Chính thống Nga đoạn giao với Chính Thống Constantinople

Chính thống Nga đoạn giao với Chính Thống Constantinople

Trên đây là quyết định của Thánh Hội đồng Giáo Hội Chính Thống Nga sau khóa họp hôm 15-10-2018 tại Minsk thủ đô Cộng hòa Bạch Nga cũng gọi là Belarus. Đây là lần đầu tiên từ hơn 300 năm nay, sự hiệp thông này bị gián đoạn.

 Phê bình tòa Thượng Phụ Constantinople

 Trong khóa họp Hội đồng đã bàn về vấn đề tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến việc công nhận quyền tự quản độc lập của Giáo Hội Chính Thống tại Ucraina. Chính Thống Nga gọi việc làm này là xen lấn vào lãnh thổ của Chính Thống Nga. Giáo Hội này vẫn coi Ucraina và một số lãnh thổ cựu Liên Xô là lãnh thổ của mình theo giáo luật và không để các Giáo Hội như ở Ucraina được độc lập tự quản.

 Chính Thống Nga đã đưa ra các biện pháp đe dọa trước

 Trong thời gian trước đây, tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva đã cấm các GM của mình không được cử hành hoặc tham dự thánh lễ chung với các chức sắc của Chính Thống Constantinople, không được tham dự các hội nghị do đại diện của Chính Thống Constantinople chủ tọa.

 Tuyên bố trong một buổi lễ hôm 13-10-2018 tại thành phố Minsk, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga nói rằng Thánh Hội đồng của Giáo Hội này muốn trấn an xã hội Ucraina, củng cố đời sống đạo tại nước này và đồng thời bảo vệ Giáo Hội chống lại những cuộc tấn công và đàn áp có thể xảy ra.

 Trong khi đó, Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva, trên đài truyền hình Nga, đã trách cứ Đức thượng Phụ Bartolomaios của Chính Thống Contanstinople phải chịu trách nhiệm về sự phân rẽ Giáo Hội Chính Thống tại Ucraina khi công nhận những người lãnh đạo Chính Thống tại Kiev và qua đó hợp thức hóa cuộc ly giáo từ hơn 25 năm nay tại Ucraina. ”Sự kiện này khiến chúng tôi không thể hiệp nhất với Giáo Hội Chính Thống Constantinople.”

 Đức TGM Hilarion cũng cảnh cáo rằng: ”Nếu tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople còn tiếp tục các hành động trái với giáo luật thì Chính Thống Nga buộc lòng phải đoạn giao hoàn toàn với Chính Thống Constantinople”.

 Cộng đoàn Chính thống tại Ucraina

 Tại Ucraina, 70% dân chúng theo Chính Thống giáo, một nửa thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. 2 cộng đoàn Chính Thống khác đang tiến hành dự án thành lập một Giáo Hội Chính Thống Ucraina thống nhất và sẽ được Đức Thượng Phụ Bartolomaios, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople công nhận quyền tự quản độc lập (tomos).

Chính Thống Nga có khoảng 90 triệu tín hữu, còn tại Thổ Nhĩ kỳ chỉ có khoảng 4 ngàn tín hữu Chính Thống. Tuy nhiên, thuộc quyền Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantiple có nhiều cộng đoàn ở các nước và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I ở Istanbul là vị đứng đầu trong số các vị Thượng Phụ và thủ lãnh 14 Giáo Hội Chính Thống trên thế giới. (Tổng hợp 15-10-2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Giới thiệu Ngày Suy Tư Cầu Nguyện cho hòa bình Trung Đông

Giới thiệu Ngày Suy Tư Cầu Nguyện cho hòa bình Trung Đông

VATICAN. 10 vị thủ lãnh đại diện các Giáo Hội Chính Thống sẽ cùng với ĐTC Phanxicô và các vị thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, tham dự Ngày Suy Tư và Cầu Nguyện 7-7 tới đây tại Bari cho hòa bình tại Trung Đông.

Ngày này do ĐTC tuyên bố triệu tập hôm 25-4-2018 và được sự hưởng ứng của các Giáo Hội Kitô.

Danh sách tham dự

Trong cuộc họp báo sáng ngày 3-7-2018 tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ĐHY Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo đông phương đã công bố danh sách các vị lãnh đạo tham dự, trong đó có 5 vị thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông phương, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinole, có tòa tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp ở Alessandria và toàn Phi châu, Đức TGM Hilarion, Đại diện Đức Thượng Phụ Chính Thốntg Nga, và hai vị TGM khác.

Có 4 Đại diện của các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (tiền Công đồng Calcedonia (451), đứng đầu là Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập, tiếp đến là Chính Thống Siriac, Armeni Tông Truyền tại Armeni và tại Liban. Ngoài ra có Đức Thượng Phụ Mar Gewargis II của Giáo Hội Assiri Đông Phương.

Về phía Công Giáo có 6 vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương và Đức TGM Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem. Sau cùng là Đức GM Tin Lành Luther ở Thánh Địa.

Lịch sử sáng kiến

ĐHY Sandri cho biết ĐTC đi tới quyết định triệu tập ngày cầu nguyện tại Bari sau khi có nhiều Giáo Hội và Thượng Phụ trực tiếp đề nghị với ngài về sáng kiến này. Đặc biệt hồi tháng 2 năm 2016, ĐHY Bechara Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronite, đã nhân danh các vị Thượng Phụ Công Giáo khác ở Trung Đông thỉnh cầu ĐTC về vấn đề này, với sự đồng ý và sẵn sàng của một số thủ lãnh các Giáo Hội Kitô không Công Giáo ở Trung Đông.

Chương trình

Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 7-6 vừa qua, ĐTC sẽ đáp trực thăng lúc 7 giờ sáng 7-7 từ Vatican và bay đến thành phố Bari lúc 8 giờ 15 phút. Tại đây ngài được giáo quyền và chính quyền địa phương đón tiếp, rồi đến Vương cung thánh đường Thánh Nicola lúc 8 giờ rưỡi, gặp các Thượng Phụ. Ngài cũng chào thăm cộng đồng các cha dòng Đa Minh coi sóc Đền thánh Nicola.

15 phút sau đó, ĐTC cùng với các Thượng Phụ xuống tầng hầm Nhà thờ để kính viếng Hài Cốt Thánh Nicola và đốt lên ngọn đèn tại đây.

Sau đó, lúc 9 giờ 15, ĐTC và các Thượng Phụ lên xe đi tới khu vực Rotonda cạnh bờ biển Bari để bắt đầu buổi cầu nguyện vào lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Tiếp đến các vị lên xe trở về Đền thánh Nicola và có cuộc trao đổi riêng tại đây từ lúc 11 giờ.

Lúc 1 giờ rưỡi, ĐTC và các vị Thượng Phụ sẽ đến tòa TGM Bari để dùng bữa trưa. Sau đó lúc 3 giờ rưỡi chiều, ngài giã từ các Thượng Phụ, trước khi từ biệt giáo quyền và chính quyền lúc 4 giờ, để đáp trực thăng trở về Vatican, dự kiến vào lúc 5 giờ 15 phút chiều. (Rei 3-7-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Đức Hồng Y Parolin gặp Đức TGM Hilarion, Chính Thống Nga

Moscow. Hôm 21-8-2017, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Đông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.

Một đề tài nóng bỏng khác là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Ngoài Giáo hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Moscow, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Đức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.

Đức TGM Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Đức TGM cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.

Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.

Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.

Thứ ba hôm qua, 22-8, ĐHY Parolin gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, ĐHY viếng thăm Đức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Moscow.

Thứ tư 23-8, ĐHY Quốc vụ khanh sẽ đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. (Asia News 22-8-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga cám ơn Đức Thánh Cha

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga cám ơn Đức Thánh Cha

MASCƠVA. Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga, cám ơn ĐTC Phanxicô, vì đã cho phép đưa một phần hài cốt thánh Nicola sang Nga để các tín hữu kính viếng từ ngày 21-5 đến ngày 28-7 năm nay.

Thánh Nicola GM thành Myre tử đạo năm 343 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ 930 năm nay, Hài cốt thánh nhân được giữ tại Vương cung thánh đường kính thánh nhân ở Bari, nam Italia. Thánh nhân được các tín hữu Chính Thống Nga đặc biệt tôn kính và nhiều người đến hành hương tại Bari.

Đức Cha Francesco Caccuci, TGM giáo phận Bari-Bitondo, đã trao Hài cốt thánh Nicola cho Đức Thượng Phụ Kirill chiều chúa nhật 21-5 vừa qua tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Cứu Thế ở Mascơva, và ngay ngày đầu tiên đã có 45 ngàn tín hữu kính viếng trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.

Sau đó, từ ngày 12-7, hài cốt thánh nhân sẽ được đưa tới Aleksandr Nevskij gần thành phố San Pietroburgo để các tín hữu tôn kính cho đến ngày 28-7 tới đây.

Trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Italia đến trao thánh tích, Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga nói rằng: ”Trong thời buổi khó khăn hiện nay, với những cuộc xung đột gia tăng và quan hệ quốc tế ngày càng căng thẳng, sự cộng tác văn hóa và tinh thần là một trong những phương thế hiệu nghiệm nhất nhờ đó các Giáo Hội có thể góp phần vượt thắng sự thù nghịch giữa các dân tộc”.

Trong phái đoàn Tòa Thánh cũng có Đức TGM Celestino Migliore, Sứ Thần Tòa Thánh tại Mascơva, và một đại diện của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Để bày tỏ lòng biết ơn, Đức Thượng Phụ Kirill đã tặng ĐTC một icône cổ kính với hình thánh Nicola.

Từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên xô, mỗi năm có hàng ngàn tín hữu người Nga đến Bari để hành hương tại Vương cung thánh đường kính thánh nhân. Tuy nhiên hầu hết người Nga không có phương tiện đến đó, vì thế Đức Thượng Phụ Kirill đã xin ĐTC Phanxicô cho đưa một phần hài cốt thánh Nicola thánh du qua Nga trong vòng 2 tháng 1 tuần. (Oss. Rom. 24-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo

ISTANBUL. Viễn tượng nhóm họp Công đồng Liên Chính Thống giáo từ chúa nhật 19-6 tới 27-6-2016 tại đảo Creta bên Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tuần lễ trước đây, Giáo Hội Chính Thống Bulgari cho biết sẽ không tham dự Công đồng này nếu một số vấn đề tranh luận không được làm sáng tỏ trước, và vì thế Giáo Hội này kêu gọi hoãn lại việc nhóm họp Công đồng. Cả Giáo Hội Chính Thống Giorgia cũng có lập trường tương tự.

Hôm 6-6-2016, sau phiên họp đặc biệt, Tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, đã thông cáo bác bỏ yêu cầu của Giáo Hội Chính Thống Bulgari và nói rằng sau hơn 50 năm chuẩn bị, Công đồng này sẽ tiến hành như đã định, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 19-6 (theo lịch Giuliano).

Mục đích khóa họp thượng đỉnh này tại Creta là một sự thỏa thuận của Chính Thống giáo về đường hướng tương lai của mình. ”Tòa Thượng Phụ chung, có trách nhiệm chính đối với việc bảo tồn sự hiệp

nhất của Chính Thống giáo, kêu gọi tất cả hãy tận dụng cơ hội này và đến tham dự.

Thông cáo cũng có đoạn viết: ”Thật là ngạc nghiên và ngỡ ngàng, một vài Giáo Hội trong số 14 Giáo Hội Chính Thống đã tuyên bố lập trường của mình. Qui luật của Giáo Hội không cho phép xét lại kế hoạch Công đồng đã được đề ra. Tuy nhiên tại Creta, còn có thể thay đổi các dự thảo văn kiện. Các phái đoàn sẽ trình bày các đề nghị của mình”.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga mạnh mẽ phê bình lập trường của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tổng LM Andrej Nowokiow ở Mascơva tuyên bố với hãng thông tấn Tass của Nga hôm 7-6 rằng: ”Tôi e ngại rằng thái độ độc tài như thế của Tòa Thượng Phụ Constantinople là một toan tính buộc những người khác phải thay đổi ý kiến. Hiển nhiên Constantinople muốn có quyền lực vô giới hạn trong thế giới Chính Thống giáo, và hành động ”như thể một thứ giáo hoàng ở đông phương”, và như thế là đe dọa thành quả của Công đồng.

Thánh Hội đồng Chính Thống Nga đã yêu cầu Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập một phiên họp tiền công đồng, trước ngày 10-6 này để cứu xét xem có thể nhóm Công đồng trong thời hạn dự trù hay không. Theo Chính Thống Nga, dù một Giáo Hội thành viên không tham dự, thì đó cũng là một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc thực hiện một đại Công đồng của Chính Thống giáo.

Trước sự từ khước của Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập phiên họp vừa nói, hôm 8-6-2016, Đức TGM Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cho biết Thánh Hội đồng của Giáo Hội này nhóm họp khẩn cấp để quyết định có nên tham dự Công đồng liên Chính Thống giáo hay không. Đức TGM nói: ”Chúng tôi vẫn luôn nói rằng các quyết định của Công đồng phải được sự đồng thuận thì mới được công bố. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận bao hàm không những sự đồng ý của những người hiện diện nhưng cả những người khác vắng mặt nữa. Sự đồng thuận phải có nghĩa là ý kiến đồng nhất của tất cả các Giáo hội Chính Thống. Nếu một Giáo Hội vắng mặt, thì chúng tôi nghĩ điều này có nghĩa là không có sự đồng thuận” (KNA 7-6-2016, Asia News 8-6-2016).

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào thứ bẩy 11-6 tới đây để bày tỏ sự gần gũi tinh thần với Chính Thống giáo. Buổi cầu nguyện sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. (Apic 6-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thánh Cha đi Cuba gặp gỡ Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

VATICAN. Sáng ngày 12-2-2016, ĐTC Phanxicô đã rời Roma, lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 12 ở nước ngoài, trong vòng 1 tuần lễ, với chặng dừng đầu tiên tại La Habana, thủ đô Cuba.

Ngài dừng lại đây hơn 3 tiếng đồng hồ để gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga. Sau cuộc gặp gỡ, ĐTC quá 5 giờ chiều giờ địa phương, ngài tiếp tục hành trình đến Mêhicô để viếng thăm tại 6 thành phố ở nước này.

Cùng tháp tùng ĐTC trên máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia, ngoài 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, đứng đầu là ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và 76 ký giả Italia và quốc tế.

Lẽ ra máy bay chở ĐTC có thể cất cánh lúc 8 giờ, nhưng đến gần phi đạo, máy bay chở ĐTC đã dừng lại để máy bay của hãng Easyjet đáp xuống khẩn cấp..

Chào thăm các ký giả tháp tùng

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả tháp tùng, trong đó có 10 ký giả Mêhicô, phần còn lại thuộc các nước khác. Con số này không kể 3,500 ký giả đăng ký tại Phòng báo chí của Ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Mexico.

ĐTC đặc biệt cám ơn Ông Alberto Gasbarri, giám đốc hành chánh của đài Vatican và là người tổ chức các chuyến viếng thăm của ngài tại nước ngoài. Từ 47 năm nay ông làm việc tại Vatican và ngày 1-3-2016 này ông về hưu. Đức Ông Mauricio Rueda, người Colombia, thuộc bộ ngoại giao Tòa Thánh, thay thế ông Gasbarri trong việc tổ chức các chuyến viếng thăm của ĐTC tại hải ngoại.

Tiếp đến, bà Valentina, người Mêhicô, niên trưởng các ký giả tháp tùng ĐTC, đã tặng ngài chiếc mũ vành rộng của Mêhicô, để ngài không bị nắng và giống người Mêhicô hơn!

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga

Đức Thượng Phụ Kirill đã đến Cuba một ngày trước ĐTC trong chuyến viếng thăm dài 11 ngày tại Cuba, rồi Paraguay và Brazil, cho đến ngày 22-2 tới đây. Tháp tùng Đức Thượng Phụ cũng có 30 người thuộc đoàn tùy tùng, 30 ký giả, và một ca đoàn gồm 20 ca viên thuộc một giáo phận Chính Thống ở Mascơva. Ngài đến thăm Cuba theo lời mời của chủ tịch Raoul Castro nhân dịp kỷ niệm 45 năm khánh thành nhà thờ Chính Thống Nga đầu tiên tại La Habana. Tại đây có khoảng 15 ngàn tín hữu Chính Thống Nga.

Đức Thượng Phụ Kirill năm nay 70 tuổi, sinh ngày 20-11 năm 1946 tại thành phố Leningrad, nay là Petroburgo, trong một gia đình thân phụ là một linh mục Chính Thống giáo và thụ phong linh mục năm 1969 lúc mới 23 tuổi, rồi làm GM lúc 30 tuổi, trước khi được thăng TGM năm sau đó. Năm 1984, ngài được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga và là thành viên thường trực thánh Hội đồng, tức là cơ quan cai quản Giáo Hội này. Năm 2009, ngài được bầu làm Thượng Phụ Chính Thống Moscow và toàn nước Nga thứ 16, với số phiếu rất lớn.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Moscow đứng hàng thứ 5 trong số 14 Giáo Hội Chính Thống, xét về niên thứ được nâng lên hàng Thượng Phụ, sau Constantinople ở Thổ Nhĩ kỳ, Alessandria bên Ai Cập, Antiokia nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ kỳ và Jerusalem, nhưng xét về số tín hữu, thì đây là Giáo Hội Chính Thống quan trọng nhất, vì trong số hơn 200 triệu tín hữu Chính Thống trên thế giới, có tới 2 phần 3 thuộc Chính Thống Nga.

Chương trình gặp gỡ

Theo chương trình, sau chuyến bay dài 12 giờ 15 phút, từ phi trường Fiumicino, máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng đáp xuống phi trường José Martí của thủ đô La Habana, Cuba, lúc 14 giờ giờ địa phương.

Ngài được chủ tịch Raoul Castro của Cuba tiếp đón cùng với ĐHY Jaime Ortega, TGM La Habana sở tại, một vài GM nước này và các chức sắc thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đón tiếp. Liền đó, Chủ tịch Raoul Castro hướng dẫn ĐTC vào phòng khách của Ông, để rồi từ đây tiến vòng phòng khánh tiến của phi trường, cùng lúc Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga tiến vào phòng này từ một cửa khác.

Tại đây hai vị giáo chủ nói chuyện với nhau, Đức Thượng Phụ dùng tiếng Nga còn ĐTC dùng tiếng Tây Ban Nha, có thông dịch viên giúp hai vị trao đổi với nhau. Hiện diện trong dịp này có ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.

Theo Cha Lombardi và Đức TGM Hilarion, chủ đề chính cuộc hội kiến là những cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Cả ĐTC lẫn Đức Thượng Phụ Kirill nhiều lần lên tiếng tố giác các cuộc bách hại Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông trong thời gian gần đây.

Tiếp sau cuộc hội kiến là phần trao đổi quà tặng. Rồi chủ tịch Raoul Castro tiến vào phòng khánh tiết vào lúc 4 giờ rưỡi chiều. ĐTC và Đức Thượng Phụ ký vào một tuyên ngôn chung với hai bản bằng tiếng Nga và Italia, trước khai trao đổi hai văn bản.

Sau khi ký kết và trao đổi, có một diễn văn ngắn của ĐTC bằng tiếng Tây Ban Nha và của Đức Thượng Phụ bằng tiếng Nga, rồi có phần giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn.

Lúc 5 giờ chiều, ĐTC giã từ Đức Thượng Phụ Kirill và được Chủ Tịch Raoul của Cuba tháp tùng đến máy bay của hãng Alitalia. Lúc 5 giờ rưỡi chiều máy bay cất cánh chở ĐTC đến phi trường thủ đô Mexico để khởi sự cuộc viếng thăm như chương trình đã định.

Theo chương trình, sau 3 giờ bay, vượt qua 1,780 cây số, máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường thủ đô Mexico lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Tại đây sau nghi thức đón tiếp ngài sẽ về tòa Sứ Thần ở thành phố Mexico cách phi trường 19 cây số để dùng bữa và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio