Albania là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau

Albania là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau

Albania, vùng đất của các vị tử đạo, là mẫu gương của sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa tín hữu các tôn giáo khác nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường thánh Phêrô ngày 24-9-2014. Trong các đoàn hành hương cũng có đoàn hành hương 37 tín hữu Canada do cha Trần Trung Dung dòng Đa Minh hướng dẫn và một số tín hữu đến từ các nước Âu châu.

Như quý vị đã biết Đức Thánh Cha Phanxicô mới công dụ mục vụ tại Albania hôm Chúa Nhật 21-9-2014, vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. Đức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa đã cho ngài viếng thăm dân nước Albania để biểu lộ sự gần gũi của ngài và của toàn thể Giáo Hội. Ngài cám ơn Hội Đồng Giám Mục Albania, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các giới chức đạo đời và tất cả những ai đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm để mọi sự xảy ra tốt đẹp. Đề cập đến lý do chuyến viếng thăm Đức Thánh Cha nói:

Chuyến viếng thăm đã nảy sinh từ ước muốn đi đến một nước đang sống một kinh nghiệm chung sống hòa bình giữa các thành phần tôn giáo khác nhau, sau khi đã bị đàn áp lâu dài bởi một chế độ vô thần và vô nhân. Đối với tôi xem ra là điều quan trọng khích lệ dân nước Albania trên con đường này, để nó kiên trì tiếp tục con đường đó và đào sâu mọi mặt cho thiện ích chung. Vì vậy trung tâm điểm của chuyến viếng thăm đã là cuộc gặp gỡ liên tôn, nơi đó tôi đã có thể hài lòng nhận thấy rằng sự chung sống hòa bình và phong phú giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau không phải chỉ là điều đáng cầu chúc, nhưng một cách cụ thể là điều khả thể và làm được. Đây là một cuộc đối thoại đích thật và phong phú, khước từ chủ trương tương đối và chú ý tới căn tính của từng người. Thật thế, điều chung cho các biểu lộ tôn giáo khác nhau là con đường cuộc sống, thiện chí thực thi sự thiện cho tha nhân, mà không từ chối và giảm thiểu các căn tính của mình.

Cuộc gặp gỡ với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, các chủng sinh và các phong trào giáo dân đã là dịp đặc biệt cảm động để tưởng niệm và nhớ ơn nhiều vị tử đạo của đức tin. Nhờ sự hiện diện của vài người cao niên đã sống trên da thịt mình các bách hại kinh khủng, được vang vọng lên đức tin của biết bao chứng nhân anh dũng của quá khứ, là những người đã theo Chúa Kitô cho tới các hậu quả tột cùng. Chính từ sự kết hiệp thân tình này với Chúa Giêsu, từ tương quan tình yêu với Người đã nảy sinh ra sức mạnh đối với họ cũng như đối với mọi vị tử đạo, giúp đương đầu với các biến cố đớn đau dẫn đưa họ tới chỗ tử đạo. Cả ngày nay cũng như hôm qua, sức mạnh của Giáo Hội không đến từ các khả năng tổ chức hay từ các cơ cấu, tuy đây cũng là những điều cần thiết. Sức mạnh của chúng ta là tình yêu của Chúa Kitô! Một sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn, và gợi hứng cho hoạt động tông đồ để cống hiến cho tất cả mọi người lòng tốt, sự tha thứ, và như thế chứng minh cho thấy lòng xót thương của Thiên Chúa.

Khi đi dọc con đường chính từ phi trường dẫn đến quảng trường trung ương thành phố Tirana, tôi đã có thể nhận ra chân dung của 40 linh mục đã bị sát hại trong thời độc tài cộng sản và hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Đức Thánh Cha nói về các linh mục ấy như sau:

Các vị thêm vào con số hàng trăm tu sĩ, tín hữu kitô và hồi giáo đã bị ám sát, tra tấn, bỏ tù và đầy ải chỉ vì đã tin nơi Thiên Chúa. Đó là các năm đen tối, trong đó tự do tôn giáo đã bị san bằng, và việc tin nơi Thiên Chúa bị cấm ngặt; hàng ngàn nhà thờ Kitô và đền thờ hồi giáo đã bị phá hủy, biến thành các nhà kho và phòng chiếu bóng quảng bá ý thức hệ mác xít; các sách tôn giáo bị đốt, và người ta cấm các cha mẹ đặt các tên tôn giáo của cha ông cho con cái. Kỷ niệm các biến cố thê thảm này là điều nòng cốt đối với tương lai của một dân tộc. Ký ức về các vị tử đạo đã kháng cự trong niềm tin bảo đảm cho số phận của dân nước Albania; bởi vì máu đã không đổ ra vô ích, nhưng là một hạt giống sẽ đem lại hoa trái hòa bình và cộng tác huynh đệ.

Thật thế, ngày nay Albania không chỉ là một thí dụ sự tái sinh của Giáo Hội, nhưng cũng là gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo nữa. Vì thế các vị tử đạo đã không phải là những kẻ bại trận, nhưng là những người chiến thắng: trong chứng tá anh hùng của họ rạng ngời lên quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn an ủi dân Người, bằng cách mở ra các con đường mới và các chân trời của niềm hy vọng.

Sứ điệp hy vọng này, dựa trên niềm tin nơi Chúa Kitô và trên ký ức của quá khứ, tôi đã tín thác cho toàn dân Albania, mà tôi thấy hứng khởi và tươi vui trong các nơi gặp gỡ và các buổi cử hành, cũng như trên đường phố thủ đô Tirana. Tôi đã khích lệ mọi người kín múc các năng lực luôn mới mẻ từ Chúa Phục Sinh, để có thể là men Tin Mừng trong xã hội và dấn thân như đã xảy ra, trong các sinh hoạt bác ái và giáo dục.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn Chúa vì với chuyến viếng thăm này Người đã cho tôi gặp một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, đã không để cho mình bị khổ đau bẻ gẫy. Tôi tái mời gọi các anh chị em Albani can đảm làm việc thiện để xây dựng hiện tại và tương lai cho đất nước và cho Âu châu. Tôi tín thác các hoa trái chuyến viếng thăm của tôi cho Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành được tôn kính tại Đền thánh Scutari, để Mẹ tiếp tục hướng dẫn con đường của dân tộc tử đạo này. Ước chi kinh nghiệm khó khăn của qúa khứ luôn đâm rễ sâu trong việc rộng mở cho tha nhân, đặc biệt cho các người yếu đuối nhất, và khiến cho nó trở thành tác nhân của năng động bác ái cần thiết trong bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng như các nhóm tín hữu đến từ Á châu như Trung quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, hay từ Phi châu như Kenya, hoặc từ châu Mỹ Latinh như Porto Ricco, Mêhicô, Ecuador, El Salvador, Costa Rica, Uruguay, Argentina, Brasil.

Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Đông ngài khích lệ họ luôn là các chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và của sự thật, của hòa giải và sự hiệp nhất, chứng nhân của công lý, hòa bình và tình bác ái.

Nhắc tới các nạn nhân bệnh dịch Ebola tại nhiều nước Phi châu ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho họ. Ngài cũng cầu mong cộng đồng quốc tế trợ giúp người dân các nước này để làm vơi dịu các nỗi khổ đau của họ. Ngài đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em này.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ngài chào các Tiểu Đệ Chúa Giêsu và các Thừa sai Đức Tin đang họp tổng tu nghị tai Roma, cũng như các tham dự viên Khóa đào tạo do Trung tâm linh hoạt truyền giáo tổ chức và các thành viên của Phong trào Cho một thế giới mới.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết thứ ba vừa qua Giáo Hội kính nhớ thánh Giáo Hoàng Lino. Ngài đã sống trong thời có các cuộc bách hại gắt gao các kitô hữu. Ngài cầu chúc gương yêu thương Giáo Hội của thánh nhân linh hứng cho cuộc sống tinh thần của từng người, giúp tập can đảm đương đầu với các lúc khó khăn thử thách, xác tín rằng Chúa không bao giờ để cho con cái Người thiếu sự đỡ nâng và ơn thánh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tôn trọng các nhân quyền căn bản và tự do tôn giáo là góp phần thăng tiến và phát triển thiện ích quốc gia đích thực

Tôn trọng các nhân quyền căn bản và tự do tôn giáo là góp phần thăng tiến và phát triển thiện ích quốc gia đích thực

Tôn trọng các nhân quyền căn bản và tự do tôn giáo là góp phần thăng tiến và phát triển thiện ích quốc gia đỉch thực.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài phát biểu trước các giới chức chính quyền Albania trong chuyến viếng thăm nước này Chúa Nhật 21-9-2014. Đây là chuyến công du thứ tư ngoài Italia, chỉ kéo dài 11 giờ đồng hồ.

Ban sáng Đức Thánh Cha đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino để lấy máy bay đi Tirana. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Cha Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto Santa Rufina bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc máy bay của hãng hàng không Alitalia A320 đã cất cánh lúc 7 giờ rưỡi và đã đến phi trường quốc tế ”Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường Tirana có Đức Tổng Giám Mục Ramiro Moliner Inglés, Sứ Thần Tòa Thánh tại Albania, Thủ tướng Edi Rama, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Văn hóa Albania. Hiện diện tại phi trường cũng có vài giới chức chính quyền khác, các Giám Mục Albania và một nhóm tín hữu.

Sau khi duyệt qua hàng chào danh dự Đức Thánh Cha và Thủ tướng đã vào phòng khách phi trường đàm đạo một lúc.

Albania rộng hơn 28 ngàn cây số vuộng, có hơn 3 triệu dân, 97% là người Albani, 1% là người Hy lạp, 2% còn lại gồm người Arumeni, Rom, Serbi, Macedoni, Montenegrini và Armeni. Ngoài ra cũng có các nhóm thiểu số khác như người Bosniaci hồi giáo, Ashkhli, Gorani và Do thái. Trên bình diện tôn giáo 56.7% tổng số dân theo Hồi giáo, 10% theo Công Giáo, 6.8% theo Chính Thống, 2.1% là tín hữu Bektashi, 5.7% theo các tôn giáo khác và 16.2% không theo tôn giáo nào.

Thành phố Tirana được thành lập năm 1614 và trở thành thủ đô năm 1920, hiện có hơn 421 ngàn dân và là thành phố đông dân nhất Albania. Hiện nay Tirana đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội và thành thị hóa manh mẽ, với việc xây cất nhiều dinh thự, công viên, và tái thiết các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là các cơ sở kitô bị phá hủy trong thời đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và dưới chế độ cộng sản vô thần. Trong số các nơi thờ tự kitô bị chế độ cộng sản phá hủy năm 1967 có nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu của các cha dòng Tên và nhà thờ chính tòa chính thống Chúa Kitô Phục Sinh, được xây năm 2012 trên một thửa đất khác.

Tổng giáo phận Tirana Durazzo có hơn 1.2 triệu dân, trong đó có 135 ngàn tín hữu công giáo, tức chiếm 11%, với 19 giáo xứ. Nhân lực gồm Đức Cha Rrok Mirdita, 9 linh mục triều, 30 linh mục dòng, 33 tu huynh, 121 nữ tu, 1 đại chủng sinh. Giáo Hội điểu khiển 14 cơ sở giáo dục và 7 trung tâm bác ái.

Lúc 9 giờ 15 phút Đức Thánh Cha đã đi xe về Dinh tổng thống nơi diễn ra lễ nghi chào đón chính thức. Dinh tổng thống hiện nay do vua Zog cho xây trong các năm 1939-1941, sau đó đã được tu sửa thêm. Tổng thống Bujar Nishani năm nay 48 tuổi, có vợ và hai con, đã từng du học bên Hoa Kỳ và đậu tiến sĩ Luật năm 2004, từng là giáo sư tại Hàn lâm viện quân sự Tirana, nhân viên bộ Nội vụ và làm Bộ trưởng Nội Vu năm 2009, 2011-2012, rồi được bầu làm tổng thống từ tháng 6 năm 2012.

Tổng thống Nishani đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại cửa vào dinh tổng thống. Ban nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Albania. Sau đó hai vị và đoàn tùy tùng tiến vào đại sảnh chụp hình lưu niệm, ký tên vào sổ vàng và giới thiệu phái đoàn hai bên. Tiếp đến Đức Thánh Cha hội kiến riêng với tổng thống trong ”Thư phòng xanh”. Sau đó tổng thống giới thiệu gia đình và trao đổi qùa tặng. Lúc 10 giờ tổng thống tháp tùng Đức Thánh Cha vào phòng khách Scandenberg để gặp gỡ hàng lãnh đạo dân sự, Ngoại giao đoàn và vài vị lãnh đạo tôn giáo.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha tổng thống Nishani bầy tỏ niềm vui của toàn dân Albania vì sự hiện diện của ngài trong một đất nước Albania dân chủ tự do, đã thoát khải ách thống trị độc tài tàn ác của chế độ cộng sản khinh rẻ và chà đạp các quyền tự do của con người. Ngày nay Albania là một quốc gia trong đó người dận thuộc các Giáo Hội công giáo, chính thống và hồi giáo chung sống trong hòa bình, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau chung xây đất nước. Tuy nhiên, dân nước Albania cũng phải đương đầu với nhiều thách đố mới của chế độ tư bản và việc toàn cầu hóa với các hậu qủa tiêu cực của nó.

Đáp lời tổng thống Đức Thánh Cha bầy tỏ niềm vui được đến viếng thăm Albania, vùng đất của các anh hùng đã hy sinh mạng sống cho nền độc lập quốc gia, vùng đất của các vi tử đạo đã làm chứng cho đức tin trong các thời gian khó khăn của các cuộc bách hại, vùng đất của chim đại bàng và hiếu khách. Một phần tư thế kỷ đã qua đi, kể từ khi Albania tìm lại được con đường cam go chiến thăng của tự do. Nó đã cho phép xã hội Albania bước vào con đường tái thiết vật chất và tinh thần, huy động được biết bao năng lực và sáng kiến, rộng mở cho sự cộng tác và trao đổi với các quốc gia trong vùng Balcan và Địa Trung Hải, với Âu châu cũng như toàn thế giới. Nó đã cho phép nhìn tương lai với sự tin tưởng và niềm hy vọng, khởi sự các chương trình và dệt lại các liên hệ thân hữu với các quốc gia gần xa. Việc tôn trọng các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tự do tư tưởng, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển xã hội và kinh tế của một quốc gia. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điểm này như sau:

Khi phẩm giá con người đưọc tôn rọng và các quyền của nó được thừa nhận và bảo đảm, thì cũng nở hoa óc sáng tạo và việc kinh doanh, và bản vị con người có thể khai triển nhiều sáng kiến của mình để mưu cầu công ích. Tôi đặc biệt vui mừng vì một đăc thái hạnh phúc của Albania, cần được giữ gìn cẩn trọng: đó là sự chung sống hòa bình và cộng tác giữa các thành phần tôn giáo khác nhau. Bầu khí tôn trọng lẫn nhau giữa các tín hữu công giáo, chính thống và hồi giáo là một thiện ích qúy báu đối với quốc gia và nó có ý nghĩa, đặc biệt trong thời đại chúng ta, trong đó ý nghĩa tôn giáo bị làm cho méo mó bởi các nhóm cuồng tín, và các khác biệt giữa các tôn giáo bị bóp méo và lèo lái khiến cho chúng trở thành một yếu tố nguy hiểm của xung đột và bạo lực, thay vì là dịp đối thoại cởi mở, tôn trọng và suy tư chung về ý nghĩa của việc tin nơi Thiên Chúa và sống theo luật lệ của Người.

Đừng có ai nghĩ rằng có thể lấy Thiên Chúa làm thuẫn đỡ, trong khi dự tính có các cử chỉ bạo lực và đàn áp! Đừng có ai viện cớ tôn giáo cho các hoạt động trái nghịch với phẩm giá và các quyền nền tảng của con người, trước hết là quyền sống và quyền tự do tôn giáo của tất cả mọi người! Trái lại, điều đang xảy ra tại Albania chứng minh cho thấy sự chung sống hòa bình phong phú giữa các con người và các cộng đoàn thuộc các tôn giáo khác nhau, không chỉ là điều đáng cầu chúc, nhưng một cách cụ thể là đIều có thể làm được. Sự chung sống hòa bình giữa các cộng đoàn tôn giáo khác nhau, thật ra, là một thiện ích vộ giá đối với hòa bình và phát triển hài hòa của một dân tộc. Đó là một gía trị cần được giữ gìn và gia tăng mỗi ngày với sự giáo dục tôn trọng các khác biệt và các căn tính đặc thù rộng mở cho đối thoại và cộng tác cho thiện ích của mọi người, với việc thực thi sự hiểu biết và qúy trọng nhau. Đó là một ơn cần luôn luôn nài xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Ước gì Albania luôn theo đuổi con đường này, và trở thành một gương mẫu cho biết bao quốc gia khác noi theo!

Sau mùa đông của sự cộ lập và các bách hại, cuối cùng mùa xuân của sự tự do đã tới. Qua các cuộc bầu cử tự do và các cơ cấu mới, sự đa nguyện dân chủ đã được cũng cố, và điều này cũng đã tạo thuân tiện cho việc tái lập các sinh hoạt kinh tế, khiến cho nhiều người dân Albania không còn phải di cư tìm công ăn việc làm nữa, nhưng ở lại trên quê hương để góp phần xây đựng nó từ bên trong.
Về phần mình, Giáo Hội đã có thể có được trở lại cuộc sống bình thường, tái lập hàng giáo phẩm. Các nơi thờ tự, trường học, trung tâm giáo dục và bác ái được tái thiết để phục vụ toàn xã hội và toàn quốc gia.

Tuy nhiên, giờ đây có các thách đố mới cần trả lời. Trong một thế giới hướng tới việc toàn cầu hóa cần phải làm mọi cố gắng để sự tiến bộ và phát triển kinh tế sinh ích lơi cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ cho một phần của dân chúng. Ngoài ra, sự phát triển đó sẽ không đích thật, nếu không có thể chịu đựng được và công bằng, nếu nó không chú ý tới các quyền của người nghèo và không tôn trọng môi sinh. Đối lại sự toàn cầu hóa các thị trường cần phải có sự toàn cầu hóa tình liên đới. Song song với sự tăng trưởng kinh tế cần phải tôn trọng môi sinh nhiều hơn. Cùng với các quyền cá nhân cũng phải bảo vệ quyền của các thực tại trung gian giữa cá nhân và Nhà nước, trước hết là các gia đình.

Sau cuộc gặp gỡ các giới chức lãnh đạo Albania tổng thống đã tháp tùng Đức Thánh Cha ra xe để ngài đến quảng trường Mẹ Têrexa cử hành thánh lễ cho tín hữu. Đức Thánh Cha đã đi xe jeep mui trần đến quảng trường cách đó 800 mét giữa tiếng vỗ tay reo vui của tín hữu. Họ vẫy cờ Tòa Thánh có hình Đức Thánh Cha và huy hiệu chuyến viếng thăm. Nhiều tín hữu đeo khăn quàng cổ mầu trắng và mầu vàng. Họ cũng mang theo ca bieu ngữ chào mừng Đức Thánh Cha hay có viết ”Đức Phanxicô là môt người trong chúng ta”. Khi đến quảng trường Đức Thánh Cha đã chào ông bà tỉnh trưởng. Ông Lulzim Xhelal Basha, thị trưởng Tirana, đã trao chià khóa thành phố cho Đức Thánh Cha như dấu chỉ toàn dân thủ đô tiếp đón vị thượng khách.

Khán đài nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ mầu trẳng với các ghế ngồi mầu vàng và thảm đỏ. Bên phải bàn thờ có ảnh Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành. Tham dự thánh lễ cũng có tổng thống, thủ tướng, các giới chức chinh qyuền và đại diện của các tôn giáo bạn. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có hơn 30 Hồng Y, Giám Mục và mấy trăm linh mục. Thánh lễ vừa bắt đầu được một lúc thì trời đổ mưa lớn, nhưng sau đó lại tạnh ráo rồi lại mưa vào cuối thánh lễ. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh, các bài đọc và lời cầu giáo dận bằng tiếng Albani.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đem tình yêu của Thiên Chúa đến trần gian và muốn phổ biến nó qua sự hiệp thông và tình huynh đệ. Người thành lập một cộng đoàn gồm Mười Hai Tông Đồ, và sai họ cùng với 72 môn đệ khác đi rao giảng Tin Mừng, theo một kiễu rất đơn sơ, đi vào từng nhà một và nói lời chào binh an ”Bình an cho nhà này”. Đây không chỉ là một lời chào, mà còn là một ơn nữa. ơn bình an. Hôm nay, khi đến quảng trường dâng kính một người con gái khiêm tốn nhưng cao cả của vùng đất này, là chân phước Mẹ Têrexa Cacutta, tôi muốn lập lại lời chào ấy: bình an cho nhà của anh chị em, bình an cho con tim của anh chị em, bình an cho quốc gia của anh chị em.

Trong sứ mệnh của 72 của môn đệ Chúa phản ánh kinh nghiệm truyền giáo của cộng đoàn kitô thuộc mọi thời đại. Chúa phục sinh và hằng sống không chỉ gửi Mười Hai Tông Đồ, mà gửi toàn thể Giáo Hội, gửi từng tín hữu được rửa tội ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhưng đôi khi các cửa bị đóng kín. Áp dụng vào trường hợp của Albania Đức Thánh Cha nói:

Trong qúa khứ gần đây cánh cửa của nước Albania cũng đã bi đóng kín, với khóa của các cấm đoán và luật lệ của một chế độ khước từ Thiên Chúa và ngăn cản sự tự do tôn giáo. Những người sợ hãi sự thật và tự do đã làm mọi sự để xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi trái tim con người và loại bỏ Chúa Kitô và Giáo Hôi khỏi lịch sử quê hương của anh chị em, cả khi nó đã là một trong các nơi đầu tiên đón nhận ánh sáng Tin Mừng. Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolo đã nhắc tới vùng Illiria thời đó bao gồm cả Albania ngày nay. Khi nghĩ tới các thập niên đau khổ tàn bạo và các cuộc bách hại khốc liệt chống lại các tín hữu công giáo, chính thống và hồi giáo, chúng ta có thể nói rằng Albania đã là một vùng đất của các vị tử đạo: nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dận đã trả giá cho sự trung thành của họ bằng chính mạng sống… Biết bao kitô hữu đã không gập mình trước các đe dọa, nhưng đã không do dự tiếp tục con đường lòng tin. Trong tinh thần tôi tới bức tường của nghĩa trang Scutari, biểu tượng sự tử đạo của các tín hữu công giáo, nơi họ đã bị xứ bắn, và tôi cảm động đặt vòng hoa của lời cầu nguyện và tưởng niệm ghi ơn không tàn phai. Chúa đã gần gũi, hường dẫn, an ủi và nâng đỡ anh chị em trên cánh đại bàng, như Người đã làm xưa kia đối với dân Israel. Chim đại bàng được biểu hiệu trên quốc kỳ của anh chi em nhắc nhớ ý nghĩa của niềm hy vọng, luôn đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa, là Đấng không gây thất vọng, nhưng luôn ở bên cạnh anh chị em, đăc biệt trong những lúc khó khăn.

Ngày nay các cánh cửa của Albania đã rộng mở và đang chín mùi cho một mùa truyền giáo mới đối với mọi thành phần dân Chúa: mỗi tín hữu đều có một chỗ đứng và một vai trò phải chu toàn trong Giáo Hội và trong xã hội. Từng người được mời gọi quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng và làm chứng cho tình bác ái, củng cố các tương quan liên đới để thăng tiến các điều kiện sống công bằng và huynh đệ hơn cho tất cả mọi người. Hôm nay tôi đến để khích lệ và làm cho niềm hy vọng lớn lên trong anh chị em và chung quanh anh chị em, để lôi cuốn các thế hệ trẻ dưỡng nuội mình bằng Lời Chúa và mở cửa lòng cho Chúa Kitô. Ước chi niềm tin của anh chị em luôn tươi vui rạng rỡ; Hãy cho thấy rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trao ban ý nghĩa cho cuộc sống con người, của mọi người. Cùng hiệp thông với các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ tôi khuyến khích anh chị em hãy hăng say hoạt động mục vụ và tiếp tục tìm ra các hình thức mới để Giáo Hôi hiện diện trong xã hội. Tôi đặc biệt kêu gọi người trẻ đừng sợ hãi quảng đại đáp trả lời Chúa Kitô kêu mời đi theo Ngài. Trong ơn gọi linh mục tu sĩ các bạn sẽ tìm thấy sự giàu có và niềm vui tận hiến chính hình để phục vụ Thiân Chúa và tha nhân.

Hỡi Giáo Hội sống trên đất nước Albania này, xin cám ơn về gương trung thành của ngươi với Tin Mừng! Biết bao nhiệu con trai con gái ngươi đã đau khổ vì Chúa Kitô, đến hy sinh mạng sống. Xin chứng tá của họ nâng đỡ các bước chân ngươi ngày hôm nay và ngày mai, trên con đường tình yêu, sự tự do, công lý và hòa bình. Amen.

Bài giảng của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của tín hữu.

Ngỏ lới với mọi người trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các bạn trẻ xây dựng cuộc sống trên Chúa Kitô là Đá Tảng, vì Ngài luôn trung thành, cả khi chúng ta bất trung. Đức Thánh Cha nói: Hỡi các bạn trẻ, các con là thế hệ mới của đất nước Albania. Với sức mạnh của Tin Mừng và gương của các vị tử đạo, hãy biết nói không với thần tượng của tiền bạc, nói không với sự tự do giả dối cá nhân chủ nghĩa, nói không với các tùy thuộc và bạo lực. Trái lại, hãy nói có với nền văn hóa của sự gặp gỡ và tình liên đới, nói có với vẻ đẹp bất khả phân ly của thiện mỹ, nói có với cuộc sống tiệu bao với tâm hồn lo lớn nhưng trung thành trong những điều nhỏ nhặt. Như thế các con sẽ xây dựng một đất nước Albania và một thế giới tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha đã phó thác toàn Giáo Hội và dân tộc Albani, cách riếng các gia đình, trẻ em và người già cho sự chở che hiền mẫu của Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành Scutari.

Sau cùng, ngài đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Sau khi từ giã tín hữu Đức Thánh Cha đã đi xe về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để cùng các Giàm Mục và đoàn tùy tùng dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tuc các sinh hoạt khác vào ban chiều là: gặp gở hàng lãnh đạo các tôn giáo khác tại đại học Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành; cử hành buổi hát kinh chiều với các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các phong trào giáo dân tại nhà thờ chính tòa; gặp gỡ các trẻ em và nhân viên các trung tâm bác ái toàn nước Albania tại nhà Betania, trước khi ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Albania

Phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana

Sáng ngày 31-7-2014 Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm mục vụ Albania vào ngày 21 tháng 9 tới đây.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật 21-9-2014 Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường Fiumicino để bay sang Tirana và tới phi trường ”Mẹ Têrêxa” lúc 9 giờ. Lúc 9 giờ 30 lễ nghi chào đón sẽ diễn ra tại Dinh tổng thổng trong thủ đô Tirana. Sau khi chào thăm và hội kiến với tổng thống tại ”Thư phòng Xanh”, lúc 10 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo Albania. Sau đó lúc 11 giờ ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tại quảng trường Mẹ Têrexa. Lúc 13 giờ 30 ngài dùng bữa trưa với các Giám Mục Albania và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Ban chiều lúc 16 giờ Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác trong đại học công giáo ”Đức Bà Cố vấn”. Lúc 17 giờ ngài chủ sự buổi hát kinh chiều với sự tham dự của các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và thành viên các phong trào giáo dân trong nhà thờ chính tòa Tirana.

Lúc 18 giờ 30 Đức Thánh Cha gặp gỡ các trẻ em và phái đoàn đại diện các thành viên của các trung tâm bác ái khác trong nhà nguyện trung tâm Betania.

Lúc 19 giờ 45 lễ nghi tiễn biệt sẽ diễn ra tại phi trường quốc tế Mẹ Têrêxa. Máy bay chở Đức Thánh Cha sẽ rời phi trường lúc 20 giờ và về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 21 giờ 30.

Cộng hòa Albania rộng gần 29.000 cây số vuông, có hơn 3 triệu dân, gần 59% theo Hồi giáo, hơn 17% theo Kitô giáo và 25,30% không theo tôn giáo nào. Trước thời Đệ Nhị Thế Chiến có 70% dân Albania theo Hồi giáo, 20% theo Chính thống, và 10% theo Công giáo.

Vào cuối thế kỷ thứ IV, khi đế quốc Roma bắt đầu suy yếu, Albania đã là trung tâm của nền văn minh Illirica, và trong nhiều thế kỷ đã là một trong các trung tâm văn hóa và tôn giáo chính của đế quốc Bizantin. Vào thế kỷ XV Albania rơi vào tay đế quốc hồi Ottoman, và nằm dưới sự cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 28 tháng 11 năm 1912 Albania tuyên bố đôc lập khỏi đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, và năm sau đó được thừa nhận trở thành Cộng hòa Albania, sau các cuộc chiến vùng Balcan.

Năm 1939 Albania bị sát nhập vào vương quốc Italia. Trong các năm 1944 đến 1990 Albania đã là một nước cộng sản, có chính sách tự cô lập hóa, theo Stalin và chống việc xét lại. Trong 46 năm phải sống dưới chế độ cộng sản vô thần tín hữu các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, đã bị bách hại rất gắt gao và đã có hàng chục ngàn tín hữu tử đạo, trong có đó nhiều giám mục linh mục và tu sĩ nam nữ. Cũng giống như các nước cộng sản khác, nhà nước cộng sản Albania đã thẳng tay đàn áp các kitô hữu, bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và tàn sát họ không thương tiếc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Rrok Mirdita, Tổng Giám Mục Tirana.

Hỏi: Thưa Đức Cha Mirdita, Giáo Hội tại Albania chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô với các tâm tình nào?

Đáp: Chúng tôi chờ đợi chuyên viếng thăm của Đức Thánh Cha với các tâm tình biết ơn. Giáo Hội của chúng tôi đã đâm rễ sâu trên vùng đất Albania này và gắn bó với người dân một cách sâu xa dọc dài lịch sử. Nhưng vì là một Giáo Hội nhỏ bé nó đã luôn luôn hướng nhìn về Roma với lòng trìu mến và sống ơn gọi là Giáo Hôi công giáo. Chính qua sự hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô và lòng trung thành với ngài mà tín hữu của chúng tôi đã sống sự tùy thuộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cả trong các lúc, trong đó Người Kế Vị Thánh Phêrô và Giáo Hội hoàn vũ đã bị coi là kẻ thù trên quê hương. Tôi nghĩ tới cuộc bách hại tôn giáo dài dưới chế độ cộng sản, nhưng tÔi cũng nghĩ tới các thời điểm khác của qúa khứ. Giờ đây Người Kế Vị Thánh Phêrô nhìn tới chúng tôi và đến thăm chúng tôi, để củng cố chúng tôi trong lòng tin và để tỏ lòng cảm phục đối với sự tử đạo và khổ đau của các tín hữu công giáo Albania, nhưng không phải chỉ có thế. Giáo Hội tại Albania chờ đợi Đức Thánh Cha với niềm vui và lòng thương mến cùng với tín hữu các tôn giáo khác. Cả những người không tín ngưỡng cũng rất trân trọng vá qúy mến Đức Thánh Cha.

Hỏi: Bách hại tôn giáo là một từ ám chỉ sự chia rẽ và kỳ thị hiện nay. Chỉ cần nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, nhưng tại Albania sự bách hại của chế độ vô thần đã củng cố sự hiệp thông giữa các tôn giáo. Chúng ta nhớ rằng bốn cộng đoàn tôn giáo chính là Hồi giáo Suunít, Chính thống, Công giáo và Hồi giáo Bektashi đã chung sống hòa bình với nhau. Chung sống hòa bình là điều có thể giữa các tôn giáo trong cùng một quốc gia không thưa Đức Cha?

Đáp: Tuyệt đối là có thể chứ. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, có người giả thuyết rằng với sự tự do tôn giáo sẽ nảy sinh ra các căng thẳng giữa các tôn giáo, nhưng đã không xảy ra như vậy. Albania cống hiến một mô thức gương mẫu của sự chung sống giữa các tôn giáo với nhau. Tôi không nói rằng chúng tôi đã đạt đến sự hài hòa này mà không có các hy sinh, nhưng các hy sinh hoàn thành dọc dài lịch sử đã cho các hoa trái hòa bình, mà ngày nay tất cả mọi công dân đều được hưởng trong nước. Người Albani đã học đươc dọc dài các thế kỷ rằng có thể hoàn toàn trung thành với tôn giáo của mình, trong sự tôn trọng tràn đầy đối với tôn giáo của người khác. Không thể đẹp lòng Thiên Chúa, nếu vi pham các quyền lợi của các anh chị em khác. Nhưng người ta có thể tôn thờ Thiên Chúa, cả trong lãnh vực công cộng, mà không xâm lấn không gian của người khác. Như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô tìm thấy tại Albania một mô thức gương mẫu của sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo.

Hỏi: Hai mươi mốt năm đã qua đi, kể từ chuyến viếng thăm Albania của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Giáo Hội và xã hội Albania đã thay đổi như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã như là một sự vuốt ve trên thân xác băn khoăn của Giáo Hội tử đạo Albania. Đó đã là một ngày ánh sáng cho toàn dân nước. Đức Gioan Phaolô II tái lập hàng giáo phẩm và tấn phong 4 Giám Mục đầu tiên. Qua việc khẩn nài Chúa Thánh Thần cho việc phong chức các Giám Mục, mà tôi là một trong bốn vị ấy, cơ cấu giáo hội được tái hồi sinh. Trong hai thập niên qua Giáo Hội Albania đã thay đổi nhiều. Chúng tôi có hàng giáo sĩ bản xứ, các tu sĩ nam nữ người Albani hoạt động bên cạnh biết bao nhiêu thừa sai với lòng quảng đại, nhưng dần dần các thừa sai nhường chỗ cho các thế hệ trẻ Albani.

Chúng tôi cũng có các giáo dân dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội. Như là Giáo Hội chúng tôi điều hành nhiều việc phục vụ trong lãnh vực xã hội, nhưng cũng có nguy cơ trở thành một Giáo Hội thiết định, dừng lại một chỗ. Vì thế chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đem tới sự tươi mát, lay động chúng tôi khỏi các thói quen, và làm cho chúng tôi sống trở lại sự mới mẻ thường hằng của Tin Mừng. Cả xã hội Albania cũng đã thay đồi nhiều, nhưng có vài thách đố vẫn còn tồn tại, chẳng hạn như nạn gian tham hối lộ, nghèo túng, thất nghiệp, các tổ chức tội phạm và công lý yếu kém.

Hỏi: Chuyến viếng thăm Tirana là chuyền viếng thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong lục địa Âu châu. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha đã bắt đầu từ một vùng ngoại biên hay không?

Đáp: Nếu người ta hiểu trung tâm là sự giầu có vật chất, thì đúng thế. Albania là một ngoại biên của Âu châu, nhưng đầt nước chúng tôi giầu các giá trị khác. Chúng tôi có người dân trẻ nhất âu châu, mặc dù có các làn sóng di cư, chúng tôi có gia đình còn mạnh mẽ, trong đó người già còn được tôn trọng, được lắng nghe và được phục vụ. Chúng tôi có sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo, và tuy có các chấn thương của chể độ độc tài và nỗi khổ đau của qúa khứ gần đây, nhưng chúng tôi đã không ngã vào trong cạm bẫy của một cuộc đấu tranh giai cấp mới, và chúng tôi đã duy trì được hòa bình xã hội. Có thể nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô bước vào đại lục Âu châu qua việc gặp gỡ với một dân tộc nghèo nàn, đã đau khổ nhiều, nhưng cũng đã đóng góp nhiều cho Âu châu.

(SD 31-7-2014)
Linh Tiến Khải – Vatican Radio