Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh ở Genova

Đức Thánh Cha gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh ở Genova

GENOVA. Trong cuộc gặp gỡ 1,800 LM, nữ tu và chủng sinh tại nhà thờ thánh Lorenzo của giáo phận Genova, sáng ngày 27-5-2017, ĐTC cảnh giác chống nạn nói hành nói xấu, và nạn nhập khẩu ơn gọi từ nước nghèo để giải quyết nạn thiếu ơn gọi ở các nước Âu Mỹ.

Hiện diện trong thánh đường cũng có các Giám Mục thuộc 7 giáo phận ở miền Liguria, không kể hàng ngàn tín hữu khác chào đón ngài ở quảng trường bên ngoài.

Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại, sau lời chào mừng của ĐHY TGM Genova, 3 LM và 1 nữ tu đã nêu lên 4 câu hỏi với ĐTC. Cha Phó Andrea Carcasole hỏi ĐTC về những tiêu chuẩn để sống đời sống thiêng liêng khẩn trưởng trong sứ vụ giữa đời sống văn minh phức tạp hiện nay, và giữa bao công việc, kể cả về hành chánh, làm cho LM có cuộc sống dễ bị phân tán.

Cha sở Pasquale Revello xin ĐTC vài chỉ dẫn để sống tình huynh đệ linh mục tốt đẹp hơn mà ĐHY TGM giáo phận vẫn cổ võ, và thăng tiến với các cuộc gặp gỡ giáo phận, giáo hạt, hành hương, tĩnh tâm..

Mẹ Rosangel Salá, Chủ tịch Hiệp hội các nữ Bề trên cấp cao các dòng nữ miền Liguria, xin ĐTC những chỉ dẫn để sống đời thánh hiiến ngày càng nồng nhiệt, trung thành với đoàn sủng, với việc tông đồ và với giáo phận.

Sau cùng, cha Andrea Caruso, dòng Capuchino, nêu câu hỏi: Làm sao sống và đương đầu với sự sa sút ơn gọi linh mục và tu trì ngày nay?

Trước khi trả lời các câu hỏi được nêu lên, ĐTC mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho các tín hữu Chính Thống Copte Ai Cập bị khủng bố giết chết trên đường đi hành hương tại Đan viện thánh Samuele, vì họ không muốn từ bỏ đức tin. Ngài nhắc lại rằng chúng ta hãy nhớ: các tín hữu Kitô ngày nay nhiều hơn thời xưa”.

Trả lời của ĐTC

Trong phần trả lời, ĐTC mời gọi các linh mục phát triển tình huynh đệ với nhau, đó là một sự phong phú vì nó mở rộng tâm hồn. Thái độ này là một công việc mỗi ngày. Nhưng nhiều khi nó không đi sâu vào tâm hồn của LM, và khi thiếu như vậy thì đó là một sự phản bội: người ta bán anh em, lột da anh em, theo hình ảnh ma quỉ. ĐTC cảnh giác những điều vi phạm tình huynh đệ linh mục: sự ghen tương, cạnh tranh, đưa tới sự nói xấu, vu khống hoặc những nhận xét hạ giá. Ngài nhắc đến sự kiện nhiều khi trong các cuộc thăm dò về ứng viên giám mục, đương sự bị những người khác nói xấu, vu khống, hoặc có những lời hạ giá người anh em. ĐTC cũng cảnh giác cần phải loại trừ những người hay nói hành nói xấu ra khỏi chủng viện, vì họ sẽ làm hại hàng giáo sĩ.

Ngài nói: ”Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải giúp đỡ nhau… cả khi xảy ra những tranh luận, nhưng không nên sợ những cuộc thảo luận, vì nó chứng tỏ có tự do, tình thương và huynh đệ”.

Ngài cũng nói nói rằng: ”Chúng ta có một nguy cơ mà nhiều khi chúng ta không nhận thấy, đó là nguy cơ tạo nên một hình ảnh linh mục biết mọi sự, không cần đến những người khác, linh mục ”gogle-wikipedia” thông biết tất cả. Sự tự mãn như thế là một thực tại gây hại nhiều cho đời sống linh mục”.

Sau cùng trả lời câu hỏi về khủng hoảng ơn gọi, ĐTC nhận xét cuộc khủng hoảng này liên hệ tới mọi ơn gọi, kể cả ơn gọi hôn nhân, vì thế cần phải suy nghĩ để tìm giải pháp, không rơi vào những giải pháp có sức thu hút. Ngài mạnh mẽ lên án nạn ”buôn tập sinh”: có những dòng để đối phó với sự giảm sút ơn gọi, đã sai người đến các nước thế giới thứ ba để tuyển mộ cả những người trẻ không có ơn gọi”.

Giã từ các LM và tu sĩ, lúc giữa trưa, ĐTC tiến lên Đền thánh Đức Mẹ Canh Giữ, từ hơn 500 năm nay, Đức Mẹ canh giữ thành Genova. Tại đây ngài gặp gỡ 2,600 bạn trẻ.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ 3,500 công nhân tại Genova

Đức Thánh Cha gặp gỡ 3,500 công nhân tại Genova

GENOVA. Trong cuộc gặp gỡ giới công nhân tại Genova, tây bắc Italia, sáng ngày 27-5-2017, ĐTC phác họa hình ảnh lý tưởng của người chủ xí nghiệp, quan tâm tới các công nhân và hết sức tránh việc sa thải.

ĐTC đã dành trọn ngày thứ bẩy 27-5, từ sáng đến chiều để viếng thăm giáo phận Genova, ở miền tây bắc Italia, cách Roma 400 cây số đường chim bay, và gần 490 cây số nếu đi đường bộ.

Genova là một thành phố cảng có hơn 580 ngàn dân và nếu tính cả vùng phụ cận thì dân số lên tới một triệu rưỡi. Đây là cảng lớn nhất của Italia và đứng thứ hai ở vùng Địa Trung Hải. Về mặt tôn giáo Tổng giáo phận Genova có hơn 670 ngàn tín hữu Công Giáo do ĐHY Angelo Bagnasco coi sóc. Ngài vừa mãn nhiệm 10 năm làm Chủ tịch HĐGM Italia nhưng vẫn tiếp tục làm Chủ tịch Liên HĐGM Âu Châu trong 4 năm nữa.

Chương trình viếng thăm của ĐTC tại đây khá dầy đặc. Ngài từ Roma đến phi trường Cristoforo Colombo của Genova lúc 8 giờ 15 phút sáng, rồi gặp 3.500 công nhân tại hãng luyện thép Ilva di Cornigliano, đại diện cho giới lao động. Tiếp đến ĐTC đến nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo để gặp 1.800 đại diện của hàng giáo sĩ vào lúc 10 giờ, trước khi đến Đền Thánh Đức Mẹ canh giữ ở trên núi cao 1 ngàn mét để gặp 2.600 bạn trẻ, rồi dùng bữa trưa với 135 người nghèo, người vô gia cư, người tị nạn và tù nhân cùng với những người cùng đi. Sau bữa ăn trưa, vào lúc 3 giờ 45, ĐTC viếng thăm bệnh viện nhi đồng Gaslini, và sau cùng là thánh lễ lúc 5 giờ rưỡi, trước khi rời Genova lúc 7 giờ rưỡi để trở về Roma.

Gặp các công nhân

Khi đến phi trường thành phố Genova, lúc 8 giờ 15, ĐTC đã được ĐHY Bagnasco, TGM sở tại, cùng với Ông thị trưởng Marco Doria và các quan chức khác tiếp đón và hướng dẫn tới hãng luyện thép Ilva nơi có 3.500 công nhân viên thuộc nhiều công xưởng ở miền Liguria đang chờ đợi ngài.

Nói chung ở đây cũng như nhiều nơi khác ở Italia có vấn đề người trẻ thất nghiệp. Tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu tích cực, ví dụ hãng Ansaldo Energia chế tạo các máy móc cung cấp điện lực sản xuất tốt, công xưởng đóng tàu cũng hoạt động tốt đẹp, còn hãng luyện thép Ilva, có chi nhánh ở Taranto nam Italia, đã trải qua những năm rất khó khăn và dĩ nhiên có ảnh hưởng đến toàn bộ hãng ở các nơi.

Trong lời chào mừng ĐTC, ĐHY Bagnasco nhận xét rằng ”Tình trạng công ăn việc làm tiếp tục ở mức độ nghiêm trọng: nhiều người trẻ tiếp tục bị cản ngăn không thực hiện được một dự án trong cuộc sống của họ vì không tìm được việc làm, và cả những người lớn có gia đình cũng bị đe dọa”.

ĐHY cũng nói đến sự dấn thân của Giáo hội địa phương trong việc quan tâm, mục vụ và hỗ trợ giúp công nhân. Giáo Hội luôn nỗ lực bênh vực việc bảo tồn các hoạt động của hải cảng, công nghệ và các xí nghiệp các loại. Sự gần gũi ấy cũng được thể hiện qua công việc của các vị tuyên úy công nhân: ngoài các công tác mục vụ, các vị còn hiện diện tại các nơi làm việc đã được chỉ định, các vị được các công nhân đón nhận trong sự tin tưởng và thân tình vì biết rằng các vị tuyên úy ấy chỉ muốn thiện ích cho tất cả mọi người”.

Về phần ĐTC, ngay trong những lời đầu tiên, ngài cảm động nói với giới công nhân rằng: ”Đây là lần đầu tiên tôi đến Genova, rất gần hải cảng làm cho tôi nhớ đến nơi mà ba tôi đã khởi hành [để di cư sang Argentina].. điều này làm cho tôi rất xúc động. Cám ơn sự tiếp đón của anh chị em.”

Trả lời các câu hỏi

Trong cuộc đối thoại tiếp đó với các công nhân, ĐTC đã lần lượt trả lời những câu hỏi do 4 đại diện các giới nêu lên, bắt đầu là một chủ xí nghiệp, Ông Ferdinando Garré, thuộc phân bộ sửa chữa tàu, tiếp đến là bà Micaela, một đại diện công đoàn, thứ ba là ông Sergio một công nhân đang theo tiến trình huấn luyện do các vị tuyên úy cổ võ, và sau cùng và bà Vittoria, một người thất nghiệp.

ĐTC đã nói đến những đức tính và cách cư xử của những chủ xí nghiệp tốt. Ngài nói: ”Các chủ xí nghiệp lương thiện là những người gần gũi các công nhân, biết rõ những điều kiện làm việc của họ như trong một gia đình, tôn trọng phẩm giá của các công nhân. Chúng ta đừng quên rằng chủ xí nghiệp trước tiên là một công nhân. Nếu không có kinh nghiệm về phẩm giá của lao công, thì sẽ không phải là doanh nhân tốt..

ĐTC khẳng định rằng: ”Chủ xí nghiệp phải hết sức tránh biện pháp sa thải các công nhân viên… Các chủ xí nghiệp liêm chính và các công nhân hãy quan tâm cảnh giác đối với những người đầu tư, và tránh trở thành những người chỉ quan tâm kiếm lợi, lợi dụng các công nhân viên và hãng xưởng để làm giàu.. Không có nền kinh tế tốt, nếu không có những chủ xí nghiệp tốt, có trách nhiệm đối với con người và môi trường.. Ai chỉ nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề của xí nghiệp bằng cách sa thải công nhân viên, thì không phải là chủ xí nghiệp tốt. Ngày hôm nay họ bán phẩm giá các công nhân viên của mình và ngày mai đến lượt chính phẩm giá của họ. Mỗi chủ xí nghiệp đau khổ khi phải sa thải và từ sự đau khổ này thường nảy sinh những ý tưởng tốt để giới hạn việc sa thải”.

– Ngài cũng nhận xét rằng một căn bệnh của kinh tế là dần dần biến các chủ xí nghiệp, các doanh nhân thành những người đầu cơ. Người đầu cơ giống như người chăn thuê mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm, đối nghịch với người Mục Tử nhân lành. Người đầu cơ không yêu hãng xưởng của mình, không yêu mến công nhân, nhưng coi hãng xưởng và công nhân như phương thế để kiếm lợi. Họ sa thải, đóng cửa, di chuyển hãng đi nơi khác và không coi đó là vấn đề, vì người đầu cơ lợi dụng, ăn người và các phương thế cho mục tiêu của mình”.

ĐTC xác tín rằng ”Đối tượng cần đạt tới không phải là lợi tức cho tất cả mọi người, nhưng là công ăn việc làm cho mọi người. Người ta về hưu ở tuổi thích hợp, không phải chỉ cho họ một ngân phiếu của nhà nước, cho công nhân có phương tiện sinh sống, nhưng không mang lại cho họ phẩm giá.. một ngân phiếu nhà nước hàng tháng giúp bạn nuôi sống gia đình, nhưng không giải quyết vấn đề.. không có việc làm, người ta có thể sống còn, nhưng nếu không có công ăn việc làm thì không có phẩm giá. Sự chọn lựa ở đây là giữa sự sống con và sống, và cần phải có công việc cho tất cả”.

Những câu trả lời của ĐTC bị ngắt quãng 12 lần những tràng pháo vỗ tay hưởng ứng của các công nhân.

Giã từ các công nhân viên tại hãng luyện thép Ilva sau hơn 1 tiếng gặp gỡ, ĐTC đã tiến về nhà thờ chính tòa thánh Lorenzo của tổng giáo phận Genova.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái

Đức Thánh Cha tiếp Dòng Tiểu Muội thừa sai bác ái

VATICAN. Sáng 26-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến tổng tu nghị dòng tiểu muội thừa sai bác ái và ngài khích lệ các chị biểu lộ cho tha nhân vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa.

Dòng Tiểu muội thừa sai bác ái cho Cha Orione thành lập và tổng tu nghị thứ 12 của các chị hiện nay có chủ đề là ”Tận hiến cho Thiên Chúa đà tận hiến cho tha nhân. Các tiểu muội thừa sai bác ái: các nữ môn đệ thừa sai, chứng nhân vui mừng về đức bác ái nơi các khu ngoại ô của thế giới”.

Nhân danh Giáo Hội và người nghèo ĐTC cám ơn các chị vì các vì các hoạt động tông đồ bác ái, việc mục vụ giới trẻ trong các trường học, nhà dưỡng lão, trong các nhà sinh hoạt giáo lý cho giới trẻ..

ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các chị đào sâu tình hiệp thông với Chúa Kitô để có thể chu toàn sứ mạng truyền giáo qua các hoạt động bác ái, phục vụ người nghèo. Ngài cũng nhấn mạnh rằng thừa sai phải là người có tinh thần táo bạo và có sáng kiến, không thể theo tiêu chuẩn thoải mái: ”từ trước đến giờ người ta vẫn luôn làm như vậy”. Chị em hãy suy nghĩ lại các mục tiêu, các cơ cấu, lối sống và phương pháp thi hành sứ mạng của mình. Chúng ta đang sống trong một thời đại cần nghĩ lại mọi sự dưới ánh sáng điều mà Chúa Thánh Linh yêu cầu chúng ta. Điều này cói một cái nhìn đặc biệt về sứ mạng và thực tại: cái nhìn của Chúa Giêsu, là cái nhìn của Mục Tử Nhân Lành, một cái nhìn không phán xét, nhưng tìm hiểu sự hiện diện của Chúa trong lịch sử; một cái nhìn gần gũi để chiêm ngắm, cảm động và ở với người khác bao lâu cần thiết; một cái nhìn sâu xa, tin tưởng, tôn trọng và đầu cảm thông, chữa lành, giải thoát, an ủi. (SD 26-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Tòa Thánh bênh vực thường dân trong chiến tranh

Tòa Thánh bênh vực thường dân trong chiến tranh

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở New York, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường việc bảo vệ cho các thường dân trong các cuộc xung đột võ trang.

Đức TGM Auza đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài tham luận hôm 25-5-2017, tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ về đề tài ”Bảo vệ các thường dân và săn sóc sức khỏe trong các cuộc xung đột võ trang”.

Vị đại diện Tòa Thánh nhận xét rằng một xu hướng trong các cuộc xung đột võ trang hiện nay là các thường dân không những ngày càng ít được bảo vệ khỏi các cuộc xung đột ấy, nhưng còn trở thành các mục tiêu nữa. Việc sử dụng thường dân như võ khí chiến tranh là một lối hành xử đáng lên án nhất.. Bạo lực khôn tả bị cố tình gây ra cho các thường dân và những vụ trắng trợn vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo ngày càng trở thành điều thông thường”.

Đức TGM Auza cũng tố giác sự kiện với sự tối tân hóa các võ khí sự phân biệt giữa các võ khí tàn sát tập thể với các các võ khí quy ước tân thời ngày càng lu mờ, vì cả hai thứ võ khí này đều giống nhau trong việc tàn sát các thường dân và phá hủy những vùng rộng lớn, cùng với các dân cư trong đó. Bất kỳ võ khí nào có ảnh hưởng tàn phá như thế trên các thường dân đều là điều trái ngược với công pháp quốc tế về nhân đạo và mọi lý tưởng văn minh, đáng bị lên án quyết liệt, không chút do dự”.

Trong bài tham luận, Đức TGM Auza cũng lên án sự cố ý tàn phá các hạ tầng cơ cấu quan trọng đối với sự sống còn của các thường dân, như trường học, nhà thương và các hệ thống cung cấp nước. Chủ trương này đã trở thành một chiến lược được chọn lựa và thi hành trong các cuộc xung đột hiện nay tại Trung Đông.. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ, theo hiến chương LHQ, phải bảo vệ các thường dân và các cơ cấu hạ tầng của họ chống lại sự tàn bạo dã man.

Đức TGM Auza nhắc lại nhân xét của ĐTC Phanxicô đối với sự mâu thuẫn của nhiều chính phủ: ”Chúng ta nói 'Không bao giờ chiến tranh nữa', nhưng chúng ta tiếp tục sản xuất và bán khí giới cho những người đang giao chiến với nhau.” Quốc tế thảo luận nhiều về việc chấm dứt bạo lực và xung đột hầu như vô ích nếu đồng thời vô số các võ khí tiếp tục được sản xuất, được bán và tặng cho các chế độ độc tài, các nhóm khủng bố và các tổ chức tội phạm. Những người sản xuất, buôn bán võ khí phải ý thức rằng họ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ các tội ác tàn sát tập thể, giúp những kẻ vi phạm các nhân quyền căn bản và quay lưng lại đối với sự phát triển của toàn bộ các dân tộc hoặc các quốc gia. Vì thế cần củng cố các luật pháp và hiệp ước liên hệ trên bình diện đa phương, song phương và bình diện quốc gia, như một bước tiến theo chiều hướng đúng để bảo vệ các thường dân bị kẹt trong các cuộc xung đột võ trang.

Và Đức TGM Auza nói rằng: ”Tòa Thánh tái kêu gọi các hãng và quốc gia sản xuất võ khí hãy hạn chế việc chế tạo, bán và tặng các võ khí kinh khủng sau đó được sử dụng để gây kinh hoàng cho các thường dân hoặc tàn phá các cơ cấu hạ tầng dân sự”. (SD 26-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Giáo phận Rouen bắt đâu thu thập tài liệu phong chân phước cho cha Hamel

Giáo phận Rouen bắt đâu thu thập tài liệu phong chân phước cho cha Hamel

Hôm thứ 7, 20/5 vừa qua, tại Giáo phận Rouen đã diễn ra buổi trình bày chứng từ đầu tiên trong tiến trình thu thập tài liệu cho án phong chân phước của cha Jacques Hamel, linh mục Giáo phận Rouen, bị hai người Hồi giáo cắt cổ, sát hại dã man, tại nhà thờ giáo xứ của cha ở Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26/7/2016 khi đang dâng Thánh lễ.

Theo tin của Giáo phận Rouen, trong những tháng tới đây, 69 nhân chứng sẽ trình bày các điều liên quan đến cha Jacques Hamel.

Vị thỉnh nguyện viên của án phong chân phước, cha Paul Vigouroux đã nói với Đức tổng giám mục Dominique Lebrun về “danh tiếng của vị tử đạo” –  Tôi tớ Chúa Jacques Hamel – được Pháp và thế giới yêu mến. Từ khi cha bị giết, đã có nhiều thư được những người vô danh, các chính quyền, các Giám mục Công giáo Pháp và khắp thế giới, lãnh đạo của các Giáo hội Kitô khác, những người Do thái và Hồi giáo, gửi về.

Danh tiếng về sự thánh thiện của cha Hamel cũng được Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm nhận. Ngài đã nói trong Thánh lễ vinh danh cha Hamel tại nhà nguyện thánh Marta ngày 14/09/2016: “Cha ấy là một vị tử đạo. Và các vị tử đạo được chúc phúc, chúng ta phải cầu nguyện với cha.”

Vị thỉnh nguyện viên nói tiếp: “Cha Jacques Hamel đã sống đời sống linh mục một cách đơn giản nhất có thể, luôn luôn ở vùng ngoại biên, cả ở vùng ngoại ô phát triển của thành phố Rouen và vùng ngoại ô nơi có rất nhiều các người đồng thời với chúng ta. Tại một đô thị có nhiều người nước ngoài sinh sống, cha đã có mối quan hệ tốt với cộng đồng Hồi giáo.”

Và vì danh tiếng của cha – người của đức tin, phục vụ toàn dân, vượt trên những liên hệ tôn giáo” – cộng đồng Saint-Etienne-du-Rouvray đã quyết định dựng một tác phẩm điêu khắc ở trung tâm thành phố để vinh danh cha.

Đức cha Lebrun đã giải thích rằng giai đoạn một của tiến trình phong thánh sẽ được thực hiện ở cấp giáo phận ở Rouen, Sau đó, giai đoạn hai sẽ được chuyển sang Roma cho Bộ Phong thánh. Quyết định cuối cùng sẽ do Đức Giáo hoàng. Đức cha cũng nhắc là trong giai đoạn một, không được cầu kêu cầu danh cha Hamel trong các lời nguyện chính thức như một chân phước hay một vị thánh. (SIR 25/07/2017)

Hồng Thủy

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga cám ơn Đức Thánh Cha

Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga cám ơn Đức Thánh Cha

MASCƠVA. Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga, cám ơn ĐTC Phanxicô, vì đã cho phép đưa một phần hài cốt thánh Nicola sang Nga để các tín hữu kính viếng từ ngày 21-5 đến ngày 28-7 năm nay.

Thánh Nicola GM thành Myre tử đạo năm 343 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ 930 năm nay, Hài cốt thánh nhân được giữ tại Vương cung thánh đường kính thánh nhân ở Bari, nam Italia. Thánh nhân được các tín hữu Chính Thống Nga đặc biệt tôn kính và nhiều người đến hành hương tại Bari.

Đức Cha Francesco Caccuci, TGM giáo phận Bari-Bitondo, đã trao Hài cốt thánh Nicola cho Đức Thượng Phụ Kirill chiều chúa nhật 21-5 vừa qua tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Cứu Thế ở Mascơva, và ngay ngày đầu tiên đã có 45 ngàn tín hữu kính viếng trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.

Sau đó, từ ngày 12-7, hài cốt thánh nhân sẽ được đưa tới Aleksandr Nevskij gần thành phố San Pietroburgo để các tín hữu tôn kính cho đến ngày 28-7 tới đây.

Trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Italia đến trao thánh tích, Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga nói rằng: ”Trong thời buổi khó khăn hiện nay, với những cuộc xung đột gia tăng và quan hệ quốc tế ngày càng căng thẳng, sự cộng tác văn hóa và tinh thần là một trong những phương thế hiệu nghiệm nhất nhờ đó các Giáo Hội có thể góp phần vượt thắng sự thù nghịch giữa các dân tộc”.

Trong phái đoàn Tòa Thánh cũng có Đức TGM Celestino Migliore, Sứ Thần Tòa Thánh tại Mascơva, và một đại diện của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Để bày tỏ lòng biết ơn, Đức Thượng Phụ Kirill đã tặng ĐTC một icône cổ kính với hình thánh Nicola.

Từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Liên xô, mỗi năm có hàng ngàn tín hữu người Nga đến Bari để hành hương tại Vương cung thánh đường kính thánh nhân. Tuy nhiên hầu hết người Nga không có phương tiện đến đó, vì thế Đức Thượng Phụ Kirill đã xin ĐTC Phanxicô cho đưa một phần hài cốt thánh Nicola thánh du qua Nga trong vòng 2 tháng 1 tuần. (Oss. Rom. 24-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia

Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia

Stockholm – Trưa Chúa nhật 21/05 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã xướng tên 5 vị sẽ được bổ nhiệm làm Hồng y trong Công nghị Hồng y vào ngày 28/06 tới đây. Trong số 5 vị được xướng danh, có Đức cha Anders Arborelius, Giám mục Thụy điển. Đây là vị Hồng y đầu tiên của vùng Scandinavia.

Tại giáo xứ của các cha dòng Tên ở Uppsala, tin tức bổ nhiệm được truyền đến vào cuối Thánh lễ Chúa nhật. Ngạc nhiên, vui mừng, khó tin là những cảm nghĩ đầu tiên. Rồi đến các cuộc điện thoại liên tục. Radio và truyền hình cũng truyền tin vì đây thực sự là một biến cố đối với Thụy điển. Một lúc sau đó, đài phát thanh quốc gia truyền trực tiếp. Thụy điển bắt đầu tìm hiểu xem Hồng y nghĩa là gì.

Đức cha Arborelius được biết đến với đời sống thiêng liêng vững mạnh. Với 27 năm trong đan viện dòng Cát minh nhặt phép ngài đã trở thành một trong những tác giả có tiếng về phương diện này và được chú ý nhiều ở nước Thụy điển.

Năm 1998, cha Arborelius được bổ làm Giám mục và trở thành Giám mục đầu tiên của Thụy điển từ thời cải cách. Đối với các tín hữu, việc sắc phong Hồng y cho Đức cha Arborelius là sự quan tâm của Đức Thánh cha đối với cộng đồng bé nhỏ. Còn đối với chính Đức cha Arborelius, nhận tin bổ nhiệm khi đang ở Malmo, miền nam Thụy điển, ngài cảm thấy hơi lo sợ dù một cách tự nhiên, tin bổ nhiệm Hồng y là một niềm vui.

Người ta biết đến Đức Hồng y tân cử Arborelius khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Thụy điển để cử hành 500 năm phong trào cải cách của Luther. Đức cha đơn sơ trong chiếc áo dòng nâu của dòng Cát minh, với hàm râu rậm và nụ cười thật cởi mở. Đức cha đã phải rất cương quyết mạnh mẽ khi xin Đức Giáo hoàng cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo. Ban đầu Đức Giáo hoàng không muốn, vì có thể làm mất đi ý nghĩa của chuyến viếng thăm đại kết. Nhưng đức cha Thụy điển như một vị mục tử tốt lành, biết rằng các tín hữu Công giáo, một cộng đồng thiểu số trong một đất nước tục hóa, cần được củng cố trong đức tin.

Đức cha Arborelius sinh năm 1949, trong một gia đình Thụy điển. Hành trình đức tin của ngài chỉ bắt đầu khi ngài 15 tuổi. Ngài là Giám mục duy nhất của Thụy điển. Hiện nay ngài là thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Ngài đã dấn thân rất nhiều cho giáo dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngài luôn đồng hành với người trẻ trong các kỳ đại hội giới trẻ diễn ra ở các miền khác nhau trên thế giới. (ACI22/05/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Donald Trump

VATICAN. Lúc 8 giờ rưỡi sáng 24-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Đoàn xe của Tổng thống Mỹ gồm 60 chiếc đã tiến vào Nội thành Vatican qua cửa bên hông vì Quảng trường Thánh Phêrô đã có 30 ngàn tín hữu hiện diện chờ tham dự buổi tiếp kiến chung của ĐTC

Sau khi hội kiến riêng trong vòng 30 phút, ĐTC đã chào thăm đoàn tùy tùng của Tổng thống Trump gồm 12 người, trong đó có phu nhân Melanie và ái nữ Ivanka và con rể Jared Kushner.

Sau khi gặp ĐTC, Tổng thống Trump và các cộng sự viên đã gặp và trao đổi trong 50 phút ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: trong các cuộc hội kiến thân mật, hai bên bày tỏ hài lòng vì tương quan song phương tốt đẹp giữa Tòa Thlánh và Hoa kỳ, cũng như sự dấn thân chung bênh vực sự sống, tự do tôn giáo và lương tâm. Tòa Thánh cầu mong có sự cộng tác thanh thản giữa Nhà Nước và Giáo hội Công Giáo tại Hoa kỳ, Giáo Hội dấn thân phục vụ dân chúng trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục và trợ giúp người di dân.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về một số vấn đề thời sự quốc tế, và thăng tiến hào bình, đặc biệt là tình hình Trung Đông và bảo vệ các cộng đoàn Kitô (SD 24-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung tín hữu hành hương: 24-5-2015

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các tín hữu, dù trong nghịch cảnh, hãy xác tín ”chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta”

Trên đây là nội dung bài huấn giáo của ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 24-5-2017 dành cho hơn 30 ngàn các tín hữu hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Công Giáo người Việt đến từ Mỹ, quốc nội và một số nước khác. Buổi tiếp kiến diễn ra sau khi ĐTC tiếp kiến riêng tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn 24 (28-32) kể lại sự tích hai môn đệ trên đường Emmaus đã đồng hành với Chúa và nhận ra Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Bài huấn giáo

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài ”Emmaus, con đường hy vọng”. Đây là bài thứ 23 trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

”Hôm nay tôi muốn nói về kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus, theo Tin Mừng thánh Luca (Xc 24,13-35). Hai người bước đi trong thất vọng, tin chắc mình đang bỏ lại sau lưng một biến cố cay đắng kết thúc trong thất bại. Trước lễ Vượt Qua ấy, họ đầy phấn khởi: họ xác tín rằng những ngày ấy sẽ có tính cách quyết định đối với những mong đợi của họ và hy vọng của toàn dân. Đức Giêsu, Người mà họ đã phó thác cuộc sống, dường như đi tới cuộc chiến quyết định: giờ đây Ngài sẽ biểu dương quyền năng, sau một thời gian dài chuẩn bị và ẩn náu. Nhưng thực tế không xảy ra như vậy.

2 người lữ khách ấy đã nuôi hy vọng hoàn toàn phàm nhân, hy vọng ấy giờ đây vỡ tan. Thập giá được dựng lên trên đồi Can Vê là dấu chỉ hùng hồn nhất về một sự thất bại mà họ không tiến đoán trước được. Nếu thực sự Đức Giêsu ấy là vị theo tâm hồn của Thiên Chúa, thì họ phải kết luận rằng Thiên Chúa là Đấng vô phương tự vệ trong tay những kẻ bạo lực, ngài không có khả năng chống lại sự ác.

Thế là hai môn đệ ấy trốn khỏi thành Jerusalem. Nơi mắt họ vẫn còn những biến cố khổ nạn, cái chết của Chúa Giêsu; và trong tâm hồn họ còn một sự phấn đấu vất vả về những biến cố ấy, trong ngày hưu lễ sabbat. Lễ Vượt Qua ấy, trong đó lẽ ra người ta phải xướng lên bài ca giải thoát, nhưng thực tế ngày ấy đã biến thành ngày đau thương nhất trong cuộc đời họ. Họ rời thành Jerusalem để đi nơi khác, đến một làng yên tĩnh. Họ hoàn toàn giống như những người quyết tâm loại bỏ một kỷ niệm đốt cháy. Vì vậy họ lên đường, hành trình. Cảnh tượng này – con đường đi – vốn là điều quan trọng trong trình thuật của các Phúc Âm nay càng trở nên quan trọng hơn, là lúc trong đó người ta bắt đầu kể lại lịch sử Giáo Hội.

Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ ấy có vẻ hoàn toàn là tình cờ: giống như một trong bao nhiêu ngã tư xảy ra trong cuộc sống. Hai môn đệ đang tiến bước, suy nghĩ đăm chiêu, thì một người lạ đến gần họ. Đó là Chúa Giêsu; nhưng mắt họ không có khả năng nhận ra Ngài. Và thế là Chúa Giêsu bắt đầu ”phương thức trị liệu hy vọng” của Ngài.

Trước tiên Ngài hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa chúng ta không phải là một vị Chúa xâm phạm đời tư. Cho dù Ngài đã biết lý do sự thất vọng của hai môn đệ, nhưng ngài để cho họ có thời gian để có thể ôm chặt sự cay đắng xâm chiếm họ. Từ đó có sự tuyên xưng như một điệp khúc của cuộc sống con người: ”Chúng tôi đã hy vọng…” (v.21). Bao nhiêu buồn sầu, chiến bại, không thành công trong cuộc sống của mỗi người! Xét cho cùng tất cả chúng ta phần nào cũng giống như hai môn đệ ấy. Bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta đã hy vọng, bao nhiêu lần chúng ta cảm thấy gần kề hạnh phúc, nhưng rồi chúng ta thất vọng não nề. Nhưng Chúa Giêsu tiến bước với tất cả những người nản chí cúi đầu bước đi. Và khi đồng hành với họ, một cách kín đáo, Ngài phục hồi hy vọng cho họ.

ĐTC nói tiếp:

”Trước tiên, Chúa Giêsu nói với họ qua Kinh Thánh. Ai cầm trong tay cuốn sách của Thiên Chúa, thì chẳng gặp những chuyện anh hùng dễ dàng, những chiến dịch chinh phục chớp nhoáng. Niềm hy vọng đích thực không bao giờ là điều rẻ tiền: nó luôn tiến qua những thất bại. Niềm hy vọng của người không chịu đau khổ, có lẽ cũng chẳng phải là hy vọng. Chúa không thích được yêu thương như thể người ta yêu một nguyên soái đưa dân mình đến chiến thắng bằng cách tiêu diệt các đối thủ trong máu. Thiên Chúa chúng ta là một một ngọn lửa hâm nóng trong ngày lạnh lẽo và gió thôi, và tuy sự hiện diện của Ngài trên thế giới có vẻ là yếu ớt, nhưng chính Ngài đã chọn chỗ mà tất cả mọi người coi rẻ.

Rồi Chúa Giêsu lập lại với hai môn đệ cử chỉ nòng cốt của mỗi Thánh Lễ: Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao ban. Trong loạt cử chỉ này, phải chăng đó chẳng là tất cả lịch sử của Chúa Giêsu sao? Trong mỗi Thánh Lễ, không có cả dấu hiệu cho thấy Giáo Hội phải là gì sao? Chúa Giêsu nhận lấy chúng ta, chúc lành, ”bẻ” cuộc sống chúng ta – vì không có tình yêu nếu không có hy sinh – và Ngài trao ban cho người khác, cho tất cả mọi người.

Đó là một cuộc gặp gỡ mau lẹ, cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus. Nhưng trong đó có tất cả vận mạng của Giáo Hội. Người ta kể với chúng ta rằng cộng đoàn Kitô không khép kín trong một thành có pháo đài bao quanh, nhưng tiến bước trong môi trường sinh đong nhất, nghĩa là đường phố. Tại đó cộng đoàn gặp con người, với những hy vọng và thất vọng của họ, nhiều khi nặng nề. Giáo Hội lắng nghe chuyện của tất cả mọi người, như nảy sinh từ kho tàng lương tâm mỗi người; để rồi chúng ta cống hiến Lời Hằng sống, chứng ta tình thương của Thiên Chúa, tình yêu chung thủy đến cùng. Và như thế trái tim con người lại được nồng cháy hy vọng.

Bí quyết của con đường dẫn đến Emmaus hệ tại điều này là: cả qua những tình trạng có vẻ là nghịch cảnh, chúng ta tiếp tục được yêu thương và Thiên Chúa không bao giờ ngưng yêu thương chúng ta.

Chào thăm

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh tóm tắt bài huấn giáo của ĐTC trong các sinh ngữ khác nhau, cả những lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài đặc biệt nhắc đến một nhóm tín hữu Công Giáo thuco tòa án ở Pháp và cộng đoàn Arche ở Ambleteuse chuyên săn sóc những người khuyết tật tâm trí.

Trong số các tín hữu nói tiếng Anh được ĐTC chào thăm, cũng có các tín hữu Việt Nam, và từ các nước Đông Á khác, như Hong Kong, Philippines, cả Indonesia và Ấn độ. Ngài nói Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin lòng thương xót yêu thương của Thiên chúa là Cha chúng ta đổ tràn trên anh chị em.

Ngài nói thêm rằng: Tôi đặc biệt chào thăm các tín hữu từ Hong Kong, trong ngày lễ kính Đức Mẹ Xà Sơn ở Thượng Hải. Hôm qua, 24-5, cũng là ngày Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc, theo quyết định của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 10 năm.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ vùng đã bị động đất Valnerina. Ngài gửi lời thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới và nói:

”Hôm nay chúng ta mừng kính Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu. Các bạn trẻ thân mến, hãy học yêu mến theo trường của Mẹ Chúa Giêsu; hỡi các bệnh nhân thân mến, trong đau khổ, anh chị em hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria với kinh Mân Côi; và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, với Mẹ Maria anh chị em hãy luôn biết lắng nghe thánh ý Chúa về gia đình của anh chị em.”

G. Trần Đức Anh OP

 

Nam hàn xin Đức Thánh Cha làm trung gian hòa giải và thống nhất Triều tiên

Nam hàn xin Đức Thánh Cha làm trung gian hòa giải và thống nhất Triều tiên

Seul – Năm 2017, Hàn quốc và Tòa Thánh cử hành 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cụ thể là vị khâm sứ Tòa thánh thường trực đầu tiên của Tòa Thánh được gửi đến Hàn quốc.

Nhân dịp này, tân tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã cử Đức Tổng giám mục Igino Kim Hee-Jung, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn quốc, làm đặc sứ, đại diện Hàn quốc và gặp Đức giáo hoàng để cử hành sự kiện này.

Các mối liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Hàn quốc đã bắt đầu từ năm 1947, ngay sau khi Hàn quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật bản, khi Đức Giáo hoàng Pio XII gửi cha Patrick James Byrne, người Mỹ, thừa sai dòng Maryknoll, làm khâm sứ thường trực tại Hàn quốc. Năm 1949, cha James Byrne được tấn phong Giám mục, nhưng năm 1950, khi cuộc chiến tranh Triều tiên xảy ra, ngài bị bắt cóc và chết trong tù. Ngài nằm trong số 213 linh giáo sĩ và giáo dân đang trong tiến trình được phong chân phước.

Với việc gửi khâm sứ đến Hàn quốc, Tòa thánh là một trong những quốc gia nhìn nhận sự độc lập của Hàn quốc.

Tháng 12/1963, quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Hàn quốc được thiết lập chính thức với vị sử lý thường vụ (hoặc đại biện) của Tòa thánh và vị sứ thần vào tháng 9/1966.

Trong một bài phỏng vấn, Đức tổng giám mục Igino Kim Hee-jong của giáo phận Quang châu cho biết ngài được tân tổng thống gửi sang Roma với sứ mệnh đặc biệt: xin Tòa Thánh làm trung gian. Mục đích cuối cùng là “một hiệp ước hòa bình”, một trung gian ngoại giao để cho bán đảo Triều tiên bắt đầu hành trình tái thống nhất. Hoạt động trung gian này giống như Tòa thánh đã thực hiện khi giúp tái thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa kỳ.

Đức cha Kim tin là sự trung gian này có thể thực hiện dù là tình hình có vẻ căng thẳng và Bắc hàn tiếp tục thử nghiệm phóng tên lửa.

Theo Đức cha Kim, Tòa Thánh có thể khuyến khích một cuộc đối thoại chân thành giữa Bắc và Nam hàn. Hiện tại, Bắc hàn không tin tưởng các nước Tây phương, nhưng nếu họ chịu mở ra con đường đối thoại với tổng thống Trump, thì điều này có thể giúp cho hành trình hòa giải.

Đức cha Kim chia sẻ là nhiều người Hàn quốc tin tưởng vào Giáo hội Công giáo. Nếu có một vấn đề quốc gia nghiêm trọng, họ sẽ hướng đến Giáo hội Công giáo như điểm tham chiếu và họ chờ đợi các tiếng nói và lời khuyên của Giáo hội.

Được hỏi về các vấn đề của Bắc hàn, Đức cha nói họ thiếu rất nhiều thứ, đặc biệt là về kinh tế. Nam hàn rất muốn giúp Bắc hàn, ngay cả qua trao đổi thương mại là điều Bắc hàn chấp nhận.

Đức cha Kim cho biết là chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2014 đã mang lại nhiều thay đổi tại Nam hàn, đặc biệt là cho Giáo hội Công giáo. Giáo hội tiếp tục được canh tân, một Giáo hội nghèo cho ngừơi nghèo. Chính Đức Giáo hoàng đã yêu cầu Giáo hội đến gần với ngừơi bị loại ra ngoài xã hội, người khuyết tật, người già. Hiện nay Giáo hội hoạt động rất nhiều cho người khuyết tật, ngừơi cao niên, ngừơi bị loại ra ngoài xã hội. Các Giám mục dành một phần thu nhập của họ cho người nghèo, Hội đồng Giám mục gửi các trợ giúp cho các giáo xứ nghèo. Đây là một hoạt động cũng được chính quyền tin tưởng.

Về phương diện đức tin, Đức cha Kim chia sẻ: “Giáo hội Triều tiên được bắt đầu với các giáo dân và hoạt động của giáo dân rất sinh động ở Triều tiên. Hiện nay chúng tôi muốn khởi xướng một phong trào Kinh thánh để cho tất cả biết các Sách Thánh. Sau đó, chúng tôi muốn phát triển ý tưởng bác ái, không chỉ như một ý niệm trừu tượng.”

Nếu gặp Đức Giáo hoàng, Đức cha Kim sẽ thưa với ngài rằng rất nhiều người Hàn quốc, Công giáo cũng như không Công giáo, rất tin tưởng nơi Đức Thánh Cha. Nếu có vấn đề xã hội, họ đều tìm các lời của Đức Giáo hoàng.

Với phủ quốc vụ khanh Tòa thánh, Đức cha Kim xin giúp tái thống nhất Bắc và Nam hàn. Các Giám mục không ngừng kêu gọi chính quyền điều này. Các Giám mục muốn loan truyền ý tưởng này cho các giáo dân và công dân Hàn quốc. Hàn quốc có sứ vụ tái thống nhất mà không có ở các quốc gia khác.

Theo Đức cha Kim, Hàn quốc mong chờ sự can thiệp của Tòa Thánh vì Tòa Thánh hiện diện trong mỗi thời khắc quan trọng trong lịch sử Hàn quốc. Hàn quốc hy vọng vào sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho bán đảo Triều tiên. Đức cha nói: “nếu thành công trong việc tìm kiếm hòa bình và thống nhất cho hai miền nam bắc của Hàn quốc, chúng tôi sẽ hoạt động cho hoà bình tại Đông Á và hòa bình trên thế giới. Chúng tôi muốn là khí cụ hòa bình.” (Fides/ ACI 23/05/2017)

Hồng Thủy

Một chủng sinh liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa khỏi bị khủng bố xúc phạm

Một chủng sinh liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa khỏi bị khủng bố xúc phạm

Khi Martin Baani 24 tuổi, chủng sinh này đã liều mạng sống cứu Mình Thánh Chúa khỏi cuộc xâm chiếm của bọn khủng bố Hồi giáo ở thành phố quê nhà. Hiện nay. Baani đã trở thành linh mục và quay về làng quê để sẵn sàng phục vụ dân chúng qua Thánh lễ.

Ngày 6 tháng 8 năm 2014, một người bạn gọi cho thầy Baani và báo là ngôi làng bên cạnh đã rơi vào tay quân khủng bố ISIS và thị trấn Karamlesh có lẽ sẽ là điểm kế tiếp bị ISIS chiếm đóng. Thầy Baani ngay lập tức chạy đến nhà thờ San Addai và mang Mình Thánh Chúa đi, để phòng hờ các chiến binh sẽ xúc phạm Mình Thánh. Thầy Baani đã cùng với cha sở và ba linh mục khác chạy lánh nạn bằng xe hơi. Thầy Baani là người cuối cùng rời Karamlesh, với Mình Thánh Chúa trong tay.

Dù những đe dọa từ ISIS, thầy Baani chọn ở lại Iraq thayv ì chạy sang Hoa kỳ với gia đình. Thầy tiếp tục học ở chủng viện thánh Phêrô ở Erbil, thủ phủ của người Kurd Iraq. Tháng 9 năm 2016, thầy Baani được thụ phong linh mục với 6 thầy khác.

Vài tháng trước khi chịu chức linh mục, thầy Baani nói với tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ: “mỗi ngày tôi đi đến trại tị nạn để đồng hành với các gia đình. Chúng tôi là những Kitô hữu tị nạn. Bọn ISIS muốn loại trừ Kitô giáo khỏi Iraq nhưng tôi đã quyết định ở lại. Tôi yêu Chúa Giêsu và tôi không muốn lịch sử của chúng tôi biến mất.”

Gần 1 năm sau, sau khi các làng ở bình nguyên Ninivê được giải phóng, cha Baani khẳng định quyết định ở lại Iraq để “phục vụ dân của tôi và Giáo hội của tôi.” Cha nói: “Bây giờ tôi hạnh phúc cử hành Thánh lễ ở Iraq. (CAN 24/05/2017)

Hồng Thủy

Các lãnh đạo Công giáo đau buồn về vụ khủng bố ở Manchester

Các lãnh đạo Công giáo đau buồn về vụ khủng bố ở Manchester

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi điện thư do Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, chia buồn về thảm kịch gây thương vong, chết chóc, xảy ra tại nhà thi đấu thành phố Manchester, Anh quốc, tối 22/05.

Cảnh sát giao thông Anh xác nhận vụ nổ xảy ra trong "phòng giải lao nhà thi đấu lúc 22h30 ngày 22/5,vào cuối buổi hòa nhạc do nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande biểu diễn. Nhóm khủng bố Hồi giáo IS đã nhận trách nhiệm tấn công buổi biểu diễn ca nhạc làm cho hơn 20 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đa số các nạn nhân là người trẻ.

Trong điện thư, Đức Giáo hoàng bày tỏ đau buồn sâu sắc và bày tỏ tình liên đới sâu đậm với tất cả bị thương tổn bởi hành vi bạo lực vô ý nghĩa này. Ngài khen ngợi các nỗ lực quảng đại của nhân viên cứu hộ và an ninh và đảm bảo cầu nguyện cho những người bị thương và những người đã qua đời. Đức Giáo hoàng nhớ đến cách đặc biệt các trẻ em và người trẻ đã bị thiệt mạng và nhớ đến các gia đình đang đau khổ của họ. Ngài cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình, chữa lành và sức mạnh trên đất nước Anh.

Các Giám mục ở Anh cũng lên tiếng tố cáo hành động tội ác này. Đức cha John Arnold, Giám mục giáo phận Salford nói là không có lời biện minh cho bạo lực như thế. Trên tài khoản Twitter của giáo phận ngài viết: “Các công dân thành Manchester và cộng đồng Công giáo hiệp nhất lên án vụ tấn công vào đám đông ở sân thi đấu Arena. Đức cha nhấn mạnh: “chúng ta phải dấn thân hành động cùng nhau để giúp đỡ các nạn nhân và gia đình của họ và xây dựng và củng cố sự tương trợ của cộng đồng chúng ta.”

Giáo phận Salford thông báo rằng đức cha Arnold cử hành các Thánh lễ đặc biệt cầu cho các nạn nhân vào ngày 23/05.

Về phần mình, Đức Hồng y Vincent Nichols của tổng giáo phận Westminster ở Luân đôn, đã gửi thư chia buồn đến đức cha Arnold. Ngài viết: “Tôi đã nghe tin tức truyền thông về sự tàn bạo xảy ra đêm qua ở Manchester với nỗi buồn sâu xa. Xin Chúa đón tất cả mọi người qua đời về bên sự hiện diện thương xót của Người. Xin Chúa thay hướng lòng của những kẻ gây nên sự dữ đến sự hiểu biết chân thực về mong muốn và ý định của Người dành cho nhân loại.” Đức Hồng y cũng bảo đảm với đức cha Arnold và con chiên của ngài về lời cầu nguyện và chia buồn của các Giám mục Anh và xứ Wales. Ngài nói: “Cả chúng tôi cũng than khóc sự mất mát các sự sống này. Chúng tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời được an nghỉ đời đời.”

Cuộc tấn công tối thứ hai, 22/05 là cuộc tấn công nặng nề nhất xảy ra ở Anh kể từ vụ nổ bom ở hệ thống xe điện ở Luân đôn vào tháng 7/2005, giết hại 52 người. (SD/CNA 22/05/2017)

Hồng Thủy

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 23.05.2017

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 23.05.2017

Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nhắc đến tấm gương sáng ngời của Đức Cha Oscar Romero Tổng Giám Mục San Salvador. Ngài bị chế độ bắn chết vì Ngài dám lên tiếng tố cáo bạo lực và bảo vệ người nghèo.

Nhiều người bị bách hại khi dám nói sự thật

Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại. Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay, Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam.

Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật? Trong số những người bị bắt bớ ấy trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người ngay cả tại Châu Âu. Tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một giáo hội yên ắng không chút rủi ro, một giáo hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.

Thần dữ xuất phát từ túi tham, nhưng niềm vui đến từ Thiên Chúa

Chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ kể về câu chuyện thánh Phaolô trừ quỷ cho người đầy tớ gái. Trước đó, cô này bị quỷ nhập và hành nghề bói toán. Chính nghề của cô đem lại nhiều nguồn lợi cho các người chủ của cô. Nhưng sau khi cô được trừ quỷ, các chủ của cô thấy hy vọng kiếm lợi tiêu tan, nên đành túm lấy ông Phaolô và Sila mà đi tố cáo. Thế đó, thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán diễn ra.

Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa. Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô. Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa.

Các vị tử đạo trong Giáo Hội

Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước. Một giáo hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là giáo hội không đáng tin. Giáo hội ấy, kiểu giáo hội không có các vị tử đạo, là một giáo hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và giáo hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha khai mạc Đại hội thứ 70 của các Giám Mục Italia

Đức Thánh Cha khai mạc Đại hội thứ 70 của các Giám Mục Italia

VATICAN. ĐTC mời gọi các GM Italia để cho mình được Chúa đánh động, thanh tẩy và an ủi, nhạy cảm đối với những biến cố của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài suy niệm trao cho các GM Italia chiều hôm 22-5-2017 trong buổi khai mạc đại hội lần thứ 70 của HĐGM Italia tại nội thành Vatican.

Trong khóa họp này, các GM Italia bỏ phiếu đề ra một danh sách 3 ứng viên dựa vào đó ĐTC có thể chọn một vị Chủ tịch mới cho HĐGM nước này, kế nhiệm ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, vừa mãn 10 năm làm Chủ tịch.

Trong bài suy niệm, ĐTC viết: ”Chúng ta hãy để cho mình được đánh động, thanh tẩy và an ủi: xin Chúa rửa những gì ô uế, tưới gội những gì là khô cằn, chữa lành vết thương chảy máu. Xin uốn nắn những gì cứng cỏi, sửa ấm những gì là giá lãnh, uốn nắn những gì cong veo”. Chúng ta được yêu cầu hãy có sự táo bạo để tránh thái độ quen thuộc với những tình trạng ăn rễ sâu đến độ được coi là bình thương hoặc không thể vượt thắng nổi. Lời ngôn sứ không đòi phải có những phá đổ, nhưng là những chọn lựa can đảm, là đặc tính của một cộng đoàn Giáo Hội. Những chọn lựa ấy làm chúng ta để cho mình được đánh động vì những biến cố và con người, và đi vào những tình trạng của nhân loại, với tinh thần chữa lành của các mối phúc thật”.

ĐTC không quên cảnh giác chống lại cám dỗ muốn làm tôi hai chủ và mời gọi các GM hãy học từ bỏ những tham vọng vô ích và sự ám ánh về bản thân để liên tục sống dưới cái nhìn của Chúa, hiện diện nơi bao nhiêu anh chị em bị tủi nhục.

Sau cùng, ĐTC cám ơn ĐHY Bagnasco vì 10 năm phục vụ với nhiều hy sinh và trong tinh thần khiêm tốn, chia sẻ.

Italia có 228 giáo phận. Cho đến nay ĐTC trực tiếp bổ nhiệm vị Chủ tịch và Tổng thư ký HĐGM. Nhưng nay ngài muốn các GM làm cho ngài danh sách 3 vị. Ngài có thể chọn trong đó hoặc bổ nhiệm vị khác ngoài danh sách. (SD 22-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Trung Phi và công bố danh sách Tân Hồng Y

Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Trung Phi và công bố danh sách Tân Hồng Y

VATICAN. Chúa nhật 21.05.2017, sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Cộng Hòa Trung Phi. Ngài cũng thông báo là thứ bảy này Ngài sẽ viếng thăm giáo phận Genova, Italia. Sau đó Đức Thánh Cha công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y mà Ngài sẽ bổ nhiệm.

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người

Anh chị em thân mến,

Có nhiều tin tức đau thương đến từ Cộng Hòa Trung Phi, đất nước mà tôi luôn mang trong trái tim mình, đặc biệt là sau cuộc viếng thăm của tôi năm 2015. Cuộc đụng độ vũ trang đã gây ra cái chết của rất nhiều người, nhiều người khác phải di dời. Những đụng độ ấy đe dọa tiến trình hòa bình. Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân, với các giám mục, và với tất cả những ai đang hoạt động vì lợi ích của nhân dân, vì sự chung sống trong hòa bình. Tôi cầu nguyện cho những người đã khuất, cho những người bị thương, và tôi kêu gọi: hãy từ bỏ vũ khí, tốt hơn hãy sẵn sàng đối thoại để tìm kiếm hòa bình và phát triển đất nước.

Ngày 24 tháng 5 sắp tới, chúng ta sẽ hiệp thông tinh thần với tất cả tín hữu Công Giáo Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu “Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu” được tôn kính trong Đền Thờ Sheshan ở Thượng Hải. Các tín hữu Trung Quốc nói rằng: chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Mẹ chúng ta Mẹ Maria, bởi vì Mẹ giúp chúng ta nhận ra thánh ý Chúa giữa hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội tại Trung Quốc, vì Mẹ giúp chúng ta quảng đại đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa trong tình yêu. Mẹ khích lệ chúng ta góp phần mỗi người vào sự hiệp thông giữa các tín hữu và trong sự hài hòa với xã hội. Chúng ta đừng quên chứng từ của người tín hữu cùng với lời cầu nguyện và tình yêu mến, để chúng ta có thể duy trì cuộc gặp gỡ cởi mở và đối thoại không ngừng.

Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em là tín hữu Roma và khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Tây Ban Nha, Pháp, Canada và Hoa Kỳ.

Đặc biệt Cha chào thăm các bạn trẻ và những người đại diện đến từ giáo phận Genova. Nhờ ơn Chúa giúp, Cha sẽ đến thăm giáo phận của anh chị em vào thứ bảy tới. Cha cũng chào thăm các tín hữu đến từ giáo xứ Santa Maria Goretti của Roma.

Đức Thánh Cha công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y

Sau khi chào thăm mọi người, Đức Thánh Cha đã công bố danh sách 5 vị Tân Hồng Y sẽ được Đức Thánh Cha tấn phong vào thứ năm 29 tháng sáu, dịp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Trong số 5 Đức Tân Hồng Y, có vị đến từ Mali, Tây Ban Nha, Thụy Điển, El Salvador, và có một vị đến từ Lào: đó là Đức Tân Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun giáo phận Paksé.

Các vị Tân Hồng Y là:

1. Đức Tổng Giám Mục Jean Zerbo, Bamako, Mali.
2. Đức Tổng Giám Mục Juan José Omella, Barcelona, Tây Ban Nha.
3. Đức Giám Mục Anders Arborelius, Stockholm, Thụy Điển.
4. Đức Tổng Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, Paksé, Lào.
5. Đức Giám Mục Gregorio Rosa Chávez, San Salvador, El Salvador.

Sau cùng Đức Thánh Cha chào tạm biệt mọi người và Ngài nói lời mời gọi quen thuộc của Ngài: Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị ‘Năm thứ 100’

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị 'Năm thứ 100'

VATICAN. ĐTC khuyến khích mọi cố gắng nhắm giải quyết nạn thất nghiệp đang gia tăng nhiều tại các nước phát triển cũng như các nước đang trên đường phát triển.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-5-2017, dành cho 250 tham dự viên Hội nghị do Quỹ Centesimus Annus, Năm Thứ 100 – Phò Giáo Hoàng, tổ chức.

Ngỏ lời trong dịp này ĐTC ca ngợi chủ trương của Ngân Quỹ này là tìm kiếm những cách thức khác để hiểu về nên kinh tế, sự phát triển và thương mại, để đáp ứng những thách đố luân lý đạo đức do những kiểu mẫu và hình thức mới xuất phát từ kỹ thuật, từ nền văn hóa phí phạm và lối sống không biết tới người nghèo và coi rẻ người yếu thế gây ra. ”Ngân quỹ của quí vị cũng đóng góp quí giá trong việc cứu xét các hoạt động thương mại và tài chánh dưới ánh sáng truyền thống phong phú giáo huấn xã hội của Hội Thánh và sự tìm kiếm những phương thức khác để xây dựng”.

ĐTC đặc biệt bày tỏ hài lòng vì trong những ngày họp lần này, các tham dự viên Hội nghị của Ngân Quỹ năm thứ 100 bàn về vấn đề chủ yếu là kiến tạo công ăn việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng mới về kỹ thuật hiện nay. ĐTC nói: ”Làm sao chúng ta có thể không lo âu vì vấn đề trầm trọng là nạn thất nghiệp của người trẻ và người lớn không có các phương thế để thăng tiến bản thân. Đó là một vấn đề đang gia tăng tới mức độ bi thảm tại các nước đã phát triển và các nước đang trên đường phát triển và đòi phải được giải quyết với cảm thức về công lý giữa cac thế hệ và ý thức trách nhiệm đối với tương lai” (SD 20-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh cha viếng thăm và làm phép nhà giáo dân

Đức Thánh cha viếng thăm và làm phép nhà giáo dân

VATICAN. Chiều thứ sáu 19-5-2017, ĐTC Phanxicô đã đến thăm và làm phép nhà cho một số gia đình ở vùng bờ biển Ostia, cách Roma khoảng 30 cây số.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tháng 5 này, ĐTC muốn tiếp tục truyền thống ”Thứ sáu lòng thương xót”: cuộc viếng thăm của ngài tại Ostia như một dấu chỉ sự gần gũi với những gia đình ở ngoại ô Roma. Ngài đi làm phép từng gia đình như thói quen của các cha sở trong mùa Phục Sinh.

Cách đây 2 ngày, LM Plinio Poncina, cha sở ở Ostia, đã yết thị thông cáo như thói quen tại chung cư, báo trước cho các gia đình là ngài sẽ đến thăm để làm phép nhà trong mùa Phục Sinh.

Thật là một ngạc nhiên lớn cho các gia đình, khi chuông cửa nhà họ reo và khi mở cửa, họ thấy ĐGH Phanxicô thay vì cha sở của họ. Ngài đơn sơ chuyện vãn với các thành phần trong gia đình và làm phép khoảng 12 căn hộ trong chung cơ ở Quảng trường Francesco Conteduca số 1, rồi để lại xâu chuỗi mân côi cho mỗi gia đình.

Vùng Ostia có khoảng 100 ngàn dân cư và tại đây có một cộng đoàn tín hữu sinh động, chia sẻ thực tại khó khăn của những người sống ở vùng ngoại ô (RG 19-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến 6 tân đại sứ cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Sáng 18-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến 6 tân đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh và ngài kêu gọi loại trừ những nguyên nhân làm đen tối tình hình thế giới hiện nay.

Các vị đại sứ mới đến từ 6 nước là Kazakhstan, Mauritanie, Népal, Niger, Sudan, Trinidad và Togago. Đây là những vị không thường trú ở Roma nên được ĐTC tiếp kiến chung.

Trong lời chào mừng các tân đại sứ, ĐTC nhận xét rằng tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp và đang trải qua những đám mây dầy đặc, đòi phải ý thức hơn về những thái độ và những hoạt động cần thiết để giảm bớt căng thẳng.

Trong số các nhân tố làm cho các vấn đề trầm trọng hơn, có nền kinh tế tài chánh, thay vì phục vụ con người cụ thể, thì chỉ được bố trí để phục vụ bản thân và tránh sự kiểm soát của công quyền: các chính quyền này tuy có trách nhiệm về công ích, nhưng lại thiếu những đòn bẩy cần thiết để giảm bớt sự tham lam của một thiểu số người.

ĐTC cũng tố giác xu hướng dùng võ lực, không phải như phương thế cuối cùng, nhưng như một phương tiện như bất kỳ phương tiện nào khác, sẵn sàng sử dụng mà không thẩm định kỹ lưỡng các hậu quả.

Ngoài ra có nạn cực đoan, lạm dụng tôn giáo để biện minh cho sự khao khát quyền lực, lạm dụng thánh danh Thiên Chúa để đẩy mạnh mưu đồ bá quyền của mình bằng bất kỳ phương tiện nào.

ĐTC kêu gọi chống lại những nguy cơ trên đây đối với nền hòa bình thế giới bằng cách kiến tạo một nền kinh tế và tài chánh có trách nhiệm đối với số phận con người và cộng đoàn liên hệ. Con người chứ không phải tiền bạc là mục đích của kinh tế. .. Cần cô lập hóa bất kỳ người nào tìm cách biến sự thuộc về và căn tính tôn giáo thành lý do để oán ghét tất cả những người khác.

ĐTC nói thêm rằng ”cần hiệp sức chống lại kẻ làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa và chứng tỏ rằng ai tôn vinh Danh Thiên Chúa, thì cứu vớt sinh mạng con người chứ không giết hại, mang lại hòa giải và hòa bình chứ không phải tạo nên chia rẽ và chiến tranh, thực hiện lòng thương xót và cảm thương chứ không phải sự dửng dưng và tàn bạo”. (SD 18-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chống kỳ thị và cô lập các bệnh nhân Huntington

Đức Thánh Cha chống kỳ thị và cô lập các bệnh nhân Huntington

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu, phá đổ những bức tường kỳ thị và cô lập các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh Huntington.

Ngài đưa ra lời kêu trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-5-2017 dành cho 1500 người tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các chuyên gia, các thân nhân và bệnh nhân Huntington đến từ nhiều nước trên thế igới.

Huntington là bệnh thoái hóa tiến triển, có tính chất di truyền, nguyên nhân là do tế bào thần kinh trong não bị mất đi. Kết quả có thể là sự chuyển động của bệnh nhân không kiểm soát được, rối loạn cảm xúc và suy sụp tinh thần. Trên thế giới có khoảng 1 triệu người bị bệnh này. Nhiều bệnh nhân buộc lòng phải giấu kín bệnh của mình vì sợ dư luận quần chúng và thái độ kỳ thị từ đó mà ra. Bệnh Huntington thường xảy ra trong các gia đình ở Nam Mỹ với mức độ 500 hoặc 1 ngàn lần nhiều hơn so các vùng khác trên thế giới.

Cuộc gặp gỡ với ĐTC thuộc sáng kiến gọi là ”Không giấu kín nữa” – Hidden No More – liên kết những người ủng hộ và đại diện của các bệnh nhân bị Huntington.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt tuyên bố hỗ trợ sáng kiến ”không giấu kín nữa” và ngài nói:

”Đây không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một sự quyết tâm trong đó mọi người phải giữ vai chính. ”Sức mạnh và xác tín khi chúng ta nói lên những lời này xuất phát từ những điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã gặp bao nhiêu bệnh nhân, đảm trách những đau khổ của họ, Ngài đã phá đổ những bức tường lên án và gạt ra ngoài lề, căn cản bao nhiêu bệnh nhân không cho họ cảm thấy được tôn trọng và yêu mến. Đối với Chúa Giêsu, bệnh tật không bao giờ là chướng ngại cản trở gặp gỡ con người, trái lại là đàng khác. Chúa đã dạy chúng ta rằng nhân vị con người luôn luôn là điều quí giá, luôn có một phẩm giá mà không điều gì và không một ai có thể xóa bỏ, dù là bệnh tật.

ĐTC lần lượt khuyến khích các bác sĩ và nhân viên y tế, các người thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Huntington, trong số này có các chuyên gia thuộc Bệnh Viện Nhà thoa dịu đau khổ ở miền nam Italia đã được cha thánh Piô thành lập và tặng cho Tòa Thánh.

ĐTC đặc biệt khích lệ các nhà di truyền học và khoa học gia từ lâu nay đã tận tụy nghiên cứu và tìm kiếm phương pháp chữa trị bệnh Huntingon. Ngài nói: hy vọng có thể tìm được con đường chữa chị hoàn toàn bệnh này tùy thuộc những cố gắng của anh chị em, cả việc cải tiến điều kiện sống của các anh chị em chúng ta bị bệnh này cũng vậy. Xin Chúa chúc lành cho dự dấn thân của anh chị em.” (SD 18-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương: 17-5-2017

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương: 17-5-2017

VATICAN. ĐTC nhắc nhở các tín hữu: Thiên Chúa biết tên từng người và Chúa không bỏ rơi một ai trong những tình cảnh đau khổ.

Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến chung hơn 30 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 17-5-2017, tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong số này cũng có một số tín hữu Công Giáo Việt Nam từ nước ngoài cũng như từ quốc nội.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Gioan đoạn 20, câu 15 đến 18 kể lại cuộc viếng thăm của thánh nữ Maria Madalena tại Mộ Chúa.

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói về đề tài thánh nữ Maria Madalena, Tông Đồ Hy vọng. Đây là bài thứ 22 trong loạt bài giáo lý về đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

”Trong những tuần lễ này, có thể nói suy tư của chúng ta diễn ra trong quĩ đạo mầu nhiệm Phục Sinh. Hôm nay chúng ta gặp vị mà, theo các sách Tin Mừng, chính là người đầu tiên đã thấy Chúa Giêsu sống lại, đó là Maria Madalena. Lúc ấy việc nghỉ hưu ngày sabbat vừa kết thúc. Trong ngày khổ nạn của Chúa ngừơi ta không có giờ để hoàn tất các lễ nghi an táng; vì thế, trong buổi sáng sớm đầy u buồn ấy, các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu mang theo dầu thơm để xức. Người đầu tiên đến nơi chính là Maria làng Magdala, là một trong các nữ môn đệ đã đồng hành với Chúa Giêsu ngay từ miền Galilea, phục vụ Giáo Hội đang khai sinh. Trong hành trình của bà đến mộ Chúa có phản ánh lòng trung thành của bao nhiêu phụ nữ đạo đức, đi qua những con đường nhỏ ở các nghĩa trang, để nhớ đến người nào đó không còn nữa. Mối liên hệ chân thực nhất không bị cắt đứt, dù là cái chết; có người tiếp tục yêu thương, cho dù người họ yêu thương đã vĩnh viễn ra đi.

Sách Tin Mừng (Xc Ga 20,1-2.11-18) khi mô tả Maria Madalena, đã làm nổi bật ngay sự kiện bà là một phụ nữ dễ xúc động. Thực vậy, sau cuộc viếng thăm đầu tiên tại mộ, bà thất vọng trở về nơi mà các môn đệ ẩn náu; bà kể lại rằng tảng đá chắn lối vào mộ đã bị đẩy sang một bên và giả thuyết đầu tiên của bà là giả thuyết đơn giản nhất mà người ta có thể đề ra, đó là có người nào đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu. Vì thế, lời loan báo đầu tiên mà Maria Madalena mang đến không phải là tin Chúa sống lại, nhưng là một vụ ăn trộm mà những kẻ lạ mặt đã gây ra, trong khi toàn thành Jerusalem còn ngủ.

Rồi các sách Tin Mừng kể lại chuyến viếng thăm thứ hai của Maria Madalena tiến về mộ Chúa Giêsu. Lần này bước chân của bà chậm chạp, nặng chĩu. Bà đau khổ gấp đôi: trước tiên vì cái chết của Chúa Giêsu, tiếp đến là vì sự biến mất xác Chúa không giải thích được.

Và chính trong khi bà cúi mình gần mộ, với đôi mắt đẫm lệ, Chúa làm cho bà ngạc nghiên bất ngờ. Thánh sử Gioan nhấn mạnh sự mù quáng của bà kéo dài: bà không nhận ra sự hiện diện của hai thiên thần đang hỏi bà, và cũng chẳng nghi ngờ gì khi thấy một người đứng sau lưng bà, mà bà nghĩ là người làm vườn. Và bà không khám phá được biến cố đảo lộn lịch sử nhân loại cho đến khi bà được gọi đích danh ”Maria!” (v. 16)

ĐTC nói tiếp:

”Thật là đẹp dường nào khi nghĩ rằng cuộc hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh xảy ra trong tương quan bản thân như thế! Có người nào được nhận ra, thấy đau khổ và thất vọngcủa chúng ta, cảm động vì chúng ta, và gọi đích danh chúng ta. Đó là một luật chứng ta thấy được ghi tạc trong nhiều trang của Tin Mừng. Quanh Chúa Giêsu có bao nhiêu người đang tìm Chúa; nhưng thực tại lạ lùng nhất đó là từ lâu trước đó, Chúa quan tâm đến cuộc sống của chung ta, Ngài muốn nâng cuộc sống ấy trỗi dây và để làm như thế, ngài gọi đích danh chúng ta, nhân ra khuôn mặt bản thân của mỗi người. Mỗi ngừơi là một chuyện tình mà Thiên Chúa viết lên trên trái đất này.

”Maria!”: cuộc cách mạng cuộc sống, cuộc cách mạng nhắm biến đổi cuộc sống của mỗi người nam nữ bắt đầu bằng một tên vọng lên trong vườn mộ trống. Các sách Tin Mừng mô tả cho chúng ta hạnh phúc của Maria Madalena: sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là một niềm vui được ban nhỏ giọt, nhưng là một dòng thác bao trùm cả cuộc sống. Đời sống Kitô không được dệt bằng những hạnh phúc mong manh, nhưng bằng những làn sóng đảo lộn tất cả. Anh chị em cũng hãy thứ suy nghĩ trong lúc này, với những thất vọng và thất bại mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, rằng có một Thiên Chúa gần gũi chúng ta, gọi đích danh chúng ta và nói: ”Con hãy trỗi dậy, đừng khóc nữa, vì Cha đến để giải thoát con!”

Chúa Giêsu không phải là người thích ứng với trần thế, chấp nhận để cho sự chết, sầu muốn, oán ghét, tàn phá tinh thần con người kéo dài trong trần thế… Thiên Chúa chúng ta không bất động, nhưng mơ ước sự biến đổi thế giới, và Ngài đã thực hiện điều ấy trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Maria Madalena muốn ôm chào Chúa, nhưng từ nay Ngài đã hướng về Chúa Cha trên trời, trong khi bà được sai đi để loan báo cho các anh em. Và thế là người phụ nữ ấy, trước khi gặp Chúa, vốn đã bị ác thần nắm giữ (Xc Lc 8,2), nay bà trở thành tông đồ loan báo niềm hy vọng mới mẻ và cao cả nhất. Ước gì sự chuyển cầu của thanh nữ cũng giúp chúng ta sống kinh nghiệm này: trong giờ đau khổ và bị bỏ rơi, lắng nghe Chua Giêsu Phục Sinh Đấng gọi đích danh chúng ta, và với tâm hồn đầy vui mừng ra đi loan báo: ”Tôi đã thấy Chúa! (v.18)

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, các LM thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các sinh ngữ khác nhau cùng với những lời chào thăm và nhắn nhủ của ĐTC.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến Học viện Quốc phòng của khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, một nhóm sinh viên thuộc Đại học Công Giáo Louvain bên Bỉ..

Bằng tiếng Anh, ĐTC chào các tín hữu đến từ Anh quốc, Ai Len, Swaziland bên Phi châu, Hong Kong, Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước Á châu khác. Ngài nói: Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh, tôi cầu xin Chúa đổ tràn tình yêu thương xót của Thiên Chúa Cha trên tất cả anh chị em và gia đình.

Với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến các cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 2 của nước này, đến Italia nhân dịp kỷ niệm cuộc chiến tại Montecassino hồi cuối thế chiến thứ hai. Ngài nói: ”Tôi chào thăm tất cả các chiến binh hiện diện nơi đây, trong thời thế chiến thứ 2, anh em đã chiến đấu cho tự do của đất nước Ba Lan và các nước khác. Ước gì nỗ lực, sự dấn thân và sự hy sinh mạng sống của các bạn đồng đội, sinh hoa kết trái với hòa bình tại Âu Châu và toàn thế giới. Tôi chân thành ban phép lành cho tất cả anh chị em hiện diện ở đây và gia đình anh em.

Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm các thừa sai dòng thánh Montfort nhân dịp tổng tu nghị, các nữ tu dòng Thờ Lạy Mình Thánh Chúa liên tục, và nhắm nhủ họ hãy canh tân lòng gắn bó với đoàn sủng sáng lập của mình để thông truyền tình thương và lòng thương xót của Chúa trong bối cảnh xã hội ngày nay.

ĐTC chào thăm các LM giáo sư các đại chủng viện các các trường cao đẳng được tháp nhập vào Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo..

Khi chào các bạn trẻ, ĐTC nhắc đến lễ kính thánh Pasquale Bylon, Bổn mạng các Hội Thánh Thể. Ngài nói: ”Ước gì lòng kính mến của Thánh Nhân đối với Thánh Thể chỉ cho các con tầm quan trọng của Đức Tin nơi sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể”. ĐTC cũng cầu xin Mình Thánh Chúa nâng đỡ các anh chị em bệnh nhân, trong việc đương đầu với những thử thách trong thanh thản, và đồng thời cũng là lương thực cho các đôi tân hôn hiện diện tại buổi tiếp kiến, trong sự tăng trưởng về mặt nhân bản và tinh thần của đời sống gia đình mới.

G. Trần Đức Anh OP