Nhà nước Trung Cộng phá nhà thờ Công Giáo

Nhà nước Trung Cộng phá nhà thờ Công Giáo

HONG KONG. Nhiều LM và giáo dân Công Giáo tại Trung Cộng bảo vệ thánh đường bị thương vì bị các nhân viên công an và côn đồ tấn công.

Chính quyền tỉnh Sơn Tây ở miền bắc Trung Cộng đã cho xe ủi đến phá nhà thờ có từ 100 năm nay ở làng Vương Thôn (Wangcun) thuộc giáo phận Trường Trị (Changzhi) để làm quảng trường. Thánh đường này đã được nhà nước trả lại cho Giáo Phận cách đây 10 năm cùng với khu đất chung quanh.

Hàng trăm giáo dân đã bảo vệ thánh đường, họ ngồi trước nhà thờ để ngăn cản việc phá hủy. Họ chia nhau canh nhà thờ ban đêm. Sau một ngày tạm ngưng chính quyền lại cho xe ủi đất tiến hành việc phá hủy nhà thờ.

Ngày 29-8-2017, các công nhân lại tiến hành công việc. Công an nhà nước cho bọn côn đồ tấn công và đánh đập các linh mục và tín hữu ngồi lỳ ở khu vực thánh đường, rồi công an cũng can thiệp. Một số giáo dân bị thương cùng với các LM Trần Tuấn (Chen Jun), Cao Bính Long (Gao Binglong), Mã Ninh (Ma Ning) và Thẩm Học Trung (Shen Zuezhong). Bọn côn đồ kêu: ”Hãy giết mấy ông cha trước!”. Họ phá hoại nhiều xa của các tín hữu.

Trong lúc xảy ra vụ hành hung đó, Đức Cha Phêrô Đinh Lệnh Bân (Ding Lingbin) GM giáo phận Trường Trị sở tại đã liên tục nói chuyện với Ủy ban đảng và chính quyền địa phương, xin họ ngăn chặn các vụ bạo hành và giải quyết vấn đề. Đức Cha nhấn mạnh rằng đây không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng còn là một cuộc đàn áp tôn giáo và kỳ thị các tín hữu Công Giáo, chà đạp nhân quyền.

Sáng ngày 30-8-2017, Đức Cha Phêrô Đinh Lệnh Bân (Ding Lingbin) GM giáo phận Trường Trị sở tại đã kêu gọi công lý và tố giác sự trở mặt của chính quyền địa phương, phá nhà thờ và lấy lại khu đất của thánh đường. Ngài kêu gọi nhà nước bồi thường cho các LM và giáo dân, trả tiền sửa chữa các xe hơi bị phá hư, đồng thời trừng trị những kẻ gây ra bạo lực.

Nếu việc phá hủy nhà thờ tiếp tục, các tín hữu ở địa phương không có nơi nào khác để làm việc thờ phượng.

Một linh mục bình luận rằng: ”vụ đàn áp và kỳ thị này xảy ra giữa lúc người ta nói Trung Cộng và Tòa Thánh đang đối thoại với nhau!” (Asia News, Ucan 30-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon ở Osaka, Nhật bản

Osaka – Sáng nay, 07/02/2017, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, đã chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho Justus Takayama Ukon (1552-1615), chân phước tử đạo người Nhật.

Chân phước Ukon, được biết với danh hiệu “samurai của Chúa Kitô”, thuộc dòng dõi quý tộc và là võ sĩ đạo Nhật bản trong thời gian các cuộc bách hại “tôn giáo Tây phương”. Ngài đã chọn con đường bị sỉ nhục và sống lưu vong hơn là từ bỏ đức tin Kitô giáo, chấp nhận mất tất cả tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng, trở thành người vô gia cư và buộc phải sống lưu vong. Cuối cùng Ukon đã cùng với gia đình và 300 Kitô hữu Nhật bản chạy trốn sang Manila và qua đời ngày 04/02/1615.

Trong bài giảng, sau khi suy tư về sự tử đạo và nền văn minh Kitô giáo của tình yêu, Đức Hồng y Amato đã nhắc nhớ rằng Giáo hội tại Nhật bản đã được chúc lành với chứng tá rạng ngời của nhiều vị tử đạo và chính chân phước Ukon là một chứng nhânphi thường của đức tin Kitô giáo trong những thời gian khó khăn, của chống đối và bách hại.”

Đức Hồng y cũng nhắc lại cuộc đời của tân chân phước và hoạt động của người cỗ vũ Tin mừng không mệ mỏi ở Nhật bản. Đức Hồng y miêu tả các nét nổi bật của chân phước: “Được giáo dục về danh dự và lòng trung thành, một chiến binh thật sự của Chúa Kitô, không phải với các thứ vũ khí mà ngài là chuyên viên, nhưng bằng lời nói và gương mẫu.”

Đức Hồng y kêu gọi, cũng như chân phước Ukon, đừng xem Tin mừng là điều xa lạ với văn hóa Nhật bản. Nhưng như các thừa sai dòng Tên, ngài tránh những tranh cải biện hộ. Ngài sống đức tin của mình và sống đức tin như người Nhật bản, làm cho các truyền thống của nền văn hóa của mình được phát triển.

Đức Hồng y kết luận: “Việc phong chân phước cho Ukon là một hạt giống mà Chúa Quan phòng gieo vãi ở Nhật và trên thế giới. Gương mãu của vị chân phước thúc đẩy tất cả chúng ta sống đời sống đức tin và trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.” (Asia News 07/02/2017)

Hồng Thủy

 

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

tap-can-binh

BẮC KINH. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh, Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng Trung Quốc thành thực muốn cải tiến quan hệ với Vatican”.

Trong cuộc họp báo hằng tuần hôm 21-12-2016, một vài ký giả đã hỏi bà Hoa Xuân Oánh xem đâu là ”những tín hiệu tích cực” để cải tiến quan hệ với Vatican, Bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng: ”Chính phủ Trung Quốc theo một nguyên tắc rõ ràng và trước sau như một trong việc thương lượng về quan hệ với Vatican. Phía Trung Quốc luôn thành thực trong việc cải tiến quan hệ với với Vatican và không ngừng làm việc với Vatican để tiến tới mục đích chung ấy, và thúc đẩy tới một tiến bộ mới trong việc cải tiến quan hệ song phương, thăng tiến những cuộc đối thoại xây dựng”.

Hãng tin Asia News truyền đi ngày 22-12-2016 nhận xét rằng có lẽ đây là lần đầu tiên câu trả lời cho một nhận xét của Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc được đón nhận mà không có những phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc và không lập lại những câu cố hữu về quan điểm của Chính phủ Bắc Kinh về Giáo Hội, như lập lại các nguyên tắc ”Giáo Hội tự trị, tự chọn lựa, tự truyền chức GM”.

Cách đây ít ngày, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke nhắc đến vụ công an nhà nước Trung Quốc dùng võ lực để GM bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông là Lôi Thế Anh (Lei Shiyin), GM Lạc Sơn tỉnh Tứ xuyên, can dự vào việc truyền chức GM tại Thường Đức (Chengdu) và Tây Xương (Xichang); Ông Greg cũng ám chỉ tới Đại Hội các đại biểu Công Giáo Trung Quốc sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 30-12 tới đây là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, và nhiều GM được Tòa Thánh công nhận cũng bị bó buộc phải tham dự. Ông Greg nói rằng: ”Tòa Thánh mong muốn được thấy những tín hiệu tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc để tín nhiệm nơi cuộc đối thoại giữa hai bên và hy vọng một tương lai đoàn kết và hòa hợp mà không vi phạm tự do tôn giáo”.

Hãng Asia News cũng trích thuật nhận xét của một số LM ở Trung Quốc theo đó sự dịu giọng khác thường của bà Hoa Xuân Oánh có lẽ là một toan tính không mở thêm mặt trận căng thẳng trong quan hệ với nước ngoài, từ phía Trung Quốc” (Asia News 22-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô được mở cửa lại

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô được mở cửa lại

duc-hong-y-sandri

Amman, Giordani – Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô, Giordani đang được mở cửa trở lại và các du khách sẽ được chiêm ngưỡng lại đền thờ với những bức tranh khảm đẹp nhất trong vương quốc Hashemite.

Việc mở cửa chính thức được sắp xếp vào ngày hôm nay, 15/10. Ngày mai Đức Hồng y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đặc sứ của Đức Thánh Cha, sẽ chủ sự Thánh lễ trọng thể. Ngài cũng sẽ đọc sứ điệp Đức Thánh cha gửi nhân sự kiện này. Cử chỉ biểu tượng đánh dấu việc mở cửa chính thức là việc mở các cửa đền thờ được thực hiện hôm nay, với sự tham dự của cha Francesco Patton, bề trên Quản thủ Thánh địa.

Sự kiện này được tổ chức trong hai ngày vì số lượng du khách, các tín hữu và khách hành hương dự kiến tham dự quá đông. Đền thờ này là một trong những đền thánh (và khu khảo cổ) quan trọng nhất, không chỉ ở Giordani mà trong toàn vùng Đất Thánh.

Cũng có các cử hành tôn giáo, hòa nhạc, các tour có hướng dẫn và các hoạt động văn hóa với mục đích lôi cuốn sự tham dự của toàn thể dân cư địa phương và các du khách nước ngoài.

Nơi tưởng niệm ngôn sứ Môsê trên núi Nêbô là nơi theo sách Đệ nhị luật chương 34, Thiên Chúa đã chỉ cho ông Môsê thấy Đất Thánh và là nơi ngôn sứ qua đời. Dù không ai biết cách chính thức nơi vị ngôn sứ được chôn cất nhưng các đan sĩ đã định cư trên núi Nêbô tưởng niệm ngôn sứ Môsê ở nơi này từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 9.

Trong thế kỷ 19, các nhà khảo cổ của dòng Phanxicô quản thủ Thánh địa đã có quyền sở hữu nơi này và đã tìm thấy đan viện cổ, đền thờ với các bức tranh khảm mosaic trong đó. Để bảo tồn di tích khảo cổ đồng thời trưng bày các bức tranh mosaic do các đan sĩ thực hiện trong thời gian khác nhau, một tòa nhà đã được xây cất và sẽ được khánh thành trong hai ngày này.

Vào tháng 3 năm 2000, khi thăm Đất Thánh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hành hương đến Nêbô và trồng một cây ôliu bên cạnh nhà nguyện Byzantin như là biểu tượng của hòa bình.

Để cử hành việc mở cửa lại nơi này, các tu sĩ Phanxicô Quản thủ Thánh địa đã tổ chức các sự kiện âm nhạc và văn hóa. Cao điểm của chương trình là lễ Giáng sinh trong đền thờ vào 10 giờ tối ngày 24/12. Thứ 6 ngày 23, vào lúc 6 giờ chiều, nhạc kịch Giáng sinh đầu tiên do soạn giả người Giordani, Tomeh Jbara, sáng tác và điều khiển dàn hợp xướng sẽ được trình diễn. (Asia News 15/10/2016)

Hồng Thủy

 

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

MOSCOW. Giáo Hội Chính Thống Nga chính thức phủ nhận đặc tính liên Chính Thống giáo của Công đồng nhóm tại đảo Creta từ ngày 19 đến 26-6-2016 dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ chung Bartolomaios I, cũng là Giáo chủ Chính Thống Constantinople.

Công đồng này được chuẩn bị trong vòng hơn 50 năm, và được các vị thủ lãnh của 14 Giáo Hội Chính Thống tự trị nhất trí triệu tập, nhưng vào những ngày chót, có 4 Giáo Hội Chính Thống yêu cầu hoãn họp và không gửi các đại biểu đến tham dự Công đồng, trong số này có Chính Thống Nga, là Giáo Hội chiếm một nửa tổng số tín hữu Chính Thống trên thế giới. 3 Giáo Hội Chính Thống còn lại là Georgia, Bulgari và Antiokia.

Hôm 18-7-2016, hãng tin Asia News cho biết chủ tịch Phân Bộ Giáo Hội, xã hội và truyền thông, thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, là Vladimir Legoyda, tuyên bố rằng Công đồng ở Creta không thể được coi là Công đồng Liên Chính Thống giáo. Các văn kiện được thông qua ở Creta không thể được coi những văn kiện diễn tả sự đồng thuận Liên Chính Thống giáo. Chính Thống Nga cho rằng Công đồng này vi phạm nguyên tắc ”công đồng tính” đồng thời yêu cầu giao các văn kiện ấy cho một Ủy ban công nghị về thần học và Kinh Thánh, để rút ra những kết luận.

Các văn kiện của Công đồng này nói về tương quan của Chính Thống giáo với thế giới Kitô, vấn đề ăn chay, hôn phối, sứ mạng trong thế giới ngày nay, thế giới Chính Thống giáo ở các vùng không thuộc lãnh thổ nguyên thủy của mỗi Giáo Hội Chính Thống, sau cùng là những thể thức để tuyên bố 1 Giáo Hội Chính Thống được quyền tự trị.

Có những thành phần Chính Thống khép kín phê bình lập trường ”đại kết” của văn kiện về tương quan giữa Chính Thống giáo và các Giáo Hội Kitô khác, và nhân mạnh rằng các tín hữu Công Giáo và Tin Lành là những người lạc giáo chứ không phải là những Giáo Hội Kitô (ASia News 18-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP