3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng thiếu ơn gọi tại Italia, cổ võ sự thanh bần theo Tin Mừng và tái kêu gọi giảm bớt số giáo phận tại nước này.

Trên đây là 3 mối quan tâm ngài bày tỏ chiều ngày 21-5-2018 trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên của HĐGM Italia tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican.

Tham dự khóa họp có các vị chủ chăn của 228 giáo phận toàn quốc. Đứng trước tình trạng khan hiếm ơn gọi tại Italia, nhiều nhà dòng và cơ sở Công Giáo bị đóng cửa, ĐTC cổ võ các giáo phận phong phú ơn gọi cho các giáo phận thiếu ơn gọi ”mượn” các LM, tương tự như phương thức gọi là các LM Fidei Donum, Hồng Ân đức tin, nghĩa là các giáo phận nhiều ơn gọi cho gửi các LM đến hoạt động tại các xứ truyền giáo không có hoặc có quá ít ơn gọi.

ĐTC cũng kêu gọi quản trị tài cánh của các giáo phận theo tinh thần thanh bần Tin Mừng và minh bạch.

Sau cùng, ngài kêu gọi HĐGM Italia đẩy mạnh dự án giảm bớt con số các giáo phận tại nước này, đã có từ năm 1964, thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Italia có khoảng 60 triệu tín hữu Công Giáo. Năm 1983, thời ĐGH Gioan Phaolô 2, con số giáo phận Italia được gộp lại từ hơn 330 xuống còn 228 giáo phận như hiện nay, nhưng ĐTC Phanxicô muốn giảm bớt hơn nữa số giáo phận, vì ngài cho là vẫn còn quá nhiều.

ĐTC nói với các GM: ”Tôi bày tỏ mối quan tâm ấy, không phải để khiển trách anh em, nhưng để nói lên những gì làm tôi quan tâm, rồi sau đó để anh em lên tiếng, kể cả nói lên những lời phê bình. Phê bình Giáo Hoàng không phải là một tội”.

Về vấn đề tài chánh của các giáo phận, ĐTC giải thích thêm rằng ”Đối với tôi, như một tu sĩ dòng Tên, 'thanh bần vẫn luôn là mẹ và là tường thành của đời sống tông đồ, là mẹ vì làm nảy sinh, và tường thành vì bảo vệ”. Nếu không có thanh bần, thì không có lòng nhiệt thành tông đồ. ”Ai tin thì không thể nói về thanh bần mà lại sống như ông hoàng”. Thật là một sự phản chứng khi nói về thanh bần mà lại sống sa hoa”.

ĐTC nhấn mạnh rằng cần có qui luật chung và rõ ràng về việc quản trị tài chánh của giáo phận. Ngài kể: ”Tôi biết có một người trong anh em, không bao giờ mời một người khách dùng bữa với tiền của giáo phận, nhưng tự trả bằng tiền túi của mình. Đó là một cử chỉ bé nhỏ, nhưng quan trọng. Tôi biết và cám ơn HĐGM Italia vì đã thực hiện nhiều trên con đường thanh bần và minh bạch. Minh bạch như thế là một công việc thật đẹp, nhưng cần phải làm hơn nữa về một số điều”.

Sau bài huấn dụ khai mạc của ĐTC, ngài còn trao đổi trong 3 tiếng đồng hồ với các GM Italia, trả lời 20 câu hỏi do các vị nêu lên (Rei 21-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nêu bật nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong việc phòng ngừa bạo lực và tội phạm trên thế giới.

Phát biểu trong phiên họp phát động Chương trình hành động cho các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân phòng ngừa việc kích động bạo lực có thể dẫn đưa tới các tội phạm, ĐTGM Auza đã nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền và giới lãnh đạo là che chở dân chúng khỏi các tội phạm tàn ác cũng như việc khích động bạo lực. ĐC ca ngợi các mục tiêu của chương trình nhằm giúp hiểu biết hơn, phối hợp và khích lệ tiềm năng của các vị lãnh đạo tôn giáo góp phần phòng ngừa kích động bạo lực và sát nhập công việc của các vị vào trong các nỗ lực đề phòng các tội phạm tàn các. Đó cũng là điều được yêu cầu đối với các quốc gia, các cơ cấu xã hội dân sự, các tổ chức và giới truyền thông, vì việc phòng ngừa bạo lực và các tội phạm chống lại nhân loại đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Toà Thánh không thể ủng hộ mọi điểm trong số 177 mục tiêu được đề ra do 9 nhóm làm việc liên quan tới 35 mục đích. Nó là một bước tiến cụ thể trong việc cổ võ nền văn hoá và xã hội tiến tới.

Tiếp đến Vị đại diện Toà Thánh nhấn mạnh trên nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền quốc gia và quốc tế phải bảo vệ dân chúng, trong đó có việc ngăn ngừa kích thích cằng thẳng và xung đột có thể trở thành dip cho các tội phạm tàn ác. Tuy không có các phương tiện chấm dứt các tàn ác và tội phạm nhưng giới lãnh đạo tôn giáo có thể ảnh hưởng trên cung cách hành xử và tâm thức của dân chúng. Ảnh hưởng này đã bị lạm dụng và làm cho sai lạc bởi các vị lãnh đạo dùng quyền bính và ảnh hưởng của mình để biện minh cho bạo lực. Một trong các cách thức giúp loại trừ bạo lực và tội phạm tàn ác là đối thoại, và ý thức được chiều kích xã hội cộng đồng của tôn giáo. Các thiện ích phát xuất từ tôn giáo phải được trân trọng và thăng tiến làm sao để các vị lãnh đạo tôn giáo có thể lột mặt nạ các gian dối và tố cáo lên án các vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, cũng như việc biện minh cho mọi hình thức thù ghét nhân danh tôn giáo.

Từ ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Phanxicô đã hoạt động và cổ võ việc đối thoại liên tôn, vì nó là điều kiện cần thiết cho hoà bình trên thế giới. Nó trao ban mẫu mực cho tín hữu trong việc thảo luận các khác biệt, lớn lên trong sự trân trọng các viễn tượng của nhau, và cùng nhau tiến tới hoà bình và lo cho công ích. Nó không chỉ giúp ngăn chặn việc khích động bạo lực mà còn khích lệ con người sống đạo hạnh và tạo dựng các xã hội hoà bình hoà hợp. (REI 14-7-2017)

Linh Tiến Khải

Linh mục dòng Cát minh đầu tiên ở Kandhamal , Orissa, Ấn độ

Linh mục dòng Cát minh đầu tiên ở Kandhamal , Orissa, Ấn độ

Bhubaneshwar, Orissa, Ấn độ – Ngày 22/04 tới, quận Kandhamal, thuộc bang Orissa, nơi đã xảy ra vụ tàn sát dã man các Kitô hữu vào năm 2008, làm cho 100 người chết và 65 ngàn phải chạy trốn khỏi làng quê của họ, sẽ có vị linh mục đầu tiên dòng Cát minh.

Thầy sáu Johnson Digal, 29 tuổi, dòng Cát minh, sẽ được thụ phong  Linh mục tại nhà thờ thánh Vinh sơn ở Bhubaneshwar.

Johnson Digal sinh năm 1987,tại làng Lujuramunda, thuộc giáo xứ Lujuramunda, quận Kandhamal. Năm 2007, Johnson gia nhập dòng Cát minh, được huấn luyện và học triết học tại Kerala, và học thần học tại đại học giáo hoàng Lateranum ở Roma.

Ngôi làng sinh quán của Johnson có 20 gia đình, với khoảng 400 thành viên, phần lớn theo Ấn giáo. Chỉ có 2 gia đình Công giáo ở làng này, tính cả gia đình của Johnson. Trong cuộc tàn sát vào năm 2008, ngôi nhà của gia đình thầy Johnson cũng bị đốt cháy và họ phải sống trong trại tị nạn của chính phủ.

Thầy sáu Johnson chia sẻ với hãng tin Á châu: “giống như khi còn là chủng sinh, sứ vụ của thầy khi trở thành Linh mục là giúp cho dân làng của thầy có thêm nhận thức, cách hành xử và hiểu biết đúng đắn và thân thiện của đức tin Công giáo.” Thầy cho biết là phần lớn dân chúng địa phương cũng như một số người thân của thầy không hiểu nhiều về Công giáo và giá trị của Linh mục. Thầy hy vọng sẽ thay đổi điều này qua sự hội nhập của thầy và quan hệ con cháu đối với họ.

Trước đây thầy cũng đã thường thăm các gia đình trong làng và giải thích với họ về đức tin Công giáo và giá trị của độc thân. Thầy đã nhận thấy người dân đang thay đổi từ từ cách hành xử tiêu cực của họ đối với giáo hội Công giáo.

Sau khi được thụ phong Linh mục, Johnson sẽ đào tạo các chủng sinh trẻ của giáo phận Jhansi, ở Uttar Pradesh.

Từ kinh nghiệm về bạo lực mà chính mình đã chứng kiến, Johnson nhắm xây dựng các mối liên hệ thân hữu giữa các cộng đoàn tôn giáo và để các tín hữu Ấn giáo có thái độ tích cực đối với Công giáo. Cha cũng cho biết ở Kandhamal, đang có sự hòa giải từ từ giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, dù còn nhiều điều cần làm trong tiến trình hòa bình này. (Asia News 08/04/2017)

Hồng Thủy

Ba loại ngăn trở trong tâm hồn

Ba loại ngăn trở trong tâm hồn

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-01-12-2016

Trong tâm hồn mỗi người đều có ơn thánh: chúng ta phải tìm thấy ơn ấy, nài xin Chúa nâng đỡ, để nhận ra chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha nói về động lực ẩn sau những ngôn từ sáo rỗng, những lời tự biện minh, hoặc những càm ràm trách móc. Ngài cũng cảnh báo về loại tinh thần chỉ thay đổi hời hợt vẻ bề ngoài, của những người luôn nói rằng mọi thứ sẽ thay đổi mà thực chất chẳng đổi thay gì.  

“Ngăn trở lành mạnh” xuất phát từ thiện tâm

Ân sủng của Thiên Chúa thì lớn hơn những ngăn trở của tội lỗi. Đó là kinh nghiệm, là sức mạnh thúc đẩy đời sống người Kitô hữu. Có loại “ngăn trở mở – ngăn trở hiển hiện” phát sinh từ ý muốn ngay lành, ví như trường hợp của thánh Phaolô. Thánh nhân bước đầu đã chống lại ân sủng, đã ngăn trở Chúa vì ngài quá nhiệt thành với Lề Luật, nhưng rồi ngài bị thuyết phục và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh nói với Phaolô và Phaolô đã hoán cải. Ngăn trở theo kiểu của Phaolô là một loại ngăn trở mạnh mẽ và cởi mở, vì đã mở ra cho ân sủng để rồi hoán cải. Thế đó, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi cần hoán cải.

Thế nhưng, có những “ngăn trở ẩn giấu” và rất nguy hiểm vì không ai nhìn thấy. Mọi người đều muốn che giấu những ngăn trở ấy, những cản trở ân sủng Chúa. Chúng ta phải tìm cách đưa chúng ra trước mặt Chúa, để Ngài có thể thanh tẩy chúng ta. Những ngăn trở ẩn giấu ấy ví như trường hợp của các Tiến sĩ Luật trong vụ kết án thánh Têphanô. Thánh nhân mạnh mẽ lên tiếng tố giác các Tiến sĩ Luật vì họ chống lại Chúa Thánh Thần nhưng lại làm như thể là họ đang tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa. Khi nói ra sự thật ấy, thánh nhân đã nhận lấy phúc tử đạo.

Ba loại “ngăn trở ẩn giấu” rất nguy hiểm

Có ba loại ngăn trở ẩn giấu. Thứ nhất là ngăn trở ẩn giấu dưới lời nói trống rỗng. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói, không phải tất cả những người nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là sẽ được vào Nước Trời. Trong dụ ngôn về hai người con được cha sai đi làm vườn nho cũng thế: một đứa nói không rồi sau đó có đi làm, một đứa nói có rồi sau đó lại không đi. Có kiểu nói vâng, luôn luôn là vâng, nhưng chỉ mang nghĩa xã giao mà thôi, vì thực sự lại có nghĩa là không. Thế nên, có người luôn miệng nói có và rằng chúng tôi sẽ thay đổi mọi thứ, nhưng thực ra thì chẳng làm gì. Đó là kiểu sáo rỗng.

Thứ hai là kiểu biện minh. Có người luôn luôn có lý do hợp lý để phản đối. Ở đó không có mùi thơm của Thiên Chúa, nhưng là mùi hôi của ma quỷ. Người Kitô hữu không cần biện minh cho bản thân. Vì khi tìm mọi cách biện minh cho vị thế của mình, chúng ta không còn đi theo điều Chúa mời gọi nữa.

Thứ ba là những lời trách móc. Khi bạn trách móc và xét đoán người khác, thì bạn quên nhìn lại bản thân và quên rằng chính bạn cũng cần sám hối, và như thế là chống lại ơn sủng, là giống như người Pharisêu trong dụ ngôn về người thu thuế và người Pharisêu cầu nguyện trong đền thờ.  

Xin ơn mở lòng để Chúa thanh tẩy

Bạn đừng sợ nếu mỗi người trong chúng ta nhận thấy những ngăn trở trong cõi lòng mình. Vì những điều ấy hiển hiện trước mắt Chúa. “Lạy Chúa, xin hãy nhìn con đang cố che đậy, đang cố làm điều ấy và tránh lời Ngài.” Nói như thế thì có đẹp không? Không. “Lạy Chúa, với sức mạnh lớn lao, xin hãy giúp con. Ân sủng của Ngài sẽ chiến thắng ngăn trở của tội con. Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin cứu giúp con!” Đó là cách cầu nguyện để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa Giáng Sinh.

Tứ Quyết SJ

Sứ thần Tòa Thánh tại Siria phê bình Mỹ và Nga

Sứ thần Tòa Thánh tại Siria phê bình Mỹ và Nga

su-than-toa-thanh-tai-siria-phe-binh-my-va-nga

DAMASCO. ĐHY tân cử, Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, mạnh mẽ phê bình liên minh quốc tế trong cuộc chiến tại Siria.

Tuyên bố với báo ”Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) số ra ngày 10-10-2016 ở Italia, ĐHY Zenari nói rằng Nga và Mỹ đều tham gia cuộc chiến ”nhờ người đánh thay” qua những nước mạnh ở địa phương như Arập Sauđi liên minh với Mỹ và Iran liên minh với Nga. Mỗi phe đều lo bảo vệ quyền lợi riêng tư và chiến lược địa lý chính trị. ”Danh xưng chung” của hai phe là những vụ vi phạm các quyền con người qua các vụ pháo kích và dội bom vào các trường học, nhà thương, và chợ búa. Đức Sứ Thần nói: ”Cả chiến tranh cũng có các qui luật của nó, nhưng nay chiến tranh đi quá trớn”.

ĐHY tân cử Zenari kêu gọi cộng đồng quốc tế tái nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho chiến cuộc tại Siria, đây là con đường duy nhất để chấm dứt chiến tranh và để các viện trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân chiến tranh.

Đức Sứ thần Zenari gọi việc ĐTC chọn ngài vào số các Hồng Y mới như một quan tâm của Người đối với dân chúng, các trẻ em, những người vô tội bị giết, dù họ là Kitô hữu hay không Kitô (KNA 10-10-2016)

Dân chúng ở Aleppo kiệt quệ

Đức Cha Antoine Audo, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê tại thành Aleppo, Siria, cho biết dân chúng tại đây đã kiệt quệ và ngài kêu gọi chấm dứt xung đột.

Khu vực phía đông Aleppo với khoảng 250 ngàn dân cư bị phiến quân chiếm đóng và từ lâu bị không quân Nga và quân đội chính phủ oanh tạc và pháo kích, nguyên trong 2 tuần qua đã có 377 người thiệt mạng. Tổ chức Bác sĩ không biên giới tìm cách chuyển các đồ cứu trợ đến khu vực phía đông, trong khi các chính phủ Tây phương cáo buộc Nga về tội gọi là ”tội ác chống lại nhân loại”. Theo LHQ, các cuộc pháo kích của Nga và quân đội Siria sẽ làm cho hàng ngàn người chết từ đây tới cuối năm.

Chính phủ Nga nói về các mục tiêu chống các lực lượng khủng bố và tăng cường sự hiện diện tại Siria với việc thiết lập một căn cứ hải quân tại cảng Tartus.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Audo cho biết ngài không biết rõ tình hình khu vực phía đông Aleppo và có bao nhiêu nhóm võ trang tại đó. Nhưng cả tại khu vực phía tây Aleppo cũng không có điện nước và chẳng ai nói về tình hình dân chúng tại đây. Tổng cộng có 2 triệu người còn lại trong toàn bộ thành Aleppo.

Đức Cha Audo cũng là Giám đốc Caritas Siria. Ngài nhìn nhận Caritas không thể hoạt động tại khu vực đông Aleppo vì tình hình rất nguy hiểm do các nhóm võ trang, và nhất là Caritas thuộc Kitô giáo và độc lập.

Đức Cha nói: ”Chúng tôi ở trong tình trạng nguy hiểm liên tục. Sự kiện này tạo nên một bầu không khí lo sợ, và đa số các tín hữu Kitô đã rời bỏ khu vực này. Những người có phương tiện đều ra đi và đây là một đau khổ lớn của chúng tôi” (RG 10-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Cha Christian Sieland ở Papua New Guinea vượt rừng sâu núi cao đến với giáo dân

Cha Christian Sieland ở Papua New Guinea vượt rừng sâu núi cao đến với giáo dân

Một Giám mục Papua New Guinea cử hành lễ ngoài trời

Trong khu rừng sâu thẳm vùng Melanesia, có một Linh mục Công giáo gốc Papua New Guinea trèo đèo lội suối, đi bộ hàng dặm trong rừng rậm để đến với đàn chiên sống ở những khu vực xa xăm hẻo lánh và để chăm sóc các giáo xứ nghèo khổ nhất vào các cuối tuần. Đó là cha Christian Sieland, thuộc Giáo phận Kundiawa, nước Papua New Guinea, một đất nước thuộc châu Đại dương, có 5 triệu dân. Để đến với giáo dân của mình, cha Sieland đã phải trèo qua những vùng đồi núi dốc đá đầy nguy hiểm.

Cha chia sẻ: Những người dân này sống ở một nơi có địa hình khó khăn và hiểm trở. Thiên Chúa đã đặt họ ở đó. Đó là nhà của họ. Tất cả các vật liệu được sử dụng để xây dựng nhà thờ đã được ông bà của họ vác trên vai di chuyển đến. Họ tự hào có sự hiện diện của Giáo Hội trong khu vực của họ. Nhiều người chỉ có một vài bộ quần áo hoặc chỉ có đủ tiền để sống hết tuần. Họ có thể nghèo, nhưng họ nhận biết tất cả các ơn lành Thiên Chúa ban cho họ. Họ không chết đói vì Thiên Chúa đã ban cho họ một mảnh đất màu mỡ, nơi hầu như có thể trồng tất cả mọi thứ. Họ không khát vì Thiên Chúa ban cho họ những dòng suối từ núi, sạch trong và tươi mát, ngay cạnh bên để có thể lấy nước từ đó… Khi bạn nhìn thấy đức tin đơn sơ nhưng đâm rễ sâu của họ và so sánh với đức tin của bạn được tô điểm với những bằng cấp, chứng chỉ, bạn sẽ quý trọng đức tin đơn sơ của ‘những người bé nhỏ’ này hơn”.

Cha Sieland khen ngợi lòng hiếu khách của những tín hữu Công giáo này. Cha kể lại: “Khi tôi, cha sở của họ, đến nhà thăm họ hoặc là ngủ trọ qua đêm, họ dọn cho tôi một đĩa đầy thức ăn, họ cho tôi ngủ trên giường tiện nghi nhất của họ và có mùng che muỗi. Sự chăm sóc và kính trọng họ dành cho một Linh mục làm tôi nhiều lần cảm động và ngay cả bối rối. Nhưng làm sao chúng ta có thể từ chối những cử chỉ hiếu khách từ những người có đức tin đơn giản như thế? Họ không có gì nhiều để ban tặng cho ta, nhưng những thứ nhỏ nhặt họ mang cho chúng ta là những thứ xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim họ”.

Số tín hữu Công giáo của Giáo phận chiếm khoảng 30% trong tổng số 375 ngàn cư dân trong vùng. Giáo phận bao gồm vùng núi Wilhelm, là ngọn núi cáo nhất của Papua New Guinea với độ cao khoảng 4500 m. Vài vùng đất ở những khu vực vô cùng xa xôi đến nỗi người dân chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc xe hơi.

Tại sao cha Sieland lại dấn thân phục vụ ở vùng đất xa xôi hiểm trở này? Cha suy tư về sứ vụ của mình như sau: “Động lực của tôi thật là đơn giản. Nếu tôi, một Linh mục được thụ phong, không đến với những người dân này, vậy thì ai sẽ đi? Không phải là tôi đã được thụ phong cho mục đích này sao, cụ thể là mang các bí tích đến cho người dân và nuôi dưỡng họ với thức ăn tinh thần, ví dụ như Lời Chúa, Thánh Thể? Không có Linh mục nghĩa là không có Thánh thể, không có xưng tội không có bí tích nào cả. Nếu tôi không đi, nghĩa là tôi đã cướp của họ quyền được lãnh nhận lương thực thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban. Tôi sẽ biện minh cho mình trước nhan Thiên Chúa về việc không “nuôi các con chiên của Người” như thế nào? Ngay cả khi chỉ có 10 người già cần được thăm viếng, tôi vẫn băng núi vượt sông để đến với họ”.

Cha cho biết là đã hơn 40 năm, kể từ khi độc lập vào năm 1975, chính quyền Papua New Guinea không đến thăm vùng này. Nhưng “Giáo hội đã ở đây từ khi những thừa sai đầu tiên của dòng Ngôi Lời bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho dân chúng vào những năm đầu thập niên 1930 và 1940”. Số thừa sai châu Âu đang sút giảm đáng kể. Ngay cả với sự giúp đỡ của các thừa sai đến từ Uc, Ba lan, Ấn độ và Indonesia, hàng giáo sĩ địa phương vẫn không thể chăm sóc các vùng đất mà các người đi trước đã khai phá. 

Các giá trị truyền thống và phương Tây hiện đại đang đụng độ nhau và thế hệ trẻ có vẻ hơi bị lạc lối hay bối rối. Cha Sieland lo lắng là các giá trị truyền thống tốt đẹp tương tự với những giá trị Tin mừng đang biến mất dần và trong vòng 20 năm nữa nó sẽ mất hoàn toàn. Cha nói: “Một trong những thử thách lớn nhất đó là đánh mất các giá trị Tin mừng như trung thực, minh bạch, tôn trọng, yêu thương, dấn thân và cống hiến trong đời sống gia đình, hôn nhân, trong giáo xứ, nơi trường học cũng như ngoài trường học… Còn có những vấn đề xuất phát từ nền văn hóa Melanesi với quan hệ đa thê, sự xung đột giữa Kitô giáo và niềm tin truyền thống về ma thuật với những thực hành bạo lực và giết người. Giáo hội địa phương cố gắng hết sức để đối lai niềm tin này bằng cách giáo dục dân chúng và tiêu diệt sự mê tín, nhưng điều này không xảy ra trong một sớm một chiều nhưng cần có thời gian. (CNA 09/08/2016)

Hồng Thủy

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân dịp Thế vận Olympic ở Rio

VATICAN. ĐTC Phanxicô cầu chúc cho thế vận Olimpic sẽ khai diễn ngày 5-8-2016 tại Rio, góp phần kiến tạo một nền văn minh trong đó trổi vượt tinh thần liên đới giữa mọi người với nhau.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 4-8-2016, ĐTC nói:

”Giờ đây tôi muốn gửi lời chào thân ái đến nhân dân Brazil, đặc biệt là dân thành Rio de Janeiro, đang đón tiếp các vận động viên và những người hâm mộ đến từ các nơi trên thế giới, nhân dịp thế vận hội Olimpic. Trong một thế giới khao khát hòa bình, bao dung và hòa giải, tôi cầu mong tinh thần các cuộc tranh tài thế vận Olimpic có thể gợi hứng cho tất cả mọi người, các tham dự viên cũng như các khán giả, chiến đấu ”một cuộc chiến tốt đẹp” và cùng nhau hết thúc cuộc chạy đua (Xc 2 Tm 4,7-8), mong ước đạt được một phần thưởng, không phải là một huy chương, nhưng là một cái gì quí giá hơn nhiều: đó là thực hiện một nền văn minh trong đó có tình liên đới hiển trị, dựa trên sự nhìn nhận rằng tất cả chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, bất luận những khác biệt về văn hóa, màu da hoặc tôn giáo. Và đối với nhân dân Brazil, đang tổ chức lễ hội thể thao này trong tinh thần vui tươi và lòng hiếu khách đặc thù, tôi cầu chúc cho lễ hội này là một cơ hội để vượt tháng những thời điểm khó khăn và dấn thân trong ”hoạt động đồng đội” để xây dựng một đất nước công bằng và an ninh hơn, nhắm đến một tương lai đầy hy vọng và vui tươi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!”.

Thế vận hội Olimpic mùa hè lần thứ 31 sẽ tiến hành từ ngày 5 đến 21-8 này ở Rio de Janeiro, thành phố 12 triệu dân cư, với sự tham dự của các vận động viên đến từ các nước hoàn cầu và gồm 28 bộ môn thể thao và 48 bộ môn thể dục. (SD 3-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tổ Hội đồng bảo an LHQ.

Trong bài tham luận hôm 19-7-2016 tại cuộc thảo luận công khai về ”những phương pháp làm việc của Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza ghi nhận Hội đồng này đã có nhiều công trạng trong việc phòng ngừa cho nhiều quốc gia và dân tộc khỏi hiểm họa chiến tranh và xung đột trong 71 năm qua. Nhưng việc cải tổ và thích ứng với thời đại vẫn luôn luôn là điều cần thiết để Hội đồng bảo an thích ứng tốt đẹp nhất với mục tiêu của mình. Các quốc gia thành viên LHQ và nhiều lãnh vực khác của xã hội dân sự ngày càng gia tăng kêu gọi cải tổ để làm cho Hội đồng bảo an được minh bạch, hiệu năng, hữu hiệu, có trách nhiệm và có đặc tính đại diện nhiều hơn”.

Đức TGM Đại diện Tòa Thánh nhắc đến sự kiện nhiều quyền lợi quốc gia và chính trị địa lý lấn át chức năng hàng đầu của Hội đồng bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.. Điều quan trọng để sửa chữa những lời phê bình ấy là các quốc gia thành viên LHQ, khi trở nên thành viên Hội đồng bảo an, đừng bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết đáng tin cậy về hành động phòng ngừa hoặc chấm dứt việc phạm tội diệt chủng, những tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh. Ngoài ra, các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đừng dùng quyền phủ quyết trong những tình trạng liên quan tới các tội ác vừa nói”. Trong bối cảnh đó, LHQ nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng sẽ đạt được sự hợp pháp và uy tín nhiều hơn nếu phân định rõ ràng và hữu hiệu các tiêu chuẩn để áp dụng nguyên tắc ”trách nhiệm bảo vệ”.

Trong bài tham luận, Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, cũng kêu gọi cứu xét lời thỉnh cầu do nhiều quốc gia thành viên đưa ra, đó là làm sao để Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, phản ánh rõ hơn các thực tại chính trị địa lý ngày nay hơn.

”Một Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, đó là điều thuộc về những yếu tố giúp đồng qui mà đa số các quốc gia thành viên LHQ đề nghị trong các cuộc họp về việc cải tổ Hội đồng bảo an LHQ. Việc bác bỏ hoặc cố tình không biết đến những ”yếu tố đồng qui” ấy sẽ không giúp ích cho lời kêu gọi, uy tín và sự đáng tín nhiệm của Hội đồng bảo an.

Một lời kêu gọi khác cũng liên tục được đưa ra, đó là cần làm sao để Hội đồng này có đặc tính minh bạch hơn, không những trong bối cảnh việc tăng cường hoạt động của LHQ, nhưng đặc biệt trong bối cảnh bầu cử vị Tổng thư ký LHQ sắp tới.

Sự minh bạch này cũng phải được nới rộng tới các phương pháp làm việc và các thủ tục của cac cơ quan phụ thuộc Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong các ủy ban trừng phạt, để đảm bảo và củng cố các quyền căn bản của mỗi người và chế độ pháp quyền. (SD 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni

GUAPI: ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, khích lệ chấm dứt bạo lực, tha thứ hòa giải và xây dựng một nền văn minh hoà bình.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ chủ sự tại nhà thờ chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Giáo quản tông toà Guapi ngày 23 tháng 5 vừa qua. Ngài nói: Sau bao nhiêu năm khổ đau vì các tệ nạn bạo lực và gian tham hối lộ, đây là lúc nhổ tận gốc rễ mọi tệ nạn, tha thứ cho nhau, bằng cách tái lập một nền văn hóa hoà bình làm nảy sinh ra các năng động hoà giải cá nhân, gia đình và cộng đoàn.  ĐHY ghi nhận rằng Guapi là một Giáo Hội đang lớn lên và cần có các cơ cấu, nhất là hàng giáo sĩ địa phương. ĐHY kêu gọi sự cộng tác của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh tế và vật chất. Cần phát triển một ý thức truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Cả trong nghèo túng người ta cũng có thể đương đầu với các đòi buộc của Tin Mừng và của Giáo Hội. ĐHY không quên khích lệ giới trẻ sống trung thực với các nguyên lý của Tin Mừng, để thành lập các gia đình thực sự kitô, dựa trên bí tích Hôn Phối trung thành và bất khả phân ly, như Chúa Giêsu đã muốn. Lời Chúa cần được lắng nghe, suy gẫm và sống mỗi ngày tại khắp mọi nơi. Khi tìm được chỗ trong chúng ta, Lời Chúa giúp chúng ta tránh không rơi vào một cuộc sống phản tinh thần kitô, nô lệ rượu chè, ma tuý, cờ bạc và chủ thuyết duy vật.

Trước thánh lễ ĐHY đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhóm tông đồ trong đại thính đường Trường San Josè, và  đề cập tới một số vấn đề mục vụ lớn cần đương đầu như hoà bình, khước từ xung đột vũ trang, dấn thân tạo dựng công bằng xã hội, phát triển và chống lại nạn nghèo đói. Ngài mời gọi  họ dấn thân làm việc mục vụ, và đặc biệt chú ý tới người nghèo và người tàn tật.

Tiếp đến ĐHY đã gặp gỡ các giới chức dân sự và quân đội, cùng với các vị hữu trách các tổ chức của chính quyền. Trong những ngày này ĐHY Filoni dang viếng thăm Colombia (FIDES 24-5-2016)

Linh Tiến Khải

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ

Có ít nghị phụ kêu gọi cho người ly dị tái hôn rước lễ

Thượng Hội Đồng Giám Mục về vấn đề gia đình ly dị tái hôn

VATICAN. Trong cuộc họp báo hôm 19-10-2015 tại Phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Cha Mark Benedict Coleridge, cho biết có ít nghị phụ ủng hộ cho người ly dị tái hôn rước lễ nói chung.

 Đức Cha Coleridge là TGM giáo phận Brisbane, Australia. Ngài nói: ”Tôi không nhớ có bài phát biểu nào trong đó một nghị phụ minh thị yêu cầu Giáo Hội cho những người ly dị tái hôn được rước lễ, nhưng có một số nghị phụ thỉnh cầu ĐTC có một cử chỉ thương xót trong Năm Thánh”.

 Đức TGM Coleridge cũng thú nhận rằng ngài biết có bao nhiêu phần trăm các nghị phụ ủng hộ hay chống việc cho các cặp ly dị tái hôn rước lễ, nhưng ý tưởng chấp nhận tổng quát cho các cặp này rước lễ có lẽ đang suy giảm, trái lại nảy sinh đề nghị xin ĐTC can thiệp về vấn đề này trong Năm Thánh”.

 Trong khi đó, hôm 19-10-2015, ĐHY Walter Kasper, người Đức, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, tuyên bố rằng ”Tôi hy vọng một sự cởi mở của đa số các nghị phụ ủng hộ việc cho các cặp ly dị tái hôn được rước lễ, kèm theo một tiến trình hội nhập trong các giáo xứ và Giáo Hội”.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Italia, ĐHY nói: ”Những người ly dị tái hôn cũng là con cái Thiên Chúa, họ cũng cần được bánh sự sống.. Thánh Thể không phải dành cho những người tuyệt hảo, nhưng là cho người có tội và tất cả chúng ta đều là người tội lỗi” (Apic 19-10-2015)

 Mặt khác, ĐHY George Pell, Chủ tịch sở kinh tế của Tòa Thánh, chống lại chủ trương để cho mỗi HĐGM quyết định về việc cho những cặp ly dị tái hôn được rước lễ.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Le Figaro (Người thợ cạo) số ra ngày 19-10-2015 tại Pháp, ĐHY Pell người Australia nói: ”Giáo Hội không thể nói với 2 người ở trong cùng một hoàn cảnh: với người ở Ba Lan thì nói rằng người ly dị tái hôn mà rước lễ thì mắc tội phạm thánh, còn với người ở Đức thì nói: rước lễ như thế là một nguồn ơn thánh. Nước Đức và Ba Lan là hai nước láng giềng”. Quả thực có 2 thứ thần học khác nhau, nhưng chỉ có một đạo lý duy nhất.

 Nhiều nghị phụ tại Thượng HĐGM hiện nay kêu gọi dành cho HĐGM địa phương nhiều thẩm quyền hơn và ĐTC Phanxicô cũng tuyên bố theo chiều hướng này hôm thứ bẩy 17-10-2015 trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng HĐGM. Tuy nhiên, biện pháp cụ thể trong vấn đề này thế nào, người ta không biết.

 Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Pell cũng cho biết đề nghị cho người ly dị tái hôn được rước lễ trong từng trường hợp cũng không được đa số các nghị phụ ủng hộ. Trong số 248 nghị phụ đăng ký phát biểu trong Thượng HĐGM, chỉ có 20 vị ủng hộ giải pháp vừa nói.

 Ngoài ra, ĐHY Pell hy vọng từ Thượng HĐGM sẽ có một sự minh bạch hơn về thần học. Ngài nói: ”Chúng tôi chứng kiến một khuynh hướng thần học thứ 3 giữa hai chiều hướng của các vị người Đức: một quan điểm theo ĐHY Kasper, và một quan điểm theo Đức Ratzinger. Tôi hy vọng vào cuối Thượng HĐGM này sẽ có một sự minh bạch hơn (KNA 19-10-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

TOÀ THÁNH CỔ VÕ TÔN TRỌNG QUYỀN CỦA NGƯỜI GIÀ

TOÀ THÁNH CỔ VÕ TÔN TRỌNG QUYỀN CỦA NGƯỜI GIÀ

ĐTGM Silvano Tomasi

GENÈVE: Tòa Thánh kêu gọi cộng đoàn quốc tế và các gia đình quý trọng phần đóng góp của người già, săn sóc họ và tôn trọng các quyền lợi của họ.

ĐTGM Silvano Tomasi, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Genève, đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 30 của Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 16 tháng 9 vừa qua.

ĐC Tomasi cho biết hiện nay trên thế giới có 900 triệu người già  trên 60 tuổi. Mỗi năm số người già tăng 3.26%, và vào năm 2030 sẽ là 1.4 tỷ rồi vào năm 2050 sẽ lên tới 2.1 tỷ. Tuy nhiên hiện tượng dân già không chỉ là một thách đố, nhưng cũng còn là một cơ may nữa: thừa nhận các cải tiến trong lãnh vực săn sóc sức khỏe và phẩm chất cuộc sống và phần đóng góp mà người già có thể đem lại cho xã hội. Trong môi trường thay đổi nhanh chóng của xã hội và kỹ thuật, người già thường bị gạt ra bên lề,  bị kỳ thị và bỏ rơi vì nền văn hóa vứt bỏ coi họ là những người không sản xuất và cũng không tiêu thụ. Họ trở thành nạn nhân của các hình thức bạo lực và bóc lột gia tăng. Tuy nhiên, như ĐTC Phanxicô đã nói: phẩm chất của một xã hội hay của nền văn minh được phán đoán theo cách nó đối xử với người già. Chú ý tới người già làm thành sự khác biệt trong một nền văn minh. Nền văn minh này tiến tới, nếu nó biết trân quý sự khôn ngoan của tuổi già.

ĐTGM Tomasi nhấn mạnh rằng chính các người thân trong gia đình có nhiệm vụ săn sóc người già. Nhà nước và các cơ cấu khác không thể thay thế các thành phần trong gia đình, nhưng chỉ có vai trò phụ đới. Ngày nay hơn trong quá khứ, các gia đình gặp khó khăn trong việc săn sóc người già, vì các tương quan đã thay đổi, gia đình nhỏ bé hơn, việc di chuyển và khoảng cách giữa người thân gia tăng, và ý muốn của các bậc cha mẹ không sống chung với con cái. Nhưng cũng chính vì thế mà mạng lưới gia đình phải dược coi như nguồn trợ giúp chính và hành động công khai để trợ giúp người già.

Thế rồi người già cũng có thể là các thành phần tích cực của xã hội. Họ cũng có vai trò nòng cốt trong việc săn sóc cháu chắt trong gia đình. Cần phải loại bỏ tâm thức coi các lợi nhuận kinh tế trọng hơn phẩm giá con người. Cộng đoàn quốc tế được mời gọi xây dựng một xã hội khác, tiếp đón, nhân bản và bao gồm hơn, và không cần loại bỏ người yếu đuối trên thân xác cũng như trong tâm trí (SD 16-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha kêu gọi: Đừng bao giờ chiến tranh nữa!

Đức Thánh Cha kêu gọi: Đừng bao giờ chiến tranh nữa!

VATICAN. Nhân kỷ niệm 70 năm chấm dứt thế chiến thứ hai tại Á Châu, ĐTC tái khẩn cầu Thiên Chúa ban hòa bình cho nhân loại trước những cuộc chiến tranh đẫm máu ngày nay.

Ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm qua 2-9 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Trong những ngày này, ở Viễn Đông cũng kỷ niệm kết thúc Thế Chiến thứ hai. Tôi tái dâng lên vị Chúa Tể của tất cả mọi người lời khẩn nguyện sốt sắng để, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, thế giới ngày nay không còn phải trải qua những kinh khiếp và đau khổ kinh khủng vì những thảm trạng như thế nữa. Nhưng thế giới đang trải qua những đau khổ ấy! Đây cũng là khát vọng trường kỳ của các dân tộc, nhất là những dân tộc đang là nạn nhân của các cuộc xung đột đẫm máu. Các nhóm thiểu số bị bách hại, các Kitô hữu bị bách hại, sự phá hủy điên rồ, và rồi những kẻ chế tạo và buôn bán võ khí, các võ khí đẫm máu của bao nhiêu người vô tội. Không bao giờ chiến tranh nữa! Đó là tiếng kêu thống thiết từ tâm hồn chúng ta và tâm hồn của tất cả mọi người nam nữ thiện chí lên tới Vị Vua Hòa Bình”.

Thế chiến thứ 2 kéo dài 5 năm, bắt đầu từ ngày 1-9 năm 1939 và kết thúc tại Âu Châu ngày 8-5-1945 với sự đầu hàng của Đức, và tại Á châu ngày 2 tháng 9 cùng năm 1945 với sự đầu hàng của Nhật Bản. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại với tổng cộng từ 55 đến 60 triệu người chết, trong số này có 50 triệu người thuộc khối đồng minh và 12 triệu người thuộc khối trục gồm Đức, Nhật và Italia. Khối đồng minh có 17 triệu quân nhân bị thiệt mạng và khối trục có 8 triệu binh sĩ tử thương (SD 2-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lớp Sáu – Bài Học 18 – Hai Bài Quốc Ca

Bài Học 18: Hai Bài Quốc Ca

Quốc Ca Hoa Kỳ


Ồ! Hãy nói lên rằng bạn có nhìn thấy
Bằng ánh sáng mới chớm lúc bình minh
Chúng tôi tự hào hô to điều gì vào lúc tinh sương
(lúc chạng vạng với tia sáng cuối cùng)?


Kìa lá cờ của ai với những sọc rộng và các ngôi sao chói lọi,
Suốt chận chiến đầy nguy hiểm,
Bên trên những tường thành chúng tôi quan sát thấy
Đang tung bay ngạo nghễ (chảy một cách rất can đảm)?


Và ánh lửa đỏ rực của hỏa tiễn,
Và những trái bom nổ tung trên không trung
Minh chứng rằng xuyên suốt đêm
Lá cờ của chúng ta vẫn còn đó.


Ồ hãy nói lên đi, có phải Lá Cờ Hoa Kỳ vẫn tung bay
Trên mảnh đất của những người tự do
Và trên những ngôi nhà của các người can đảm?

 

YNghiCuaHatQuocCaVNCH

Lớp Sáu – Bài Học 17 – Nhẫn Nại Đợi Chờ

Bài Học 17 – Nhẫn Nại Đợi Chờ

WheatAndTares

 

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao

nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực

đều góp phần chung tay xây dựng!

Nhưng thật đáng tiếc,

rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực

đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người.

Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa.

Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,

nhất là trong tâm hồn mỗi người.

Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung.

 

SuAcBiLoaiBo

Lớp Sáu – Bài Học 13 – Chia Sẻ Cơm Áo

Xem Bài Học 13 – Chia Sẻ Cơm Áo

Thế giới ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng theo thống kê của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi ngày có khoảng 400,000,000 người phải đi ngủ với bụng đói không có gì để ăn, và 15,000 người phải chết đói hằng ngày. Điều này không phải vì thế giới thiếu tài nguyên, thiếu lương thực, nhưng vì tài nguyên của quốc gia bị mánh mung, ăn cắp một cách khéo léo bởi một số người không còn lương tâm.

ChiaSeComAo

boy eating on ground

NguoiNgheoCausalLoop

Tòa Thánh lên án việc tái lập Nhà Nước Hồi Giáo

Tòa Thánh lên án việc tái lập Nhà Nước Hồi Giáo

VATICAN. Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn nghiêm khắc lên án việc tái lập Nhà Nước Hồi giáo với những hành vi man rợ và tàn ác đi kèm.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 12-8-2014, Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng:

”Toàn thế giới kinh hoàng chứng kiến cái gọi là ”sự tái lập Nhà Nước Hồi giáo (califat) vốn đã bị Kamal Ataturk, vị sáng lập nước Thổ nhĩ kỳ hiện đại, bãi bỏ ngày 29-10-1923.
”Sự phản đối của đại đa số các tổ chức tôn giáo và chính trị Hồi giáo chống lại sự ”tái lập” này vẫn không ngăn cản những kẻ ”thánh chiến của Nhà Nước Hồi giáo” phạm và tiếp tục phạm những hành vi tội ác khôn tả. Hội đồng Tòa Thánh này, tất cả những người dấn thân trong công cuộc đối thoại liên tôn, tín đồ của tất cả các tôn giáo cũng như những người nam nữ thiện chí chỉ có thể tố giác và lên án quyết liệt những phương thức bất xứng với con người như:
– tàn sát con người chỉ vì họ thuộc về một tôn giáo nào đó;
– chặt đầu người, đóng đanh và treo thi thể trước công chúng;
– bó buộc các tín hữu Kitô và người yézidi phải chọn lựa một là theo Hòi giáo, hay là trả tiền thuế (yizya) hay là phải di cư;
– trục xuất hàng chục ngàn người, trong đó có các trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai và bệnh nhân.
– bắt cóc các thiếu nữ và phụ nữ thuộc cộng đoàn yézidie và Kitô như chiến lợi phẩm (sabaya);
– áp đặt biện pháp man rợ khâu kín cơ phận sinh dục phụ nữ;
– phá hủy các nơi thờ phượng và lăng tẩm của Kitô giáo và Hồi giáo;
– chiếm đóng hoặc xúc phạm đến các nhà thờ và tu viện;
– tháo gỡ các thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác của Kitô giáo và các cộng đồng tôn giáo khác;
– phá hủy gia sản văn hóa và tôn giáo Kitô có giá trị khôn lường;
– bạo hành dã man với mục đích làm cho dân chúng phải kinh sợ để bó buộc họ đầu hàng hoặc phải chạy trốn.
Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn khẳng định rằng: ”Không chính nghĩa nào có thể biện minh cho những hành vi man rợ như vậy và chắc chắn không tôn giáo nào có thể làm như thế. Đó là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng đối với nhân loại và đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như ĐGH Phanxicô thường nhắc nhở.
Nhưng ta cũng không thể quên rằng các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã có thể sống chung với nhau, tuy có những lúc thăng trầm, qua bao thế kỷ, kiến tạo một nền văn hóa sống chung và một nền văn minh mà họ hãnh diện. Đàng khác, chính trên căn bản đó mà trong những năm gần đây, cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã được tiếp tục và đào sâu.
”Tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô, của những người yézidis và các cộng đồng tôn giáo khác và chủng tộc thiểu số tại Irak đòi phải có một lập trường minh bạch và can đảm từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo, nhất là Hồi giáo, những người dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn và tất cả mọi người thiện chí. Tất cả phải đồng thanh liên án quyết liệt những tội ác vừa nói và tố giác việc lạm dụng tôn giáo để biện minh cho những việc làm ấy. Chẳng vậy các tôn giáo, các tín đồ và thủ lãnh của họ có gì đáng tin cậy? Cuộc đối thoại liên tôn đã được kiên nhẫn theo đuổi trong những năm qua còn uy tín nào nữa?
”Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi dùng ảnh hưởng của mình nơi các chính quyền để chấm dứt những tội ác ấy, trừng phạt những kẻ phạm tội như thế và tái lập chế độ pháp quyền trên lãnh thổ của mình, đồng thời bảo đảm cho những người bị trục xuất được hồi hương. Khi nhắc nhớ sự cần thiết phải có luân lý đạo đức trong việc quản trị xã hội loài người, cũng các vị lãnh đạo tôn giáo ấy không được quên nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ, tài trợ và cung cấp võ khí cho khủng bố là điều bị lên án về luân lý”.
Ngoài những điều trên đây, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cám ơn tất cả những người đã lên tiếng tố giác nạn khủng bố, nhất là thứ khủng bố lợi dụng tôn giáo để biện minh cho mình.
Vậy chúng ta hãy hiệp tiếng với ĐGH Phanxicô: ”Xin Thiên Chúa hòa bình khơi lên nơi tất cả mọi người một ước muốn chân thành đối thoại và hòa giải. Không thể thắng bạo lực bằng bạo lực. Chỉ có thể thắng bạo lực được bằng hòa bình!” (SD 12-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

(Yézidi hay Yazidi là nhóm bộ tộc tôn giáo nói tiếng Kurde theo đạo Hồi có pha trộn các yếu tố truyền thống đa phương. Phần lớn họ sống tại tỉnh Ninive ở miền bắc Iraq. Trên thế giới có khoảng 700 ngàn người Yézidi).

 

Tất cả là hồng ân

Tất cả là hồng ân

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma qui hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?

2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?

3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Sử Dụng Hoạ Đồ Suy Luận (Thinking Maps)

Sau đây là một minh hoạ cho việc sử dụng Hoạ Đồ Suy Luận (Thinking Maps) ở bậc tiểu học tại Anh quốc.

[Download Thinking Maps Tools]

8maps

Nhạc Minh Họa: Sáng Rừng – Phạm Đình Chương

Rừng xanh lên bao sức sống
Ngàn cây xôn xao đón hương nồng
Của vầng thái dương hồng bừng lên trời Đông

Cỏ cây vươn vai lên tiếng
Cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng
Dậy sau giấc đêm dài triền miên triền miên

[Xem tiếp Sáng Rừng của Phạm Đình Chương]