GIÁO HỘI HÒA LAN PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH DẬY GIÁO LÝ CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI TRẺ

GIÁO HỘI HÒA LAN PHÁT ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH DẬY GIÁO LÝ CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI TRẺ

UTRECHT: Để đương đầu với số ơn gọi linh mục giảm sút, Giáo Hội Hòa Lan đã đưa ra một loạt các sáng kiến mục vụ mới, trong đó có việc soạn các sách giáo lý mới cho trẻ em và người trẻ.

Lộ trình đào tạo này gồm 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 3 năm, cho tới 19 tuổi. Trong mỗi giai đoạn đều có giáo lý toàn vẹn, tùy theo lứa tuổi của trẻ em liên quan tới: kinh Tin Kính, các Bí tích, Thánh Kinh, Mười Điều Răn và việc cầu nguyện, theo truyền thống giáo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Ông John Marx, đặc trách việc in ấn sách giáo lý ”Ánh sáng trên đường đi của chúng ta” cho biết cuốn sách giáo lý cuối cùng in năm 1967. Việc chuẩn bị cho trẻ em rước lễ lần đầu và lãnh Phép Thêm Sức đã do các trường học đảm trách, nên trong giáo xứ đã không có các lớp giáo lý. Nhưng hiện nay trong bối cảnh xã hội đã hoàn toàn thay đổi, các trường học không thể cống hiến các giờ học giáo lý nữa, vì càng ngày càng có các trẻ em theo đạo Hồi hay vô thần, không theo đạo nào hết. Do đó các giáo xứ phải đảm trách trở lại việc đào tạo kitô và dậy giáo lý cho trẻ em và người trẻ. Phương pháp mới gồm lộ trình bổ túc cho lỗ hổng đào tạo đã có trước và sau khi rước lễ lần đầu và nhận phép Thêm sức (SD 4-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chúa đi trên biển

Chúa đi trên biển

Đứng bên cạnh con đang chuẩn bị qua cơn giải phẫu nguy hiểm, người cha không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu với những phương tiện tối tân, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con.

Nghe xong lời cha khuyên, người con trả lời cho cha:

Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp con chịu đựng, hy sinh âm thầm trong tâm trí.

Người cha cảm phục lòng tin của con, vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin Chúa như con mình.

Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra cho anh chị em xung quanh, cũng như và nhất là cho chính chúng ta. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Chúa.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật 19 mùa thường niên năm A, trích từ Phúc Âm Thánh Mátthêu hôm nay trình bày cho chúng ta một toàn cảnh thật ý nghĩa. Ở đây chúng ta thấy hai khía cạnh: trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, xem ra như Ngài xa cách không còn quan tâm gì đến những nguy hiểm mà các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn trên mặt biển hồ Galilêa. Mặt hồ của toàn cảnh là cảnh tượng các Tông Đồ đang trên thuyền và phải tận lực chiến đấu với những nguy hiểm. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Hai khía cạnh này xem ra như không có gì liên hệ với nhau; Thiên Chúa xem ra như hoàn toàn xa lạ, vắng mặt khỏi hoàn cảnh sống của con người, xa lạ, lạnh lùng với những thử thách của con người đang gặp phải.

Là môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài cũng có thể bị cám dỗ có những suy nghĩ như vậy. Chúa ở đâu mà tôi không nhìn thấy Ngài đâu cả? Nhưng thật sự không phải như vậy. Thiên Chúa không vắng mặt, không rời xa con người. Các Tông Đồ đang gặp sóng to gió lớn là vì tuân lệnh Chúa Giêsu mà chèo thuyền vượt biển cực khổ giữa ban đêm để qua bên kia bờ. Ban đêm thường có sóng to gió lớn, các Tông Đồ biết như thế, vì là những ngư phủ trong vùng.

Thông thường các ngài có thể lý luận với Chúa để ở lại với Chúa chờ qua ngày hôm sau đi lại ít nguy hiểm hơn, và cũng để được nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc vì bận rộn lo cho hơn năm ngàn người ăn uống khi nghe Chúa giảng dạy. Thế nhưng lý do gì mà Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ lên thuyền chèo qua bên kia bờ biển hồ và giữa đêm khuya như vậy?

Các Tông Đồ gặp thử thách nguy hiểm kia là vì tuân lệnh Chúa, và chúng ta thấy Chúa không để cho những người vâng phục Chúa bị thiệt hại. Phải, bị thử thách và chịu thử thách nhưng không bị đè bẹp, Chúa để cho các Tông Đồ phải chiến đấu với thử thách trong một thời gian mãi đến ba giờ sáng rồi Chúa mới đến với các ngài. Sau biến cố, sau kinh nghiệm và có thể nói được là hai kinh nghiệm, tập thể các Tông Đồ đi trên thuyền và Phêrô muốn đi trên mặt nước đang nổi sóng. Sau kinh nghiệm đó, Chúa Giêsu rút ra bài học cho các ông: "Tại sao các con kém tin thế?", tại sao không tin rằng Chúa hằng hiện diện bên cạnh, Ngài không xa vắng, Ngài không ngủ quên hay bỏ mặc những kẻ Ngài đã chọn.

Đó là bài học cho các Tông Đồ sau này khi lãnh nhận sứ mạng chính thức sau khi Chúa phục sinh: "Thầy đã được mọi quyền năng trên trời dưới đất, chúng con hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân". Đây không phải là lời hứa suông, mà là một bảo đảm mạnh hơn mọi thứ bảo đảm do con người đặt ra trong xã hội hôm nay. Những bảo hiểm của con người sẽ vô ích nếu như không có sự bảo đảm của Thiên Chúa, dù con người không chấp nhận hay không biết đến sự bảo đảm này, hơn ai hết, sau khi đã trải qua kinh nghiệm trên biển hồ nổi sóng, các Tông Đồ sẽ xác tín hơn sau này cho sứ mạng làm chứng cho Chúa: "Không gì có thể tách rời tôi ra khỏi tình yêu Chúa".

Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa. Chúng ta hãy nhìn lại xem mình đã có kinh nghiệm sống như bài học của Phúc Âm hôm nay Chúa đã dạy các Tông Đồ chưa? Cùng với các ngài vâng lệnh Chúa vào thuyền, và sau cơn giông tố chúng ta tuyên xưng: "Thầy là Con Thiên Chúa", Chúa sống với chúng ta thì chúng ta còn lo sợ chi nữa.

Veritas Radio

Con đường của Chúa

Con đường của Chúa

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.

Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?

2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?

3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Dìu nhau tiến bước

Dìu nhau tiến bước

Khi đối diện với đau khổ chúng ta thường hỏi: Chúa ở đâu? Và khi đứng trước những nghi nan chúng ta thường đặt điều kiện: "Nếu có Thiên Chúa xin hãy cứu con?". Thế nhưng, đau khổ vẫn cứ tiếp diễn trên thế gian. Mỗi ngày trôi qua chúng ta phải chứng kiến biết bao cái chết đau thương, biết bao những bất hạnh rủi ro đến với con người chúng ta. Nhìn vào cuộc đời khiến nhiều người bi quan bảo rằng: "Đời là bể khổ", hay ''Cây xanh thiếu lá nó xanh xanh – Biết mình thế này thà đừng sinh ra". Quả thực, nếu sinh ra trong cuộc đời để rồi chịu cực, chịu khổ, chịu nhiều đắng cay đoạ đầy là một bất hạnh cho kiếp người chúng ta. Nhưng thực ra, trong cuộc sống vẫn có những niềm vui. Niềm vui của tình liên đới, của sự chia sẻ, của lòng bác ái, của tinh thần hy sinh dấn thân phục vụ vì lý tưởng và vì đồng loại…

Trong giáo xứ Bình Lâm có một em bé 6 tuổi tên là K' Thủ Lĩnh. Em vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ đi. Điều tệ hại là chính người vứt em đi đã bẻ gãy đôi chân của em thành tàn phế rồi mới bỏ em bên vệ đường. Em đã được một gia đình người dân tộc Châu Mạ đón về nuôi. Mỗi ngày em đi học phải có người bồng ẵm đi, nếu đi một mình phải đi bằng khuỷ chân thật tội nghiệp! Thấy cảnh thương tâm, giáo xứ đã quyết định đưa em đi bệnh viện để chữa trị đôi chân. Tại trung tâm chấn thương chỉnh hình ơn Chúa đã đến với em và giáo xứ. Vì đã có nhà tài trợ sẵn lòng trả toàn bộ chi phí cho ca mổ và suốt thời gian điều trị cho em. Đây là một món quà quá bất ngờ đối với gia đình mẹ nuôi của em và với giáo xứ. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì trên thế gian này vẫn còn đó những tấm lòng quảng đại được trao ban một cách quảng đại và vô vị lợi.

Thực vậy, nếu không có tấm lòng nhân ái được trao ban thì những bất hạnh rủi ro đến với nhân loại sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nếu có nhiều tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ cho nhau, thì những đau thương mất mát sẽ sớm được hàn gắn và chữa lành. Vì có ai đó đã nói rằng:

"Có một đường đi, đi chung Đường sẽ vui hơn,

Có một quặn đau, đau cùng sẽ sớm nguôi ngoai".

Trở lại với bài phúc âm của Chúa nhật 18 thường niên, thánh Matthêu đã nhấn mạnh với chúng ta một điều: nếu không có lòng nhân ái của em bé dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và hai con cái, có lẽ đã không có phép lạ hoá bánh ra nhiều để chia sẻ với hơn 5 ngàn người đang đói vào buổi chiều hôm đó. Bài phúc âm hôm nay, Chúa còn khẳng định với chúng ta: sự dữ luôn có mặt ở quanh ta. Cuộc đời không thiếu những sóng gió nghi nan. Nhưng, Chúa có thể làm những điều tốt hơn từ trong những bất hạnh này. Em K' Thủ Lĩnh từ trong bất hạnh nhưng hôm nay em đã học được bài học về nhân ái khi đôi chân của em đang được chữa trị. Và Chúa Giêsu Ngài đã làm phép lạ từ lòng tốt của người dâng cho Chúa bánh và cá. Phải chăng, Chúa muốn dạy chúng ta bài học, khi đứng trước khổ đau của anh em mình, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta đang ở đâu khi khổ đau ập xuống anh em? Chúng ta đã làm gì cho anh em mình khi chứng kiến những cảnh tang thương và bất hạnh của anh em? Sự dữ vẫn đang hoành hành. Quyền lực của ác thần vẫn làm cho con người sợ hãi, đôi khi đánh mất niềm tin. Nhưng Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta: Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian. Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cũng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy đưa tay cho Ngài dìu chúng ta bước qua những khó khăn của dòng đời. Thánh Phê-rô đã có thể đi trên mặt nước, đi qua hiểm nguy khi ông nhận ra Chúa đang đến với ông. Cuộc đời chúng ta cũng chỉ bình an trước gian nan khi chúng ta tin tưởng rằng: Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.

Và hôm nay với biết bao khổ đau của tha nhân, Chúa cũng muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại. Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ dau, những lắng lo trong cuộc sống.

Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng chúng ta có khả năng trao vào tay Chúa một chút lương thực ít ỏi, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng.

Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta có thể không khiến cho sóng gió ba đào im lặng, nhưng chúng ta có thể góp phần đầy lùi sự dữ và xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để chúng ta trở nên khí cụ mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Xin cứu tôi

Xin cứu tôi

Bài học của Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng là bài học đức tin cho tất cả mọi người Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.

Một nam tu sĩ trong tu hội của Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với mẹ về luật lệ của một vị bề trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là làm việc cho những người cùi, nhưng ơn gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.

Khi nào chúng ta không nhìn thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống.

Cha Mark Link đã dùng câu chuyện sau đây để minh họa cho điều này. Một con tàu đang gối sóng trên đại dương. Những cơn gió mạnh thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có thể bị rách bươm. Một chàng thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo lên cột những cánh buồm lại. Anh chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh bắt đầu trèo, và dường như muốn tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng người lại, không thể leo lên hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”. Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)

Khi vượt biên đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người đến bằng đường biển đã được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn. Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan. Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt đại dương bao la. Vào một đêm giông bão, trời tối đen như mực, ghé tai vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài. Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn nhắm mắt, bịt tai và cầu xin Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống như Phêrô. Ở trên một chiếc thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô bước đi trên nước. Một kinh nghiệm vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm tin lại suy yếu dần. Tôi đã nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã đến với họ. Khi có gió ngược và cuộc đời trở nên trắc trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp đỡ. Ngay khi chúng ta cần đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải cứu chúng ta.

 

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ GIÚP CHẤM DỨT THẢM CẢNH BÁCH HẠI CÁC KITÔ HỮU TẠI IRAK

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ GIÚP CHẤM DỨT THẢM CẢNH BÁCH HẠI CÁC KITÔ HỮU TẠI IRAQ

VATICAN: Trong thông cáo công bố ngày mùng 7-8-2014 cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô rất lo âu theo dõi tình hình thê thẩm của các nhóm thiểu số, đặc biệt là các kitô hữu tại Irak: một dân tộc phải chạy trốn các làng mạc của mình vì bạo lực lan tràn trong vùng.

Cha Lombardi đã lập lại các lời Đức Thánh Cha đau đớn nói lên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 20-7-2014: ”Các anh chị em của chúng ta bị bách hại, bị đuổi đi, họ phải bỏ nhà cửa mà không thể mang theo được gì. Tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện liên lỉ của tôi cho các gia đình và các người này. Các anh chị em bị bách hại rất thân mến, tôi biết anh chị em đau khổ chừng nào, tôi biết rằng anh chị em đã bị tước đoạt mọi sự. Tôi ở với anh chị em trong niềm tin nơi Đấng đã chiến thắng sự dữ!”

Dưới ánh sáng của các biến cố gây lo âu này Đức Thánh Cha tái lập lại sự gần gũi của ngài với những ai đang phải trải qua thử thách đớn đau này. Ngài hiệp ý với các lời kêu gọi khẩn thiết của các Giám Mục địa phương, cùng với các vị và cho các cộng đoàn đang gặp khốn khó, xin toàn thể Giáo Hội liên lỉ dâng lời cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần ơn hòa bình.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hoạt động giúp chấm dứt thảm cảnh đang xảy ra này, và có các biện pháp che chở những người bị liên lụy hay bị đe đọa bởi bạo lực, và bảo đảm cho họ có được các trợ giúp cần thiết, nhất là trợ giúp cấp thời cho biết bao nhiêu người tỵ nạn; số phận của họ tùy thuộc tình liên đới của người khác.

Ngài kêu gọi lương tâm mọi người và lập lại với mọi tín hữu: Xin Thiên Chúa của hòa bình dấy lên nơi tất cả một ước muốn đối thoại và hòa giải đích thực. Bạo lực không thể thắng với bạo lực. Bạo lực được thắng với hòa bình! Chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện xin hòa bình. Tất cả trong thinh lặng. Xin Đức Maria Nữ Vương hòa bình cầu cho chúng con”.

Mặt khác trong thông cáo công bố ngày mùng 8-8-2014 Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã cám ơn Đức Thánh Cha về sự gần gũi và lo lắng cho hơn 100.000 tín kitô hữu trong đêm đã phải bỏ nhà cửa, các nhà thờ và làng mạc trong thung lũng Ninive bên Irak, và giờ đây đang lang thang tiến về thành phố Erbil, trong các điều kiện không thể tưởng tượng nổi để tìm kiếm chỗ ẩn náu và sống còn ngày càng không chắc chắn hơn. Đức Hồng Y bầy tỏ tình liên đới với các dân tộc này và cầu nguyện cho họ là nạn nhân của các đối xử mọi rợ hoàn toàn trái nghịch với phẩm giá con người. Các hành động bạo lưc ấy là các cử chỉ chống lại Thiên Chúa và mọi ý thức nhân bản. Ngài kêu gọi các chính quyền và các tổ chức quốc tế đừng chậm trễ gửi các phẩm vật cứu trợ cần thiết cho dân chúng trong hoàn cảnh trầm trọng này, đồng thời hoạt động trên mọi bình diện để chấm dứt, đặc biệt tại Irak và Siria, cuộc xuất hành bất công của các kitô hữu khỏi các vùng đất nơi họ đã sinh sống từ hai ngàn năm nay. Bộ các Giáo Hội Đông Phương liên tục tiếp xúc với Đức Thượng Phụ Canđê Louis Sako, Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Baghdad, và các Giám Mục địa phương, và khích lệ các giới hữu trach và tất cả những ai nhậy cảm đối với số phận của các tín hữu kitô Đông Phương cấp thiết làm tất cả những gì có thể hầu thoa dịu các khổ đau của các nạn nhân đang thiếu nước uống và thực phẩm cũng như mọi vật dụng cần thiết, đặc biệt là các trẻ em, người già, người bệnh đang ở trong tình trạng khốn khó không thể chịu đựng nổi. Rất tiếc là người ta lo sợ sẽ xảy ra một kết cục thảm hại, nếu không tìm cách chấm dứt cảnh bất an toàn diện, được dưỡng nuôi bởi sự thờ ơ đã nhiều lần bị tố cáo này (SD 7.8-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatrican Radio

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Vũ khí nguyên tử, bệnh ghẻ ngứa khó chữa

Cách đây 69 năm, ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945 chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ném trái bom nguyên tử đầu tiên trên thành phố Hiroshima. Và ngày mùng 9 tháng 8 quả bom nguyên tử thứ hai rơi trên thành phố Nagasaki. Hai trái bom nguyên tử đầu tiên ấy đã khiến cho 400.000 người chết ngay lập tức, hàng trăm ngàn người khác chết vì bị nhiễm phóng xạ và bị bệnh ung thư trong các tháng năm sau đó, kéo dài cho tới ngày nay. Hai thành phố lớn của Nhật Bản bị tàn phá bình địa.

Thế là kỷ nguyên vũ khí hạt nhân bắt đầu, khiến cho các cường quốc bị cuốn hút vào vòng xoáy thi đua nhau chế tạo và tàng trữ vũ khí nguyên tử như Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc, tức 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có bốn nước khác không gia nhập Thỏa Hiệp cấm vũ khí hạt nhân làn tràn là Ấn Độ, Pakistan. Bắc Hàn và Israel. Cảnh thi đua vũ trang đã kéo dài từ 70 năm qua và vẫn còn tiếp tục, khi mạnh khi yếu. Không ai biết được mỗi cường quốc có bao nhiệu bom, hỏa tiễn và đầu đạn nguyên tử, vì đây là bí mật quốc phòng.

Tuy nhiện, theo các phân tích và ước đoán của các chuyên viên nguyên tử, dựa trên các lời tuyên bố và các thông tin rỏ rỉ ra ngoài người ta được biết vào năm 1949 Liên xô có 8.500 đầu đạn nguyên tử; Hoa Kỳ có 7.700 vào năm 1945; Anh quốc có 225 vào năm 1952; Pháp có khoảng 300 vào năm 1960; Trung Quốc có 240 vào năm 1964. Trong khi Ấn Độ có từ 80-100 đầu đạn hạt nhân trong năm 1974. Pakistan có từ 90-110 văo năm 1998; Bắc Hàn khoảng 10 trong năm 2006. Israel có khoảng 80 và đã không thực hiện cuộc thử nghiệm chính thức nào như các nước khác.

Các cuộc thương thuyết nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân đã khiến cho số 65.000 đầu đạn nguyên tử hoạt động giảm xuống còn 17.300 trong năm 2012, trong đó có 4.300 vũ khí ”hoạt động”, số còn lại là vũ khí ”dự trữ”. Nhưng thật khó mà xác định sự khác biệt giữa vũ khí hoạt động và vũ khí dự trữ. Vì số đầu đạn nguyên tử dự trữ đó có thể được khởi động trong vòng vài ngày hay vài tuần. Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh giữa khai khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO và khối Varsava tức Liên Xô và các nước Đông Âu, đã có hàng ngàn hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân được Liên Xô đặt bên Ucraina hướng về mọi thủ đô và thành phố lớn của các nước Tây Âu. Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, Ucraina đã trả các vũ khí này lại cho Nga.

Dầu sao đi nữa nguy cơ của một cuộc chiến nguyên tử vẫn luôn đe dọa nhân loại. Xem ra tình hình cũng không tiến triển nhiều lắm, mặc dù trong các thập niên qua Tòa Thánh, các Hội Đồng Giám Mục và nhiều tổ chức kitô trên toàn thế giới đã không ngừng yêu cầu các cường quốc nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong các lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử vào đầu tháng 8 hằng năm.

Điển hình như thông cáo của tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ phổ biến ngày mùng 6-8-2014 tại Bruxelles, nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945. Qua đó tổ chức Pax Christi kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân và khẳng định rằng ”việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được.” Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi ”các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để vũ khí nguyên tử lan tràn, và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: ”Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Đồng ý với các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng ”việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.

Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc tiếp tục duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân của mình, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân bị trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không để cho vũ khí hạt nhân lan tràn.

Thật ra, cám dỗ chế tạo, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân giống như bệnh ghẻ ngứa khó chữa, càng gãi càng thích cho tới khi bật máu mới thôi. Nhưng với ”bệnh ghẻ nguyên tử”, khi hàng ngàn vũ khí nguyên tử nổ trên thế giới này, thì nhân loại cũng sẽ không kịp có giờ để mà ”thưởng thức cái khoái tàn hại của chúng”.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

CÁC GIÁM MỤC VÙNG NAM PHI DUYỆT XÉT CÁC THÀNH QUẢ 20 NĂM SAU KHI CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ KỲ THỊ CHỦNG TỘC

CÁC GIÁM MỤC VÙNG NAM PHI DUYỆT XÉT CÁC THÀNH QUẢ 20 NĂM SAU KHI CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ KỲ THỊ CHỦNG TỘC

MARIANHILL: Trong các ngày 5-12 tháng 8 năm 2014 các Giám Mục miền Nam Phi đang nhóm đại hội tại Marianhill để duyệt xét các thành qủa của 20 năm sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc cáo chung tại Nam Phi.

Tham dự đại hội có các Giám Mục của ba nước Nam Phi, Botswana và Swaziland. Trong số các đề tài được thảo luận có: các tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước 20 năm sau khi chế độ dân chủ được thực thi tại Nam Phi; việc tái tổ chức Hội Đồng Giám Mục các nước vùng Nam Phi cho việc loan báo Tin Mừng và cử hành Năm đời thánh hiến, sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới đây. Các Giám Mục cũng thảo luận về các thách đố và sứ mệnh của Giáo Hội trong xã hội Nam Phi hiện nay, dưới ánh sáng của thư mục vụ ”Hai mươi năm dân chủ. Dân Thiên Chúa và mọi người thiện chí” công bố hồi tháng 2 năm nay.

Trong thư các Giám Mục đã duyệt xét các thành qủa của hai thập niên dân chủ, kể từ khi chế độ kỳ thị chủng tộc cáo chung, cũng như các vấn đề chưa được giải quyết như nạn bạo lực, các bất công xã hội, và chủ trương kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại. Ngày 6-8-2014 cha Stuart Bate đã thuyết trình về đề tài ”Đức tin và sự tục hóa trong các nước đang trên đường phát triển”. Các Giám Mục cũng sẽ thảo luận về việc thành lập Ủy ban truyền giáo, Ủy ban giáo dân, Ủy ban Phó tế, và việc cử hành Năm đời thánh hiến do Đức Thánh Cha Phanxicô công bố nhân kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II.

Khách mời danh dự của đại hội là Đức Hồng Y Raymond Leo Burk, Chủ tịch Tối cao pháp viện Tòa Thánh. Đức Hồng Y đã minh giải vài vấn đề giáo luật liên quan tới việc tiêu hôn (SD 6-8-2014).



Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

SỬ DỤNG VÀ SỞ HỮU CÁC VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ LÀ VÔ LUÂN

SỬ DỤNG VÀ SỞ HỮU CÁC VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ LÀ VÔ LUÂN

BRUXELLES: Trong một thông cáo phổ biến ngày mùng 6-8-2014 tổ chức Pax Christi Hòa Bình Chúa Kitô kêu gọi bài trừ vũ khí hạt nhân, và khẳng định rằng ”việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân và không thể biện minh được.”

Nhân tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ tại Hiroshima ngày mùng 6 tháng 8 năm 1945, tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô Bỉ kêu gọi ”các giới chức chính trị, ngoại giao và thành viên các xã hội dân sự, hoạt động làm sao để mọi quốc gia tôn trọng thỏa hiệp không để cho vũ khí nguyên tử làn tràn và dấn thân giải trừ vũ khí hạt nhân. Thông cáo viết: ”Các vũ khí hóa học và sinh học đã bị lên án và bài trừ. Cả các vũ khí nguyên tử cũng phải được loại bỏ như vậy. Chúng tôi kêu gọi tạo dựng một thế giới không có tai nạn nguyên tử, không phải do sợ hãi, mặc dù các hậu qủa kinh khủng của các vũ khí này, nhưng dựa trên niềm hy vọng được linh hoạt bởi sự thật ghi sâu trong trái tim con người: đó là chúng ta tất cả là một gia đình nhân loai duy nhất, một dân tộc được mời gọi là một cộng đoàn. Đồng ý với các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô minh nhiên rằng ”việc giải trừ vũ khí nguyên tử là bước đầu tiên để loại trừ các chướng ngại ngăn cản nhân loại tiến tới công bằng và tình liên đới toàn cầu.

Trong thông cáo tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô cũng tố cáo vài cường quốc vẫn duy trì và liên tục canh tân kho vũ khí hạt nhân, theo đuổi một đường lối chính trị lỗi thời, khiến cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trì trệ, và không có đủ can đảm thực thi Thỏa hiệp không gia tăng vũ khí hạt nhân.

Các vũ khí hạt nhân không thích hợp với hòa bình và với sự sống còn về lâu về dài của nền văn minh nhân loại. Sau cùng thông cáo của tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô bầy tỏ đau buồn sâu xa về sự tàn phá và các khổ đau, mà hai trái bom nguyên tử đã gây ra cho người dân hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô quyết tái dấn thân hoạt động cho một thế giới không bị đe dọa bởi việc dùng các kho vũ khí nguyên tử có sức tàn phá mênh mông, và kêu gọi mọi người thiện chí gia tăng nỗ lực giáo dục loại trừ các vũ khí vô luân đó (SD 6-8-2014)

Linh Tiến Khải

ĐỨC HỒNG Y FERNANDO FILONI KÊU GỌI TRỢ GIÚP CÁC KITÔ HỮU IRAQ

ĐỨC HỒNG Y FERNANDO FILONI KÊU GỌI TRỢ GIÚP CÁC KITÔ HỮU IRAQ

BAGDAD: Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, báo động rằng hàng ngàn kitô hữu sống trong các làng thuộc thung lũng Ninive đã bị đuổi ra khỏi nhà đêm mùng 6-8-2014. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp thời trợ giúp họ.

Đức Hồng Y cho biết đang đêm các binh sĩ của Quốc gia Hồi đã đột nhập thung lũng Ninive và đuổi các anh chị em Kitô ra khỏi các làng họ đang trú ẩn. Mọi người ra đi với hai bàn tay trắng, có người còn không kịp mang dép, và các binh sĩ hồi đã hướng họ về vùng Kurdistan. Tình hình của các tín hữu kitô bị đuổi thật thê thảm, vì giới chức thành phố Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan, không muốn đón tiếp họ. Lý do vì trong thành phố đã có quá đông người tỵ nạn rồi, nên không biết phải kiếm đâu ra chỗ cho hàng ngàn người mới tới.

Đức Hồng Y Filoni cho biết các tin tức nói trên đã do các nữ tu Canđê dòng ”Nữ tử Đức Maria Vô Nhiễm” cung cấp. Đức Hồng Y Filoni đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Irak nói: Chúng ta đang đứng trước một tình trạng nhân đạo trầm trọng. Các anh chị em kitô này đang đứng trước biên giới đóng kín và không biết phải đi đâu. Đã có 3-4 trẻ em chết. Cần phải can thiệp ngay để cứu họ (FIDES 7-8-2914).

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI VỀ MỤC VỤ GIA ĐÌNH TẠI PANAMA

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA GỬI ĐẠI HỘI VỀ MỤC VỤ GIA ĐÌNH TẠI PANAMA

PANAMA: Trong sứ điệp gửi dại hội lần thứ I về mục vụ gia đình nhóm tại Panama trong các ngày 4-9 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ bảo vệ gia đình như tổ ấm tình yêu, trung tâm của nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng, rộng mở cho tình liên đới và sự siêu việt.

Đại hội nói trên do Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, gọi tắt là CELAM, tổ chức và bảo trợ có đề tài là ”Gia đình và phát triển xã hội cho sự sống tràn đầy và sự hiệp thông truyền giáo”. Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: ”Ngoài các vấn đề và các nhu cầu cấp thiết của nó, gia đình là một trung tâm tình yêu, nơi ngự trị luật của sự tôn trọng và hiệp thông, có khả năng kháng cự lại các tấn kích lèo lái của các ”trung tâm quyền lực” thống trị trần gian. Trong tổ ấm gia đình con người được tháp nhập một cách tự nhiên và hài hòa vào một nhóm người, thắng vượt sự chống đối giả dối giữa cá nhân và xã hội. Trong lòng gia đình người già cũng như trẻ em được tiếp đón, không ai bị gạt bỏ. Gia đình là một kho tàng xã hội to lớn được xây dựng trên sự ổn định và phong phú.

Chính trong gia đình mà người ta học sống các tương quan dựa trên tình yêu trung thành cho tới chết như hôn nhân, chức làm cha mẹ, làm con hay tình huynh đệ. Các tương quan này cống hiến cho con người sự an ninh và rộng mở cho tha nhân. Khi chúng bị gãy vụn trong trái tim, con người sẽ không thể cảm thấy mình thuộc một dân tộc, gần gũi, chú ý tới những người ở xa và kém may mắn nhất.

Ngoài ra, tình yêu gia đình cũng phong phú, không phải chỉ vì nó sinh ra các sự sống mới, mà cũng bởi vì nó nới rộng chân trời cuộc sống, làm nảy sinh ra một thế giới mới, khiến cho chúng ta tin rằng một sự sống chung dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng là điều có thể. Trước quan niệm duy vật của thế giới, gia đình không giản lược con người vào chủ trương duy lợi ích, nhưng mở lối cho các ước mong sâu thẳm nhất của nó. Chính nhờ tình yêu gia đình mà con người lớn lên trong sự rộng mở cho Thiên Chúa là Cha. Vì thế tài liệu Aparecida nhấn mạnh rằng không chỉ được coi gia đình như là đối tượng của việc truyền giáo, nhưng cũng là tác nhân truyền giáo nữa. Gia đình phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa trong mầu nhiệm sâu thẳm nhất là một gia đình, và như thế cho phép nhìn tình yêu nhân loại như là dấu chỉ và sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa.

Nhiều dân tộc vẫn còn duy trì được thói quen xin cha mẹ chúc lành. Nó gói ghém xác tín kinh thánh cho răng phép lành của Thiên Chúa thông truyền từ người cha sang người con… Chúng ta hãy vun trồng các tương quan lành mạnh giữa các thành phần trong gia đình, biết nói lên với nhau các lời ”xin lỗi, ”cám ơn”… và hướng lên gọi Thiên Chúa là Cha.

Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ Guadalupe cầu bầu cho các gia đình toàn châu Mỹ Latinh được nhiều phúc lành, làm cho các gia đình trở thành hạt giống của sự sống, hòa thuận và đức tin vững mạnh, được dưỡng nuôi bằng Tin Mừng và các việc lành phúc đức (SD 6-8-2014).


Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC HỒNG Y GIOVANNI BATTISTA RE CỬ HÀNH THÁNH LỄ GIỖ ĐỨC PHAOLÔ VI

ĐỨC HỒNG Y GIOVANNI BATTISTA RE CỬ HÀNH THÁNH LỄ GIỖ ĐỨC PHAOLÔ VI

VATICAN: Chiều ngày mùng 6-8-2014 Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã chủ sự thánh lễ giỗ lần thứ 36 Đấng đáng kính vị tôi tớ Chúa Đức Phaolô VI trong đền thờ Thánh Phêrô.

Giảng trong thánh lễ Đức Hồng Y Re đã ca ngợi Đức Phaolô VI như là vị Giáo Hoàng đã tiếp tục hướng dẫn và kết thúc Công Đồng Chung Vatican II do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khai mở. Đức Phaolô VI cũng là người yêu mến thế giới tân tiến, khâm phục sự phong phú văn hóa và khoa học, và rộng mở trái tin com người cho Chúa Kitô Đấng Cứu Độ nhân loại. Nỗi lo lắng chính của ngài đã là phục vụ con người ngày nay, trợ giúp con đường dương thế của nó, và chỉ cho nó thấy đích điểm vĩnh cửu. Sự nhậy cảm đối với các chờ mong và âu lo của con người thời đại khiến cho Đức Phaolô VI rộng mở cho đối thoại và gặp gỡ với tất cả mọi người, để thiết lập sự sống chung trong tinh thần tôn trọng công lý, tình huynh đệ và lòng yêu thương, cũng như giúp người lầm lạc hồi tâm.

Đức Hồng Y Re cũng nêu bật sự kiện Đức Phaolô VI là một Giáo Hoàng lớn, vì biết có các lựa chọn can đảm, nhưng cũng là một người có tinh thần tu đức sâu xa, một con người của đời cầu nguyện và suy niệm với một tình yêu vô biên đối với Chúa Kitô, Đức Mẹ và Giáo Hội. Trong một thế giới nghèo nàn tình yêu thương, đầy các vấn đề và bạo lực đủ loại, ngài đã hoạt động để thiết lập một nền văn minh được linh hứng bởi tình yêu, trong đó tình liên đới và cộng tác có thể đến với những nơi, mà công bắng xã hội đã không đến được. Chính trong chân trời của nền văn minh tình thương ngài đã bênh vực dân nghèo, tố cáo các tình trạng bất công và các bất bình đẳng xã hội, và gần gũi với giới công nhân.

Đức Phaolo VI cũng và vị Giáo Hoàng đầu tiên đi công du bằng máy bay, và viếng thăm Thánh Địa, chỉ 6 tháng sau khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ. Qua đó, ngài muốn nói rắng Giáo Hội chỉ đích thật và chu toàn sứ mệnh của mình, khi bước theo Chúa Kitô. Ngài cũng đã bỏ chiếc mũ ba tầng các Giáo Hoàng thường đội, bán đi lấy tiền giúp người nghèo. Đức Phaolô VI cũng đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm và đọc diễn văn trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Ngài cũng đã hủy bỏ giáo triều và muốn rằng các cơ quan trung ương Tòa thánh có cung cách đơn sơ, mục vụ và quốc tế hơn (SD 6-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

“Tám Mối Phúc Thật”, luật mới của giao ước do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người

“Tám Mối Phúc Thật”, luật mới của giao ước do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người

”Tám Mối Phúc Thật” là luật mới của giao ước mới do Chúa Kitô thiết lập với ơn sự sống của Người. Nó là chân dung của Chúa Giêsu, là hình thức sống của Người và là con đường của hạnh phúc đích thật, mà chúng ta cũng có thể bước đi với ơn thánh Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến 9,000 tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô VI, sáng thứ tư 6-8-2014. Tín hữu đã rất vui vì nhiều người đứng hai bên lối đi chính giữa được bắt tay Đức Thánh Cha, khi ngài đi từ cuối đại thính đường lên.

Trong bài huấn du Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý: ”Giáo Hội Dân mới được xây dựng trên giao ước mới do Chúa Giêsu thiết lập với ơn sự sống của Người”. Sự mới mẻ này không khước từ con đường trước đó, cũng không chống lại nó, trái lại, làm cho nó tiến tới và đưa nó tới chỗ thành toàn.

Có một gương mặt rất ý nghĩa nối liền Cựu Ước với Tân Ước đó là gương mặt của thánh Gioan Tẩy Giả. Đối với các Phúc Âm Nhất Lãm người là ”đấng tiền hô”, dọn đường cho Chúa đến, bằng cách chuẩn bị cho dân hoán cải con tim và tiếp nhận sự ủi an của Thiên Chúa gần tới. Đối với Phúc Âm của thánh Gioan, người là ”chứng nhân”, trong nghĩa người làm cho chúng ta nhận biết nơi Đức Giêsu Đấng từ trên cao mà tới, để tha thứ tội lỗi chúng ta, và để làm cho dân Chúa trở thành hiền thê của Ngài, hoa trái đầu mùa của nhân loại mới. Như là ”vị tiền hô” và ”chứng nhân” Gioan Tẩy Giả có một vai trò trung tâm trong toàn Thánh Kinh, trong nghĩa người là cầu nối giữa các lời hứa của Cựu ước và sự thành toàn của chúng, giữa các lời tiên tri và việc thực hiện chúng nơi Đức Giêsu Kitô.

Với chứng tá của người, Gioan chỉ Chúa Giêsu cho chúng ta, mời gọi chúng ta theo Người, và nói với chúng ta rõ ràng là điều này đòi hỏi sự khiêm tốn, ăn năn và hoán cải.

Như ông Môshê đã ký kết giao ước với Thiên Chúa trong sức mạnh của luật lệ nhận được trên núi Sinai, Đức Giêsu Kitô từ một ngọn đồi bên bờ hồ Galilea, đã ban cho các môn đệ và dân chúng một giáo huấn mới bắt đầu với các Phúc Thật. Ông Môshê ban lề luật trên núi Sinai và Đức Giêsu, Môshê mới, ban Lề Luật trên núi, bên bờ hồ Galilea. Các Mối Phúc Thật là con đường Thiên Chủa chỉ cho như là câu trả lời cho ước mong hạnh phúc, ở trong con người, và chúng kiện toàn các điều răn của Cựu ước. Chúng ta có thói quen học Mười Điều Răn. Chắc chắn là tất cả chúng ta đều biết rồi. Anh chị em đã học trong giáo lý, nhưng không quen lập lại các Mói Phúc Thật trong tim. Hãy làm như thế này: Tôi đọc trước từng Phúc Thật một và anh chị em lập lại nhé! Có đồng ý không? Mọi người thưa: ”Đồng ý”.

Đức Thánh Cha đã chậm rãi đọc các Mối Phúc Thật và mọi người đã lập lại: ”Phúc cho những người có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ”. Mọi người lập lại: ”Phúc cho những người có tinh thần khó nghèo, vì nước Trời là của họ”. Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những người hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì sẽ được no đầy. Phúc cho những người biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những người có con tim trong sạch, vì họ sẽ đươc trông thấy Thiên Chúa. Phúc cho những người xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người bị bách hai vì công lý, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bắt bớ các con và nói mọi điều xấu xa chống lại các con vì Thầy. Câu này dài nên Đức Thánh Cha nói tôi giúp anh chị em lập lại. Các con hãy vui mừng vì phần thưởng của các con trên trời thật lớn lao!

Anh chị em giỏi lắm. Nhưng chúng ta hãy làm một điều: tôi cho anh chị em một bài tập về làm ở nhà đây. Anh chị em hãy lấy sách Tin Mừng mà anh chị em đem theo trong mình nhé. Hãy luôn nhớ đem theo một cuốn Phúc Âm nhỏ với anh chị em, trong túi, trong xách tay, luôn luôn! Lấy sách Tin Mừng mà anh chị em có ở nhà và đọc trong các chương đầu, tôi tin là ở chương 5 có Các Mồi Phúc Thật. Hôm nay và ngày mai hãy đọc các Mối Phúc Thật nhé. Anh chị em có làm không? Cả đại thính đường thưa: ”có ạ”. Đọc để khỏi quên chúng, bởi vì đó là Luật Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Anh chị em nhớ làm nhé! Xin cám ơn anh chị em.

Trong các lời này có tất cả sự mới mẻ do Chúa Kitô đem lại. Tất cả sự mới mẻ của Chúa Kitô là trong các lời này. Thật thế, Các Mối Phúc Thật là chân dung của Chúa Giêsu, là hình thức sống của Người, và chúng là con đường của hạnh phúc đích thật, mà chúng ta cũng có thể bước đi với ơn thánh Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Ngoài một luật mới mẻ Chúa Giêsu cũng còn ban cho chúng ta ”công thức”, theo đó chúng ta sẽ bị xét xử nữa. Vào ngày tận thế chúng ta sẽ bị xét xử. Và đâu là các câu hỏi sẽ được đặt ra cho chúng ta khi đó? Đâu sẽ là các câu hỏi này? Đâu là mực thước, theo đó Quan tòa sẽ phán xứ chúng ta? Đó là điều chúng ta tìm thấy trong chương 25 Phúc âm thánh Mátthêu. Hôm nay bài làm là đọc chương 5 Phúc Âm thánh Mátthêu, nơi có các Mối Phúc Thật và đọc chương 25 Phúc âm thánh Mátthêu nơi có mô thức, các câu hỏi sẽ được nêu lên cho chúng ta ngày phán xử. Chúng ta sẽ không có tước hiệu, điểm, hay đặc ân đặc lợi phải tích trữ.

Chúa sẽ nhận ra chúng ta, nếu chúng ta đã nhận ra Người nơi người nghèo, người đói khát, nơi kẻ bần cùng và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nơi người khổ đau và cô đơn… Đây là một trong các tiêu chuẩn nền tảng giúp kiểm thực cuộc sống kitô của chúng ta, mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tự đo lường mỗi ngày. Tôi đọc các Mối Phúc Thật và tôi nghĩ cuộc sống kitô của tôi phải như thế nào, rồi tôi duyệt xét lương tâm mình với chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu. Mỗi ngày: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này… Nó sẽ giúp chúng ta sống tốt đấy. Chúng đơn sơ nhưng cụ thể.

Anh chị em thân mến, giao ước mới là ở chính điều này: nhận ra chính mình trong Chúa Kitô, được bao bọc bởi lòng thương xót và cảm thương của Thiên Chúa. Chính điều này làm cho con tim của chúng ta tràn ngập niềm vui, và chính điều này khiến cho cuộc sống chúng ta là một chứng tá xinh đẹp và đáng tin cậy về tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Xin anh chị em hãy nhớ làm các bài tập nhé! Đọc chương 5 và chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu. Cám ơn anh chị em.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hành hương và chúc họ được nhiều niềm vui trong ngày lễ Chúa Hiển Dung. Chào các tín hữu đến từ các nước Á rập Đức Thánh Cha xin mọi người hiệp ý cầu nguyện cho hòa bình tại vùng Trung Đông. Ngài cũng nhớ tới các nạn nhân trận động đất xảy ra trong tỉnh Vận Nam bên Trung Quốc ngày Chúa Nhật vừa qua, khiến cho nhiều người chết, và gây ra các thiệt hại lớn lao. Đức Thánh Cha nói: tôi cầu nguyện cho những người đã qua đời và gia đình họ, cho những người bị thương và những người bị mất nhà cửa. Xin Chúa ban cho họ sự ủi an, niềm hy vọng và tình liên đới trong thử thách này.

Ngài cũng đã chào các nữ tu các dòng ”Nữ tử Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, dòng Ravasco”, các ”Nữ tu Tetine Đức Mẹ Vô Nhiễm”, các ”Nữ tỳ Đền tội” và các ”Nữ tu Phansinh thờ lạy Thánh Tâm” là các dòng đang họp tổng tu nghị tại Roma. Đức Thánh cha cũng chào đoàn người rước đuốc Hy vọng cho trại hè thánh Gabriele của Đức Mẹ Sầu Bi và các gia đình tham dự cuộc tuần hành Phanxicô từ Sicilia đến Assisi. Đức Thánh Cha xin cho cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ tại Roma củng cố đức tin của mọi người.

Ngài cũng nhắc đến biến cố Đấng đáng kính tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời ngày lễ Chúa Hiển Dung mùng 6 tháng 8 năm 1978. Chúng ta hãy nhớ đến người với lòng qúy mến và khâm phục, vị chủ chăn đã tận hiến cuộc đời phục vụ Giáo Hội. Xin gương sáng trung thành của người khích lệ và củng cố chúng ta. Sau khi chào các bạn trẻ, các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lạy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

100,000 NGƯỜI THAM DỰ BUỔI GẶP GỠ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỚI CÁC TRẺ EM GIÚP LỄ ĐỨC, ÁO, THỤY SĨ

100,000 NGƯỜI THAM DỰ BUỔI GẶP GỠ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỚI CÁC TRẺ EM GIÚP LỄ ĐỨC, ÁO, THỤY SĨ

VATICAN: Chiều ngày mùng 5-8-2014 đã có 100,000 người tham dự buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với hơn 50,000 trẻ em và thanh thiếu niên nam nữ giúp lễ đến từ Đức, Thụy Sĩ và Áo.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong bầu khí của lễ hội, với chương trình chia sẻ suy tư và hát thánh ca. Đức Thánh Cha đã chủ sự buối hát kinh chiều trườc khi trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ.

Ngài đã đề cao vai trò quan trọng của các em trong cộng đoàn dân Chúa cũng như giữa lòng xã hội, nơi các em có thể sống chứng tá đức tin, lòng thương xót và hiền dịu của Chúa Giêsu. Các em có thể rao giảng Chúa Kitô cho mọi người, vì luôn được tiếp xúc với Lời Chúa và các bí tích, khi phục vụ cạnh bàn thờ. Đức Thánh Cha khích lệ các em biết sống quân bình, không để cho các kỹ thuật tân tiến ngày nay làm mất thì giờ và lôi kéo, khiến các em không còn chú ý tới ưu tiên của cuộc sống kitô là nhớ tới Thiên Chúa Tạo Hóa, là Đấng cho chúng ta sống, yêu thương và đồng hành với chúng ta trên đời.

Trong các ơn Chúa ban có sự tự do cần phải sử dụng tốt, vì nó cũng có thể khiến cho con người xa rời Thiên Chúa. Các luật lệ của Giáo Hội và xã hội là các hướng dẫn giúp con người sống đúng đắn sự tự do đó, và duy trì hình ảnh là con Thiên Chúa nơi mình. Sự tự do Kitô giải thoát con người khỏi nô lệ của tội lỗi. Khi theo Chúa Giêsu và sống Tin Mừng của Ngài, sự tự do của người trẻ sẽ nở hoa và đem lại nhiều hoa trái tốt lành (SD 5-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana

Sáng ngày 31-7-2014 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21 tháng 9 tới đây.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 21-9-2014 Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fiumicino để bay sang Tirana và tới phi trường ”Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ. Lúc 9 giờ 30 lễ nghi chào đón sẽ diễn ra tại Dinh tổng thổng trong thủ đô Tirana. Sau khi chào thăm và hội kiến với tổng thống tại ”Thư phòng Xanh”, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo Albania. Sau đó lúc 11 giờ ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại quảng trường Mẹ Têrexa. Lúc 13 giờ 30 ngài dùng bữa trưa với các Giám Mục Albania và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Ban chiều lúc 16 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trong đại học công giáo ”Đức Bà Cố vấn”. Lúc 17 giờ ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào giáo dân trong nhà thờ chính tòa Tirana.

Lúc 18 giờ 30 Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và phái đoàn đại diện các thành viên của các trung tâm bác ái khác trong nhà nguyện trung tâm Betania.

Lúc 19 giờ 45 lễ nghi tiễn biệt sẽ diễn ra tại phi trường quốc tế Mẹ Têrêxa. Máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường lúc 20 giờ và về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 21 giờ 30.

Cộng hòa Albania rộng gần 29.000 cây số vuông, có hơn 3 triệu dân, gần 59% theo Hồi giáo, hơn 17% theo Kitô giáo và 25,30% không theo tôn giáo nào. Trước thời Đệ Nhị Thế Chiến có 70% dân Albania theo Hồi giáo, 20% theo Chính thống, và 10% theo Công giáo.

Vào cuối thế kỷ thứ IV, khi đế quốc Roma bắt đầu suy yếu, Albania đã là trung tâm của nền văn minh Illirica, và trong nhiều thế kỷ đã là một trong các trung tâm văn hóa và tôn giáo chính của đế quốc Bizantin. Vào thế kỷ XV Albania rơi vào tay đế quốc hồi Ottoman, và nằm dưới sự cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 28 tháng 11 năm 1912 Albania tuyên bố đôc lập khỏi đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, và năm sau đó được thừa nhận trở thành Cộng hòa Albania, sau các cuộc chiến vùng Balcan.

Năm 1939 Albania bị sát nhập vào vương quốc Italia. Trong các năm 1944 đến 1990 Albania đã là một nước cộng sản, có chính sách tự cô lập hóa, theo Stalin và chống việc xét lại. Trong 46 năm phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần tín hữu các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, đã bị bách hại rất gắt gao và đã có hàng chục ngàn tín hữu tử đạo, trong có đó nhiều giám mục linh mục và tu sĩ nam nữ. Cũng giống như các nước cộng sản khác, nhà nước cộng sản Albania đã thẳng tay đàn áp các kitô hữu, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và tàn sát họ không thương tiếc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana.

Hỏi: Thưa Đức Cha Mirdita, Giáo Hội tại Albania chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tâm tình nào?

Đáp: Chúng tôi chờ đợi chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha với các tâm tình biết ơn. Giáo Hội của chúng tôi đã đâm rễ sâu trên vùng đất Albania này và gắn bó với người dân một cách sâu xa dọc dài lịch sử. Nhưng vì là một Giáo Hội nhỏ bé nó đã luôn luôn hướng nhìn về Roma với lòng trìu mến và sống ơn gọi là Giáo Hôi công giáo. Chính qua sự hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô và lòng trung thành với ngài mà tín hữu của chúng tôi đã sống sự tùy thuộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cả trong các lúc, trong đó Người Kế Vị Thánh Phêrô và Giáo Hội hoàn vũ đã bị coi là kẻ thù trên quê hương. Tôi nghĩ tới cuộc bách hại tôn giáo dài dưới chế độ cộng sản, nhưng tÔi cũng nghĩ tới các thời điểm khác của qúa khứ. Giờ đây Người Kế Vị Thánh Phêrô nhìn tới chúng tôi và đến thăm chúng tôi, để củng cố chúng tôi trong lòng tin và để tỏ lòng cảm phục đối với sự tử đạo và khổ đau của các tín hữu công giáo Albania, nhưng không phải chỉ có thế. Giáo Hội tại Albania chờ đợi Đức Thánh Cha với niềm vui và lòng thương mến cùng với tín hữu các tôn giáo khác. Cả những người không tín ngưỡng cũng rất trân trọng vá qúy mến Đức Thánh Cha.

Hỏi: Bách hại tôn giáo là một từ ám chỉ sự chia rẽ và kỳ thị hiện nay. Chỉ cần nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, nhưng tại Albania sự bách hại của chế độ vô thần đã củng cố sự hiệp thông giữa các tôn giáo. Chúng ta nhớ rằng bốn cộng đoàn tôn giáo chính là Hồi giáo Suunít, Chính thống, Công giáo và Hồi giáo Bektashi đã chung sống hòa bình với nhau. Chung sống hòa bình là điều có thể giữa các tôn giáo trong cùng một quốc gia không thưa Đức Cha?

Đáp: Tuyệt đối là có thể chứ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, có người giả thuyết rằng với sự tự do tôn giáo sẽ nảy sinh ra các căng thẳng giữa các tôn giáo, nhưng đã không xảy ra như vậy. Albania cống hiến một mô thức gương mẫu của sự chung sống giữa các tôn giáo với nhau. Tôi không nói rằng chúng tôi đã đạt đến sự hài hòa này mà không có các hy sinh, nhưng các hy sinh hoàn thành dọc dài lịch sử đã cho các hoa trái hòa bình, mà ngày nay tất cả mọi công dân đều được hưởng trong nước. Người Albani đã học đươc dọc dài các thế kỷ rằng có thể hoàn toàn trung thành với tôn giáo của mình, trong sự tôn trọng tràn đầy đối với tôn giáo của người khác. Không thể đẹp lòng Thiên Chúa, nếu vi pham các quyền lợi của các anh chị em khác. Nhưng người ta có thể tôn thờ Thiên Chúa, cả trong lãnh vực công cộng, mà không xâm lấn không gian của người khác. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy tại Albania một mô thức gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo.

Hỏi: Hai mươi mốt năm đã qua đi, kể từ chuyến viếng thăm Albania của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giáo Hội và xã hội Albania đã thay đổi như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã như là một sự vuốt ve trên thân xác băn khoăn của Giáo Hội tử đạo Albania. Đó đã là một ngày ánh sáng cho toàn dân nước. Đức Gioan Phaolô II tái lập hàng giáo phẩm và tấn phong 4 Giám Mục đầu tiên. Qua việc khẩn nài Chúa Thánh Thần cho việc phong chức các Giám Mục, mà tôi là một trong bốn vị ấy, cơ cấu giáo hội được tái hồi sinh. Trong hai thập niên qua Giáo Hội Albania đã thay đổi nhiều. Chúng tôi có hàng giáo sĩ bản xứ, các tu sĩ nam nữ người Albani hoạt động bên cạnh biết bao nhiêu thừa sai với lòng quảng đại, nhưng dần dần các thừa sai nhường chỗ cho các thế hệ trẻ Albani.

Chúng tôi cũng có các giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội. Như là Giáo Hội chúng tôi điều hành nhiều việc phục vụ trong lãnh vực xã hội, nhưng cũng có nguy cơ trở thành một Giáo Hội thiết định, dừng lại một chỗ. Vì thế chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đem tới sự tươi mát, lay động chúng tôi khỏi các thói quen, và làm cho chúng tôi sống trở lại sự mới mẻ thường hằng của Tin Mừng. Cả xã hội Albania cũng đã thay đồi nhiều, nhưng có vài thách đố vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như nạn gian tham hối lộ, nghèo túng, thất nghiệp, các tổ chức tội phạm và công lý yếu kém.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Tirana là chuyền viếng thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lục địa Âu châu. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha đã bắt đầu từ một vùng ngoại biên hay không?

Đáp: Nếu người ta hiểu trung tâm là sự giầu có vật chất, thì đúng thế. Albania là một ngoại biên của Âu châu, nhưng đầt nước chúng tôi giầu các giá trị khác. Chúng tôi có người dân trẻ nhất âu châu, mặc dù có các làn sóng di cư, chúng tôi có gia đình còn mạnh mẽ, trong đó người già còn được tôn trọng, được lắng nghe và được phục vụ. Chúng tôi có sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo, và tuy có các chấn thương của chể độ độc tài và nỗi khổ đau của qúa khứ gần đây, nhưng chúng tôi đã không ngã vào trong cạm bẫy của một cuộc đấu tranh giai cấp mới, và chúng tôi đã duy trì được hòa bình xã hội. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào đại lục Âu châu qua việc gặp gỡ với một dân tộc nghèo nàn, đã đau khổ nhiều, nhưng cũng đã đóng góp nhiều cho Âu châu.

(SD 31-7-2014)
Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC CHA GIOVANNI MARTINELLI Ở LẠI LIBYA CHO TỚI CÙNG

ĐỨC CHA GIOVANNI MARTINELLI Ở LẠI LIBYA CHO TỚI CÙNG

TRIPOLI: Đức Cha Giovanni Martinelli, Giám quản tông tòa giáo phận Tripoli, cho biết tình hình tại Libia rất bất an, và cộng đoàn Kitô tại đây chỉ còn là một nhóm bé nhỏ. Nhưng Đức Cha sẽ ở lại đây cả khi chỉ còn lại một tín hữu Kitô.

Đức Cha Martinelli đã truyên bố với hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo như trên ngày mùng 5-8-2014. Sau khi chính quyền của đại tá Gheddafi sụp đổ, Libya rơi vào cảnh hỗn loạn. Tại thủ đô Tripoli cuộc giao tranh giữa các nhóm dân quân khác nhau nhằm kiểm soát phi trường đã gây nhiều thiệt hại cho các cơ cấu hạ tầng và một kho xăng bị cháy. Tình hình trong vùng Cirenaica lại càng thê thảm hơn, vì các nhóm dân quân hồi chiến đấu với nhau để dành quyền kiểm soát toàn vùng. Tại đây không còn các nữ tu nữa, và đa số các người Philippines là trái tim của cộng đoàn công giáo Libya, đang rời bỏ vùng này. Trong thủ đô số tín hữu Philippine còn đông, nhưng họ cũng bắt đầu ra đi. Rất nhiều các anh chị em này làm việc trong lãnh vực y tế. Đức Cha hy vọng sẽ còn một nhóm ở lại để phục vu Giáo Hội. Trong lúc này xem ra các cuộc giao tranh chung quanh phi trường đã chấm dứt, nhưng phi trường vẫn đóng cửa và dân chúng rời bỏ thủ đô bằng đường biển. Đường bộ dẫn sang Tunisia cũng không còn sử dụng được nữa. Đức Cha Martinelli cho biết ngài không muốn rời khỏi Libya, và sẽ ở lại đây cho tới cùng. Đức Cha xin lời cầu nguyện của mọi người cho hòa bình và ổn định mau trở lại với dân nước Libya (SD 5-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ CHỐNG LẠI MỌI KỲ THỊ TRONG VIỆC NHẬN CON NUÔI

CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ CHỐNG LẠI MỌI KỲ THỊ TRONG VIỆC NHẬN CON NUÔI

WASHINGTON: Trong các ngày vừa qua ba Giám Mục Hoa Kỳ đã viết thư cho Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ phản đối mọi kỳ thị trong lãnh vưc nhận con nuôi.

Hai thư gửi Hạ viện và Thượng viện mang chữ ký của Đức Cha Salvatore Joseph Cordilione, Tổng Giám Mục San Francisco, Chủ tịch Tiểu ban thăng tiến và bảo vệ gia đình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Cha William Edward Lori, Tổng Giám Mục Baltimore, Chủ tịch Ủy ban bảo vê tự do tôn giáo, và Đức Cha Thomas Gerard Wenski, Tổng Giám Mục Miami, Chủ tịch Ủy ban Công lý và phát triển nhân bản. Các Giám Mục khẳng định rằng: ”Sự tự do đầu tiên và qúy báu nhất là tự do tôn giáo phải được mọi công dân Hoa Kỳ thực thi, kể cả những người lo lắng cho hạnh phúc của các trẻ em. Tuy nhiên, trong vài tiểu bang như Massachusetts, Illinois, Califonia và District of Columbia, vài tu sĩ lo lắng cho hạnh phùc của trẻ em bị loại khỏi các dịch vụ nhận nuôi con, chỉ vì các vị cho rằng cần phải tín thác các em cho các gia đình có một người cha và một người mẹ.

Hai bức thư đã được gửi tới dân biểu Mike Kelly và thượng nghị sĩ Mike Enzi, là hai người đã đưa ra ”Luật Bao gồm” liên quan tới việc tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ em. Các Giám Mục ủng hộ luật này, vì nó có thể sửa chữa lại bất công kỳ thị liên quan tới tất cả những ai phục vụ các nhu cầu của các cha mẹ và các trẻ em, một cách trung thực với các xác tín tôn giáo của họ (SD 2-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

HÀ NỘI: Ông Heiner Bielefeld, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc quan sát tự do tôn giáo, đã tuyên bố rằng các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm là một thực tại ở Việt Nam ngày nay.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam kết thúc ngày mùng 1-8-2014 Ông Bielefeld đã gặp gỡ các giới chức chính quyền trung ương, địa phương cũng như giới lãnh đạo các tôn giáo. Ông đã viếng thăm các tỉnh An Giang, Gia Lai và Kontum. Một số các chứng nhân và đại diện cũng như các người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền muốn gặp ông đã bị công an cảnh sát chìm nổi của nhà nước cộng sản đe dọa, sách nhiễu, ngăn chặn theo cung cách của các tổ chức tội phạm, như họ vẫn làm từ trước tới nay.

Trong các năm qua tại ba tỉnh nói trên đã xảy ra rất nhiều vụ vi phạm nhân quyền và bách hại tôn giáo, đặc biệt là các vụ tấn kích đàn áp các tín hữu công giáo và tin lành tai Kontum trong các năm 2012, 2013. Ông Bielefeld đã được Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặc phái sang Việt Nam để quan sát tình hình tự do tôn giáo và viết bản tường trình cho năm 2015. Ông cho biết thái độ chung của nhà nước cộng sản Việt Nam là khinh bỉ các quyền con người và rất tiêu cực, họ tìm mọi cách hạn chế quyền tự do tôn giáo đối với các nhóm thiểu số và các tín hữu thực hành đạo mà không là thành phần của các Giáo Hội quốc doanh. Ông đặc sứ Liên Hiệp Quốc cũng nhận xét rằng trong bộ hình luật có các kiểu diễn tả mơ hồ liên quan tới các vụ lạm dụng dân chủ.

Nhà nước cộng sản Việt Nam lúc nào cũng rêu rao tôn trọng nhân quyền để lừa bịp dư luận thế giới, nhưng trên thực tế họ tước đoạt mọi quyền tự do của người dân, hiên ngang dùng bạo lực ăn cướp đất đai, tài sản của dân và của các tôn giáo để bán cho các hãng xưởng đa quốc. Nhà nước dùng quân đội, công an, cảnh sát và các tổ chức côn đồ tội phạm để đàn áp, sách nhiễu dân chúng. Họ tùy tiện vu khống, quy kết tội, bắt giữ giam cầm, kết án tù bất cứ ai, đặc biệt là những người có can đảm dám lên tiếng tranh đấu cho các quyền con người, hay phê bình chính sách cai trị độc tài, thối nát vô luân và tàn bạo của chính quyền phản bội dân tộc bán nước cho Trung Quốc (FIDES 1-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CÁC GIÁM MỤC NICARAGUA LÊN ÁN CÁC HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ

CÁC GIÁM MỤC NICARAGUA LÊN ÁN CÁC HÀNH ĐỘNG KHỦNG BỐ

MANAGUA: Các Giám Mục Nicargua mạnh mẽ lên án mọi hành động khủng bố bất công và yêu cầu chính quyền mau chóng điều tra và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Các vị cũng mời gọi toàn dân đừng rơi vào cám dỗ báo thù.

Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đã đưa ra các lời kêu gọi trên đây trong thông cáo công bố ngày 31-7-2014 mang chữ ký của Đức Cha Chủ tịch Socrates René Sándigo Jirón. Các Giám Mục ám chỉ vụ khủng bố ngày 19-7-2014 khiến cho 5 người chết và 24 người bị thương, khi các nhóm người vũ trang tấn công một đoàn xe chở các người đấu tranh phò chính quyền trên đường về nhà, sau khi mừng kỷ niệm 35 năm cách mạng Sandinista trong thủ đô Managua.

Các Giám Mục Nicaragua bầy tỏ đau buồn trước các hành động khủng bố không thể biện minh được này. Cảnh sát quân đội cần phải nhanh chóng điều tra và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Ngoài ra đứng trước các ”bách hại, giam giữ bất công, các vụ biến mất không thể giải thích được của nhiều người, sự kinh hoàng và cái chết bao vây vài thành phố trong nước, các Giám Mục Nicaragua khích lệ dân chúng đừng rơi vào cám dỗ báo thù, và đừng lẫn lộn hình phạt chính đáng mà thủ phạm phải chịu, với thù ghét và báo oán. Bởi vì nếu người ta hành động như vậy, thì bạo lực sẽ gia tăng và sẽ gây ra nhiều khổ đau và không còn chỗ cho công lý và sự sống chung hòa bình trong xã hội.

Các Giám Mục yêu cầu các lực lượng an ninh quốc gia điều tra tìm ra các thủ phạm, nhưng luôn tôn trọng các quyền con người không dùng áp lực, đe dọa, tra tấn và bạo lực. Muốn tái lập công lý mà lại dùng các phương thức tội phạm là một sai lầm rất lớn. Trong một quốc gia dân chủ mọi người đếu có trách nhiệm đối với công lý và hòa bình. Vì thế các Giám Mục Nicaragua kêu gọi luôn luôn tìm các giải pháp hòa bình qua sự tôn trọng lẫn nhau, qua đối thoại và sự nhân nhượng, dấn thân thăng tiến bảo vệ sự sống và phẩm giá của mọi người, và không rơi vào vòng bạo lực chống lại nhau (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30 TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LAVANG

ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LẦN THỨ 30 TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LAVANG

LAVANG: Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc lần thứ 30 sẽ diễn ra tại trung tâm thánh mẫu Lavang trong các ngày 13-15 tháng 8 này, với sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu đến từ khắp nơi trong nước.

Đại hội năm nay tập trung vào việc loan báo Tin Mừng cho cuộc sống gia đình. Trong các ngày đại hội ngoài các thánh lễ đại trào, các buổi thuyết trình, canh thức cầu nguyện, chia sẻ chứng tá cuộc sống tin cậy mến, tín hữu có thể lãnh bí tích Hòa Giải với hàng trăm Linh Mục sẵn sàng ngồi tòa giải tội. Cũng có đêm văn nghệ với sự đóng góp tiết mục của nhiều thành phần và hội đoàn dân Chúa khác nhau.

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, cho biết để chuẩn bị cho Đại hội Thánh Mẫu Lavang, mỗi tuần các cha đều tổ chức các buổi đọc Thánh Kinh và canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các gia đình. Có nhiều người lớn ít tham dự thánh lễ và không tới với bí tích Giải Tội nữa, nhưng cha hy vọng họ còn có đức tin trong tim và cộng đoàn cầu nguyện cho họ. Theo các cuộc điều tra của Giáo Hội, các gia đình ngay ở Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn. Cảnh thành thị hóa và sự phát triển nhanh chóng buộc mọi người trong gia đình chu toàn các nhiệm vụ khác nhau: làm việc, học hành, dấn thân trong nhiều sinh hoạt đa diện. Con người không còn có thời giờ cho nhau nữa, và người ta quên việc đào tạo giới trẻ. Các phụ huynh phải tái khởi hành từ con cái, là chìa khóa tương lai của cộng đoàn Giáo Hội và xã hội” (SD 1-8-2014).

Linh Tiến Khải -Vatican Radio