Đức Thánh Cha viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte

Đức Thánh Cha viếng thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte

CAIRO. Trong cuộc gặp gỡ Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập, chiều ngày 28-4-2017 tại Cairo, ĐTC bày tỏ tình liên đới sâu đậm với Giáo Hội này đã chịu nhiều đau khổ.

 Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày đầu tiên tại Ai Cập là cuộc viếng thăm tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Copte, cách khách sạn Al-Màsah 6 cây số và tọa lạc tại khu vực Kitô ở cổ thành Cairo trong đó có Nhà thờ chính tòa thánh Marco được khánh thành hồi năm 1968.

Khu thánh đường này đã bị khủng bố ngày 11 tháng 12 năm 2016: một quả bom đã nổ trong nhà nguyện thánh Phêrô, không xa văn phòng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, làm cho 29 người chết và 31 người bị thương. Vụ khủng bố này xảy ra đúng ngày lễ Mawlid, tức là kỷ niệm sinh nhật của Mohammed.

Đến tòa Thượng Phụ vào lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC cùng với phái đoàn của ngài đã được Đức Thượng Phụ Tawadros II tiếp đón, và hội kiến riêng.

Ngài năm nay 65 tuổi (1952), làm GM từ 20 năm nay (1997), và được chọn lên kế nhiệm Đức Shenuda III vào tháng 11 năm 2012, trở thành người kế vị thứ 118 của thánh Marco thánh sử. Ngài đã được ĐTC Phanxicô tiếp kiến hồi tháng 5 năm 2013 tại Vatican, đúng 40 năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ĐGH Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III, mở đầu cho cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo Hội. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ Tawadros đã mời ĐTC đến viéng thăm Ai Cập.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Tawadros II, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm của Đức Thượng Phụ tại Vatican ngày 10-5 năm 2013, ngày đó trở thành ngày thân hữu giữa Copte và Công Giáo, ngài cũng nói đến quá trình đối thoại đại kết từ sau tuyên ngôn chung giữa Đức Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Shenuda III hồi năm 1973, đồng thời nhấn mạnh đến hành trình hiệp thông cần được đào sâu thêm. Trong tiến trình này, các thánh và các vị Tử đạo thúc đẩy chúng ta trở thành một hình ảnh sống động của Jerusalem thiên quốc (Gl 4,26). ĐTC nói:

”Cùng nhau chúng ta được kêu gọi làm chứng về Chúa Giêsu, mang niềm tin của chúng ta cho thế giới, trước tiên bằng cách sống đức tin, vì sự hiện diện của Chúa Giêsu được thông truyền bằng cuộc sống và nói bằng ngôn ngữ tình thương nhưng không và cụ thể. Các tín hữu Chính Thống Copte và Công Giáo, chúng ta ngày càng có thể nói bằng thứ ngôn ngữ chung là ngôn ngữ bác ái: trước khi khởi sự một sáng kiến làm điều thiện, thật là đẹp nếu chúng ta tự hỏi xem chúng ta có thể thi hành sáng kiến ấy với các anh chị em chúng ta, những người cùng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Kitô. Như thế chúng ta kiến tạo tình hiệp thông trong cuộc sống cụ thể hằng ngày bằng chứng tá sống thực, và Chúa Thánh Linh sẽ mở ra những con đường hiệp nhất mà chúng ta không nghĩ tới.”

ĐTC cũng ca ngợi tinh thần tông đồ xây dựng mà Đức Thượng Phụ Tawadros dành cho Giáo Hội Công Giáo Copte: một sự gần gũi mà ngài biết ơn và biểu lộ qua sáng kiến rất đáng khen là Hội Đồng quốc gia các Giáo Hội Kitô, mà Đức Thượng Phụ đã khai sáng để các tín hữu của Cháu Kitô có thể ngày càng hoạt động với nhau để mưu ích cho xã hội Ai Cập.

Cũng trong diễn văn, ĐTC nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Ngài nói: ”Bao nhiêu vị tử đạo tại phần đất này, từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã sống đức tin một cách anh dũng cho đến độ đổ máu đào chứ không chối Chúa và không chiều theo những lời dua nịnh của thần dữ, và không chiều theo cám dỗ lấy sự ác đáp trả sự ác. Tử đạo thư của Giáo Hội Copte chứng tỏ điều đó. Rất tiếc là ngày nay máu vô tội của những tín hữu vô phương thế tự vệ tiếp tực phải đổ ra.

”Cũng như chỉ có một thành Jerusalem thiên quốc duy nhất, tử đạo thư của chúng ta cũng là duy nhất, và những đau khổ của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Máu vô tội của các vị tử đạo liên kết chúng ta với nhau. Được củng cố nhờ chứng tá của anh em, chúng ta cố gắng chống lại bạo lực bằng cách rao giảng và gieo vãi điều thiện, làm gia tăng sự hòa hợp và duy trì sự hiệp nhất, cầu nguyện để bao nhiêu hy sinh mở ra con đường dẫn đến tương lai hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta và an bình cho tất cả mọi người.

Sau diễn văn, DTC và Đức Thượng Phụ còn ký vào một tuyên chung nhấn mạnh đến bí tích rửa tội chung và quyết tâm dấn thân đại kết của hai Giáo Hội.

Tưởng niệm các vị tử đạo

Sau diễn văn của ĐTC, hai phái đoàn đã trao đổi quà tặng: ngài tặng Đức Thượng Phụ bức ảnh Mẹ Thiên Chúa dịu hiền, vẽ trên gỗ và tượng thánh Phanxicô đang giơ hai tay lên trời, trong cử chỉ chúc tụng công trình của Đấng Tạo Hóa.

Rồi ĐTC cùng với Đức Thượng Phụ, và các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô khác, trong đó có Anh giáo, đi rước đến Nhà thờ Thánh Phêrô chỉ cách đó 100 mét để tham dự buổi cầu nguyện đại kết với sự hiện diện của các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô khác, đặc biệt là Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios, Giáo chủ Chính Thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong buổi cầu nguyện, mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng về các mối phúc thật, trong đó nổi bật lời Chúa Giêsu dạy: Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9). ĐTC và Đức Thượng Phụ Tawadros II lần lượt xướng lên những lời cầu nguyện và mọi người chúc bình an cho nhau, và cùng đọc kinh Lạy Cha, trước khi đặt vòng hoa tưởng niệm gần 30 tín hữu bị thiệt mạng trong vụ khủng bố ngày 11-12 năm ngoái trong nhà nguyện thánh Phêrô.

Kết thúc cuộc viếng thăm và cầu nguyện, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Cairo, cách tòa Thượng Phụ 10 cây số để dùng bữa tối. Sau đó từ bao lơn tòa Sứ Thần, ĐTC đã chào thăm và chúc lành cho 300 bạn trẻ Công Giáo Ai Cập tụ tập tại cổng vào tòa Sứ Thần. Họ thuộc số 3 ngàn bạn trẻ tham dự cuộc lữ hành từ miền bắc và miền nam về Thủ đô Cairo nhân cuộc viếng thăm của ĐTC.

G. Trần Đức Anh OP

Là ánh sáng và muối ngăn chặn hư thối trong cộng đoàn và xã hội

Là ánh sáng và muối ngăn chặn hư thối trong cộng đoàn và xã hội

Chúng ta tất cả đều được mời gọi là ánh sáng và là muối trong môi trường sống thường ngày, bằng cách kiên trì trong nhiệm vụ làm cho thực tại con người tái sinh trong tinh thần của Tin Mừng, trong viễn tượng của Nước Thiên Chúa, và bằng cách đẩy xa các yếu tố gây ô nhiễm như ích kỷ, ghen tương, nói xấu là những thứ làm hư thối các cộng đoàn của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua, cũng là Chúa Nhật bảo vệ sự sống tại Italia về đề tài “Các ngưởi nam nữ bảo vệ sự sống theo vết chân của thánh Têrêxa Calcutta”

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa Phúc Âm Chúa Nhật trích từ Diễn văn Các Phúc Thật, trong đó Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thuộc mọi thời đại, bao gồm cả chúng ta nữa, chu toàn sứ mệnh của mình là ánh sáng và là muối giữa trần gian. Ngài nói:

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là một phản chiếu ánh sáng của Ngài, qua chứng tá của các việc lành. Chúa nói: “Ánh sáng của các con cũng phải rạng ngời trước loài người như thế, để họ trông thấy các việc làm tốt lành của các con và vinh danh Thiên Chúa Cha của các con ở trên trời” (Mt 5,16). Các lời này nhấn mạnh rằng từ các việc lành của mình chúng ta có thể được nhận biết như các môn đệ đích thật của Đấng là Ánh Sáng trần gian, không phải trong lời nói mà từ các việc làm của chúng ta. Thật thế, nhất là cung cách hành xử của chúng ta – trong điều thiện và trong điều ác – để lại một dấu vết nơi tha nhân. Như vậy, chúng ta có một bổn phận và một trách nhiệm đối với ơn đã nhận lãnh: ánh sáng của đức tin ở trong chúng ta qua Chúa Kitô và hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta không được giữ nó lại như thể là của riêng mình. Trái lại, chúng ta được mời gọi làm cho nó toả sáng lên trong thế giới, và trao nó cho những người  khác, qua các công việc làm tốt lành. Và thế giới cần tới ánh sáng của Tin Mừng biết bao nhiêu: ánh sáng biến đổi, chữa lành và bảo đảm ơn cứu độ cho ai tiếp nhận nó! Ánh áng này chúng ta phải đem theo với các việc lành của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Ánh sáng đức tin, trong khi cho đi, không bị tắt, nhưng được củng cố. Trái lại, nó có thể suy giảm, nếu chúng ta không dưỡng nuôi nó với tình yêu thương và các việc bác ái. Như thế, hình ảnh của ánh sáng gặp gỡ hình ảnh của muối.  Thật vậy, trang Tin Mừng nói với chúng ta như là môn đệ của Chúa Kitô rằng chúng ta cũng là “muối của đất” (c. 13). Muối là một yếu tố, ban hương vị, giúp duy trì thực phẩm khỏi hư thối, và vào thời Chúa Giêsu đã không có các tủ lạnh.  ĐTC giải thích thêm như sau:

Vì thế, sứ mệnh của các kitô hữu trong xã hội là trao ban hương vị cho cuộc sống với đức tin và tình yêu thương, mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta, đồng thời  giữ xa các mầm giống gây ô nhiễm của ích kỷ, ghen tuơng, nói xấu nói hành vv. Các mầm giống này làm hư hỏng cuộc sống các cộng đoàn của chúng ta, là các cộng đoàn, trái lại, phải bừng sáng  lên như các nơi của sự tiếp đón, của tình liên đới và của sự hoà giải. Để chu toàn sứ mệnh này chúng ta cần là những người đầu tiên được giải thoát  khỏi sự suy đồi thối nát của các ảnh hưởng thế tục, ngược lại với Chúa Kitô và Tin Mừng; và việc thanh tẩy này không bao giờ kết thúc, nhưng được làm một cách liên tục, được làm mỗi ngày.

Từng người trong chúng ta được mời gọi là ánh sáng và là muối trong môi trường sống thường ngày, bằng cách kiên trì trong nhiệm vụ làm cho thực tại con người tái sinh trong tinh thần của Tin Mừng, trong viễn tượng của Nước Thiên Chúa. Xin sự che chở hiền mẫu của Mẹ Maria Rất Thánh luôn trợ giúp chúng ta, Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu và là mẫu gương của các tín hữu, mỗi ngày sống ơn gọi và sứ mệnh của mình trong  lịch sử. Xin Mẹ của chúng ta giúp chúng ta luôn luôn để cho Chúa thanh tẩy và soi sáng, để tới lượt mình chúng ta trở thành  “muối đất” và “ánh sáng trần gian”.

Tiếp đến DTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới “Ngày bảo vệ sự sống” tại Italia về đề tài “Các người nam nữ bảo vệ sự sống noi gương thánh Terexa Calcutta”. Ngài nói: tôi xin hiệp nhất với các Giám Mục Italia trong việc cầu mong có một hành động can đảm giáo dục bảo vệ sự sống. Mỗi một sự sống đều thánh thiêng. Chúng ta hãy làm cho nền văn hóa sự sống  tiến lên như câu trả lời cho cái luận lý gạt bỏ và cho việc suy giảm dân số. Chúng ta hãy gần gũi và cùng cầu nguyện cho các trẻ em đang ở trong hiểm nguy của việc ngưng mang thai, cũng như cho các người đang ở giai đoạn sau cùng của cuộc sống – mọi sự sống đều thánh thiêng – để đừng có ai bị bỏ cô đơn một mình, và để tình yêu bênh vực ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta hãy nhớ tới lời mẹ Têrexa: “Sư sống là vẻ đẹp, bạn hãy hâm mộ nó; sự sống là sự sống, hãy bênh vực nó!” dù là với trẻ em đang lớn lến, hay với người gần chết: mọi sự sống đều thánh thiêng!

Tôi xin chào tất cả những ai đang hoạt động cho sư sống, các giáo sư các đại học Roma, và những ai cộng tác vào việc đào tạo các thế hệ mới, để họ có khả nằng xây dựng một xã hội tiếp đón và xứng đáng với mọi người.

ĐTC cũng chào các tín hữu hành hương, các nhóm giao xứ và hội đoàn đến từ nhiều nước khác nhau trong đó có các tín hữu các giáo phận Vienne, Granada, Melitta, Acquaviva delle Fonti tỉnh Bari, và các sinh viên  Penafiel Bồ Đào Nhà và Badajoz Tây Ban Nha.

Linh Tiến Khải