Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

ROMA. Lúc 4 giờ chiều chúa nhật 6-3-2016, ĐTC đã cùng các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đi xe bus đến Ariccia để bắt đầu tuần tĩnh tâm hàng năm cho đến thứ sáu 11-3 tới đây.

Giống như những năm trước đây, tuần tĩnh tâm diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Vị đảm trách các bài suy niệm trong tuần tĩnh tâm Cha Ermes Ronchi người miền Veneto, đông bắc Italia năm nay 69 tuổi (1947) thuộc dòng Tôi Tớ Đức Maria, đậu 2 tiến sĩ, một tại Đại học Sorbonnes bên Pháp về lịch sử các tôn giáo và một tại Đại học Công Giáo Paris về khoa học các tôn giáo, và làm giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Marianum ở Roma, trước khi làm cha xứ tại Milano. Cha là tác giả của rất nhiều sách báo về kinh thánh và linh đạo, cũng như giữ mục ”Những lý do để hy vọng” trên đài truyền hình Rai từ năm 2009.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu với việc chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều chúa nhật 6-3-2016. Những ngày hôm sau, bắt đầu với kinh ngợi khen lúc 7 giờ rưỡi sáng, rồi bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi sau đó là Thánh Lễ. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm thứ hai. Sau cùng là Chầu Thánh Thể và kinh chiều. Ngày chót, thứ sáu 11-3, chỉ có một bài suy niệm.

Đề tài các bài suy niệm của cha Ronchi trong tuần tĩnh tâm là 10 câu hỏi rút từ Phúc Âm: 9 câu do Chúa Giêsu nêu lên và 1 câu do Mẹ của Ngài trong lúc sứ thần truyền tin. Những câu hỏi của Chúa Giêsu là một danh hiệu khác của sự hoán cải. Câu hỏi thứ I trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan: ”Bấy giờ Chúa Giêsu quay lại, và thấy họ đang theo Người, Người nói với họ: Các ông tìm ai?”. Vị giảng thuyết nói: ”Đề nghị cho những ngày này là chúng ta dừng lại lắng nghe một vị Thiên Chúa của những câu hỏi: không phải hỏi Chúa, nhưng là để cho Chúa hỏi chúng ta. Thày vì chạy đi tìm ngay câu trả lời, chúng ta dừng lại để sống kỹ lưỡng những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng” (SD 6-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha  6-3-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-3-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài chia buồn với các nữ tu thừa sai bác ái vì đại tang.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca trong thánh lễ Chúa nhật thứ 4 mùa chay về dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về.

 Bài huấn dụ của ĐTC

Trong chương trương thứ 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc tìm lại được (vv.4-7), dụ ngôn đồng tiền lại tìm thấy (vv.8-10), và dụ ngôn dài về người con trai hoang đàng, hay đúng hơn, về người cha thương xót (vv.11-32). Hôm nay, trong hành trình mùa chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn thứ ba này, trong đó vai chính là người cha và 2 người con. Trình thuật cho chúng ta thấy một vài đặc điểm của người cha: đó là một người luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng dù điều gì xảy ra đi nữa. Nhất là nổi bật lòng bao dung của ông trước quyết định của người con út rời nhà ra đi: lẽ ra ông có thể chống lại, vì biết rằng người con ấy chưa trưởng thành, trái lại ông để đứa con ra đi, tuy thấy trước những rủi ro có thể xảy ra. Thiên Chúa cũng hành động như thế đối với chúng ta: Ngài để cho chúng ta tự do, dù ta có thể sai lầm, vì khi tạo dựng chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân cao cả là tự do. Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng tốt tự do ấy.

Nhưng sự tách biệt của người con ấy chỉ là về mặt thể lý; người cha vẫn luôn mang người con ấy trong con tim; ông tin tưởng chờ đợi con trở về; ông chăm chú nhìn con đường với hy vọng thấy con trở về. Và một hôm ông thấy người con xuất hiện từ xa (Xc v.20). Lúc ấy ông xúc động, chạy ra đón con, ôm con và hôn. Thật là dịu dàng dường nào!

Người cha cũng dành thái độ ấy cho người con cả, là người vẫn luôn ở nhà, và nay người con này tức giận và phản đối vì không hiểu và không chia sẻ tất cả lòng từ nhân đối với đứa em đã lầm lỗi. Người cha ra ngoài để gặp người con cả và nhắc nhở cho anh ta rằng cha con vẫn luôn ở với nhau, và có chung mọi điều (v.31), nhưng cần phải vui mừng đón tiếp người em trở về nhà.

Trong dụ ngôn này ta cũng có thể thấy hình bóng người con thứ ba, âm thầm!, đó là người con ”không giữ cho mình đặc ân giống như [Cha], nhưng đã hủy bỏ mình, mặc lấy thân phận người tôi tớ” (Pl 2,6-7). Người Con-Tôi Tớ này là sự nối dài đôi vòng tay và trái tim của Cha: Người đã đón nhận người con hoang đàng và rửa đôi chân bẩn thỉu của người con ấy; Người đã chuẩn bị bữa tiệc để mừng lễ tha thứ. Người là Chúa Giêsu, dạy chúng ta hãy có lòng ”thương xót như Cha”.

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn biểu lộ con tim của Thiên Chúa. Người là Cha thương xót, Đấng yêu thương chúng ta trong Chúa Giêsu vượt ra ngoài mọi giới hạn, luôn chờ đợi chúng ta hoán cải mỗi khi chúng ta lầm lạc; Ngài chờ đợi chúng ta trở về khi chúng ta xa lìa Ngài vì nghĩ rằng mình có thể không cần Chúa; Ngài luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay dù điều gì xảy ra đi nữa. Như người cha trong Phúc Âm, Thiên Chúa cũng tiếp tục coi chúng ta là con cái của Ngài khi chúng ta lạc đường, và Ngài đến gặp chúng ta với tất cả sự dịu dàng khi chúng ta trở về cùng Ngài. Những lầm lỗi chúng ta phạm, cả những tội trọng, không làm suy giảm tình thương trung tín của Ngài. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể tái khởi hành: Ngài đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá làm con cái của Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: Trong giai đoạn mùa chay này cho đến lễ Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi tăng cường hành trình hoán cải nội tâm. Chúng ta hãy để cho cái nhìn đầy yêu thương của Cha chúng ta đạt tới chúng ta và hết lòng trở về cùng Ngài, loại bỏ mọi thái độ thỏa hiệp với tội lỗi. Xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng chúng ta cho đến vòng tay âu yếm của lòng thương xót của Chúa.

Chia buồn và ca ngợi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các nữ tu thừa sai bác ái đang chịu đại tang đổ ập trên các chị cách đây 2 ngày trong vụ 4 nữ tu bị sát hại tại Aden, Yemen, nơi các chị săn sóc giúp đỡ những người già. ĐTC nói: ”Tôi cầu nguyện cho các chị và những người khác bị giết trong cuộc tấn công, cũng như cho thân nhân của họ. Xin Mẹ Têrêsa tháp tùng vào thiên đàng những người con của Mẹ tử đạo vì bác ái, và chuyển cầu cho hòa bình và sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống con người.”

ĐTC nói thêm rằng 'Như một dấu chỉ dấn thân cụ thể cho hòa bình và sự sống tôi muốn nhắc đến sáng kiến lập các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, mới được khởi xướng ở Italia. Dự án tiên phong này liên kết tình liên đới với an ninh, giúp nâng đỡ những người đang trốn chạy chiến tranh và bạo lực, như hàng trăm người tị nạn đã được chuyển đến Italia, trong đó có các trẻ em, bệnh nhân, người tàn tật, góa phụ chiến tranh với con cái, và những người già. Tôi cũng vui mừng vì sáng kiến này có tính chất đại kết, được sự hỗ trợ của Cộng đồng thánh Egidio, Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Italila, Giáo Hội Valdesi và Metodist.

 ĐTC chào thăm các nhóm tín hữu hành hương và ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ngài và các cộng sự viên bắt đầu tuần tĩnh tâm từ tối nay đến thứ sáu tới đây.

Giống như năm ngoái, tuần tĩnh tâm của ĐTC và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Giáo hoàng nói Giáo hội không cần ‘tiền bẩn’

Đức Giáo hoàng nói Giáo hội không cần ‘tiền bẩn’

Đức Thánh cha Phanxicô giữa đám đông tại Quảng trường Thánh Phêrô

Nói về nạn bóc lột và trả lương không công bằng cho công nhân, Đức Thánh cha Phanxicô bảo các nhà hảo tâm hãy quên chuyện đóng góp tài chính cho Giáo hội đi nếu đồng tiền kiếm được của họ là do lừa gạt người khác.

“Làm ơn kiểm tra và đốt hết những đồng tiền đó đi” – ngài nói trong tiếng vỗ tay hoan hô.

“Dân Chúa – là Giáo hội – không cần đến những đồng tiền dơ bẩn. Họ cần những tấm lòng mở ra đón nhận lòng thương xót của Chúa” – Đức Giáo hoàng nói trong buổi tiếp kiến chung hôm 2 tháng Ba tại Quảng trường Thánh Phêrô, Catholic News Service đưa tin.

Thiên Chúa muốn con người quay lưng với ma quỷ và làm những gì là công bằng, không che đậy tội lỗi bằng những cử chỉ hy sinh, ngài nói.

“Tôi nghĩ đến một số nhà hảo tâm dâng cúng một món quà cho Giáo hội – ngài nói – và đôi khi món quà ấy “là kết quả của nước mắt và máu của nhiều người bị bóc lột, ngược đãi, nô lệ hóa bởi công việc được trả lương ba cọc ba đồng”.

Ngài nói ngài sẽ bảo những nhà tài trợ đó hãy đi đi bởi Thiên Chúa cần những người dù tội lỗi “có bàn tay được thanh tẩy” đã thay đổi lối sống, tránh xa ma quỷ và làm việc vì những điều thiện hảo và công bằng như giúp đỡ người bị áp bức và bảo vệ kẻ yếu hèn.

UCANWES-VN

Tu sĩ dòng Biển Đức bị công an triệu tập với lý do phá rừng

Tu sĩ dòng Biển Đức bị công an triệu tập với lý do phá rừng

Tượng Đức Mẹ trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên AnTượng Đức Mẹ trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên An

Ba đan sĩ dòng Biển Đức ở miền Trung Việt Nam từ chối làm việc với công an vì giấy triệu tập buộc tội họ phá rừng.

Các đan sĩ Trương Thắng, Phạm Ngọc Hoàng và Phan Văn Giao bị công an thị xã Hương Thủy triệu tập hôm 22-2 với lý do chặt cây thông trong khuôn viên đan viện Biển Đức ở Thiên An hôm 2-1. Đan viện cách trung tâm Huế khoảng 10 km.

“Ba đan sĩ không chịu lên làm việc với công an vì họ chỉ làm việc trong vườn theo lệnh của bề trên phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến đan viện”, đan sĩ dòng Biển Đức Stanislas Trần Minh Vọng, 80 tuổi, nói với chúng tôi.

Thầy Vọng sống tại đan viện 63 năm nay, cho biết ba đan sĩ chặt 15 cây thông trong vườn cam vì sợ hoa thông làm hư cam. Đất này thuộc sở hữu của đan viện.

Trong khi chặt cây, “có khoảng 200 nhân viên, công an, dân phòng, cán bộ lâm trường và những người khác đột nhiên kéo đến đan viện, quay phim, đe dọa và chửi bới”, thầy cho biết.

Truyền thông nhà nước đưa tin các đan sĩ dòng Biển Đức khai hoang 700 mét vuông rừng thông do công ty lâm nghiệp nhà nước quản lý, và dùng dao đe dọa các nhân viên đến hiện trường.

Thầy Vọng bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói “đan sĩ dòng Biển Đức chưa bao giờ làm cướp”.

Thầy kể đan sĩ dòng Biển Đức đến nơi này năm 1940 và canh tác trồng trọt trên 107 hécta đất, và nhà dòng vẫn còn giữ giấy công nhận quyền sỡ hữu đất. Sau năm 1975, chính quyền cộng sản “mượn” 57 hécta đất của đan viện và giao cho công ty lâm nghiệp.

Năm 2000, chính quyền tịch thu số đất còn lại và giao cho một công ty du lịch, nhưng cho phép nhà dòng giữ lại 6 hécta, trong đó có đan viện và vùng đất trồng cam và rừng thông.

Người dân địa phương cho  biết trước đây chính quyền địa phương đã tịch thu đất của dòng Biển Đức, và cấp đất cho các quan chức bán lại cho người khác xây nhà và xây chùa.

Cha Antôn Nguyễn Văn Đức, bề trên đan viện, nói trong đơn kiến nghị rằng dòng Biển Đức có quyền hợp pháp sở hữu và sử dụng 107 hécta đất và chính quyền địa phương không có quyền định đoạt số đất này.

Ngài nói đây là vụ cố ý vu khống nhà dòng.

UCANEWS-VN

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành thống hối

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành thống hối

Đức Thánh Cha chủ sự buổi cử hành thống hối

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều thứ sáu, 4-3-2016, ĐTC đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Buổi cử hành diễn ra trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, với sự tham dự của 5 HY, và đông đảo các LM, tu sĩ và 6 ngàn giáo dân. Sau bài đọc trích từ sách ngôn sứ Isaia, và bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành ông Bartimeo, người mù bẩm sinh, là bài huấn dụ của ĐTC. Ngài nhắn nhủ các mục tử ”hãy lắng nghe tiếng kêu, có lẽ âm thầm, của những người muốn gặp Chúa. Chúng ta phải xét lại những thái độ nhiều khi không giúp người khác tiến đến gần Chúa Giêsu; những thời khóa biểu và chương trình không đáp ứng những nhu cầu thực sự của những người có thể đến tòa giải tội; xét lại những luật lệ con người, xem chúng có giá trị hơn ước muốn tha thứ hay không; sự cứng nhắc của chúng ta có thể làm cho người xa cách sự dịu dàng của Thiên Chúa. Dĩ nghiên chúng ta không được giảm bớt những đòi hỏi của Tin Mừng, nhưng chúng ta không thể nhận nguy cơ làm cho ước muốn của tội nhân hòa giải với Chúa Cha trở nên hư vô, vì sự trở về nhà cha của người con là điều mà Chúa Cha chờ đợi hơn mọi sự (Xc Lc 15,20-32).”

Tiếp đến là phần xét mình riêng, rồi chính ĐTC cũng đi xưng tội với một linh mục, trước khi ngài giải tội trong hơn một tiếng rưỡi cho các hối nhân, trong đó có một số bạn trẻ thuộc giáo phận Roma.

Trong lúc ấy 60 vị LM, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với ĐHY Piacenza và các LM thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của ĐTC.

24 giờ cho Chúa

Các nghi thức trên đây là phần đầu của sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, với chủ đề là ”Cùng với ĐTC Phanxicô 24 giờ trên toàn thế giới để sống Lòng Thương Xót của Chúa.”

Đây là lần thứ 3 sáng kiến này được cử hành, theo sự đề xướng của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, với mục đích đặt ở trung tâm tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận hồng ân bí tích hòa giải, một cơ hội được mở rộng cho tất cả mọi người. Năm nay, sáng kiến này có khẩu hiệu là “Hãy thương xót như Chúa Cha”.

Sáng kiến ”24 giờ cho Chúa” cũng được cử hành tại nhiều giáo phận trên thế giới. Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, nói rằng: ”Lòng thương xót không thu hẹp trong bí tích hòa giải, nhưng có một chân trời bao quát hơn nhiều, đòi mỗi người chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót cho tha nhân”.

Từ lúc 9 giờ tối ngày 4-3-2016, các tín hữu cũng có thể lãnh nhận bí tích hòa giải và chầu Mình Thánh Chúa tại 3 thánh đường ở Roma. Thứ bẩy 5-3-2016, thánh đường Đức Bà Thánh Tâm được mở cửa liên tục với sự hiện diện của các LM để giải tội cho các tín hữu đến 4 giờ chiều. Sau cùng Đức TGM Fisichella sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn bế mạc, tại Nhà Thờ Chúa Thánh Linh ở khu vực Sassia, cạnh trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Tên ở Roma, và cũng là Đền thánh Lòng Thương Xót Chúa. (SD 4-3-3016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

Đức Thánh Cha đau buồn và lên án vụ sát hại 4 nữ tu

ROMA. 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác đã bị quân khủng bố sát hại tại một nhà dưỡng lão và săn sóc người tàn tật tại thành phố Aden, Yemen. ĐTC bày tỏ đau buồn và lên án bạo lực ”ma quái” này.

Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 4-3-2016 cho biết: nữ tu bề trên cộng đoàn đã sống sót nhờ ẩn nấp. Cha Tom Uzhunnalil, dòng Don Bosco Ấn độ, thì bị mất tích sau cuộc tấn công của nhóm khủng bố. Cha sống trong nhà dưỡng lão do các nữ tu phụ trách từ sau khi nhà xứ Thánh Gia của cha ở Aden bị cướp phá và thiêu hủy hồi tháng 9 năm ngoái.

Yemen ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị từ năm 2011 và thường được coi là bị nội chiến giữa các cộng đoàn Hồi giáo Shiite và Sunnit tranh giành quyền bính. Giữa những căng thẳng ấy, các nhóm khủng bố cũng lộng hành tại nước này, trong đó có những nhóm liên kết với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng khủng bố al-Qaida.

Mặc dù hầu hết các tín hữu Kitô đã di tản khỏi Yemen, nhưng một số LM dòng Don Bosco và 20 nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta vẫn quyết định ở lại và tiếp tục sứ vụ tại đây.

Đức Cha Paul Hinder, dòng Capuchino Thụy Sĩ, Đại diện Tông Tòa địa phận tông tòa Nam Arabia, trong đó có Yemen, cho biết lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 4-3 vừa qua, có những người mặc quân phục đột nhập khu nhà của các nữ tu nơi các nữ tu phục vụ ở Aden, giết chết những canh gác và mọi nhân viên tìm cách ngăn cản họ, rồi chúng đến gặp các nữ tu và nổ súng sát hại”.

Trong số 4 nữ tu bị giết có hai chị người Ruanda, một chị Ấn độ và một chị người Kenya. Cha Uzhunnalil dường như bị bắt cóc. Đức Cha Hinder nói: ”Dấu hiệu thật là rõ ràng. Vụ này có liên hệ tới tôn giáo” (CNS 4-3-2016)

Phản ứng của Đức Thánh Cha

Trong sứ điệp công bố hôm 5-3-2016, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết ĐTC kinh hoàng và rất đau buồn khi hay tin vụ giết hại 4 nữ tu thừa sai bác ái và 12 người khác trong nhà dưỡng lão. Ngài cầu nguyện cho những người bị sát hại và bày tỏ sự gần gũi tinh thần với thân nhân họ cũng như với tất cả những người bị thương tổn vì hành vi vô nghĩa lý và bạo lực ma quái này. ĐTC cầu nguyện để vụ sát hại vô ích này thức tỉnh lương tâm con người, đưa tới sự thay đổi tâm hồn và soi sáng cho mọi phe hãy từ bỏ khí giới và đi vào con đường đối thoại. Nhân danh Thiên Chúa, ĐTC kêu gọi mọi phe trong cuộc xung đột hãy từ bỏ bạo lực và tái quyết tâm phục vụ nhân dân Yemen, nhất là những người cùng khổ nhất, mà các nữ tu và những người trợ tá của các chị tìm cách phục vụ.

ĐTC cầu xin Thiên Chúa chúc lành và đặc biệt ngài bày tỏ sự cảm thông trong kinh nguyện và tình liên đớ ivới các nữ tu thừa sai bác ái. (SD 5-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp 500 LM và Chủng Sinh dự khóa về giải tội

Đức Thánh Cha tiếp 500 LM và Chủng Sinh dự khóa về giải tội

Đức Thánh Cha tiếp 500 LM và Chủng Sinh dự khóa về giải tội

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các cha giải tội đừng cản trở hồng ân thương xót của Thiên Chúa và hãy trở thành mang chuyển niềm vui tha thứ của Chúa cho các hối nhân.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 4-3-2016 dành cho 500 LM trẻ và chủng sinh sắp thụ phong LM tham dự khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải tối cao tổ chức từ ngày 29-2 đến 4-3-2016. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Chánh Tòa và các chức sắc của Tòa Ân Giải tối cao những như các cha giải tội tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Khi chúng ta đến tòa giải tội để tiếp đón các anh chị em, trong tư cách là cha giải tội, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng chúng ta là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ; vì thế chúng ta phải chú ý đừng đặt chướng ngại cho hồng ân cứu độ của Chúa. Chính cha giải tội cũng là một người có tội, một người luôn cần ơn tha thứ: Cha giải tội là người đầu tiên không thể không cần lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chọn và thiết định cha giải tội (Xc Ga 15,16) cho công tác cao cả này. Vì thế, cha giải tội phải luôn có thái độ khiêm tốn và quảng đại, với ước muốn duy nhất là làm sao để mỗi tín hữu có thể cảm nghiệm tình thương của Chúa Cha”.

ĐTC cũng nhắc lại lời Chúa Giêsu: ”Trên trời vui mừng vì một tội nhân hoán cải hơn là 99 người công chính không cần hoán cải” (Lc 15,7) và ngài nói: ”vì thế, điều quan trọng là cha giải tội cũng phải là “máng chuyển niềm vui mừng” và tín hữu, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ, không cảm thấy bị tội lỗi đè nén nữa, nhưng có thể nếm hưởng công trình của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát họ, tín hữu ấy sống trong tâm tình tạ ơn, sẵn sàng đền bù sự ác đã phạm, và đi gặp gỡ anh chị em với tâm hồn tốt lành và sẵn sàng”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở các cha giải tội rằng: ”Thời đại ngày nay chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa cá nhân, bị bao nhiêu vết thương và bị cám dỗ co cụm vào mình, vì thế thực là một hồng ân khi thấy và tháp tùng những người đến gần lòng thương xót của Chúa. Đối với tất cả chúng ta, điều này cũng đòi chúng ta phải có một cuộc sống phù hợp hơn với Tin Mừng và có lòng từ nhân như người cha; chúng ta là những người gìn giữ, chứ không bao giờ là chủ nhân của đoàn chiên cũng như của ân thánh. Chúng ta hãy đặt ở trung tâm bí tích hòa giải không những trong Năm Thánh này mà thôi; bí tích này thực sự là một không gian của Chúa Thánh Linh trong đó, tất cả mọi người, các cha giải tội cũng như hối nhân, có thể cảm nghiệm tình yêu thương duy nhất, chung kết và trung tín, là tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người trong các con cái của Ngài, một tình yêu không bao giờ để cho chúng ta thấy vọng” (SD 4-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Cha Lombardi phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

Phát ngôn viên Tòa Thánh phê bình một số phản ứng về phim Spotlight

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, phê bình phản ứng của một số người về cuốn phim Spotlight (Đèn Chiếu), ”có trí nhớ cụt lủn” và họ đòi Giáo Hội Công Giáo “phải bắt đầu phải có biện pháp chống nạn lạm dụng trẻ em, nhất là từ phía giáo sĩ”.

 Trong thông cáo dài công bố ngày 4-3-2016, Cha Lombardi nói: ”Những điều trần của ĐHY Pell trước Ủy ban hoàng gia điều tra được nối trực tiếp giữa Australia và Roma, và việc trao tặng đồng thời giải Oscar cho cuốn phim hay nhất ”Spotlight” về vai trò của báo Boston Globe trong việc tố cáo việc che đậy những tội ác của nhiều linh mục ấu dâm ở Boston (nhất là trong những năm từ 1960-1980), đã lôi kéo theo một làn sóng mới những quan tâm của các cơ quan truyền thông và dư luận quần chúng về vấn đề thê thảm lạm dụng tính dục trẻ vị thành niêm, đặc biệt từ phía thành viên hàng giáo sĩ.

 Sự trình bày ”giật gân” về hai biến cố đó đã làm cho phần lớn dân chúng – nhất là những người không am tường hoặc có trí nhớ cụt lủn – nghĩ rằng trong Giáo Hội người ta không làm gì cả hoặc làm rất ít để đáp lại những thảm trạng kinh khủng ấy và cần phải bắt đầu lại từ đầu. Một sự cứu xét khách quan chứng tỏ không phải như vậy. Vị TGM trước đây của giáo phận Boston đã từ nhiệm năm 2002 sau những vụ mà phim Spotlight đã nói tới (và sau cuộc họp nổi tiếng của các Hồng Y Hoa kỳ được ĐGH Gioan Phaolô 2 triệu tập tại Roma hồi tháng 4-2002) và từ năm 2003 (tức là từ 13 năm nay), Tổng giáo phận Boston do ĐHY Sean O'Malley cai quản, ngài được mọi người biết đến vì sự nghiêm ngặt và khôn ngoan trong việc đương đầu với những vấn đề lạm dụng tính dục, đến độ đã được ĐTC bổ nhiệm vào số các cố vấn của ngài và làm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh do ĐGH thành lập để bảo vệ các trẻ vị thành niên.

 Cả những biến cố bi thảm lạm dụng tính dục ở Australlia cũng là đối tượng các vụ điều tra và thủ tục pháp lý và giáo luật từ nhiều năm nay. Khi ĐGH Biển Đức 16 ở Sydney nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ năm 2008 (tức là đã 8 năm rồi), ngài gặp một nhóm nhỏ các nạn nhân ngay tại tòa TGM giáo phận do ĐHY Pell cai quản, xét vì vụ này bấy giờ có tính chất thời sự rộng rãi và Đức TGM thấy rằng một cuộc gặp gỡ như vậy rất thích hợp. Để cho thấy những vấn đề này được quan tâm theo dõi, chỉ cần nhắc đến sự kiện nguyên phần dành cho vấn đề ”Lạm dụng trẻ vị thành niên. Câu trả lời của Giáo Hội” trên mạng internet của Vatican, đã được khởi sự cách đây 10 năm, và chứa đựng 60 văn kiện hoặc những biện pháp can thiệp của Giáo Hội.

 Sự dấn thân can đảm của các vị Giáo Hoàng để đương đầu với các cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó tại nhiều nước và những hoàn cảnh khác – như Hoa Kỳ, Ai Len, Đức, Bỉ, Hòa Lan, dòng Đạo binh Chúa Kitô – không phải là nhỏ và cũng không phải là dửng dưng. Các thủ tục xét xử và các khoản giáo luật phổ quát đã được canh tân; những đường hướng chỉ đạo được yêu cầu và được soạn thảo từ phía các HĐGM, không những để xử lý những vụ lạm dụng đã xảy ra, nhưng con để phòng ngừa chúng một cách thích hợp; các cuộc thanh tra tông tòa để can thiệp trong những tình cảng trầm trọng nhất; sự cải tổ sâu rộng dòng Đạo binh Chúa Kitô, đó là những hành động nhắm đáp lại một cách sâu rộng và với sự sáng suốt đối với một tai ương được biểu lộ một cách trầm trọng lạ thường và tai hại, nhất là trong một số miền và trong một số thời kỳ. Lá thư của ĐGH Biển Đức 16 gửi các tín hữu Ailen hồi tháng 3 năm 2010 có lẽ vẫn còn là văn kiện tham chiếu hùng hồn nhất, vượt ra ngoài nước Ailen, để hiểu thái độ và câu trả lời pháp lý, mục vụ và tinh thần của các vị Giáo Hoàng cho những thảm trạng ấy của Giáo Hội thời nay: nhìn nhận những sai lầm đã phạm và thực thi công lý cho các nạn nhân, hoán cải và thanh tẩy, dấn thân phòng ngưà và canh tân việc huấn luyện về mặt nhân bản và tinh thần.

 Những cuộc gặp gỡ của ĐGH Biển Đức và Phanxicô với những nhóm nạn nhân đã tháp tùng con đường dài với gương về sự lắng nghe, xin lỗi, an ủi và với sự đích thân can dự của các vị Giáo Hoàng.

 Tại nhiều quốc gia, các kết quả sự dấn thân đổi mới thật là khả quan, những vụ lạm dụng trở nên rất họa hiếm và vì thế, phần lớn những vụ mà ngày nay người ta còn xử lý và tiếp tục được đưa ra ánh sáng thuộc về một quá khứ tương đối xa vài chục năm. Tại các nước khác, thường vì lý do tình cảnh văn hóa rất khác và vẫn còn có tính chất im lặng, còn nhiều điều phải làm và không thiếu những kháng cự và khó khăn, nhưng con đường phải theo đã trở nên rõ ràng hơn.

 Việc thành lập Ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên được ĐGH Phanxicô loan báo hồi tháng 12-2013, gồm các thành viên đến từ mọi lục địa, cho thấy sự trưởng thành trong hành trình của Giáo Hội Công Giáo. Sau khi ấn định và phát triển trong nội bộ một câu trả lời quyết liệt đối với những vấn đề lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên (từ phía các linh mục hoặc các nhân viên khác của Giáo Hội), người ta nhất loạt đặt vấn đề không những làm sao đáp ứng một cách thích hợp vấn đề mọi mỗi nơi trong Giáo Hội, nhưng còn phải làm sao giúp xã hội rộng lớn hơn trong đó Giáo Hội đang sống, đối phó với các vấn đề lạm dụng và vi phạm các trẻ vị thành niên, xét vì – như tất cả đều phải biết, tuy rằng nhiều khi người ta dè dặt không muốn nhìn nhận – ở mọi nơi trên thế giới phần lớn những vụ lạm dụng không xảy ra trong các lãnh vực Giáo Hội, nhưng ở bên ngoài các lãnh vực này (ở Á châu người ta có thể nói về hàng chục hàng chục triệu trẻ vị thành niên bị lạm dụng, chắc chắn là không phải trong lãnh vực Công Giáo…).

 Tóm lại, Giáo hội bị thương tổn và tủi nhục vì tai ương lạm dụng, muốn phản ứng không những để thanh tẩy chính mình, nhưng cũng để dành kinh nghiệm cam go của mình trong lãnh vực này, để làm cho việc phục vụ giáo dục và mục vụ dành cho toàn thể xã hội được phong phú hơn, xã hội nói chung còn một con đường dài phải đi để ý thức sự trầm trọng của các vấn đề và để đương đầu với chúng”.

 Trong viễn tượng ấy, những biến cố ở Roma trong những ngày qua, rốt cuộc có thể được đọc trong một viễn tượng tích cực. Người ta phải ghi nhận ĐHY Pell đã trình bày chứng từ bản thân một cách xứng đáng và phù hợp (khoảng 20 tiếng đồng hồ đối thoại với Ủy ban hoàng gia!) từ đó một lần nữa có một khung cảnh khách quan và sáng suốt hơn về những sai lầm đã xảy ra trong nhiều lãnh vực của Giáo Hội (trong trường hợp này là Australia) trong những thập niên quá khứ. Và đây là một sự thủ đắc không phải là vô ích trong viễn tượng ”cùng thanh tẩy ký ức”.

 Người ta cũng phải nhìn nhận nhiều thành viên của nhóm các nạn nhân đến từ Australia để chứng tỏ sự sẵn sàng thiết lập một cuộc đối thoại xây dựng với chính ĐHY và với đại diện của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên – cha Hans Zollner SJ, thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, – với cha, các nạn nhân ấy đã đào sâu những viễn tượng dấn thân hữu hiệu để phòng ngừa những lạm dụng.

 Vì thế, nếu những lời kêu gọi tiếp theo sau phim Spotlight và sự động viên của các nạn nhân và của các tổ chức nhân dịp các cuộc điều trần của ĐHY Pell sẽ góp phần hỗ trợ và tăng cường hành trình dài chống lại những lạm dụng trên trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trên thế giới ngày nay (nơi mà chiều kích các thảm trạng này thật là vô biên), thì cũng cần được chào đón.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

Đức Thánh Cha tiếp Hàn Lâm Viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-3-2016, dành cho 120 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 22 của Hàn Lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các nhân đức trong đời sống con người.

Khóa họp này kéo dài 3 ngày và có chủ đề: ”Các nhân đức trong luân lý đạo đức của đời sống”.

ĐTC khẳng định rằng ”điều thiện mà con người thực hiện không phải chỉ là kết quả của những tính toán hoặc chiến lược, và cũng chẳng phải là sản phẩm của những hệ di truyền hoặc những điều kiện xã hội, nhưng là hoa trái của một con tim luôn sẵn sàng, của sự chọn lựa tự do hướng đến điều thiện chân thực. Khoa học và kỹ thuật không đủ, vì để làm điều thiện, còn cần phải có sự khôn ngoan của tâm hồn nữa”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC xác quyết rằng: ”nhân đức không phải chỉ là một tập quán nhưng là một thái độ liên tục được đổi mới trong việc chọn lựa điều thiện. Nhân đức không phải là một cảm xúc, cũng không phải là một sự khéo léo ta đạt được nhờ một khóa học canh tân, để dần dần trở thành một cơ chế sinh hóa (meccanismo biochimico), nhưng là một biểu hiện cao cả nhất của tự do con người. Nhân đức là điều tốt đẹp nhất mà trái tim con người có thể trao tặng. Khi con tim xa lìa sự thiện và chân lý chứa đựng trong Lời Chúa, thì sẽ gặp bao nhiêu nguy hiểm, thiếu định hướng và có nguy cơ gọi điều ác là điều thiện, và gọi thiện là ác; lúc ấy các nhân đức sẽ mất đi, và tội lỗi dễ dàng thay thế, rồi đến tật xấu. Ai đi xuống dốc nguy hiểm ấy, thì sẽ rơi vào sai lầm luân lý và ngày càng bị lo âu của cuộc sống đè nén”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC tố giác hiện tượng: ”Ngày nay không thiếu những kiến thức khoa học và những dụng cụ kỹ thuật có thể nâng đỡ đời sống con người trong những hoàn cảnh cuộc sống ấy bị suy yếu, nhưng nhiều khi cũng thiếu tình người, thiếu nhân tính. Hành động tốt không phải chỉ là sự áp dụng đúng đắn kiến thức luân lý đạo đức, nhưng nó còn đòi phải có một sự quan tâm thực sự đối với người mong manh yếu đuối. Các bác sĩ và mọi nhân viên y tế không bao giờ được lơ là trong việc liên kết khoa học, kỹ thuật và tình người với nhau”.

Sau cùng, ĐTC phê bình sự kiện này: con người thường là nạn nhân của tình trạng thiếu chắc chắn về luân lý, khiến họ không bảo vệ sự sống một cách hiệu quả. Và nhiều khi dưới danh nghĩa nhân đức, người ta che đậy những tật xấu tỏ tường. Vì thế, không những cần để cho các nhân đức thực sự hình thành tư tưởng và hành động của con người, nhưng còn cần phải vun trồng các nhân đức qua sự liên tục phân định và các nhân đức ấy phải ăn rễ trong Thiên Chúa là nguồn mạch mọi nhân đức” (SD 3-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Thương Xót và sửa lỗi

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Thương Xót và sửa lỗi

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung- Thương Xót và sửa lỗi

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến hơn 20 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 2-3-2016, ĐTC xác quyết Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù Chúa nghiêm khắc sửa lỗi con người.

Đầu buổi tiếp kiến, ĐTC và mọi người đã nghe đọc đoạn Kinh Thánh bằng nhiều thứ tiếng, trích từ đoạn 1 của sách ngôn sứ Isaia (1,16b-17.18b).

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Thánh và triển khai đề tài Lòng thương xót và sự sửa lỗi. Ngài nói:

”Khi bàn về lòng thương xót của Chúa, chúng ta đã nhiều lần gợi lại hình ảnh người cha gia đình, yêu thương, giúp đỡ, chăm sóc, tha thứ cho con cái. Trong tư cách là người cha, ông giáo dục và sửa dạy con, khi chúng sai lỗi, giúp chúng tăng trưởng trong điều thiện.

”Thiên Chúa cũng được mô tả như thế trong chương I sách ngôn sứ Isaia, qua đó Chúa, như người cha yêu thương, nhưng quan tâm và nghiêm khắc, nói với Israel và khiển trách sự bất trung và hư hỏng của dân, đưa dân trở lại con đường công chính. Đoạn văn thế này:

”Hỡi trời hãy nghe đây, hỡi đất, hãy nghe, vì Chúa phán: Ta đã nuôi nấng và làm cho con cái lớn lên, nhưng chúng nổi loạn chống lại Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết chuồng của chủ, nhưng Israel không biết, dân Ta không hiểu” (Is, 1,2-3).

”Qua ngôn sứ, Thiên Chúa nói với dân với niềm cay đắng của một người cha thất vọng: Chúa đã nuôi dưỡng dân, nhưng giờ đây họ nổi loạn chống lại Ngài. Thậm chí súc vật còn trung thành với chủ và nhận ra bàn tay nuôi chúng; trái lại, dân không nhận biết Thiên Chúa nữa, họ từ chối không hiểu. Tuy bị thương tổn, nhưng Thiên Chúa vẫn để cho tình yêu nói và kêu gọi lương tâm của những người con sa đọa ấy, để chúng tỉnh ngộ và để cho mình được tái yêu thương. Đó là điều Thiên Chúa đang làm. Ngài đến gặp chúng ta hầu chúng ta để cho mình được Ngài yêu thương trong con tim của Chúa chúng ta.

”Tương quan cha – con mà các ngôn sứ thường tham chiếu để nói về tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, nay đã bị biến chất. Sứ mạng giáo dục của các bậc cha mẹ nhắm làm cho con cái được tăng trưởng trong tự do, làm cho chúng có tinh thần trách nhiệm, có khả năng thi hành những điều thiện cho bản thân và cho người khác. Trái lại, vì tội lỗi, tự do trở thành cái cớ đòi tự trị và niềm kiêu hãnh đưa tới sự đối nghịch và ảo tưởng tự túc.

Chính khi ấy Thiên Chúa nhắc nhở dân Ngài. ”Các ngươi đã lạc đường…!” Ngài âu yến và cay đắng dùng từ ”dân Ta”. Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ chúng ta, chúng ta là dân của Chúa, dù là người xấu xa nhất nơi con người, nơi các dân tộc, họ vẫn là con Chúa. Chúa không bao giờ chối bỏ chúng ta. Chúa luôn nói: ”Hỡi con, hãy đến đây”. Đó là tình thương của Thiên Chúa chúng ta, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Có một người Cha như thế mang lại cho chúng ta hy vọng và tín thác. Sự thuộc về Chúa như thế lẽ ra phải được sống trong niềm tín thác và vâng phục với ý thức rằng tất cả là hồng ân đến từ tình yêu của Chúa Cha. Trái lại, người ta sống háo danh, ngu xuẩn và tôn thờ thần tượng.

”Vì thế, giờ đây, ngôn sứ ngỏ lời trực tiếp với dân này với những lời nghiêm khắc để giúp họ hiểu tội nặng của họ:

”Khốn thay, dân tội lỗi, […] những người con hư hỏng! Chúng đã bỏ Chúa, đã coi rẻ Đấng Thánh của Israel, quay lưng lại với Ngài” (v.4).

ĐTC nói thêm rằng:

”Hậu quả của tội là tình trạng đau khổ, và cả nước cũng chịu hậu quả của tình trạng ấy, đất nước bị tàn phá và biến thành một sa mạc, đến độ Sion không còn là nơi cư ngụ được nữa. Nơi nào người ta phủ nhận Thiên Chúa, chối bỏ tình phụ tử của Ngài, thì đời sống không còn có thể nữa, cuộc sống mất căn cội, tất cả trở nên đồi bại và bị hủy diệt. Nhưng cả trong lúc đau thương ấy, ơn cứu độ vẫn không biến mất. Thử thách được đề ra là để dân có thể cảm nghiệm sự cay đắng của người từ bỏ Thiên Chúa, và vì thế họ phải đối diện với sự trống rỗng đau thương của sự chọn lựa cái chết. Đau khổ, hậu quả không thể tránh được do một quyết định tự hủy diệt, phải làm cho tội nhân suy nghĩ đẻ mở lòng họ đón nhận ơn hoán cải và tha thứ.

”Đó là con đường thương xót của Thiên Chúa: Chúa không đối xử với chúng ta theo tội của ta (Xc Tv 103,10). Hình phạt trở thành dụng cụ để thúc đẩy suy tư. Qua đó ta hiểu rằng Thiên Chúa tha thứ cho dân ngài, ân xá và không tàn phá tất cả, nhưng để cửa mở cho hy vọng. Ơn cứu độ bao hàm quyết định lắng nghe và để cho mình được hoán cải, nhưng vẫn luôn là một hồng ân nhưng không. Vì thế trong lượng từ bi của Ngài, Chúa chỉ dẫn một con đường không phải là con đường cử hành các hy tế, nhưng đúng hơn là con đường công chính. Việc phụng tự bị phê bình không phải vì tự nó là vô ích, nhưng thay vì biểu lộ sự hoán cải, người ta chủ trương dùng tế tự thay cho hoán cải; và thế là nó trở thành một sự tìm kiếm sự công chính của mình, tạo nên một xác tín lừa đảo, nghĩ rằng chính những việc tế tự cứu độ, chứ không phải lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Để hiểu rõ điều này, cần để ý: khi một người bệnh thì đến gặp bác sĩ; khi một người cảm thấy mình là người tội lỗi, thì đến gặp Chúa. Nhưng thay vì đi gặp bác sĩ thì họ lại đi gặp phù thủy thì không khỏi bệnh…

Ngôn sứ Isaia nói: Thiên Chúa không ưa máu chiên bò (v.11), nhất là việc tế tự ấy được thực hiện với những bàn tay đẫm máu người anh em mình (v.15). Tôi nghĩ đến vài ân nhân của Giáo Hội, họ mang tiền dâng cúng đến tặng Giáo Hội, nhưng đó là kết quả của máu bao nhiêu người bị bóc lột, ngược đãi, bị xử như nô lệ với đồng lương chết đói! Với những người ấy tôi nói: 'Xin vui lòng cầm lại tấm ngân phiếu của ông, và hãy đốt đi! Dân Chúa, tức là Giáo Hội, không cần những tiền bạc bẩn thỉu, nhưng cần những trái tim mở rộng đón nhận lòng thương xót của Chúa”.

Cần đến gần Thiên Chúa với bàn tay được thanh tẩy, tránh sự ác và thực hành điều thiện và sự công chính. Ngôn sứ nhắn nhủ:

”Các ngươi hãy ngưng làm điều gian ác, hãy học cách làm điều thiện, hãy tìm kiếm công chính, cứu giúp người bị áp bức, thực thi công lý cho người mồ côi, hãy bênh vực chính nghĩa của góa phụ” (vv.16-17).

”Anh chị em hãy nghĩ đến bao nhiêu người tị nạn đổ bộ lên Âu Châu và không biết đi đâu.

Chúa phán, khi ấy các tội lỗi, dù chúng đỏ chót, cũng sẽ trở nên trắng tinh như tuyết, trắng như len, và dân Chúa có thể nuôi dưỡng mình bằng hoa màu của đất và sống trong an bình” (v.19)

Và ĐTC kết luận rằng: ”Đó chính là phép lạ ơn tha thứ mà Thiên Chúa, trong tư cách là Cha, muốn ban cho dân Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa được trao ban cho tất cả mọi người, và những lời này của ngôn sứ cũng có giá trị đối với chúng ta ngày nay, những người được kêu gọi sống như con cái Thiên Chúa”

Chào thăm

Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.

Với các nhóm nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhóm thuộc các giáo phận Saint-Denis, Grenobé, Mamfé, cũng với các GM liên hệ, cũng như các chủng sinh đang học ở Toulouse, miền nam Pháp, trong số này cũng có một số chủng sinh người Việt. Ngài cũng nhắc nhở rằng: Lòng thương xót của Thiên Chúa được ban cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy tận dụng mùa chay này được ban cho chúng ta để khóc than tội lỗi chúng ta và để can đảm dấn thân trong một cuộc sống mới”.

Khi chào bằng tiếng Đức, ĐTC đặc biệt nhắc đến các giáo sư và sinh viên Học viện Giáo luật ở thành phố Muenster. Ngài không quên nhắn nhủ các tín hữu hãy dùng màu chay này để đón nhận ơn tha thứ của Chúa trong bí tích giải tội.

Sau cùng khi chào mọi người bằng tiếng Ý, đặc biệt với các bạn trẻ, ĐTC nhắc nhở rằng thứ sáu tới đây là Thứ Sáu đầu tháng, ngày kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hỡi những người trẻ quí mến, các con hãy sốt sắng cử hành ngày này, ngày tưởng niệm sự chết của Chúa Giêsu. Với các anh chị em bệnh nhân, ngài mời gọi họ ”hãy nhìn lên thánh giá Chúa Kitô như niềm nâng đỡ trong đau khổ của anh chị em. Và sau cùng hỡi các anh chị em tân hôn, hãy thực thi trong gia đình mình sự chay tịnh, từ bỏ những việc xấu và thực hành các nhân đức.”

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC còn bắt tay chào thăm hơn 15 GM hiện diện cùng với một số nhân vật và tín hữu khác.

G. Trần Đức Anh OP

 

Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm

Thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01.03, tại nguyện đường thánh Marta

 

VATICAN. Thời gian của Mùa Chay “giúp chúng ta dọn lòng” đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và đến lượt mình, chúng ta cũng biết tha thứ như Chúa, nghĩa là “quên đi” những lỗi lầm của tha nhân. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, ngày 01 tháng 03, tại nguyện đường thánh Martha.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự mỏng dòn, bất lực nơi bản tính hay sa ngã của con người thường không hướng tới để thực hiện: khả năng tha thứ.

Những suy tư của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ thường được khởi hứng từ những bài đọc Phụng vụ. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Đức Giêsu: ‘Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?’ Còn bài Thánh thư trích sách Đa-ni-en lại xoay quanh lời cầu nguyện của thanh niên A-da-ri-a, là người bị thiêu trong lò vì đã từ chối thờ kính một ngẫu tượng bằng vàng. Giữa ngọn lửa thiêu đốt, anh đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân tộc của mình ngõ hầu họ cũng biết khẩn cầu sự tha thứ của Thiên Chúa cho chính bản thân họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là cách thức đúng đắn để cầu nguyện, để tín thác vào sự tốt lành và lòng thương xót của thiên chúa. Đức Thánh Cha nói:

“Khi tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta làm khi tán gẫu với nhau: ‘Người này người kia đã làm điều này điều nọ…”. Chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta không có tấm lòng thương xót. Chàng thanh niên A-da-ri-a đã cầu nguyện rằng: ‘Xin hãy đối đãi với chúng con theo lượng từ ái Chúa.’ Và ‘theo lòng thương xót vĩ đại của Chúa, xin cứu vớt chúng con.’ Đây là một lời khẩn cầu lòng thuơng xót của Thiên Chúa, vì Ngài sẽ trao ban cho chúng ta sự tha thứ và ơn cứu độ đồng thời quên hết mọi tội lỗi của chúng ta.”

Trong bài Tin Mừng, để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót một nguời khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền  nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét về điểm này như sau:

“Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa – tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Báo Tòa Thánh: phim Spotlight không chống Công Giáo

Báo Tòa Thánh: phim Spotlight không chống Công Giáo

phim Spotlight không chống Công Giáo

VATICAN. Báo ”Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano) của Tòa Thánh nhận định rằng phim Spotlight (Đèn chiếu), mới được giải Oscar, không nhắm chống Công Giáo.

Phim ”Đèn chiếu” trình bày cuộc điều tra của báo Boston Globe về những xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong tổng giáo phận Boston Hoa kỳ, và sự che đậy của giáo quyền địa phương đối với những vụ này. Hôm 28-2-2016, Phim được hai giải thưởng Oscar về hình ảnh đẹp nhất và về trình diễn đặc sắc nhất.

Trong một bài đăng trên báo Tòa Thánh, số ra ngày 29-2-2016, bà Lucetta Scaraffia, giáo sư lịch sử hiện đại và cộng tác viên thường xuyên của báo Tòa Thánh nhắc đến sự kiện Ông Michael Sugar, người sản xuất phim ”Đèn chiếu” khi nhận giải thưởng, đã bày tỏ hy vọng cuốn phim này sẽ vang dội tới Vatican; cuốn phim này đã gióng lên tiếng nói thay cho các nạn nhân và giải Oscar càng gia tăng tiếng nói đó. Thưa ĐGH Phanxicô, nay đã đến lúc bảo vệ trẻ em và tái lập đức tin”.

Báo Quan sát viên Roma nhận định rằng thật là một dấu hiệu tích cực vì lời kêu gọi của ông Sugar, vì cho thấy vẫn còn có sự tín nhiệm nơi cơ chế của Giáo Hội, có một sự tín nhiệm nơi ĐGH là vị đang tiếp tục công việc thanh tẩy đã được vị tiền nhiệm của ngài khởi sự.

Báo Tòa Thánh nhận xét rằng cuộc phim không nhắc đến cuộc chiến lâu dài và kiên trì của ĐHY Joseph Ratzinger, bấy giờ là Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, trong nỗ lực bài trừ những kẻ lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo Hội. Nhưng cuốn phim không thể nói mọi sự và những khó khăn mà ĐHY Ratzinger gặp phải xác nhận tiền đề của cuốn pháp, nghĩa là quá nhiều khi các tổ chức của Giáo Hội không biết cách đối phó một cách quyết liệt chống lại tội ác lạm dụng.

ĐHY George Pell

Cũng trong chiều hướng này, ĐHY George Pell, nguyên TGM giáo phận Melbourne và Sydney bên Australia, và hiện là chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh, đã tuyên bố trong buổi điều trần tối ngày 28-2 vừa qua, qua Video, trước Ủy ban điều tra hoàng gia ở Australia về những hành động che đậy những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên ở nước này.

ĐHY Pell cho biết trong thập niên 1970, ngài có xu hướng tin lời của các LM bị cáo về tội lạm dụng, hơn là những lời của những người thưa kiện. Cũng thế, hồi năm 1972, ngài đã tin lời cải chính của LM John Day – bị cáo đã lạm dụng tính dục và qua đời năm 1978, và không hệ bị kết tội. ĐHY nói: Giáo Hội có xu hướng không tin những trẻ em tố cáo các LM lạm dụng các em. Tuy nhiên người ta cũng phải nhận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia thuộc vào những tổ chức đầu tiên đề ra và thi hành những biện pháp chiến đấu chống lại nạn lạm dụng tính dục trẻ em, cách đây hơn 20 năm.

ĐHY Pell xác quyết với Ủy ban hoàng gia điều tra rằng ngài không rõ về những hoạt động của các LM lạm dụng tính dục trong giáo phận Ballarat, nơi ngài làm linh mục trong thập niên 1970 và 1980. ĐHY mạnh mẽ phủ nhận lời cáo buộc là ngài đã mua chuộc sự im lặng của nạn nhân David Ridsdale đã bị chú ruột là LM Gerald Ridsdale lạm dụng. Ngày nay LM Gerald này còn đang bị tù. (Tổng hợp 29-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc Dòng Tên cuối cùng của Đài Phát Thanh Vatican

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc Dòng Tên cuối cùng của Đài Phát Thanh Vatican

Cha Lombardi phê bình sức ép của báo chí trên Đức Giáo Hoàng

Giám đốc Dòng Tên Đài Phát Thanh Vatican chào từ biệt: ngày 1 tháng 3, linh mục giám đốc Federico Lombardi sẽ rời Đài Phát Thanh của Giáo hoàng.

Cha sẽ không được thay thế. Từ hơn 80 năm nay, Đài Phát Thanh Vatican được giao cho các tu sĩ Dòng Tên điều hành, bây giờ Đài Phát Thanh Vatican sẽ sát nhập vào Trung tâm Truyền hình Vatican (CTV) và sẽ thay đổi tên. Một trang lịch sử đã được lật qua. Nhưng trước khi ra đi, linh mục Lombardi nói các cảm nhận của mình, đôi khi có chút luyến tiếc, đôi khi có chút cay đắng. Ngài nói với Đài Phát Thanh Vatican tiếng Ý về 25 năm cuối của Đài Phát Thanh Vatican và ngài không ngần ngại nói quan điểm của mình về việc cải cách đang tiến hành. Như một loại như chúc thư, và đây là những điểm chính.

Một Đài Phát Thanh hướng về các vùng ngoại vi

Linh mục Lombardi nhắc lại sự gắn bó của mình với làn sóng ngắn, các thính giả sống trong những điều kiện khó khăn, thế nhưng họ cũng gởi thư đến đài để cám ơn về tinh thần phục vụ của đài, nhất là ở Phi châu và Âu châu, nhận những lời khích lệ này ngài rất vui. Ngài cũng nhắc lại, năm đầu tiên khi Liên Xô sụp đổ, đài đã nhận 40 000 thư gởi đi từ Ukraina.

Dù ngài thích làn sóng ngắn, nhưng linh mục Lombardi cho rằng các kỹ thuật truyền thông mới bây giờ mở một khoảng không gian rất quan trọng, ngày nay rất trọng yếu và chiếm ưu thế, nhưng trong bản chất của Đài Phát Thanh Vatican, trong sứ vụ từ đầu, sau đó đặc biệt trong thời gian Giáo hội bị các chế độ độc tài bách hại nhất là dưới chế độ cộng sản, thì ưu tiên hàng đầu của Đài vẫn là phục vụ người nghèo, người bị bức bách, những người thiểu số đang gặp khó khăn hơn là chiều theo luật tối thượng của đa số thính giả, linh mục Lombardi nhắc lại. Tuy nhiên tầm mức thính thị phải được chú trọng một cách thích đáng, nhưng đó không phải là tất cả. Ngài hy vọng trong tương lai những điều này sẽ không bị quên, trong việc nhận định về các tiến hóa của truyền thông Vatican. Đó là một thách thức hào hứng: quan tâm đến người nghèo, chiến đấu chống lại văn hóa loại trừ trong thế giới hiện đại của hệ thống truyền thông mới.

Tài nguyên đa ngôn ngữ, đa văn hóa

Ngài nhắc lại di sản văn hóa và nhân bản mà Đài Phát Thanh Vatican phải mang lại cho các cơ quan truyền thông Vatican là “một tài nguyên ngoại hạng của truyền thông đa ngôn ngữ và đa văn hóa,” với gần “40 thứ tiếng và mười mấy ký tự khác nhau”. Đối với linh mục Lombardi, đây cũng là một “kinh nghiệm quý giá về mặt giáo hội” vì “sống với đài là một trường học phổ quát của công giáo. Tôi lưu ý là nguồn tài nguyên này sẽ được giữ gìn và tôi bằng lòng khi thấy điều này được công nhận trong những đường lối lớn cải cách.”

Các cố gắng hiện đại hóa

Cha nêu lên “con đường hoán đổi” mà nhân viên Đài Phát Thanh Vatican đi từ “kỹ thuật và cách tổ chức làm việc đời xưa đến kỹ thuật và cách tổ chức làm việc ngày nay”, cha khen các cố gắng của “300 nhân viên tận tâm, nhiệt thành muốn tiếp tục phục vụ Tòa Thánh với khả năng chuyên nghiệp và nhân bản của mình và với tinh thần làm việc cho giáo hội. Họ phải được tháp tùng và nâng cao giá trị nhiều nhất có thể”, ngài nhấn mạnh.

Còn về việc tái cấu trúc đang tiến hành, linh mục Lombardi công nhận sự tiến hóa này là cần thiết, ngài nhắc lại, từ những năm 1990 Đài Phát Thanh Vatican đã đi vào kỷ nguyên số và đa truyền thông. “Chúng tôi không chỉ sản xuất các chương trình thính thị, chúng tôi còn phát triển trang mạng lớn và các trang trang mạng xã hội”. Chúng tôi vẫn còn giữ cách gọi “Đài Phát Thanh Vatican”, nhưng “trên thực tế chúng tôi không còn ở trong nghĩa riêng của từ này”, chúng tôi đã trở nên một trung tâm quan trọng đưa tin tức, đào sâu khả năng đa ngôn ngữ và đa văn hóa, phát đi với kỹ thuật và hình thức phù hợp nhất để mở rộng địa bàn hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới: như Đức Piô XI đã làm với Marconi (khi thành lập Đài Phát Thanh Vatican năm 1931), khi ngài dùng kỹ thuật sáng tạo nhất thời đó cũng như chúng tôi đang làm bây giờ.”

Thay tên

Linh mục công nhận tên Đài Phát Thanh Vatican có thể tạo nên các chỉ trích về tiền tiêu quá nhiều cho cấu trúc, vì “cho rằng chúng tôi bị kẹt trong việc sản xuất các chương trình thính thị để phát trên đài truyền thống”, bây giờ không còn như thế nữa, chúng ta có thể thấy khi xem các trang mạng của đài. Sự thay đổi tên, một công việc được dự trù trong chương trình cải cách sẽ lấy đi sự lập lờ này. Cha cũng thấy bình thường là các thế hệ mới mọc lên và mang đến các tiến hóa này. Theo ngài, sự sát nhập với Trung tâm Truyền hình Vatican (CTV) là hợp lý, nhưng phải thành công trong việc phối hợp hai cơ quan có tầm vóc và lịch sử rất khác nhau.

 Những gì có thể tiết kiệm?

Về việc tiết kiệm ngân sách, linh mục Lombardi nhắc lại từ năm 2003 Đài Phát Thanh Vatican đã bỏ 70 chỗ. Ngoài các việc giảm bớt các chương trình làn sóng ngắn và cố gắng hợp lý hóa và điều hợp một vài sinh hoạt thì linh mục e ngại về việc tiết kiệm tối đa sẽ giảm bớt một số sinh hoạt quan trọng. Linh mục nhắc lại Đài Phát Thanh Vatican đóng một vai trò quan trọng và đôi khi không được biết đến trong những sinh hoạt khác ngoài việc truyền các buổi lễ, phiên dịch theo yêu cầu của phủ Quốc vụ khanh, tài liệu và thư khố hay giới thiệu Vatican trong thế giới truyền thông và các nhà thông tin quốc tế. Tất cả chi phí này là một phần không thể cắt xén được và vẫn do Vatican chi trả dù nó không còn ở trong bản chiết tính của Đài Phát Thanh Vatican.

Các sứ vụ cần tái định nghĩa lại cho Dòng Tên

Còn về vị trí của Dòng Tên, theo đó từ đầu Đức Giáo hoàng Piô XI đã giao Đài Phát Thanh Vatican cho Dòng đảm trách, linh mục cũng nhắc lại, nhân viên Dòng Tên ở đài được trả lương thấp hơn các nhân viên khác của đài (dưới hình thức không phải là lương theo đúng nghĩa, nhưng là tiền bồi thường trả cho cộng đoàn của họ), đó cũng là một số tiết kiệm lớn. Ngài cũng cho biết vai trò của các tu sĩ Dòng Tên trong công việc truyền thông của Vatican sẽ được xác định lại, theo đúng nghĩa, “Đài Phát Thanh Vatican không còn nữa.” Nhưng cho đến bây giờ, các tu sĩ Dòng Tên vẫn giữ trách nhiệm với Đài Phát Thanh Vatican và “tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp của mình như thường lệ, chịu trách nhiệm trong lãnh vực biên tập, thông tin, truyền thông dưới quyền của ban giám đốc chương trình”, các công việc này vẫn còn do tu sĩ Dòng Tên Ba Lan, linh mục Andrzej Majewski đảm nhận.

Các cơn khủng hoảng và các thất vọng

Trong cuộc phỏng vấn này, linh mục Lombardi cũng nói về hai giai đoạn đau lòng: trước hết là cuộc tranh cãi về sự độc hại các làn sóng của trung tâm phát sóng Santa Maria di Galeria xảy ra năm 2001 và đã là trọng tâm tranh cãi của báo chí Ý. “Thật khó khi bị cáo buộc đã làm chuyện xấu, thậm chí còn là giết trẻ em, nhưng chúng tôi đã vượt lên thử thách với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và trình độ khoa học cao”, ngài khẳng định.

Ngài cũng nói đến sự hối tiếc về “ảo mộng bị vỡ” của nhiều người Nigéria sau khi bỏ chương trình phát sóng bằng ngôn ngữ hausa, một ngôn ngữ miền Bắc-Đông Nigéria. “Tôi đã phải bỏ dự án này, tôi nhớ quan tâm lúc đó là ‘không nới rộng thêm nữa’…” “Đối với tôi, đó là một quyết định sai lầm, đi ngược với sự thông hiểu về tính cần thiết đích thực về mặt nhân bản và Giáo hội, theo đó chúng tôi có thể đáp ứng một cách khiêm tốn nhưng đáng kể”, linh mục Lombardi thố lộ.

Đài là “nhà” của linh mục

Năm nay linh mục Lombardi 73 tuổi, cha là giám tỉnh Dòng Tên Ý trong những năm 1980, nhưng trước đó, cha đã làm mười mấy năm cho tờ báo Văn minh Công giáo, một tờ báo nổi tiếng của Dòng Tên. Đài Phát Thanh đã làm cho cha khám phá một khía cạnh khác của ngành báo chí. Trong 25 năm làm việc ở Đài Phát Thanh Vatican, từ giám đốc các chương trình trong những năm  1991 đến 2005, rồi tổng giám đốc từ năm 2005 đến 2016, ngài giữ kỷ niệm lý thú của “tầm sinh hoạt thông tin trên đài, tầm quốc tế của địa bàn hoạt động, với 60 quốc tịch đại diện ngay trong cộng đồng làm việc, với các văn hóa, ngôn ngữ và ký tự khác nhau”.

Dù ngài có những trách nhiệm khác nhau như điều hành Văn phòng Báo chí từ năm 2006 nhưng đài vẫn là nhà của ngài. ngài cho biết không bao giờ ngài nghĩ mình sẽ xin rời ban điều hành Đài Phát Thanh Vatican. “Đó là sứ vụ mà các bề trên của tôi kêu gọi tôi phục vụ cho Vatican. Tôi luôn xem đây là sứ vụ đầu tiên và chính yếu, tôi luôn trung thành, luôn dấn thân phục vụ cho những người đã được giao phó đầu tiên cho tôi.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Trích từ Phanxico.vn

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

Đức Thánh Cha cám ơn các Hiến Binh Italia cạnh Vatican

VATICAN. Sáng ngày 29-2-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn Đại đội hiến binh Roma San Pietro của Italia và ngài khích lệ họ sống tinh thần Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đại Tướng Chỉ huy trưởng Hiến binh Italia và 150 quân nhân thuộc binh chủng này. ĐTC ca ngợi và cám ơn họ vì những hoạt động bảo vệ an ninh quanh khu vực Vatican, giúp các tín hữu hành hương và du khách tôn trọng luật pháp điều hành sự sống chung thanh thản và hòa hợp.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng ”Năm Thánh Lòng thương xót đang mở ra trước mọi người cơ hội được đổi mới, đi từ sự thanh tẩy nội tâm, và phản ánh qua cách cư xử và qua các hoạt động hằng ngày. Chiều kích tinh thần này thúc đẩy mỗi người chúng ta tự hỏi về sự dấn thân thực sự của mình để đáp ứng những đòi hỏi trung thành với Tin Mừng mà Chúa mời gọi chúng ta đi từ bậc sống của mình. Năm Thánh trở thành cơ hội thuận tiện để kiểm chứng đời sống cá nhân và cộng đoàn. Và mô thức để kiểm chứng chính là những công việc từ bi bác ái về thể xác cũng như về tinh thần”.

ĐTC mời gọi các hiến binh Italia hãy để cho giáo huấn của Chúa hướng dẫn mình trong trách vụ bảo vệ trật tự công cộng, thăng tiến tình liên đới trong mọi hoàn cảnh, nhất là đối với những người yếu thế và vô phương tự vệ; bênh vực quyền sống qua sự dấn thân bảo vệ an ninh và sự toàn vẹn của con người. Trong khi thi hành sứ vụ này, anh chị em hãy luôn ý thức rằng mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương, họ là thụ tạo của Chúa và đáng được tiếp đón và tôn trọng” (SD 29-2-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha viếng thăm linh cữu bà thư ký

Đức Thánh Cha viếng thăm linh cữu bà thư ký

Pope Francis during the visit to the body of Miriam Wuolou, a receptionist at Santa Marta residence

Vatican – Bà thư ký của Đức Thánh Cha là Miriam Woulou đã tìm thấy chết cách đây mấy hôm trong căn chung cư tại Rome sau khi người anh em của Bà đã gọi điện thoại nhưng không thấy trả lời. Trước khi mất bà có mang thai được 7 tháng đồng thời cũng đang mang chứng bệnh tiểu đường, có thể là sự nguy hiểm và cả bào thai trong bụng cũng thế.

Vatican đã cho tiến hành việc điều tra cái chết của bà thư ký. Cảnh sát đã phỏng vấn người anh em của bà, người chồng trước và người bạn trai đã quen gần đây nhất là một cảnh sát đang làm việc tại Vatican.

Những nhân viên điều tra cũng tiến hành việc khám nghiệm DNA bào thai của bà để xác nghiệm ai là cha của bào thai này.

Căn chung cư của bà cũng được rào kính, nhóm nhân viên pháp y truy lùng những bằng chứng và thâu thập vài món đồ cá nhân có thể giúp trong việc khám nghiệm.

Đám tang cho bà Woulou đã được cử hành vào ngày thứ bảy ngày 27 tháng 2-2016. ĐTC đã đến thăm viếng trước buổi lễ, ĐTC cũng đã đặt vòng hoa tưởng niệm kế bên quan tài của bà và rải nước thánh, sau đó Ngài đã cầu nguyện trong 20 phút.

Thái Trọng

Phỏng dịch từ NY Times

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Chay

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Chay

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật III Mùa Chay

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, 28.02, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

“Anh chị em thân mến,

Điều đáng buồn là mỗi ngày trên sách báo đều xuất hiện những tin xấu, chẳng hạn như những vụ thảm sát, những tai nạn thương tâm, những thiên tai dữ dội. Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cấp đến hai sự kiện bi thảm đã từng gây xôn xao thời bấy giờ. Chuyện thứ nhất là những người Ga-li-lê bị tống trấn Phi-la-tô giết khi đang dâng lễ vật trong đền thờ. Chuyện thứ hai là có mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết (x. Lc 13,1-5).

Đức Giêsu biết rõ tâm thức mê tín của những kẻ đang nghe Ngài giảng và họ sẽ giải thích những sự kiện ấy theo một nghĩa hoàn toàn sai lầm. Thật vậy, dân chúng nghĩ rằng những người chết cách thê thảm như thế là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang trừng phạt vì những tội lỗi nặng nề, ghê tởm mà họ đã gây ra. Dân chúng nói rằng: ‘Những kẻ ấy đáng bị như vậy. Những ai thoát khỏi thảm họa, có nghĩa là họ tốt lành, thánh thiện.’

Đức Giêsu đã quyết liệt lên án và loại bỏ lối nhìn này, vì Thiên Chúa không bao giờ cho phép những thảm họa hay bi kịch xảy ra để trừng phạt những ai tội lỗi. Ngài cũng tuyên bố rằng những nạn nhân bị chết ấy không hề tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác. Trên hết, Ngài mời gọi dân chúng hãy biết đọc ra từ những biến cố ấy một lời cảnh báo dành cho tất cả mọi người, vì ai cũng là tội nhân. Đức Giêsu khẳng đỉnh: ‘Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.’

Ngay cả ngày hôm nay nữa, khi đứng trước những thảm họa thiên tai, người ta rất dễ bị cám dỗ ‘gán’ mọi trách nhiệm cho nạn nhân, hay thậm chí là gán cho Thiên Chúa. Nhưng Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết suy tư và phản tỉnh: Chúng ta đang có ý tưởng nào về Thiên Chúa? Chúng ta có thật sự nghĩ rằng Thiên Chúa là như thế không? Đó không phải chỉ là một sự phóng chiếu của chúng ta thôi ư, một Thiên Chúa được dựng nên theo tưởng tượng và hình dung của con người mà thôi? Trái lại, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy biến đổi con tim, thực hiện một cuộc hoán cải tận căn trong hành trình cuộc sống của chúng ta, hoàn toàn dứt bỏ những thỏa hiệp với sự dữ, với sự giả hình; để thực sự bước đi trên con đường Tin Mừng. Nhưng một lần nữa chúng ta lại có cám dỗ biện minh cho chính mình: ‘Chúng ta sẽ phải hoán cải từ đâu đây? Bởi vì, chúng ta là những người tốt lành. Chúng ta là những tín hữu. Chúng ta tuân giữa và thực hành đạo nghĩa cũng đầy đủ lắm mà.’ Chúng ta vẫn hay thường biện minh cho mình như thế.

Đáng tiếc là mỗi người chúng ta lại giống như cái cây trong vườn mà qua năm này tháng nọ không cho ông chủ thấy được dấu hiệu có thể trổ sinh hoa trái. Nhưng chúng ta cũng may mắn, vì Đức Giêsu như một Người Làm Vườn, với lòng kiên nhẫn vô ngần, đã xin ông chủ gia hạn thêm cho cây vả: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. […] May ra sang năm nó có trái. (x. câu 9).’ Một ‘năm’ của ân sủng là thời gian để Đức Kitô chăm sóc, vun xới; là thời gian của Giáo hội trước khi Đức Kitô lại đến trong vinh quang và cũng là thời gian của đời sống chúng ta, cách đặc biệt là những ngày tháng mùa Chay mà chúng ta được ban tặng như là cơ hội để ăn năn sám hối và được cứu độ. Một năm ân sủng ấy cũng là thời gian của Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Bởi vậy, sự kiên nhẫn vô cùng vô tận của Đức Giêsu và mối bận tâm liên lỉ của Ngài dành cho tội nhân phải khơi lên trong chúng ta một sự băn khoăn trăn trở khi đối diện với chính mình! Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng đó lại là một việc khẩn thiết và phải làm ngay bây giờ! Trong những giờ khắc cuối cùng, lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta.

Anh chị em hãy nhớ lại câu chuyện nho nhỏ về thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, khi thánh nữ cầu nguyện cho một phạm nhân bị kết án tử hình. Ông không muốn lãnh nhận sự hòa giải của Giáo hội, không muốn gặp linh mục giải tội. Ông chỉ muốn chết trong tình trạng như thế. Trong tu viện, thánh Tê-rê-sa vẫn hằng liên lỷ cầu nguyện cho ông. Và khi người đàn ông này bước ra pháp trường, trong giây phút chuẩn bị hành hình, ông đã quay về phía vị linh mục và cầm lấy Thánh giá mà hôn. Đó chính là lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Và lòng nhẫn nại ấy cũng dành cho mỗi người chúng ta. Đã biết bao lần, khi chúng ta sắp sa ngã, Thiên Chúa luôn có mặt ở đó để nâng đỡ và cứu vớt chúng ta. Thiên Chúa cứu chúng ta vì Ngài có tình yêu thương nhẫn nại vô hạn dành cho chúng ta. Hoán cải không bao giờ là quá trễ, nhưng phải nhanh lên, phải thực hiện ngay bây giờ. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay.

Xin Đức Trinh Nữ Maria gìn giữ chúng ta, giúp chúng ta biết  mở cửa tâm hồn trước ân sủng và lòng xót thương của Thiên Chúa. Xin Mẹ giúp chúng ta đừng bao giờ xét đoán người khác những biết đặt mình trước những biến cố không vui, những điều không may mắn, những thảm họa trong cuộc sống thường ngày để xét mình cẩn thận và nhờ đó mà ăn năn hoán cải.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.  

Cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện và mời gọi anh chị em cầu nguyện cho những người phải di cư, tị nạn vì chiến tranh và trong những hoàn cảnh vô nhân đạo khác. Đặc biệt là ở Hy Lạp và một số quốc gia, người dân đang gặp khó khăn và chờ đợi viện trợ. Đồng thời, tôi cũng đang hy vọng những tin tức tốt lành của việc chấm dứt chiến sự tại Syria. Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện để cánh cửa cơ hội này có thể mang đến hy vọng cho những người đau khổ, thúc đẩy những trợ giúp nhân đạo cần thiết và mở ra những cuộc đối thoại cho những người yêu chuộng hòa bình.

Tôi cũng bày tò niềm cảm thông và sự gần gũi với những người thuộc quần đảo Fiji, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão tàn khốc. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và cho những người tham gia vào các hoạt động cứu trợ.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia

Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn doanh nhân Italia

VATICAN. ĐTC kêu gọi các doanh nhân và chủ xí nghiệp đặt con người ở trọng tâm các hoạt động của mình và cổ võ sự can dự của nhiều người vào công trình chung, kể cả những người yếu thế.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 27-2-2016, tại Đại thính đường Phaolô 6 dành cho 7 ngàn doanh nhân và chủ xí nghiệp Italia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập Liên hiệp các công nghệ Italia (Confindustria), một vị Giáo Hoàng tiếp kiến các thành viên tổ chức này.

Chiều thứ sáu 26-2 trước đó, cách doanh nhân đã tham dự một hội nghị tại Học viện Augustinianum cạnh Vatican về chủ đề ”cùng nhau hành động”, do Liên hiệp các công nghệ Italia tổ chức, bàn về tương quan giữa luân lý đạo đức và lao công.

Đi từ chủ đề đó, ĐTC nói: ”cùng nhau hành động”, có nghĩa là đầu tư vào những dự án biết làm cho cả những người nhiều khi bị lãng quên hoặc lơ là được tham gia. Trong số những người ấy có các gia đình, và những thành phần yếu thế nhất và bị gạt ra ngoài lề, như những người già vẫn còn có thể diễn tả tài năng và nghị lực để cộng tác tích cực, nhưng nhiều khi họ bị gạt bỏ như những người vô ích và không sản xuất được… Và phải nói gì về tất cả những công nhân trong tiềm năng, nhất là những người trẻ, nhiều khi phải chịu tình trạng công ăn việc làm bấp bênh, hoặc bị thất nghiệp dài.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tất cả những lực lượng ấy có thể tạo nên sự khác biệt đối với một xí nghiệp đặt con người ở nơi trung tâm hoạt động của mình, đặt chất lượng tương quan của mình, sự dấn thân chân thành trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, cho tất cả mọi người. Thực vậy, ”Cùng nhau hành động” có nghĩa là bố trí công việc không phải trên một thiên tài đơn độc của một cá nhân, nhưng trên sự cộng tác của nhiều người, nói khác đi, đó là liên kết với nhau để đề cao những năng khiếu của tất cả mọi người, không bỏ qua đặc tính có một không hai của mỗi người. Nơi trung tâm của mọi xí nghiệp của anh chị em, cần có con người, không phải con người trừu tượng, lý thuyết, nhưng con người cụ thể với những ước mơ, những nhu cầu, hy vọng và cơ cực của họ”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khẳng định rằng ”Đứng trước bao nhiêu hàng rào bất công, cô đơn, nghi kỵ và ngờ vực vẫn còn được người ta dựng lên thời nay, thế giới lao động, nơi mà anh chị em chiếm vị thế hàng đầu, được kêu gọi thực hiện những bước can đảm, để khẩu hiệu ”họp nhau và cùng nhau hành động” không phải chỉ là một khẩu hiệu, nhưng là một chương trình cho hiện tại và tương lai.

”Ước gì con đường chủ yếu của anh chị em luôn luôn là công lý, từ bỏ mọi những lối đi tắt với những thứ tiến cử và thiên vị, những lệch lạc nguy hiểm do sự bất lương và thái độ thỏa hiệp dễ dàng. Ước gì qui luật tối thượng trong mọi sự là quan tâm đếnphẩm giá của tha nhân, là giá trị tuyệt đối và không thể tùy tiện sử dụng. Ước gì chân trời vị tha này là đặc điểm trong sự dấn thân của anh chị em: nó sẽ làm cho anh chị em quyết liệt không để phẩm giá con người bị chà đạp nhân danh những đòi hỏi của việc sản xuất, che đậy sự thiển cận cá nhân chủ nghĩa, sự ích kỷ buồn thảm và sự khao khát lợi lộc. Ước gì xí nghiệp mà anh chị em đại diện luôn cởi mở đối với ý nghĩa bao quát của cuộc sống, giúp nó thực sự phục vụ công ích, với nỗ lực làm gia tăng và làm cho mọi người được hưởng những thiện ích của thế giới này” (E.V, 203)

G. Trần Đức Anh OP – vatican Radio

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm cai nghiện ”Thánh Carlo”

Đức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm cai nghiện ”Thánh Carlo”

Đức Thánh Cha viếng thăm Trung Tâm cai nghiện ”Thánh Carlo”

ROMA. Chiều thứ sáu 26-2-2016, ĐTC đã đến viếng thăm một trung tâm cai nghiện ma túy và nói chuyện trong 2 tiếng đồng hồ với 60 người gồm các bạn trẻ đang cai nghiện, các nhân viên và những người thiện nguyện.

Cuộc viếng thăm không được thông báo trước cho báo chí và nằm trong khuôn khổ một việc bác ái ĐTC thực hiện mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ 6 trong Năm Thánh Lòng thương xót.

Trung tâm cai nghiện mang tên thánh Carlo và tọa lạc gần Castel Gandofo, cách Roma khoảng 25 cây số và thuộc tổ chức ”Trung tâm Italia Liên đới”, gọi tắt là CES, của cha Mario Picchi. ĐGH Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 cũng đã viếng thăm tại đây.

Tháp tùng ĐTC trong cuộc viếng thăm có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng là cơ quan đặc trách về Năm Thánh Lòng thương xót.

Cuối cuộc viếng thăm, ĐTC đã tặng cho mỗi người hiện diện tấm ảnh Đức Mẹ Lujan bổn mạng Argentina. Biến cố này gây ngạc nhiên và vui mừng rất lớn cho mọi người ở Trung Tâm.

Một tham dự viên kể với phái viên đài Vatican: ”ĐGH bước vào cổng Trung Tâm mà không ai biết gì. Đó thực là một cuộc gặp gỡ rất cảm động, cùng với những tiếng cười vui, những câu hỏi của các bạn trẻ và những câu trả lời sâu xa của Ngài về đức tin, về Tin Mừng, sự đau khổ. Ngài đã thực sự mang lại lòng từ bi thương xót, lòng can đảm và khích lệ vào Trung tâm này, từ nhiều năm vẫn hoạt động để giúp các bạn trẻ nghiện ngập cai nghiện và tái hội nhập vào xã hội.”

ĐTC khuyến khích các bạn trẻ đừng để ”ung thư ma túy” chiếm đoạt và làm tiêu hao. Ngài nhắc nhở họ rằng con đường họ đã bắt đầu ở trung tâm này là một cơ hội đích thực để bắt đầu lại một cuộc sống đáng sống.

Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC cũng ăn pizza với mọi người. (RG 26-2-2017)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về bác ái

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về bác ái

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về bác ái

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu và các tổ chức từ thiện bác ái của Giáo Hội ngày càng biểu lộ chân lý Thiên Chúa yêu thương con người!

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 26-2-2016, dành cho 200 tham dự viên Hội nghị quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, tổ chức tại Vatican, với chủ đề ”Đức bác ái không bao giờ tàn. Các viễn tượng 10 năm sau Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình thương), của ĐGH Biển Đức 16.

ĐTC khẳng định rằng ”Thông điệp 'Thiên Chúa là Tình Thương' nhắc nhở chúng ta rằng đức bác ái muốn được phản ánh ngày càng nhiều hơn trong đời sống của Giáo Hội. Tôi mong ước sao cho mỗi người trong Giáo Hội, mỗi tổ chức, mỗi hoạt động đều biểu lộ sự kiện Thiên Chúa yêu thương con người! Sứ mạng mà các tổ chức bác ái chúng ta thi hành là điều quan trọng, vì giúp đưa bao nhiêu người nghèo tiến tới một cuộc sống xứng đáng hơn, nhân bản hơn, đó là điều rất cần thiết, nhưng sứ mạng này cũng đặc biệt quan trọng, vì không phải bằng lời nói, nhưng bằng tình thương cụ thể, làm cho mỗi người cảm thấy mình được Thiên Chúa Cha, Chúa Con yêu thương, và vận mạng của họ là được sự sống đời đời cùng với Thiên Chúa”.

ĐTC nói thêm rằng “Mỗi hình thức yêu thương, liên đới, chia sẻ của chúng ta chỉ là một phản ánh tình thương là chính Thiên Chúa. Chúa không bao giờ mệt mỏi đổ trong việc tràn tình thương của Người trong chúng ta và chúng ta được kêu gọi trở thành chứng nhân về tình thương ấy trên thế giới. Vì thế chúng ta phải nhìn tình thương của Thiên Chúa như địa bàn hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, trước khi dấn thân trong mỗi hành động. Tại đó chúng ta tìm được phương hướng, từ đó chúng ta học cách phải nhìn anh chị em và thế giới như thế nào”.

Trong số các tham dự Hội nghị của hội đồng Cor Unum có đại diện của các HĐGM và các tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế. Từ Việt Nam có Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, GM Phụ tá giáo phận Long Xuyên.

Xót, với mục đích cứu xét và đào sâu những viễn tượng thần học và mục vụ của Thông điệp đối với thế giới ngày nay, đặc biệt trong tương quan với công việc của những người hoạt động trong lãnh vực từ thiện bác ái của Giáo Hội. Tham dự Hội nghị này có đại diện của các HĐGM và các tổ chức bác ái Công Giáo quốc tế.

Lúc 9 giờ sáng 25-2-2016, trong buổi khai mạc, sau lời chào của Đức Ông Giampietro Dal Toso, Tổng thư ký Hội đồng Cor Unum, ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã thuyết trình mở đầu về đề tài: ”Thông điệp Thiên Chúa là Tình Thương: đọc dưới khía cạnh thần học”. Tiếp theo đó là các bài tham luận của một số nhân vật như ông Michel Thio, Chủ tịch Liên hiệp quốc tế các Hội bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô. Ban chiều có những bài tham luận của các vị đại diện các tôn giáo độc thần như Do thái giáo, Hồi giáo, v.v.

Ngày 26-2-2016, ĐHY Luis Antonio Tagle, TGM Manila, Chủ tịch Caritas quốc tế, nói về đề tài: ”Tầm quan trọng của Thông điệp ”Thiên Chúa là tình thương” đối với việc phục vụ bác ái của Giáo Hội ngày nay”. Sau đó là phần trình bày chứng từ.

Ban chiều ngày 26-2-2016, có một số bài tham luận khác, trước khi có thánh lễ tại nhà nguyện Học viện Đức quốc ở Nội thành Vatican do ĐHY Paul Cordes, nguyên chủ tịch Hội đồng Cor Unum chủ sự. (SD 26-2-2106)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Ơn được nhìn thấy những người nghèo khổ đang gõ cửa tâm hồn

Thánh lễ sáng thứ 5, ngày 25.02, tại nguyện đường thánh Marta

VATICAN.“Lòng tin đích thật sẽ giúp chúng ta nhìn thấy những người nghèo khổ. Chính ở đó, Đức Giêsu đang gõ cửa tâm hồn chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 5, ngày 25. 02, tại nguyện đường thánh Marta.

Những Kitô hữu trong bong bóng phù vân

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu đã nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn về một ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình và ông không nhận ra có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọn đầy mình, đang nằm trước cổng nhà ông. Khởi đi từ bài Tin Mừng đó, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người hãy tự hỏi mình xem: "Tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường giả dối, chỉ biết nói suông, hay tôi là một Kitô hữu đang bước đi trên con đường sự sống, tức là con đường của hành động, của thực hành?’ Ông nhà giàu kia chắc chắn đã tuân giữa tất cả mọi giới răn, mỗi ngày sa-bát đều đến hội đường và mỗi năm một lần đều lên đền thờ. Chắc chắn ông là một tín hữu sùng đạo.

Nhưng ông lại là một người khép kín, tự khóa mình trong một thế giới nhỏ bé riêng tư – thế giới của những ngày yến tiệc linh đình, của lụa là gấm vóc, của những phù phiếm sa hoa – một con người khép kín trong những bong bóng phù vân. Ông không có khả năng nhìn thấy những điều khác nhưng chỉ bó hẹp trong thế giới riêng của mình. Ông không nhận thấy những gì đang diễn ra bên ngoài thế giới đóng kín của ông, không nghĩ đến nhu cầu của rất nhiều người và sự cần kíp của biết bao kẻ đang ốm đau, bệnh tật. Ông chỉ nghĩ đến mình, đến sự giàu sang và cuộc sống êm ấm của mình.

Người nghèo chính là Thiên Chúa đang gõ cửa tâm hồn chúng ta

Ông nhà giàu rõ ràng là một tín hữu mộ đạo, nhưng lại không nhìn thấy những con người khốn khổ xung quanh. Bởi vì ông đóng kín trong chính mình. Có những người đang ở ngay trước cổng nhà nhưng ông không hề nhìn thấy. Ông đã bước đi trên con đường dẫn đến sự giả dối, vì ông chỉ tin tưởng vào chính mình, vào của cải của mình chứ không hề đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Như thế, ông chẳng để lại cho đời được gia sản gì. Và một điều khiến chúng ta tò mò là ông không hề có tên tuổi. Tin Mừng chỉ đề cập đến ông bằng một tính từ chung chung: ‘ông nhà giàu kia’. Như thế, tên tuổi của chúng ta cũng sẽ tiêu tan đi, chỉ còn là một tính từ mô tả nếu chúng ta mất đi căn tính và sức mạnh nội tâm của mình.

Ông nhà giàu là hình ảnh tượng trưng cho những người giàu có, quyền lực, có thể làm được mọi chuyện. Ông cũng là hình ảnh của những linh mục chức nghiệp, của những giám mục chức nghiệp. Nhiều lần trong đời, có những người xuất hiện với chúng ta chỉ bằng những tính từ mô tả chứ không phải bằng tên, vì họ không còn căn tính nữa, giống như  ông nhà giàu trong Tin Mừng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Thiên Chúa là Cha nhân từ có dủ lòng thương xót ông nhà giàu này không? Thiên Chúa có gõ cửa đánh động tâm hồn ông không?’ Tôi nghĩ là có. Ngay trước cửa nhà ông, Chúa đã gởi đến La-da-rô, một người có tên tuổi. Anh La-da-rô với những khó khăn, thiếu thốn và bệnh tật chính là Thiên Chúa đang gõ cửa nhà ông. Nếu ông biết mở cửa, lòng thương xót Chúa sẽ đi vào. Nhưng không! Ông đã không nhìn thấy anh La-da-rô khốn khổ này. Ông đã đóng kín mình lại. Đối với ông, bất cứ ai, bất cứ điều gì ở bên ngoài cánh cửa thì chẳng là gì hết.

Ơn được nhìn thấy người nghèo

Chúng ta đang ở trong Mùa Chay Thánh. Và thật là hữu ích nếu chúng ta cũng biết hỏi mình rằng: ‘Tôi đang bước đi trên con đường sự sống hay con đường dẫn tới giả dối? Đã bao nhiêu lần tôi đóng cửa tâm hồn mình lại? Đâu là niềm hoan lạc của tôi: nói suông hay hành động? Tôi có dám bước ra khỏi chính mình để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân không? Bởi vì đó chính là hành vi của lòng thương xót. Hay niềm vui của tôi là tất cả mọi sự đã được định sẵn rồi và tôi tự đóng kín trong chính mình?’ Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được nhìn thấy những La-da-rô trong cuộc đời hiện tại của chúng ta, đang nằm trước cửa nhà chúng ta. Những anh La-da-rô ấy đang gõ cửa tâm hồn chúng ta. Và nếu chúng ta biết mở cửa và bước ra khỏi chính mình với lòng quả đại và thái độ cảm thương, thì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đi vào tràn ngập tâm hồn chúng ta."

Vũ Đức Anh Phương, SJ