Các tín hữu Công giáo Nam hàn có thể phúc âm hóa Á châu không?

Các tín hữu Công giáo Nam hàn có thể phúc âm hóa Á châu không?

KOREACATHOLIC MASSSEOULPHOTO (C) SEAN SPRAGUE 2003

Seoul, Nam hàn – Các tín hữu Công giáo Nam hàn có lập trường truyền giáo duy nhất; đó là nhận định của giáo sư Kirsteen Kim, một giảng viên thần học và thế giới Kitô giáo tại đại học Leeds ở vương quốc Anh.

Giáo sư Kim nói: “Từ những năm 1990, Vatican đã khuyến khích Giáo hội Hàn quốc nhận nhiệm vụ truyền giảng Tin mừng cho phần còn lại của châu Á. Lời khuyến khích này không chỉ đề cập đến phẩm chất của chứng nhân mà cả đến các quan tâm thực tế.”

Có khoảng 200 Linh mục Nam hàn đang truyền giáo tại các quốc gia khác và 400 vị đang phục vụ các cộng đoàn Hàn quốc hải ngoại. Hội Thừa sai Hàn quốc, được thành lập vào năm 1975, cũng đã gửi hơn 70 Linh mục ra nước ngoài truyền giáo. Bên cạnh đó, có khoảng 700 tín hữu Hàn quốc, phần lớn là các nữ tu, đang phục vụ trong các hội dòng truyền giáo ở hải ngoại.

Giáo sư Kim chia sẻ trên báo The Catholic Herald: “Hoạt động truyền giáo của Hàn quốc được thúc đẩy một phần bởi ước muốn chia sẻ tự do tôn giáo và một phần bởi hy vọng về một nền hòa bình thế giới sẽ đưa đến tái hiệp nhất với Bắc hàn.”

Công giáo đến Hàn quốc đầu tiên vào cuối những năm 1700, do các giáo dân chứ không phải các nhà truyền giáo hay Giám mục. Giáo hội đã tồn tại qua cuộc bách hại dữ dội, với 103 vị tử đạo đã được Đức Gioan Phaolô phong hiển thánh vào năm 1984 và 123 vị được Đức Phanxicô phong chân phước vào tháng 8 năm 2014 khi ngài thăm nước này. Lịch sử Giáo hội Công giáo Hàn quốc bao gồm 35 năm chiếm đóng của Nhật và cuộc chiến tranh Hàn quốc. Theo giáo sư Kim, điều này giúp Giáo hội ý thức về sự cần thiết là “một Giáo hội nghèo cho người nghèo. …. Có một chiều kích xã hội sâu đậm trong việc loan báo Tin Mừng. Lịch sử tử đạo đem lại cho Giáo hội Hàn quốc sự đồng hóa với người nghèo và người đau khổ và sẵn sàng hy sinh.”

Hiện nay, Giáo hội Công giáo Nam hàn có khoảng 5 triệu tín hữu, chiếm hơn 10% dân số. Họ ở tầng lớp kinh tế xã hội trên mức trung bình. (CNA 10/11/2016)

Hồng Thủy

 

Đức Hồng Y Thang Hán kêu gọi chính phủ trung ương Trung Quốc

Đức Hồng Y Thang Hán kêu gọi chính phủ trung ương Trung Quốc

ĐHY Thang Hán

HONG KONG. ĐHY Gioan Thang Hán (Tong Hon), GM giáo phận Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trung Quốc cấp thiết điều tra và chấm dứt những vụ phá hủy Thánh Giá tại tỉnh Chiết Giang (Zhejiang).

Cho đến nay đã có hơn 1 ngàn Thánh Giá thuộc các nhà thờ Công Giáo và Tin Lành bị phá hủy, trong đó có nhiều Thánh Giá và thánh đường được thiết lập với tất cả giấy phép của chính quyền. Chiến dịch này bắt đầu từ đầu năm 2014, sau khi ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong), bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, nhận thấy trên nền trời thành phố Ôn Châu (Wenzhou) có quá nhiều Thánh Giá. Các tín hữu nghi ngờ rằng lý do đích thực của chiến dịch này là để giảm bớt ảnh hưởng của các cộng đồng Kitô, – công khai cũng như hầm trú,- trong xã hội Trung Quốc, với sự tăng vọt các cuộc trở lại Kitô giáo.

Lời kêu gọi được ĐHY Thang Hán đưa ra dường như để đáp lại một lời thỉnh cầu của Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang) GM công khai tại Ôn Châu và các LM thuộc quyền, đề nghị đọc kinh Mân Côi và ăn chay để bảo vệ đức tin và các Thánh Giá.

Sau đây là nguyên văn lời kêu gọi của ĐHY Thang Hán:

”Thánh Giá là dấu hiệu tỏ tường nhất của đức tin Kitô. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải bước theo Chúa Kitô. Điều này đòi phải vác Thánh Giá cùng với Chúa Giêsu Kitô.

”Trong hai năm gần đây, các Thánh Giá trên hàng ngàn nhà thờ, Tin Lành hoặc Công Giáo, tại tỉnh Chiết Giang đã bị tháo gỡ bằng bạo lực. Trong số các thánh đường bị phá hủy với Thánh Giá, cũng có nhiều nhà thờ được xây cất với tất cả các giấy phép hợp pháp. Trong một số vụ phá hủy ấy, các giáo sĩ và thành viên của các cộng đoàn, trong khi bảo vệ đức tin của mình một cách hợp pháp, đã bị cầm tù, gây nên nhiều căng thẳng trong các giáo xứ địa phương.

”Những vụ ấy đã gây ra nhiều lo âu nơi các tín hữu Kitô, ở địa phương và nước ngoài, liên quan đến chính sách của chính phủ về việc tôn trọng tự do tôn giáo,

”Với tất cả lòng chân thành và cấp thiết, tôi muốn đưa ra lời kêu gọi sau đây:

1. Xin chính quyền trung ương và nhà chức trách có thẩm quyền cùng với chính quyền tỉnh Chiết Giang mở cuộc điều tra về những gì đã xảy ra; tất cả những hành động bất hợp pháp phá hủy Thánh Giá cần phải được chặn đứng, tất cả những phe liên hệ hãy ủng hộ nguyên tắc ”quyền tối thượng của hiến pháp, nhà nước pháp quyền, cai quản đất nước theo luật pháp”.

 2. Xin tất cả các tín hữu Công Giáo ở Hong Kong hãy chọn một hình thức thống hối, như ăn chay hoặc kiêng thịt, và đặc biệt cầu nguyện cho tự do tôn giáo, cho phẩm giá của đức tin, và chia sẻ những đau khổ của anh chị em chúng ta ở Chiết Giang”.

 Ký tên: Hồng Y Gioan Thang Hán

 Ngày 13 tháng 8 năm 2015

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio