Lời nguyện của Đức Thánh Cha trước Mẹ Fatima

Lời nguyện của Đức Thánh Cha trước Mẹ Fatima

FATIMA. Trước tượng Đức Mẹ Fatima tại Nhà nguyện Hiện Ra, vào lúc quá 6 giờ rưỡi chiều ngày 12-5-2017, ĐTC quỳ cầu nguyện trong thinh lặng rồi xướng lên lời khẩn nguyện với sự đối đáp của cộng đoàn.

 Ngài nói:

”Lạy Nữ Vương, là Đức Trinh Nữ Fatima, là Mẹ Khiết Tâm, là nơi nương náu và là đường dẫn đến Thiên Chúa!

Như người lữ hành theo Ánh sáng tỏa lan từ bàn tay Mẹ, con cảm tạ Chúa Cha, Đấng qua mọi nơi và mọi thời, vẫn hoạt động trong lịch sử nhân loại;

Như người lữ hành của nền hòa bình mà Mẹ đã loan báo tại nơi này, con chúc tụng Chúa Kitô, là an bình của chúng con, và con cầu xin ơn hòa hợp giữa mọi dân nước trong thế giới này;

Như người lữ hành của niềm hy vọng mà Chúa Thánh Linh khích lệ, con muốn là một ngôn sứ và là sứ giữa rửa chân cho mọi người, tại bàn ăn liên kết tất cả chúng con.

Cộng đoàn hát điệp khúc:

Kính chào Đấng nhân từ, kính chào Đấng yêu thương! Kính chào Nữ Vương Mân Côi Fatima. Kính chào Đức Trinh Nữ Maria từ nhân, yêu thương và dịu ngọt.

Kính chào Mẹ Xót Thương, là Bà mặc áo trắng! Tại nơi này, cách đây 100 năm, Mẹ đã tỏ lộ cho tất cả chúng con kế hoạch thương xót của Thiên Chúa, con nhìn đến áo ánh sáng của Mẹ, và như một Giám Mục mặc áo trắng, con nhớ đến tất cả những người mặc áo trắng trong phép rửa tội, muốn sống trong Thiên Chúa và cầu nguyện các mầu nhiệm của Chúa Kitô để kiến tạo hòa bình.

Cộng đoàn:

Kính chào Đấng nhân từ, kính chào Đấng yêu thương! Kính chào Nữ Vương Mân Côi Fatima. Kính chào Đức Trinh Nữ Maria từ nhân, yêu thương và dịu ngọt.

Đức Thánh Cha đọc tiếp:

Kính chào Mẹ là sự sống và là sự dịu dàng của chúng con, kính chào Mẹ là niềm hy vọng của chúng con, là Nữ Vương hoàn vũ là Trinh Nữ Lữ Hành!

Từ thẳm sâu con người của Mẹ, trong trái tim thanh khiết của Mẹ, Mẹ nhìn thấy niềm vui của con người, khi họ tiến bước về quê hương trên trời.

Từ đáy lòng Mẹ, trong trái tim thanh khiết của Mẹ, Mẹ nhìn thấy những sầu muộn của gia đình nhân loại đang than khóc trong thung lũng nước mắt này.

Từ sâu thẳm lòng Mẹ, trong trái tim thanh khiết của Mẹ, Mẹ trang điểm chúng con bằng những tia sáng chiếu tỏa từ mọi hạt ngọc nơi triều thiên của Mẹ và làm cho chúng con thành những người lữ hành như Mẹ đã từng là người lữ hành.

 Với nụ cười trinh khiết của Mẹ, xin củng cố niềm vui của Giáo Hội Chúa Kitô.

 Với cái nhìn dịu dàng của Mẹ, xin củng cố niềm hy vọng của các con cái Chúa.

 Với đôi tay nguyện cầu Mẹ giơ lên cao hướng về Chúa, xin liên kết tất cả chúng con trong một gia đình nhân loại:

Cộng đoàn:

Kính chào Đấng nhân từ, kính chào Đấng yêu thương! Kính chào Nữ Vương Mân Côi Fatima. Kính chào Đức Trinh Nữ Maria từ nhân, yêu thương và dịu ngọt.

Tiếp tục kinh nguyện, ĐTC thưa:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria nhân từ, yêu thương và dịu dàng, Nữ Vương Mân Côi Fatima! Xin giúp chúng con noi gương chân phước Phanxicô và Giacinta và tất cả những người hiến thân cho sứ điệp Tin Mừng. Như thế chúng con sẽ tiến bước qua mọi nẻo đường, chúng con sẽ là những người lữ hành trên mọi nẻo đường, chúng con sẽ kéo đổ mọi bức tường, vượt lên mọi biên giới, đi đến mọi vùng ngoại ô, và biểu lộ công lý và hòa bình của Thiên Chúa tại đó. Trong niềm vui Phúc Âm, chúng con sẽ là một Giáo hội mặc áo trắng, các áo trắng được giặt trong máu Con Chiên, vẫn còn đổ ra trong mọi cuộc chiến tranh, phá hủy thế giới chúng con đang sống, hình ảnh của cột sáng soi chiếu những nẻo đường thế giới, tỏ cho mọi người thấy rằng Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa ở đây, Thiên Chúa cư ngụ giữa ngườki nghèo hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Cộng đoàn:

Kính chào Đấng nhân từ, kính chào Đấng yêu thương! Kính chào Nữ Vương Mân Côi Fatima. Kính chào Đức Trinh Nữ Maria từ nhân, yêu thương và dịu ngọt.

ĐTC nói thêm rằng:

Kính Chào Mẹ của Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Mân Côi Fatima! Là người có phúc trong mọi người nữ, Mẹ là hình ảnh Giáo Hội mặc ánh sáng Phục Sinh, Mẹ là vinh dự của dân tộc chúng con, Mẹ là chiến thắng trên dấu vết sự ác. Mẹ là Lời Ngôn Sứ về tình yêu thương xót của Chúa Cha, là thày dạy Tin Mừng của Chúa Con, là dấu hiệu lửa cháy của Thánh Linh, xin dạy chúng con, trong thung lũng vui mừng và sầu muộn này, những chân lý ngàn đời mà Chúa Cha đã mạc khải choi những người bé mọn. Xin Mẹ tỏ cho chúng con sức mạnh áo choàng bảo vệ của Mẹ.

Trong trái tim thanh khiết của Mẹ, xin hãy trở thành nơi nương náu của người tội lỗi và là con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Hiệp với các anh chị em con trong đức tin, con hiến thân cho Mẹ. Hiệp với các anh chị em con, con phó dâng bản thân cho Thiên Chúa, lạuy Đức Trinh Nữ Mân Côi Fatima.

Và sau cùng, được bao bọc trong ánh sáng đến từ đôi bàn tay Mẹ, con sẽ chúc tụng vinh quang Chúa con đến muôn đời. Amen

G. Trần Đức Anh OP

Nền văn minh của thần tiền sẽ sụp đổ

Nền văn minh của thần tiền sẽ sụp đổ

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-24-11-2016

Sự trụy lạc chính là tội phạm thượng, ví như thành Babylon, nơi ấy “không có Thiên Chúa” mà chỉ có “thần tiền bạc, thần của cải, thần lợi dụng”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài nhắc mọi người nhớ rằng, trong tuần cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mời gọi chúng ta nghĩ về ngày tận cùng của thế giới và ngày kết thúc của mỗi người chúng ta.

Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền (Kh 18:1-2.21-23, 19:1-3.9a). Trong đó có ba tiếng nói vang lên.

Tiếng hô chiến thắng của thiên thần

Đầu tiên là tiếng hô lớn của thiên thần từ trời: “Sụp đổ rồi, sụp đổ rồi, thành Babilon vĩ đại!” Vì Babilon đã đã trở nên sào huyệt của những thứ ô uế và làm cho bao tâm hồn ra hư hỏng.

Sống trụy lạc là lối sống phạm thượng, sự trụy lạc là tội phạm thượng. Vì trong thế giới trụy lạc, ví như thành Babilon, không có Thiên Chúa mà chỉ có thần tiền, thần giàu sang, thần lợi dụng bóc lột. Và điều ấy đã quyến rũ bao người. Nhưng vào những ngày cuối cùng, nền văn minh kiểu này sẽ sụp đổ, và tiếng hô lớn của thiên thần vang lên: “Sụp đổ rồi!” Nó sụp đổ cùng với những cám dỗ của nó. Đế chế của hư danh, của phù vân, của kiêu căng sụp đổ, giống như ma quỷ suy sụp.

Lời ca khen của dân Chúa

Tiếng nói thứ hai là tiếng tung hô mà đoàn người đông đảo vang lời ngợi khen Chúa: “Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền!” Đó là tiếng hô của dân Chúa, của những người tuy tội lỗi nhưng không trụy lạc, mà đi tìm ơn tha thứ, tìm ơn cứu rỗi nơi Chúa Giêsu Kitô.

Những người này vui mừng khi thấy niềm vui của chiến thắng cuối cùng. Họ vang lời thờ lạy Chúa. Không chỉ có tiếng hô chiến thắng của thiên thần về sự sụp đổ của vương quốc tối tăm, mà còn có lời tung hô ngợi khen của đông đảo dân Chúa. Đối với các Kitô hữu, không dễ để có được lòng tôn thờ này. Thật là tốt mỗi khi chúng ta cầu xin điều gì đó, nhưng không dễ để chúng ta có một lời cầu nguyện ngợi khen Chúa. Bạn cần học lối cầu nguyện này. Học ngay từ bây giờ và không học trong sự vội vàng hấp tấp. Thật là đẹp trong lối cầu nguyện tôn thờ trước Thánh Thể. Một lối cầu nguyện thật đơn sơ: “Lạy Chúa! Ngài là Thiên Chúa. Con chỉ là đứa con nghèo hèn nhưng được Ngài yêu thương.”

Tiếng mời gọi dịu êm của Thiên Chúa

Tiếng nói thứ ba là lời thì thầm. Thiên thần bảo hãy viết: “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới của Con Chiên!” Lời mời của Chúa không phải là tiếng nói ồn ào nhưng là tiếng nói dịu êm. Tiếng ấy nhẹ êm giống như khi Thiên Chúa nói với ngôn sứ Êlia. Đó là vẻ đẹp của tiếng nói rót vào cõi lòng trong sự êm dịu. Khi Thiên Chúa nói với các tâm hồn, tiếng của Ngài tựa như chuỗi âm thanh lặng thinh. Lời mời dự tiệc cưới của Con Chiên chính là lời chung cục, là ơn cứu độ của chúng ta.

Những người được vào dự tiệc, theo như dụ ngôn Chúa Giêsu kể, là những người ở ngã tư đường của tốt xấu, đui mù, điếc lác, què quặt, tất cả chúng ta đều là tội nhân nhưng có đủ khiêm tốn mà thưa lên rằng: Con đầy tội lỗi, xin Chúa cứu con! Nếu chúng ta có tâm hồn như thế, Thiên Chúa sẽ mời chúng ta, và chúng ta sẽ nghe thấy tiếng thì thầm của Ngài trong lòng chúng ta, để mời gọi chúng ta đến dự tiệc.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca (21:20-28) kết thúc với câu Chúa Giêsu nói: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, tức là khi hư danh phù vân kiêu căng bị sụp đổ, thì anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đó là lúc anh em được mời vào dự tiệc cưới của Con Chiên. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để biết đợi chờ tiếng mời gọi ấy, để chúng ta chuẩn bị tâm hồn mà lắng nghe tiếng mời gọi này: Hãy đến, hãy đến, đến đây, hỡi người đầy tớ trung tín – tuy tội lỗi nhưng tín trung – hãy đến, đến dự tiệc của Chủ anh!

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh: 10-9-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh: 10-9-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 10-9-2016, ĐTC phê bình ảo tưởng của nhiều người ngày nay, tưởng rằng mình có thể được giải thoát nhờ sức riêng của mình.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh mỗi tháng một lần vào một buổi sáng thứ bẩy. Trong bài huấn giáo, ĐTC đã nói về đề tài ”Lòng thương xót và ơn cứu chuộc, dựa trên thư thứ I của thánh Phêrô, đoạn 1 (1,18-21): Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta trong máu của Chúa Giêsu Con của Ngài.

ĐTC nhận xét rằng ”Dường như con người ngày nay không thích nghĩ mình được giải thoát và cứu độ nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; họ có ảo tưởng về tự do của mình như sức mạnh để đạt được mọi sự. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được bán đi dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu thứ nô lệ mới người ta tạo nên ngày nay nhân danh một thứ tự do giả tạo! Chúng ta cần Thiên Chúa Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức dửng dưng, ích kỷ và tự mãn”.

ĐTC xác quyết rằng ”Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên không vết tỳ ố, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của chúng. Người là Con Chiên đã bị sát tế vì chúng ta, để chúng ta có thể đươc một cuộc sống mới với ơn tha thứ, yêu thương và vui mừng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Chắc hẳn cuộc sống đặt chúng ta trước thử thách và nhiều khi chúng ta đau khổ vì những thử thách ấy. Nhưng trong những lúc đó, chúng ta được mời gọi hướng nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Người đang chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, như bằng chứng chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Dầu sao chúng ta không bao giờ được quên rằng trong lo âu và bách hại, cũng như trong những đau khổ hằng ngày, chúng ta luôn được giải thoát nhờ bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên cùng Người và dẫn chúng ta đến một đời sống mới”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng: ”Tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên: chúng ta có thể khám phá những dấu hiệu luôn mới mẻ chỉ cho chúng ta thấy sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta, và nhất là ý Chúa muốn đến với chúng ta và đi trước chúng ta. Toàn thể cuộc sống của chúng ta, tuy bị mong manh vì tội lỗi, vẫn được đặt dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta” (SD 10-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tòa Thánh kêu gọi lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Địa

Tòa Thánh kêu gọi lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Địa

VATICAN. ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đã gửi thư đến các Giám mục giáo phận trên toàn thế giới, kêu gọi tổ chức lạc quyên vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tới đây (3-4-2015), để giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Thánh Địa.

 ĐHY Sandri nhắc lại truyền thống lạc quyên này, theo lời mời gọi của các vị Giáo Hoàng, để hỗ trợ cộng đồng các tín hữu và các nơi của Thánh Địa. Sự hỗ trợ này càng cần thiết trong thời điểm bi thảm hiện nay của toàn vùng Trung Đông.

 Sau khi nhắc đến lời nhắn nhủ nồng nhiệt của Thánh Phaolô Tông Đồ về việc lạc quyên nơi các cộng đồng Kitô tiên khởi để giúp đỡ người nghèo ở Thánh Địa (Xc Rm 15,25-26; Gl 2,10, 1 Cr 16, 2 Cr 8-9), ĐHY Sandri viết:

 ”Như thánh Tông Đồ, cả ĐGH Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm đến những đau khổ của bao nhiêu anh chị em ở phần đất ấy của thế giới, đã trở nên thánh thiêng nhờ Máu của Con Chiên, và ”tình hình trong những tháng gần đây trở nên trầm trọng vì các cuộc xung đột xâu xé vùng này […]. Nỗi đau khổ ấy kêu thấu tới Thiên Chúa và kêu gọi sự dấn thân của tất cả chúng ta, trong kinh nguyện và mọi loại sáng kiến” (ĐTC Phanxicô, thư gửi các tín hữu Kitô Trung Đông, 21-12-2014).

 ĐHY Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công Giáo Đông phương nhắc đến thảm trạng hiện nay hàng triệu người phải trốn chạy từ Siria và Irak, nơi tiếng súng đạn vẫn chưa yên và con đường đối thoại và hòa hợp dường như hoàn toàn bị sa lầy, trong khi đó có sự trổi vượt oán thù điên rồ của những kẻ giết người và sự tuyệt vọng vô phương tự vệ của những bị mất tất cả sản nghiệp và bị bứng khỏi phần đất của cha ông họ”. Ngài nhận xét rằng ”nếu các tín hữu Kitô ở Thánh Địa được khuyên nhủ hãy hết sức chống lại mọi cám dỗ bỏ chạy, thì các tín hữu trên thế giới cũng được yêu cầu quan tâm đến số phận của các tín hữu tại Thánh Địa..”

 Và ĐHY Sandri kết luận rằng ”Tôi cầu mong cuộc lạc quyên này được sự đón nhận của tất cả các Giáo phận, để gia tăng sự tham gia trong tình liên đới. Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương phối hợp sự tham gia này để bảo đảm cho Thánh Địa sự nâng đỡ cần thiết đố với những nhu cầu của đời sống bình thường của Giáo Hội và mọi nhu cầu cần thiết khác” (SD 10-3-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio