Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật

Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Chúa Nhật, 12.06.2016

VATICAN. Lúc 10h30 sáng Chúa Nhật, ngày 12.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng Trường Thánh Phê-rô nhân Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật cả về thể xác lẫn tâm trí.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đặc biệt, tham dự thánh lễ, có hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ.

Trong lúc bài Tin Mừng được công bố, có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí có thể hiểu được.

 Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:19). Trong những lời này, Thánh Tông Đồ Phao-lô đã diễn tả cách mạnh mẽ mầu nhiệm đời sống Kitô giáo, mầu nhiệm đó có thể được gom tóm trong sự năng động phục sinh về cái chết và sự sống lại được nhận lãnh ngang qua Bí Tích Thanh Tẩy. Thật vậy, khi được dìm trong nước, mỗi người chúng ta đã chết và được mai táng cùng với Đức Kitô (Rm 6:3-4), và khi trồi lên khỏi mặt nước, một sự sống mới được chiếu tỏa rạng ngời trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này ôm ấp lấy tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta: kể cả bệnh tật, khổ đau và cái chết cũng được tìm thấy nơi Đức Kitô và chính ở nơi Ngài mà chúng ta đọc được ý nghĩa tối hậu cho những bệnh tật, khổ đau và chết chóc ấy. Ngày hôm nay, Ngày Năm Thánh dành cho bệnh nhân và những người mang những khuyết tật, Lời Chúa về sự tái sinh này lại có một âm vang đặc biệt cho mỗi người chúng ta.

Dù sớm hay muộn, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đối mặt – vào những thời điểm rất đau đớn – với sự yếu đuối mong manh và bệnh tật của chính chúng ta cũng như của người khác. Có bao nhiêu gương mặt khác nhau của nhân loại đã phải đón lấy kinh nhiệm này cách hết sức đặc trưng và đầy cảm xúc. Tất cả những điều ấy làm dấy lên câu hỏi bức thiết về ý nghĩa của đời sống con người. Chúng ta dường như dễ yếu lòng để chọn một giải pháp yếm thế, như thể cách giải quyết duy nhất chỉ đơn giản là kiên nhẫn chịu đựng những kinh nghiệm đau thương và cậy dựa vào sức của riêng bản thân. Hay có lẽ, chúng ta đã đặt tất cả sự tin tưởng vào khoa học, nghĩ rằng chắc chắn ở một nơi nào đó trên thế giới có một phương thuốc có khả năng chữa lành bệnh tật. Nhưng buồn thay, sự thật không phải như thế, thậm chí thần dược có tồn tại đi nữa, cũng chỉ đến được với một số người.

Bản chất con người, đã bị thương tổn vì tội lỗi, được ghi dấu bởi những giới hạn. Chúng ta đã thấy những chối bỏ, xuất hiện cách đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay, đối với sự sống có những giới hạn thể lý nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc, vì họ không thể sống một đời sống được định hình bởi một nền văn hóa vui chơi và giải trí. Trong một thời đại khi sự chăm sóc cho thân xác của con người trở thành nỗi ám ảnh và gây ra nhiều tốn kém, bất cứ ai không hoàn hảo đều phải được che dấu đi, vì người ấy đe dọa đến hạnh phúc và sự thanh bình của một số người có đặc quyền và là sự nguy hiểm đối với những người lãnh đạo. Những người khuyết tật phải bị tránh xa, phải bị ‘cách ly’ trong những tòa nhà ‘tô vôi hào nhoáng’, hay trong những ‘ốc đảo’ của lòng mộ đạo hay của công ích xã hội, để người ta không phải giữ lại không gian cho một hữu thể sai lầm. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí được nói rằng tốt hơn hết là hãy loại trừ những người khuyết tật đi càng sớm càng tốt, vì họ trở thành một gánh nặng kinh tế không thể chấp nhận được trong thời buổi khủng hoảng. Nhưng thật là ảo tưởng khi con người ngày nay nhắm mắt làm ngơ trước gương mặt của bao bệnh nhân và người khuyết tật. Họ đã không hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống, là phải biết đón nhận những đau khổ và giới hạn. Thế giới sẽ không trở nên tốt hơn nếu chỉ bởi những người có vẻ ‘hoàn hảo’ bên ngoài. Thế giới chỉ trở nên tốt hơn khi tình liên đới nhân loại, việc đón nhận và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng. Lời của Thánh Tông Đồ Phao-lô thật đúng đắn thay: ‘Những gì thế gian cho là yếu kém, Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh’(1 Cr 1:27)!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 7:36-8:3) trình bày cho chúng ta một tình huống cụ thể về sự yếu đuối. Một phụ nữ bị xem là tội lỗi, bị người khác xét xử và loại trừ, nhưng Đức Giêsu lại đón nhận và bảo vệ chị: ‘Chị đã yêu mến nhiều’ (Lc 7:47). Đó là kết luận của Đức Giêsu, Đấng đã chú ý đến những đau khổ và sự nài xin của chị. Sự dịu dàng của Đức Giêsu là dấu chỉ của tình yêu mà Thiên Chúa bày tỏ cho những ai đau khổ và bị gạt ra bên lề. Đau khổ không chỉ là về thể lý nhưng còn là tinh thần, một trong những bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Đó là sự đau khổ của tâm hồn; khiến người ta buồn khổ vì thiếu tình yêu mến. Khi kinh nghiệm được sự thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan thân thiết, chúng ta mới nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh đến là dường nào. Vì thế, cám dỗ muốn trở nên tự-chấp-nhận-mình (tự-đủ-cho-chính-mình) lại phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, và chúng ta có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn lao nhất trong đời sống: yêu bất chấp chất cả.

Hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn có thể được diễn tả trong rất nhiều cách thức và chỉ đạt được khi chúng ta có khả năng yêu thương. Đó chính là đường lối của tình yêu, ngoài ra không còn cách nào khác. Nhưng thách đố là ai mới là người yêu thương nhất. Bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ đã lại rộng mở tâm hồn khi họ nhận ra họ được yêu thương! Bao nhiêu tình yêu mến đã được ngự trị nơi tâm hồn chỉ đơn giản với một nụ cười dễ mến! Như thế, chính sự yếu đuối mong manh của chúng ta có thể trở thành một nguồn mạch của sự an ủi, và nâng đỡ chúng ta trong cảnh cô đơn. Đức Giêsu, trong cuộc khổ nạn, đã yêu chúng ta cho đến cùng (Ga 13:1); trên thánh giá, Ngài đã mặc khải tình yêu bằng cách hoàn toàn trao ban chính mình. Chúng ta có thể đến với Thiên Chúa với những yếu đuối, bệnh tật, đau khổ của chúng ta khi chúng ta nhận ra những đau khổ ấy mô tả gương mặt của Người Con Một Yêu Dấu bị đóng đinh trên thập giá? Những đau đớn thể xác mà Người phải chịu đi kèm với sự nhạo báng, hạ nhục và khinh miệt. Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại những điều ấy bằng lòng thương xót khi Ngài đón nhận và tha thứ tất cả: Chính bởi thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành’(Is 53:5; 1 Pr 2:24). Đức Giêsu là thầy thuốc chữa lành với phương dược tình yêu, vì Ngài đã dùng chính bản thân mình để xoa dịu những đau khổ và cứu độ chúng ta. Thiên Chúa có thể hiểu những yếu đuối của chúng ta, vì chính Ngài đã kinh nghiệm điều ấy như một người phàm thật sự (Dt 4:15).

Cách chúng ta kinh nghiệm bệnh nạn và những khuyết tật là một chỉ số tình yêu mà chúng ta đang sẵn sàng để trao ban. Cách chúng ta đối mặt với đau khổ và những giới hạn là sự đo lường tự do của chúng ta trong việc đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm cuộc sống nhân sinh, cả khi chúng phủ lấp chúng ta bằng sự vô nghĩa và không có ích lợi gì. Nhưng chúng ta đừng để bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy (1 Tx 3:3). Chúng ta biết rằng trong sự yếu đuối chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ (2 Cr 12:10) và được lãnh nhận ân sủng để mang lấy vào mình những gian nan thử thách của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1:24). Vì thân thể ấy, hình ảnh của chính Thiên Chúa Phục Sinh, gìn giữ những thương tích của mình, dấu vết của một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đó là những thương tích được biến đổi mãi mãi vì tình yêu.”

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Đức. Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên cho Đức Thánh Cha trong phần Dâng Lễ, cũng có một gia đình với em bé gái bị down, hay là bệnh khờ.

Hàng chục các linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha thông báo rằng: “Hôm thứ 7, 11.06, ở a Vercelli, Giáo hội đã tuyên phong chân phước cho linh mục Giacomo Abbondo. Ngài sống vào khoảng thế kỷ 18, có lòng yêu mến Chúa nông nàn, hết mình dấn thân cho phần rỗi của các con chiên trong xứ đạo. Đồng thời, ở Monreale, ngày hôm nay, nữ tu Carolina Santocanale, vị sáng lập Dòng Nữ Tu Capucino Của Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ Đức, cũng được tuyên phong chân phước.

Trong bối cảnh Ngày Năm Thánh Dành cho các bệnh nhân, Hội Nghị Quốc Tế về chăm sóc sức khỏe cho những người nhiễm bệnh Hansen cũng đang được diễn ra ở Roma trong những ngày này. Với tâm tình biết ơn, tôi gởi lời chào thân ái đến ban tổ chức và những người tham dự hội nghị, hy vọng rằng hội nghị sẽ gặt hái được nhiều thành công trong việc chống lại bệnh phong.

Ngày hôm nay, ngày thế giới chống lạm dụng trẻ em. Xin cho các trẻ em được giải thoát khỏi những hình thức nô lệ, bách hại và lạm dụng.

Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác, đã hiện diện trong buổi lễ ngày hôm nay. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và che chở cho hết thảy mọi người chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả cuốn sách mới cho giới trẻ

Đức giáo hoàng với Scholas Occurentes

Vatican – Sau khi trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên là tác giả của một cuốn sách cho giới trẻ vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là tác giả của một cuốn sách khác sắp được phát hành, dựa trên các câu trả lời của ngài cho các câu hỏi của giới trẻ đặt ra cho ngài trên một trang web.

Trong cuộc họp mặt quốc tế của các lãnh đạo của tổ chức Scholas Occurentes, nhà báo và tác giả Tiziana Lupi đã giải thích là cuốn sách mới nhắm mở ra một cánh cửa đối thoại với giới trẻ. Scholas Occurentes là tổ chức được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập vào tháng 8/2013 như sáng kiến để khuyến khích sự hội nhập xã hội và văn hóa của gặp gỡ qua kỹ thuật, nghệ thuật và thể thao. Tác giả Lupi cũng cho biết:việc xuât bản đã kết hợp những nỗ lực của tổ chức Scholas trong việc tạo nên một diễn đàn kỹ thuật mới “cho phép các bạn trẻ khắp thế giới, thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo, đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà không bị lọc lựa”. Bình thường chỉ các nhà báo đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng, nhưng lần này các bạn trẻ có thể làm điều này qua trang web: new page “Ask Pope Francis” (đây là đường link trực tiếp: http://askpopefrancis.scholasoccurrentes.org/pope-francis-en-gb/). Chắc chắn là sẽ có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Đức Giáo Hoàng nên chỉ có những câu thật sự xuất phát từ trái tim sẽ được chọn in trong sách. Cuốn sách này có thể được phát hành khoảng tháng 10 hay 11 năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các tham dự viên trong buổi họp hôm qua, 29 tháng 5. Sau khi nghe chứng từ đầy nước mắt của một thiếu nữ Mexico có cha mẹ đã chia tay, bị ngược đãi khi đến Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng được cho biết là một chiến dịch chống ngược đãi do tổ chức Scholas đưa ra với hashtag “#nosotrossomosunicos”, nghĩa là “chúng ta là duy nhất”.

Sau chứng từ của em gái người Mexico, 12 bạn trẻ trên mạng Youtube đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sao để xây dựng một thế giới tốt hơn, đa dạng và hòa đồng. Đức Giáo Hoàng trả lời là mỗi người phải nhận ra căn tính cá nhân của họ. Ngài giải thích là sẽ không có tương lai nếu một người thiếu một căn tính rõ ràng. Nếu muốn sự ngược đãi được ngừng lại thì chúng ta phải bỏ sự tấn công lại sau lưng; “ngược đãi là một sự tấn kích che dấu một sự tàn ác sâu sắc.” “Thế giới tàn ác. Chiến tranh là những tượng đài của sự tàn ác”, Đức Giáo Hoàng nói như thế và lấy từ trong túi ra một tấm ảnh mà một nữ tu ở châu Phi đã gửi cho ngài. Cho những tham dự viên xem tấm ảnh và Đức Giáo Hoàng than phiền: làm sao người ta có thể vẽ những hình ảnh ghê tởm như hình một em bé bị cắt cổ và em khác bị chặt đầu.

Đức Giáo Hoàng giải thích: nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta phải loại bỏ mọi hình thức tàn ác. Thay vì tấn kích, chúng ta phải đạt được khả năng lắng nghe người khác và đối thoại, hơn là tranh luận. Ngài nói với các người hiện diện: “đừng sợ đối thoại” bởi vì với đối thoại “mọi người đều chiến thắng, không có ai thua cuộc”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: thế giới hôm nay cần giảm bớt mức độ tấn kích; nó cần sự khoan dịu, cần lắng nghe, cần bước đi với nhau. Vì thiếu những thái độ này nên đã có những tàn ác. (CAN 29/5/2016)

Hồng Thủy OP

Thanh tẩy

Thanh tẩy

Đền thờ Giêrusalem đầu tiên được vua Salomon xây dựng rất đồ xộ, vĩ đại và cũng rất nguy nga, tráng lệ, đây là một công trình quý giá vào bậc nhất thời bấy giờ, phải huy động mỗi ngày cả trăm ngàn công nhân và bảy năm mới hoàn thành, đền thờ này đứng vững được 400 năm thì bị Nabucô, vua nước Babylon phá hủy vào năm 587 trước Công nguyên. Sau thời gian lưu đầy Babylon, Giôrôbaben kiến thiết lại đền thờ, nhưng thô sơ thôi. Đến thời Hêrôđê đại vương, ông cho trùng tu lại toàn bộ đền thờ, rất vĩ đại và nguy nga lộng lẫy, mỗi ngày có 18,000 thợ làm việc, không thể ước tính được số kinh phí, khởi công từ năm 20 trước Công nguyên mãi đến năm 63 sau Công nguyên mới xong, đền thờ này cũng bị tàn phá bình địa vào năm 70 do tướng Titô của Rôma tấn công.

Đền thờ rất vĩ đại, chia ra từng khu cho từng loại người: ngoài cùng là khu dành cho người ngoại giáo đến tham quan đền thờ, rồi đến khu dành cho phụ nữ, rồi đến khu dành cho nam giới, khu thiêu sinh các của lễ, khu dành cho tư tế, rồi đến bàn thờ dâng hương, trong cùng là nơi cực thánh, đặt hòm bia 10 điều răn, tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa ở đây.

Đối với người Do Thái, đền thờ là trung tâm tôn giáo của dân tộc, vừa cụ thể hóa sự hiện diện uy nghiêm của Thiên Chúa vừa chính thức hóa việc phụng tự của cả dân tộc, bởi đó, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho muôn dân, và không ngừng mang tính chất linh thiêng thánh thiện. Nhưng dần đà người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc, dĩ nhiên với lý do tốt đẹp bên ngoài là để phục vụ việc tế tự. Quang cảnh ấy đã làm Chúa Giêsu khó chịu, nổi giận, Ngài yêu cầu mọi người trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng phải có.

Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán và trao đổi tiền bạc ở đền thờ Giêrusalem, hành động này của Chúa được gọi là hành động thanh tẩy đền thờ, nhưng làm cho giới lãnh đạo Do Thái giáo khó chịu và hạch hỏi Chúa, nhân cơ hội này Chúa dạy bảo cho họ biết một điều rất quan trọng về cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Từ khi lên 12 tuổi và suốt thời gian ẩn dật, hàng năm Chúa Giêsu đều lên đền thờ Giêrusalem dự lễ, tại sao Ngài không đuổi những người buôn bán trong đền thờ mà lại làm bây giờ, khi sắp kết thúc cuộc đời trần gian của Ngài? Vì bây giờ Ngài vào nhà Thiên Chúa không phải với tư cách một người hành hương nhưng với tư thế của một Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, Ngài vào đó và chính thức can thiệp với tư cách quản lý và chủ nhân. Dĩ nhiên trong những lần hành hương trước, chắc chắn Chúa Giêsu đã lấy làm chướng tai gai mắt cái cảnh buôn bán, biến nơi cầu nguyện thành chợ búa, ồn ào, thành hang trộm cướp, bây giờ chính thức lãnh lấy trách nhiệm chu toàn công việc của Chúa Cha, Ngài phải chấm dứt ngay cảnh lộn xộn đó. Lòng nhiệt thành vì Cha đã khiến Ngài dùng mọi phương thế hữu hiệu nhất để thanh tẩy đền thờ, Ngài không sợ nguy hiểm khi phải ra tay dẹp loạn hầu thể hiện thánh ý Chúa Cha là đền thờ phải là nơi tôn nghiêm, thánh thiện.

Hành động thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho các trưởng tế khó chịu, bực tức, họ cho Ngài là một kẻ phản động, vì Ngài không có chức tư tế, cũng chẳng có nhiệm vụ nào trong đền thờ. Chúa Giêsu đã kết án cách tổ chức của các trưởng tế và gán cho mình một uy quyền trên họ, Ngài đã bãi bỏ việc phụng tự do Thiên Chúa thiết lập, và còn gán cho mình có quyền bằng Thiên Chúa, Đấng mà Ngài gọi là Cha, nếu vậy thì phải làm một phép lạ từ trời, nghĩa là từ Thiên Chúa để làm bằng chứng, vậy Chúa Giêsu đã làm phép lạ nào?

Chúa trả lời: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Các người Do Thái đã nghĩ ngay đến đền thờ bằng gạch đá, nhưng Chúa Giêsu không có ý nói đến đền thờ bằng gạch đá mà là đền thờ thân thể Ngài. Nghe Chúa nói thế, các trưởng tế tỏ vẻ khó chịu ra mặt, họ biết đền thờ đã được vua Hêrôđê sửa sang, xây dựng mất 46 năm mới xong, thế mà bây giờ Chúa bảo phá hủy đi và xây dựng lại chỉ trong ba ngày, họ không tin lời Chúa nói mà còn cho là Chúa phạm thượng, nên khi Chúa bị đưa ra tòa xét xử, họ đã đưa điều này ra để tố cáo Chúa. Thật ra ở đây Chúa muốn báo trước cho mọi người biết: Ngài sẽ bị giết chết nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, Ngài dùng đền thờ làm hình ảnh để nói về thân thể Ngài là đền thờ đích thực của Thiên Chúa, lời tiên báo của Chúa đã xảy ra đúng như vậy.

Mỗi người chúng ta đều là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị, nhưng có thể Thiên Chúa đã mất chỗ, nghĩa là tội lỗi đã chiếm mất chỗ của Chúa, vậy chúng ta phải trả lại chỗ cho Chúa bằng việc tẩy trừ tội lỗi. Chúa muốn chúng ta sống hiên ngang như đền thờ Giêrusalem, Chúa muốn chúng ta sống tự do độc lập hoàn toàn với tội lỗi, bởi vì phạm bất cứ tội gì, có tính hư tật xấu nào, mắc một đam mê nào là chúng ta làm nô lệ cho những thứ đó, như Chúa Giêsu đã nói: “Ai phạm tội là nô lệ cho tội”. Muốn độc lập với tội lỗi chúng ta phải đến với Chúa Giêsu, ăn năn sám hối, xin Chúa tha thứ, để được sống trong tự do của con cái Chúa.

Sưu tầm

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Phỏng vấn Cha Francesco Cereda, Phụ tá Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco

Ngày 15-8-2014 lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, dòng Don Bosco đã bắt đầu các lễ nghi mừng kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra tại Castelnuovo d'Asti vùng Piemonte, trung bắc Italia, ngày 16 tháng 8 năm 1815. Năm kỷ niệm này được ghi dấu bằng nhiều biến cố mừng kính vị thánh lập dòng Salesien và là bổn mạng của giới trẻ. Ngoài lễ nghi khai mở năm kỷ niệm tại Castelnuovo, còn có đại hội quốc tế về lịch sử và sư phạm Salesien, và đại hội quốc tế phong trào giới trẻ Salesien. Từ ngày 19 tháng 4 năm tới sẽ có cuộc trưng bầy Tấm Khăn Liệm thành Torino nhân năm kỷ niệm này.

Giovanni Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 trong một căn nhà khiêm tốn tại thôn I Becchi làng Castelnuovo, là con ông Francesco Bosco và bà Margherita Occhiena, nông dân. Ông Francesco qua đời vì bệnh phổi năm 1817 khi mới 33 tuổi, để lại vợ và ba con. Thế là khi mới 2 tuổi Giovanni đã mồ côi cha. Một thân một mình bà Margherita phải tần tảo nuôi ba con thơ và mẹ chồng bệnh hoạn. Cuộc sống thời đó vô cùng khó khăn và có rất nhiều người chết vì đói và dịch tễ. Năm lên 9 tuổi Giovanni có một giấc mơ, khiến cậu quyết định trở thành linh mục, và giấc mơ đó sẽ là lý do khiến cho sau này cha Bosco quy tụ các trẻ em mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em lao động, hay từng vào tù ra khám, để trợ giúp, dậy dỗ các em nên thân nên người. Trong thời gian theo học tại trường tiểu học Capriglio, cậu bé Giovanni đã quyết định học làm xiệc để lôi kéo các trẻ em cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Nếu muốn xem cậu làm xiệc, thì các trẻ em trước đó phải lần hạt Mân Côi và lắng nghe một đoạn Phúc Âm.

Vì bị người anh cả cùng cha khác mẹ là Antonio ghen ghét và đánh đập, Giovanni được mẹ gửi đến Moncucco Torinese giúp việc cho gia đình ông Luigi và bà Dorotea Moglia từ năm 1827 đến 1829, và chỉ có thể trở về nhà khi Antonio lập gia đình năm 1831. Trong thời gian này Giovanni tìm mọi cách học để chuẩn bị vào chủng viện, nhưng việc học khi được khi không. Bù lại Giovanni học được nghề thợ may, thợ rèn, sau nay sẽ rất hữu hiệu vì cbúng sẽ là các nghề trong trường kỹ thuật Valdocco của dòng Salesien.

Để có tiền đi học tại tỉnh Chieti Giovanni trọ ở nhà bà Lucia Matta, và làm đủ mọi nghề: giúp việc, giúp bàn, dọn dẹp chuồng bò để có tiền đi học. Chính tại đây anh thành lập ”Hội Tươi Vui” và trổ tài làm xiệc để lôi kéo người trẻ tới với đời cầu nguyện và cuộc sống đức tin. Trong thời gian này Giovanni làm bạn với Lugi Comollo. Gương sống dịu hiền, vô tội và tha thứ của Luigi Comollo sẽ khiến cho Giovanni sau này lấy khẩu hiệu: ”Hãy lấy hết mọi sự, nhưng xin cho con các linh hồn”.

Sau bao nhiêu kiên trì vượt mọi khó khăn cuối cùng Giovanni Bosco được gia nhập chủng viện Chieti, theo học tại đây từ năm 1935 tới 1841 và được thụ phong linh mục ngày mùng 5 tháng 6 năm 1841. Tuy được bạn bè và người quen đề nghị làm thầy dậy học tư hay tuyên úy, nhưng cha Bosco từ chối. Cha quyết định vào sống trong cư xá ở Torino gần nhà thờ thánh Phanxicô thành Assisi, nơi linh mục Luigi Guala đang lo cho 45 thanh niên chuẩn bị học làm linh mục, với sự trợ giúp của cha Giuseppe Cafasso, là người đã mời cha Bosco tới phụ lực với hai cha.

Được linh hứng bởi công việc của cha Giovanni Cocchi, người đã tìm cách quy tụ các người trẻ gặp khó khắn tại Torino trong một cư xá, cha Bosco quyết định đi găp các trẻ em bụi đời và quan sát cuộc sống khổ cực của các em cũng như nói chuyện với các em. Mới 8-9 tuổi nhưng các em đã phải làm việc lam lũ trong các nhà máy để mưu sinh, và thường bị người lớn ức hiếp ăn cắp lương. Các em rất qúy trọng cha vì cha bênh vực các em. Cùng với cha Cafasso, cha Bosco cũng bắt đầu viếng thăm các người trẻ bị tù.

Nhận thấy tình yêu thương của cha, các bạn trẻ tuổi từ 12 tới 18 bắt đầu tin cậy và kể lại cho cha nghe các khổ đau khó khăn của họ. Cha dặn họ khi ra khỏi tù tới gặp cha tại giáo xứ thánh Phanxicô Assisi. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1841 trước khi dâng thánh lễ cha gặp Bartolomeo Garelli trong phòng mặc áo. Đó là bạn trẻ đầu tiên tìm đến với cha. Cha Bosco quyết định tụ tập tất cả các trẻ em nghèo, mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em công nhân làm nghề lau ống khói, các người trẻ mới ra khỏi tù, để đậy đỗ các em. Bốn ngày sau cùng với Bartolomeo Garelli, có thêm ba anh em Buzzetti và bạn bè của các em. Đó là nhóm sẽ làm thành tổ ấm đầu tiên của dòng Salesien. Chỉ ít lâu sau trẻ em đông tới độ cha Bosco phải nhờ ba linh mục khác trợ giúp.

Mùa xuân năm 1842 mấy anh em Buzzetti đem theo Giuseppe người em út đến tổ ấm. Giuseppe rất yêu mến cha Bosco, quyết định theo cha trong ơn gọi linh mục và sau này trở thành cánh tay mặt của cha trong dòng Salesien. Tháng tư năm 1846 cha Bosco tìm được một khu đất và một căn nhà cho các con cái của cha tại Valdocco. Năm 1854 cha bắt đầu thành lập dòng Salesien, và năm 1872 với sự trợ giúp của chị Maria Domenica Mazzarello cha thành lập nhánh nữ Salesien lo việc giáo dục cho các trẻ nữ. Năm 1875 cha gửi nhóm thừa sai Salesien đầu tiên sang Buenos Aires, thủ đo Argentina. Sau đó dòng lớn mạnh và phát triển tại nhiều nước Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Á châu trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay dòng Don Bosco có 15.560 tu sĩ, trong đó có 121 Giám Mục, 10.433 linh mục, điều khiển 1823 cơ cở giáo dục và các trường kỹ thuật dậy nghề cho người trẻ đó đây trên thế giới.

Cha Don Bosco qua đời tại Torino ngày 31 tháng giêng năm 1888. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã phong Chân phước cho người ngày mùng 2 tháng 6 năm 1929, rồi nâng lên hàng hiển Thánh ngày mùng 1 tháng 4 năm 1934. Xác của cha hiện được để trong đền thánh Đức Bà Phù Hộ ở Torino.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Francesco Cereda, phụ tá cha Bề trên tổng quyền dòng Don Bosco, về năm kỷ niệm này.

Hỏi: Thưa cha các lễ nghi kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra đã diễn ra như thế nào?

Đáp: Các lễ nghi kỷ niệm 200 năm đã bắt đầu vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, với biến cố cha Bề trên tổng quyền đã được Hội đồng tỉnh và Hội đồng mục vụ giáo xứ Castelmuovo tiếp đón. Ngay buổi chiều đầu tiên này cha Bề trên tổng quyền đã minh nhiên vai trò của Đức Mẹ Maria trong cuộc đời thánh Bosco, cũng như sự kiện thánh nhân đã học tín thác cho Đức Mẹ từ thân mẫu là bà Margherita, và bên trong môi trường giáo xứ. Thứ bẩy 16-8 có cuộc hành hương, theo sau đó là thánh lễ đồng tế tại quảng trường vương cung thánh đường kính thánh Bosco tại Colle Don Bosco. Trong thánh lễ cha Bề trên tổng quyền đã đọc sứ điệp gửi năm Don Bosco, và Hội đồng thành phố đã trao tặng tước hiệu ”công dân danh dự” cho cha.

Hỏi: Thưa cha, đâu là các mục đích của năm kỷ niệm với đề tài ”Don Bosco với người trẻ và cho giới trẻ?

Đáp: Mục đích chính là kỷ niệm gương mặt của cha thánh Don Bosco, bằng cách duyệt xét các thách đố mà thánh nhân đã đương đầu, để học từ chính thánh nhân, để xem ngày nay chúng ta phải trả lời cho các thách đố của giới trẻ như thế nào. Như vậy chúng ta có thể đưa ra một bài học phân định mục vụ liên quan tới các tình trạng, trong đó người trẻ phải sống trong các phần đất khác nhau của thế giới này. Như thánh Bosco chúng tôi cũng ước muốn dấn thân như gia đình Salesien và như là phong trào Salesien là sống với người trẻ và cho người trẻ. Do đó đề tài đồng hành, sống gần gũi với người trẻ, hiểu biết họ, và lôi cuốn họ trong hoạt động giáo duc mục vụ dành riêng cho họ, tới độ làm cho mỗi một người trẻ khám phá ra chương trình Thiên Chúa có đối với họ, và như thế hướng cuộc sống họ cho tương lai.

Hỏi: Thưa cha, năm kỷ niệm sẽ kéo dài cho tới ngày 16 tháng 8 năm 2015: đâu là các sáng kiến chính được dự trù cho năm này?

Đáp: Có các sáng kiến trên bình diện toàn cầu, như 90 cuộc thanh tra toàn dòng trên thế giới. Trên bình diện dòng thì sáng kiến đầu tiên sẽ là vào cuối tháng 9 sẽ có lễ nghi trao Thánh Giá truyền giáo cho các tu sĩ ra đi rao truyền Tin Mừng trên thế giới. Tiếp theo đó vào tháng 11 sẽ có một đại hội lịch sử duyệt xét sự phát triển đặc sủng của thánh Bosco từ quan điểm lịch sử hoạt động của dòng, từ quan điểm giáo dục và từ quan điểm tu đức. Tiếp theo đó riêng tại Italia sẽ có đại hội toàn quốc diễn ra ngày 24 tháng giêng tại Torino, rồi trong tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế sư phạm tại đại học Salesien. Một trong các biến cố mà chúng tôi sẽ tham dự như là gia đình Salesien đó là vuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Torino, nhân dịp trưng bầy Tấm Khăm Liệm trong năm kỷ niệm này. Thế rồi trong tuần cuối cùng của tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế của người trẻ để giúp họ trở thành các Don Bosco ngày nay trong môi trường sống thường ngày của họ.

Hỏi: Thưa cha, sứ điệp của thánh Bosco Đấng sáng lập dòng Salesien có còn thời sự hay không và đâu là các điểm mạnh của sứ điệp này?

Đáp: Chúng ta thấy sứ điệp này được tiếp nhận trong nhiều phần khác nhau trên thế giới chính vì nó là một sứ điệp thiện cảm với người trẻ và gần gũi họ. Sư phạm của thánh Bosco, chúng ta có thể định nghĩa như là nghệ thuật khích lệ: gần gũi người trẻ trong chính môi trường sống của họ, cả qua đề nghị của lòng tin. Chính nhờ sự gần gũi với người trẻ hệ thống giáo dục của thánh Bosco dẫn đưa người trẻ tới chỗ trưởng thành, cho dù họ là tín hữu của tôn giáo nào đi nữa. Chương trình giáo dục đó là trợ giúp mọi người trẻ có một tương lai và có thể sống cho tha nhân. Bởi vì đó là kiểu giáo dục của thánh Bosco: bắt đầu thành lập một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều người, vì để giáo dục cần có rất nhiều người cộng tác.

(RG 15-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio