũ. ĐTC vào phòng thánh và được các Kinh Sĩ tiếp đón. Thánh lễ kính Đức Bà Guadalupe được cử hành bằng tiếng Tây Ban Nha. Trưóc đó hàng chục ngàn tín hữu thổ dân đã mặc sắc phục truyền thống nhiều mầu sặc sỡ tay cầm tượng hay hình Đức Mẹ Guadalupe đi rước về Đền thánh để tham dự thánh lễ với ĐTC.

Tất cả mọi người đểu cần thiết trong việc xây dựng cộng đoàn Giáo Hội và xã hội

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm kể lại biến cố Đức Mẹ thăm viếng bà Elizabeth. Cuộc gặp gỡ với thiên thần đã khiến cho Mẹ Maria trở thành người nữ của hai tiếng “xin vâng”, xin vâng tận hiến cho Thiên Chúa và các anh chị em khác. Nó khiến cho mẹ di chuyển để cho đi điều tuyệt hảo của mình và đến gặp gỡ tha nhân. Đức Maria, người phụ nữ của tiếng xin vâng, cũng đã muốn viếng thăm người dân vùng đất này của Mỹ châu trong con người của thổ dân Juan Diego. Cũng như xưa Mẹ đã bước đi trên các nẻo đường của vùng Giuđêa và Galilêa Mẹ cũng đã đến Tepeyac với các y phục và tiếng nói của nó để phục vụ quốc gia lớn lao này. Như Mẹ đã đồng hành với việc mang thai của bà Elizabeth Mẹ cũng đã đồng hành với việc thai nghén của đất nước Mexico được chúc phúc này.

Cũng như Mẹ đã đến với thổ dân Juan Diego Mẹ đến với tất cả chúng ta đặc biệt những người cảm thấy mình không có giá trị gì. Trong buổi sáng tháng 12 năm 1531 xa xôi ấy Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của những người bé nhỏ nhất, đau khổ nhất, những người tỵ nạn, bị gạt bỏ ngoài lề và cảm thấy mình không có một chỗ xứng đáng trên các vùng đất này. Buổi sáng hôm đó Thiên Chúa tới gần con tim của biết bao nhiêu bà mẹ, người cha, ông bà nội ngoại, đã thấy con cháu mình phải chết, bị mất tích hay bị nạn tội phạm giật thoát khỏi tay họ. Buổi sáng hôm đó lần đầu tiên trong đời, chú bé Juan Diego sống niềm hy vọng lòng thương xót của Thiên Chúa và hiểu nó có nghĩa là gì. Nhiều lần cậu xin Đức Mẹ chọn những người khác làm sứ giả của Mẹ, cậu thấy mình không phải là người thích hợp, vì vô học thức, nghèo hèn, nhưng Đức Mẹ cương quyết nói không. Và ĐTC rút tiả ra kết luận sau đây:

Trong việc xây dựng đền thánh khác, đền thánh của cuộc sống, đền thánh của các cộng đoàn, xã hội, văn hóa của chúng ta, không ai có thể bị bỏ ra ngoài cả. Chúng ta tất cả đều cần thiết, nhất là những người thường không đáng kể vì không ở trên độ cao của các tình huống, hay không đem lại tư bản cần thiết cho việc xây dựng các cộng đoàn đó.  Đền thánh của Thiên Chúa là cuộc sống của tất cả các con cái Ngài, trong tất cả mọi điều kiện, đặc biệt của người trẻ… Đền thánh của Thiên Chúa là các gia đình của chúng ta, cần có cái tối thiểu để có thể giáo dục và nâng đỡ con cái. Đền thánh của Thiên Chúa là gương mặt của biết bao người chúng ta gặp trên đường đời. ĐTC đã mời gọi mọi người nhìn lên Mẹ để nghe lại lời Mẹ nói với cậu bé Juan Diego: “Mẹ không phải là mẹ của con sao? Mẹ không ở đây sao?” Đừng để mình bị các khổ đau, buồn sầu chiến thắng. Hãy là các sứ giả của Mẹ. hãy là những người được Mẹ sai đi xây dựng các đền thánh mới, đồng hành với biết bao cuộc sống, lau khô bao nước mắt. Chỉ cần bước đi trên các con đường trong khu phố, cộng đoàn và giáo xứ của con như là sứ giả của Mẹ. Hãy là sứ giả của Mẹ bằng cách cho người đói khát ăn uống, dành một chỗ cho người nghèo, mặc cho người trần truồng, viếng thăm người đau yếu, cứu giúp kẻ tù tội, tha thứ cho kẻ xúc phạm tới con, an ủi kẻ buồn phiền, và kiên nhẫn với tha nhân, nhất là khẩn nài và cầu xin Thiên Chúa của con.

Sau thánh lễ ĐTC đã kính viếng nơi cất giữ hình Đức Mẹ Guadalupe. Tiếp đến ngài ký tên vào Sổ Vàng lưu niệm và gặp các kinh sĩ cũng như các nhân viên phục vụ tại đền thánh Đức Mẹ và các trẻ em giúp lễ. Lúc 7 giờ rưỡi chiều ngài lên xe trở về Toá Sứ Thần để dung bữa tối và nghỉ đêm.

Chúa Nhật 14-2 ĐTC sẽ tới thăm gíáo phận Ecatepec, cách thủ đô Mexico 28 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu, rồi  thăm nhà thương nhi đồng Federico Gómez trong thư đô Mexico. 

Linh Tiến Khải -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

MEXICO. Tại Mexico, ĐTC kêu gọi bài trừ nạn tham nhũng và tăng cường việc huấn luyện giới trẻ, tìm kiếm công ích thay vì đặc ân cho thiểu số.

Đó là nội dung diễn văn của ĐTC tại tòa nhà chính phủ Mexico trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-2-2016 tại thủ đô nước này. Đây là hoạt động chính thức đầu tiên của ngài tại Mexico sau khi từ Cuba đến đây vào chiều tối ngày 12-2-2016.

ĐTC đã đến tòa nhà quốc gia vào lúc 9 giờ rưỡi sáng. Tại đây đã diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức với quốc thiều, chào cờ và giới thiệu hai phái đoàn, trước khi ĐTC hội kiến riêng với Tổng thống Enrique Pena Nieto ở lầu 3, trong khi phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin hướng dẫn hội kiến với phái đoàn chính phủ Mexico.

Trong phần trao đổi quà tặng, ĐTC đã tặng tổng thống bức tranh khảm Đức Mẹ Guadalupe.

Buổi tiếp đón chính thức được nối tiếp với cuộc gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Mexico, tổng cộng là 1,200 người tại sảnh đường Diego Rivera trong dinh Quốc gia, vào lúc 10 giờ 15.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết ngài đến Mexico như một thừa sai của lòng thương xót và hòa bình, và với tư cách là người con muốn tôn kính Mẹ mình là Đức Trinh Nữ Guadalupe, và để cho Mẹ hướng dẫn.

Sau khi ca ngợi nước Mexico giàu tài nguyên và các truyền thống văn hóa phong phú, ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi nghĩ và dám nói rằng sự phong phú chính yếu của Mêhicô có một khuôn mặt trẻ trung, đúng vậy, đó là những người trẻ. Hơn một nửa dân nước này là người trẻ. Điều này cho phép nghĩ đến và đề ra dự phóng cho tương lai… Một dân tộc nhiều người trẻ là một dân tộc có khả năng đổi mới, biến đổi, và là một lời mời gọi hãy hăng hái hướng nhìn về tương lai. Nhưng thực tại này cũng đưa chúng ta suy tư về trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng Mexico mà chúng ta mong muốn, một Mexico mà chúng ta muốn truyền lại cho các thế hệ mai sau. Điều này cũng làm cho chúng ta ý thức rằng một tương lai nhiều hy vọng được hình thành trong một hiện tại gồm những người nam nữ công chính, lương thiện, có khả năng dấn thân cho công ích, công ích mà trong thế kỷ 21 này không được đánh giá cao lắm. Kinh nghiệm cho thấy mỗi khi chúng ta tìm con đường đặc ân và lợi lộc cho một thiểu số, và gây thiệt hại cho đa số, thì sớm muộn gì đời sống xã hội cũng biến thành một mảnh đất khô cằn vì tham nhũng, buôn bán ma túy, loại trừ các nền văn hóa khác nhau, bạo lực và thậm chí cả nạn buôn người, bắt cóc và sát hại, gây đau thương và cản trở sự phát triển.

ĐTC cũng nhận xét rằng để có thể vượt thắng những tình trạng nảy sinh do sự khép kín của chủ nghĩa cá nhân,cần có sự đồng thuận giữa các tổ chức chính trị, xã hội, của thị trường và mọi người nam nữ dấn thân trong việc tìm kiếm công ích và thăng tiến phẩm giá con người.

ĐTC nhắc nhở các vị trách nhiệm về đời sống xã hội, văn hóa và chính trị ở Mexico về nghĩa vụ đặc biệt làm việc để cống hiến cho mọi công dân cơ hội giữ vai chính trong vận mạng của họ, trong gia đình và mọi môi trường trong đó xã hội tính của con người được phát triển, giúp họ tìm được những thiện ích vật chất và tinh thần không thể thiếu được như: nhà ở thích hợp, công ăn việc làm xứng đáng, lương thực, công lý đích thực, an ninh hữu hiệu, môi trường lành mạnh và an bình.

”Đây không phải chỉ là vấn đề luật lệ cần luôn được cải tiến, nhưng còn là sự cấp thiết phải huấn luyện cho mỗi người về tinh thần trách nhiệm, trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với những người khác, như những người đồng trách nhiệm đối với chính nghĩa chung là thăng tiến sự phát triển đất nước.”

Mexico đang gặp nhiều tai ương: tuy nước này quảng đại tiếp đón người di dân đi qua đây, nhưng cũng có sự kiện 27 ngàn người bị mất tích, nạn nhân của những vụ buôn người và các tội ác ma túy. ĐTC nhìn nhận rằng ”sự khôn ngoan ngàn đời hệ tại đặc tính đa văn hóa của Mexico và đây là một trong những tài nguyên nhân sự lớn nhất của nước này. Đây là một căn tính đã học cách thành hình trong sự khác biệt, và là một gia sản phong phú cần đề cao giá trị, kích thích và chăm sóc.. Sự thỏa thuận giữa các lực lượng chính trị, xã hội, – hiện nay cũng như trong quá khứ – là điều cơ bản trong việc tìm kiếm công ích và thăng tiến nhân phẩm”.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã giã từ dinh chính phủ để đến Nhà thờ chính tòa Thăng Thiên, chỉ cách đó 800 mét để gặp gỡ các GM Mexico.

Rất đông tín hữu đã chào đón ĐTC trước tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như dọc theo những con đường ngài đi qua để tới tòa nhà chính phủ và nhất là tại Quảng trường Hiến Pháp, có tới 80 ngàn người hiện diện.

Ban chiều ngày 13-2, ĐTC đã đến kính viếng Đức Mẹ Guadalupe tại Vương cung thánh đường cách Tòa Sứ Thần 16 cây số và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

MEXICO. Hàng trăm ngàn người đã dành cho ĐTC Phanxicô một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt khi ngài đến đây chiều tối ngày 12-2-2016 để khởi sự cuộc viếng thăm cho đến hết ngày 17-2-2016.

Sau cuộc gặp gỡ và từ biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, Chủ tịch Raoul Castro đã tiễn ĐTC đến chân thang máy bay.

Máy bay chở ngài cất cánh lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày 12-2 và trực chỉ phi trường thủ đô Mexico cách đó 1,780 cây số về hướng tây. Trên chuyến bay dài 2 tiếng rưỡi, ĐTC đầy vui mừng và phấn khởi vì cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, nên ngài đến gặp 76 ký giả tháp tùng. Ngài nói:

”Chào anh chị em, tôi nghĩ là với bản tuyên ngôn chung, anh chị em sẽ làm việc suốt đêm và cả ngày mai nữa! Vì thế, chúng ta không làm cuộc phỏng vấn bây giờ, nhưng tôi muốn nói với anh chị những tâm tình của tôi:

-- Trước tiên là về cuộc tiếp đón và sự sẵn sàng của chủ tịch Castro. Lần trước thăm Cuba, tôi đã nói với ông về dự án cuộc gặp gỡ nhau và ông sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và chúng ta thấy ông đã chuẩn bị tất cả cho cuộc gặp gỡ. Cần cám ơn ông chủ tịch về điều này.

-- Thứ hai, với Đức Thượng Phụ Kirill. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện như giữa anh em với nhau. Những điểm rõ ràng, những bận tâm của hai bên, chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn. Tôi có cảm tưởng đang đứng trước một người anh em, và cả Đức Thượng Phụ cũng nói với tôi như vậy. Chúng tôi nói về tình hình hai Giáo Hội liên hệ, về thế chiến thứ 3 từng mảnh, nhưng có liên hệ tới mọi người. Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn cởi mở với nhau.

-- Thứ ba, chúng tôi đã đề ra chương trình hoạt động chung vì hiệp nhất được thực hiện qua sự đồng hành. Chúng tôi cũng nói về bản tuyên ngôn mà anh chị em đang cầm ở tay. Sẽ có rất nhiều giải thích. Nhưng nếu có nghi ngờ thì cha Lombardi có thể nói ý nghĩa đích thực. Đây không phải là tuyên ngôn chính trị, xã hội học, nhưng là tuyên ngôn mục vụ… Và bây giờ, 23 cây số đi trên xe mui trần đang chờ đợi tôi ở Mexico…

Đón tiếp

Máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez của thủ đô Mexico lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Biển Đức 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mêhicô vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Enrique Pena (Penha) Nietro và phu nhân tiếp đón. 4 em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa và một bình đựng đất Mexico cho ngài.

3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn người, trong đó có một lễ đài dành cho các nhạc sĩ, nhạc công và vũ viên. Họ ca hát và trình diễn những điệu vụ chào mừng ĐTC.

Ngài tiến lại gần để chào thăm họ. Mộ đám trẻ em chạy tới ôm ngài. ĐTC cũng chúc lành và một em bé bị bệnh đang được cha em bế trên tay. Có nhóm nhạc sĩ tặng ĐTC chiếc mũ rộng vành của Mexico.

ĐTC lên xe díp có mái kiếng trong che trần để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, và dọc đường 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ mang theo đèn pin để soi đường và chiếu sáng để chào mừng ĐTC. Đoàn xe không thể chạy nhanh được vì dân chúng quá đông đảo.

Tuy mệt vì cuộc dành trình dài gần 24 tiếng đồng hồ, nhưng chắc chắn ĐTC rất hài lòng vì ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm 6 ngày.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill

Tuyên ngôn chung của Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill

LA HABANA. Trong Tuyên ngôn chung, ĐTC và Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga kêu gọi chấm dứt bách hại Kitô đồng thời hứa dấn thân cộng tác với nhau.

Tuyên ngôn được hai vị Giáo Chủ Công Giáo và Chính Thống Nga ký và công bố dài 5 trang và gồm 30 đoạn, nhấn mạnh đến những điểm chung của hai Giáo Hội, rồi đề cập đến tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà nhiều gia đình, làng mạc và thành thị của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô bị hoàn toàn tiêu hủy. Các vị cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp thiết hành động để ngăn ngừa, đừng để những cuộc trục xuất các tín hữu xảy ra nữa, chấm dứt bạo lực và khủng bố, đảm bảo cho cứu trợ nhân đạo đầy đủ được đưa tới cho các nạn nhân. Hai vị gọi những tín hữu Kitô bị giết là những vị tử đạo thời nay”, giúp hiệp nhất các Giáo Hội với nhau qua sự chia sẻ đau khổ. Ngoài ra cần cảnh giác chống lại sự hội nhập Âu Châu không còn tôn trọng các căn tính tôn giáo nữa. Tuyên ngôn cũng nói về tình trạng nghèo đói cùng cực, hàng triệu người di dân đang gõ cửa các nước giàu có.

Về vấn đề luân lý, tuyên ngôn nói đến những vấn đề như phá thai, làm cho chết êm dịu, những kỹ thuật mới về việc sinh sản, và những đe dọa chống lại lập trường của các Giáo Hội về hôn nhân.

Chi tiết Tuyên Ngôn

Đi vào chi tiết hơn, Tuyên ngôn chung mở đầu với câu trích từ thư thứ 2 của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu thành Corinto: ”Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2 Cr 13,13).

 ”Bởi ý Chúa Cha Đấng là nguồn mạch mọi hồng ân, nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và với ơn phù trợ của Chúa Thánh Linh, Đấng An Ủi, chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô và Kirill, Thượng Phụ Mascơva và toàn nước Nga, đã gặp nhau hôm nay tại La Habana. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, được tôn vinh trong Ba Ngôi, vì cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ đầu tiên trong lịch sử. Chúng tôi vui mừng gặp gỡ nhau như anh em trong đức tin Kitô để ”nói bằng tiếng nói sinh động” (2 Ga 12), lòng với lòng, và thảo luận về những quan hệ hỗ tương giữa hai Giáo Hội, về những vấn đề thiết yếu của đức tin chúng ta và những viễn tượng phát triển nền văn minh của nhân loại.”

Đau buồn vì mất hiệp nhất

Hai vị Giáo Chủ lên án ”sự đánh mất tình hiệp nhất, hậu quả của sự yếu đuối con người và tội lỗi”, với ý thức về sự ”tồn đọng của nhiều chướng ngại”, đồng thời cầu mong rằng cuộc gặp gỡ này ”có thể góp phần vào việc tái lập sự hiệp nhất” như Thiên Chúa mong muốn. Mục đích là để cùng nhau ”đáp ứng những thách đố thời nay. Tín hữu Công Giáo và Chính Thống phải học cách làm chứng tá hòa hợp cho chân lý trong những lãnh vực có thể và cần phải thực hiện”.

Lên án bách hại Kitô

 Về cuộc bách hại các tín hữu Kitô và chiến tranh ở Siria, Irak, Tuyên ngôn khẳng định rằng: ”Cái nhìn của chúng tôi trước tiên hướng về những miền trên thế giới, nơi mà các tín hữu Kitô đang bị bách hại”, chứng nhân về sự hiệp nhất trong đau khổ và tử đạo. ”Tại nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi, các anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô bị tiêu diệt cả gia đình, làng mạc và thành phố. Thánh đường của họ bị tàn phá và cướp bóc dã man, các đồ vật thánh bị xúc phạm, các đền đài bị phá hủy. Tại Siria, Irak và tại các nước khác ở Trung Đông, chúng tôi đau lòng nhận thấy sự xuất cư ồ ạt của các tín hữu Kitô và của các cộng đoàn tôn giáo khác. Chúng tôi xin Cộng đồng quốc tế hãy cấp thiết hành động để phòng ngừa, không để xảy ra thêm những cuộc trục xuất các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông, và chấm dứt nạn bạo lực và khủng bố, đồng thời đảm bảo một cuộc cứu trợ nhân đạo ở bình diện rộng lớn cho dân chúng đang chịu đau thương và cho bao nhiêu người tị nạn ở các nước láng giềng. Hai vị cũng kêu gọi giải thoát những người bị bắt cóc.

 Đối thoại liên tôn

 Về vấn đề đối thoại liên tôn, Tuyên ngôn của hai vị Giáo Chủ viết: ”Trong thời đại âu lo này, đối thoại liên tôn là điều không thể thiếu được, và các vị lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục các tín đồ của mình hãy tôn trọng các tín ngưỡng khác: ”Thật là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được những toan tính biện minh cho những hành động gian ác với những khẩu hiệu tôn giáo. Không tội ác nào có thể phạm nhân danh Thiên Chúa”.

Tự do tôn giáo

Về tự do tôn giáo ngày càng bị đe dọa, Đức Phanxicô và Đức Kirill bày tỏ lo âu vì tình trạng tại nhiều quốc gia trong đó các tín hữu Kitô ngày càng bị giới hạn tự do tôn giáo, quyền được làm chứng về các xác tín của mình và không được sống phù hợp với các xác tín ấy. ”Sự biến đổi của một số nước thành những xã hội tục hóa, xa lạ với mọi tham chiếu về Thiên Chúa và chân lý của Ngài, tạo nên một đe dọa trầm trọng cho tự do tôn giáo. Đối với chúng tôi, sự giới hại các quyền của Kitô hữu là một nguồn mạch lo âu, thậm chí họ còn bị kỳ thị khi một số lực lượng chính trị, do ý thức hệ duy thế tục hướng dẫn, nhiều khi rất cực đoan, tìm cách gạt các Kitô hữu ra ngoài lề đời sống công cộng”. Trước tình cảnh đó, hai vị Giáo Chủ Công Giáo và Chính Thống Nga kêu gọi hãy cảnh giác chống lại sự hội nhập Âu Châu không tôn trọng các căn tính tôn giáo, vì các vị xác tín rằng Âu Châu phải trung thành với các căn cội Kitô của mình”.

Liên đới với người nghèo và di dân

 Đề cập tới sự liên đới với người nghèo và những người di dân, Tuyên ngôn kêu gọi đừng dửng dưng lãnh đạm trước số phận của hàng triệu người di dân và tị nạn đang gõ cửa các nước giàu có. Sự tiêu thụ vô độ, như người ta thấy ở một số nước phát triển cao, đang dần dần làm cạn tài nguyên của trái đất chúng ta. Sự chênh lệch gia tăng trong việc phân phối các tài nguyên trái đất gia tăng cảm thức về sự bất công đối với các hệ thống quan hệ quốc tế. Các Giáo Hội Kitô được kêu gọi bênh vực những đòi hỏi của công lý, tôn trọng các truyền thống của các dân tộc và một tình liên đới đích thực với tất cả những người đang chịu đau khổ.

Gia đình, sự sống và trợ tử

Về gia đình, sự sống và việc làm cho chết êm dịu, hai vị Giáo Chủ bày tỏ lo âu vì cuộc khủng hoảng gia đình dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. ”Chúng tôi lấy làm tiếc vì một số hình thức sống chung nay đang được đặt ngang hàng với sự kết hiệp của hôn nhân, trong khi ý niệm về việc làm cha làm mẹ .. bị loại ra ngoài ý thức công cộng”. Chúng tôi xin tất cả mọi người hãy tôn trọng quyền sống bất khả nhượng. Hàng triệu trẻ em bị tước đoạt mất quyền được sinh ra trên thế giới. Tiếng kêu của máu các hài nhi không được sinh ra đang kêu thấu tới Thiên Chúa” (Xc St 4,10). Hai vị Giáo Chủ cũng lo âu vì sự lan tràn nạn làm cho chết êm dịu và các kỹ thuật sinh sản nhờ y khoa. Các vị kêu gọi những người trẻ Kitô đàng sợ đi ngược dòng khi bảo vệ chân lý của Thiên Chúa”.

Chống chiêu dụ tín đồ

Tiếp tục tuyên ngôn chung ký kết tại La Habana, ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill chống lại chủ trương chiêu dụ tín đồ và kiến tạo sự hiệp nhất Kitô bằng cách đưa các tín hữu Chính Thống hiệp nhất với Tòa Thánh. Hai vị cầu mong rằng cuộc gặp gỡ này có thể góp phần vào sự hòa giải, tại những vẫn còn sự căng thẳng giữa các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương và Chính Thống. Loại trừ mọi hình thức chiêu dụ tín đồ. ”Ngày nay điều rõ ràng là: phương pháp đưa các tín hữu Chính Thống về hiệp nhất với Tòa Thánh, hiểu như một sự kết hiệp một cộng đoàn này vào một cộng đoàn khác, tách rời khỏi Giáo Hội của họ, không phải là phương pháp giúp tái lập sự hiệp nhất. Nhưng các cộng đoàn Giáo Hội đã xuất hiện trong những hoàn cảnh lịch sử như thế có quyền hiện hữu và làm tất cả những gì cần thiết để thoả mãn những đòi hỏi tinh thần của các tín hữu thuộc quyền, đồng thời tìm cách sống an bình với những người láng giềng. Các tín hữu Chính Thống và Công Giáo nghi lễ đông phương cần hòa giải với nhau và tìm ra những hình thức sống chúng hai bên có thể chấp nhận.

Ucraina

Về nền hòa bình ở Cộng hòa Ucraina, Tuyên ngôn kêu gọi chấm dứt bạo lực tại nước này, đã gây ra nhiều nạn nhân, xô đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và nhân đạo. Hai vị lãnh đạo cũng cầu mong rằng ”sự ly giáo giữa các tín hữu Chính Thống ở Ucraina có thể được vượt thắng dựa trên căn bản giáo luật Chính Thống hiện hành.. Tất cả các tín hữu Chính Thống ở Ucraina được sống trong an bình và hòa hợp, và các cộng đồng tôn giáo tại nước này, góp phần vào điều này, làm sao để cho người ta ngày càng thấy rõ tình huynh đệ Kitô của chúng ta.

 Hai vị lãnh đạo kết luận rằng ”Chúng ta không phải là những người cạnh tranh với nhau nhưng là anh em, và ý niệm này phải hướng dẫn tất cả các hoạt động của chúng ta đối với nhau và đối với thế giới bên ngoài. Chúng tôi nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo và Chính Thống ở mọi nước hãy học cách sống chung với nhau trong an bình và yêu thương”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha gặp Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

LA HABANA. Đức Thánh Cha Phanxicô rất hài lòng về cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga.

Sau nhiều tháng thương thuyết khẩn trương trong âm thầm và sau hơn 2 thập niên cởi mở từ phía Tòa Thánh, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐTC Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga đã diễn ra lúc 2 giờ 15 phút chiều ngày 12-2-2016 tại phòng khánh tiết phi trường La Habana, thủ đô Cuba.

 Máy bay cho ĐTC đã đáp xuống phi trường này đúng 2 giờ chiều và ngài được chủ tịch Nhà nước Cuba, Ông Raoul Castro, nồng nhiệt tiếp đón và dẫn vào phòng khánh tiết, rồi từ đây ngài tiến vào phòng hội, trong khi Đức Thượng Phụ Kirill tiến vào phòng này từ một cửa khác. Đức Thượng Phụ mặc áo chùng thâm, đầu đội khăn trắng có thánh giá trên đỉnh. Hai vị Giáo Chủ nồng nhiệt ôm hôn nhau giữa những tiếng lách tách và những chớp sáng của các máy chụp hình. Giới báo chí còn nghe được câu ĐTC nói với Đức Thượng Phụ: ”Sau bao chờ đợi bây giờ mới được! Chúng ta là anh em với nhau!” Đức Kirill nói: ”Sự việc bây giờ dễ dàng hơn”!, và Đức Phanxicô nói tiếp: ”Rõ ràng đây là ý Chúa”.

ĐTC và Đức Thượng Phụ đứng chụp hình chung với nhau, và gần đó có Chủ tịch Castro. Tháp tùng hai vị trong cuộc hội kiến có ĐHY Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cùng với 2 thông dịch viên.

Diễn từ

Sau cuộc hội kiến, hai vị giáo chủ đã ký vào hai bản tuyên ngôn chung một bằng tiếng Nga và một bằng tiếng Ý, rồi trao văn bản cho nhau, hôn áp má nhau lần nữa. Tiếp theo đó là diễn từ ngắn của hai vị. ĐTC nói bằng tiếng Tây Ban nha:

”Chúng tôi đã nói với nhau như anh em, chúng tôi có cùng bí tích rửa tội, chúng tôi là Giám Mục, chúng tôi đã nói về các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi đồng ý rằng sự hiệp nhất được xây dựng trong cuộc hành trình, chúng tôi đã nói thẳng chứ không dùng những từ nửa vời. Tôi thú nhận với anh chị em rằng tôi cảm thấy ơn an ủi trong tinh thần cuộc đối thoại này”.

Và ĐTC cám ơn Đức Thượng Phụ Kirill vì sự khiêm tốn huynh đệ và vì nồng nhiệt ước muốn sự hiệp nhất. Ngài cho biết trong cuộc trao đổi đã nảy sinh một loại các sáng kiến, theo ý ngài, có thể được hiện được. ĐTC không quên nồng nhiệt cám ơn nhân dân Cuba và Chủ tịch Raoul Castro, đang hiện diện đây, vì sự sẵn sàng. Ngài nói: ”Nếu tiếp tục như thế, Cuba sẽ là thủ đô của sự hiệp nhất”.

Về phần Đức Thượng Phụ Kirill, ngài cho biết cuộc thảo luận huynh đệ cởi mở đã diễn ra trong 2 tiếng đồng hò với đầy tình cảm thông và trách nhiệm đối với hai Giáo Hội và đối với tương lai của Kitô giáo. Đó là một cuộc thảo luận phong phú về nội dung, giúp hiểu và cảm thông lập trường của nhau. Và Đức Thượng Phụ kết luận rằng: ”Hai Giáo Hội có thể làm việc với nhau để không còn chiến tranh nữa, để khắp nơi sự sống con người được tôn trọng, để củng cố những nền tảng của luân lý gia đình và của con người”.

Trong phần trao đổi quà tặng, Đức Thượng Phụ Kirill tặng ĐTC một bản sao nhỏ ảnh Đức Mẹ Kazan rất được các tín hữu Chính Thống Nga tôn kính. Ảnh này cũng là một biểu tượng sự hòa dịu quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính Thống Nga. Bản sao cổ kính nhất của ảnh này có từ thế kỷ 18 vốn được treo trong thư phòng của Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng cả chục năm trời, và ngài hy vọng sẽ đích thân trả lại cho Chính Thống Nga, nhưng không thực hiện được dự định này, nên năm 2004, ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã mang ảnh này trao lại cho Chính Thống Nga như một cử chỉ thiện chí của Tòa Thánh.

Về phần ĐTC Phanxicô, ngài tặng cho Đức Thượng Phụ một hộp đựng thánh tích với hài cốt của thánh Cirillo, bổn mạng của Đức Thượng Phụ và một chén lễ, nói lên hy vọng một ngày kia hai Giáo Hội được chia sẻ cùng một chén thánh, được hiệp thông trọn vẹn. Chén thánh này cũng là một dấu chỉ Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận giá trị các bí tích được cử hành trong Chính Thống giáo.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

VATICAN. Sáng ngày 12-2-2016, ĐTC Phanxicô đã rời Roma, lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 12 ở nước ngoài, trong vòng 1 tuần lễ, với chặng dừng đầu tiên tại La Habana, thủ đô Cuba.

Ngài dừng lại đây hơn 3 tiếng đồng hồ để gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga. Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC quá 5 giờ chiều giờ địa phương, ngài tiếp tục hành trình đến Mêhicô để viếng thăm tại 6 thành phố ở nước này.

Cùng tháp tùng ĐTC trên máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, ngoài 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, đứng đầu là ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và 76 ký giả Italia và quốc tế.

Lẽ ra máy bay chở ĐTC có thể cất cánh lúc 8 giờ, nhưng đến gần phi đạo, máy bay chở ĐTC đã dừng lại để máy bay của hãng Easyjet đáp xuống khẩn cấp..

Chào thăm các ký giả tháp tùng

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả tháp tùng, trong đó có 10 ký giả Mêhicô, phần còn lại thuộc các nước khác. Con số này không kể 3,500 ký giả đăng ký tại Phòng báo chí của Ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Mexico.

ĐTC đặc biệt cám ơn Ông Alberto Gasbarri, giám đốc hành chánh của đài Vatican và là người tổ chức các chuyến viếng thăm của ngài tại nước ngoài. Từ 47 năm nay ông làm việc tại Vatican và ngày 1-3-2016 này ông về hưu. Đức Ông Mauricio Rueda, người Colombia, thuộc bộ ngoại giao Tòa Thánh, thay thế ông Gasbarri trong việc tổ chức các chuyến viếng thăm của ĐTC tại hải ngoại.

Tiếp đến, bà Valentina, người Mêhicô, niên trưởng các ký giả tháp tùng ĐTC, đã tặng ngài chiếc mũ vành rộng của Mêhicô, để ngài không bị nắng và giống người Mêhicô hơn!

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thượng Phụ Kirill đã đến Cuba một ngày trước ĐTC trong chuyến viếng thăm dài 11 ngày tại Cuba, rồi Paraguay và Brazil, cho đến ngày 22-2 tới đây. Tháp tùng Đức Thượng Phụ cũng có 30 người thuộc đoàn tùy tùng, 30 ký giả, và một ca đoàn gồm 20 ca viên thuộc một giáo phận Chính Thống ở Mascơva. Ngài đến thăm Cuba theo lời mời của chủ tịch Raoul Castro nhân dịp kỷ niệm 45 năm khánh thành nhà thờ Chính Thống Nga đầu tiên tại La Habana. Tại đây có khoảng 15 ngàn tín hữu Chính Thống Nga.

Đức Thượng Phụ Kirill năm nay 70 tuổi, sinh ngày 20-11 năm 1946 tại thành phố Leningrad, nay là Petroburgo, trong một gia đình thân phụ là một linh mục Chính Thống giáo và thụ phong linh mục năm 1969 lúc mới 23 tuổi, rồi làm GM lúc 30 tuổi, trước khi được thăng TGM năm sau đó. Năm 1984, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga và là thành viên thường trực thánh Hội đồng, tức là cơ quan cai quản Giáo Hội này. Năm 2009, ngài được bầu làm Thượng Phụ Chính Thống Moscow và toàn nước Nga thứ 16, với số phiếu rất lớn.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Moscow đứng hàng thứ 5 trong số 14 Giáo Hội Chính Thống, xét về niên thứ được nâng lên hàng Thượng Phụ, sau Constantinople ở Thổ Nhĩ kỳ, Alessandria bên Ai Cập, Antiokia nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ và Jerusalem, nhưng xét về số tín hữu, thì đây là Giáo Hội Chính Thống quan trọng nhất, vì trong số hơn 200 triệu tín hữu Chính Thống trên thế giới, có tới 2 phần 3 thuộc Chính Thống Nga.

Chương trình gặp gỡ

Theo chương trình, sau chuyến bay dài 12 giờ 15 phút, từ phi trường Fiumicino, máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng đáp xuống phi trường José Martí của thủ đô La Habana, Cuba, lúc 14 giờ giờ địa phương.

Ngài được chủ tịch Raoul Castro của Cuba tiếp đón cùng với ĐHY Jaime Ortega, TGM La Habana sở tại, một vài GM nước này và các chức sắc thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đón tiếp. Liền đó, Chủ tịch Raoul Castro hướng dẫn ĐTC vào phòng khách của Ông, để rồi từ đây tiến vòng phòng khánh tiến của phi trường, cùng lúc Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga tiến vào phòng này từ một cửa khác.

Tại đây hai vị giáo chủ nói chuyện với nhau, Đức Thượng Phụ dùng tiếng Nga còn ĐTC dùng tiếng Tây Ban Nha, có thông dịch viên giúp hai vị trao đổi với nhau. Hiện diện trong dịp này có ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Theo Cha Lombardi và Đức TGM Hilarion, chủ đề chính cuộc hội kiến là những cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Cả ĐTC lẫn Đức Thượng Phụ Kirill nhiều lần lên tiếng tố giác các cuộc bách hại Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông trong thời gian gần đây.

Tiếp sau cuộc hội kiến là phần trao đổi quà tặng. Rồi chủ tịch Raoul Castro tiến vào phòng khánh tiết vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. ĐTC và Đức Thượng Phụ ký vào một tuyên ngôn chung với hai bản bằng tiếng Nga và Italia, trước khai trao đổi hai văn bản.

Sau khi ký kết và trao đổi, có một diễn văn ngắn của ĐTC bằng tiếng Tây Ban Nha và của Đức Thượng Phụ bằng tiếng Nga, rồi có phần giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn.

Lúc 5 giờ chiều, ĐTC giã từ Đức Thượng Phụ Kirill và được Chủ Tịch Raoul của Cuba tháp tùng đến máy bay của hãng Alitalia. Lúc 5 giờ rưỡi chiều máy bay cất cánh chở ĐTC đến phi trường thủ đô Mexico để khởi sự cuộc viếng thăm như chương trình đã định.

Theo chương trình, sau 3 giờ bay, vượt qua 1,780 cây số, máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường thủ đô Mexico lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Tại đây sau nghi thức đón tiếp ngài sẽ về tòa Sứ Thần ở thành phố Mexico cách phi trường 19 cây số để dùng bữa và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 24 cử hành tại Nazareth

NAZARETH. Chiều ngày, 11-2-2016, Đức TGM Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, đã chủ sự thánh lễ trọng thể trong tư cách là Đặc Sứ của ĐTC, tại Vương cung thánh đường truyền tin ở Nazareth. nhân ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 24.

Đồng tế với Đức TGM có Đức Thượng Phụ Fouad Twal, các GM và linh mục ở Thánh Địa, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, đại diện các Giáo Hội Kitô khác, chính quyền dân sự, và đặc biệt là nhiều anh chị em bệnh nhân.

Trong bài giảng, Đức TGM Zimowski đã quảng diễn chủ đề của Ngày Thế Giới các bệnh nhân năm nay, theo Sứ điệp của ĐTC, đó là: ”Tín thác nơi Chúa Giêsu từ bi như Mẹ Maria. ”Bất cứ điều gì Ngài bảo các anh, các anh hãy làm” (Gv 2,5).

Đức TGM Zimowski nói: Với chủ đề này, ĐTC mời gọi các tín hữu trong Ngày Thế giới các bệnh nhân này, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn sẵn sàng phục vụ những người túng thiếu, cụ thể là các anh chị em bệnh nhân. Cả chúng ta, những người lành mạnh hay yếu đau, chúng ta cũng có thể dâng những lao nhọc và đau khổ như nước đổ đầy các chum trong tiệc cưới Canada, để được biến thành rượu ngon. Với sự trợ giúp kín đáo cho người đau khổ, như người bệnh tật, chúng ta mang trên vai mình thập giá hằng ngày và bước theo Thầy (Xc Lc 9,23), cho dù sự gặp gỡ với đau khổ sẽ luôn luôn là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của khổ đau” (Sứ điệp ĐTC, 15-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

Đức Thánh Cha gặp các linh mục Roma

ROMA. Sáng thứ năm, 11-2, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả, xin Đức Mẹ phù hộ trước khi lên đường viếng thăm mục vụ tại Cuba và Mexico từ ngày 12 đến hết ngày 17-2-2016.

Đã hơn 20 lần ĐTC đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma (Salus Populi Romani), tại Đền Thờ Đức Bà Cả, nhất là trước và sau khi viếng thăm tại nước ngoài.

Sau khi cầu nguyện, ngài đến Đền thờ Thánh Gioan Laterano để gặp các linh mục giáo phận Roma đang tỉnh tâm mùa chay tại đây và đã giải tội cho một vài linh mục.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, giải thích rằng cuộc gặp gỡ tĩnh tâm của hàng giáo sĩ Roma có tính chất ”thống hối”, để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha và để có thể trở thành những thừa tác viên của lòng thương xót tại các cộng đoàn liên hệ được ủy cho các linh mục coi sóc. Hướng dẫn cuộc gặp gỡ tĩnh tâm là Đức Ông Angelo De Donatis, đặc trách việc thường huấn cho hàng giáo sĩ Roma.

Trong dịp gặp gỡ và tĩnh tâm này, các linh mục đã tự đóng góp để hỗ trợ Caritas Roma.

Sau cùng, ĐHY Vallini cho biết ĐTC đã tặng các linh mục giáo phận Roma cuốn sách phỏng vấn ngài, ”Tên của Thiên Chúa là lòng thương xót”.

Giáo phận Roma có có 2 triệu 366 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 334 giáo xứ, với 1,574 linh mục triều và 3,260 linh mục dòng, 22.775 nữ tu (SD 11-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro Năm Thánh Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Tro Năm Thánh Lòng Thương Xót

Ash Wednesday mass

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu nhìn nhận mình cần lòng thương xót của Chúa, vượt thắng sự xấu hổ, cởi mở tâm hồn đón nhận ơn tha thứ của Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thánh lễ chiều thứ tư lễ tro 10-2-2016 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong số các vị đồng tế với ĐTC, ngoài các Hồng Y và Giám Mục, đặc biệt có 700 LM thừa sai lòng thương xót, đến từ các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Trong bài giảng, ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ khép kín cửa tâm hồn, sống với tội lỗi của mình, coi nhẹ chúng và nghĩ mình không tệ hơn người khác. Một chướng ngại khác là xấu hổ không dám mở cửa tâm hồn mình, và nó biến thành sự sợ hãi. ĐTC mời gọi các LM thừa sai lòng thương xót hãy giúp các tín hữu cởi mở tâm hồn, vượt thắng sự xấu hổ và đừng trốn chạy ánh sáng.

ĐTC cũng nhắc lại lời mọi gọi của Chúa trong sách ngôn sứ Gioel: ”Các con hãy trở về cùng Ta với trọn tâm hồn” (2,12): chúng ta đã xa lìa Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Ngài cũng đề cao 3 phương thế cần được thực hành đặc biệt trong mùa chay là cầu nguyện, thi hành việc bác ái và chay tịnh khổ chế. Và ĐTC kết luận rằng: ”Mùa chay là thời điểm thuận tiện để cắt tỉa sự giả dối, tinh thần trần tục và dửng dưng; cần thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống để tìm lại căn tính Kitô, nghĩa là tình yêu thương phục vụ, không phải tính ích kỷ lạm dụng.

Thánh lễ được tiếp tục với nghi thức bỏ tro trên đầu. ĐHY Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, đã bỏ tro trên đầu ĐTC.

Trong số 3 gia đình được chọn dâng lễ vật, đặc biệt có Ông bà Sicari ở miền nam Italia, với người con gái Mariangela sinh cách đây 12 năm (14-7-2004) khi bà mẹ mang thai tới tháng thứ 7. Ngay trong thời mang thai, các bác sĩ đã chẩn bệnh thấy thai nhi bị dị hình ở mặt. Sau khi sinh, bé Mariangela được đưa đi chữa trị tại nhiều nhà thương, và mãi 13 tháng sau (8-2005) bé mới được về với gia đình lần đầu tiên, và bắt đầu tiến trình phục hồi với đầy cam go, đặc biệt là tại Trung Tâm chỉnh hình Cha Pio của các cha dòng Capuchino ở San Giovanni Rotondo. Ngày nay bé Mariangela có thể đi lại được, đi học và nói được.

Sai đi các linh mục thừa sai

Cuối thánh lễ trước khi ban phép lành, ngài mời gọi mọi người hiệp nguyện trong nghi thức sai các thừa sai lòng thương xót ra đi:

”Lạy Thiên Chúa, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa vì trong ý định huyền nhiệm lòng thương xót của Chúa, Chúa đã sai Chúa Con đến trần thế để giải thoát con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi, nhờ máu đổ ra của Con Chúa và làm cho con người được tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Linh.

Lạy Chúa, xin nhìn đến các tôi tớ Chúa đây mà chúng con sai đi như những sứ giả của lòng thương xót, của ơn cứu độ và an bình. Xin cánh tay Chúa hướng dẫn những bước chân của họ và nâng đỡ họ bằng quyền năng ơn thánh của Chúa để họ không suy yếu dưới gánh nặng lao lực tông đồ.

”Ước gì tiếng Chúa Kitô được vang dội trong những lời nói của họ và con tim của Chúa Kitô được biểu lộ qua những cử chỉ của họ, và ước gì những người lắng nghe họ được thú hút vâng phục Tin Mừng. Xin Chúa đổ tràn Thánh Linh trong tâm hồn họ, để khi trở nên mọi sự cho mọi người, họ dẫn đưa nhiều con cái đến cùng Chúa là Cha, và ca tụng Chúa không ngừng trong Hội Thánh của Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen (SD 10-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Giáo Hội và đất nước Mexico chờ đón ĐTC Phanxicô

Giáo Hội và đất nước Mexico chờ đón ĐTC Phanxicô

Logo ĐTC viếng thăm Mexico

Trong các ngày từ 12 tới 18 tháng hai này ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Mexico. Trong những ngày vừa qua HĐGM nước này đã cho biết sẽ phân phát 900,000 vé cho tín hữu tham dự các thánh lễ và các buổi gặp gỡ với ĐTC. Hiện nay Giáo Hội Mêxicô cần 160,000 thiện nguyện viên giúp tổ chức chuyến viếng thăm mục vụ này.

Từ Mexico phát xuất từ chữ Mexico là tên thổ dân Aztech gọi thủ đô của họ, và nó có nghĩa là “nơi thần chiến tranh Mexitli hay Mextli sống”. Trong quá khứ đây là vùng đất đã có nhiều nền văn minh kế tiếp nhau hiện hữu. Cách đây 11,000 năm đây là vùng đất có các dân tộc gốc á châu sinh sống về nghề săn bắn và hái trái cây. Nông nghiệp đã chỉ phát triển vào khoảng năm 9,000 trước công nguyên, việc trồng bắp đã chỉ bắt đầu vào năm 5,000 trước công nguyên, và các đồ gốm chỉ xuất hiện vào khoảng năm 2,500 trước công nguyên. Trong khi các nhóm dân tại miền bắc tiếp tục sống về săn bắn và hái trái, các nhóm sống ở miền nam đã nhờ nông nghiệp biến thành các xã hội tiến triển hơn.

Từ thế kỷ XII trước công nguyên cho tới khi người Tây Ban Nha xâm lăng Mêxicô đã là quê hương của các nền văn minh nổi tiếng như của người Olmechi (1.200-500 trước công nguyên); nền văn minh Teotihuacán (100 trước công nguyên tới 659 sau công nguyên); nền văn minh Zapotechi (200-700); nền văn minh Maya (200-900); nền văn minh Toltechi (1.000-1.200); nền văn minh Aztechi (1.200-1.500).

Năm 1517 ngưòi Tây Ban Nha do Francisco Hernandez de Cordoba chỉ huy từ Cuba đến bán đảo Yucatán. Năm 1518 Diego Velazquez de Cuéllar gửi 4 chiếc tầu do người cháu là Juan de Grijalva chỉ huy. Năm 1519 chuyến viễn chinh thứ ba do Hernan Cortez chỉ huy gặp bến tại Cozumel. Ban đầu người Tây Ban Nha được hoàng đế Montezuma của đế quốc Aztechi tiếp đón nồng hậu, nhưng sau đó họ bị người Tây Ban Nha tiêu diệt. Hai lãnh tụ cuối cùng của người Aztechi là Cuitláhuac, bị chết vì bệnh đậu mùa và Cuautémoc bị các bộ tộc thổ dân khác bỏ rơi và bị người Tây Ban Nha bắt và giết chết năm 1521. Mùa thu năm 1521 đế quốc Aztech sụp đổ. Sau hai năm rưỡi bị bao vây bởi  quân của người Tây Ban Nha đa số gốc Tlaxcalteca, thủ đô Tenochtitlán bị chiếm và chỉ nội trong vòng một năm người Tây Ban Nha kiểm soát toàn nước. Các vương quốc độc lập xin thần phục, và năm năm sau đó toàn dân Mexico nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các nhóm thổ dân du mục vẫn tiếp tục kháng chiến, hầu như cho tới thế kỷ XX, khi người Yaquin thương lượng việc ân xá với quân đội Mehico.

Người Tây Ban Nha tới Mexico đem theo các nhà truyền giáo nổi tiếng như các linh mục tu sĩ  Vasco de Quiroga, Motolinía, Martin de Valencia, Bernardino de Sahagún, Diego de Landa, Junipero Serra, Sebastian de Aparicio và Bartolomé de Las Casas. Các vị đã hết sức bênh vực quyền của các thổ dân.

Sau khi Tenochtitlán thất thủ Hernan Cortes chiếm quyền, tự xưng là Tổng chỉ huy, và bắt đầu chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm cả vùng California, Arizona, New Mexico và Texas ngày nay. Một số thành phố được thành lập như thành phố Mexico xây trên các đổ nát của Tenochtitlán, Guadalajara, Pueblà, Monterrey và Querétago. Từ năm 1535 có một phó vương cai trị Mexico. Trong thời gian này mẫu quốc Tây Ban Nha được phồn thịnh nhờ các mỏ vàng và bạc, và nông nghiệp trồng mía và cà phê của Mêxicô. Số các thổ dân giảm 80% vì các bệnh dịch và các vụ tàn sát. Khi người âu châu tới đây số các thổ dân là 20 triệu vào năm 1650 chỉ còn lại hơn 1 triệu. Ba thế kỷ thực dân 1521-1821 đã biến Mexico trở thành một quốc gia latinh, tây ban nha, công giáo và lai giống như chúng ta thấy ngày nay.

Vào đầu thế kỷ XIX có các cuộc nổi loạn khắp nơi bên Châu Mỹ Latinh trong đó có Mexico. Năm 1809 người hùng độc lập Melchor de Talamantes qua đời. Ngày 16 tháng 9 năm 1810 linh mục gốc Creol Miguel Hidalgo y Costilla chỉ huy một đạo binh gồm dân làng Dolores Hidalgo trong bang Guanajuato và các thổ dân chống lại chính quyền Tây Ban Nha đánh chiếm thành phố. Phong trào độc lập lan rộng. Người Creol tức các người da trắng nắm nền kinh tế địa phương liên minh với người lai giống và các thổ dân chống lại người Gachupines, tức người Tây Ban Nha sinh sống trong các thành thị và nắm quyền bính chính trị. Tuyên ngôn độc lập được ký lần thứ nhất năm 1813 và sau cùng ngày 28 tháng 9 năm 1821. Hiến pháp chào đời năm 1824.  Từ khi được thành lập như là quốc gia liên bang Mexico có tên gọi chính thức là các Bang hiệp nhất Mêxicô, cả khi Hiến Pháp năm 1824 dùng cả hai kiểu gọi. Hiến Pháp năm 1857 chính thức sử dụng tên gọi Cộng hoà Mexico, nhưng cũng dùng tên các Bang hiệp nhất Mexico.

Sau khi Texas tuyên bố độc lập và bị Hoa Kỳ sát nhập năm 1846, Mexico đòi lại vùng đất giữa Rio Grande và Rio Nueces. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa Hoà Kỳ và Mexico và kéo dài cho tới năm 1848. Năm 1847 Hoa Kỳ chiếm thành phố Mexico. Cuộc chiến chấm dứt với thỏa hiệp Guadalupe Hildago. Mêxicô phải thừa nhận Rio Grande như biên giới với Texas. Ngoài ra còn phải nhượng cho Hoa Kỳ 40% đất đai của mình rộng khoàng  2 triệu cây số vuông bao gồm các tiểu bang California, New Mexico, Arizzona, Nevada, Utah và phần lớn Colorado và Wyoming.

Vào đầu thế kỷ XIX tình trạng bất công xã hội làm nảy sinh ra nhiều cuộc nổi loạn và nội chiến, và bạo lực kéo dài cho tới năm 1930. Trong các năm 1926-1929 chính quyền thi hành chính sách bách hại, tịch thu tài sản của Giáo Hội, đóng cửa các trường học, giải tán các dòng tu, ngăn cản ngươi trẻ đi tu, tước đọat quyền bỏ phiếu của các linh mục tu sĩ, và bắt bỏ tù các cha mẹ rửa tội cho con, hay những người trẻ nào muốn sống đời tu trì. Đã có nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân bị giết vì đức tin. Thế giới công giáo ban đầu chỉ biểu tình phàn đối với các vụ thu thập chữ ký, sau đó thành lập “Liên minh quốc gia bào vệ tự do tôn giáo”. Sau khi thấy chính quyền công khai bách hại Giáo Hội, một số tín hữu bắt đầu chiến đấu võ trang với khẩu hiệu “Hoan hô Chúa Kitô Vua”. Chính quyền thẳng tay đàn áp những người chống đối. Năm 1929 khi thấy không thành công, chính quyền ký một thỏa hiệp với Giáo Hội thừa nhận tự do tôn giáo, nhưng nhiều chiến sĩ không chấp nhận và tiếp tục chiến đấu 10 năm sau đó. Về phiá mình chính quyền đã không bao giờ tôn trọng các cam kết và vẫn tiếp tục xử tử tất các các thành phần chống đối. Và các luật bài giáo sĩ vẫn hiệu lực. 

Hiện nay Cộng hòa Mexico rộng hơn 1 triệu 970 cây số vuông, đứng hàng thứ 14 trên thế giới, có hơn 117 triệu dân và là quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đông người nhất. Sau Brasil Mêhicô cũng là quốc gia châu Mỹ Latinh đông dân nhất, gồm 60% người lai giống, con cháu của người âu châu, nhất là của người Tây Ban Nha, và các thổ dân. Người Amerindi thuộc nhiều vương quốc thổ dân như Maya xưa kia,  chiếm 20%. Có 16% dân gốc âu châu nhất là Tây Ban Nha, nhưng cũng có người Italia, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga và Anh. Số còn lại gồm các người Da đen, Do thái, A rập, Thổ nhĩ kỳ, Tầu và Nhật. Cũng có các người đến từ nhiều nước châu Mỹ Latinh khác như Argentina, Guatemala, Colombia, Cuba và Perù. Họ là những người tỵ nạn trốn chạy các cuộc nội chiến và các chế độ độc tài của thập niên 1980. Trong thế kỷ XIX các cộng đoàn gốc âu châu và á châu là các cộng đoàn tiêu biểu nhất, nhưng trong thế kỷ XX các cộng đoàn gốc Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh nổi bật nhất. Mêhicô là nước có nhiều công dân Hoa Kỳ sống ngoài nước nhất. Lý do là vì các liên lạc thương mại ngày càng quan trọng hơn giữa hai nước, đặc biệt là sau các thỏa hiệp tự do thương mại Mexico ký kết với Hoa Kỳ và Canada viết tắt là NAFTA, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994. Ngoài ra người Mỹ coi Mexico là nơi nghỉ ngơi lý tưởng giúp tránh cuộc sống xô bồ cuồng nhiệt, đặc biệt tại San Miguel và các nơi khác trong vịnh California. Ngày xưa Mexico có 200 chủng tộc thổ dân  khác nhau, nhưng nay chỉ còn lại 62, có gốc gác từ thời tiền thực dân. Từ tiểu bang Sinaloa cho tới tiểu bang  Chiapas có 10 triệu thổ dân sinh sống.

Trên bình diện tín ngưỡng 83,9% dân Mexico theo Công Giáo, tín hữu Tin Lành chiếm 7.6%, các tôn giáo khác chiếm 2..5% và có .4,6% không theo tôn giáo nào. Một số người Amerindi tuy tuyên bố theo Công Giáo nhưng trên thực tế họ thực hành một tôn giáo pha trộn Kitô giáo với vài yếu tố của các tín ngưỡng cổ truyền của người Aztech và Maya. Trong khi giáo phái tin lành Mormon đang lan tràn trong các thành phố chính vùng biên giới đông bắc. Do thái giáo đã hiện diện tại Mexico từ bao thế kỷ qua và hiện có khoảng 100 ngàn tín hữu. Còn có một tín ngưỡng ít được biết đến nhưng phổ biến tại Mexico, cũng như tại Trung Mỹ Latinh và miền nam Hoa Kỳ đó là Sự chết thánh.

Từ nhiều thập niên qua số tín hữu công giáo giảm sút từ 98.21% trong năm 1950 xuống 88% năm 2000, và hiện nay là 83.9%.

Trên bình diện ngôn ngữ không có thứ tiếng nào được chỉ định là tiếng nói chính. Tuy nhiên, tiếng Tây Ban Nha và các thứ thổ ngữ tại Mexico cũng như của các nhóm dân da đỏ khác sinh sống tại Mexico được thừa nhận. Tiếng Tây Ban Nha là tiếng nói được sử dụng trong các sinh hoạt chính thức vì được mọi người sử dụng. Tuy nhiên có 7% tổng số dân nói một thứ tiếng Amerindia. Chính quyền Mexico thừa nhận 62 thổ ngữ Amerindie, trong đó có hai thổ ngữ đông người nói nhất là Nahuatl và Maya, mỗi thổ ngữ có khoảng 1.5 triệu người sử dụng. Chính quyền Mexico đã phát huy các chương trình song ngữ Tây Ban Nha và một thổ ngữ tại các vùng quê thổ dân. Trong các thành phố lớn tiếng Anh cũng thông dụng và đang trở thành ngôn ngữ được giởi trẻ sử dụng và được dậy trong các trường tư.

Xã hội Mexico hiện đang phải đương đầu với nhiều vấn đề, trong đó có nạn gian tham hối lộ, bất công xã hội, bạo lực, các tổ chức tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người. Các giới chức chính quyền thường vào hùa với các tổ chức đa quốc ăn cướp đất đai của các thổ dân, để khai thác các quặng mỏ, gây ô nhiễm môi sinh  và đẩy các thổ dân vào cảnh sống bần cùng vì không còn đất đai canh tác. Điển hình là vụ thổ dân Chimalapas cùng với nhiều tổ chức phi chính quyền đã yêu cầu chính quyền Mexico can thiệp để cứu vãn môi sinh trong vùng Santa Maria và San Miguel rộng 600 ngàn héc ta, là đất của thổ dân Zoque, chống lại các doanh thương và các tổ chức đốn gỗ từ bang Chiapas và Veracruz đang xâm lấn vùng này. Đây là vùng sinh sống của 146 loài động vật có vú, 140 loại bò sát, 316 loại chim và 900 loại bướm khác nhau. ĐC Arturro Lona Reyes, nguyên giám mục Tehuantepec, sống trong vùng rừng này giữa thổ dân Chimalapas, đã nhiều lần than phiền về sự thờ ơ của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi của các thổ dân. ĐC nói “chính quyền chỉ can thiệp sau khi đã xảy ra các vụ đổ máu, và chỉ đến đốt nến cho người đã chết”.

Trong thông cáo công bố ngày 28 tháng giêng HĐGM Mêxicô cho biết cuộc gặp gỡ của ĐTC với các cộng đoàn thổ dân ngày 15 tháng hai tại San Cristobal de las Casas là việc viếng thăm toàn cộng đoàn giáo hội thổ dân và người lai giống, cả khi ưu tiên cho các thổ dân thường bị lãng quên. ĐGH không đến để ủng hộ nhóm xã hội nào cả, nhưng để xây các cây cầu và đạp đổ các bức tường ngăn cách, khích lệ việc hội nhập nhân bản và kitô, của người giầu và người nghèo, của những người sống đức tin một cách truyền thống hơn và của những người lãnh nhận nó với chiều kích xã hội gắn liền. Giáo phận San Cristobal de las Casas là một trong những giáo phận nghèo và bị gạt bỏ ngoải lề nhất Mêxicô, tuy có cố gắng của chính quyền, các tổ chức xã hội, các doanh thương liên đới và chính các thổ dân nhằm cải thiện các điều kiện sống của dân chúng đặc biệt trong lãnh vực y tế, giáo dục, nhà cửa và điện nước. Tuy có việc thừa nhận Mexico là một quốc gia đa văn hóa năm 1992, và việc cải cách Hiến Pháp năm 2001, nhưng 62 bộ lạc thổ dân gồm 11 triệu người vẫn chưa có một tổ chức chính trị, chưa có đất đai và cuộc sống và nền văn hóa của họ chưa được chú ý đủ. Các Giám Mục hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC huy động được tình liên đới của mọi người đối với thực tại sống khó khăn của các cộng đoàn thổ dân.

Ngày 26 tháng giêng Tổng giáo phận thủ đô Mexico cũng ra thông cáo mạnh mẽ khẳng định rằng “các thổ dân cần công lý và việc thừa nhận các quyền lợi của họ. Họ phải sống trong cảnh bần cùng và bị khinh miệt. Các giới chức chính quyền lợi dụng họ để mưu lợi và có các đường lối chính trị nhằm duy trì các kỳ thị, vi phạm quyền con người và thái độ cha chú, sử dụng họ cho các mục đích kiếm phiếu.”

Trong cuộc họp mục vụ tại Ciudad Altamirano, các Giám Mục các giáo phận Chilapa-Chilpancingo, Acapulco, Tlapa và Ciudad Altamirano khẳng định rằng “bang Guerrero và nước Mêxicô sẽ luôn luôn có bầu khí bạo lực vì cảnh bất công khiến cho người dân tuyệt vọng nổi loạn sử dụng bạo lực”. Ngày 19 trước đó đã có nhiều vụ báo thù khiến cho 10 người chết.

Ngoài ra, sự kiện chính quyền Mexico thừa nhận hôn nhân của các cặp đồng phái và cho phéo phá thai trong 12 tuần đầu cũng là những thách đố luân lý đối với Giáo Hội.

LinhTiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất ở Đài Loan

Đức Thánh Cha chia buồn với các nạn nhân động đất ở Đài Loan

Động đất ở Đài Loan

VATICAN. ĐTC chia buồn với các nạn nhân động đất tại miền nam Đài Loan.

Trận động đất ở mức độ 6,4 theo thước Richer sáng chúa nhật 7-2 vừa qua ở vùng Đài Nam đã làm cho ít nhất 25 người chết và 500 người bị thương.

Trong điện văn, ĐHY Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết ”ĐTC rất đau buồn khai hay tin trận động đất đã gây ra đau thương chết chóc tại Đài Nam, làm cho nhiều người chết hoặc bị thương nặng. Ngài chia buồn và cầu nguyện cho các gia đình người quá cố và bị thương, cũng như cho các nhân viên cứu trợ và chính quyền dân sự. ĐTC phó thác linh hồn những người tử nạn cho lòng thương xót dịu hiền của Thiên Chúa và khẩn cầu dồi dào phúc lành an ủi và sức mạnh trên những người đang thương khóc cũng như những người bị tổn thương vì thảm trạng này” (SD 7-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Năm thánh trong Thánh Kinh là năm của lòng thương xót

Năm thánh trong Thánh Kinh là năm của lòng thương xót

ĐTC chào tín hữu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư Lễ Tro 10-2-2016

Năm Thánh trong Thánh Kinh nhằm giúp dân sống tình huynh đệ cụ thể, trợ giúp lẫn nhau. Có thể nói nó là “năm thánh của lòng thương xót”, bởi vì được sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người anh em cần được trợ giúp.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã trình bầy việc thành lập năm thánh trong Thánh Kinh, như kể trong sách Lêvi. Nó là một thời điểm tột đỉnh của cuộc sống tôn giáo và xã hội của dân Israel. ĐTC giải thích Năm Thánh như sau:

Cứ mỗi 50 năm “trong ngày đền tội” (Lv 25,9), khi lòng thương xót Chúa được khẩn cầu trên toàn dân, tiếng tù và loan báo một biến cố giải phóng lớn. Chúng ta đọc thấy trong sách Lêvi: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.” (Lv 25,10.13). Theo các chỉ dẫn này, nếu có ai đã bị bó buộc bán đất đai hay nhà của mình, trong năm thánh có thể tái chiếm hữu chúng. Và nếu có ai đã mắc nợ và không thể trả chúng nên bị bó buộc phải phục vụ chủ nợ, thì có thể được tự do trở về gia đình mình, và có lại được gia tài của mình.

Đó đã là một loại “tha nợ tổng quát”, qua đó mọi người đuợc phép trở về tình trạng ban đầu, với việc xóa bỏ mọi nợ nần, trả lại đất đai và lại có thể hưởng sự tự do của các thành phần dân Thiên  Chúa. Một dân tộc “thánh thiện”, trong đó các chỉ dẫn như chỉ dẫn của năm thánh nhằm chống lại sự nghèo túng và bất bình đẳng, bằng cách bảo đảm cho mọi người một cuộc sống xứng đáng và một việc phân chia đất đai công bằng để có thể ở và lấy ra từ đó thực phẩm nuôi thân. Ý tưởng chính yếu đó là đất đai thuộc về Thiên Chúa và đã được uỷ thác cho con người (x. St 1,28-29), và vì thế không ai có thể chiếm hữu nó cho riêng mình bằng cách tạo ra các tình trạng bất bình đẳng.

Điều này hôm nay chúng ta có thể nghĩ tới nó, và tái suy tư. Mỗi người trong con tim mình hãy nghĩ xem mình có quá nhiều sự không. Tại sao lại không để lại cho những người không có gì cả? Mười phần trăm, năm mười phần trăm… Tôi nói: Xin Chúa Thánh Thần gợi hứng cho từng người trong anh chị em.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Với năm thánh ai đã trở thành nghèo túng lại có điều cần thiết để sống, và ai đã trở thành giầu có thì trả lại cho người nghèo những gì đã lấy của họ. Mục đích đã là một xã hội dựa trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi sự tự do, đất đai và tiền của lại trở thành một thiện ích cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của vài người, như đang xảy ra bây giờ, nếu tôi không lầm… Hay ít nhiều các con số không chắc chắn, nhưng 80% của cải toàn nhân loại nằm trong tay của 20% tống số dân hoàn cầu. Đây là một năm thánh – và tôi nói lên điều này khi nhắc tới lịch sử cứu rỗi của chúng ta –  để hoán cải, để cho con tim chúng ta trở thành lớn lao hơn, quảng đại hơn, là con Thiên Chúa hơn, với nhiều tình yêu hơn. Tôi xin nói với anh chị em một điều: nếu ước mong này, nếu năm thánh này không đi tới các túi, thì không phải là năm thánh đích thật. Anh chị em đã hiểu chưa? Và điều này là ở trong Thánh Kinh đấy! Giáo hoàng này không chế ra đâu: Nó ở trong Thánh Kinh đấy! Mục đích như tôi đã nói đó là một một xã hội dựa trên sự bình đẳng và tình liên đới, nơi sự tự do, đất đai và tiền của lại trở thành một thiện ích cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ của vài người.

ĐTC giải thích thêm mục đích của năm thánh như sau:

Thật thế, năm thánh có nhiệm vụ giúp dân sống một tình huynh đệ cụ thể, được làm thành bởi việc trợ giúp nhau. Chúng ta có thể nói rằng năm thánh kinh thánh đã là một “năm thánh của lòng thương xót”, bởi vì được sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người anh em cần được giúp đỡ.

Các cơ cấu và luật lệ khác cai quản cuộc sống của dân Thiên Chúa cũng nằm trong đường hướng này, để có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa qua kinh nghiệm của con người. Trong các điều luật này chúng ta tìm thấy các chỉ dẫn có giá trị cho cả ngày nay nữa, khiến cho chúng ta suy tư. Chẳng hạn, luật kinh thánh dậy đóng thuế thập phân, dành cho các thầy Levi, đặc trách phụng tự, vì các vị không có đất đai, và dành cho người nghèo, trẻ mồ côi, người goá bụa (x. Đnl 14,22-29). Nghĩa là người ta thấy trước rằng một phần mười của việc thu hoạch hay của các khoản đến từ các sinh hoạt khác, được trao cho những người không được che chở và ở trong tình trạng cần, như thế để tạo ra các điều kiện thuận tiện cho sự bình đẳng tương đối bên trong dân, trong đó tất cả mọi người phải sống như anh chị em với nhau.

Cũng có luật liên quan tới các của đầu mùa nữa. Nó là cái gì vậy? Phần đầu tiên của việc thu hoạch mùa màng, là phần quý báu nhất, phải được chia sẻ với các thầy Lêvi và người ngoại quốc (x. Đnl 18,4-5; 26,1-11), là những người không có ruộng đồng, và như vậy đối với họ đất đai cũng là nguồn của thực phẩm và sự sống.” Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta”. (Lv 25,23). Chúng ta tất cả là khách trọ của Chúa, trong khi chờ đợi quê hương trên trời (x. Dt 11,13-16); 1 Pr 2,11), được mời gọi khiến cho thế giới tiếp đón chúng ta có thể ở được và nhân bản. Và biết bao của đầu mùa người may mắn hơn có thể cho người đang gặp khó khăn.

Biết bao nhiêu của đầu mùa! Các của đầu mùa không phải chỉ là các hoa trái của ruộng đồng, mà của mọi sản phẩm của lao động, của lương bổng, của tiền tiết kiệm. của biết bao nhiêu điều người ta có thể có và đôi khi người ta phung phí.

Điều này cũng xảy ra ngày nay nữa. Trong Văn phòng từ thiện của toà thánh có biết bao nhiêu thư được gửi tới bên trong có chút tiền: “Đây là một phần lương của con để giúp ngưởi khác.” Và đây là điều đẹp: giúp đỡ người khác, giúp đỡ các tổ chức từ thiện, các nhà thương, nhà dưỡng lão… cho những người ngoại quốc, người xa lạ và khách qua đường.   Chúa Giêsu đã là khách qua đường bên Ai Cập.

Chính khi nghĩ tới điều này Thánh Kinh liên tục khích lệ đáp trả lại các lời xin vay mượn một cách quảng đại, không tính toán hẹp hòi và không đòi lãi không thể trả được: “Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu, và không trả nợ được (các) ngươi, thì (các) ngươi phải nâng đỡ nó, dù nó là ngoại kiều hay khách trọ, để nó có thể sống bên (các) ngươi. Với nó, (các) ngươi không được lấy lãi ăn lời, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa, và người anh em của (các) ngươi sẽ có thể sống bên (các) ngươi. (Các) ngươi không được cho nó vay bạc của (các) ngươi để lấy lãi và vay lương thực của (các) ngươi để ăn lời.”. Giáo huấn này luôn luôn thời sự.

Biết bao gia đình sống trên vỉa hè, nạn nhân của nạn cho vay ăn lời cắt cổ! Chúng ta hãy cầu nguyện để trong năm thánh này Chúa cất khỏi con tim của tất cả mọi người ước muốn có nhiều của cải hơn, là nạn cho vay nặng lãi. Ai quảng đại trở lại là người cao cả.

Biết bao nhiêu tình trạng cho vay nặng lãi chúng ta bị bó buộc trông thấy, và chúng có thể đem tới cho các gia đình biết bao khổ đau và âu lo! Và biết bao lần, trong tuyệt vọng, biết bao người kết thúc trong việc quyên sinh, vì họ không chịu đựng được nữa  và không có hy vọng, không có bàn tay giơ ra trợ giúp họ: chỉ có bàn tay tới bắt họ trả tiền lãi thôi. Đây là một tội trọng, cho vay nặng lãi là một tội trọng kêu lên tới Thiên Chúa. Trái lại, Chúa đã hứa phước lành cho người mở rộng tay cho đi một cách rộng rãi (x. Dnl 15,10). Ngài sẽ cho bạn gấp đôi, có lẽ không phải là tiền bạc nhưng các sự khác, nhưng Chúa sẽ luôn luôn cho bạn gấp đôi.

Anh chị em thân mến. sứ điệp kinh thánh rất rõ ràng: can đảm rộng mở cho sự chia sẻ và đó là lòng thương xót! Và nếu chúng ta muốn lòng thương xót từ Thiên Chúa, thì hãy bắt đầu lòng thương xót giữa chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu lòng thương xót giữa các người đồng hương, giữa các gia đình, giữa các dân tộc, giữa các đại lục. Góp phần vào việc thực hiện môt trái đất không có người nghèo có nghĩa là xây dựng một xã hội  không kỳ thị, dựa trên tình liên đới đưa tới viêc chia sẻ những gì mình có, trong một việc phân chia các tài nguyện dựa trên tình huynh đệ và công lý.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các đoàn hành hương đến từ Pháp, Anh, Ai len, Croatia, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ba Lan. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,

Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho nhau trong mùa chay, là thời gian của sự hoán cải, để có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa và thông truyền nó cho các anh chị em nghèo khó nhất.

Chào các trẻ em giúp lễ giáo phận Bolzano-Bresanone, do ĐC Ivo Muser hướng dẫn, cũng như Hiệp hội “Cho ngai toà thánh Phêrô” , ĐTC nói trong các ngày tới đây ngài sẽ tông du Mêxicô và gặp gỡ Đức Thượng Phụ Kirill bên Cuba. Ngài xin mọi người giúp lời cầu nguyện cho hai biến cố này. ĐTC cũng chào các giáo viên và học sinh các trường Barreiro, Bragança, Coimbra và Lisboa Bồ Đào Nha. Ngài chúc mọi người giống Chúa Giêsu và gặt hái nhiều hoa trái trong mùa chay năm thành này. Ngài cũng chào ca đoàn Thánh Rafka đến từ Libăng và các tín hữu Trung Đông. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói mùa chay  trong Năm Thánh là dịp thuận tiện để xin Chúa tha thứ cho mọi sự dữ và mở rộng trái tim cho  các công việc bác ái.

Ngài cũng chào các giám đốc hiệp hội Giáo hoàng truyền giáo giáo phận Italia, thành viên phong trào Giang tay, và các giáo viên giáo lý giáo phận Concordia Pordenone, cũng như học sinh nhiều trường khác nhau. Ngài cầu chúc việc bước qua Cửa Thánh giúp họ là chứng nhân cho Chúa qua các công tác trợ giúp bác ái.

Với ngưởi trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói lễ Tro mở đầu mùa chay bắt đầu lộ trình ơn thánh như một cuộc trở về với Thiên Chúa Cha Từ Bi. Ngài khích lệ người đau yếu dâng các khổ đau cho ơn hoán cải của những người sống xa Chúa, và nhắn nhủ các đôi tân hôn xây dựng cuộc sống gia đình trên đá tảng tình yêu của Thiên  Chúa.

Ngày 11 tháng 2 hôm nay là ngày lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày quốc tế các bệnh nhân lần thứ 24 được cử hành tại Nagiarét. Trong sứ điệp cho năm nay chúng ta đã suy tư về vai trò không thể thay thế được của Mẹ Maria trong tiệc cưới làng Cana. “Người bảo bất cứ điều gì, hãy làm điều đó” (Ga 2,5). Trong sự lo lắng của Mẹ Maria phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa và lòng lành vô biên của Chúa Giêsu Từ Bi. Tôi xin mời gọi anh chị em cầu nguyện cho các bệnh nhân và làm cho họ cảm thấy tình yêu thương của chúng ta. Ước chi sự dịu hiền của Mẹ Maria hiện diện trong cuộc sống của biết bao nhiêu người ở bên cạnh các bệnh nhân bằng cách biết tiếp nhận các nhu cầu của họ, kể cả những nhu cầu không thể nhận ra, vì được nhìn với con mắt tràn đầy tình yêu thương.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Thừa Sai lòng thương xót

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 700 LM thừa sai lòng thương xót chiều ngày 9-2-2016, ĐTC nhắn nhủ các vị hãy biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo hội đối với các hối nhân.

Các vị thuộc số 1071 LM thừa sai lòng thương xót thuộc các nước trên thế giới được ĐTC trao ban sứ vụ rao giảng, trao ban lòng thương xót và năng quyền tha các vạ dành quyền giải cho Tòa Thánh. Trong số các vị cũng có một số linh mục Việt Nam.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã trình bày vài chỉ dẫn để sứ vụ của các vị thừa sai được chu toàn thích hợp và như một sự giúp đỡ cụ thể cho bao nhiêu người tìm đến với các vị. Ngài nói:

– Trước tiên tôi muốn nhắc nhở anh em rằng trong sứ vụ này, anh em được kêu gọi biểu lộ lòng từ mẫu của Giáo Hội. Giáo Hội là Mẹ vì luôn sinh ra những người con mới trong đức tin.. Giáo Hội là Mẹ cũng vì Giáo Hội trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa, tái sinh vào đời sống mới, thành quả của sự hoán cải. Chúng ta không thể chấp nhận nguy cơ một hối nhân không cảm nghiệm được sự hiện diện từ mẫu của Giáo Hội đón nhận và yêu thương họ”.

– Một khía cạnh quan trọng khác là biết nhìn ước muốn được tha thứ nơi con tim của hối nhân. Đó là một ước muốn thành quả của ơn thánh và hoạt động của ơn thánh trong đời sống con người, giúp họ cảm thấy nhớ nhung Thiên Chúa, tình thương của Chúa và nhà của Ngài… Ước muốn này cần phải được củng cố khi hối nhân quyết định thay đổi cuộc sống và không muốn phạm tội nữa. Đó là lúc họ tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin tưởng hoàn toàn mình được Chúa cảm thông, tha thứ và nâng đỡ. Chúng ta hãy dành không gian rộng lớn cho ước muốn Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài.

– ĐTC đặc biệt nói đến yếu tố thứ 3 ít được nói đến, nhưng có vai trò quyết định, đó là sự xấu hổ. .. Người ta cảm thấy xấu hổ vì những gì xã phạm, và phải xưng thú điều ấy với một người khác. Sự xấu hổ là một tâm tình thầm kín ảnh hưởng đến đời sống bản thân và đòi cha giải tội phải có một thái độ tôn trọng và khích lệ.

 ĐTC nhắc đến những sự tích trong Kinh Thánh về cảm thức xấu hổ, đặc biệt là sự kiện Ông Noe say rượu và trần truồng, hai người con lấy áo che thân cho cha. ĐTC nói: ”Đứng trước chúng ta cũng có một người ”trần trụi”, với sự yếu đuối và giới hạn của họ, với sự xấu hổ vì là tội nhân. Chúng ta đừng quên: trước mặt chúng ta không có tội lỗi, nhưng là một người tội lỗi thống hối. Một người cảm thấy ước muốn được đón nhận và tha thứ. Một tội nhân hứa không muốn xa rời nhà Cha nữa, và với sức lực ít ỏi còn lại, họ muốn làm tất cả những gì có thể để sống như con cái Thiên Chúa. Vì thế, ĐTC nói, chúng ta không được kêu gọi để xét xử, với một mặc cảm tự cao, như thế chúng ta không mắc tội, trái lại chúng ta được kêu gọi hành động như hai người con ông Noé, Sem và Jafet, lấy chăn phủ thân cho cha mình, khỏi xấu hổ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”không phải với chìa khóa phán xét mà chúng ta đưa con chiên lạc trở về chuồng chiên, nhưng với đời sống thánh thiện là khởi đầu sự canh tân và cải tổ trong Giáo Hội. Sự thánh thiện được nuôi dưỡng bằng tình thương và mang trên mình gánh nặng của những người yếu hơn. Thừa sai lòng thương xót mang trên vai mình tội nhân, an ủi họ với sức mạnh của lòng cảm thương” (SD 9-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 1 ngàn linh mục Capuchino

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với 1 ngàn linh mục Capuchino

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ với hơn ngàn linh mục Capuchino

VATICAN. Lúc 7 giờ rưỡi sáng 9-2-2016, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại Đền thờ Thánh Phêrô với hàng ngàn LM dòng Capuchino, từ các nơi trên thế giới tựu về Roma, nhân dịp trưng bày di hài hai vị thánh của dòng là Thánh Pio và Thánh Leopoldo Mandic.

Trong số các vị đồng tế cũng có một HY và một số GM thuộc dòng này.

ĐTC đã yêu cầu đưa di hài hai vị thánh nổi bật về sứ vụ giải tội ở Italia về Đền thờ Thánh Phêrô, nhân dịp ngài chủ sự Thánh Lễ tại đền thờ này chiều thứ tư lễ tro 10-2-2016, và trao sứ vụ cho các LM thừa sai Lòng Thương Xót.

Trong bài giảng, ĐTC ca ngợi truyền thống của dòng Capuchino dấn thân trong sứ vụ giải tội: trao ban sự tha thứ. Ngài nói: ”Nơi anh em có bao nhiêu vị giải tội nhiệt thành: chính vì họ cảm thấy mình là người tội lỗi.. Họ biết mình là những người nhiều tội, và trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ liên tục cầu nguyện: ”Lạy Chúa, xin lắng nghe và tha thứ” (Xc 1 V 8,38).

Từ ý tưởng trên đây, ĐTC nhắn nhủ các cha dòng Capuchino: ”Tôi xin anh em đừng bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ! Anh em hãy trở thành những người tha thứ, hòa giải và an bình”… Ai không biết tha thứ thì cũng giống như những luật sĩ trong Phúc Âm, họ là những người thích lên án, luôn luôn cáo buộc.. Và ai là kẻ luôn cáo buộc theo Kinh Thánh? Đó là ma quỉ!”

ĐTC cảnh giác các cha giải tội đừng vặn hỏi các hối nhân, nhưng hãy luôn tha thứ, đừng ”trách mắng” họ. Người đến xưng tội là người tìm kiếm sự an ủi, ơn tha thứ và an bình cho tâm hồn họ: Ước gì họ tìm được một linh mục nồng nhiệt tiếp đón họ và nói: ”Thiên Chúa rất thương con!”. ĐTC nói: 'Tôi phải nhắc điều đó vì tôi biết có người nói rằng: ”Tôi không bao giờ đi xưng tội, vì có lần cha giải tội hỏi tôi bao nhiêu điều, điều này điều kia…”

Dòng Capuchino (OFM Cap.) là dòng nam đông thứ tư trong Giáo Hội Công Giáo, với 10,630 tu sĩ theo niên giám mới nhất của Tòa Thánh, đứng sau dòng Tên, dòng Don Bosco, và dòng Phanxicô (OFM) (SD 9-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio