Buổi canh thức cầu nguyện đại kết và quốc tế cho Kitô hữu và dân châu Âu

Buổi canh thức cầu nguyện đại kết và quốc tế cho Kitô hữu và dân châu Âu

Roma – Buổi canh thức cầu nguyện đại kết và quốc tế cho châu Âu sẽ được cử hành hôm nay, 24/03, tại đền thờ 12 thánh Tông đồ ở Roma, nhân dịp 60 năm các Hiệp ước Roma về hòa bình và cộng tác giữa các dân tộc châu Âu được ký kết.

Buổi canh thức được phát động bởi mạng lưới “Insieme per l’Europa” (cùng nhau vì châu Âu), một mạng lưới có sự tham gia của hơn 300 Cộng đồng và Phong trào giáo hội được thành lập gần đây, thuộc các Giáo hội Kitô khác nhau.

Buổi canh thức là sự đóng góp của các Kitô hữu, liên kết trong lời cầu nguyện, cho châu Âu và ghi nhớ 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther.

Thông cáo của phong trào Focolari có đoạn viết: “Mục đích của buổi canh thức cầu nguyện đại kết và quốc tế cho châu Âu ở Roma, thành phố chứng kiến buổi ký kết các Hiệp ước đầu tiên vào ngày 25/03/1957, là làm chứng rằng sự hiệp thông, hòa giải và hiệp nhất thì có thể và với mục đích ủng hộ tiến trình hội nhập châu Âu, đang tiến hành cách khó khăn vì những chướng ngại và chống đối trong sự đa dạng của các quốc gia và ngay cả trong sự chia rẽ của chính các Kitô hữu.”

Buổi canh thức vào lúc 19.30 chiều 24/03 sẽ có sự tham dự của ĐHY Kurt Koch – chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Cổ võ hiệp nhất các Kitô hữu, Đức ông Nunzio Galantino – tổng thư ký Hội đồng Giám mục Italia, Đức giám mục Tin lành Heinrich Bedford-Strohm – chủ tịch EKD. Cũng có chứng từ của Andrea Riccardi – vị sáng lập Cộng đoàn thánh Egidio và Gerhard Pross – phụ trách điều hành của CVJM/YMCA.

Thủ đô Brussels và các thành phố khác của châu Âu sẽ theo sự kiện ở Roma bằng các buổi canh thức tại chính các thành phố, các cách diễn tả của một mạng lưới sống động, niềm hy vọng cho tương lai.

Các nguyên thủ của các quốc gia và chính quyền của Liên hiệp châu Âu sẽ về Roma để họp nhau và sẽ được Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp vào lúc 6 giờ chiều 24/03. (ACI 23/04/2017)

Hồng Thủy

Các Linh mục Pêru được khuyến khích thăm các nạn nhân thiên tai

Các Linh mục Pêru được khuyến khích thăm các nạn nhân thiên tai

Piura, Peru – Nhân dịp cử hành “24 giờ cho Chúa”, tổng giáo phận Piura đã khuyến khích các linh mục thăm viếng và giúp đỡ các nạn nhân thiên tai ở miền tây bắc Peru.

Trong sứ điệp hôm 20/03, Đức tổng giám mục José Antonio Eguren Anselmi của Piura nhắc rằng chương trình 24 giờ cho Chúa” vào ngày 25/03 “nhắm tạo cho các tín hữu sự thuận tiện trong việc đến với bí tích giải tội trong mùa Chay, cùng với việc chầu Thánh Thể, đọc kinh Mân côi và các hình thức hoạt động phụng vụ khác.”

Ngài cũng cho biết rằng ngài không thay đổi bản chất của chương trình do Đức Thánh Cha khởi xướng, và chính ngài sau những tuần lễ thăm viếng các thành phố khác nhau trong giáo phận bị tàn phá, ngài nghĩ là năm nay có thể cử hành sáng kiến này bên ngoài các nhà thờ, bằng cách thăm các anh chị em nạn nhân trong các cộng đoàn giáo xứ, là những người hiện nay, hơn bao giờ hết, cần những lời khích lệ an ủi để tìm lại lý do cho niềm hy vọng của họ.”

Đức tổng giám mục của Piura đề nghị với các linh mục: vào thứ 7, 25/03, lễ Truyền tin, cùng với các nhân viên mục vụ, các giáo lý viên, các thừa tác viên trao Mình Thánh, các cha tổ chức, với sự thận trọng, một số hoạt động để viếng thăm Chúa nơi các anh em nạn nhân.” Ngài nhấn mạnh: “Tôi biết nhiều cha đang làm những điều này và tôi khích lệ các cha tiếp tục.”

Ngài cũng khuyến khích thăm viếng và trợ giúp cho các nạn nhân các phẩm vật quyên góp được tại các giáo xứ như thực phẩm, quần áo, các mặt hàng vệ sinh cá nhân, vv.

Đức tổng giám mục cũng đề nghi tổ chức Phụng vụ Lời Chúa hay đọc kinh Mân côi để cầu cho các anh em, trong khi linh mục giải tội, xức dầu bệnh nhân,còn các thừa tác viên trao Mình Thánh cho người già, người bệnh, các tù nhân và tổ chức các sự kiện cho các con em của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. (CNA 23/03/2017)

Hồng Thủy

ĐHY Nichols mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc tấn công ở Luân đôn

ĐHY Nichols mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc tấn công ở Luân đôn

Một sĩ quan cảnh sát và 3 người dân đã bị chết trong cuộc tấn công khủng bố ở Luân đôn thứ 4 hôm qua, 22/03. ĐHY Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh quốc và xứ Wales đã dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ.

Trên mạng xã hội Twitter, chiều cùng ngày cuộc tấn công xảy ra, ĐHY cũng viết rằng tất cả những người “bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công khủng khiếp này và những người đã đáp trả nó cách can đảm” đều hiện diện trong lời cầu nguyện của ngài.

Ngày 23/03 hôm nay, ĐHY cũng mời gọi cầu nguyện, tỏ tình tương trợ cảm thông và sự bình tĩnh sau cuộc tấn công.

ĐHY nói: “Cuộc tấn công hôm qua ở Westminster làm cho chúng ta bị sốc. Loại bạo lực mà chúng ta thường thấy ở các nơi khác lại mang kinh hoàng và chết chóc đến thành phố này.”

Ngài mời gọi cầu nguyện cho những người bị giết và những người mất người thân. Ngài xin cầu nguyện cho Aysha Frade cũng như cho người chồng và hai con học ở trường tiểu học Đức Maria các Thiên thần, bị giết khi đang trên đường đi đón con; cầu cho các học sinh người Pháp bị thương; cầu nguyện đặc biệt cho sĩ quan cảnh sát Keith Palmer và cho gia đình của ông, cám ơn Chúa rằng nhiều người đã có sự dấn thân can đảm như thế để gìn giữ xã hội an toàn.

ĐHY nói: “Hãy để cho tiếng của chúng ta nên một trong lời cầu nguyện, trong sự tương trợ cảm thông và bình tĩnh. Tất cả những ai tin vào Chúa, Đấng Tạo dựng và Cha của mọi người, sẽ làm vang vọng tiếng nói này, vì đức tin vào Chúa không phải là một vấn đề cần được giải quyết , nhưng một sức mạnh và một nền tảng.”

Một người đàn ông mang theo dao đã tông xe hơi vào các khách bộ hành trên cầu Westminster trước khi đâm chết một sĩ quan cảnh sát ở cổng của nhà Quốc hội. Có 5 người chết trong vụ tấn công, bao gồm cảnh sát Palmer, kẻ tấn công, và khoảng 40 người bị thương, trong đó có một số bị thương nặng. (Catholic Herald 24/03/2017)

Hồng Thủy

Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta

Phép lạ của hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta

VATICAN. Hai Chân Phước thiếu nhi Phanxicô và Giaxinta Marto được công nhận phép lạ và sắp được phong Hiển thánh.

Với phép của ĐTC, hôm 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai Chân Phước đã được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima cách đây 100 năm cùng với chị họ Lucia, đó là Phanxicô Marto, sinh ngày 11-6-1908, qua đời ngày 4-4-1919, và Giacinta Marto, sinh ngày 11-3-1910, qua đời ngày 20-2-1920.

Hai thiếu nhi đã được thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng tôn phong chân phước tại Đền thánh Fatima ngày 13-5 Năm Thánh 2000.

Nhiều người hy vọng ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự lễ phong Hiển Thánh cho hai vị trong thánh lễ ngày 13-5-2017 tới đây tại Fatima, tuy nhiên chưa có thông cáo chính thức nào của Tòa Thánh về vấn đề này.

Cũng ngày 23-3-2017, Bộ Phong Thánh đã công bố 6 sắc lệnh khác liên quan đến các án phong khác:

– Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Angelo da Acri, LM thuộc dòng Capucino (1669-1739)

– Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Cha Giuse Maria Fernández Sánchez, và 32 bạn thuộc dòng Lazzariste và 6 giáo dân thuộc Hội Ảnh Vảy Đức Mẹ Maria tử đạo năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha.

 – Sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của Nữ tu Regina Maria Vattalil, dòng Clarissa Phanxica, tử đạo ngày 25-2-1995.

3 sắc lệnh còn lại nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 3 vị tôi tớ Chúa.

Sau cùng, ĐTC chấp thuận đề nghị của các Hồng Y và GM thành viên Bộ phong thánh về việc phong hiển thánh cho

– 30 vị tử đạo ở Brail ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, đứng đầu là cha Andrea de Soveral và Matteo Moreira.

– 3 thiếu niên tử đạo: Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mexico năm 1529.

 G. Trần Đức Anh OP 

Sẽ là “người Công Giáo vô thần” nếu trái tim ta chai đá

Sẽ là “người Công Giáo vô thần” nếu trái tim ta chai đá

Ước chi hôm nay nghe Tiếng Chúa, các bạn đừng cứng lòng nữa. Khi rời xa Thiên Chúa, khi giả điếc làm ngơ trước Lời của Chúa, chúng ta trở nên vô tín hoặc thậm chí chúng ta là người Công Giáo nhưng là “người Công Giáo vô thần”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không nghe Lời Chúa, thì cuối cùng chúng ta sẽ nghe các ngẫu tượng của thế gian

Nếu ngừng nghe Lời Chúa, thì thực tế là chúng ta đang chạy trốn và rời xa Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa, chúng ta sẽ nghe những tiếng khác. Thực tế cay đắng là, khi ngoảnh mặt làm ngơ, chúng ta trở nên điếc lác, điếc Lời Chúa.

Tất cả chúng ta, hôm nay dừng lại và nhìn vào cõi lòng mình, để thấy biết bao lần, biết bao lần chúng ta đóng cửa đôi tai và trở nên điếc. Ngay cả một dân tộc, một cộng đồng, ngay cả một cộng đoàn Kitô hữu, một giáo xứ, một giáo phận, đã ngoảnh tai làm ngơ, đã trở nên điếc trước Lời Chúa, để rồi tìm kiếm những tiếng nói khác, những chúa khác, và kết cục là tìm các ngẫu tượng của thế gian này. Khi đó chúng ta rời xa Thiên Chúa hằng sống.

Nếu có trái tim chai đá, thì chúng ta trở thành “người tín hữu ngoại đạo” thậm chí là “người Công Giáo vô thần”

Khi rời xa Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên khô cứng. Khi không còn lắng nghe, trái tim trở nên khô cứng hơn, khép kín hơn vào chính mình và không thể đón nhận thêm gì nữa. Khi ấy trái tim không chỉ là khép kín mà còn là chai đá.

Khi không còn lắng nghe Lời Chúa, trái tim trở nên chai đá và khép kín, chúng ta đang đánh mất đi sự trung tín, mất đi cảm thức của sự trung thành. Trong bài đọc một trích sách Ngôn sứ Gieremia, Chúa nói: “Sự tín trung đã bị đánh mất”. Và khi ấy, chúng ta là người Công Giáo mà không sống đạo, chúng ta là người Công Giáo ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, chúng ta có thể là người Công Giáo vô thần, bởi vì chúng ta không quy chiếu vào tình yêu của Thiên Chúa hằng sống. Không nghe và ngoảnh mặt, điều ấy làm cho con tim của ta ra chai đá, điều ấy dẫn chúng ta đi trên con đường bất trung.

Sự bất trung ấy chứa đầy những lầm lẫn xáo trộn. Đó là con đường gây ra những nhầm lẫn, rằng không biết Thiên Chúa ở đâu, rằng không biết có Chúa hay không, rằng nhận biết sai lầm và nhầm lẫn giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu làm phép lạ để cho thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, người dân thì vui mừng ca khen, còn có những kẻ lại nói: “Ông ta làm điều ấy nhờ quyền năng của Tướng Quỷ”.

Tự hỏi lòng mình: Tôi có thực sự lắng nghe Lời Chúa không?

Khi không nghe, khi cứng lòng, bạn sẽ rơi vào nhiều lầm lạc, bạn sẽ không còn tín trung, và kết cục là tội phạm thượng. Và thực tế, nhiều người quên đi sự tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thầy Giêsu.

Mỗi người trong chúng ta hôm nay tự hỏi lòng mình: Tôi có biết dừng lại lắng nghe Lời Chúa không? Trái tim tôi có đang chai đá không? Tôi có đang xa lánh Chúa không? Tôi có đánh mất sự tín trung với Thiên Chúa hằng sống không? Tôi có chung sống với các thần tượng hằng ngày đem lại sự nhàm chán không? Tôi có đánh mất niềm vui tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu không? Hôm nay là ngày để lắng nghe: “Hôm nay, anh em hãy nghe Lời của Chúa”. Chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cho con đừng cứng lòng nữa”. Chúng ta hãy nài xin ơn ấy, ơn để biết lắng nghe vì trái tim chúng ta hãy còn chai đá.

Tứ Quyết SJ  

 

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

Cha Quinn, tông đồ của cộng đoàn Công giáo người Mỹ gốc Phi châu ở Brooklyn

“Tháng lịch sử của người da đen”, còn được biết với tên “tháng lịch sử của người Mỹ gốc Phi châu”  được cử hành vào tháng 2 hàng năm tại Canada và Hoa kỳ, để tưởng nhớ những nhân vật và sự kiện quan trọng của người Phi châu ở ngoài châu lục này. Vào năm 1926, “tuần lịch sử của người đen” được thành lập và sau đó được mở rộng thành “Tháng Lịch sử của người da đen” vào năm 1969 và được cử hành lần đầu tiên ở Kent State vào tháng 2 năm 1970. Năm 1976, nhân kỷ niệm 200 năm lập quốc của Hợp chủng quốc, tức là Hoa kỳ, “Tháng lịch sử của người da đen” được chính quyền Hoa kỳ chính thức nhìn nhận. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Hoa kỳ, có những người đã dấn thân bênh vực và giúp đỡ những người gốc Phi, và cha Bernard J. Quinn là một trong những nhân vật đã gây ảnh hưởng nhiều trên đời sống của cộng đồng những người gốc Phi.

Cha Bernard J. Quinn, thụ phong Linh mục năm 1912, đã chống lại suy nghĩ của người cùng thời với cha, làm mọi sự với hết khả năng của mình để chiến đấu cho sự bình đẳng sắc tộc. Cha Quinn đã đến gặp đức cha Charles Edward McDonnell của giáo phận Brooklyn lúc bấy giờ và xin đức cha mở một sứ vụ tông đồ cho người da đen, vì cha thấy rằng trong khi Giáo hội đang dấn thân giải quyết các nhu cầu của người nhập cư châu Ấu thì người Mỹ gốc Phi châu lai bị bỏ qua. Đức cha McDonnell, đang quá lo lắng cho sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất, nên đã từ chối yêu cầu của cha Quinn. Đức cha cần số đông các linh mục hoạt động như các linh hướng ở nước ngoài, nên một hoạt động tông đồ mới trong giáo phận không nằm trong chương trình của ngài. Cha Quinn đã đáp lại chương trình của đức cha, trở thành linh hướng, đồng hành với kế hoach của đức cha. Cha được gửi đến trợ giúp một binh đoàn ở Pháp, và cha đã được gặp một người bạn mới, đó là thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, hay còn gọi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cha Quinn được gửi đến Alençon, nơi sinh của thánh Têrêsa và sau khi đọc cuốn tự thuật “Chuyện một tâm hồn” của thánh nữ, cha đã yêu mến ngài. Cha đã có cơ hội đến thăm ngôi nhà của thánh nữ và dâng Thánh lễ tại đó vào ngày 2 tháng 1 năm 1919, sinh nhật của thánh nữ. Đó là một đặc ân đối với cha, vì cha là linh mục đầu tiên dâng Thánh lễ tại đây.

Trở về lại giáo phận ở Hoa kỳ, cha Quinn lại xin đức cha mở hoạt động tông đồ cho người Mỹ gốc Phi. Cuối cùng cha đã được phép của đức cha, thành lập một giáo xứ mới cho các tín hữu người Mỹ gốc Phi ở Brooklyn. Cha đã tìm được một nhà thờ Tin lành cũ, tu sửa lại và làm phép và dâng kính thánh Phêrô Claver vào ngày 26 tháng 2 năm 1922. Cha đã phó thác cộng đoàn của mình cho thánh nữ Têrêsa Hài đồng và sau đó cha thành lập Nhà Quan Phòng Bông Hoa nhỏ để giúp đỡ các trẻ em mồ côi người Mỹ gốc Phi. Mỗi tuần, giáo xứ của cha tổ chức các buổi cầu nguyện tuần 7 ngày kính thánh Têrêsa. Mỗi thứ hai, khoảng 10 ngàn người mộ đạo tham dự vào tuần 7 ngày. Cha Quinn đã chứng kiến những phép lạ chữa lành, cả linh hồn và thể xác trong những tuần kính thánh Têrêsa này.

Những nỗ lực của cha Quinn giúp đỡ cho cộng đoàn người Mỹ gốc Phi đã bị nhóm Ku Klux Klan, gọi tắt là 3K, một hội kín ủng hộ thuyết thượng đẳng của người da trắng, chống sự bình đẳng của người da đen, chú ý. Họ đã đốt viện mồ côi của cha hai lần trong cùng một năm. Nhưng điều này không ngăn cản được cha Quinn; cha đã xây dựng lại cô nhi viện bằng gạch và bêtông. Khi cha nhận những lời dọa giết, cha nói với các giáo dân: “Cha tình nguyện đổ đến giọt máu cuối cùng cho người cuối cùng trong anh em.” Nhìn thấy những thành công của giáo xứ đầu tiên, cha Quinn đã thành lập thêm một cộng đoàn thứ hai, đó là cộng đoàn thánh Biển đức thành Moor ở Jamaica, Queens.

Cha Quinn qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1940 sau khi chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hàng ngàn người đã tham dự lễ an táng của cha. Công trình của cha để lại vẫn hoạt động đến ngày hôm nay. Theo Thời báo New York, viện mồ côi của cha vẫn là nền tảng hoạt động của chương trinh “Bông Hoa nhỏ cho Trẻ em và Gia đình” của giáo phận New York, với các hoạt động phục vụ trong vùng Queens, ở Brooklyn và Long Island. Năm 2010, Đức cha Nicholas DiMarzio của giáo phận Brooklyn đã mở án phong thánh cho cha Quinn và đã mở cuộc điều tra về cuộc đời của ngài. Cha Quinn trở thành gương mẫu và người cầu khẩn cho nước Mỹ trong giai đoạn đất nước cần được chữa lành những vết thương do những chia rẽ sắc tộc gây nên. (Aleteia.it 21/02/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha kêu gọi tham gia sáng kiến “24 giờ cho Chúa”

Đức Thánh Cha kêu gọi tham gia sáng kiến "24 giờ cho Chúa"

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu sốt sắng tham gia sáng kiến tái khám phá bí tích Hòa giải tổ chức vào ngày thứ sáu 23 và thứ bẩy 24-3-2017 này.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22-3-2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Tôi mời gọi tất cả các cộng đoàn hãy sống trong niềm tin tưởng cuộc hẹn vào ngày 23 và 24-3 này để tái khám phá bí tích Hòa giải: ”24 giờ cho Chúa”. Tôi cầu mong rằng năm nay, thời điểm hồng phúc ưu tiên này trong hành trình mùa chay cũng được sống tại bao nhiêu thánh đường để cảm nghiệm cuộc gặp gỡ vui tươi với Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Đấng đón tiếp và tha thứ cho tất cả mọi người”.

Sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” năm nay có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương Xót” (Mt 9,13)

Năm nay tại Vatican, ĐTC đã cử hành sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” sớm hơn 1 tuần, vào thứ sáu 17-3 vừa qua, với nghi thức thống hối chung và xưng tội và lãnh ơn xá giải cá nhân, tại Đền thờ Thánh Phêrô. Tuy nhiên tại các nơi khác ở Roma cũng như trên thế giới, sáng kiến này được cử hành trong hai ngày 23 và 24-3 như vừa nói.

Từ 20 giờ tối thứ sáu 24-3-2017, cho đến quá nửa đêm, Nhà thờ Đức Mẹ Maria in Trastevere và nhà thờ các dấu thánh của Thánh Phanxicô (Stimmate di S. Francesco) sẽ mở cửa liên tục để các tín hữu chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 25-3, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng TT tái truyền giảng Tin Mừng, sẽ kết thúc 24 giờ cho Chúa tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần ở khu Sassia, đối diện với trụ sở Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên, với kinh chiều I Chúa nhật thứ 4 mùa chay. (SD 22-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Lời Chúa dưỡng nuôi lòng kiên trì, sự ủi an và niềm hy vọng

Lời Chúa dưỡng nuôi lòng kiên trì, sự ủi an và niềm hy vọng

** Qua lời của Ngài Thiên Chúa của lòng kiên trì và ủi an dưỡng nuôi nơi chúng ta một niềm hy vọng được biểu lộ ra một cách cụ thể qua việc chía sẻ và phục vụ lẫn nhau, đặc biệt là phục vụ các anh chị em yếu đuối và mỏng giòn nhất.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 22-3-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa vài câu trong chương 15 thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng…Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,1-2-4-5).

ĐTC nói: từ vài tuần qua Tông Đồ Phaolô đang giúp chúng ta hiểu niềm hy vọng kitô một cách rõ ràng hơn. Và chúng ta đã nói rằng đó không phải là một sự lạc quan, không: đó đã là một điều khác. Và thánh tông đồ giúp chúng ta hiểu điều đó là gì. Hôm nay qua bài đọc vừa nghe ngài cũng làm điều ấy bằng cách để gần nhau hai thái độ quan trọng đối với cuộc sống và kinh nghiệm đức tin của chúng ta: đó là lòng kiên nhẫn và sự ủi an. Đâu là ý nghĩa sâu xa đích thật nhất của chúng? Và chúng soi sáng cho thực tại của niềm hy vọng như thế nào? Hai thái độ kiên nhẫn và ủi an. ĐTC giải thích hai thái độ này như sau:

Chúng ta có thể định nghĩa lòng kiên trì như là sự kiên nhẫn: đó là khả năng chịu đựng, mang trên vai, chịu đựng, trung thành, cả khi sức nặng xem ra quá lớn, không thể chịu đựng nổi, và chúng ta sẽ bị cám dỗ bỏ rơi mọi sự và mọi người. Sự ủi an, trái lại, là ơn biết tiếp nhận và cho thấy trong mọi hoàn cảnh, sự hiện diện và hoạt động thương xót của Thiên Chúa, kể  cả trong các hoàn cảnh đáng thất vọng và khổ đau nhất. Giờ đây thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta rằng lòng kiên trì và sự ủi an được Thánh Kinh trao ban cho chúng ta một cách đặc biệt.

** Thật thế Lời Chúa (c. 4) trước hết đưa chúng ta tới chỗ hướng cái nhìn lên Chúa Giêsu, hiểu biết ngài nhiều hơn và đồng hình đạng với ngài, ngày càng giống Ngài hơn. Thứ hai, Lời Chúa vén mở cho chúng ta rằng Chúa thật là “Thiên Chúa của sự kiên nhẫn và ủi an” (c. 5), nghĩa là kiên trì trong tình yêu đối với chúng ta, Ngài không mệt mỏi yêu thương chúng ta: không! Ngài kiên trì: Ngài luôn luôn yêu thương chúng ta! Và Ngài cũng lo lắng cho chúng ta, bằng cách bao phủ các thương tích của chúng ta với sự vuốt ve của lòng lành và sự thương xót của Ngài, nghĩa là Ngài an ủi chúng ta. Ngài cũng không mệt mỏi an ủi chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong viễn tượng ấy chúng ta cũng hiểu khẳng định ban đầu của thánh Phaolô: “Chúng ta là những người mạnh mẽ, chúng ta có bổn phận mang các tật bệnh của những người yếu đuối, mà không chiều theo sở thích của mình” (c. 1). Kiểu nói “chúng ta là những người mạnh mẽ” xem ra có thể là tự phụ, nhưng trong luận lý của Tin Mừng chúng ra biết rằng không phải là như thế, nhưng nó ngược lại, bởi vì sức mạnh của chúng ta không đến từ chúng ta, mà từ Chúa. Ai sống kinh nghiệm trong chính mình tình yêu trung thành của Thiên Chúa và sự ủi an của Ngài, thì có bổn phận gần gũi các anh em yếu đuối hơn và mang lấy sự giòn mỏng của họ. Nếu chúng ta gần gũi Chúa, chúng ta sẽ có sức mạnh để gần gũi những người yếu đuối nhất, những người cần được giúp đỡ nhất, an ủi họ và trao ban sức mạnh cho họ. Đó là ý nghĩa của nó. Điều này chúng ta có thể làm mà không tự phụ, nhưng một cách đơn sơ cảm thấy mình như là một “con kênh” chuyển các ơn của Chúa và như thế một cách cụ thể trở thành một “nguời gieo” vãi hy vọng. Đó là điều Chúa xin nơi chúng ta, với sức manh và khả năng an ủi và là những người gieo vãi niềm hy vọng. Nó không dễ đâu. Rồi ĐTC rút tỉa ra kết luận như sau:

Hoa trái của kiểu sống này không phải là một cộng đoàn trong đó  có vài người thuộc hạng A, nghĩa là những người mạmh mẽ, và người khác thuộc hạng B, nghĩa là những người yếu đuối. Trái lại, hoa trái là như thánh Phaolô nói, “có cùng các tâm tình đối với nhau, theo gương Chúa Kitô Giêsu” (c. 5).

** Lời Chúa dưỡng nuôi một niềm hy vọng được bầy tỏ ra một cách cụ thể trong việc chia sẻ, trong việc phục vụ lẫn nhau. Bởi vì cả ai là “kẻ mạnh”  trước sau gì cũng kinh nghiệm sự giòn mỏng của mình, và cần sự an ủi của những người khác; và ngược lại trong sự yếu đuối  ta luôn có thể cống hiến một nụ cười hay một bàn tay cho người anh em gặp khó khăn. Và đó là một cộng đoàn “làm vinh danh Thiên Chúa với cùng một tâm hồn và một tiếng nói” (c. 6).

Nhưng tất cả những điều này chỉ có thể, nếu chúng ta đặt để Chúa Kitô và Lời Ngài vào trung tâm, bởi vì Ngài là Đấng mạnh mẽ, Ngài là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta, ban kiên nhẫn cho chúng ta, ban hy vọng cho chúng ta, ban ủi an cho chúng ta. Ngài là “Người anh mạnh mẽ” lo lắng cho từng người  trong chúng ta: thật thế, chúng ta tất cả đều cần được Mục Tử Nhân Lành mang trên vai, và cảm thấy được bao bọc bởi cái nhìn hiền dịu và sốt sắng của Ngài.

Các bạn thân mến, chúng ta sẽ không bao giờ cám ơn Thiên Chúa đủ vì ơn Lời Ngài, hiện diện trong Thánh Kinh. Chính trong đó Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta tự mạc khải như là “Thiên Chúa của lòng kiên nhẫn và sự ủi an”. Và chính ở đó chúng ta ý thức được rằng niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên các khả năng và sức mạnh của chúng ta, mà dựa trên sự nâng đỡ của Thiên Chúa và trên lòng trung thành của tình yêu Ngài, nghĩa là trên sức mạnh của Thiên Chúa và sự ủi an của Thiên Chúa.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào tín hữu giáo phận Pontoise do ĐC Stanislas Lalanne hướng dẫn, cũng như các đoàn hành hương đến từ Bỉ và Congo Brazaville.

** Chào các nhóm hành hương đến từ Đan Mạch, Na Uy, và Hoa Kỳ ngài cầu mong Mùa Chay là thời gian ơn thánh giúp canh tân tinh thần cho họ và cho gia đình họ. Ngài đặc biệt chào các tham dự viên hội nghị về “nước và giá trị của nước cho thế giới khát nước” do Hội Đồng Toà Thánh về văn hóa cùng tổ chức với Hiệp hội Argentina Roma. Hôm qua là Ngày quốc tế bảo vệ nước do Liên Hiệp Quốc thành lập cách đây 25 năm, trong khi thứ ba vừa qua là Ngày Quốc Tế bảo vệ Rừng cây. ĐTC bầy tỏ vui mừng vì các cuộc gặp gỡ này ghi dấu một chặng mới trong dấn thân của nhiều tổ chức giúp gây ý thức đối với việc bảo vệ nước uống cho thiện ích của mọi người và đánh giá cao các ý nghĩa văn hoá và tôn giáo của nước. ĐTC khích lệ các nỗ lực của họ trong việc giáo dục trẻ em và người trẻ liên quan tới vấn đề này.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Bồ Đào Nha, Brassil, Tây Ban Nha và Ba Lan. ĐTC nói Giáo Hội mới mừng lễ thánh Giuse cách đây mấy ngày. Thánh nhân là gương mẫu của niềm hy vọng và kiên nhẫn, vì đã biết chịu đựng và thắng vượt biết bao khó khăn với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Thánh nhân đã thông truyền cho Thánh Gia sự ủi an của các lời Thiên Chúa hứa. Chúng ta luôn được mời gọi sẵn sàng trợ giúp tha nhân với nụ cười và đôi bàn tay liên đới.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC khuyến khích họ sống mùa Chay trong tinh thần cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm phúc bố thí, cũng như duyệt xét lương tâm và xưng thú tội lỗi. Và nhất là đừng quên giáo huấn của thánh Gioan Phaolô II: “biết gọi trắng là trắng, đen là đen, sự dữ là sự dữ, sự thiện là sự thiện. Nhất là học gọi tội lỗi là tội lỗi, chứ không gọi nó là giải phóng và tiến bộ.”

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào các giám đốc văn phòng di dân, và khích lệ các vị tiếp đón người di cư tỵ nạn và giúp họ hội nhập xã hội.

Ngài cũng chào nhóm các trẻ em bị bệnh down của giáo phận Ascoli Piceno, và nhân viên của  nghiệp đoàn công nhân bãi biển Italia.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ bẩy tới đây là lễ Truyền Tin cho Trinh Nữ Maria. Ngài cầu mong các bạn trẻ biết noi gương Mẹ vâng theo ý Chúa; người đau yếu không chán nản trong các lúc khó khăn vì biết rằng Chúa luôn trợ lực họ; và các đôi tân hôn biết xây dựng cuộc sống gia đình trên lời Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Giáo xứ Bernadette phục vụ người bản xứ, người khiếm thính, vô gia cư

Giáo xứ Bernadette phục vụ người bản xứ, người khiếm thính, vô gia cư

Sau 18 năm từ khi được thành lập vào năm 1947, giáo xứ thánh Bernadette, giáo xứ Công giáo tiên khởi ở Lakewood, tiểu bang Colorado, đã phải nới rộng diện tích nơi thờ phượng của mình để đáp ứng số giáo dân ngày thêm đông. Ngày nay, ngôi nhà thờ xây từ nửa thế kỷ vẫn có đủ chỗ cho giáo dân, nhưng cần được nâng cấp để có thể phục vụ tốt hơn cộng đoàn giáo xứ đa của nó. Mùa xuân này, giáo xứ thánh Bernadette sẽ bắt đầu chiến dịch 3 năm, nhắm quyên góp 1.5 triệu đôla, cho các việc cải thiện cần thiết, và làm cho giáo xứ thánh Bernadette trở thành nơi đẹp đẽ, hữu hiệu và ấm áp đón tiếp cho cộng đoàn đa dạng của giáo xứ.

Bên cạnh việc phục vụ các tín hữu ở vùng trung tâm của Lakewood, giáo xứ Bernadette còn phụ trách Ủy ban người khiếm thính Công giáo ở Colorado, là nơi sinh hoạt của cộng đoàn thánh Kateri của người Mỹ bản xứ (thường được gọi là người da đỏ), điều hành một trường học và sắp tới sẽ là nơi đặt trụ sở Marisol Home – nơi cung cấp nhà ở tạm thời cho các phụ nữ vô gia cư và con cái của họ. Cha xứ Tom Coyte nói: “Một giáo xứ Công giáo, thánh thiện và tông truyền là sự miêu tả rất tốt về giáo xứ của chúng tôi.” Julie Plouffe, phụ tá mục vụ nói thêm: “Công giáo có nghĩa là phổ quát, hoàn vũ, và có rất nhiều sự khác biệt hiện diện ở nơi thờ phượng này: người điếc, người Mỹ bản xứ, phục vụ cho người nghèo và người vô gia cư và trường học của chúng tôi.”

Trước hết là việc phục vụ người khiếm thính. Cách đây 2 năm rưỡi, khi cha Coyte được bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ thánh Bernadette, cộng đoàn người điếc mà cha đã hướng dẫn trong 45 năm cũng đến xứ này với cha. Cha nhanh chóng nhận ra rằng ngôi nhà thờ đẹp đẽ của giáo xứ cần được sửa chữa và trùng tu, từ những nhu cầu như hệ thống sưởi, máy lạnh, đèn điện, cho đến cải thiện thánh đường trở nên tiện dụng và hiếu khách. Cha muốn mọi giáo dân, kể cả người khiếm thính, có thể tham dự hoàn toàn và chủ động vào phụng vụ.

Để cho người khiếm thính có thể nhìn thấy các cử chỉ thông dịch, giáo xứ đã có kế hoạch nâng bậc bàn thờ. Điều này cũng giúp cộng đoàn, cũng như các trẻ em của trường học khi tham dự phụng vụ, có thể nhìn thấy rõ hơn. Ủy ban người khiếm thính giúp những người có vấn đề về thính giác có thể phục vụ như những thừa tác viên đọc sách, những người xếp chỗ và các thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa. Ủy ban còn có dịch vụ thông dịch cho các đám cưới, đám tang và các lớp giáo lý và tổ chức các buổi tĩnh tâm. Cha Coyte chia sẻ: “Sứ vụ cho người khiếm thính là sự đi ra, là lời mời gọi của giáo phận, đến với tất cả người khiếm thính và gia đình của họ để họ tham dự hoàn toàn vào đời sống của giáo xứ và giáo hội.” Cha cho biết sứ vụ này cũng hoạt động ở các tiểu bang khác của nước Mỹ.

Còn cộng đoàn thánh Kateri dành cho người Mỹ bản xứ, hay còn gọi là người da đỏ, có khoảng 60 người đến từ khắp giáo phận, đại diện cho khoảng 10 bộ lạc người bản xứ, cử hành Thánh lễ trong tuần với các truyền thống của người da đỏ, đã hiện diện ở giáo xứ thánh Bernadette từ năm 1985. Cha Coyte cho biết giáo xứ đã tiếp đón những người thổ dân và cha nhận định rằng họ có một linh đạo rất đẹp. Cộng đoàn Kateri có mặt để loan báo Tin mừng và phục vụ cộng đoàn người Mỹ bản xứ, cũng như cung cấp nền giáo dục tôn giáo và xây dựng cộng đồng.

Mùa thu vừa rồi, cộng đoàn Kateri đã biến một tu viện cũ của giáo xứ thành nhà nguyện và chuyển đến đó để cử hành Thánh lễ trong tuần. Tổ chức bác ái Công giáo đang cho thuê và biến ngôi nhà trước đây của cộng đồng Kateri thành nhà cho các bà mẹ đơn thân với con của họ. Marisol Home, dự định mở cửa năm nay, sẽ có thể cung cấp nơi trú ngụ cho 18 gia đình cùng lúc. Giáo xứ thánh Bernadette sẽ cung cấp, trợ giúp các bữa ăn cũng như làm tình nguyện nhiều giờ. Phục vụ người nghèo và người vô gia cư từ lâu đã là hoạt động yêu thích của giáo xứ, với hoạt động này, hầu như mỗi ngày, giáo xứ giúp thực phẩm, trợ giúp thuê nhà và công việc cho nhiều người nghèo khổ từ. Cha Coyte cho biết là giáo xứ cũng đến với nhiều gia đình nghèo khổ trong trường học của họ. (CNS 01/03/2017)

Hồng Thủy

Ấn độ cần có thêm Linh mục tầng lớp Dalit

Ấn độ cần có thêm Linh mục tầng lớp Dalit

Dù cho số người Công giáo thuộc tầng lớp Dalit (cùng đinh) chiếm gần 2/3 tổng số tín hữu Công giáo ở Ấn độ, nhưng số giáo sĩ thuộc giai cấp này vẫn rất ít.

Đức Hồng y Oswald Gracias, giám mục Bombay kêu gọi các lãnh đạo Công giáo giai cấp Dalit cổ võ ơn gọi Linh mục trong các cộng đoàn của họ như cách thế để chấm dứt sự phân biệt kỳ thị mà họ gặp phải trong Giáo hội.

Trong đại hội của Hội đồng Quốc gia các Kitô hữu Dalit hôm 18-19/03, Đức Hồng y nói: “Cổ võ ơn gọi giữa các Dalit sẽ đưa đến sự biến đổi trong giáo hội cũng như trong xã hội.”

Đức Hồng y cũng khẳng định các Giám mục Ấn độ đi đầu trong cuộc tranh đấu của các Kitô hữu Dalit để chấm dứt phân biệt đối xử. Ngài nói: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta bình đẳng như nhau nhưng sự phân cách đến từ con người bởi vì sự ích kỷ của họ.”

Các Kitô hữu giai cấp Dalit chiếm khoảng 30% trong tổng số 27 triệu Kitô hữu trên toàn Ấn độ, dù vậy họ gặp phải sự phân biệt đối xử trong giáo hội.

Trong một bản báo cáo gửi cho Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2013, một Giám mục cho ngài biết là việc ăn uống chung và hôn nhân không thể diễn ra giữa các người giai cấp Dalit và giai cấp khác.

Các sinh viên Dalit bị đối xử phân biệt trong các chủng viện và các nhà đào tạo. Các lãnh đạo và giáo sĩ giai cấp Dalit không được kể trong số các vị có thẩm quyền quyết định trong giáo hội. Một số giáo xứ thậm chí phân ranh giới các nơi chôn cất và các ngày lễ để ngăn chặn tình trạng hòa lẫn với những người khác.

Dalit, trước đây được biết như “những người không thể đụng chạm”, là những người không thuộc hệ thống 4 giai cấp của Ấn độ. Trong quá khứ, hàng ngàn người đã cải sang Kitô giáo và Hồi giáo để thoát sự áp bức xã hội mà họ gặp phải trong Ấn độ giáo. Tuy vậy, sự thay đổi tôn giáo không thay đổi tình trạng kinh tế và phân biệt đối xử vẫn xảy ra.

Công giáo giai cấp Dalit chiếm 65% Công giáo Ấn độ, nhưng chỉ có 5% thuộc hàng lãnh đạo. (Ucan News 22/03/2017)

Hồng Thủy

Một Giám mục Italia cấm tội phạm mafia làm cha mẹ đỡ Rửa tội và Thêm sức

Một Giám mục Italia cấm tội phạm mafia làm cha mẹ đỡ Rửa tội và Thêm sức

Palermo, Italia – Đức cha Michele Pennisi, Giám mục giáo phận Monreale, gần Palermo ở Sicily, Italia, thông báo rằng các tội phạm mafia không thể là cha mẹ đỡ đầu trong các bí tích Rửa tội và Thêm sức.

Trong thông cáo đức cha nói đến việc mafia thường sử dụng từ “godfather” (cha mẹ đỡ đầu) để gọi các ông trùm với mục đích gán cho họ sự kính trọng tôn giáo, nhưng thực tế đây là 2 thế giới hoàn toàn không thể tương hợp.

Đức cha nhìn nhận là khó để áp dụng kỷ luật này vì các tội phạm mafia thường bí mật, khó mà biết được họ là mafia. Ngài xác định là không kết án một người nào đó nếu không có chứng cứ. Đồng thời ngài cũng cho biết sẽ không cấm những người có lòng ăn năn về các hành động của họ.

Trước đây, đức cha  Pennisi đã chống lại mafia và năm 2008 ngài đã nhận những lời đe dọa giết sau khi ngài cấm lễ an táng cho các tên tội phạm.

Theo báo Corriere Della Sera (Người đưa tin ban chiều) của Italia, đức cha Pennisi đã ra quyết định sau khi Giuseppe Riina, con trai của ông trùm nổi tiếng ‘Toto’ Riina, “ông trùm của các ông trùm”, được cho phép làm cha đỡ đầu của cháu ông ta trong lễ Rửa tội.

Theo đức cha Pennisi, “người cha đỡ đầu Kitô giáo phải bảo đảm sự giáo dục và nuôi dưỡng trong đức tin của con mình và làm sao ông ta có thể làm điều đó nếu cuộc sống của ông ta trái ngược với Tin mừng, nếu cuộc sống đó là bạo lực và được điều hành hoàn toàn bởi thần tiền. Có một sự không tương thích hoàn toàn ở đây và chúng ta phải hiểu rõ điều đó…”

Năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng các thành viên của một băng đảng mafia nổi tiếng “’nDrangheta” bị tuyệt thông với Giáo hội.

Ngày 21/03 năm nay, lần đầu tiên “Ngày toàn quốc tưởng nhớ và cam kết tưởng nhớ các nạn nhân của mafia” của Y được cử hành. Đức Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến các nạn nhân của mafia họp nhau ở Locri, Italia để bày tỏ sự gần gũi tinh thần của ngài với họ.

Đức Thánh Cha nói rằng ngài “hy vọng rằng cuộc họp mặt sẽ giúp suy tư về các nguyên nhân của rất nhiều vụ vi phạm luật pháp mà trong nhiều trường hợp đã dẫn đến các bạo lực và tội phạm.”

Đức Thánh Cha cũng bảo đảm ngài cầu nguyện cho những người đấu tranh với vấn đề của xã hội về tội ác và tham nhũng và chúc lành cho họ. (CNA 21/03/2017)

Hồng Thủy

ĐTC Phanxicô viếng thăm giáo phận Carpi

ĐTC Phanxicô viếng thăm giáo phận Carpi

Ngôi Thánh đường tại Capri

Ngày mùng 2 tháng 4 tới đây ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ giáo phận Carpi và Mirandola trong vùng Emiglio Romagna, trung bắc Italia. Ngày 17 tháng 3 vừa qua ĐC Francesco Cavina, Giám Mục giáo phận, đã cho phổ biến chương trình viếng thăm của ĐTC. Cách đây gần 5 năm hồi tháng 5 năm 2012 hai tỉnh này đã bị động đất tàn phá, khiến cho 28 người chết, hàng trăm người bị thương, và gây ra rất nhiều thiệt hại vật chất cho nhà cửa  và các hãng xưởng của dân chúng. Miền trung Italia là vùng hay có động đất vì nằm trên vòng đai lửa của trái đất. Vụ động đất hồi tháng 8 năm ngoái trong vùng Matrice và các tỉnh nhỏ và làng xã chung quanh đã khiến cho mấy trăm người thiệt mạng và hàng chục ngàn người toàn vùng không còn nhà ở, từ 6 tháng nay phải sống dưới lều, trong các xe van, và các nhà tiền chế, trong mùa đông có nhiều tuyết, mưa và giá lạnh. Các thiệt hại vật chất, nhà cửa, dinh thự, nhà thờ, các hãng xưởng, và ngành chăn nuôi sản xuất thổ sản nông nghiệp khiến cho cuộc sống văn hoá và kinh tế toàn vùng bị thiệt hại rất nặng nề. Gia tài nghệ thuật văn hóa toàn vùng bị hư hại và tàn phá rất nhiều. Một số nhỏ các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và hội họa đã được cứu và cất giữ trong các viện bảo tàng chờ được tu sửa. Nhưng trong suốt hơn 6 tháng qua, đất vẫn tiếp tục rung gây thêm nhiều thiệt hại khác nữa, và khiến cho hy vọng tái thiết toàn vùng ngày càng trở nên rất mong manh. Tuy có quyết tâm của chính quyền và dân chúng không muốn di cư đi nơi khác, vẫn kiên trì chờ đợi, nhưng người ta tự hỏi, tái thiết trong một tình trạng bấp bênh và nguy hiểm như thế có ý nghĩa gì.

 

** Giáo phận Carpi thuộc giáo tỉnh Modena-Nonantola vùng Emiglia Romagna, trung bắc Italia. Giáo phận có hơn 116.000 tín hữu trên tổng số gần  130.000 dân. Giáo phận bao gồm tỉnh Carpi và vài thị trấn như San Posidonio, Novi di Modena, Concordia sulla Secchia, Mirandola và Rolo vv… Nhà thờ chính toà Thánh Maria Hồn Xác Lên Trời trong tỉnh Carpi đã bị sập trong trận động đất ngày 29 tháng 5 năm 2012.  Nhà thờ đầu tiên do vua Astolo xây năm 751 là nhà thờ Thánh Maria trong lâu đài gọi là “La Sagra”. Trong thành phố Carpi có 2 đan viện kín của các nữ tu Capucino và Clarít và một đan viện nam của các tu sĩ Phanxicô hèn mọn thuộc thế kỷ XIII. Giáo phận gồm 38 giáo xứ và chia thành 8 giáo hạt. Trong năm 2017 giáo phận có 3 dòng nam và 20 dòng nữ. Trận động đất cách đây 5 năm đã khiến cho đa số các nhà thờ, trung tâm mục vụ, nhà nguyện, nhà xứ, tu viện và các cơ sở giáo xứ bị hư hại.

Giáo Phận Carpi đã được 5 Giáo Hoàng viếng thăm: Đức Gregorio VII năm 1077, Đức Pasquale II năm 1106, Đức Lucio III năm 1181, Đức Gioan Phaolô II năm 1988, và Đức Biển Đức XVI ngày 26 tháng 6 năm 2012.

Giáo phận Carpi cũng đã được thánh Bernardino thành Siena đến giảng hai lần năm 1427 và 1429. Trong số các thánh xuất thân từ đây có thánh Bernardino Realino sinh tại Carpi năm 1530, thánh Posidonio Giám Mục, thánh Valeriano, thánh Massimo và các bạn tử đạo Roma. Ngoài ra thuộc hàng con cái giáo phận còn có chân phước Odoardo Focherini giáo dân tử đạo trong trại tập trung Đức Quốc Xã, nữ chân phước Maddalena thành Carpi qua đời năm 1546, chân phước Innocenzo thành Carpi qua đời năm 1530, chân phước Stefano thành Carpi dòng Phanxicô người Pháp qua đời năm 1484, chân phước Niccolò della Mirandola, dòng Phanxicô, chân phước Raffaele Tedeschi dòng Phanxicô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ĐC Francesco Cavina, Giám Mục Carpi.

Hỏi: Thưa ĐC Cavina, tín hữu giáo phận của ĐC đã tiếp nhận tin ĐTC Phanxicô viếng thăm như thế nào?

Đáp: Dĩ nhiên là chúng tôi tiếp đón ĐTC với nhiềm vui lớn, cùng với một chút ngạc nhiên, bởi vì đây đã là chuyến viếng thăm không được chờ đợi. Trong vòng 5 năm giáo phận này, tuy không lớn lắm nhưng đã có vinh dự và niềm vui được tiếp đón hai Giáo Hoàng, Biển Đức XVI và Phanxicô.

Hỏi: Chính ĐC đã xin ĐTC đến viếng thăm giáo phận, có đúng thế không?

Đáp: Không. Tôi phải nói rằng một hôm ĐGH đã gọi điện thoại cho tôi và mời tôi về Roma. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện dài, và trong cuộc nói chuyện ấy đến một lúc nào đó ĐTC cười và nói với tôi: “Tôi đã quyết định đến thăm Carpi trước lễ Phục Sinh. Rất may là tôi đang ngồi trên ghế, chứ nếu không thì tôi có thể té xỉu rồi! Sau khi hoàn hồn vì ngạc nhiên, dĩ nhiên là tôi không thể làm gì khác hơn là cám ơn ĐTC và bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với ngài, tất cả lòng biết ơn, bởi vì đây thật là một chuyến viếng thăm, trong đó ĐTC sẽ có dịp trông thấy những gì đã được làm trong 5 năm qua để phục hồi vùng đất này, một cách đặc biệt để mở lại nhà thờ chính toà vào ngày 25 tháng 3, tức là một tuần trước chuyến viếng thăm của ĐTC.

Hỏi: Thưa ĐC, tình hình tại Carpi ra sao sau gần 5 năm động đất? Dân chúng đã trở lại nhà họ chưa, và đâu là các vết thương còn mở do trận động đất để lại?

Đáp: Tôi phải nói rằng công việc tái thiết đã rất lớn lao, và ngày nay các chỗ làm việc đã được tái phục hồi: đã có 42,000 công ăn việc làm bị mất đi vì trận động đất. Hiện nay còn rất ít, khoảng 70 gia đình còn đang sống trong các nơi tạm bợ, và việc tái thiết các cơ cấu hạ tầng cơ sở trên thực tế đã kết thúc. Điều còn thiếu là vài đài kỷ niệm lịch sử, các trung tâm lịch sử. Trong mạn bắc giáo phận tôi nghĩ tới vài vùng như Mirandola, Concordia, Rovereto, các trung tâm lịch sử cần thiết phải phục hồi, bởi vì chúng còn đang ở trong tình trạng của ngày xảy ra động đất. Tôi đã xin phép viếng thăm Mirandola, để ĐTC tận mắt chứng kiến điều còn cần phải làm.

Hỏi: Thưa ĐC thời điểm chính của chuyến viếng thăm Carpi là thánh lễ ĐTC chủ sự tại quảng trường Martini của thành phố, rồi lễ nghi làm phép các viên đá dầu tiên của ba cơ sở là giáo xứ thánh nữ Agata, Nhà tĩnh tâm thánh Antôn in Novi, và kinh thành Bác ái. Ngoài giáo xứ ra thì hai trung tâm kia có sứ mệnh gì thưa ĐC?

Đáp: Kinh thành Bác ái sẽ có các văn phòng của tổ chức Caritas, văn phòng cố vấn giáo phận, trợ giúp các gia đình gặp khó khăn, thanh thiếu niên, người trẻ và nhất là một trung tâm tiếp đón các người cha gia đình gặp khó khăn: các người cha ly thân, là một trong các vấn đề cấp thiết mới đang gia tăng trong xã hội của chúng ta ngày nay. Còn nhà tĩnh tâm cần phải xây, vì giáo phận chưa có một trung tâm tĩnh tâm nào,  và có nhu cầu rất lớn liên quan tới việc tổ chức các khóa tĩnh huấn và tĩnh tâm cho mọi giới.

Hỏi: Từ Carpi ĐTC sẽ đến thăm Mirandola và sẽ nói chuyện với dân chúng nạn nhân động đất năm 2012. Họ vẫn còn mang các vết thương của trận động đất cách đây 5 năm, có đúng thế không thưa ĐC?

Đáp: Khi nhìn trung tâm thành phố Mirandola ĐTC Phanxicô cũng sẽ có dịp hiểu điều gì đã xảy ra, và biết vùng đất này đã như thế nào trước khi chúng tôi bắt tay vào việc tái thiết. Nhà thờ lớn Mirandola hoàn toàn bị hư hại. ĐTC đến một đàng để cám ơn và nêu bật công trình vĩ đại đã được thực hiện, bởi vì cần phải nói lên điều đó và thừa nhận nó, và điều này đã có thể được là nhờ sự hiệp nhất dân sự và xã hội. Cộng đoàn giáo hội và cộng đoàn dân sự đã cùng nhau hoạt động rất hài hoà, nhưng còn biết bao nhiêu điều cần phải làm. Người dân của chúng tôi bắt đầu cảm thấy cần trở về và cầu nguyện trong các nhà thờ của họ… Hôm trước đã có một ông mà tôi gặp tại quảng trường Carpi, nói với tôi khi chúng tôi treo quả chuông lên tháp nhà thờ chính toà và cho đánh thử. Ông nói: “Thưa ĐC con đã khóc. Con là người đã không sống đạo. Hồi trước khi xảy ra động đất, mỗi khi nghe chuông nhà thờ chính toà gióng lên thì con đã luôn luôn than phiền vì nó khiến cho con khó chịu. Nhưng giờ đây nghe chuông đổ ngày đêm con không còn khó chịu nữa. Thật là đẹp, khi cảm thấy mình được tiếng chuông ấp ủ… “ Ông ta đã dùng kiểu nói thật hay này để diễn tả tiếng chuông nhắc nhở chúng ta sự gần gũi của Chúa và Giáo Hội trong cuộc sống con người. Và điều này xem ra miêu tả rất đúng điều mà dân chúng bắt đầu cảm thấy: đó là sự cần thiết lại muốn có các nhà thờ của họ.

Hỏi: Thưa ĐC còn có điều gì đặc biệt trong chuyến ĐTC viếng thăm giáo phận Carpi nữa không?

Đáp: Vùng của chúng tôi là vùng có rất nhiều nghệ sĩ và có nhiều người muốn kính tặng ĐTC một tác phẩm của họ. Vì thế ĐTC sẽ trở về Vatican với biết bao tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ sĩ muốn bầy tỏ với ĐTC nhu cầu tinh thần của họ, mà tôi chắc chắn là ĐTC cũng sẽ khiến cho nó được biểu lộ ra và được ý thức hơn trong cuộc sống của con người.

(SD 18-3-2017)

Linh Tiến Khải

 

Sứ điệp Video Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2017

Sứ điệp Video Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2017

VATICAN. ĐTC tái khẳng định: ”Giáo Hội và xã hội đang cần người trẻ, với giấc mơ và lòng can đảm, họ có thể làm sụp đổ những bức đường im lìm bất động và mở ra con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn”.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp Video công bố hôm 21-3-2017, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 32 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào chúa nhật Lễ Lá, 9-4 tới đây, với chủ đề là câu nói của Mẹ Maria: ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,49).

Trong sứ điệp, ĐTC nói: ”Với Ngày Quốc Tế giới trẻ sắp tới chúng ta lên đường tiến về điểm hẹn là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34 sẽ được cử hành ở cấp hoàn vũ tại Panama vào năm 2019. Trong hành trình này, Mẹ Maria đồng hành với chúng ta. Vì thế, chủ đề của Ngày Quốc tế giới trẻ năm tới, 2018, là ”Hỡi Maria, đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được ơn nghĩa với Thiên Chúa” (Lc 1,30), và đề tài cho năm 2019 là: ”Này tôi là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ thần” (Lc 1,38).

Bàn về chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ năm nay, ĐTC nhận định rằng ”Mẹ Maria biết cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã nhìn đến thân phận bé nhỏ của Mẹ và Mẹ nhận ra những điều vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của Mẹ; và Mẹ lên đường đi gặp bà chị họ Elisabeth cao tuổi và đang cần sự gần gũi của Mẹ. Mẹ Maria không khép kín trong nhà, vì Mẹ không phải là một thiếu nữ tìm kiếm thoải mái, an ninh, không muốn ai quấy rầy. Mẹ được đức tin thúc đẩy, vì đức tin là con tim trọn cuộc sống của Mẹ”.

Và ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: ”Thiên Chúa cũng đang nhìn và kêu gọi các bạn, và khi làm như thế, Chúa thấy trọn tình yêu mà các bạn có khả năng cống hiến. Như Thiếu Nữ thành Nazareth, các bạn cũng có thể cải tiến thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các bạn và nhiều người khác. Giáo Hội và xã hội đang cần các bạn. Với lối tiếp cận, với lòng can đảm, ước mơ và lý tưởng của các bạn, những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn”.

Cùng với sứ điệp Video trên đây, ĐTC đã cho công bố sứ điệp của ngài trên văn bản dài hơn, trong đó ngài giải thích chi tiết và đặt hành trình của giới trẻ tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Panama trong tương quan với Thượng HĐGM thế giới năm 2018 tới đây với chủ đề ”Người trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi”. Qua đó, – ĐTC viết – ”chúng ta sẽ tự hỏi xem người trẻ sống kinh nghiệm đức tin giữa những thách đố ngày nay như thế nào, làm thế ngày người trẻ có thể làm cho dự phóng cuộc sống được chín mùi, phân định ơn gọi, được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là ơn gọi sống đời hôn nhân, trong môi trường giáo dân và nghề nghiệp, hoặc trong đời sống thánh hiến và linh mục”. (SD 21-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

Án phong thánh cho một Linh mục Hoa kỳ, từ Tin lành trở lại Công giáo

New York – Hồ sơ phong thánh của Cha Paul Wattson, một Linh mục trở lại từ Tin lành, sáng lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội, sắp kết thúc ở cấp giáo phận.

Cha Wattson sinh năm 1863 và được thụ phong linh mục trong Giáo hội Tin lành Episcopal vào năm 1886. Cha cùng với nữ tu Lurana White của Tin lành Episcopal thành lập Hội dòng thánh Phanxicô đền tội ở Garrison, New York. Hội dòng gồm có các tu huynh và các nữ tu, những người muốn cổ võ sự hiệp nhất Kitô giáo. Khi cha Wattson trở lại Công giáo vào năm 1909, và được thụ phong Linh mục năm 1910, Hội dòng này cũng chuyển thành công giáo. Cha Wattson qua đời năm 1940, hưởng thọ 77 tuổi.

Cha Wattson đã tổ chức lần đầu tiên tuần cầu nguyện cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất  trên đỉnh núi ở Garrison và ngày nay nó đã trở thành một phong trào toàn cầu. Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô hữu hiện nay được tổ chức vào từ 18-25/01 hàng năm.

Hôm 09/03, tổng giáo phận New York đã kết thúc cuộc điều tra phong thánh kéo dài 18 tháng. Các bản viết của cha Wattson cũng như các bài viết về cha được thu thập lại, đóng gói, bọc lại và đóng dấu của Đức Hồng Y Timothy Dolan.

Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đồng ý việc mở án phong chân phước cho cha Wattson vào tháng 11/2014 và án điều tra chính thức được mở vào tháng 09/2015 tại trung tâm Công giáo New York. (CNS 20/03/2017)

Hồng Thủy

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Thánh Giuse trong cuộc đời 2 Giáo hoàng Biển đức XVI và Phanxicô

Vatican – Có một điều có thể thấy rõ, đó là thánh Giuse luôn hiện diện trong cuộc sống của các vị Giáo hoàng, bởi vì ngài là Đấng bảo vệ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Hội Thánh.

Vào cuối tháng 11/2016, trong một buổi nói chuyện với các Bề trên cao cấp các dòng nam, Đức Phanxicô đã chia sẻ rằng mỗi khi gặp một vấn đề, ngài thường viết những lời cầu nguyện lên một mảnh giấy và đặt dưới tượng của thánh Giuse đang ngủ mà ngài có ở trong phòng làm việc của ngài. Đức Giáo hoàng nói: “Bây giờ thánh Giuse ngủ trên một tấm nệm bằng những mảnh giấy” mà Đức Giáo hoàng đã nhét vào. Điều này đã thành thói quen của ngài.

Tượng thánh Giuse ngủ là một tượng thuộc truyền thống của các nước Mỹ châu Latinh, với Đức Phanxicô, tượng này đã được giới thiệu cho thế giới và trở nên “mốt”, có thể tìm thấy trong các tiệm ảnh tượng ở khu vực xung quanh đền thờ thánh Phêrô.

Ngày 19/03, lễ trọng kính thánh Giuse cũng là ngày Đức Phanxicô chọn để khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài (năm 2013). Đức Giáo hoàng nói: “thánh Giuse là “người bảo vệ” bởi vì thánh nhân biết lắng nghe tiếng Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn và chính vì điều này, ngài trở nên nhậy cảm hơn với những người được ủy thác cho ngài, biết đọc các sự việc cách thực tế, chú ý tới những điều xung quanh và biết quyết định cách khôn ngoan nhất.”

Còn Đức nguyên giáo hoàng Biển đức, được rửa tội với tên thánh Giuse, cuộc đời của ngài rất gần với thánh quan thầy. Thánh Giuse, một người thực hành, thực tế, cụ thể, ẩn dật. Đức Biển đức ngày nay cũng thế.

Ngày 19/03/2006, Đức biển đức nhắc về thánh Giuse: “Sự vĩ đại của thánh Giuse, cũng như của Mẹ Maria, còn nổi bật hơn nữa vì sứ vụ của ngài được thực hiện với sự khiêm nhường và ẩn dật ở ngôi nhà tại Nadarét.”

Thánh Giuse dường như đang ngủ, nhưng thật ra ngài đang trong giấc mộng và nói chuyện với Chúa, Đấng đã yêu cầu ngài chăm sóc bảo vệ Đức Maria, Chúa Giêsu và do đó, tất cả chúng ta.

Truyền thống xem thánh Giuse như một người cao tuổi, khôn ngoan. Ngày nay chúng ta cũng thấy Đức Biển đức, một người cao niên và khôn ngoan, với thời gian dành để lắng nghe, ngay cả với người kế nhiệm thường đến với ngài.

Thánh Giuse không ngủ, ngài làm việc với sự chậm rãi cẩn thận của một thợ mộc nhưng, như Đức Phanxicô nói, ngài không làm chúng ta thất vọng bao giờ. Ngài yêu mến lao động và thích công việc được làm cách tốt đẹp, yêu chuộng công lý, như Đức Biển đức XVI nói: “Không phải là phóng đại nếu chúng ta nghĩ là chính từ người cha Giuse mà Chúa Giêsu đã học, trên lãnh vực nhân loại, một nội tâm vững chắc bao hàm sự công bằng thật sự, mà một ngày kia Chúa Giêsu sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài.” (ACI 20/03/2017)

Hồng Thủy

 

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha: đó là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ơn xấu hổ vì tội lỗi mình: đó là bước đầu tiên của mầu nhiệm tha thứ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.

Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.

Tôi có thể tha thứ, chỉ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha

Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.

Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.

Luôn quảng đại tha thứ

Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.

Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?

Tứ Quyết SJ

Đức Giáo hoàng trả lời thư cho cậu bé mời ngài dự lễ Rước lễ lần đầu

Đức Giáo hoàng trả lời thư cho cậu bé mời ngài dự lễ Rước lễ lần đầu

Chirignago – Cậu bé Luigi 8 tuổi sống với gia đình ở Spinea, tỉnh Venezia. Nhưng từ khi còn nhỏ, Luigi đã cùng với gia đình tham dự Thánh lễ ở giáo xứ Chirignago. Ngày 29/01 vừa qua, Luigi đã xưng tội lần đầu để chuẩn bị Rước lễ lần đầu vào cuối tháng 4. Luigi đã viết thư mời Đức Giáo hoàng đến tham dự lễ Rươc lễ lần đầu.

Luigi đã kể cho Đức Giáo hoàng về các mơ ước, đức tin và sự trợ giúp của bà Nicoletta, mẹ của em và ông Francesco, cha của Luigi, cũng như người anh Gianmarco, 16 tuổi. Luigi cũng kể cho ngài nghe về căn bệnh hiếm khiến em thường xuyên phải ở trong bệnh viện. Trong thư Luigi cũng viết: “Nếu ngày 15/04 Đức Giáo hoàng không bận việc gì, con mời cha đến dự lễ Rước lễ lần đầu của con. Con cũng muốn trở thành Giáo hoàng như cha, ai biết được con sẽ (trở nên Giáo hoàng).”

Luigi mơ ước rằng Đức Giáo hoàng sẽ đọc và trả lời cho em. Mẹ em cho biết em “thật sự say mê Đức Giáo hoàng Phanxicô.” Cả tháng trời, mỗi ngày khi đi học về, Luigi đều hỏi mẹ xem có thư trả lời của Đức Giáo hoàng không. Cuối cùng, vào thứ 4 ngày 07/03, một lá thư được gửi đến từ Vatican. Lá thư được Đức ông Paolo Borgia, “thứ trưởng nội vụ” của Vatican, ký với nội dung như sau:

“Luigi yêu quý,

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc kỹ lá thư mà trong đó con đã ký gửi cho ngài sự dũng cảm giúp con chịu đựng tình trạng sức khỏe đau bệnh và niềm vui con có trong khi chuẩn bị Rước lễ lần đầu và xin ngài chúc lành. Biết ơn vì những tình cảm đã thúc đẩy con viết cho ngài, Đức Thánh Cha chuyển đến con sự âu yếm trìu mến dịu dàng, ôm con với tình thương và bảo đảm nhớ đến con trước Bàn thờ Chúa.

Đồng thời, Đức Thánh cha khuyến khích con luôn khao khát hơn nữa Chúa Giêsu, người bạn trung thành không bao giờ bỏ con, để khi con nắm chặt tay Ngài, Ngài đồng hành với con trên con đường can đảm. Trong khi phó dâng mọi ý nguyện dưới áo choàng ân sủng của Mẹ Maria, Đức Giáo hoàng Phanxicô xin con luôn cầu nguyện cho ngài và liên kết với cha mẹ và anh Gianmarco yêu dấu của con, ngài chúc lành cho con với cả tấm lòng và kèm theo cử chỉ này là món quà được chúc lành đặc biệt.

Cả cha cũng chào con cách thân thiện và chúc con mọi phúc lành của Chúa.”

Trong phong bì, ngoài lá thư còn có một tấm hình của Đức Giáo hoàng và một cây thánh giá bằng gỗ nhỏ.

Mẹ của Luigi đã thốt lên “Thật là cảm động!” Bà đã đi kể lại cho giáo lý viên dạy cho Luigi. Còn Luigi thì mang lá thư đến cho cha xứ Roberto Trevisiol. Chính cha xứ cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy lá thư trả lời của Đức Giáo hoàng và nhận xét “đó là một cử chỉ quan tâm tình cảm của Đức Giáo hoàng, qua những cộng sự thân tín của ngài.” (La Nuova di Venezia e Mestre 14/03/2017)

Hồng Thủy

 

Chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Fatima

Chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Fatima

VATICAN. Hôm 20-3-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chính thức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Fatima từ ngày 12 đến 13-5-2017.

– Lúc 2 giờ chiều ngày thứ sáu 12-5-2017, ĐTC sẽ khởi hành từ Phi trường Fiumicino ở Roma và bay đến sân bay căn cứ không quân Monte Real lúc 16.20.

Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ hội kiến viếng với tổng thống Bồ đào nha tại Căn Cứ, rồi viếng thăm Nhà nguyện của Căn Cứ trước khi đáp trực thăng đến sân thể thao Fatima lúc 17.15 rồi dùng xe đến Đền thánh Đức Mẹ Fatima.

Lúc 18.15, ĐTC viếng thăm nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra

Lúc 21 giờ 30: ĐTC sẽ làm phép nến từ Nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra, chào thăm các tín hữu và đọc kinh Mân Côi.

Thứ bẩy ngày 13 tháng 5 năm 2017

Lúc 9.10, ĐTC sẽ gặp thủ tướng Bồ tại Nhà ”N.S do Carmo” rồi viếng thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi trước khi cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại thềm Đền Thánh. Ngài sẽ giảng lễ và có phần chào thăm các bệnh nhân.

Lúc 12 giờ 30: ĐTC sẽ dùng bữa trưa với các GM Bồ đào nha cũng tại Nhà ”N.S. do Carmo”

14.45: sẽ có nghi thức tiễn biệt tại Căn cứ không quân Monte Real

15.00: ĐTC sẽ rời căn cứ và bay về Phi trường Ciampino ở Roma, dự kiến sẽ đến nơi vào lúc 19 giờ 05.

 G. Trần Đức Anh OP

ĐHY Gracias: Công giáo 100% ở bên các Kitô hữu giai cấp cùng đinh 100%

ĐHY Gracias: Công giáo 100% ở bên các Kitô hữu giai cấp cùng đinh 100%

Mumbai, Ấn độ – Hôm 18/03, tại Mumbai đã diễn ra đại hội quốc gia các Kitô hữu giai cấp cùng đinh. Có 45 chuyên viên thuộc các hệ phái Kitô khác nhau tham dự.

P. Z. Devasagaya Raj, tổng thư ký của Ủy ban “Scheduled Castes – Backward Classes” cho biết đây là cuộc gặp gỡ đại kết. Sự tham dự của Đức Hồng y Oswald Gracias cho thấy sự khuyến khích của ngài trong việc cổ võ một nền văn hóa thương xót đối với tất cả các Kitô hữu giai cấp cùng đinh ở Ấn độ.

Trong bài thuyết trình, Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai khẳng định sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo Giáo hội trong mong muốn giải quyết các vấn đề của các Kitô hữu giai cấp cùng đinh, là tầng lớp chiếm đa số trong Công giáo (12 triệu trên tổng số 19 triệu). Đức Hồng y bênh vực phẩm giá của mỗi cá nhân như là con người: “Thiên Chúa dựng nên chúng ta bình đẳng với nhau. Sự phân cách chia rẽ con người là kết quả của sự ích kỷ của họ. Họ đã biện minh cho sự bất công bằng cách bóp méo giáo huấn Kitô giáo. Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả mọi người, giai cấp cùng đinh hay không cùng đinh. Ngài cho mưa rơi xuống trên người cùng đinh cũng như không cùng đinh. Thiên Chúa không phân biệt đối xử.”

Theo Đức Hồng y, mùa Chay là thời gian thống hối, trong đó chúng ta biến đổi con tim chúng ta, để thực hành tình yêu của Chúa và có lòng thương xót. Ngài nói rằng đức tin được diễn tả trong những công việc cụ thể hàng ngày, thể hiện qua sự giúp đỡ cho những người gần gũi thể lý và tinh thần: nuôi dưỡng, thăm viếng, an ủi và giáo dục. (Asia News 20/03/2017)

Hồng Thủy

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp cho người trẻ có khả năng mơ ước, và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Đón nhận lời hứa trong thầm lặng và can đảm

Thánh Giuse vâng lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ. Thánh nhân trỗi dậy, đón nhận Maria về nhà mình, vì Mẹ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người thầm lặng và vâng phục. Thánh nhân đã mang lấy trọng trách về lời hứa Thiên Chúa dành cho dân.

Người đàn ông này, con người có tên Giuse ấy, con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn.

Đấng bảo trợ những ai yếu đuối

Thánh Giuse là người có thể nói cho chúng ta nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ngài là con người ẩn dật, thầm lặng. Ngài cho thấy thẩm quyền được thể hiện mạnh nhất ngay khi dường như không thấy. Những gì Thiên Chúa trao phó cho tâm hồn của thánh nhân, dường như là “những thứ rất yếu đuối”. Đó là những lời hứa và lời hứa ấy tỏ ra rất yếu ớt. Sau đó, một trẻ thơ chào đời, cuộc trốn chạy sang Aicập, đó là những hoàn cảnh khó khăn và yếu đuối. Thế mà thánh nhân đã mang lấy tất cả trong trái tim mình, và ra sức thực hiện những gì yếu hèn ấy với tất cả sự hiền từ nhân hậu, sự hiền từ ẵm lấy một trẻ thơ.

Con người Giuse ấy, người đàn ông ấy không nói nhưng đã vâng phục. Ngài là con người của sự hiền lành, người có khả năng thực hiện lời hứa, có khả năng làm cho lời hứa thành khả tín thành chắc chắn và đảm bảo cho việc hoàn thành lời hứa ấy. Thánh nhân trở thành người bảo vệ cho sự vững bền của Nước Thiên Chúa. Thánh nhân trở thành cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Tôi thích nghĩ về thánh Giuse là Đấng bảo trợ những ai yếu hèn, và ngay cả Ngài bào chữa cho những yếu đuối của chúng ta. Để rồi chúng ta có thể ra khỏi những yếu đuối và tội lỗi, mà làm nảy sinh biết bao điều tốt đẹp.

Hãy có khả năng mơ ước

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ những ai yếu đuối, để họ có thể trở nên vững mạnh trong đức tin. Nhiệm vụ này Ngài đã nhận được ngay từ trong giấc mơ. Ngài là người có khả năng mơ ước. Ngài là người bảo vệ giấc mơ của Thiên Chúa. Ước mơ của Thiên Chúa là cứu độ tất cả chúng ta, là cứu chuộc chúng ta. Thánh nhân ôm lấy ước mơ của Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Người thợ mộc vĩ đại này! Ngài là người lặng thầm, luôn làm việc, luôn giữ gìn bảo bọc, mang lấy những gì là yếu đuối và Ngài là con người có khả năng mơ ước.

Hôm nay, cha mời gọi tất cả chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ.

Tứ Quyết SJ