Các Giám mục Hoa kỳ ủng hộ việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu

Các Giám mục Hoa kỳ ủng hộ việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu

cac-giam-muc-hoa-ky-dang-hop-dai-hoi-mua-thu

Baltimore – Trong đại hội mùa thu diễn ra từ 14-16 tại Baltimore, các Giám mục Hoa kỳ đã bỏ phiếu đồng thuận việc xin mở án phong thánh cho 4 tín hữu Hoa kỳ. Việc hỏi ý kiến hội đồng Giám mục là một phần của tiến trình phong thánh, trước khi các Giám mục địa phương xin phép Bộ phong thánh mở án.

4 tín hữu đó là Julia Greeley, nguyên là một nô lệ sống tại Colorado, nữ tu Blandina Segale, dòng Bác ái phục vụ ở biên giới, cha Patrick Ryan, thi hành sứ vụ giúp những người bị sốt vàng da và đức ông Bernard Quinn, người đã chống lại sự cuồng tín và lập một nhà thờ và cô nhi viện cho người gốc Phi ở Brooklyn, New York. 4 trường hợp trên đã được các Giám mục địa phương lần lượt trình bày cho các Giám mục tại đại hôị, trước khi các ngài bỏ phiếu vào ngày 15/11.

Julia Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1838-1848. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ vào năm 1863, Greeley đến sống ở Colorado, giúp đỡ những người nghèo dù cho chính mình cũng nghèo. Greeley qua đời năm 1918.

Nữ tu Blandina sinh tại Italia năm 1850 và nhập cư vào Cincinnati khi lên 4. Cô gia nhập dòng bác ái khi 16 tuổi và làm việc trong các trường học, cô nhi viện và bệnh viện ở Ohio, New Mexico và Colorado, trở thành người bảo vệ người nghèo, người bệnh, người bị xã hội gạt bỏ, người bản xứ và các người Mêxicô và Italia nhập cư. Sơ thường thăm các nhà tù và hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội như buôn người và các tội phạm vị thành niên. Sơ qua đời năm 1941 khi 91 tuổi.

Cha Patrick Ryan là một người Ai len nhập cư, sinh năm 1845 và chịu chức Linh mục năm 1869 tại Nashville, Tennessee. Cộng đoàn của cha bị bệnh dịch lây truyền làm cho hàng trăm người chết. Cha đã đi đến những vùng bị lây nhiễm của thành phố để giúp các người bệnh và người nghèo khổ. Cha bị nhiễm bệnh và qua đời năm 1878 khi mới 33 tuổi.

Một Linh mục khác là đức ông Bernard Quinn, cũng là một người gốc Ai len, sinh năm 1888 tại Newark, New Jersey. Ngài được thụ phong Linh mục năm 1912 và phục vụ trong giáo phận Brooklyn nơi cha chú tâm đến ơn gọi Linh mục và tu sĩ cho các tín hữu Công giáo gốc Phi. Năm 1922 cha thành lập nhà thờ thánh Phêrô Claver cho các tín hữu Công giáo gốc Phi và vài năm sau cha xây một cô nhi viện cho cộng đoàn người Mỹ gốc Phi. (CNS 16/11/2016)

Hồng Thủy

Xin Thiên Chúa ban cho các linh mục ơn can đảm sống nghèo khó như Đức Kitô

Xin Thiên Chúa ban cho các linh mục ơn can đảm sống nghèo khó như Đức Kitô

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-18-11-2016

Người dân không tha thứ cho các linh mục gắn chặt với tiền của. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống nghèo khó như Chúa Kitô. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đánh đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ, vì những kẻ đổi chác tiền bạc đã làm cho Đền Thờ vốn là nhà Thiên Chúa là nơi cầu nguyện, lại biến thành “sào huyệt của bọn cướp”. Chúa làm cho chúng ta hiểu được rằng, mầm mống mà kẻ thù gieo rắc để hủy hoại Nước Trời chính là lòng tham lam tiền bạc. Một khi cõi lòng cứ gắn chặt lấy tiền bạc, thì cũng giống như đang thờ tà thần. Chúa Giêsu đã nói: Không ai có thể làm tôi hai chủ, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.

Đây là nhà Chúa, là nhà để cầu nguyện, là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu. Và tiền bạc cứ luôn tìm cách để lẻn vào nhà của Thiên Chúa. Có những người vào nhà của Chúa mà luôn mua bán đổi chác và tìm cách thuê những vị trí này nọ? Họ đến với các linh mục để đặt chỗ để thuê và họ mang theo tiền bạc. Những người ấy sẽ phá hủy đời sống chúng ta và có thể dẫn chúng ta tới một cuộc sống gian dối và bất hạnh, không còn niềm vui phục vụ Thiên Chúa chân thật nữa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta niềm vui đích thực.

Bạn có thái độ nào đối với tiền bạc? Đây là một chọn lựa cá nhân. Bạn có dính chặt với tiền bạc không?

Dân Chúa có cảm thức tuyệt vời trong việc đón nhận, trong việc phong thánh, và cả trong việc lên án nữa. Bởi vì dân Chúa có khả năng lên án và tha thứ cho nhiều yếu đuối, nhiều tội lỗi của các linh mục, nhưng có hai điều dân Chúa không thể chấp nhận. Thứ nhất là sự dính chặt với tiền bạc. Khi dân Chúa nhìn thấy những linh mục tham tiền, thì họ không thể tha thứ cho vị linh mục ấy. Thứ hai là đối xử tệ hại với các tín hữu. Khi các linh mục ngược đãi con người, dân Chúa không thể chấp nhận được, không thể tha thứ. Có nhiều loại yếu đuối bất toàn khác, dân Chúa có thể hiểu và cảm thông.

Thật là buồn chán khi thấy một linh mục sắp qua đời trong tình trạng hôn mê và đau đớn, mà cháu chắt chỉ đăm đăm chăm chú tìm xem họ có thể lấy được những gì. Xin ban cho họ kho tàng đích thực là chính Chúa, là kho tàng mà những tâm hồn thành tâm thiện chí kiếm tìm. Chúng ta cầu nguyện “Lạy Chúa, Ngài là Chúa của con!” hay chúng ta lại có thần tiền nằm thầm kín trong thâm tâm? Hãy can đảm, hãy là người dũng cảm! Hãy lựa chọn!

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống nghèo khó như Chúa Kitô. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống cái nghèo của người lao động, là những người làm việc và kiếm tìm điều chân thực và không muốn gì hơn.

Tứ Quyết SJ

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

Rita Coruzzi, bị tàn tật, tìm lại được đức tin sau khi hành hương Lộ Đức

hang-da-duc-me-lo-duc

Rita Coruzzi chào đời ngày 2 tháng 6 năm 1986, sớm hơn thời gian bình thường của một thai nhi. Ngay khi vừa chào đời, Rita đã gặp những vấn đề đầu tiên về sức khỏe; em bị trật khớp hông và thiếu ổ xương. Do đó Rita không thể đi được như các em bé khác. Nhưng Rita và mẹ em không chịu đầu hàng với bệnh tật. Rita đã làm vật lý trị liệu, rồi chịu 3 lẫn phẫu thuật, và 1 trong 3 lần phẫu thuật bị thực hiện sai; thế là cho đến nay, không có trị liệu nào mang lại kết quả và Rita phải gắn bó đời mình với chiếc xe lăn.

Rita đã giận Chúa vì Người để cho em phải chịu những bệnh tật này khi mà em tin tưởng phó thác vào Chúa. Em đã phải chịu những chữa trị đau đớn khi chỉ mới 10 tuổi. Em đã đặt mình trong tay Chúa trong cuộc phẫu thuật. Em tin tưởng là Chúa không làm những điều xấu cho em nhưng em lại phải trở lại với chiếc xe lăn, điều mà em không muốn. Thế là trong 4 năm trời, Rita đã giận dữ với Chúa; em kết án Người là bất công và ác độc. Rita không tin vào sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa nữa.

Một ngày kia, khi Rita đang đi cùng mẹ trên xe hơi, em tự hỏi tại sao Chúa bỏ rơi tôi? Mẹ của Rita trả lời em: “Chuá không bỏ rơi con. Nếu những điều này xảy ra với con là vì Chúa có chương trình của Người và con hãy phục vụ Chúa như con hiện giờ.” Rita đã có thể chấp nhận sống trên chiếc xe lăn là nhờ một lần hành hương đến Lộ đức, trước hang đá Đức Mẹ em đã tìm thấy câu trả lời.

Vào năm 2001, khi Rita được 15 tuổi, giáo viên dạy môn tôn giáo của Rita đã mời em đi hành hương Lộ đức. Khi ấy Rita vẫn còn giận Chúa. Từ nhiều năm, Rita tránh nhà thờ và giáo xứ, những gì liên quan đến đức tin, nhưng khi được mời đi Lộ đức, em đồng ý vì có gì đó trong lòng thúc đây em đi và cũng vì em cảm thấy mệt mỏi khi giận Chúa. Thực ra Rita cũng không nhớ mình làm hòa với Chúa thế nào. Trong cuộc hành hương, Rita đã hy vọng có một phép lại thể lý đến với em; em hy vọng sau khi tắm trong suối nước Lộ đức em có thể rời bỏ được chiếc xe lăn. Em cũng đã nghĩ trong lòng rằng nếu phép lạ không xảy đến, em sẽ hỏi Đức Mẹ tại sao lại như thế!

Rita thuật lại cuộc gặp Đức Mẹ như sau: “Đức Mẹ đã trả lời tôi cách ngọt ngào như một người mẹ đối với đứa con hư. Mẹ giúp tôi hiểu là Mẹ luôn ở đó và chờ tôi. Tôi nghe một tiếng nói trong lòng tôi. Tôi cảm thấy chính Mẹ đã ôm tôi, đón tôi đến với Mẹ và nói với tôi: ‘Con cần một thời gian dài để quyết định đến, nhưng giờ con đã ở đây. Con muốn biết câu trả lời thì Mẹ nói cho con biết: Chúa có chương trình của Người cho con: làm chứng và hoán cải!’ Trong lòng tôi cũng trả lời Mẹ Maria: ‘Nhưng Mẹ cũng điên! Con không phải là thánh Phêrô, thánh Phaolô, Marco hay Gioan. Con không phải là các tông đồ.’ Đức Mẹ nói với tôi: ‘Con không hiểu. Con phải làm chứng cho Chúa bao nhiêu có thể, làm chứng cho thấy cuộc sống đẹp thế nào ngay cả trong đau khổ nếu được sống với Chúa Kitô bên cạnh. Bởi vì sự sống tuyệt vời, ngay cả trong đau khổ, nếu thật sự được sống mà nhìn thấy Chúa Giêsu.’

“Phép lạ thật sự xảy ra với tôi là tôi đã tin mình đã đánh mất Chúa Giêsu, là tôi thật sự cảm thấy mình bị bỏ rơi và tôi đã hỏi Mẹ Maria: ‘Nhưng Chúa Giêsu mà con đánh mất, Người ở đâu? Làm sao để con trở lại với Người?’ Mẹ trả lời tôi: ‘Con tin là đánh mất Người nhưng không phải là như vậy. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem. Hãy nhìn xuống và xem!’ Tôi nhìn xuống và tôi nhìn thấy chiếc xe lăn của tôi, bởi vì không có gì khác! Và từ đây tôi đã hiểu rằng Chúa Giêsu là chiếc xe lăn của tôi. Chúa Giêsu đã luôn đặt tôi trên đầu gối của Người nhưng tôi không bao giờ nhận ra. Cho nên tôi đã kết án Người đã bỏ rơi tôi bằng những cách thấp hèn xấu xa. Ngược lại, Người đã mang tôi trên cánh tay và đặt tôi trên đầu gối của Người và không bao giờ rời bỏ tôi. Điều này làm cho tôi chấp nhận hoàn cảnh của mình: nhận biết mình được ở trên chân của Chúa Giêsu, điều mang lại bình an trong trái tim tôi, đã làm tôi thỏa mãn và không đòi được chữa lành thể lý.”

Rita muốn chia sẻ với những người cũng đang gặp những bất hạnh và xa lìa đức tin rằng trong những giờ phút đen tối nhất, Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Người không bao giờ rời xa chúng ta, nhưng là do chúng ta không cảm thấy Người vì chúng ta bị đau khổ bao phủ. Nhưng nếu trong những phút giây tệ nhất của cuộc đời, chúng ta  phó thác và tin tưởng vào Người, chúng ta sẽ luôn cảm thấy sự hiện diện của Người. Chỉ cần sức mạnh và can đảm để nói rằng: “Tôi đến từ cuộc sống hư vô và tôi muốn duy nhất một điều – hiệp nhất với Chúa.” (Cristiani Today  06/11/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Hoa Kỳ

su-diep-viedo-cua-duc-thanh-cha-gui-cac-giam-muc-hoa-ky

VATICAN. ĐTC khuyến khích tất cả các giáo phận tại Hoa Kỳ tích cực tham gia cuộc gặp gỡ toàn quốc lần thứ 5 các tín hữu Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, để canh tân và dấn thân truyền giáo.

 Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp Video gửi HĐGM Hoa Kỳ nhóm đại hội mùa thu từ ngày 14 đến 17-11-2016 tại thành phố Baltimore.

 Cuộc gặp gỡ các tín hữu Hispanic nói tiếng Tây Ban Nha, sẽ bắt đầu từ tháng giêng tới đây, 2017, tại các giáo phận, và kết thúc với cuộc cử hành toàn quốc vào tháng 9 năm 2018. Các sinh hoạt này nhắm nhìn nhận và đề cao những hồng ân đặc thù mà các tín hữu Công Giáo Hispanic đã và tiếp tục cống hiến cho Giáo Hội tại Mỹ. Hơn nữa, đó là thành phần một tiến trình rộng lớn hơn để canh tân và dấn thân truyền giáo mà tất cả các giáo phận tại Mỹ được kê gọi thực hiện.

 ĐTC bày tỏ hy vọng Giáo Hội tại Mỹ, ở mọi cấp độ, sẽ đồng hành với cuộc gặp gỡ sắp tới, qua những suy tư và sự phân định mục vụ, đặc biệt Ngài xin các giáo phận hãy cứu xét xem mình có thể làm gì để đáp ứng tốt đẹp hơn sự hiện diện ngày càng gia tăng của cộng đồng Hispanic. Để ý đến sự đóng góp của cộng đồng này cho đời sống quốc gia, ĐTC cầu nguyện để Cuộc gặp gỡ toàn quốc kỳ 5 của các tín hữu Công Giáo Hispanich mang lại thành quá cho sự canh tân xã hội Mỹ và cho hoạt động tông đồ tại nước này. (SD 15-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác

Kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác

kien-nhan-voi-nguoi-khac

Gương sống nhẫn nhục của Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng các quấy rầy của người khác. Nó cũng nhắc nhớ chúng ta hai công việc khác của lòng thương xót là cảnh cáo kẻ có tội và dậy bảo người dốt nát.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp chung sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay cho một công việc của lòng thương xót mà mọi người đều biết rõ, nhưng có lẽ chúng ta không thực thi như đáng lý phải làm: đó là kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy. Chúng ta tất cả đều rất giỏi trong việc nhận diện ra một người có thể làm phiền chúng ta: xảy ra là khi chúng ta gặp ai đó trên đường, hay khi chúng ta nhận một cú điện thoại… chúng ta nghĩ ngay: “Cho tới bao giờ tôi còn phải nghe các lời than van, các bép xép, các xin xỏ hay các khoe khoang của người này?” Đôi khi cũng xảy ra là những người quấy rầy chúng ta là những người gần chúng ta nhất: giữa các bà con thân thuộc luôn luôn có người nào đó; tại nơi làm việc cũng không thiếu và cả trong lúc tự do cũng không thiếu những người như vậy. Chúng ta phải làm gì với những người quấy rầy  đây? Và cả chúng ta nữa đôi khi chúng ta cũng sách nhiễu người khác. Tại sao trong số các công việc của lòng thương xót lại có cả chuyện này nữa: kiên nhẫn chịu đựng những người quấy rầy?

Trong Thánh Kinh chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa cũng phải dùng lòng thương xót để chịu đựng các than van của dân Ngài. Chẳng hạn trong sách Xuất Hành dân chúng thật là không chịu được: trước đó thì họ khóc lóc vì là nô lệ bên Ai Cập, và Thiên Chúa giải thoát họ; rồi trong sa mạc họ than van vì không có ăn (x.. Xh 16,3) và Thiên Chúa cho họ chim cút và bánh manna (x. 16,13-16); nhưng dù vậy họ không ngừng than van. Ông Môshê làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân, và đôi khi cả ông nữa cũng sẽ quấy rầy Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã kiên nhẫn, và như vậy ngài dậy cho ông và dân chúng biết chiều kích nòng cốt này của đức tin.

Và một câu hỏi tự phát đến trong tâm trí chúng ta: chúng ta có bao giờ xét mình xem đôi khi cả chúng ta nữa cũng có thể quấy rầy người khác hay không? Thật là dễ chỉ tay chống lại các tệ hại và thiếu sót của người khác, nhưng chúng ta phải học biết đặt mình trong địa vị của tha nhân.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: trong ba năm của cuộc sống công khai Ngài đã phải kiên nhẫn biết bao nhiêu! Có lần khi đi với các môn đệ, Ngài đã bị bà mẹ của Giacôbê và Gioan chặn lại và xin: “Xin Thầy cho hai đứa con con đây ngồi một người bên phải một người bên trái Thầy  trong vương quốc của Thầy” (Mt 20,21). Bà mẹ tạo địa vị thanh thế cho các con trai mình, nhưng đó là bà mẹ… Cả từ trường hợp này nữa Chúa Giêsu cũng lấy đó làm đề tài dậy cho các môn đệ một giáo huấn nền tảng: vương quốc của Ngài không phải là một vương quốc của quyền bính và không phải là một vương quốc của vinh quang như các vương quốc trần gian, nhưng là việc phục vụ và dâng hiến cho người khác. Chúa Giêsu dậy chúng ta luôn luôn đi tới điểm nòng cốt và nhìn xa hơn để lãnh lấy sứ mệnh của mình với tinh thần trách nhiệm. Ở đây chúng ta  có thể trông thấy lời mời gọi thực thi hai công việc khác của lòng thương xót tinh thần: là răn bảo các kẻ có tội và dậy dỗ kẻ dốt nát. Chúng ta hãy nghĩ tới dấn thân lớn lao có thể làm, khi trợ giúp người ta lớn lên trong đức tin và cuộc sống. Chẳng hạn tôi nghĩ tới các giáo lý viên – trong đó có biết bao bà mẹ và biết bao nhiêu nữ tu – tận hiến thời giờ để dậy dỗ người trẻ các yếu tố nền tảng của đức tin. Thật là mệt nhọc biết bao, khi các trẻ em thích chơi giỡn hơn là lắng nghe giáo lý! ĐTC giải thích thêm như sau:

Đồng hành trong việc kiếm tìm điều nòng cốt thật đẹp và quan trọng, bởi vì nó làm cho chúng ta chia sẻ niềm vui hưởng nếm ý nghĩa cuộc sống. Thường xảy ra là chúng ta gặp gỡ những người chỉ dừng lại trên những điều hời hợt, chóng qua và tầm thường; đôi khi vì họ đã không gặp ai khuyến khích họ tìm kiếm điều gì khác, quý chuộng các kho tàng đích thực. Dậy nhìn vào điều nòng cốt là một trợ giúp định đoạt, đặc biệt trong một thời đại như thời đại chúng ta ngày nay, xem ra đã đánh mất hướng đi và chạy theo những thoả mãn ngắn ngủi. Dậy khám phá ra điều Chúa muốn nơi chúng ta và làm sao chúng ta có thể đáp trả lại có nghĩa là bước đi trên con đường lớn lên trong ơn gọi của mình, trong con đường của niềm vui đích thật.

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Như thế các lời Chúa Giêsu nói với bà mẹ của Giacôbê và Gioan, rồi với tất cả nhóm các môn đệ, chỉ cho thấy con đường giúp tránh rơi vào sự ghen tương, tham vọng và nịnh bợ, là các cám dỗ luôn luôn rình rập cả các kitô hữu nữa. Đòi buộc khuyên nhủ, cảnh cáo và dậy dỗ không đuợc khiến cho chúng ta cảm thấy mình cao hơn tha nhân, nhưng truớc hết bắt buộc chúng ta đi vào trong chính mình để kiểm thực xem chúng ta có trung thực  với những gì chúng ta yêu cầu người khác sống hay không. Chúng ta đừng quên các lời Chúa Giêsu nói: “Tại sao bạn nhìn thấy cọng rơm trong mắt người anh em, trong khi không nhận ra cái xà trong mắt mình?” (Lc 6,14). Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống kiên nhẫn trong việc kiên nhẫn chịu đựng và khuyên nhủ những người khiêm nhường và đơn sơ.

Trong số các đoàn hành hương hiện diện trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua cũng có nhiều tín hữu Việt Nam đến từ nhiều nước như Hoà Lan, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, đặc biệt phái đoàn 48 tín hữu Houston do cha Giuse Vũ Thành hướng dẫn.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là các thành viên Tổ chức Đông Phương, các linh mục thuộc Liên hiệp tông đồ giáo sĩ giáo phận Agen, do ĐC Herbreteau hướng dẫn, cũng như các tín hữu đến từ Pháp, Bỉ và Cộng hoà dân chủ Congo, ĐTC nói chúng ta sắp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhưng tôi xin anh chị em đừng đóng cửa tâm lòng, nhưng trái lại luôn kiên nhẫn, khiêm nhường và đơn sơ tiếp đón tha nhân.

 Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Islen, Malta, Nigeria, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ và cầu chúc các ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại cho họ và gia đình họ nhiều ơn lành, niềm vui và hoà bình của  Chúa.

ĐTC chúc các nhóm nói tiếng Đức những ngày hành hương Roma sốt sắng và bổ ích và noi gương Chúa biết sống thương xót.

Chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt nhóm các linh mục và tín hữu Rio de Janeiro, Vatuporanga và Patos de Minas. ngài khích lệ họ thực thi các công việc của lòng thương xót, đem niềm vui và sự ủi an đến với mọi người để là các chứng nhân tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa.

Với các nhóm Ba Lan ngài nói cửa Năm Thánh sắp đóng lại, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đóng cửa trái tim thương xót của Ngài và dập tắt sự dịu hiền của Ngài với chúng ta.

Chào mấy ngàn tín hữu Hoà Lan cùng 7 Giám Mục toàn nước về Roma hành hương Năm Thánh, ĐTC chúc họ khám phá ra lòng thương xót của Chúa và thực thi các công việc thương xót phần xác cũng như phần hồn đối với tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào Liên hiệp các thầy dậy nghề mừng 60 năm thành lập. Ngài cầu chúc liên hiệp tiếp tục góp phần tạo thuận tiện cho những giai tầng yếu đuối nhất có cơ may gia nhập đời sống xã hội và kinh tế. Ngài cũng chào các hiệp hội Hồng thập tự Spoltore, hiệp hội “Cam Giáng Sinh” tỉnh Camisano Vicentino, các nhóm giáo xứ và sinh viên. ĐTC cầu mong Năm Thánh nhắc nhở mọi người biết sống thương xót như Thiên Chúa Cha, vì tình yêu thương khiến cho con người nhân bản và kitô hơn.

Chào người trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cuới ngài nhắc tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Chúng ta hãy nhớ tới những người làm ơn cho chúng ta và các linh hồn không được ai nhớ cầu nguyện cho, bằng cách xin lễ và dâng lời cầu nguyện và các hy sinh hãm mình cho họ. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ tới linh hồn các nạn nhân động đất miền Trung Italia, cầu nguyện cho họ, cho thân nhân của họ, và tiếp tục liên đới với tất cả những ai đã chịu các thiệt hại do động đất gây ra.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

Đức Thánh Cha kêu gọi bảo vệ trẻ em

duc-thanh-cha-keu-goi-bao-ve-tre-em

VATICAN. ĐTC kêu gọi luôn luôn bảo vệ trẻ em, chống lại mọi hình thức nô lệ, xung vào quân ngũ và các hình thức ngược đãi.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng 16-11-2016, ĐTC nói:

”Chúa nhật 20-11 tới đây, sẽ cử hành ngày Thế Giới các quyền của trẻ em và thiếu niên. Tôi kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, các tổ chức và gia đình, để các trẻ em luôn luôn được bảo vệ và an sinh của các em luôn được giữ gìn, để các em không bao giờ bị lâm vào những hình thức nô lệ, tuyển mộ vào các nhóm võ trang và bị ngược đãi. Tôi cầu mong Cộng đồng quốc tế có thể canh chừng cuộc sống của các em, bảo đảm cho mỗi trẻ em nam nữ được quyền cắp sách đến trường và được giáo dục, để các em được tăng trưởng trong thanh thản và nhìn về tương lai trong niềm tín thác” (SD 16-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 2 ngàn tín hữu Hòa Lan

Đức Thánh Cha tiếp kiến 2 ngàn tín hữu Hòa Lan

duc-thanh-cha-tiep-kien-2-ngan-tin-huu-hoa-lan

VATICAN. Sáng 15-11-2016, ĐTC đã tiếp kiến 2 ngàn tín hữu thuộc đoàn hành hương chung của tất cả 7 giáo phận tại Hòa Lan. Ngài khích lệ các tín hữu xưng tội để đón nhận lòng thương xót của Chúa và trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa.

Đoàn tín hữu Hòa Lan đã tham dự thánh lễ do các GM và LM cử hành lúc 11 giờ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Cuối lễ ĐTC đã đến chào thăm đoàn.

Trong bài huấn dụ, sau khi đề cao lòng thương xót của Chúa, ĐTC nói: “Phép giải tội là nơi ta nhận được ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tại đây bắt đầu sự biến đổi mỗi người chúng ta và cải tổ đời sống Giáo Hội. Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em hãy cởi mở tâm hồn và để cho lòng thương xót của Chúa uốn nắn. Như thế anh chị em trở thành dụng cụ của lòng thương xót.

ĐTC giải thích rằng: ”Được Chúa Cha từ bi là Đấng luôn ban ơn tha thứ cho chúng ta, ấp ủ, Anh chị em sẽ có khả năng làm chứng về tình thương của Chúa trong đời sống thường nhật. Con người ngày nay đang khao khát Thiên Chúa, lòng từ nhân và tình thương của Ngài. Cả anh chị em, trong tư cách là những máng chuyển lòng thương xót, anh chị em có thể góp phần làm dịu bớt cơn khát này và giúp bao nhiêu người tái khám phá Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và Cứu Chuộc nhân loại”. (SD 15-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

su-diep-duc-thanh-cha-goi-hoi-nghi-tai-maroc-ve-thay-doi-khi-hau

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chính phủ hỗ trợ chính trị cho Hội nghị về sự thay đổi khí hậu đang nhóm tại Marakech, Maroc.

Hội nghị quốc tế gọi là COP22 do LHQ triệu tập đang tiến hành tại Marrakech từ mùng 7 cho đến ngày thứ sáu 18-11 tới đây với các đại diện của 196 quốc gia trong đó sẽ có 30 vị quốc trưởng, cùng với các quan chức chính quyền trong lãnh vực này và các tổ chức phi chính phủ. Họ thảo luận các chi tiết về việc áp dụng Hiệp định (COP21) về khí hậu ký kết hồi năm ngoái tại Paris, và bắt đầu có hiệu lực từ thứ 4-11-2016, sau khi hội đủ số các nước phê chuẩn Hiệp định.

Trong sứ điệp gửi hội nghị, được công bố sáng 15-11-2016, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Hội nghị COP22 đang tiến hành và ngài nhận định rằng: ”Hội nghị bàn về những khía cạnh phức tạp, nhưng không thể chỉ được ủy cho sự đối thoại kỹ thuật chuyên môn, nhưng còn cần sự liên tục hỗ trợ và khích lệ chính trị, dự trên ý thức rằng ”chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất. Không có những biên giới và hàng rào chính trị hoặc xã hội cho phép chúng ta tự cô lập và do đó cũng chẳng có chỗ cho hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Một trong những đóng góp quan trọng chính yếu của Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu là khích lệ thăng tiến những chiến lược phát triển quốc gia và quốc tế dự trên chất lượng môi trường mà chúng ta có thể định nghĩa là liên đới: khuyến khích liên đới với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất và dựa trên những liên hệ chặt chẽ hiện có giữa cuộc chiến chống thay đổi khí hậu và cuộc chiến chống nghèo đói”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhận định rằng ”Những giải pháp kỹ thuật chuyên môn cho vấn đề thay đổi khí hậu tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ; điều thiết yếu và phải đó chính là để ý tới cảnhững khía cạnh luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình mới về sự phát triển và tiến bộ”.

”Từ đây người ta đi vào những lãnh vực quan trọng là giáo dục và thăng tiến một lối sống cổ võ những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ có thể tiến hành về lâu về dài; ngoài ra cần phải gia tăng ý thưc trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta”.

ĐTC vốn tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Hội nghị hiện nay ở Marakech. Trong Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-11 vừa qua, ĐTC nói với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô rằng: ”Tôi cầu mong rằng tất cả tiến trình áp dụng Hiệp định ở Paris về khí hậu được hướng dẫn nhờ ý thức về trách nhiệm của chúng ta trong việc săn sóc căn nhà chung”. (SD 15-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-15-11-2016

Hãy cẩn thận, đừng trở thành “những Kitô hữu hâm hẩm” vì khi ấy, chúng ta đánh mất ánh sáng của Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, Thiên Chúa luôn cố gắng sửa lỗi chúng ta, để thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để làm cho tâm hồn chúng ta nồng ấm. Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy nhận ta ngày giờ Chúa gõ cửa tâm hồn.

Đức Thánh Cha chia sẻ bài giảng khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Trong đó, thánh Gioan cảnh báo sự thờ ơ nửa vời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi ấy, Chúa dùng ngôn từ rất mạnh để nói với “những Kitô hữu không nóng mà cũng chẳng lạnh” mà rằng: “Vì ngươi hâm hẩm, không nóng mà cũng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

Nơi bình an giả tạo, không có Thiên Chúa hiện diện

Không có một loại bình an mà yên tĩnh đến lạnh lẽo. Điều gì làm nên sự ấm áp? Có thể là nghĩ mình giàu có! Có thể cho rằng, mình giàu rồi và chẳng cần gì nữa! Và thế là bình an. Đây là sự bình an giả tạo. Khi linh hồn của giáo hội, của gia đình, của cộng đoàn luôn luôn yên tĩnh, thì không có Thiên Chúa.

Không thể rơi vào sự yên tâm giả tạo rằng, tôi không cần bất cứ điều gì và tôi cũng chẳng làm tổn thương bất kỳ ai. Chúa cảnh báo những người tự coi mình là giàu có theo kiểu tự đủ rằng, thực sự họ đang bất hạnh và đau khổ. Tuy nhiên, có một tình yêu có thể giúp họ khám phá sự phong phú và sức sống. Tình yêu ấy chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.

Giàu có theo kiểu không cần gì nữa, lại có nghĩa là đang trần trụi

Chẳng phải là tâm hồn lành mạnh khi nghĩ rằng mình giàu có bởi vì mình tốt lành, vì mình làm mọi việc đều tốt và tất cả đều êm đẹp. Có một thứ lành mạnh đến từ Thiên Chúa, Đấng luôn vác thập giá, Đấng luôn mang lấy bão tố, Đấng làm cho tâm hồn con người thức tỉnh. Lời khuyên là: hãy mua áo trắng tinh tuyền để mặc, bởi vì bạn đang trần trụi và xấu hổ. Những người hâm hẩm không nhận ra là mình trần trụi, giống như câu chuyện về đứa trẻ nói với ông vua trần truồng rằng: ngài là vua nhưng là vua trần truồng. Với ông vua ấy, có một sự ấm áp sung túc nhưng lại trần trụi.

Loại sung túc đầy đủ ấy lấy mất khỏi chúng ta khả năng chiêm ngưỡng, khả năng nhìn thấy những điều tuyệt vời và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và khi ấy, Thiên Chúa cố gắng đánh thức lòng người, để giúp giúp họ thay lòng đổi dạ. Tuy nhiên, có một cách thức khác để Thiên Chúa hoạt động. Đó là cách Ngài mời gọi chúng ta: “Này, Ta đứng trước cửa mà gõ.” Thật là quan trọng cho chúng ta khi có thể cảm nhận và nghe được tiếng gõ cửa của Thiên Chúa, vì Ngài muốn làm điều tốt cho chúng ta, vì Ngài muốn bước vào nhà chúng ta.

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

Có những Kitô hữu nói rằng, họ chẳng thể nhận ra được: khi nào Chúa gõ cửa. Vì với họ, mọi tiếng động đều như nhau. Thế nên, chúng ta cần biết được khi nào Chúa gõ cửa, khi nào Ngài mang lại niềm an ủi cho chúng ta. Có thể Chúa đứng trước chúng ta và muốn nhận lời mời từ chúng ta. Những gì đã xảy ra cho ông Zakêu trong bài Tin Mừng hôm nay? Cái tò mò muốn nhìn thấy Chúa Giêsu của ông, cách nào đó được tác động bởi Chúa Thánh Thần.

Sáng kiến và lời mời đến từ Thần Khí Thiên Chúa, đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn lên Zakêu và nói: Hôm nay Ta sẽ ở lại nhà ông. Chúa luôn ở lại… ở lại trong tình yêu mến: hoặc là Ngài sửa lỗi chúng ta, hoặc là Ngài mời ta ăn tối hoặc là Ngài được ta mời. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy thức dậy!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy mở ra!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy xuống đi!”. Luôn luôn là Ngài. Con có biết phân biệt hay không, trong trái tim con, khi nào Chúa muốn “đánh thức” con, khi nào Chúa nói với con là “mở ra”, khi nào Chúa nói với con là “hãy xuống đi”? Xin Chúa Thánh Thần ban cho con ân sủng để con có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa trong trái tim con.

Tứ Quyết SJ

Giáo dân Việt Nam Giáo Phận Orange kính mừng các Thánh Tử Đạo

Giáo dân Việt Nam Giáo Phận Orange kính mừng các Thánh Tử Đạo

dai-le-cac-thanh-tu-dao-11-13-2016

Quốc Dũng, Người Việt

IRVINE, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một, hàng ngàn giáo dân đến tham dự Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, tổ chức tại Bren Events Center, bên trong trường đại học UC Irvine, để kính mừng 118 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Mở đầu đại lễ là cuộc cung nghinh kiệu Thánh Giá, kiệu Xương Thánh, kiệu Chúa Kitô Vua, và kiệu Đức Mẹ La Vang.

Các em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc các cộng đoàn mặc đồng phục, mang theo cờ đoàn dẫn đầu cuộc rước nhiều đoàn thể trong cộng đồng như Giới Trẻ Công Giáo, Ơn Thiên Triệu, Thăng Tiến Hôn Nhân, Gia Đình Nazareth, Hội Cao Niên Công Giáo, Canh Tân Đặc Sủng, Huynh Đoàn Thánh Thể, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Đạo Binh Legio Mariae, Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Đức Mẹ, Đoàn Hiệp Sĩ Columbus…

Linh Mục Chu Vinh Quang, chánh xứ nhà thờ Saint Mary’s By The Sea Church, Huntington Beach, dẫn chương trình đại lễ, cho biết: “Hôm nay là ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam và cũng là ngày bổn mạng của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange.”

“Tử vì đạo là một bằng chứng cao cả về đức ái, tình thế hy sinh mạng sống và sẵn lòng chịu chết để đón nhận Chúa là một bằng chứng xác thực nhất mà các Thánh Tử Đạo biểu lộ đức tin và lòng yêu Chúa. Đó là tình yêu cao quý đáp lại tình thương mến mà Đức Kitô đã dấn thân vì nhân loại. Các Thánh Tử Đạo cũng vì đức ái đó mà dâng mạng sống mình để minh chứng cho tình yêu của Chúa, đúng như lời Chúa đã nói: ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình,’” linh mục nói.

“Các Thánh Tử Đạo đã biểu lộ tình yêu một cách mãnh liệt bằng cái chết hầu minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Tại pháp trường, trước khi bị hành quyết, lời nguyện cuối cùng của các ngài là hình ảnh Đức Kitô trên thập giá, là lời nguyện xin ơn tha thứ cho những người làm khổ mình. Đầu rơi, thịt nát, dòng máu của các Thánh Tử Đạo đã điểm tô cho Giáo Hội Việt Nam thêm đậm nét của đức tin,” linh mục nói thêm.

Tiếp theo, Linh Mục Vũ Thế Toàn, thuộc Dòng Tên, tuyên úy đại học UC Irvine, dẫn dắt giáo dân suy niệm về sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo và lòng Chúa thương xót.

“Chúng ta đến đây hằng năm vào dịp của buổi nhớ, tức tháng các linh hồn, và thường vào cuối năm phụng vụ trước khi chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua, để cử hành trọng thể mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Qua công ơn của các vị và qua đời sống riêng của các ngài mà chúng ta có niềm tin để truyền đạt lại cho nhau. Nếu nói đến sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo và gương của các ngài, chúng ta sẽ thấy hiển hiện rất nhiều. Đó là chính trong đời sống của các ngài có sự xuyên chiếu hình ảnh Thiên Chúa, mà các ngài biểu lộ tình yêu đó với Chúa qua sự đổ máu của các ngài,” linh mục nói.

“Bước vào những ngày cuối của Năm Thánh và cũng sắp sửa mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta công nhận ngài là vua của vũ trụ, là chủ của lịch sử và căn nguyên của mọi sự. Khi nói đến lịch sử, bao giờ chúng ta cũng phải liên đới đến tất cả dữ kiện gắn liền với lịch sử, trong đó có lịch sử của mỗi con người chúng ta. Và câu chuyện của các Thánh Tử Đạo là một câu chuyện thật sự đi vào lịch sử,” linh mục cho hay.

doan-ruoc-kieu-duc-me-la-vang

Theo linh mục, 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, tử đạo tại Việt Nam trong thời kỳ tôn giáo này bị cấm, được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong thánh ngày 19 Tháng Sáu, 1988. Ngày 5 Tháng Ba, 2000, vị giáo hoàng này phong chân phước cho Thánh Andre Phú Yên.

Trong các Thánh Tử Đạo Việt Nam có 96 vị người Việt, 11 vị người Tây Ban Nha, 10 vị người Pháp. Tất cả các vị đã bị tử hình dưới thời các chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, và các vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức. Các vị phần lớn bị xử trảm (chặt đầu), kế đến bị xử giảo (thắt cổ), rồi bị tra tấn, thiêu sống, và bị lăng trì (phân thây), chỉ vì tội tin nhận Chúa Giêsu là Thượng Đế, đấng sáng tạo mọi sự trên trời và dưới đất.

Sau phần cung nghinh hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam là Thánh Lễ Đại Trào với sự chủ tế của Giám Mục Mai Thanh Lương, cựu giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, cùng gần 20 linh mục và phó tế tham dự.

Trong lời khai mạc, Linh Mục Trần Văn Kiểm, linh hướng và điều hành Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, nói: “Đây là một ngày phấn khởi và vui mừng cho tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam, là những con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bởi vì các Thánh Tử Đạo đã làm chứng cho đức tin.”

“Từ lúc đạo thánh của Chúa được rao truyền trên đất nước Việt Nam, và suốt gần 300 năm là một cuộc cách mạng diệt chủng không mấy ngừng nghỉ. Trong suốt gần ba thế kỷ bách bại đó, có hơn 100,000 anh hùng vì đạo đã chết và làm chứng cho Chúa. Chính sự làm chứng này của cha ông chúng ta, các ngài truyền giáo, trong giai đoạn khởi đầu rao giảng tin mừng tại Việt Nam đã nói lên rằng, mảnh đất Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đón nhận hạt giống đức tin và làm cho hạt giống đó của Chúa Kitô nảy nở,” linh mục nói tiếp.

“Chúng ta rất hãnh diện vì đức tin của cha ông chúng ta. Máu của các ngài đã đổ ra để nói lên đức tin mạnh mẽ, nói lên sự hy sinh và lòng can đảm tuyệt vời của các ngài. Ai mà không sợ chết, ai mà không sợ khổ nhục, ai mà không muốn tranh giành những lợi danh, ai mà không muốn an nhàn, ai mà không tham sống sợ chết… Nhưng ơn Chúa đã soi sáng và nâng đỡ các ngài để các ngài luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trung thành với Chúa,” linh mục nói thêm.

Linh mục nhắn nhủ: “Tất cả những nhục hình đau đớn mà ngày nay kể ra chúng ta vẫn còn khiếp sợ như xiềng xích, đòn roi, gông cùm, kềm kẹp, voi dày, trảm quyết, lăng trì, bá đao, xử trảm, tra tấn hằng ngày, bỏ đói cho tới chết… Có ai trong chúng ta thấu hiểu được tất cả những khổ hình mà các anh hùng tử đạo Việt Nam đã phải chịu. Nhưng các ngài rất kiên quyết, đã xưng đạo thì phải xưng tới cùng. Vì tình yêu của Thiên Chúa mà các ngài đã thắng tất cả mọi cực hình và uy quyền của quan quyền và vua chúa. Chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo, chúng ta rất hãnh diện, tự hào về các ngài. Chúng ta phải làm cho hạt giống đức tin được phát triển, và biết sống theo tấm gương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”

doan-ruoc-kieu-duc-me-la-vang-1

Bà Trần Thị Liên, cư dân Santa Ana, xúc động nói: “Dù nhà ở xa, nhưng năm nào tổ chức kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam tôi đều có mặt đúng giờ. Xúc động lắm, mỗi lần nghe các cha giảng thuyết là tôi không cầm được nước mắt. Nhờ sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà đạo Công Giáo ngày nay đã phát triển rất mạnh.”

Chân đau, không thể đứng lên, rồi ngồi xuống liên tục mỗi khi làm lễ, nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, cư dân Garden Grove, vẫn cố gắng hết sức, vì: “Các Thánh Tử Đạo đã chịu nhiều khổ nhục, đã hy sinh vì đức tin thì cái đau của tôi chỉ là con số không. Tôi xin các ngài ơn cầu bầu cùng Chúa để mọi người chúng ta biết sống đạo trong đời sống của mình. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp kết thúc, xin Chúa cho mọi người biết sống tha thứ và thương xót như cha trên trời.”

Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

khuon-vien-hoc-vien-ky-thuat-mit

Boston, Massachusetts – Ngày 15/11, lễ thánh Alberto, bổn mạng các nhà khoa học, hội các nhà khoa học Công giáo sẽ tổ chức Thánh lễ “vàng” đầu tiên tại nhà nguyện của Học viện kỹ thuật (viết tắt là MIT).

Sự kiện được đồng tài trợ bởi cộng đồng Công giáo của MIT và nhóm sinh viên Công giáo MIT. Các giáo sư khoa học và sinh viên được mời tham dự Thánh lễ.

Hội các nhà khoa học Công giáo là nhóm mới thành lập, gồm các nhà khoa học Công giáo Hoa kỳ cũng như các sinh viên đại học, sau đại học, các nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Hội được Đức tổng giám mục Charles Chaput và hội đồng 7 khoa học gia hướng dẫn.

Hội khoa học gia Công giáo nhắm làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của các khoa học gia và đời sống đức tin. Nhóm khoa học gia này còn nhắm phát triển tình liên đới giữa các khoa học gia Công giáo và phục vụ như là diễn đàn thảo luận cho những ai có câu hỏi về đức tin và khoa học. Hội xác định “luôn liên kết với đức tin của Hội thánh Công giáo và luôn hoạt động theo giáo huấn của Giáo hội.”

Theo Boston Pilot, lý do thánh lễ đầu tiên của Hội được gọi là Gold Mass (lễ vàng) vì đó là màu của mũ trùm của những người đậu tiến sĩ khoa học và cũng vì thánh Alberto là một nhà luyện kiem đã chế biến kim loại thành vàng. Gold Mass theo truyền thống của các Thánh lễ của các ngành khác, như Red Masses (lễ đỏ) cho các luật sư, White Masses (lễ trắng) cho ngành y và Blue Masses (lễ xanh) cho các cảnh sát.

Cha Nicanor Austriaco dòng Đaminh sẽ cử hành lễ “vàng” đầu tiên hy vọng là thánh lễ và hội khoa học sẽ tỏ cho người trẻ thấy rằng họ không phải chọn lựa giữa khoa học và đức tin. Cha nói: “Đức tin và lý trí đều là qua tặng của Thiên Chúa. Khoa học chỉ là một diễn tả cách thế con người dùng lý trí để tìm hiểu thực tế.”

Cha Daniel Moloney, linh hướng của MIT nhận định là thánh Alberto và các khoa học gia Công giáo đã hiểu rằng Chúa đã thêm một trật tự hợp lý xác đáng vào vũ trụ. (CNA 12/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

ngay-nam-thanh-cho-nhung-nguoi-bi-xa-hoi-gat-bo

VATICAN. Trong Thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ, ĐTC mời gọi các tín hữu kiên vững tín thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và coi người nghèo như kho tàng của Giáo Hội.

 

Thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 10 giờ sáng chúa nhật 13-11-2016 là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma. Chúa nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Năm Thánh tại 3 đại Vương cung thánh đường ở Roma, và tại các nhà thờ chính tòa, các đền thánh ở các nơi trên thế giới. Riêng tại Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức này sẽ được ĐTC cử hành sáng chúa nhật 20-11 tới đây, Lễ Chúa Kitô Vua.

Trong số 9 ngàn người ngồi chật Đền thờ, có 3,500 người nghèo đăng ký chính thức đến từ 23 quốc gia. Họ được Hiệp hội Fratello (Người Anh em), cũng như các Caritas hoặc cơ quan từ thiện khác của Công Giáo giúp đỡ để có thể đến tham dự những Ngày Năm Thánh này.

Đồng tế với ĐTC có 5 Hồng Y, 10 Giám Mục và hơn 120 linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn cộng đồng gồm 60 ca viên, và ca đoàn Dublin ở thủ đô Ai Len, với 63 ca viên.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc của Chúa nhật thứ 33 thường niên, đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 21 (21,5-19) thuật lại sự tích khi Chúa Giêsu ở Jerusalem, dân chúng trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp của Đền thờ, nhưng Chúa báo trước cho họ: sẽ có ngày không còn viên đá nào của đền thờ này. Ngài cũng tiên báo những tai ương, xung đột, đói kém, những xáo trộn trên trời dưới đất, những sự đó không phải để làm cho chúng ta khiếp sợ, nhưng để nói với chúng ta rằng tất cả những điều đó sẽ qua đi. Từ những sự kiện trên đây, ĐTC rút ra những bài học về lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và ngài đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu đừng quên kho tàng quí giá của Giáo Hội là những người nghèo. ĐTC nói:

“Chúa Giêsu quyết liệt mời gọi đừng sợ trước những xáo trộn của mọi thời đại, dù đứng trước những thử thách nặng nề và bất công nhất xảy ra cho các môn đệ. Ngài kêu gọi hãy kiên trì trong sự thiện và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng. Chúa Giêsu nói: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng không bị mất đi” (v.18). Thiên Chúa không quên các tín hữu của Người, gia sản quí giá của Người chính là chúng ta”.

Nhưng Chúa gọi hỏi chúng ta ngày hôm nay về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Với một hình ảnh, ta có thể nói rằng các bài đọc hôm nay giống như một “cái sàng” cuộc sống của chúng ta chảy qua đó, như nước chảy qua; những có những thực tại quí giá ở lại, như ngọc quí lưu lại trên cái sàng.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Điều gì ở lại, điều gì có giá trị trong cuộc sống, đâu là những điều phong phú không bị tan biến? Chắc chắn có hai điều, đó là Chúa và tha nhân. Đây là những điều cao cả nhất cần phải yêu mến. Tất cả những cái khác – trời, đất, những điều đẹp đẽ nhất, cả Vương cung thánh đường này, sẽ qua đi; nhưng chúng ta không được loại Thiên Chúa và tha nhân ra khỏi cuộc sống. Chính ngày hôm nay, khi ta nói về sự loại trừ, gạt bỏ, chúng ta nghĩ ngay đến những con người cụ thể; không phải là những sự vật vô ích, nhưng là những con người quí giá. Con người được Thiên Chúa đặt ở chóp đỉnh công trình sáng tạo, nhưng thường bị gạt bỏ, vì người ta ưa thích hơn những sự vật chóng qua. Và đó là điều không thể chấp nhận được, vì con người là thiện ích quí giá nhất trước mắt Thiên Chúa. Và thật là điều trầm trọng khi người ta quen thuộc với sự loại bỏ như vậy; cần phải lo âu, khi lương tâm bị tê liệt và không còn để ý đến ngừơi anh em đang ở cạnh mình hoặc đứng trước những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, khi những vấn đề ấy chỉ được coi như những điệp khúc đã nghe thấy qua các tin tức truyền hình.

ĐTC nói với những người nghèo:

Anh chị em thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em, và qua sự hiện diện, anh chị em giúp chúng tôi bắt được tần số của Thiên Chúa, nhìn điều mà Chúa nhìn: Chúa không dừng lại ở vẻ bề ngoài (Xc 1 Sm 16,7), nhưng Ngài nhìn ”đến kẻ khiêm hạ và người có tinh thần thống hối” (Is 66,2), Chúa nhìn đến bao nhiêu ông Lazzaro nghèo khổ ngày nay. Thật là điều làm cho chúng ta đau khổ dường nào khi ta không nhận thấy Lazzaro bị loại trừ và gạt bỏ (Xc Lc 16,19-21)! Đó là sự quay mặt đi đối với Thiên Chúa. Đó là triệu chứng bệnh xơ cứng về tinh thần khi người ta chỉ quan tâm tới những sự vật cần sản xuất, thay vì để ý đến những con người cần mến yêu. Và thế là nảy sinh một sự mâu thuẫn bi thảm thời nay: hễ tiến bộ và cơ may càng gia tăng – đó là một điều tốt – thì càng có thêm những người không được hưởng những tiến bộ và cơ may ấy. Đó là một điều bất công to lớn mà chúng ta phải bận tâm hơn cả được biết tận thế sẽ xảy ra khi nào và thế nào. Vì chúng ta không thể an tâm ở trong nhà khi mà Lazzaro nằm trước cửa; không có an bình trong nhà của người sống thoải mái, khi thiếu công lý trong nhà của mọi người.

Đề cập đến việc đóng cửa Năm Thánh, ĐTC nói:

”Ngày hôm nay, tại các nhà thờ chính tòa và đền thánh trên toàn thế giới, có nghi thức đóng Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. chúng ta hãy cầu xin ơn không nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng đang nhìn chúng ta, và trước tha nhân đang gọi hỏi chúng ta. Chúng ta hãy mở mắt nhìn Thiên Chúa, thanh tẩy cái nhìn của tâm hồn khỏi những hình ảnh lừa đảo và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và trừng phạt, những phóng dội kiêu căng và sợ hãi của con người. Với lòng tín thác chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa Thương Xót, với xác tín rằng ”đức mến sẽ không bao giờ chấm dứt” (1 Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân niềm hy vọng cuộc sống chân thực mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, cuộc sống nãy sẽ không qua đi và chúng ta đang chờ cuộc sống ấy trong sự hiệp thông với Chúa và với tha nhân, trong niềm vui mãi mãi, vô tận. Và chúng ta hãy mở mắt nhìn tha nhân, nhất là người anh em bị lãng quên và loại bỏ. Chính tại đó kính phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự quay lăng kính ấy về chúng ta. Xin Chúa cất những cạm bẫy làm cho chúng ta chia trí, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi những quyến luyến quyền hành và vinh dự, khỏi sự quyến rũ của tinh thần thế gian. Giáo Hội là Mẹ chúng ta đang đặc biệt nhìn đến thành phần của nhân loại đang đau khổ và khóc lóc, vì biết rằng những người ấy thuộc về Giáo Hội theo luật của Tin Mừng” (Phaolô VI, huấn dụ đầu khóa II của Công đồng chung Vatican 2, 29-9-1963). Theo luật cũng như theo nghĩa vụ Tin Mừng, vì nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc tài sản đích thực là những người nghèo. Tôi muốn hôm nay là ”Ngày của người nghèo!” (vỗ tay)

Lưu truyền cổ kính nhắc nhở chúng ta điều đó, lưu truyền về thánh Lorenzo tử đạo ở Roma. Trước khi chịu cuộc tử đạo dữ tợn vì lòng yêu mến Chúa, thánh nhân phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo, những người mà thánh nhân gọi là những kho tàng đích thực của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho chúng ta được nhìn những gì đáng kể mà không chút sợ hãi, hướng con tim chúng ta về Chúa và về những kho tàng đích thực của chúng ta.

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu xin Chúa cho các dự án hòa bình, cho công lý được triển nở nơi các dân tộc trong sự tôn trọng phẩm giá con người; xin Chúa nâng đỡ những người hoạt động bác ái, xin cho sự tận tụy phục vụ nhưng không của họ luôn phản ánh lòng thương xót của Chúa; xin Chúa cho sự dịu hiền của Ngài khắc phục những con tim cứng cỏi, cho nhân loại được thoát khỏi sự dửng dưng, ích kỷ và oán thù; sau cùng xin Chúa cho mỗi Kitô hữu nhìn nhận thiên đàng là nơi ở đích thực mà không ai có thể tước đoạt khỏi họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi, và đúng 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập Quảng trường thánh Phêrô, tràn ra đường Hòa Giải.

G. Trần Đức Anh OP

 

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

relics-of-st-john-paul-ii-and-st-faustina

Tokyo – Hôm 13 tháng 11, Đức cha Peter Takeo Okada, Tổng giám mục Giáo phận Tokyo, cùng với Đức sứ thần Tòa thánh và các Linh mục đã cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại nhà thờ chánh tòa dâng kính Đức Mẹ Maria.

Có rất nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ, bao gồm các tín hữu Nhật ở thủ đô cũng như các người nhập cư thuộc các quốc tịch Hàn quốc, Việt nam, Philippines, Miến điện và vài nhóm dân châu Âu.

Trong Thánh lễ cũng có nghi thức Shichi-go-san – chúc lành cho các em bé. Nghi thức này có ngồn gốc từ văn hóa scintoista: các trẻ em 7, 5 và 3 tuổi được mang đến đền thờ để các tư tế chúc lành cho các em. Các em được mang đến nhà thờ để được thần Kami bảo vê. Còn đối với Kitô giáo, các trẻ em được Chúa Giêsu chúc lành như Tin mừng đã thuật lại việc Người chúc lành cho các trẻ nhỏ.

Trong Thánh lễ, thánh tích của hai thánh người Ba lan, Gioan Phaolô và Faustina, được trưng bày. Thánh Gioan Phaolô rất được người Nhật tôn kính.

Nghi thức bế mạc Năm Thánh nhắm khẩn cầu Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của hai thánh, trao ban lòng thương xót cho toàn dân tộc Nhật. (Asia News 14/11/16)

Hồng Thủy

 

Hơn 60 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha

Hơn 60 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha

doc-kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-13-11-2016

VATICAN. Trưa chúa nhật 13-11-2016, hơn 60 ngàn người đã tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Ngài nhắc nhở mọi người hướng nhìn về Ngày của Chúa, đồng thời dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài đọc Tin Mừng chúa nhật 33 thường niên năm C, trong đó Chúa Giêsu báo trước với những người chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đền Thờ Jerusalem và nói: ”Sẽ đến ngày từ những điều các ngươi đang thấy, sẽ không còn viên đá nào trên viên đá nào, nó sẽ bị phá hủy” (Lc 21,6).

ĐTC nhận xét rằng ”bao nhiêu điều gọi là chắc chắn trong cuộc sống mà chúng ta nghĩ là nhất định, vững chãi, nhưng rồi chúng tỏ ra là những điều phù du! Nhưng đàng khác, bao nhiêu vấn đề chúng ta tưởng là không lối thoát, nhưng rồi chúng được khắc phục!”

”Chúa Giêsu cảnh giác mọi người đừng kinh hoàng, đừng mất hướng đi vì chiến tranh, những cuộc đảo lộn và thiên tai, vì chúng thuộc về thực tại của thế giới này (XC vv. 10-11). Lịch sử Giáo Hội đầy gương của những người đã chịu đựng sầu muộn và đau khổ kinh khủng trong sự thanh thản, vì họ có ý thức mình đang ở trong tay Thiên Chúa một cách vững vàng. Thiên Chúa là người Cha trung tín, người Cha ân cần, không bỏ rơi con cái. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta!”

Vì thế ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy kiên vững hy vọng trong xác tín: ”Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử; tiến bước trong hy vọng, làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dù có những khó khăn và những biến cố đau buồn trong cuộc sống cá nhân và tập thể, đó là điều thực sự đáng kể, đó là điều cộng đoàn Kitô được kêu gọi thực hiện để đi gặp ”Ngày của Chúa”. Chính trong viễn tượng đó chúng ta muốn đặt sự dấn thân phát xuất từ những tháng ngày chúng ta sống Năm Thánh Lòng Thương Xót trong đức tin, Năm Thánh được kết thúc hôm nay trong các giáo phận toàn thế giới với nghi thức đóng cửa Năm Thánh trong các nhà thờ chính tòa.

Năm Thánh kêu gọi chúng ta, một đàng hướng nhìn về sự viên mãn Nước Chúa, và đàng khác xây dựng tương lai trên trái đất này, làm việc để loan báo Tin Mừng hiện tại, để biến nó thành thời kỳ cứu độ cho tất cả mọi người”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta, qua những thăng trầm vui buồn của thế giới này, giữ vững niềm hy vọng nơi sự vĩnh cửu và Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta hiểu sâu xa chân lý này: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài!

Sau khi đọc kinh và ban Phép lành cho mọi người, ĐTC cho biết Cây Thánh Giá gỗ cổ kính nhất của Đền Thờ Thánh Phêrô có từ thế kỷ 14 đã được trùng tu công phu và sẽ được đặt tại Nhà nguyện Mình Thánh Chúa của Đền thờ này, như kỷ niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh Lòng Thương Xót

duc-thanh-cha-tiep-kien-chung-nam-thanh-long-thuong-xot

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 12-11-2016, dành cho hơn hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC đề cao khía cạnh bao gồm của lòng thương xót, và mời gọi các tín hữu mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt cuối cùng vào ngày thứ bẩy, mỗi tháng một lần, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã nói về đề tài ”Lòng Thương Xót và sự bao gồm”: Trong ý định yêu thương của Thiên Chúa, Chúa không muốn loại trừ một ai, nhưng muốn bao gồm tất cả. Ví dụ, nhờ bí tích rửa tội, Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái trong Chúa Kitô, trở thành những chi thể của thân mình Ngài là Giáo Hội. Và các Kitô hữu chúng ta được mời gọi theo cùng một tiêu chuẩn như vậy: Lòng thương xót chính là cách thức hành động, qua đó chúng ta bao gồm những người khác trong cuộc sống của chúng ta, tránh co cụm vào mình trong những an ninh ích kỷ”.

Giải thích lời Chúa Giêsu mời gọi: ”Hỡi các con là nhưng người mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28), ĐTC nói: Không ai bị loại trừ khỏi lời kêu gọi ấy vì sứ mạng của Chúa Giêsu là biểu lộ cho mỗi người tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta có nhiệm vụ mở rộng con tim, tín thác nơi Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp yêu thương này, sứ điệp làm cho chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ”.

ĐTC nhận xét rằng: ”Khía cạnh bao gồm này của lòng thương xót được biểu lộ qua sự mở rộng vòng tay để đón tiếp, không loại trừ, không xếp loại người khác theo giai tầng xã hội, ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo: trước mặt chúng ta chỉ có những người cần yêu mến như Thiên Chúa đã yêu mến”.

”Bao nhiêu người mệt mỏi và bị đè nén chúng ta đang gặp ngày nay! Trên đường, trong các công sở, nơi các phòng khám bệnh.. Cái nhìn của Chúa Giêsu đặt trên mỗi khuôn mặt ấy, kể cả qua đôi mắt của chúng ta. .. Tin mừng kêu gọi chúng ta hãy nhận ra trong lịch sử nhân loại ý định của Chúa thực hiện một đại công trình bao gồm; công trình này hoàn toàn tôn trọng tự do của mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân tộc, kêu gọi tất cả mọi người họp thành một gia đình anh chị em trong sự công chính, trong liên đới, hòa bình, và là thành phần của Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Trong sự khiêm tốn và đơn sơ, chúng ta hãy trở nên những dụng cụ lòng thương xót bao gồm của Chúa Cha. Mẹ Giáo Hội nới rộng trong thế giới vòng tay bao la của Chúa Kitô đã chết và sống lại. Cả quảng trường thánh Phêrô này, với những hàng cột cũng biểu lộ vòng tay ấy. Chúng ta hãy để cho mình can dự vào động tác bao gồm tha nhân, để làm chứng về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã và đang đón nhận mỗi người chúng ta”. (SD 12-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm 7 linh mục hồi tục

Đức Thánh Cha viếng thăm 7 linh mục hồi tục

duc-thanh-cha-vieng-tham-7-linh-muc-hoi-tuc

ROMA. Lúc 3 giờ rưỡi chiều thứ sáu 11-11-2016, ĐTC đã đến viếng thăm các linh mục đã hồi tục.

Ngài đến Ponte di Nona, một khu vực ở miền cực đông của thành Roma. Trong một căn hộ, ngài đã gặp chung 7 gia đình, tất cả gồm những người đã rời bỏ sứ vụ linh mục trong những năm gần đây.

Cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra trong khuôn khổ ”Thứ sáu lòng thương xót”, mỗi tháng 1 lần trong Năm Thánh đặc biệt, ngài thực hiện một công việc từ bi thương xót.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết qua cuộc viếng thăm ở Ponte di Nona, ĐTC muốn có một dấu hiệu nói lên sự gần gũi và quí mến của ngài đối với người trẻ đã rời bỏ sứ vụ linh mục, một quyết định thường không được sự chia sẻ của các anh em LM khác và những người thân trong gia đình họ. Sau những năm hoạt động mục vụ trong các xứ đạo, sự cô đơn, thiếu cảm thông và mệt mỏi vì quá nhiều trách nhiệm mục vụ đã khiến cho các linh mục ấy làm cho sự chọn lựa ban đầu đối với chức linh mục bị khủng hoảng. Vì thế sau những năm tháng sống trong bất định và nghi ngờ, họ thường đi tới xác quyết sự chọn lựa làm linh mục của họ là một chọn lựa sai lầm, vì thế họ rời bỏ chức linh mục và lập gia đình.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã gặp 4 cựu linh mục thuộc giáo phận Roma đã từng làm cha sở trong các giáo xứ khác nhau; 1 cựu LM từ Madrid Tây Ban Nha, một người khác từ Mỹ châu la tinh, và người sau cùng đến từ đảo Sicilia, cực nam Italia.

Con cái của các cựu linh mục đã quây quần quanh ĐTC trong khi cha mẹ tỏ ra rất cảm động. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết tất cả những người hiện diện đều rất hài lòng vì cuộc viếng thăm, họ không cảm thấy phán đoán của ĐTC đối với sự chọn lựa của họ, nhưng thấy sự gần gũi và yêu thương của ngài. ĐTC đã chăm chú lắng nghe chuyện đời của các cựu LM và để ý tới diễn tiến thủ tục pháp lý của từng trường hợp. Những lời của ngài làm cho mọi người an tâm về tình thân hữu và chắc chắn về sự quan tâm của ngài. Cuộc viếng thăm của ĐTC kết thúc vào lúc gần 5 giờ rưỡi chiều (SD 11-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

duc-thanh-cha-gap-go-nguoi-ngheo-nhan-dip-nam-thanh

VATICAN. Sáng 11-11-2016, ĐTC đã gặp gỡ 3500 người nghèo đến từ 23 quốc gia, về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican còn có hơn 500 người đồng hành, nhiều người thuộc Hiệp Hội Fratello (Người Anh em) được thành lập tại Pháp và chuyên săn sóc giúp đỡ những người vô gia cư và những người bị xã hội loại bỏ. Họ được sự nâng đỡ và khích lệ của ĐHY Philippe Barbarin, TGM giáo phận Lyon bên Pháp.

Trong khi chờ đợi ĐTC đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện và nghe các chứng từ.

Trong lời chào ĐTC khi ngài tiến vào Thính đường Phaolô 6 lúc 11 giờ 15, ĐHY Barbarin nói: ”Ngày hôm nay, những người đón tiếp ĐTC sung sướng vì cảm thấy mình ở giữa con của Giáo Hội, gần vị Giáo Hoàng của những người nghèo. Nói đúng ra, họ không cần được tiếp đón, họ biết rõ mình ở nơi đây như ở nhà của họ, trong tình huynh đệ bao la của Giáo Hội, họ là ”kho tàng”, là sự phong phú của chúng ta!

ĐHY TGM giáo phận Lyon cũng kể lại những kinh nghiệm của ngài với những người nghèo, người vô gia cư mà Hiệp hội Fratello giúp đỡ và có những nhà trong giáo phận của ngài.

Tiếp lời ĐHY, Ông Etienne Villeman, Chủ tịch Hội Fratello, đã trình bày với ĐTC về những người hiện diện tại buổi tiếp kiến: nhiều người đã từng sống trên các đường phố như người vô gia cư, và nhiều người hiện vẫn ở trong tình trạng ấy.

”Cách đây hơn 10 năm, ở Paris, có 3 người trẻ năng nổ, sống bụi đời trên đường phố. Họ quyết định sống chung với nhau. Ngày nay chúng con có hơn 300 người tại Pháp sống trong các căn hộ được chia sẻ với nhau. Nhiều nhà khác dần dần được thành lập tại Âu Châu theo kiểu mẫu ấy.

”Ban sáng trước khi đi làm, chúng con đọc kinh Ngợi Khen, và dành một ít thời giờ để Chầu Mình Thánh. Những người bụi đời cũng có thể đến dự trong thời gian cầu nguyện ấy nếu họ muốn. Cùng nhau chúng con sống cuộc sống thường nhật hoàn toàn bình thường, nhưng đồng thời cũng ngoại thường với những cuộc gặp gỡ huynh đệ và đời sống cầu nguyện rất đơn sơ.. Trong tất cả những năm ấy, con đã khám phá thấy cuộc sống với người nghèo đã làm cho con sống Tin Mừng theo chiều sâu. Cùng với họ, con sống và hít thở Tin Mừng.. Chúng con học yêu thương, tha thứ, cám ơn, học trở nên bạn hữu anh em, vì chúng con khám phá thấy chúng con là những người nghèo và dễ bị tổn thương”.

Trong lời kết, Ông Étienne Villeman đã bày tỏ ước muốn: xin ĐTC tổ chức những ngày thế giới cho người nghèo!”

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đã đi từ các chứng từ được trình bày trước đó, để nói lên những nhận xét và những lời khích lệ. Ngài cũng đặc biệt xin lỗi những người nghèo, nhân danh các tín hữu Công Giáo đã không đọc Tin Mừng và họ ngoảnh mặt sang bên kia đường khi họ thấy những người nghèo hoặc những tình cảnh nghèo. Ngài nói: ”Sự tha thứ mà anh chị em dành cho chúng tôi, đối với những người của Giáo Hội và con người nói chung, cũng giống như nước phép thanh tẩy chúng tôi và giúp chúng tôi tái tin rằng nơi trọng tâm của Tin Mừng chính là sự thanh bần”.

Và ĐTC lập lại lời kêu gọi ngài đã đưa ra từ đầu triều đại Giáo Hoàng, đó là: ”Các tín hữu Công Giáo hãy kiến tạo một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Và theo ngài tất cả các tôn giáo đều cần đặt người nghèo trong sứ điệp của Thiên Chúa”. Ngài nhận xét rằng ”Cái nghèo lớn nhất chính là chiến tranh! Đó là cái nghèo tàn phá! Và nghe điều này từ miệng một người đã chịu đau khổ vật chất, nghèo về y tế, đó là một lời kêu gọi làm việc cho hòa bình”.

Sau bài huấn dụ của ĐTC là phần cầu nguyện với những lời nguyện cho ĐTC và tất cả mọi người, rồi ngài đích thân chào thăm 80 người đại diện cho các nước khác nhau (SD 11-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

 

Đức Phanxicô muốn hiểu ảnh hưởng hoạt động chính trị trên người nghèo

Đức Phanxicô muốn hiểu ảnh hưởng hoạt động chính trị trên người nghèo

duc-giao-hoang-va-nguoi-ngheo

Vatican – Trong bài tường thuật dài đăng trên báo Repubblica, ông Eugenio Scalfari, vị sáng lập nhật báo đề cập đến cuộc phỏng vấn mới với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 vừa qua. Chủ đề của cuộc nói chuyện là về vị tân tổng thống Hoa kỳ, ông Donald Trump – khi đó chưa đắc cử – và các lo ngại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về người di dân, cuộc chiến chống lại sự bất bình đẳng, sự tử đạo của các Kitô hữu.

Theo ông Eugenio Scalfari, trả lời câu hỏi về ông Trump, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh là ngài không đưa ra phán xét về vị tân tổng thống Hoa kỳ mà chỉ muốn biết những ảnh hưởng của các việc làm của các nhà chính trị có thể gây nên cho người nghèo và những người bị loại bỏ.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng lo lắng của ngài là “về người tị nạn và di dân. Ngài nói về đau khổ, bất hạnh của họ do nhiều nguyên nhân và Giáo hội dấn thân hàng đầu nhưng nhiều lần các giải pháp bị những người sợ mất việc làm và bị giảm lương bổng phản đối.

Ngài cũng nhắc lại ý niệm đập bỏ các bức tường ngăn cách và xây các cây cầu để giảm bớt sự bất bình đẳng và gia tăng tự do và quyền lợi. Do đó cần đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng; đây là điều ác lớn nhất tồn tại trên thế giới. Tiền bạc tạo nên các sự ác.Đức Giáo hoàng còn nói đến chiến tranh: thù ghét đáp lại thù ghét, chỉ làm gia tăng sự tồn tại của thù ghét và sự ác trên thế giới.

Nói về việc nhiều quốc gia chiến đấu để đánh bại nhà nước Hồi giáo bằng vũ khí, Đức Giáo hoàng trả lời rầng chúng ta, các Kitô hữu luôn luôn là các vị tử đạo nhưng đức tin của chúng ta đã chiến thắng phần lớn thế giới. Các Kitô hữu chiếm 2.5 tỉ tín hữu không phải bằng chiến tranh nhưng là nhờ các vị tử đạo. Rất nhiều. (RV 11/11/16)

Hồng Thủy

Khủng hoảng của các Linh mục cao niên ở Ireland

Khủng hoảng của các Linh mục cao niên ở Ireland

retired-priests

Dublin – Với độ tuổi trung bình của các Linh mục là gần 70 và một số lớn trong độ tuổi 80 và một ít ở tuổi 90 vẫn đang làm việc, các lãnh đạo của Hiệp hội Linh mục Công giáo cảnh giác về sự gia tăng khủng hoảng và cô đơn các Linh mục phải đối diện và đang tìm giải pháp phúc lợi cho vấn đề “chi tộc các Linh mục bị mất của Ái nhĩ lan”. Đây là mục đích tiên quyết của hội nghị hàng năm được nhóm họp vào ngày 16/11.

Cha Brendan Hoban, sáng lập của Hội, sẽ thuyết trình ở hội nghị với đề tài “Có phải chúng ta đang giết các Linh mục?”, trong đó cha chú trọng đến cảm giác thất vọng đang gia tăng và các vấn đề sưc khỏe mà các giáo sĩ lớn tuôi đang gặp. Cha cho biết vấn đề là do áp lực gia tăng mà các Linh mục gặp phải khi phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu thường lệ do tình trạng thiếu Linh mục.

Cha Hoban, 69 tuổi chia sẻ là vì thiếu ơn gọi nên hầu hết Linh mục được khuyến khích tiếp tục làm việc. Do đó, thực tế thì nghỉ hưu không còn là một lựa chọn. Nó dường như bị loại bỏ. Các Linh mục ít hơn nên gánh nặng công việc gia tăng. Cha nói: “Nếu bạn còn trẻ và sức khỏe tốt, dâng 4 hay 5 lễ vào cuối tuần không thành vấn đề, nhưng nó thực sự là thử thách khi bạn già đi. Cách đây 20 năm, dễ dàng tìm Linh mục để thế chỗ nếu một Linh mục muốn lấy ngày nghỉ. Nhưng bây giờ rất khó và có những Linh mục không lấy một ngày nghỉ nào.” Cha cũng cho biết trước đây các nhà xứ thường có người giúp việc nấu nướng và dọn dẹp nhưng hầu như các xứ hiện nay không có và các Linh mục phải tự làm lấy. Cha nhận định: “Đây là những Linh mục mà tôi miêu tả như chi tộc bị lạc mất. Họ không còn có những phẩm chất của cuộc sống và họ cần sự quan tâm của chúng ta bởi vì nhiều vị đang ở trong tình trạng thất vọng.” (CNS 11/11/2016)

Hồng Thủy

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-11-11-2016

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể, chứ không phải là loại tình yêu “mềm” trong vở kịch, vì tình yêu Kitô bắt nguồn từ Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. 

Có một cuộc đối thoại tình yêu giữa Đấng mục tử và hiền thê của Người là Giáo Hội. Đức Thánh Cha triển khải bài giảng khởi đi từ bài đọc trích thư thứ hai của thánh Gioan Tông Đồ. Trước tiên, hãy nhớ rằng, điều răn chúng ta đã lãnh nhận là “bước đi trong tình yêu”. Nhưng là loại tình yêu nào? Vì ngày nay, từ ngữ “tình yêu” được sử dụng cho nhiều điều. Người ta nói về tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc trong vở kịch hoặc nói về những tình yêu kiểu lý thuyết.

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô và Ngôi Lời Nhập Thể

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô giáo là gì? Là Ngôi Lời Nhập Thể. Những ai phủ nhận điều này, những ai không biết điều này, thì là “phản Kitô”. Một tình yêu mà không nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, thì không phải là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta. Nếu thế, tình yêu ấy là tình yêu kiểu thế gian, kiểu triết học, kiểu tình yêu trừu tượng, tình yêu mềm yếu. Còn tình yêu Kitô, là loại tình yêu có chuẩn mực là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu ai đó nói tình yêu Kitô theo nghĩa khác, thì là phản Kitô. Vì khi ấy người ta không nhận ra rằng, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự thật đối với chúng ta là: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến và làm người sống giữa chúng ta. Yêu như Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, yêu như Chúa Giêsu dạy, yêu như Chúa Giêsu yêu. Yêu là đi trên con đường của Giêsu. Con đường Giêsu là đường ban sự sống.

Cách duy nhất để yêu thương như Chúa Giêsu yêu, là không ngừng ra khỏi sự ích kỷ của mình và đi đến phục vụ tha nhân. Có điều này, bởi vì tình yêu Kitô là một tình yêu cụ thể, bởi vì Thiên Chúa hiện diện hữu hình và cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

Có những tình yêu kiểu ý thức hệ

Có những người đã đi ra ngoài học thuyết về nhập thể. Khi làm như thế, họ không còn ở trong giáo huấn của Chúa Kitô nữa, của Thiên Chúa nữa. Giáo hội là thân mình Chúa Kitô. Khi đi ra ngoài Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đi ra ngoài Mầu nhiệm Hội Thánh, người ta đi tới những ý thức hệ. Những ý thức hệ này gây hại cho Giáo hội. Có những kiểu nói như: “Vâng, tôi là người Công giáo, tôi yêu thế giới với tình yêu phổ quát đại đồng”… Nói như thế có vẻ quá là thanh cao. Tình yêu thì luôn phát sinh từ nội tâm và rất cụ thể. Tình yêu ấy không bên ngoài giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể.

Có những người không muốn yêu như Chúa Kitô yêu hiền thê của Người là Giáo Hội. Chúa Kitô yêu Hội Thánh là thân mình Người, và trao tặng mạng sống. Những người không yêu như Chúa Kitô yêu, thì họ yêu theo kiểu ý thức hệ. Và khi ấy họ loại bỏ thân mình của Chúa Kitô. Khi ấy có thể họ hủy hoại cộng đồng và phá hoại Giáo Hội.

Tình yêu Kitô là thiết thực và cụ thể

Nếu chúng ta bắt đầu lý thuyết hóa tình yêu, thì chúng ta bắt đầu làm biến dạng những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Khi ấy chúng ta đến với một Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, đến với một Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, đến với một Giáo Hội mà không có con người. Đó là tiến trình hủy hoại Hội Thánh.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa để chúng ta đừng bao giờ bước đi trong loại tình yêu như thế, những thứ tình yêu trừu tượng. Nhưng xin cho chúng ta ở trong tình yêu chân thực. Tình yêu với những hành động xót thương, chúng ta chạm tới da thịt của Chúa Kitô, của Chúa Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Tại sao thánh Lôrenzô Phó tế nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội!”? Tại vì? Vì họ là thân mình đau khổ của Chúa Kitô!

Tứ Quyết SJ