Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của việc mục vụ y tế, săn sóc cả về mặt tinh thần cho các bệnh nhân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-2-2017, dành cho 300 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Ủy ban bác ái và sức khỏe của HĐGM Italia tổ chức, nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25 và 20 năm thành lập Văn phòng tòan quốc Italia về mục vụ sức khỏe.

ĐTC nhắc nhở và kêu gọi thực thi mục tiêu của Ngày Thế giới các bệnh nhân là thăng tiến một nền văn hóa sự sống, và giúp các giáo phận, các cộng đoàn Kitô và các gia đình dòng tu ý thức về tầm quan trọng của việc mục vụ sức khỏe.

Ngài nói: ”Có bao nhiêu bệnh nhân trong các nhà thương, nhưng con số này càng nhiều hơn nữa trong các gia đình, ngày càng cảm thấy lẻ loi. Tôi cầu mong họ được viếng thăm thường xuyên để khỏi cảm thấy bị loại trừ khỏi cộng đoàn, và có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đang đi qua giữa các bệnh nhân trong thân xác và tinh thần, qua sự gần gũi của những người gặp gỡ họ.”

ĐTC nhận xét rằng ”rất tiếc sự kỳ thị nặng nề nhất mà những người nghèo, và các bệnh nhân nghèo về sức khỏe, đang phải chịu chính là sự thiếu quan tâm về tinh thần.. Họ đang cần Thiên Chúa và chúng ta không thể lơ là không cống hiến cho họ tình bạn, phúc lành, Lời Chúa và việc cử hành các bí tích, cùng với đề nghị một hành trình tăng trưởng trong đức tin”.

ĐTC không quên cảnh giác các giới chức hữu trách đừng để cho tiền bạc thành tiêu chuẩn duy nhất hướng dẫn các chọn lựa chính trị và hành chánh trong việc bảo tồn quyền của người dân được sức khỏe (SD 10-2-2017)

Vatican Radio

Đài Vatican ngưng phát tiếng Việt trên làn sóng FM 103.8 MHz ở Roma

Đài Vatican ngưng phát tiếng Việt trên làn sóng FM 103.8 MHz ở Roma

Kính thưa quý vị thính giả!

Theo chương trình cải tổ của Bộ Truyền Thông Vatican, từ ngày 15-02-2017, làn sóng FM 103,8 MHz không còn dùng để phát chương trình tiếng Việt cho vùng Roma nữa (14h15 và 00h15 theo giờ Roma).

– Nếu quý vị có loại Radio digital (DAB) thì có thể nghe Đài Vatican tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trên toàn lãnh thổ Italia: Canale streaming live 02 trên Radio DAB Radio Vaticana.

– Quý vị có thể nghe Chương trình Việt Ngữ Vatican qua Internet: vào Youtube hoặc vào mạng chính thức của Đài như chỉ dẫn sau đây:

1. Nghe trên trang Youtube “Vatican Tiếng Việt” của Đài theo địa chỉ:

https://www.youtube.com/playlist?list=PLMlHvsfpJYRc-RveUbyhZgUsJBXHNp0sw

Quý vị có thể nghe chương trình của Đài ngày hôm nay cũng như của các ngày trước đó. Ví dụ, quý vị chọn ngày hôm nay thứ sáu 10.02.2017:

Vatican Radio

Cám dỗ chạy trốn Thiên Chúa

Cám dỗ chạy trốn Thiên Chúa

Khi yếu đuối trong các cơn cám dỗ, tất cả chúng ta cần ơn sủng của Chúa Giêsu nâng đỡ giúp sức, để chúng ta không sống kiểu che giấu, nhưng biết nài xin ơn tha thứ của Chúa để đứng dậy và làm lại từ đầu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ma quỷ chuyên môn nói dối

Có những cám dỗ thôi thúc chúng ta che giấu chính mình trước Chúa. Chúng ta giấu giếm các tội lỗi, những yếu đuối, những sai lầm. Trong bài đọc trích sách Sáng Thế, ma quỷ với hình dạng con rắn ma lanh, đầy hấp dẫn và nhiều mưu mẹo lừa gạt, nó là chuyên gia trong chuyện lừa dối, là cha của kẻ gian dối, và là kẻ gian dối. Nó đi lừa người ta. Nó làm cho bà Eva cảm thấy thích thú, nó nói chuyện với bà, và từng bước dẫn dụ bà vào cửa của nó theo ý nó.

Chúng ta hãy nhớ lại, Chúa Giêsu thì khác. Trong sa mạc, Chúa đã làm cho ma quỷ phải bẽ mặt. Khi ấy, ma quỷ cố tìm cách nói chuyện với Chúa Kitô, để tìm cách lừa Chúa, bởi vì ma quỷ lừa người ta khi nó nói chuyện với họ. Chúa Giêsu không vấp ngã, vì Chúa không dựa vào lời của tên cám dỗ, Chúa cũng không dựa vào lời của bản thân, nhưng dựa vào Lời của Thiên Chúa. Thế đó, bạn không thể nói chuyện với ma quỷ, vì nếu nói chuyện với ma quỷ thì sẽ có kết cục giống như Adam Evà, đó là cả hai ông bà đều trần trụi.

Ma quỷ đối xử rất tệ, trả công rất kém! Nó chuyên lừa đảo. Nó hứa hẹn là cho bạn mọi thứ, nhưng thực tế kết cục là manh áo che thân, bạn cũng không có. Ma quỷ là con rắn rất thông minh, bạn không thể nói chuyện với nó. Chúng ta đều biết cám dỗ là gì, chúng ta biết, vì tất cả chúng ta đều bị nhiều cám dỗ. Những cám dỗ đó là hư danh, kiêu ngạo, tham lam…v.v. Nhiều lắm.

Tham nhũng bắt đầu từ những điều rất nhỏ

Người ta thường nói và tiếp tục nói về tham nhũng. Chúng ta cần xin ơn chúa nâng đỡ để khỏi sa vào cơn cám dỗ này.

Có quá nhiều vụ tham những, có nhiều vụ tham nhũng tai tiếng trên thế giới mà chúng ta biết. Có lẽ những vụ ấy đã bắt đầu với những gì rất nhỏ. Tôi không biết, “chẳng lẽ lại không biết điều chỉnh tốt cho ngân sách một chút, một gam thì đáng gì: không đáng gì, chúng tôi coi 900 gam thì có vẻ cũng giống như một ký thôi”. Tham nhũng bắt đầu như thế đó. Nó giống như cuộc đối thoại: “Ồ không có gì đâu, trái cây đó không làm hại bạn đâu. Ăn đi, nó tốt lắm! Chuyện nhỏ mà, không có gì đáng kể đâu. Làm đi bạn, làm đi!” Từng chút từng chút một, và rồi bạn sẽ lún sâu vào tội lỗi, bạn sẽ rơi vào tham nhũng.

Can đảm thưa chuyện với Chúa

Chúng ta đừng ngây ngô, đừng ngốc nghếch chạy trốn như Adam Eva. Chúng ta hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa, vì tự sức mình chúng ta không thể. Hãy nài xin ân sủng của Chúa Giêsu để chúng ta có thể trở lại mà xin ơn tha thứ.

Khi bị cám dỗ chạy trốn, khi bị cám dỗ không dám thưa chuyện với Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, con yếu đuối lắm, xin Chúa nâng đỡ con! Con không muốn che giấu Chúa điều gì.” Đó chính là dũng cảm, và đó chính là cách chiến thắng cám dỗ. Khi bạn bắt đầu thưa chuyện với Chúa, cũng là lúc bạn chiến thắng cám dỗ. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, nguyện xin Chúa cùng đồng hành với mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể can đảm, và nếu chúng ta có yếu đuối mà bị cám dỗ lừa dối chăng nữa, chúng ta vẫn có đủ can đảm để đứng dậy và tiến về phía trước. Vì lý do này, mà Chúa Giêsu đã đến trần gian. Chúa đến để cứu giúp chúng ta.

Tứ Quyết SJ

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Bản dịch Thánh Kinh được thực hiện chung bởi Công giáo và Tin lành Đức

Stuttgart, Đức – 5 thế kỷ sau cuộc Cải cách của Tin lành, các lãnh đạo Công giáo và các Giáo hội Tin lành Luther đã hiệp nhất với nhau trong việc đưa ra các bản dịch Thánh Kinh mới. Các bản dịch Thánh Kinh tiếng Đức được chỉnh sửa đã được đưa ra trong một buổi họp mặt đại kết tại nhà thờ thánh Eberhard của Công giáo, với sự có mặt của các chức sắc tôn giáo của hai bên.

Đức Hồng y Reinhard Marx của tổng giáo phận Munich và Freising, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã nhấn mạnh Sách Thánh như là sợi dây liên kết chặt chẽ được chia sẻ bởi các tín hữu Công giáo và Tin Lành. Ngài nói: “Thánh Kinh là nguồn nước sống động. Nước kín múc từ nguồn này không suy giảm đi nhưng gia tăng. Chúng ta càng tranh luận về Thánh Kinh thì chúng ta càng cảm nghiệm được mầu nhiệm Chúa Kitô.” Ngài cũng bày tỏ sự vui mừng khi các Giáo hội đặt Lời Chúa ở giữa họ trong năm 2017 có ý nghĩa đại kết này.

Trong năm vừa qua, các bản dịch Thánh Kinh của Công giáo và Tin Lành được xem xét và sửa chữa. Một nhóm 200 người của hai Giáo hội đã tham gia vào tiến trình chỉnh sửa này.

Đức Giám mục Tin Lành Heinrich Bedford-Strohm, chủ tịch Hội đồng Giáo Hội Tin lành tại Đức nhận định: “Với các bản dịch mới, chúng ta ghi nhớ nền tảng được chia sẻ của chúng ta – Sách Thánh – và cùng nhau diễn tả sự tôn trọng đối với bản dịch của nhau,” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh như nền tảng được chia sẻ của đời sống Kitô hữu khi nói đến Thánh kinh chứa đầy những câu chuyện đức tin của con người.

Các vị lãnh đạo của Công giáo và Tin lành thông báo rằng họ sẽ dùng bản dịch Thánh Kinh mới trong các buổi đại kết trong tương lai.

Cuộc cải cách của nhà thần học Martin Luther xảy ra vào năm 1517 khi ông phát triển 95 luận đề chất vấn các thực hành lâu đời của Giáo hội Công giáo. Cuộc cải cách gây ra một cuộc chiến tranh tôn giáo, để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa các tín hữu Tin lành và Công giáo hàng thế kỷ. Trong những năm qua, cả hai Giáo hội đã tiến lại gần nhau hơn. Việc đưa ra bản dịch Thánh Kinh là một trong những hoạt động đại kết được cổ võ bởi cả hay bên trong suốt năm 2016. (CNS 10/02/2017)

Hồng Thủy

Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Ngày 11/02/2013, Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức đã thông báo quyết định từ chức. 4 năm trôi qua, quyết định của ngài có thể được mọi người hiểu cách sâu sắc hơn nhờ tình huynh đệ ngoại thường giữa ngài và Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alessandro Gisotti, cha Lombardi, nguyên Giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI, đã nói về chứng tá mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để lại cho Giáo hội trong những năm ẩn dật và cầu nguyện này.

Cha Lombardi cho biết là cách sống của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức trong những năm này đúng với những gì ngài đã nói, đó là sống trong cầu nguyện, trong ẩn dật, từ quan điểm thiêng liêng và sự kín đáo cao độ, sự đồng hành của ngài với đời sống của Giáo hội trong lời cầu nguyện và cả sự liên đới với đấng kế vị của ngài trong trách nhiệm. Điều này đang xảy ra với sự thanh thản hoàn toàn.

Trong những tháng gần đây, cha Lombardi cũng có cơ hội gặp Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Cha hy vọng được gặp ngài nhiều hơn khi cha chịu trách nhiệm về Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI. Cha nhận thấy Đức nguyên Giáo hoàng hoàn toàn sáng suốt về tinh thần cũng như trí tuệ, và đối với cha, gặp gỡ ngài thật là một niềm vui. Cha cho biết, thời gian qua, dĩ nhiên sức khỏe thể lý của Đức nguyên Giáo hoàng có giảm đi, nhưng tinh thần và trí óc của ngài vẫn minh mẫn. Đức nguyên Giáo hoàng không có bệnh tình gì đáng lo lắng; dù có yếu đi nhưng ngài vẫn đi lại trong nhà được.

Theo cha Lombardi, chứng tá đẹp nhất mà Đức nguyên Giáo hoàng đang để lại cho Giáo hội chính là đời sống cầu nguyện, với Chúa ở trung tâm, với đức tin như là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, sống tuổi già như thời gian chuẩn bị và quen thuộc với Thiên Chúa mà Đức nguyên Giáo hoàng chuẩn bị gặp gỡ. Cha tin rằng thật là tốt đẹp khi có Đức nguyên Giáo hoàng cầu nguyện cho Giáo hội, cho vị kế vị của ngài. Chúng ta cảm thấy được sự hiện diện của ngài, chúng ta biết là ngài hiện diện dù chúng ta không thường xuyên nhìn thấy ngài. Chúng ta cảm thấy ngài hiện diện với chúng ta; ngài đồng hành, an ủi và làm cho chúng ta an lòng.

Là người biết rõ về Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Đức nguyên Giáo hoàng, cha Lombardi nói về mối liên hệ hết sức an hòa và bình thường giữa hai vị. Trong lần cuối cùng gặp các Hồng y về Roma chuẩn bị Công nghị Hồng y, Đức Giáo hoàng Biển đức lúc bấy giờ đã hứa vâng phục, kính trọng người kế vị mình và ngài đã thực hiện điều ngài đã nói với sự gần gũi thanh thản trong tinh thần mà chắc chắn Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy được, như ngài đã nhắc đến nhiều lần. Mối liên hệ giữa hai vị Giáo hoàng được phát triển qua những cuộc viếng thăm, trò chuyện qua điện thoại của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cha Lombardi khẳng định là chúng ta cảm thấy mối liên hệ thân tình, kính trọng và tương trợ tinh thần của hai Giáo hoàng, dù không được viết ra nhưng có thật và rất đẹp. Cha nói: “Những lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với vị tiền nhiệm của ngài – Đức nguyên Giáo hoàng Biên đức – đó là niềm vui lớn đối với tất cả chúng ta và là một gương mẫu điển hình về sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong sự đa dạng.” (SD 09/02/2017)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Dục Công Giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo Dục Công Giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 9-2-2017, dành cho Bộ Giáo dục Công Giáo, ĐTC khuyến khích Bộ này tiếp tục giúp các trường học và đại học Công Giáo góp phần vào sứ mạng của Giáo Hội phục vụ sự phát triển trong tình người, trong sự đối thoại và hy vọng.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có 80 người, trong đó có nhiều HY và GM thành viên của Bộ giáo dục, cùng với các cố vấn và nhân viên. Trong Đại hội tiến hành những ngày này, Bộ kiểm điểm hoạt động trong 3 năm qua, và vạch ra hướng đi cho các hoạt động tương lai.

Trong bài huấn dụ, ĐTC khích lệ Bộ giáo dục Công Giáo dấn thân trong 3 chiều hướng, thứ I là nhân bản hóa việc giáo dục. Để được vậy các nhà giáo dục cần nhắm giúp người trẻ trở thành những người xây dựng một thế giới liên đới hơn và an bình, đồng thời cống hiến cho người trẻ những chân trời cởi mở đối với siêu việt.

Thứ II là cần làm gia tăng nền văn hóa đối thoại. ĐTC nhận xét rằng trong thời đại chúng ta, rất tiếc là có nhiều hình thức bạo lực, nghèo đói, bóc lột, kỳ thị, gạt ra ngoài lề xã hội, những đường lối tiếp cận giới hạn các tự do cơ bản của con người gây ra một thứ văn hóa gạt bỏ. Trái lại, việc đối thoại giáo dục khi con người quan hệ với nhau trong niềm tôn trọng, quí chuộc, chân thành lắng nghe và diễn tả trung thực, không che đậy hoặc giảm bớt căn tính của mình được tinh thần Tin Mừng soi sáng.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích Bộ giáo dục Công Giáo giúp xây dựng một nền giáo dục gieo vãi hy vọng. Con người không thể sống mà không hy vọng và giáo dục chính là kiến tạo nên niềm hy vọng, làm nảy sinh, tăng trưởng và dẫn tới một cuộc sống tràn đầy hy vọng (SD 9-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tái lên án các trào lưu bài Do thái

Đức Thánh Cha tái lên án các trào lưu bài Do thái

VATICAN. Hôm 9-2-2017, ĐTC tái lên án các trào lưu bài Do thái và ngài cổ võ các phương tiện truyền thông mới để chiến đấu bài trừ trào lưu tệ hại này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn Do thái gồm 37 người thuộc Liên minh chống mạ lỵ (Anti-Diffamation League).

ĐTC nhận xét rằng: ”Đáng tiếc là thái độ bài Do thái mà tôi tái lên án dưới mọi hình thức, vẫn còn phổ biến ngày nay, trào lưu này hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc Kitô và mọi quan điểm xứng với con người. Tôi tái khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo đặc biệt cảm thấy có nghĩa vụ phải làm tất cả những gì có thể, cùng với các người bạn Do thái, để loại trừ mọi xu hướng bài Do thái”.

Theo ĐTC, ”ngày nay hơn trước kia, cuộc chiến chống trào lưu bài Do thái có thể sử dụng các phương tiện hữu hiệu, như thông tin và huấn luyện. Về vấn đề này, tôi cám ơn anh chị em vì hoạt động và vì anh chị em dấn thân giáo dục, thăng tiến sự tôn trọng tất cả mọi người và bảo vệ những người yếu thế nhất. Bảo tồn kho tàng thánh thiêng là mọi sự sống con người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết, bảo vệ phẩm giá con người, đó chính là con đường tốt nhất để phòng ngừa mọi hình thức bạo lực”.

ĐTC không quên khích lệ ”Liên minh chống mạ lỵ” thăng tiến văn hóa và cổ võ tự do phụng tự khắp nơi, bảo vệ các tín hữu và các tôn giáo chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng, đó là những thuốc ngừa hữu hiệu nhất chống lại sự tái sinh oán thù”.

Liên Minh chống mạ lỵ được thành lập năm 1913 tại Hoa Kỳ với mục đích ngăn chặn sự mạ lỵ chống người Do Thái bằng những lời kêu gọi tuân theo lý trí và lương tâm, và nếu cần bằng các hành vi pháp luật. Tổ chức này có ngân sách hằng năm trên 50 triệu mỹ kim, với 29 văn phòng tại Mỹ và 3 văn phòng tại các nước khác (SD 9-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Niềm hy vọng Kitô có chiều kích cá nhân, cộng đoàn, giáo hội và xã hội

Niềm hy vọng Kitô có chiều kích cá nhân, cộng đoàn, giáo hội và xã hội

Niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn tập thể và xã hội dân sự nữa. Nó khiến cho kitô hữu không xây tường ngăn cách, nhưng xây cầu liên kết, không láy ác báo ác, nhưng lấy sự thiện thắng sự dữ, tha thứ thắng xúc phạm, và sống hoà bình với tất cả mọi người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8 ngàn tín hữu và du khách hành  hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã tiếp tục trình bầy niềm hy vọng trong thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Thánh nhân khích lệ tín hữu đâm rễ sâu trong niềm hy vọng vào sự sống lại với một câu nói rất đẹp: “Chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”. Đồng thời ngài cũng cho thấy niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn, giáo hội và xã hội nữa.  Chúng ta tất cả hy vọng. Chúng ta tất cả có niềm hy vọng, nhưng cũng một cách cộng đoàn nữa. ĐTC nói thêm:

Vì thế thánh Phaolô trải dài cái nhìn của ngài ra trên tất cả các thực tại bao gồm cộng đoàn kitô, bằng cách xin các cộng đoàn cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau. Trợ giúp nhau. Nhưng không phải chỉ trợ giúp nhau trong các nhu cầu, trong biết bao nhiêu nhu cầu của cuộc sống thường ngày, mà trợ giúp nhau trong niềm hy vọng, nâng đỡ nhau trong niềm hy vọng.

Và không phải tình cờ mà thánh nhân bắt đầu làm điều đó bằng cách hướng tới những người được giao phó cho trách nhiệm và việc hướng dẫn mục vụ. Các vị là những người đầu tiên được mời gọi dưỡng nuôi niềm hy vọng không phải vì tốt lành hơn những người khác, nhưng là bởi một sứ vụ Thiên Chúa giao phó vượt xa hơn các sức lực của họ. Vì lý do đó, họ cần được tất cả mọi người kính trọng, cảm thông và quảng đại nâng đỡ.

Thế rồi sự chú ý được hướng tới các anh chị em có nguy cơ đánh mất đi niềm hy vọng nhất, rơi vào sự thất vọng. Nhưng chúng ta không luôn luôn có tin tức của người rơi vào tuyệt vọng và làm những điều xấu. Sự tuyệt vọng đưa tới chỗ làm biết bao nhiêu điều xấu… Việc quy hướng về những ai chán nản ngã lòng, những ai yêu đuối, những ai cảm thấy bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc đời và các lỗi lầm của mình và không không đứng lên được nữa. Trong các hoàn cảnh này, sự gần gũi và hơi ấm của toàn thể Giáo Hội  phải càng mạnh mẽ và yêu thương hơn nữa, và phải có hình thái tuyệt diệu của sự cảm thương. Nó không phải là thương hại: sự cảm thương là chịu khổ với người khác, đau khổ với người khác, đến gần người đau khổ… một lời nói, một cái vuốt ve, phát xuất từ con tim; đó là sự cảm thương. Họ cần sự khích lệ và ủi an.

Đây là điều thật quan trọng: niềm hy vọng kitô không thể không là tình bác ái tế nhị và cụ thể. Trong thư gửi tín hữu Roma thánh tông đồ dân ngoại chân thành khẳng định rằng: “Chúng ta là những người mạnh mẽ – chúng ta có đức tin, đức cậy và không có biết bao khó khăn – chúng ta có bổn phận gánh vác các tật nguyền của những người yếu đuối, mà không tự mãn” (Rm 15,1). Gánh vác, gánh vác các yếu đuối của người khác.

Tiếp đến ĐTC nói tới chiều kích tập thể của niềm hy vọng kitô như sau.

Thế rồi chứng tá này không bị đóng kín trong các giới hạn của cộng đoàn kitô: nó vang vọng lên trong tất cả sức mạnh của nó cả ở bên ngoài nữa, trong bối cảnh xã hội và dân sự, như lời mời gọi đừng xây tường nhưng xây cầu, đừng lấy ác báo ác, chiến thắng sự dữ với sự thiện, sự xúc phạm với sư tha thứ; kitô hữu không bao giờ có thể nói: rồi mày sẽ biết tay tao! Không bao giờ! Đây không phải là một cử chỉ kitô! Phải thắng việc xúc phạm với sự tha thứ: sống hoà bình với tất cả mọi người. Và đây và điều niềm hy vọng kitô làm, khi nó có các đường nét mạnh mẽ đồng thời dịu dàng của tình yêu thương. Và tình yêu thương mạnh mẽ và dịu dàng. Thật là đẹp!

Khi đó chúng ta hiểu tại sao không thể học hy vọng một mình. Không ai hy vọng một mình. Không thể được. Niềm hy vọng để được nuôi dưỡng cần có một “thân thể”, trong đó các chi thể khác nhau nâng đỡ nhau và làm cho nhau hồi sinh. Điều này khi đó có nghĩa là, nếu chúng ta hy vọng, là bởi vì có biết bao anh chị em đã dậy chúng ta hy vọng và đã duy trì sống động niềm hy vọng. Và giữa những người này đặc biệt nổi bật là các người bé nhỏ, nghèo nàn, đơn sơ, những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội.  Phải, bởi vì ai khép kín trong hạnh phúc của mình, chỉ hy vọng nơi của cải – và điều này không phải là hy vọng: nó là sự an ninh tương đối –  ai khép kín trong sự thoả mãn của mình, ai luôn cảm thấy mình yên ổn, thì không biết đến niềm hy vọng. Trái lại những người hy vọng là những người hằng ngày sống kinh nghiệm sự thử thách, tạm bợ và giới hạn của mình. Chính các anh chị em này trao ban cho chúng ta chứng tá đẹp nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vị họ kiên vững trong sự tín thác nơi Chúa, biết rằng bên kia sự buồn sầu, áp bức, và cái chết không thể tránh được tiếng nói cuối cùng không phải là của nó, nhưng sẽ là một lời nói của lòng thương xót, của sự sống và của hoà bình. Ai hy vọng, hy vọng một ngày kia nghe thấy lời này: “Hãy đến, hãy đến với Ta, hỡi người anh em”, “Hãy đến, hãy đến với Ta hỡi người chị em, cho tất cả sự vĩnh cửu”

Các bạn thân mến, như chúng ta đã nói, nếu nơi ở tự nhiên của niềm hy vọng là một “thân thể” liên đới, trong trường hợp của niềm hy vọng kitô thân thể đó là Giáo Hội, trong khi hơi thở sự sống, linh hồn của niềm hy vọng ấy là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thần Thần thì không thể có niềm hy vọng. Và khi đó tại sao sau cùng Tông Đồ Phaolô mời gọi chúng ta liên lỉ cầu xin Chúa Thánh Thần. Nếu tin không phải là dễ, thì hy vọng lại càng không dễ hơn nữa. Hy vọng thì khó hơn là tin. Khó hơn. Nhưng khi Chúa Thánh Thần ở trong con tim chúng ta, chính Ngài làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải sợ hãi, rằng Chúa ở gần và lo lắng cho chúng ta: và chính Ngài nhào nặn các cộng đoàn của chúng ta, trong một lễ Hiện Xuống vĩnh cửu như các dấu chỉ sống động của niềm hy vọng cho gia đình nhân loại. Xin cám ơn anh chị em.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp. Ngài nói sẽ hiệp thông với lời cầu nguyện của tín hữu và đặc biệt các bệnh nhân đến hành hương mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ bẩy tới này. Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm ban cho mọi người lòng can đảm của niềm hy vọng và gìn giữ họ trong an bình.

ĐTC cũng chào các tín hữu đến từ Anh quốc, Ailen, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh. Ngài khích lệ tất cả cầu xin Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc sống cũng như trong gia đình và cộng đoàn của họ, và luôn biết noi gương Mẹ Maria nói lên hai tiếng “xin vâng” với Chúa.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc cho biết thứ bẩy tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức cũng là Ngày quốc tế các bệnh nhân lần thứ 25. Khi thành lập ngày này thánh Gioan Phaolô II muốn rằng nó là lúc cầu nguyện mạnh mẽ, chia sẻ, dâng hiến khổ đau cho thiện ích của Giáo Hội, và mời gọi mọi người nhận ra nơi gương mặt khổ đau của người anh em Thánh Nhan của Chúa Kitô. ĐTC cầu mong ngày này khơi dậy nơi chúng ta sự nhạy cảm và ước muốn yểm trợ vật chất và tinh thần cho các anh chị bệnh nhân. Ngài cũng cho biết ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh sẽ chủ sự thánh lễ tại Lộ Đức trong ngày này, và mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện cho các bệnh nhân, đặc biệt các người bệnh nặng và cô đơn nhất, cũng như cho tất cả những ai trợ giúp họ.

Ngài cũng nhắc cho mọi người biết hôm thứ ba vừa qua tại Osaka bên Nhật Bản đã có lễ phong chân phước cho giáo dân Justo Takayama Ukon tử đạo bên Philippines năm 1615. Thay vì chấp nhận giàn xếp để được danh dự và bổng lộc của giai cấp quân nhân Samurai, ông đã chấp nhận sự hổ nhục bị đi đầy để trung thành với Chúa Kitô, và nêu gương can đảm cho mọi người.

ĐTC cũng nhắc tới ngày cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, năm nay dành cho các trẻ em và người trẻ. Ngài khích lệ tất cả những ai trợ giúp các em trong nhiều cách thế khác nhau thoát khỏi cảnh nô lệ và bị lạm dụng áp bức. ĐTC cầu mong các giới chức chính quyền cương quyết chống lại tệ nạn này và trao ban tiếng nói cho các anh em bé nhỏ, bị hạ nhục trong phẩm giá của các em. Cần phải làm mọi nỗ lực để loại trừ tội phạm đáng xấu hổ và không thể nhân nhượng này.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Giuseppina Bakhita, từ bé đã là nạn nhân của tệ nạn buôn người. Xin thánh nữ giúp các bạn trẻ biết chú ý tới các bạn đồng trang lứa bị thiệt thòi và gặp khó khăn; anh chị em đau yếu biết dâng các khổ đau cầu nguyện cho việc giáo dục các thế hệ trẻ theo tinh thần kitô, và các đôi tân hôn biết tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa Quan Phòng chứ không chỉ tin tưởng nơi các khả năng của mình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung

VATICAN. ĐTC khuyến khích các nỗ lực chống nạn buôn người, cầu nguyện cho các bệnh nhân và ca ngợi tấm gương của tân chân phước Justo Takayama Ukon người Nhật Bản.

Ngài bày tỏ những lập trường trên đây trong lời kêu gọi vào cuối buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng thứ tư 8-2-2017. ĐTC nói:

”Hôm qua (7-2), tại Osaka Nhật Bản, có lễ tôn phong chân phước Justo Takayama Ukon, tín hữu giáo dân Nhật, chết như vị tử đạo tại Manila năm 1615. Thay vì chiều theo những thỏa hiệp, Người đã từ bỏ những vinh dự và cuộc sống tiện nghi sang trọng, chấp nhận tủi nhục và lưu đày. Người trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng, vì thế, Người là tấm gương đáng ca ngợi về sự vững mạnh trong đức tin và lòng tận tụy trong đức bác ái.”

”Hôm nay (8-2), là Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người, năm nay đặc biệt về các trẻ em và thiếu niên. Tôi khuyến khích tất cả những người đang giúp đỡ bằng nhiều cách cho các trẻ vị thành niên bị biến thành nô lệ và bị lạm dụng, để các em được giải thoát khỏi sự áp bức như thế. Tôi cầu mong những người có trách nhiệm trong chính quyền quyết liệt bài trừ tai ương này, mang lại tiếng nói cho các người em bé nhỏ nhất, bị hạ nhục trong phẩm giá của các em. Cần phải thực hiện mọi cố gắng để bài trừ tội ác ô nhục và không thể dung thứ này.”

Sau cùng, ĐTC nói: ”Thứ bẩy tới đây (11-2), lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, sẽ là Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25. Thánh lễ chính sẽ diễn ra tại Lộ Đức do ĐHY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ sự. Tôi mời gọi cầu nguyện, nhờ lời chuyện cầu của Mẹ Thánh của chúng ta, cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là những người bị bệnh nặng và cô độc nhất, và cho tất cả những người chăm sóc họ”.

Chân phước Justo Takayama Ukon, cũng gọi là Cao San Hữu Cận, sinh năm 1552, được rửa tội năm lên 12 tuổi và được các cha dòng Tên hướng dẫn. Ông cũng là một Kiếm Sĩ Samurai. Đến thời tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cấm đạo Kitô, các kiếm sĩ khác đều tuân hành ngoại trừ Takayama Ukon. Ông bị tước hết chức tước và quyền lợi dành cho hàng quý tộc và phải cùng với 300 đồng đạo lưu vong sang Manila, và qua đời tại đây ngày 4-2 năm 1615, thọ 63 tuổi.

Trong bài giảng thánh lễ phong chân phước tại Osaka, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện ĐTC chủ sự, đã ca ngợi vị tân chân phước là ”Người thăng tiến không biết mệt mỏi công cuộc loan báo Tin Mừng tại Nhật Bản. Người thực là chiến sĩ của Chúa Kitô, không phải bằng võ khí, nhưng bằng lời nói và gương lành. Chân phước đã được giáo dục về sự tôn trọng danh dự và lòng trung thành, đã trưởng thành trong lòng trung thành với Chúa Giêsu, lòng trung thành này mạnh mẽ đến độ đã an ủi Người trong cảnh lưu vong và bị bỏ rơi.”

“Tuy nhiên sự mất mát địa vị đặc ân và lâm vào một cuộc sống nghèo khổ, thầm lặng không làm cho Người sầu muộn, nhưng trái lại, làm cho Người thanh thẩn, vui tươi, vì trung thành với những lời hứa khi chịu phép rửa tội”. (Oss.Rom. 8-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thủ tướng Ấn độ: chính phủ tán thành cuộc viếng thăm của Giáo hoàng Phanxicô

Thủ tướng Ấn độ: chính phủ tán thành cuộc viếng thăm của Giáo hoàng Phanxicô

Delhi – Hôm nay, 08/02/2017, các Đức Hồng y Baselios Cleemis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ, Đức Hồng y George Alencherry, Tổng Giám mục trưởng của Giáo hội Sirô-Malaba và Đức Hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch Hội đồng các Giám mục nghi lễ Latinh, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi tại văn phòng Thủ tướng.

Trong cuộc gặp này, các Hồng y đã yêu cầu Thủ tướng Chính phủ có biện pháp khẩn cấp đối với việc trả tự do cho cha Tom Uzhunallil, bị bắt cóc hồi tháng ba tại Yemen. Khoảng một tháng trước, một đoạn video đã được lưu hành, trong đó vị linh mục dòng Salesian yêu cầu sự quan tâm hơn đến số phận của mình.

Thủ tướng Modi đã bảo đảm rằng chính phủ của ông đang có những hành động cấp thời và cần thiết. Ông cũng thông báo với Đức Hồng y rằng chính phủ của ông có ý kiến rất thuận lợi đối với chuyến viếng thăm Ấn Độ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Về phần mình, ba Đức Hồng y đã bảo đảm với Thủ tướng rằng Giáo Hội Công Giáo và các Kitô hữu sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của đất nước.

Trong những tháng trước đây, các giám mục Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Ấn Độ để phong thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Nhưng một vài nhóm quốc gia chủ nghĩa Ấn độ, thân cận với đảng của Thủ tướng Modi, đã phản đối Đức Thánh Cha và việc phong thánh cho thánh nữ. (Asia News 08/02/2017)

Hồng Thủy

 

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Người phụ nữ mang đến cho thế giới vẻ đẹp hài hòa

Nếu không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Người nam và người nữ không phải là bằng nhau, cũng không phải là hơn kém nhau; nhưng không phải là người nam mà là chính người nữ mang lại sự hài hòa cho thế giới và làm cho thế giới xinh đẹp. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Nếu không có người phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa

Rất nhiều lần chúng ta nói về người phụ nữ theo kiểu: “là phụ nữ thì phải làm cái này”. Nhưng hãy lưu ý rằng, người phụ nữ có thể mang đến điều mà nam giới không thể, đó là vẻ đẹp hài hòa của Đấng Tạo Hóa.

Khi không có phụ nữ, sẽ không có sự hài hòa. Khi nói chuyện, chúng ta nói: nhưng đây là một xã hội với ưu thế mạnh mẽ của nam giới, và thế là? Bỏ quên nữ giới. Ừ thì phụ nữ phải rửa bát quét nhà giặt ủi… Không, không, không. Người phụ nữ đem đến sự hài hòa. Thật không công bằng, không được thiên vị cho bên này hoặc bên kia. Không. Chỉ có người nam thôi, thì không hài hòa, cần có người phụ nữ nữa. Và người phụ nữ dạy cho chúng ta cách trân trọng, cách yêu thương, sự dịu hiền, và làm cho thế giới những điều tuyệt đẹp.

Khai thác phụ nữ, chính là phá vỡ sự hài hòa

Trong câu chuyện Sáng Thế, người đàn ông cảm thấy cô đơn, rồi ông ước mơ, và Thiên Chúa dẫn đến cho ông một người phụ nữ, thế là cả hai vui mừng và nên một xương một thịt. Trong một buổi tiếp kiến, khi chào mọi người, tôi hỏi một cặp vợ chồng kỷ niệm 60 năm ngày cưới rằng: “Ai trong hai người đã kiên nhẫn hơn?”

Họ nhìn tôi, nhìn vào mắt tôi. Tôi không bao giờ quên ánh mắt ấy. Sau đó họ trở lại và nói với tôi, cả hai cùng nói với tôi: Chúng con yêu thương nhau. Sau 60 năm, điều ấy thực sự có nghĩa là một xương một thịt. Và đây chính là điều mà người phụ nữ đem tới: đó là khả năng yêu thương. Đó là sự hài hòa trong thế giới. Nhiều lần, chúng ta nghe thấy rằng: “Không, điều cần thiết cho xã hội này, cho tổ chức này, là ở đây phải có phụ nữ để làm việc này làm việc kia…” Không, không, không, không: các công việc chức năng ấy không phải là mục đích của người nữ. Đúng là người phụ nữ cũng phải làm việc như tất cả chúng ta. Nhưng mục đích chính là: người phụ nữ đem đến sự hài hòa, và không có phụ nữ thì sẽ không có sự hài hòa trong thế giới. Khai thác con người, là một tội ác chống lại nhân loại. Và khi tận dụng lợi thế của người phụ nữ quá mức, thì đó là đang phá hủy vẻ đẹp hài hòa mà Thiên Chúa ban cho thế giới. Khai thác phụ nữ chính là phá hủy.

Thiên Chúa ban cho chúng ta một người nữ tuyệt vời là Mẹ Maria

Đây chính là món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta những người phụ nữ. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe về những người phụ nữ đầy can đảm và tốt lành. Nhưng còn hơn cả lòng dũng cảm, còn hơn thế nữa: người phụ nữ là vẻ đẹp hài hòa là vẻ đẹp nên thơ. Nếu không có người phụ nữ, thế giới không còn đẹp đẽ, thế giới sẽ mất đi sự hài hòa. Tôi thích nghĩ như thế, bản thân tôi nghĩ như thế. Thiên Chúa đã tạo nên người nữ, vì tất cả chúng ta có chung một người mẹ.

Tứ Quyết SJ

Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha

Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong sứ điệp Mùa Chay, ĐTC mời gọi các tín hữu lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.

Mùa chay năm nay bắt đầu từ ngày 1-3-2017 tới đây, và sáng ngày 7-2-2017, Đức Ông Dal Toso, Tổng thư ký tại Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, đã họp báo giới thiệu sứ điệp của ĐTC với chủ đề: ”Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”.

Trong Sứ điệp ĐTC đặc biệt quảng diễn dụ ngôn Phúc Âm về người phú hộ hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi một người nghèo khổ là ông Lazzaro ngồi trước cổng nhà ông ta không có gì để ăn (Xc Lc 16,19-31).

ĐTC viết: ”Ông Lazzaro dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống.. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt”.

Khi phân tích thái độ của người phú hộ, ĐTC nhận xét rằng: ”Tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình. Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta kiêu hãnh, háo danh, chỉ quan tâm phô trương bề ngoài trong khi trống rỗng trong nội tâm.. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết.. Vì thế, kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục!”.

Trong phần kết luận, ĐTC cầu xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn các tín hữu trong hành trình mùa chay, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, để tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù qáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu” (SD 7-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Chia sẻ của Timothy Flanigan về sự quan trọng của đức tin đối với bệnh nhân

Chia sẻ của Timothy Flanigan về sự quan trọng của đức tin đối với bệnh nhân

Timothy Flanigan là một phó tế vĩnh viễn, có 5 người con, sinh sống tại Tiverton, Rhode Island, Hoa kỳ. Ông cũng là một giáo sư bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Brown Medical School. Phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình, bác sĩ Flanigan đã làm việc với các bệnh nhân nhiễm Hiv và mới đây là các bệnh nhân ebola ở Liberia. Flanigan bắt đầu đến Brown Medical School từ năm 1991 để cộng tác vào một mạng lưới chăm sóc chủ yếu cho các người bị nhiễm virus Hiv, đặc biệt là các phụ nữ, những người nghiện ma túy và các cựu tù nhân. Ông cũng phát triển các chương trình giúp các cựu tù nhân bị nhiễm Hiv nối kết với các chăm sóc cộng đồng, giúp điều trị bệnh và cai nghiện.

Việc là một phó tế Công giáo giúp cho các công việc trở nên thuận tiện dễ dàng hơn đối với bác sĩ Flanigan. Ông chia sẻ: “Công việc của tôi là trợ giúp các bệnh nhân. Tôi không muốn truyền đạo cho họ nhưng là giúp họ hiều rằng đức tin có thể giúp ích cho họ.” Theo các báo cáo y khoa về đức tin và y khoa, các bệnh nhận vui thích khi niềm tin của họ được các bác sĩ và bệnh viện nhìn nhận và trợ giúp, nhưng phần lớn các trường y khoa không nói về vấn đề này. Bác sĩ Flanigan cho biết: “Thực tế, các trường y khoa có thể nói về mọi sự, nhưng họ không nói về Thiên Chúa và cầu nguyện. Họ trở nên bực bội khi các vấn đề này được đề cập đến.” Bác sĩ cũng nói thêm là khuynh hướng của các trường y khoa là mô tả tất cả trong ngôn ngữ của tiến trình sinh học của chúng ta, nhưng chúng là là con người với máu thịt hơn chứ không chỉ như thế. Dù cho các trường y khoa không muốn nói về đức tin, nhưng bác sĩ Flanigan không ngại nói về nó. Ông chia sẻ: “Tôi rất thoải mái về việc mình là một phó tế Công giáo. Tôi luôn đề nghị các bệnh nhân của tôi đào sâu đức tin của họ, dù là đạo nào. Chưa từng có ai cảm thấy bị xúc phạm. Tôi luôn tìm cách tiếp cận các bệnh nhân cách cởi mở và không phán đoán.”

Đa số các bệnh nhân của bác sĩ Flanigan là người Công giáo bởi vì ông làm việc tại Rhode Island, một trong số các tiểu bang Công giáo nhất của Hoa kỳ. Ông có thể thấy một số bệnh nhân sống đức tin thật sự ngay cả khi họ đang hấp hối. Ông kể, có một nữ bệnh nhân bị một thứ ung thư không thể giải phẫu và làm cho bà bị nhiễm trùng rất nhiều. Bà ta có một đức tin mạnh mẽ, bà đã nói với ông là bà sẽ ở đó cho đến khi nào mà Chúa muốn. Những lần khác, ông gặp những bệnh nhân bị tha hóa bởi các tôn giáo có tổ chức. Ông đã khuyến khích họ suy nghĩ lại và nói với họ là Thiên Chúa yêu thương họ. Ông cho biết việc co cụm và tha hóa rất là thường gặp trong các bệnh nhân. Có được sự hỗ trợ của một cộng đồng đức tin là một điều tuyệt diệu và không tốn kém gì cả. Ông cũng nói với các bệnh nhân rằng có những lúc tất cả chúng ta đều cô đơn và chúng ta cũng cần có sự trợ giúp.

Trong hai tháng ông sống ở Liberia, giữa cuộc khủng hoảng của nạn dịch ebola, bác sĩ Flanigan nhận thấy đức tin của người dân Liberia là một thực tế vững chắc; họ cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa liên tục không ngừng. Đức tin của họ bị thử thách dữ dội bởi sự lan tràn của dịch bệnh. Các y tá có thể gặp nguy hiểm khi giúp các người bệnh, bởi vì họ thường bị lây bệnh nhưng họ vẫn hàng ngày đến chăm sóc bệnh nhân. Họ là những anh hùng.

Đối với bác sĩ Flanigan, thử thách lớn của thời đại chúng ta không phải là cuộc khủng hoảng hiện đại của đức tin nhưng là cách đối diện với đau khổ. Có một nghích lý trong thế giới chúng ta hiện nay. Chúng ta giỏi giang khi làm cho cuộc sống rất thoải mái, nhưng chúng ta không thể tránh được những khổ đau của trái tim con người. Người ta vẫn tìm đến tự tử; trầm cảm, lo âu vẫn ở trong con người thay vì hạnh phúc. Bác sĩ chía sẻ: “Là thầy thuốc, chúng tôi không ngừng trợ giúp trong những đau đớn và đau khổ của con người. Hoặc là người ta hiều được tình yêu của Chúa chúng ta giữa lúc đua khổ hoặc là, như một số người, chối từ Thiên Chúa. Quan điểm cá nhân của tôi là Thiên Chúa luôn lôi cuốn đến với Người những người đau khổ ngay cả khi họ không có sự hiểu biết về Người.” Ông kể lại trường hợp của một người đồng tính và bị Giáo hội loại bỏ. Anh ta ở trong bệnh viện 6 tuần lễ vì bị lây nhiễm. Trong đau đớn, anh đã chạy đến với Chúa và cùng mẹ đọc kinh Mân Côi hàng ngày. Qua những sự kiện này, bác sĩ Flanigan đã học biết về Chúa Thánh Thần. Theo ông, Chúa Thánh Thần không phải sống chung với những định kiến của chúng ta; Ngài thường hiện diện trong những tình huống mà chúng ta ít chờ đợi. Chính những suy nghĩ này giúp cho bác sĩ luôn tiến bước ngay cả khi cảm thấy mất lòng can đảm. (Aleteia .it 17/01/2017)

Hồng Thủy

Thiên Chúa ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá

Thiên Chúa ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá

Thiên Chúa là Cha đã ban cho chúng ta ba món quà vô cùng quý giá: một là căn tính làm con của Cha trên Trời, hai là trái đất này cùng công trình sáng tạo, ba là tình yêu mến của Ngài. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Chúng ta là con Thiên Chúa

Trên tất cả, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta “DNA” và thế là Ngài dựng nên một con người, Ngài sáng tạo chúng ta theo hình ảnh Ngài, theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, giống như Ngài. Khi một người con được sinh ra, thì không thể đảo ngược được nữa: người con ấy đã thành hình, người con ấy đã hiện hữu, đã có đó. Dù ít dù nhiều, người con nhận lấy căn tính của cha.

Nếu người con trở nên tốt đẹp, thì người cha tự hào về con, bằng không thì? Nhưng nếu “xem ra là tốt thì!” Nếu có chút gì đó xấu, thì người cha vẫn nói: “Ồ, thật là tốt đẹp!” vì người cha là người cha. Luôn luôn như thế. Nếu đứa con trở nên tồi tệ, thì người cha bênh đỡ người con, chờ đợi người con… Chúa Giêsu dạy chúng ta về một người cha đợi chờ con cái. Chúa Giêsu ban cho chúng ta căn tính của người làm con: dù là nam hay nữ chúng ta phải nói thêm rằng chúng ta là những người con. Chúng ta giống Thiên Chúa bởi vì chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Gìn giữ công trình tạo dựng

Thiên Chúa đã lao tác để làm nên công trình sáng tạo, và Ngài ban công trình ấy cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta công trình sáng tạo để đưa tất cả về cùng Đấng Tạo Hóa. Đừng phá hủy công trình sáng tạo, nhưng hãy làm cho công trình này phát triển, hãy chăm sóc, gìn giữ và làm trổ sinh hoa trái. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mọi sự.

Thật là hài hước, tôi nghĩ: Thiên Chúa lại không ban cho chúng ta tiền bạc. Chúng ta có tất cả. Vậy ai cho chúng ta tiền bạc? Tôi không biết. Bà ngoại có nói là: sự dữ đến từ những cái túi: tham muốn ham muốn… Chúng ta có thể nghĩ xem ai cho chúng ta tiền bạc… Thiên Chúa ban cho chúng ta công trình tạo dựng để chúng ta bảo tồn và làm sinh hoa kết trái. Đây là một quà tặng của Thiên Chúa. Đỉnh cao của cuộc tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, có nam có nữ, và Thiên Chúa đã dựng nên họ.

Tạ ơn Cha về ba món quà

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì ba món quà Ngài đã ban cho chúng ta: căn tính làm con Thiên Chúa, quà tặng là công trình sáng tạo, và tình yêu mến của Ngài. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta gìn giữ căn tính làm con Thiên Chúa, để chúng ta lao tác với những tài năng nén bạc được trao phó mà làm sinh hoa kết trái, và để học biết yêu mến mỗi ngày một hơn.

Tứ Quyết SJ

Các Kitô hữu không phải là nô lệ của những lề luật

Các Kitô hữu không phải là nô lệ của những lề luật

Những người cứng nhắc thì sợ tự do mà Thiên Chúa ban, họ sợ yêu mến. Kitô hữu là nô lệ của tình yêu mến, chứ không nô lệ cho lề luật. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

“Chúc tụng Chúa đi!” là lời ca khen của tác giả Thánh Vịnh 103 dâng lên Thiên Chúa vì những kỳ công vĩ đại. Chúa Cha làm nên biết bao điều kỳ diệu với công trình sáng tạo. Chúa Con thực hiện công trình cứu chuộc lạ lùng. Khi một trẻ thơ hỏi Thiên Chúa rằng vì sao Ngài tạo nên thế giới, thì Chúa sẽ nói “vì yêu mến”.

Hãy mở rộng cõi lòng, đừng cậy dựa vào các điều luật

Tại sao Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ này? Đơn giản vì Ngài chia sẻ chính sự toàn hảo của chính Ngài. Và trong cuộc tái tạo, Thiên Chúa sai chính Con Một tới để làm cho những gì đã bị xấu đi  – trở lại đẹp đẽ, những gì sai lỗi – trở về đúng đắn, những gì tệ hại – trở về tốt lành.

Khi Chúa Giêsu nói: “Cha tôi hằng làm việc, thì tôi cũng làm việc”, các luật sĩ cảm thấy chướng tai gai mắt và muốn giết Chúa. Tại sao? Bởi vì họ không thể đón nhận những gì từ Thiên Chúa như là quà tặng. Đối với họ, chỉ có công thẳng mà thôi, vì họ chỉ dựa vào các điều luật. Thay vì mở lòng đón nhận những quà tặng từ Thiên Chúa, họ lại khép kín vào những luật lệ, có lẽ 500 điều luật, có lẽ còn hơn… Họ không biết nhận ơn lành của Thiên Chúa. Có những món quà chỉ nhận được khi có tự do mà thôi. Thế mà họ lại sợ tự do Thiên Chúa ban, họ sợ tình yêu mến.

Kitô hữu làm nô lệ cho tình yêu, chứ không nô lệ cho lề luật

Đó là lý do hôm nay chúng ta ca tụng Chúa Cha: “Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng! Con yêu mến Ngài quá đỗi, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban. Ngài đã cứu độ con, Ngài đã dựng nên con.” Đó là lời cầu nguyện chúc tụng ngợi khen, đó là lời nguyện của niềm vui sướng. Lời nguyện ấy đem lại cho chúng ta niềm vui của đời sống người Kitô.

Có những Kitô hữu rất buồn chán vì họ đóng cửa tâm hồn, vì họ không bao giờ biết đón nhận quà tặng của Thiên Chúa, vì họ sợ tự do là điều luôn đi kèm cùng quà tặng. Những người như thế chỉ biết có luật lệ và bổn phận, những bổn phận đóng khung. Làm như thế là làm nô lệ cho lề luật, và không có tình yêu mến. Trái lại, khi làm nô lệ cho tình yêu mến, bạn có tự do. Đó là điều thật tuyệt!

Làm thế nào để nhận được ơn cứu độ

Có những người đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và sống như Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha, trong tình yêu mến, trong sự hiền từ và trong tự do. Nhưng cũng có những người nép mình trong cái khung khép kín của những lề luật; họ có vẻ an toàn, càng nhiều luật lệ càng có vẻ an toàn hơn, mà kỳ thực thì không có tự do, không có niềm vui.

Có hai công trình của Thiên Chúa. Đó là công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi lòng mình: Làm thế nào để sống cách tuyệt vời hai công trình kỳ diệu ấy? Nguyện xin Chúa giúp chúng ta hiểu được những điều vĩ đại mà Ngài đã làm khi sáng tạo vũ trụ vì tình yêu mến! Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Ngài, để ngày hôm nay chúng ta có thể cùng nhau thưa lên: “Lạy Chúa, Ngài thật tuyệt vời biết bao! Xin tạ ơn Ngài, xin cám ơn Ngài!”

Tứ Quyết SJ

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Osaka – Sáng nay, 07/02/2017, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon (1552-1615), chân phước tử đạo người Nhật.

Chân phước Ukon, được biết với danh hiệu “samurai của Chúa Kitô”, thuộc dòng dõi quý tộc và là võ sĩ đạo Nhật bản trong thời gian các cuộc bách hại “tôn giáo Tây phương”. Ngài đã chọn con đường bị sỉ nhục và sống lưu vong hơn là từ bỏ đức tin Kitô giáo, chấp nhận mất tất cả tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng, trở thành người vô gia cư và buộc phải sống lưu vong. Cuối cùng Ukon đã cùng với gia đình và 300 Kitô hữu Nhật bản chạy trốn sang Manila và qua đời ngày 04/02/1615.

Trong bài giảng, sau khi suy tư về sự tử đạo và nền văn minh Kitô giáo của tình yêu, Đức Hồng y Amato đã nhắc nhớ rằng Giáo hội tại Nhật bản đã được chúc lành với chứng tá rạng ngời của nhiều vị tử đạo và chính chân phước Ukon là một chứng nhânphi thường của đức tin Kitô giáo trong những thời gian khó khăn, của chống đối và bách hại.”

Đức Hồng y cũng nhắc lại cuộc đời của tân chân phước và hoạt động của người cỗ vũ Tin mừng không mệ mỏi ở Nhật bản. Đức Hồng y miêu tả các nét nổi bật của chân phước: “Được giáo dục về danh dự và lòng trung thành, một chiến binh thật sự của Chúa Kitô, không phải với các thứ vũ khí mà ngài là chuyên viên, nhưng bằng lời nói và gương mẫu.”

Đức Hồng y kêu gọi, cũng như chân phước Ukon, đừng xem Tin mừng là điều xa lạ với văn hóa Nhật bản. Nhưng như các thừa sai dòng Tên, ngài tránh những tranh cải biện hộ. Ngài sống đức tin của mình và sống đức tin như người Nhật bản, làm cho các truyền thống của nền văn hóa của mình được phát triển.

Đức Hồng y kết luận: “Việc phong chân phước cho Ukon là một hạt giống mà Chúa Quan phòng gieo vãi ở Nhật và trên thế giới. Gương mãu của vị chân phước thúc đẩy tất cả chúng ta sống đời sống đức tin và trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.” (Asia News 07/02/2017)

Hồng Thủy

 

Là ánh sáng và muối ngăn chặn hư thối trong cộng đoàn và xã hội

Là ánh sáng và muối ngăn chặn hư thối trong cộng đoàn và xã hội

Chúng ta tất cả đều được mời gọi là ánh sáng và là muối trong môi trường sống thường ngày, bằng cách kiên trì trong nhiệm vụ làm cho thực tại con người tái sinh trong tinh thần của Tin Mừng, trong viễn tượng của Nước Thiên Chúa, và bằng cách đẩy xa các yếu tố gây ô nhiễm như ích kỷ, ghen tương, nói xấu là những thứ làm hư thối các cộng đoàn của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua, cũng là Chúa Nhật bảo vệ sự sống tại Italia về đề tài “Các ngưởi nam nữ bảo vệ sự sống theo vết chân của thánh Têrêxa Calcutta”

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật trích từ Diễn văn Các Phúc Thật, trong đó Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thuộc mọi thời đại, bao gồm cả chúng ta nữa, chu toàn sứ mệnh của mình là ánh sáng và là muối giữa trần gian. Ngài nói:

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là một phản chiếu ánh sáng của Ngài, qua chứng tá của các việc lành. Chúa nói: “Ánh sáng của các con cũng phải rạng ngời trước loài người như thế, để họ trông thấy các việc làm tốt lành của các con và vinh danh Thiên Chúa Cha của các con ở trên trời” (Mt 5,16). Các lời này nhấn mạnh rằng từ các việc lành của mình chúng ta có thể được nhận biết như các môn đệ đích thật của Đấng là Ánh Sáng trần gian, không phải trong lời nói mà từ các việc làm của chúng ta. Thật thế, nhất là cung cách hành xử của chúng ta – trong điều thiện và trong điều ác – để lại một dấu vết nơi tha nhân. Như vậy, chúng ta có một bổn phận và một trách nhiệm đối với ơn đã nhận lãnh: ánh sáng của đức tin ở trong chúng ta qua Chúa Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta không được giữ nó lại như thể là của riêng mình. Trái lại, chúng ta được mời gọi làm cho nó toả sáng lên trong thế giới, và trao nó cho những người  khác, qua các công việc làm tốt lành. Và thế giới cần tới ánh sáng của Tin Mừng biết bao nhiêu: ánh sáng biến đổi, chữa lành và bảo đảm ơn cứu độ cho ai tiếp nhận nó! Ánh áng này chúng ta phải đem theo với các việc lành của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Ánh sáng đức tin, trong khi cho đi, không bị tắt, nhưng được củng cố. Trái lại, nó có thể suy giảm, nếu chúng ta không dưỡng nuôi nó với tình yêu thương và các việc bác ái. Như thế, hình ảnh của ánh sáng gặp gỡ hình ảnh của muối.  Thật vậy, trang Tin Mừng nói với chúng ta như là môn đệ của Chúa Kitô rằng chúng ta cũng là “muối của đất” (c. 13). Muối là một yếu tố, ban hương vị, giúp duy trì thực phẩm khỏi hư thối, và vào thời Chúa Giêsu đã không có các tủ lạnh.  ĐTC giải thích thêm như sau:

Vì thế, sứ mệnh của các kitô hữu trong xã hội là trao ban hương vị cho cuộc sống với đức tin và tình yêu thương, mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, đồng thời  giữ xa các mầm giống gây ô nhiễm của ích kỷ, ghen tuơng, nói xấu nói hành vv. Các mầm giống này làm hư hỏng cuộc sống các cộng đoàn của chúng ta, là các cộng đoàn, trái lại, phải bừng sáng  lên như các nơi của sự tiếp đón, của tình liên đới và của sự hoà giải. Để chu toàn sứ mệnh này chúng ta cần là những người đầu tiên được giải thoát  khỏi sự suy đồi thối nát của các ảnh hưởng thế tục, ngược lại với Chúa Kitô và Tin Mừng; và việc thanh tẩy này không bao giờ kết thúc, nhưng được làm một cách liên tục, được làm mỗi ngày.

Từng người trong chúng ta được mời gọi là ánh sáng và là muối trong môi trường sống thường ngày, bằng cách kiên trì trong nhiệm vụ làm cho thực tại con người tái sinh trong tinh thần của Tin Mừng, trong viễn tượng của Nước Thiên Chúa. Xin sự che chở hiền mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh luôn trợ giúp chúng ta, Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu và là mẫu gương của các tín hữu, mỗi ngày sống ơn gọi và sứ mệnh của mình trong  lịch sử. Xin Mẹ của chúng ta giúp chúng ta luôn luôn để cho Chúa thanh tẩy và soi sáng, để tới lượt mình chúng ta trở thành  “muối đất” và “ánh sáng trần gian”.

Tiếp đến DTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới “Ngày bảo vệ sự sống” tại Italia về đề tài “Các người nam nữ bảo vệ sự sống noi gương thánh Terexa Calcutta”. Ngài nói: tôi xin hiệp nhất với các Giám Mục Italia trong việc cầu mong có một hành động can đảm giáo dục bảo vệ sự sống. Mỗi một sự sống đều thánh thiêng. Chúng ta hãy làm cho nền văn hóa sự sống  tiến lên như câu trả lời cho cái luận lý gạt bỏ và cho việc suy giảm dân số. Chúng ta hãy gần gũi và cùng cầu nguyện cho các trẻ em đang ở trong hiểm nguy của việc ngưng mang thai, cũng như cho các người đang ở giai đoạn sau cùng của cuộc sống – mọi sự sống đều thánh thiêng – để đừng có ai bị bỏ cô đơn một mình, và để tình yêu bênh vực ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta hãy nhớ tới lời mẹ Têrexa: “Sư sống là vẻ đẹp, bạn hãy hâm mộ nó; sự sống là sự sống, hãy bênh vực nó!” dù là với trẻ em đang lớn lến, hay với người gần chết: mọi sự sống đều thánh thiêng!

Tôi xin chào tất cả những ai đang hoạt động cho sư sống, các giáo sư các đại học Roma, và những ai cộng tác vào việc đào tạo các thế hệ mới, để họ có khả nằng xây dựng một xã hội tiếp đón và xứng đáng với mọi người.

ĐTC cũng chào các tín hữu hành hương, các nhóm giao xứ và hội đoàn đến từ nhiều nước khác nhau trong đó có các tín hữu các giáo phận Vienne, Granada, Melitta, Acquaviva delle Fonti tỉnh Bari, và các sinh viên  Penafiel Bồ Đào Nhà và Badajoz Tây Ban Nha.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp 1,100 doanh nhân ”kinh tế và hiệp thông”

Đức Thánh Cha tiếp 1,100 doanh nhân ”kinh tế và hiệp thông”

VATICAN. Sáng thứ bẩy, 4-2-2017, ĐTC đã tiếp kiến và khích lệ 1.100 doanh nhân từ 49 quốc gia, đang thực thi nền ”kinh tế và hiệp thông”.

Nền kinh tế này được khởi xướng cách đây 25 năm do chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào ”Focolare” (Tổ Ấm), đứng trước những chênh lệch quá lớn mà chị nhận thấy tại thành phố São Paolo, Brazil. Theo nền kinh tế này, các doanh nhân trở thành những tác nhân hiệp thông: doanh nghiệp không những có thể không phá hủy sự hiệp thông giữa con người với nhau, nhưng còn xây dựng và thăng tiến tình hiệp thông đó.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cập đến 3 đề tài là tiền bạc, nghèo đói và sau cùng là hiệp thông và doanh nghiệp.

– Ngài nhận xét rằng ”tiền bạc là quan trọng nhất là khi không có và lương thực, trường học, tương lai con cái tùy thuộc tiền bạc, nhưng nó trở thành thần tượng khi trở thành cứu cánh. Sự hà tiện là tội tôn thờ thần tượng tiền bạc, vì sự tích trữ tiền bạc cho mình trở thành mục tiêu hoạt động của mình. Khi chế độ tư bản biến việc tìm kiếm lợi tức thành mục tiêu duy nhất của nó, thì nó có nguy cơ trở thành một hình thức thờ phượng.”

Trong bối cảnh đó, ĐTC đề cao nền kinh tế hiệp thông đặt lợi tức làm của chung. Ngài nói: ”Cách thức tốt nhất và cụ thể nhất để không biến tiền bạc thành thần tượng là chia sẻ nó với tha nhân, nhất là với người nghèo, hoặc giúp người trẻ học hành và làm việc, vượt thắng cám dỗ thần tượng bằng tình hiệp thông. Khi anh chị em chia sẻ và trao tặng những lợi tức của mình, tức là anh chị em đang thực hiện một cử chỉ linh đạo cao độ, qua những cử chỉ anh chị em nói với tiền bạc rằng: mày không phải là Thiên Chúa”.

– ĐTC cũng ca ngợi nỗ lực vượt thắng nghèo đói như một đề tài trung tâm của Phong trào kinh tế hiệp thông. Ngài ghi nhận ngày nay có nhiều sáng kiến và phương thế để khắc phục nghèo đói, kể cả các thứ thuế được đề ra trong tinh thần liên đới. Tinh thần liên đới này bị phủ nhận bằng sự trốn thuế. Hành vi trốn thuế trước tiên là điều bất hợp pháp, và nó cũng là sự phủ nhận qui luật căn bản của cuộc sống, đó là tương trợ nhau.

ĐTC nhận xét rằng chế độ tư bản tiếp tục tạo nên những người bị gạt ra ngoài lề.. Vấn đề luân lý đạo đức chính của chế độ tư bản như thế là tạo ra những người bị gạt bỏ để rồi tìm cách giấu kín họ hoặc săn sóc họ để người ta không còn thấy họ nữa. Một hình thức nghèo trầm trọng của một nền văn minh là không còn nhìn thấy những người nghèo của mình nữa, trước đó người nghèo bị gạt bỏ và rồi bị giấu kín đi.

ĐTC kêu gọi ”không những giúp đỡ người nghèo, cứu chữa những người gặp nạn, nhưng còn phải làm sao để phòng ngừa để họ đừng trở thành nạn nhân. Nhất là cần hành động trước khi con người bị kẻ cướp tấn công và bóc lột, cần bài trừ những cơ cấu tội lỗi tạo ra những kẻ cướp và nạn nhân. Một doanh nhân chỉ là người samaritano nhân lành thì họ thi hành một nửa bổn nhận của mình: họ săn sóc các nạn nhân ngày nay, nhưng không giảm bớt các nạn nhân ngày mai”.

– Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng ”Từ 25 năm nay, anh chị em nói: hiệp thông và doanh nghiệp có thể sống chung và cùng tăng trưởng. Kinh nghiệm của anh chị em hiện nay chỉ giới hạn vào một số nhỏ các doanh nghiệp, rất nhỏ bé, so với đại tư bản trên thế giới. Nhưng cuộc chiến thuộc lãnh vực tinh thần và trong lãnh vực đời cuộc sống không lệ thuộc số nhiều. Một đoàn chiên nhỏ, một đồng tiền, một con chiên, một hạt ngọc trai, muối, men, là những hình ảnh về Nước Trời chúng ta gặp trong các sách Phúc Âm… Không cần đông người để thay đổi cuộc sống chúng ta, chỉ cần muối và men không bị biến chất.. Mỗi khi cá nhân, dân tộc và thậm chí cả Giáo Hội nghĩ đến việc cứu độ trần thế bằng cách gia tăng số lượng, thì họ kiến tạo những cơ cấu quyền lực mà quên đi người nghèo. Chúng ta hãy cứu vãn nền kinh tế chúng ta, bằng cách tiếp tục là muối và men;.. Cần làm sao để không đánh mất nguyên lý tác động, là men của tình hiệp thông, bằng cách chia sẻ” (SD 4-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Chiến dịch quyên góp cho tổ chức bác ái Công giáo của Tổng Giáo phận New York

Chiến dịch quyên góp cho tổ chức bác ái Công giáo của Tổng Giáo phận New York

New York – Tổng Giáo phận New York mở chiến dịch quyên góp 100 triệu đô la để phục vụ và tạo cơ hội cho các trẻ em và gia đình, đặc biệt những người nghèo và dễ thương tổn nhất.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan đã thông báo về chiến dịch này trong một bữa tiệc trưa, được tổ chức tại trung tâm Rockefelle vào ngày 29/01 vừa qua. Chiến dịch này là một phần trong chương trình kỷ niệm 100 năm mạng lứới bác ái Công giáo.

Thống đốc Andrew Cuomo và thị trưởng Bill de Blasio cũng hiện diện tại sự kiện này. Ông Cuomo nói ông sẽ đề xuất kinh phí lớn nhất cho các tổ chức bác ái và các trường Công giáo với 300 triệu đô và ông sẽ tuyên bố ngày 24/04 như ngày bác ái Công giáo tại bang New York, một sự tán thành ngày thành lập của chương trình từ thiện của tổng giáo phận vào năm 1917. Trước đó, ông de Blasio đã tuyên bố ngày bác ái Công giáo tại thành phố New York.

Đức Hồng y nói: “Hội đồng quản trị và tôi cam kết quyên góp 100 triệu đô trong nửa thập kỷ tiếp theo để tài trợ cho các sứ vụ của chúng tôi, các sứ vụ mới và đổi mới.” Ngài cũng nói thêm: “Chúng tôi đang lắng nghe Chúa Giêsu khi chúng tôi ‘ra chỗ nước sâu’ trong năm thứ 100 này.”

Theo Đức Hồng y, từ năm 1917, tổng giáo phận đã "đầu tư rất nhiều mồ hôi, sức lực, tâm trí, tâm hồn và tiền bạc vào việc củng cố gia đình của New York và con em chúng ta." Ngài nói: “Với anh chị em, những người cộng tác yêu quý, chúng ta cố gắng hết sức để không chỉ mang đến sự giúp đỡ của chúng ta, nhưng cả niềm hy vọng. Chúng ta hành động như những người Công giáo, nhưng chúng ta không bao giờ hỏi về tôn giáo của bất cứ ai mà chúng ta trợ giúp, và cũng không áp đặt tôn giáo chúng ta trên họ.”

Trước bữa tiệc trưa, Đức hồng y đã khai mạc năm bách chu niên với Thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick. Ngài nói: “Tổ chức bác ái Công giáo sẽ là những phúc lành bằng hành động.” (CNS 03/02/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Mông cổ chuẩn bị kỷ niệm 25 năm tái sinh

Giáo hội Mông cổ chuẩn bị kỷ niệm 25 năm tái sinh

Ulan bato – Hiện nay, có hơn 50 thừa sai và tu sĩ của 14 quốc gia trên thế giới đang truyền giáo tại Mông cổ.

Nói với hãng tin Fides hôm 02/02, cha Prosp Mbumba, thừa sai người Congo, đang truyền giáo tại Mông cổ, nói rằng: các thừa sai dâng tặng chính cuộc sống của họ cho Mông cổ; họ trung thành với ơn gọi gieo trồng mối liên hệ sâu thẳm với Chúa và trao tặng chính mình cho tha nhân. Nhờ sự phục vụ của các thừa sai và tu sĩ, Giáo hội Mông cổ sẽ sớm có thể chính thức có 3 giáo xứ.

Hôm 02/02, ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh và cũng là ngày Đời sống thánh hiến, Đức cha Wenceslao Padilla, giám quản Tông tòa của Ulan bato, đã nói với các tu sĩ hiện diện tại Phủ doãn tông tòa rằng “đó là một cơ hội để suy tư về ơn gọi thánh hiến của chúng ta, để nhìn lại nội tâm của mình và đi lại con đường của mình.

Nữ tu Nirmala, người Ấn độ, thuộc dòng Trái tim vô nhiễm Đức Maria, đã hoạt động tại Mông cổ hơn 10 năm, cũng đã chia sẻ rằng: “Đời sống thánh hiến nghĩa là có mối liên hệ với Chúa, mối liên hệ hàm ý sự dâng hiến bản thân. Mối tương quan với Chúa, đời sống cộng đoàn và sứ vụ ở trọng tâm của đặc sủng của chúng ta, là những yếu tố cấu tạo nên đời thánh hiến.” Chị mời gọi các thừa sai hiện diện ở Mông cổ trung thành sống một cuộc sống xứng đáng với ơn gọi mà chúng ta đã lãnh nhận. Chị cũng nhấn mạnh: “Chỉ trong cách thế này, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể tìm được âm vang trong cuộc sống chúng ta: đời tu cổ võ sự phát triển trong Giáo hội bởi sự thu hút.”

Chị cũng nhắc rằng năm vừa qua Giáo hội tại Mông cổ được mạnh hơn với việc một Linh mục bản xứ được thụ phong Linh mục và năm 2017 này, Giáo hội chuẩn bị mừng 25 năm truyền giáo. Chị cho biết Giáo hội Mông cổ hiện có hơn một ngàn người Mông cổ được rửa tội và hàng trăm dự tòng đến từ 3 giáo xứ và 3 điểm truyền giáo. 3 điểm truyền giáo sẽ được nâng lên thành giáo xứ trong dịp kỷ niệm 25 năm Giáo hội được tái thành lập tại đây. Chị nhận định “đây là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa, Đấng yêu thương dân tộc Mông cổ.” (Agenzia Fides 3/2/2017)

Hồng Thủy