Các Giám mục miền nam Mexico bị các tổ chức tội phạm đe dọa

Các Giám mục miền nam Mexico bị các tổ chức tội phạm đe dọa

Mexico City – Các giám mục ở miền nam bang Guerrero của Mexico, nơi  có nhiều hoạt động buôn bán ma túy và các giáo xứ nằm trong các cộng đồng địa phương nghèo nàn, dân chúng sống nhờ trồng cây thuốc phiện, đã phải chịu những mối đe doạ từ các nhóm tội phạm có tổ chức.

Đức cha Maximino Miranda Martinez của  Ciudad Altamirano đã bị cướp xe khi ngài đi vào con đường bị chặn bởi một nhóm có vũ khí tại miền bạo loạn Tierra Caliente. Đức cha Dagoberto Sosa Arriaga của Tlapa thì bị tống tiền nhưng đã tránh được khi các tên tống tiền bị các đối thủ cản trở.

Trong cuộc họp báo hôm 27/05, Đức cha Salvador Rangel Mendoza của  Chilpancingo-Chilapa cho biết có 3 linh mục bị đe dọa. Ngài chia sẻ rằng các giám mục và linh mục đã can thiệp vào những xung đột giữa các nhóm tội phạm nhỏ đang ngày càng gia tăng, đụng độ nhau trong việc trồng trọt và buôn lậu chất ma tuý từ Guerrero tới Hoa Kỳ. Chính Đức Rangel đã nói về việc thiết lập các liên lạc với các ông chủ ma túy để tạo an bình cho một trong những bang có bạo lực nhất Mexico. Đức cha nói về cố gắng dập tắt xung đột giữa các băng đảng ma túy: “Không phải nhiệm vụ của tôi nói điều đó. Tôi đã xin trợ giúp từ chính quyền bang và họ đã gửi cảnh sát bang đến. Nhưng các cảnh sát này bị các tội phạm cướp vũ khí và họ đã rời đi.”

Bạo lực đã làm cho tình hình tại Mexico tệ đi trong 2 năm vừa qua và thống kê tội phạm cho thấy đất nước này đang đạt kỷ lục về số các vụ giết người trong vòng 20 năm. Tại bang Guerrero, tỉ số vụ giết người trong năm 2016 là 61/100,000 dân, cao nhất nước. Từ năm 2009, có it nhất có 4 linh mục và 2 chủng sinh bị giết tại bang này. (CNS 31/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

Đức Thánh Cha gặp các giới chức chính quyền Mexico

MEXICO. Tại Mexico, ĐTC kêu gọi bài trừ nạn tham nhũng và tăng cường việc huấn luyện giới trẻ, tìm kiếm công ích thay vì đặc ân cho thiểu số.

Đó là nội dung diễn văn của ĐTC tại tòa nhà chính phủ Mexico trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-2-2016 tại thủ đô nước này. Đây là hoạt động chính thức đầu tiên của ngài tại Mexico sau khi từ Cuba đến đây vào chiều tối ngày 12-2-2016.

ĐTC đã đến tòa nhà quốc gia vào lúc 9 giờ rưỡi sáng. Tại đây đã diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức với quốc thiều, chào cờ và giới thiệu hai phái đoàn, trước khi ĐTC hội kiến riêng với Tổng thống Enrique Pena Nieto ở lầu 3, trong khi phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin hướng dẫn hội kiến với phái đoàn chính phủ Mexico.

Trong phần trao đổi quà tặng, ĐTC đã tặng tổng thống bức tranh khảm Đức Mẹ Guadalupe.

Buổi tiếp đón chính thức được nối tiếp với cuộc gặp gỡ chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Mexico, tổng cộng là 1,200 người tại sảnh đường Diego Rivera trong dinh Quốc gia, vào lúc 10 giờ 15.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết ngài đến Mexico như một thừa sai của lòng thương xót và hòa bình, và với tư cách là người con muốn tôn kính Mẹ mình là Đức Trinh Nữ Guadalupe, và để cho Mẹ hướng dẫn.

Sau khi ca ngợi nước Mexico giàu tài nguyên và các truyền thống văn hóa phong phú, ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi nghĩ và dám nói rằng sự phong phú chính yếu của Mêhicô có một khuôn mặt trẻ trung, đúng vậy, đó là những người trẻ. Hơn một nửa dân nước này là người trẻ. Điều này cho phép nghĩ đến và đề ra dự phóng cho tương lai… Một dân tộc nhiều người trẻ là một dân tộc có khả năng đổi mới, biến đổi, và là một lời mời gọi hãy hăng hái hướng nhìn về tương lai. Nhưng thực tại này cũng đưa chúng ta suy tư về trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng Mexico mà chúng ta mong muốn, một Mexico mà chúng ta muốn truyền lại cho các thế hệ mai sau. Điều này cũng làm cho chúng ta ý thức rằng một tương lai nhiều hy vọng được hình thành trong một hiện tại gồm những người nam nữ công chính, lương thiện, có khả năng dấn thân cho công ích, công ích mà trong thế kỷ 21 này không được đánh giá cao lắm. Kinh nghiệm cho thấy mỗi khi chúng ta tìm con đường đặc ân và lợi lộc cho một thiểu số, và gây thiệt hại cho đa số, thì sớm muộn gì đời sống xã hội cũng biến thành một mảnh đất khô cằn vì tham nhũng, buôn bán ma túy, loại trừ các nền văn hóa khác nhau, bạo lực và thậm chí cả nạn buôn người, bắt cóc và sát hại, gây đau thương và cản trở sự phát triển.

ĐTC cũng nhận xét rằng để có thể vượt thắng những tình trạng nảy sinh do sự khép kín của chủ nghĩa cá nhân,cần có sự đồng thuận giữa các tổ chức chính trị, xã hội, của thị trường và mọi người nam nữ dấn thân trong việc tìm kiếm công ích và thăng tiến phẩm giá con người.

ĐTC nhắc nhở các vị trách nhiệm về đời sống xã hội, văn hóa và chính trị ở Mexico về nghĩa vụ đặc biệt làm việc để cống hiến cho mọi công dân cơ hội giữ vai chính trong vận mạng của họ, trong gia đình và mọi môi trường trong đó xã hội tính của con người được phát triển, giúp họ tìm được những thiện ích vật chất và tinh thần không thể thiếu được như: nhà ở thích hợp, công ăn việc làm xứng đáng, lương thực, công lý đích thực, an ninh hữu hiệu, môi trường lành mạnh và an bình.

”Đây không phải chỉ là vấn đề luật lệ cần luôn được cải tiến, nhưng còn là sự cấp thiết phải huấn luyện cho mỗi người về tinh thần trách nhiệm, trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với những người khác, như những người đồng trách nhiệm đối với chính nghĩa chung là thăng tiến sự phát triển đất nước.”

Mexico đang gặp nhiều tai ương: tuy nước này quảng đại tiếp đón người di dân đi qua đây, nhưng cũng có sự kiện 27 ngàn người bị mất tích, nạn nhân của những vụ buôn người và các tội ác ma túy. ĐTC nhìn nhận rằng ”sự khôn ngoan ngàn đời hệ tại đặc tính đa văn hóa của Mexico và đây là một trong những tài nguyên nhân sự lớn nhất của nước này. Đây là một căn tính đã học cách thành hình trong sự khác biệt, và là một gia sản phong phú cần đề cao giá trị, kích thích và chăm sóc.. Sự thỏa thuận giữa các lực lượng chính trị, xã hội, – hiện nay cũng như trong quá khứ – là điều cơ bản trong việc tìm kiếm công ích và thăng tiến nhân phẩm”.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã giã từ dinh chính phủ để đến Nhà thờ chính tòa Thăng Thiên, chỉ cách đó 800 mét để gặp gỡ các GM Mexico.

Rất đông tín hữu đã chào đón ĐTC trước tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như dọc theo những con đường ngài đi qua để tới tòa nhà chính phủ và nhất là tại Quảng trường Hiến Pháp, có tới 80 ngàn người hiện diện.

Ban chiều ngày 13-2, ĐTC đã đến kính viếng Đức Mẹ Guadalupe tại Vương cung thánh đường cách Tòa Sứ Thần 16 cây số và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Hàng trăm ngàn người tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

Tiếp đón Đức Thánh Cha tại Mexico

MEXICO. Hàng trăm ngàn người đã dành cho ĐTC Phanxicô một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt khi ngài đến đây chiều tối ngày 12-2-2016 để khởi sự cuộc viếng thăm cho đến hết ngày 17-2-2016.

Sau cuộc gặp gỡ và từ biệt Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, Chủ tịch Raoul Castro đã tiễn ĐTC đến chân thang máy bay.

Máy bay chở ngài cất cánh lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày 12-2 và trực chỉ phi trường thủ đô Mexico cách đó 1,780 cây số về hướng tây. Trên chuyến bay dài 2 tiếng rưỡi, ĐTC đầy vui mừng và phấn khởi vì cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga, nên ngài đến gặp 76 ký giả tháp tùng. Ngài nói:

”Chào anh chị em, tôi nghĩ là với bản tuyên ngôn chung, anh chị em sẽ làm việc suốt đêm và cả ngày mai nữa! Vì thế, chúng ta không làm cuộc phỏng vấn bây giờ, nhưng tôi muốn nói với anh chị những tâm tình của tôi:

-- Trước tiên là về cuộc tiếp đón và sự sẵn sàng của chủ tịch Castro. Lần trước thăm Cuba, tôi đã nói với ông về dự án cuộc gặp gỡ nhau và ông sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và chúng ta thấy ông đã chuẩn bị tất cả cho cuộc gặp gỡ. Cần cám ơn ông chủ tịch về điều này.

-- Thứ hai, với Đức Thượng Phụ Kirill. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện như giữa anh em với nhau. Những điểm rõ ràng, những bận tâm của hai bên, chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn. Tôi có cảm tưởng đang đứng trước một người anh em, và cả Đức Thượng Phụ cũng nói với tôi như vậy. Chúng tôi nói về tình hình hai Giáo Hội liên hệ, về thế chiến thứ 3 từng mảnh, nhưng có liên hệ tới mọi người. Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn cởi mở với nhau.

-- Thứ ba, chúng tôi đã đề ra chương trình hoạt động chung vì hiệp nhất được thực hiện qua sự đồng hành. Chúng tôi cũng nói về bản tuyên ngôn mà anh chị em đang cầm ở tay. Sẽ có rất nhiều giải thích. Nhưng nếu có nghi ngờ thì cha Lombardi có thể nói ý nghĩa đích thực. Đây không phải là tuyên ngôn chính trị, xã hội học, nhưng là tuyên ngôn mục vụ… Và bây giờ, 23 cây số đi trên xe mui trần đang chờ đợi tôi ở Mexico…

Đón tiếp

Máy bay chở ĐTC đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez của thủ đô Mexico lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Biển Đức 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mêhicô vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Enrique Pena (Penha) Nietro và phu nhân tiếp đón. 4 em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa và một bình đựng đất Mexico cho ngài.

3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn người, trong đó có một lễ đài dành cho các nhạc sĩ, nhạc công và vũ viên. Họ ca hát và trình diễn những điệu vụ chào mừng ĐTC.

Ngài tiến lại gần để chào thăm họ. Mộ đám trẻ em chạy tới ôm ngài. ĐTC cũng chúc lành và một em bé bị bệnh đang được cha em bế trên tay. Có nhóm nhạc sĩ tặng ĐTC chiếc mũ rộng vành của Mexico.

ĐTC lên xe díp có mái kiếng trong che trần để về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, và dọc đường 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ mang theo đèn pin để soi đường và chiếu sáng để chào mừng ĐTC. Đoàn xe không thể chạy nhanh được vì dân chúng quá đông đảo.

Tuy mệt vì cuộc dành trình dài gần 24 tiếng đồng hồ, nhưng chắc chắn ĐTC rất hài lòng vì ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm 6 ngày.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Mexico

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Mexico

Logo ĐTC viếng thăm Mexico

VATICAN. Trong một sứ điệp Video công bố 1 tuần trước cuộc viếng thăm sắp tới tại Mexico, ĐTC kêu gọi nhân dân nước này hãy dành thời giờ cầu nguyện một mình trước ảnh Đức Mẹ Guadalupe trong cuộc viếng thăm của ngài.

ĐTC nói: ”Tôi muốn xin anh chị em một điều này là trong thời gian viếng thăm của tôi, là lần thứ 3 tôi đặt chân lên đất Mexico, xin anh chị em hãy dành cho tôi vài phút trước ảnh Đức Mẹ. Đó là một ân huệ tôi xin. Anh chị em có thể làm điều đó cho tôi không?”.

Sứ điệp Video của ĐTC được hãng tin NotiMex của Mêhicô phổ biến hôm 3-2-2016. Trong sứ điệp ĐTC trả lời những câu hỏi của nhiều người Mexican liên quan đến cuộc viếng thăm ngài sẽ thực hiện tại nước này từ 12 đến 18-2 tới đây. ĐTC nói:

”Tôi sắp tới Mexico, không phải như một người khôn ngoan mang theo nhiều điều, sứ điệp, ý tưởng hoặc những giải pháp cho các vấn đề, nhưng tôi đến như một người hành hương, tìm kiếm một cái gì đó nơi nhân dân Mêhicô. Tôi không đi vòng vòng với cái rổ để lạc quyên, vì thế anh chị em đừng bận tâm về vấn đề này. Nhưng tôi sẽ tìm kiếm đức tin phong phú mà anh chị em đang có, tôi muốn tiếp xúc với đức tin phong phú ấy. Sự phong phú này đến từ sự kiện anh ch iem không phải là một dân tộc mồ côi, nhưng là một dân tộc với một bà mẹ hun đúc niềm hy vọng nơi họ.”

Có nhiều người xin ĐTC giúp đỡ để đương đầu với nạn bạo lực do tham nhũng, ma túy và nạn buôn người ở Mexico gây ra, ngài đáp: ”Mexico tham nhũng, Mêhicô buôn bán ma túy, Mexico của những băng đảng, đó không phải là Mexico mà Mẹ chúng ta mong muốn.” ĐTC cũng khẳng định rằng ”dân chúng phải chiến đấu cho hòa bình, nhưng không phải bằng chiến tranh. Tôi muốn là một dụng cụ hòa bình ở Mêhicô, nhưng cùng với tất cả anh chị em. Hiển nhiên là tôi không thể làm điều đó một mình.. Tôi sẽ là người điên nếu tôi nói tôi có thể làm một mình, nhưng cùng với tất cả anh chợ em, cuộc viếng thăm của tôi là một dụng cụ hòa bình”.

ĐTC cũng cho biết cuộc viếng thăm của ngài là để phục vụ niềm tin của dân chúng, với hy vọng niềm tin có thể triển nỡ trong đời sống riêng tư cũng như công cộng. Ngài nói:

'Đức tin của chúng ta không phải là một đức tin bảo tàng viện và Giáo Hội không phải là một viện bảo tàng. Đức tin của chúng ta là đức tin nảy sinh từ tiếp xúc, từ việc nói với Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu độ chúng ta”. (CNS 3-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y PAROLIN CẦU CHÚC CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ MEXICO THÀNH CÔNG TRONG VIỆC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC

ĐỨC HỒNG Y PAROLIN CẦU CHÚC CHÍNH QUYỀN VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ MEXICO THÀNH CÔNG TRONG VIỆC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC

THÀNH PHỐ MEXICO: Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cầu chúc chính quuền và các đảng phái chính trị thành công trong công cuộc cải tổ Hiến Pháp và các cơ cấu quốc gia, hầu đem lại nhiều thiện ích cho dân nước Mexico.

Đức Hồng Y đã đưa ra lời cầu chúc này trong buổi gặp gỡ giới truyền thông xã hội Mexico trong khuôn khổ chuyến viếng thăm và tham dự Hội nghị về di cư và lưu động do chính quyền Mexico tổ chức những ngày vừa qua. Các cuộc cải cách và đổi mới đã có thể tiến hành nhờ sự đồng thuận của các đảng phái chính trị và các lực lượng xã hội, và chắc chắn chúng sẽ đem lại nhiều thành qủa cho dân nước Mexico, đặc biệt là những người bị thiệt thòi nhất. Tinh thần đồng thuận này cho phép liều lĩnh đương đầu với những thách đố lớn như nạn di cư, nạn nghèo túng. Hai tệ nạn này làm nảy sinh ra nhiều vấn đề khác như cảnh gia đình phân tán, trẻ em di cư không có người lớn đi kèm. Thêm vào đó là nạn gian tham hối lộ và buôn người hay các bạo lực thường gắn liền với các tổ chức ma túy và tội phạm, hằng năm khiến cho bao nhiêu người bị giết. Để thắng vượt các khó khăn đó cần phải có sự liên đới giữa các chính quyền vùng miền, quốc tế và các chiến thuật chung và kiên trì thực hiện, nhất là trong việc thăng tiến phẩm giá và các quyền con người.

Trong thánh lễ đồng tế với các Giám Mục và linh mục cử hành tại đền thánh Đức Bà Guadalupe, có sự tham dự đông đảo của các tu sĩ và giáo dân nam nữ, Đức Hồng Y Parolin mời gọi mọi người noi gương Mẹ Maria thưa lên hai tiếng xin vâng, cộng tác vào việc thực hiện chương trình tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Khi chạy đến với Mẹ Guadalupe chúng ta hãy đặt để dưới chân Mẹ các lời cầu xin cho gia đình, cho con cái, cho các vấn đề kinh tế xã hội, nhưng nhất là hãy xin Mẹ giúp chúng ta trung thành với Chúa Kitô, là kho tàng lớn nhất Mẹ ban cho chúng ta. Với Chúa Kitô trong tim chúng ta có thể đương đầu với cuộc sống thường ngày với các vui buồn của nó, có can đảm và sức mạnh không đáp trả sự dữ bằng sự dữ và không bao giờ nói dối. Với Mẹ Maria chúng ta cũng học được rằng loan báo Tin Mừng có nghĩa là cao rao các việc kỳ diệu của Chúa, loan báo và khám phá ra các hoa trái của ơn cứu độ với con tim được canh tân.

Đức Hồng Y cũng phó thác cho Đức Mẹ Bổn Mạng dân nước Mexico chương trình mục vụ của Giáo Hội Mexico thăng tiến hiệp nhất và hòa giải, đối thoại và cộng tác với mọi thành phần xã hội, dùng các giá trị và nguồn gốc kitô cho việc xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn, một xã hội dựa trên nền văn minh gặp gỡ, triệt để tôn trọng sự sống con người và không mệt mỏi phát huy sự thông cảm giữa mọi người. Ngoài ra còn có dấn thân thăng tiến các quyền con ngừơi và điều kiện sống tốt đẹp hơn cho dân để họ không bị bó buộc bỏ nhà cửa đất đai để di cư kiếm tìm các điều kiện sống tốt hơn ở nơi khác (SD 15-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Các chứng nhân can đảm bảo vệ phẩm giá và quyền của người tỵ nạn tại Mexico

Từ nhiều thập niên qua Mexico là trạm dừng chân của dân nghèo các nước châu Mỹ Latinh tìm đường qua Hoa Kỳ. Số người này là cả một đạo binh ngày càng gia tăng, mà không ai biết chính xác là bao nhiêu, vì đã không bao giờ có các thống kê chính thức. Và người ta cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện làm thống kê. Rất thường khi những con người khốn khổ này không biết và không ý thức được các hiểm nguy luôn rình chờ họ trên con đường tìm thoát cảnh bần cùng đi tìm một chân trời sống tốt đẹp hơn.

Dọc con đường đi tìm cuộc sống mới này có các băng đảng tội phạm, buôn bán ma túy, buôn người, buôn cơ phận người, khai thác tình dục, buôn bán mại dân và khai thác lao động. Trên con đường đi tìm đất hứa Hoa Kỳ hàng ngàn người dân các nước Châu Mỹ La tinh, nam giới, phụ nữ, người trẻ và trẻ em đã trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm này. Chúng bắt cóc để đòi tiền chuộc, hay đòi các số tiển khổng lồ để đưa họ từ đất nước quê hương họ sang Hoa Kỳ. Hàng năm số tiền làm ăn được trên mạng sống và da thịt của những người di cư này lên tới 50 triệu mỹ kim. Mọi thành phần tham dự đều kiếm chác được ít nhiều từ đám di cư béo bở đó, kể cả các giới chức chính quyền Mêhicô đồng lõa với các tổ chức tội phạm. Và con số các nạn nhân bị chết hay mất tích lên tới hàng ngàn hay hàng chục ngàn, không ai biết rõ được, và cũng không thể cung cấp con số chính xác.

Tuy nhiên, bên cạnh các anh chị em khốn khổ này cũng có những người can đảm đương đầu với các đe dọa, kể cả cái chết, để bênh vực phẩm giá cũng như các quyền lợi của họ và trợ giúp họ. Cách thức thông thường nhất là các nhà trọ và trung tâm tiếp đón. Các anh chị em này cũng biết các nguy hiểm chờ đón mình, nhưng không có gì có thể ngăn cản họ trợ giúp tha nhân.

Ngày mùng 1-4-2014, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm người tị nan tại đảo Lampedusa, các Giám Mục Hoa Kỳ đã hành hương tới Nogales trong bang Arizona giáp giới với Mexico, để dâng thánh lễ tưởng niệm tất cả các nạn nhân di cư bị chết từ năm 1998 đến nay, và để nhấn mạnh sự cần thiết cải tổ hệ thống di cư tại Hoa Kỳ.

Nogales là vùng bị cắt làm hai bởi bức tường biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô. Một phần của vùng này nằm bên Arizona, phần kia nằm trong vùng Sonora của Mêhicô. Chính từ đây mỗi ngày có hàng chục người Mêhicô tìm cách lén lút sang Hoa Kỳ. Thánh lễ nhằm tưởng niệm hơn 6,000 người di cư Honduras, El Salvador, Guatemala và Mêhicô đã chết trong sa mạc vì muốn vượt biên qua Hoa Kỳ để trốn chạy cuộc sống nghèo khó và bạo lực trên quê hương họ. Các Giám Mục Hoa Kỳ đã mạnh mẽ tố cáo sự thờ ơ đối với tệ nạn này. Các vị khẳng định rằng không biết tới nỗi khổ đau và các người di cư bị chết là một sự xấu hổ cho cả nước.

Buổi lễ tưởng niệm này nhắm mục đích lôi kéo sự chú ý của mọi người đối với các hậu qủa nhân bản của một hệ thống di cư suy sụp như hệ thống hiện nay của Hoa Kỳ, cũng như nhấn mạnh sự kiện cần phải thông qua dự luật cải tổ về di cư của tổng thống Obama, cho phép hợp thức hóa khoảng 11 triệu người di cư bất hợp pháp hiện đang sống trên đất Hoa Kỳ. Luật này vẫn bị ngăn chặn bởi phe chống đối thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội, và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã hơn một lần bầy tỏ lập trường.

Làn sóng di cư vẫn tiếp tục, vì các anh chị em đến từ Châu Mỹ Latinh trốn chạy các tình trạng bạo lực tột độ, và đối với họ các bạo lực mà họ gặp phải tại Mêhicô cũng như các nguy hiểm tìm thấy trong việc vượt qua bức tường biên giới không là gì cả. Họ không có lý do nào để trở lại đàng sau. Trong rất nhiều trường hợp, bên cạnh tình trạng bạo lực là cảnh nghèo nàn tuyệt đối, nhất là đối với những người đến từ Honduras, là nước có một tình trạng kinh tế ngày càng tồi tệ đặc biệt sau vụ đảo chánh.

Tại Nogales cũng như tại nhiều nơi khác mỗi ngày người ta đều tìm thấy tử thi của các người di cư, và càng ngày càng có nhiều trẻ em vị thành niên. Con số các trẻ em vị thành niên di cư không có người lớn đi kèm cũng ngày càng gia tăng trong vùng biên giới. Con số này đang gia tăng tại miền bắc Mêhicô và các em đến từ các nước Trung Mỹ Latinh. Nghiêm trọng hơn nữa là sự kiện các em đến một mình không có các tay buôn người dẫn dắt. Các em đi từng nhóm ba bốn em và mới chỉ có 9-10 tuổi cho tới 16-17 tuổi. Và đương nhiên là trên đường đi các em tìm thấy các hiểm nguy y như các hiểm nguy của người lớn vậy, nghĩa là bị bắt cóc, bị tra tấn, đối với các bé gái thì có nguy cơ bị lọt vào trong mạng lưới khai thác tình dục. Thế rồi còn các có trẻ em bị bắt ở lại trong các trại được thành lập cho mục đích này, trong khi cha mẹ các em bị gửi trả về nước. Và thế là các em bị tách rời khỏi gia đình, và gia đình các em không biết các em ở đâu và những gì xảy ra cho các em.

Bà Valentina Valfrè, thuộc tổ chức phi chính quyền ”Soleterre”, là tổ chức đi tiên phong trong việc bênh vực các quyền của người di cư bên Mêhicô cho biết, hằng năm có 400,000 người thuộc nhiều nước châu Mỹ Latinh vượt biên giới Mêhicô để sang Hoa Kỳ. Thêm vào đó là hàng chục ngàn người Mêhicô đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn bên Mỹ. Có nhiều yếu tố khiến cho các chuyên viên lo ngại cho an ninh của họ: trước hết là hoạt động của các tổ chức tội phạm. Càng ngày chúng càng bắt cóc người di cư một cách chớp nhoáng, trong một ngày hoặc nhiều ngày, có khi là từ 50 tới 70 người.

Trong các lần bị bắt cóc như thế, họ phải chịu mọi vi phạm: các phụ nữ bị hãm hiếp, nam giới bị tra tấn và chúng tìm cách làm tiền, bằng cách bắt buộc họ gọi điện thoại cho thân nhân gửi tiền chuộc để được trả tự do. Điều tệ hại nhất là có sự đồng lõa của chính quyền địa phương, bắt đầu từ chính những nhân viên của văn phòng di cư, cho tới các cảnh sát và các binh sĩ có trách nhiệm trong các vụ bắt cóc, vì họ đồng ý và ăn chia với các tổ chức tội phạm. Các nhân viên này báo cho các nhóm tội phạm biết sự hiện diện của người di cư để chúng có thể bắt cóc họ.

Trong số những người liều mình bênh vực và trợ giúp người di cư có tu huynh Tomàs Gonzàles Castillo, dòng Phanxicô. Thầy hoạt động trong vùng Tenosique gần biến giới Guatemala và được gọi là ”Thầy Bão tố”. Đây là một trong những vùng nguy hiểm nhất và là trạm dừng chân đầu tiên tại Mêhicô đối với các anh chị em thuộc các nước nam và trung châu Mỹ Latinh hướng tới Hoa Kỳ. Đây là một lộ trình do tổ chức ”Zetas” kiểm soát. Từ nhiều năm nay thầy Tomàs đã mạnh mẽ tố cáo các vụ bắt cóc, tống tiền, buôn người và đã bị dọa giết nhiếu lần, nhưng thầy vẫn tiếp tục trợ giúp các anh chị em di cư.

Thầy cho biết con số người di cư không giảm bớt, trái lại còn gia tăng trong toàn vùng. Hiện nay có nhiều người tới từ các nước vùng Trung châu Mỹ Latinh như Honduras và El Salvador. Họ xin tỵ nạn bên Mexico, vì tình hình bạo lực rất mạnh trên quê hương của họ. Có các trẻ em trai gái và người trẻ ra đi một mình, và con số trẻ vị thành niên gia tăng rất nhiều. Có cả các phụ nữ nữa. Và đương nhiên họ là các nạn nhân dễ bị thương tích nhất của bạo lực tại Mêhicô. Một phu nữ có thể bị hãm hiếp nhiều lần trong suốt lộ trình di cư. Nếu là trẻ em vị thành niên nhất là bé gái, thì có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị bắt làm việc, hay trở thành nô lệ tình dục hay bị khai thác cho bất cứ công việc nào khác.

Nữ tu Leticia Gutierrez, dòng Scalabrini, cũng đã trở thành điểm tham chiếu cho các người di cư và là người bênh vực các quyền của họ. Chị đã dấn thân xây được 66 nơi trú ẩn mới cho họ. Mỗi cố gắng của chị đều nhằm tạo ra và củng cố một mạng lưới của những người bênh vực các quyền con người, của người di cư bên Mêhicô. Theo chị có giải pháp cho vấn đề này. Trước hết các chính quyền phải đương đầu với vấn đề của người di cư trong cách thế khác nhau. Nếu có một sự di chuyển hàng hóa tự do trong thương mại, thì cũng có một sự di chuyển tự do đối với con người. Điều này có thể được vì các người di cư phải bỏ quê hương do nghèo đói, bần cùng và ít cơ may phát triển đối với tương lai. Các chính quyền phải lo lắng cho vấn đề di cư một cách khác nhau. Không thể tiếp tục giết người di cư được và mang trên vai gánh nặng lương tâm liên quan tới cái chết của họ ngày càng nhiều hơn. Mỗi ngày đều có người chết vì chính sách hạn chế nhận người di cư.

Hiện nay có sự đàn áp trong các đường lối chính trị liên quan tới di cư trên bình diện toàn cầu. Chúng ta trông thấy điều này bên Âu châu, tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn có hai điều kiện của việc cải tổ di cư bên Hoa Kỳ: thứ nhất là nới rộng bừc tường an ninh do chính phủ Hoa Kỳ xây dọc biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ; thứ hai gia tăng hàng ngàn cảnh sát biên phòng. Nhưng đây là một sự thụt lùi. Cần có một giải pháp toàn diện rõ ràng. Chị Leticia cho biết đã bị các tổ chức tội phạm đe dọa giết nhiều lần, giống như thầy Tomàs. Những người bảo vệ quyền của các anh chị em di cư không phải là các anh hùng hay siêu nhân, mà chỉ là người bình thường thực tế đã quyết định hiến dâng đời mình cho việc bênh vực những nạn nhân yếu đuối cần được trợ giúp, vì trông thấy nơi họ Chúa Giêsu đau khổ và để không phản bội nhân loại. Do đó họ tiến tới và muốn hiến mạng sống cho các anh chị em di cư. Chị nói: dĩ nhiên đó là việc khó khăn và chúng tôi cũng sợ hãi, vì là người. Có mệt nhọc, khóc than, nước mắt và máu, nhưng chúng tôi phải tiến tới vì Chúa Kitô và vì tình bác ái. Chúng tôi tiến tới vì muốn sự công bằng. Chúng tôi muốn truy nã những kẻ đang gây ra thiệt hại trong chính quyền và những kẻ cho phép các bất công và khổ đau này xảy ra.

Khi nhìn thấy người khác bị ám sát chúng tôi không để bạn khoanh tay làm ngơ. Tất cả nhừng người dấn thân bênh vực và che chở các người di cư hành động vì đức tin và tình huynh đệ. Chúng tôi không thể để cho các anh chị em di cư bị giết và để cho mình bị bịt miệng. Chúng tôi không thể tiếp tục chịu đựng họ giết nhân loại nơi các anh chị em di cư này.

(RG 23-3-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ơn cứu độ phổ quát

Ơn cứu độ phổ quát

Đức Thánh Cha Phaolô II đã có lần mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi toàn thể Giáo Hội tại Mỹ Châu, hãy tìm giải pháp cho những vấn đề trầm trọng đang tác hại tại lục địa này. Chúng ta hãy cùng lắng nghe một đoạn trong bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ cử hành tại Guadalupe, Mexico:

Giáo Hội đã có Tin Mừng sự sống và sự can đảm của tiên tri, Giáo Hội lại có các nền văn hoá của chết chóc. Ước gì đại học của hy vọng này cũng là đại học của sự sống, đấy là tiếng báo động lớn của chúng ta, hãy kiến tạo một cuộc sống mới xứng đáng cho tất cả mọi người, cho các thai nhi đã được cưu mang trong lòng mẹ, cho những trẻ em bụi đời sống ngoài đường phố, cho những người dân bản xứ, cho những người dân Phi Châu, cho những người di dân vì tị nạn, cho những người trẻ chiếm nhiều cơ hội để thăng tiến đời mình, cho những người già cả, cho tất cả những ai đang nếm trải sự nghèo khổ hay bị loại ra bên lề xã hội.

Đã đến lúc chúng ta phải nhất quyết loại trừ ra khỏi đại học Mỹ Châu này bất cứ sự tấn công nào chống lại sự sống. Xin đừng bao giờ có bạo lực, đừng bao giờ có khủng bố và buôn bán ma túy, đừng bao giờ có nạn tra tấn, hay những hình thức lạm dụng khác, cần phải chấm dứt việc kết án tử hình, đừng bao giờ có nạn khai thác bóc lột những kẻ yếu thế, đừng bao giờ có nạn kỳ thị chủng tộc, đừng bao giờ có những khu ổ chuột cùng khổ, đừng bao giờ có những tệ nạn như vậy. Đó là những tệ nạn không thể dung chấp được, những tệ nạn này kêu thấu đến tận Trời cao và mời gọi các tín hữu Kitô hãy có một nếp sống khác, hãy dấn thân vào trong xã hội, mục kích phù hợp hơn với đức tin của mình”.

Những lời trên đây của vị chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ là một tiếng vang của chính Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã mang đến cho nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm. Hiện nay tại các nhà thờ Anh Giáo bên Anh Quốc, người ta đang thấy trưng bày những tấm bích chương có vẽ hình Chúa Giêsu giống hệt dung mạo của nhà cách mạng nổi tiếng Thêghê Bara, ông là một bác sĩ, đã từng là bạn của chủ tịch Fidel Castro, người Cuba. Ông muốn quảng bá lý tưởng cách mạng bạo động cho toàn thể Châu Mỹ Latinh, thế nhưng ông đã ngã gục vào giữa thập niên sáu mươi.

Chúa Giêsu quả thật là một nhà cách mạng nhưng Ngài không hề có chủ trương dùng bạo động để thực hiện cách mạng. Hơn nữa, cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã thực hiện càng không có tính cách chính trị, kinh tế hay xã hội. Cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu thực hiện qua chính cuộc sống của Ngài và được Giáo Hội tiếp tục giảng dạy và thể hiện thiết yếu là cuộc cách mạng bản thân. Tính cách mạng ấy được Chúa Giêsu thốt lên khi bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Ngài: “Hãy hối cải vì Nước Trời đã đến gần”.

Trong chương trình cách mạng ấy của Chúa Giêsu, chúng ta bắt gặp lẽ khôn ngoan nghìn đời của các nhà hiền triết Đông Tây: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Có tu thân nghĩa là cố sống cho ra người thì người ta mới có thể lãnh đạo gia đình, cai trị đất nước và mang lại thái bình cho thế giới.

Khi nghe lời kêu gọi hòa bình của Giáo Hội, nhà độc tài Stalin đã thách thức, thử hỏi xem Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Có thể Stalin đã quên lời nhận xét của người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản là Lênin như sau: “Chỉ cần mười người như thánh Phanxicô nghèo, thì cũng đủ để cải tạo xã hội Nga”.

Quả thật ở bất cứ thời đại nào, thế giới cần nhiều vị thánh hơn là những con người tài ba. Khoa học và kỹ thuật đang tiến bộ với tốc độ nhanh chóng khiến chúng ta phải chóng mặt, các tiện nghi ngày càng tối tân, con số các nhà tỷ phú trên thế giới ngày càng gia tăng, của cải do con người tạo ra ngày càng ứ đọng, vậy mà tình hình thế giới được các phương tiện truyền thông đưa lên vẫn là một bức tranh xám xịt. Chiến tranh, chết chóc và nhất là đói khổ vẫn còn bao phủ phần lớn địa cầu của chúng ta. Bên này bán cầu thừa mứa của cải vật chất, thì bên kia bán cầu còn tới không biết bao nhiêu người đang lâm cảnh chết đói. Trong một quốc gia, một thiểu số nhỏ kẻ nắm giữ trong tay phần lớn của cải, còn số đông phải quằn quại trong khốn khổ. Nguyên nhân của sự chênh lệch ấy giải pháp cho vấn đề nằm ngay trong chính lòng con người, bao lâu vẫn còn có những người chiếm giữ quyền hành trong tay và chối bỏ những quyền cơ bản nhất của người khác thì bấy lâu vẫn còn có một số người phải quằn quại đói khổ. Bao lâu con người chưa hối cải và sống cho ra người thì bấy lâu thế giới vẫn không bao giờ có được hòa bình thật sự.

Hãy hối cải, hãy sống cho ra người, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện mệnh lệnh này của Chúa Giêsu trong môi trường sống của chúng ta hằng ngày, thì không những chúng ta đóng góp vào cuộc cải tạo xã hội mà còn chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng, Nước Trời thực sự đang đến.

Đó là niềm xác tín, đó là niềm tin của chúng ta, giờ đây chúng ta hãy cùng nhau nài xin Chúa ban cho chúng ta niềm tin này.

Veritas Radio