Một thương nhân hưu trí tặng tượng Đức Mẹ Fatima để cổ võ sùng kính Đức Mẹ

Một thương nhân hưu trí tặng tượng Đức Mẹ Fatima để cổ võ sùng kính Đức Mẹ

Từ tháng 01/2013 đến nay, Jose Camara, một thương nhân hưu trí người Bồ đào nha, hiện sống ở Cascais, cách thủ đô Lisbon khoảng hơn 30 cây số, đã tặng hơn 1000 tượng Đức Mẹ Fatima được làm thủ công ở Fatima, cho các giáo xứ, trường học, tu viện, các phong trào Công giáo, nhà tù, vv., và ngay cả cho các cá nhân, trên khắp thế giới. Không chỉ tặng các tượng Đức Mẹ, ông Camara còn trả chi phí vận chuyển, gửi các tượng. Mỗi khi ông Camara nghĩ là ông đã hoàn thành sứ vụ thì lại có ai đó cần một tượng Đức Mẹ Fatima để truyền bá lòng tôn sùng Mẹ, và ông lại tiếp tục công việc.

Ông Camara cho biết, ông bắt đầu việc tặng tượng này với ý tưởng ban đầu là tặng 12 tượng Đức Mẹ Fatima làm bằng tay cho các giáo xứ ở Nam phi, nơi ông đã sống nhiều năm. Sau khi việc dâng tặng của ông được đăng tải trên tuần báo Công giáo “The Southern Cross” ở Nam Phi, chỉ trong tuần lễ đầu tiên, ông đã nhận được 63 thư xin tượng. Cho đến nay ông đã gửi hơn 1000 tượng Đức Mẹ đến hơn 30 nước: từ khắp châu Phi, cho đến Thánh địa Israel, Ấn độ, Philippines, Australia, Anh, Đức, Guatemala, Hoa kỳ, ngay cả các xứ ở Bồ đào nha và một số nơi xa xôi như đảo Reunion và Mauritius. Công việc của ông bắt nguồn từ những người mà ông gặp, ví dụ một linh mục ở Namibia đã lái xe cả ngàn cây số để mua một tượng cho giáo xứ.

Các tượng Đức Mẹ mà ông Camara gửi tặng được làm thủ công, sơn bằng tay, có các kích cỡ khác nhau để dùng trong các nhà thờ. Để đổi lại việc nhận tượng Đức Mẹ, các giáo xứ phải hứa là cộng đoàn giáo xứ sẽ lần hạt Mân côi mỗi tháng một lần và đặt tượng tại bàn thờ hay nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Fatima.

Ông Camara kể lại hai cuộc gặp gỡ ấn tượng đối với những người nhận tượng. Một phụ nữ ở Cape Town bị ung thư và đang chờ chết. Bà ao ước được Đức Mẹ Fatima đồng hành khi trên giường bệnh. Mặc dù không thường tặng tượng Đức Mẹ cho các cá nhân, ông Camara đã gửi một tượng cho phụ nữ này như là một quà tặng riêng. Thời gian nhận được tượng thường bị chậm trễ do các thủ tục quan thuế và thường cần đến 4 tháng để các pho tượng đến được nơi nhận. Như thế có lẽ pho tượng Đức Mẹ không đến kịp với nữ bệnh nhân đang chờ chết. Nhưng ông Camara vẫn gửi pho tượng cho bà và phó thác cho Đức Mẹ Fatima.

Bốn tháng sau, ông Camara nhận được email, cho biết là phụ nữ này đang trên giường chờ chết nhưng tượng Đức Mẹ họ vẫn chưa nhân được tượng Đức Mẹ. Từ Bồ đào nha, ông Camara tin chắc là bức tượng đang ở sở hải quan Cape Town. Người chị của nữ bệnh nhân đã vội vã đến sở hải quan và xin được nhận bức tượng sớm và đưa đến bệnh viện. Người phụ nữ bị ung thư đã có thể ôm bức tượng và hạnh phúc với Đức Mẹ. Sau đó 24 tiếng đồng hồ, bà đã bình an ra đi. Ông Camara nói: “đó là đức tin. Tôi đã không tin là bà ta có thể nhìn thấy tượng Đức Mẹ (trước khi qua đời). Một thiếu nữ ở Anh thì viết thư cho ông Camara để xin một pho tượng cho cha của cô đang ở tù tại Kent. Ông Camara đã gửi một bức tượng đến nhà tù và bây giờ, cha của cô gái đó đọc kinh Mân Côi với các bạn tù hàng ngày.

Ông Camara chia sẻ là ông không thể tiếp tục công việc này mãi. Bên cạnh chi phi mua và gửi các pho tượng, các việc lặt vặt, giấy tờ, gửi hàng, làm cho ông bị căng thẳng khi mà ông không còn là một người trẻ nữa và đối mặt với các vấn đề xấu hơn của sức khỏe, và đặc biệt là số tiền tiết kiệm của ông đã gần hết. Ông Camara không muốn mình được nổi tiếng qua việc làm nay, ông không tìm bất cứ lợi lộc gì, nhưng chỉ muốn phục vụ Đức Mẹ Fatima và Thiên Chúa.

Ông Camara kết luận: “Tôi tin việc bác ái thật sự là phải tham gia vào: cởi áo khoác và gọn gàng, xắn tay áo và đối diện với dự án và ngay cả những chi phí to lớn. Và chúng ta phải làm, không phải để vinh danh cho riêng cá nhân mình, nhưng là thực hành với tình yêu dành cho Mẹ Maria của chúng ta. Đức Mẹ của chúng ta đang từ trời cao ban xuống những ơn lành.” (CNS 20/04/2017)

Hồng Thủy

 

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập

Sứ điệp video của Đức Thánh Cha gửi Ai Cập

VATICAN. ĐTC hy vọng chuyến viếng thăm của ngài tại Ai Cập là một an ủi và khích lệ cho các tín hữu Kitô và là một sứ điệp thân hữu quí mến đối với nhân dân Ai Cập và trong vùng.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp video gửi quốc dân Ai Cập công bố hôm 25-4-2017 trước cuộc viếng thăm của ngài từ ngày 28 đến 29-4 tới đây. ĐTC nói:

”Tôi thực sự vui mừng đến như một người bạn, như sứ giả hòa bình và như một người hành hương tại đất nước, cách đây hơn 2 ngàn năm, đã cho Thánh Gia tị nạn và tá túc khi trốn chạy những đe dọa của vua Hêrôđê (Xc Mt 2,1-16). Tôi hân hạnh được viếng thăm miền đất đã được Thánh Gia thăm viếng!

Sau khi cám ơn Tổng thống, Đức Thượng Phụ Chính Thống Tawadros II, Đại Iman của Đại học Al-Azhar, và Đức Thượng Phụ Công Giáo Copte, ngài nói:

”Tôi mong ước rằng cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm an ủi và khích lệ cho tất cả các tín hữu Kitô ở Trung Đông; một sứ điệp thân hữu và quí mến đối với tất cả mọi người dân Ai Cập và trong vùng; một sứ điệp huynh đệ và hòa giải cho mọi người con của Abraham, đặc biệt là thế giới Hồi giáo, trong đó Ai Cập chiếm một chỗ hàng đầu. Tôi cầu mong cuộc viếng thăm này cũng là một đóng góp giá trị cho cuộc đối thoại liên tôn với thế giới Hồi giáo và đối thoại đại kết với Giáo Hội Chính Thống Copte kính mến.

ĐTC nhận xét thêm rằng: ”Thế giới chúng ta bị bạo lực mù quáng xâu xé – đánh cả vào trọng tâm đất nước yêu quí của quí vị – thế giới ấy đang cần hòa bình, tình thương và lòng thương xót; cần những người kiến tạo hòa bình và những người tự do và giải thoát, cần những người can đảm biết học hỏi từ quá khứ để xây dựng tương lai mà không khép kín trong những thiên kiến; thế giới ấy đang cần những người bắc cầu hòa bình, đối thoại, công lý và tình nhân đạo”. (SD 25-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Loan báo Tin Mừng trong khiêm nhường chứ không bằng quyền lực

Loan báo Tin Mừng trong khiêm nhường chứ không bằng quyền lực

Việc loan báo Tin Mừng được thực hiện trong khiêm nhường, và cần vượt qua cám dỗ của niềm tự hào kiêu hãnh. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Ra đi loan báo không ngừng nghỉ

Cần ra đi, để loan báo Tin Mừng. Biết đi ra, đây là phong cách sống của người rao giảng. Người rao giảng Tin Mừng không kiếm tìm sự an toàn, không kiếm tìm những gì là bảo hiểm là bảo đảm. Không. Nếu một nhà giảng thuyết mà kiếm tìm những bảo đảm này nọ, người ấy không phải là nhà rao giảng đích thật của Tin Mừng. Bởi lẽ những nhà giảng thuyết không chân thực ấy, sẽ không đi ra, sẽ tìm điểm dừng, sẽ tìm bến đậu an toàn.

Trước tiên là hãy đi, hãy đi ra. Tin Mừng mà Chúa Giêsu Kitô công bố, luôn cần chúng ta đứng dậy và đi ra, luôn là tiến bước trên đường. Tiến bước trên cả con đường vật lý lẫn con đường tâm linh, và chắc chắn với nhiều khó khăn vất vả khổ đau. Có nhiều người đau yếu, nhiều người khổ đau đang loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội, cho các Kitô hữu, và cho bản thân chúng ta. Chúng ta hãy thử nghĩ về điều ấy.

Khiêm nhường loan báo Tin Mừng

Tin Mừng đích thật là Tin Mừng về Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh. Tại sao sự khiêm tốn lại cần thiết? Bởi vì chúng ta mang trong mình và ra đi loan báo sự khiêm nhường và thứ vinh quang rất khiêm nhường. Việc loan báo Tin Mừng gặp phải nhiều cám dỗ. Đó là cám dỗ của quyền lực, cám dỗ của sự tự hào kiêu hãnh, cám dỗ của thế gian. Nhiều thói thế gian lẻn vào và dụ dỗ chúng ta trong việc rao giảng. Khi chiều theo những cám dỗ ấy, lời rao giảng mất đi sức mạnh của Tin Mừng.

Thế nên, Thánh Phêrô đã nói: “Hãy coi chừng, hãy cảnh giác, hãy cẩn thận… vì kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử gào thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng những nỗi thống khổ như thế”. Thế đó, việc loan báo Tin Mừng, nếu là việc loan báo đích thực, thì luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ.

Có Chúa cùng đồng hành

Chúa sẽ ủi an chúng ta và ban sức mạnh, để chúng ta có thể tiếp tục tiến bước. Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta, nếu chúng ta trung thành với sứ điệp Tin Mừng, nếu chúng ta biết ra khỏi chính mình để với lòng khiêm nhường chân thật ra đi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cho dù đối với người đời, Chúa Kitô chịu đóng đinh, là cớ vấp phạm, là điều ngu ngốc, và là sự thất bại.

Nguyện xin Chúa ban ân sủng, để chúng ta khiêm tốn lên đường loan báo Tin Mừng, với lòng tự tin đặt nơi chính Chúa. Đó là Tin Mừng chân thật, rằng Ngôi Lời đã trở nên người phàm, rằng Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người. Dù cho có người coi đó là sự điên rồ, là điều không chấp nhận được, thì chúng ta vẫn biết rằng Chúa ở gần chúng ta, ở trong chúng ta, ở bên chúng ta, đồng hành với chúng ta, cùng hoạt động với chúng ta và chuẩn nhận các việc chúng ta làm.

Tứ Quyết SJ

 

Cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa

Cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa

Ngày 14 tháng 4 thứ sáu Tuần Thánh vừa qua đã có cuộc quyên góp trong mọi nhà thờ trên toàn thế giới để trợ giúp các kitô hữu tại Thánh Địa. Ngày này đã do các Giáo Hoàng phát động nhằm mục đích “duy trì mối dây liên kết giữa tất cả mọi kitô hữu toàn thế giới với các Nơi Thánh trên quê hương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên,  trợ giúp Thánh Địa cũng có nghĩa là góp phần cụ thể để tái lập hoà bình, đẩy xa chủ trương cực đoan, khủng bố phá hoại và khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau trong tinh thần khoan nhượng. Cuộc lạc quyên năm 2015-2016 cho Thánh Địa đã thu được hơn 5 triệu 275 ngàn mỹ kim và hơn 1 triệu 833 ngàn Euros.

ĐGH Phaolô VI đã gọi Thánh Địa là “sách Phúc Âm thứ năm”. Đối với chúng ta là các kitô hữu tin nhưng không trông thấy, các Nơi Thánh là việc tiếp cận giúp gần gũi Chúa Giêsu trên bình diện thể lý.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, về cuộc lạc quyên trợ giúp Thánh Địa năm nay.

Hỏi: Thưa ĐHY, trong thư gửi các Giám Mục toàn thế giới để phát động việc quyên góp trợ giúp các kitô hữu Thánh Địa, ĐHY đã viết rằng” ngày nay sống đức tin trong vùng Trung Đông thật không phải là điều dễ dàng”, đặc biệt tại những nước như Iraq, Siria và Ai Cập, nơi các cộng đoàn kitô đã sống kinh nghiệm đại kết của máu, và nơi có  cám dỗ rất lớn rời bỏ quê hương, nếu không nói là từ bỏ đức tin của mình”. Làm thế nào để duy trì sống động niềm hy vọng của vùng đất khốn khổ này?

Đáp: Tôi không tin rằng việc cho tiền có thể ngăn cản cuộc xuất cư của các kitô hữu Thánh Địa. Chúng tôi cố ý yểm trợ các Giáo Hội này với tình huynh đệ liên đới.

Hỏi: Việc trợ giúp duy trì các Nơi Thánh được thực thi như thế nào thưa ĐHY?

Đáp: Việc giữ gìn và bảo trì các Nơi Thánh cũng như việc trợ giúp và nâng đỡ các cộng đoàn kitô nhỏ địa phương rất là quan trọng. Và chúng tôi làm điều đó qua các trợ giúp cho các trường học công giáo và các cơ sở giáo dục, cả trong nước Israel cũng như trên đất của người Palestin. Tôi nghĩ tới đại học Bếtlêhem, nơi có tới 70% sinh viên là tín hữu hồi, và họ được đối xử y như các sinh viên kitô. Tôi cũng nghĩ tới các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai, là động lực của cuộc sống mục vụ của Giáo Hội. Tôi cũng nghĩ tới các công tác trợ giúp bác ái xã hội, y tế, và tất cả các cơ cấu khác do các kitô hữu Thánh Địa điều hành.

Hỏi: Số tiền quyên góp được phân chia ra sao thưa ĐHY?

Đáp: 65% số tiền lạc quyên hằng năm sẽ được dành cho quỹ Quản thủ Thánh Địa, và 35% dành cho Bộ các Giáo Hội công giáo Đông phương. Trong cả hai trường hợp chúng được sử dụng cho việc bảo quản các đền thánh, các nơi tiếp đón khách hành hương, và các việc cử hành cũng như trợ giúp các cộng đoàn kitô tại Thánh Địa, là các viên đá sống động của Giáo Hội, với các nhu cầu cuộc sống, rao giảng Tin Mừng, thăng tiến xã hội, giáo dục, công lý và hoà bình. Thế rồi cũng để bảo đảm cho việc trợ giúp đào tạo  và cho cuộc sống của các linh mục chủng sinh, cho các cơ cấu bác ái xã hội, đặc biệt là tài trợ cho các trường công giáo, trong đó có đại học  Bếtlêhem là nơi gặp gỡ của các thế hệ trẻ với 70% là sinh viên hồi. Hàng năm đại học nhận đuợc 200.000 mỹ kim, và tiền quyên góp do các sư huynh La Dalle phát động với sự trợ giúp của các tổ chức công tư khác. Tất cả nhằm thăng tiến con người toàn diện theo tinh thần của Thông điệp Tiến Bộ các dân tộc của ĐGH Phaolo VI, mà chúng ta mừng kỷ niêm 50 năm công bố trong các ngày này.

Hỏi: Trong tình hình hiện nay có vấn nạn rất lớn:  liệu các tín hữu kitô có ở lại trong vùng Trung Đông không, thưa ĐHY?

Đáp: Chiến tranh, các bạo lực, khủng bố phá hoại thúc đẩy các kitô hữu di cư. Công tác của Giáo Hội không chỉ được diễn tả qua  các liên lạc ngoại giao mà Toà Thánh có với các nước khác nhau và Toà Thánh xin họ làm những gì có thể để bảo đảm an ninh và hoà bình – là những điều kiện tiên quyết để họ ở lại – nhưng Toà Thánh cũng gần gũi họ trên bình diện thiêng liêng và vật chất nữa. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta gần gũi với nước Siria, với dân chúng sống trong thành phố Aleppo, với nước Iraq, với dân chúng sống tại Mossul, thương khóc các nạn nhân, và không phải chỉ thương khóc các nạn nhân kitô mà thôi.

Hỏi: Thưa ĐHY, việc quyên góp cũng được dành để cho việc đào tạo thiêng liêng và nhân bản của hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến. Đây cũng là một câu trả lời cho các nhu cầu của các cộng đoàn kitô vùng  Trung Đông, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Chúng tôi nhấn mạnh trên việc đào tạo toàn vẹn cho hàng giáo sĩ và các người sống đời thánh hiến bằng cách trợ giúp các chủng sinh của các Giáo Hội kitô thuộc nhiều lễ nghi khác nhau hiện diện tại Thánh Địa.

Hỏi: Làm sao có thể hy vọng rằng một linh mục không rời bỏ các nơi thánh này, nếu ngài không có con tim và linh hồn bị đóng đanh vào Thập Giá của Chúa Giêsu? Việc xuất cư của các kitô hữu cũng được biện minh bởi sự kiện các linh mục bỏ đi như đã xảy ra bên Iraq, thưa ĐHY?

Đáp: Nếu các linh mục không được đào tạo toàn vẹn, thì khó mà có thể ở lại với đoàn chiên trong các quốc gia vùng này.

Hỏi: Hiện nay có một  cấp thiết ưu tiên đó là việc tiếp đón người di cư tỵ nạn trốn chạy chiến tranh như bên Libăng, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ… Việc dấn thân cứu trợ nhân đạo có thể khiến cho sự chú ý tới công tác giữ gìn các Nơi Thánh bị nới lỏng hơn không thưa ĐHY?

Đáp: Các Nơi Thánh bằng đá gạch thì vẫn còn nguyên đó.

Hỏi: Như vậy có nghĩa là  các kitô hữu, cũng như tín hữu các tôn giáo khác không bị lệ thuộc vào các dinh thự đền đài, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Ngày 22 tháng 3 vừa qua chúng tôi đã khánh thành việc trùng tu Thánh Mộ và tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa chúng tôi cũng sẽ trông thấy lễ khánh thành việc trùng tu vương cung thánh đường Giáng Sinh tại Bếtlêhem.  Trong việc trùng tu vật chất này, như ĐTC Phanxicô đã nói, chúng tôi phải trông thấy việc trùng tu tinh thần là hoa trái của việc hoán cải cá nhân và việc hoán cải của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa ĐHY việc tái mở Thánh Mộ mới đây cho tín hữu và du khách hành hương kính viếng có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây đã là một trong các điểm tột đỉnh của nỗ lực giữ gìn, bảo trì và trùng tu các nơi thánh. Và lời cầu nguyện đại kết mà ĐTC Phanxicô đã làm hồi tháng 5 năm 2014 trở thành vĩnh viễn qua ước mong của mọi cộng đoàn kitô hiện diện tại Thánh Địa hoạt động để củng cố cơ cấu của Thánh Mộ. Đã có sự hợp tác của Toà Thánh, qua Phủ Quốc Vụ Khanh và Bộ các Giáo Hội Đông Phương, Toà Thượng Phụ chính thống hy lạp Giêrusalem cũng như Toà Thượng Phụ Armeni, các Giáo Hội Kitô địa phương, các  ân nhân và các cơ quan của thế giới hồi giáo, cũng như của quốc vương Giordania. Dấu chỉ này của sự hiệp nhất muốn tiếp tục qua một thoả hiệp mới, dự trù tái thiết nền và vùng chung quanh Thánh Mộ, cho phép bảo đảm việc trùng tu. Cũng đang có việc trùng tu vương cung thánh đường Bếtlêhem nơi Chúa Giêsu đã giáng sinh. Cả trong trường hợp này nữa Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cũng đóng góp. Con đường còn dài, chính quyền Palestina cũng chú ý tới việc này vì giá trị quốc tế của đền thờ vượt qua các ranh giới quốc gia và lợi lộc riêng tư, như các cây cột của vương cung thánh đường nhắc nhớ chúng ta, vì chúng đi từ thời vua Olaf của Na Uy cho tới thánh Bagio, và biết bao nhiêu vị thánh thuộc nhiều dân tộc và quốc gia khác. Hai công cuộc trùng tu này là dấu chỉ của tương lai nên một mà chúng ta hy vọng có thể được thực hiện, nhất là tại Thánh Địa nơi có một sự hiện diện đa hình dạng của các Giáo Hội Kitô.

Hỏi: Thưa ĐHY, có một yếu tố quan trọng làm thành sức sinh động của Giáo Hội tại Thánh Địa: đó là việc hành hương. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy việc hành hương bắt đầu trở lại, con số tín hữu và khách hành hương giảm sút, vì có các căng thẳng trong vùng và một việc thông tin miêu tả Thánh Địa như là một nơi không an ninh, có đúng thế không?

Đáp: Các chuyến hành hương là một quyên góp trong việc quyên góp. Chúng là một trợ giúp cho các kitô hữu địa phương, trong đó có người làm việc trong lãnh vực du lịch tôn giáo. Số tín hữu hành hương giảm cũng khiến cho việc trợ giúp này gặp nguy hiểm. Chắc chắn là việc miêu tả Thánh Địa như nơi có nhiều căng thẳng có thể ảnh hưởng trên làn sóng hành hương.

Hỏi: Trái lại, sự kiện Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Phanxicô viếng thăm Thánh Địa đã thúc đẩy làn sóng hành hương lên cao. Và nhiều tín hữu hành hương cũng cho biết là tình hình Thánh Địa có an ninh, và việc hành hương các Nơi Thánh gây ra một cú sốc tinh thần, có phải vậy không thưa ĐHY?

Đáp. Vâng, thật là rất đẹp khi thấy một Giám Mục hướng dẫn tín hữu giáo phận đi hành hương Thánh Địa.

Hỏi: Việc trợ giúp các cộng đoàn kitô và các Nơi Thánh là một loại “ngoại giao” của tình liên đới. Hành động này có thể góp phần cho nền hoà bình tại Thánh Địa và cho việc triệt hạ các hình thức cuồng tín tôn giáo dưỡng nuôi các hành động khủng bố phá hoại bên trong và bên ngoài tôn giáo như thế nào thưa ĐHY?

Đáp: Chúng ta phải tìm trở thành những người hoạt động cho hoà bình một cách cụ thể và không chỉ hạn chế trong các lời tuyên bố mà thôi. Yểm trợ Thánh Địa là góp phần cụ thể cho hoà bình, là làm chứng tá rằng có thể sống chung với nhau, trong an ninh và hoà bình tại Israel, tại Palestina, bên Siria, bên Iraq; là đẩy xa khuynh hướng cực đoan và khủng bố, là khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau, chung sống với nhau và khoan nhượng đối với nhau. Trợ giúp các kitô hữu của các vùng đất này là góp phần xây dựng hoà bình.

( SD 14-4-2017; Os.Rom. 12-4-2017)

Linh Tiến Khải

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha: 23-4-2017

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha: 23-4-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa chúa nhật 23-4-2017, cũng là ”Chúa nhật Áo Trắng, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương.

Ngài nói với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện:  Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mỗi chúa nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, chúa nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, chúa nhật này được gọi là ”in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến chúa nhật in albis – tức là chúa nhật sau lễ Phục Sinh – khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô 2 đã qui định rằng chúa nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót. Thật là một trực giác rất đẹp! Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót cũng mới kết thúc cách đây vài tháng và chúa nhật này mời gọi chúng ta mạnh mẽ lấy lại ơn thánh xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin mừng hôm nay là một trình thuật cuộc hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh với các môn đệ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly (Xc Ga 20,19-31). Thánh Gioan kể rằng Chúa Giêsu, sau khi chào các môn đệ, Ngài nói với họ: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói rồi, Ngài thổi hơi vào họ và nói thêm: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai ngừơi ấy được tha” (vv.21-23). Đó là ý nghĩa lòng thương xót được trình bày trong ngày Chúa Giêsu sống lại như ơn tha thứ tội lỗi. Chúa Giêsu đã thông truyền cho Giáo Hội của Ngài, như nghĩa vụ đầu tiên, chính sứ mạng của Ngài là mang đến cho tất cả mọi người sự loan báo cụ thể về ơn tha thứ. Dấu chỉ hữu hình này về lòng thương xót của Chúa mang theo an bình trong tâm hồn và niềm vui được tái gặp gỡ với Chúa”.

Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác. Đúng thế, ta cũng có thể nhận biết qua kinh nghiệm về lòng thương xót nữa! Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta. Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy, vì họ bị mất phẩm giá của mình. Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất. Lòng thương xót giúp nhận ra những người cần an ủi và làm cho ta tìm được những lời nói thích hợp để ủi an họ. Lòng thương xót sửa ấm tâm hồn và làm cho nó nhạy cảm đối với những nhu cầu của anh chị em qua sự chia sẻ và tham gia. Tóm lại, lòng thương xót kêu gọi mọi người trở thành dụng cụ của công lý, hòa giải, và hòa bình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót chính là chìa khóa chủ yếu trong đời sống đức tin, và là hình thức cụ thể qua đó chúng ta mang lại sự cụ thể hữu hình cho sự sống lại của Chúa Giêsu.

Và ĐTC kết luận với lời khẩn nguyện, xin Mẹ Maria, Mẹ Từ Bi Thương Xót, giúp chúng ta tin và vui sống tất cả những điều ấy.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC nhắc nhở rằng: thứ bẩy 22-4-2017 tại thành Oviedo bên Tây Ban Nha có lễ phong chân phước cho Cha Louis-Antoine Ormières. Cha sống hồi thế kỷ 19, đã dùng tất cả khả năng nhân bản và tinh thần của mình để phục vụ giáo dục, và với mục đích ấy, cha đã thành lập dòng các nữ tu Thiên thần Bản mệnh. Ước gì tấm gương và lời chuyển cầu của cha đặc biệt giúp đỡ những người đang hoạt động tại các học đường và trong lãnh vực giáo dục.

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác, đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần in Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

Sau cũng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừn gngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha phê bình chính sách Âu Châu về tỵ nạn

Đức Thánh Cha phê bình chính sách Âu Châu về tỵ nạn

ROMA. ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tỵ nạn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ bẩy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm ”các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

Mở đầu, Giáo Sư Andrea Riccardi, Sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, đã cám ơn ĐTC và nêu nhận xét: ”Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng trong tư cách là Kitô hữu chúng ta không chiến thắng bằng quyền lực, võ khí, tiền bạc, sự đồng thuận, Kitô hữu không phải là những anh hùng, nhưng họ chỉ có một sức mạnh duy nhất là sức mạnh khiêm tốn của đức tin và tình yêu; họ không cướp mất sự sống nhưng trao ban sự sống, như Chúa Giêsu đã làm, Đấng đã không tự cứu bản thân, và không trốn chạy khỏi Jerusalem”.

Trong buổi cầu nguyện cho 3 chứng nhân trình bày chứng từ, đặc biệt là bà Roselyne Hamel, em gái của cha Jacques Hamel bị hai tên khủng bố Hồi giáo sát hại hồi năm ngoái ở Pháp. Bà nói: ”Ước gì sự hy sinh của cha Jacques mang lại những hoa trái, để con người ngày nay có thể tìm được con đường sống chung trong an bình”.

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng Giáo Hội là Giáo Hội nếu là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết.. và cũng có bao nhiêu vị tử đạo âm thầm, những ngừơi nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh, và trong cuộc sống hằng ngày, họ tìm cách giúp đỡ anh chị em và yêu mến Thiên Chúa không chút dè dặt”.

ĐTC cũng ứng khẩu nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, và nói: ”Ngày hôm nay tôi muốn thêm một hình ảnh nữa, đó là những người tị nạn và những cuộc bách hại các tín hữu Kitô.. Khi ở đảo Lesbo, tôi chào những người tị nạn, tôi thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ, ông nhìn tôi và nói: ”Thưa cha, con là người Hồi giáo, vợ con là tín hữu Kitô và những tên khủng bố đến đất nước chúng con. Họ nhìn chúng con và hỏi xem chúng con theo đạo nào, và khi thấy vợ có một thánh giá, chúng bảo vợ con vứt thánh giá đi. Vợ con không chịu làm theo lời chúng, thế là chúng cắt cổ vợ con ngay trước mặt con. Chúng con rất thương yêu nhau”.

ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà. Tôi không biết người đàn ông ấy còn ở đảo Lesbo hay đã được đi định cư tại nơi hác. Tôi không biết ông ấy có khả năng ra khỏi cái trại tập trung ấy hay không, các trại tị nạn là những trại tập trung, vì có đông chật người tại đó. Người ta bỏ họ tại đó vì những hiệp định quốc tế dường như quan trọng hơn các quyền con người. Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

Sau buổi cầu nguyện, ĐTC còn gặp gỡ và chào thăm những người tị nạn được đến Italia qua hành lang nhân đạo do Cộng đồng thánh Egidio và Ban lãnh đạo Tin Lành Valdesi làm trung gian.

ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân và nói: ”Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân, thái độ này có nghĩa là tự sát. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền, và họ ở lại đó tại những nước quảng đại, Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: ”Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người” (RG, Repubblica 22-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử

Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các Phật Tử trên thế giới nhân dịp lễ Vesakh và cổ võ cùng nhau cấp thiết thăng tiến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và của Đức Cha Tổng thư ký Miguel Ángel Ayoso Guixot, công bố hôm 22-4-2017 nhân lễ Vesakh. Đối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ này mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau. Năm nay lễ Vesakh được cử hành vào ngày 10-5 tới đây.

Trong sứ điệp, Hội đồng Tòa Thánh nhận xét rằng trong khi nhiều tín hữu dấn thân thăng tiến hòa bình, thì có những người khác lại khai thác tôn giao để biện minh cho những hành vi bạo lực và oán thù…

Chúa Giêsu và Đức Phật cũng cổ võ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như ĐGH Phanxicô đã viết ”Cả Chúa Giêsu cũng sống trong thời kỳ bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và an bình đụng độ nhau chính là tâm hồn con người: ”Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu” (Mc 7,21) (Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2017).

Cả Đức Phật cũng loan báo một sứ điệp bất bạo động và hòa bình, khuyến khích tất cả mọi người ”hãy chiến thắng kẻ giận dữ không phải bằng sự nổi giận, chiến thắng kẻ gian ác bằng sự từ nhân, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật” (Kinh Pháp Cú [Dhammapada], n. XVII, 3).

Cụ thể hơn, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cổ võ sự dấn thân chung của các tín hữu Kitô và Phật tử và khẳng định rằng:

”Chúng ta đồng ý là bạo lực nảy sinh từ trái tim con người, và sự ác của con người đưa tới những cơ cấu gian ác. Vì thế chúng ta được kêu gọi thực hiện một công trình chung: nghiên cứu những nguyên nhân gây nên bạo lực; giảng dạy cho các tín hữu liên hệ cách thức chiến thắng sự ác trong tâm hồn của họ; giải thoát khỏi sự ác các nạn nhân cũng như những người phạm những hành vi bạo lực; huấn luyện tâm trí của tất cả mọi người, đặc biệt là các trẻ em, hãy yêu mến và sống an bình với tất cả mọi người và với môi trường; giảng dạy rằng không có hòa bình nếu không có công lý, và cũng không có công lý đích thực nếu không có tha thứ; mời gọi tất cả mọi người hãy cộng tác vào việc phòng ngừa các xung đột trong sự tái thiết các xã hội bị phân tán; khuyến khích các phương tiện truyền thông xã hội tránh và bài trừ những diễn văn oán thù, và những tương quan phe phái, khiêu khích; khuyến khích những cuộc cải tổ giáo dục để phòng ngừa sự giải thích xuyên tạc và xấu xa về lịch sử và các sách Kinh Thánh; sau cùng là cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới qua việc cùng nhau tiến bước trên con đường bất bạo động” (SD 22-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công giáo

Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội khoa học gia Công giáo

Chicago, Illinois – Từ ngày 21-23/04, Hội nghị đầu tiên của Hiệp hội Khoa học gia Công giáo sẽ diễn ra tại Hotel Knickerbocker ở Chicago.

Hội nghị sẽ tập trung trên các vấn đề về sự khởi đầu: nguồn gốc của ý thức, nguồn gốc của ngôn ngữ loài người, nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc của sinh vật sống. Dự kiến sẽ có khoảng 100 tham dự viên vào buổi khai mạc hội nghị.

Hiệp hội Khoa học gia Công giáo được thành lập vào giữa năm 2016 với mục đích làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của khoa học gia và đời sống đức tin. Nó giúp nuôi dưỡng tình thân hữu giữa các nhà khoa học và cung cấp tài liệu và diễn đàn thảo luận cho những người có câu hỏi về khoa học và đức tin, trong khi vẫn gắn kết với giáo huấn Công giáo.

Marissa March, nhà vật lý và nghiên cứu gia từ trường đại học Pensylvania sẽ trình bày về đề tài “Khoa học gia Công giáo trong thế giới thế tục: Ý nghĩa của ơn gọi chúng ta là gì và làm sao phân biệt được chúng ta?”

Còn cha Joachim Ostermann, một tu sĩ dòng Phanxicô người Canada, một giáo sư hóa sinh, sẽ nói về khoa học dưới ánh sáng của quan điểm Kitô giáo về con người.

Các thuyết trình viên Công giáo khác gồm có tu sĩ Guy Consolmagno, dòng Tên, giám đốc đài thiên văn Vatican; Karin Öberg, giáo sư thiên văn học của đại học Havard; và Kenneth R. Miller, giáo sư sinh học của đại học Brown.

Cũng có một số thuyết trình viên không Công giáo như Robert C. Berwick, chuyên viên khoa học vi tính ở Học viện kỹ thuật Massachusetts, nói về những ý tưởng mà ông và giáo sư Noam Chomsky đã phát triển về nguồn gốc của ngôn ngữ loài người và lý do họ tin là không có loài vật nào có thứ gì giống ngôn ngữ loài người; John D. Barrow, một giáo sư vật lý lý thuyết đến từ đại học Cambridge, thảo luận về quan điểm của ông về nguồn gốc và tiến hóa của vũ trụ.

Hiệp hội Khoa học gia Công giáo có vài trăm thành viên, bao gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu trong các lãnh vực sinh học vũ trụ, lý thuyết tiến hóa, vv. Chủ tịch của Hiệp hội là Stephen M. Barr, giáo sư vật lý và thiên văn học của đại học Delaware. Đức Tồng giám mục Charles Chaput của Philadelphia là cố vấn của Hiệp hội. (CNA 19/04/2017)

Hồng Thủy

Một Linh mục dòng Tên bị bắt cóc ở miền nam Nigeria

Một Linh mục dòng Tên bị bắt cóc ở miền nam Nigeria

Abuja – Cha Samuel Okwuidegbe, dòng Tên, 50 tuổi, bị bắt cóc hôm 18/04, trên đường từ thành phố Benin đến Onitsha.

Theo tin của báo La Croix, cha Okwuidegbe đang đi đến nơi giảng tĩnh tâm, cách trung tâm tĩnh tâm nơi cha điều hành và sống với 3 tu sĩ dòng Tên khác 150 cây số. Chiếc xe của cha được cảnh sát tim thấy khi họ đi tìm cha.

Cha Rigobert Kyungu Musenge, Tổng thư ký dòng Tên vùng châu Phi và Madagasca cũng cho biết là có 2 người khác bị bắt cóc cùng với cha Okwuidegbe và theo cha, đây là lần đầu tiền một linh mục dòng Tên là nạn nhân của vụ bắt cóc ở trong vùng. Cha không nghĩ là cha Okwuidegbe bị bắt cóc vì là linh mục.

Năm 2016, một số linh mục Công giáo bị bắt cóc tại các vùng khác nhau ở Nigeria, đặc biệt là ở khu vực phía nam.

Cha Sylvester Onmoke, chủ tịch hội linh mục giáo phận của Nigeria đã mô tả “làn sóng bắt cóc các linh mục và tu sĩ gần đây như một cuộc tấn công vào Giáo Hội”. (Agenzia Fides 21/4/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima

VATICAN. ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giacinta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng.

Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Giacinta qua đời năm 1920 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Giacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh.

Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

35 chân phước khác

Trong công nghị, ĐTC cũng quyết định phong hiển thánh cho 35 vị chân phước. Trước khi đọc bản giới thiệu các vị chân phước, ĐHY Angelo Amato cũng nhắc đến các trẻ em trên thế giới ngày nay, nạn nhân của bạo hành và lạm dụng.

Đứng đầu danh sách được trình bày là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Thứ ba là Cha Faustino Miguez, thuộc dòng Scolopi, sáng lập Hội dòng Calasanziano của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi.

35 chân phước sẽ được phong hiển thánh ngày 15-10 năm nay (SD 20-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Dự án “làng Đức Giáo hoàng Phanxicô” ở Trung phi

Dự án “làng Đức Giáo hoàng Phanxicô” ở Trung phi

Bangui – Một ngôi làng mang tên “Đức Giáo hoàng Phanxicô” sẽ là nơi gặp gỡ của các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Cộng hòa Trung Phi. Dự án đang được phái đoàn các chuyên viên về Trung phi của Vatican nghiên cùng với Chương trình của các tôn giáo của Trung phi nghiên cứu.

Martin Nkafo Nkamitia, giám đốc phân bộ Nghiên cứu cỗ võ văn hóa Trung phi và chủ tịch phái đoàn các chuyên viên Vatican về Trung phi nhắc lại: “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định Bangui là thủ đô tinh thần của nhân loại. Ngài đã mở cửa Năm Thánh ở Bangui. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Cửa Thánh được mở bên ngoài Vatican. Đó là những cảm thức không thể bỏ qua. Bởi thế chúng tôi đã nghĩ đén việc thành lập một ngôi làng, nơi có thể là điểm gặp gỡ của các cộng đồng tôn giáo ở Trung Phi, để ghi nhớ cuộc viếng thăm Trung phi của Đức Thánh Cha.”

Dự án làng “Đức Giáo hoàng Phanxicô” đã được trình lên tổng thống Trung phi và thị trưởng Bangui trong dịp bổ nhiệm của Đức hồng y Dieudonné Nzapalainga.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thăm Trung phi từ ngày 29-30/11/2015 và đã để lại một kỷ niêm tại quốc gia này, đặc biệt trên bình diện các mối tương giao liên tôn, nhờ cuộc viếng thăm ấn tượng những người di dân tụ họp trong đền thờ Hồi giáo chính của khu PK5. (Agenzia Fides 20/4/2017)

Hồng Thủy

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

** Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông Đồ. Đức tin kitô nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa Đấng đã chiến thắng cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 19-4-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa 5 câu đầu chương 15 thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, viết rằng: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,1-5).

ĐTC nói: dưới ánh sáng lễ Phục Sinh mà chúng ta đã cử hành trong phụng vụ, trong lộ trình giáo lý về niềm hy vọng kitô tôi muốn nói  về Chúa Kitô Phục Sinh niềm hy vọng của chúng ta, như thánh Phaolô trình bầy trong chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô.

Thánh tông đồ muốn giải quyết một vấn đề chắc chắn là trọng tâm các thảo luận trong cộng đoàn Côrintô. Sự sống lại là đề tài sau cùng nhưng theo trật tự quan trọng lại là đề tài đầu tiên, vì tất cả đều dựa trên giả thiết này.

Khi nói với các kitô hữu, thánh nhân khởi hành từ một dữ kiện không thể chối cãi được. Nó không phải là kết quả suy tư của một người khôn ngoan, nhưng là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào cuôc sống của vài người. ĐTC khẳng định như sau:

** Kitô giáo này sinh từ đó. Nó không phải là một ý thức hệ, nó không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường lòng tin khởi hành từ một biến cố được các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu làm chứng. Thánh Phaolô tóm tắt nó như thế này: Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại và hiện ra với Phêrô và Nhóm Mười Hai (1 Cr 15,1-5). Đây là sự kiện. Ngài đã chết, đã bị mai táng, đã sống lại, đã hiện ra. Nghĩa là Chúa Giêsu sống. Đây là hạt nhân của sứ điệp kitô.

Khi loan báo biến cố này là nhân tố chính của đức tin, Phaolô nhấn mạnh trên yếu tố cuối cùng của mầu nhiệm vuợt qua, nghĩa là của sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại. Thật thế, nếu tất cả đã kết thúc với cái chết, nơi Ngài chúng ta sẽ có môt thí dụ của sự tận hiến tột cùng, nhưng điều này không thể sinh ra niềm tin của chúng ta. Ngài đã là một anh hùng. Không!. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Bởi vì đức tin nảy sinh từ sự phục sinh. Chấp nhận rằng Chúa Kitô đã chết và chết trên thập giá, không phải là một hành động của lòng tin, nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại tin rằng Ngài đã sống lại là hành động của lòng tin. Niềm tin của chúng ta nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Thánh Phaolô đã liệt kê một danh sách các người đã đưọc Chúa Giêsu hiện ra (cc. 5-7). Ở đây chúng ta có một tổng kết của tất cả các trình thuật phục sinh và tất cả những người đã bước vào việc tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Đứng đầu danh sách là Kêpha, tức Phêrô và nhóm Mười Hai, rồi tới “500 anh em” mà nhiều người còn có thể làm chứng, rồi đến Giacôbê. Đứng chót trong danh sách như là kẻ bất xứng nhất – là chính Phaolô, ngài nói về mình như “một bào thai bị phá” (c.8).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: thánh Phaolô dùng kiểu diễn tả này, bởi vì lịch sử cá nhân của ngài thật là thê thảm: ngài đã không phải là một chú bé giúp lễ nhé. Ngài đã là một người bách hại Giáo Hội, kiêu căng vì các xác tín riêng của mình; thánh nhân cảm thấy mình là một người thành đạt, với một tư tưởng rất trong sáng về cuộc sống với các bổn phận của ngài. Nhưng trong khung cảnh toàn vẹn đó – tất cả đã toàn vẹn nơi Phaolô, ngài biết tất cả – trong khung cảnh hoàn thiện đó của cuộc sống, một ngày kia xảy ra điều tuyệt đối không thể thấy trước được: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, trên đường đến thành Damasco. Ở đó đã không chỉ có một người ngã xuống đất: đã có một người bị túm lấy bởi một biến cố đảo lộn ý nghĩa của cuộc sống. Và kẻ bách hại trở thành tông đồ, tại sao? Bởi vì tôi đã trông thấy Chúa Giêsu sống! Tôi đã trông thấy Chúa Giêsu Kitô phục sinh! Đây là nền tảng đức tin của Phaolô, cũng như của các tông đồ khác, cũng như của giáo Hội, cũng như đức tin của chúng ta. Rồi ĐTC định nghĩa Kitô giáo như sau:

** Thật đẹp biết bao nhiêu nghĩ rằng Kitô giáo một cách nòng cốt là điều này! Nó không phải là việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa – một cuộc kiếm tìm không chắc chắn – cho bằng là việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chúa Giêsu đã cầm lấy chúng ta, đã tóm lấy chúng ta, đã chinh phục chúng ta để không bỏ chúng ta ra nữa. Kitô giáo là ơn thánh, là sự kinh ngạc và vì lý do đó nó giả thiết một con tim có khả năng kinh ngạc. Một con tim đóng kín, một con tim duy lý trí không có khả năng kinh ngạc, nó không thể hiểu được Kitô giáo là gì. Bởi vì Kitô giáo là ơn thánh, và ơn thánh chỉ có thể được nhận thức: còn hơn thế nữa nó gặp gỡ trong sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ.

Và khi đó cả khi chúng ta tội lỗi – tất cả chúng ta đều tội lỗi – nếu các ý hướng sự thiện của chúng ta đã chỉ ở trên giấy tờ, hay nếu khi nhìn vào cuộc sống chúng ta nhận ra đã có biết bao nhiêu thất bại… Vào sáng ngày Phục Sinh chúng ta có thể làm như những người Tin Mừng nói đến: đi ra mộ Chúa Kitô, trông thấy phiến đá bị lật đổ và nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi, cho tất cả chúng ta, một tương lai không chờ đợi. Đi tới mộ của chúng ta, tất cả chúng ta đều có một cái mộ nhỏ bên trong. Đi đến đó và trông thấy Thiên Chúa có khả năng sống lại từ đó như thế nào. Ở đây có hạnh phúc, ở đây có niềm vui và sự sống, nơi tất cả chúng ta đã nghĩ  chỉ có sự buồn sầu,  thất bại, và bóng tối. Thiên Chúa làm cho các cây hoa của Ngài lớn lên giữa các hòn đá khô cằn nhất.

Là Kitô hữu có nghĩa là không khởi hành từ cái chết, nhưng từ tình yêu của Thiên  Chúa đối với chúng ta, là Đấng đã chiến thắng kẻ thù dữ dằn nhất của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn hư vô, và chỉ cần một ngọn nến để chiến thắng đêm tối nhất của các đêm đen. Thánh Phaolô kêu lên, bằng cách làm vang vọng lời các ngôn sứ: “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần nọc độc của ngươi ở đâu?” Trong các ngày này của lễ  Phục Sinh chúng ta hãy đem tiếng kêu này trong tim. Và nếu người ta có nói tại sao chúng ta trao ban nụ cười và sự chia sẻ kiên nhẫn, thì khi đó chúng ta sẽ có thể trả lời rằng Chúa Giêsu vẫn còn đây, Ngài tiếp tục sống giữa chúng ta, rằng Ngài ở đây, tại quảng trường này với chúng ta: Ngài sống và đã phục sinh.

** ĐTC đã chúc mừng lễ Phục  Sinh và chào nhiều đoàn hành hương. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các học sinh sinh viên đến từ Pháp và Thụy Sĩ. Ngài cầu mong Chúa Phục Sinh gia tăng đức tin cho mọi người và tình yêu của Chúa giúp chiến thắng tội lỗi và cái chết nơi từng người, để có thể tươi vui làm chứng cho niềm hy vọng nảy sinh từ ngôi mộ mở ra sáng ngày lễ Phục Sinh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các tân Phó tế trường Ailen cùng với thân nhân và bạn bè.

Ngài cũng chào các nhóm hành hương của tổng giáo phận Muechen Freising do ĐHY Reinhard Max và các GM phụ tá hướng dẫn, cũng như các đại chủng sinh Áo do ĐC Anton Leichtfried hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ đem niềm vui phục sinh tới với những người khác và làm chứng cho cuộc sống không tàn phai.

Chào các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil ĐTC xin họ để cho sức mạnh phục sinh của Chúa Kitô biến đổi soi sáng giúp họ làm chứng cho cuộc sống mạnh hơn tội lỗi và cái chết.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài khích lệ họ đi đến với các anh chị em khác với niềm vui và hy vọng trong tim để loan báo Chúa Kitô đã phục sinh và hiện diện giữa chúng ta.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các tân linh mục giáo phận Mantova do ĐC Marco Busca hướng dẫn hành hương Roma cùng với các thân nhân và bạn bè, cũng như các tân Phó tế dòng Tên và thân nhân bạn bè trong đó có thầy Agostino Nguyễn Minh Triệu.

Ngài cũng chào các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau đang tham dự cuộc hội của Liên hiệp các bề trên tổng quyền Italia; tín hữu Marigliano kỷ niệm 80 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Hy Vọng. ĐTC cầu mong đây là dịp giúp mọi người canh tân lòng gắn bó với Chúa và các giáo huấn của Chúa.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ tuyên xưng đức tin thuộc giáo phận Milano và Cremona, ĐTC chúc họ sống tràn đầy sứ điệp phục sinh và làm chứng cho hoà bình của Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài chúc các người đau yếu biết liên lỉ nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Kathmandu, Nepal – Một số kẻ tấn công đã nổi lửa đốt nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời, nơi thờ phượng đầu tiên của Công giáo tại nơi công cộng ở Nepal, một đất nước có đa số dân theo Ấn giáo.

Theo hãng tin Ucan, cha Ignatius Rai, cha xứ của giáo xứ nhà thờ chánh tòa, cho biết là một số kẻ lạ mặt xâm nhập vào khu vực nhà thờ vào khoảng lúc 3 giờ sáng ngày 18/04. Họ đã nổi lửa đốt làm thiệt hại một phần nhà xứ và phần phía tây của nhà thờ. Một xe hơi và hai xe gắn máy cũng bị đốt. Không có báo cáo về thương vong. Cha cho biết điều này gây sốc và cộng đoàn Kitô địa phương đang sống trong lo sợ.

Đây là lần thứ hai nhà thờ là mục tiêu tấn công. Vào năm 2009, một quả bom đã phát nổ, giết hại 3 người, trong đó có một nữ sinh, và làm bị thương 15 người. Năm 2010, chỉ huy trưởng của quân đội phòng thủ Nepal – một nhóm Ấn giáo cực đoan ít được biết – đã bị bắt vì có liên quan đến biến cố trên.

Giáo xứ Đức Mẹ Lên trời đã lên án vụ tấn công và yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch. Thông cáo của giáo xứ viết: “Nhà thờ Công giáo tham gia vào hoạt động xã hội từ gần một thập kỷ và sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi dù cho những cuộc tấn công thường xuyên”. Thông cáo cũng thêm rằng đừng ai để cho ccuộc tấn công hủy hoại sự hòa hợp tôn giáo tại quốc gia này.

Nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời có 1000 chỗ ngồi, được xây dựng sau khi hiến pháp mới, được công bố năm 1991, cho phép dân Nepal tự do thực hành tôn giáo ở nơi công cộng, miễn là không có những vụ cải đạo người khác. Trước đó, các cử hành của Công giáo chỉ được tổ chức ở các nhà nguyện của các trường Công giáo, các tu viện và trung tâm xã hội.

Niên giám Công giáo cho biết có khoảng 8000 tín hữu Công giáo ở Nepal, phần lớn ở miền đông nơi các giáo xứ được thành lập vào năm 1999. Nepal có khoảng 28 triệu dân, trong đó 80% theo Ấn giáo. (CNS 18/04/2017)

Hồng Thủy

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann, 77 tuổi, và sơ Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này.

Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918, sau đó cha phục vụ trong 3 giáo xứ trước khi trở thành cha sở của xứ Philip Neri vào năm 1959. Cha đã ra sức xây dựng giáo xứ, thành lập trường học giáo xứ vào năm 1962, và năm 1965, cha xây một tu viện cho các nữ tu dòng Notre Dame. Cha nổi tiếng là “tiết kiệm”, cha để ý tới từng xu tiền của giáo xứ và tiêu xài rất ít cho chính mình. Khi cha qua đời, người ta tìm thấy một phong bì bên ngoài cha viết “Cho nhà thờ mới”, bên trong là trái phiếu của chính phủ với số tiền lên tới 200 ngàn đô la. Sơ McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói sơ là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Sơ xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.

Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.

Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngon lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.

Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”

Lòng yêu mến của mọi người đối với cha Weinmann và sơ McLaughlin được thể hiện qua sự hiện diện của rất đông dân chúng hiện diện trong Thánh lễ tại nhà thờ Truyền tin vào ngày 26 tháng 2 vừa qua, nhân tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hai người. Trong số những người hiện diện có thân nhân của cha Weinmann và sơ McLaughlin cũng như các giáo dân của giao xứ thánh Philip Neri ngày xưa. Trong bài giảng Thánh lễ, cha Dennis Bonsignore cho biết cha được biết về vụ hỏa hoạn ở nhà thờ thánh Philip Neri vào năm 1992, 25 năm sau ngày xảy ra, khi cha đang phục vụ ở nhà thờ thánh Cecilia. Cha kể, vào hôm đó, Peter Fantigrossi đã hiện diện mà không biết là cha Bonsignore sẽ giảng về đám cháy. Ông là người lính cứu hỏa đã mang sơ McLaughlin ra khỏi nhà thờ thánh Philip Neri. Tai nạn làm cho ông cảm thấy đau khổ phát điên và đã rời bỏ nhà thờ trong nhiều năm. Nhưng sau thánh lễ vào năm 25 năm, Peter Fantigrossi cảm thấy được chữa lành và đổi mới. Ông đã sáng tác một bài thơ tựa đề "I Held an Angel in My Arms" – Tôi ôm một thiên thần trên cánh tay tôi”. Cha Bonsignore nhận định rằng hai vị đã để lại một mẫu gương sống động về niềm tin của họ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Đức cha Matano của giáo phận Rochester khen ngợi cha Weinmann và sơ McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và sơ McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)

Hồng Thủy

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do  tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai.

Vào năm 2015, tòa án quận phán rằng quyền tự do ý kiến và diễn tả của Ellinor Grimmark không bị xâm phạm và bà bị yêu cầu trả gần 106 ngàn đô la tiền án phí cho chính quyền địa phương. Hôm 12/04, một tòa án lao động cũng đồng ý với tòa án địa phương và phán xử chống lại Ellinor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo ông Clarke, Thụy điển là một thành viên của Hội đồng châu Âu và phải tôn trọng Hội đồng của Nghị viện. Nghị viện nói rằng không có ai bị ép buộc hay đối xử phân biệt chống lại “bằng bất cứ cách thức nào vì từ chối thực hiện, cung cấp, hỗ trợ phá thai.”

Ông Clarke nói thêm: “Tham gia phá thai không nên là một yêu cầu để được thuê muốn như một nhân viên y tế. Theo luật quốc tế, tòa án nên bảo vệ quyền căn bản về tự do lương tâm của Ellinor Grimmark.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của Liên hiệp quốc, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011. (CAN 18/04/2017)

Hồng Thủy

 

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi là một Kitô hữu người Pakistan. Cách đây 8 năm, cô đã bị kết án tử hình và ở tù vì bị vu cáo nói phạm thượng đến tiên tri Mohamed của người Hồi giáo. Phục sinh năm nay, Asia cũng mừng lễ tại nhà tù Multan.Hôm thứ 5 tuần trước, Asia đã mừng lễ Phục sinh cùng với Ashiq – chồng cô và ông Joseph Nadeem – luật sư của gia đình, với bữa cơm tối thanh đạm, trao đổi lời chúc mừng và Asia đã viết lời cầu nguyện trên một mảnh giấy nhỏ.

Asia khấn cầu sự phục sinh và xin Chúa Cha dẹp bỏ những chướng ngại, xoa dịu muôn vàn đau khổ. Giống như vào dịp Giáng sinh, Asia cầu nguyện cho các kẻ thù và tha thứ cho những người mang lại điều không may cho cô. Cuối cùng Asia xin Đức Giáo hoàng đừng quên cầu nguyện cho cô.

Paul Bhatti, cựu thủ tướng liên bang của Pakistan về Hòa hợp Quốc gia và là anh của Shahbaz Bhatti, một thừa tác viên Công giáo, bị một người Hồi giáo cực đoan giết năm 2011 chia sẻ: “Đức Giáo hoàng luôn làm điều này, không chỉ cho Asia Bibi nhưng cho tất cả Kitô hữu, cho cả tín hữu Hồi giáo, những người là nạn nhân của bất công. Bởi vì Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng đức tin của chúng ta tôn vinh phẩm giá của con người. Khi một người đau khổ, chúng ta không xét xem người đó là Kitô hữu hay Hồi giáo; điều chúng ta quan tâm là công bình hay bất công đối với người đó và sự tự do của họ. Vì điều này, tôi tin là Vatican và Đức Thánh Cha đã làm điều có thể: luôn cởi mở đối thoại, đã khuyến khích và ủng hộ cả chúng tôi, trong mọi ý nghĩa; và Đức Giáo hoàng đặc biệt nâng đỡ các Kitô hữu bị vách hại vì đức tin.”

Asia Bibi đã bị giam tù hơn 2860 ngày và có những ngày bị biệt giam, trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao Pakistan trong khi nguồn tài chính trợ giúp cho trường hợp của cô đang cạn dần.

Trong khi đó tại Pakistan, các cuộc xử tử phi pháp do bị cáo buộc phạm thượng gia tăng: 66 vụ trong 27 năm. Vụ cuối cùng xảy ra tại trường đại học Mardan những ngày vừa qua, Mashal Khan, một sinh viên Hồi giáo khoa báo chí đã bị các bạn tra tấn và bắn chết vì bị cáo buộc đã xúc phạm đến Mohamed.

Bhatti cho biết tại Pakistan vẫn tồn tại lối suy nghĩ cực đoan, đóng kín và vi phạm nhân quyền. Sự cấm cách trên các phương tiện truyền thông, trên Youtube, internet, không gì khác hơn là một cách thức làm cho Pakistan thụt lùi, hàng nhiều năm…

Bhatti cũng gửi lời chúc mừng đến Asia Bibi và tất cả những ai đang bị bách hại bởi cùng tình cảnh. Ông cũng bày tỏ là niềm tin Công giáo, Kitô giáo kiến tạo chúng ta nên một, dù chúng ta ở Pakistan hay Phi châu hay nơi nào khác… (RV 17/04/2017)

Hồng Thủy 

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Vatican – Chiều thứ hai 17/04, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã mừng sinh nhật thứ 90 trong vườn của đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài đang nghỉ hưu.

Một nhóm đông “các bạn vùng Bavaria” (nơi sinh của ngài ở nước Đức) đã cùng hiện diện mừng sinh nhật với ngài; trong đó có Đức ông Georg Ratzinger – anh của ngài, ông thủ tướng và thống đốc bang Bavaria .

Dưới ánh nắng mặt trời Roma, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã uống ly bia lớn và nghe nhạc truyền thống vùng Bavaria.

Hôm thứ 4 Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã đến thăm và chúc mừng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức tại đan viện nhân lễ Phục sinh và sinh nhật thứ 90 của ngài.

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức sinh ngày 16/04/1927, tại bang Bavaria, miền nam nước Đức. Ngài từ nhiệm vào năm 2013. (RV 18/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng y Tagle kêu gọi dùng văn hóa yêu thương để chống văn hóa sự chết

Đức Hồng y Tagle kêu gọi dùng văn hóa yêu thương để chống văn hóa sự chết

Vào nghi thức rửa chân trong Thánh lễ Tiệc ly chiều thứ 5 Tuần Thánh, Đức Hồng y Antonio Tagle của Manila đã hôn chân các “tông đồ”, trong đó có người đã từng nghiện ma túy, các sĩ quan cảnh sát, các lãnh đạo cộng đồng, một bà mẹ của một nạn nhân bị xử tử không qua xét xử.

Đức Hồng y nói trong bài giảng: “Chúng ta không ở đây để phán xét người khác nhưng để nhớ những điều Chúa Giêsu đã làm”. Ngài cũng nhắc các tín hữu nhớ là “chúng ta là tôi nhân”; “chúng ta cũng như họ”; “Tất cả chúng ta đều có bàn chân dơ bẩn và cần được Chúa Giêsu tẩy rửa.”

Đức Hồng y nói là tấm gương khiêm hạ của Chúa Giêsu là một ví dụ thực hành cho những người đi theo Chúa, biết yêu thương cả những người không xứng với tình thương này.

Đức Hồng y nói về “hành trình đau lòng” của người mẹ mất con trong làn sóng giết người liên quan đến ma túy khắp thủ đô Manila trong những tháng gần đây.

Hôm thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Hồng y Tagle ngỏ lời với khoảng 4000 tín hữu tập họp bên ngoài nhà thờ chánh tòa Manila, những người tham gia cuộc tuần hành thống hối vì sự sống, “chống lại văn hóa sự chết” bằng “văn hóa yêu thương”. Ngài nói: “Cuộc sống là dâng tặng chính mình cho người khác. Đó là thứ văn hóa chúng ta sẽ dùng để chống lại văn hóa chết chóc.”

Đức Hồng y còn kêu gọi dân chúng đừng giống như những khán giả nhưng hãy làm điều gì đó trong cách thế bé nhỏ của chúng ta  để chúng ta có thể củng cố thêm và loan truyền văn hóa yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ và tôn trọng những gì ủng hộ sự sống.

Đức Hồng y so sánh kinh nghiệm của nhiều người với đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu mọi hinh thức của cái chết từ khi là một em bé cho đến khi chết trên Thánh giá. Ngài nhận định rằng thật là buồn khi cái chết mà Chúa Giêsu đã chịu còn tiếp tục tái diễn ngày nay. Ngài kêu gọi người Philippines đừng để anh em mình phải chịu cùng đau khổ như Chúa Giêsu. (Ucan 17/04/2017)

Hồng Thủy

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Sinh ra với một cơ thể khuyết tật, không có đôi chân, trái tim lại nằm ở bên phải thay vì bên trái như bao nhiêu người bình thường khác, bé gái Jennifer Bricker còn bị cha mẹ bỏ rơi vì bị sốc trước tình trạng thể lý của em và cũng vì không có khả năng chữa trị cho em. Bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng có một Đấng khác đã có những chương trình đặc biệt cho cuộc đời của Jennifer.

Jennifer Bricker được ông bà Sharon và Gerald Bricker nhận làm con nuôi. Em đã lớn lên cùng với 3 người con của đôi vợ chồng Kitô hữu tốt lành đạo đức, được chăm sóc với tình yêu thương và em đã sống với một quy luật duy nhất “đừng bao giờ nói tôi không thể.” Jennifer chia sẻ: “Tôi không bao giờ bị gia đình, các bạn học ở trường và các thầy cô giáo, cũng như huấn luyện viên của tôi đối xử phân biệt, khác với người nào khác. Lớn lên, đối với tôi, đó là một điều đơn giản.” Chỉ trong một thời gian ngắn, Jennifer nhận ra rằng mình đã thành công trong các hoạt động thể lý mà cô tham gia như trượt patin, chơi bóng chuyền, nhào lộn, thể dục dụng cụ. Hiện nay Jennifer đang sống và làm việc như một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp ở Hollywood.

Năm tháng trôi qua, niềm đam mê thể thao trong Jennifer cũng lớn lên và cô cảm thấy bị thu hút bởi Dominique Moceanu, vận động viên thể dục trẻ nhất của Hoa kỳ đã đạt huy chương vàng Olympic. Jennifer luôn cảm thấy có một thứ liên kết với Dominique. Cô nhìn thấy mình nơi Dominique, cô suy nghĩ: cô ta từng là một cô gái bé nhỏ, tôi cũng thế. Cô ta người Rumani, tôi cũng vậy. Cô ta có bản tính can đảm như tôi. Khi lên 16 tuổi, Jennifer muốn tìm biết các thông tin về gia đình ruột thịt, từ đó cô đã chào đời trong thế giới này. Mẹ nuôi của cô đã tìm lại trong các tài liệu nhận con nuôi và đã tìm ra một chi tiết làm thay đổi cuộc sống của Jennifer: tên họ thật của cô chính xác là Moceanu, giống như tên họ của thần tượng Dominique. Jennifer mất 4 năm để thu thập đầy đủ các tài liệu cần thiết trước khi gặp và nói với thần tượng Dominique Moceanu của cô rằng có thể họ là hai chị em ruột. Jennifer đã viết một lá thư cho Dominique, trong đó cô nói về nguồn gốc Rumani của mình, về việc mình được nhận nuôi, về tình yêu dành cho thể dục, về sự thu hút dành cho Dominique và về việc cô khám phá ra họ có cùng tên họ. Cuối thư, cô cho biết mình muốn làm một xét nghiêm AND nếu Dominique đồng ý, chỉ để chứng minh mối liên hệ của họ. Sau này khi Jennifer gặp Christina, một người chị em khác, thì hai người giống nhau như đúc. Hai người dường như là chị em sinh đôi.

Jennifer không xem giới hạn thể lý của mình như một khuyết tật. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đáng yêu như tôi đang là, nhỏ bé và không có chân. Cô thấy việc không có chân là một đặc tính, một phần của mình. Cha mẹ cô đã dạy cô đối diện với cuộc sống trực diện, chiến đấu bằng những giấc mơ và ý tưởng. Nhưng trên hết họ đã truyền cho cô giá trị của một đức tin được sống cách chân thực như cô nói: “Tôi cầu nguyện và đọc Lời Chúa mọi ngày. Khi tôi làm điều này như một cuộc hẹn hàng ngày, đời sống của tôi được thay đổi. Tất cả đã bắt đầu từ đây.”

Năm 2009, Jennifer đã tham gia vào một tour diễn với Britney Spears, một sự kiện đặc biệt đối với cô. Tour diễn thành công về tổng thể nhưng việc đối diện với quá nhiều người bắt đầu gợi lên trong lòng Jennifer cảm giác khó chịu về dáng vẻ xấu xí của mình. Dù tất cả nói với cô là cô xinh đẹp nhưng tâm trí cô nghĩ khác. Bị dày vò bởi ý tưởng ám ảnh này, Jennifer quyết định thay đổi cuộc sống. Lúc ấy là gần Mùa Chay, Jennifer quyết định, trong 40 ngày, cô dán các tấm hình của người thân và bạn bè lên tấm gương mà hàng ngày cô nhìn thấy mình và cho là mình xấu xí, và cầu nguyện xin Chúa giúp cô biết điều cần làm. Chính từ tấm gương với hình ảnh của những người thân yêu, Jennifer bắt đầu cảm tháy một dòng suối yêu thương, vui mừng và an bình. Cô nói: “Không có ai có thể giúp tôi thoát ra tình cảnh này, nhưng chỉ có Chúa đã làm điều đó.” Cô đã bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày để chọn niềm vui ngay cả khi cô không cảm thấy nó trong lòng, để chọn chiến thắng cuộc chiến của mình mỗi ngày cả khi cô cảm thấy mình không có sức làm điều đó, để chọn yêu thương chính mình và cảm thấy mình xinh đẹp, cả khi cô cảm thấy mình mập béo.

Đối với Jennifer, không có gì là dễ dàng, nhưng từ kinh nghiệm đó, cô đã rút ra một bài học rất quan trọng: “Tôi hiểu rằng Chúa đã tạo dựng nên tôi như một chiến binh. Và vũ khí của tôi chỉ có một, đó là để Chúa chiếu sáng trong tôi, để lan truyền tình yêu và niềm vui của Người.” (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

VATICAN. Trưa 17-4-2017, thứ hai sau Phục Sinh, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu và mời gọi mọi người hãy trở thành những con người mới.

Thứ hai Phục Sinh được gọi là ”Lễ Phục Sinh nhỏ” (Pasquetta) hay là ”Thứ hai Thiên Thần” cũng là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải lời thiên thần mời gọi các phụ nữ mau lẹ đi loan báo cho các môn đệ: Chúa đã sống lại (Mt 28,7), và ngài nhận xét rằng lời mời này cũng được trực tiếp gửi đến chúng ta: ”hãy mau lẹ đi loan báo sứ điệp hy vọng cho con người ngày nay. Vào bình minh ngày thứ ba, từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã sống lại, lời nói cuối cùng không là lời nói của sự chết, nhưng là của sự sống!”

Do biến cố ấy, là điều mới mẻ đích thực trong lịch sử và trong vũ trụ, chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ mới theo Thánh Linh, bằng cách khẳng định giá trị sự sống. Điều này đã bắt đầu nảy sinh! Chúng ta sẽ là những con người của phục sinh, nếu giữa những biến cố chao đảo của thế giới, trước tinh thần trần tục làm xa lìa Thiên Chúa, chúng ta biết đề ra những cử chỉ liên đới và đón tiếp, nuôi dưỡng ước muốn hòa bình nơi mọi người, và khao khát một môi trường không bị suy thoái. Đó là những dấu chỉ chung của con người, nhưng được niềm tin nơi Chúa Phục Sinh nâng đỡ và linh hoạt. Những dấu chỉ ấy có thể đạt được hiệu năng vượt lên trên khả năng của chúng ta. Đúng vậy, vì Chúa Kitô hằng sống và hoạt động trong lịch sử nhờ Thánh Linh của Ngài: Chúa cứu vớt khỏi những lầm than của chúng ta, liên kết tâm hồn mỗi người và tái ban hy vọng cho những người bị áp bức và đau khổ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, chứng nhân âm thầm về cái chết và sự sống lại của Chúa Con Giêsu, giúp chúng ta trở thành những dấu chỉ trong sáng của Chúa Kitô phục sinh giữa những thăng trầm của thế giới, để những người ở trong sầu muộn và khó khăn không tiếp tục là nạn nhân của thái độ bi quan, nhưng tìm được nơi chúng ta bao nhiêu anh chị em nâng đỡ và an ủi họ”…. Xin Mẹ đặc biệt chuyển cầu cho những cộng đoàn Kitô đang được kêu gọi làm chứng tá một cách khó khăn và can đảm hơn” (SD 17-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP