Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

Phòng báo chí Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề Trung Quốc

ĐHY Giuse Trần Nhật Quân (Courtesy pic. from AP)

VATICAN. Giám Đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, bác bỏ những tin nói rằng có sự cách biệt về tư tưởng và hành động giữa ĐTC và các cộng sự viên của Ngài trong giáo triều Roma về các vấn đề Trung Quốc.

Trong thông cáo công bố chiều ngày 30-1-2017, Ông Greg nói:

”ĐGH liên tục tiếp xúc với các Cộng tác viên của Ngài, đặc biệt là Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về những vấn đề Trung Quốc, và được họ thông báo một cách trung thực và chi tiết về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cũng như về những diễn tiến đối thoại hiện nay giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân Dân Trung Quốc, và ngài đặc biệt quan tâm theo dõi. Vì thế, thật là điều gây ngạc nhiên và đáng tiếc, từ phía những người của Giáo Hội, có những khẳng định trái ngược và qua đó tạo nên hoang mang và tranh luận”.

Trong những ngày vừa qua, báo chí quốc tế đưa tin ĐHY Giuse Trần Nhật Quân nguyên GM Hong Kong, đã công bố một thư ngỏ nói rằng trong buổi tiếp kiến riêng dành cho ngài hôm 24-1 vừa qua, ĐGH Phanxicô đã chống lại việc yêu cầu 2 GM thầm lặng ở Trung Quốc từ chức để nhường chỗ cho 2 GM do Nhà Nước Bắc Kinh ủng hộ. Việc làm này do phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đưa ra.

Những lời của ĐHY Giuse Quân ngụ ý phái đoàn Tòa Thánh đến Trung Quốc đã hành động ”sau lưng” ĐTC và trái với ý muốn ngài.

2 GM thầm lặng bị yêu từ chức thuộc giáo phận Sơn Đầu (Shantou) tỉnh Quảng Đông và Mân Đông (Mindong) tỉnh Phúc Kiến. 2 GM mà nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, theo báo chí, là những GM chịu chức bất hợp pháp (Rei 30-1-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Tổng thống Donald Trump: những luật phá thai của Mỹ là sai và phải thay đổi

Tổng thống Donald Trump: những luật phá thai của Mỹ là sai và phải thay đổi

Hôm 18/01, qua hệ thống vệ tinh, Tổng thống Donald Trump của Hoa kỳ đã ngỏ lời trực tiếp với những người tham dự cuộc Tuần hành ủng hộ sự sống và khen ngợi lý do tốt đẹp ủng hộ sự sống và cám ơn phong trào về sự ủng hộ của họ dành cho các phụ nữ có thai.

Tổng thống Trump nói: “Các bạn đến từ nhiều hoàn cảnh, nhiều nơi chốn, những tất cả đến vì một lý do tốt đẹp: xây dựng một xã hội nơi mà sự sống được cử hành, được bảo vệ và được yêu thương. Cuộc Tuần hành vì sự sống là một phong trào xuất phát từ tình yêu thương.”

Ông Trump nói thêm: “Các bạn yêu các trẻ em, được sinh ra và chưa được sinh ra, bởi vì các bạn tin rằng mọi sự sống là thánh thiêng, mọi đứa trẻ là một món quà quý giá Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ các bạn mà hàng ngàn người Mỹ được sinh ra và đạt được đầy đủ năng lực mà Thiên Chúa ban. Chính nhờ các bạn.”

Tổng thống Trump cũng nhận định là quyết định của tòa án tối cao hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc đã dẫn đến những luật cho phép phá thai rộng rãi nhất bất cứ nơi nào trên thế giới, so sánh với Bắc hàn và Trung quốc. Ông khẳng định: “Nó là sai lầm, cần phải thay đổi. Người Mỹ ngày càng bảo vệ sự sống hơn.”

Tổng thống cũng đã ủng hộ mạnh mẽ một dự luật trước Hạ viện, đó là phá thai muộn có thể bị cấm vì những đứa trẻ chưa được sinh ra có thể cảm thấy đau đớn. Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ "thông qua luật quan trọng này.”

Trước đó một ngày, tổng thống Trump đã tuyên bố thành lập một văn phòng mới để bảo vệ quyền của nhân viên y tế, những người phản đối các quy trình như phá thai và chuyển đổi giới tính tại các cơ sở tôn giáo. Văn phòng này sẽ thuộc Bộ Y tế, thực hiện các luật hiện hành để bảo đảm các tổ chức y tế tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhân viên. (Catholic Herald 19/01/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha dùng bữa với các đại diện thổ dân Mapuche

Đức Thánh Cha dùng bữa với các đại diện thổ dân Mapuche

TEMUCO. Trưa ngày 17-1-2018, ĐTC đã dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân Mapuche là sắc dân nghèo nhất ở Chile và bị nhiều thiệt thòi.

ĐTC đã từ thủ đô Santiago vượt qua 600 cây số để tới Temuco và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ sáng thứ tư 17-1-2018 tại phi trường căn cứ không quân Maquehue, trước sự tham dự của 200 ngàn tín hữu.

Sau thánh lễ, lúc 12 giờ rưỡi trưa, ĐTC đã đến thăm Nhà Mẹ Thánh Giá cách đó 10 cây số. Đây là một Trường Nữ Nông nghiệp do các Nữ tu dòng Thánh Giá thành lập năm 1963, để huấn nghệ cho các thiếu nữ thổ dân Mapuche ở miền Araucania. Dòng này được thành lập tại làng Menzingen bên Thụy Sĩ vào năm 1844. Năm 2005, Trường này được đổi tên thành ”Trung tâm giáo dục Nông Nghiệp Thánh Giá”, và gia tăng các bộ môn giáo dục như các khóa đào tạo về du lịch và tiệm ăn. Từ 7 năm nay (2011), Trung Tâm này mở thêm lớp dự bị cho các sinh viên đại học, với sự cộng tác của Đại học Temuco.

ĐTC đã đến Trung Tâm để dùng bữa trưa với Đức GM Temuco sở tại, và 11 người dân miền Araucania, trong số này có 8 người đại diện cho 8 vùng thổ dân ở miền này, và cũng có 2 người di dân: một người gốc Thụy Sĩ Đức và một người Haiti. Sau cùng là một nạn nhân bạo lực miền quê. Thực đơn là những món tiêu biểu vùng này, gồm món ragout và nấm, ác-ti-xô, với phó mát miền Padana, thịt xương ống có tủy và cơm nấu với sữa. Sau cùng là món tráng miệng.

Sau khi nghỉ trưa, trước khi rời Trung Tâm, ĐTC vào nhà nguyện để gặp gỡ và chúc lành cho 40 nữ tu phục vụ tại đây, cùng với 6 LM cao niên và 12 nữ Bề trên thuộc các dòng khác đang hoạt động trong giáo phận Temuco.

Rồi lúc gần 3 giờ chiều, ngài ra phi trường để đáp máy bay trở về thủ đô Santiago sau 1 giờ 20 phút bay.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha được tặng mũ chứ không bị ném mũ!

Đức Thánh Cha được tặng mũ chứ không bị ném mũ!

Hôm qua, nhiều báo đưa tin rằng khi đi qua đám đông dân chúng dọc các con đường của thủ đô Santiago de Cile, Đức Thánh Cha Phanxicô bị một kẻ quá khích “ném vào mặt”. Người ta cũng xác định đó là một chiếc mũ kaki màu kem, giống như loại mũ người Việt hay gọi “mũ tai bèo”.

Các báo chí xem đây là một hành động chống Đức Thánh Cha, trong bối cảnh những chống đối Giáo hội và chống chính cá nhân ngài. Trước và trong cuộc viếng thăm của ngài, đã có các vụ đốt các nhà thờ, các cuộc biểu tình.

Nhưng chiếc mũ ném trúng vào mặt Đức Thánh Cha là chiếc mũ trên đó có ghi dòng chữ tiếng Tây ban nha “Rece por la familia chilena” – Xin cầu nguyện cho gia đình Chilê.

Khi Đức Thánh Cha xuất hiện giữa công chúng, ví dụ như trong các buổi triều yết chung tại Vatican, các tín hữu thường “gửi tặng” ngài các món đồ bằng cách “ném” chúng về hướng ngài khi xe của ngài đi ngang qua. (Rei 17/01/2018)

Hồng Thủy

Phụng vụ thánh thể là trường dậy cầu nguyện

Phụng vụ thánh thể là trường dậy cầu nguyện

** Trong Thánh Lễ sau Kinh Vinh Danh, một thánh thi rất cổ xưa diễn tả lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa, là lời cầu nguyện thu thập tất cả mọi ý chỉ của tín hữu đuợc nói lên trong thinh lặng.

ĐTC đã nói như trên với các tín hữu  và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Quảng diễn hai câu 14 và 16 trong chương 1 Phúc Âm thánh Gioan viết rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”, ĐTC nói: “Trong loạt bài giáo lý về việc cử hành thánh thể, chúng ta đã thấy rằng Cử chỉ sám hối giúp chúng ta lột bỏ các tự cao của chúng ta và trình diện với Thiên Chúa như chúng ta thật sự là, ý thức được mình là kẻ tội lỗi trong niềm hy vọng được tha thứ. ĐTC giải thích lý do Kinh Vinh Danh như sau:

Chính từ sự gặp gỡ giữa sự bần cùng nhân loại và lòng thương xót của Thiên Chúa nảy sinh ra lòng biết ơn được diễn tả trong Kinh Vinh Danh, là một thánh thi rất cổ xưa và đáng kính, mà Giáo Hội được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để vinh danh và khẩn nài Thiên Chúa Cha và Chiên Con (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 53)

** Câu khởi đầu của thánh thi này “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” lấy lại tiếng hát của các Thiên Thần khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bếtlêhem, là lời loan báo tươi vui của vòng tay ôm giữa trời và đất. Bài hát này cũng lôi cuốn chúng ta tụ tập nhau cầu nguyện. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau Kinh Vinh Danh hay khi không có, thì sau nghi thức sám hối là lời cầu nguyện có hình thái đặc biệt gọi là “colletta”, qua đó tính cách riêng biệt của việc cử hành được diễn tả, thay đôi theo các ngày trong năm (ibid. 54). Với lời mời “Chúng ta hãy cầu nguyện” vị linh mục khích lệ dân cùng ngài cầm trí trong một lúc thinh lặng, để ý thức được mình đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và mỗi người trong con tim của mình làm nổi lên các ý chỉ riêng khiến cho họ tham dự Thánh Lễ (ibid. 54). Vị linh mục nói “Chúng ta hãy cầu nguyện” rồi im lặng một chút, và mỗi người nghĩ tới những điều mình cần, mà bạn muốn xin với Chúa trong lời cầu nguyện.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: sự thinh lặng không được giản lược trong việc thiếu lời nói, nhưng trong việc sẵn sàng lắng nghe các tiếng nói khác: tiếng nói của con tim và nhất là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Trong Phụng Vụ bản chất của sự thinh lặng thánh thiêng tuỳ  thuộc nơi lúc, trong đó nó xảy ra: “Trong cử chỉ sám hối và sau lời mời cầu nguyện, trợ giúp việc cầm trí; sau bài đọc và bài giảng nó là một mời gọi suy gẫm ngắn gọn điều đã được nghe; sau Hiệp lễ nó tạo thuận tiện cho lời cầu nguyện nội tâm chúc tụng và khẩn nài” (ibid. 45). Như vậy, trước  lời nguyện mở đầu sự thinh lặng giúp chúng ta cầm trí  trong lòng và nghĩ tới việc tại sao chúng ta lại ở đó. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe tâm hồn chúng ta để mở nó ra cho Chúa lại quan trọng như vậy. Áp dụng vào hoàn cảnh sống của từng người ĐTC nói:

** Có lẽ chúng ta tới  từ những ngày mệt mỏi, tươi vui, đau khổ, và chúng ta muốn nói lên với Chúa, khẩn nài sự trợ giúp của Ngài, xin Ngài gần gũi chúng ta; chúng ta có các người thân và bạn bè bệnh tật hay đang trải qua các thử thách khó khăn; chúng ta muốn tín thác cho Thiên Chúa số phận của Giáo Hội và của thế giới. Và lúc thinh lặng ngắn cần thiết cho điều đó, trước khi vị linh mục thu thập các ý chỉ của từng người, diễn tả ra bằng lời nói lớn với Thiên Chúa, nhân danh tất cả mọi người, lời nguyện chung kết thúc các lễ nghi dẫn nhập Thánh Lễ, bằng cách thu thập các ý chỉ. Tôi tha thiết xin các linh mục giữ lúc thinh lặng này và không vội vã: “chúng ta hãy cầu nguyện” và thinh lặng. Tôi xin các linh mục điều đó. Nếu không có sự thinh lặng này, chúng ta có nguy cơ lơ là việc cầm trí của tâm hồn.

Vị linh mục đọc lời khẩn cầu này – lời nguyện này – với đôi tay giang rộng – như ngưòi ta cầu nguyện như thế này, như thế này với đôi cánh tay giang rộng – đó là thái độ của người cầu nguyện, được các kitô hữu lãnh nhận ngay từ các thế kỷ đầu – như các bức bích họa của các ngôi mộ Roma làm chứng cho thấy – để bắt chước Chúa Kitô với đôi cánh tay giang rộng trên gỗ thập giá. Và ở đó Chúa Kitô là Đấng cầu nguyện  và đồng thời là lời cầu nguyện! Nơi Đấng chịu đóng đanh chúng ta nhận ra vị Linh Mục dâng lên Thiên Chúa việc phụng tự đẹp lòng Ngài, hay sự vâng phục con thảo.

Trong Lễ Nghi Roma các lời cầu chính xác và giầu ý nghĩa: có thể làm biết bao suy niệm hay đẹp về các lời cầu này. Đẹp biết bao! Trở lại suy gẫm các văn bản, cả ngoài Thánh Lễ, có thể giúp chúng ta học biết hướng tới Thiên Chúa như thế nào, xin điều gì, dùng các lời nào. Ước chi phụng vụ trở thành một trường học cầu nguyện cho tất cả chúng ta!

 

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt các học sinh trung học và cao học Paris. Ngài cũng chào các nhóm hành hương và đông đảo các bạn trẻ đến từ Na Uy, Niu Dilen và Hoa Kỳ, cũng như Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngài nói: phụng vụ Thánh Lễ  cống hiến cho chúng ta các lời cầu và các văn bản giầu ý nghĩa và giúp chúng ta hướng tới Thiên  Chúa. Chúng ta hãy làm sao để phụng vụ Giáo Hội trở thành một trường học đích thực của lời cầu nguyện.

Với các đoàn hành hương đến từ Luziania và Arcozelo bên Bồ Đào Nha ĐTC xin Mẹ Maria giúp họ là dấu chỉ của niềm tin tưởng và hy vọng cho tha nhân.

Chào các tín hữu đến từ vùng Trung Đông ngài khích lệ họ dùng các văn bản phụng vụ thánh lễ để suy gẫm và học biết nói chuyện với Chúa, dùng các lời nào và xin với Chúa những gì.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài xin họ tín thác năm mới cho Chúa để nó trở thành một năm của ân sủng, hoà bình và hy vọng cho gia đình họ, cho mọi người và cho toàn thế giới.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các phó tế vùng Biella và các nữ tu Ursulin thừa sai Thánh Tâm, cũng như nhiều nhóm tín hữu đến từ nhiều vùng khác nhau, trong đó có các sinh viên trường đào tạo nhân viên Tài chánh, các thành viên Hiệp hội quốc gia chống ung thư Milano.

Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ đêm tình yêu của Chúa đến cho các bạn cùng trang lứa. Ngài cầu mong các anh chị em bệnh nhân tìm thấy nơi lòng dịu hiền của Thiên Chúa sự nâng đỡ cho các khổ đau của họ. Ngài  chúc các đôi tân hôn trở thành chứng nhân cho vẻ đẹp của bí tích hôn phối qua tình yêu chung thuỷ họ dành cho nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tiến bộ trong án phong thánh cho ĐGH Phaolô 6

Tiến bộ trong án phong thánh cho ĐGH Phaolô 6

VATICAN. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 sẽ được phong Hiển Thánh.

Theo tin báo chí được giáo phận Brescia bắc Italia xác nhận, Bộ Phong Thánh đã cứu xét một vụ khỏi bệnh lạ lùng, qua Ủy ban giám định y khoa và Ủy ban thần học và đã nhìn nhận đây là phép lạ. Sự kiện này còn phải được Hội đồng Hồng Y và GM thông qua, sau đó là sự phê chuẩn của ĐTC.

Người được phép lạ là em bé Amanda sinh ngày 25 tháng 12 năm 2014 tại nhà thương Legnago. Mẹ em mới có thai được 26 tuần lễ và nhau thai bị rách. Các bác sĩ khuyên mẹ em phá thai vì sự sống sót của thai nhi có quá nhiều rủi ro.

Mẹ em bé người thành Verona, bắc Italia, đã nghe theo lời khuyên của một người bạn, và đến cầu nguyện tại Đền Thánh Đức Mẹ Ân Phúc ở thành Brescia, nơi có giữ thánh tích của chân phước Phaolô 6. Sau khi cầu nguyện tại đây bà trở về Verona với ảnh chân phước Phaolô 6 và thai nhi đã ra chào đời vào đúng ngày lễ Giáng Sinh. Các bác sĩ bấy giờ đã nói: ”Việc em bé này sinh ra không giải thích được với những qui tắc bình thường của khoa học. Đối với các tín hữu, Amanda là phép lạ của chân phước Phaolô 6.

Theo theo chí, Đức Phaolô 6 đó thể được phong thánh trong năm tới 2018. (Vat.Ins. 21-12-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

ĐTC Phanxicô viếng thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16

VATICAN. Hôm 26-12-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết giống như mọi năm, ngày 21-12 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội ở Nội thành Vatican để chúc mừng Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 nhân dịp lễ Giáng Sinh.

 Hai vị đã gặp gỡ và trao đổi với nhau nửa tiếng đồng hồ.

 Đức Biển Đức 16 năm nay 90 tuổi và sẽ tròn 91 tuổi vào tháng 4-2018.

 Mặt khác, ký giả Peter Seewald người Đức, mới viếng thăm Đức Biển Đức 16 và kể với báo Kurier số ra ngày 24-12-2017 ở Áo rằng ”sức khỏe của Đức nguyên Giáo Hoàng thoạt nhìn có vẻ không tốt: Hồi tháng 10, ngài bị ngã và bị thương nhẹ ở mặt. Vết thương nay đã lành. Việc đi đứng của ngài ngày càng khó khăn. Ngài nói nhỏ, nhưng vẫn rất tỉnh táo và chăm chú, vui tính và khôi hài”.

 Hồi năm ngoái, ký giả Seewald đã xuất bản cuốn sách mới phỏng vấn Đức Biển Đức 16 với tựa đề ”Những cuộc nói chuyện cuối cùng” (Letzte Gaspraeche) (KNA 26-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Giáng Sinh và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi

Sứ điệp Giáng Sinh và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12 hôm qua ĐTC đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

Đứng hai bên ĐTC trên bào lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô là ĐHY Leonardo Sandri, người Argentina, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông Phương, và ĐHY Prosper Grech, người Malta, nguyên giáo sư nhiều đại học Roma và là cố vấn Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trên thềm đền thờ thánh Phêrô có Đội cận vệ Thụy Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự. Khi ĐTC xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ, ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Italia.

Trong sứ điệp ĐTC đã mời gọi kitô hữu và mọi người nhận ra dấu chỉ của Hài Nhi và trông thấy gương mặt của Chúa Giêsu Kitô nơi gương mặt của các trẻ em nạn nhân của chiến tranh, bạo lực, thù hận, nghèo đói, bất công và di cư tỵ nạn khắp nơi, đồng thời dấn thân làm cho thế giới này trở thành nhân bản, xứng đáng hơn với các trẻ em của ngày hôm nay và ngày mai.

Ngài nói: Tại Bếtlêhem Chúa Giêsu đã được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria. Ngài đã không sinh ra do ý muốn nhân loại, nhưng là một ơn tình yêu thương của Thiên Chúa, là “Đấng đã yêu thương thế giới đến độ ban Con Một Ngài, để bất cứ ai tin nơi Ngài không bị hư mất, nhưng có cuộc sống đời đời” (Ga 3,16).

Biến cố này hôm nay được canh tân trong Giáo Hội lữ hành trong thời gian: niềm tin của dân kitô sống lại trong phụng vụ lễ Giáng Sinh mầu nhiệm của Thiên Chúa đến, nhận lấy thịt xác phải chết của chúng ta, trở thành bé nhỏ và nghèo nàn để cứu rỗi chúng ta. Và điều nay khiến cho chúng ta được tràn ngập xúc động, bởi vì sự dịu hiền của Thiên Chúa Cha quá lớn lao.

Sau Mẹ Maria và thánh Giuse các người đầu tiên trông thấy vinh quang khiêm tốn của Đấng Cứu Thế là các mục đồng Bếtlêhem.  Họ đã nhận ra dấu chỉ đã được các thiên thần loan báo,  và họ thờ lậy Hài Nhi. Những người khiêm hạ nhưng tỉnh thức ấy là gương sáng cho các tín hữu của mọi thời đại, đứng trước mầu nhiệm của Chúa Giêsu, không coi sự nghèo nàn của Ngài là gương mù gương xấu, như Mẹ Maria tín thác nơi lời Chúa và chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài với đôi mắt đơn sơ. Trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, kitô hữu mọi nơi tuyên xưng với các lời của thánh sử Gioan: “Chúng tôi đã trông thấy vinh quang của Ngài, vình quang của Con Một đến từ Thiên Chúa Cha, tràn đầy ơn sủng và sự thật” (1,4). Đề cập đến lời mời gọi của lễ Giáng Sinh ĐTC nói:

Hôm nay, trong khi các làn gió chiến tranh thổi trên thế giới và một mô thức phát triển đã lỗi thời tiếp tục làm cho con người, xã hội và mội sinh xuống cấp, lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta nhớ tới dấu chỉ của Hài Nhi, và nhận ra Ngài nơi gương mặt của các trẻ em, đặc biệt các em giống như Chúa Giêsu “đã không có chỗ trong quán trọ” (Lc 2,7).

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em vùng Trung Đông, tiếp tục đau khổ vì các căng thẳng giữa nguời Israel và người Palestine gia tăng. Trong ngày lễ này chúng ta hãy khẩn nài Chúa ban hoà bình cho Giêrusalem và cho toàn Thánh Địa; chúng ta hãy cầu nguyện để cho giữa các phiá ý chí đối thoại trở lại thắng thế, và sau cùng có thể đạt được một giải pháp thương thuyết cho phép sự chung sống hoà bình giữa hai quốc gia, bên trong các biên giới được họ và cộng đoàn quốc tế thừa nhận. Xin Chúa cũng nâng đỡ cố gắng của những người trong cộng đồng quốc tế, được linh hoạt bởi thiện chí, trợ giúp vùng đất bị tra tấn ấy tìm ra sự hoà hợp, công bằng và an ninh chờ đợi từ lâu, mặc dù có các chướng ngại.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi gương mặt của các trẻ em Siri, còn đang bị ghi dấu bởi chiến tranh khiến cho quốc gia này bị đẫm máu trong các năm qua. Ước chi đất nước Siria yêu dấu sau cùng tìm lại được việc tôn trọng phẩm giá của từng người, qua một dấn thân chung tái thiết xã hội, một cách độc lập với việc tuỳ thuộc chủng tộc và tôn giáo. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em Iraq, còn đang bị thương tích và chia rẽ bởi thù nghịch kéo dải suốt mười lăm năm qua, và nơi các trẻ em của nước Yemen, nơi xung đột đang tiếp diễn và bị đa số lãng quên, với các hậu quả nhân đạo sâu đậm trên dân chúng chịu đói khát và bệnh tật lan tràn.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em cuả Phi châu, nhất là nơi các trẻ em đau khổ tại Nam Sudan, Somalia, Burundi, Cộng hoà dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi châu và tại Nigeria.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em của toàn thế giới, nơi hoà bình và an ninh bị đe dọa bởi nguy cơ của các căng thẳng và các xung đột mới. Chúng ta hãy cầu nguyện để tại bán đảo Triều Tiên người ta có thể vượt thắng các chống đối và gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau trong lợi ích của toàn thế giới. Chúng ta hãy tín thác nước Venezuela cho Chúa Giêsu Hài Đồng để nó có thể tái lập sự đối chiếu thanh thản giữa các lực lượng xã hội khác nhau, hầu mưu ích cho toàn dân tộc Venezuela yêu dấu. Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em đang cùng gia đình các em phải khổ đau bên Ucraina, và các hậu qủa nhân đạo trầm trọng của nó, và chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa mau chóng ban hoà bình cho đất nước thân yêu này.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu nơi các trẻ em, mà cha mẹ không có công ăn việc làm và phải vất vả cống hiến cho con cái một tương lại chắc chắn và an bình. Và nơi các trẻ em đã bị cướp mất tuổi thơ, phải bó buộc làm việc từ khi còn bé, hay phải động viên như chiến binh đánh thuê không e ngại.

Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu nơi nhiều trẻ em bị bó buộc phải rời bỏ quê hương và du hành một mình trong các điều kiện vô nhân, dễ trở thành mồi của các kẻ buôn người. Trong đôi mắt các em chúng ta trông thấy thảm cảnh của biết bao người bị bó buộc di cư cho đến liều mạng để đương đầu với các chuyến đi vất vả đôi khi kết thúc bằng thảm kịch. Tôi trông thấy trở lại Chúa Giêsu nơi các trẻ em mà tôi đã gặp trong chuyến công du vừa qua tại Myanmar và Bangladesh, và tôi cầu mong rẳng Cộng đồng quốc tế không ngừng hoạt động để phẩm giá của các nhóm thiểu số hiện diện trong vùng được bảo vệ. Chúa Giêsu biết rõ nỗi khổ đau không được tiếp đón và sự mệt nhọc của việc không có nơi tựa đầu. Ước chi con tim của chúng ta không khép kín như các ngôi nhà tại Bếtlêhem.

Anh chị em thân mến, dấu chỉ của lễ Giáng Sinh cũng được chỉ cho cả chúng ta nữa: “một trẻ thơ cuốn tã…” (Lc 2,12). Như Trinh Nữ Maria và thánh Giuse, như các mục đồng Bếtlêhem, chúng ta hãy tiếp đón nơi Chúa Giêsu Hài Nhi tình yêu thương của Thiên Chúa làm người vì chúng ta, và chúng ta hãy dấn thân, với ơn thánh của Ngài, làm cho thế giới chúng ta được nhân bản hơn, xứng đáng hơn với các trẻ em của ngày hôm nay và của ngày mai.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin. Sau đó Đức Hồng  Leonardo Sandri, trưởng đẳng Phó tế, tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình; miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

– Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị, mà chúng tội dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp  của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

– Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

– Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời qúy vị thành tâm lãnh Phép lành toàn xá của Đức Thánh Cha.

Sau phép lành toàn xá ban cho thành Roma và toàn thế giới ĐTC đã chúc mừng lễ Giáng Sinh mọi người. Ngài nói: Tôi xin gửi lời mừng lễ chân thành của tôi tới anh chị em đến từ khắp nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường này, và với tất cả những nước khác nhau theo dõi qua phát thanh truyền hình và các phương tiện truyền thông.

Ước chi biến cố Chúa Kitô Cứu Thế giáng sinh canh tân các con tim, khơi dậy ước muốn xây dựng một tương lại huynh đệ và liên đới hơn, và đem lại cho tất cả mọi người niềm vui và hy vọng. Xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh an lành.

Linh Tiến Khải

Thánh tích thánh Phanxicô Xaviê thánh du Canada

Thánh tích thánh Phanxicô Xaviê thánh du Canada

Từ ngày 03/01 đến 02/02 năm 2018 sắp tới, thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê  – cánh tay phải của ngài – sẽ được tôn kính tại 14 thành phố của Canada.

Chuyến thánh du này được Tổng Giáo phận Ottawa cùng với dòng Tên tại Canada và phong trào CCO Mission Campus – một phong trào quốc gia có sứ vụ truyền giảng Tin mừng tại các đại học – cùng tổ chức.

Đức Tổng Giám mục Terrence Prendergast, dòng Tên, của Tổng Giáo phận Ottawa nói: “Thánh Phanxicô Xaviê là một trong những vị thánh được kính nhớ nhất của mọi thời đại. Ngài là một người có đức tin và lòng can đảm phi thường, một người hết lòng chia sẻ Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô với hàng ngàn người khắp Đông Nam Á, Goa và Ấn độ.”

Các nhà tổ chức chuyến thánh du tin rằng đây có lẽ là lần đầu tiên thánh tích này đến Canada. Cánh tay phải của thánh Phanxicô Xaviê thường được giữ trong một hòm đựng thánh tích và trưng bày cho các tín hữu tại nhà thờ Chúa Giêsu ở Roma, còn thân thể ngài đang được giữ tại Goa. Từ khi thánh nhân qua đời vào năm 1552, toàn bộ thân thể cũng như cánh tay phải của thánh nhân không bị tan rã như thường thấy.

Người ta dự kiến sẽ có hơn 100 ngàn người đến kính viếng thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê, là con số tương tự với số người thánh nhân đã rửa tội bằng cánh tay và bàn tay phải này.

Angèle Regnier, người đồng thành lập phong trào CCO Mission Campus nói: “Dành thời gian đến kính viếng thánh tích như thế này có thể mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Đây là cơ hội để đào sâu mối liên hệ của chúng ta với Chúa và hiểu rõ hơn ơn gọi và mục đích của chúng ta trong cuộc sống.” Cô cho biết mình rất vui khi cộng tác vào việc tổ chức chuyến thánh du này để mọi người dân Canada có thể đến cầu nguyện trước thánh tích.

Thánh Phanxicô Xaviê sinh ngày 07/04/1506 và được xem là thuộc nhóm thành lập dòng Tên. Thánh nhân đã trải qua phần lớn đời tu của ngài tại Á châu, đặc biệt tại các thuộc địa của thực dân Bồ đào nha, và tại Ấn độ và Nhật bản. Ngài là nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật. Thánh nhân qua đời ngày 03/12/1552 tại đảo Thượng san, ngoài khơi Trung quốc, là nơi mà thánh nhân mong ước đến truyền giáo.

Thánh tích của thánh Phanxicô Xaviê sẽ đến các thành phố sau: Ottawa, Québec, St. John's, Halifax, Antigonish, Kingston, Toronto, Winnipeg, Saskatoon, Régina, Calgary, Vancouver, Victoria và Montréal. (Diocèse de Montréal 12/12/2017)

Hồng Thủy

Giám Mục Mai Thanh Lương qua đời

Giám Mục Mai Thanh Lương qua đời

ORANGE, California (NV) – Giám Mục Mai Thanh Lương, cựu giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, vừa qua đời lúc 10 giờ 20 phút sáng Thứ Tư, 6 Tháng Mười Hai, tại bệnh viện St. Joseph, Orange, hưởng thọ 77 tuổi, cô Nguyễn Liên Trinh, nhân viên Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Ông Tài Nguyễn, một người thân cận với giám mục trong mười mấy năm qua, kể: “Ngài được đưa vào bệnh viên chiều Thứ Hai, sau khi đại tiện và ho ra máu. Thực ra, ngài có nhiều bệnh khác nhau trong nhiều năm qua, đặc biệt là tiểu đường.”

Linh Mục Trịnh Minh Thái, phó xứ giáo xứ Saint Thomas More, Irvine, kể: “Sáng nay, tự nhiên Chúa Thánh Thần soi sáng, thúc giục tôi vào thăm ngài. Thế là tôi rủ một số giáo dân đi cùng. Khi vào bệnh viện, thấy bệnh tình ngài như thế, tôi liền xức dầu thánh cho ngài. Sau đó, nhân viên bệnh viện cho biết Chúa đã gọi ngài về. Thế là chúng tôi đọc kinh cầu nguyện cho ngài.”

Giám Mục Mai Thanh Lương là người Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ được Tòa Thánh Vatican phong chức giám mục.

Theo trang web của Giáo Phận Orange, Giám Mục Mai Thanh Lương được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm giám mục phụ tá giáo phận ngày 25 Tháng Tư, 2003, và được phong chức qua một Thánh Lễ tại thánh đường Saint Columban, Garden Grove, ngày 11 Tháng Sáu cùng năm.

Giám mục sinh ngày 20 Tháng Mười Hai, 1940 tại Ninh Cường, Bùi Chu. Ông học tiểu học trong một trường nói tiếng Việt và tiếng Pháp, rồi vào trung học Nhà Dòng Thánh Gia.

Ông được gởi sang Mỹ học tại chủng viện của Giáo Phận Buffalo, New York, rồi vào Chủng Viện Thánh Bernard, Rochester, New York, nơi ông học triết và thần học.

Sau đó, ông học đại học Canisius College ở Buffalo, tốt nghiệp cao học khoa học.

Ngày 21 Tháng Năm, 1966, ông thụ phong linh mục, trong tư cách linh mục của Giáo Phận Đà Nẵng, nhưng do tình hình chiến tranh, ông không thể về phục vụ tại Việt Nam.

Cuối cùng, ông được chuyển đến làm mục vụ tại Tổng Giáo Phận New Orleans.

Giám Mục Mai Thanh Lương cũng từng là tuyên úy bệnh viện tại Buffalo, từ năm 1966 đến năm 1975; phó xứ giáo xứ St. Louis, Buffalo, từ năm 1975 đến năm 1976; giám đốc mục vụ cộng đồng Việt Nam, New Orleans, từ năm 1976-1983. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Maria Nữ Vương, New Orleans, một giáo xứ có đa số giáo dân người Việt.

Năm 1986, Linh Mục Mai Thanh Lương được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong chức đức ông.

Đức Ông Mai Thanh Lương cũng là giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Quốc Gia Cộng Đồng Việt Nam, từ năm 1989 đến năm 2003, thành viên Hội Đồng Linh Mục Tổng Giáo Phận New Orleans từ năm 1987 đến năm 2003, và là linh mục niên trưởng vùng phía Đông New Orleans từ năm 2002 đến năm 2003.

Ngày 20 Tháng Mười Hai, 2015, Tòa Thánh Vatican chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Giám Mục Mai Thanh Lương.

(Đỗ Dzũng)

Báo Người Việt

 

Đức Thánh Cha tiếp ân nhân tặng hang đá và thông Giáng Sinh

Đức Thánh Cha tiếp ân nhân tặng hang đá và thông Giáng Sinh

VATICAN. Sáng 7-12-2017, ĐTC đã tiếp kiến hai phái đoàn tổng cộng 4 ngàn người gồm các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Cây thông đỏ cao 28 mét, đường kính 10 mét ở gốc, do miền Elk bên Ba Lan tặng và chở qua 2.200 cây số đến Vatican hồi đầu tháng 12 này.

 Hang đá máng cỏ năm nay do Đan viện Biệt Hạt Montevergine dòng Biển Đức, thuộc miền Campania nam Italia, thực hiện theo nghệ thuật hang đá hồi thế kỷ 18, theo truyền thống cổ kính nhất ở miền Napoli. Hang đá được bố trí trên diện tích 80 mét vuông của hang đá, chiều cao tối đa là 7 mét, với 20 pho tượng bằng đất nung.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các ân nhân cũng như chào thăm chính quyền và đại diện các tổ chức đã cổ võ sáng kiến này, đặc biệt là Đức Viện Phụ Đan viện Montevergine và Đức TGM giáo phận Warmia, và Đức GM giáo phận Elk của Ba Lan.

Ngài đề cao cây thông và hang đá như những biểu tượng làm chúng ta thấy cụ thể hơn điều chúng ta cảm nghiệm trong sự Giáng Sinh của Con Thiên Chúa. Đó là những dấu hiệu sự cảm thương của Chúa Cha trên trời, sự tham gia và gần gũi của Chúa đối với nhân loại: con người không cảm thấy bị bỏ rơi trong tăm tối của thời gian, nhưng được viếng thăm và đồng hành trong những khó khăn của họ.

ĐTC nói thêm rằng ”cây thông hướng lên cao khích lệ chúng ta cũng hướng về những hồng ân cao cả nhất (Xc 1 Cr 12,31), nâng mình lên trên những mây mù che phủ, để cảm nhiệm điều đẹp đẽ và vui mừng được chìm đắm trong ánh sáng của Chúa Kitô.” .. Cây thông năm nay được đưa từ Ba Lan, là dấu chỉ niềm tin của một dân tộc, qua dấu hiệu này, muốn biểu lộ lòng trung thành của mình đối với Tòa Thánh Phêrô”.

Về hang đá, năm nay được làm theo nghệ thuật miền Napoli và lấy hứng từ các công việc từ bi thương xót, ĐTC nói: ”Các công việc này nhắc nhở chúng ta điều Chúa nói: ”Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, thì cả các con cũng hãy làm cho họ” (Mt 7,12). Hang đá là nơi gợi ý, qua đó chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô, khi mang lấy những lầm than của con người, Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy làm như vậy, qua những hoạt động từ bi bác ái.

Cũng tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 7-12-2017, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô, trước sự hiện diện của ĐHY Giuseppe Bertello, Chủ tịch phủ Thống đốc thành Vatican, chính quyền và giáo quyền miền Elk và Đan viện Montevergine, cùng với đông đảo các tín hữu (Rei 7-12-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 12-11-2017 với hơn 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy chuẩn bị lúc nào cũng sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (25,1-13) chúa nhật thứ 32 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn 10 trinh nữ mang đèn đi đón chàng rể, 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại, không mang dầu theo đèn.

Huấn dụ của ĐTC

”Chúa nhật này, Tin Mừng (Mt 25,1-13) chỉ cho chúng ta điều kiện để vào Nước Trời, và Tin Mừng làm điều đó qua dụ ngôn 10 trinh nữ: đây là những cô phù dâu được giao phó nhiệm vụ đón và tháp tùng chàng rể trong tiệc cưới, và vì thời đó người ta có thói quen cử hành hôn lễ ban đêm, nên các cô phù dâu mang theo đèn.

Dụ ngôn nói rằng có 5 trinh nữ khôn ngoan và 5 trinh nữ khờ dại: thực vậy những cô khôn ngoan mang theo dầu để đốt đèn, trong khi các cô khờ dại không mang dầu theo. Chàng rể đến trễ và tất cả các cô đều thiếp ngụ. Giữa đêm, người ta báo tin chàng rể đến; bấy giờ các trinh nữ khờ dại thấy mình không có dầu để đốt đèn, và họ xin các cô khôn ngoan dầu. Nhưng các cô này trả lời là không thể cho được, vì không đủ cho tất cả mọi người. Trong khi các cô khờ dại đi tìm dầu, thì chàng rể đến; các trinh nữ khôn ngoan vào phòng tiệc với chàng rể và cửa đóng lại. 5 trinh nữ khờ dại đến quá trễ, họ gõ cửa, nhưng được trả lời rằng: ”Tôi không biết các cô là ai” (v.12) và các cô ấy phải ở bên ngoài.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn này?. Ngài nhắc nhở rằng chúng ta phải sẵn sàng gặp gỡ Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa nhắn nhủ hãy tỉnh thức, và Ngài cũng làm như vậy trong trình thuật này: ”Vậy các con hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày giờ” (v.13). Nhưng qua dụ ngôn này, Chúa nói với chúng ta rằng tỉnh thức không phải chỉ có nghĩa là không ngủ, nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng; thực vậy tất cả các trinh nữ đều ngủ trước khi chàng rể đến, nhưng khi tỉnh dậy, một số sẵn sàng một số khác thì không. Đây chính là ý nghĩa thái độ khôn ngoan và thận trọng: vấn đề ở đây là không đợi đến lúc cuối cùng trong cuộc sống để cộng tác với ơn Chúa, nhưng là làm ngay từ bây giờ. Thật là đẹp khi nghĩ một chút: một ngày sẽ là ngày cuối cùng. Giả sử ngày ấy là hôm nay, thì tôi đã sẵn sàng chưa? .. Chuẩn bị sẵn sàng như thể hôm nay là ngày cuối cùng.. Làm như thế là tốt.

”Ngọn đèn là biểu tượng đức tin soi sáng cuộc sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng lòng bác ái nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng đức tin được phong phú và đáng tin cậy. Điều kiện sẵn sàng gặp gỡ Chúa không phải chỉ là đức tin, nhưng là một cuộc sống đầy tình bác ái đối với tha nhân. Nếu chúng ta để cho mình được hướng dẫn do những gì chúng ta thấy là thoải mái hơn, tìm kiếm tư lợi của mình, thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên khô cằn, và chúng ta không tích trữ được dầu nào cho ngọn đèn đức tin của chúng ta; và ngọn đèn này sẽ tắt lịm vào lúc Chúa đến, hoặc trước đó nữa. Trái lại nếu chúng ta tỉnh thức và tìm cách làm điều thiện, qua những cử chỉ yêu thương, chia sẻ, phục vụ tha nhân ở trong tình trạng khó khăn, thì chúng ta có thể yên hàn trong khi chờ đợi hôn phu: Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, cả giấc ngủ của sự chết cũng không làm cho chúng ta kinh hãi, vì chúng ta có dầu dự trữ, được tích trữ bằng những việc lành mỗi ngày. Đức tin soi sáng đức ái và đức ái giữ gìn đức tin”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm cho đức tin của chúng ta ngày càng hoạt động nhờ bác ái; để ngọn đèn của chúng ta có thể chiếu sáng ngay từ bây giờ, trong hành trình trần thế, và mãi mãi, nơi tiệc cưới trên thiên đàng”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 11-11 vừa qua tại Madrid cho cha Vicente Queralt và 20 bạn tử đạo, José María Fernández Sánchez và 38 bạn khác tử đạo. Ngài nói: ”Các chân phước mới, một số thuộc dòng Truyền giáo thánh Vinh Sơn Phaolô: gồm các linh mục, trợ sĩ, tập sinh; một số khác là giáo dân thuộc Hội Ảnh Phép lạ. Tất cả đã bị giết vì người ta oán ghét đức tin trong cuộc bách hại tôn giáo thời nội chiến ở Tây Ban Nha trong những năm 1936 và 1937. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân cao cả là các chứng nhân gương mẫu này cho Chúa Kitô và Tin Mừng”.

ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các gia đình, giáo xứ, hội đoàn và mỗi tín hữu, đến từ Italia và bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Ngài nói:

Đặc biệt tôi chào các tín hữu hành hương đến từ Washington, Philadelphia, Brooklyn và New York, ca đoàn giáo xứ thánh Maria Madalena ở Nuragus, đảo Sardegna, các tín hữu từ Tuscania, Ercolano và Venezia, các em chịu phép thêm sức ở Galzignano..

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 20 ngàn tín hữu trưa ngày lễ Các Thánh, 1-11, ĐTC đã giải thích thế nào là thánh nhân và mời gọi các tín hữu sống tinh thần các mối phúc thật.

ĐTC nói: “Các thánh không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là những người được thiên Chúa chiếu qua. Chúng ta có thể ví các vị như những tấm kiếng ở nhà thờ, để cho ánh sáng chiếu qua với nhiều màu sắc khác nhau. Các thánh là những người anh chị em của chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong tâm hồn và đã truyền lại cho thế giới, mỗi người theo sắc thái riêng. Nhưng tất cả đếu trong sáng, đã chiến đấu để loại bỏ những vết nhơ và những tối tăm của tội lỗi, để cho ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa chiếu qua. Đó chính là mục đích của cuộc sống và cho chúng ta”.

ĐTC cũng quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng ngày lễ Các Thánh về các Mối phúc và khẳng định rằng hạnh phúc không hệ tại sở hữu cái gì hoặc trở thanh một nhân vật nào, không phải vậy, hạnh phúc chân thực là ở với Chúa và sống bằng tình yêu.. Các mối phúc không đòi phải có những cử chỉ lừng lẫy, không phải dành cho các siêu nhân, nhưng cho những người sống những thử thách và cơ cực hằng ngày. Các thánh cũng vậy: như mọi người, các vị hít th không khí ô nhiễm của sự ác trong thế giới, nhưng trên đường đi, các vị không bao giờ mất hút con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, đã chỉ dẫn trong các mối phúc là bản đồ của đời sống Kitô”.

ĐTC trích dẫn lời sách Khải Huyền: ”Phúc cho những người chết trong Chúa” (Kh 14,13) và nhắc nhở các tín hữu về ngày lễ các linh hồn, ngài mà chúng ta được mời gọi đồng hành với những người quá cố của chúng ta trong kinh nguyện, để họ được hưởng hạnh phúc mãi mãi bên Chúa. Chúng ta cũng hãy nhơ đến những người thân yêu của chúng ta với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho họ”.

Đức Thánh Cha lên án các vụ khủng bố gần đây

Trong phần chào thăm các tín hữu sau khi ban phép lành, ĐTC mạnh mẽ lên án các vụ khủng bố đẫm máu gần đây tại Somalia, Afganistan, và hôm 31-10-2017 tại New York Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Trong khi lên án những hành vi bạo lực ấy, tôi cầu nguyện cho những người chết, người bị thương và thân nhân họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi oán thù và sự điên rồ sát nhân, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc chết chóc”.

ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội ”Don Bosco trên thế giới” đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.

Đây là lần thứ 10 Hội ”Don Bosco trên thế giới” tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Đền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án của các thừa sai Salesien Don Bosco ở Ấn độ giúp đỡ các trẻ nữ phải kết hôn sớm.

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều 2-11, ngài sẽ viếng thăm nghĩa trang quân đội Mỹ ở thành phố Nettuno và Hố Ardeatine gần Roma. Ngài nói: ”Chiến tranh chỉ tạo nên các nghĩa trang và chết chóc. Chính vì thế, tôi muốn đưa ra một dấu hiệu trong lúc nhân loại chúng ta dường như quên bài học hoặc không muốn học bài học đó. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng kinh nguyện trong hai giai đoạn tưởng niệm và cầu cho các nạn nhân chiến tranh và bạo lực” (Rei 1-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

VATICAN. Chiều ngày 26-10-2017, ĐTC đã gặp gỡ các nhóm học sinh từ một số nước Nam Mỹ và ngài kêu gọi các em đừng rơi vào vòng nghiện ngập ma túy.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở tổ chức quốc tế gọi là Scholas Occurentes ở nội thành Vatican. Tổ chức này do ĐTC sáng lập khi còn là TGM giáo phận Buenos Aires với mục đích góp phần giáo dục các học sinh ở những vùng sâu vùng xa. Nay nó trở thành một tổ chức quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, và hiện diện tại 190 quốc gia, qua một mạng liên kết hơn 446 ngàn trường học và hệ thống giáo dục.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC chiều thứ năm vừa qua có các học sinh từ Mexico, Argentina, Paraguay và Puerto Rico, và đề tài được nói đến là ma túy, di dân, việc chăm sóc thiên nhiên và nạn tự tử. Các bạn trẻ đã trình bày cho ĐTC các vấn đề của họ, kể cả những hậu quả do thiên tai gây ra như cuồng phong María mới đây ở Puerto Rico, nạn động đất tại Mexico trong hai ngày 7 và 19-9 vừa qua, làm cho 471 người chết. Nhiều học sinh ở các nước khác cũng theo dõi và góp ý với cuộc gặp gỡ qua hệ thống truyền hình. ĐTC cũng lợi dụng dịp này khích lệ những người Mỹ châu la tinh ở bang Texas Hoa Kỳ bị thiệt hại vì cuồng phong Harvey, và giải thích cho các học sinh về tâm quan trọng phải chăm sóc thiên nhiên để bớt được các thiên tai.

Các bạn trẻ ở khu phố Villa 31 ở Argentina đã lên án nạn bạo lực và chiến tranh. Và ĐTC cũng nhắc nhở họ rằng: 'Các con đừng để mình bị đánh lừa, ma tủy không giải quyết được gì cả, đó chỉ là những viên đá màu mà ngừơi ta muốn làm cho các con coi đó là những hạt ngọc quí giá. Các con đường để mình bị lường gạt”. (Rei 27-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Tiếng Mưa

Tiếng Mưa

 

Mỗi lần, thấy trời sắp chuyển mưa,

Ngồi bên cửa sổ, cạnh hiên nhà.

Nhìn mưa rơi đều qua song cửa.

Làm tôi nhớ lại thưở năm nào…

Tuổi thơ đêm ngủ, nghe mưa rớt

Lộp độp, rả rích dài cả đêm.

Ban ngày, ban đêm cùng tiếng mưa.

Những đêm, thanh vắng âm thanh gõ

Xuống mái hiên nhà nghe to hơn.

Ở đây ít nhà có mái tôn.

Nên thiếu âm thanh của thưở nào!

Khiến lòng khắc khoải…không ngủ được.

Nhớ tiếng mưa rơi…ở quê nhà.

Trời mưa ở đâu cũng giống nhau.

Chỉ khác là mưa ở trong lòng.

Gợi nhớ biết bao là kỷ niệm.

Buồn vui của những trận mưa đêm!

 

 

Cô giáo Tống Hoa

Trường Việt ngữ và Văn Hoá Phan Bội Châu

 

 

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị Bộ Giáo Sĩ về đào tạo linh mục

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị Bộ Giáo Sĩ về đào tạo linh mục

VATICAN. ĐTC mời gọi các LM hãy để cho Chúa huấn luyện và cộng tác vào công trình của Chúa trong công tác này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến ngày 7-10-2017, dành cho gần 270 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Bộ giáo sĩ tổ chức từ ngày 4 đến 7-10, về chương trình căn bản đào tạo linh mục.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói: Việc huấn luyện LM là một công trình đòi sự can đảm để cho mình được Chúa uốn nắn, để tâm hồn và đời sống chúng ta được biến đổi.. Việc huấn luyện không được giải quyết qua một vài thích ứng văn hóa hoặc sáng kiến nhất thời ở địa phương. Chính Thiên Chúa là người thợ kiên nhẫn và từ bi thực hiện việc đào tạo linh mục của chúng ta và công việc này kéo dài trọn cuộc sống.

”Chúng ta phải mạnh mẽ nói rằng: nếu ai không để cho mình được Chúa huấn luyện mỗi ngày, thì sẽ trở thành một linh mục bị tắt lịm, lê lết trong sứ vụ một cách ù lỳ, không còn hăng say với Tin Mừng, và cũng chẳng nhiệt thành với Dân Chúa. Trái lại linh mục nào ngày qua ngày phó thác nơi bàn tay khôn ngoan của Người Thợ Nhào Nặn, thì sẽ duy trì với thờ gian lòng nhiệt thành trong tâm hồn, vui mừng đón nhận sự tươi mát của Tin Mừng, nói bằng những lời có sức đánh động cuộc sống của dân, và với đôi tay đã được Giám mục thánh hiến trong ngày thụ phong, LM có khả năng xức các vết thương, những mong đợi và hy vọng của dân Chúa”.

ĐTC không quên nhấn mạnh đến vai trò của Giám Mục và các vị đào tạo, vì ơn gọi nảy sinh, lớn lên và phát triển trong Giáo Hội. Vì thế đôi tay Chúa nhào nặn cái bình đất sét cũng hoạt động qua sự chăm sóc của những người trong Giáo Hội được kêu gọi trở thành những người đầu tiên huấn luyện cuộc sống của linh Mục. Ngài nói: ”Nếu một nhà đào tạo hoặc một GM không ”bước xuống nơi tiệm của người nặn bình” và không cộng tác vào công trình của Thiên Chúa, thì chúng ta không thể có những linh mục được huấn luyện tốt”

Sau cùng, ĐTC kêu gọi các GM giáo phận hãy cộng tác với nhau trong việc đào tạo Linh mục. Ngài nói: ”Anh em hãy làm việc với nhau! Hãy có một con tim rộng mở và mong ước rộng lớn để hoạt động của anh em có thể vượt lên trên các ranh giới của giáo phận và liên kết với hoạt động của các giám mục khác” (Rei 7-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia tài trợ các dự án bác ái

Hội đồng Giám mục Italia, qua ủy ban trợ giúp bác ái, đã tài trợ 30 triệu 432 ngàn euro, cho các dự án bác ái tại các nước thuộc thế giới thứ ba. Ủy ban bác ái này đã họp ở Roma cách đây hai tuần và chấp thuận các hoạt động trợ giúp và phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á, vùng Cận đông, Đông âu và châu đại dương.

Trong số các dự án được tài trợ, có việc xây dựng một bệnh viện ở khu Temeke của Tanzania. Bệnh viện này được xây để đáp ứng các nhu cầu khẩn thiết đa dạng của dân địa phương khi họ phải trải qua đoạn đường cả 30 cây số để đến bệnh viện gần nhất. Nhiều người đã chết trên đường di chuyển. Nguy hiểm càng gia tăng đối với phụ nữ sắp sinh con.

Tại Trung phi, một khu trường học được xây dựng cho các học sinh vùng nông thôn, thuộc tổng giáo phận Bangui. Còn tại Haiti, nơi bị thiệt hại nặng nề do bão Matthew, dự án sẽ trợ giúp kinh tế, xã hội, môi trường cho 500 đơn vị gia đình. Kế hoạch tài trợ nhắm đến nhiều phương diện, để hoạt động lại mạch sản xuất bị gián đoạn bởi thiên tai, thành lập một quỹ tín dụng nhỏ, thu hồi nước bị ô nhiễm, sửa chữa nhà bị hư hỏng, mua cây giống và dụng cụ nông nghiệp để xây dựng các đồn điền (cây ăn quả, cây lấy gỗ) đã bị phá hủy.

Trong 19 chương trình tài trợ cho Á châu có chương trình xây dựng nơi cư trú cho người không nhà ở Pakistan và chống lại tệ nạn nô lệ và lao động trẻ em. Tại vùng Cận đông, một dự án nhắm tái hội nhập những người nghiện ngập ở Libăng vào xã hội. (REI 02/10/2017)

Hồng Thủy

Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót

Duy trì lòng nhiệt thành Năm Thánh Lòng Thương Xót

VATICAN. ĐTC kêu gọi đừng để cho lòng nhiệt thành mà Năm Thánh Lòng Thương Xót gợi lên bị tan loãng và quên lãng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 29-9-2017 dành cho 60 tham dự viên Đại hội vừa kết thúc của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, dưới quyền chủ tọa của Đức TGM Chủ tịch Rino Fisichella. Hội đồng này là cơ quan phối hợp việc tổ chức và cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót.   Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến thành quả của Năm Thánh như một thời điểm hồng phúc mà toàn Giáo Hội đã trải qua với lòng tin nhiệt thành và tinh thần nồng nhiệt. Ngài nói:

”Chúng ta không thể để cho lòng hăng say ấy bị tan loãng hoặc lãng quên. Dân Chúa đã cảm thấy mạnh mẽ Hồng ân Lòng thương xót và đã sống Năm Thánh qua việc đặc biệt tái khám phá bí tích Hòa Giải, như nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng từ nhân, sự dịu dàng của Thiên Chúa cũng như sự tha thứ vô biên của Chúa. Vì thế, Giáo Hội có trách nhiệm lớn phải không ngừng tiếp tục là dụng cụ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng cảm thấy sự đón nhận Tin Mừng được nhận thức và sống như một biến cố cứu độ và có thể mang lại một ý nghĩa trọn vẹn và chung kết cho đời sống cá nhân và xã hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Việc loan báo lòng thương xót trở nên cụ thể và hữu hình qua lối sống của các tín hữu, sống dưới ánh sáng của nhiều công việc từ bi bác ái; việc loan báo ấy là điều nòng cốt thuộc về sự dấn thân của mỗi người loan báo Tin Mừng: họ đích thân khám phá ơn gọi làm tông đồ do lòng thương xót đã dành cho họ”. (Rei 29-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp của ĐTC dịp kết thúc Năm thánh 400 năm ngày thánh Rosa Lima qua đời

Sứ điệp của ĐTC dịp kết thúc Năm thánh 400 năm ngày thánh Rosa Lima qua đời

Hôm 30/08, Thánh lễ trọng thể kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của thánh Rosa thành Lima đã được cử hành tại nhà thờ chánh tòa Lima, thủ đô Pêru.

Trong thánh lễ, Đức Hồng y Eduardo Vela Chiriboga, nguyên tổng Giám mục Quito, đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp kết thúc Năm Thánh. Trong sứ điệp , Đức Thánh Cha mời gọi sùng kính thánh Rosa mạnh mẽ để toàn tổng giáo phận Lima, cả nước Pêru và toàn thế giới được nhận lãnh nhiều ơn phúc của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha dùng một đoạn trong sách Diễm ca để định nghĩa thánh Rosa là người phụ nữ “sinh trưởng như hoa huệ giữa bụi gai”. Ngài nhấn mạnh đến sự hy sinh hãm mình đền tội nghiêm nhặt bừng cháy lòng say mê yêu mến để cho tất cả mọi người được hưởng sự sống vĩnh cửu trong Chúa Kitô. Đức Thánh Cha viết: “Thánh nữ đã trở thành người bạn của Chúa ngay từ khi còn thơ bé” khi ngài thánh hiến mình như một trinh nữ và thực hành nhân đức khi còn thơ bé. “Từ đó, được thiêu đốt bởi tấm gương và lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và của thánh Catarina thành Siêna, thánh Rosa đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa”, mặc áo dòng Ba Đaminh. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến tình yêu thánh Rosa dành cho mọi loài thụ tạo của, đặc biệt khi thánh nữ mời gọi mỗi sinh vật sống ca ngợi Đấng Tạo hóa.

Thánh Rosa sinh tại Lima ngày 20/04/1586, là con thứ 10 trong gia đình quý tộc gốc Tây ban nha có 13 người con. Từ thơ bé, Rosa đã nhận ra ơn gọi và sống theo tinh thần thánh Catarina. Rosa luôn giúp đỡ người nghèo khổ, các trẻ em và người già bị bỏ rơi, đặc biệt những người thổ dân. Từ năm 1609, Rosa đóng mình trong một căn phòng nhỏ được xây trong vườn nhà và chỉ ra khỏi phòng để tham dự Thánh lễ. Rosa qua đời ngày 24/08/1617 vì kiệt sức.

Năm 1671, Đức Giáo hoàng Clemente X đã phong Rosa lên hàng hiển thánh. Ngài là vị thánh đầu tiên của châu Mỹ, và cũng là bổn mạng của Peru, của tân thế giới và của Philippines. (REI 31/08/2017)

Hồng Thủy

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.

ĐTC mô tả như một ”dấu chỉ thời đại” tình trạng đau buồn của bao nhiêu người di dân trốn chạy chiến tranh và nghèo đói, và nhắc đến lời dạy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”, vì thế một trách nhiệm lớn của Giáo hội là biểu lộ sự ân cần đối với những người di dân.

Trong sứ điệp, ĐTC lần lượt bàn đến 4 điểm: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

– Về việc đón tiếp người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhấn mạnh rằng điều cấp thiết là cống hiến cho họ khả thể rộng lớn hơn để tới các nước một cách chắc chắn và hợp pháp. Ngài kêu gọi đơn giản hóa thủ tục cấp các chiếu khán nhập cảnh nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Đồng thời ĐTC cũng phê bình những vụ trục xuất tập thể người di dân và tỵ nạn, nhất là gửi họ về những nước không bảo đảm các quyền căn bản của con người”.

– Về việc bảo vệ những người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhận xét rằng việc bảo vệ này bắt đầu tại quê hương và cần tiếp tục tại nước nhập cư. Ngài mời gọi đề cao giá trị những khả năng và năng khiếu của người di dân, vì thế họ phải được tự do di chuyển trong nước tiếp cư và có thể làm việc.

– Về điểm thứ ba là thăng tiến, ĐTC nói rằng mọi người di dân phải được ở trong tình trạng có thể thể thành đạt thân như những nhân vị. Ngài khuyến khích sự hội nhập người di dân về mặt xã hội và công ăn việc làm, và ca ngợi nhiều nước về phương diện cộng tác quốc tế.

ĐTC cũng kêu gọi rằng trong việc phân phối những viện trợ trong sự cộng tác quốc tế như vậy, cần để ý đến những nhu cầu của các nước đang trên đường phát triển tiếp nhận rất nhiều người di dân và tỵ nạn.

– Sau cùng về vấn đề hội nhập người di dân, ĐTC nhấn mạnh rằng đây không phải là sự đồng hóa người di dân và tỵ nạn, đưa tới sự xóa bỏ căn tính văn hóa của họ, nhưng là một tiến trình kéo dài, có thể được đẩy mạnh qua việc cấp quốc tịch mà không gắn liền với những đòi hỏi kinh tế và ngôn ngữ. ĐTC cho biết Giáo Hội sẵn sàng dấn thân đi hàng đầu trong lãnh vực này.

Ngài không quên kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị hãy phê chuẩn các hiệp ước hoàn cầu được thông qua gần đây tại LHQ, trong đó có một hiệp ước về người di dân và một hiệp ước khác về người tỵ nạn (Rei 21-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP