Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình lương thực thế giới

Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình lương thực thế giới

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Chương trình lương thực thế giới

ROMA. Trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-6-2016 tại trụ sở tổ chức Chương trình Lương thực thế giới, ĐTC kêu gọi bài trừ quan niệm coi nạn đói là chuyện ”thường tình, tự nhiên”.

Chương trình Lương thực thế giới (PAM, Wfp) là cơ quan từ thiện lớn nhất của LHQ dấn thân chống nạn đói trên thế giới. Cơ quan này được thành lập năm 1962 và hiện có 11 ngàn nhân viên hoạt động, phần lớn tại những vùng có nạn đói hoặc nạn suy dinh dưỡng. Trong năm 2014, Chương trình PAM đã trợ giúp lương thưc cho 80 triệu người tại 82 quốc gia trên thế giới.

Khi đến trụ sở lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã được Bà Ertharin Cousin, giám đốc điều hành, Đức Ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại cơ quan này, và bà Stephanie Hochstetter Skinner-Klée tiếp đón tại khuôn viên, và hướng dẫn vào bên trong. Hai em bé đã trao hai giỏ hoa cho ĐTC rồi đặt trước bức tường tưởng niệm có ghi tên hàng trăm nhân viên của Chương trình lương thưc thế giới đã tự nạn trong khi thi hành sứ mạng. ĐTC đã đến gần bức tường này và mặc niệm trong thinh lặng.

Sau khi chào thăm các quan chức cấp cao khác của tổ chức PAM, Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với 3 vị lãnh đạo củq tổ chức này, rồi chào thăm các vị quốc trưởng cũng như các bộ trưởng đến tham dự phiên họp khai mạc của Hội đồng chấp hành tổ chức PAM.

Khi ĐTC tiến vào thính đường, mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay chào mừng. Rồi hai bà chủ tịch và giám đốc điều hành tổ chức PAM đã lần lượt chào ĐTC.

 

Diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha nhân dịp này, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người đừng coi lầm than là chuyện bình thường, để rồi không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác; ngoài ra cần giải trừ sự ”bàn giấy hóa nạn đói”, cụ thể là nạn buôn bán võ khí, chiến tranh và xung đột võ trang cản trở các nỗ lực bài trừ nạn đói. ĐTC nói:

 ”Trong thế giới được liên kết với nhau và siêu thông tin như chúng ta đang sống, những khoảng cách địa lý dường như được thu ngắn lại. Chúng ta có thể có những tiếp xúc hoặc chứng kiến hầu như đồng thời với những gì đang xảy ra ở nơi khác trên trái đất.. Nhưng có một điều nghịch lý là dường như sự gần gũi do thông tin tạo nên như thế ngày càng bị thu hẹp lại. Thông tin thái quá mà chúng ta có được dần dần tạo nên sự bình thường hóa lầm than. Nghĩa là dần dần chúng ta không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác và coi chúng như những điều ”tự nhiên”, bình thường. Vì thế bao nhiêu hình ảnh được truyền tới chúng ta và chúng ta nhìn thấy đau khổ, nhưng chúng chẳng đánh động chúng ta nữa, chúng ta nghe thấy tiếng khóc, nhưng chúng ta không an ủi, chúng ta thấy đói khát, nhưng chúng ta không đáp ứng nó…

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Cần chấm dứt tình trạng coi lầm thay như điều bình thường, tự nhiên, và ngưng coi nó như một sự kiện của thực tại như bao nhiêu điều khác, bởi vì lầm than có một khuôn mặt. Nó có khuôn mặt của một trẻ thơ, một gia đình, người trẻ và người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ may và công ăn việc làm của bao nhiêu người, khuôn mặt của những vụ cưỡng bách di cư, những căn nhà bị bỏ rơi hoặc bị phá hủy. Chúng ta không thể coi nạn đói của bao nhiêu người là điều tự nhiên, không được nói rằng tình trạng của họ là kết quả của một định mệnh mù quáng, mà chúng ta không thể làm gì được. Khi lầm than không còn có một khuôn mặt nữa, thì chúng ta có thể rơi vào cám dỗ bắt đầu nói và thảo luận về nạn đói, về sự dinh dưỡng, bạo lực, và bỏ quan một bên chủ thể cụ thể, thự tế, đang gõ cửa nhà chúng ta..

Cũng trong chiều hướng ấy, ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở Lương nông quốc tế, FAO, ngày 20-11-2014, trong dịp đó ngài khẳng định rằng thế giới có đủ lương thực cho mọi người, tất cả mọi người, ”nhưng không phải tất cả đều có thể được ăn, trong khi nạn phí phạm, loại bỏ, tiêu thụ lương thực thái quá hay dùng lương thực vào những mục tiêu khác đang xảy ra trước mặt chúng ta”. Ngài áp dụng vào cuộc viếng thăm này và khẳng định rằng:

 

 ”Chúng ta hãy ý thức rõ: sự thiếu lương thực không phải là một cái gì tự nhiên, không phải là một sự kiện hiển nhiên. Ngày nay, giữa thế kỷ 21, nhiều người vẫn còn đau khổ vì thiếu lương thực, và tai ương ấy là do sự phân phối các tài nguyên một cách ích kỷ và sai trái, biến thực phẩm thành hàng hóa. Đất đai bị ngược đãi và bóc lột tại nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục mang mang lại chúng ta hoa mầu, tiếp tục cung cấp cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất; những khuôn mặt của những người đói nhắc nhớ cho chúng ta rằng chúng ta đã đảo lộn những mục tiêu của trái đất. Một món quà, có mục đích mưu ích cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta lại biến nó thành một đặc ân của một ít người.

”Trào lưu duy tiêu thụ tràn lan trong các xã hội chúng ta, làm cho chúng ta quen với sự thừa thãi và hằng ngày phung phí lương thực, lương thực mà nhiều khi chúng ta không có khả năng mang lại cho nó giá trị đúng đắn, vượt lên trên những tiêu chuẩn kinh tế.. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng phí phạm lương thực là điều giống như ăn trộm từ bàn ăn của người nghèo, của người đói. Điều này đòi chúng ta phải suy tư về vấn đề thất thoát và phí phạm lương thực, để tìm ra những phương thế nghiêm túc đối phó với vấn đề, để thực thi tình liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu nhất”.

Chống ”bàn giấy hóa” nạn đói

Tiếp tục diễn văn, ĐTC đề cập đến vấn đề bàn giấy hóa. Ngài nói: ”Có những hành động như thể bị kẹt, bị chặn đứng. Tình trạng bấp bênh của thế giới như chúng ta đang sống là điều mọi người đều biết. Trong thời gian gần đây chiến tranh và những hiểm họa xung đột trở thành những quan tâm chính của chúng ta và được thảo luận nhiều. Vì thế, đứng trước bao cuộc xung đột hiện nay, dường như võ khí đã đạt tới mức độ ưu tiên khác thường, đến độ chúng loại bỏ những cách thức khác để giải quyết các tranh chấp. Tình trạng ấy ăn rễ sâu và được người ta chấp nhận đến độ nó cản trở việc phân phối lương thực tại những vùng chiến tranh, thậm chí đi tới sự vi phạm những nguyên tắc và qui luật cơ bản nhất của công pháp quốc tế hiện hành từ nhiều thế kỷ.

”Do đó chúng ta đứng trước một hiện tượng lạ thường và mâu thuẫn: trong khi những viện trợ và kế hoạch phát triển bị cản trở vì những quyết định chính trị phức tạp và khó hiểu, hoặc vì những quan điểm ý thức hệ thiên lệch hoặc vì những hàng rào quan thuế không thể vượt qua được, thì võ khí lại không hề bị cản trở; nó xuất phát từ đâu, đó chẳng phải là điều quan trọng, võ khí tự do lưu hành, hầu như một cách tuyệt đối trong nhiều vùng trên thế giới. Do đó chính chiến tranh được nuôi dưỡng, chứ không phải con người. Trong một số trường hợp, chính nạn đói được sử dụng như một võ khí chiến tranh. Và các nạn nhân gia tăng, vì số người chết đói và kiệt lực thêm vào số những chiến binh bị chết trên chiến trường và nhiều thường dân bị giết trong các cuộc xung đột và khủng bố. Chúng ta ý thức rõ điều đó, nhưng chúng ta để cho lương tâm mình bị tê liệt, và chúng ta không còn để lương tâm mình được nhạy cảm nữa. Qua đó, võ lực trở thanh phương thế hành động duy nhất của chúng ta, và mục tiêu cần ưu tiên đạt tới là quyền lực. Dân chúng yếu đuối nhất không những đau khổ vì chiến tranh, nhưng đồng thời họ thấy mọi sự viện trợ bị cản trở. Vì thế, điều cấp thiết là phải giải trừ thứ bệnh bàn giấy cản trở các kế hoạch viện trợ nhân đạo, không cho các kế hoạch này đạt tới mục đích. Trong lãnh vực này, chúng ta có một vai trò cơ bản, vì chúng ta cần những vị anh hùng thực sự, có khả năng mở ra những con đường, kiến tạo những nhịp cầu, tạo điều kiện dễ dàng cho những hoạt động đặt nặng tầm quan trọng khuôn mặt của người đau khổ. Những sáng kiến của cộng đồng quốc tế cũng phải hướng về mục tiêu ấy.

Trong phần kết của bài diễn văn, ĐTC nói đến sự sẵn sàng đóng góp của Giáo Hội Công Giáo vào những sáng kiến nhắm cứu vãn phẩm giá con người, nhất là những người bị chà đạp các quyền của mình. ”Tôi cam đoan với quí vị sự hỗ trợ hoàn toàn và sự nâng đỡ trọn vẹn của chúng tôi để tạo điều kiện dễ dàng cho mọi cố gắng đã bắt đầu”.

Sau bài diễn văn, ĐTC bước ra khỏi hội trường để chào thăm một nhân viên của Chương trình lương thực thế giới bị thương trong khi thi hành sứ mạng, rồi ngài tiến ra ngoài khuôn viên của tổ chức PAM để chào thăm tất cả các nhân viên và gia đình những người đang phục vụ tại trụ sở này.

G. Trần Đức Anh OP

 

Các Giám mục Hoa kỳ lên án hành động thảm sát tại Orlando

Các Giám mục Hoa kỳ lên án hành động thảm sát tại Orlando

Tưởng nhớ nạn nhân vụ thảm sát Orlando

Vatican Radio – Các Giám mục Hoa kỳ lên án  hành động thảm sát tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida, miền Nam nước Mỹ, giết hại ít nhất 50 người và làm bị thương 53 người khác.
Trong Thánh lễ sáng Chúa nhât ngày 12/6 vừa qua, Đức cha John Noonan của Orlando đã đưa ra thông cáo, trong đó ngài nói: “Một lưỡi gươm đã đâm vào con tim của thành phố chúng ta”. Ngài cầu nguyện xin lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên mọi người trong thời điểm khó khăn này. Ngài cũng kêu gọi mọi người chạy đến với Chúa Giê-su, thầy thuốc vĩ đại, Đấng an ủi và đưa chúng ta qua những đau khổ bằng sự thương xót và hiền dịu của Ngài. Chúa Giê-su chữa lành không chỉ vết thương trên thân xác nhưng mọi cấp độ của nhân tính: thể lý, tình cảm, xã hội, và tinh thần. Ngài kêu gọi chúng ta kiên trì trong việc bảo vệ sự sống và quyền con người và không ngừng cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Các Linh mục, phó tế và các người cố vấn của giáo phận và các tổ chức bác ái Công giáo đang phục vụ ở trung tâm trợ giúp. Họ giúp các bịnh nhân và gia đình của họ. Họ đem tình yêu và lòng thương xót của thiên Chúa cho những ai đang đối diện với nỗi đau không thể tưởng tượng. Các giáo xứ và các tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân của bạo lực kinh hoàng và tất cả những ai bị tổn thương từ hành động chống lại tình yêu của Thien Chúa. Đức cha Noonan cũng loan báo buổi canh thức lau khô nước mắt vào 7 giờ chiều thứ 2, 13/6 ở nhà thờ chánh tòa thánh Gia-cô-bê.
Đức Tổng giám mục Joseph Kurtz  chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói: “Thức giấc với tin tức về bạo lực không thể diễn tả được ở Orlando nhắc nhở chúng ta rằng sự sống của chúng ta thì quý giá biết bao”. Đức Tổng giám mục cũng dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và kêu gọi sự liên đới với những đau khổ và giải pháp tốt hơn để bảo vệ sự sống và phẩm giá của mỗi người.
Đức tổng Giám mục Blase J. Cupich của Chicago cũng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình. Ngài cám ơn những người không sợ nguy hiểm đến bản thân đã cứu giúp các nạn nhân một cách anh hùng, nhắc nhở sự dũng cảm và cảm thông ngay cả khi đối mặt những nguy hiểm và tàn ác. Đối lại với sự tàn ác, chúng ta được gọi gieo trồng yêu thương; đáp lại bạo lực chúng ta gieo trồng hòa bình và với bất bao dung chúng ta mang lại bao dung tha thứ. Tổng giáo phận Chicago bên cạnh các nạn nhân và gia đình và khẳng định lại dấn thân, với Đức Thánh Cha Phanxicô, nguyên nhân của những thảm kịch như thế là việc dễ dàng có các vũ khí. Chúng ta không còn có thể đứng im và không làm gì. (RV)

Hồng Thủy OP

Đức Cha Mar Jacob Muricken hiến thận cho một tín hữu Ấn giáo nghèo khổ

Đức Cha Mar Jacob Muricken hiến thận cho một tín hữu Ấn giáo nghèo khổ

Bishop Mar Jacob Muricken

Nhiều tấm gương về lòng thương xót được nhắc đến cách đặc biệt trong Năm Thánh này, trong đó có tấm gương của Đức cha Mar Jacob Muricken, 52 tuổi, người Ấn độ, Giám mục phụ tá của Giáo phận Palai thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương Syro-Malabar. Đức cha đã chọn cách cử hành Năm Thánh Lòng thương xót đến môt mức độ tuyệt vời mà ít có người có thể nghĩ đến, đó là hiến tặng một quả thận của mình cho một tín hữu Ấn giáo nghèo khổ.

Anh Sooraj Sudhakaran, 30 tuổi, là một tín hữu Ấn giáo bị suy thận nặng từ 2 năm qua. Anh là người lao động chính trong gia đình và phải làm việc để nuôi mẹ và vợ của mình. Cha của Sooraj qua đời vị bị rắn cắn, còn anh của Sooraj  thì chết vì bị nhồi máu cơ tim. Người Ấn độ ở tầng lớp cùng đinh này vừa bị bịnh nặng lại vừa bị thất nghiệp, do đó anh đã phải bán cả nhà cửa của mình để có tiền chi trả cho chi phí lọc thận. Anh Sooraj đã gõ cửa Hiệp hội tặng thận của Ấn độ, một cơ quan xã hội giúp tìm những người hiến tặng thận để cấy ghép cho các bịnh nhân, để xin được giúp đỡ. Hiệp hội này đã sắp xếp cho 15 Linh mục và 6 nữ tu hiến tặng thận cho những người không có liên hệ với mình, cho các bịnh nhân đang cần được thay thận. Tại đây, anh Sooraj đã nhận được tin vui. Đức cha Muricken của giáo phận Palai sẽ hiến tặng một quả thận của ngài cho anh.

Quyết định hiến thận của Đức cha xuất phát từ một sự kiện vào năm ngoái, khi cha Davis Chiramel, chủ tịch Hiệp hội tặng thận của Ấn độ đã được giáo phận Palia mời đến thuyết trình trong một hội nghị đặc sủng và Đức cha Muricken cũng tham dự hội nghị này. Cha Chiramel đã kể lại việc cha đã hiến tặng thận cho C. G. Gopinathan, một tín hữu Ấn giáo mà cha không quen biết vào năm 2009. Đức cha Muricken đã được đánh động bởi tấm gương quảng đại của cha Chiramel. Sau đó, Đức cha đã điện thoại cho cha Chiramel và bày tỏ ước muốn hiến tặng thận của mình. Đức cha đã ghi tên mình vào danh sách tình nguyện hiến tặng của Hiệp hội hiến tặng thận của Ấn độ.

Qua cha Chiramel, Đức cha Muricken biết được tình trạng khốn khổ của anh Sooraj và quyết định giúp anh, đặc biệt là trong Năm Thánh Lòng Thương xót này. Đức cha tặng cho anh quả thận của ngài và ngài cũng đã chi trả các chi phí xét nghiệm và phụ trợ cho việc điều trị. Tiến trình phẫu thuât cấy ghép đã bắt đầu từ hôm 1 tháng 6 vừa qua tại bịnh viện tư ở Kochi thuộc bang Kerala, Ấn độ.

Việc hiến tặng thận của Đức cha đã được nhiều người thuộc các tín ngưỡng khác nhau nhìn nhận và cảm phục. Cha Anithottathil Gervasis, bí thư của Giáo phận Palai nhận xét việc làm của Đức cha Muricken là một hành động quên mình trong tinh thần của Năm Thánh Lòng thương xót. Sự quảng đại của Đức cha đã dạy chúng ta cách thực tiễn một mẫu gương luân lý trong việc đi ra khỏi bản thân mình để cứu sự sống”. Cha cũng cho biết, Đức cha Muricken là một trong những Giám mục đơn sơ nhất. Hành động vủa ngài không phải là một trò quảng cáo câu like. Hiện tại Đức cha hạnh phúc và chỉ xin mọi người cầu nguyện để ngài có thể tiếp tục làm việc và làm chứng cho Chúa Ki-tô với đồng bào mình.

Còn cha Chiramel, người đã sắp đặt cho việc tặng thận của Đức cha đã chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên một Giám mục hiến tặng thận cho một tín hữu Ấn giáo. Thật là ý nghĩa khi Đức cha thực hiện điều này trong Năm Thánh Lòng Thương xót, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô là yêu thương mọi người không phân biệt giai cấp hay tín ngưỡng”. Cha Chiramel rõ ràng rất vui với quyết định và món quà chưa từng có của Đức cha Muricken. Cha nói: “anh Sooraj đã nhận sự sống từ Đức cha Muricken, người đang xây một cây cầu của tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa”.

Một thương gia trong vùng thì nhận xét việc hiến thận khi đang còn sống của Đức cha đòi phải có một sự can đảm mạnh mẽ và nó đáng giá hơn nhiều lần việc quyên tặng tiền bạc hay của cải cho các tổ chức. Qua hành động của mình, Đức cha đã nêu tấm gương, đặc biệt cho các giới lãnh đạo, biết đặt tình yêu trong hành động của họ hơn là chỉ có những lời nói xuông.

Về phần mình, chia sẻ với hãng tin Công giáo Hoa kỳ, Đức cha Muricken cho biết mình không hề lo lắng về cuộc phẫu thuật cắt thận và ngài nghĩ là việc làm của mình chỉ là một hy sinh nhỏ cho một người anh em. Ngài nói: “nếu tôi có thể cứu sống anh ta thì cả gia đình anh sẽ được cứu”. Đức cha cũng chia sẻ là ngài đã nhận được nhiều sự khích lệ của các Giám mục. Đức Cha nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô lập đi lập lại, kêu gọi hãy làm cho Chúa Giêsu trở nên hữu hình qua các hành động thương xót.” Đức cha không quan tâm đến việc người được ngài tặng thận không phải đồng đạo với mình. Ngài hy vọng việc làm của mình là một thông điệp mạnh mẽ cho mọi người xung quanh để họ cũng sẵn sàng hiến tặng các cơ phận. Đức cha xin cầu nguyện cho ngài. (CNA 1/6/2016)

Hồng Thủy OP

Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật

Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Nhật, 12.06.2016

VATICAN. Lúc 10h30 sáng Chúa Nhật, ngày 12.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng Trường Thánh Phê-rô nhân Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật cả về thể xác lẫn tâm trí.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đặc biệt, tham dự thánh lễ, có hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ.

Trong lúc bài Tin Mừng được công bố, có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí có thể hiểu được.

 Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:19). Trong những lời này, Thánh Tông Đồ Phao-lô đã diễn tả cách mạnh mẽ mầu nhiệm đời sống Kitô giáo, mầu nhiệm đó có thể được gom tóm trong sự năng động phục sinh về cái chết và sự sống lại được nhận lãnh ngang qua Bí Tích Thanh Tẩy. Thật vậy, khi được dìm trong nước, mỗi người chúng ta đã chết và được mai táng cùng với Đức Kitô (Rm 6:3-4), và khi trồi lên khỏi mặt nước, một sự sống mới được chiếu tỏa rạng ngời trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này ôm ấp lấy tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta: kể cả bệnh tật, khổ đau và cái chết cũng được tìm thấy nơi Đức Kitô và chính ở nơi Ngài mà chúng ta đọc được ý nghĩa tối hậu cho những bệnh tật, khổ đau và chết chóc ấy. Ngày hôm nay, Ngày Năm Thánh dành cho bệnh nhân và những người mang những khuyết tật, Lời Chúa về sự tái sinh này lại có một âm vang đặc biệt cho mỗi người chúng ta.

Dù sớm hay muộn, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đối mặt – vào những thời điểm rất đau đớn – với sự yếu đuối mong manh và bệnh tật của chính chúng ta cũng như của người khác. Có bao nhiêu gương mặt khác nhau của nhân loại đã phải đón lấy kinh nhiệm này cách hết sức đặc trưng và đầy cảm xúc. Tất cả những điều ấy làm dấy lên câu hỏi bức thiết về ý nghĩa của đời sống con người. Chúng ta dường như dễ yếu lòng để chọn một giải pháp yếm thế, như thể cách giải quyết duy nhất chỉ đơn giản là kiên nhẫn chịu đựng những kinh nghiệm đau thương và cậy dựa vào sức của riêng bản thân. Hay có lẽ, chúng ta đã đặt tất cả sự tin tưởng vào khoa học, nghĩ rằng chắc chắn ở một nơi nào đó trên thế giới có một phương thuốc có khả năng chữa lành bệnh tật. Nhưng buồn thay, sự thật không phải như thế, thậm chí thần dược có tồn tại đi nữa, cũng chỉ đến được với một số người.

Bản chất con người, đã bị thương tổn vì tội lỗi, được ghi dấu bởi những giới hạn. Chúng ta đã thấy những chối bỏ, xuất hiện cách đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay, đối với sự sống có những giới hạn thể lý nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc, vì họ không thể sống một đời sống được định hình bởi một nền văn hóa vui chơi và giải trí. Trong một thời đại khi sự chăm sóc cho thân xác của con người trở thành nỗi ám ảnh và gây ra nhiều tốn kém, bất cứ ai không hoàn hảo đều phải được che dấu đi, vì người ấy đe dọa đến hạnh phúc và sự thanh bình của một số người có đặc quyền và là sự nguy hiểm đối với những người lãnh đạo. Những người khuyết tật phải bị tránh xa, phải bị ‘cách ly’ trong những tòa nhà ‘tô vôi hào nhoáng’, hay trong những ‘ốc đảo’ của lòng mộ đạo hay của công ích xã hội, để người ta không phải giữ lại không gian cho một hữu thể sai lầm. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí được nói rằng tốt hơn hết là hãy loại trừ những người khuyết tật đi càng sớm càng tốt, vì họ trở thành một gánh nặng kinh tế không thể chấp nhận được trong thời buổi khủng hoảng. Nhưng thật là ảo tưởng khi con người ngày nay nhắm mắt làm ngơ trước gương mặt của bao bệnh nhân và người khuyết tật. Họ đã không hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống, là phải biết đón nhận những đau khổ và giới hạn. Thế giới sẽ không trở nên tốt hơn nếu chỉ bởi những người có vẻ ‘hoàn hảo’ bên ngoài. Thế giới chỉ trở nên tốt hơn khi tình liên đới nhân loại, việc đón nhận và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng. Lời của Thánh Tông Đồ Phao-lô thật đúng đắn thay: ‘Những gì thế gian cho là yếu kém, Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh’(1 Cr 1:27)!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 7:36-8:3) trình bày cho chúng ta một tình huống cụ thể về sự yếu đuối. Một phụ nữ bị xem là tội lỗi, bị người khác xét xử và loại trừ, nhưng Đức Giêsu lại đón nhận và bảo vệ chị: ‘Chị đã yêu mến nhiều’ (Lc 7:47). Đó là kết luận của Đức Giêsu, Đấng đã chú ý đến những đau khổ và sự nài xin của chị. Sự dịu dàng của Đức Giêsu là dấu chỉ của tình yêu mà Thiên Chúa bày tỏ cho những ai đau khổ và bị gạt ra bên lề. Đau khổ không chỉ là về thể lý nhưng còn là tinh thần, một trong những bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Đó là sự đau khổ của tâm hồn; khiến người ta buồn khổ vì thiếu tình yêu mến. Khi kinh nghiệm được sự thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan thân thiết, chúng ta mới nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh đến là dường nào. Vì thế, cám dỗ muốn trở nên tự-chấp-nhận-mình (tự-đủ-cho-chính-mình) lại phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, và chúng ta có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn lao nhất trong đời sống: yêu bất chấp chất cả.

Hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn có thể được diễn tả trong rất nhiều cách thức và chỉ đạt được khi chúng ta có khả năng yêu thương. Đó chính là đường lối của tình yêu, ngoài ra không còn cách nào khác. Nhưng thách đố là ai mới là người yêu thương nhất. Bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ đã lại rộng mở tâm hồn khi họ nhận ra họ được yêu thương! Bao nhiêu tình yêu mến đã được ngự trị nơi tâm hồn chỉ đơn giản với một nụ cười dễ mến! Như thế, chính sự yếu đuối mong manh của chúng ta có thể trở thành một nguồn mạch của sự an ủi, và nâng đỡ chúng ta trong cảnh cô đơn. Đức Giêsu, trong cuộc khổ nạn, đã yêu chúng ta cho đến cùng (Ga 13:1); trên thánh giá, Ngài đã mặc khải tình yêu bằng cách hoàn toàn trao ban chính mình. Chúng ta có thể đến với Thiên Chúa với những yếu đuối, bệnh tật, đau khổ của chúng ta khi chúng ta nhận ra những đau khổ ấy mô tả gương mặt của Người Con Một Yêu Dấu bị đóng đinh trên thập giá? Những đau đớn thể xác mà Người phải chịu đi kèm với sự nhạo báng, hạ nhục và khinh miệt. Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại những điều ấy bằng lòng thương xót khi Ngài đón nhận và tha thứ tất cả: Chính bởi thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành’(Is 53:5; 1 Pr 2:24). Đức Giêsu là thầy thuốc chữa lành với phương dược tình yêu, vì Ngài đã dùng chính bản thân mình để xoa dịu những đau khổ và cứu độ chúng ta. Thiên Chúa có thể hiểu những yếu đuối của chúng ta, vì chính Ngài đã kinh nghiệm điều ấy như một người phàm thật sự (Dt 4:15).

Cách chúng ta kinh nghiệm bệnh nạn và những khuyết tật là một chỉ số tình yêu mà chúng ta đang sẵn sàng để trao ban. Cách chúng ta đối mặt với đau khổ và những giới hạn là sự đo lường tự do của chúng ta trong việc đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm cuộc sống nhân sinh, cả khi chúng phủ lấp chúng ta bằng sự vô nghĩa và không có ích lợi gì. Nhưng chúng ta đừng để bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy (1 Tx 3:3). Chúng ta biết rằng trong sự yếu đuối chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ (2 Cr 12:10) và được lãnh nhận ân sủng để mang lấy vào mình những gian nan thử thách của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1:24). Vì thân thể ấy, hình ảnh của chính Thiên Chúa Phục Sinh, gìn giữ những thương tích của mình, dấu vết của một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đó là những thương tích được biến đổi mãi mãi vì tình yêu.”

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Đức. Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên cho Đức Thánh Cha trong phần Dâng Lễ, cũng có một gia đình với em bé gái bị down, hay là bệnh khờ.

Hàng chục các linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha thông báo rằng: “Hôm thứ 7, 11.06, ở a Vercelli, Giáo hội đã tuyên phong chân phước cho linh mục Giacomo Abbondo. Ngài sống vào khoảng thế kỷ 18, có lòng yêu mến Chúa nông nàn, hết mình dấn thân cho phần rỗi của các con chiên trong xứ đạo. Đồng thời, ở Monreale, ngày hôm nay, nữ tu Carolina Santocanale, vị sáng lập Dòng Nữ Tu Capucino Của Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ Đức, cũng được tuyên phong chân phước.

Trong bối cảnh Ngày Năm Thánh Dành cho các bệnh nhân, Hội Nghị Quốc Tế về chăm sóc sức khỏe cho những người nhiễm bệnh Hansen cũng đang được diễn ra ở Roma trong những ngày này. Với tâm tình biết ơn, tôi gởi lời chào thân ái đến ban tổ chức và những người tham dự hội nghị, hy vọng rằng hội nghị sẽ gặt hái được nhiều thành công trong việc chống lại bệnh phong.

Ngày hôm nay, ngày thế giới chống lạm dụng trẻ em. Xin cho các trẻ em được giải thoát khỏi những hình thức nô lệ, bách hại và lạm dụng.

Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác, đã hiện diện trong buổi lễ ngày hôm nay. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và che chở cho hết thảy mọi người chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha gặp 650 người dự Hội nghị về người khuyết tật

Đức Thánh Cha gặp 650 người dự Hội nghị về người khuyết tật

Đức Thánh Cha tiếp 650 tham dự viên Hội nghị về người khuyết tật

VATICAN. ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật hoàn toàn tham gia vào đời sống Giáo Hội một cách bình thường, đặc biệt là đời sống bí tích.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng ngày 11-6-2016, trong buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 650 tham dự viên hội nghị về người khuyết tật do HĐGM Italia tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập phân bộ Huấn giáo cho người khuyết tật thuộc Văn phòng Huấn giáo toàn quốc Italia. Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người khuyết tật về thể lý và tâm lý.

ĐTC đã ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các tham dự viên nêu lên, đặc biệt là một phụ nữ 25 tuổi ngồi trên xe lăn, hỏi ĐTC tại sao trong giáo xứ, cô không được tham gia nhiều sinh hoạt của giáo xứ, và bị kỳ thị. Cô cho biết là sẽ tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ cuối tháng 7 tới tại Cracovia Ba Lan.

ĐTC nhận định rằng: ”Cho đến nay nhiều điều đã được thực hiện trong việc săn sóc mục vụ cho người khuyết tật, nhưng cần phải đi xa hơn nữa, ví dụ nhìn nhận khả năng của người khuyết tật làm tông đồ và thừa sai, và trước tiên là giá trị sự hiện diện của họ như những nhân vị, như những chi thể sinh động của Thân Mình Giáo Hội. Trong sự yếu đuối và mong manh có tiềm ẩn những kho tàng có khả năng canh tân các cộng đoàn Kitô của chúng ta”.

ĐTC ghi nhận trong các cộng đoàn Công Giáo có sự quan tâm nhiều hơn tới những người khuyết tật, nhưng chưa thực hiện sự hội nhập đích thực, chưa có sự tham gia trọn vẹn và bình thường của những tín hữu khuyết tật. Điều này không những đòi các giải pháp kỹ thuật và những chương trình chuyên biệt nhưng trước tiên đòi phải có sự nhìn nhận và tiếp đón, xác tín kiên trì theo đó mỗi người là duy nhất, có một không hai và không thể lập lại, mỗi khuôn mặt bị loại trừ đều làm cho cộng đoàn nghèo nàn hơn”.

Cũng trong chiều hướng trên đây, trong diễn văn soạn sẵn, ĐTC kêu gọi giúp người khuyết tật tham gia hoàn toàn vào đời sống bí tích của Giáo Hội. Ngài nói: “Chúng ta phải khẳng định rõ ràng rằng những người khuyết tật được kêu gọi sống trọn vẹn đời sống bí tích, cả khi họ bị khuyết tật trầm trọng về tâm lý. Thật là buồn khi thấy trong một số trường hợp người ta vẫn còn tỏ ra nghi ngờ, chống lại hoặc từ khước. Nhiều khi người ta biện minh cho sự từ khước cho người khuyết tận lãnh nhận các bí tích và nói: ”Họ đâu có hiểu gì”, hoặc ”họ không cần”. Trong thực tế, thái độ như thế chứng tỏ những người ấy không hiểu ý nghĩa đích thực của chính các bí tích, và trong thực tế họ không cho những người khuyết tật được thực thi chức phận làm con Chúa và được tham gia trọn vẹn vào cộng đoàn Giáo Hội”.

Thánh lễ chúa nhật

Cũng liên quan đến những người khuyết tật, chúa nhật 12-6-2016, hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ, sẽ tham dự thánh lễ ĐTC cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày Năm Thánh dành cho họ.

Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên ĐTC trong phần dâng lễ, cũng có những người bị hiệu chứng down, hay là bệnh khờ. Ngoài ra trong lúc bài Tin Mừng được công bố lần đầu tiên cũng có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí cũng có thể hiểu được.

Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm 9-6 vừa qua ở Roma. Ngài cũng bày tỏ hài lòng vì sự gia tăng con số các tín hữu hành hương Năm Thánh:

Trong 6 tháng đầu tiên của Năm Thánh, tức là từ đầu tháng 12 năm ngoái đến nay, đã có 9 triệu 100 ngàn tín hữu hành hương đến Roma. Con số đáng kể này cho thấy nhiều tín hữu từ các nơi trên thế giới vẫn muốn cử hành Năm Thánh ở Roma, mặc dù Cửa Năm Thánh được mở ra ở các nơi trên thế giới.

Trong dịp đại Năm Thánh 2000, có hơn 30 triệu tín hữu hành hương đến Roma. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã nhận định rằng sẽ không có một con số đông đảo như vậy cho Năm Thánh Lòng Thương Xót vì thời gian ngắn ngủi từ khi ấn định Năm Thánh cho đến lúc khởi sự biến cố này (SD 11-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Cải Cách

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Cải Cách

Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn Liên hiệp Tin Lành Cải Cách

VATICAN. ĐTC kêu gọi các cộng đồng Công Giáo và Tin Lành cải cách cùng dấn thân đáp ứng sự khao khát tinh thần của con người ngày nay.

 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-6-2016, dành cho 10 vị thuộc Hội đồng lãnh đạo Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Cải Cách trên thế giới.

 Trong lời chào mừng, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm tại Vatican cách đây 10 năm của các vị lãnh đạo Tin Lành cải cách trên hoàn cầu, gặp ĐGH Biển Đức 16. Ngài cũng ca ngợi và cảm tạ những tiến bộ trong quan hệ đại kết giữa các cộng đồng Giáo Hội Tin Lành cải cách với nhau và với Giáo Hội Công Giáo. ĐTC nhận xét rằng: ”Ngày nay chúng ta thường cảm nghiệm ”sự sa mạc hóa tinh thần”, nhất là nơi mà người ta sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, các cộng đồng Kitô chúng ta được kêu gọi là những ”vò nước” giải khát với niềm hy vọng, những sự hiện diện có khả năng khơi dậy tình huynh đệ, gặp gỡ, liên đới, yêu thương chân thành và vô vị lợi; các cộng đồng ấy cần đón nhận và khơi dậy ơn thánh của Chúa, để không khép kín vào mình, và cởi mở thi hành sứ mạng. Thực vậy, không thể thông truyền đức tin, nếu ta sống đức tin một cách cô lập hoặc trong những nhóm khép kín và chia cách, trong một thứ tự trị giả tạo và chỉ biết đến cộng đoàn của mình. Làm như thế chúng ta không đáp ứng được lòng khao khát Thiên Chúa, đang gọi hỏi chúng ta và tạo nên nhiều hình thức tôn giáo mới..”

 ĐTC cũng nói rằng: ”Hiện nay có nhu cầu cấp thiết phải có một phong trào đại kết, cùng với nỗ lực thần học để giải quyết những tranh luận đạo lý giữa các tín hữu Kitô. Phong trào đại kết này cổ võ một sứ mạng chung loan báo Tin Mừng và phục vụ. Chắc chắn là đã có nhiều sáng kiến và sự cộng tác tốt đẹp với nhau tại nhiều nơi, nhưng tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm hơn nữa, để cống hiến một chứng tá sinh động, cho tất cả những người hỏi chúng ta tại sao có niềm hy vịong nơi chúng ta (Xc 1 Pr 3,15): cần thông tuyền tình yêu thương xót của Chúa Cha mà chúng ta lãnh nhận nhưng không và chúng ta được kêu gọi quảng đại trao ban cho tha nhân” (SD 10-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Bài học từ ngôn sứ Ê-li-a

Bài học từ ngôn sứ Ê-li-a

Thánh lễ sáng thứ Sáu, ngày 10.06

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ sáng thứ Sáu, 10-06, tại nhà nguyện thuộc Nhà trọ Thánh Marta. Khởi đi từ Bài Đọc Một, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến ba thái độ làm nên đặc nét của người Kitô hữu: đứng trước nhan thánh Chúa trong thinh lặng để lắng nghe lời Người và sẵn sàng đi ra để tiến vào lòng đời nhằm công bố điều đã được nghe cho người khác biết. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác mọi người trước nguy hiểm về một nỗi sợ hãi tê liệt trong đời sống Kitô hữu, không biết mình đang ở đâu trong cuộc hành trình với Thiên Chúa và không quan tâm đến tình trạng đời sống của mình trong Giáo hội.

Hãy đứng thẳng và bước đi

Để trình giải vấn đề này và làm sao để thoát khỏi sợ hãi, Đức Thánh Cha đã tập trung vào hình ảnh ngôn sứ Ê-li-a trong Bài Đọc Một trích Sách Các Vua. Đức Thánh Cha gợi nhắc lại việc ngôn sứ Ê-li-a đã chiến thắng như thế nào, ngài đã chiến đấu mãnh liệt ra sao vì đức tin, ngài đã đánh bại hàng trăm ngôn sứ giả tôn thờ ngẫu tượng Ba-an trên núi Carmen như thế nào. Nhưng cuối cùng, một trong những hành động bách hại nhằm vào Ê-li-a cũng đạt được mục tiêu. Ê-li-a đã ngã vật xuống trong sự thất vọng và chán nản dưới một gốc cây, chỉ chờ có chết. Nhưng Thiên Chúa không hề bỏ rơi ngài trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức đó. Chúa đã sai thiên thần đến an ủi đồng thời cũng kèm theo một mệnh lênh: Hãy trỗi dậy, cầm lấy mà ăn và bước ra ngoài.

Để gặp gỡ Chúa cần phải quay trở lại với bối cảnh mà ở đó con người đã được tạo dựng nên, đứng thẳng và bước đi. Thật vậy, Thiên Chúa tạo dựng và ban cho chúng ta có khả năng đứng thẳng và ngẩng cao đầu trước tôn nhan Ngài, vì chúng ta giống hình ảnh Ngài và bước đi trên đường cùng với Ngài. ‘Hãy đi và tiến về phía trước: Hãy cày cấy và canh tác đất đai’. Sau này, Thiên Chúa cũng phán với Ê-li-a như vậy: ‘Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.’ Ê-li-a đã đứng thẳng trên đôi chân của mình và bắt đầu bước đi.

Tính căng thẳng của sự thinh lặng

Hãy ra ngoài và lắng nghe Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn gặp được Chúa trong cuộc hành trình? Ngôn sứ Ê-li-a được thiên thần mời bước ra khỏi núi Khô-rép, nơi mà ông đã tìm được chỗ nghỉ qua đêm trong một cái hang, để gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa không ở trong cơn gió to bão lớn xẻ núi non, cũng không ở trong trận động đất và cũng không ở trong lửa nhưng Ngài chỉ xuất hiện khi Ê-li-a bước ra ngoài trong cơn gió hiu hiu. Như vậy, dù có nhiều âm thanh ầm ầm vang dội hay là những cảnh tượng hoành tráng, kinh thiên động địa; Thiên Chúa vẫn không ở đó. Nhưng chỉ ở trong sự thinh lặng, trầm lắng; Thiên Chúa mới hiện diện và mới ngỏ lời với chúng ta.

Giờ của sứ mạng

Mệnh lệnh mà Ê-li-a nhận được từ Thiên Chúa ngang qua thiên thần là: Hãy đi ra. Vị ngôn sứ được mời gọi bước đi, tiến qua sa mạc, vì ngài đã được trao phó một sứ mạng cần phải thi hành. Điều ấy có nghĩa là ngài ở trên đường, luôn bước ra rộng mở, không đóng lại trong sự ích kỷ của những tiện nghi vật chất, nhưng luôn can đảm mang thông điệp của Thiên Chúa đến cho người khác. Đó chính là con người của sứ mạng.

Chúng ta phải luôn tìm kiếm Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng sẽ có những giây phút rất tồi tệ: những giây phút ta chán nản, thất vọng, chẳng còn niềm tin tưởng, những giây phút đen tối, chẳng thấy chút ánh sáng nào phía chân trời. Có những giây phút ta không thể gượng dậy được nữa. Tất cả chúng ta đều biết những điều đó. Nhưng Thiên Chúa sẽ đến, sẽ thêm sức cho chúng ta và nói: ‘Hãy đứng dậy và lên đường!’ Như vậy, để gặp được Thiên Chúa chúng ta cũng phải đứng dậy và lên đường, chờ đợi Ngài ngỏ lời với chúng ta với một con tim rộng mở. Chắc chắn, Thiên Chúa sẽ đến và nói: ‘Chính ta đây.’ Khi ấy, đức tin của chúng ta sẽ trở nên vững mạnh. Và khi ấy, chúng ta cũng được trao cho sứ mạng mang thông điệp của Chúa đến cho người khác và sức dầu cho họ.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Thăng tiến đời sống bí tích cho người khuyết tật

Thăng tiến đời sống bí tích cho người khuyết tật

Ngôn ngữ ký hiệu

Rome – Ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ ký hiệu xúc giác, ngôn ngữ thân thể là quà tặng của Chúa Thánh Thần để giúp các Ki-tô hữu chia sẻ Tin Mừng với tất cả mọi người, cha Cyril Axelrod, dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng định như thế. Cha Axelrod là một người điếc bẩm sinh và khi lên 16 tuổi cha cũng đã bị mù. Theo cha, dù cho có khó khăn và phức tạp thế nào thì tất cả trẻ em có quyền và cần được giáo dục tôn giáo và đến với các bí tích.

Ngày 10/6, trong ngày khai mạc năm Thánh dành cho các người khuyết tật, cha Axelrod đã dùng ngôn ngữ ký hiệu quốc tế để đưa ra những nhận xét giới thiệu ngắn gọn; sau đó cha đã nhận các câu hỏi từ cộng đoàn đa phần là các tín hữu Công giáo khiếm thính người Ý và gia đình họ.

Một người trong họ muốn biết làm thế nào mà cha Axelrod, một người gốc Do thái bị điếc, lại trở thành tín hữu Công giáo. Một người khiếm thị ở Turin thì hỏi làm sao để có một giáo xứ địa phương dạy giáo lý cho các trẻ em khuyết tật. Còn một bà mẹ của một bé gái khiếm thính ở Rome chia sẻ với cha là cha xứ của họ đã từ chối cho em được rước lễ lần đầu vì nghĩ là em không hiểu gì.

Trả lời các câu hỏi, cha Axelrod nói: “Chúa Giê-su là quà tặng cho tất cả. Đừng lo lắng về các lời nói, lời nói, lời nói. Hãy cho các trẻ em lãnh nhận Bí tích Thánh Thể”. Nhận định của cha đã được mọi người hoan hô. Cha khẳng định: “Mọi người ở mọi lứa tuổi và khả năng phải được học Giáo lý”. Cha chia sẻ: “ Cách đây nhiều năm, trước khi trở thành tín hữu Công giáo, tôi là người Do thái. Tôi nhận thấy người khiếm thính không biết điều gì về đức tin nên tôi đã muốn trở thành rabbi. Nhưng Chúa đã chọn điều khác cho tôi và tôi trở thành người Công giáo”.

Vào lúc mà ở Nam phi chưa có những dịch vụ đặc biệt cho các tín hữu Công giáo khiếm thính và không có Thánh lễ cử hành bằng các dấu hiệu. Tôi cảm thấy cách chắc chắn là họ cần nghe sứ điệp của Chúa và tôi được Chúa gọi để mang Tin Mừng cho mọi người. Ơn gọi của tôi là giúp người khiếm thị mở trái tim họ để thấy Thiên Chúa quyền năng thế nào trong cuộc sống của hợ.

Cha Axelrod đã đi khắp nơi để phục vụ cho người Công giáo khiếm thính và ủng hộ cho họ.Cha khuyến khích các phụ huynh của các em khiếm thính giúp các em học ngôn ngữ ký hiệu cấp cao để các em có thể tiếp tục tăng trưởng trong sự hiểu biết và bày tỏ đức tin của mình. Cha cũng giúp các em khiếm thính và có khó khăn về thể lý và phát triển. Cha cho biết là cha mang Tin Mừng đến cho họ và cũng chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu, ngay cả việc chấm Mình Thánh vào Máu Thánh để cho Mình Thánh mềm hơn cho ai gặp khó khăn về nuốt Mình Thánh để tiêu hóa.

Theo cha, các trẻ em học biết về Thiên Chúa trước hết từ việc quan sát cha mẹ của các em. Đặc biệt các em khiếm thính có một sự chú ý đến ngôn ngữ thân thể và các diễn tả trên gương mặt. Các em nhận ra niềm vui, tình thương, sự sợ hãi, nỗi buồn và lòng biết ơn. Các em có thể học biết là Chúa Giê-su, Đấng yêu thương tất cả, hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Và các em có thể học diễn tả sự đau buồn về tội lỗi của các em trước khi đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng yêu thương các em. Chúng ta có thể thấy là khi các em hiểu Chúa Giê-su ở đó, trong phép Thánh Thể, niềm vui hiện lên trên gương mặt của các em. (CNS 10/6/2016)

Hồng Thủy Op

Ngày Năm Thánh bịnh nhân ở Campuchia

Ngày Năm Thánh bịnh nhân ở Campuchia

Campuchea Thmey patients

Nông pênh, Campuchia – Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa tại Nông pênh cho hãng tin Fides biết: đặc điểm của ngày năm thánh dành cho các bịnh nhân (11-12/6) ở Campuchia là vô số hoạt động của lòng thương xót, với các việc thăm viếng bịnh nhân, trợ giúp các gia đình, làm chứng tá, hội họp gặp gỡ và cử hành phụng vụ.

Tại trung tâm mục vụ “Thmey” ở thủ đô Nông pênh, trong Thánh lễ cử hành cho các người khuyết tật cũng có rửa tội. Trong khi đó ở các giáo xứ miền bắc của địa phận Tông tòa, việc thăm viếng bịnh nhân và các người thiểu năng trí tuệ sẽ được tổ chức với việc xức dầu bịnh nhân và trao tặng quà. Còn các giáo xứ ở miền nam địa phận Tông tòa, nơi có một số trung tâm cho người bịnh và người khuyết tật do tín hữu Công giáo và các tổ chức phi chính phủ khác điều hành, các gia đình Công giáo cũng thúc đẩy một cuộc lạc quyên lúa gạo đặc biệt như là một cử chỉ tương trợ cho người nghèo và các gia đình thiếu thốn. Cuối cùng, trong Thánh lễ do Đức cha cử hành tại Keo Phok, sẽ có chứng từ của các người dương tính với virus HIV và các bịnh nhân AIDS, các trẻ em khuyết tật và cha mẹ của các em. Đức cha Schmitthaeusler kết luận: “Chính những lời của Chúa Giê-su mà Đức Thánh Cha Phanxicô chọn: ‘Hãy thương xót như Cha trên trời’ đã truyền cảm hứng cho chúng tôi”. (Fides 10/672016)

Hồng Thủy Op

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

Lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng lên hàng lễ Kính

VATICAN. Theo quyết định của ĐTC Phanxicô, lễ thánh nữ Maria Madalena được nâng cấp: từ bậc lễ nhớ bắt buộc lên Lễ Kính (Festum).

Trong thông cáo và sắc lệnh công bố hôm 10-6-2016, ĐHY Robert Sarah,  Tổng Trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích thông báo quyết định của ĐTC và đồng thời trình bày những lý do, trong đó có đoạn viết: ”ĐTC Phanxicô đã đưa ra quyết định trên đây trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, để nêu cao tầm quan trọng của người Phụ Nữ đã chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt đối với Chúa Kitô và được Chúa Kitô yêu mến.”

Thực vậy, quyết định được đề ra trong bối cảnh Giáo Hội ngày nay đòi phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá phụ nữ, công việc tái truyền giảng Tin Mừng và sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót. Chính Thánh Gioan Phalô 2 đã dành sự chú ý lớn không những về tầm quan trọng của các phụ nữ trong sứ mạng của chính Chúa Kitô và của Giáo Hội, nhưng còn đặc biệt đề cao chức năng của thanh Maria Madalena như chứng nhân đầu tiên đã thấy Đấng Phục Sinh và là sứ giả đầu tiên loan báo cho các Tông Đồ sự sống lại của Chúa” (Xc Mulieris dignitatem, 16). (SD 10-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Chứng từ của người sống sót từ cuộc diệt chủng

Chứng từ của người sống sót từ cuộc diệt chủng

Trại tập trung Auschwitz

Montreal – Leon Celemencki, một người sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức quốc xã đã chia sẻ với các bạn trẻ Canada ở Montreal, đang chuẩn bị đến Balan tham dự đại hội giới trẻ quốc tế vào cuối tháng 7.

Trong chương trình của ngày giới trẻ, các bạn trẻ cũng sẽ đến thăm trại tập trung Auschwitz ở Balan, nơi nhiều người Do thái đã bị giết. Nổi bật trong các người bị giam ở đây có thánh Maximilian Kolbe, vị thánh đã tình nguyện chết thay cho một người cha có gia đình và con cái.

Ông Celemencki năm nay 76 tuổi, là một người gốc Do thái. Vào năm 1942, khi ông mới chỉ được 2 tuổi, bà Faiga Tabacznick, mẹ của ông đã bị quân đội Pháp bắt và đưa đến Balan. Vào lúc đó các trẻ em chưa bị bắt và trục xuất. Do đó cha ông đã gửi ông và 2 người chị gái đến trại mồ côi, một nơi an toàn hơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1945, một đôi vợ chồng Công giáo đã nuôi 3 chị em ông. Ông bà thương yêu 3 đứa trẻ này và các em gọi họ là “ông”, “bà”. Các người thân yêu của ông: ông bà, 3 người chú bác, 7 cô dì, và nhiều anh em họ đã bị giết tại trại tập trung Auschwitz và Treblinka. Ông thường phối hợp với trung tâm tưởng niệm diệt chủng ở Montreal kể lại chuyện đời của mình cho cử tọa giới trẻ

Ông Celemencki nói ông không bao giờ đến trại tập trung Auschwitz, vì đó là một nơi khủng khiếp. Ông cảnh cáo các bạn trẻ sẽ đến đó: “Ở đó có 1 phòng chứa đầy gò tóc, rồi 1 phòng khác đầy giày dép đàn ông, đàn bà và trẻ em. Các bạn sẽ thấy những điều kinh khiếp…Tại sao người ta có thể thực hiện những hành động khủng khiếp như vậy? Nó đã xảy ra và nó không bao giờ nên tái diễn”.

Norman Levesque, người sẽ đồng hành với các bạn trẻ của phái đoàn giáo phận đi Balan nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với các nhân chứng của nạn diệt chủng rất quan trọng cho việc chuẩn bị các thanh thiếu niên tham dự ngày giới trẻ quốc tế. Levesque đã hỏi ông Celemencki nếu ông muốn họ làm một cử chỉ đặc biệt gì ở Auschwitz, ông Celemencki trả lời là ông muốn là khi các người trẻ trở về họ sẽ nói cho mọi người những gì họ thấy ở đó và cam kết không bao giờ chấp nhận bất kỳ loại phân biệt chủng tộc hoặc chống Do Thái nào. Tất cả chúng ta đều bình đẳng, không kể tôn giáo, màu da và tất cả chúng ta mong chờ hạnh phúc. Mặt trời chiếu sáng cho tất cả. (CNS 10/6/2016)

Hồng Thủy Op

Tượng Chúa chịu nạn ở Santiago bị một số sinh viên phá hủy

Tượng Chúa chịu nạn ở Santiago bị một số sinh viên phá hủy

Tượng Chúa bị đập vỡ tại Santiago Chile

Santiago, Chilê – Hôm qua các học sinh và sinh viên của trường trung học và đại học ở thủ đô Chilê đã biểu tình yêu cầu những thay đổi trong luật hiện hành về giáo dục công ở nước này. Cuộc biểu tình do Liên hiệp sinh viên Chilê tổ chức với sự tham dự của khoảng 150 ngàn sinh viên. Vào cuối cuộc tuần hành ôn hòa, một nhóm thanh niên bịt mặt đã xông vào nhà thờ Gratitud Nacional ở trung tâm thủ đô Santiago; họ đã phá cửa và mang tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh ra – cao khoảng 3 mét – và đập vỡ tượng trên con đường chính của thành phố.

Điều phối viên quốc gia của Liên hiệp sinh viên quốc gia đã lên án hành động phạm thánh này. Theo tin gửi đến hãng tin Fides, điều phối viên nói: sự việc này không phải là đại diện cho lập trường của phong trào sinh viên. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ mới được chọn đã tuyên bố trong ngày đầu làm việc của mình: “Tôi muốn nhân danh chính quyền lên án những hành động như thế, bất kể đó là nơi thờ phượng của tôn giáo nào, trong trường hợp này là của Giáo hội Công giáo. Những gì chúng ta thấy là một triệu chứng rất đáng lo ngại về những gì một số người đến để làm ở đất nước chúng ta”.

Đức cha Luis Fernando Ramos Pérez., Giám mục Phụ tá của Santiago bày tỏ: “Đây là một tình trạng rất đau lòng đối với chúng tôi. Một ảnh tượng tôn giáo có giá trị rất lớn đối với chúng tôi đã bị phá hủy và chúng tôi không muốn điều này sẽ xảy ra ở đất nước chúng ta”. (Fides 10/6/2016)

Hồng Thủy Op  

 

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

Đức tin của Giáo Hội nảy sinh từ đám cưới tại làng Cana

ĐTC chụp hình với các thành viên hiệp hội di cư Thánh Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8-6-2016

Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Sau lời chào ĐTC đã chúc mừng và cám ơn chứng tá của một nhóm các cặp vợ chồng mừng 50 năm ngày cưới. Đó thật là rượu ngon của gia đình. Ngài cầu mong các đôi tân hôn và giới trẻ ngày nay học  được chứng tá trung thành gắn bó ấy của họ trong cuộc sống hôn nhân.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm trong tiệc cưới làng Cana. Thánh sử Gioan gọi các phép lạ của Chúa là “các dấu chỉ”. Chúa Giêsu không làm các phép lạ để dấy lên sự kỳ diệu, nhưng để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Và dấu chỉ đầu tiên thánh Gioan kể lại được thực hiện tại làng Cana. Nó là “một loại cửa vào”, trong đó khắc ghi các lời và kiểu diễn tả soi sáng toàn mầu nhiệm của Chúa Kitô và rộng mở con tim của các môn đệ cho đức tin. Trong phần dẫn nhập chúng ta tìm thấy kiểu nói “Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người” (c. 2). Những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi theo Ngài, Ngài đã cột buộc họ vào mình trong một cộng đoàn, và giờ đây tất cả họ được mời dự tiệc cuới như một gia đình duy nhất. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa của dấu chỉ tại tiệc cưói làng Cana như sau:

Khi khai mào sứ vụ công khai trong tiệc cưới làng Cana, Chúa Giêsu tự biểu lộ như phu quân của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo, và vén mở cho chúng ta thấy chiều sâu của tương quan kết hiệp chúng ta với Ngài: đó là một Giao ước mới của tình yêu. Ở nền tảng đức tin của chúng ta có cái gì? Một cử chỉ lòng thương xót, qua đó Chúa Giêsu đã cột buộc chúng ta vào Ngài. Và cuộc sống kitô là câu trả lời cho tình yêu đó; nó như là lịch sử của hai người si mê nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm nhau, kiếm ra nhau, cử hành và yêu thương nhau: y như hai người yêu trong sách Diễm Ca. Tất cả những gì còn lại là hiệu quả của của tương quan này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đổ xuống tình yêu của Ngài; và đó là tình yêu mà Giáo Hội giữ gìn và muốn trao ban cho tất cả chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong bối cảnh của Giao Ước chúng ta cũng hiểu sự quan sát của Đức Mẹ: “Họ không có rượu” (c. 3) Làm sao có thể cử hành đám cưới và mừng lễ, nếu thiếu điều các ngôn sứ chỉ cho thấy như là một yếu tố tiêu biểu của tiệc cứu thế (x. Am 9,13-14; Ge 2,24; Is 25,6)? Đó là một lễ cưới trong đó thiếu rượu; đôi tân hôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Anh chị em hãy tưởng tượng coi, kết thúc một lễ cưới bằng cách uống trà: Sẽ là một xấu hổ. Rượi cần cho lễ cưới. Khi biến đổi nước trong các vại dùng cho lễ nghi thanh tẩy của người Do thái (c. 6), Chúa Giêsu hoàn thành một dấu chỉ hùng hồn: biến Lề Luật của ông Môshê thành Tin Mừng đem lại niềm vui. Như thánh Gioan đã nói ở một chỗ khác: “Lề Luật đã đuợc ban qua ông Môshê, còn ân sủng và sự thật đến qua Đức Giêsu Kitô” ( Ga 1,17).

Các lời của Mẹ Maria nói với gia nhân đội triều thiên cho khung cảnh đám cưới Cana: “Người bảo gì, hãy cứ làm như thế” (c. 5). Thật là lạ, đây là các lời nói cuối cùng của Mẹ được các Phúc Âm kể lại: đó là gia tài Mẹ để lại cho tất cả chúng ta. Cả ngày nay nữa Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta: “Ngài bảo bất cứ điều gì – Chúa Giêsu nói với các con bất cứ điều gì, hãy làm điều đó”. Đó là gia tài Mẹ để lại cho chúng ta: Thật là đẹp!

Đây là một kiểu diễn tả nhắc nhớ công thức đức tin được dân Israel dùng tại núi Sinai để đáp trả lại giao ước: “Tất cả những gì Chúa đã nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8). Và thật vậy ở Cana các đầy tớ đã vâng lời. Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Và họ đổ nước đầy tới miệng các chum. Ngài lại nói với họ:: “Hãy đem cho người chủ tiệc. Và họ đem tới cho ông” (cc.7-8). ĐTC giải thích ý nghĩa việc này như sau:

Trong tiệc cưới này Giao Ước mới thực sự được ký kết và sứ mệnh mới được uỷ thác cho các người phục vụ Chúa, nghĩa là cho tất cả chúng ta: “Người bảo bất cứ gì, thì hãy làm điều đó”. Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực thi Lời Ngài. Đó là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng nòng cốt của Mẹ Chúa Giêsu, và là chương trình sống của kitô hữu. Đối với từng người trong chúng ta kín múc nơi vại nước có nghĩa là  tín thác nơi Lời của Thiên Chúa để sống kinh nghiệm sự hữu hiệu của nó trong cuộc sống. Khi đó cùng với chủ tiệc là người đã nếm nước biến thành rượu, cả chúng ta nữa cũng có thể kêu lên: “Anh đã giữ ruợu ngon cho đến bây giờ” (c. 10). Phải,  Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho ơn cứu rỗi của chúng ta, cũng như Ngài tiếp tục làm cho nó vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.

Câu kết thúc trình thuật vang lên như một lời phán xử: “Tại Cana vùng Galilêa đây là khởi đầu các dấu chỉ được Chúa Giêsu thành toàn: Ngài biểu lộ vinh quang của Ngài và các môn đệ tin nơi Ngài” (c. 11). Đám cưới làng Cana hơn rất nhiều một trình thuật đơn sơ phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như là một chiếc hộp quý nó giữ gìn bí mật con người của Ngài và mục đích việc Ngài đến: vị Phu Quân được chờ đợi khởi sự tiệc cưới được thành toàn trong Mầu nhiệm phục sinh. Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một  Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, trong đó có một nhóm tín hữu Việt Nam Paris, nhóm tín hữu giáo phận Besançon, do ĐGM sở tại hướng dẫn, Liên hiệp quốc tế Hội thánh Vinh Sơn de Paoli, các chủng sinh chủng viện Prado Lyon, cũng như các tín hữu Bỉ, Thụy Sĩ và Canada. Ngài cầu chúc mọi người biết lắng nghe tiếng Chúa, yêu Chúa và sống tươi vui.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Hòa Lan, Trung Quốc,  Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các linh mục mừng ngân khánh chịu chức thuộc tổng giáo phận Paderbonn, và nhiều sinh viên học sinh Đức. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương sốt sắng và bổ ích.

Ngỏ lời với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC cầu chúc họ lãnh nhận đuợc ơn thánh từ Thánh Tâm Chúa, đáp trả lại tình yêu của Ngài và biết sống thuơng xót nhau. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Curitiba và nhóm các thẩm phán  Brasil, ĐTC khích lệ họ làm chứng cho Tin Mừng thương xót và tươi vui của Chúa Giêsu. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC xin họ nhớ tới kinh nghiệm của đám cười làng Cana, khi gặp phải các khó khăn âu lo buồn phiền trong cuộc sống. Mẹ Maria luôn luôn hiện diện để cầu bầu cho họ và trợ giúp họ để đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin nơi Chúa và sự chở che của Ngài.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Slovac, đặc biệt các nhân viên y tế trung tâm cao niên Thánh Luca tỉnh Kosice. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố đức tin và giứp họ quảng đại làm chứng cho Chúa.

Trong số các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào tín hữu giáo phận Asti, các lực sĩ và ngưởi trẻ giáo phận Macerata Loreto với “cây đuốc hoà bình”, do các GM sở tại hướng dẫn, cũng như Hiệp hội di cư thánh Phanxicô giáo phận Siena, làng cứu giúp trẻ em Ostuni và hiệp hội Unitalsi vùng Toscana, Hiệp hội quốc tế các đại học Lasalle, các đai biểu hiệp hội thánh Vinh Sơn và các cha dòng Trắng đang họp tổng tu nghị. Ngài cầu chúc họ trung thành với các đặc sủng riêng. ĐTC cũng chào Tổ chức Công giáo tiến hành Italia tái phát động chiến dịch cầu nguyện “Một phút cho hòa bình”. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ với Người Kế Vị Thánh Phêrô củng cố sự gắn bó của họ với Giáo Hội.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người sốt sắng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ trong tháng 6 này để biết sống yêu thương tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Người Công giáo quan tâm hơn đến việc đọc Kinh Thánh

Người Công giáo quan tâm hơn đến việc đọc Kinh Thánh

faith-bible

Vào cuối những năm 1950, khi phó tế Joseph Jensen, hiện là giảng viên Kinh thánh tại đại học Georgetown ở Washington, gia nhập chủng viện Đức Bà ở Warrenton, Misouri, ông nhận thấy mình là sinh viên duy nhất đã đọc Kinh Thánh. Điều đó cũng nhờ cha ông, một thành viên của Giáo Hội ngày thứ 7, đã cho ông tiếp cận với Kinh Thánh. Ông Jensen cho biết ông đã lớn lên với suy nghĩ là người Công giáo không đọc Kinh Thánh. Nhưng mà ý nghĩ sai lầm này có thể đang thay đổi.

Một cuộc thăm dò mới do Hiệp Hội Kinh Thánh Hoa kỳ thực hiện cho thấy là 77% người Công giáo muốn đọc Kinh Thánh thường xuyên hơn; con số này tăng 8% so với tháng 1 năm 2013, ngay trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Jason Malec, giám đốc truyền giáo của Hội cho là những tín hiệu tích cực nơi các người Công giáo là nhờ “hiệu ứng Phanxicô”.

Đáp ứng lại việc các tín hữu Công giáo quan tâm hơn đến Kinh Thánh, Hiệp Hội Kinh Thánh Hoa kỳ đã có những nguồn mới như “lectio divina” trên các phương tiện kỹ thuật số – một phiên bản online của phương pháp cầu nguyện truyền thống bằng Kinh Thánh của Công giáo. Hiệp hội dùng các cuộc thăm dò để phát triển kỹ thuật nhắm tăng sự tương tác với Kinh Thánh của tín hữu. Các thành viên của Hiệp hội còn phát triển ứng dụng Build Your Bible và một ứng dụng khác để các tín hữu Công giáo có thể theo dõi ngày Quốc tế giới trẻ từ 26-31/7 tại Cracovia, Balan. Các ứng dụng này vừa nhằm đến tương lai vừa nhìn lại quá khứ để tìm cách thế mới cũng như khám phá lại các phương thế tiếp cận Kinh Thánh cũ cho một thế hệ đang lớn lên. Các phương tiện cho phép các tín hữu đến với Kinh Thánh; ngay cả khi họ không tham gia các nhóm học Kinh Thánh thì họ cũng có thể tìm được các bài đọc Thánh lễ hàng ngày trên trang mạng của Hội đồng Giám muc, các bài suy niệm trên trang của đại học Creighton, vv.

Có nhiều chọn lựa cho việc học hỏi Kinh Thánh Công giáo như chương trình ở các trường, chương trình vừa nghiên cứu vừa cầu nguyện, hay lectio divina (cầu nguyện bằng Kinh Thánh). Các tín hữu đừng ngại tham gia các nhóm nghiên cứu Kinh Thánh vì nghĩ mình biết rất it về Kinh Thánh, vì nghiên cứu Kinh Thánh là để học hỏi Kinh Thánh.

Phó tế Jensen thấy việc hướng dẫn đọc Kinh Thánh là cần thiết, vì Kinh Thánh là thể loại văn chương của những người thời xưa, phản ánh đức tin, thời gian, văn hóa và môi trường của họ. Do đó cố gắng đọc nó mà không hiểu về bối cảnh lịch sử và văn hóa thì dễ bị hiếu sai và lẫn lộn. Ông cũng cảm thấy phấn khởi về sự gia tăng của việc yêu mến Kinh Thánh, đặc biệt là trong các nhóm học Kinh Thánh. Ông cho biết, các sinh viên ban đầu chỉ lấy lớp Kinh Thánh của ông cho đủ tín chỉ yêu cầu, nhưng rồi cuối cùng họ cảm thấy việc học Kinh Thánh thì hứng thú. Ông nói với hãng tin Công giáo Hoa kỳ là có một sự khao khát thực sự đối với lời Chúa mà ông đang thực sự cảm thấy và nếm hưởng.

Hiệp hội Kinh Thánh Hoa kỳ đã hoạt động trong suốt hơn 200 năm để đưa người ta đến với Kinh thánh – cuốn sách bán chạy nhất của mọi thời đại. (CNS 8/6/2016)

Hồng Thủy OP

Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

Giáo Hội Hàn quốc và Phủ doãn Tông tòa Mông cổ ký hiệp ước cộng tác truyền giáo

COREA-MONGOLIA

Mông cổ – Phủ doãn Tông tòa Ulanbato – Mông cổ và Tổng giáo phận Seoul – Hàn quốc đã ký một hiệp ước phát triển việc cộng tác truyền giáo và thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội tại Mông cổ.

Hãng tin đã Fides đưa tin về việc ký kết Thông cáo giữa Tổ chức Giáo dục Công giáo của Tổng giáo phận Seoul do Đức cha phụ tá Benedict Son Hee-Song đại diện và Phủ doãn Tông Tòa do Đức cha Wenceslao Padilla đại diện; hai bên cũng ký kết một số nội dung về các hoạt động truyền giáo, đào tạo Linh mục và ủng hộ tài chính.

Theo hiệp ước, trong vòng 3 năm tới, tổ chức Giáo dục của tổng Giáo phận Seoul sẽ tài trợ một triệu Mỹ kim cho các hoạt động mục vụ của Phủ doãn Tông tòa Ulanbato. Thêm vào đó, để giúp đỡ cho việc đào tạo các Linh mục tương lai, các chủng sinh tương lai của Mông cổ sẽ được học ở Chủng viện Thần học Seoul.

Một phần khác của hiệp ước là sự hợp tác giữa bịnh viện Đức Maria ở Seoul và bịnh viện trung ương đầu tiên của Hàn quốc: nhờ vào hệ thống y tế tiên tiến đang được sử dụng tại Hàn Quốc, những phương pháp như cấy ghép tế bào gốc và phẫu thuật bằng robot dự kiến sẽ được giới thiệu.

Đức cha Son Hee-Song nói với hãng tin Fides là ngài bày tỏ sự kính trọng sâu sắc và đánh giá cao dành cho Đức Cha Padilla và tất cả các nhà truyền giáo ở Mông cổ, những người đã tận hiến đời mình cho việc loan bào Tin mừng trong hoàn cảnh khó khăn như thế. Chính Giáo hội Công giáo ở Hàn quốc cũng bị bách hại trong lịch sử. Đó là một trong những lý do tại sao Giáo hội Hàn quốc quyết đinh trợ giúp, trong khả năng có thể, cho sự phát triển của Giáo Hội Mông cổ.” Về phần mình, Đức cha Padilla đã đáp lời: “Chúng tôi được khuyến khích bởi sự trợ giúp của Hàn quốc. Tất cả anh chị em là một chúc lành cho Giáo hội tại Mông cổ: hiệp ước này mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng lớn lao”.

Theo luật pháp hiện hành, Giáo hội Mông cổ không có tính cách pháp nhân, nhưng là một tổ chức phi lợi nhuận; họ không có bất cứ một thu nhập nào, ngay cả bổng lễ, và do đó không thể tự chu cấp cho mình. Các hoạt động truyền giáo được quy định chặt chẽ. Do đó, tất cả các thừa sai được gửi đến Mông cổ nhận trợ giúp từ các Hội dòng của họ hay từ ngân quỹ quyên được từ các giáo phận khác.

Trong vòng 20 năm qua, Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã trợ giúp tài chính 320 triệu won (đơn vị tiền tệ Hàn quốc) cho Mông cổ và tiếp tục gửi các bác sĩ tình nguyện. Căn bản của hiệp ước vừa ký đã được bắt đầu vào năm 2013, khi Đức cha Padilla thăm Hàn quốc. Phó tế Giuse Enkh Batata, người sẽ trở thành Linh mục Mông cổ đầu tiên vào ngày 28/8 tới đây, đã được đào tạo 7 năm tại Hàn quốc, thông qua sự hợp tác này. (Agenzia Fides 07/06/2016)

Hồng Thủy OP

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo tiếp tục gặp chướng ngại

Công đồng Liên Chính Thống giáo

ISTANBUL. Viễn tượng nhóm họp Công đồng Liên Chính Thống giáo từ chúa nhật 19-6 tới 27-6-2016 tại đảo Creta bên Hy Lạp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tuần lễ trước đây, Giáo Hội Chính Thống Bulgari cho biết sẽ không tham dự Công đồng này nếu một số vấn đề tranh luận không được làm sáng tỏ trước, và vì thế Giáo Hội này kêu gọi hoãn lại việc nhóm họp Công đồng. Cả Giáo Hội Chính Thống Giorgia cũng có lập trường tương tự.

Hôm 6-6-2016, sau phiên họp đặc biệt, Tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo ở Constantinople, Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ, đã thông cáo bác bỏ yêu cầu của Giáo Hội Chính Thống Bulgari và nói rằng sau hơn 50 năm chuẩn bị, Công đồng này sẽ tiến hành như đã định, vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 19-6 (theo lịch Giuliano).

Mục đích khóa họp thượng đỉnh này tại Creta là một sự thỏa thuận của Chính Thống giáo về đường hướng tương lai của mình. ”Tòa Thượng Phụ chung, có trách nhiệm chính đối với việc bảo tồn sự hiệp

nhất của Chính Thống giáo, kêu gọi tất cả hãy tận dụng cơ hội này và đến tham dự.

Thông cáo cũng có đoạn viết: ”Thật là ngạc nghiên và ngỡ ngàng, một vài Giáo Hội trong số 14 Giáo Hội Chính Thống đã tuyên bố lập trường của mình. Qui luật của Giáo Hội không cho phép xét lại kế hoạch Công đồng đã được đề ra. Tuy nhiên tại Creta, còn có thể thay đổi các dự thảo văn kiện. Các phái đoàn sẽ trình bày các đề nghị của mình”.

Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga mạnh mẽ phê bình lập trường của Tòa Thượng Phụ Constantinople. Tổng LM Andrej Nowokiow ở Mascơva tuyên bố với hãng thông tấn Tass của Nga hôm 7-6 rằng: ”Tôi e ngại rằng thái độ độc tài như thế của Tòa Thượng Phụ Constantinople là một toan tính buộc những người khác phải thay đổi ý kiến. Hiển nhiên Constantinople muốn có quyền lực vô giới hạn trong thế giới Chính Thống giáo, và hành động ”như thể một thứ giáo hoàng ở đông phương”, và như thế là đe dọa thành quả của Công đồng.

Thánh Hội đồng Chính Thống Nga đã yêu cầu Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập một phiên họp tiền công đồng, trước ngày 10-6 này để cứu xét xem có thể nhóm Công đồng trong thời hạn dự trù hay không. Theo Chính Thống Nga, dù một Giáo Hội thành viên không tham dự, thì đó cũng là một chướng ngại không thể vượt qua đối với việc thực hiện một đại Công đồng của Chính Thống giáo.

Trước sự từ khước của Đức Thượng Phụ Bartolomaios triệu tập phiên họp vừa nói, hôm 8-6-2016, Đức TGM Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, cho biết Thánh Hội đồng của Giáo Hội này nhóm họp khẩn cấp để quyết định có nên tham dự Công đồng liên Chính Thống giáo hay không. Đức TGM nói: ”Chúng tôi vẫn luôn nói rằng các quyết định của Công đồng phải được sự đồng thuận thì mới được công bố. Chúng tôi tin rằng sự đồng thuận bao hàm không những sự đồng ý của những người hiện diện nhưng cả những người khác vắng mặt nữa. Sự đồng thuận phải có nghĩa là ý kiến đồng nhất của tất cả các Giáo hội Chính Thống. Nếu một Giáo Hội vắng mặt, thì chúng tôi nghĩ điều này có nghĩa là không có sự đồng thuận” (KNA 7-6-2016, Asia News 8-6-2016).

Mặt khác, Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện vào thứ bẩy 11-6 tới đây để bày tỏ sự gần gũi tinh thần với Chính Thống giáo. Buổi cầu nguyện sẽ diễn ra tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. (Apic 6-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Cầu nguyện là năng lượng của Kitô hữu để chiếu sáng

Cầu nguyện là năng lượng của Kitô hữu để chiếu sáng

Thánh lễ sáng thứ Ba, 07.06, tại nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta

VATICAN. Cầu nguyện chính là năng lượng để Kitô hữu chiếu sáng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 07.06, tại nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các tín hữu về nguy cơ có thể trở thành những hạt muối nhạt, không còn mặn mà nữa. Cần phải chiến thắng cám dỗ về một thứ “linh đạo gương soi”, tức là quá chăm chú đến việc đánh bóng chính mình mà lãng quên nhiệm vụ phải mang ánh sáng đức tin đến cho người khác.

Ánh sáng và muối. Những chia sẻ của Đức Thánh Cha khởi đi từ bài đọc Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chương 5, 13-16. Đức Thánh Cha nói rằng: “Đức Giêsu đã giảng dạy bằng những lời lẽ rất đơn sơ và những hình ảnh rất dung dị, đến nỗi ai cũng có thể hiểu được. Qua đó, Ngài định nghĩa Kitô hữu: Kitô hữu phải là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian. Muối và ánh sáng không tồn tại cho riêng bản thân mình. Nhưng ánh sáng là để chiếu soi vạn vật; còn muối để ướp, để gìn giữ sự vật khỏi hư nát.

Cầu nguyện là năng lượng để Kitô hữu trở thành ánh sáng cho đời

Kitô hữu sẽ làm gì khi độ mặn của muối và sự sáng của ánh sáng yếu dần đi? Họ phải làm gì để dầu thắp đèn không cạn tắt? Hay nói cách khác, đâu là năng lượng để Kitô hữu trở thành ánh sáng cho trần gian? Đơn giản thôi, đó chính là cầu nguyện. Anh chị em có thể làm rất nhiều việc, rất nhiều hoạt động, và cả những hoạt động bác ái. Anh chị em có thể làm rất nhiều viêc trọng đại cho Giáo hội, cho các đại học công giáo, các học viện, bệnh viện… Và thậm chí, người ta còn muốn lập một đài tưởng niệm để tôn phong anh chị em như là những ân nhân của Giáo hội. Nhưng nếu anh chị em không cầu nguyện, tôi e rằng tất cả những gì anh chị em làm có chút tối tăm, mù mịt trong đó. Rất nhiều hoạt động trở nên đen tối, vi thiếu đi ánh sáng, thiếu cầu nguyện. Vậy điều gì có thể bảo đảm, có thể mang lại ánh sáng cho đời sống của Kitô hữu? Đó chính là cầu nguyện.

Cầu nguyện là tôn thờ Thiên Chúa Cha, là ngợi khen Chúa Ba Ngôi, là lời nguyện tạ ơn, và cũng là lời cầu nguyện xin Chúa ban ơn. Tất cả những lời cầu nguyện ấy phải đến từ trái tim.

Kitô hữu ướp mặn đời bằng Tin Mừng

Muối cũng không để ướp chính mình. Muối chỉ là muối khi muối biết cho đi. Đây cũng chính là tâm tình phải có của Kitô hữu: cho đi, biết ướp cuộc đời cho đằm thắm, biết làm cho mọi sự nên đậm đà bằng thông điệp của Tin Mừng. Cho đi chứ không giữ lại riêng mình. Muối không chỉ dành cho Kitô hữu nhưng cho hết mọi người. Kitô hữu phải cho mình đi, vì muối là cho đi chứ không ở lại với chính mình. Cả ánh sáng và muối cũng đều vì người khác chứ không vì mình. Ánh sáng không chiếu soi ánh sáng và muối cũng không ướp muối.

Có người sẽ thắc mắc rằng: Nếu chúng ta là muối và ánh sáng không ngừng cho đi như thế, liệu muối và ánh sáng đó sẽ duy trì được bao lâu. Xin thưa rằng điều đó đến từ quyền năng của Thiên Chúa, vì Kitô hữu là muối và ánh sáng được Thiên Chúa ban tặng trong Bí Tích Thánh Tẩy. Chất muối và chất sáng đó được ban tặng như một món quà và sẽ tiếp tục được ban tặng nếu chúng ta cũng biết cho đi, biết giãi sáng, biết ướp mặn cho đời. Như thế, chúng sẽ không bao giờ cạn.

Hãy cảnh giác trước cám dỗ về một thứ ‘linh đạo gương soi’

Thứ linh đạo này đã xuất hiện trong Bài Đọc Một, kể về bà góa ở Xa-rép-ta. Bà đã tin ngôn sứ Ê-li-a và thế là hũ bột và vò dầu của bà đã chẳng hề vơi cạn.

Ánh sáng của anh chị em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ. Nhưng anh chị em cũng phải tỉnh thức trước cám dỗ muốn chiếu sáng hay đánh bóng chính mình. Điều ấy thật tệ, đó là thứ linh đạo gương soi: tự đánh bóng mình. Phải tránh cám dỗ chỉ biết đến bản thân mình. Nhưng hãy là ánh sáng để chiếu giãi, hãy là muối để ướp mặn đời và gìn giữ mọi sự khỏi hư nát.

Muối và ánh sáng không vì mình nhưng vì tha nhân ngang qua những công việc tốt lành. Khi làm việc tốt, chúng ta đã ‘chiếu giãi ánh sáng của mình trước mặt thiên hạ’. Và khi xem thấy những công việc tốt đẹp chúng ta làm, người ta sẽ tôn vinh Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời. Điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta phải trở về với Chúa, Đấng là nguồn cội và đã ban cho chúng ta sự sáng và chất muối.

Xin Chúa giúp chúng ta biết giãi sáng bằng những việc làm và những thực hành cụ thể, chứ đừng che dấu ánh sáng đi. Xin Chúa giúp chúng ta là hạt muối biết cho đi hương vị mặn mà. Chất mặn ấy rất cần thiết, nhưng ta phải cho đi, vì khi cho đi ta mới tiếp tục được nhận lãnh và triển nở. Cho đi chính là những công việc tốt đẹp của người Kitô hữu.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Hơn 930 Giám Mục đã đăng ký đến Cracovia, Ba Lan

Hơn 930 Giám Mục đã đăng ký đến Cracovia, Ba Lan

ĐHY Stanislaw Dziwisz

ROMA. ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM giáo phận Cracovia, Ba Lan, cho biết đã có 930 GM thế giới đăng ký đến Cracovia nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ vào cuối tháng 7 tới đây.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, sau khi được ĐTC tiếp kiến hôm thứ bẩy, 4-6-2016, ĐHY Dziwisz cũng cho biết các bạn trẻ từ 194 nước trên thế giới sẽ đến Ba Lan dự Đại hội giới trẻ sắp tới, và cũng để gặp gỡ ĐTC, đồng thời cử hành Năm Thánh tại ”thủ đô” của Lòng Chúa Thương Xót. Tại đó, Chúa Giêsu Kitô đã trao sứ điệp Thương Xót cho toàn thế giới, cho thánh nữ Faustina. Trong công trình này có một vị Tông Đồ khác là thánh Gioan Phaolô 2, Vị đã đưa sứ điệp này, là ngọn lửa tôn sùng lòng thương xót của Chúa cho toàn thế giới.

ĐHY Dziwisz nói thêm rằng: ”Giờ đây có ĐTC Phanxicô với cùng một chủ đề: lòng Chúa thương xót. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ sẽ nhận được sứ điệp này và họ sẽ mang đi khắp nơi trên thế giới, và đây sẽ là những thành quả của Ngày Quốc Tế giới trẻ tới đây. Thánh nữ Faustina đã nói: ”Nếu anh chị em muốn hòa bình, thì phải chạy đến Lòng Thương Xót của Chúa”.

Theo ĐHY TGM giáo phận Cracovia, ”Có rất nhiều người đến cùng Thiên Chúa qua thánh Gioan Phaolô 2 và chúng ta thấy bao nhiêu ơn lành, kể cả các phép lạ. Lúc sinh thời, khi có người xin ĐTC Gioan Phaolô 2 cầu nguyện cho, ngài không bao giờ quên. Ngài thường nói: ”Anh chị em hãy viết xuống điều đó cho tôi và để ở nhà nguyện”. Tôi nghĩ rằng cả bây giờ, nếu có ai xin thánh nhân chuyển cầu cùng Thiên Chúa, Người vẫn trung tín thi hành”.

Sau cùng, ĐHY Dziwisz nói thêm rằng công việc chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia tiến hành tốt. Điều duy nhất chúng ta phải cầu xin, đó là cho thời tiết được tốt đẹp (SD 6-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo giám quản tông tòa tại Guam

Archbishop Hon Tai Fai

VATICAN. Hôm 6-6-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo,  làm Giám quản Tông Tòa ”tòa đầy” (sede plena) của Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam.

Đức TGM Hàn Đại Huy năm nay 66 tuổi (1950), sinh trưởng tại Hong Hong, thuộc dòng Don Bosco và đã từng làm Giám tỉnh tại đây. Ngày 23-12-2010, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ truyền giáo và là người Hoa đầu tiên được bổ vào chức vụ này.

Tổng giáo phận Agaña ở đảo Guam có hơn 140 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 165 ngàn dân cư, và có 24 giáo xứ với 50 linh mục. Từ 30 năm nay, giáo phận này do Đức TGM Anthony Sablan Apuron dòng Capuchino coi sóc. Với quyết định trên đây của ĐTC, ngài vẫn giữ nguyên danh hiệu TGM giáo phận Agaña, nhưng việc cai quản do Đức TGM Hàn Đại Huy đảm trách.

Cha Lombardi cho biết Đức TGM Savio Hàn tiếp tục làm Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Mạng thông tin cruxnow.com, truyền đi hôm 5-6-2016, đưa tin Đức Anthony Sablan Apuron bị tố giác về một vụ lạm dụng tính dục cách 40 năm: cậu bé Roy Quintanilla, năm nay 52 tuổi và sống tại Hawaii.

Phó tế Martinez, điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục của giáo phận Agaña cho rằng Đức TGM đang bảo vệ chính mình và chính sách của tổng giáo phận chống lạm dụng tính dục không được vững mạnh. Tòa TGM Agaña bác bỏ những lời cáo buộc này và thuê một văn phòng luật sư nổi tiếng của Mỹ cũng như đang cộng tác với một điều tra viên độc lập.

Đức TGM Apuron đã bãi phó tế Martinez khỏi chức vụ điều hợp viên việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục.

G. Trần Đức Anh OP

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự lễ phong thánh cho hai chân phước Papczynski và Hasselblad sáng Chúa Nhật 6-6-2016

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski, người Ba Lan, và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, người Thụy Điển, cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật hôm qua trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ĐTC có  470 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn hướng dẫn, ca đoàn giáo phận Concorida Podenone, ca đoàn Goteborg và ca đoàn Bro Chamber.

Tham dự thánh lễ cũng có giới chức đạo đời của hai nước Ba Lan và Thụy Điển, gồm tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng văn hóa và tôn giáo và đại sứ của hai nước, cũng như hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương, trong đó cũng có một số linh mục tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Roma, và vài vị đến từ Thụy Điển.

Sau lời chào đầu lễ cộng đoàn đã hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Tiếp đến ĐHY Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, xin ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh và ngài đọc tiểu sử của hai vị.

Chân phước Stanislao Giêsu Maria Papczynski sinh năm 1631 tại Podegrodzie, trong tổng giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Sau thời gian huấn luyện, Stanislao gia nhập dòng các cha Scolopi, rồi được thụ phong Linh Mục. Cha nổi tiếng là bậc thầy của khoa hùng biện và giảng thuyết, cũng như là cha giải tội, đặc biệt là của Đức Sứ Thần Toà Thánh Antonio Pignatelli, sau này sẽ là ĐGH Innocenzo XII, và của vua Gioan III Sobieski. Cha viết cuốn Templum Dei Misticum Đền thờ thần bí của Thiên Chúa, trong đó cha trình bầy chương trình cuộc sống thiêng liêng, nhất là cho giáo dân, vì cha xác tin rằng họ cũng được mời gọi nên thánh.

Năm 1670 cha Papczynski ra khỏi dòng Scolopi với phép chuẩn, và thành lập một dòng mới với tên gọi là “Tu sĩ thánh mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, với đặc sủng phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt cho các nạn nhân chiến tranh và dịch hạch, và trợ giúp mục vụ cho các cha sở.

Với phép của ĐC Stefano Wierzbowski, GM Poznan, cha lui về tịch liêu Korabiew, xây nhà đầu tiên của dòng và viết Hiến pháp. Tiếp đến cha sống tại một nhà thờ nhỏ gọi là “Nhà tiệc ly của Chúa tại Giêsusalem mới, nay là Gora Kalwaria, cùng với các anh em cùng dòng hoạt động tông đồ và bác ái, trợ giúp dân nghèo vùng quê.

Cha Stanislao đã về Roma để xin Toà Thánh chấp nhận dòng và dòng đã được Toà Thánh chấp nhận năm 1699. Giai đoạn cuối cùng cuộc đời cha bị ghi dấu bởi bệnh tật. Và cha đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày 17 tháng 9 năm 1701 và được an táng trong nhà thờ Tiệc Ly tai Gora Kalwaria. Cha đã được ĐTC Biển Đức XVI phong Chân phước ngày 16 tháng 9 năm 2007.

Chị Maria Elisabetta Hesselblad sinh tại Faglavik bên Thuỵ Điển ngày mùng 4 tháng 6 năm 1870. Ngày từ ngày còn bé, khi nghe lời Chúa liên quan tới một chuồng chiên và một mục tử duy nhất, cô đã bắt đầu tuy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Năm lên 18 tuổi để giúp gia đình chị Maria Elisabetta  di cư sang Mỹ tìm việc làm. Chính trong môi trường mới này chị tiếp xúc với các tín hữu công giáo, và bắt đầu con đường tiến tới gần Giáo Hội  và lãnh nhận bí tích Rửa Tội năm 1902. Vì một tật bệnh đã có từ hồi còn nhỏ nay trở lại, chị hầu như gần chết, và ước mong qua đời tại Nhà thánh nữ Brigida ở Roma. Vì thế chị sang Roma và chính tại đây chị đã cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì, xin gia nhập và khấn trong dòng Brigida.  Tại Roma chị Maria Elisabetta nhận 3 ứng sinh người Anh và cùng với các chị này bắt  đầu thành lập một dòng mới lấy tên là dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh của thánh nữ Brigida. Được linh hứng bởi một tinh thần truyền giáo mãnh liệt và nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, chị quảng đại phục vụ và trợ giúp dân nghèo trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và đã được các chính quyền và dân chúng ghi ơn. Chị qua đời tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1957. Trong Năm Thánh 2000 chị đã được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước. Mới đây ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời bầu cử của hai chân phước. Hồi tháng 3 năm nay ĐTC đã họp  công nghị các Hông Y và quyết định tôn hai vị lên hàng hiển thánh.

Sau lời nguyện của ĐTC cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến ĐTC đã đọc công thức ghi tên hai chân phước vào trong sổ bộ các thánh. Thánh tích của hai vị đã được rước lên đặt trên bệ cao bên trái bàn thờ, và được Phó tế xông hương. ĐHY Amato đã cám ơn ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh.

Thánh lễ đã  tiếp tục với kinh Vinh danh và phần phụng Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Ba Lan. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

 

Giảng trong thánh lễ ĐTC  đã quảng diễn ý nghĩa  các bài đọc Chúa Nhật thứ 10 thường niên năm C kể lại phép lạ ngôn sứ Elia đã làm để cho con bà goá thành Sarepta hồi sinh, và  phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho anh con trai bà goá thành Naim sống lại. Ngài nói: Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe tuyên đọc dẫn chúng ta tới biến cố chính của đức tin: đó là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Đó là Tin Mừng của hy vọng vọt lên từ Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giãi toả từ gương mặt Ngài, vén mở Thiên Chúa Cha Đấng an ủi của người sầu khổ. Lời ấy mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để quyền năng sự phục sinh của Ngài được tỏ hiện nơi chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau:

Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô có câu trả lời của Thiên Chúa cho tiếng kêu âu lo và đôi khi giận dữ, mà kinh nghiệm của khổ đau và cái chết dấy lên trong chúng ta. Đây không phải là trốn chạy Thập giá, nhưng ở lại đó, như Trinh Nữ Mẹ đã làm, Mẹ là Đấng, khi cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu, đã nhận được ơn hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Đây cũng đã là kinh nghiệm của hai chân phước Stanislao Giêsu Maria và Maria Elisabetta Hesselblad, mà hôm nay chúng ta tôn phong lên hàng hiển thánh: hai vị đã kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và nơi các vị đã tỏ lộ quyền năng sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc thứ nhất và Phúc Âm của của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta hai dấu chỉ lạ lùng của sự sống lại, dấu chỉ thứ nhất do ngôn sứ Elia làm, dấu chỉ thứ hai do Chúa Giêsu làm. Trong cả hai trường hợp, người chết là hai con trai rất trẻ của hai bà goá được hồi sinh và trả lại cho mẹ họ.

Người đàn bà Sarepta, là phụ nữ không do thái, nhưng đã tiếp đón ngôn sứ Elia vào nhà; bà nổi giận với ngôn sứ và với Thiên Chúa, bởi vì chính trong lúc ngôn sứ là khách trọ nhà bà, thì đứa con trai của bà bị đau và tắt thở trên tay bà. Khi đó ngôn sứ Elia nói với bà: “Hãy đưa con bà cho tôi” (1 V 17,19). Đây là từ chià khóa: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa trước cái chết của chúng ta, trong mọi hình thái của nó; ngôn sứ không nói: “Hãy giữ lấy nó và tự liệu lấy” nhưng nói: “Hãy đưa nó cho tôi”. Thật vậy ngôn sứ đã bế đứa bé, đưa nó lên phòng bên trên, và ở đó một mình “chiến đấu với Thiên Chúa” trong lời cầu nguyện,  bằng cách đặt để Thiên Chúa trước sự vô lý của cái chết. Và Chúa đã lắng nghe lời cầu của ngôn sứ Elia, bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa nói và hành động qua ông. Chính Ngài, qua miệng ngôn sứ, đã nói với người đàn bà: “Đưa con bà cho tôi”. Và bây giờ chính ngôn sứ trả lại đứa con sống cho bà mẹ.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Sự dịu hiền của Thiên Chúa được mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất cảm thương bà góa thành Naim ở Galilêa, đang đi theo đứa con trai duy nhất còn thanh xuân ra mộ. Nhưng Chúa Giêsu tới gần, đụng vào cáng, chặn đoàn người đưa đám lại, và chắc chắn đã vuốt ve gương mặt đầy nước mắt của bà mẹ đáng thương ấy. Ngài nói với bà: “Đừng khóc” (Lc 7,13) như thể nói với bà: “Hãy cho tôi con bà”. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta Thật thế, thanh niên ấy tỉnh dậy như thể từ một giấc ngủ sâu,  và bắt đầu nói. Và Chúa Giêsu trả cậu lại cho mẹ cậu” (c.15). Ngài không phải là một nhà ảo thuật! Ngài là sự dịu hiền của Thiên Chúa nhập thể, nơi Ngài hoạt động sự cảm thương vô biên của Thiên Chúa Cha.

Cũng là một loại phục sinh sự sống lại của tông đồ Phaolô, từ kẻ thù nghịch và bách hại tàn bạo các kitô hữu đã trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng (x. Gl 1,13-17). Sự thay đổi triệt để này đã không phải là công trình của thánh nhân, mà là ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chọn thánh nhân và kêu gọi thánh nhân với ơn của Chúa, và muốn mạc khải trong thánh nhân Con của Ngài, để thánh nhân loan báo Chúa giữa muôn dân (cc. 15-16). Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa Cha đã hài lòng mạc khải Con của Ngài, không phải chỉ cho thánh nhân, nghĩa là hầu như in trong con người, thịt xác và tinh thần của thánh nhân, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, tông đồ sẽ không chỉ là một sứ giả, mà trước hết là một chứng nhân. Áp dụng vào cuộc sống chúng ta ĐTC nói:

Và cả với những người tội lỗi, từng người một, Chúa Giêsu không ngừng làm rạng ngời lên chiến thắng của ơn thánh trao ban sự sống. Ngài nói với Mẹ Giáo Hội: “Hãy cho ta các con ngươi”, là chúng ta tất cả. Ngài nhận lấy trên Ngài các tội lỗi của chúng ta, Ngài cất chúng đi và trao ban chúng ta sống cho chính Giáo Hội. Và điều này xảy ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy hai người con là chứng nhân gương mẫu của mầu nhiệm phục sinh này. Cả hai đều có thể ca hát đời đời, với các lời của tác giả Thánh vịnh: “Ngài đã thay đổi tiếng than van của con thành vũ điệu. Ôi Chúa, lậy Thiên Chúa của con, con sẽ tạ ơn Ngài luôn mãi” (Tv 30,12). Và chúng ta tất cả hãy hiệp tiếng nói rằng: “Con sẽ chúc tụng Chúa, vì Ngài đã nâng con dậy”.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nhà, Ý và Hoa. Các lễ vật đã được một gia đình 5 gồm cha mẹ với 3 con và 3 nữ tu dâng lên ĐTC.

Hàng chục linh mục đã giứp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời chào và đăc biệt cám ơn các phái đoàn chính thức của hai nưóc đã đến tham dự thánh lễ tôn phong hiển thánh cho hai người con Ba Lan và Thụy Điển. Ngài Xin Chúa chúc lành cho hai quốc gia nhờ lời bầu cử của các vị. ĐTC cũng chào và cám ơn các nhóm hành hương Italia và các nước khác cũng như tín hữu đến từ Estonia, giáo phận Bologna và các ban nhạc.

Ngài mời mọi người hướng tới Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ luôn hưóng dẫn trên con đường nên thánh và xây dựng công lý và hòa bình mỗi ngày.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải