Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục Nigeria

Đức Thánh Cha gửi thư cho các Giám Mục Nigeria

VATICAN. ĐTC liên đới với Giáo Hội Công Giáo tại Nigeria và khích lệ toàn thể các tín hữu tại đây tiếp tục dấn thân kiến tạo hòa bình và trợ giúp những người đau khổ.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi các GM Nigeria được công bố hôm 17-3-2015, trong đó ngài đề cao Nigeria như một đại quốc của Phi châu với hơn 160 triệu dân cư, có thể giữ một vai trò hàng đầu không những ở Phi châu nhưng còn trên toàn thế giới nữa. Trong những năm gần đây, Nigeria đã tăng trưởng mạnh về kinh tế và được coi như một thị trường quan trọng không những về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng còn vì tiềm năng thương mại nữa. Tuy nhiên, ĐTC ghi nhận rằng ”Nigeria đang gặp phải những khó khăn trầm trọng, trong đó có những hình thức cực đoan và thái quá, dựa trên căn bản chủng tộc, xã hội và tôn giáo. Nhiều người Nigeria bị giết, bị thương và tàn tật, bị bắt cóc và mất hết mọi sự, kể cả phẩm giá và các quyền của họ. Các tín hữu Kitô cũng như Hồi giáo đều chịu chung số phận vì tay những kẻ miệng thì tuyên xưng là mộ đạo, nhưng chúng lạm dụng tôn giáo để biến tôn giáo thành một ý thức hệ để phục vụ cho những tư lợi, thống trị và gây chết chóc.

Trong bối cảnh đó, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các GM và tất cả những người đang chịu đau khổ, hằng ngày ngài cầu nguyện cho họ. Đồng thời ĐTC khuyến khích toàn thể Giáo Hội tại Nigeria trở thành những người xây dựng bình. Ngài viết:

"Hòa bình là một sự dấn thân hằng ngày, can đảm và chân thực, để cổ võ hòa giải, thăng tiến những kinh nghiệm chia sẻ, bắc những nhịp cầu đối thoại, phục vụ những người yếu thế nhất và bị bỏ rơi. Nói tắt một lời, hòa bình hệ tại xây dựng một ”nền văn hóa gặp gỡ”.

ĐTC ca ngợi ”Giáo Hội tại Nigeria không ngừng làm chứng về sự tiếp đón, lòng từ bi và tha thứ. Và làm sao không nhắc đến các LM, tu sĩ nam nữ, các thừa sai và giáo lý viên, giữa bao nhiêu hy sinh khôn tả, vẫn không bỏ rơi đoàn chiên của mình, nhưng ở lại để phục vụ họ, như những người tốt lành trung thành loan báo Tin Mừng.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh em thân mến trong hàng GM: với lòng kiên trì và không nản chí, anh em hãy tiến bước trên con đường hòa bình (Xc Lc 1,79). Hãy tháp tùng các nạn nhân! Hãy cứu giúp người nghèo! Hãy giáo dục người trẻ! Hãy thăng tiến một xã hội công bằng và liên đới hơn!”

Từ lâu, Nigeria bị tổ chức khủng bố Boko Haram hoành hành. Nhóm này tuyên bố liên đới với cái gọi là Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Iraq và Lybia.

Hôm 16-3-2015, Liên HĐGM miền tây Phi châu, gọi tắt là CEREO, cảnh giác rằng oán thù và nghi kỵ mà nhóm Boko Haram gieo rắc ở miền bắc Nigeria có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm trời kể cả sau khi nhóm này không còn nữa. Theo các GM, nơi căn cội sinh ra nhóm Boko Haram có sự tham ô của giới lãnh đạo Nigeria (SD 17-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bosni Erzegovine

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Bosni Erzegovine

VATICAN. ĐTC khuyến khích các GM Cộng hòa Bosni Erzegovine tiếp tục nâng đỡ các tín hữu muốn ở lại quê hương, tăng cường việc mục vụ xã hội.

 Ngài đưa ra những lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-3-2015, dành cho 6 GM Bosni Erzegovine thuộc 4 giáo phận về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Đây cũng là quốc gia sẽ được ĐTC đến viếng thăm vào ngày 6-6 tới đây.

 Trong bài huấn dụ trao cho các GM, ĐTC nhắc đến mối quan tâm của các GM về hiện tượng xuất cư của nhiều tín hữu Công Giáo ở Bosni Erzegovine do hoàn cảnh khó khăn, và cũng có những tín hữu đã tản cư trong thời kỳ chiến tranh, mà không hồi hương được vì thiếu công ăn việc làm. ĐTC bày tỏ tình liên đới của ngài và của Giáo hội đối với các GM và nói rằng: ”Tôi khuyến khích anh em đừng bỏ qua năng lực nào để nâng đỡ những người yếu, giúp đỡ những người có ước muốn hợp pháp và lương thiện ở lại nơi quê cha đất tổ của họ, đáp ứng sự đói khát tinh thần của những người tin nơi các giá trị trường tồn, xuất phát từ Tin Mừng, những giá trị qua bao thế kỷ đã nuôi dưỡng đời sống các cộng đoàn của anh em”.

 ĐTC cũng mời gọi các cộng đoàn Công Giáo ở Bosni Erzegovine hãy cởi mở, phản ảnh ánh sáng Tin Mừng trong thế giới, và đừng đóng khung trong các truyền thống cao thượng của mình. Trái lại hãy ra khỏi vòng đai của mình.. kiên vững trong đức tin và được lời cầu nguyện nâng đỡ, sốing và loan báo sự sống mới của Chúa Kitô, Đấng cứu độ mỗi người”.

 Giáo hội Công Giáo tại Bosni Erzegovine chiếm 15% dân số tức là gần 450 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 5 triệu 340 ngàn dân, trong đó 40% theo Hồi giáo, tiếp đến là Chính Thống Serbi chiếm 31% (SD

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

Đức Thánh Cha lên án bách hại Kitô hữu tại Pakistan

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô tại thành phố Lahore, Pakistan, chúa nhật 15-3 vừa qua.

 15 người chết và 78 người bị thương trong vụ khủng bố tự sát chống hai thánh đường Kitô, một Công Giáo và 1 Tin Lành, tại khu phố Youhanabad trong thành Lahore. Thuộc khu phố này có khoảng 200 ngàn tín hữu Kitô và quen được gọi là ”thành thánh Gioan”.

 Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 15-3-2015, ĐTC Phanxicô đã mau lẹ lên tiếng về vụ khủng bố này và kêu gọi chấm dứt các cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Ngài nói:

 ”Tôi đau buồn, rất đau buồn khi hay tin những vụ tấn công khủng bố ngày hôm nay (15-3) chống lại hai thánh đường ở thành phố Lahore, Pakistan, làm cho nhiều người chết và bị thương. Đó là các nhà thờ Kitô giáo. Các tín hữu Kitô bị bách hại. Các anh chị em chúng ta bị đổ máu chỉ vì là Kitô hữu. Trong khi cam đoan cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, tôi cầu xin Chúa, khẩn cầu Chúa là nguồn mọi thiện hảo, ban ơn hòa bình và hòa hợp cho đất nước Pakistan. Ước gì cuộc bách hại này chống các tín hữu Kitô, mà thế giới đang tìm cách giấu diếm, được chấm dứt và có được an bình”.

 Nhóm Taleban ở Pakistan tên là Jammat-ul-Ahrar tự nhận là thủ phạm vụ khủng bố này. Theo cảnh sát, có 2 người tình nghi đã bị dân chúng tấn công và giết chết. Ký giả Riaz Ahmed cho biết đã thấy 2 thi hài bị cháy đen tại một ngã tư. Vụ nổ chỉ cách nhau vài phút tại hai thánh đường gần nhau, trong khu phố có đông dân cư là tín hữu Kitô: tại thánh đường thánh Gioan Công Giáo lúc ấy đang diễn ra thánh lễ Chúa nhật với sự tham dự của 800 tín hữu. Tại Nhà thờ Tin Lành có khoảng 1 ngàn tín hữu. Hai tên khủng bố tự sát đã cho bom nổ tung ở lối vào thánh đường. Các thanh niên Công Giáo giữ an ninh ở cổng thánh đường đã hy sinh mạng sống nhờ đó tránh được thảm họa lớn hơn cho các tín hữu.

 Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc HĐGM Pakistan đã tố giác Nhà chức trách nước này thiếu sót trầm trọng và ngày càng xảy ra những vụ các nhân viên cảnh sát Pakistan đồng lõa với những kẻ sát nhân hoặc trở thành cánh tay của những kẻ cực đoan.

 Ủy ban cho biết ”Giáo xứ Công Giáo Youhanabad đã từng xin chính quyền và cảnh sát gia tăng an ninh vì đã nhận được những lời đe dọa gần đây, nhưng các nhân viên an ninh hiện diện rất ít. Thay vì chu toàn nhiệm vụ canh chừng, họ thường xem Tivi các trận đấu banh Cricket. Hậu quả của sự lơ là này là nhiều tín hữu Kitô bị thiệt mạng. Đứng trước những vụ bạo hành chống Kitô hữu thường xảy ra như thế, các GM Pakistan kêu gọi chính quyền hãy có ”ý chí chính trị” chặn đứng các tên khủng bố.

 Tình trạng đó cũng giải thích tại sao dân chúng phẫn nộ, phản đối và hành hung 2 người tình nghi sau vụ khủng bố.

 Trong những ngày trước đây, cảnh sát ở Lahore đã tra tấn và sát hại một thanh niên Kitô vô tội. Đó là anh Zubair Masih, 25 tuổi. Tội duy nhất của anh ta là con của bà góa Aysha Bibi, một góa phụ Kitô bị người chủ là Abdul Jabar, một người Hồi giáo, cáo về tội ăn trộm.

 Bà ta bị đánh đập và lăng mạ, nhưng không thú tội. Toàn gia đình bà bị bắt và dẫn đến trụ sở cảnh sát. Tại đây cảnh sát tiếp tục đánh đập, bà mẹ Aysha bị đánh gẫy cánh tay, rồi tất cả được trả tự do ngoại trừ anh Zubair. Hôm sau, cảnh sát trả lại anh ta ở trong tình trạng sắp chết trước nhà bà mẹ. Khi anh được đưa vào nhà thương, các bác sĩ chỉ còn xác nhận anh Zubair đã chết. (SD, Asia News 15-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Raio

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Tình yêu của Thiên Chúa nhưng không và vô hạn

Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu đó là bí tích Thánh Thể.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Phúc Âm hôm nay tái đề nghị với chúng ta các lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Khi nghe các lời này, chúng ta hướng cái nhìn của con tim lên Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh và cảm thấy trong chúng ta  rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương chúng ta thật sự và yêu thương chúng ta biết bao! ĐTC nói:

Đó là kiểu diễn tả đơn sơ nhất tóm gọn toàn Tin Mừng, toàn đức tin, toàn thần học: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tình yêu nhưng không và vô hạn. Tình yêu ấy Thiên Chúa chứng minh nó trước hết trong việc tạo dựng, như phụng vụ loan báo trong kinh nguyện Thánh Thể 4: “Cha đã tác thành vũ trụ để đổ tình thương của Cha xuống trên tất cả mọi tạo vật và khiến chúng vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Cha”. Ở nguồn gốc thế giới chỉ có tình yêu tự do và nhưng không của Thiên Chúa Cha. Thánh Ireneo viết rằng: “Thiên Chúa đã không tạo dựng nên Ađam vì Ngài cần đến con người, nhưng để có ai đó mà ban các ơn phúc” (Adversus haereses, IV 14,1). Và Kinh nguyện Thánh Thể 4 viết tiếp: “Và khi, vì bất phục tùng, con người đã mất tình nghĩa với Cha, Cha đã không bỏ mặc con người trong quyền lực sự chết, nhưng trong lòng thương xót Cha đã đến gặp gỡ mọi người”. Như trong việc tạo dựng cả trong các chặng tiếp theo của lịch sử cứu độ nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: Chúa chọn dân Người không phải vì họ xứng đáng, nhưng chính vì họ là dân bé nhỏ nhất trong tất cả mọi dân tộc. Và khi đến thời viên mãn, mặc dầu con người đã nhiều lần bẻ gẫy giao ước , Thiên Chúa, thay vì bỏ rơi họ, đã ký kết với họ một dây cột buộc mới, trong máu Chúa Giêsu – mối dây của giao ước mới vĩnh cửu – mà không có gì có thể bẻ gẫy được. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì tội lỗi chúng ta, Người cũng đã cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô” (Ep 2, 4). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Thập giá Chúa Kitô là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta cho tới cùng” (Ga 13,1), nghĩa là không phải chỉ cho tới phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, nhưng cho tới mức tột đỉnh của tình yêu. Nếu trong việc tạo dựng Thiên Chúa Cha đã trao ban bằng chứng tình yêu vô biên của Người bằng cách ban cho chúng ta sự sống, thì trong cuộc khổ nạn của Con Ngài Ngài đã ban cho chúng ta bằng chứng của các bằng chứng: Người đã đến để đau khổ và chết cho chúng ta. Sau cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu thánh Phaolô nói “tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ trên con tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội và qua Giáo Hội bảo đảm ký ức sống động của Chúa Kitô và Người hoạt dộng khắp mọi nơi, cả ngoài Giáo Hội nữa, bằng cách làm cho các giá trị nhân bản đích thực lớn lên. Thần Khi của tình yêu làm cho chúng ta có khả năng yêu mến Thiên  Chúa và các anh chị em khác. Dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu nhất của tình yêu này là bí tích Thánh Thể, tưởng niệm lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu: mỗi khi chúng ta cử hành nó, là chúng ta sống lại biến cố Núi Sọ, tột đỉnh lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Xin Mẹ gần gũi chúng ta trong những lúc khó khăn và ban cho chúng ta các tâm tình của Con Mẹ, để cho lộ trình mùa chay của chúng ta là kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã bầy tỏ sự gần gũi của ngài với người dân đảo Vanuatu trong Thái Bình Dương bị bão lớn. Ngài nói: Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, cho những người bị thương và không nhà cửa. Tôi xin cám ơn những ai đã lập tức phát động việc cứu trợ các nạn nhân.

Ngài đã đặc biệt chào các nhóm tín hữu đến từ  Granada Tây Ban Nha, cũng như từ Mannheim Đức, và các đoàn hành hương các giáo phận Perugia, Pordenone, Pavia, giáo xứ thánh Giuse Roma, và từ giáo phận Piacenza Bobbio. ĐTC cũng chào các bạn trẻ Serravalle Scrivia, Rosolina và Verdellino Zingonia đang chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, cũng như các bạn trẻ giáo phận Lodi và người trẻ thuộc hạt Romana Vittoria Milano về Roma cử hành nghi thức hứa theo Chúa Giêsu. Ngài cũng chào các bạn trẻ giúp lễ tỉnh  Besana vùng Brianza và các nhóm thiện nguyện tham dự cuộc biểu tình “Cùng nhau cho công ích”. Ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin tất cả đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

 Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?

Sách Dân Số (21, 4b-9) kể chuyện, dân Do thái đi trong sa mạc, họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? …”. Vì thế, Thiên Chúa đã cho rắn độc bò ra cắn chết nhiều người. Sau đó dân hối lỗi chạy đến với Môsê và ông đã cầu khẩn cùng Chúa. Thiên Chúa thương xót, đã truyền cho Môsê đúc một con rắn đồng treo lên giữa sa mạc, và bất cứ ai, hễ bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được chữa lành.

Bài Tin Mừng, trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu khẳng định:  Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, sẽ đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21,6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Kitô (Ga 3,14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12,7-10).

Con rắn cám dỗ Eva và bà đã sa ngã thua cuộc, để lại cho nhân loại tội tổ tông truyền. Con rắn đồng ông Môsê treo lên trong sa mạc giúp cứu sống người bị rắn độc cắn. Bà Eva nhìn lên và nghe theo lời con rắn “phán”. Dân Do thái nhìn lên con rắn đồng và nghe theo Lời Chúa truyền. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô sẽ được sự sống và ân sủng chứa chan.

Dịp hành hương Thánh Địa, chúng tôi có lên núi Nebo bên đất nước Jordanie. Chiêm ngắm tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn, biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê dựng nên, nhìn về Thánh địa và dâng lễ tại nhà nguyện trên núi.

1/ Núi Nebo
 
Núi Nebo là một dãy núi ở Vương quốc Jordanie, cao khoảng 817m. Cựu ước đã đề cập đến nơi này. Trên núi Nebo, Thiên Chúa đã cho Môsê nhìn về Đất Hứa. Từ đỉnh núi nhìn bao quát bức tranh toàn cảnh về Thánh Địa và thành phố bờ Tây sông Giođan là Giêricô, thậm chí vào một ngày rất đẹp trời người ta có thể nhìn thấy cổ thành Giêrusalem.

Theo chương 34 của sách Đệ Nhị Luật, Môsê đã đi lên núi Nebo từ đồng bằng Môáp đến đỉnh Pisgah đối diện với Giêricô để nhìn về Đất Hứa.Giavê phán với Môsê: Đó là đất Ta đã thề với Abraham, ysaac và Giacop rằng: Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó! . Và Môsê đã chết trong xứ Môab. Người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không biết được mộ ông cho đến ngày nay.(Đnl 34,4-6).

Theo truyền thống Kitô giáo, Môsê đã được chôn cất trên núi này, tuy nhiên người ta vẫn không xác định được nơi chôn cất ông. Một vài truyền thống Hồi giáo cũng khẳng định điều tương tự, nhưng ngôi mộ của Môsê thì họ cho là ở Maqam El- Nabi Musa nằm về phía nam cách Giêricô 11 km và về phía đông cách Giêrusalem khoảng 20km trong hoang địa Giuđêa. Các học giả tiếp tục tranh luận xem ngọn núi hiện nay được gọi là là Nebo có phải là ngọn núi ngày xưa được đề cập trong bộ Ngũ kinh của Cựu ước không.

Theo sách Maccabê (2 Mcb, 2,4-7): Tiên tri Giêrêmia đã giấu Nhà tạm và Hòm Bia Giao Ước trong một cái hang trên núi Môsê đã lên và được chiêm ngắm cơ nghiệp của Thiên Chúa.

Ngày 20/03/2000, Đức Gioan Phaolô II đã đến núi Nebo trong cuộc hành hương Thánh địa. Ngài đã trồng một cây ô liu bên cạnh nhà thờ theo phong cách Byzantine như là một biểu tượng cho hòa bình.

Ngày 9/5/2009, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm địa danh này, đọc bài diễn văn ở đây và ngài nhìn về thành Giêrusalem từ đỉnh núi Nebo.

Nghệ sĩ người Ý, Giovanni Fantoni đã thực hiện tác phẩm điêu khắc Thánh giá theo hình con rắn. Đây là biểu tượng cho con rắn đồng ngày xưa được Môsê làm theo lệnh của Chúa để cứu sống người bị rắn cắn (Ds 21,4-9) và là thánh giá trên đó Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 3,14) .

Trên đỉnh cao nhất của ngọn núi mang tên Syagha, người ta khám phá ra di tích ngôi nhà thờ và một tu viện vào năm 1933. Ngôi Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào nửa bán thế kỷ thứ IV để kỷ niệm nơi Môsê qua đời. Thiết kế nhà thờ theo phong cách một Vương cung Thánh đường. Nó được mở rộng vào cuối bán thế kỷ thứ V và được xây dựng lại năm 597. Ngôi Nhà thờ đầu tiên được nhắc đến trong bản báo cáo về một cuộc hành hương của một người phụ nữ tên Aetheria vào năm 394. Người ta đã tìm thấy 6 ngôi mộ trống rỗng từ những phiến đá tự nhiên nằm dưới sàn khảm đá của nhà thờ.         
      
Trong ngôi nhà nguyện hiện đại được xây dựng để bảo địa danh này và cung cấp nơi thờ phượng, người ta có thể nhìn thấy thấy những di tích của những sàn nhà khảm đá từ nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những bức tranh khảm đá lâu đời nhất là một tấm ghép với những hình chữ thập có viền hiện nay được đặt ở phía đầu Đông của bức tường phía Nam.

2/ Tại sao lại treo con rắn?
 
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3,1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho Evà và Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: chẳng chết chóc gì đâu!  Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc đọc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước: Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2,17).

Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa đó là để cho mình bị rắn cắn, là mang nọc độc vào người.

3/ Tại sao “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”?
 

Trong Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô ở Milan, có 2 cột đá thật ấn tượng và giàu ý nghĩa; “cột rắn“: một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn, đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Sách Dân Số (21,9) là một lời tiên báo rất huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế, về mầu nhiệm Thâp giá, nơi Đức Kitô là Con Người được “giương cao”. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh, tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt “đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, một hy lễ dâng lên Chúa Cha và cũng là sự tự hiến cho loài người, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu “chết để cho chúng ta được sống”.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu ngay từ những lời nói đầu tiên đã đặt mầu nhiệm Thập Giá trong tương quan trực tiếp với hình ảnh con rắn biểu tượng của Tội và Sự Dữ : Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
 
Một bên là con rắn bị giương cao. Một bên là Đức Kitô được giương cao trên cây thập giá.Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn.Theo Thánh Phaolô: Đức Giêsu tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) và Người “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 ; Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7,13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu dạy, (chứ không phải báo trước) cho các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (Mc 8, 31).

Chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá để nhìn thấy:

– Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo lên án vô cớ, của vụ án gian dối.

– Đầu đội mạo gai của Người tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị; chân tay của Người bị đinh nhọn đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính và hành động theo thú tính; cạnh sườn của Người bị đâm thủng thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!

4/ Tại sao “nhìn lên” có khả năng chữa lành?
 
Theo lời của Đức Chúa, Môsê đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên thì được chữa lành. Hình phạt bị rắn độc cắn là rất nặng nề, còn ơn chữa lành thật nhẹ nhàng: nhìn lên thì được sống.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) với lòng tin chúng ta đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.

Thánh Giá Đức Kitô chịu đóng đinh được các giáo phụ gọi là Cây Sự Sống vì đã mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thánh Giá mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa. Sự bất tuân của Ađam đã mang đến án phạt và sự chết cho toàn thể nhân loại. Giờ đây sự vâng phục của Chúa Giêsu mang lại Ơn Tha Tội của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Vì sự vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tha hết mọi tội lỗi cho nhân loại. Ơn tha thứ đã được ban một cách tràn đầy và cho mọi người, không trừ một ai. Ơn Tha Thứ ấy phát xuất từ Tình Yêu của Chúa Cha. Tình Yêu lớn hơn tội lỗi. Tình Yêu khỏa lấp muôn vàn tội lỗi. Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết trên Thánh Giá biểu lộ Gương Mặt đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thánh Giá mạc khải Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại chúng ta. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha đến nỗi sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa Cha, dâng hiến sự sống mình lên Chúa Cha. Thánh Giá cũng biểu lộ Tình Yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì những người mình yêu.
 
Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta yêu mến và tôn thờ Chúa Cứu Thế. Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Trong Mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh sắp tới, chúng ta hãy năng nhìn lên Thánh Giá, đó là địa chỉ mạc khải tình thương của Thiên Chúa và là suối nguồn ơn cứu độ. Nhìn lên Thánh Giá với niềm tin vào tình yêu tha thứ, tình yêu vô bờ bến của Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta được dồi dào ân sủng và được sự sống đời đời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Đức Thánh Cha tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

Đức Thánh Cha tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

ĐTC đang xin giải tộiĐTC đang xin giải tội

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều 13-3-2015, ĐTC đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô, với phần xưng thú và giải tội cá nhân sau đó. Ngài long trong tuyên bố Năm Thánh Từ Bi thương xót từ 8-12-2015 đến 20-11-2016.

Hiện diện tại Đền thờ có một số Hồng Y và Giám Mục, LM và tu sĩ cùng với ngàn ngàn tín hữu.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, mọi người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (2,4-10) trong đó thánh nhân nói về Thiên Chúa giàu lòng từ bi đã làm cho chúng ta từ trong tội lỗi được sống lại với Chúa Kitô: nhờ ơn thánh của Chúa, chúng ta được cứu thoát.. Chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng trong Đức Giêsu Kitô, để làm việc thiện. Tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Luca (7,36-50) kể lại sự tích Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà người biệt phái Simon. Một người đàn bà tội lỗi mang dầu thơm đến xức chân Chúa và lấy tóc mà lau. Trước phản ứng của người biệt phái, Chúa cho biết tội lỗi của bà ta tuy nhiều, nhưng đã được tha thứ vì bà đã yêu mến nhiều.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Ngài diễn giải bài Tin Mừng, phân tích thái độ của người đàn bà tội lỗi và của ông Simon người Biệt Phái:

– ”Có tình yêu của người đàn bà tội lỗi hạ mình trước mặt Chúa, nhưng trước đó đã có tình yêu thương xót của Chúa Giêsu đối với bà, thúc đẩy bà đến gần. Giọt lệ thống hối và niềm vui rửa chân cho Thầy, tóc của bà lau khô chân CHúa với lòng biết ơn, những nụ hôn bà biểu lộ lòng quí mến thanh khiết của bà… Mỗi cử chỉ của bà nói lên tình yêu và biểu lộ ước muốn của bà mong được một sự chắc chắn vững vàng trong cuộc sống: chắc chắn mình được tha thứ. Và Chúa Giêsu ban cho bà sự chắc chắn ấy bằng cách đón nhận và tỏ cho bà tình thương của Thiên Chúa đối với bà: Thiên Chúa tha thứ cho bà rất nhiều vì bà đã yêu mến nhiều (Lc 7,47).

– Trái lại, người biệt phải không tìm được con đường tình yêu. Ông ta dừng lại trong hình thức bề ngoài, không có khả năng thực hiện một bước tiến để đến gặp Chúa Giêsu Đấng ban ơn cứu độ cho ông. Simon đã mời Chúa dùng bữa, nhưng không thực sự đón tiếp Ngài.. Phán đoán của ông về người phụ nữ làm cho ông xa lìa sự thật và không để cho ông hiểu ai là người khách của ông. Ông dừng lại ở bề mặt bên ngoài và không có khả năng nhìn con tim.

Từ đó, ĐTC nói: ”Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu thúc đẩy mỗi ngừơi chúng ta đừng bao giờ dừng lại ở bề ngoài của sự việc, nhất là khi chúng ta đứng trước một con người. Chúng ta được kêu gọi nhìn xa hơn, nhắm đến con tim để thấy mỗi người có khả năng quảng đại dường nào. Không ai có thể bị loại khỏi lòng từ bi của Thiên Chúa; tất cả biết con đường để đến với lòng từ bi ấy và Giáo hội là nhà đón tiếp mọi người và không từ khước một ai.

Tuyên bố Năm Thánh Từ Bi

Và ĐTC nói rằng: ”Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ”Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).

Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô nhiễm tới đây (8-12-2015) và sẽ kết thúc ngày 20-11-2016, Chúa nhật lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ và là tôn nhan sinh động của lòng từ bi Chúa Cha. Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng từ bi cho mỗi người”.

”Tôi xác tín rằng toàn thể Giáo Hội có thể tìm được trong Năm Thánh này niềm vui để tái khám phá và làm cho lòng từ bi Chúa phong phú, qua đó tất cả chúng ta được kêu gọi mang lại an ủi cho mỗi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Ngay từ bây giờ tôi phó thác cho Mẹ Từ Bi, xin Mẹ ghé mắt nhìn chúng ta và canh giữ hành trình của chúng ta”.

Cử hành bí tích thống hối

Sau bài giảng của ĐTC, mọi người đã xét mình trong thinh lặng, rồi xưng tội riêng và lãnh nhận bí tích xá giải do 48 linh mục và một số GM ban. Cả ĐTC cũng xưng tội trước khi giải tội cho một số hối nhân. Các vị giải tội hầu hết là các cha dòng thuộc đoàn giải tội ở 4 đại vương cung thánh đường Roma, và tòa Ân giải tối cao.

Buổi cử hành nghi thức thống hối kết thúc với phần tạ ơn và phép lành của ĐTC. Đây là lần thứ 2 ngài chủ sự nghi thức thống hối mùa chay với phép xá giải cá nhân tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Và giống như năm ngoái, buổi lễ thống hối được nối tiếp với chương trình gọi là ”24 giờ cho Chúa” do Hội đồng Tòa Thánh tái Truyền Giảng Tin Mừng, đề xướng và được cử hành tại 3 thánh đường ở trung tâm Roma, trong đó các tín hữu cầu nguyện và lãnh nhận bí tích hòa giải. Có 60 LM tình nguyện giải tội cho các tín hữu, kể cả ĐHY Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải tối cao, và tất cả các LM nhân viên của Tòa này.

Nhiều giáo phận trên thế giới cũng cử hành các buổi lễ tương tự trong mùa chay.

Thông cáo về Năm Thánh Từ Bi

Trong thông cáo công bố sau lời tuyên bố của ĐTC, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết việc thông báo chính thức và long trọng Năm Thánh sẽ được cử hành với việc đọc và công bố tại Cửa Năm Thánh Tông Sắc vào Chúa Nhật kính lòng Từ Bi Chúa, tức là Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh tới đây (12-4-2015).

Nghi thức khai mạc Năm Thánh Từ Bi là lễ Mở Cửa Năm Thánh. 4 đại vương cung thánh đường ở Roma đều có Cửa Năm Thánh. Nghi thức này diễn tả tượng trưng ý niệm theo đó trong Năm Thánh, một ”hành trình đặc biệt” tiến về ơn cứu độ được cống hiến cho các tín hữu. Sau lễ nghi mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô, cũng sẽ có lễ nghi tương tự tại 3 Đại vương cung thánh đường khác ở Roma. (SD 12-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi giáo chức Công Giáo Italia

Đức Thánh Cha kêu gọi giáo chức Công Giáo Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 14-3-2015, dành cho 2 ngàn thành viên Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, ĐTC mời gọi họ đặc biệt quan tâm đến các học sinh khó khăn.

Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, gọi tắt là UCIIM, được giáo sư Gesualdo Nosengo thành lập cách đây 70 năm (1944) nhắm liên kết các giáo chức trung học Công giáo trong lý tưởng giáo dục.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao vai trò của nhà giáo dục, ĐTC nhắc đến giới răn cao trọng nhất là mến Chúa yêu người, và đối với các giáo chức, những người ”thân cận” chính là các học sinh của mình và ngài nói thêm rằng ”Nghĩa vụ của một giáo chức tốt, nhất là giáo chức Kitô, chính là yêu thương với một cường độ mạnh mẽ hơn các học sinh khó khăn nhất, yếu nhất và bị thiệt thòi nhiều nhất. Chúa Giêsu đã nói: 'Nếu các con chỉ yêu những học sinh chăm học, có giáo dục tốt, thì các con có công trạng gì? Bất kỳ giáo chức nào cũng cảm thấy thoải mới với các học sinh ấy'. Tôi xin anh chị em hãy yêu nhiều hơn các học sinh ”khó khăn”, những em không muốn học, những em ở trong hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật và người nước ngoài, đó thực là một thách đố lớn đối với trường học ngày nay”.

ĐTC cũng nhắn nhủ Hiệp hội các giáo chức Công Giáo dấn thân trong các ”khu vực ngoại ô của học đường”, không thể bỏ mặc những cảnh vực này cho tình trạng bị gạt ra ngoài lề, sự dốt nát và cuộc sống bất lương. Trong một xã hội khó tìm được những điểm tham chiếu, điều cần thiết là ngừơi trẻ phải tìm được nơi học đường một điểm tham chiếu tích cực” (SD 14-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến 500 thành viên Hội ”Hãy Theo Thầy

Đức Thánh Cha tiếp kiến 500 thành viên Hội ”Hãy Theo Thầy

VATICAN. Sáng ngày 14-3-2015, ĐTC đã tiếp kiến 500 thành viên hiệp hội giáo dân ”Hãy theo Thầy” (Seguimi), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, nơi có trụ sở chính của Hội. Trong bài huấn dụ, ĐTC khích lệ các thành viên mỗi ngày sống theo tôn chỉ của hội, đó là ”Chúa Giêsu Kitô hằng sống ở trong tâm Hiệp hội 'Hãy theo Thầy'. Ngài nói:

”Chương trình này thật là đẹp. Tôi khuyến khích chị em ngày qua ngày quyết tâm sống chương trình ấy, nghĩa là trở thành những người không qui trọng tâm vào mình, nhưng đặt trung tâm sinh tử của mình nơi Con Người sinh động của Chúa Giêsu. Đôi khi, cả trong Giáo Hội, chúng ta tưởng mình là Kitô hữu tốt vì chúng ta làm những công tác xã hội và bác ái có tổ chức qui củ. Đó thực là những điều tốt, nhưng chúng ta không được quên rằng nhựa sống mang lại sinh lực và biến đổi con tim chính là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh của Chúa Kitô. Chị em hãy để cho Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong tâm hồn và hoạt động của chỉ em. Chính khi kết hiệp mật thiết với Chúa, như cành nho gắn vào gốc nho (Ga 15,1-9), chị em có thể đi tới những khu vực ngoại ô của thế giới”.

ĐTC cũng nhắc đến lòng trung thành mà các thành viên Hiệp hội ”Hãy theo Thầy” cam kết thi hành, đó là lòng trung thành với hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng là tình yêu và tự do, trung thành với giao ước ơn gọi giữa các thành viên của nhóm. Lòng trung thành trong hội 'Hãy theo Thầy' được hiểu như một giá trị luân lý tự nhiên cao cả nhất, các Hội viên tự buộc mình theo lương tâm để đáp lại tiếng gọi của Chúa, mà không cầnnhững ràng buộc pháp lý khác do con người thiết định.” (SD 14-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).

Nhìn lên ánh sáng

Nhìn lên ánh sáng

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).

Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:

1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.

2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.

3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1.       Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.

2.       Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?

3.       Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm. Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái. Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

«««

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch? Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giêsu trên cõi trời." (Ephêsô 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để "cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời".

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

LM Trần Ngà

Tình yêu lớn nhất

Tình yêu lớn nhất

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Có rất nhiều giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh!”

Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!”. Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con”.

Anh chị em thân mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập giá của Đức Kitô. Nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. “Cũng như Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Ngài sẽkhông phải chết, nhưng được sống đời đời”. Thập giá đã trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.

Thánh Gioan còn nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được thể hiện qua hành vi “trao ban”. Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài. Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài cho loài người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người,đểai tin vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Thưa anh chị em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có thái độ nào? Tin vào tình yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối, trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu, cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.

Hãy nhìn lên thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương ta.

Một lần nữa, hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:

Hãy xem đó thì biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).

Sứ mệnh và ơn gọi của người già

Sứ mệnh và ơn gọi của người già

Sứ mệnh và ơn gọi của người già là cầu nguyện, hát ca chúc tụng Thiên Chúa, khuyên nhủ, khích lệ, nâng đỡ các thế hệ trẻ.

Sứ mệnh và ơn gọi của người già là cầu nguyện cho Giáo Hội, cho toàn thế giới và khuyên nhủ, khích lệ và nâng đỡ các thế hệ trẻ. Các ông bà nội ngoại làm thành một “ca đoàn” thường xuyên của một đền thánh tinh thần vĩ đại, nơi lời cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và tranh đấu trong cánh đồng cuộc sống.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 18,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về giá trị và vai trò quan trọng của ngưởi già trong gia đình. ĐTC nói ngài làm điều này bằng cách tự đồng hóa mình với người già, vì ngài cũng thuộc lứa tuổi này. Nhắc lại kỷ niệm chuyến công du tại Philippines ĐTC cho biết dân chúng đã gọi ngài là “ông nội Phanxicô”.

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh đó là có đúng là xã hội hướng tới chỗ gạt bỏ chúng ta thật, nhưng Chúa chắc chắn không gạt bỏ người già. ĐTC giải thích như sau:

Chúa mời gọi chúng ta theo Ngài trong mọi lứa tuổi cuộc sống và cả tuổi già cũng chứa đựng một ơn thánh và một sứ mệnh, một on gọi đích thật của Chúa. Chưa phải là lúc kéo chèo lên thuyền để nghỉ ngơi. Giai đoạn này của cuộc sống khác với các giai đoạn đi trước, chắc chắn rồi, nhưng chúng ta cũng phải “sáng tạo nó một chút”, bởi vì các xã hội của chúng ta không sẵn sàng trên bình diện tinh thần và luân lý để trao ban cho tuổi già giá trị tràn đầy của nó. Thật thế, xưa kia có thời giờ cho chính mình không là điều bình thường. Nhưng ngày nay nó lại càng không bình thường hơn nữa. Cả nền tu đức kitô cũng đã hơi ngạc nhiên, và đây là việc đề ra các đường nét của một nền tu đức người già. Nhưng cám ơn Chúa không thiếu các chứng tá của các thánh nam thánh nữ!

 ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Tôi đã rất  bị đánh động bởi “Ngày quốc tế người già” chúng ta đã cử hành tại quảng trường thánh Phêrô này hồi năm ngoái: tôi đã lắng nghe lịch sử của các người già tiêu hao cuộc sống vì người khác. Đây là một suy tư cần tiếp tục trong môi trường giáo hội cũng như dân sự. Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp, cảm động và khích lệ. Đó là hình ảnh của ông Simeon và bà Anna, được nhắc tới trong Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu do thánh Luca biên soạn. Hai vị chắc chắn là người cao niên, cụ Simeon và bà Anna là người đã 84 tuổi. Phúc Âm nói rằng đã từ nhiều năm họ đợi chờ Chúa đến mỗi ngày, với lòng trung thành lớn lao. Họ đã muốn trông thấy Ngài ngày hôm đó, tiếp nhận các dấu chỉ, trực giác được lúc khởi đầu. Có lẽ họ cũng đã hơi cam chịu phải chết trước: tuy nhiên sự chờ đợi lâu dài tiếp tục chiếm hữu suốt cuộc đời họ, họ đã không có dấn thân nào khác quan trọng hơn. Và thế là khi Maria và Giuse đến Đền Thờ để chu toàn các đòi buộc của Luật Lệ, ông Simeon và bà Anna được Thánh Thần linh hứng, hăng hái tiến lên (x. Lc 2,27). Sức nặng của tuổi đời và sự chờ đợi biến mất trong chốc lát. Họ nhận ra Con Trẻ và khám phá ra một năng lực mới, cho một nhiệm vụ mới: là cảm tạ và làm chứng cho Dấu Chỉ đó của Thiên Chúa. Ông Simeon đã ứng khẩu một thánh thi rất hay đẹp diễn tả niềm vui (x. Lc 2,29-32) và bà Anna đã trở thành người đầu tiên rao giảng về Chúa Giêsu: “Bà nói về Con Trẻ với tất cả nhũng ai trông đọi ơn cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38).

Các ông bà nội ngoại thân mến, các người già thân mến, chúng ta hãy bước theo hai cụ già ngoại thường này! Chúng ta cũng hãy trở thành các thi sĩ của lời cầu nguyện một chút: hãy ưa thích tìm các lời của chúng ta, chúng ta hãy lấy lại những gì mà Lời Chúa đạy chúng ta. Thật là một ơn trọng đại cho Giáo Hội lời cầu nguyện của các ông bà nội ngoại! Một tiêm chích lớn của sự khôn ngoan cả cho toàn xã hội loài người nữa; nhất là cho xã hội quá chộn rộn với công ăn việc làm, quá bận bịu, quá lo ra. Nhưng phải có ai đó hát ca chúc tụng các dấu chỉ của Thiên Chúa cho các xã hội ấy! Chúng ta hãy coi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã lựa chọn sống quãng đời còn lại trong cầu nguyện và trong việc lắng nghe Thiên Chúa! Một tín hữu lớn thuộc truyền thống chính thống thế kỷ trước là Olivier Clément đã nói: “Một nền văn minh nơi người ta không cầu nguyện nữa là một nền văn minh nơi  tuổi già không còn ý nghĩa. Và đây là điều kinh khủng, trước hết chúng ta cần các người già cầu nguyện, bởi vì tuổi già được ban cho chúng ta là cho việc đó”.

Đề cập đến những gì người già có thể làm ĐTC nói:

Chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì các ơn lành đã nhận  lãnh và làm đầy sự trống rỗng của sự vô ơn bao quanh. Chúng ta có thể cầu bầu cho các chờ mong của các thế hệ mới và trao ban phẩm giá cho ký ức và các hy sinh của các thế hệ đã qua. Chúng ta có thể nhắc nhớ cho người trẻ tham vọng biết rằng một cuộc sống không tình yêu thương là một cuộc sống khô cằn. Chúng ta có thể nói với những người trẻ sợ hãi rằng có thể chiến thắng nỗi lo lắng cho tương lai. Chúng ta có thể dậy cho người trẻ quá si mê chính mình rằng có nhiều niềm vui trong việc cho đi hơn là nhận lãnh. Các ông bà nội ngoại làm thành một ca đoàn thường xuyên của một đền thánh tinh thần lớn lao, nơi lòi cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và chiến đấu trong cánh đồng cuộc sống.

Sau cùng lời cầu nguyện liên lỉ thanh tẩy con tim. Lời chúc tụng và khẩn nài lên Thiên Chúa ngăn ngừa sự chai cứng của con tim trong oán hận và ích kỷ. Thật xấu xa biết bao thái độ trơ trẽn của một người già đã đánh mất đi ý thức về chứng tá của mình, khinh rẻ giới trẻ và không thông truyền sự khôn ngoan của cuộc sống! Trái lại đẹp đẽ biết bao sự khích lệ mà người già thành công thông truyền cho người trẻ đang đi tìm ý nghĩa đức tin và cuộc sống! Đó thật là sứ mệnh của các ông bà nội ngoại, ơn gọi của người già. Các lời nói của ông bà nội ngoại có cái gì đặc biệt đối với người trẻ. Và họ biết điều ấy. Các lời mà bà nội tôi viết cho tôi trong ngày thụ phong linh mục của tôi, tôi vẫn còn luôn luôn đem theo trong sách thần vụ.

Tôi mong ước biết bao nhiêu một Giáo Hội thách đố nền văn hóa gạt bỏ với niềm  vui tràn bờ của một vòng tay ôm giữa người trẻ và người già.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đặc biệt là các giáo chức giáo phận Nanterre, ĐTC mời gọi họ tiếp đón các người già đề nhận được từ họ chứng tá sự khôn ngoan cần thiết cho các thế hệ trẻ.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Indonesia, Hồng Kông, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các Giám Mục Nam Hàn về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. ĐTC nói ngài vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm Nam Hàn hồi tháng 8 năm ngoái.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt nhóm Thanh Sinh Công và khích lệ mọi người thắng vượt nền văn hóa gạt bỏ làm sao để cho người già và người trẻ tái gặp gỡ nhau trong niềm vui.

Chào các nhóm đến từ Tây Ban Nha, Puerto Rico, Argentina và Mêhicô ĐTC nói ngài rất ước ao Giáo Hội thắng vượt được nền văn hóa gạt bỏ và thăng tiến sự gặp gỡ giữa các thế hệ khác nhau.

Với các nhóm hành hương Ba Lan ngài đặc biệt chào các học sinh trường trung học Starachowic cùng cha mẹ hành hương Roma nhân kỷ niệm 10 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời. ĐTC nhắn nhủ họ duy trì ký ức và các giáo huấn của thánh nhân, trung thành với Thiên Chúa và quê hương Ba Lan, cũng như truyền thống tôn trọng của cha ông quý mến người già.

Trong các nhóm Italia ngài chào các nữ tu dòng Chúa Thánh Thần, các Nữ tử Thánh Phaolô và người trẻ thuộc phong trào Tổ Ấm.

ĐTC cầu chúc Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp dấn thân xây dựng một xã hội có chiều kích nhân bản hơn, trong đó có chỗ cho mọi người nhất là người già, bệnh nhân, người nghèo và yếu đuối.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người nhớ trong tháng này Giáo Hội kỷ  niệm 500 ngày thánh nữ Terexa Avila sinh ra. Ngài cầu mong sức mạnh tinh thần của thánh nữ kích thích người trẻ tươi vui làm chứng cho đức tin; sự tin tưởng của thánh nữ nơi Chúa Cứu Thế trợ giúp người đau yếu trong những lúc khổ đau: và nhiệt huyết tông đồ của thánh nữ mời gọi các đôi tân hôn đặt để Chúa Kitô vào trung tâm gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Hàn Quốc và Mông Cổ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Hàn Quốc và Mông Cổ

ĐTC tiếp kiến các GM Đại Hàn và Mông CổĐTC tiếp kiến các GM Đại Hàn và Mông Cổ

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các GM Hàn Quốc giúp các tín hữu gặp gỡ và làm chứng cho Chúa Kitô, đồng thời tăng cường việc mục vụ giới trẻ.

 Trên đây là nội dung bài huấn dụ ngài trao cho 27 GM Hàn quốc và Đức GM Wenceslao Padilla của Mông Cổ, trong cuộc gặp gỡ sáng 12-3-2015, nhân dịp các vị về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

 Sau khi nhắc lại tấm gương của các Chân phước tử đạo Hàn quốc mà ngài tôn phong trong cuộc viếng thăm hồi tháng 8 năm 2014, ĐTC mời gọi các GM cùng với các LM, tu sĩ nam nữ và thủ lãnh giáo dân trong các giáo phận thuộc quyền, hãy ”làm sao để các giáo xứ, trường học và trung tâm tông đồ là những nơi gặp gỡ đích thực: gặp gỡ với Chúa, Đấng dạy chúng ta cách yêu thương và mở mắt để chúng ta nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và gặp gỡ nhau, nhất là những người nghèo, người già, người bị bỏ quên giữa chúng ta. Khi chúng ta gặp Chúa Giêsu và cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa đối với chúng ta, thì chúng ta càng trở nên những chứng nhân có sức thuyết phục về quyền năng cứu độ của Chúa; chúng ta càng sẵn sàng chia sẻ tình yêu của chúng ta đối với Chúa và những hồng ân Chúa ban cho chúng ta..”

 Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhìn nhận những cố gắng của các GM Hàn Quốc nhắm giúp người trẻ tham gia nhiều hơn vào cuộc sống và sinh hoạt của các giáo xứ, giáo phận. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc làm gương cho người trẻ và khẳng định rằng ”Mặc dù chúng ta rao giảng chính Chúa Kitô chứ không phải chúng ta, chúng ta vẫn được kêu gọi trở nên mẫu gương cho Dân Chúa (Xc 1 Pr 5,3), để lôi kéo dân đến cùng Chúa. Người trẻ sẽ rất mau lẹ nhắc nhở chúng ta và Giáo Hội nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh niềm tin của chúng ta. Sự thẳng thắn của họ về vấn đề này có thể trợ giúp chúng ta, cũng như khi chúng ta tìm cách giúp các tín hữu biểu lộ niềm tin trong cuộc sống hằng ngày của họ”.

 Trong ý hướng trên đây, ĐTC kêu gọi các GM luôn nghĩ đến người trẻ khi suy tư về đời sống giáo phận và khi đề ra hoặc duyệt lại các chương trình mục vụ. Ngài viết: ”Anh em hãy coi giới trẻ như những người đối tác trong việc xây dựng một Giáo Hội thánh thiện, có tinh thần thừa sai và khiêm tốn hơn, một Giáo Hội yêu mến và phụng sự Chúa bằng cách phục vụ người nghèo, người cô đơn, người yếu đau và bị ở ngoài lề” (SD 12-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha: biểu lộ Chúa từ bi qua Bí tích Giải Tội

Đức Thánh Cha: biểu lộ Chúa từ bi qua Bí tích Giải Tội

VATICAN. Sáng ngày 12-3-2015, ĐTC đã tiếp kiến 400 LM trẻ và các chủng sinh năm cuối vừa kết thúc khóa học thứ 26 về giải tội và những vấn đề lương tâm, do Tòa Ân giải tối cao tổ chức.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắn nhủ các vị ban bí tích hòa giải hãy liên tục cụ thể hóa và biểu lộ tôn nhan từ bi của Thiên Chúa. ”Sống bí tích này có nghĩa là giúp anh chị em chúng ta cảm nghiệm an bình và cảm thông, về mặt nhân bản và Kitô. Không được biến Bí tích giải tội thành một thứ ”tra tấn”, cần làm sao để tất cả các hối nhân, khi ra khỏi tòa giải tội cảm thấy niềm hạnh phúc trong tâm hồn, với khuôn mặt rạng ngời hy vọng, và đôi khi đẫm lệ hoán cải, và niềm hy vọng từ đó mà ra.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Bí tích giải tội, với tất cả những hành vi của hối nhân, không có nghĩa là một cuộc khảo cung nặng nề, gây khó chịu và xen vào cuộc sống. Trái lại bí tích này phải là một cuộc gặp gỡ giải thoát và đầy tình người, qua đó có thể giáo dục hối nhân về lòng từ bi, lòng từ bi này không loại trừ, nhưng bao gồm đúng đắn sự quyết tâm đền bù, sửa chữa sự ác đã phạm.”

ĐTC không quên nhắn nhủ các cha giải tội hãy để cho mình được bí tích hòa giải giáo dục. Ngài viết: ”Bao nhiêu lần chúng ta được khích lệ khi nghe những lời xưng tội. Những anh chị em đang sống tình hiệp thông đích thực với Chúa về mặt bản thân và Giáo Hội, một tình yêu chân thành đối với tha nhân. Những tâm hồn đơn sơ, có tinh thần thanh bần, hoàn toàn phó thác cho Chúa, tín thác nơi Giáo Hội, và nơi vị giải tội. .. Chúng ta học hỏi được bao nhiêu điều nơi sự hoán cải và thống hối của các anh chị em chúng ta! Họ cũng thúc đẩy chúng ta hãy xét mình: Tôi là linh mục, tôi có yêu mến Chúa, Đấng đã cho tôi trở thành thừa tác viên lòng từ bi của Chúa hay không? Là linh mục, tôi có sẵn sàng thay đổi, hoán cải như hối nhân này hay không, người mà tôi đang phục vụ?” (SD 12-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐHY Parolin: quốc tế ít chú ý đến Syria, Iraq, Ukraine

ĐHY Parolin: quốc tế ít chú ý đến Syria, Iraq, Ukraine

ROMA. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, than phiền cộng đồng quốc tế có phần dửng dưng đối với các cuộc xung đột tại Syria, Iraq và Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí hôm 11-3-2015 ở Roma, ĐHY Parolin nói: ”Rất tiếc là người ta quen với những tình trạng xung đột ấy, đúng vậy, tôi tin là có sự dửng dưng phần nào, cả cuộc xung đột ở Siria tiếp tục tàn hại nhưng không còn thu hút sự chú ý như đã có thể lúc ban đầu. Và đó là nguy hiểm lớn nhất: người ta quên lãng các cuộc chiến tranh và những tình trạng xung đột ấy ngày càng trở nên khó chữa trị và chúng tiếp tục gây ra nhiều đau khổ lớn lao. Cần tiếp tục quan tâm và cảnh giác, đề ra những sáng kiến có thể giúp giải quyết, mặc dù nhiều sáng kiến không đạt tới những mục tiêu ta nhắm tới”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng phê bình tình trạng sa lầy trong việc cải tổ LHQ và nói rằng: ”Cho đến nay người ta chỉ ghi nhận bối cảnh thế giới đã thay đổi và không có những tác nhân như trước đây, nhưng người ta vẫn chưa tìm được giải pháp hoặc không quyết định và không chấp nhận các giải pháp cải tổ LHQ; chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh về điểm này mỗi khi có thể. Nhưng dầu sao LHQ vẫn là một phương tiện có giá trị để đương đầu với các cuộc khủng hoảng, chúng tôi vẫn luôn nói và tin điều đó, nhưng cần có một LHQ được canh tân đối với thực tại mới chúng ta đang gặp phải”.

Trả lời câu hỏi về tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, ĐHY Parolin nhìn nhận ”có những tiếp xúc đang tiến hành và có ý muốn đối thoại, một cuộc đối thoại có những nhịp độ và thời gian, và chúng tôi hy vọng nó có thể mang lại vài kết quả. Nhưng tôi muốn nói rằng về những điều mà báo chí đăng tải, không có gì mới mẻ đáng kể. Có ý muốn đối thoại và có vài tiếp xúc, và chúng tôi hy vọng nó có thể được cụ thể hóa một cách rõ ràng và có tổ chức hơn”.

ĐHY Parolin đã trả lời câu hỏi của giới báo chí bên lề buổi thuyết trình của ngài tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma về đề tài ”Hòa bình: hồng ân của Thiên Chúa, trách nhiệm của con người, sự dấn thân của các tín hữu Kitô”.

Trong bài thuyết trình, ĐHY nói đến vai trò của các vị Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và hoạt động ngoại giao của các vị Giáo Hoàng, đặc biệt trong thời đại tân thời. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô, tuy rằng ”sự bảo vệ này phải được thi hành đối với những nạn nhân của các cuộc xung đột, trước khi để ý đến họ thuộc một cộng đồng tôn giáo nào”. Tòa Thánh dấn thân 'củng cố công pháp quốc tế về nhân đạo' trong những tình trạng xung đột.

ĐHY Parolin minh xác rằng việc sử dụng võ lực phải được coi như giải pháp cuối cùng, và càng ngày càng cần phải hoạt động để ”phòng ngừa chiến tranh” qua những phương thế như thương thuyết, đối thoại, điều đình. Trong bối cảnh này, ĐHY cầu mong trong tiến trình cải tổ giáo triều Roma, cần thiết lập một văn phòng về sự trung gian của Đức Giáo Hoàng, như một phương tiện có thể đặc biệt hữu ích trong các cuộc thương thảo quốc tế” (Vat. Ins. 11-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phúc trình chi thu lạc quyên giúp Thánh Địa

Phúc trình chi thu lạc quyên giúp Thánh Địa

VATICAN. Trong năm 2014, hơn 7 triệu rưỡi Mỹ kim đã được dùng để trợ giúp các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa và giúp người tị nạn Siria và Irak.

 Theo thông cáo do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, công bố hôm 10-3-2015, trong số ngân khoản do các giáo phận trên thế giới lạc quyên trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2014, có 2,5 triệu mỹ kim được dùng để cứu trợ cấp thời cho dân chúng tại Irak và Siria, hơn 2 triệu 600 ngàn mỹ kim được dành để hỗ trợ nền giáo dục Công Giáo các cấp và 2 triệu 400 ngàn mỹ kim khác được dùng để tài trợ các dự án nhỏ, kể cả việc hỗ trợ Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa.

 Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã công bố danh sách các dự án được tài trợ nhân dịp phổ biến thư gửi các GM giáo phận trên thế giới mời gọi các vị cho tổ chức các cuộc lạc quyên theo ý ĐTC để giúp Thánh Địa.

 65% ngân khoản quyên góp được Bộ trao cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa là đơn vị của dòng đặc trách hầu hết các nơi thánh liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu và săn sóc mục vụ cho các tín hữu trong vùng, đảm trách các trường Công Giáo, các tổ chức bác ái, đào tạo LM và tu sĩ. 35% ngân khoản còn lại được sử dụng để tài trợ các dự án được Bộ Đông phương chọn tại các nơi khác ở Thánh Địa, đạo Cipro, Siria, Liban, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Irak.

 Không đồng nào được dùng để giúp Trung ương dòng Phanxicô đang bị thiếu hụt ngân sách. Một tu sĩ Phanxicô ở Thánh Địa cho biết sau khi nhận được số tiền lạc quyên từ các giáo phận, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương gửi thẳng tiền cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa để chi cho các dự án được chấp thuận. Trung ương dòng Phanxicô không liên hệ gì tới tiến trình này.

 Trong số các dự án được chấp thuận cho Thánh Địa có việc trợ giúp các tín hữu Kitô thiểu số trong vùng, bảo trì các địa điểm khảo cổ và Đền thánh Kitô, cũng như tạo cơ hội cho các tín hữu hành hương kính viếng các nơi này như Vườn Giệtsimani, Đền thờ Mộ Thánh, nhà Tiệc Ly, Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Nazareth, khu khảo cổ ở Magdala, Capharnaum, Núi Tabor, Cana, Núi Nebo bên Giordani, trợ giúp học bổng cho 295 sinh viên đại học, mua dụng cụ cho 10 xưởng tiểu thủ công, tu bổ một số nhà ở của các gia đình nghèo nhất ở cổ thành Jerusalem, Beit Hanina, Bethlehem.. (CNS 10-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tòa Thánh kêu gọi lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Địa

Tòa Thánh kêu gọi lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Địa

VATICAN. ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đã gửi thư đến các Giám mục giáo phận trên toàn thế giới, kêu gọi tổ chức lạc quyên vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tới đây (3-4-2015), để giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Thánh Địa.

 ĐHY Sandri nhắc lại truyền thống lạc quyên này, theo lời mời gọi của các vị Giáo Hoàng, để hỗ trợ cộng đồng các tín hữu và các nơi của Thánh Địa. Sự hỗ trợ này càng cần thiết trong thời điểm bi thảm hiện nay của toàn vùng Trung Đông.

 Sau khi nhắc đến lời nhắn nhủ nồng nhiệt của Thánh Phaolô Tông Đồ về việc lạc quyên nơi các cộng đồng Kitô tiên khởi để giúp đỡ người nghèo ở Thánh Địa (Xc Rm 15,25-26; Gl 2,10, 1 Cr 16, 2 Cr 8-9), ĐHY Sandri viết:

 ”Như thánh Tông Đồ, cả ĐGH Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm đến những đau khổ của bao nhiêu anh chị em ở phần đất ấy của thế giới, đã trở nên thánh thiêng nhờ Máu của Con Chiên, và ”tình hình trong những tháng gần đây trở nên trầm trọng vì các cuộc xung đột xâu xé vùng này […]. Nỗi đau khổ ấy kêu thấu tới Thiên Chúa và kêu gọi sự dấn thân của tất cả chúng ta, trong kinh nguyện và mọi loại sáng kiến” (ĐTC Phanxicô, thư gửi các tín hữu Kitô Trung Đông, 21-12-2014).

 ĐHY Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công Giáo Đông phương nhắc đến thảm trạng hiện nay hàng triệu người phải trốn chạy từ Siria và Irak, nơi tiếng súng đạn vẫn chưa yên và con đường đối thoại và hòa hợp dường như hoàn toàn bị sa lầy, trong khi đó có sự trổi vượt oán thù điên rồ của những kẻ giết người và sự tuyệt vọng vô phương tự vệ của những bị mất tất cả sản nghiệp và bị bứng khỏi phần đất của cha ông họ”. Ngài nhận xét rằng ”nếu các tín hữu Kitô ở Thánh Địa được khuyên nhủ hãy hết sức chống lại mọi cám dỗ bỏ chạy, thì các tín hữu trên thế giới cũng được yêu cầu quan tâm đến số phận của các tín hữu tại Thánh Địa..”

 Và ĐHY Sandri kết luận rằng ”Tôi cầu mong cuộc lạc quyên này được sự đón nhận của tất cả các Giáo phận, để gia tăng sự tham gia trong tình liên đới. Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương phối hợp sự tham gia này để bảo đảm cho Thánh Địa sự nâng đỡ cần thiết đố với những nhu cầu của đời sống bình thường của Giáo Hội và mọi nhu cầu cần thiết khác” (SD 10-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

ĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chứcĐHY Jean Louis tuyên thệ nhậm chức (Courtesy pic. from Reuter)

VATICAN. Sáng ngày 9-3-2015, trước mặt ĐTC tại nhà nguyện Urbano VIII, ĐHY Jean Louis Tauran đã tuyên thệ nhậm chức Hồng Y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

 ĐTC đã chủ sự nghi thức, đọc các đoạn sách phụng vụ, nhưng không có diễn văn nào. Còn ĐHY Tauran sau đó đã nói ít lời cám ơn ĐTC.

 ĐHY Tauran người Pháp, 72 tuổi (1943) hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ngày 20-12-2014, ngài được ĐTC bổ nhiệm thay thế ĐHY Tarcisio Bertone SDB trong nhiệm vụ nhiếp chính. Vị phó nhiếp chính là Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

 Hồng Y nhiếp chính là vị chủ tịch của Tông Phòng (Camera Apostolica) và chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi vật chất, tài sản của Tòa Thánh trong khi Tòa Thánh trống vị. Trong thời kỳ trống tòa như vậy, ngài không bị ngưng chức như các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh. Ngài thi hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

 ĐHY nhiếp chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng của ĐGH quá cố, cho phép hững người thường ở trong căn hộ của ĐGH được tiếp tục ở đó cho đến khi an táng ĐGH, sau đó toàn thể căn hộ sẽ bị niêm phong.

 Ngài cũng là người thông báo chính thức tin ĐGH qua đời cho ĐHY giám quản Roma và toàn thể dân thành này, cũng như cho ĐHY Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

 ĐHY nhiếp chính, sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng y trưởng của 3 đẳng GM, LM và Phó tế, sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng ĐGH quá cố. Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. ĐHY cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng. Ngài cho phép chụp hình vị Giáo Hoàng quá cố để làm tài liệu..

 ĐHY nhiếp chính nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới cuộc bỏ phiếu..

 Những qui định trên đây được trình bày trong Tông hiến ”Universi Dominici Gregis” ([Mục tử] của toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống vị.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA

Phụng vụ Lời Chúa qua hai Chúa Nhật Mùa Chay cho thấy Đức Giêsu vừa là con người phải chịu cám dỗ trong sa mạc, vừa là Con Thiên Chúa nơi biến cố Hiển Dung trên núi Tabor.

Phụng vụ Lời Chúa tuần 3 Mùa Chay trình bày Đức Giêsu là Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự kiện thanh tẩy đền thờ Giêrusalem.

1. Chúa Giêsu thánh tẩy đền thờ

Đối với Do thái giáo, Lễ Vượt Qua là một đại lễ, tưởng niệm cuộc vượt qua Biển Đỏ tiến về Đất Hứa. Lễ Vượt qua được tổ chức vào ngày 15 tháng Nissan, tức là tháng 4 dương lịch.

Mọi người trong đất nước Palestin đều về Giêrusalem dự lễ.Cả những người tản mác khắp thế giới không bao giờ quên tôn giáo, tổ tiên cũng về dự đại lễ quan trọng nhất này. Dầu sống ở xứ nào, người Do thái vẫn ước mơ và hy vọng được dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem ít nhất là một lần trong đời.Trong dịp này Chúa Giêsu cùng đi dự lễ Vượt qua với các môn đệ.

Thuế Đền Thờ là một sắc thuế mà mỗi người Do thái từ 9 tuổi trở lên đều phải đóng.Tiền thuế là ½ siếc-lơ, tương đương với 2 ngày công nhật.

Trong việc giao dịch thương mại, mọi loại tiền đều có giá trị tại Palestin. Nhưng tiền thuế Đền thờ phải nộp bằng đồng siếc-lơ Galilê hoặc siếc-lơ của Đền Thờ. Khách hành hương đến Đền Thờ phải đổi tiền siếc-lơ. Vì vậy trong sân Đền Thờ có nhiều người làm nghề đổi tiền.Tiền huê hồng khi đổi là ¼ ngày công cho 1đồng. Cứ 4 đồng siếc-lơ thì người đổi được lợi một ngày công. Do đó số tiền thuế Đền thờ và lợi tức đổi tiền thật là lớn.

Điều khiến Chúa Giêsu nổi giận là khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi.

Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.

Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận. Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ;còn tiền của những người đổi bạc,Người đổ tung ra,và lật nhào bàn ghế của họ.

Trong Phúc âm hiếm khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng,lật tung bàn ghế, lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x. Gr 7,11).

Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến Đền thờ: "Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 69,10).Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).

2. Tại sao Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ?

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm.

Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.

Các ngôn sứ đã loan báo: “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu,mỡ bê mập, Ta chán ngấy.Máu chiên dê Ta chẳng thèm.” (Is 1,11). "Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận" ( Tv 50,16).

Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính.Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.

Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ  vì "Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện"

Đền thờ là nơi Thánh,là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.

Các chức sắc Đền thờ,các con buôn người Do thái đã biến Đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn. Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khách hành hương không thể cầu nguyện được.

3. Xây dựng đền thờ tâm hồn.

Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem. Chúa muốn chúng ta thanh tẩy Đền thờ tâm hồn của mình.

Đền thờ tâm hồn không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá. Đền thờ tâm hồn được xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

Trong Đức Kitô, chúng ta đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.

Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa đã đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ vì họ đã đem đền thờ biến thành nơi buôn bán, đổi chác;

Xin Chúa xua đuổi nhưng thói hư tật xấu ra khỏi tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An