Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

Người Kitô hữu mở đường cho Chúa Giêsu bằng đời sống chứng tá

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-16-12-2016

Người Kitô hữu nhận thấy thánh Gioan Tẩy Giả là chứng tá khiêm nhường cho Chúa Giêsu. Thánh nhân đã trở nên nhỏ đi, để cho Chúa lớn lên, để giới thiệu Con Thiên Chúa cho mọi người. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu

Trong những ngày này, Tin Mừng giúp chúng ta tập trung vào chân dung của Gioan Tẩy Giả. Ông là chứng nhân cho Chúa Giêsu. Ơn gọi của ông là làm chứng cho Chúa, là giới thiệu Chúa cho mọi người, là ngọn đèn cháy sáng.

Ngọn đèn chiếu tỏa ánh sáng, làm chứng cho ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Chính ông nói: Tôi là tiếng kêu trong hoang địa. Ông là tiếng kêu, là tiếng nói làm chứng cho Lời của Thiên Chúa, cho Ngôi Lời Thiên Chúa. Ông chỉ là tiếng kêu. Ông rao giảng về ơn sám hối và làm phép rửa để giúp mọi người sám hối. Ông nói cách rõ ràng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, và tôi không đáng để cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa.”

Sự khiêm tốn của Gioan là khuôn mẫu cho người tín hữu

Gioan thật vĩ đại, vĩ đại vì ông rất khiêm tốn. Ông cho thấy Người quan trọng là Chúa Giêsu chứ không phải ông. Khi dân chúng và các luật sĩ hỏi: Ông có phải là Đấng Cứu Thế không? Ông trả lời rõ ràng: Tôi không phải.

Lời chứng của ông rất mạnh mẽ và xác quyết, không có chút gì là hư danh. Tiếng nói của ông dập tắt sức mạnh của kiêu hãnh. Tiếng nói ấy mở cánh cửa cho lời chứng khác. Đó là lời chứng từ chính Chúa Cha. Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta có lời chứng còn mạnh hơn cả lời chứng của Gioan, đó là lời chứng từ Chúa Cha.” Và Gioan đã mở cánh cửa cho lời chứng này. Ông Gioan đã nghe thấy tiếng nói từ Chúa Cha về Chúa Giêsu rằng: “Này là Con của Ta”. Thật tuyệt vời là sau khi mở cánh cửa, Gioan đã luôn lùi sang một bên. Đó là con đường khiêm tốn của ông. Cuối đời, ông chết trong tù, bị Hêrôđê chặt đầu chỉ vì vua chiều theo ý thích của bà mẹ dâm đãng xúi giục đứa con gái.

Người Kitô hữu mở đường cho Chúa bằng chính cuộc sống

Hôm nay thật là một ngày đẹp để chúng ta tự hỏi về đời sống Kitô của chính mình. Đời sống chúng ta có mở đường cho Chúa Giêsu không. Nếu đời sống có đầy những cử chỉ tốt đẹp ấy, chúng ta hãy dâng lên Chúa. Chúng ta hãy tiếp bước để làm chứng cho Chúa Giêsu, giống như thánh Gioan đã làm. Thánh nhân đã làm chứng tuyệt vời và ngài trợ giúp chúng ta trên bước đường chứng tá.

Tứ Quyết SJ

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Lòng thưong xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

ĐTC Phanxicô hôn các trẻ em trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 30-3-2016

Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

Chúng ta tất cả đều cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa giải thoát khỏi sự dữ, tội lỗi và cái chết. Dù chúng ta có lỗi phạm gì đi nữa, thì lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với ĐTC sáng thứ tư hôm qua.  ĐTC đã kết thúc các suy tư về lòng thương xót trong Cựu Ước với thánh vịnh 51, là lời cầu sám hối xưng thú lỗi lầm và xin tha tội, trong đó người cầu nguyện để cho tình yêu của Chúa thanh tẩy và trở thành một thụ tạo mới, có khả năng vâng lời, có tinh thần vững mạnh và chúc tụng chân thành.

Tựa đề do truyền thống do thái cổ xưa đặt cho thánh vịnh ám chỉ vua Đavít và tội nhà vua phạm với bà Betsabea,vợ ông Urigia người Híttít. Chúng ta biết rõ chuyện của vua Đavít, được Thiên Chúa kều gọi chăn dắt và hướng dẫn dân trên các con đường tuân phục Lề Luật của Chúa, nhưng nhà vua đã phản bội sứ mệnh của mình, và sau khi đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabea, ông đã sát hại chồng bà. Thật là tội xấu xa! Ngôn sứ Nathan đã vén mở tội của vua và giúp vua nhận ra lỗi lầm. Đây là lúc giao hoà với Thiên Chúa trong việc xưng thú tội lỗi của mình. Chính ở đây vua Đavít đã khiêm tốn và cao cả! ĐTC nói:

Ai cầu nguyện với Thánh vịnh này được mời gọi có cùng các tâm tình sám hối và tin tưởng nơi Thiên Chúa mà vua Đavít đã có khi ông nhìn lại mình,  và tuy là vua, ông đã hạ mình xuống mà không sợ xưng thú tội lỗi và cho Chúa thấy sự bần cùng của ông, nhưng xác tín về lòng thương xót của Ngài. Và điều vua đã làm không phải là một tội nhỏ, một lời nói dối nhỏ: ông đã là một kẻ ngoại tình và giết người!

Thánh vịnh bắt đầu với các lời khẩn nài sau đây:

“ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,

 tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3-4).

Lời khẩn nài hướng tới Thiên Chúa của lòng thương xót, để được thúc đẩy bởi một tình yêu lớn lao như tình yêu của một người cha người mẹ, Ngài thương xót, nghĩa là ban ơn thánh, cho thấy ân huệ của Ngài với lòng tốt và sự cảm thông. Đó là một lời kêu than đau đớn lên Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhiều hình ảnh rất linh động được sử dụng: xoá bỏ, rửa sạch con, làm cho con được tinh tuyền. Trong lời cầu này nhu cầu đích thật của con người được biểu lộ: điều duy nhất mà chúng ta thật sự cần có trong cuộc sống đó là được tha thứ, được giải thoát khỏi sự dữ và các hậu quả chết chóc của nó. Rất tiếc cuộc sống khiến cho chúng ta kinh nghiệm biết bao lần các tình trạng này; và còn hơn thế nữa trong các tình trạng đó chúng ta phải tín thác nơi lòng thương xót. ĐTC nhấn mạnh lòng thương xót Chúa như sau:

Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta! “Thưa cha, con không biết nói sao, con đã phạm biết bao nhiêu tội, mà là những tội nặng!” Thiên Chúa cáo cả hơn tất cả những tội mà chúng ta có thể phạm. Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có cùng nhau nói lên điểu này không? Tất cả cùng nhau: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Một lần nữa: “Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi của chúng ta!” Và tình yêu của Ngài là một dại dương trong đó chúng ta có thể dìm mình mà không sợ hãi bị chìm nghỉm: đối với Thiên Chúa tha thứ có nghĩa là trao ban cho chúng ta sự chắc chắn rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Bất cứ gì chúng ta có thể trách cứ chính mình, Ngài vẫn luôn luôn cao cả hơn tất cả (Gr 3,20), bởi vì Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của chúng ta.

Trong nghĩa này ai cầu nguyện với Thánh vịnh này tìm kiếm sự tha thứ, xưng thú tội lỗi mình, nhưng khi thừa nhận nó họ cử hành công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thế rồi ông còn xin ơn thánh và lòng thương xót nữa. Tác giả thánh vịnh tín thác nơi lòng lành của Thiên Chúa, ông biết rằng ơn tha thứ của Chúa vô cùng hữu hiệu, bởi vì nó tạo ra điều nó nói. Nó không che dấu tội lỗi nhưng huỷ diện và xóa bỏ tội lỗi; Ngài xóa bỏ tận gốc rễ, không phải như người ta làm trong tiệm giặt, khi chúng ta đem quần áo tới và họ tẩy các vết bẩn. Không! Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi chúng ta tận gốc rễ, xóa bỏ tât cả! Vì thế người sám hối lại trở nên trong trắng, mọi vết nhơ bị loại bỏ và giờ đây họ trắng hơn tuyết không bị ô nhiễm. Tất cả chúng ta là những người tội lỗi. Điều này đúng có phải không? Nếu có ai trong anh chị em không cảm thấy mình là người tội lỗi, thì giơ tay lên… Không có ai hết! Tất cả chúng ta đều tội lỗi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta những kẻ tội lỗi, với ơn tha thứ, chúng ta trở nên các thụ tạo mới, tràn đầy thần khí và niềm vui. Giờ đây một thực tại mới bắt đầu cho chúng ta: một con tim mới, một tinh thần mới, một cuộc sống mới. Chúng ta những người tội lỗi đã được tha thứ, chúng ta đã đón nhận ơn thánh Chúa, chúng ta cũng có thể dậy cho người khác đừng phạm tội nữa. “Nhưng mà thưa cha, con yếu đuối, con ngã, con ngã”. “Nhưng nếu bạn ngã,  thì hãy đứng lên! Đứng lên!”. Khi một đứa bé ngã, nó làm gì?” Nó giơ tay cho mẹ cho cha để kéo nó đứng lên. Chúng ta cũng hãy làm như thế! Nếu bạn ngã vì yếu đuối trong tội lỗi thì hãy giơ tay lên: Chúa cầm lấy nó và sẽ giúp bạn đứng lên. Đó là phẩm giá sự tha thứ của Thiên  Chúa! Phẩm giá trao ban cho chúng ta sự tha thứ của Thiên Chúa là phẩm giá đứng lên, luôn luôn đứng lên, bởi vì Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ để họ đứng thẳng.

Tác giả thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một

tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ… Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.” ( Tv 51,12.15).

Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến, ơn tha thứ của Thiên Chúa là điều mà chúng ta tất cả cần đến và là dấu chỉ lớn lao nhất lòng thương xót của Ngài. Một ơn mà mỗi một người tội lỗi được tha thứ được mời gọi chia sẻ với mọi anh chị em mình gặp gỡ. Tất cả những ai mà Chúa đặt để bên cạnh chúng ta, các người thân trong gia đình, bạn bè, bạn cùng làm việc, tín hữu giáo xứ… tất cả như chúng ta đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật là đẹp được tha thứ, nhưng bạn, nếu bạn muốn được tha thứ,  thì đến lượt mình cũng hãy thứ tha. Hãy thứ tha!

Xin Chúa cho chúng ta, qua lời bầu cử của mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, là các chứng nhân của sự tha thứ, thanh tẩy con tim và biến đổi cuộc sống.

Hôm qua đã có rất nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục giáo phận hướng dẫn về Roma mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. ĐTC đã chào các nhóm đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Luxembourg, Anh quốc, Ireland, Na Uy, Đức, trong đó có nhóm tín hữu giáo phận Regensburg do ĐC Rudolf Vordeholzer hướng dẫn, và các tín hữu  Hoà Lan trong đó có nhóm các đại chủng sinh giáo phận Rolduc, do ĐC Franz Wiertz hướng dẫn. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Nigeria, Australia, Indonesia, Pakistan và Hoa Kỳ.

Trong các đoàn hành hương Tây Ban Nha có nhóm tín hữu giáo phận Barbastro-Monzón do ĐC Angel Javier Perez Pueyo hướng dẫn, và đoàn hành hương giáo phận León do ĐC Julián López Martín hướng dẫn.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Croat, Bosni Erzegovina, đặc biệt nhóm các liinh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân tổng giáo phận Rijeka do ĐC Ivan Devci chướng dẫn,  cũng như các đoàn hành hương Ba Lan.

Ngài chúc mừng lễ Phục Sinh tất cả và cầu mong chuyến hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố niềm tin và lòng trung thành của mọi người với Chúa Kitô, để ai nấy tươi vui làm chứng cho lòng thương xót Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào nhóm các tân Phó tế Dòng Tên mới được truyền chức chiều thứ ba vừa qua, trong đó có thầy Agostino Nguyễn Thái Hiệp, cũng nhu các bề trên và thân nhân; các nhóm bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ các giáo phận Milano, Cremona, Ravenna- Cervia, Bari; các nữ tu dòng Phan Sinh thừa sai kết thúc Tổng tu nghị. Ngài cầu chúc chuyền hành hương Roma đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC xin mọi người nhìn lên Chúa phục sinh, Đấng đã chiến thắng cái chết để hiểu giá trị cuộc sống và khổ đau như dịp quý báu của ơn cứu độ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm. Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái. Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

«««

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch? Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá. "Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời." Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: "Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giêsu trên cõi trời." (Ephêsô 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để "cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời".

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

LM Trần Ngà

Lễ Hiển Linh

Lễ Hiển Linh

Khi ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời Bêlem, là lúc tình trạng dân Israel như thầy tư tế già Dacaria phát biểu “ngồi trong nơi tối tăm và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Tuyển dân của Chúa mà còn như thế huống nữa là dân ngoại. Thánh Phaolô phác hoạ tình trạng thuộc linh của dân ngoại: “Thuở ấy anh em không có Đức Kitô, không được hưởng đặc quyền của Israel, xa lạ với các Giao Ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,12). Tóm lại, lúc Đấng Kitô giáng thế là lúc thế gian suy đồi cùng cực, đang đứng trên bờ vực thẳm, thì ngay khi ấy ngôi sao xuất hiện ở Đông Phuơng đem theo lời hứa vĩ đại Tin Mừng.

1. Ngôi sao của hy vọng.

Trong quan niệm của người Đông Phương, sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ tới một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông Phương đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn một môn học chiêm tinh với các khoa tử vi. Lịch sử Trung quốc ghi lại truyện hoàng đế Quang Vũ đời Đông Hán rất kính trọng ông Nghiêm Tử Lăng, sai sứ đi nhiều lần mới mời được ông vào triều, nhà vua tiếp đón ông rất mực kính trọng và thân thiết, giữ ông lại trong cung đến đêm và nằm chung một giường. Nửa đêm, Tử Lăng gác một chân lên bụng nhà vua, nhà vua không nỡ làm ông thức giấc, cứ để yên cho ông làm như vậy. Sáng hôm sau liền có quan thái sử tâu lên vua rằng hồi hôm xem điềm trời, thấy sao của khách xâm phạm sao nhà vua rất gấp, xin hoàng thượng nên để ý. Vua Quang Vũ cả cười nói rằng: “Ta biết rồi, việc này xảy ra chỉ vì ta và Tử Lăng cùng nằm chung một giường, và chân của Tử Lăng gác lên bụng ta mà thôi, các khanh chớ lo!”. Đối với các nhà bác học Đông Phương, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu các tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh Thánh: “Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Vì vậy khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Gia cóp” hầu tìm ra con đường sáng cho mình trong một thế giới u minh.

2. Ngôi sao thần bí

Khi nghe được tin này Hêrôđê hết hồn, với tầm óc hiểm độc và quỷ quyệt nhà vua coi đây là một điều rất dữ. Sự xuất hiện của ngôi sao cũng như sự xuất hiện những chữ viết trên bức tường của cung điện vua Benxatxa ngày xưa, dự báo sự diệt vong của nhà vua. Điều đó có nghĩa là sẽ có một vua Giuđa thay cho mình ngồi trên ngai vàng. Do đó nhà vua phải sử dụng đến mọi thủ đoạn ác độc để diệt trừ hậu hoạ khi còn trong trứng nước. Nhưng mưu độc của loài người làm sao phá hỏng được kế hoạch của Thiên Chúa. Con Trẻ mà Hêrôđê tìm giết lại là Con Trẻ thoát khỏi tai hoạ.

Một điều lạ kỳ ấy là ngôi sao một đàng là hy vọng, là niềm vui lớn cho mọi người thiện tâm, lại nên điềm dữ báo nguy cho hạng người tàn ác. Ý nghĩa cao đẹp của nó được những tấm lòng ích kỷ tham lam nhận ra. Sự xuất hiện của ngôi sao báo hiệu ngày tàn của họ đã tới!

3. Ngôi sao dẫn đường.

Ngôi sao trên bầu trời Bêlem đã dẫn các đạo sĩ Đông Phương trải qua cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy hiểm đã đem các ông tới nơi Con Trẻ mà các ông muốn kiếm tìm. Chính ngôi sao đã bảo tồn cho họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức tin mà Thiên Chúa đã mặc khải cho. Cũng chính ngôi sao đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là vua của họ để họ chuẩn bị lễ vật triều kính Ngài.

Ngôi sao trên bầu trời Bêlem vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho tất cả những ai cần tìm chân lý, muốn được cứu rỗi linh hồn, và mong nhận được lòng yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa.

4. Ngôi sao của vui mừng.

“Khi thấy ngôi sao dừng lại chỗ Con Trẻ, các hiền sĩ hết sức vui mừng”. Vì đối tượng mà họ khổ công tìm kiếm nay đã thấy rồi, lòng khao khát chân lý với nếp sống quang minh chính trực nay đã được hoàn toàn thoả mãn. Niềm vui của họ là điềm báo ân phúc lớn lao sau này Chúa dành cho các môn đệ: “Thầy nói điều đó với anh em để niềm vui của Thầy ở cùng anh em và niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 15,11).

Trong những năm sau khi Chúa Giêsu giáng thế, sự vui mừng mà các hiền sĩ Đông Phương đã được hưởng, thì bao nhiêu người khác cũng được huởng nhờ ngôi sao chỉ đường dẫn lối. Lòng khao khát chân lý của họ cũng được đền đáp vì họ nhận được lòng yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa dành cho mọi người thiện tâm.

Và nếu ngôi sao trên bầu trời Bêlem này như ngọn đuốc soi đường dẫn các hiền sĩ tới mục tiêu, thì cái thế giới mà chúng ta đang sống đây mới tìm ra được ý nghĩa mới, vui mừng và hy vọng mới thay vì tuyệt vọng và sầu thảm của những ngày cũ.