Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Tình huynh đệ giữa Đức Phanxicô và Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức sau 4 năm

Ngày 11/02/2013, Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức đã thông báo quyết định từ chức. 4 năm trôi qua, quyết định của ngài có thể được mọi người hiểu cách sâu sắc hơn nhờ tình huynh đệ ngoại thường giữa ngài và Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Alessandro Gisotti, cha Lombardi, nguyên Giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI, đã nói về chứng tá mà Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức để lại cho Giáo hội trong những năm ẩn dật và cầu nguyện này.

Cha Lombardi cho biết là cách sống của Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức trong những năm này đúng với những gì ngài đã nói, đó là sống trong cầu nguyện, trong ẩn dật, từ quan điểm thiêng liêng và sự kín đáo cao độ, sự đồng hành của ngài với đời sống của Giáo hội trong lời cầu nguyện và cả sự liên đới với đấng kế vị của ngài trong trách nhiệm. Điều này đang xảy ra với sự thanh thản hoàn toàn.

Trong những tháng gần đây, cha Lombardi cũng có cơ hội gặp Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức. Cha hy vọng được gặp ngài nhiều hơn khi cha chịu trách nhiệm về Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI. Cha nhận thấy Đức nguyên Giáo hoàng hoàn toàn sáng suốt về tinh thần cũng như trí tuệ, và đối với cha, gặp gỡ ngài thật là một niềm vui. Cha cho biết, thời gian qua, dĩ nhiên sức khỏe thể lý của Đức nguyên Giáo hoàng có giảm đi, nhưng tinh thần và trí óc của ngài vẫn minh mẫn. Đức nguyên Giáo hoàng không có bệnh tình gì đáng lo lắng; dù có yếu đi nhưng ngài vẫn đi lại trong nhà được.

Theo cha Lombardi, chứng tá đẹp nhất mà Đức nguyên Giáo hoàng đang để lại cho Giáo hội chính là đời sống cầu nguyện, với Chúa ở trung tâm, với đức tin như là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, sống tuổi già như thời gian chuẩn bị và quen thuộc với Thiên Chúa mà Đức nguyên Giáo hoàng chuẩn bị gặp gỡ. Cha tin rằng thật là tốt đẹp khi có Đức nguyên Giáo hoàng cầu nguyện cho Giáo hội, cho vị kế vị của ngài. Chúng ta cảm thấy được sự hiện diện của ngài, chúng ta biết là ngài hiện diện dù chúng ta không thường xuyên nhìn thấy ngài. Chúng ta cảm thấy ngài hiện diện với chúng ta; ngài đồng hành, an ủi và làm cho chúng ta an lòng.

Là người biết rõ về Đức Giáo hoàng Phanxicô và cả Đức nguyên Giáo hoàng, cha Lombardi nói về mối liên hệ hết sức an hòa và bình thường giữa hai vị. Trong lần cuối cùng gặp các Hồng y về Roma chuẩn bị Công nghị Hồng y, Đức Giáo hoàng Biển đức lúc bấy giờ đã hứa vâng phục, kính trọng người kế vị mình và ngài đã thực hiện điều ngài đã nói với sự gần gũi thanh thản trong tinh thần mà chắc chắn Đức Giáo hoàng Phanxicô cảm thấy được, như ngài đã nhắc đến nhiều lần. Mối liên hệ giữa hai vị Giáo hoàng được phát triển qua những cuộc viếng thăm, trò chuyện qua điện thoại của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Cha Lombardi khẳng định là chúng ta cảm thấy mối liên hệ thân tình, kính trọng và tương trợ tinh thần của hai Giáo hoàng, dù không được viết ra nhưng có thật và rất đẹp. Cha nói: “Những lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với vị tiền nhiệm của ngài – Đức nguyên Giáo hoàng Biên đức – đó là niềm vui lớn đối với tất cả chúng ta và là một gương mẫu điển hình về sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong sự đa dạng.” (SD 09/02/2017)

Hồng Thủy

 

Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Nguyên GH Biển đức XVI

Ngày hôm nay, cuốn sách “Biển đức XVI. Những cuộc trò chuyện cuối cùng” sẽ được phát hành bằng tiếng Ý trên toàn thế giới.

Cuốn sách thuật lại các cuộc phỏng vấn của ký giả người Đức Peter Seewald với Đức Giáo hoàng danh dự, bao gồm những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài, từ thời niên thiếu dưới chế độ Đức quốc xã, việc khám phá ơn gọi, những năm khó khăn trong chiến tranh, phục vụ ở Vatican và mối liên kết chặt chẽ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho đến cuộc bầu Giáo hoàng và quyết định từ nhiệm. Đức Giáo hoàng danh dự cũng nói về Đức Giáo hoàng Phanxicô, bày tỏ sự ngạc nhiên và rồi vui mừng vì việc bầu Đức Phanxicô chứng tỏ rằng Giáo hội sống động, linh hoạt và không cứng nhắc trong những chương trình và điều này đáng khen ngợi và khuyến khích.

Cha Federico Lombardi, nguyên là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và đương kim chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI của Vatican đã nhận định:  cuốn sách mới thuật lại cuộc phỏng vấn với Đức Biển đức XVI, được phát hành bằng các thứ tiếng khác nhau, chắc chắn đối với nhiều người là một ngạc nhiên, nhưng chúng ta có thể nói đó là một sự ngạc nhiên tốt đẹp.”

Cha Lombardi phân tích: “Một ngạc nhiên theo nghĩa là, Đức Biển đức đã đưa ra một chọn lựa rõ ràng là dành đời mình cho cuộc sống cầu nguyện và suy tư. Có lẽ chúng ta không chờ đợi việc xuất bản một cuộc trò chuyện mới, dài, với một ký giả. Một ngạc nhiên tốt đẹp, vì, vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu, việc đọc cuốn sách cách thong thả giúp chúng ta nhận ra những viên ngọc rất quý giá và có giá trị lớn lao, những viên ngọc hữu ích và thú vị. Những viên ngọc quý giá, theo tôi, có 2 điều, nằm trong phần I và chương cuối của phần III của cuốn sách”. Theo cha, hai điều quan trọng là: chứng tá của Đức Biển đức trong giai đoạn cuối đời và lý do ngài từ chức.

Cha Lombardi nhận định: “Điều đầu tiên và chính yếu là kinh nghiệm thiêng liêng cảm động của vị Giáo hoàng danh dự cao tuổi “trong hành trình đạt đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Tóm lại, Đức Biển đức XVI nói cách bình thản về việc ngài đang sống thế nào trong chiêm niệm và cầu nguyện giai đoạn cuối cùng của cuộc sống. Thánh Gioan Phaolô II đã cho chúng ta chứng tá quý giá về cách ngài chịu đựng trong đức tin sự đau đớn nặng nề của bệnh tật. Đức Biển đức XVI cho chúng ta chứng tá của con người của Thiên Chúa, tuổi già chuẩn bị cho cái chết. Ngài nói với cung giọng khiêm nhường và của con người trong nhận biết sự yếu đuối thể lý làm cho ngài khó mà luôn luôn ở mãi được, như ngài mong muốn, trong “đỉnh cao của tinh thần”. Ngài nói với chúng ta về mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa, về những câu hỏi lớn đã theo ngài trong đời sống thiêng liêng và tiếp tục theo ngài, và có thể là ngày càng trở nên lớn hơn, giống như sự hiện diện của sự dữ trong thế giới. Ngài nói với chúng ta đặc biệt về Chúa Giêsu Kitô, tâm điểm thật sự của cuộc đời của ngài mà ngài “thấy ngay trước mặt” ngài, “luôn luôn vĩ đại và mầu nhiệm”, và sự thật là bây giờ ngài tìm thấy “rất nhiều lời của Tin Mừng, vì sự cao cả và nghiêm trọng của các lời này, khó khăn hơn ngài nhận thấy trong quá khứ”.

Đức Giáo hoàng già yếu sống sự tiếp cận với ngưỡng cửa của mầu nhiệm “không rời bỏ sự chắc chắn của nền tảng của đức tin và lưu lại, và như thế nói là “đắm mình trong đức tin”. “Chúng ta nhận ra rằng cần phải khiêm tốn, nhận ra là nếu người ta không hiểu lời Kinh thánh, người ta phải chờ đợi cho đến khi Thiên Chúa mở ra cho chúng ta hiểu biết.

Đức Biển đức nói cách thanh thản về cái nhìn về cuộc sống quá khứ của ngài và “gánh nặng tội lỗi”, về hối tiếc đã không làm đủ cho người khác, nhưng cả sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, về thực tế là vào giây phút gặp gỡ “ngài sẽ cầu nguyện xin được Thiên Chúa khoan dung với sự đau khổ của ngài” và với sự xác tín rằng trong cuộc sống vĩnh cửu “ngài sẽ thật sự được về nhà””.

Cha Lombardi nói về khía cạnh quan trọng thứ hai: “Bên cạnh viên ngọc thật sự nền tảng này, từ một cấp độ khác – thấp hơn nhưng nổi bật – được đánh giá cao, đó là câu trả lời rõ ràng và bình thản cho tất cả những suy đoán vô căn cứ về lý do ngài từ chức vụ Giáo hoàng, giống như là do gặp phải những khó khăn từ các bê bối và các âm mưu. Được những câu hỏi của ký giả Seewald gợi lên, chính Đức Biển đức XVI đã quyết định làm rõ vấn đề, theo cách chúng ta hy vọng dứt khoát, ngài nói về hành trình phân định mà qua nó ngài đến trước Thiên Chúa với quyết định, và với sự thanh thản ngài đã thông báo và thực hiện mà không có sự phân vân và không bao giờ hối tiếc. Ngài khẳng định là quyết định được đưa ra không phải do áp lực của các vấn đề bức xúc, nhưng đúng hơn, chỉ khi những vấn đề này đã được khắc phục về cơ bản. “Tôi đã có thể phải từ chức chính vì những vấn đề đó đã trở lại bình an”. Đây không phải là một cuộc rút lui dưới áp lực của những sự kiện hay một cuộc trốn chạy vì không đủ khả năng đối phó với nó”.

Theo cha Lombardi, những lời của Đức Biển đức vừa trả lời cho những đồn thôi vô căn cứ về quyết định của ngài, vừa cho thấy tính hợp lý và thuyết phục của nó. Khi ngài thấy không còn thích hơp cho việc thi hành trách nhiêm điều hành Giáo hội vì những lý do thể lý và tâm lý thì việc từ chức là nghĩa vụ và bình thường. Cha cũng nhận xét, có thể việc biện phân của Đức Biển đức trong trường hợp này sẽ giúp cho các vị kế nhiệm một khả năng chọn lựa  dễ dàng theo.

Cha Lombardi cũng đưa ra một số đề tài thú vị khác như: suy tư của Đức Biển đức về việc tham dự Công đồng Vatican II, việc cộng tác với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, suy tư thần học, vv.

Cha Lombardi kết luận: Ngay cả cái nhìn về triều đại Giáo hoàng, trong những điểm sáng và giới hạn của ngài, sáng suốt và thanh thản, giống như thích hợp với những ai “đếm tháng ngày của mình” đã học được cách nhìn vào các sự kiện của thế giới này với “sự khôn ngoan của trái tim” (x. Tv 90), và có thể phó thác cuộc đời và hoạt động cho Thiên Chúa với sự tin tưởng”. (RV 09/09/2016)

Tòa Thánh vẫn sẵn sàng giúp Venezuela

Tòa Thánh vẫn sẵn sàng giúp Venezuela

Cha Lombardi

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng chính phủ Venezuela và phe đối lập tại đây sẵn sàng chấp nhận sự can thiệp của Tòa Thánh đồng hành và tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc đối thoại giữa các phe để đối phó với tình hình đất nước.

Trong thông cáo công bố hôm 22-7-2016, Cha Lombardi nói rằng: ”Như đã biết, cả trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện cần thiết trước đó, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức này được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Cha Lombardi đưa ra thông cáo trên đây sau khi một số hãng tin quốc tế truyền đi hôm 22-7-2016 nói rằng tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã chấp nhận đề nghị của phe đối lập, thỉnh cầu Tòa Thánh giúp đối thoại với chính phủ.

Ông Ernesto Samper, Tổng thư ký liên hiệp các nước Nam Mỹ đã gặp tổng thống Maduro hôm 21-7 và sau đó ông tuyên bố là sẽ thỉnh cầu ĐGH Phanxicô gửi đại diện đến Venezuela. Ông Samper đã đến thủ đô Caracas để cùng với cựu thủ tướng José Zapatero của Tây Ban Nha với ý hướng đã có từ 2 tháng nay, nhắm thúc giục các phe liên hệ ở Venezuela ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước về kinh tế và chính trị. (SD 23-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha sẽ viếng trại Auschwitz trong thinh lặng

Đức Thánh Cha sẽ viếng trại Auschwitz trong thinh lặng

Trại Auschwitz

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm trại tập trung Auschwitz Birkenau bên Ba Lan vào ngày 25 tháng 7 tới đây, trong thinh lặng và cầu nguyện, sẽ không có diễn văn nào nhân dịp này.

Hôm 30-6-2016, cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận sự thay đổi trên đây. Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 29-6 trước đó, ĐTC sẽ đọc một bài diễn văn tại đài tưởng niệm ở trại Birkenau giống như Đức Gioan Phaolô 2 và Đức Biển Đức 16 đã làm. Nhưng nay, có sự thay đổi như vừa nói.

Trên chuyến bay từ Armenia về Roma hôm 26-6-2016, Cha Lombardi đã ám chỉ đến sự thay đổi đó và ĐTC trả lời. Ngài nói: ”Hồi năm 2014, khi viếng nghĩa trang quân đội Redipuglia ở miền bắc Italia, nhân kỷ niệm 100 năm thế chiến thứ I bùng nổ, tôi đã bước đi trong thinh lặng giữa các ngôi mộ. Rồi sau đó, trong thánh lễ, tôi đã giảng, nhưng đây là chuyện khác. Cũng vậy tôi muốn đến chỗ kinh hoàng tại Auschwitz Berkenau, không có diễn văn, cũng chẳng có đám đông, chỉ một vài người cần thiết. Một mình đi vào, cầu nguyện, và xin Chúa ban cho tôi ơn được khóc”.

Cha Lombardi giải thích rằng sự im lặng của ĐTC Phanxicô không có nghĩa là ngài không có gì để nói về sự kinh hoàng của cuộc diệt chủng Do thái, điều quan trọng là tưởng niệm và cần phải tiếp tục bài trừ nạn bài Do thái. Chẳng hạn ngày 17-1 năm nay, khi viếng Hội đường Do thái ở Roma, ĐTC nói:

 ”Quá khứ phải là một bài học cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.. Cuộc diệt chủng Do thái dạy chúng ta rằng sự cảnh giác tối đa luôn luôn là điều cần thiết để mau lẹ can thiệp bảo vệ phẩm giá con người và hòa bình”. (CNS 30-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Chicco

Vatican – Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô tạo bất ngờ vì chuyến viếng thăm đột xuất của ngài.

Chiều hôm qua 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng  căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”.  Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Giáo hoàng trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Giáo hoàng còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Giáo hoàng trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo. (ACI 13/5/2016)

Hồng Thủy OP

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Mexico.- Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình sức ép của một số báo chí đòi ĐGH Phanxicô phải gặp riêng cha mẹ của 43 học viên mất tích tại Iguala.

43 học viên này theo học tại trường huấn nghệ Raul Isidro Burgos, bị mất tích hồi tháng 9 năm 2014 và có thể là đã bị giết. Cho đến nay nhà chức trách Mêhicô vẫn chưa làm sáng tỏ được vụ này. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 70 ngàn người ở Mêhicô bị các băng đảng ma túy giết chết, bắt cức và hàng chục ngàn người mất tích.

Theo báo Milenio và Jornada số ra ngày 16-2-2016 ở Mêhicô, cha Lombardi chống lại toan tính tạo sức ép đòi ĐGH phải gặp cha mẹ của 43 học viên mất tích, nhân dịp ngài đến thăm thành phố Ciudad Juárez để cử hành thánh lễ chiều ngày 17-2 kết thúc cuộc viếng thăm Mêhicô.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, truyền đi hôm 16-2-2016, Cha Lombardi nói: ”Tham dự thánh lễ của ĐTC tại Ciudad Juárez sẽ có rất nhiều người có liên hệ cách này hay cách khác với các vấn đề bạo lực khác nhau ở Mexico. Chúng ta biết rằng có 27 ngàn người mất tích, trong những năm gần đây: vì thế tôi không có tin ĐGH sẽ gặp riêng nhóm này hay nhóm kia. Ngài muốn tỏ cho tất cả mọi người sự gần gũi của ngài, sự hiện diện của ngài: ngài cầu nguyện cho tất cả mọi người và gần gũi tất cả”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

2 người bị bắt ở Vatican vì lấy trộm và phổ biến tài liệu mật

2 người bị bắt ở Vatican vì lấy trộm và phổ biến tài liệu mật

Cha Lombardi

VATICAN. 2 người đã bị bắt tại Vatican vì lấy trộm và phố biến tin tức và tài liệu mật.

Hôm 2-11-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết 2 đương sự là Đức Ông Lucio Angel Vallejo Balda, và bà Francesca Chaouqui.

Đức ông Vallejo người Tây Ban Nha, 54 tuổi, chuyên gia và kinh tế và đã từng giữ các chức vụ quản lý cho giáo phận và cho HĐGM ở Tây Ban Nha, và hiện là Tổng thư ký sở Kinh tế tài chánh của Vatican; tiếp đến là bà Chaouqui, 33 tuổi. Cả hai người từng là thành viên Ủy ban do ĐTC Phanxicô thiết lập hồi tháng 7 năm 2013 để nghiên cứu và đề ra hướng đi về việc tổ chức các cơ cấu kinh tế quản trị của Tòa Thánh (gọi tắt là COSEA). Do đề nghị của Ủy ban này, ĐTC Phanxicô đã thiết lập ”bộ kinh tế” và bổ nhiệm ĐHY George Pell làm chủ tịch.

Hồi đó, Đức Ông Vallejo loan báo mình sẽ trở thành Tổng thư ký (nhân vật thứ 2) của ”Bộ” mới này, nhưng trong thực tế, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Ông Alfred Xuereb, người Malta, nguyên là bí thư của ĐGH Biển Đức 16 và bí thư của ĐGH Phanxicô. Đức Ông Vallejo tiếp tục giữ nhiệm vụ Tổng thư ký sở Kinh tế tài chánh, tuy nhiên, trong kế hoạch cải tổ, cơ quan này sẽ bị dẹp và biến thành cơ quan kiểm soát tài chánh.

Cha Lombardi nói: ”Trong khuôn khổ điều tra cảnh sát tư pháp do Hiến binh Vatican khởi sự và thực thi từ vài tháng nay về vụ lấy trộm và phổ biến tin tức và tài liệu mật, hôm thứ bẩy 31-10 và chúa nhật 1-11, hai người nói trên đã bị triệu tập để hỏi cung về những yếu tố và những bằng chứng đã thu thập được.

 Sau cuộc hỏi cung, 2 người ấy đã bị giam giữ để tiếp tục điều tra. Hôm 2-11-2015, Văn phòng Chưởng tín (công tố viện) gồm giáo sư luật sư Gian Piero Milano, Chưởng tín, và giáo sư luật sư Roberto Zannotti, phụ tá chưởng tín, đã xác nhận việc bắt giam, nhưng quyết định trả tự do cho bà Chaouqui, vì bà đã cộng tác vào cuộc điều tra.

Việc phổ biến tin tức và tài liệu mật là một tội chiếu theo luật số IX của Quốc gia thành Vatican (13-7-2013), điều số 10 (điều số 116b của bộ hình luật).

Cha Lombardi cũng nói đến 2 cuốn sách sắp được xuất bản dựa trên những tài liệu và tin tức do hai đương sự cung cấp và khẳng định rằng ”Lần này cũng như đã xảy ra trong quá khứ, hai cuốn sách ấy là kết quả một sự phản bội trầm trọng đối với sự tín nhiệm của ĐGH, và đối với các tác giá, đó là một hoạt động nhắm thủ lợi từ một hành vi bất chính trầm trọng là sự trao các tài liệu mật. Khía cạnh pháp lý và có thể là hình luật của hành động này là đối tượng đang được Văn phòng chưởng tín cứu xét để có thể đưa ra các biện pháp, và nếu cần sẽ nhờ đến sự cộng tác quốc tế (nhờ nhà chức trách tư pháp Italia can thiệp).

Sự xuất bản thuộc loại này không hề góp phần thiết lập sự minh bạch và sự thật, nhưng chỉ tạo nên sự hoang mang và những giải thích thiên lệch và sai trái. Tuyệt đối cần tránh sự mơ hồ khi nghĩ rằng đó là một cách thức để giúp đỡ sứ mạng của ĐTC.

Hai cuốn sách dự kiến được xuất bản là cuốn ”Hà tiện” (Avarizia) do ký giả Emiliano Fittipaldi của báo Espresso và cuốn ”Đàng Thánh Giá” (Via Crucis) do ký giả Gianluigi Nuzzi của công ty truyền hình Mediaset. (SD 2-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Cha Lombardi bác bỏ tin Đức Thánh Cha bị ung thư não

Cha Lombardi bác bỏ tin Đức Thánh Cha bị ung thư não

Tuyên bố của Cha Lomberdi về bệnh của ĐTC là không có

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh mạnh mẽ bác bỏ tin do một tờ báo Italia (Quotidiano Nazionale) tung ra nói rằng ĐTC bị ung thư não bộ ”nhẹ”.

 

Tuyên bố sáng ngày 20-10-2015, Cha Lombardi nói: ”Việc phổ biến tin tức hoàn toàn vô căn cứ về sức khỏe của ĐTC do một tờ báo Italia là điều vô trách nhiệm trầm trọng và không đáng để ý. Ngoài ra, cũng như tất cả đều thấy, ĐGH luôn thi hành không gián đoạn hoạt động rất khẩn trương của ngài một cách hoàn toàn bình thường”.

 

Hôm 21-10-2015, hãng tin ADNkronos của Italia lại nói rằng một bác sĩ chuyên khoa ung thư não là ông Takanori Fukushima, hồi tháng giêng năm nay, đã bay trực thăng từ Pisa về Roma để khám bệnh cho ĐGH. Bác sĩ này đã xin bệnh viện San Rossore, mà ông là tư vấn từ lâu, cho phép dùng máy bay trực thăng ấy vì ông cần di chuyển mau lẹ. Ngoài Nhật bản, Ông cũng hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông được coi là một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về ung thư và các bệnh về nào”.

 

Tuy nhiên trong cuộc họp báo trưa ngày 21-10-2015 tại Vatican, Cha Lombardi xác quyết không có bác sĩ nào người Nhật đến Vatican để khám bệnh cho ĐGH, và cũng chẳng có cuộc khám như tờ báo đã nói. Cha cho biết đã tham khảo các nguồn tin liên hệ ở Vatican, kể cả ĐTC Phanxicô, để kiểm chứng.

 

Cha Lombardi cũng kể rằng bên cạnh tin nói là ĐGH bị ung thư, tờ báo nói trên còn đăng bài phỏng vấn 1 bác sĩ Italiam giáo sư Maira, đang ở New York, Hoa Kỳ, về bệnh ung thư óc, mà không hề nói gì về tin ĐGH. Sáng ngày 21-10-2015 bác sĩ đó đã tự ý điện thoại cho cha Lombardi bày tỏ sự kinh ngạc vì bị lôi kéo vào vụ ”tin vịt” này và nói rằng ký giả tờ báo đó điện thoại xin phỏng vấn ông về bệnh ung thư óc một cách tổng quát, ông không ngờ những câu trả lời phỏng vấn của ông được đăng liền với tin nói ĐGH bị ung thư óc như thể để minh chứng cho cái tin này. Bác sĩ Maira nói rằng mình bị ”ký giả đánh lừa”.

 

Cha Lombardi kể lại sự kiện trên đây để cho thấy bối cảnh tin đó được tạo nên thế nào (Tổng hợp 21-10-2015)

 

G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio

 

Cha Lombardi lên án các bài của tuần báo Espresso

Cha Lombardi lên án các bài của tuần báo Espresso

VATICAN. Hôm 27-2-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, mạnh mẽ lên án các bài trong tuần báo Espresso đăng các tài liệu mật nhắm chống ĐHY George Pell, Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh.

Tuần báo Espresso ở Italia, theo xu hướng tả phái, số ra ngày 27-2-2015 đã đăng tải một cuộc điều tra với mục đích chứng tỏ đang có ”cuộc chiến nội bộ” ở Vatican về vấn đề kinh tế. Báo này đăng biên bản cuộc họp ngày 12-9-2014 giữa các Hồng y với những ý kiến khác nhau về các vấn đề kinh tế, trong đó nhiều Hồng y có những ý kiến trái ngược với ĐHY Pell, người Úc. Các bài này cũng cho rằng ĐHY Pell đang tìm cách nắm trọn quyền bính về kinh tế tài chánh trong Vatican, gán cho ngài những danh hiệu như ”Nga hoàng (Za) về kinh tế”, hoặc tệ hơn nữa gọi ĐHY là ”căng-gu-ru”. Trả lời câu hỏi của giới báo chí về vấn đề này, Cha Lombardi ra thông cáo nói:

”Về vấn đề đăng tải những bài báo sáng nay, tôi chỉ muốn nêu lên 3 nhận xét rất đơn sơ:

– Việc chuyển các tài liệu mật cho báo chí với mục đích tranh biện hoặc để nuôi dưỡng sự đối nghịch không phải là điều mới mẻ, nhưng luôn luôn cần phải quyết liệt lên án, và đó là điều bất hợp pháp.

– Sự kiện những vấn đề phức tạp về phương diện kinh tế hoặc pháp lý đã hoặc đang trở thành đối tượng thảo luận và có những quan điểm khác nhau, đó là điều bình thường. Dưới ánh sáng những ý kiến được nêu lên, ĐGH đề ra những hướng đi của ngài và tất cả các vị hữu trách tuân theo hướng đi đó.

– Bài báo nhắm trực tiếp tấn công cá nhân phải bị coi là không xứng đáng và hẹp hòi. Nói rằng Văn phòng kinh tế không thi hành công việc của mình một cách liên tục và hiệu năng, đó là điều không đúng. Để khẳng định điều này, trong những tháng tới đây, Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh dự kiến sẽ công bố kết toán chi thu năm 2014 và ngân sách dự chi năm 2015 cho tất cả các cơ quan Tòa Thánh, kể cả chính Văn phòng kinh tế.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

Phản ứng của Báo Chí Tòa Thánh về cú điện thoại liên hệ tới người ly dị tái hôn

VATICAN. Hôm 24-4-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cảnh giác giới báo chí đừng rút ra những hệ luận thổi phồng về cú điện thoại mục vụ của ĐTC.

Trong những ngày qua, báo chí ở Argentina cho biết ĐTC gọi điện cho một phụ nữ ly dị tái hôn ở nước này và cho bà được xưng tội rước lễ. Tin này được báo chí các nước đăng lại.

Trong thông cáo công bố ngày 24-4-2014, cha Lombardi nói rằng ”có nhiều cú điện thoại đã xảy ra trong khuôn khổ các quan hệ mục vụ riêng của ĐGH Phanxicô. Những cú điện thoại như thế tuyệt đối không phải là những hoạt động công cộng của ĐGH, nên không nên chờ đợi những thông tin hoặc bình luận từ phía phòng báo chí Tòa Thánh.”

”Bởi vậy, những điều đã được phổ biến về vấn đề này, rút khỏi khuôn khổ những quan hệ riêng, và sự phóng đại của các cơ quan truyền thông sau đó, không đáng tin cậy và là nguồn mạch gây ra những hiểu lầm và hoang mang.

”Vì vậy cần tránh rút từ vụ này những hệ luận liên quan tới giáo huấn của Giáo Hội.

Tin về việc ĐGH bảo rằng việc cho người ly dị tái hôn rước lễ lại làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này bùng lên, nhất là trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay.

Hồi tháng 9-2013, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phải cải chính tin cho rằng ĐGH Phanxicô điện thoại cho một thanh niên đồng tính luyến ái người Pháp, để trả lời thư trong đó anh ta nói rằng mình bị giằng co giữa đức tin và xu hướng đồng tính luyến ái của anh. (Apic 24-4-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: ”Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo.. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả… Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.
Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng ”Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua.. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo hội Công Giáo Roma” (AGI 13-3-2014)

Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số Hồng Y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 Hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, thủ đô Hoa kỳ, nhận định rằng ”Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta”.

Đức tân Hồng Y Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster Thủ đô Anh quốc, thì nói: ”ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công Giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng”.

ĐHY Luis Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói: ”Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng – thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ.. Nhiều người quí chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..”

ĐHY Tagle nói thêm rằng: ”Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm”.

ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ và là một trong 8 HY cố vấn của ĐGH, nhận xét rằng ”Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn”.

ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: ”Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô”. ĐHY nói tiếp: ”Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo Hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các HY chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói”

– ĐHY Wilfrid Napier dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét rằng: ”ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công Giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi”.

”Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như thánh Phanxicô Assisi” (CNS 4-3-2014)

Nhận định của Cha Lombardi SJ

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng:

H. Thưa cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyn thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vn đề này và khả năng đả thông của Ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói ”không” và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những ngưi xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

H. Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: ”Anh chị em đừng nói “Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói ”Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là ”Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.

H. Thưa cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn

VATICAN. Chiều tối ngày 21-2-2014, Hồng y đoàn với 150 vị hiện diện, đã kết thúc Công nghị ngoại thường với 4 phiên họp về các vấn đề của gia đình.

Trong cuộc họp báo vào đầu chiều ngày 21-1-2014, Cha Lombardi cho biết trong phiên họp ban sáng cùng ngày, ĐTC đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay ở Roma, đó là:

– ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Pháp
– ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila, Philippines
– ĐHY Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil

Cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 10 năm ngoái, 2013, ĐTC đã bổ nhiệm vị Tổng tường trình viên của THĐGM về gia đình là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest, Hungari, và Đức TGM Bruno Forte, TGM Chieti, Italia là Tổng thư ký đặc biệt.

Cha Lombardi cho biết tính đến trưa ngày 21-2-2014 có 43 Hồng y lên tiếng phát biểu ý kiến về các vấn đề của gia đình. Còn nhiều vị khác đăng ký phát biểu trong phiên họp cuối cùng vào ban chiều, nhưng người ta không biết có đủ thời giờ cho các vị nói hay không. Nhiều Hồng y góp ý bằng giấy tờ.

Cha Lombardi không đi vào nội dung chi tiết các bài phát biểu, nhưng nói rằng các bài đó xoay quanh các khía cạnh rất khác nhau liên quan đến gia đình, từ nhân loại học Kitô về gia đình, quan điểm này trong bối cảnh văn hóa bị tục hóa ngày nay, vấn đề tính dục, những tình trạng khó khăn của gia đình; việc mục vụ gia đình, các nhóm linh đạo, các giáo xứ, việc chuẩn bị hôn nhân, linh đạo hôn nhân và gia đình. Có một loạt các bài phát biểu về vấn đề những tín hữu ly dị tái hôn, về phương diện pháp lý và giáo luật, các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, việc nhận cho các cặp ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, v.v..

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng không có quyết định nào được đề ra, nhưng người ta thấy có một cố gắng lớn làm sao dung hòa sự trung thành với Lời Chúa Kitô và sự từ bi trong đời sống giáo hội. Cha kết luận rằng: ”Không nên chờ đợi nơi Công nghị Hồng y này một kết luận hoặc một hướng đi thống nhất, nhưng các bài phát biểu là một sự dẫn nhập đầy khích lệ vào hành trình của Thượng HĐGM về gia đình vào tháng 10 năm nay. Vì nếu Thượng HĐGM làm việc được với tinh thần này, với một chân trời rộng ở và với chiều sâu như vậy, thì Giáo Hội đang ở trên con đường đứng để đáp ứng những thách đố của ngày nay, để ý tới sự trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và sự quan tâm mục vụ đối với con người và những hoàn cảnh khác nhau.

Trong cuộc họp báo, Phó giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Angelo Scelzo, cho biết có 298 ký giả đăng ký ngoại thường để tham dự công nghị của Hồng đoàn, và lễ tấn phong các Hồng y mới, không kể hơn 300 ký giả đăng ký thường xuyên.

Trong số 298 người vừa nói, có 54 người thuộc các hãng tin hình ảnh, 74 báo chí, 51 đài truyền hình, 153 ký giả và phóng viên thuộc các đài vừa nói.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bắt đầu nhóm họp với các Hồng Y

Đức Thánh Cha bắt đầu nhóm họp với các Hồng Y

VATICAN. Hôm 17-2-2014, Đức Thánh Cha đã bắt đầu khóa họp thứ 3 kéo dài 3 ngày với Hội đồng Hồng y cố vấn, giúp ngài cải tổ giáo triều Roma và cai quản Giáo Hội hoàn vũ.

Khóa họp tiến hành liền trước hai ngày họp của Hồng y đoàn, 20 và 21-2 tới đây, và lễ tấn phong 19 Hồng y mới vào ngày thứ bẩy 22-2.

ĐTC tham dự các phiên họp do ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga, SDB, TGM giáo phận Tegucigalpa, Honduras, làm điều hợp viên. Ngoài ra, ĐHY tân cử Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng tham dự các phiên họp này.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các HY đã đồng tế thánh lễ với ĐTC vào lúc 7 giờ ở Nhà Trọ Thánh Marta. Và cuộc họp sau đó cũng diễn ra trong một phòng tại Nhà trọ này.

Trong phiên họp sáng ngày 17-2-2014, ĐTC và các HY đã nghe đại diện của Ủy ban tham vấn về việc tổ chức kinh tế tài chánh của Tòa Thánh tường trình về kết quả hoạt động trong 7-8 tháng qua. Theo chương trình, trong phiên họp ngày 18-2-2014, các vị sẽ nghe sẽ tường trình kết quả hoạt động của Ủy ban tham vấn về Viện Giáo Vụ hay Ngân hàng Vatican.

Hai Ủy ban này có chức năng giới hạn và có nhiệm vụ tường trình cho ĐTC ý kiến về ngân hàng Vatican cũng như làm thế nào để giảm chi cho Tòa Thánh. Vì thế việc nghe tường trình về hoạt động của hai Ủy ban có mục đích giúp ĐTC và các Hồng Y cố vấn đi tới những kết luận cụ thể nhắm cải tiến trình trạng kinh tế và tài chánh của Tòa Thánh cũng như về cơ cấu và hoạt động của “ngân hàng Vatican”.

Chiều thứ tư, 19-2-2014, theo dự kiến sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa các Hồng y cố vấn và Hội đồng 15 Hồng Y quốc tế về các vấn đề quản trị, và kinh tế của Tòa Thánh.

Sáng thứ năm, 20-2-2014, Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn sẽ bắt đầu. Tất cả các Hồng y đều được mời tham dự khóa họp 2 ngày tại Hội trường mới của Thượng HĐGM ở Nội thành Vatican.

Công nghị Hồng y như thường lệ sẽ bắt đầu lúc 9.30 sáng với kinh giờ Ba, rồi lời chào của ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn; lời chào của ĐTC và phát biểu ngắn của ngài với các Hồng y. Tiếp đến là bài thuyết trình dẫn nhập của ĐHY Walter Kasper người Đức nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, về đề tài gia đình, vì Công nghị Hồng y này bàn về các thách đố của gia đình, trong viễn tượng Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt tháng 10 năm nay về gia đình.

Sau đó là phần tự do phát biểu của các Hồng Y. Cả phiên họp ban chiều cùng ngày và hôm sau, 21-2 cũng vậy.

Thời biểu của hai ngày họp là 9.30 đến 12.30, và 16.30 đến 19.00.

Thứ bẩy, 22-2, ĐTC sẽ phong 19 Hồng y mới và sáng chúa nhật 23-2, ngài sẽ đồng tế thánh lễ với các vị tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong hai ngày 24 và 25-2-2014, sẽ có khóa họp của Hội đồng 15 Hồng y về tài chánh và tổ chức của Giáo Hội, và Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 17-2-2014, trả lời câu hỏi của 1 ký giả, Cha Lombardi cho biết hiện thời cha không được thông báo vào về việc ĐTC có thể đưa ra quyết định nào trong tuần lễ này hay không.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình Ủy ban Liên Hiệp Quốc

Giám Đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh phê bình Ủy ban Liên Hiệp Quốc

VATICAN. Cha Lombardi, Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, mạnh mẽ phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, đi quá thẩm quyền của mình và can thiệp vào giáo huấn đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo.

Trong bản những nhận xét kết thúc, được công bố hôm 5-2-2014, Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, gồm 18 người, đã đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự, mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt. Ủy ban cũng đề nghị Tòa Thánh thay đổi giáo huấn về phá thai, ngừa thai, đồng tính luyến ái.

Trong thông cáo công bố hôm 7-2-2014, Cha Lombardi nói: ”Những nhận xét của Ủy ban theo nhiều hướng dường như đi quá các thẩm quyền của mình và xen mình vào chính các lập trường đạo lý và luân lý của Giáo Hội Công Giáo, đưa ra những chỉ dẫn liên hệ tới sự thẩm định luân lý về việc ngừa thai và chính việc phá thai, hoặc giáo dục trong gia đình, hoặc quan điểm về tính dục con người, dưới ánh sáng quan điểm ý thức hệ của Ủy ban về tính dục.”

Cha Lombardi cũng tố giác Ủy ban LHQ dành sự chú ý tối đa tới những tổ chức phi chính phủ vốn nổi tiếng có thiên kiến chống Công Giáo và Tòa Thánh, mà không để ý tới lập trường của Tòa Thánh, là thành viên ký kết hiệp ước về các quyền trẻ em. Thực vậy, các tổ chức phi chính phủ ấy (ONG) có đặc tính là không muốn nhìn nhận những gì đã được thực hiện tại Tòa Thánh và trong Giáo Hội Công Giáo trong những năm gần đây, qua việc nhìn nhận những sai lầm, canh tân các qui luật, phát triển các biện pháp huấn luyện và phòng ngừa. Không có hoặc rất ít tổ chức nào đã làm nhiều như Tòa Thánh. Người ta không hề thấy trong văn kiện của Ủy ban sự kiện tích cực ấy.

LM Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kêu gọi dư luận đừng nói là sự đụng độ giữa Tòa Thánh và LHQ, vì Tòa Thánh vẫn ủng hộ LHQ một cách mạnh mẽ và chính các vị lãnh đạo cấp cao của LHQ nhiều lần bày tỏ sự quí chuộng đối với sự ủng hộ của Tòa Thánh, đặc biệt qua những lần mời các vị Giáo Hoàng viếg thăm và phát biểu tại Đại hội đồng LHQ.

Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em chỉ là một bộ phận nhỏ, nhóm họp hai lần một năm để kiểm điểm việc áp dụng Hiệp ước quốc tế về các quyền trẻ em nơi các nước thành viên.

Cha Lombardi nhận xét rằng ”giọng điệu, sự phát triển và quảng cáo mà Ủy ban dành cho văn kiện những nhận xét về Tòa Thánh chắc chắn là điều không bình thường đối với thể thức thông thường đối với các nước khác đã ký Hiệp Ước. Việc làm này khiến cho Tòa Thánh trở thành một đối tượng của những sáng kiến và sự chú ý của giới truyền thông tai hại một cách bất công, và vì thế người ta có lý do chính đáng để phê bình nặng nề đối với Ủy ban này” (SD 7-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio